Pham Ton’s Blog

Tháng Năm 26, 2011

Đặt vấn đề với ông Nguyễn Văn Trung về văn học và chính trị (phần 4)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:01 chiều

Blog PhamTon, tuần 1 tháng 6 năm 2011.

ĐẶT VẤN ĐỀ VỚI ÔNG NGUYỄN VĂN TRUNG

VỀ VĂN HỌC VÀ CHÍNH TRỊ

Ái Linh

Lời dẫn của Phạm Tôn: Bài báo này của bạn Ái Linh đăng trên mục Nói hay Đừng của báo Tự Do (Sài Gòn) từ ngày 11/11 đến ngày 2/12 năm 1962.

Chúng tôi đăng lại trên blog để bạn đọc quan tâm đến văn học nước nhà rộng đường tham khảo về một vấn đề lớn từng xảy ra trong những năm 1930 và dư âm còn kéo dài mãi đến những năm 60 thế kỷ trước và xem ra còn đến cả những năm đầu thế kỷ 21 của chúng ta nữa.

Vì bài khá dài, chúng tôi chia làm nhiều phần và đặt nhan đề cho từng phần đó.

—-o0o—-

Phần 4: Lập trường chính trị của Phạm Quỳnh

Tuy nhiên, đem phân tích một số bài có bàn về chính trị của Phạm Quỳnh chúng ta có thể cũng thấy rõ lập trường chính trị của ông.

Phạm Quỳnh chủ trương: “Nhà văn muốn thờ nước không có cái phương tiện nào hay bằng giúp cho nước có một nền quốc văn xứng đáng”.

Ông viết trong bài luận thuyết Quốc học với Quốc văn:

Chúng tôi vẫn đinh ninh từ xưa đến nay không có quốc văn thì không sao có quốc học được, không có quốc học thì không sao có độc lập về tinh thần được, không có độc lập về tinh thần thì không sao có độc lập về chính trị được… Vậy thời phàm kẻ trí thức trong nước, đã không có cái hy vọng cho nước được độc lập về chính trị thì chớ, nếu quả có cái hy vọng ấy thì trước phải cầu cho nước được độc lập về tinh thần, muốn cho nước được độc lập về tinh thần thì phải cầu cho nước có một nền quốc học, muốn cho nước có một nền quốc học thì trước phải gây cho nước có quốc văn. Đó là cái chủ nghĩa của tôi bấy lâu nay, mà là cái tín điều thứ nhất trong đạo Quốc gia của tôi vậy”. (Nam Phong  số 164 tháng 7/1931)

Vì những vụ biến động xảy ra hồi đầu năm 1930 (tức Khởi nghĩa Yên Bái – PT chú) đã gây nhiều xáo động trong chính giới nước Pháp, tháng 9/1931, viên Tổng trưởng Thuộc địa Pháp Paul Reynaud đích thân sang Việt Nam quan sát tình thế. Trong buổi tiếp đón long trọng, ông Bùi Quang Chiêu đọc diễn văn, Paul Reynaud nghe xong đáp lại, có nói một câu: “Nghe lời diễn thuyết của ngài mà tôi ngờ trong hai chúng ta đây có lẽ ngài Tây hơn tôi…”

Ông Phạm Quỳnh đã viết một bài thấm thía về vụ này tựa là Quốc học với Chính trị, đăng trong Nam Phong số 165, tháng 8,9/1931. Muốn hiểu chí hướng của Phạm Quỳnh, tưởng nên đọc lại kỹ bài này, xin trích dẫn một vài đoạn: “Nếu quả lời nói ấy phải , nếu một vị lãnh tụ Việt Nam mà lại Tây hơn người Tây thì thôi, vấn đề quốc học còn phải bàn làm chi nữa. Chúng ta chỉ nên hoá theo người Tây hết cả, mà lấy quốc học của nước Pháp làm quốc học của ta, vì nước Pháp sẽ không những là mẫu quốc về chính trị của ta, mà lại là mẫu quốc về tinh thần của ta nữa. Bây giờ con em trong nước ta học sử Tây, có thể đọc thuộc lòng câu: “Tổ tiên ta là giống Gô-Loa…” mà không ngượng miệng vậy. Nhưng than ôi! bấy giờ hồn bà Trưng, bà Triệu, vua Lê Tổ, vua Quang Trung dưới chín suối cũng phải xót xa mà than khóc cho lũ con cháu vô loài này.”

Phạm Quỳnh minh xác thái độ:

Không bao giờ tôi biến thành người Pháp được. Người Pháp là người Pháp. Tôi vẫn là Tôi…Thiết tưởng cái tâm lý đó cũng là cái tâm lý chung của tất cả người biết nghĩ trong nước ta… Bởi thế nên ta thiết tha về vấn đề quốc học là ta muốn mua cách độc lập về tinh thần, muốn giữ lấy cái cốt cách Việt Nam của ta, không để cho nó đồng hoá theo người mất. Vì một nước, một dân đã đến mất cả cốt cách tinh thần thì không còn mong thành lập được nữa” .

Phạm Quỳnh nêu về sau (từ 1932) có chính thức ra làm chính trị thì cũng vẫn là trong cái chí phụng sự quốc gia. Ta hãy nghe ông nói : “Làm chính trị phải có cái quan niệm chân chính về quốc gia, phải biết những cái nguyên tố gì có thể làm cho tinh thần quốc gia được mạnh mà trân trọng thiết tha, gia công bồi bổ vào. Nếu không mà chỉ nhất thiết nối gót theo người, không những tôn chỉ chủ nghĩa là mô phỏng của người mà đến cử động, hành vi cũng in hệt như người cả thì làm chính trị như vậy là trái với sự lợi ích cao xa của nước nhà cùng nòi giống” .

Ông nhận định rõ rệt :

“… Việc cải cách về tinh thần là gồm ở vấn đề quốc học, việc cải cách về chính trị là gồm ở vấn đề lập hiến” .

Ông không biện hộ cho chế độ thuộc địa của thực dân như ông Nguyễn Văn Trung đã tưởng, trái lại ông phản đối chính sách ấy, hãy nghe ông mỉa mai những kẻ muốn Tây hơn Tây :

Chỉ xin quí quốc mở trường cho nhiều để dạy tiếng Tây cho dân ta, phái quan lại sang cho nhiều để cai trị dân ta, về đường giáo dục thi hành cái chính sách đồng hoá, về đường chính trị thi hành cái chính sách trực trị, cho nước ta chóng thành một cái thuộc địa hoàn toàn như các thuộc địa cũ của nước Pháp : Guadeloupe, Reunion vậy…” .

Nhưng muốn theo cái chủ nghĩa quốc gia chân chính, thì hai vấn đề đó là cần.

Về đường tinh thần, phải gây lấy một nền quốc học xứng đáng.

Về đường chính trị phải ban bố một cái hiến pháp phân minh. Quốc học là để bồi bổ cốt cách tinh thần trong nước, Hiến Pháp là để định rõ quyền chính trị trong nước, hai đàng đều là để tổ chức lấy một đời quốc gia (vie nationale) cho có thể thống… Cho nên chính trị với học thuật vẫn là liên can với nhau. Cái chính trị quận huyện, cái chính trị kiêm tính diễn ra chính sách đồng hoá và chính sách trực trị, là chính trị  hại cho quốc học, là chính trị tiệt diệt quốc học, vì là chính trị giải tán quốc gia. Trái lại thời lợi cho quốc học là chính trị lấy quốc gia Việt Nam làm bản vị ” .

Nhân Paul Reynaud ra Bắc, ông Phạm Quỳnh viết một bài đăng báo Nam Phong, số 166, tháng 10/1931, nhan đề : Bức thư ngỏ gửi Quan Thuộc Địa Tổng trưởng (thư này cũng đăng trong báo France Indochine ngày 6/11/1931). Ông giải rõ cho Paul Reynaud biết cái phong trào đòi tự quyết của dân Việt Nam. Xin kể ra vài đoạn :

Về phương diện quốc gia thì sự khủng hoảng ấy có thể tóm lại một câu như sau : Chúng tôi là một dân tộc đương đi tìm tổ quốc mà chưa thấy tổ quốc đâu. Tổ quốc ấy đối với chúng tôi không thể là nước Pháp được”.

Báo Nam Phong số 167, tháng 11,12/1931 lại đăng bài rất dài do ông Dương Bá Trạc viết, nhan đề Lời điều trần cùng quan Thuộc địa Thương thư. Độc giả có thể xem thêm để rõ về đường lối chính trị nhóm Nam Phong tạp chí.

Trong thời kỳ nước ta chịu sự bảo hộ của người Pháp, những thái độ chính trị của người Việt đối với Pháp không chỉ đơn giản có đen với trắng : Chống hoặc theo. Buổi đầu Cần Vương kia thì có thể bảo như vậy. Nhưng tới thế hệ Phạm Quỳnh, mọi việc đã khác. Những nhà ái quốc lớp đầu, lớp sau thiết tưởng chủ trương đường lối của họ cũng có khác đấy chứ ! Người ta mở rộng tầm mắt nhìn sang nước người để cố tìm một giải pháp thích hợp với trạng huống nước mình, sau bao thất bại liên tiếp. Lập trường của Phạm Quỳnh đã rõ rệt : Ông chủ trương Pháp – Việt Đề Huề, Việt Nam theo chế độ quân chủ lập hiến, người Pháp phải trả quyền tự trị cho Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng hiệp tác với Pháp trong một cộng đồng kinh tế chung. Lời nói và việc làm của ông Phạm Quỳnh trong lãnh vực văn học cũng như trong lãnh vực chính trị luôn đi đôi, không thấy gì là khuất khúc cả, ta phải công bằng nhìn nhận thế, dù ta không đồng quan điểm chính trị với ông.

Về chính trị, thiết tưởng ta không nên trách mà cũng không cần trách chủ trương quân chủ lập hiết của Phạm Quỳnh cũng như ta không thể đòi hỏi các cụ đời xưa tuyên bố chính thể Cộng hoà vậy. Như thế mới thực là đặt mình vào hoàn cảnh lịch sử thời đó mà phê phán.

Về văn học, không nên làm con chuột đẻ ra trái núi, dựa vào một giả thiết chính trị không hề chứng minh để phủ nhận giá trị xây dựng của Phạm Quỳnh, người đã có công đặt được một nền móng kiên cố cho kim văn cho đến nay e rằng chưa ai đã có được một văn nghiệp vững vàng như thế. Vả chăng, nếu như đem trình độ này nhìn vào những bài biên khảo viết từ thuở ta chưa ra đời, ta có thấy còn khiếm khuyết thì đó cũng là lẽ thường. Chính trong lời Tự ngôn của Phạm Quỳnh khi cho in bộ Thượng Chi Văn Tập, ông cũng đã nói : “Quốc văn sau này còn tấn tới nhiều, quốc học sau này còn mở mang rộng. Nhưng cái bước đầu khó khăn cũng nên ghi nhớ lấy, để có thể so sánh trước sau hơn kém thế nào. Sau hơn trước là lẽ cố nhiên, nhưng có trước mới có sau, thời trước đối với sau cũng không phải là tuyệt vô quan hệ. Cho nên tôi cũng vui lòng lựa lấy ít nhiều bài gọi là nghe được, cho in thành sách đề là Thượng Chi Văn Tập để cống hiến các độc giả có bụng chiếu cố”.

Ta thấy rõ, Phạm Quỳnh không hề cho rằng sau này không thể ai hơn ông. Ở một dịp khác, ông cũng đã khiêm tốn tỏ bày :

Tôi thiết tưởng bọn chúng tôi cũng đã cố gắng lắm. Nếu quả làm không nên, thôi xin cũng khoan dung cho. Nên khoan dung cho người trước, và nếu có tài cán thời cố làm cho hay hơn lên. Nhưng phải nên nhớ rằng phàm làm gì mà trái với tổ tiên đất nước nhà, là chuyện hão huyền vô bổ cả, chỉ khiến cho mình tự dối mình và làm tiêu mất cả cái nhuệ khí vậy”. (Trích bài Chuyện tâm tình, Nam Phong, số 172, tháng 5/1932)

A.L.

Thư bạn đọc tuần 1 tháng 6

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:00 chiều

Blog PhamTon, tuần 1 tháng 6 năm 2011.

THƯ BẠN ĐỌC

Cụ Phạm Quỳnh đang được LỊCH SỬ ĐÁNH GIÁ LẠI

 Sau khi đọc bài Phạm Quỳnh dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh trên Blog PhamTon tuần 3 tháng 5 năm 2011, bạn Hiền Giang thư điện tử tieuanh203@gmail.com đã gửi email cho chúng tôi hồi 14:38 ngày 13/5/2011. Toàn văn như sau:

“Không chỉ là giàu lòng trắc ẩn mà tất cả những người đương thời đã biết cụ Phạm Quỳnh, những lớp hậu sinh đã được đọc những Văn phẩm của Cụ, những bài viết về Con người và Cuộc đời Cụ đều ngưỡng mộ và không khỏi ngậm ngùi , cay đắng, xót xa với một nỗi niềm tiếc nuối…

“Đã qua đi già nửa thế kỷ sau cái chết oan nghiệt của Cụ, giờ đây được đọc các bài viết của các bậc học giả, các nhân sỹ trí thức, các nhà sử học…tôi /chúng tôi hy vọng rằng lời của Bác Hồ trước đây sớm thành sự thật: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này“.

Rất rất mong rằng hai từ “sau này” sẽ không còn bị để kéo dài lâu hơn nữa, không thể để đến “…tam bách dư niên hậu” như trong một câu của cụ Nguyễn Du ngày trước.

Sứ mệnh / trách nhiệm này phải chăng hơn ai hết là của các nhà sử học chân chính, của các nhân sỹ trí thức, của các vị chức trách có quyền hạn trong nhà nước?!

“Bài viết: Phạm Quỳnh dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh Hồ Chủ tịch của Đại tá Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan đã cho tôi/ chúng tôi thêm hy vọng…Vì những bài viết như thế này sẽ giúp chúng tôi nghĩ và tin chắc rằng: Cụ Phạm Quỳnh đang được LỊCH SỬ ĐÁNH GIÁ LẠI.”

Blog PhamTon

Cùng bạn đọc tuần 1 tháng 6 năm 2011

Filed under: Liên hệ — phamquynh @ 3:59 chiều

Tháng Năm 19, 2011

Hồ Chí Minh trọng dụng nhân tài

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:07 chiều

Blog PhamTon, tuần 4 tháng 5 năm 2011.

Kỷ niệm 121 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh

HỒ CHÍ MINH TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI

Nguyễn Trung

Trong số Tết Tân Mão (2011), tạp chí Thanh Tra – Chủ nhật đã đăng bài của Đại tá Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan nhan đề Cách dùng người của Đảng và Bác Hồ. Trong bài, ông có trích tư liệu của nhà văn Sơn Tùng Về mối thân tinh giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với Thượng Chi – Phạm Quỳnh.

Phần đó như sau:

“Nhà văn Sơn Tùng đã ghi lại lời của Vũ Đình Huỳnh, Bí thư tâm phúc của Bác Hồ từ tháng 8/1945 đến cuối năm 1953 như sau: Bác Hồ rời Tân Trào, Tuyên Quang, Việt Bắc làm việc ở Bắc Bộ phủ, 12 phố Ngô Quyền. Một phái đoàn trung ương, ông Nguyễn Lương Bằng, ông Trần Huy Liệu, ông Cù Huy Cận đã vào Huế dự lễ Vua Bảo Đại thoái vị. Hôm phái đoàn lên đường rồi, Hồ Chủ tịch mới về Hà Nội. Như chợt nhớ, Người nói với ông Võ Nguyên Giáp, Ủy viên thường vụ trung ương Đảng, Tổng Chỉ huy quân đội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), Thứ trưởng; ông Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam; Vũ Đình Huỳnh: “Chú Bằng, chú Liệu, chú Cận vô Huế  rồi mình mới về thì đã trễ, giờ chú Nam hoặc xem ai thay được chú Nam vô Huế, gặp cụ Phạm Quỳnh, trao thư tôi mời cụ… ”.

“Hai hôm sau, ông Nam báo cáo với Hồ Chủ tịch: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt…” Hồ Chủ tịch để điếu thuốc đang hút dở xuống gạt tàn, nói lửng : “Bất tất nhiên!”. Sau đó, trong buổi ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên – Huế đến làm việc với Bác tại nhà số 8, phố Vua Lê Thái Tổ và báo với Bác là: “Cụ Phạm Quỳnh đã bị khử mất rồi” thì Bác thu hai cánh tay vào sát ngực tựa lên mặt bàn, lặng ngắt một lúc… Người nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì?” Người duỗi hai tay ra mặt bàn: “Tôi đã gặp, từng giao tiếp với cụ Phạm ở Pháp! Đó không phải là người xấu”.

“Ngày 10/9/1945, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh cử ông Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại làm cố vấn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, các vị cựu thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, cựu Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, các cựu Tổng đốc Vi Văn Định, Hồ Đắc Điềm… đáp lời mời của Hồ Chủ tịch ra gánh vác việc nước.

 “Năm 1946, Hồ Chủ tịch là thượng khách thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ 31/5 – 20/9/1946), trước ngày khai mạc Hội nghị Việt – Pháp tại Fontainebleau, Bác gặp mặt cả phái đoàn ta. Hồ Chủ tịch nói với Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và các ông Đỗ Đình Thiện, Vũ Đình Huỳnh: “Lúc này còn cụ Phạm Quỳnh thì…”- Người im lặng. Ông Đồng đáp lời: “Bất tất nhiên, Bác đã nói rồi mà!…”.

Qua những lời Bác nói trong phần trích này, ta thấy rõ sự tiếc thương và cả sự phẫn nộ thất vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước việc hành quyết Phạm Quỳnh ở Huế.

Có hiểu sâu tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài, chúng ta mới hiểu vì sao Người vốn ôn hoà, hiền hậu lại có những lúc thật sự nổi giận như vậy.

Nhân kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của Người, chúng tôi may mắn được đọc trên báo Nhân Dân (16/5/2011) bài Chủ tịch Hồ Chí Minh với bài học lịch sử và kinh nghiệm trọng dụng nhân tài của Hồ Đức Việt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức trung ương và Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Xin trích đăng như sau để bạn đọc rộng đường tham khảo.

“Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố con người luôn là quan điểm, phương pháp luận quan trọng nhất; và nhân tài có vai trò to lớn, là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, ươm trồng, phát huy, trọng dụng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì nước, vì dân

(…)

“Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta đứng trước cơ hội hồi sinh, chấn hưng và phát triển, Ðảng ta trở thành đảng cầm quyền. Ðồng thời, sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc cũng phải đương đầu với nhiều thử thách khốc liệt. Hơn bao giờ hết, mọi nguồn lực của dân tộc, trong đó có nguồn lực trí tuệ và đội ngũ nhân tài cần được khơi dậy, quy tụ và phát huy. Trọng dụng nhân tài, nhất là các nhân sĩ, trí thức tài năng ngoài Ðảng khi đó có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân để đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng.

“Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã kiên quyết thực hiện và thực hiện rất thành công chủ trương trọng dụng nhân tài vì đại nghĩa dân tộc, vì sự nghiệp cách mạng. Ngày 28-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một số cán bộ lãnh đạo của Ðảng, kể cả Tổng Bí thư Trường Chinh đã tự nguyện rút lui để nhường vị trí cho một số trí thức, nhân sĩ tiến bộ có đức, có tài tham gia Chính phủ, như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Ðình Hòe, Vũ Trọng Khánh… Ðây là quyết định táo bạo và dũng cảm của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng đúng yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta khi đó và mở đường cho đội ngũ khá đông đảo nhân sĩ, trí thức tài năng, trong đó có cả những người từng làm đại quan trong triều đình Huế (Chúng tôi nhấn mạnh- NT) yên tâm đem tài năng, trí tuệ, sức lực và nhiệt huyết cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho chế độ mới. Có thể kể ra một số gương mặt tài năng tiêu biểu đã sớm đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thời đó: Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Ðoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe, Vũ Ðình Hòe, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Tùng, Hồ Ðắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Trịnh Văn Bính, Vũ Trọng Khánh…

 “Cần phải nói thêm rằng, để thu hút và trọng dụng được những trí thức, nhân sĩ tài năng như thế thì không chỉ cần có chủ trương và chính sách đúng, mà vai trò, uy tín của cá nhân Lãnh tụ Hồ Chí Minh đóng vai trò hết sức quan trọng. Người không những tự mình nêu gương sáng mà còn biết vận dụng những biện pháp, những tác động cá nhân cần thiết để thu hút, khích lệ nhân tài yên tâm cống hiến. Xin nhắc lại một vài câu chuyện mà nhiều người đã biết. Ðể mời được một nhân sĩ đức cao, vọng trọng như Cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ Liên hiệp thực không dễ dàng gì. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Khi chúng ta cử người tới mời, lúc đầu cụ tỏ ra ngần ngại. Một phần vì cụ thấy mình tuổi đã quá cao; một phần vì cụ chưa hiểu những người lãnh đạo mới “thuộc lớp trẻ này” ra sao. Ðến lúc nghe nói rõ Hồ Chủ tịch chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cụ mới quyết định ra Hà Nội’. Gặp Bác, sau khi hai người đã hiểu rõ về nhau, cùng ôn lại những ký ức cá nhân sâu đậm nghĩa tình, cụ Huỳnh đã hoàn toàn tin cậy Hồ Chủ tịch, yên tâm tham gia Chính phủ và tận tâm, tận lực vì sự nghiệp chung.” Cụ đã đặt vào Người một sự tin cậy hoàn toàn. Mặc dầu hơn tuổi Bác nhiều, nhưng khi nhắc tới Hồ Chủ tịch, cụ thường nói đó là vị “Cha già dân tộc”. (Xem cuốn sách Những chặng đường lịch sử – Võ Nguyên Giáp, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1994, trang 336-337).

“Khác với trường hợp Cụ Huỳnh, việc thu hút nhân tài là trí thức Tây học danh tiếng lại khác. Với những người trước đây đã tham gia Nội các Trần Trọng Kim như Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền…  Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tìm cách thuyết phục và tạo niềm tin, giúp họ vượt qua mặc cảm cá nhân thông qua mối quan hệ bằng hữu, anh em của họ với các trí thức nổi tiếng đã tham gia cách mạng từ trước, như: Vũ Ðình Hòe, Nghiêm Xuân Yêm, Dương Ðức Hiền, Phan Mỹ. Kết quả là cả ba vị cựu bộ trưởng nổi tiếng của Nội các cũ đã tham gia nhiệt thành Chính phủ cách mạng. Với một số trí thức tiêu biểu như Hồ Ðắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên thì Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có cách trọng dụng riêng. Cả ba vị này đều là con rể Tổng đốc Vi Văn Ðịnh, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chân thành mời Vi Văn Ðịnh tham gia kháng chiến, kiến quốc. Cảm kích trước thái độ này mà Vi Văn Ðịnh cùng đại gia đình đã vững tâm tham gia cách mạng, có nhiều cống hiến cho đất nước, cho chế độ mới.

“Chính những cách tôn vinh, trọng dụng, đối xử nhân hòa, thành thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng đối với đội ngũ nhân sĩ, trí thức tài danh đã góp phần củng cố uy tín của chính quyền cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết, cô lập các thế lực thù địch. Ðây là những minh chứng hùng hồn giúp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhận được sự ủng hộ to lớn, mạnh mẽ hơn của giới nhân sĩ, trí thức yêu nước và tiến bộ. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1946, Người đã thuyết phục thành công thêm nhiều nhân tài xuất sắc về nước tham gia kháng chiến, trong đó có những nhà khoa học tài ba như: Trần Ðức Thảo, Trần Ðại Nghĩa, Trần Hữu Tước,… Cũng nhờ chính sách trọng dụng nhân tài vì đại nghĩa mà từ khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ đến khi toàn quốc kháng chiến, cả một thế hệ văn nghệ sĩ nổi tiếng, tài hoa đã hăng hái tham gia cách mạng, đi tiên phong trên mặt trận văn hóa, xây nền đắp móng cho nền văn học nghệ thuật mới của nước nhà.

(…)

“Từ thực tiễn lãnh đạo công cuộc kháng chiến và kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng tư tưởng cho chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước. Tháng 11-1946, Người đã viết bài: Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu Quốc số 411. Toàn văn bài viết đó như sau:

Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước, lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.

Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ.

Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh”

Bài viết cực kỳ ngắn gọn, súc tích, đã tuyên bố rõ ràng chủ trương thu hút và trọng dụng nhân tài vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan trọng hơn, ở cương vị Chủ tịch Chính phủ, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, việc “trọng dụng những kẻ hiền năng” trước hết là nhiệm vụ của hệ thống chính quyền cách mạng các cấp.

(…)

“Tư tưởng và kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản vô cùng quý báu. Ngày nay, nhân loại đang tiến vào kỷ nguyên văn minh trí tuệ; đất nước ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu, thì Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta phải xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển nhân tài, sao cho mỗi người Việt Nam phát huy được tối đa tài năng và nhiệt huyết, cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp chấn hưng đất nước. Trong bối cảnh đó, tư tưởng và kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ươm trồng đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài càng sáng ngời chân lý, tiếp tục soi đường cho Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta.”

Chân thành cảm ơn các tác giả bài báo đã giúp chúng ta hiểu thấu tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài, qua đó thấm thía hơn tấm lòng của Bác Hồ với Tổ quốc và nhân dân ta.

N.T.

Đặt vấn đề với ông Nguyễn Văn Trung Về Văn Học Và Chính Trị (phần 3)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 3:56 chiều

Blog PhamTon, tuần 4 tháng 5 năm 2011 .

 

ĐẶT VẤN ĐỀ VỚI ÔNG NGUYỄN VĂN TRUNG

VỀ VĂN HỌC VÀ CHÍNH TRỊ

Ái Linh

Lời dẫn của Phạm Tôn: Bài báo này của bạn Ái Linh đăng trên mục Nói hay Đừng của báo Tự Do (Sài Gòn) từ ngày 11/11 đến ngày 2/12 năm 1962.

Chúng tôi đăng lại trên blog để bạn đọc quan tâm đến văn học nước nhà rộng đường tham khảo về một vấn đề lớn từng xảy ra trong những năm 1930 và dư âm còn kéo dài mãi đến những năm 60 thế kỷ trước và xem ra còn đến cả những năm đầu thế kỷ 21 của chúng ta nữa.

Vì bài khá dài, chúng tôi chia làm nhiều phần và đặt nhan đề cho từng phần đó.

—-o0o—-

Phần 3: Tình yêu tiếng Việt của Phạm Quỳnh

Dẫu sao như mở đầu ông Nguyễn Văn Trung đã nói đây chỉ là “Những ý kiến giả thiết của  những người bây giờ khi nhìn về một thời kỳ mà mình chưa ra đời”, chính vì thế mà có bài này và chúng tôi xin mời ông vui lòng cùng trở lại một vài câu chuyện cũ: Tìm hiểu Tình yêu tiếng Việt, yêu cái tiếng bị khinh bỉ trong tình cảnh mất nước của Phạm Quỳnh.

Cả hoài bão của Phạm Quỳnh đã đặt vào tiếng Việt. Ta sẽ thấy ông không để lỡ một dịp nào để cổ võ cho quốc văn, trong mấy chục năm trời ròng rã, ông đã tỏ ra bền bỉ theo đuổi công cuộc tài bồi cho quốc văn.

Trong một bài luận thuyết về Văn quốc ngữ, ông kêu gọi:

Ai ơi, quốc nghệ xưa kia đã thế, quốc văn sau này thế nào? Xin đồng bào ta chớ nhãng bỏ, chớ khinh rẻ văn quốc ngữ. Cái tương lai ta ở đó”. (Nam Phong số 2 năm 1917).

Phạm Quỳnh lý luận trong bài Bàn về thơ nôm:

Vơ vẩn tơ vương hồn Đại Việt

Thanh tao thép lột giọng Hàn Thuyên”.

Giọng Hàn Thuyên!… Hồn Đại Việt!….hai câu ấy thực là gồm cả cái lòng hi vọng tối thiết của bọn ta.

Than ôi! vì sao mà ta khắc khoải trong lòng, ta băn khoăn trong dạ, vì sao mà ta mong mỏi mà trữ thương? Chẳng phải là từ xưa đến nay ta chưa từng được đem cái giọng Hàn Thuyên này mà diễn cái hồn Đại Việt kia dư? Cùng một tiếng khóc, cùng một giọng cười, mà sao giọng cười tiếng khóc bằng cái lời họ Hàn kia nó cảm ta như thế? Là bởi trời sinh ra ta để nói cái lời ấy, trời sinh ra cái lời ấy để ta nói, ta nói bằng lời ấy mới nói được lòng ta, nói bằng lời khác là nói những sự không thực cả.

Trong trời đất chỉ có lời ấy với ta, ta với lời ấy là có cái duyên nợ ba sinh vậy”. (Nam Phong số 5, 1917).

Ông tỏ bày tin tưởng rõ rệt ở sự trường tồn của quốc gia, nếu giữ được ngôn ngữ “Nước sống về tiếng nói, tiếng nói còn, nước không thể mất được, tiếng nói đã mất, nước cũng khó lòng còn” (Nam Phong số 22), “tiếng là nước, tiếng còn thì nước còn, tiếng mất thì nước mất, mà mất đó mới thật là mất hẳn không sao vãn hồi được nữa.” (Nam Phong, số 101). Vì cái vấn đề văn quốc ngữ vốn là một sự khổ tâm cho Phạm Quỳnh, ông vui lòng, sốt sắng luận bàn về các việc có quan hệ đến quốc văn, chỉ đối với những bài ông xét ra không ích lợi gì cho học vấn, tư tưởng ông mới không tiếp lời. Tưởng cũng nên nói thêm, Phạm Quỳnh ở đời tư dù ít tuổi, nhưng đã tỏ ra hết sức đúng mực trong tính tình cũng như trong văn chương. Một người trẻ tuổi như thế đã kết hợp được những bậc túc nho tuổi tri thiên mệnh cộng tác trong bấy nhiêu năm trời góp công xây dựng văn học, ta không thể phủ nhận tấm lòng nhiệt thành chân thực của ông.

Trong một buổi diễn thuyết về Ca dao Tục ngữ Việt Nam, Phạm Quỳnh phân tích những cái hay, cái đẹp của văn chương bình dân, ông nhắc nhở mọi người: “dù ta học chữ Tây hay chữ Tàu, ta cũng chớ nên quên tiếng tổ quốc là cái tiếng từ khi lọt lòng ta đã học nói, và đến khi hấp hối chết cũng còn nói. Ta nên nhớ câu ca dao của nước nhà:

“Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Các ngài ơi!

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Tiếng của Tổ Quốc thời thương lấy cùng.”

Có một cái nghi vấn ông Nguyễn Văn Trung đặt ra, chúng tôi thấy không hợp lẽ. Ông cũng thắc mắc:

Nếu Phạm Quỳnh đã theo Pháp, cộng tác với Pháp thì phải đả Truyện Kiều, hay ít ra, làm ngơ để chỉ ca tụng văn hóa thái Tây và Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng phải ca tụng Truyện Kiều văn chương Việt Nam là quốc hồn, quốc túy mới hợp lý… Như thế phải chăng Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, nhà ái quốc cách mạng lại chống dân tộc khi chống Truyện Kiều?”

Nếu đã nhận một người làm cách mạng vẫn có quyền có một quan điểm đạo đức, ta hẳn sẽ không lạ gì việc các ông Kế, Kháng đả Truyện Kiều. Ông Nguyễn Văn Trung đã chỉ nêu câu hỏi ấy để cho ngay rằng “thấy rõ cuộc tranh luận về Kiều, trọng tâm, thực chất… trước hết là một cuộc tranh đấu chính trị trong lãnh vực văn học” điều này mới thực làm chúng tôi lấy làm lạ!! Những lập luận tiếp sau của ông đều đã chỉ dựa vào sự phân biệt sẵn có: Phạm Quỳnh, tay sai thực dân Pháp, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng ái quốc, cách mạng, chống Pháp.

Thế thì ông còn gì phải bày vẽ lôi thôi làm gì cho tốn lời, để ra vẻ chí công vô tư chỉ phán đoán căn cứ vào tài liệu khách quan.

Ông lại hỏi nếu Ngô Đức Kế là khắc nghiệt thật, tại sao không gay gắt với Hoa Tiên chẳng hạn? Chúng tôi mong ông cũng hỏi ngay cả các cụ thời trước Ngô Đức Kế: thế tại sao chỉ gay gắt với Truyện Kiều mà không cấm cả đàn bà cho đọc Hoa Tiên chẳng hạn? sao lại chỉ cấm đàn ông đọc Phan Trần và cấm đàn bà đọc Truyện Kiều thế nhỉ? Câu trả lời thật giản dị: Hoa Tiên không phổ biến sâu rộng trong dân gian như Truyện Kiều, ít ảnh hưởng hơn nên ít bị cấm ngặt hơn, có thế thôi. Nhân đây, chúng tôi muốn được hỏi lại ông Trung: Phạm Quỳnh nếu quả thực theo Pháp, làm văn hóa với chủ ý nền tảng là đầu độc tinh thần thanh niên Việt, v.v… thì tại sao ông ta không cùng tán dương truyện Phan Trần, cho cùng với Truyện Kiều, nó đầu độc dân ta có phải là thượng sách không?

Câu trả lời thật cũng rất giản dị: Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều là bởi ông nhận chân thấy nó là một áng văn chương tuyệt tác so với cả kho tàng văn chương chung của nhân loại, ông muốn lấy cái hào quang rực rỡ của nó để làm bằng chứng cho quốc dân tin tưởng vào tương lai sáng lạn của quốc âm ta mà cố gìn giữ lấy, tài bồi lấy tiếng Việt. Ông tán dương Truyện Kiều trong chủ trương xây dựng quốc học của ông và với một tấm lòng nhiệt thành. Vì nhiệt thành nên mới có những lời cực tán Kiều là quốc hoa, quốc túy,v.v…. Nhưng ta không thể bảo Phạm Quỳnh hiểu theo nghĩa Truyện Kiều làm nên tất cả dân tộc và tất cả văn học Việt Nam…”

Hãy phân tích ý nghĩa của lời thề Phạm Quỳnh đã long trọng đọc trong buổi lễ kỷ niệm cụ Tiên Điền, ta sẽ rõ ý nguyện chân thành của ông. Một lần nữa, ở đây chúng tôi thấy cần nhắc lại: ta không nên làm cái việc “đoạn chương thủ nghĩa” và phải công bằng.

Khoảng 1917, 1918, theo phong trào Âu hóa, lóa mắt trước Tây phương, người ta đã rầm rộ bàn lấy chữ Pháp làm quốc văn. Phạm Quỳnh cực lực phản đối phong trào ấy, ông viết một bài luận thuyết dài: Chữ Pháp có dùng làm quốc văn An Nam được không? Ông nhận định: “Giữa buổi những người có chí trong nước mới tỉnh ngộ, đương ra công cố gắng sức tập luyện cho chữ quốc ngữ thành một nền quốc văn Việt Nam, thế cho Hán văn đã suy, cái phong trào ấy rất là hại, vì nếu từ Nam Kỳ lan dần ra đến Bắc Kỳ, Trung Kỳ, thì cái mầm quốc văn mới nẩy ra kia sẽ khô héo đi vậy”. Ông nhấn mạnh về sự quan trọng của quốc văn: “Tiếng nói là phần cốt yếu làm thành ra một dân một nước…”.

Sau khi cân nhắc các lẽ theo lý, theo tình, ông tha thiết kêu gọi:

Ôi! có nhà triết học đã nói: “Người ta có cái lòng ham sống mới sống được; đã không có cái lòng ham sống thời tiêu diệt có khó gì!” Các ông muốn làm người Việt Nam, cố giữ lấy cái quốc âm Việt Nam, thời mới khó, chứ đã không muốn làm người Việt Nam, muốn bỏ tiếng mình mà học tiếng người, thì có khó gì?”

Ông nêu cái hậu quả tai hại nếu lấy tiếng Pháp làm quốc văn là sẽ tạo ra một giống dân lai căng, trên không chằng, dưới không rễ và kết luận: “Muốn giữ lấy chân chung thì mới khó, chứ muốn làm cái giống lai căng thì có khó chi?” (Nam Phong, 1918)

Trong thời gian ở Paris, ông diễn thuyết nhiều lần, ngày 22/7/1922, trước Hàn Lâm Viện Pháp quốc, ông đã nói vấn đề: Comment doit-être faite l’education des Annamites par la France (Sự giáo dục người An Nam bởi nước Pháp nên như thế nào) Ông đã xác định: “Dân Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng được; dân chúng tôi là một quyển sách có đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai, đã mấy mươi thế kỷ nay, không có thuốc gì xóa hẳn được thứ chữ ấy đi, không ai có quyền tự do muốn viết gì vào đấy thì viết được! Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp thời trang, nhưng không thể đem in một thứ chữ ngoài lên trên các dòng chữ cũ được.”

Phạm Quỳnh đòi hỏi sự giáo dục phải có tính cách “dân tộc”, không được “làm cho chúng tôi “mất” giống đi, mất cái đặc tính, cái quốc tính của chúng tôi đi, làm thành ra một dân tộc “vô hồn” không còn có tinh thần đặc sắc gì nữa, như mấy cái thuộc địa cổ của quí quốc kia…”

Tiếp theo, ông kêu gọi dạy bậc tiểu học bằng tiếng Việt và nhấn mạnh vào tính cách quan trọng sinh tử của vấn đề giáo dục đối với vận mệnh tương lai của nước Việt, vấn đề mà ông nhận thấy “chưa từng được ai xét đến một cách công bằng chân chính.”

Bài này đăng trong Nam Phong số 71 năm 1923. Nếu xét về ảnh hưởng đối với quốc dân, chúng tôi thiết tưởng những bài ca tụng tiếng Việt ấy không ai phủ nhận được là không có tác dụng nhắc người Việt nhớ bảo tồn, quí trọng lấy tiếng Việt.

Trong tình cảnh mất nước, Phạm Quỳnh không những yêu cái tiếng bị khinh bỉ, ông còn lắm khi mang tiếng là thủ cựu đối với những phong tục tập quán cổ truyền mà phái trí thức mới thời đó muốn bãi bỏ. Lấy ví dụ, khoảng 1929, 1930 trong cái xã hội Việt Nam đang muốn Âu hóa triệt để, đã nảy sinh một phong trào từ Nam đến Bắc hô hào dùng dương lịch, bỏ hẳn âm lịch và ngày Tết Nguyên Đán. Chống lại phong trào này, Phạm Quỳnh đã viết một bài thật dài, ca tụng Tết có nhiều ý nghĩa thâm thúy, thiêng liêng, Tết là gốc luân lý của gia đình và chủ trương duy trì tục lệ này. Bài đăng báo France Indochine (Pháp – Đông Dương – PT chú) ngày 7/2/1930.

Nhân vụ biến động xẩy ra ở Yên Bái hồi tháng 2/1930, Phạm Quỳnh viết trong báo France Indochine (Pháp – Đông Dương – PT chú) ngày 14/3/1930 bài “Bài học về thời cuộc”, xét về nguyên nhân xảy ra cuộc biến động, ông nói đã biết trước từ lâu rồi, sao cũng có ngày xẩy đến, vụ biến động chính bắt nguồn từ chủ nghĩa quốc dân của người Việt: “Có một cái Việt Nam Quốc Dân chủ nghĩa,thật chớ không phải nói mơ màng đâu, có nó cũng là lẽ chánh đáng, thế mà từ hồi đó tới giờ, người ta không để ý đến, ấy là một điều lầm. Không những bây giờ mới có mà xưa nay vẫn đã có mà người nước chúng tôi vốn có cái tình yêu nước rất là mặn nồng hăng hái.”

Cứ đọc lịch sử thì biết, bao nhiêu phen bị Tàu cai trị mà dân nổi lên như lửa dậy dầu sôi, nhờ vậy mà vua chúa chúng tôi ngày trước khôi phục được non sông, tạo lập được cơ đồ và thống nhất được toàn quốc nữa”.

Trong phiên họp bàn về biến động giữa các đại biểu Tây, Nam mục đích thảo luận điện văn gửi về Pháp “thay mặt dân mà tỏ lòng tín nhiệm chính phủ và xin làm mọi cách trừng trị nghiêm nhặt”, hết thẩy đại biểu ta không chịu ký vào bức điện văn ấy. Báo Pháp Volonté Indochinoise (Ý chí Đông Dương – PT chú) thấy vậy tức lắm viết; “Buổi nhóm hôm ấy mà có đại biểu An Nam chẳng khác chi một bọn kẻ trộm đứng trước tủ bạc của một ông tài chủ”. Phạm Quỳnh lên tiếng một bài đăng báo France Indochine, đại ý trả lời: “Ơ hay! Chúng tôi ở đây là đất nước chúng tôi, chớ sao lại ví như bọn kẻ trộm đứng trước tủ bạc của một ông tài chủ?”

Ông Nguyễn Văn Trung căn cứ vào nghi vấn sau đây để phủ nhận lòng yêu nước, yêu quốc văn của ông Phạm Quỳnh:

Tại sao ông Quỳnh yêu quốc văn, muốn lấy quốc văn làm phương tiện gây dựng độc lập, ông Kế cũng yêu quốc văn, cũng muốn lấy quốc văn làm phương tiện gây dựng độc lập, mà hai ông lại chống nhau?” rồi cũng cho rằng “Phạm Quỳnh chỉ yêu giả, Ngô Đức Kế mới yêu thực!”

Theo sự hiểu biết nông cạn của chúng tôi, đó không phải là điều đáng lạ. Ông Ngô Đức Kế yêu nước vụ vào tích cực chống Pháp đòi độc lập bằng hành động. Ông Phạm Quỳnh yêu nước vụ vào duy trì gốc nước, gây dựng hồn nước để khỏi vong bản. Hai đường lối ấy có những lẽ phải riêng của nó, không thể bảo phe này tốt thì phe kia xấu. Lịch sử dân tộc Việt đã cho thấy: sau thời gian nhiều thế kỷ lệ thuộc Trung Hoa, nước ta sở dĩ không mất gốc, không bị đồng hóa, là nhờ sức chống đối bền bỉ, uyển chuyển cố hữu của dân tộc, trong khi vẫn học lấy những cái hay, cái đẹp của ngoại nhân để bổ vào những thiếu kém của mình. Ông Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng đã có một sự nghiệp tranh đấu chính trị. Ông Phạm Quỳnh để lại cho chúng ta một sự nghiệp văn học nghệ thuật.

Chúng tôi thấy ông Nguyễn Văn Trung đã quá lạm dụng  uy tín ái quốc của các ông Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng để dùng làm hậu thuẫn cho ức đoán thiếu công bằng của ông về Phạm Quỳnh.

Trong toàn bài, hầu như ông thuần trông cậy vào cái danh “làm cách mang”, “mười năm Côn Đảo”, v.v… của ông Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng đối với quốc dân để “làm chứng sự thực”.

Các ông Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh đều đã khuất, tiếng nói bảo đảm nhất của sự thật đã im lặng vĩnh viễn, đây là một điều đáng tiếc lắm vậy.

A.L.

Thủ đô Hà Nội nên có đường phố Phạm Quỳnh

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 3:53 chiều

Blog PhamTon, tuần 4 tháng 5 năm 2011.

THỦ ĐÔ HÀ NỘI NÊN CÓ ĐƯỜNG PHỐ PHẠM QUỲNH

GS Phạm Văn Hưng

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là nội dung bức thư của Giáo sư Phạm Văn Hưng gửi Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam đăng trong trang 62-53 nội san Thông tin Họ Phạm Việt Nam (Bản tin của Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam) số 36 quý I/2011. Chúng tôi chỉ biên tập vài chi tiết để bảo đảm sự chính xác về mặt tư liệu và đặt tên bài cho dễ theo dõi.

—o0o—

Thư bạn đọc

Hà Nội, ngày 23 tháng 1 năm 2011.

            Kính gửi: Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam.

Tôi là Phạm Văn Hưng, sinh năm 1942, là cựu chiến binh, cán bộ đã nghỉ hưu, hiện trú tại số nhà 76, ngõ 260, đường Cầu Giấy, Hà Nội, Điện Thoại: 04.38.337.377.

Tôi rất vui mừng khi đọc cuốn “Thông tin Họ Phạm Việt Nam”, số 35 – quý I/2011, thấy có bài của bà Phạm Thị Thuý Lan – Tổng biên tập, giới thiệu cuốn Phạm Quỳnh – Con người và thời gian do Khúc Hà Linh viết, vừa được Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản; sách dày 180 trang, nộp lưu chiểu tháng 6/2010.

Cũng theo bài viết này, cùng lúc với việc xuất bản cuốn sách này, ngày 12/6/2010, Đài phát thanh, truyền hình và Hội Nhà báo Hải Dương đồng tổ chức cuộc Hội thảo Học giả Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong với sự tham dự của các giáo sư sử học, các nhà văn, nhà báo. Với 15 lượt phát biểu ý kiến đã toát lên: Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong đã có đóng góp đáng kể trong việc chuyển tải văn hoá phương Tây vào Việt Nam và tiếp thu những giá trị văn hoá để hội nhập làm cho ngôn ngữ nước nhà càng phong phú và không làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt.

Phạm Quỳnh là người yêu nước, trân trọng nền văn hoá dân tộc, đặc biệt tiếng Việt, thể hiện qua việc tôn vinh áng thơ bất hủ Truyện Kiều. Thời kỳ làm quan Thượng thư Bộ Lại (tương đương Thủ tướng bây giờ) dưới vẻ bề ngoài nhã nhặn và thận trọng, Cụ chống Pháp một cách không khoan nhượng, theo kiểu của trí thức Nho học bấy giờ. Cụ dám trách cứ Pháp trưng dụng lúa gạo để cung cấp cho Nhật, và đòi Pháp trả lại quyền cai trị Bắc Kỳ cho Nam Triều. Cụ bị thực dân Pháp theo dõi, liệt vào đối tượng đối địch bất khả quy (trang 128, cuốn Phạm Quỳnh – con người và thời gian)

Thông tin họ Phạm Việt Nam số 32 – quý 2/2010 đã dành cả một Phụ trương về Phạm Quỳnh, trong đó có nhiều bài của các nhà khoa học viết về Cụ.

Giáo sư Nguyễn Đình Chú có viết: “Phạm Quỳnh là người mở đầu cho văn hoá Việt hiện đại. Cụ có cả một lý thuyết hẩn hoi về độc lập và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa dân tộc (quốc gia) và nhân loại (thế giới). Đó chính là hạt nhân của lý thuyết hội nhập hiện đại. Nhờ lý thuyết đó, Phạm Quỳnh không bị văn hoá phương Tây áp đảo, Cụ dõng dạc tuyên bố bằng tiếng Pháp cho người Pháp đọc vào năm 1931: “Người An Nam không thể coi nước Pháp là Tổ quốc được, vì chúng tôi đã có một Tổ quốc”.

Từ điển Văn học (bộ mới – 2004) có những dòng viết về Phạm Quỳnh rất xác đáng: “Phạm Quỳnh là người có tinh thần dân tộc, ôm ấp chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hoà, lấy việc canh tân văn hoá để làm sống lại hồn nước.”

Nhà phê bình văn học Nguyễn Huệ Chi viết: “Phạm Quỳnh là người làm việc không cẩu thả, dù dịch thuật hay trước tác Cụ đều tra cứu cẩn thận, đắn đo câu chữ rất nhiều. Hơn nữa, Cụ có thiên hướng thích loại văn chương nghị luận hơn là văn cảm hứng nên ngòi bút điềm đạm, mực thước… Phạm Quỳnh là người chủ tâm rèn luyện câu văn quốc ngữ sao cho kịp trình độ văn chương thế giới, nhất là diễn đạt được những phạm trù trừu tượng như tư tưởng, tâm lý, triết học…Phạm Quỳnh đã hết sức du nhập và Việt hoá nhiều khái niệm bắt nguồn từ Hán ngữ và làm cho tiếng Việt phong phú lên rất nhiều…”

Đánh giá công bằng và khoa học về Phạm Quỳnh là trách nhiệm của lịch sử. Giáo sư Văn Tạo (nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) viết về Phạm Quỳnh đã từng nói: “Đối với quê Hải Dương tôi, nếu làm rõ được sự kiện này (tức cái chết của Phạm Quỳnh) cũng có lợi cho việc thực hiện tính công minh lịch sử, nhằm đảm bảo tính công bằng xã hội, đúng với mục tiêu mà các Đại hội Đảng đã đề ra là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chúng tôi đề nghị Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam gửi văn bản đến Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đề nghị xem xét công lao của Cụ Phạm Quỳnh, có thể lấy tên Cụ đặt cho một đường phố của Thủ đô Hà Nội.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các vị!

Kính thư

      Phạm Văn Hưng

Tháng Năm 12, 2011

Đặt vấn đề với ông Nguyễn Văn Trung về văn học và chính trị (phần 2)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:43 chiều

Blog PhamTon, tuần 3 tháng 5 năm 2011.

ĐẶT VẤN ĐỀ VỚI ÔNG NGUYỄN VĂN TRUNG

VỀ VĂN HỌC VÀ CHÍNH TRỊ

Ái Linh

Lời dẫn của Phạm Tôn: Bài báo này của bạn Ái Linh đăng trên mục Nói hay Đừng của báo Tự Do (Sài Gòn) từ ngày 11/11 đến ngày 2/12 năm 1962.

Chúng tôi đăng lại trên blog để bạn đọc quan tâm đến văn học nước nhà rộng đường tham khảo về một vấn đề lớn từng xảy ra trong những năm 1930 và dư âm còn kéo dài mãi đến những năm 60 thế kỷ trước và xem ra còn đến cả những năm đầu thế kỷ 21 của chúng ta nữa.

Vì bài khá dài, chúng tôi chia làm nhiều phần và đặt nhan đề cho từng phần đó.

—-o0o—-

Phần 2: “Chân lý mới” của ông Nguyễn Văn Trung

Nay ông Nguyễn Văn Trung cho rằng: “ý kiến của hầu hết những nhà văn học đã đề cập đến vấn đề, đều đã cho thấy sự kiện tranh luận như một hiện tượng mà không thấy thực chất của nó. Và bởi vì không thấy thực chất cho nên đã nhầm lẫn trong việc tìm hiểu sự kiện”.

Ông quả quyết: “Chính vì không nhìn thấy “tính chất chính trị” của nội vụ nên các nhà phê bình văn học đã phê bình sai lệch ngay trên lãnh vực văn học.” Ông Nguyễn Văn Trung nhận định: Vụ án Truyện Kiều giữa Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng “thực chất là một cuộc tranh đấu chính trị trên lãnh vực văn học”.

Như thế đã rõ là ông Nguyễn Văn Trung phủ nhận các ý kiến về trước và nêu lên một giả thuyết theo quan điểm mới của ông. Chúng tôi xin sốt sắng chờ đợi được ông cho thấy những chứng minh cụ thể chính xác để vạch rõ “chân lý mới” đó.

Ông nêu lên giả thuyết rằng người Pháp nhận xét cần phải có một “chính sách bình định về văn hóa để đánh lạc tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam”.

Ông lại giả thuyết: “Rất có thể lúc đó, các nhà ái quốc cũng nghĩ đến một sự di chuyển cuộc tranh đấu chính trị vào lãnh vực văn học, nghĩa là cũng muốn dùng văn học làm lợi khí tranh đấu chính trị.”

Ông cho rằng lý do ra đời của Nam Phong tạp chí nằm trong chính sách văn hóa đó: “Tờ Nam Phong ra đời, Marty chủ nhiệm, Phạm Quỳnh chủ bút”

Chúng tôi xin thưa lại về một chi tiết có thể khiến độc giả ngộ nhận: Ngay từ số Nam Phong đầu tiên, tháng 7/1917, chúng tôi đã thấy đề rõ Directeur Rédacteur en Chef (Chủ nhiệm kiêm chủ bút – PT chú): Phạm Quỳnh. Louis Marty chỉ là một trong hai sáng lập viên (fondateurs): Louis Marty và Nguyễn Bá Trác. Ngày ấy viên toàn quyền mới là Albert Sarraut, cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp, sang nhậm chức, Phạm Quỳnh nắm lấy thời cơ vận động xin được Albert Sarraut chấp nhận cho ra báo Nam Phong.

Chúng tôi có thể tin (dựa theo tình cảm của người dân một nước mới được độc lập đối với nước đã đô hộ mình) như ông Nguyễn Văn Trung nói về “chính sách bình định văn hóa” của người Pháp hồi ấy được lắm, nhưng vẫn phải nhận rằng ông không giúp chúng tôi một tài liệu nào làm chứng cứ xác thực về chính sách đó. Vả chăng, dù một người Pháp có tên trong ban sáng lập, chưa đủ lý kết án Phạm Quỳnh là tay sai của Pháp, Phạm Quỳnh “nhận tiền làm báo”.

Sự thực phải được là sự thực. Phàm xử án công bằng phải có chứng cớ hẳn hoi, trái lại nếu không, án ấy không còn giá trị gì nữa.

Người Pháp chiếm Việt Nam, lúc đầu nhằm mục tiêu thông thương với Hoa Nam trước nhất. Nhưng thời gian sau đó, mục tiêu khai thác lại là chánh yếu. Mục tiêu ấy định đoạt chính sách giáo dục của Pháp: đào tạo một lớp người để thu dụng vì nhu cầu mới không còn phải chỉ cần thông ngôn như trước nữa. Do đó nghị định Toàn Quyền ngày 8/7/1917 thành lập một Tòa Đại Học Tổng Cục (Direction de l’Enseignement Supérieur) mà đặc điểm là không có trường Văn Khoa, bởi chính sách chỉ nhằm đào tạo những chuyên viên phục vụ trong cơ cấu khai thác.

Sau đó nghị định Toàn Quyền ngày 22/12/1917 ấn định thể lệ mới cho việc học, việc thi trên toàn quốc. Ta thấy rõ chính sách văn hóa của người Pháp không phải đơn giản nhằm lập ra một tờ báo để hy vọng đầu độc tinh thần người Việt, thực ra chính sách ấy vụ vào giáo dục.

Báo Nam Phong số 3 (1917), Phạm Quỳnh viết một bài luận thuyết nhan đề Trường Đại Học, ông nhận xét về tình trạng chậm tiến của nước ta và căn nguyên sâu xa của tình trạng ấy rồi nêu lên: “Phải xét cho tường mới biết được ngày nay nên học thế nào cho phải đường? Quyết là nên theo đường thực nghiệp mà kíp học tập lấy nghệ thuật yếu cần cho sự sinh hoạt của người ta trong thế giới bây giờ.”

Tuy nhiên, ông cho rằng Trường Đại Học chưa đề cập đến sự bồi dưỡng tinh thần con người, đào luyện phần “văn” để cho “văn” và “chất” được “ban ban”.

Ông đòi người ta phải chú trọng cả về phương diện “Nhân bản” và “Dân tộc” trong chương trình giáo dục “Truyền thụ cho cái học thức còn chưa đủ, cốt nhất là phải luyện tập cho thành người”.

Đối với lối tổ chức giáo dục của người Pháp, nhất thiết dùng tiếng Pháp dạy trong các lớp, ta hãy nghe Phạm Quỳnh kêu gọi:

Các bạn ơi, con cá nó sống về nước mà nước ta sống về nước ta. Làm cho tiếng ta sống được là phận sự anh em ta. Vậy anh em phải gắng lên, vì hiện nay tuy có điều mừng (quốc văn tiến triển) mà cũng còn phải lo, vì thiên hạ còn có kẻ làm án tiếng An Nam, kết cho cái tội nghèo, nghèo khốn, nghèo nàn, nghèo cho đến nỗi không đủ mà dạy được trẻ con nhà quê, phải lấy chữ Tây dạy thế nào. Gần đây tối có vận động trong báo Tây – vì báo ta vô hiệu – để xin lấy chữ Quốc ngữ dạy các trường tiểu học và cho thi tốt nghiệp tiểu học bằng quốc ngữ: người ta lấy cái tội nghèo của tiếng An Nam mà phản đối lại.

Tiếng An Nam có quá nghèo không? Anh em ta phải phá cho ra cái nghi án thiên cổ đó… Về phần riêng tôi thời từ buổi khôn lớn, biết tư tưởng đến giờ, tôi đã tự nguyện hi sinh cho quốc văn… (Nam Phong số 46 năm 1921).”

Ngày nay thì chúng ta đã tiến tới việc đòi chuyển ngữ tiếng Việt ở bậc đại học, trên đường tiến bộ, sau hơn trước là lẽ tất nhiên. Nhưng phải nhìn nhận rằng vào buổi đó, đòi dạy tiếng Việt cho bậc tiểu học, đã tỏ ra Phạm Quỳnh có hoài bão rất xa ở tương lai.

Chúng tôi không muốn nói đến cái lối lập luận của ông Nguyễn Văn Trung nói có một chiều, thiên lệch hay không, việc đó độc giả sáng suốt hơn chúng tôi, hẳn đã thẩm định. Chúng tôi chỉ muốn “Trả cho César cái gì của César”. Nhận thấy không đồng ý với những phán đoán của ông Nguyễn Văn Trung về Phạm Quỳnh, chúng tôi xin thưa lại ít lời và dẫn chứng có hơi nhiều là để mong độc giả rõ tấm lòng chúng tôi trung thực, không hề dám giải nghĩa sự kiện theo tư ý vậy.

Đối với ông Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi nếu có biện minh cho ông Phạm Quỳnh thì việc đó không nghĩa là chúng tôi phủ nhận cuộc đời cách mạng của các công. Chúng tôi không bác bỏ cái cực đoan này để lại đi đến một cái cực đoan khác. Không thể có một định kiến quá đơn giản là trong hai phe, hễ đã thấy phe này “ái quốc” là có ngay kết luận phe kia “phản quốc”.

Ông Nguyễn Văn Trung đưa ra bài Khái niệm về văn minh học thuật nước Pháp của Phạm Quỳnh, lấy đó như một bằng chứng Phạm Quỳnh đã theo Pháp, đề cao chế độ thực dân.

Chúng tôi nhận thấy, Phạm Quỳnh là một học giả chuyên biên khảo và dịch thuật, bài nói trên đó ông lược dịch và bàn thêm nhân đọc một cuốn sách nhan đề La civilisation française (Văn minh nước Pháp – PT chú) của Victor Giraud, cũng như các bài biên dịch về Văn minh nước Nhật, Văn minh nước Mỹ cùng văn minh thế giới, Chủ nghĩa Pha-xi nước Ý, Nước Thổ Nhĩ Kỳ mới, Nước Ai Cập mới, Hồn chủng tộc, lịch sử và học thuyết của Rousseau, Montesquieu, Voltaire, Descartes, v.v…  ông Phạm Quỳnh đều đứng trên cương vị một học giả mà viết. Vả chăng, ông đã nói rõ ràng:

Lấy đất của người ta mà nô lệ, bắt chước người ta là phi nhân đạo…” (Nam Phong, số 1 tháng 7/1917).

Thiết tưởng nên phân tích  kỹ để thấy ra đúng “cái điều Phạm Quỳnh muốn nói” ta đã quá rõ những tai hại của việc thường gọi là “đoạn chương chủ nghĩa” (Cắt lấy một câu trong toàn chương, cốt cho đúng ý mình muốn nói – PT chú).

Nếu ông Trung cứ nhất định bảo rằng Phạm Quỳnh cộng tác với Pháp và không tìm thấy một tài liệu nào để chứng tỏ Phạm Quỳnh chỉ cộng tác với Pháp để lợi dụng Pháp; chúng tôi xin mời ông cùng trước đèn giở lại 210 tập Nam Phong để phân tích, phê bình xem, ta sẽ thấy qua 17 năm (Thật ra, Phạm Quỳnh chỉ làm báo Nam Phong 15 năm, 2 năm cuối do Nguyễn Tiến Lãng phụ trách – PT chú) chủ trương báo ấy, Phạm Quỳnh đã gây được những ảnh hưởng gì.

Thiết tưởng đây là một bằng chứng công khai, hiển tường đó rồi.

Lấy một ví dụ, ngày nay chúng ta (thời chính quyền Sài Gòn – PT chú) đang ca ngợi lý thuyết nhân vị, lý thuyết ấy ở nước ta được xây dựng bắt gốc từ Khổng Giáo và học thuyết Mạnh Tử hợp với tư tưởng dân chủ ví von coi “dân vi quí”. Trong nhiều năm, thử hỏi những bài khảo tường tận về Khổng giáo và liên tiếp đăng tải trọn bộ Mạnh Tử Quốc văn giải thích, Luận ngữ Quốc văn giải thích, Việt Nam tổ quốc túy ngôn…báo Nam Phong hẳn đã gây ảnh hưởng có lẽ không đến nỗi đầu độc quốc dân đấy chứ? Ấy là chưa kể tới những công trình của Hội Khai Trí Tiến Đức do Phạm Quỳnh sáng lập, hẳn không ai gán cho cái tội làm chính trị theo Pháp?

Căn cứ vào những giả thuyết thiếu vững vàng đó, ông Nguyễn Văn Trung nhận định về vấn đề Phạm Quỳnh ca tụng Truyện Kiều:

Ý nghĩa chính trị của việc suy tôn là: thanh niên đọc Truyện Kiều đi, thưởng thức văn chương Kiều đi, đừng nghĩ đến chính trị, lòng yêu nước”. Và : “Ông Ngô Đức Kế nhà nho yêu nước, bất hợp tác, chống Pháp, bị đi tù Côn Lôn, nhận thấy chính sách thâm độc của chính quyền bảo hộ qua hành động của Phạm Quỳnh, thẳng thắn lên tiếng phản đối, tố cáo, đả kích thủ đoạn chính trị nấp dưới hình thức văn hóa suy tôn Truyện Kiều…”

Chúng tôi cũng như mọi người Việt Nam, đều biết rằng ông Ngô Đức Kế ái quốc, chống Pháp… Nhưng đó không phải là bằng chứng để quả quyết giải thích lý do ông Kế bài bác Truyện Kiều theo như ý kiến riêng của ông Trung. Thân thế ông Kế không hề mâu thuẫn với con người đạo đức ở ông và chính là con người đạo đức ấy với những tiêu chuẩn bắt nguồn từ Đạo Khổng, đã lên tiếng kết án cái luân lý Truyện Kiều như chúng ta thấy: ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi…

Ai cũng nhận thấy rõ rệt rằng ông Ngô Đức Kế bài bác Kiều là bởi ông chê cái tính cách, theo ông, vô luân lý của nó. Là một nhà nho, với quan niệm văn dĩ tải đạo, cũng như các cụ xưa, ông cho Truyện Kiều làm thương luân bại lý, chính ông bày tỏ: “Ngày trước, các cụ tiền bối thường cấm con em xem Truyện Kiều: trong xã hội ai hay đọc Truyện Kiều nghêu ngao, thì cho là kẻ đàng điếm”.

Ông Huỳnh Thúc Kháng sau này phản đối ông Phạm Quỳnh là bởi ông tin tưởng: “nếu được một người “đạo đức hẹp hòi” như ông Ngô Đức Kế thì không khác gì cột đá giữ giòng sông lở, ngọn đuốc trong khoảng đêm trường, có công với thế đạo nhân tâm không phải là ít vì cái mãnh lực của ông đủ kéo được biết bao nhiêu kẻ sa hầm sạt hố kia”.

Vậy thì, sáu năm sau bài của ông Kế, ông Huỳnh Thúc Kháng cũng lại bài bác Truyện Kiều theo quan điểm của các cụ tiền bối, không có gì chứng tỏ các ông “tố cáo Phạm Quỳnh” như ông Trung đã nói.

Từ trước khi Pháp sang, Việt Nam đã có câu:

“Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”

là bởi theo ý các cụ, truyện Phan Trần nêu gương không tốt cho thanh niên và Truyện Kiều nêu gương không tốt cho phụ nữ. Ông Nguyễn Văn Trung có bảo rằng hai câu ấy cũng để cảnh tỉnh quốc dân trước “mưu mô hiểm độc của thực dân Pháp” không?

Khi phê bình văn chương nghệ thuật, ta cần nhất thiết tránh cái thiên lệch của chính trị. Đã đành, ta phải xét tới các điều kiện lịch sử, thời đại, v.v… nhưng phải nhìn nhận sự kiện y như nó đã xẩy ra chứ không theo tưởng tượng dựa vào định kiến nào đó. Chúng ta còn lạ gì cái quá khích nặng nề ảnh hưởng chính trị trong lối phê bình văn học của một Nguyễn Bách Khoa!!!

Bàn về vụ án Kiều này, chúng tôi thấy Linh mục Thanh Lãng đã nhận xét đúng đắn khi viết:

Những băn khoăn nhiều khi đến bi đát của một thế hệ tuy thái độ có khác nhau mà cũng cảm thông trong một lo lắng đó là cố giữ lấy một tinh thần dân tộc trong khi chúng ta đã mất chủ quyền về đường chính trị. Đó là một thế hệ gồm toàn những người, mới cũng như cũ nặng tình cổ điển, nặng những giá trị nhân bản truyền thống”. (Thế kỷ hai mươi số 2 trang 50). Về lời thề của Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, ông Trung cho rằng: “Sự thực khẩu hiệu đó là từ miệng ông Quỳnh cái loa của thực dân, chỉ có ý nghĩa như một mánh khóe chánh trị và thực chất của nó là ngụy biện.”

Rồi đưa ra một suy luận đơn giản: “Con người Phạm Quỳnh cộng tác với Pháp một cách khách quan tức là công nhận sự mất nước, làm sao còn có thể nói tới lòng yêu nước và tự coi như là một người cổ võ lòng yêu nước bằng văn học?”

Chúng tôi thấy trong ba đức tính: NHÂN, THÀNH, TRÍ cần có của một nhà phê bình, đến đây, tác giả Văn học và Chính trị đã tỏ ra không đủ hai đức: NHÂN, THÀNH.

Than ôi! đã không nhân, không thành thì cái trí để làm gì? để thêm khéo phô bày cái “chẳng nhân” và “chẳng thành” ư?

A.L.

Phạm Quỳnh dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:42 chiều

Blog PhamTon, tuần 3 tháng 5 năm 2011.

Nhân kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh Hồ Chủ tịch (19/5/1890-19/5/2011)

PHẠM QUỲNH

DƯỚI ÁNH SÁNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Đại tá Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan

Ngày 26 tháng 12 năm 1920, trong lần tham dự Đại hội Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tán thành đi theo đường lối của Quốc tế Cộng sản (còn gọi là Quốc tế III, Đệ tam Quốc tế), và trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Tán thành “đi theo Quốc tế Cộng sản”, có lẽ Nguyễn Ái Quốc nghĩ nhiều về đường lối ủng hộ các dân tộc thuộc địa giành độc lập, trong đó có tổ quốc Việt Nam, về một điểm tựa một hậu phương lớn mạnh, duy nhất bấy giờ cho cách mạng Việt Nam.

Năm 1930, với Chính cương, Điều lệ tóm tắt khi thống nhất ba đảng, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam “chia giai cấp địa chủ ra đại, trung, tiểu”, lôi kéo các tầng lớp trí thức vào hàng ngũ Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã bị “phê bình” là “quốc gia chủ nghĩa”.

Bất đồng ý kiến với Nguyễn Ái Quốc, Quốc tế Cộng sản lo lắng cho chặng đường tiếp sau.

Cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc đã xin được phép rời Matxcơva, không được phụ cấp tài chính, không cấp giấy giới thiệu.

Qua nhìn nhận tình hình Đông Dương trước nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới sắp xảy ra do chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi Đức khởi xướng, Quốc tế Cộng sản cuối cùng cũng đã thay đổi ý kiến, tức là chấp thuận quan điểm mới, chính xác của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề các dân tộc thuộc địa đấu tranh cách mạng giành giải phóng dân tộc.

Từ ngày 25 tháng 7 đến 20 tháng 8 năm 1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản đã đề ra và chủ trương “cần phải thành lập mặt trận thống nhất của giai cấp vô sản để tập hợp các khuynh hướng chính trị, xã hội, tín ngưỡng khác nhau để chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh. Mặt trận thống nhất sẽ có những hình thức khác nhau ở các nước, những nét riêng của từng nước mà trình độ, đặc điểm kinh tế xã hội, quan hệ giai cấp và phong trào quần chúng khác nhau.” (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tập I, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, 2004, tr. 116).

Tình hình thực tiễn ở Việt Nam cho phép kết luận rằng: “Năm 1935 là năm “khai tử”, chấm hết quan điểm đấu tranh giai cấp kiểu phương Tây trong xã hội phương Đông, cụ thể là ở Việt Nam, trong một xứ thuộc địa đế quốc cai trị, đang tiến hành cuộc đấu tranh giành giải phóng dân tộc (Năm 1950, trong bài Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đăng trên tờ Sinh hoạt nội bộ ở Việt Bắc, ký tên X.Y.Z, Bác Hồ viết: “Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc (Nguyễn Văn Khoan, Đi tới một mùa xuân tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2007))

Tháng 9 năm 1937, Hội nghị mở rộng Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương “kiểm điểm, đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào qua hai năm thực hiện Mặt trận Dân chủ” đã phê bình “các đồng chí mắc phải bệnh thiên về thợ thuyền lao động quá, có khi chỉ biết có đám người ấy thôi mà quên hết cả quyền lợi của các tầng lớp giai cấp khác”. (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, tr 201-262).

Ngày 26 tháng 6 năm 1940, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, khoá này do Nguyễn Văn Cừ làm Tổng bí thư (Trường Chinh được cử vào Ban chấp hành Trung ương, tại hội nghị lần thứ 7, tháng 11 năm 1940) đã ra lời kêu gọi “toàn dân đứng dậy đấu tranh trong hàng ngũ mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”. Lời kêu gọi – tuyên ngôn này ra đời sau khi đế quốc Pháp quy hàng Hít-le. Trung ương Đảng coi đây là “cơ hội tốt có một không hai để đánh đổ đế quốc thuộc địa” và kêu gọi “tinh thần đoàn kết rộng rãi từ các bậc thượng lưu trí thức (chúng tôi nhấn mạnh vì Phạm Quỳnh là thành viên của các “bậc” này) đến các hàng viên chức, hội tề, cho đến các công, nông, binh, các lớp dân chúng cần lao và các chị em phụ nữ và các giới, tất cả những ai yêu nước (chúng tôi nhấn mạnh, vì theo lời Hồ Chí Minh: “Hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước và mỗi người yêu nước theo cách của họ chứ không phải chỉ có đảng viên cộng sản mới yêu nước hoặc cộng sản là người yêu nước hơn.” -NVK)

Sau khi Nguyễn Ái Quốc về nước (đầu năm 1941), Hội nghị Trung ương lần 8 họp tại Pác Bó (Cao Bằng) vào tháng 5 ngày 19 năm 1941 đã xác định: “Cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc. Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc (bao gồm cả sĩ, nông, công, thương binh, các tôn giáo, dân tộc… NVK) còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Do đó, “Hội nghị đặt ra yêu cầu cần có những thay đổi căn bản trong chính sách đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới và chỉ rõ: phải thống nhất lực lượng cách mạng toàn Đông Dương, tất cả các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư sản, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất thành mặt trận cách mạng chung”.

Để thực hiện đường lối đoàn kết rộng rãi ấy, đường lối đại đoàn kết, hội nghị đã thành lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh kêu gọi: “nông dân phải vào Nông dân cứu quốc hội; phụ nữ phải vào Phụ nữ cứu quốc hội; trẻ em vào Nhi đồng cứu quốc hội; binh lính vào Binh lính cứu quốc hội; các bậc văn sĩ phú hào vào Việt Nam cứu quốc hội.”

Nhân dịp Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Nguyễn Ái Quốc ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng.”

Tháng 8 năm 1943, nhận định rằng sau thất bại nặng nề ở Stalingrát, phát xít Đức đang đứng trước nguy cơ thua trận cuối cùng, thời cơ khởi nghĩa sắp đến gần, phải tập trung, thống nhất lực lượng đông đảo hơn nữa, cần một lần nữa nói rõ quan điểm của Việt Minh, báo Việt Nam Độc Lập số ra ngày 21 tháng 8 năm 1943, dưới khẩu hiệu: “Tiến lên vũ trang khởi nghĩa” đã nhắc nhở: “chúng ta phải nhớ rằng lực lượng chúng ta là ở chỗ đoàn kết, đoàn kết toàn dân, đoàn kết đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, đoàn kết người làm ruộng, làm thợ, bán buôn, người làm việc cho Tây (tức thực dân, đế quốc Pháp), người đi lính cho Tây” (Chúng tôi nhấn mạnh-NVK) (Bản gốc lưu trữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam).

Như vậy là đã quá rõ ràng: Phạm Quỳnh, một nhà viết báo, viết văn, một người “vào bậc thượng lưu trí thức”, một người “đã làm việc cho Tây”, cũng đã được Đảng Cộng sản Đông Dương và Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh cũng như Ban chấp hành Trung ương Đảng từ 1935, đưa vào diện đoàn kết – đoàn kết rộng rãi – đại đoàn kết, để cùng đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hai năm sau khi bài báo này công bố – bài viết mà nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử Đảng, nghiên cứu Hồ Chí Minh nghĩ rằng “chỉ có Bác, với tư cách của mình mới viết được rõ ràng như vậy”- cũng đúng vào tháng 8 – tháng 8 năm 1945, nhân dân ta đã tổng khởi nghĩa giành được chính quyền, thắng lợi to lớn, bước đầu rất quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất cuối cùng sẽ đến vào năm 1975.

Có thể cho phép chúng ta suy luận là khi ở khu căn cứ Việt Bắc, Khu Giải phóng – nơi đã thành lập Uỷ ban Nhân dân – Hồ Chí Minh đã nghĩ tới một chính phủ của nước Việt Nam mới trong tương lai gần. Và một trong những thành phần của chính phủ ấy là sự có mặt của các bậc “thượng lưu, trí thức, văn sĩ, phú hào”, cả những người “đã đi lính cho Tây, làm việc cho Tây”. Lịch sử sau này đã ghi lại một danh sách dài những vị đó, từ vua Bảo Đại, khâm sai đại thần Phan Kế Toại đến các thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Phạm Phú Tiết… và các bộ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Anh, Trịnh Đình Thảo… cùng rất nhiều trí thức tư sản khác như Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Phúc Thông, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, kể cả những tổng đốc đã có một thời “đàn áp cộng sản” như Vi Văn Định…

Như vậy, công bằng mà xét, Phạm Quỳnh cũng được đứng vào hàng ngũ những người kể trên.

Nhưng không phải riêng Phạm Quỳnh, mà nhiều người khác, trước tháng 8 năm 1945 đã bị quy tội là “theo Pháp”, “phản động”… “làm cho Pháp”. Đúng là vậy, nhưng Phạm Quỳnh vẫn được xếp trong “danh sách” những người “làm việc cho Tây, đi lính cho Tây”, để được thu hút vào Việt Minh, để đoàn kết với mọi “giai tầng” khác. Phạm Quỳnh “phản động” nhưng chưa có chứng cứ gì trực tiếp đàn áp phong trào cộng sản, làm chỉ điểm. Còn như giữ hai chức thượng thư Bộ Học, Bộ Lại thì cũng chỉ để làm vì, để lấy cớ làm việc khác mà mình muốn thực hiện thôi.

Phạm Quỳnh yêu nước theo cái cách của ông là làm “quân chủ lập hiến”. Ngoài ra ông viết báo, viết sách “mở tai, mở mắt” cho đồng bào, tài sản trí tuệ của ông để lại cho dân, cho nước không phải là nhỏ. Ý kiến của Phạm Quỳnh về mặt tư tưởng đã không thống nhất với các đảng viên cộng sản. Xin nhớ rằng trên báo Thanh Niên, từ năm 1925, Lý Thuỵ (Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh) có căn dặn các hội viên Thanh Niên: “phải tôn trọng ý kiến người khác”, “phải biết hy sinh ý kiến”.

Nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Phạm Quỳnh cần được làm rõ, vì tư thù cá nhân, vì “vô chính phủ”, vì e ngại khi bọn Pháp vào Thuận An hỏi về Phạm Quỳnh (trong khi chưa có chứng cứ gì là Phạm Quỳnh liên lạc với chúng).

Có một thực tế là các người con của Phạm Quỳnh đều rất “ôn hoà”. 13 người trai, gái thì cô Phạm Thị Giá vợ Tôn Thất Bình, hiệu trưởng điều hành trường Thăng Long (nơi quy tụ những Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Quang Đạm…), cô Phạm Thị Thức là vợ Giáo sư Đặng Vũ Hỷ giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1), cô Phạm Thị Ngoạn, vợ Nguyễn Tiến Lãng. Ông Lãng từng là “trợ thủ” của tướng Nguyễn Sơn ở Liên khu 4. Bà Ngoạn là tiến sĩ văn chương Việt Nam ở Pháp. Còn Nhà giáo Nhân dân, giáo sư Phạm Khuê là viện trưởng Viện Lão khoa, ông Phạm Tuyên là “Nhạc sĩ của nhân dân” với bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Còn phải kể đến cô Phạm Thị Hoàn, vợ nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, tác giả bài hát mà thời đầu Cách Mạng Tháng Tám các anh Vệ Túm thường hát: Một đi là không trở về…  Mà ông Châu lại là cháu nội cụ cử Lương Văn Can. Cũng có thể nghiêm khắc hay thông cảm mà nói rằng: trong số hơn 10 người con của Phạm Quỳnh cũng có người vì nhiều lý do đã “hồi cư”, rồi ra nước ngoài… Nhưng gia đình này đã không trực diện làm gì hại đến dân tộc, tổ quốc. Họ đã ít nhiều nghe theo lời dặn của Hồ Chí Minh. “Cụ Phạm (Phạm Quỳnh) là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng”.

Cũng nên đối chiếu thêm việc các con trai, con gái Phạm Quỳnh mất cha, cùng chung một lần với Ngô Đình Diệm mất anh (Ngô Đình Khôi) và cháu (Ngô Đình Huân, con trai Ngô Đình Khôi). Trong lần tiếp Ngô Đình Diệm năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói” “Khi dân chúng bị ức hiếp nổi dậy, lỗi lầm không thể tránh khỏi và chuyện bi thảm đã xảy ra. Nhưng tôi vẫn luôn luôn tin rằng hạnh phúc của nhân dân vượt lên trên những lỗi lầm đó. Ông (Ngô Đình Diệm) có những điều oán hận chúng tôi, ta hãy nên quên đi” (Theo Hanleng Karnow, Viet Nam: A History (Lịch sử Việt Nam) New York, 2003 bản dịch của Lê Xuân Khoa). Nhưng Ngô Đình Diệm, dù vẫn là một người yêu nước, yêu nước theo cách của ông ta, vẫn không vượt qua được oán hận của gia đình (với anh, với cháu) để vì “hạnh phúc” của nhân dân (Sổ tiếp khách của Hồ Chủ tịch, lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ghi: “Ngày 15/1/1946, tiếp Ngô Đình Diệm”).

Khi được tin Phạm Quỳnh không còn nữa, có thông tin cho rằng Bác Hồ nói: “Các chú làm hỏng việc rồi”. “Việc” có thể là “việc” của Bác đã suy nghĩ về cách mời Phạm Quỳnh ra làm gì đó cho “việc” dân, “việc” nước chăng?

Dù sao cũng đã lỡ rồi, nhưng cũng rất cần “lịch sử đánh giá lại” Cụ Phạm như lời Hồ Chí Minh…

N.V.K.

 

Tôn Thất Đại, cháu ngoại Phạm Quỳnh nhận giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2010

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:42 chiều

Blog PhamTon, tuần 3 tháng 5 năm 2011.

TÔN THẤT ĐẠI, CHÁU NGOẠI PHẠM QUỲNH

NHẬN GIẢI THƯỞNG KIẾN TRÚC QUỐC GIA NĂM 2010

Phạm Tôn

Phó giáo sư Tiến sĩ Kiến trúc sư Tôn Đại, sinh năm 1937 tại Hà Nội, có tên khai sinh do ông nội đặt là Tôn Thất Đại, chữ Đại thuộc bộ ngọc, là tên một thứ ngọc, như tên ông nội, cha và hai em trai, đều là tên một thứ ngọc. Ông là trưởng nam của trưởng nữ học giả Phạm Quỳnh là bà Phạm Thị Giá và giáo sư Tôn Thất Bình, hiệu trưởng điều hành trường Thăng Long (Ngõ Trạm) nổi tiếng ở Hà Nội xưa. Ông từng là sinh viên khoá I, Đại học Bách Khoa Hà Nội từ khi mới thành lập

Ngày 23/4, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu  nghị Việt – Xô (Hà Nội), Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 và trao tặng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thư chúc mừng Hội. Đến dự buổi lễ, có đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh; Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam. Tại đây, Phó giáo sư Tiến sĩ Tôn Đại đã nhận giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2010 (giải nhì) về tập sách khoảng 500 trang nhan đề Kiến trúc, những vấn đề lý luận và thực tiễn do Nhà xuất bản Xây Dựng xuất bản năm 2011.

Trong Lời nói đầu tập sách, Nhà xuất bản Xây Dựng đã viết như sau:

“Cuốn sách bạn đọc đang cầm trên tay là một tập hợp một số những bài viết, bài nghiên cứu, những tiểu luận chuyên đề mà tác giả đã công bố trong các hội thảo khoa học về kiến trúc và quy hoạch đô thị trên các tạp chí chuyên ngành trong những năm qua.

 

Là một kiến trúc sư có nhiều năm làm công tác thiết kế công trình và quy hoạch đô thị ở cơ quan trung ương và địa phương, sau đó về giảng dạy ở đại học, PGS. TS. Tôn Đại đã dành nhiều thời gian nghiên cứu lí luận nghệ thuật kiến trúc và quan tâm đến mảng lí luận phê bình.

Cuốn sách trình bày các vấn đề thành bốn chuyên mục:

  1. 1.      Những vấn đề về kiến trúc Việt Nam
  2. 2.      Những vấn đề về lí luận nghệ thuật triến trúc
  3. 3.      Các công trình kiến trúc và những sáng tạo trong kiến trúc
  4. 4.      Những vấn đề về nghệ thuật

Vỡi nhãn quan bao quát, tác giả đã tổng kết những vấn đề lớn như Những chặng đường phát triển nghệ thuật kiến trúc Việt Nam 50 năm qua hay Tổng quan nghệ thuật kiến trúc Việt Nam thế kỉ XX; Ông đã có cách phân kì độc đáo như “thời kỳ tre nứa lá”,”thời kì gỗ”, “thời kỳ gạch”, “thời kỳ bêtông cốt thép lắp ghép”, “thời kì khung bêtông cốt thép”.

Những vấn đề lớn đã được trình bày một cách đơn giản sáng sủa.

Tác giả tỏ ra có sự nhạy cảm nghệ thuật nên cách đây ¼ thế kỉ đã sớm đánh giá một cách đúng đắn công lao của thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của nước ta trong việc sáng tạo ra kiến trúc Tân cổ điển thời kì những năm 60 thế kỉ trước trên miền Bắc, trong bài Qua một số công trình kiến trúc xây dựng trong những năm 60. Cùng với sự nhạy cảm ấy, tác giả đã sớm phát hiện mầm mống chủ nghĩa Biểu hiện trong kiến trúc hiện đại Việt nam và công khai cổ vũ xu hướng này trong lúc có nhiều dư luận không đồng tình, thậm chí đả phá trong bài Sáng tạo những không gian hấp dẫn là mong ước của kiến trúc sư và bài Nhân một công trình của chủ nghĩa Biểu hiện trong kiến trúc hiện đại Việt Nam, bàn về mối quan hệ giữa kiến trúc và điêu khắc.

Tác giả đã có công phát hiện ra một nhân tố mới trong kiến trúc hiện đại Việt Nam trong bài Đã ra đời một trào lưu kiến trúc dân gian mới. Đây là một công trình nhỏ nghiên cứu có phân tích nguyên nhân ra đời và phân loại các đặc tính của trào lưu này đồng thời tỏ thái độ ủng hộ và giúp đỡ trào lưu này một cách tích cực, hiệu quả bằng cách uốn nắn những biểu hiện lệch lạc của nó.

PGS. TS. Tôn Đại thường có cái nhìn độc đáo, cách viết sắc bén đôi khi hài hước như những bài Chúng ta đang ở đâu (Tham luận tại Đại hội VI Hội Kiến trúc sư Việt Nam), Hai lần quay lại chủ nghĩa Cổ điển, Khoảng cách nghiệt ngã. Nhưng cũng có khi giọng văn rất nhẹ nhàng mang tính văn học như Một thoáng Ma Cao, Huyền Không sơn thương, một bài thơ kiến trúc, bài viết với những kí hoạ của tác giả đã nâng cao tính nghệ thuật của kiến trúc lên.

Trong mảng lí luận phê bình, tác giả đã nghiên cứu khá công phu để trình bày những lý thuyết khá phức tạp dưới dạng đơn giản nhằm phổ biến dễ dàng cho bạn đọc như Nguyên lí phản truyền thống của Kenzo Tange, Về thuyết tính nhập nhằng trong kiến trúc của Robert Venturi.

Tôn Đại là một người kiên trì phê phán “Hội chứng kiến trúc Pháp”, đó là một thứ hàng dởm có tác dụng kéo lùi nghệ thuật kiến trúc của Việt Nam, xoá đi tính chất địa phương và bản sắc của kiến trúc Việt Nam, khởi đầu bằng Một thị hiếu không lành mạnh.

Về công tác đào tạo, giới thiệu những thành tựu của nghệ thuật kiến trúc thế giới và vấn đề hành nghề kiến trúc, tác giả cũng đề cập đến trong phần 4 của cuốn sách này.

Cuốn sách lẽ ra đã ra mắt sớm hơn, nhưng do một số trở ngại nên giờ phút này mới đến tay bạn đọc, do đó có nhiều bài nghiên cứu gần đây của tác giả phải gác lại, chúng tôi sẽ cho ra mắt trong một dịp sau…

Mong rằng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên kiến trúc, các kiến trúc sư và những người quan tâm đến nghệ thuật kiến trúc.”

P.T.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận cúp vàng “Vì sự nghiệp phát triển cộng đồng”

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:38 chiều

Blog PhamTon, tuần 3 tháng 5 năm 2011.

NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN VỪA NHẬN

CÚP VÀNG “VÌ SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG”

GIẢI THƯỞNG ĐẶC BIỆT CỦA THÀNH ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HÀ NỘI

Ngày 11/4/2011, tại Hà Nội, ban tổ chức Chương trình bình chọn Cúp vàng “Vì sự nghiệp phát triển cộng đồng” và giải thưởng “Nhà quản lý xuất sắc thời kỳ đổi mới” đã tổ chức trao Cúp vàng lần thứ năm và Giải thưởng lần thứ nhất. Nhạc sĩ Phạm Tuyên là một trong 28 cá nhân xuất sắc nhận Cúp vàng “Vì sự nghiệp phát triển cộng đồng”.

Trước đó, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản 26/3/2011, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hà Nội tặng một Giải thưởng Đặc biệt với nội dung là “Gương điển hình có nhiều cống hiến và ảnh hưởng đến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ Đô”.

B.P.T.

Tháng Năm 6, 2011

Đặt vấn đề với ông Nguyễn Văn Trung về văn học và chính trị

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:25 chiều

Blog PhamTon, tuần 2 tháng 5 năm 2011.

ĐẶT VẤN ĐỀ VỚI ÔNG NGUYỄN VĂN TRUNG

VỀ VĂN HỌC VÀ CHÍNH TRỊ

Ái Linh

Lời dẫn của Phạm Tôn: Bài báo này của bạn Ái Linh đăng trên mục Nói hay Đừng của báo Tự Do (Sài Gòn) từ ngày 11/11 đến ngày 2/12 năm 1962.

Chúng tôi đăng lại trên blog để bạn đọc quan tâm đến văn học nước nhà rộng đường tham khảo về một vấn đề lớn từng xảy ra trong những năm 1930 và dư âm còn kéo dài mãi đến những năm 60 thế kỷ trước và xem ra còn đến cả những năm đầu thế kỷ 21 của chúng ta nữa.

Vì bài khá dài, chúng tôi chia làm nhiều phần và đặt nhan đề cho từng phần đó.

—-o0o—-

Phần 1: Diễn biến của “Vụ án Truyện Kiều”

Nhật báo Tự Do vừa rồi có đăng nguyên văn bài diễn thuyết của ông Nguyễn Văn Trung.

Chúng tôi từ lâu vốn có chút nhiệt thành với những vấn đề văn học và nghệ thuật, nay nhân đọc bài ấy có một vài nhận xét nhỏ xin đưa trình độc giả để công luận thẩm định.

Chúng tôi nghĩ có ba đức tính cần phải có khi muốn phê bình cho chính xác về một vấn đề gì, đó là: NHÂN, THÀNH, TRÍ.

NHÂN để thông cảm đúng chân lý.

THÀNH để trung thực, công bằng với chính mình cũng như với người.

TRÍ để có khả năng kỹ thuật diễn tả cho đúng.

Với quan niệm đó, chúng tôi đã đọc kỹ bài của ông Nguyễn Văn Trung để thử tìm hiểu giá trị xây dựng của bài và chủ ý của ông.

Trước hết phải chính danh. Ngay về đề tài bài diễn thuyết, chúng tôi đã thấy có chỗ gượng ép, không được hài lòng lắm: Ông Nguyễn Văn Trung muốn trình bày quan điểm của ông về cuộc “tranh luận” Phạm Quỳnh – Ngô Đức Kế qua Truyện Kiều.

Theo thiển kiến chúng tôi, phàm đã gọi là tranh luận, thế tất phải có hai phe cùng tham dự đối đáp nhau. Về vụ này, ta chỉ thấy ông Ngô Đức Kế lên tiếng mạt sát ám chỉ ông Phạm Quỳnh, gián tiếp muốn mở cuộc bút chiến, còn về ông Phạm Quỳnh tuyệt không có lấy nửa lời đáp lại. Sau này, trong bài trả lời ông Phan Khôi, ông Phạm Quỳnh cũng không hề đả động tới nội dung bài của ông Kế. Như thế, khách quan mà nói thì không có một cuộc tranh luận Phạm Quỳnh – Ngô Đức Kế.

Tuy nhiên, có một mối liên quan giữa những bài của các ông: Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, mà nhân duyên là Truyện Kiều.

Bởi thế, Linh mục Thanh Lãng đã gọi chung là “Vụ án Truyện Kiều”, thiết tưởng phải lẽ hơn. Chính vì có mối liên quan ấy, tạm bỏ qua cái danh đặt không hợp lý trong đề tài, ta vẫn có thể theo dõi lập luận của ông Nguyễn Văn Trung để xem xét quan điểm của ông.

Mở đầu, ông nói không được thỏa mãn với những ý kiến của hầu hết các nhà văn học đã trình bày; do đó, ông muốn “nhận định lại” mong hiểu sự thực hơn mà không bất công với những tác giả. Kế tiếp ông trình bày sự kiện tranh luận.

Chúng tôi nhận thấy, đối với độc giả, “trình bày lại” câu chuyện xung khắc này cần phải Công minh chính trực; bởi vì có như thế độc giả mới thấu đáo vấn đề và tránh một ấn tượng thiên lệch khi đi sang phần phê phán. Ông Nguyễn Văn Trung đã thuật không được đầy đủ về những việc cũ. Chúng tôi xin trình bày cùng bạn đọc Tự Do tất cả nội vụ để làm căn bản lập luận sau này:

Buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du:

Gần 40 năm trước vào ngày mồng 10 tháng 8 năm 1924, Ban Văn Học Hội Khai Trí Tiến Đức (hội này do ông Phạm Quỳnh sáng lập năm 1919) muốn nhân ngày giỗ cụ Tiên Điền Nguyễn Du đặt một cuộc kỷ niệm với mục đích: “Nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công nghiệp một người đã gây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hỏa” rất quí báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi”.

Chương trình buổi lễ có hai mục quan trọng:

  1. Ông Phạm Quỳnh thay lời “Văn Học Ban” diễn thuyết về mục đích cuộc kỷ niệm, rồi  lại diễn thuyết bằng tiếng Pháp cho các hội viên Pháp nghe (tất cả khoảng nửa giờ).
  2. Ông Trần Trọng Kim diễn thuyết về lịch sử cụ Tiên Điền và văn chương Truyện Kiều (khoảng một giờ).

Trong bày diễn văn tiếng Việt, ông Phạm Quỳnh nêu rõ sự thực là: “Suốt quốc dân ta, ai ai cũng biết, cũng thuộc, cũng kể, cũng ngâm, cũng lẩy Truyện Kiều, như vậy thời ai ai cũng đều hưởng cái công nghiệp của cụ Tiên Điền ta, ai ai cũng phải nhớ ngày giỗ cụ và nghĩ đến cái ơn của cụ tác thành cho tiếng nước nhà”. Ông nhấn mạnh vào cái hay của Truyện Kiều, đem cái hay ấy so sánh với những nền văn chương Tàu và Pháp để nêu cao giá trị toàn bích của Truyện Kiều. Cuộc kỷ niệm không những chú ý “hình ư ngoại” tấm lòng cảm mộ đối với cụ Tiên Điền, nhưng còn có một ý nghĩa nữa là:

Nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, “chiêu hồn quốc sĩ” thác là thể phách, còn là tinh anh… xin chứng nhận lời của đồng nhân đây, thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin rầu lòng giốc chí cố công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh tao, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc văn ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!”

Tất cả những bài diễn văn của các ông Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim đều có đăng nguyên văn trong báo Nam Phong số 86 năm 1924.

Bài của ông Ngô Đức Kế:

Sau đó, báo Hữu Thanh (cơ quan ngôn luận của Hội Trung Bắc Nông Công Thương Tương Tế), trong số 21, ngày 1/9/1924 có đăng một bài của ông Ngô Đức Kế nhan đề: “Luận về Chánh học cùng Tà Thuyết, Quốc Văn, Kim Vân Kiều, Nguyễn Du”.

Mở đầu, ông Ngô Đức Kế bàn về chánh học cùng tà thuyết và mối tương quan tới sự thịnh, suy của vận nước. Trong quá nửa sau của bài, ông không còn giữ được bình tĩnh, giọng văn gay gắt, mỉa mai, ám chỉ Phạm Quỳnh, ông viết:

Những người học thức kiến văn chưa được một nắm, nhân cách giá trị chẳng đáng là bao, mới lóm lém những học thuyết ông Mạnh (Montesquieu) ông Lư (Rousseau), bập bẹ những cách ngôn họ Trang, họ Liệt thì đã nghiễm nhiên tự lập làm một đấng văn hào, tự xưng khai hóa quốc dân mà không ngó lại mình đã khai hóa hay chưa; thôi thì tán xằng, tán nhảm, nói bậy, nói càn, không còn có nghĩa lý chính đáng chi nữa…”.

Ám chỉ quang cảnh buổi lễ kỷ niệm, ông tả:

Một anh giả dối lóp lép, đứng đầu sùng bái Kiều, mà một bọn u mê hờ hững gào hơi ráng sức để họa theo, còn một lớp người chỉ lóm nhìn mồm thì vỗ tay tán thưởng, khiến người phải bịt tai bưng mũi, rức đầu, long óc vì những tiếng hô to: “Quốc Văn!! Kim Vân Kiều !! Nguyễn Du!!!”

Ông trích dẫn lời sau đây của Phạm Quỳnh như là một bằng chứng để ông lên án

Học Hán văn là học mượn, học Pháp văn là học mượn, học Quốc văn mới là học nhà, Truyện Kiều tức là sách nhà đó…”

Về Truyện Kiều, ông viết:

Kim Vân Kiều là sách gì?, chỉ nhắc đến cái tên sách, thi nghe đã không thế nào ngửi được…”

Rồi vẫn ám chỉ Phạm Quỳnh, ông mạt sát:

Con oanh học nói, xằng xiêng bậy bạ, rồ dại điên cuồng, tà thuyết vu dân đến thế là cực”.

Cuối bài, sau khi đã ký tên, ông còn thêm một câu:

Bài luận này chắc chắn nhiều người phản đối, ai phản đối xin cứ gửi thư đến bản chí”.

Đối với bài đả kích một cách gián tiếp ấy, ông Phạm Quỳnh đã giữ thái độ yên lặng.

Bài của ông Phan Khôi

Sáu năm sau, 1930, nhân bộ sách Nho Giáo của ông Trần Trọng Kim ra đời, ông Phan Khôi viết một bài phê bình nhan đề  Đọc cuốn Nho giáo của Ông Trần Trọng Kim đăng trong tuần báo Phụ Nữ Tân Văn, số 54, tháng 6/1930. Phụ Nữ Tân Văn số 60, ngày 10/7/1930 đăng bài ông Trần Trọng Kim trả lời: Mấy lời bàn với Phan tiên sinh về Khổng Giáo.

Bởi đó, trong Phụ Nữ Tân Văn số 62 ngày 24/7/1930, ông Phan Khôi mới viết một bài nhan đề: Sau khi đọc bài trả lời của Trần Trọng Kim tiên sinh, cảnh cáo các nhà học phiệt.

Ông định nghĩa qua thế nào là học phiệt và nêu nhận xét rằng ở nước ta đang có một hạng học phiệt, rồi viết về thái độ tự cao của hạng người “làm thinh, tỏ ra là họ phục, nhưng làm thinh, tỏ ra là họ không thèm nói với, thế mới đáng ghét…”

Ông tiếp: “Tôi chẳng nói gần nói xa chi hết, tôi nói ngay rằng hạng học phiệt ấy ở nước ta chẳng bao lăm người, mà Phạm Quỳnh tiên sinh là một”. Ông lấy ví dụ về Phạm Quỳnh làm thinh đối với bài của ông Ngô Đức Kế dẫn chứng.

Ông đứng ngoài nhận xét:

Nói có vong linh Ngô Tiên sinh! Không biết làm sao mà ông này có ác cảm với Phạm quân quá. Hồi đó tôi ở Hà Nội, tôi đi lại với cả hai đằng, đầu đuôi làm sao tôi rõ hết. Vì sự tự ý đó nên trong bài “chánh học với tà thuyết” của Ngô Đức Kế có chỗ không được công bằng tuy vậy lấy đại thể cái bài mà nói, thì cách công kích như vậy là chánh đáng. Và nó là một vấn đề lớn, có quan hệ với học phong sĩ tập, dầu phải dầu chăng, cũng không có thể nào bỏ qua đặng…”

Tiếp theo, ông cho rằng Phạm Quỳnh không nối lời, đứng về mặt làm báo thì là hay; nhưng sự im lặng ấy có ảnh hưởng không tốt về mặt học thuật vì nó tạo ra cái cảnh nguội lạnh, im lìm trong học giới. Về điểm này, ông lấy vụ độc giả “nguội lạnh” đối với 21 bài phê bình Khổng Giáo của ông đăng trong báo Thần Chung hồi cuối năm 1929 làm dẫn chứng.

Ông nhận định:

Nước Việt Nam sau này mà gọi được là có học thuật họa là từ nay về sau chăng. Sự đó, cái trách nhiệm ở chúng ta, là những kẻ có học mà ở vào cái thời đại văn hóa Đông Tây giao hội với nhau này…

… Vậy thì hai bên, cái ý kiến đại để đồng nhau; có khác nhau chỉ là cái thái độ. Chúng tôi thì muốn, về sự học phải cho ngôn luận được công khai. Còn các ông, theo như cái thái độ đã vẽ ra trên kia, thì hình như muốn chuyên chế”.

Ông Phạm Quỳnh trả lời ông Phan Khôi

Phụ Nữ Tân Văn số 67, ngày 28/8/1930 đăng bài của ông Phạm Quỳnh: Trả lời bài cảnh cáo các nhà học phiệt của Phan Khôi tiên sinh.

Bài này cũng đăng nguyên văn ở Nam Phong số 152, tháng 7/1930.

Phạm Quỳnh bày tỏ: “Phan tiên sinh với tôi là chỗ quen biết cũ… Và việc là việc quan hệ lớn, không phải chỉ thiết đến một cá nhân tôi mà thiết đến cả học giới nước nhà, tất tôi phải cùng tiên sinh phân trần mấy lời, không thể để cho độc giả ngộ nhận được”.

Ông xác định thái độ với Ngô Đức Kế:

Ông Nghè Ngô nay là người thiên cổ rồi. Kẻ khuất người còn chuyện bao năm cũ kể ra làm gì? Nhưng Phan tiên sinh đã dở dói ra thì tôi cũng phải nối lời mà phân trần cho có lẽ: xin vong linh ông Ngô chứng giám! Họ Ngô với tôi vốn không có hiềm khích gì. Tôi thủy chung vẫn coi ông như bực đàn anh”.

Ông phân trần với Phan Khôi:

Truyện Kiều là một nền văn chương kiệt tác, xét Truyện Kiều phải đứng về phương diện văn chương mà xét, nay họ Ngô lại đứng về phương diện đạo đức – mà là cái đạo đức rất hẹp hòi của phái hương nguyện – thì ra là chủ ý lập luận thiên di để có chỗ mà công kích người ta. Như vậy, thì không phải là một vấn đề học vấn văn chương gì nữa, chỉ là một vấn đề cá nhân mà thôi.” Và: “Vả lại tự ý tôi cũng không muốn tranh luận với ông, nếu đã thành ra cuộc cãi lộn, thì tất phải dùng những lời nặng tiếng nhẹ, ông một mực cho tôi là “văn sĩ lóp lép” thì tôi nể gì mà không tặng cho ông tên nọ tên kia, thành ra một cuộc đấu khẩu hàng rau hàng cá, còn có sự thể gì nữa!”.

Ông đính chính:

“Làm thinh là không muốn cãi lộn vô ích, chứ không phải là khinh hay sợ gì dư luận”.

Ông minh xác thái độ chính trị:

Chẳng biết từ nay về sau vì thời thế bắt buộc có phải thực lực ra làm chính trị hay không- đó là một nghĩa vụ, nếu phải làm thì cũng không dám từ – chứ từ trước đến nay thì sở chí sở sự không phải chuyên chú về mặt chính trị, dầu có tham dự vào chút đỉnh, cũng chỉ là tham dự một cách gián tiếp, đứng về địa vị khách quan, để làm một món khảo cứu mà thôi. Tôi vốn là nhà làm văn, nhà học vấn. Cái chủ nghĩa, tôi phụng sự bấy lâu nay, kể có trên dưới mười lăm năm trời, thật là dốc một lòng, chuyên một dạ – chính là chủ nghĩa quốc gia, nhưng chỉ mới phụng sự về phương diện văn hóa, chưa hề chuyển di sang phương diện chính trị.”

Trong đoạn cuối, ông kết luận:

Phải nên cùng nhau hiệp lực cố gây dựng cho nước nhà một nền “quốc học” đích đáng, không Tây mà không Nho, có cái tính cách đặc biệt, tiêu biểu được cho cái tinh thần cố hữu của nòi giống. Cái ý tưởng đó, ngày nay Phan tiên sinh mới đề xướng, mà về phần tôi chủ trương đã lâu năm rồi. Vậy ngày nay chúng ta có nên cổ động lập một hội “Chấn hưng quốc học” họp tập những người có chí học vấn trong Nam, ngoài Bắc, mỗi năm hội nghị một lần để bàn các kế hoạch nên thi hành cho nước nhà mau có một nền quốc học đích đáng không?… Thiết tưởng như thế còn hơn là cãi nhau vô ích. Phan tiên sinh nghĩ sao?”

Sau bài Phạm Quỳnh trả lời, ông Phan Khôi có phúc đáp một bài đăng báo Phụ Nữ Tân Văn số 70 ngày 18/9/1930 nhan đề: “Về cái ý kiến lập hội “Chấn hưng quốc học” của ông Phạm Quỳnh.

Bài của ông Huỳnh Thúc Kháng:

Ông Huỳnh Thúc Kháng nhân đọc bài Phạm Quỳnh trả lời Phan Khôi về “học phiệt”, viết một bài đăng trên báo Tiếng Dân nhan đề: Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không? (Chiêu tuyết những lời bài báng cho một nhà chí sĩ mới qua đời).

Bài này lời lẽ rất gay gắt, đại ý biện minh, bênh vực quan điểm Ngô Đức Kế kết án Truyện Kiều và công kích thái độ của Phạm Quỳnh đối với Ngô Đức Kế.

Ông viết: “Độc giả thử xem, một bài biện luận xác đáng rạch ròi như vậy, sao gọi là câu chuyện cá nhân, quyền lợi, mà không quan hệ đến học vấn tư tưởng? Sao gọi là lập luận thiên di (dời đi chỗ khác – PT chú)?” Như vậy mà cho là không quan hệ thì những lối trèo tường, trổ ngõ, quạt ước trăng thề, ép liễu nài hoa, cắp hương trộm ngọc kia mới là quan hệ với học vấn tư tưởng sao? Lập luận ấy mới là chánh sao?”

Cuối cùng ông kết thúc về giá trị Truyện Kiều:

Truyện Kiều chẳng qua là một lối văn chương mua vui mà thôi, chứ không phải là thứ sách học; mà nói cho đúng ra, Truyện Kiều là một thứ dâm thơ, rõ không ích mà có hại”.

Và: “Hiện xã hội ta ngày nay diễn ra những tuồng thương phong bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều gieo vào tư tưởng không phải là ít”.

Phạm Quỳnh im lặng không bắt lời. Điểm này cũng tỏ rằng không có một cuộc “tranh luận” giữa Phạm Quỳnh –Huỳnh Thúc Kháng. Bởi ông Huỳnh Thúc Kháng cũng chỉ đọc bài Phạm Quỳnh trả lời Phan Khôi rồi viết ý kiến của ông ra, thế thôi.

Các nhà phê bình văn học đã nhận xét tường tận, phê phán nhiều về vụ này, nhưng tựu trung không ai dù đương thời Phạm Quỳnh hay thuộc lớp sau, nhìn nhận tính chất chính trị ẩn sau vấn đề văn học nói trên.

A.L.

Một cách tận hưởng những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 11:20 sáng

Blog PhamTon, tuần 2 tháng 5 năm 2011.

MỘT CÁCH TẬN HƯỞNG NHỮNG NGÀY NGHỈ LỄ

30/4 VÀ 1/5 NĂM NAY

Phạm Tôn

Ngày kỷ niệm Giải phóng hoàn toàn Miền Nam – Thống nhất đất nước 30/4 năm nay trùng với ngày thứ bảy và Ngày kỷ niệm Quốc tế lao động lần thứ 125 trùng với ngày chủ nhật, thành ra những người lao động được nghỉ tới bốn ngày liền. Các tua du lịch trong nước, nước ngoài đua nhau quảng cáo hấp dẫn cả về các miền đất lạ, các kỳ quan, các danh lam thắng cảnh, các điểm đến nổi tiếng là địa linh nhân kiệt, lẫn về giá cả cạnh tranh, từ cao cấp “nhiều sao” đến du lịch “ba lô” giá cực rẻ… khiến người lao động phân vân không biết nên chọn đi đâu, mong sao không bỏ mất những tua đặc sắc, hợp với mình nhất, để khỏi phí mất những ngày nghỉ quí giá, hiếm hoi này.

Trong khi đó, có những người lao động đáng quí đã chọn cách tận hưởng những ngày nghỉ lễ này bằng cách chung vui với gia đình, thăm bà con, quê hương hoặc đi bất cứ tua nào, nhưng không quên truy cập internet, tìm Blog PhamTon, mong tìm hiểu thêm về Phạm Quỳnh, Con Người suốt đời trung với nước hiếu với dân, suốt đời nặng lòng với tiếng ta, nặng lòng với nhà và nặng lòng với nước.

Ngày nghỉ đầu tiên, có tới 10.005 lượt người truy cập blog. Ngày nghỉ thứ nhì vẫn còn 6717.

Ngoài địa chỉ quen thuộc của Blog PhamTon là https://phamquynh.wordpress.com các bạn còn thu được qua các nguồn khác như: nguyenvantuan.net, diendan.org, nguyenxuandien.blogspot.com, boxitvn.net, vi.wikipedia.org, tuanvannguyen.blogspot.com, vi.wordpress.com v.v…

Thế mới hay: dân ta còn nặng lòng với Thượng Chi – Phạm Quỳnh lắm.

P.T.

*

*          *

Nhích từng li đi chơi lễ

Trang 5 báo Tuổi Trẻ số ra ngày 2/5/2011 đăng tin Nhích từng li đi chơi lễ của Nhóm PV có đoạn: “Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Giờ… đã thật sự quá tải dưới áp lực của lượng khách du lịch tăng đột biến trong ngày 1-5. Khách du lịch phải vạ vật ăn uống ở công viên hay ngủ gục trên xe máy chờ qua phà…

Tuy đã sang ngày thứ hai của đợt nghỉ lễ, nhưng trong ngày 1-5, người dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục “ồ ạt” đổ ra các cửa ngõ để vui chơi ở các điểm du lịch lân cận thành phố.”

 

Blog tại WordPress.com.