Pham Ton’s Blog

Tháng Bảy 31, 2014

Giáo sư Hồ Sĩ Quý: Rất cần một bảng giá trị không lệch lạc

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:40 chiều

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 2 tháng 8 năm 2014.

GIÁO SƯ HỒ SĨ QUÝ:

RẤT CẦN MỘT BẢNG GIÁ TRỊ KHÔNG LỆCH LẠC

Thảo Nguyên (thực hiện)

(Bài thu từ www.vanhoanghean.com.vn phát ngày thứ sáu, 9/3/2012 lúc 4:04)

—o0o—

n Hóa Nghệ An: Gần đây, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã ra nghị quyết 4 về chỉnh đốn Đảng. Xét cho cùng đây cũng chính là vấn đề Con Người, vấnHo Si Quy đề văn hoá, tất nhiên là khu biệt ở cộng đồng cán bộ, đảng viên của Đảng. Để có thể có một cái nhìn toàn diện hơn vấn đề này từ trong chiều sâu tâm thức văn hoá, đặt vấn đề trong tổng thể cộng đồng dân tộc, Văn Hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sĩ triết học Hồ Sĩ Quý – Viện trưởng Viện thông tin Khoa học xã hội. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Mỗi cá nhân thông thường đều có những nét riêng về phẩm chất, tính cách. Tuy vậy, trong phạm vi một cộng đồng thì sự khác biệt của các cá nhân đó lại không làm mất đi những phẩm chất và những tính cách chung, mà người ta thường gọi là mẫu số chung về tính cách cộng đồng. Chúng tôi quan niệm đó là bảng giá trị nhân cách của cộng đồng. Nếu chấp nhận cách hiểu này thì, theo Giáo sư, trong bảng giá trị đó, cộng đồng người Việt Nam chúng ta có những phẩm chất nào được coi là tiêu biểu nhất, và những cái gì tạm gọi như là những thói xấu cố hữu chưa gột bỏ được?

GS.HSQ: Nét tích cực tiêu biểu và những thói xấu cố hữu trong tính cách người Việt là chuyện được bàn nhiều ở vài năm trước, lúc tâm thế xã hội còn tràn đầy không khí lạc quan, cái không khí khiến nhiều người tin hơn ở những đức tính tốt đẹp của người Việt, coi đó có thể là nguyên nhân lớn tạo nên sự phát triển. Một phần nữa, lúc đó cuốn sách Người Trung Quốc xâu xí của Bá Dương, tác giả người Đài Loan, mới được biết đến nên cũng gây ảnh hưởng, tạo cảm hứng mới mẻ cho sự bàn cãi. Mấy năm nay, đời sống kinh tế xã hội tuy vẫn phát triển nhưng đã nảy sinh nhiều vấn đề nổi cộm, có những điểm tắc nghẽn rất khó khai thông nên việc bàn đến tính cách người Việt có phần nhạt đi. Hiện thời, có lẽ anh Vương Trí Nhàn là một trong số ít những người còn mặn mà với chủ đề này.

Sự thực, đây là vấn đề rất căn bản, nằm ở tầng rất sâu trong văn hóa. Nó sẽ đeo bám sự phát triển trong mọi bước ở tương lai. Nghĩa là điều hay, nếu đạt tới, nó cũng có công, và cái dở, nếu mắc phải, nó cũng là một trong những kẻ tội đồ.

Trong một số bài báo và trả lời phỏng vấn, tôi cũng đã vài lần khẳng định cái hay, cái dở ở người Việt. Nay, lùi xa hơn một chút để suy ngẫm, tôi thấy, vẫn đủ cơ sở để một lần nữa khẳng định, thông minh, năng động, học giỏi và ít nhiều chịu khó là phẩm chất khó phủ nhận của người Việt, trong so sánh với bất kỳ cộng động tương đương nào. Và, thiếu triệt để trong tư duy và hành động, thiếu đại lượng khi nhìn nhận cá nhân, khi đánh giá người bên cạnh mình, và thiếu một bảng giá trị không lệch lạc để điều chỉnh hành vi là những điểm dở nhất trong tính cách người Việt, kể cả người Việt sống ở nước ngoài.

P.V Giáo sư có thể nói kỹ hơn…

GS. HSQ: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên các trang tin Online, lâu nay nhiều ý kiến đã tỏ ý hoài nghi các phẩm chất thông minh, năng động, học giỏi và chịu khó của người Việt. Các bằng cớ đưa ra cũng không dễ cãi. Cũng đã có những nghiên cứu định lượng công phu với ý định nhằm khẳng định một lần cho dứt điểm về vấn đề này. Nhưng sự thật không đơn giản thế, ấy là chưa nói đến việc nghiên cứu định lượng ở ta cũng chưa đạt tới trình độ thật tin cậy. Thành thử mọi ý kiến, kể cả ý kiến của tôi hôm nay, cũng chỉ là những cảm nhận, những suy tư, khái quát có phần cảm tính.

Nhưng thật khó phủ nhận, tại sao từ thời (Theo chúng tôi, có lẽ giáo sư muốn nói về thời các vị học giả này đưa ra những nhận xét về các phẩm chất của người Việt cả mặt hay lẫn dở – tức đầu thế kỷ 20 – PT chú) cụ Đào Duy Anh, cụ Nguyễn Văn Huyên, cụ Phạm Quỳnh đến tận ngày nay, lúc nào cũng có những tiếng nói và quan trọng hơn, những hiện tượng, những chứng cứ chứng minh cho những phẩm chất đẹp này ở người Việt. Xin không nhắc lại những hiện tượng đáng tự hào của nhiều cá nhân và cộng đồng người Việt ở Đức, ở Pháp, ở Mỹ … và trong các kỳ thi tranh tài quốc tế, dù không ít cuộc thi chỉ là những thi cử ở tầm học trò. Người Việt trong cạnh tranh, giao tiếp với các cộng đồng bên ngoài, thường bộc lộ khá rõ tư chất thông minh, dù đôi lúc thông minh có phần “láu cá”. Tính năng động, độ nhạy bén, khả năng thích nghi với hoàn cảnh, cũng là phẩm chất khá trội, dù không ít trường hợp vẫn chưa vượt quá trình độ “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Còn tinh thần hiếu học, thì xưa nay luôn là giá trị dễ thấy nhất, dù mục đích của việc học thường vẫn bị chê trách là học “để làm quan”, học để có bằng cấp, và nhiều lắm là học để làm việc, chứ rất ít người học với tinh thần “yêu thích tìm ra sự thật hơn là làm vua Ba Tư”. Và, tính cần cù, sự chịu khó trong kiếm sống nữa. Ngày nay, người cần cù có thể ít hơn, nhưng cũng chưa hề quá lời khi không ít người vẫn bị chê là “cần cù đến cù lần”.

Tôi nghĩ rằng, nếu cộng đồng, các tổ chức xã hội, bộ máy giáo dục và các quan chức có trách nhiệm, có cái nhìn “đãi cát tìm vàng”, chứ không phải “bới lông tìm vết”, với những hiện tượng này, ít ra phải được như cụ Tạ Quang Bửu ngày trước, thì tình hình sẽ khả dĩ hơn rất nhiều. Không đánh giá thích đáng những hiện tượng này, có thể sẽ là một sự lãng phí ngớ ngẩn. Ý tôi muốn nói là, nếu không đủ đại lượng để có cái nhìn ưu ái với những hiện tượng này, để nâng đỡ, khuyến khích, sử dụng và phát huy những hiện tượng này, xã hội sẽ lãng phí một nguồn lực quý – nguồn lực trí tuệ, nguồn lực con người.

Cũng cần nói thêm rằng, nhu cầu xã hội về một cái nhìn đại lượng ưu ái đối với phẩm chất thông minh, năng động, học giỏi và chịu khó khi đánh giá con người, mà tôi muốn nói đến ở đây, không phải chỉ là nhu cầu cần có một thái độ, một “lòng tốt”, hay là một “quan chức anh minh”…, mà là nhu cầu trong hoạt động, trong thực tế với các chính sách, chế độ, cơ chế… đảm bảo cho các phẩm chất đẹp có cơ hội nảy nở, thể hiện mình và phát triển. Chỉ nghĩ trong đầu mà chưa thể hiện thành hành vi, thành chính sách thì vẫn chưa thể coi là có thái độ đúng.

P.V. Thế còn cái xấu của người Việt, thưa Giáo sư?

Như vừa đề cập, trong tính cách người Việt, những điểm hạn chế đáng ngại nhất, khi đối chiếu với nhu cầu của sự phát triển đất nước ở thời điểm hiện nay, đó là thiếu triệt để trong tư duy và hành động, thiếu đại lượng khi nhìn nhận cá nhân, khi đánh giá người bên cạnh mình, và thiếu một bảng giá trị không lệch lạc để điều chỉnh hành vi.

GS. Trần Đình Hượu trước đây đã cảnh báo đại ý rằng, người Việt ai cũng biết làm một vài câu thơ, nhưng chẳng có nhà thơ nào và tác phẩm thơ nào được tôn vinh như là biểu tượng của cả nền văn hóa. Ngay cả Nguyễn Du cũng chưa được như Tagore trong văn hóa Ấn Độ, hay Đỗ Phủ, Lý Bạch trong văn hóa Trung Hoa. Cả dân tộc đánh giặc ngoại xâm gần như liên tục trong nhiều thời đại, nhưng chẳng có tướng sĩ nào được tôn vinh thành tượng đài thiêng liêng của ý chí dân tộc; hình tượng Trần Hưng Đạo được biết đến trong tâm thức dân gian, trên thực tế, là tượng đài của một Đức Thánh Trần, chứ không phải là tượng đài của một nhà quân sự tài ba. Chiến sỹ – nông dân áo vải cờ đào thì mới chỉ là đám đông anh hùng, không hề có một gương mặt cụ thể với những nét tính cách cụ thể. Nếu Chiến tranh thế giới II để lại ở Nga một số con phố mang tên những chiến sỹ binh nhất binh nhì, thì Chiến tranh chống Mỹ ở ta, đến nay, ngay các vị tướng cũng chưa được nhắc tới. Và, điều đáng ngại là ở chỗ, chúng ta thấy thế là bình thường.

Triệt để trong tư duy và hành động thường có nguy cơ, và đôi khi buộc phải, rơi vào cực đoan. Nhưng ở ta, mẫu người cực đoan, trong lĩnh vực nào cũng thế, lại rất ít nhận được sự thiện cảm của cộng đồng, nếu không muốn nói là thường bị ghẻ lạnh. Trong khi đó, ở phương Tây, người cực đoan có “đám đông” của họ, và rất nhiều phát minh, sáng tạo, sáng chế, tác phẩm… đã ra đời từ những ý tưởng cực đoan ở những con người cực đoan. Cực đoan, trong không ít trường hợp là đi đến tận cùng lý lẽ của vấn đề, là tư duy “vét cạn” toàn bộ sự việc, buộc sự việc phải lộ ra bản chất của nó. Cực đoan, mặt tốt của nó là triệt để. Đây là cái mà người Việt rất thiếu. Ngày nay, nhìn vào các hiện tượng văn hóa – xã hội, dù đã qua nhiều năm hội nhập và GDP đã vượt qua ngưỡng 1000 USD đầu người năm, nhưng đâu đâu ta cũng thấy những hiện tượng cải tiến, chắp vá, “có mặt nọ có mặt kia”…; rất ít có những hiện tượng là sản phẩm của tư duy triệt để, nhất quán, làm một lần là xong và không phải làm lại.

PV. Có phải Giáo sư cho rằng triệt để thì phải cực đoan?

GS.HSQ: Mọi sự triệt để đều có màu sắc cực đoan. Nhưng rất nhiều hiện tượng cực đoan lại chẳng mang thái độ triệt để hay tư duy triệt để nào cả. Đây là điều không dễ phân biệt nên trước cộng đồng, những người có tư duy triệt để thường phải chịu thiệt thòi. Trong cộng đồng người Việt, không nhiều người đủ đại lượng để nhận ra trong số những người cực đoan thì ai là người có tư duy triệt để, có cái nhìn xuyên thấu logic của sự việc. Vậy nên, các liệu pháp sốc, các phương án toàn diện – tổng thể, các giải pháp chấp nhận hy sinh… thường rất khó được tán đồng; chưa kể, những khó khăn khách quan cho những giải pháp kiểu này lại luôn rất lớn.

Thực tế đời sống ở Việt Nam cho thấy, những khó khăn khách quan luôn có xu hướng khuất phục được rất nhiều người có tư duy triệt để, khiến mọi ý đồ triệt để nhất rồi cũng phải thỏa hiệp hoặc chùn bước. Nhiều sự khởi đầu đầy hăng hái nhưng do thiếu một sự cực đoan cần thiết, nên rồi, kết quả vẫn không như mong đợi. Những ý tưởng to lớn không hiếm khi vẫn chỉ cho ra những kết quả bé tý, thường là do thiếu một phương thức thực hiện hợp lý với những cách làm và cách nghĩ triệt để. Nền văn hóa ở ta không khuyến khích những người dám chết để làm điều mình cho là có ích. Cộng đồng luôn nhân danh những giá trị của tiền nhân về dại và khôn, lợi và hại, cho và nhận, tâm và tài… để răn dạy các cá nhân không nên quá mạo hiểm với đời sống của mình. Điều này cũng có ý nghĩa tích cực của nó. Nhưng về một phương diện khác thì nó cản bước sự sáng tạo, làm thui chột ý chí vươn tới đỉnh cao và kéo dài sự sống của những cái lạc hậu. Điều này rất khác với văn hóa duy lý châu Âu.

Cách đây ít lâu, đứng trước những vấn nạn của nền giáo dục nước nhà, GS. Hồ Ngọc Đại nhận xét: “Tình trạng loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… là thực trạng buồn của giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì ta lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu”[1]. Tôi chú ý đến sự nhắc nhở của ông về tính triệt để trong tư duy và hành động. Với nền giáo dục đã có vài thập niên cải cách mà càng làm càng rối, thì tư duy chắp vá, thiếu triệt để, kém đồng bộ, chỉ “cải cách phần ngọn”… là thứ cần phải tính đến. Nghĩa là, cần có các giải pháp toàn diện – đồng bộ với tư duy triệt để. Nói như GS. Hoàng Tụy, sự trục trặc ở đây đã thuộc về lỗi hệ thống. Hệ thống vận hành của giáo dục đã không còn đủ sức tự sửa những lỗi của nó nữa. “Sai lầm hệ thống lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục là đã đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, kìm hãm thế hệ trẻ trong nền cử nghiệp hư học”[2].

Dĩ nhiên, cắt nghĩa sự yếu kém của giáo dục mà chỉ tìm nguyên nhân ở nếp tư duy, ở phẩm cách con người hay ở văn hóa thì rất không đầy đủ và do đó, rất dễ lệch lạc. Bởi đó là những nguyên nhân xa. Còn những nguyên nhân gần, nguyên nhân trực tiếp hơn của tình trạng yếu kém của giáo dục hiện đang thuộc về lợi ích, thuộc về bộ máy quản lý giáo dục, và cơ chế vận hành bộ máy quản lý ấy.

(Còn tiếp)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:32 chiều

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 2 tháng 8 năm 2014.

Một Phạm Quỳnh viết du ký

(Bài thu từ báo điện tử Đại biểu Nhân Dânhttp://daibieunhandan.vn hồi 8:39 ngày 13/2/2014)

Hương Sen

—o0o—

Không chỉ là nhà lý luận tiên phong về văn học hiện đại Việt Nam, một trí thức nặng lòng với văn hóa dân tộc, Phạm Quỳnh còn là nhà viết du ký xuất sắc thế kỷ XX.

Học giả Phạm Quỳnh (1892 – 1945) sinh tại làng Lương Ngọc, tổng Ngọc Cục, phủ Bình Giang, nay thuộc xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương. Với các bút danh Thượng Chi, Hoa Đường, Hồng Nhân, ông dành trọn cuộc đời để viết báo, làm chủ bút tạp chí Nam Phong, làm giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội, sáng lập hội Khai TrPham Quynh_deo bai ngaí Tiến Đức… Tên tuổi Phạm Quỳnh đã được khẳng định trong nhiều bộ từ điển danh nhân văn hóa, từ điển văn học, công trình nghiên cứu, chuyên khảo, luận văn. Từ giai đoạn Đổi mới (1986) đến nay, nhiều tác phẩm của ông đã lần lượt được sưu tập và công bố như: Mười ngày ở Huế (2001), Luận giải văn học và triết học (2003), Pháp du hành trình nhật ký (2004), Du ký Việt Nam – Tạp chí Nam Phong (1917 – 1934), 3 tập (2007), Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp (2007)…, và mới nhất là Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký (NXB Tri thức).

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, tác giả Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký nhấn mạnh: các trang du ký của Phạm Quỳnh thể hiện niềm tự hào dân tộc và cảm xúc chân thành trước vẻ đẹp non sông đất nước. Nhiều trang du ký của ông thực sự có giá trị sử liệu để xem xét nhiều sự kiện văn hóa – xã hội và định vị hoạt động tổ chức hành chính của giai tầng công chức thượng lưu dưới thời thực dân phong kiến. “Qua những chuyến du hành vượt biên giới, du ký của Phạm Quỳnh đã mở ra những chân trời nhận thức mới, đưa lại niềm phấn khích bởi những trang ghi chép, miêu tả sống động của người trải nghiệm. Phạm Quỳnh đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng ở thể tài du ký hồi đầu thế kỷ XX”.

Quá trình thực hiện Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký, Ts Nguyễn Hữu Sơn đã chọn in các bài viết hay về những nơi Phạm Quỳnh đi qua như: Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Trảy chùa Hương, Pháp du hành trình nhật ký, Thuật chuyện du lịch ở Paris, Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng, Du lịch xứ Lào. Trong từng tác phẩm, độc giả thấy được sự đan xen, hòa quyện của một ngòi bút đa phong cách – khi mang màu sắc của một nhà báo, một ông chủ báo; lúc mang văn phong của một nhà văn; khi viết trong tâm thế một nhà chính trị, một học giả. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, cho rằng, đọc các tác phẩm của Phạm Quỳnh, độc giả như theo chân ông viễn du từ Á sang Âu, từ Nam tới Bắc, đồng thời được thưởng thức tinh hoa văn học du ký – thể loại thịnh hành đầu thế kỷ XX và đang được ưa thích trở lại trong một vài năm gần đây.

Các tác phẩm du ký của Phạm Quỳnh thỏa mãn người đọc ở hai điều: kiến thức địa lý và những trải nghiệm thuộc về tinh thần. Trong Mười ngày ở Huế, người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp phong cảnh Huế mà còn đúc rút được nhiều kinh nghiệm du lịch đất Huế thuở đó: “… Muốn đi xem lăng phải đi vào ngày gió thu hiu hắt, giời đông u ám thì mới cảm nhận được hết cái thú thâm trầm…”. Một tháng ở Nam Kỳ lại là những trang viết sống động về Sài Gòn – Gia Định, “từ cách đặt đường phố cho đến cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà, cho đến cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá, nhất nhất đều tiến bộ hơn Hà Thành ta cả. Ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây…”. Trong Pháp du hành trình nhật kýDu lịch xứ Lào, người đọc không chỉ được theo chân học giả tới những quốc gia khác mà còn được biết thêm những tư liệu mang giá trị lịch sử, để từ đó hiểu hơn nhiều sự kiện văn hóa – xã hội, hoạt động của giai tầng công chức thượng lưu thời thực dân phong kiến… Trảy chùa Hương thể hiện niềm vui khi khám phá một danh lam thắng cảnh, với những trang viết đầy tính nghệ thuật. Hay kết thúc Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng ông cũng nặng lòng với trách nhiệm của nhà văn ở đời là người gióng lên tiếng kêu cho mọi người nghe thấy đồng điệu mà đồng tình, đồng thanh mà đồng cảm. Tinh thần tự hào trước vẻ đẹp non sông đất nước, cùng với khát vọng thức tỉnh, thúc giục đồng bào trong nước tiến lên cho bằng người.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đọc các tác phẩm của Phạm Quỳnh, tìm hiểu con người ông, về những năm tháng ông sống ở Huế và Nam Kỳ giai đoạn 1932 – 1945 cho thấy, ông đã nghĩ tới niềm mong mỏi của dân đối với đất nước: “… Tôi càng đi du lịch trong Nam Kỳ lại càng thấy cái cảm giác rõ ràng rằng người Nam người Bắc thật là con một nhà, nếu biết đồng tâm hiệp lực thì cái tiền đồ của nước Nam ta không thể nào hạn lượng cho được…” (Một tháng ở Nam Kỳ). Từ đó, chân dung Phạm Quỳnh hiện ra như hình ảnh một trí thức giàu tâm huyết, một học giả uyên thâm, một nhà báo sắc sảo, một nhà văn hóa nhiệt tâm với quê hương đất nước. “Phạm Quỳnh cùng với các tác phẩm của ông đã đóng góp một phần quan trọng trong vấn đề thống nhất đất nước, thống nhất quốc gia, là những di cảo xuất sắc trong thế kỷ XX” – nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Đóng góp của Phạm Quỳnh không chỉ là kiến thức và tư liệu, mà còn là lối viết văn theo hướng hiện đại, gãy gọn, khúc triết và trong sáng. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đình Chú khẳng định trong bài Thượng Chi bàn về tiểu thuyết: “Trong lịch sử văn học Việt Nam, trước Phạm Quỳnh, chưa ai nói về thể loại tiểu thuyết một cách có hệ thống và phong phú như thế. Dù không phải là người làm lý luận văn học, lý luận tiểu thuyết, ông có nhiều ý kiến đúng và xứng đáng là nhà lý luận tiên phong về văn học hiện đại Việt Nam”.

H.S.

Tháng Bảy 24, 2014

Cùng bạn đọc (tuần 1 tháng 8 năm 2014)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 3:00 chiều

Cung ban doc (tuan 1 thang 8 nam 2014)

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý: Di sản tư liệu dung chứa nhiều bài học từ lịch sử

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 2:17 chiều

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 1 tháng 8 năm 2014.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý:

Di sản tư liệu dung chứa nhiều bài học từ lịch sử

Luân Vũ (thực hiện)

(Bài đăng trong mục Trò chuyện cuối tuần trang 8 báo Nhân Dân cuối tuần số 21 (1321) 25/5/2014)

*

*      *

Châu bản triều Nguyễn vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, Mộc bản triều Nguyễn và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, các di sản tư liệu vô cùng đặc sắc này đang lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử có ý nghĩa đặc biệt với đời sống xã hội. Song song với những nỗ lực gìn giữ, vấn đề khai thác, quảng bá những giá trị tư liệu vô giá này đang được đặt ra cấp thiết. TS Lê Thị Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chia sẻ nhiều băn khoăn, trăn trở về vấn đề này.

Hoang sa trong dai nam thuc lucThưa bà, đã có đến bốn di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO công nhận, ghi danh vào chương trình Ký ức thế giới. Có điều gì khác biệt giữa các di sản này với hệ thống di sản vật thể và phi vật thể của thế giới?

– Di sản thông tin tư liệu là loại hình di sản vừa có tính vật thể, vừa có nguồn gốc phi vật thể. Tức là nó có dạng vật chất, và có sáng tạo của con người để lại trong các dạng vật chất ấy. Nhưng di sản tư liệu không phải là di sản phi vật thể hiểu theo nghĩa là do con người đang lưu giữ, con người đang thực hành. Sở dĩ người ta nghĩ đến loại hình di sản này vì nó thật sự rất quý giá. Nó là văn hóa, nó cũng đang mai một và cần được bảo vệ khẩn cấp. Chính vì vậy, UNESCO đang có chương trình ghi danh các di sản thông tin tư liệu. Hiện chương trình này đang tiến tới việc xây dựng công ước để bảo vệ như đối với di sản vật thể và phi vật thể. Như vậy, có thể thấy nhân loại đã có một cái nhìn toàn diện về các loại hình di sản và có các cách thức khác nhau để bảo vệ.

– Bà có thể nói rõ hơn về tiêu chí công nhận của loại hình di sản này?

– Trước hết, đó phải là sự độc đáo, ở cả vật mang tin và cả thông tin. Vật mang tin có thể là mộc bản, có thể là bia đá, văn bản bằng giấy… nhưng là một hình thức độc đáo, một sự sáng tạo, và độc bản. Điều quan trọng hơn, thông tin trên đó phải là những điều đặc biệt, nó chứng minh những giai đoạn phát triển, đánh những dấu mốc quan trọng trong lịch sử. Ngoài ra, còn có những tiêu chí khác nữa như sự tích cực của người dân trong việc bảo vệ di sản này, vai trò của Nhà nước trong việc quan tâm bảo vệ di sản, đặc biệt là ý nghĩa xã hội nếu như di sản đó được đưa vào danh sách của UNESCO. Việc ghi danh này không phải để nhằm xác định danh hiệu, mà hướng đến mục tiêu khẳng định rằng đây là những tài sản quý giá của dân tộc đó, của nhân loại, và mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ.

– Có một vấn đề đang rất được dư luận trong nước quan tâm, đó là các thông tin liên quan đến vấn đề chủ quyền quốc gia được ghi nhận trong hệ thống các di sản tư liệu đã được thế giới công nhận?

– Chúng ta cần hiểu chính xác về vấn đề này. Đối với việc ghi danh các di sản, nhất là các di sản tư liệu, có những nội dung liên quan đến lịch sử và chính trị, nhưng với các chuyên gia quốc tế, khi xem xét các tài liệu này, họ không can thiệp vào các vấn đề chính trị của các quốc gia, mà chỉ đánh giá nó trên khía cạnh phản ánh văn hóa và giá trị di sản. Thí dụ, trong các di sản tư liệu có những thông tin liên quan đến vấn đề của Hoàng Sa, Trường Sa, thì đó là câu chuyện của quốc gia đó, tại thời điểm đó. Họ không đào sâu vào vấn đề tài liệu đó nói như thế có đúng hay không, mà họ chỉ đánh giá là thông tin đó được ghi vào thời điểm đó, và nó thuộc về văn bản đó.

– Mang chứa rất nhiều thông tin lịch sử có giá trị như vậy, tuy nhiên, sau những nỗ lực lập hồ sơ công nhận danh hiệu, và chú trọng đầu tư bảo vệ, lưu giữ, hoạt động quảng bá, giới thiệu nội dung các di sản tư liệu này với cộng đồng dường như chưa được quan tâm thỏa đáng?

– Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thuộc cộng đồng quản lý. Nhà nước đã quan tâm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho phép thực hiện một đề án và ba đề tài cấp nhà nước để làm cho mộc bản đó được sống trong đời sống đương đại, với các phần việc khác nhau: trưng bày, giới thiệu bằng các cách tiếp cận khác nhau (có thể là bản gốc, có thể là bản phục chế, có thể là bản điện tử). Quan trọng hơn, các nội dung đó sẽ được nghiên cứu, dịch thuật và tìm ra các giá trị kết nối với đời sống ngày hôm nay để làm sao cho người dân nhận biết được giá trị vô giá của di sản và học được điều gì đó từ lịch sử.

Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn đang được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước bảo quản trong điều kiện rất tốt. Tuy nhiên, tại những nơi này chưa hình thành quyền tiếp cận dễ dàng để nghiên cứu, đó cũng là vấn đề. Trong thời gian tới, cần phải có những dự án để tạo cách thức giúp cộng đồng tiếp cận dễ dàng hơn với di sản, tìm hình thức để quảng bá di sản rộng rãi trong đời sống xã hội. Cần nhớ, yêu cầu của UNESCO là di sản phải được tiếp cận và bảo vệ trên cơ sở tôn trọng.

Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.

L.V.

Châu bản là một loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn (1802- 1945). Trên các Châu bản này còn lưu lại các dấu tích bút phê của vua triều Nguyễn bằng son đỏ. Trong hơn 700 Châu bản được lưu giữ, có 18 Châu bản thể hiện rất cụ thể việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo này để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ. Hiện nay, chỉ duy nhất triều Nguyễn có các Châu bản khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài Việt Nam, không một nước nào có Châu bản về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo này. Châu bản cũng là tư liệu gốc để các nhà sử học triều Nguyễn biên tập bộ Đại Nam thập lục – bộ sách có giá trị để nghiên cứu và có nhiều nội dung khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ lịch sử xa xưa. Mộc bản bộ sách này thuộc khối di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn cũng đã được công nhận Di sản tư liệu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 

Phạm Minh, chắt nội của Phạm Quỳnh, biên đạo và diễn viên ba lê nổi tiếng

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 12:33 sáng

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 1 tháng 8 năm 2014.

Phạm Minh, chắt nội của Phạm Quỳnh, biên đạo và diễn viên ba lê nổi tiếng

(Bài viết riêng tặng cháu Phạm Minh)

Phạm Tôn

Lời dẫn của Phạm Tôn: Trong Blog PhamTon, chúng tôi đã đăng bài Phạm Vinh, đích tôn của Phạm Quỳnh, trọn đời là anh bộ đội Cụ Hồ. Cuối bài, có nhắc đến Phạm Minh, con trai ông và cũng là diễn viên ba lê múa đơn kiêm biên đạo nổi tiếng. Nhiều bạn đã gởi email và gọi điện thoại ngỏ ý mong được biết rõ hơn con đường dẫn người chắt nội này của học giả Phạm Quỳnh đến với nghệ thuật hàn lâm và thành đạt khi tuổi đời còn rất trẻ.

Hôm nay, chúng tôi xin đáp ứng phần nào yêu cầu đó của bạn đọc thân mến của blog PhamTon.

*

*  *

Phạm Quỳnh là nhà văn hóa lớn, ông có tài về cả văn học nghệ thuật và khoa học. Đến đời các con ông, thì mặt khoa học xem ra phát triển mạnh hơn. Người là luật sư, người là bác sĩ, dược sĩ, người là nhà nghiên cứu văn học. Tuy hầu như tất cả các con ông đều ham mê văn học nghệ thuật, người dàn giỏi, người hát hay, người làm thơ, người vẽ tranh… Nhưng, chỉ là để làm phong phú hơn cuộc sống làm khoa học của mình. Chỉ có một người hiến trọn đời mình cho nghệ thuật âm nhạc, đó là nhạc sỹ Phạm Tuyên . Đến đời các cháu ông, cũng thế. Xu hướng khoa học át hẳn xu hướng văn học nghệ thuật. Tuy thế, vẫn có người quản lý đoàn nghệ thuật, dạy nhạc, đàn pi-a-no… có người viết báo mê văn, có kiến trúc sư sành đàn ghi ta và vẽ tranh đẹp, có nhà giáo nhân dân hát hay… Và hầu như, mọi người đều thích hát, nghe nhạc.. Chỉ đến đời các chắt của ông, mới xuất hiện một con người như sinh ra chỉ để làm nghệ thuật. Mà lại là một nghệ thuật hàn lâm, cao siêu, chuyên sâu: múa ba lê. Đó là Phạm Minh, con trai đích tôn Phạm Vinh của ông. Phạm Minh như sinh ra chỉ để múa, mà là múa ba lê.

Phạm Minh sinh ngày 4/10/1974, tại Hà Nội, trong khu văn công Mai Dịch. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, em mới hơn nửa tuổi. Và bấy giờ, bố Phạm Vinh của em, người “trọn đời là anh bộ đội Cụ Hồ” đang tiếp quản Sài Gòn. Với cương vị phó đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn, rồi đoàn Văn công Quân khu II. Những ngày bố Vinh về thăm nhà, Phạm Minh mới biết có bố sống bên mình sướng đến thế nào…

Được hơn ba năm, Phạm Minh mới gần tròn năm tuổi, thì tối 7/9/1979, bố Vinh đi dự liên hoan mừng thắng lợi của đơn vị và cũng là buổi đơn vị cũ thân thương tiễn anh lên nhận chức vụ mới, cao hơn. Sáng hôm sau, bé Minh ngơ ngác thấy bố không về và mắt mẹ và hai chị cứ đỏ hoe. Các cô, chú trong khu văn công thì nức nở: “Bà Vinh ơi, thương bà quá”. Minh hiểu, mọi người nói “Bà Vinh” là nói về bố em, người vốn rất yêu thương chăm sóc chu đáo đồng đội. Mẹ bảo: “Đêm qua, bố ngủ lại với đồng đội sau buổi liên hoan chia tay. Sáng nay, bố không dậy nữa”.

Dần dần, Phạm Minh mới hiểu thế là em mất bố Vinh thật rồi…

Trước cặp mắt ngây thơ của em, mẹ và chị cả gọi người đến bán dần bán mòn “các đồ vật có giá” quen thuộc với gia đình từ khi “đổi đời” mấy năm nay. Tivi, tủ lạnh, ra-đi-ô, rồi đến cả quạt máy, bàn là…lần lượt ra đi… Các bữa cơm hằng ngày cũng nhiều rau đậu hơn thịt cá. Em không hiểu vì sao khi cả nước vui mừng, các gia đình trong khu văn công quân đội đời sống ngày càng đầy đủ hơn, vui vẻ hơn thì nhà mình lại buồn bã suy tàn thế này. Mẹ là diễn viên múa đơn xinh đẹp mà nay xơ xác lo chạy ăn hằng ngày. Các chị lặng lẽ học và giúp mẹ làm việc nhà; ai cũng ít nói, cười…Tuy thế, mẹ Lương vẫn lo cho em đi học nhạc tại Trường Nghệ thuật Hà Nội. Nhưng lại học vi-ô-lông. Không cho theo nghề múa vất vả của mẹ. Minh được học nhạc là mừng rồi, học chăm và được trường cấp giấy khen. Bấy giờ, em mới tám, chín tuổi.

Còn hai tháng nữa thì em tròn mười tuổi. Bấy giờ Bộ Văn hóa có tổ chức thi tuyển để chọn những thiếu nhi có năng khiếu về múa, đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Mong tránh cho con khỏi phải khổ vì theo cái nghiệp của mẹ, bà Lương đã giấu, không cho Minh biết. Bà lại đang là chính trị viên phó Đoàn Ca múa Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam thì nếu dự thi, Minh càng dễ trúng tuyển.

Nhưng bà mẹ thương con và lo xa ấy không hề biết tới tâm trạng u buồn lâu nay của cậu con út luôn đau đáu “tìm cách cứu mình, cứu nhà” và một lòng lo chuyện kế nghiệp múa của mẹ yêu quí.

Hằng ngày, Phạm Minh vẫn chăm chỉ đi xe buýt từ nhà đến trường học vi-ô-lông; còn học cả cách trốn vé xe cho đỡ tốn tiền mẹ. Nhưng rồi, chẳng biết bằng cách nào, Phạm Minh nghe ngóng được tin có cuộc thi tuyển định mệnh đó. Có lẽ, do đó là một tin làm chấn động cả Khu văn công Mai Dịch. Em nằng nặc đòi mẹ cho dự thi. Mẹ em đành bảo là em có học múa bao giờ đâu mà dự thi, vả lại hạn đăng ký thi cũng đã hết từ lâu rồi. … Chẳng ngờ, thấy mẹ không phản đối, chỉ nêu lý do khó khăn này nọ, Minh bèn tìm cách khắc phục. Khăn quàng đỏ trên vai, cậu bé gầy gò, nhỏ bé, lầm lũi đi bộ đến nơi dự thi. Thì khi ấy, cuộc thi đã qua hai vòng rồi. Bây giờ là vòng cuối. Phạm Minh hớt hải chạy đến nài nỉ ban tổ chức, vốn có nhiều người trong ngành múa quen biết bố, mẹ em. Thương tình cậu bé nhiệt tình, quyết tâm, đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại đến xin dự thi, họ báo cáo lại và được ban giám khảo chấp thuận cho em vào thi thằng vòng ba. Thật không ai ngờ: Phạm Minh trúng tuyển ngay, lại còn được chuyên gia giám khảo khen là “có cả năng khiếu về múa lẫn âm nhạc”. Sau này, bà Vũ Thị Lương, mẹ em xúc động kể lại: “Hôm ấy, tôi thấy cu cậu ôm một tập hồ sơ về, vừa bước vào nhà vừa khóc thút thít. Tôi nghĩ là cháu bị trượt nên khóc; mà trượt thì cũng phải thôi, có học hành tập tành gì đâu, tôi định lựa lời an ủi… Về sau, mới biết, chỉ khóc vì tủi thân: “Ai cũng có bố, mẹ đưa đón, còn con thì lủi thủi một mình đến, lại lủi thủi một mình về.” Cháu đỗ rồi, tôi không muốn xa con, sợ con vất vả suốt đời với nghiệp múa mình đã trải qua, nhưng cũng đành chiều ý con.”

Mới chín, mười tuổi đầu, Phạm Minh lại một mình sang nước bạn xa xôi giá lạnh để quyết nối nghiệp mẹ, hiến thân cho nghệ thuật múa.

Suốt tám năm ròng rã học ở Trường múa của Nhà hát Hàn lâm quốc gia Ki-ép (U-crai-na) cái nôi lớn đào tạo diễn viên ba lê nổi tiếng thế giới, Phạm Minh đã cố gắng học cho được những bước cơ bản nhất của nghệ thuật múa hàn lâm này. Không có gì ngoài học bổng ít ỏi, không trông chờ gì vào chi viện của gia đình ba miệng ăn chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của mẹ, cũng không theo bạn bè “dạy khôn” học buôn bán kiếm tiền. Em chỉ lo học tập, miệt mài học tập, mà chỉ học một môn múa ba lê mà càng ngày em càng say mê, cảm thấy như mình sinh ra chỉ là để múa ba lê vậy. Có lần, viết thư về cho mẹ ở Hà Nội, Phạm Minh thành thật bày tỏ: “Mẹ ơi, con không thể từ bỏ ba lê!” Càng ngày em càng được thầy cô ưu ái, các vị giáo sư đầu ngành ở Ki-ép này đã không tiếc công sức chỉ bảo cho cậu học trò Việt Nam, cả từ chuyên môn múa đến những việc nhỏ nhặt nhất trong đời sống hằng ngày của một diễn viên ba lê. Ở đây, Phạm Minh học thiên về múa cổ điển. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc với tấm bằng đỏ, thầy cô muốn giữ lại trường, nhưng Minh nghĩ là muốn phát triển thêm thì phải qua biểu diễn thực tế trên sàn diễn thật nhiều, đồng thời phải biết kết hợp giữa cái cổ điển và cái hiện đại. Anh đành lòng từ chối nơi mình từng lưu luyến cả người lẫn cảnh và tìm cách gia nhập một vũ đoàn thực sự.

May mắn đến với anh khi trường cử học sinh xuất sắc của mình dự Cuộc thi Ba lê Quốc tế tại Vác-na (Bun-ga-ri). Phạm Minh vào tới vòng hai trong ba vòng, không được giải. Anh bình tĩnh nói với các chuyên gia ở đây là: “Tôi không phải là một trong số những người xuất sắc ở đây, bị loại là điều không thể tránh khỏi…”. Nhưng không ngờ, chính thái độ bình tĩnh của chàng trai Việt Nam 18 tuổi ấy đã khiến một vị trong Ban giám khảo xúc động. Ông Robert Barthier, người Pháp, giám đốc Đoàn Ba lê Trẻ Pháp (Jeune ballet de France –JBK) đã thấy được những khả năng thần kỳ tiềm ẩn trong cặp chân của Phạm Minh. Sau này, năm 1993, khi sang Việt Nam chỉ đạo đoàn biểu diễn, ông nói với giới báo chí Việt Nam: “Chúng tôi thấy cậu bé Việt Nam có đôi chân rất đặc biệt, nhất là trong các điệu cổ điển và cũng có rất nhiều khả năng để sau này múa hiện đại. (…) chúng tôi thích cậu ấy.” Phạm Minh được nhận vào đoàn ba lê của ông.

Đoàn này thật có một không hai: chỉ nhận học sinh từ 16 đến 22 tuổi, đã học múa mà chưa biểu diễn chuyên nghiệp, gồm cả thanh niên Pháp và các nước khác, đào tạo trong đúng một năm, sau đó giới thiệu cho các đoàn múa chuyên nghiệp. Trong năm này, học sinh biểu diễn trên 170 buổi. Phạm Minh nhờ được rèn luyện trong một môi trường múa chuyên nghiệp như vậy mà thành tài.

Năm 1994, lại một bước ngoặt quyết định nữa trong cuộc đời nghệ thuật của Phạm Minh. Anh là một trong ba người được chọn vào Nhà hát Le Ballet Capitole de Toulouse (Pháp) qua cuộc thi tuyển năm sáu chục người tài năng. Phạm Minh sớm được đảm nhiệm vai diễn chính trong các vở đặc sắc của George Balanchine, Peter Martine, Nacho Duato, Richard Tannuer, JC Blavier, Antony Todor… Anh vào các vai Albrecht trong Giselle (phóng tác của N.Glushak), vai hoàng tử trong Cô bé Lọ Lem của D.Dean, vai Franz trong Camella của Martinez và Kẹp Hạt Dẻ trong vở cùng tên của M.Rhan. Với kỹ thuật múa ba lê cổ điển điêu luyện gây ấn tượng và một phong cách múa thanh thoát, trẻ trung, tự nhiên, nhiều báo chí Pháp và thế giới đã ca ngợi Phạm Minh là một diễn viên múa đơn xuất sắc trong số những diễn viên ba lê nổi tiếng của Nhà hát Capitole lừng danh thế giới.

Năm 1993, Phạm Minh và Đoàn Ba lê Trẻ Pháp đã về biểu diễn ở nước ta. Đoàn biểu diễn buổi đầu tiên tại Cung văn hóa Việt Xô ngày 25/4/1993. Sau đợt biểu diễn ở Hà Nội đến hết tháng 5, đoàn đi nhiều tỉnh và thành phố lớn, đặc biệt là diễn cho công nhân khu mỏ Quảng Ninh. Năm 2003, Phạm Minh về nước cùng Đoàn ba lê Capitole, biểu diễn hai tối 30 và 31 tháng 8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh múa đơn, với kỹ thuật ba lê cổ điển, điêu luyện, gây ấn tượng và với phong cách độc đáo của riêng anh thanh thoát, trẻ trung và tự nhiên đã chinh phục khán giả Hà Nội, đặc biệt là thanh niên và sinh viên được xem với giá vé giảm tới 50%. Trong hai tối 6 và 7 tháng 9/2006, Phạm Minh, nghệ sĩ múa đơn số 1 từ hơn 10 năm nay của Nhà hát Capitole Toulouse dàn dựng vở Mùa xuân thiêng liêng của N.Roerich, ra mắt tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đoàn múa Capitole Toulouse (Pháp) trình diễn cùng với các nghệ sĩ múa của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Đây là chương trình hợp tác giữa Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam và Dự án Hỗ trợ phát triển văn hóa Việt Nam. Năm 2008, Phạm Minh lại về nước, chỉ đạo các nghệ sĩ múa ba lê của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội hai tối 27 và 28 tháng 8/2008 tiết mục Người đãng trí (Amnesta) của Roderick Vanderstraen do anh biên đạo trong Đêm Ba lê hiện đại Khúc Giao Mùa.

Chắt nội Phạm Minh của nhà văn hóa Phạm Quỳnh, con trai của hai nghệ sĩ –chiến sĩ Điện Biên Phủ Phạm Minh và Vũ Thị Lương, dù đi nhiều nước trên thế giới, danh tiếng cũng đã vang khá xa khi tuổi đời còn trẻ, nhưng bao giờ anh cũng luôn tâm niệm một điều là “Đi đến bất cứ nơi nào, mình và những người bạn của mình đều cố gắng làm mọi việc đạt kết quả cao nhất để nói lên rằng người Việt Nam rất tốt, rất giỏi”.

Tại Hà Nội, anh đã gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông trẻ của mình, một người cũng hiến thân cho nghệ thuật. Và khi nhắc tới tấm gương sáng của nhà văn hóa Phạm Quỳnh, Cụ của Phạm Minh, anh càng thấy rõ hơn con đường hiến thân cho nghệ thuật của mình còn dài lắm.

Và cao hơn cả hiến thân cho nghệ thuật nữa là hiến thân cho Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quí của chúng ta.

Thành phố Hồ Chí Minh

7/3/2010

P.T.

Phạm Vinh, đích tôn của Phạm Quỳnh trọn đời xứng danh “Anh bộ đội Cụ Hồ”

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 12:00 sáng

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 1 tháng 8 năm 2014.

PHẠM VINH, ĐÍCH TÔN CỦA PHẠM QUỲNH,

TRỌN ĐỜI XỨNG DANH “ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ”

(Bài viết tặng chị Vũ Thị Lương và các cháu Phạm Mai Hương, Phạm Lan Phương và Phạm Minh)

Phạm Tôn

Lâu nay, khi nói về học giả, nhà văn hóa Phạm Quỳnh, ta thường thấy nhắc tới các con Ông, nhất là Giáo sư bác sĩ Nhà giáo Nhân dân, Đại biểu Quốc hội Phạm Khuê, Viện trưởng cũng là người sáng lập ra Viện Lão Khoa và ngành lão khoa Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Người cao tuổi Việt Nam. Và cũng không ai quên nhắc tới nhạc sĩ Phạm Tuyên, người đã viết lên bài ca khải hoàn mà toàn thể người dân Việt Nam từ trẻ đến già và cũng không ít bầu bạn năm châu đều thuộc là Như có Bác trong ngày đại thắng, tác giả của hơn sáu trăm ca khúc và hiện là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội, ông cũng là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ ngày thành lập năm 1957.

Nhưng, những người viết thường quên, hoặc không biết đến thế hệ thứ ba, các cháu nội, ngoại của Ông. Mặc dù vất vả, khốn khó với “chủ nghĩa lí lịch” một thời ngăn cản, kìm hãm, thậm chí trù dập, không muốn cho họ có cơ hội thành đạt… nhưng, đến nay, các cháu nội, ngoại của nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã có không ít người là giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, tiến sĩ, viện trưởng viện này viện nọ ngay trên đất nước mình. Trong số đó, nổi bật nhất có một viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ, Chủ nhiệm một ủy ban trong Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, từng ba khóa liền là ủy viên trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đó là chưa kể các cháu nội ngoại,  vì lý do “tan đàn xẻ nghé” đau lòng năm 1945 ấy, đã phải ra sống ở nước ngoài, nay cũng nhiều người thành đạt, là cán bộ của Liên Hiệp Quốc, tổng giám đốc các công ty đa quốc gia lớn… Nói chung, tất cả đều là những con người lương thiện, không hề làm điều gì có hại cho dân cho nước mà người Ông đáng kính của họ đã dốc lòng phụng sự và suốt đời yêu quí. Tiêu biểu cho thế hệ thứ ba này là Phạm Vinh, đích tôn của nhà văn hóa Phạm Quỳnh, người đã trọn đời là một anh bộ đội Cụ Hồ.

Trong bức ảnh mừng sinh nhật hai cụ đồng tuổi Nhâm Thìn tổ chức tại gia đình ở Huế năm 1934, dễ nhận thấy ngay chú bé hai tuổi đứng giữa ông, bà, ngay sát chân ông là Phạm Vinh, đích tôn của hai ông bà Phạm Quỳnh – Lê Thị Vân.

Phạm Vinh sinh ngày 21/5/1932, tại nhà số 5 phố Hàng Da Hà Nội, trụ sở tòa soạn tạp chí Nam Phong, khi Phạm Quỳnh vẫn còn làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Năm 1938, bố mẹ li dị vì không còn hợp nhau nữa, nhưng Phạm Vinh vẫn cùng mẹ và em sống với gia đình Phạm Quỳnh ở Huế, tại biệt thự Hoa Đường. Đến năm 1943, ba mẹ con mới ra Hà Nội sống với bên ngoại. Năm 1945, sau Cách Mạng Tháng Tám, bên nội ly tán, Phạm Vinh mới 13 tuổi đã phải xa cả bố lẫn mẹ. Rồi năm 1946, mới 14 tuổi đã thành nhân viên kế toán cho Công binh xưởng K6 Cục Quân giới, liên khu 11 đến gần hết năm 1947 thì được về sống cùng với mẹ và các em tại Vĩnh Yên để đi học tiếp đến gần hết năm 1948. Rồi trường Lục quân khóa 6 về đóng tại trường học Vĩnh Yên, thế là đích tôn của Phạm Quỳnh xin nhập ngũ ngay ngày 4/3/1950, công binh khóa 6 trường Lục quân, học tại Trung Quốc. Vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 20/10/1950, được công nhận là đảng viên chính thức ngày 18/5/1951. Xong khóa học, thì về nước, được phát hiện “có năng khiếu văn nghệ”, nên đưa vào đoàn Văn công F.351. Những năm 1951 đến 1953, anh đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, rồi Điện Biên Phủ. Và dự Hội diễn văn công toàn quân ở Việt Bắc (Thái Nguyên). Đến tháng 8/1954 thì về công tác tại Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, tham gia tiếp quản tỉnh Nam Định, biểu diễn ở Thái Bình, Nam Định, Phát Diệm và toàn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ tháng 6 đến tháng 11 năm 1957, đi biểu diễn ở bốn nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em: Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Liên Xô.

Về nước cuối năm 1957 đến năm 1958 đi biểu diễn phục vụ bộ đội các đơn vị ở Tây Bắc. 1958 đến 1963  cùng vợ là nghệ sĩ múa Vũ Thị Lương tham gia biểu diễn vở nhạc vũ kịch đầu tiên của nước ta Ngọn lửa Nghệ – Tĩnh ở miền Trung và miền Bắc. Năm 1962 đến 1965 Phạm Vinh mới có thời cơ về học nhạc chính qui tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Tốt nghiệp trường nhạc, Phạm Vinh về Đoàn văn công Quân khu Việt Bắc và đến tháng 10/1969 thì về Đoàn văn công Quân giải phóng Trường Sơn, trực thuộc Bộ tư lệnh 559. Suốt 10 năm trời, đích tôn của nhà văn hóa Phạm Quỳnh là đoàn phó Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn, thuộc Tổng cục Xây dựng Kinh tế, tham gia biểu diễn tại các mặt trận Quảng Trị, Vĩnh Linh, Khe Sanh, Đông Hà, Lào, Buôn Ma Thuột, ngay khi chiến sự còn đang diễn ra ác liệt. Anh luôn chăm sóc diễn viên một cách chu đáo, tỉ mỉ cho nên thường được diễn viên gọi thân mật là “Bà Vinh”, coi anh như bà mẹ luôn chăm lo cho các con , một người mẹ hiền, tốt bụng.

Sau ngày đại thắng 30/4/1975, các anh vào tiếp quản Sài Gòn. Từ đấy, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn chuyển thành Đoàn Văn công Quân khu II.

Ngày 7/9/1979, trong buổi liên hoan mừng công của đơn vị, cũng là để tiễn Phạm Vinh lên nhận chức vụ mới, cao hơn, anh vui vẻ chan hòa cùng đồng đội đã từng cùng nhau chia lửa, cất cao lời ca tiếng nhạc suốt hàng chục năm dài gian khổ. Đêm ấy, anh ngủ lại cùng đồng đội trước lúc chia tay. Không ngờ tất cả những gian khổ về vật chất, đau đớn về tinh thần mà anh đã chịu đựng để rồi vượt qua từ năm mới mười ba tuổi đầu, đã dồn cả lại khiến đêm ấy thành đêm cuối cùng anh nằm trong lòng đồng đội yêu thương. Sáng hôm sau, Phạm Vinh không dậy nữa, không bao giờ còn thấy lại đồng đội, mẹ và vợ con yêu thương. Năm ấy, anh mới 47 tuổi đời, nhưng đã có 29 tuổi quân và 29 tuổi Đảng.

Khi anh mất, nhiều đồng đội đã đau đớn thốt lên: “Bà Vinh ơi, thương bà quá”.

Sau này, bà Vũ Thị Lương, nguyên chính trị viên phó Đoàn Ca múa Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, vợ hiền của Phạm Vinh đã nhớ lại: “Anh sống cả cuộc đời trong quân ngũ cho đến hơi thở cuối cùng. Anh là con người hiền hậu, tận tụy với công việc, một mình làm việc bằng ba người… Không hề bao giờ anh kêu ca, phàn nàn, mà kiên trì chịu đựng mọi gian khổ trong đời sống người lính, cống hiến cho quân đội không hề tiếc sức, dù có lúc từng bị trù dập cũng vẫn không nản chí, không oán trách. Nhưng tôi cũng cảm ơn quân đội đã công bằng nhìn nhận những thành tích của anh”. Tổng cục Chính trị và các Bộ tư lệnh Quân khu đã tặng anh quá nhiều bằng và giấy khen của Phòng Chính trị F351, Tổng cục Chính trị, Nhạc viện Hà Nội, Quân khu Việt Bắc, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn, Quân khu II, Tổng cục Xây dựng Kinh tế. Ngoài ra, Phạm Vinh còn được tặng một Huân chương Kháng chiến Chống Pháp hạng ba, ba Huân chương Chiến sĩ vẻ vang các hạng I, II, III, một huân chương Kháng chiến Chống Mỹ cứu nước hạng I, hai huân chương Chiến công Quân giải phóng và hai lần được bầu là chiến sĩ Thi đua.

Đêm 7 rạng ngày 8/9/1979, Phạm Vinh đột ngột ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ, để lại cho vợ mẹ già và ba con nhỏ. Con trai út là Phạm Minh, bấy giờ mới gần năm tuổi. Cuộc sống gia đình thật chật vật, ăn bữa nay, lo bữa mai; những đồ đạc “có giá” như tủ lạnh, ti-vi, ra-đi-ô, bàn là, quạt máy…đều lần lượt “ra đi” để đổi lấy ngày ba bữa ăn đạm bạc. Vợ anh, chị diễn viên múa xinh đẹp năm nào, nay đầu tắt mặt tối suốt ngày với công tác và lo chạy ăn hằng ngày. Nhưng chị vẫn nuôi dạy con cái thành người có ích cho xã hội, sống lương thiện, tận tụy với dân với nước như cha các con.

Cậu út Phạm Minh sinh năm 1974, đến năm 1982 thì bà lo cho theo học vi ô lông tại Trường Nghệ thuật Hà Nội. Do có năng khiếu và cố gắng học tập đã được giấy khen của trường. Lúc đó em mới tám, chín tuổi. Đến tháng 8/1984, non mười tuổi thì em may mắn “lọt mắt xanh” một chuyên gia Liên Xô đến Hà Nội tuyển học sinh đào tạo diễn viên ba lê, nên được sang nhập học ở Trường Ba lê quốc gia Ki-ép (U-crai-na) đến tháng 6/1992. Tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, sau 8 năm miệt mài học tập, em được Trường Ba lê quốc gia Ki-ép cử dự thi Cuộc thi múa ba lê quốc tế (International Ballet Competition) tại Vác-na (Bun-ga-ri). Vừa lúc em tròn 18 tuổi. Từ đó, Phạm Minh vào Đoàn Ba lê Trẻ Pháp (Le Jeune Ballet de France). Rồi tháng 8/1994, tròn 20 tuổi, Phạm Minh được chính thức mời về làm việc tại Nhà hát Ballet du Capitole de Toulouse vơi vai trò là diễn viên múa đơn số 1 (Premier Solist). Trong thời gian làm việc ở hai đoàn trên, Phạm Minh đã tham gia biểu diễn các gala ở Mỹ, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Na Uy, Trung Quốc, Phi-li-pin, Thái Lan, Cu-ba, Vê-nê-duy-ê-la, Bờ Biển Ngà, Ba Lan và lãnh thổ Hồng Công…Từ năm 2005, Phạm Minh thường xuyên được mời sang Nhật Bản, dạy ba lê cho Architanz Dance Studio ở Tô-ki-ô (Nhật Bản). Tháng 9/2009, Phạm Minh được Ban Giám đốc Nhà hát Ballet du Capitole bổ nhiệm làm “Bậc thầy ba lê” (Maître de Ballet) của nhà hát.

Trong hai tối 6 và 7/9/2006 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đã ra mắt vở ba-lê nổi tiếng Mùa xuân thiêng liêng của N. Roerich do Phạm Minh đạo diễn. Đây là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) với Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam và dự án Hỗ trợ phát triển Văn hóa Việt Nam. Tham gia biểu diễn có các nghệ sĩ của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Phạm Minh, nghệ sĩ múa đơn số một từ mười năm nay của đoàn múa Capitole  (Toulouse, Pháp).

Thế là đứa chắt, con trai của đích tôn nhà văn hóa Phạm Quỳnh cũng đã trở về phục vụ nhân dân nước nhà.

Đến đây, có thể còn có người không hiểu vì sao con, cháu, chắt Phạm Quỳnh lại sống và làm việc như thế, trong khi nỗi đau bốn đời chưa được giải tỏa thỏa đáng… Sự thật giản dị hơn họ nghĩ nhiều. Con, cháu, chắt nhà văn hóa Phạm Quỳnh đều là những con người lương thiện, một lòng trung với nước, hiếu với dân như Ông suốt đời nêu gương và tin vào lời dặn lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng tám năm 1945 sau khi thảm kịch xảy ra với đại gia đình là: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Các con, cháu… cứ vững tâm đi theo cách mạng”

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng chạp năm Kỷ Sửu, tức 12/2/2010.

P.T.

Tháng Bảy 17, 2014

Bảo vệ chủ quyền phải thường xuyên,chủ động và kiên quyết

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 5:28 chiều

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 4 tháng 7 năm 2014.

Bảo vệ chủ quyền phải thường xuyên, chủ động và kiên quyết

(Tin trên trang 3, mục Thời Sự, báo Tuổi Trẻ, thứ năm 17/7/2014)

—o0o—

Hôm qua 16-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

Mở đầu phiên họp, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã báo cáo cập nhật tình hình liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Theo đó, từ tối 15-7, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan về hướng đảo Hải Nam.

Bao ve bien dong

Trước đó, từ ngày 2-5-2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam, sử dụng hàng trăm tàu hộ tống, có cả tàu quân sự, máy bay. Các tàu của Trung Quốc đã hung hăng đâm va, phun vòi nước công suất lớn làm hư hỏng nhiều tàu và làm bị thương nhiều cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam; đặc biệt, đã có hành vi vô nhân đạo đâm chìm tàu cá, đe dọa nghiêm trọng tính mạng ngư dân Việt Nam.

Những hành vi này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng phát triển.

Với tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bà con ngư dân, đồng bào ta cả trong và ngoài nước với lòng yêu nước nồng nàn đã biểu thị thái độ và trách nhiệm cao, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam; lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời đoàn kết một lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường tiềm lực về mọi mặt của đất nước.

V.V.Thành

*

*   *

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang dịch chuyển

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, từ 21g ngày 15-7, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam dịch chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Qua theo dõi của các lực lượng chức năng của ta, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống dịch chuyển với tốc độ lúc cao nhất khoảng 4 – 4,2 hải lý/giờ (gần 8km/giờ) theo hướng bắc tây bắc, về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Phía Trung Quốc bố trí gần 60 tàu các loại hộ tống giàn khoan dịch chuyển theo hình chữ V ở cự ly sát nhau.

Tại thời điểm 18g30 chiều 16-7, giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển khỏi vị trí cũ 41 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 163 hải lý về phía Tây Nam, ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi sự dịch chuyển của giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc.

TTXVN

*

*   *

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại

Liên quan đến việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nhấn mạnh như vậy trong thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí vào hôm nay 16-7.

Thông cáo nêu rõ: “Từ ngày 02/5/2014, giàn khoan Hải Dương-981 và nhiều tàu hộ tống, bao gồm cả tàu quân sự của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Vị trí hoạt động của giàn khoan chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 130 hải lý.

Các tàu của Trung Quốc đã vây ép, cố tình đâm húc, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư đang thực thi nhiệm vụ quản lý biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, làm bị thương nhiều cán bộ kiểm ngư của Việt Nam và gây tổn thất cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Việt Nam đã đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình.

Một lần nữa, Việt Nam khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 từ đầu tháng 5 đến nay thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn 2 tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế.”

L.THANH

 *

*       *

Đại biểu thanh niên kiều bào xem triển lãm về Hoàng Sa

(Tin của Trường Trung trên trang 2, mục Thời Sự, báo Tuổi Trẻ, thứ năm 17/7/2014)

—o0o—

Nằm trong chương trình trại hè 2014 có chủ đề “Biển đảo quê hương tôi”, chiều 16-7 gần 170 đại biểu là thanh niên kiều bào từ 26 quốc gia đã tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.

Dai bieu thanh nien xem trien lam hoang sa

Tại đây, các đại biểu xem triển lãm tư liệu về quần đảo Hoàng Sa và những hình ảnh là bằng chứng sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này.

Cũng trong chương trình này, các đại biểu có dịp giao lưu và nghe những thông tin mới nhất từ đại diện lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư về tình hình trên vùng biển Hoàng Sa. Đại biểu Nguyễn Thanh Hương (20 tuổi, Cộng hòa liên bang Đức) chia sẻ: “Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam thì tôi cùng gia đình hai lần tham gia biểu tình phản đối. Về đây, được xem những hình ảnh tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của bà con ngư dân Đà Nẵng, được nghe kể về quá trình đấu tranh của các cảnh sát biển, kiểm ngư, tôi thật sự rất xúc động. Khi về nước, tôi sẽ kể lại những gì mình được nghe tại đây để cha mẹ và bà con bên ấy hiểu hơn về tình hình trong nước cũng như quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền”.

TRƯỜNG TRUNG

Thư của nhà thơ Erik Stinus gửi bà Phạm Thị Hoàn

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 5:20 chiều

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 4 tháng 7 năm 2014.

THƯ CỦA NHÀ THƠ ERIK STINUS GỬI BÀ PHẠM THỊ HOÀN

Copenhagen

2-5-2002

Bà Phạm Thị Hoàn thân mến,

Một lần nữa tôi lại phải xin lỗi bà về sự chậm trễ này. Cám ơn bà rất nhiều về lá thư của bà, về cuốn sách và tập tiểu luận với bao thông tin quan trọng về Phạm Quỳnh. Và cám ơn bà đã nhắc nhở tôi.

Bà đặt cho tôi một câu hỏi rất khó, đó là tại sao tôi lại biết đến cụ thân sinh của bà với công trình của một học giả về văn chương. Tôi đã cố gắng ôn lại những chặng đường của mình và những điều tôi đọc được qua nhiều năm, nhưng chưa thể làm sáng tỏ cho câu hỏi của bà được.

Như bà biết tôi là một người làm thơ và hư cấu, đã có bao nhiêu điều xảy ra trên thế giới này đối với tôi, cũng vì vậy đã có bao nhiêu người tỏa sáng trong những trang tôi đã viết và cả những trang tôi sẽ viết.

Quê hương Việt Nam và nhân dân của bà đã ở trong tâm trí tôi nhiều năm và Pham Quynh Og Den Videre Historie* chính là một tựa đề như sẵn có trong bài thơ thứ 6 mà tôi viết về Việt Nam.

Tôi viết bằng tiếng Đan Mạch, một thứ ngôn ngữ chỉ dành cho 5 triệu người, vì vậy những gì mà tôi viết ra thông thường khó mà được ai biết đến ngoài đất nước Đan Mạch. Vì vậy tôi có phần lúng túng khi được biết là bà lại có thể biết (và do đâu?) về bài thơ của tôi, nhưng tất nhiên tôi đặc biệt vui mừng thấy bà lại có thể biết nó qua một bản dịch mà bà có được qua một trong những người bạn của tôi ở Việt Nam, tôi tin là như thế.

Tho tieng anh Erik StinusTôi đã đến thăm Việt Nam ba lần. Lần đầu là vào dịp kỷ niệm lần thứ 600 nhà thơ Nguyễn Trãi. Vào dịp đó cùng với một số nhà thơ của nhiều nước tôi đã có dịp gặp một số nhà văn và học giả của Việt Nam. Tôi cũng đã gặp Phạm Văn Đồng và Tướng Giáp. Và tôi đã được đọc nhiều sách của Việt Nam qua các bản dịch mà tôi có được. Một trong những sách đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cũng giống như lời tự và bài giới thiệu mà cụ thân sinh của bà đã giới thiệu về tập thơ nhưng cũng có thể do một trong những người dự hội thảo về Nguyễn Trãi đã nói về công trình của Phạm Quỳnh. Tại hội thảo này có nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia, trong đó có cả một số người Việt không sống ở Việt Nam mà ở ngoài nước. Một trong số những người đó là một học giả về âm nhạc, ông ấy đã giới thiệu cho tôi về nền âm nhạc cổ điển của Việt Nam.

Nhưng bài thơ tôi lại viết từ sự tưởng tượng của riêng mình mà không hỏi bất cứ một người nào khác. Trong bản trường ca đó bà có thể thấy những trăn trở, những giấc mơ và những niềm hy vọng của tôi qua việc phác thảo những thời điểm rối ren và đầy xao động.

Tôi hoàn thành tác phẩm của tôi trong chuyến thứ hai thăm Việt Nam.

Đó là tất cả những gì tôi có thể nói với bà và tôi rất vui mừng vì đối với bà nó cũng phản ảnh một chuyện có thật về thân phụ của bà, ít nhất trong một chừng mực nào đó.

Người làm thơ có thể mong mỏi một chút rằng họ có được vài người nghe và hiểu họ. Và chính bà lại là người đã nghe được và điều đó đối với tôi quả thật là nhiều hơn một chút.

Với lời cầu chúc nồng nhiệt nhất của tôi.

Erik Stinus

* Phạm Quỳnh và câu chuyện tiếp tục

Một thương cảm vượt cả thời gian lẫn không gian!

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 5:10 chiều

Blog PhamTon năm thứ 6, tuần 4 tháng 7 năm 2014.

 

MỘT THƯƠNG CẢM VƯỢT CẢ THỜI GIAN LẪN KHÔNG GIAN!

Nhà báo Đặng văn Nhâm

(Định cư ở Đan Mạch)

Do một cơ duyên run rủi, chúng tôi có dịp tiếp xúc với bà Phạm Thị Hoàn, một ái nữ của cụ Phạm. Bà Hoàn đã vui lòng cho tôi mượn tấm chân dung kỷ niệm của cụ Phạm, để in vào quyển Lịch Sử Báo Chí Việt Nam do tôi soạn thảo. Sau đó không lâu, tôi đã được ông bà Hoàn cho xem một bài thơ Anh ngữ viết về cụ Phạm, nhan đề: “Pham Quynh and The Story Continued” và kèm theo phía dưới hàng chữ nhỏ hơn: Words about Viet Nam part six… Bài thơ này gồm 10 đoạn, dài đến 377 câu thơ. Tôi đọc lướt qua bài thơ, bị rơi tư ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Tôi ngạc nhiên nhất về nội dung đến tên của tác giả. Tôi hỏi bà Hoàn: -“Xin chị cho biết, trong trường hợp nào chị có bài thơ này?

– “Đây là một bài thơ dịch từ nguyên tác bằng Đan Ngữ, do một thân hữu của gia đình gửi cho, để kỷ niệm!”. Bà Hoàn đáp.

Đúng rồi, cái tên Erik Stinus, viết bằng chữ “K” đúng vị Đan Mạch 100% rồi còn gì nữa! Những ai đã ở Bắc Âu đều nhận ra ngay, Tôi tò mò hỏi xem nguyên bản bằng Đan Ngữ. Bà Hoàn tỏ ý rất tiếc, và cho biết thâm tâm cũng đang ao ước truy tầm. Sau một tiếng thở dài nhẹ, bà Hoàn than:

– “Gia đình đã bỏ ra rất nhiều công phu, từ mấy năm trời nay, và đã nhờ đến nhiều ngươi để truy tầm nguyên tác bằng Đan ngữ, nhưng đều vô vọng”…

Tính hiếu kỳ bị kích thích, tôi sốt sắng đề nghị:

– “ Nếu chị chắc nguyên tác bằng Đan ngữ, tức thị tác giả là người Đan Mạch, vậy sẽ xin cố gắng giúp chị. Hy vọng sẽ có kết quả tốt!” Một thoáng vui hiện lên nét mặt ông (tức nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, cháu nội chí sĩ Lương Văn Can – PT chú) bà Hoàn. Nhưng bà Hoàn còn dè dặt:

-“Chúng tôi đã nhờ nhiều người có thân nhân ở Đan Mạch sưu tầm rồi mà cũng không xong. Người ta nói có thể ông tác giả này là mọt kẻ thân Cộng, vô danh tiểu tốt, nên không tìm ra dấu vết gì trong thư viện. Thậm chí có người vừa nghe chị kể đã vột gạt ngang “Ối, sao mà chị ngây thơ quá?! Đây là trò tuyên truyền của Cộng Sản mà chị còn tốn công chi cho mệt!”

Tôi đáp lời bà Hoàn:

– “Trước hết, căn cứ trên nội dung bài thơ này, chắc chị cũng đồng ý không có gì đáng gọi là tuyên truyền cho Cộng Sản. (…) Vả chăng chúng ta chưa một ai từng quen biết, giao du với tác giả, hay đã đọc những tác phẩm nào khác của ông ta, nên không thể khẳng định với thiên kiến sắn có rằng: ông ta là tay sai của Cộng Sản Việt Nam! Tôi hứa sẽ tìm ra nguyên tác, để so sánh, và tìm ra luôn tác giả để nói chuyện xem sao…”

Nghe nói thế, ông bà Hoàn đã vui lên hẳn, trao cho tôi một bản sao của tập thơ dịch bằng Anh ngữ, và ủy thác tôi công việc tìm. Về Đan Mạch, tôi đã đem chuyện này kể cho cháu gái đầu lòng của tôi, năm nay 40 tuổi, đã nối gót tôi, hiện đang đảm trách lớp dạy Việt Ngữ cho các sinh viên và học viên người Đan trên đại học. Con gái tôi cho biết ngay, ông Erik Stinus vốn là một trong số thân hữu từ lâu, và nói thêm… “…Ông ta từng nói với con là đã biết Ba nhiều qua sách báo. Vậy Ba cứ gọi điện thoại nói chuyện với ông ta. Chắc ông ấy sẽ ngạc nhiên và vui lắm đó!”.

Tôi liền gọi điện thoại cho Erik Stinus. Tác giả đã tiếp chuyện tôi rất niềm nở. Chúng tôi có cảm tưởng như người thân lâu ngày mới gặp lại. Khi nghe tôi ngỏ ý muốn mời đến nhà dùng cơm, để có thì giờ rộng rãi nói thêm về bài thơ viết chuyện Phạm Quỳnh, Erik đã tỏ ra hết sức vui vẻ, nhận lời ngay.

Hôm đó là ngày thứ hai, 28/6/1999, chúng tôi đã hội ngộ và hàn huyên đủ thứ chuyện, từ công việc sáng tác, sinh hoạt văn học, báo chí ở Đan quốc, rồi lần hồi nói đến những sinh hoạt ấy ở Việt Nam. Đặc biệt, hôm đó Erik Stinus đã không quên đem cho tôi hai bản nguyên tác bài thơ dài viết về cái chết (…) của Phạm Quỳnh, một danh sĩ bất tử Việt Nam, nhan đề Pham Quynh og den videre historie, ord om Vietnam for sjette gang.

Erik nói: “Một bản tôi tặng anh, một bản tôi tặng bà Hoàn”. Tôi tò mò hỏi Erik: “Tại sao lại còn thòng thêm câu “Ord om Vietnam, for sjette gang” (viết về Việt Nam, bài thứ sáu)? Erik đáp: “Trước sau tôi đã đến Việt Nam cả thảy 3 lần rồi. Lần chót cách đây 2 năm. Trong thời gian đó tôi đã viết tất cả 6 bài, gồm cả thơ và truyện. Bài này là thứ sáu!” Tôi hỏi: “Erik, anh đã viết về Phạm Quỳnh trước khi đến Việt Nam, hay sau đó?”

– “Trước khi đến Việt Nam, tôi không biết gì về Phạm Quỳnh. Cả ba lần đến Việt Nam tôi đều nhắm mục đích nghiên cứu trên lãnh vực văn học, để viết bài cho một tờ báo ở Cô Ben Hao (Kobenhavn, thủ đô Đan Quốc). Cùng tháp tùng tôi còn có một nữ phóng viên nhiếp ảnh nữa. Cả ba lần ấy, tôi đã tiếp xúc đủ mặt các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam, từ Hà Nội vào Trung, đến Sài Gòn. Họ thuộc đủ mọi thành phần, đủ mọi khuynh hướng, từ những người có chân trong hội Nhà Văn cho đến những người cầm bút độc lập (…) Do đó tôi đã nghe nói đến Phạm Quỳnh…”

Tôi hỏi tiếp: “Vậy nguyên do nào đã khiến anh cảm tác được bài thơ dài đến 377 câu như thế về Phạm Quỳnh?”

Erik nghiêm chỉnh trả lời: “Như anh đã biết muốn làm thơ phải có hứng. Nguồn cảm hứng ấy đã đến với tôi rất mãnh liệt, sau 3 lần đến Việt Nam, lần nào tôi cũng nghe hầu như tất cả các nhà văn, nhà thơ, học giả Việt Nam… đều nhắc đến tên Phạm Quỳnh. Đặc biệt nhất là ai cũng tỏ ra hết sức thành thật thương tiếc cho cái chết của Phạm Quỳnh. Họ cho rằng đó là một sai lầm trầm trọng nhất, đáng tiếc nhất của những người làm cách mạng lúc bấy giờ. Họ nêu giả thiết, nếu Phạm Quỳnh còn sống chắc chắn trong thời gian sau sẽ giúp ích rất nhiều cho dân tộc Việt Nam trên bình diện văn hóa, học thuật… Ông là biểu tượng của thế hệ thanh niên trí thức Việt Nam. Người ta cần phải soi gương cần cù hiếu học của ông!” Ngừng một lát Erik còn chỉ cho tôi đọc thêm một đoạn văn trong phần phụ lục, và nói: “Tôi còn biết Phạm Quỳnh đã nói một câu trở thành danh ngôn mà người Việt Nam nào cũng nhắc đến. Đó là Câu: “Truyện Kiều của Nguyễn Du còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Câu này tôi đã dịch ra tiếng Đan: “Saloenge Nguyen Du’s episke digt Kieu levede, ville det Vietnamsiske sprog leve”. Ngoài ra, tôi còn biết thêm, ngày xưa trước khi chết Nguyễn Du đã nói câu: “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ thùy nhân khấp Tố như!” (dịch: Ved ikke, om tre hundrede ar efter hvem der ville groede over To Nhu)”. Tôi ngắt lời:

– “Nhưng khác với Nguyễn Du, bây giờ anh thấy Phạm Quỳnh mới chết chưa đầy nửa thế kỷ (bài này viết năm 1999-PT chú) đã có khối người khóc thương rồi.

Đặc biệt trong số còn có cả những người mà ngày xưa các đồng chí của họ đã từng nhúng tay vào cái chết của Phạm Quỳnh. Càng đặc biệt hơn nữa là anh – chính anh đó, Erik Stinus! – một nhà thơ ở tận Bắc Âu xa tít tắp, chẳng liên hệ gì với Phạm Quỳnh, cũng đã làm một bài thơ dài khóc thương Phạm Quỳnh!…”

Nghe tôi nói thế, Erik cười, một cái cười thông cảm. Sau đó tôi lại hỏi thêm:

– “ (…) cái chết của Phạm Quỳnh như thế nào anh có biết không?

-“Dĩ nhiên tôi đã ngạc nhiên và tò mò tỉm hiểu thêm về nguyên nhân cái chết của Phạm Quỳnh (…) Câu chuyện về tiểu sử, tài năng văn học của Phạm Quỳnh, cùng với cái chết (…) đã gây chấn động sâu xa trong tâm hồi tôi, trong tư tưởng tôi, nên khiến tôi cảm tác ra bài thơ này”.

-“Anh đã mất bao nhiêu thì giờ để hoàn tất thi phẩm này?” Tôi hỏi với dụng ý. Erik đáp thành thực: “Mất hơn một tuần lễ! Lúc đó tôi còn ở thành phố Hồ Chí Minh!” Nhờ câu trả lời đó của Erik, tôi biết được rằng: Câu chuyện là cái chết (…) của cụ Phạm đã gây nên một rung động sâu xa mà dư âm lâu dài, bền bỉ đến hơn một tuần lễ trong tâm hồn của nhà thơ Erik Stinus, một người đã đến từ một phương trời Bắc Âu xa lạ, với một hành trang văn hóa, tư tưởng và cảm quan hoàn toàn xa lạ trước dân tộc và đất nước Việt Nam. Cái rung động và nguồn thi hứng đã đến với Erik Stinus không ngắn ngủi như một tia chớp chợt lóe lên trên vòm trời đen thẫm rồi tắt ngấm, mà là cả một nỗi niềm ray rứt sâu xa trong tình nhân loại trên mặt địa cầu.

Sau hơn bốn tiếng đồng hồ ăn uống chuyện trò, chúng tôi thấy đến lúc sắp phải chia tay, Erik đã chụp chung với tôi một tấm hình kỷ niệm ngày tao ngộ, đồng thời chụp riêng một tấm chân dung, mà bên dưới tấm hình Erik còn viết thêm cho bà Hoàn đôi lời chào mừng, để nhờ tôi chuyển đến ông bà Hoàn như một kỷ niệm của người bạn chưa từng gặp mặt. Erik cũng muốn có được địa chỉ của ông bà Hoàn để trực tiếp liên lạc và sau này gửi sách biếu, v.v…

Trước khi ra về Erik Stinus còn cho tôi biết thêm, ông sinh năm 1934, tức kém tôi một tuổi, và ông đã có 4 con cả trai lẫn gái, với nhiều cháu nội ngoại. Hiền nội của ông là một phụ nữ sinh trưởng ở vùng Nam Á, hiện nay là một viên chức của cơ quan UNICEP ở Đan Mạch. Erik Stinus đã đi thăm quê hương nhà vợ nhiều lần, và ông cho biết rằng mỗi lần đến quê vợ ông lại chạnh nghĩ đến đất nước và dân tộc Việt Nam. Tôi chợt hỏi câu cuối cùng:

– “Anh viết về Việt Nam như thế, có nghĩ rằng ở hải ngoại sẽ có người Việt Nam cho rằng anh theo Cộng Sản Việt Nam không?” Erik chợt khựng lại, đầy vẻ ngạc nhiên. Sau một thoáng suy nghĩ, anh đáp:

– “Tôi không hiểu người Việt Nam đó trong đầu họ nghĩ gì. Nhưng anh cứ bảo cho họ biết nên đọc các tác phẩm của tôi, để tìm hiểu tôi, như vậy đàng hoàng hơn, chứ đừng suy diễn, khi chưa biết tôi là ai!”

Tôi nhìn xuống bài thơ anh vừa biếu tôi, thấy ngay câu đầu, đoạn một, những lời tha thiết sau đây:

Det ma vi indromme

Vi handlede forkert mod Pham Quynh

Der pastod at Frankrig var smukt

Som en mand er smuk,

Vietnam som en kvinde.

Vi skulle ikke ha khldt ham forroeger

Pa lobsedlerne og plaketerne…”

Tạm dịch:

Chúng ta phải nhận rằng

Ta đã làm xằng với Phạm Quỳnh

Người đã nhìn ra nước Pháp đẹp trai

Như gã đàn ông hào hoa

Còn nước Việt Nam ví là con gái,

Ta không nên gọi ông người phản bội

Trên những biểu ngữ và truyền đơn hài tội… »

Tôi lại nhìn xuống mấy tác phẩm của ông vừa biếu tôi. Một danh sách liệt kê các tác phẩm của anh đã xuất bản từ năm 1958, đến năm 1998, dài kín hết trang sách, đếm được đến 31 tác phẩm đủ loại. Như thế chưa phải là nhiều, nhưng cũng đủ chứng tỏ Erik Stinus là một nhà văn, nhà thơ « có hạng » của nước Đan Mạch. Mặc dù nước này chỉ là một bán đảo bé tí teo với khoảng 5 triệu dân, nhưng dân tộc hậu duệ của giòng dõi hải tặc Viking này đã đào tạo nên hàng chục nhân tài từng đoạt giải Nobel đủ loại, từ khoa học nguyên tử, y khoa, lý học, hóa học, và văn chương, v.v…

Nhìn tôi đọc, Erik Stinus nói thêm : -« Như anh đã biết, ở nước nào cũng vậy, thơ rất khó tiêu thụ, không một nhà xuất bản nào chịu bỏ tiền xuất bản thơ cách dễ dàng. Vậy mà tôi đã có cả chục thi tập phát hành rồi đó. Và tôi đã sống bằng ngòi bút của tôi ! »

Tóm lại hôm ấy chúng tôi đề cập đến vụ án thương tâm của cụ Phạm Quỳnh qua nhiều phương diện văn học và chính trị. Cuối cùng chúng tôi đã đi đến một kết luận : « Chỉ có tài năng văn học mới chuyên chở được tên tuổi và tư tưởng con người vượt mọi ranh giới không gian và thời gian, để trở thành Bất Tử trong lòng nhân loại ».

Đó là trường hợp của nhà học giả yêu nước Phạm Quỳnh. Cái chết của ông, quá đỗi bi thương, nhưng không phải là một sự chấm hết. Hết tiệt như những cái chết khác. Ông chết, nhưng vẫn còn để lại một tấm lòng son với sử xanh « Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh ! »

* Bài trích từ sách Giải oan lập một đàn tràng, NXB Tâm Nguyện, In lần I (2001) ở Hoa Kỳ, MD. 20906 USA

Đ.V.N.

(Đan Quốc 3/7/1999)

Tháng Bảy 11, 2014

Tôn Quang Phiệt và vụ án Phạm Quỳnh (năm 1945)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:51 sáng
Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 3 tháng 7 năm 2014.

Tôn Quang Phiệt và vụ án Phạm Quỳnh (năm 1945)

Kiều Mai Sơn

(Bài thu từ http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa chủ nhật, ngày 29/6/2014. Hai ảnh minh họa do chúng tôi đưa vào bài)

 

Tôn Quang Phiệt [1900 – 1973]

Tôn Quang Phiệt có thời gian hoạt động lâu dài tại Huế và với vai trò quan trọng của mình, ông biết rất rõ về Phạm Quỳnh cũng như những tình tiết cụ thể của câu chuyện bắt giữ và xử tử Phạm Quỳnh trong Cách mạng tháng Tám 1945.

Tôn Quang Phiệt sinh năm Canh Tý (1900) trong một gia đình nhà Nho tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Họ Tôn vốn gốc từ Yên Hồ (Đức Thọ – Hà Tĩnh) sau dời đến Võ LiệtTon Quang Phiet. Thân sinh Tôn Quang Phiệt sinh năm 1870, đỗ Tú tài năm 1900, làm nghề dạy học chữ Nho. Khi triều đình bỏ thi cử Hán học, ông chuyển sang buôn gạo vài chuyến rồi làm gỗ trong rừng.

Thuở nhỏ,Tôn Quang Phiệt học chữ Hán ở nhà với cha trong suốt 10 năm. Năm 15 tuổi, ông đi thi hạch và học thêm chữ Hán ở nhà Đốc học là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Năm 1920-1921, Tôn Quang Phiệtvào học bậc Thành chung tại trường Quốc học ở Vinh, do các thầy người Việt Nam như Nguyễn Bá Luân (con rể vua Thành Thái), Lê Thước (giải nguyên Hán học) dạy dỗ, mà Hiệu trưởng là ông Jurugne – người Pháp. Bạn đồng môn với Tôn Quang Phiệt ở trường này có như Đặng Thai Mai, Nguyễn Sỹ Sách, Phạm Thiều, Lê Xuân Phương, Phan Trọng Bình, Ngô Đức Trì…

Năm 1923 , Tôn Quang Phiệt ra Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương . Năm1925, ông cùng Đặng Thai Mai, Phạm Thiều… sáng lập tổ chức Việt nam Nghĩa Đoàn , tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu. Tổ chức này sau đó được thống nhất với Hội Phục việt   của Giải nguyên Lê Văn Huân và Trần Mộng Bạch ở Vinh. Tôn Quang Phiệt được cử làm Hội trưởng Hội Phục Việt. Tháng11 – 1925 Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam, rồi cuối cùng là Đảng Tân Việt (1928), một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.Tháng 6 năm1926, Tôn Quang Phiệt cùng Trần Phú, Vương Thúc Oánh… được Lê Duy Điếm dẫn đường sang Trung Quốc gặp các nhân vật trongViệt nam cách mạng đảng. Trên đường đi đến Móng Cái, ông bị Pháp bắt (cùng với Hoàng Tùng) sau đó bị đem về giam tại Hà Nội.

Từ1936 – 1945, Tôn Quang Phiệt tham gia vào Mặt trân dân chủ, dạy học tại trường tư thục Thuận Hóa (Huế) tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ Huế do Hồ Đắc Hàm và Nguyễn Khoa Toàn làm Hội trưởng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông hoạt động trong Thành bộ Việt Minh tỉnh Nguyễn Tri Phương (mật danh của Thừa Thiên Huế).

Cách mạng Tháng Tám thành công, Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban Hành chính đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Phác nhanh mấy nét ở trên cho thấy, Tôn Quang Phiệt có thời gian hoạt động lâu dài tại Huế và với vai trò quan trọng của mình, ông biết rất rõ về Phạm Quỳnh cũng như những tình tiết cụ thể của câu chuyện bắt giữ và xử tử Phạm Quỳnh trong Cách mạng tháng Tám 1945.

CUỘC KHỞI NGHĨA Ở HUẾ VÀ THỪA THIÊN

Cuộc khởi nghĩa ở Huế và Thừa Thiên – là tên một bài viết riêng trong cuốn sách Hà Nội – Huế – Sài Gòn tháng 8-1945 của 3 tác giả Minh Tranh – Quốc Quang – Nguyễn Văn Trấn, được Nhà xuất bản Văn hóa phát hành năm 1958. Tác giả bài viết về Cuộc khởi nghĩa ở Huế và Thừa Thiên là Quốc Quang.

Tự đánh giá “Cuộc khởi nghĩa ở Huế và Thừa Thiên có một tầm quan trọng đặc biệt”, tác giả đã phân tích các lẽ quan trọng như sau:

“1. Huế là thủ đô của Trung Kỳ, phạm vi cai trị của vua và của triều đình Huế. Các cơ quan đầu não của Trung Kỳ tập trung ở Huế, như các ngành công chính, thương chính, giáo dục, ngân hàng. Các tỉnh Trung Kỳ nhìn vào Huế là chỗ trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa. Những biến cố xảy ra ở Huế nhất định ảnh hưởng đến cả 13 tỉnh Trung Bộ và cả nước, vì trước khi Pháp chiếm, nước ta gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ mà kinh đô là Huế. Dưới thời Nhật thuộc, chính phủ Trần Trọng Kim cũng tự coi như đã chủ tể cả đất nước, phong khâm sai cho Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Vì thế trước ngày khởi nghĩa các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa Huế cho rằng Huế như đầu con rắn, đánh vào đầu là giết chết cả con rắn; Huế bị đổ thì các tỉnh Trung Kỳ không dựa vào đâu nữa.

2. Huế là nơi nhiều quan lại, nhiều công chức hoặc đang tại chức, hoặc đã về hưu. Trong bọn quan lại về hưu có một số trước đã làm quan to trong triều đình. Bọn này phần lớn tư tưởng rất phản động. Vô hình chung họ thành ra một lực lượng phản cách mạng cần phải để ý. Tuy rằng trong đó có các nhânPham Quynh 1930 viên cấp dưới thì hoặc muốn yên thân, hoặc có cảm tình với cách mạng.

Vì các lẽ trên nên cuộc khởi nghĩa ở Huế rất quan trọng, không những quan trọng vì bản thân Huế mà lại quan trọng đối với Trung Kỳ, đối với toàn quốc nữa”.

Về việc bắt giữ Phạm Quỳnh, Quốc Quang viết trong chương khởi nghĩa ở Thừa Thiên – Huế, như sau:

“Ủy ban khởi nghĩa Thuận Hóa quyết định ngày 23/8/1945 lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền.

Sở dĩ lấy ngày 23/8 là vì chính phủ Trần Trọng Kim đã quyết định lấy ngày ấy tổ chức mít tinh mừng việc Nhật trao trả Nam Kỳ cho chính phủ Nam triều. Ủy ban khởi nghĩa định biến cuộc mít tinh ấy thành cuộc biểu tình của nhân dân đánh đổ chính phủ bù nhìn.

Quyết định của Ủy ban khởi nghĩa: “Một mặt huy động một số xe ô tô của thành phố, điều động một ít lực lượng võ trang đi bắt một số Việt gian thân Nhật, thân Pháp đầu sỏ là cha con Ngô Đình Khôi (con là Ngô Đình Huân làm thư ký riêng cho cố vấn tối cao Nhật), Phạm Quỳnh và con rể hắn là Nguyễn Tiến Lãng”.

Cuốn này tuy không viết cụ thể quá trình bắt giữ Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân ra sao, nhưng có một câu quan trọng đáng chú ý: “Việc đi bắt mấy tên Việt gian cũng không xảy ra cản trở gì. Phạm Quỳnh cũng như Ngô Đình Khôi đều ngoan ngoãn theo lệnh đi lên ô tô để vào nhà lao Thừa Thiên chịu tội”.

Dành phần cuối cùng với tên gọi “Một vài nhận xét về cuộc khởi nghĩa ở Huế”, Quốc Quang viết:

Về ưu điểm: “Thái độ khoan hồng của Ủy ban nhân dân cách mạng là cứ để cho họ [những quan lại cũ và công chức trong chính phủ Trần Trọng Kim – KMS chú] tự do mà không bắt bớ giam giữ gì là hợp tình thế. Huế lại là một nơi nhiều quan lại to hoặc tại chức, hoặc đã về hưu, nếu ta có thái độ khe khắt đối với bọn Trần Trọng Kim sẽ làm cho một số đông khác hoang mang, dao động, không lợi cho lúc bấy giờ là lúc mà ta cần có một tình hình ổn định. Vì thế ở Huế lúc bấy giờ chỉ bắt những bọn đầu sỏ thân thân (có lẽ là thân Nhật, đánh máy lầm – PT chú), thân Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh bị nhân dân oán ghét nhiều và đang có nguy hại trước mắt mà thôi.

…Về khuyết điểm: “Đối với những tên Việt gian đầu sỏ nhân dân quá oán ghét mà phải xử trí cũng nên có sự tuyên bố tội trạng trước nhân dân trong các báo chí để về sau bọn phản động không thể xuyên tạc được sự thực. Điều đó ta không làm công khai”.

Tác giả Quốc Quang là ai? Đó chính là bút danh của Tôn Quang Phiệt./.

Hà Nội, ngày 14/5/2014

K.M.S.

 * “Bà Phạm Thị Thức, em bà Giá, là vợ cố giáo sư Đặng Vũ Hỷ, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Con trai út bà đã kể lại rằng trong một lần cùng đi máy bay sang Béc-lin (Cộng hòa dân chủ Đức) chữa bệnh, ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên-Huế hồi Cách mạng Tháng 8, đã cố tìm gặp giáo sư Đặng Vũ Hỷ chỉ để nói một điều là: “Tôi đã nhiều lần muốn gặp anh để nói với anh về chuyện cụ nhà (Phạm Quỳnh). Hồi ấy, tôi ở Huế thật, nhưng hoàn toàn không dính gì vào vụ này, chỉ biết khi chuyện đã xảy ra rồi.” Ta không thể không tin lời của một trí thức cỡ lớn nói với một trí thức cỡ lớn như vậy”.(Phạm Tôn: Người nặng lòng với nước, Tạp chí Xưa và Nay, số 267, tháng 2/2006)

* “Trong hồi kí của mình Nhớ lại một thời, do nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 8/2000, tại Hà Nội, nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế ngày ấy, đã nêu rõ: chính ông đã đề nghị tỉnh uỷ, ngay từ khi về đến Huế, là rút khẩu hiệu “Đánh đuổi giặc Nhật, tiễu trừ Việt gian” đã nêu trước đó trong cả nước. Và trong ngày khởi nghĩa tại Huế 23/8/1945, chính ông đã tuyên bố “bảo đảm tính mạng và tài sản cho toàn thể đồng bào” trước đông đảo nhân dân tập trung ở sân vận động Huế. Trong những năm 90 thế kỉ trước, ở chỗ riêng tư, ông còn thổ lộ là: “Mấy chục năm qua, tôi vẫn áy náy, day dứt về việc cụ Phạm Quỳnh.”

Thế là cả Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên-Huế đều không biết gì về việc “xử tử hình Phạm Quỳnh”, nói gì đến xét xử, kết án…”(Phạm Tôn: Người nặng lòng với nước, Tạp chí Xưa và Nay, số 267, tháng 2/2006)

 

Giải thưởng Hồ Chí Minh – Đặng Vũ Hỷ, y đức và tài năng

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:41 sáng

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 3 tháng 7 năm 2014.

GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH

ĐẶNG VŨ HỶ, Y ĐỨC VÀ TÀI NĂNG

(Bài trên báo Nhân Dân số 26/9/1997)

Hàm Châu

Giáo sư Đặng Vũ Hỷ sinh ngày 17-3-1910 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một dòng họ khoa bảng lâu đời. Không rõ từ bao giờ đã có câu : Bắc Hà : Hành Thiện, Hoan – Diễn : Quỳnh Đôi. Quả vậy, làng Hành Giao su Dang Vy Hyhiện trên đất bắc cũng như làng Quỳnh Đôi ở vùng Nghệ – Tĩnh là hai làng có nhiều người đỗ đạt cao ở nước ta.

Thời trẻ, chàng trai họ Đặng được học hành chu đáo, đến nơi chốn : học tiểu học ở Nam Định, trung học ở Trường An-be Xa-rô, rồi đại học ở Trường Thuốc. Nhưng, lúc bấy giờ, Trường Thuốc Hà Nội chỉ mới đư­ợc phép đào tạo y sĩ Đông Dương. Những ai muốn có bằng bác sĩ y khoa thì, sau khi học xong năm thứ tư ở Hà Nội, phải sang Pháp học tiếp. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú các bệnh viện Pa-ri, với bản luận văn La syphilis de l’ovaire (Bệnh giang mai buồng trứng) được Nhà xuất bản Amédée le Grand in bằng tiếng Pháp phát hành ở Pa-ri, tất nhiên với số lượng không nhiều.

Cách mạng Tháng Tám thành công như một biến cố diệu kỳ trong lịch sử dân tộc. Luồng gió mới của thời đại thổi tới, khiến cho không gian giữa mấy bức tường phòng khám bệnh tư bỗng trở nên sao mà chật chội, tù túng quá ! Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ bèn tìm gặp Giáo sư Hồ Đắc Di, người vừa được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho làm Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy. Ngay trong phút đầu gặp mặt, Giáo sư Di đã vui vẻ mời bác sĩ Hỷ tham gia giảng dạy ở Trường Y và làm chủ nhiệm phòng khám ở bệnh viện Đồn Thủy. Bác sĩ trở về nhà, đóng ngay cửa phòng khám bệnh tư để dành hết thời gian và tâm trí cho công việc chung.

Tháng 12-1946, không khí Hà Nội nặng nề, căng thẳng. Bác sĩ Hỷ cùng vợ và người con trai mới sinh được ba tháng là Đặng Vũ Minh vừa tạm lánh về quê Nam Định, thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Không chút đắn đo, ông gia nhập Vệ quốc đoàn, được giao phụ trách trạm quân y tiền phương ở Cổ Lễ.

Về mấy năm bác sĩ Đặng Vũ Hỷ phụ trách Quân y viện khu Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình, bác sĩ Phạm Khuê (Nhà giáo nhân dân, con trai Phạm Quỳnh, em vợ bác sĩ Đặng Vũ Hỷ – PT chú) kể lại : “Tôi làm việc bên cạnh anh Hỷ. Một điều làm tôi rất cảm phục là, tuy anh ở Pháp lâu, làm chuyên môn chủ yếu, nhưng khi cần, vẫn tổ chức, chỉ huy rất tốt. Năm 1947, giặc Pháp tiến công lên Việt Bắc, đồng thời đánh luôn căn cứ Ninh Bình, tạo thành một gọng kìm rất hiểm. Quân y viện chúng tôi bị đánh. Anh đã chỉ huy đâu ra đấy đơn vị sơ tán vào chân núi Dưỡng Khê, bảo đảm an toàn cho tất cả thương binh, phương tiện, dụng cụ. Bình tĩnh đứng trên một gò cao, anh chỉ tay, nói to và gọn, ra những mệnh lệnh chính xác và cụ thể. Tôi thoáng nghĩ, trí thức nước ta như thế đấy…”

Những năm sau đó, bác sĩ Hỷ công tác tại Trường Y sĩ liên khu III – IV ở Nông Cống (Thanh Hóa). Là bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhưng do thiếu người giảng dạy nội khoa, ông đành phải tự học thêm để dạy. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu bấc to, ông ngồi đọc cho vợ chép những bộ sách dày bằng tiếng Pháp (sách mượn, phải trả). Là con gái một cụ thượng thư (tức Phạm Quỳnh – PT chú), thế mà bà trồng chuối, tưới rau, nuôi gà, gánh nước y như một bà mẹ trẻ lam làm ở chốn làng quê.

Năm 1953, Trường Y sĩ liên khu III – IV chuyển lên Việt Bắc, sáp nhập với Trường đại học Y. Bác sĩ Hỷ cùng gia đình lại một phen khăn gói cuốc bộ lên rừng Tuyên Quang gặp “cụ Di, anh Tùng” (Bác sĩ Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng – PT chú).

Năm 1954, trở về Hà Nội, ông mới được làm công việc đúng với chuyên môn sở trường : chủ nhiệm Bộ môn Da liễu Trường đại học Y – Dược kiêm chủ nhiệm khoa Da liễu Bệnh viện Bạch Mai.

Ông tâm sự với bác sĩ Phạm Khuê : “Khi bước chân trở lại Hà Nội, chưa bao giờ tôi cảm thấy vui như thế. Mình đã làm nhiệm vụ với đất nước. Kháng chiến có gian khổ, mất mát, nhưng nếu cần làm lại cuộc đời, mình vẫn sẽ làm lại như vậy“.

Là người ham thích nghiên cứu, ông đọc ngấu nghiến các sách chuyên khảo và tạp chí chuyên ngành mới tìm thấy ở Hà Nội về các bệnh ngoài da và hoa liễu (gọi tắt là da liễu) để cập nhật hóa kiến thức.

Ông liên tiếp biên soạn, xuất bản năm cuốn sách về bệnh phong, bệnh hoa liễu và các bệnh ngoài da khác. Từ năm 1954 đến năm 1972, ông công bố 48 công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam, Pháp, Anh, Đức, Ru-ma-ni…

Ông đặc biệt thương xót những người bị bệnh phong, tìm mọi cách chữa bệnh cho họ, gần gũi an ủi họ.

Bác sĩ Trần Văn Ngoạn, nguyên Giám đốc Trại phong Quy Hòa ở Quy Nhơn (nơi trước kia nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng điều trị) thường nói : “Sở dĩ tôi chọn ngành này là do thầy Hỷ đã khuyên tôi. Thầy nói : Trong xã hội ta, còn rất nhiều thành kiến sai lầm, phi khoa học đối với người mắc bệnh phong. Anh còn trẻ, anh hãy giúp tôi xóa bỏ những thành kiến đó và cứu chữa người bệnh. Tốt nghiệp bác sĩ năm 1961, đã 36 năm rồi, tôi luôn luôn tâm niệm lời thầy”.

Giáo sư Đặng Vũ Hỷ qua đời ngày 4-10-1972. Ở Trại phong Quy Hòa, các thầy thuốc và bệnh nhân đã dựng tượng để tưởng niệm giáo sư. Dưới chân tượng có khắc dòng chữ : “… Cuộc đời tận tụy vì người bệnh, y đức trong sáng của Giáo sư Đặng Vũ Hỷ để lại những nét sâu đậm trong lòng người mắc bệnh phong và những thầy thuốc chuyên khoa”.

Ông thật xứng đáng được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về hai cuốn sách chuyên khảo, 16 công trình nghiên cứu bệnh phong, bộ giáo trình Bệnh da liễu và 32 công trình nghiên cứu khác.

H.C.

Triển lãm “Hoàng Sa – Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:36 sáng

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 3 tháng 7 năm 2014.

Triển lãm “Hoàng Sa – Trường Sa:

Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”

(Tin trên trang 8 báo Nhân Dân số ra ngày 22/6/2014)

—o0o—

Ngày 21-6, trong chương trình Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử”, các đại biểu quốc tế và trong nước đã tham dự Lễ khai mạc Triển lãm “Hoàng Sa – Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”. Các đại biểu đã được tận mắt chứng kiến nhiều tư liệu pháp lý lịch sử khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Triển lãm đã giới thiệu một số văn bản Hán Nôm do các nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành vào thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, khẳng định các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay như các Châu bản triều Nguyễn có niên đại từ thời Minh Mạng (1820 đến 1841) đến thời Bảo Ðại (1925 đến 1945), viết về các đội Hoàng Sa được triều đình phong kiến Việt Nam cử đi khai thác quản lý Hoàng Sa, Trường Sa… Ðây là những văn bản chính thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam, có giá trị về mặt pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Triển lãm cũng giới thiệu nhiều cuốn sách cổ viết về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa như: Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Ðỗ Bá tự Công Ðạo (1686); Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn biên soạn năm 1776; Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Ðại Nam thực lục tiền biên (1844-1848); Ðại Nam thực lục chính biên (1844-1848); Việt sử cương giám khảo lược (1876); Ðại Nam nhất thống chí (1882); Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ (1910); Quốc triều chính biên toát yếu (1910)…

Triển lãm giới thiệu phiên bản Hải ngoại ký sự của nhà sư Trung Quốc Thích Ðại Sán (1696), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp L.Ta-bớt (1838)…; trưng bày các bản đồ cổ của Việt Nam và phương Tây thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam; các bản đồ nước ngoài và Trung Quốc về cương vực lãnh thổ của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam, không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ðặc biệt, có bộ Atlas thế giới của P.Van-đê-ma-ê-len xuất bản năm 1827 tại Bỉ, lần đầu được công bố, trong đó vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.

Các đại biểu đã được chứng kiến những tư liệu mới khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do nhân dân cả nước hiến tặng cho Nhà nước như: Bản gốc giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy sinh ra ở Hoàng Sa do cơ quan hành chính Pháp đặt tại Hoàng Sa cấp năm 1940; Hồ sơ đèn biển được Pháp xây dựng ở Hoàng Sa năm 1937; Cuốn biên niên của Nha khí tượng Ðông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Ðông Dương xuất bản năm 1942 liệt kê các thông số về thời tiết do các trạm khí tượng đo được tính đến ngày 31-12-1940 trong đó có trạm số 48859 trên đảo Phú Lâm và trạm 48860 trên đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa; Trạm số 48919 trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Ðây là những tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới thời Pháp thuộc.

Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc triển lãm, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Ðà Nẵng Bùi Văn Tiếng khẳng định, Hoàng Sa, Trường Sa là phần lãnh thổ mãi mãi không thể tách rời của Việt Nam. Những hình ảnh, tư liệu, bản đồ, hiện vật được trưng bày tại cuộc triển lãm đã chỉ ra sự thật không thể phủ nhận là từ lâu đời, các nhà nước Việt Nam đã xác lập thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp các quy định liên quan của luật pháp quốc tế; lãnh thổ Trung Quốc từ bao đời nay chỉ kết thúc ở đảo Hải Nam (Trung Quốc), không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Một số học giả cho biết, sẽ có những bài viết hoặc trả lời phỏng vấn nói lên sự thật về tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để dư luận quốc tế có cái nhìn khách quan về tranh chấp ở Biển Ðông nói chung và đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 25-6.

* Sáng 21-6, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa – Trường Sa: Sự thật lịch sử”, các đại biểu đã tham dự hai phiên Tọa đàm về hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.

Các học giả cho rằng, về mặt pháp lý thì nhìn từ bất kỳ góc độ nào, hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc là bất hợp pháp. Theo tọa độ của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo thì vị trí hoạt động của giàn khoan hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở khu vực này là không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.

Trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, nhiều diễn giả đã chỉ rõ những nội dung phi lý trong lập luận của Trung Quốc về việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981. Việc Trung Quốc coi vị trí hoạt động của giàn khoan này thuộc vùng tiếp giáp của quần đảo Hoàng Sa là không thể chấp nhận.

Các diễn giả cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là sử dụng các biện pháp pháp lý và các cơ chế tài phán quốc tế, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và sử dụng các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế. Trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc.

Các học giả đã đánh giá việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là bước leo thang mới nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” và độc chiếm Biển Ðông; hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đã phá vỡ nguyên trạng ở Biển Ðông, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Ðông.

Hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Ðông, ảnh hưởng tiêu cực quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Nhiều ý kiến đã đánh giá cao nỗ lực và thiện chí giải quyết hòa bình tranh chấp của Việt Nam; cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này để tạo sức ép với Trung Quốc, ngăn cản những hành động leo thang mới.

 

Tháng Bảy 4, 2014

Đau đáu hướng về đất nước

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 11:19 sáng

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 2 tháng 7 năm 2014.

ĐAU ĐÁU HƯỚNG VỀ ĐẤT NƯỚC

Vũ Thủy

(Tin trên trang 9 báo Tuổi Trẻ thứ năm 19/6/2014)

Biển Đông dậy sóng, chủ quyền lãnh thổ đất nước bị xâm phạm. Người Việt khắp năm châu đã đau đáu hướng về Tổ quốc. Và chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” đón nhận được rất nhiều đóng góp từ những người Việt xa quê.

Có người nhờ người thân trong nước tới báo Tuổi Trẻ đóng góp, nhưng cũng có người âm thầm chuyển tiền qua ngân hàng, qua bưu điện mà thông tin để lại vỏn vẹn chỉ là một cái tên: Kim (Quebec, Canada) chuyển khoản gần 6 triệu đồng, Đoàn Huyền – Thùy Trang (Westminster, Mỹ) gửi 10 triệu đồng, Phuong Hoai Ha (Tomasjord, Na Uy) chuyển khoản hơn 20,5 triệu đồng…

“Tui khâm phục chiến sĩ Việt Nam”

Chúng tôi may mắn liên hệ được với một số người Việt đang sinh sống ở Thụy Điển, Mỹ, Pháp… và lắng nghe chia sẻ sôi sục của những người Việt xa xứ. Trong câu chuyện của họ đều có chung những từ “bức xúc”, “cảm phục” khi nói về câu chuyện đang xảy ra trên vùng biển Đông của đất nước.

Tiếp xúc qua điện thoại, bà Ann Le (50 tuổi, TP Austell, bang Georgia, Mỹ) mừng lắm khi biết số tiền 700 USD bà gửi đã đến báo Tuổi Trẻ. Bà kể rằng vợ chồng bà cùng hầu hết người thân trong nhà đã sang định cư ở Mỹ gần 20 năm nay nhưng chưa lúc nào bỏ qua những thông tin từ quê nhà, nhất là khi lãnh thổ nước mình bị Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm. Là kỹ sư hóa, công việc bận rộn nhưng ngày nào đi làm về bà cũng đọc báo online, trong đó có Tuổi Trẻ và coi chương trình thời sự trên các kênh của Đài truyền hình Việt Nam. “Cũng như người dân trong nước mình, ở đây mọi người rất bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, vừa thương chiến sĩ và ngư dân của mình” – bà cho biết. Do vậy, đọc báo Tuổi Trẻ biết có phát động chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”, thấy già, trẻ, lớn, bé đều góp sức, vợ chồng bà cũng muốn góp chút phần mình.

Nguoi Viet bieu tinh tai Phap ve bien Dong

Nhắc đến những chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên, giọng bà Ann Le nghẹn lại: “Tôi rất cảm phục các anh vì lòng dũng cảm và cả sự kiềm chế, tuyệt đối tuân lệnh cấp trên để không đáp trả bằng bạo lực. Xem những đoạn clip gửi về từ Hoàng Sa, tôi nghĩ các anh phải đối đầu trực diện thì trong lòng phừng phừng lửa gấp mấy người ở nhà nhưng vẫn rất bản lĩnh, giữ được bình tĩnh”.

Góp tiếng nói dân tộc

Anh Nguyễn Xuân Bình đang sinh sống ở Thụy Điển kể rằng câu chuyện về Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, câu chuyện về người dân Việt đang bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc là những gì mà những người Việt thân quen với gia đình anh ở đất nước xa xôi này thường nói với nhau mỗi khi có dịp gặp gỡ. Hơn một tháng nay, vợ chồng anh Bình hay đọc báo hơn, để ý từng tin tức nóng hổi xuất hiện trên những trang báo điện tử trong nước. Anh chia sẻ: “Chúng tôi đều nóng ruột lắm. Đọc tin thấy báo Tuổi Trẻ phát động ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”, từ người hưu trí, cán bộ, công chức cho đến anh công nhân, chị bán vé số, tất thảy đều một lòng hướng về đất nước, tôi thấy vững tâm hơn nhiều và muốn được góp phần mình vào khí thế đoàn kết của cả dân tộc”.

Anh Bình đã gửi 100 AUD cho chương trình và vẫn tiếp tục kêu gọi thêm bạn bè thân quen cùng đóng góp. Anh nói rằng năm nay đã hơn 40 tuổi, vẫn còn sức khỏe, nếu có xảy ra chuyện anh sẽ xung phong về chiến đấu bảo vệ đất nước, còn không thì về nấu cơm cho bộ đội cũng được”.

Trong email gửi về chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” cùng với số tiền đóng góp 100 USD, anh Nguyễn Quang Tường, Việt kiều Úc, bày tỏ: “Người Việt nào chắc cũng vô cùng bức xúc khi thấy Trung Quốc xâm lấn biển Việt Nam, chèn ép ngư dân Việt, gây nguy hiểm đến tính mạng của những người không một tấc sắt trong tay trên những con tàu gỗ nhỏ”.

Đọc nhiều báo tiếng Việt, gần đây anh còn theo dõi thêm qua Yahoo! tiếng Anh mỗi sáng sớm trước khi đi làm hay cuối tuần đọc tin về biển Đông. Anh kể: “Dạo này tin về biển Đông nhiều lắm và rất nhiều comment (bình luận) từ người đọc, có khi lên tới vài trăm. Hầu hết comment bênh vực Việt Nam nhưng cũng có nhiều comment nói ngược lại, không đúng sự thật”. Anh cho biết đều viết phản hồi ngay mỗi khi đọc những comment có luận điệu phiến diện, trong đó anh trích dẫn bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam…

Anh Tường chia sẻ: “Tôi nghĩ người Việt nào có khả năng tiếng Anh cứ vào mạng quốc tế như Yahoo!, kể cả những tờ báo rất hiếu chiến của Trung Quốc, để nêu chính kiến của mình. Nên viết ra cho chính người Trung Quốc hiểu biết thêm về người Việt, cũng như sự sai lầm của chính phủ họ trong chuyện biển Đông hiện nay”.

V.T

*

*     *

Người VN đã tính đưa Hoàng Sa ra tòa quốc tế từ 1938

(Tin của Đức Triết trên trang 3 báo Tuổi Trẻ rangày 26/6/2014)

Tại tọa đàm “Văn nghệ sĩ, trí thức thủ đô với chủ quyền biển đảo Việt Nam” do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và báo Người Hà Nội tổ chức sáng 25-6, văn nghệ sĩ, trí thức thủ đô đã đưa ra nhiều ý kiến, tham luận tỏ rõ sự bất bình cao độ trước hành động sai trái của Trung Quốc trên biển Đông.

Tham luận của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn – phó viện trưởng Viện Văn học – mang tên “Hoàng Sa, Trường Sa – chủ quyền Việt Nam qua tư liệu báo chí và việc tính chuyện khởi kiện từ năm 1938” đem đến những thông tin khá bất ngờ và đầy hữu ích.

“Qua mấy trang tư liệu trên Tràng An Báo (1938) cho thấy người Việt Nam và nhà nước Pháp – Việt khi ấy đã có suy tính, đoán định và chủ trương đưa vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa ra trước tòa án quốc tế La Haye. Câu chuyện cách ngày nay 76 năm vẫn còn nguyên tính thời sự” – PGS Nguyễn Hữu Sơn nhận định.

Văn nghệ sĩ thủ đô cũng thống nhất ra tuyên bố về việc phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.

Lời cảm ơn của bạn đọc

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 11:11 sáng

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 2 tháng 7 năm 2014.

LỜI CẢM ƠN CỦA BẠN ĐỌC

“Xin cảm ơn Ô.DT & Blog PT đã cho hay, cắt nghĩa được sự thắc mắc trên (tức “Cụ Phạm sinh năm 1892, năm 1908 đỗ thủ khoa trường Bảo Hộ! Ô. TCĐT cho hay như vậy liệu có chính xác không ?” – PT chú) vì người nhà tôi ( đã mất ) trước có học cùng với Cụ Phạm ở trường Bờ sông ( dân dã thường gọi trường Ke) & trường Bảo hộ.”

Bạn Luuholan (thư điện tử: luuholan2007@mail.ru) gởi email cho chúng tôi hồi 9:30 sáng 27/6 như trên sau khi đọc Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 1 tháng 7 năm 2014. Bạn hỏi chúng tôi trả lời

Blog PhamTon

 

Châu bản triều Nguyễn trở thành ký ức thế giới

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 11:08 sáng

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 2 tháng 7 năm 2014.

CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN TRỞ THÀNH KÝ ỨC THẾ GIỚI

Hà Hương

(Tin đăng trên trang 16 báo Tuổi Trẻ thứ sáu 16/5/2014)

—o0o—

Khối châu bản triều Nguyễn đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản tư liệu (thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương) trong hội nghị toàn thể diễn ra ngày 14-5 tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, hồ sơ đăng ký chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương) được trình lên vào năm 2013 với tên gọi Châu bản triều Nguyễn (1802-1945).

Châu bản triều Nguyễn hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước – Bộ Chau ban (bao tuoi tre)Nội vụ). Châu bản triều Nguyễn có hơn 20 loại hình văn bản như: chiếu, dụ, chỉ, sắc, sớ, tấu, khải, bẩm, tư, phúc, phiến trình, trát sức, thông tri, phiếu nghĩ… viết trên giấy dó được làm hoàn toàn thủ công từ vỏ cây dó.

Danh mục di sản đề cử là toàn bộ khối châu bản triều Nguyễn gồm 773 tập, tương đương gần 200.000 tờ tài liệu của 11 triều vua nhà Nguyễn từ 1802-1945 là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở VN. Hầu hết các văn bản được đóng dấu hợp pháp của nhà vua và của các cơ quan có thẩm quyền, tài liệu phần lớn là bản gốc.

Châu bản đã từng là nguồn sử liệu gốc quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ dưới triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Minh Mệnh chính yếu… Ngày nay châu bản tiếp tục là nguồn sử liệu gốc tin cậy giúp các nhà nghiên cứu đương thời phục dựng toàn bộ lịch sử triều Nguyễn.

Theo hồ sơ được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I gửi lên UNESCO, châu bản triều Nguyễn còn chứa đựng các thông tin phong phú về chính sách ngoại giao thông qua các văn thư ngoại giao, các hiệp ước, thương ước trao đổi ký kết giữa triều đình và các nước: Trung Hoa, Lào, Campuchia, Thái Lan, Pháp, Anh, Tây Ban Nha… Châu bản cung cấp báo cáo của các sứ đoàn ngoại giao triều Nguyễn được cử ra nước ngoài cũng như hàng loạt báo cáo của các cơ quan trong bộ máy chính quyền về việc buôn bán thương mại với các nước. Đặc biệt châu bản đã đóng góp rất nhiều văn bản là những chứng cứ gốc quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế ở biển Đông.

Theo Wikipedia, di sản tư liệu thế giới (còn gọi là chương trình Ký ức thế giới) của UNESCO ra đời từ năm 1994. Ngoài danh mục các di sản tư liệu thế giới, Unesco cũng có danh mục các di sản tư liệu của từng khu vực hoặc châu lục. Hiện VN có hai di sản được thuộc danh mục di sản tư liệu thế giới là mộc bản triều Nguyễn và bia tiến sĩ Văn Miếu. Còn mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm và châu bản triều Nguyễn được đưa vào danh sách di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo quy định của UNESCO, nếu VN chứng minh được giá trị nổi bật cũng như có những biện pháp tích cực bảo vệ hữu hiệu, hai di sản này sẽ được tiếp tục đề cử để trở thành di sản tư liệu thế giới.

H.H.

*

*     *

* TS Phan Thanh Hải (giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế):

Cần tăng cường quảng bá và khai thác giá trị của châu bản

Sự công nhận của thế giới đối với châu bản triều Nguyễn thêm một lần nữa nhấn mạnh tính pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải VN. Bởi vì có nhiều châu bản trong hệ thống châu bản triều Nguyễn có nội dung điều hành việc bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sắp tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I sẽ có đợt tổng kết đánh giá toàn diện, đồng thời sẽ đề xuất với bộ chủ quản phối hợp với các nơi, trong đó có Huế, tăng cường quảng bá về giá trị châu bản. Tôi cũng từng tham gia hội thảo về châu bản, và từng đề xuất tăng cường khai thác giá trị kho châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Hiện châu bản triều Nguyễn không chỉ lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I mà còn nằm rải rác ở nhiều nơi: trong dân gian, trong các sưu tập cá nhân… Tôi đề nghị quy về một mối và đặt trong hệ thống liên kết để có thể khai thác đồng bộ.

* Ông Phan Thuận An (nhà nghiên cứu triều Nguyễn):

Chứng cứ thuyết phục để tranh đấu về chủ quyền biển đảo

Là người có tham gia đóng góp một phần nhỏ trong việc thiết lập hồ sơ trình UNESCO, tôi hết sức vui mừng khi nhận được tin châu bản triều Nguyễn được công nhận là di sản tư liệu. Đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa, đặc biệt trong lúc Trung Quốc đang ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Trong hệ thống châu bản triều Nguyễn hiện còn bảo lưu, có những châu bản liên quan đến chủ quyền biển đảo của VN. Năm 2009, tôi đã hiến tặng cho Nhà nước hai châu bản thời vua Bảo Đại có liên quan đến chủ quyền VN tại quần đảo Hoàng Sa. Tờ châu bản thứ nhất đề ngày 3-2-1939 và tờ châu bản thứ hai đề ngày 15-2-1939, viết bằng tiếng Việt, trình nhà vua phê duyệt quyết định khen thưởng cho một số người có công gìn giữ Hoàng Sa.

Cả hai châu bản đều có bút tích “chuẩn y” và chữ ký bằng bút chì son của vua Bảo Đại. Hai văn bản này là tư liệu gốc, khẳng định triều đình Huế đã thực thi liên tục chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa. Đây là những cứ liệu hết sức thuyết phục mà chúng ta nên đưa ra tòa án quốc tế để giải quyết vấn đề biển đảo quốc gia.

Thái Lộc – Tiến Long ghi

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Giải thưởng lớn nhất cuộc đời là những bài hát được nhân dân yêu mến và ghi nhớ

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 11:05 sáng

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 2 tháng 7 năm 2014.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên:

Giải thưởng lớn nhất cuộc đời là những bài hát

được nhân dân yêu mến và ghi nhớ

Lam Anh

(Bài đăng trên trang 16 báo Hải Dương số ra ngày 30/4/014, kỷ niệm chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5)

—o0o—

Tuổi đã cao, phải hạn chế nói nhiều vì ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện dài hơn thường lệ, bởi ông muốn chia sẻ với độc giả báo Hải Dương, với mảnh đất ông vẫn hằng yêu quý.

Bài hát ngày chiến thắng

“Nghĩ về ngày chiến thắng là ông nhớ tới lời nhắc nhở của Bác Hồ: “Vì độc lập, vì tự do. Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nPham Tuyen (bao Hai Duong)hào”, nghĩ tới 30 năm kháng chiến của dân tộc”.

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng nằm sâu trong khu tập thể Vạn Bảo thuộc quận Ba Đình (Hà Nội), nhạc sĩ Phạm Tuyên vui vẻ chỉ cho tôi xem vị trí trang trọng của phòng khách – nơi ông treo bức tranh gỗ khắc hình ảnh “chú voi con ở Bản Đôn” do tỉnh Đắc Lắc gửi tặng. “Ai cũng bảo tôi sao lại treo bức tranh này cao hơn những giấy khen, giải thưởng lớn khác, nhưng tôi thấy giải thưởng lớn nhất của cuộc đời mình là những bài hát được nhân dân yêu mến và ghi nhớ”, ông cười đôn hậu giải thích. Trong số những bài hát đó, bài giành được “giải thưởng” lớn nhất đời ông là Như có Bác trong ngày đại thắng”.

“Mấy chục năm trở lại đây, dịp 30-4 nào cũng có nhiều nhà báo hỏi tôi về kỷ niệm sáng tác bài hát này. Vậy mà lần nào hồi tưởng lại tôi vẫn thấy xúc động như mới ngày hôm qua”, ánh mắt người nhạc sĩ ánh lên niềm hân hoan, rạng rỡ khi sống lại thời khắc ra đời và lan truyền bài hát để đời của ông. Tháng 4 – 1975, ông là nhạc sĩ phụ trách mảng âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sống trong môi trường báo chí phát thanh, là loại phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến và cập nhật tin tức nhanh nhất thời bấy giờ, ông được đắm mình trong bầu không khí rộn ràng của những tin thắng trận ngày đêm dồn dập đổ về. Tuy ở giữa Thủ đô Hà Nội nhưng tâm tưởng ông cũng như toàn thể nhân dân đang hướng về miền Nam, bám sát với bước tiến của quân giải phóng. Các nhạc sĩ của đài động viên nhau cố gắng sáng tác các ca khúc khải hoàn về các địa phương để giải phóng tới địa phương nào sẽ có bài hát về địa phương đó. Song dường như âm nhạc cũng không theo kịp bước chân của quân giải phóng. Sáng 28-4, khi nghe tin phi công ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, nhạc sĩ Phạm Tuyên cảm thấy ngày toàn thắng đã rất cận kề. Đêm hôm ấy, đứng ở cầu thang khu tập thể nơi gia đình ông đang sinh sống, nhạc sĩ đã đặt bút viết và hoàn thành bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng” trong đúng 2 tiếng đồng hồ. Bài hát là tiếng reo vui của ngày chiến thắng với âm hưởng rộn rã, ca từ ngắn gọn, giản dị nhưng chứa đầy cảm xúc. Nhạc sĩ tâm sự, nghĩ về ngày chiến thắng là ông nhớ tới lời nhắc nhở của Bác Hồ: “Vì độc lập, vì tự do. Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, nghĩ tới 30 năm kháng chiến của dân tộc. Ông cũng nghĩ trong suốt khoảng thời gian rất dài của cuộc chiến tranh ấy, gia đình ông ở khu tập thể của đài, phải gánh chịu nhiều trận bom ác liệt. Nhà cửa đổ nát, nhiều người đã chết, bao nhiêu cây đàn của ông đã tan, ông chỉ ước mong một tiếng reo vui ngày chiến thắng. Khi thời khắc ấy sắp tới gần, tiếng reo ấy bật ra tự lòng ông một cách tự nhiên, chân thật nhất. Hoàn thành bài hát, ông thấy nhẹ lòng như đã trả xong món nợ tình cảm canh cánh nhiều năm.

Đúng như ông linh cảm, trưa 30-4, quân giải phóng đã chiếm được dinh Độc Lập. 4 giờ chiều, đài thu thanh bài hát của ông. 5 giờ chiều, đứng ở khu tập thể, vợ chồng ông đã nghe bài hát vang lên trên các loa phát thanh, đi kèm với thông tin chiến thắng, đôi mắt ông mờ đi vì xúc động. Từ đó, trong nhiều ngày, bản tin chiến thắng nào cũng có bài hát của ông làm nền. Sáng 1-5, đi qua bờ hồ Hoàn Kiếm, ông đã thấy người dân vừa đi vừa ca vang “Việt Nam, Hồ Chí Minh. Việt Nam, Hồ Chí Minh”. Chiếc xe ô – tô mui trần của Nhạc viện Hà Nội chở ban nhạc diễu hành khắp các đường phố Hà Nội cũng kéo đàn, thổi kèn bài hát. Sức sống của tác phẩm đi nhanh vượt ngoài suy nghĩ của tác giả, vươn ra cả ngoài biên giới nước ta. Tới những năm 80, khi tham dự một hội nghị về âm nhạc ở Đức, một số giáo sư Đức đã đi tàu lên Béc-lin tìm gặp ông, vì yêu mến bài hát này. 2 năm trước đây, một nhà nghiên cứu người Mỹ nhân dịp sang Việt Nam đã bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội chỉ để gặp tác giả ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng”, chúc mừng ông vừa được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và tặng ông một món quà đầy ý nghĩa. Đó là poster lưu niệm in hình ảnh Hồ Chủ tịch và một câu hát của ông. Món quà ấy ông trân trọng cất giữ như hình ảnh tượng trưng cho lòng yêu mến của bạn bè năm châu, trong đó có cả những người đã từng ở phía bên kia chiến tuyến, đối với bài hát của ông, một tuyên bố cho chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Ông tâm sự: “Tôi vẫn nghĩ, bài hát ấy không còn là của riêng tôi. Đó là tác phẩm của toàn thể quân, dân ta, những người đã góp sức làm nên ngày chiến thắng”.

Ước mong về với quê hương

Đã ngoài 80 tuổi, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn rất bận rộn với nhiều hoạt động liên quan tới âm nhạc. Nhưng khi nghe tôi xưng là phóng viên báo Hải Dương, ông đã vui vẻ nhận lời gặp mặt. Tuy chưa có thời gian nào sinh sống tại Hải Dương nhưng quê hương vẫn luôn chiếm một phần quan trọng trong nỗi nhớ của ông

Người nhạc sĩ già đôn hậu không giấu được xúc động khi nhớ lại khoảng thời gian đầu tiên ông về thăm quê. Đó là ngay sau thời gian ông viết bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng, sau chiến thắng lịch sử năm 1975. Hơn 40 tuổi, lần đầu tiên ông về thăm quê, cùng nỗi lo canh cánh trong lòng, không biết trong hiện tại, gia đình ông bị đánh giá ra sao. Nhưng nỗi lo ấy đã nhanh chóng tan biến khi ông được chính quyền xã Thúc Kháng (Bình Giang) đón tiếp thân tình, ấm áp. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Thúc Kháng đã động viên ông giữ mối liên hệ với quê hương, thường xuyên về thăm làng xóm. Ông càng xúc động hơn nữa khi thấy phần mộ ông bà, tổ tiên được bà con ở quê hương chăm sóc chu đáo, giữ gìn cẩn thận dù nhiều năm gia đình ông không có điều kiện về đây. Những tình cảm bình dị mà quý giá ấy tạo cho ông sự gắn bó mật thiết với quê hương. Từ đó, năm nào ông cũng về Thúc Kháng ít nhất một lần. Và bất cứ khi nào có điều kiện, ông đều về với Hải Dương.

Năm 2012, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Hội Sử học tỉnh tổ chức hội thảo về học giả Phạm Quỳnh, nhạc sĩ Phạm Tuyên được mời về tham dự. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Nhà Thiếu nhi tỉnh đều tổ chức các cuộc giao lưu mời ông làm nhân vật chính. Đó là nguồn động viên rất lớn đối với ông, bởi người có tuổi thường suy nghĩ và hướng về cội nguồn nhiều hơn. Được nghe các cháu thiếu nhi hát bài hát của mình trên chính quê hương, nhận được nhiều tình cảm quý mến, trân trọng là những phần thưởng quý giá ông luôn nâng niu. Năm 2013, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội làm một chương trình mang tên “Lá rụng về cội’, nói về tình cảm với quê hương của những người nổi tiếng, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật. 4 nhân vật chính của chương trình là nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn bó cùng Huế, giáo sư Trần Văn Khê với TP Hồ Chí Minh và nhạc sĩ Phạm Tuyên với Hải Dương. Trong chương trình ấy, ông đã bày tỏ ước mong sau này khi nằm xuống được về với quê hương, bởi chỉ ở nơi đây ông mới cảm thấy hoàn toàn thanh thản.

L.A.

Blog tại WordPress.com.