Pham Ton’s Blog

Tháng Một 8, 2010

Những lá thư của bà Phạm Thị Giá – Phạm Thị Giá

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 1:26 chiều

Blog PhamTon, tuần 3 tháng 1 năm 2010.

NHỮNG LÁ THƯ CỦA BÀ PHẠM THỊ GIÁ

Phạm Thị Giá

Lời dẫn của Phạm Tôn: Bà Phạm Thị Giá là con gái cả của Phạm Quỳnh (1913-2000), suốt đời sống và mất tại Việt Nam. Bà viết thư cho các em gái, trai ở Pháp, Mỹ và viết nhiều thư cho con trai kể về thân phụ Phạm Quỳnh. Ở đây, chúng tôi chỉ trích đăng những phần chưa sử dụng trong các bài Người nặng lòng với tiếng ta, Người nặng lòng với nhà, Người nặng lòng với nước đã công bố trên báo, tạp chí ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh.

—o0o—

1. THƯ GỬI EM GÁI (14-9-1992)

…Nghĩ thật đau xót, mấy chục năm trời con cháu không viếng thăm mộ Thầy được. Nay đông đảo con cháu được về chùa Vạn Phước thăm mộ Thầy và làm lễ thật thoả lòng mong ước mà vong linh Thầy cũng thoả mãn.

Chị đọc hồi ký em kể những ngày thơ ấu em được ở gần Thầy làm chị xúc động và nhớ lại những ngày chị còn ở Hàng Da gần gũi Thầy nhiều, vì khi đó các em còn nhỏ dại… Tất cả những sự việc đã qua như một cuốn phim quay lại trong đầu óc chị… Gia đình nhà ta con độc cháu đàn. Thầy mình anh trên em dưới không có ai. Ngày giỗ chỉ có họ hàng tụ họp lại đông đủ. Các bà các cụ cứ nói: “Nhà đông con, nên cho cháu gái lớn nó ở nhà trông nom các em đỡ mẹ. Con gái học như thế cũng là đủ rồi”. Năm ấy chị mới mười bốn tuổi học trường Brieux. Bà đốc và bà trợ giáo là người Pháp, còn các cô giáo người mình. Có học cả Hán văn và thêu thùa nữa. Nghe các cụ nói vậy nên Thầy Me cũng đồng lòng cho chị nghỉ học; khi ấy chị mới học Cours Supérieur (lớp nhất – PT ghi chú) và từ đấy chị lo chăm sóc việc nhà đỡ Me. Me sinh em Khuê, em Tuyên đều có chị đưa đi hộ sinh.

Con nhà nho nhưng sinh hoạt theo cách Âu Tây. Các con đi học về là phải rửa tay ở một chậu nước để sẵn với xà phòng trước khi ăn cơm…Năm Thầy sang Pháp ba tháng (1922 – PT ghi chú) là năm sinh chị Ngoạn. Thầy có gửi ảnh cho Me và đề: “Tặng hiền thê, ở nhà”. Nhà có gửi ảnh Thầy bế chị Ngoạn sang, sau chị ốm đau luôn ai cũng bảo tại gửi ảnh đi xa cho nên mới hay đau ốm…Chị còn nhớ một buổi tối Thầy diễn thuyết về Truyện Kiều ở Hội Khai Trí Tiến Đức, người đến nghe rất đông, toàn những người trí thức, yêu văn chương Truyện Kiều. Có mấy cô giáo của chị cũng đi nghe. Thầy mặc quốc phục, áo dài đen, khăn đóng, đeo kính trắng, khuôn mặt rất nghiêm trang và nói thật có duyên, lại tươi tỉnh, ai cũng thích. Nói xong họ vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt…

Chị nhớ Thầy hay đọc một bài thơ mà chị thích nên vẫn ghi nhớ

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu

Xuân nhật ngưng trang thượng Thúy Lâu

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc

Hối giao phu tế mịch phong hầu!

(Tạm dịch:

Buồng khuê thiếu phụ không sầu

Ngày xuân đứng tựa trên lầu ngắm xuân

Nhác trông nhành liễu xanh rì

Chàng ơi! Tham ấn phong hầu làm chi!)

Gia đình nền nếp, nuôi dạy con cái với một nền giáo dục không quá phong kiến và cũng không buông thả.

…Thầy Me đồng tuổi Nhâm Thìn nên rất quý hoá chiều chuộng nhau, suốt cuộc đời không có chuyện gì xích mích. Me rất chiều Thầy, Thầy ngồi ăn Me ngồi bên gắp các món ăn mời Thầy.

(Trích bản viết tay Thư cụ Phạm Thị Giá từ Bạc Liêu gửi cho em gái định cư ở Pháp (ngà y 14-9-1992))

2. THƯ GỬI CON TRAI (25-5-1988)

Mấy hôm nay, cả me, dì và bác cả gái (tức Phạm Thị Giá, Phạm Thị Thức – hai con gái lớn và con dâu trưởng của Phạm Quỳnh – PT ghi chú) họp nhau lại cố nhớ xem có chuyện gì thuộc về ông thì góp ý cho nhau.

…Cụ nuôi ông ăn học, đến năm ông mười sáu tuổi thì thi Diplôme (tức trung học phổ thông  – PT ghi chú) đỗ  thủ  khoa nên được nhà trường thưởng cho rất nhiều sách, ông phải thuê một xe cút kít chở sách về còn ông thì đi bộ theo sau.

…Sau này ông có chủ trương về giáo dục bắt buộc các học trò tiểu học phải thi sơ học yếu lược cho am hiểu chữ quốc ngữ và lịch sử nước nhà. Sau đỗ yếu lược mới được thi Certificat (tốt nghiệp tiểu học – PT ghi chú). Thời đó me và dì đều phải đi thi sơ học yếu lược. Khi ấy cũng có một số người phản đối, nói nên để cho thi Certificat ngay, thi sơ học yếu lược mất thời giờ.

…Ông không nghiện một thứ gì. Ông có tiền là chỉ mua sách để nghiên cứu, thứ nào cũng mua toàn bộ như La Grande Encyclopédie (Đại từ điển bách khoa), sau đó thì mua đồ cổ.

…Cái mũ ni bằng len ông thường đội là do bác cả gái đan. Vì ông thường làm việc khuya, ở Huế thời tiết mưa và lạnh nên đội cho ấm.

…Có lần ông tranh luận với một nhà báo Pháp ở báo France Indochine, cứ mỗi kì báo ra là mọi người đổ xô nhau mua để xem, báo bán rất chạy.

(Trích bản viết tay Thư cụ Phạm Thị Giá từ Hà Nội gửi cho con trai ở Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 25-5-1988))

3. THƯ GỬI CON TRAI (4-1988)

…Tính ông điềm đạm. Ông thường nói ông không có tuổi thanh niên, lập gia đình sớm, con cháu đông nên không có thú chơi bời như mọi người trẻ khác, chỉ cần cù đọc sách. Ông không bao giờ giận giữ, gắt gỏng với ai dù là con cái hay người làm, lúc nào bực mình lắm chỉ tắc lưỡi thôi. Ông có bệnh đau dạ dày nên không ăn được cơm tẻ mà chỉ dùng cơm nếp, lại ăn rất ít. Những khi mệt nhọc thì dùng cháo nếp hấp cách thuỷ ăn với đường. Ông không rượu chè thuốc lá, chỉ có buổi trưa hoặc tối uống một tách nước trà Ô Long hoặc Thiết Quan Âm, chứ trà Liên Tâm mát, ông uống thì đau bụng. Ông không uống trà chén hạt mít nhỏ như các cụ xưa mà dùng tách to. Ông có một cái bếp đèn cồn và một ấm đun nước nhỏ, mỗi khi me pha trà cho ông thì cho trà vào ấm, nước phải thật sôi, đếm nhẩm đúng từ một đến hai mươi là rót ra tách đã có sẵn hai viên đường…

…Tính ông rất sạch sẽ, quần áo vải trắng mỗi ngày thay một bộ. Quyển sổ biên đồ đưa thợ giặt bao giờ cũng ghi: một quần, một áo dài, một áo cánh, một mùi xoa, cứ đều đặn hằng ngày như vậy.

Ông rất ít bạn bè, bạn thân hầu như không có ai. Anh trên em dưới không có. Họ hàng thì phần lớn là chi trên, chỉ có một chi dưới thôi. Ông làm việc, đọc sách, dịch sách cả ngày ở bàn giấy trên gác. Tối làm đến khuya. Có khi nửa đêm nằm nghĩ ra vấn đề gì là lại ra bàn giấy ngồi viết. Ông dịch sách tiếng nước ngoài mà cứ cầm sách đọc như đọc chính tả cho con viết. Nhiều khi me viết mỏi cả tay, đêm đã khuya mà ông vẫn say mê đọc cho viết.

…Ông chỉ có hai cái thú là đọc sách và ngắm đồ cổ. Ông chắt chiu được đồng nào là mua sách và đồ cổ hết. Sách chất trên các kệ bao nhiêu bậc từ dưới sàn lên đến sát trần nhà, quanh phòng làm việc toàn là sách. Còn dưới nhà, phòng khách thì có các tủ đựng đồ cổ do một ông người Tàu đem lại bán. Ông ta giới thiệu, nói món đồ cổ đó từ đời nảo đời nào, sự tích ra sao rồi đòi bao nhiêu tiền ông mua bấy nhiêu. Có một bức tranh cổ chỉ vài nét vẽ mà rất tinh thần. Tranh này cũ nát lắm, ông đã phải đưa đi bồi tốn mất bao nhiêu tiền rồi treo ở phòng khách. Trên tranh vẽ một ông quan mặc áo khoác có liền mũ đội đầu, người cao, nét mặt nghiêm trang và một người lão bộc cũng mặc áo vải thường, nét mặt có vẻ trung hậu, tay ôm túi đàn, lại có một con hạc đi theo sau. Nét vẽ đơn sơ màu nâu nhạt. Tranh đó ông rất quí, ai không biết, có hỏi thì ông nói: Đó là hình ảnh một ông quan thanh liêm khi xong việc quan, mặc thường phục cùng người hầu già đi du ngoạn. Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao, ông gảy đàn và con hạc múa.

Sau lưng bàn giấy ông ngồi, trên tường là một bức có hai chữ nho lớn: chữ Trung và chữ Hiếu

Tối ông thường ngồi ngắm đồ cổ. Có mấy bức tượng Phật Bà Quan Âm. Một bức cao đến tám mươi xentimet bằng sứ trắng muốt, cổ có đeo một chuỗi san hô đỏ. Trước tượng ông đặt một lư trầm, khói thơm nghi ngút. Ông ngồi ngắm tượng Phật trầm ngâm, thú vị…Càng nghĩ lại càng thương ông, thân cô thế cô, không có vây cánh, không có bạn bè thân thiết, cứ cặm cụi làm một mình cô độc, thẳng biết than thở bàn bạc cùng ai. Con cái cũng chẳng ai biết việc ông làm. Bác cả Giao thì không nói làm gì. Sau này có cậu Bích chú Lãng (tức Nguyễn Tiến Lãng, chồng bà Ngoạn – PT ghi chú) là biết việc ông làm. Cho nên quyển sách mà cô Ngoạn viết (Introduction au Nam Phong – PT ghi chú) là có sự cộng tác của chú Lãng, cô được bằng tiến sĩ văn chương, xem quyển đó thì rõ đủ cả chi tiết

Trích bản viết tay Thư cụ Phạm Thị Giá từ Hà Nội gửi cho con trai ở Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 4-1988)

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.