Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 29, 2020

Bàn về cái tinh thần lập quốc (P2)

Filed under: Báo — phamquynh @ 12:35 sáng

Blog PhamTon năm thứ  mười ba, kỳ 1  tháng 5 năm 2020.

 

BÀN VỀ CÁI TINH THẦN LẬP QUỐC

Phạm Quỳnh

 Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là bài đăng trên tạp chí Nam Phong số 164, tháng 7 năm 1931 với nhan đề Bàn về cái tinh thần lập quốc. Đáng chú ý là tinh thần lập quốc trong nhan đề bài của Phạm Quỳnh không đặt trong ngoặc kép, tức là tác giả muốn nói thẳng về tinh thần lập quốc chứ không phải cái gọi là tinh thần lập quốc. Phạm Quỳnh tin tưởng vững chắc tinh thần ấy là có thật, một sự thật vĩ đại, thiêng liêng.

Dưới đây, xin mời các bạn đọc văn Phạm Quỳnh cách đây 80 năm. Vì viết theo lối văn thời ấy, cho nên chúng tôi mạn phép theo thiển ý chú thích những từ hơi khó hiểu với đông đảo bạn đọc ngày nay.

Bài khá dài, chúng tôi chia làm hai phần để bạn đọc dễ theo dõi.

*

*         *

(Tiếp theo kỳ trước)

 Đã tiếp thu được cái hương hoả của đời trước, lại có cái chí nguyện thiết tha muốn bảo tồn lấy cái hương hoả ấy, khuếch trương cho nó phong phú thêm, để truyền thụ cho đời sau, đời đời kế tục nhau như thế, thời quốc vận sẽ vững vàng như Thái sơn Bàn thạch, cùng với núi sông hoa cỏ sinh tồn mãi mãi trong thiên địa gian vậy.

Như nước Nam ta, kể cũng có thể là một quốc gia hoàn toàn. Không những đất rộng người nhiều, chủng tộc, tôn giáo, ngữ ngôn, phong tục từ Nam chí Bắc cũng là một, không gì gián cách nhau, mà cái tinh thần lập quốc xưa kia cũng đã từng lắm phen tỏ ra mạnh mẽ tỉnh tao vô cùng. Không nói tự đời Trưng vương Triệu Ẩu, nước còn là bộ lạc có lẽ cái tinh thần ấy còn phảng phất mà chưa chung đúc lại thành quốc hồn; nhưng hồi Trần hưng Đạo đánh giặc Nguyên, hồi Lê Thái Tổ đánh giặc Minh, cử quốc (cả nước) đều cùng một lòng theo ông tướng tài, ông vua giỏi mà chống cự với quân ngoại địch, đến thu phục được giang sơn nước nhà ở tay kẻ cường lân (láng giềng mạnh), thời cái quốc hồn của ta bấy giờ kể cũng đã quật cường lắm vậy. Mà cái lịch sử của ta kể cũng đã vẻ vang lắm thay! Thuộc về quá khứ như thế, mà thuộc về hiện tại thế nào? Xưa kia quật cường bao nhiêu, bây giờ (1931-PT chú) xem như uỷ mĩ bấy nhiêu; xưa kia vẻ vang bao nhiêu, bây giờ xem ra suy đồi bấy nhiêu. Nhà thuật số (nghiên cứu bát quái, ngũ hành suy ra hoạ phúc con người) thời cho cái vận hội nước nhà đến hồi như thế, qua hồi này, rồi đến hồi khác, cũng giang sơn ấy, cũng anh hùng ấy, cũng có ngày vẻ vang quật cường, có kém chi xưa. Nhà tâm lý, nhà xã hội thời cho là cái tinh thần lập quốc của ta có suy nhược đi nhiều; cái chí nguyện chung của quốc dân có phần sút kém, không được vững bền như xưa; cái lòng tín ngưỡng ở tổ tiên, tự tin ở sức mình, là cái năng lực của kẻ anh hùng hào kiệt, cũng bị thời thế, bị hoàn cảnh nó tiêu ma mà mai một đi mất. Cái bệnh suy nhược của quốc gia ta ngày nay, bởi ngoại cảm cũng có, mà bởi nội thương phần nhiều. Muốn bồi bổ cho bình phục lại và phấn phát lên thời liệu trị ở ngoài đã đành mà điều dưỡng ở trong lại cần lắm. Phương pháp ngoại trị là thuộc về chính trị; phương pháp nội trị là thuộc về tâm lý. Chính trị không có định sách, tuỳ tình thế, tuỳ cơ hội mỗi lúc mà thay đổi phương châm, mà chuyển di kế hoạch. Tâm lý duy có một phương: là bồi bổ cái sức mạnh tinh thần, là nuôi nấng lấy cái quốc hồn tỉnh tao lên. Đó là cái nghĩa vụ chung của cả quốc dân. Nội thương đã trị được thời ngoại cảm tất cũng cũng phải trừ. Quốc hồn đã khôi phục thời mọi vấn đề chính trị sớm trưa ắt sẽ giải quyết xong. Cốt nhất là quốc dân phải tỉnh ngộ mà sớm nên chú trọng về phần hồn, dẫu gặp cảnh yếu hèn cũng chớ nên cam tâm yên phận, biết tin ở nước, tin ở mình, phấn phát (cố gắng) tự cường, thời trở lực nào mà ngăn được cái sức mạnh tinh thần đó? Lại cốt nhất là phải đồng tâm hiệp lực với nhau, cố kết cùng nhau, thời yếu mà cũng trở nên mạnh được, dẫu mỏng như cánh bèo cũng có thể che được mặt nước, chắn được trời xanh. Đời nhà Mạc, tướng Tàu Mao Bá Ôn muốn đem quân sang đánh nước Nam, có ý khinh nước ta, ví như cái bèo trên mặt nước, vịnh bài thơi bèo rằng:

“Cái bèo kia mọc theo ruộng nước nhỏ như cái kim mọc ở chỗ nào cũng không được sâu; cây không có gốc rễ mà không có cán (thân cây), thể sao có ruột với có cành được; chỉ biết mọc xúm lại một chỗ, rồi tan đi đâu không biết, chỉ biết lúc nổi trên mặt nước, rồi chìm lúc nào không biết; gặp khi chiều trời cơn gió ác, quét ra hồ bể biết đâu mà tìm! – Cụ Trạng Giáp Hải hoạ lại bài thơ ấy rằng:

“Bèo kia mọc ken như vẩy gấm, khó luồn được cái kim vào; cành rễ liền nhau mọc rất sâu. Thường cùng với đám mây ráng trên trời mà tranh mặt nước, không để cho mặt trời chiếu xuống lòng nước được. Sóng đánh nghìn trùng không phá vỡ được; gió thổi muôn lần không đánh chìm được. Nào cá nào rồng ẩn cả trong đám bèo ấy, đến cần câu ông Lã Vọng cũng không biết đâu mà tìm!”

Ấy cái bèo nước Nam ngày xưa hùng như thế; tranh được cả bạch vân (mây trắng), chắn được cả hồng nhật (mặt trời đỏ), mà dung được bao nhiêu kẻ hào kiệt anh hùng. Có lẽ ngày nay để cho phong trào thế giới quét sạch ra bể hồ hay sao? Nếu không biết cố kết lấy nhau, mọc ken như vẩy gấm, mà nối lá liền rễ cùng nhau, thì đến thế thật.

P.Q.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.