Blog PhamTon năm thứ mười ba, kỳ 2 tháng 6 năm 2021
TRÊN QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 30/6/2021
Tổng bí thư Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào
Thư cảm ơn
Thủ đô Viêng Chăn ngày 29/6/2021
Kính gửi:
- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng,
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
- Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các đồng chí thân mến,
Tôi và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước CHDCND Lào đã về nước an toàn, thay mặt Đoàn đại biểu, tôi rất ấn tượng và bày tỏ trân trọng cảm ơn tới Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã dành cho Đoàn của chúng tôi sự đón tiếp nồng hậu, thân tình và trọng thị, thắm tình hữu nghị đồng chí, anh em, đoàn kết trong suốt thời gian chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chúng tôi đánh giá cao về kết quả cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bầu không khí thắm tình hữu nghị của mối quan hệ hợp tác toàn diện Lào – Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu quan trọng, to lớn và toàn diện mà nhân dân Việt Nam anh em, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được trong suốt thời gian qua.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng thành công của chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lần này, cũng như các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước sẽ góp phần quan trọng vào việc tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện hai Đảng, hai nước, và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam ngày càng đơm hoa kết trái, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước chúng ta.
Chúc nhân dân Việt Nam anh em, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Phú Trọng đứng đầu sẽ giành được thành tựu trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục đưa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững bước tiến lên, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chúc mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam đời đời bền vững.
Chúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và hoàn thành nhiệm vụ cao cả vẻ vang của các đồng chí.
Trân trọng!
Thongloun Sisoulith
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 30/6/2021
Củng cố an ninh và hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Ngày 29/6, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Ðoàn đại biểu Ðảng ta do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dẫn đầu, tham dự hội nghị bàn tròn trực tuyến các chính đảng Nga – ASEAN với chủ đề “Vai trò của các lực lượng chính trị có trách nhiệm của Nga và các nước ASEAN trong việc củng cố cấu trúc an ninh và hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc ngăn ngừa khủng hoảng và xung đột, theo đó cần tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin thông qua đối thoại, tham vấn, thúc đẩy hợp tác. Ðối với các vấn đề đang được các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế quan tâm như Biển Ðông, cần đề cao nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; tăng cường tin cậy và kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Việc định hình, xây dựng các cấu trúc khu vực cần có sự tham gia đóng góp và phối hợp hành động của tất cả các bên, trong đó phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN. Ở cấp độ quốc gia, các chính đảng cần phát huy vai trò cùng với chính phủ ở các nước định hình các chủ trương, chính sách, khuôn khổ thuận lợi cho hợp tác song phương và đa phương.
Ðồng chí Võ Văn Thưởng chia sẻ Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới; coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác; chủ động và tích cực tham gia đóng góp có trách nhiệm tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC và các khuôn khổ hợp tác khác; cam kết và đóng góp thúc đẩy các tiến trình đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt.
Ðồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, Ðảng Cộng sản Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Ðảng Nước Nga thống nhất, qua đó góp phần tạo nền tảng chính trị đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga tiếp tục phát triển tốt đẹp, hiệu quả, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 28/6/2021
Thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2021
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021), thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có Thông điệp gửi đến toàn thể các gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc, gia đình Việt Nam ở nước ngoài.
Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu toàn văn Thông điệp của Chủ tịch nước. Toàn văn như sau:
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2021), thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi thân ái gửi đến toàn thể các gia đình trên khắp mọi miền Tổ quốc, gia đình Việt Nam ta ở nước ngoài những tình cảm ấm áp, nghĩa tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.
Gia đình là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, tình yêu quê hương đất nước và cũng là chỗ dựa tinh thần cho mỗi người chúng ta. Ngày Gia đình Việt Nam cũng vì thế là ngày lễ tôn vinh những giá trị gia đình, là mốc quan trọng để những người con đất Việt hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống cao quý của dân tộc.
Từ quá khứ đến hiện tại, khi đất nước có chiến tranh hay hòa bình, gia đình vẫn luôn là một bộ phận quan trọng của xã hội, là nền tảng vững chắc góp phần làm nên sức mạnh dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, biết ơn và dành sự tri ân sâu sắc đến các gia đình đã đóng góp, hy sinh cho Tổ quốc. Trong giai đoạn phát triển mới, gia đình vẫn giữ vai trò, vị trí trung tâm trong đời sống kinh tế – xã hội của người dân Việt Nam. Gia đình vẫn là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là ngôi nhà an toàn nhất, vững chắc nhất cho mỗi thành viên trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nước ta, nhiều cán bộ, bác sĩ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy đi vào tâm dịch. Chính gia đình đã luôn là điểm tựa, niềm tin, động viên họ vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều gia đình quyên góp ủng hộ vật chất, tinh thần, gương mẫu, động viên người thân chấp hành tốt chủ trương, chung sức cùng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phòng, chống dịch bệnh, để Việt Nam trở thành điểm sáng được bạn bè thế giới ghi nhận đánh giá cao.
Nhân dịp này, tôi nhiệt liệt biểu dương các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trên cả nước, cộng đồng Việt Nam ta ở nước ngoài đã có nhiều việc làm tích cực, hưởng ứng các phong trào thi đua hiệu quả, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, tiến bộ, phát triển bền vững.
Tổ quốc ta đang tiến lên phía trước, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, điều đó cần phải được bắt đầu từ sự đóng góp hiệu quả từ mỗi gia đình. Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, đặc biệt là việc phát triển gia đình, đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn phát huy bản sắc truyền thống các giá trị văn hóa chuẩn mực tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới của đất nước; quan tâm các gia đình chính sách, gia đình người có công, quan tâm đến người cao tuổi; thực hiện tốt an sinh xã hội, nhất là gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực gia đình vượt qua khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế; chủ động, trách nhiệm, hiệu quả hơn nữa trong phòng, chống bạo lực gia đình, bất bình đẳng, bảo vệ đối tượng yếu thế…, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, “Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh“.
Mỗi người Việt Nam đều có gia đình nhỏ của riêng mình, song cũng có chung một gia đình lớn thiêng liêng chính là đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến. Tôi mong mỗi gia đình Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài không ngừng phấn đấu vươn lên, mỗi người dân Việt Nam hãy thể hiện cao nhất trách nhiệm công dân, trách nhiệm, tình cảm với người thân trong gia đình tiếp tục vun đắp, xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm nhân lên những niềm vui, hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, niềm tự hào, khát vọng cống hiến, trao truyền những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước Việt Nam thân yêu – Vì một Việt Nam vươn xa toàn cầu, hùng cường và thịnh vượng.
Chúc các gia đình luôn mạnh khỏe, thành công và nhiều niềm vui, hạnh phúc nhân Ngày Gia đình Việt Nam.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 26/6/2021
Bộ Chính trị họp cho ý kiến về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Chiều 25/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tham dự phiên họp có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí trong Bộ Chính trị; lãnh đạo các ban, bộ, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, năm 2020 và 2021, các đợt dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các tỉnh, thành phố có mật độ dân số cao. Việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo Tổng Bí thư, việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ngay từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát trong năm 2020 có ý nghĩa chính trị – xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong Nhân dân về các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Cho rằng mặc dù đã đạt được một số thành tựu, kết quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý không được chủ quan. Thực hiện mục tiêu kép, chúng ta có chủ trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh. Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế – xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và các biện pháp hỗ trợ của các nước để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực.
Bộ Chính trị giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng được hưởng. Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về việc này, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, tránh thủ tục phiền hà.
Yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình thực tiễn và diễn biến dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện chính sách.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 26/6/2021
Thủ tướng đề nghị WHO hỗ trợ Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất vắc-xin cho khu vực Tây Thái Bình Dương
Trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới chia sẻ thông tin nguồn cung vaccine phòng chống COVID-19 rất khan hiếm trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9/2021 và khẳng định sẽ cử các chuyên gia vào Việt Nam hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vaccine của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Chiều 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cùng tham dự cuộc điện đàm có ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO.
Trong không khí thân mật, cởi mở, thiện chí và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề cụ thể và thực chất để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới trong nỗ lực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống đại dịch COVID-19, nhất là vấn đề vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao quan hệ hợp tác và những hỗ trợ quý báu của Tổ chức Y tế thế giới đối với sự phát triển của ngành y tế Việt Nam trong suốt 45 năm qua. Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ nỗ lực hợp tác y tế toàn cầu, đánh giá cao vai trò của WHO và cá nhân Tổng Giám đốc trong điều phối hợp tác quốc tế phòng chống dịch bệnh nói chung, trong đó có phòng chống COVID-19, thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời vaccine COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế – xã hội với sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có WHO, và sự ủng hộ, chung tay hành động của người dân nên đã đạt được kết quả tích cực bước đầu.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành của Việt Nam hiện nay do biến chủng mới, Thủ tướng đề nghị WHO hỗ trợ và ưu tiên để Việt Nam sớm nhận được các lô vaccine tiếp theo của chương trình COVAX đã cam kết, khẳng định sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, kịp thời và an toàn. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị WHO ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương; nhấn mạnh năng lực của ngành y tế Việt Nam cũng như tiềm lực của một số doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của Tổng Giám đốc về việc cử chuyên gia WHO hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.
Về phần mình, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đánh giá rất cao thành công của Việt Nam trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là với các biện pháp chủ động và sáng tạo, ứng phó linh hoạt với tình hình, sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần vào nỗ lực phòng chống dịch để Việt Nam trở thành mô hình chống dịch hiệu quả trên thế giới, được WHO nghiên cứu phổ biến rộng rãi. Ông cũng cảm ơn và hoan nghênh sự hỗ trợ của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế trong phòng chống dịch, cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cam kết đóng góp 500.000 USD cho chương trình COVAX, và đặc biệt cảm kích trước việc Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị khẩn cấp, thành công cho nhân viên Liên Hợp Quốc nhiễm COVID-19 vừa qua.
Tại cuộc điện đàm, Tổng Giám đốc WHO chia sẻ thông tin về việc nguồn cung vaccine hiện đang rất khan hiếm trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9/2021 do tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng ở các khu vực cũng như tình trạng tích trữ vượt quá nhu cầu ở một số nước, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng của COVAX cũng như khả năng tiếp cận vaccine của các nước, trong đó có Việt Nam.
Ông Tedros ghi nhận các đề nghị của Việt Nam sẽ được ưu tiên tiếp cận nhanh chóng các nguồn vaccine cũng như sớm trở thành trung tâm sản xuất vaccine trong khu vực; khẳng định sẽ cử các chuyên gia WHO vào Việt Nam hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vaccine của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Tổng Giám đốc khẳng định Tổ chức Y tế thế giới sẽ quan tâm và làm hết sức mình để ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam cũng như sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.
- Trang1 báo Nhân Dân ngày 19/6/2021
Thủ tướng Chính phủ khen thưởng 10 tập thể, cá nhân xuất sắc trong phòng, chống dịch
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 969/QĐ-TTg tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể và 7 cá nhân thuộc Bộ Y tế đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
3 tập thể được tặng Bằng khen gồm:
- Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế;
- Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế;
- Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế.
Danh sách 7 cá nhân được tặng Bằng khen gồm:
- GS.TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế;
- PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế;
- PGS.TS. Trần Huy Thịnh, Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ, Phó Trưởng Bộ môn Sinh hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm Y học, Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế;
- TS. Trần Thụy Khánh Linh, Phó Trưởng khoa Khoa Điều dưỡng Kỹ thuật Y học, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế;
- Ông Nguyễn Anh Tuấn, Quản trị tòa nhà, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế;
- Bà Phạm Thị Hằng, Chuyên viên, Vụ Truyền thông và Thi đua, Khen thưởng, Bộ Y tế;
- Ông Phạm Tuấn Dũng, Chuyên viên, Vụ Truyền thông và Thi đua, Khen thưởng, Bộ Y tế./.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 18/6/2021
Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ nhất
Sáng 17/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương (QUTW) lần thứ nhất, khóa XI công bố Quyết định của Bộ Chính trị chỉ định các đồng chí tham gia QUTW, Thường vụ QUTW nhiệm kỳ 2020-2025.

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Ủy viên Thường vụ QUTW; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Thường vụ QUTW; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư QUTW, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư QUTW, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ QUTW, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Cùng dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTW, nguyên Ủy viên Thường vụ QUTW, Ủy viên QUTW, nguyên Ủy viên QUTW; lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư; lãnh đạo Bộ Công an; đại biểu thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Ủy ban Kiểm tra QUTW.
Tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị, khóa XIII chỉ định các đồng chí tham gia QUTW, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 25 đồng chí; Thường vụ QUTW gồm 6 đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTW; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư QUTW, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, QUTW luôn gương mẫu, đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X và các mục tiêu, chủ trương lớn về quân sự, quốc phòng mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra với nhiều thành tựu nổi bật là: QUTW đã thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng; xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đã tham mưu ban hành nhiều chiến lược, đề án rất quan trọng, góp phần phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện đường lối, nghệ thuật quân sự, hệ thống chính sách pháp luật về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội được nâng cao. Công nghiệp quốc phòng có bước tiến vượt bậc; bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo, sản xuất được một số loại vũ khí trang bị hiện đại. Công tác đối ngoại quốc phòng đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; các bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan hoạt động hiệu quả, là địa chỉ tin cậy của cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc trên địa bàn và người dân sở tại, hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ đã vượt qua phạm vi biên giới quốc gia và có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Cán bộ, chiến sĩ toàn quân giữ vững bản lĩnh chính trị, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; xung kích trên tuyến đầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; khẳng định sâu sắc và làm ngời sáng thêm phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Đảng bộ Quân đội luôn được quan tâm, chăm lo xây dựng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; tổ chức đại hội đảng các cấp thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa sâu rộng, đóng góp tích cực vào thành công Đại hội XIII của Đảng. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội không suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; luôn thể hiện tính tiền phong, gương mẫu trước quần chúng.
Kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020 cũng là thời điểm một số đồng chí được nghỉ công tác theo chế độ; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QUTW trân trọng cảm ơn các đồng chí đã có công lao đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời mong các đồng chí tiếp tục hiến kế với Đảng, Nhà nước, QUTW, Bộ Quốc phòng những chủ trương, giải pháp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là các chủ trương, giải pháp để đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
“Với các đồng chí QUTW nhiệm kỳ mới cần ý thức sâu sắc về trọng trách của mình, vững vàng, kiên định, đoàn kết, thống nhất cao, giữ vững nguyên tắc, có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, tư duy sắc sảo, nhạy bén với cái mới, gương mẫu, nói đi đôi với làm, xây dựng quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, mẫu mực, tiêu biểu, lãnh đạo toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh./.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 26/6/2021
Chặn dịch Covid-19 lây lan vào khu công nghiệp
Đợt dịch Covid-19 thứ tư này có rất nhiều khác biệt so với ba đợt dịch trước. Ngoài ghi nhận biến chủng của vi-rút làm cho khả năng lây lan tăng cao, dịch tấn công mạnh vào khu công nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn là điều rất đáng lưu ý. Đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh… bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đã có một số khu công nghiệp phải đóng cửa, làm đình trệ quá trình sản xuất, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa. Sau khi càn quét tại khu vực phía bắc, dịch đang tấn công vào các tỉnh phía nam, nhất là TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.
Tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đều cho rằng: Nguy cơ dịch xuất hiện và xâm nhập khu công nghiệp ở mức cao. Phó Thủ tướng lưu ý, dịch xâm nhập vào khu công nghiệp là một bài toán hoàn toàn khác so với ở cộng đồng vì số lượng đông đảo công nhân và môi trường khép kín.
Do vậy, các địa phương và chính ban quản lý các khu công nghiệp, doanh nghiệp cần có những biện pháp phòng, chống khác trước. Trong đó, việc chủ động lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng và có phương án cách ly hàng chục nghìn công nhân, điều trị hàng nghìn người bệnh… là rất quan trọng. Dựa trên kinh nghiệm sử dụng chiến thuật phối hợp về xét nghiệm nhanh, mẫu gộp PCR và mẫu đơn PCR, các địa phương cần chủ động mua sắm test nhanh. Khi có điểm dịch tại các cơ sở sản xuất, test nhanh sẽ giúp nhanh chóng nhận diện được trường hợp nguy cơ, kịp thời khoanh vùng, dập dịch.
Để đạt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, hơn lúc nào hết, từng doanh nghiệp, từng địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp không làm đứt gãy quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa. Từ kinh nghiệm của Bắc Giang, Bắc Ninh, các địa phương cần thành lập bộ phận giám sát thường trực việc phòng, chống dịch trong khu công nghiệp. Chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra; yêu cầu doanh nghiệp cam kết phòng, chống dịch.
Về phía doanh nghiệp, cần lên kế hoạch phòng, chống dịch chi tiết, cụ thể và có sự hỗ trợ, giám sát của cơ quan y tế và chính quyền địa phương. Thực hiện ngay việc khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khỏe của tất cả mọi người làm việc trong khu công nghiệp. Những người có lịch trình đi lại, tiếp xúc ẩn chứa nguy cơ cần được xét nghiệm sàng lọc. Với tình hình và nguy cơ dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp phải an toàn mới được hoạt động, sản xuất.
Những địa phương có khu công nghiệp, dù chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 vẫn phải tăng cường kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động những doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch. Trong quá trình kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp phải cập nhật đầy đủ thông tin lên hệ thống an toàn Covid (antoancovid.vn), để luôn chủ động nắm bắt tình hình, từ đó triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch sát thực tế. Các khu công nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra giám sát, để khi phát hiện ca nhiễm mới công tác truy vết sẽ đơn giản, nhanh chóng.
Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cần có phương thức tổ chức lại sản xuất các ca, kíp, khu vực sản xuất gắn với bố trí chỗ ở cho công nhân. Trong tình huống có ca nhiễm Covid-19, chỉ khoanh vùng, cách ly ngay nhóm công nhân cùng ca, kíp, ở cùng khu vực, không để lan sang bộ phận khác, doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 23/6/2021
Đóng điện dự án TBA 220kV Bến Lức
Rạng sáng 22-6, tại Trạm biến áp (TBA) 220kV Bến Lức (ấp 6, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu đóng điện thành công dự án TBA 220kV Bến Lức.
Dự án TBA 220kV Bến Lức do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư; SPMB thay mặt EVNNPT điều hành quản lý dự án; Công ty cổ phần xây dựng điện 2 là đơn vị tư vấn thiết kế; Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện là đơn vị tư vấn giám sát; Công ty Alphanam E &C thi công phần TBA, Công ty cổ phần xây lắp điện I thi công phần đấu nối; Công ty Truyền tải điện 4 là đơn vị quản lý vận hành khi công trình hoàn thành. Dự án có quy mô: Phần TBA: Lắp đặt máy biến áp (MBA AT3 220kV – 250 MVA; 4 ngăn lộ 220kV; 11 ngăn lộ 110kV và các hạng mục có liên quan. Về phần đường dây đấu nối: Xây dựng mới đoạn đường dây đấu nối 220 kV 4 mạch, dài 2,9 km để đấu nối vào khoảng trụ 54hh – 55hh Đường dây 220kV 274 Phú Lâm – 274 Long An (thuộc đoạn hỗn hợp 500/220 kV của Đường dây Phú Lâm – Mỹ Tho) hiện hữu.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ bảo đảm cung cấp điện cho phụ tải và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Long An và khu vực lân cận. Giảm tải cho các TBA, đường dây 110kV và đặc biệt bảo đảm việc giải phóng công suất từ các nhà máy năng lượng mặt trời, tăng cường liên kết, an toàn, ổn định và linh hoạt trong vận hành hệ thống điện miền Nam.
- Trang 2 báo Nhân Dân ngày 26/6/2021
Vietnam Airlines đưa 240 công dân Việt Nam từ Mỹ về nước
Với sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, Vietnam Airlines vừa thực hiện thành công chuyến bay thẳng đầu tiên đến Hoa Kỳ trong năm 2021 để đón 240 công dân Việt Nam về nước.
Đây là một trong 12 chuyến bay mà Hãng hàng không Quốc gia được cấp phép hồi đầu tháng 6 để đưa người Việt từ Hoa Kỳ về nước trong năm nay.
Theo đó, chuyến bay mang số hiệu VN5 được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner với hành trình từ Hà Nội đến Washington D.C., qua một điểm dừng tại Anchorage (Alaska, Hoa Kỳ) và sau đó bay thẳng về Việt Nam. Chuyến bay có tổng thời gian bay khứ hồi kéo dài hơn 36 tiếng, khởi hành từ sân bay Nội Bài vào sáng ngày 22/6 và hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh lúc 0h ngày 25/6.
Dù Hoa Kỳ không phải điểm đến thường lệ của Vietnam Airlines nhưng với kinh nghiệm thực hiện thành công hơn 20 chuyến bay giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong năm 2020, Vietnam Airlines đã có sự chuẩn bị khẩn trương, kỹ lưỡng cho các chuyến bay trong năm nay. Các công việc phải thực hiện bao gồm phối hợp với cơ quan chức năng trong và ngoài nước để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, kiểm tra kỹ thuật tàu bay và bố trí nhân sự. Trong đó, công tác xin cấp phép bay của nhà chức trách Hoa Kỳ là khâu phức tạp nhất, mất đến 2,5 tháng để hoàn thành.
Phục vụ chuyến bay đường dài đặc biệt này, Vietnam Airlines đã bố trí tổ bay lên đến gần 30 người, gần gấp đôi so với chuyến bay thường lệ đến châu Âu, nhằm đảm bảo sức khỏe của các thành viên phi hành đoàn và an toàn bay. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp, Hãng đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cấp độ 4 – mức cao nhất trong hệ thống tiêu chuẩn an toàn COVID-19 của Vietnam Airlines – để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay. Toàn bộ thành viên tổ bay và hành khách đều được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên tàu bay, mặc đồ bảo hộ, hạn chế tiếp xúc trong suốt hành trình và cách ly tập trung ngay khi trở về Việt Nam./.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 19/6/2021
Khai thác dòng khi đầu tiên mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2A
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa tổ chức lễ đón nhận khai thác dòng khí đầu tiên Giai đoạn 2A, mỏ Sư Tử Trắng, Lô 15-1, đánh dấu việc đưa công trình vào khai thác vượt tiến độ 16 ngày so với kế hoạch. Trong tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 4 điểm cầu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự buổi lễ có: Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Hoàng Quốc Vượng, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng; Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc; lãnh đạo PVEP, Cửu Long JOC và đại diện các đối tác nước ngoài Perenco, KNOC, SK và Geopetrol.
Mỏ Sư Tử Trắng là một trong bốn phát hiện quan trọng trong Lô 15-1, thuộc bồn trũng Cửu Long, được đánh giá là một trong những vùng có tiềm năng cao nhất về trữ lượng dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, nằm cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 62km với mực nước sâu 56m.
Hợp đồng Dầu khí lô 15-1 được ký ngày 16.9.1998 giữa PVN với các Bên tham gia trong Hợp đồng gồm PVEP (50%), Perenco (23,25%), KNOC (14,25%), SK (9%) và Geopetrol (3,5%) do Cửu Long JOC là Người điều hành.
Kế hoạch phát triển mỏ Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6.12.2019 với việc khoan bổ sung 3 giếng khai thác (trong đó 2 giếng chắc chắn và 1 giếng dự phòng) với tổng mức đầu tư CAPEX gần 138 triệu USD, trữ lượng thu hồi dự kiến đến hết tháng 9.2025 là 63 triệu thùng condensate và 193 tỷ bộ khối khí.
Trong quá trình triển khai thực hiện, người điều hành đã gặp phải không ít các khó khăn như do tình hình dịch Covid-19, quá trình sản xuất, chế tạo, huy động thiết bị, huy động nhân lực kéo dài hơn so với bình thường; giếng khoan của Sư Tử Trắng giai đoạn 2A là giếng khoan có điều kiện nhiệt độ cao, áp suất tương đối lớn, có sự sụt giảm áp suất cao nên quá trình thi công khoan và hoàn thiện giếng thực sự rất khó khăn và thách thức. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực của người điều hành và với sự hỗ trợ, chỉ đạo tích cực của lãnh đạo PVN và các bên tham gia, dòng khí đầu tiên của Giai đoạn 2A (giếng ST-7P) đã được khai thác vào hồi 18h00 ngày 14.6.2021.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Cửu Long JOC Nguyễn Văn Quế đã điểm lại những mốc quan trọng của dự án; khẳng định thành công của dự án là nỗ lực to lớn của Ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Cửu Long JOC cùng các đối tác, dưới sự hỗ trợ tối đa của PVN/PVEP và các Bộ, ban, ngành. Kết quả này minh chứng cho sự thành công của tuyên bố cam kết xuất bán khí thương mại, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển dự án ở giai đoạn tiếp theo – 2B.
Đại diện các đối tác nước ngoài, Chủ tịch Perenco Việt Nam Gilles d’Argouges khẳng định, đây là một thành tựu quan trọng, là biểu tượng của sự hợp tác thành công của các đối tác trong nước và nước ngoài. Ông Gilles d’Argouges nhấn mạnh, các đối tác đã tìm ra con đường phát triển chung và hy vọng sẽ tiếp nối thành công trong quá trình tiếp tục phát triển mỏ Sử Tử Trắng và toàn bộ đời dự án.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP Trần Hồng Nam cho biết, thành công của Giai đoạn 2A, mỏ Sư Tử Trắng với việc bảo đảm tuyệt đối an toàn, chi phí thấp hơn dự kiến, kết quả khả quan hơn mong đợi là tiền đề quan trọng cho PVEP và các đối tác trong việc lên kế hoạch cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trên cơ sở đó, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, Lô 15-1 là lá cờ đầu trong hoạt động khai thác dầu khí ở Việt Nam, mang lại lợi ích cho các bên tham gia, đóng góp quan trọng vào nguồn thu của Chính phủ Việt Nam (khoảng 10,4 tỷ USD). PVN đánh giá rất cao những nỗ lực của Cửu Long JOC và các đối tác đã hoàn thành thi công giếng khoan, khai thác dòng khí đầu tiên vào tháng 6.2021 theo đúng kế hoạch đã cam kết trong hợp đồng mua bán khí và kế hoạch phát triển mỏ. Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng sự kiện quan trọng này; đồng thời mong muốn các bên tiếp tục duy trì và phát triển tài năng, trí tuệ, nhiệt huyết và tinh thần đoàn kết, hướng tới những thành công hơn trong thời gian tới.
Nhân dịp này, PVN đã tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai dự án mỏ Sử Tử Trắng, Giai đoạn 2A an toàn và khai thác dòng khí đầu tiên vượt 16 ngày so với kế hoạch, đạt số giờ an toàn là 92.007 giờ.
Mỏ Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2A, Lô 15-1 được đưa vào khai thác kịp thời là một trong những cột mốc quan trọng để PVN tiếp tục duy trì và gia tăng sản lượng khai thác dầu khí đã được Chính phủ phê duyệt, tiếp tục góp phần gia tăng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Sự kiện đón dòng khí đầu tiên Giai đoạn 2A, mỏ Sư Tử Trắng cũng là một dấu mốc ý nghĩa đối với PVN, PVEP và Cửu Long JOC để chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27.11.1961 – 27.11.2021).
- Trang 5 báo Nhân Dân ngày 27/6/2021
Hòa nhạc quốc tế trực tuyến ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19
Lần đầu tiên tại Việt Nam, ngay vào những ngày cao điểm nhất của dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin toàn dân, đêm nhạc giao hưởng quốc tế trực tuyến kết nối Việt Nam với thế giới được tổ chức nhằm kêu gọi ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19.
Đêm nhạc được chỉ huy bởi Nhạc trưởng Lê Phi Phi từ châu Âu cùng Nghệ sĩ ưu tú Vương Thạch – Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh với những giai điệu bất hủ cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác.
Đêm hòa nhạc trực tuyến được truyền hình trực tiếp lúc 20h00 ngày 27/6/2021 (giờ Việt Nam) trên sóng truyền hình quốc gia VTV1.

Cùng đón xem và cùng các nghệ sĩ, các doanh nghiệp, các tổ chức, mọi người già, trẻ, gái, trai, lớn, bé, giàu, nghèo, các tấm lòng hảo tâm khắp nơi trên thế giới đóng góp cho Quỹ vắc-xin theo một trong các phương thức: Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng; Soạn tin nhắn: COVID NK gửi đến 1408; và Đóng góp trực tuyến qua website https://www.quyvacxincovid19.gov.vn.
Thông qua website, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể đăng ký nguyện vọng đóng góp trực tiếp cho tỉnh, thành phố, các cơ quan tổ chức cụ thể, có thể gửi lại những lời chúc, thông điệp của mình. Các tấm lòng hảo tâm sẽ nhận được ngay Chứng nhận tài trợ trực tuyến./.
- Trang 5 báo Nhân Dân ngày 18/6/2021
Hoa vẫn nở trên quê hương
Tôi về xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), quê hương nhà thơ Tế Hanh, sắp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (20-6-1921 – 20-6-2021). Tôi về trước để thắp nén hương trong nhà thờ.
Về nhà thờ họ của Tế Hanh thì không thể đi lạc, cũng không phải chọn đường. Nhưng khi rời Bình Dương, chúng tôi lại
có một thoáng như bị lạc, hay phải chọn đường giữa hai ngả như trong bài thơ của Robert Frost (Rô-bớt Phót). Và ở đây, câu thơ của thi hào Mỹ Robert Frost chợt hiện về:
“Ta đi lối mòn ít chân kẻ dẫm
Điều đó khác thường mà nặng lắm thay “
(The road not taken – Châu Diên dịch)
Với chúng tôi, kể ra, cũng không nặng lắm. Vì chỉ cần hỏi bà con, là nhận ra đường cần đi ngay. Nhưng chính từ một khoảng “mất phương hướng” nho nhỏ đó, tôi lại phát hiện một điều thú vị trên đường.
Ấy là hai hàng hoa trồng hai bên con đường bê-tông nhỏ. Đường nông thôn, hai bên là ruộng, vậy mà vẫn có hai hàng hoa đang nở, mầu hoa vàng óng ả đẹp lung linh.
Người nông dân Bình Dương xứng đáng là những đồng hương tri âm của nhà thơ lớn Tế Hanh, khi họ không chỉ biết làm ruộng giỏi hay đánh cá tài, mà còn biết trồng hoa hai bên đường ruộng. Đúng là trồng hoa chỉ để chơi, cho đẹp.
Nhìn hai hàng hoa nở vàng hai bên đường làng, cứ như hoa dại, vậy mà đó là hoa trồng, coi như hoa khôn. Tôi đang “ủ mưu” tư vấn cho xã Bình Dương, quê nhà thơ Tế Hanh biến ngôi làng Đông Yên của ông thành điểm du lịch cộng đồng, bây giờ gặp hoa giữa đường thế này, cứ như điềm báo làng du lịch sẽ thành công.
Lại chợt nhớ, một câu trong bài hát về đường 9 Quảng Trị thời chống đế quốc Mỹ: “Hoa vẫn nở trên đường quê hương”. Ngày xưa ấy, hoa chỉ nở trong ước mơ. Còn bây giờ, hoa nở dịu dàng mà tươi thắm trước mắt tôi. Chắc sẽ còn bao việc phải làm để làng Đông Yên trở thành làng du lịch, và nhà thờ Tế Hanh thành một điểm trong bản đồ du lịch của làng.
Năm 1997, tôi có dịp đi cùng Tế Hanh về làng Đông Yên của ông, khi nhà thơ – đạo diễn Nguyễn Thụy Kha làm một phim chân dung về nhà thơ Tế Hanh. Dạo ấy Tế Hanh còn tương đối khỏe, tuy mắt đã nhìn rất kém, nhưng có người dìu đỡ, ông vẫn đi được. Nhất là về quê mình, ông như sảng khoái, như nhanh nhẹn hẳn lên.
Chúng tôi đã chọn một bãi biển sau này thành nơi đặt Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà quay phim Đăng Minh đã quay những đúp phim nhà thơ Tế Hanh đứng trên bãi biển, nhìn ra vịnh Việt Thanh. Cảnh rất đẹp, nhà thơ Tế Hanh rất ăn cảnh, ngoại trừ bãi biển không được… sạch lắm. Sau đó, chúng tôi đã ngồi ở một quán cóc bên bờ biển Tuyết Diêm, uống bia Dung Quất. Uống sang chầu bia thứ hai, Tế Hanh trầm ngâm nói: “Mình nhớ thôn Tuyết Diêm này, vì hồi nhỏ mình đã trọ học ở đây mấy năm. Đây là thôn diêm dân làm muối, hồi xưa cũng khổ lắm. Nhưng bãi biển này hồi xưa đã rất đẹp, và bọn mình hay đi chơi lang thang trên bãi cát trắng. Nếu sắp tới có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mình muốn viết một trường ca về vùng đất này, nơi mình có nhiều kỷ niệm”.
Tế Hanh yêu quê hương là vậy. Với tình yêu ấy, ông đã có một bài thơ để đời, bài “Nhớ con sông quê hương”.
Nhà thờ họ của Tế Hanh tuy nhỏ nhưng vốn là nhà ở của cha mẹ ông, nên trông rất dễ thương. Tế Hanh nói với tôi: “Nhà mình hồi trước có một tủ sách có nhiều sách quý lắm, cha mình coi là tủ sách gia bảo. Nhưng qua bao năm chiến tranh loạn lạc, sau hòa bình mình về lại, tủ sách đã không còn”. Tôi nhớ ngay tới bài thơ về cái tủ sách này của Tế Hanh, nhan đề “Tủ sách của cha tôi”, bài thơ rất thật thà, đúng tính cách Tế Hanh, nhưng ẩn trong đó những ngậm ngùi về thời thế thay đổi, về những thế hệ sau không còn biết yêu quý sách, theo kiểu “Cha làm thầy, con bán sách”. Bài thơ mộc mạc mà rất cảm động.
Còn nhớ, trong buổi cơm trưa tại nhà mình, Tế Hanh đã mời mấy bà con xóm giềng cùng dự, trong đó có một bác đã già hát bả trạo rất hay, lại ứng tác những câu thơ lục bát khiến đám nhà thơ chúng tôi phải kinh ngạc. “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới” (thơ Tế Hanh), nhưng tôi thấy, người làng này rất có văn hóa, và có “máu văn nghệ” bẩm sinh luôn.
Phải vì thế chăng, mà giờ đây, khi sắp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tế Hanh, về thắp hương ở nhà thờ gia đình ông, nhìn cây gạo trăm tuổi, cây bồ đề nửa thế kỷ trước sân nhà, tự nhiên thấy xao xuyến. Mà xao xuyến là khởi đầu cho thơ, nhất là thơ Tế Hanh, những bài thơ làm xao xuyến lòng người đã ngót 80 năm nay.
Hoa vẫn nở trên đường quê hương và sông Trà Bồng vẫn xanh một màu xanh “rất thơ Tế Hanh”.
- Trang 8 báo Nhân Dân ngày 17/6/2021
Thương tiếc nhà văn, nhà báo Lê Minh
Trong số những nhà văn nữ trưởng thành trong bão táp của cách mạng và hai cuộc kháng chiến, nhà văn Lê Minh là người mở đầu, và là con chim đầu đàn viết về đề tài công nhân, công nghiệp và chân dung của các chiến sĩ cách mạng từ Bác Tôn, chị Minh Khai, chị Tư Già đến Kim Ðồng…
Nhà văn, nhà nghiên cứu Vân Thanh ở Viện Văn học đã có một đánh giá chí lý: Viết về công nghiệp đòi hỏi nhà văn trước hết phải có một vốn sống phong phú về mảnh đất mình sẽ cắm sâu vào. Có thể nói đối với văn học Việt Nam đó là một mảnh đất mới, một vùng đất lạ; và do vậy cũng có thể nói, là mảnh đất in dấu rõ nét hơn bất cứ đâu sự đấu tranh quyết liệt giữa cái mới và cái cũ. Ðã có biết bao nhà văn xông vào mảnh đất này, nhưng rồi bỏ cuộc, hoặc bị bật ra. Cho đến sau này, Lê Minh vẫn thuộc trong số những người viết không những không bỏ cuộc mà còn kiên trì theo đuổi, hơn nữa, còn có những thành công đáng khâm phục. Từ vẻ đẹp tâm hồn, của nhà văn Lê Minh, bên cạnh sự khỏe khoắn, gân guốc là những cái nhìn, những trang văn miêu tả tinh tế, xúc động về vẻ đẹp của quê hương, làng xóm Việt Nam, tâm hồn Việt, nhất là vẻ đẹp của những con người kháng chiến.
Khi tôi được tuyển về Báo Nhân Dân, tháng 7-1982, biên chế ở Ban Thư ký – Biên tập để học nghề thì nhà văn Lê Minh cũng mới từ Hội Nhà văn về làm Trưởng Ban Văn hóa – Văn nghệ của báo.
Thời trước, văn nghệ là lĩnh vực sang trọng. Vì bản thân nó và cả vì những người đã từng công tác ở đây. Những người lãnh đạo ban nổi tiếng như Phan Nhân, Nguyễn Ðịch Dũng, Hoàng Phong, Diên Hồng… đã nổi tiếng; phóng viên lúc đó cũng có nhiều người rất nổi tiếng như Bạch Diệp (Nguyễn Thị Thanh Tâm), Gia Ninh, Nguyệt Tuệ (tức Nguyệt Tú, con gái danh họa Nguyễn Phan Chánh), Bùi Hạnh Cẩn, Chính Yên, Phạm Ðình Ân… Ở Báo Nhân Dân, còn có các nhà văn, nhà báo “gạo cội” như Bùi Hiển và Nguyễn Văn Bổng ở Ban Nông nghiệp; Phan Thao ở Ban Thư ký – Biên tập… Phó Trưởng ban giúp việc cho nhà văn, nhà báo Lê Minh là họa sĩ Hoàng Tuấn Nhã, Việt kiều ở Pháp về, làm Báo Nhân Dân từ năm 1954. Biên tập viên là các anh: Lương Khôi, Lê Quang Trang, Trung Ðông, Tân Thanh…
Phòng làm việc của bà Lê Minh trong một căn nhà cấp bốn, khá thâm nghiêm với những cây sấu già trước cửa. Nó càng thâm nghiêm đối với tôi khi bà là con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan, có chú ruột là Lê Văn Lương. Bà còn là tác giả của “Chị Tư Già” tôi được đọc từ hồi còn nhỏ… Tuy thâm nghiêm, tôi vẫn thường kính nhi viễn chi nhưng cũng hay kiếm cớ lân la dãy nhà làm việc của Ban Văn hóa – Văn nghệ, đôi khi ghé qua phòng bà và phòng họa sĩ Nguyễn Thọ của Trường Mỹ thuật Ðông Dương và họa sĩ Hoàng Tuấn Nhã gần đấy.
Nhà văn, nhà báo Lê Minh là người nghiêm túc, quyết đoán trong công việc. Tổng Biên tập Hoàng Tùng, sau đó là Tổng Biên tập Hồng Hà đều tôn trọng ý kiến của bà. Do vậy, bà cũng tạo được những đổi mới trong Ban Văn hóa – Văn nghệ, tăng cường tính chất chuyên môn, tính học thuật trong làm báo. Ðó là thời có những bài giới thiệu sâu sắc và những cuộc tranh luận sôi nổi về những tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Sơn Tùng, Xuân Cang…, mở ra sự đổi mới, áp sát đời sống hiện tại của văn học. Với tôi, tuy là “lính mới”, bà cũng cho đăng những bài viết tràn trang trên báo hằng ngày, những bài thơ thời sự trên trang nhất, trang tư của báo. Tôi nhớ, có lần bà nói, làm văn chương, mỗi chữ là một giọt máu đỏ tươi từ tim mình, một hoạt động hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho những người cùng khổ… Phải viết cho người đọc căm giận cái ác để cùng nhau đánh đổ nó, phải viết cho người đọc yêu thương đến thổn thức. Muốn vậy, trái tim nhà văn cũng phải yêu thương đến thổn thức…
Nhà văn, nhà báo Lê Minh – Nguyễn Thị Tài Hồng vĩnh biệt cõi trần lúc 17 giờ 15 phút ngày 11-6-2021, dừng lại giới hạn của một cuộc đời ở tuổi 94. Song những tác phẩm đồ sộ mà bà để lại, một cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang, những giá trị văn học còn luôn tỏa sáng. Bà đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2017, giải Nhất cuộc thi ký của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1962 (ký Kỷ niệm về Khu Ðông), giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1969 (truyện Nắng), giải A 5 năm Văn học đề tài công nhân 1991-1995 (tiểu thuyết Hồi) cùng nhiều giải thưởng văn học danh giá khác.
Cuộc đời bà là cuộc đời của một nhà hoạt động cách mạng kiên cường, trong sáng; một nhà văn suốt đời trung thành với ngòi bút cần cù và tài năng, chuyên nhất vì sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng.
Riêng tôi, vẫn luôn nhớ những bài học nằm lòng của bà về lương tri, trách nhiệm của một người cầm bút.
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại
- Trang 8 báo Nhân Dân ngày 30/6/2021
Y án sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng BIDV
Chiều 29/6, sau một ngày xét xử, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ngân hàng BIDV), Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng).
Theo đó, Toà phúc thẩm tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm 12 năm tù với bị cáo Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình Hà); 18 năm tù với bị cáo Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng); 3 năm tù với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng), cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tại phần tuyên án, hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo nêu trên là đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt số tiền lớn, gây thiệt hại tài sản, gây mất lòng tin trong xã hội và uy tín của Ngân hàng BIDV. Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt với các bị cáo là không nặng. Các bị cáo không có tình tiết nào mới để xem xét việc giảm nhẹ.
Trước đó, tại bản án sơ thẩm đã tuyên án đối với 12 bị cáo trong vụ án. Sau đó, bị cáo Đinh Văn Dũng đã làm đơn kháng cáo kêu oan, hai bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bản án sơ thẩm xác định, các bị cáo: Đinh Văn Dũng, Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn là những người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ, là những người đứng đầu các tổ chức kinh tế có quan hệ vay vốn tại Ngân hàng BIDV, có hiểu biết pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh nhưng đã cố ý lợi dụng sơ hở của các nhân viên của Ngân hàng BIDV trong việc quản lý tài sản thế chấp, quản lý dòng tiền sau cho vay để chiếm đoạt các khoản tiền. Sau đó, sử dụng số tiền đó vào mục đích cá nhân khi không được sự đồng ý của Ngân hàng BIDV. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của chủ thể khác, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của bên cho vay.
- Trang 2 báo Nhân Dân ngày 28/6/2021
Triệt xóa nhiều đường dây lô đề, giao dịch gần 1,3 tỷ đồng/ngày
Ngày 27/6, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, Công an thành phố Đồng Hới vừa triệt xóa nhiều đường dây đánh bạc bằng hình thức số lô, số đề với số tiền giao dịch mỗi ngày gần 1,3 tỷ đồng. Công an tạm giữ hình sự 10 đối tượng.
Trước đó, chiều tối 25/6, Công an thành phố Đồng Hới huy động 150 cán bộ, chiến sỹ tiến hành đồng loạt khám xét khẩn cấp 11 địa điểm trên địa bàn và chỗ ở của các đối tượng, gồm: Bùi Thị Thu Hương (sinh năm 1986), Nguyễn Thị Giang (SN 1982) và Lê Đình Hiệp (SN 1975) đều trú tại phường Bắc Lý, Đồng Hới, cầm đầu ba đường dây đánh bạc bằng hình thức lô, đề thông qua mạng Zalo, Viber, Facebook. Ngoài ra, hàng chục cái đề và thư ký đề cũng bị triệt tập.
Bước đầu Công an làm rõ, tổng số tiền giao dịch dùng cho việc đánh bạc trong ngày của các đường dây lô, đề này gần 1,3 tỷ đồng. Theo tài liệu thu thập được, mỗi tháng các đối tượng giao dịch khoảng 36 tỷ đồng.
Riêng đường dây lô, đề do Bùi Thị Thu Hương cầm đầu được nhận định là đường dây lô, đề lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Bình. Công an thành phố Đồng Hới thu giữ 71 bảng đề, hai sổ ghi đề, 145 triệu đồng, 2.700 USD, 23 điện thoại di động, nhiều máy tính và tài liệu liên quan khác.
Trước đó, đầu tháng 6/2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình cũng triệt xóa đường dây đánh bạc lô, đề với số tiền giao dịch mỗi ngày hơn 500 triệu đồng.
- Trang 7 báo Nhân Dân ngày 26/6/2021
Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-CSKT-P9 về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học, quy định tại khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét đối với 15 bị can.
Trong đó, Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam đối với 9 bị can, gồm: Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính; Trần Ngọc Thắng và Trần Thị Thanh Xuân, nguyên Tổng giám đốc Công ty MQF; Ngô Mạnh Hùng, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty MQF; Lê Long Hải và Lê Đại Tấn, chuyên viên Công ty NSJ; Vũ Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Thẩm định giá Gia Lộc.
Cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam đối với 1 bị can là Hoàng Thị Thúy Nga. Bị can này hiện đang bị tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ.
5 bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú, gồm: Phạm Thị Hạnh, nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo; Phạm Việt Anh, Phó trưởng phòng Dự án; Hoàng Thị Minh Tâm, nhân viên Phòng Dự án, Công ty MQF; Hà Thị Thu Huyền, thẩm định viên và Phạm Đức Chính, nhân viên Công ty Thẩm định giá Gia Lộc.
Ngay sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) thi hành các quyết định và lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho nhà nước.
- Trang 8 báo Nhân Dân ngày 25/6/2021
Y án sơ thẩm 10 năm tù đối với nguyên Giám đốc CDC Hà Nội
Tối 24-6, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).
Tòa phúc thẩm cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của sáu bị cáo, do đó tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm. Theo đó, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) y án sơ thẩm, chịu mức án 10 năm tù giam về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phần tuyên án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nêu rõ, hành vi của các bị cáo trong vụ án làm ảnh hưởng đến uy tín và gây thiệt hại tài sản của Nhà nước. Việc nhiều tổ chức, cá nhân, nhà khoa học có đơn xin xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo, Tòa phúc thẩm ghi nhận các ý kiến, đề nghị này. Tuy nhiên, những tình tiết này, Tòa án cấp sơ thẩm đã cho các bị cáo hưởng đầy đủ. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của sáu bị cáo và tuyên án giữ nguyên mức án như cấp sơ thẩm.
Trước đó, theo cáo trạng của vụ án, đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống máy xét nghiệm, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19. Hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn hai tỷ đồng nhưng CDC Hà Nội đã mua vào với giá cao gấp khoảng ba lần giá nêu trên. Kết quả điều tra xác định các bị can trong vụ án đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị hệ thống máy xét nghiệm, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Nhật Cảm chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ định thầu gói thầu mua sắm thiết bị phòng, chống dịch. Bị can Cảm đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, trực tiếp thoả thuận, thống nhất giá mua sắm thiết bị y tế.
Ở phiên xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm với vai trò giám đốc CDC chịu trách nhiệm là người đứng đầu, có vai trò cao nhất trong vụ án. Các bị cáo khác trong vụ án có chức vụ là thuộc cấp của bị cáo Cảm đã không làm tròn chức trách tham mưu cho lãnh đạo, trực tiếp ký và hoàn thiện nhiều tài liệu liên quan đến đấu thầu để dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật nên được xác định có vai trò giúp sức.
- Trang 8 báo Nhân Dân ngày 22/6/2021
Khởi tố ông Tất Thành Cang do sai phạm tại 32 ha đất Phước Kiển
Ngày 21-6, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang (sinh năm 1971), cùng ba bị can khác liên quan đến sai phạm trong vụ chuyển nhượng 32 ha đất ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (viết tắt là Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận), các bị can khác bị khởi tố gồm: Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy; Huỳnh Phước Long, nguyên Trưởng phòng Phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy; Phan Thanh Tân, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy.
Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp có 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thành lập năm 2004, trụ sở đặt tại quận 7.
Tháng 8-2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư dự án khu dân cư Phước Kiển. Ngày 26-4-2017, ông Trần Công Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận, đã ký công văn gửi Văn phòng Thành ủy đề nghị được hợp tác cùng Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Công ty Quốc Cường Gia Lai) đầu tư dự án này.
Theo đó, dự án Phước Kiển có mức đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng. Sau khi ông Trần Công Thiện có tờ trình, Hội đồng thành viên Công ty Tân Thuận đã chấp thuận đề xuất hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai đầu tư dự án Phước Kiển, Công ty Tân Thuận sẽ góp 30% vốn, còn 70% do Công ty Quốc Cường Gia Lai góp vào.
Đến ngày 5-6-2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá bán 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách hơn 419 tỷ đồng. Giá thị trường có thể thu cho ngân sách thời điểm đó là hơn 2.000 tỷ đồng.
Sau khi khu đất đã được bán, Văn phòng Thành ủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đánh giá lại giá trị khu đất. Kết quả xác định, tổng giá trị toàn khu đất hơn 574 tỷ đồng. Theo cách tính này, Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỷ đồng.
Ngày 27-12-2017, Thường trực Thành ủy TP chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu đàm phán lại và báo cáo chi tiết. Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đánh giá việc ký kết hợp đồng không đúng Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ TP (Quyết định 1087/2009). Tháng 5-2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ tổng giám đốc Công ty Tân Thuận đối với ông Trần Công Thiện, đồng thời chỉ đạo thanh tra toàn diện hoạt động của công ty này. Theo nhận định của Ban Thường vụ Thành ủy, việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng hơn 32 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè với giá 1,29 triệu đồng/m2 đã gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Cang bị xác định sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) bán 320.000 m2 đất ở Phước Kiểng (Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giả rẻ. Hành vi của ông Cang là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định.
- Trang 8 báo Nhân Dân ngày 22/6/2021
Thư khen vụ triệt phá sàn giao dịch ngoại tệ trái phép
Ngày 21-6, Công an TP Hà Nội cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có thư khen lực lượng công an, trong đó có Công an TP Hà Nội vì đã có thành tích trong chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng xây dựng, quản trị và điều hành các sàn giao dịch vàng, ngoại tệ trái phép Rforex.com.
Thư khen nêu rõ: Vừa qua lực lượng công an đã phá thành công chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng xây dựng, quản trị và điều hành các sàn giao dịch vàng, ngoại tệ trái phép Rforex.com kết nối với ứng dụng MT5 dưới vỏ bọc pháp nhân Công ty Rforex Ltd tại Anh để lôi kéo hàng nghìn người chơi nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lớn.
Đây là loại hình tội phạm mới, sử dụng công nghệ cao. Việc phá thành công chuyên án là một chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an kịp thời động viên và có hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc phá chuyên án nêu trên.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 19/6/2021
Kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy (2015-2020) Ban cán sự đảng UBND tỉnh (2016-2021) và một số cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Dương
Ngày 18-6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020.
Đồng thời xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021 và một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nghe đại diện tổ chức đảng và đảng viên trình bày, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 – 2020 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của Tỉnh ủy; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức đảng và đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng công ty Sản xuất và xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2) thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh, các sở, ngành và tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng tại Tổng công ty 3/2, thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
Đối với một số cá nhân, Ban Bí thư nêu rõ: Ông Trần Văn Nam, với cương vị là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV, chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Ông Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng công ty 3/2; buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hóa tài liệu để che giấu vi phạm; gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước và nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh vi phạm kỷ luật đảng, bị khởi tố hình sự.
Ông Phạm Văn Cành, trong thời gian giữ cương vị phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy; chịu trách nhiệm trực tiếp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quản lý đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, việc ký văn bản hợp thức hóa sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án liên quan đến vốn góp của Đảng, Nhà nước cho tư nhân và để xảy ra các vi phạm tại Tổng công ty 3/2.
Ông Cành cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Ông Trần Thanh Liêm, trong thời gian giữ cương vị phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban Cán sự Đảng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy; chịu trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản để hợp thức hóa sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án liên quan đến vốn góp của Đảng, Nhà nước cho tư nhân.
Ông Liêm cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Trần Xuân Lâm, tỉnh ủy viên, chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, năm 2012 công tác và giữ các chức vụ trong Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, chịu trách nhiệm trực tiếp việc thẩm định, tham mưu, trình ký văn bản áp dụng giá đất để tính tiền sử dụng đất vi phạm quy định pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách của Đảng, Nhà nước.
Vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các cá nhân nêu trên là rất nghiêm trọng, gây thất thoát lớn ngân sách của Đảng, Nhà nước, nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên của tỉnh vi phạm kỷ luật, một số bị xử lý hình sự, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền địa phương và cá nhân các cán bộ, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng.
Căn cứ quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 – 2020 bằng hình thức cảnh cáo. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021 bằng hình thức cảnh cáo.
Căn cứ quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả vi phạm, trong quá trình công tác và những đóng góp, cống hiến của các cá nhân trên đối với sự phát triển của địa phương; trong quá trình kiểm điểm, các cá nhân trên đã nhận thức rõ những khuyết điểm của mình, tích cực khắc phục và chỉ đạo khắc phục hậu quả, tự giác nhận hình thức kỷ luật.
Bộ Chính trị báo cáo và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Nam.
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020 đối với các ông Phạm Văn Cành và Trần Thanh Liêm; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng các nhiệm kỳ 2010 – 2015, 2015 – 2020, 2020 – 2025 đối với các ông Nguyễn Thanh Trúc và Trần Xuân Lâm.
- Trang 3 báo Nhân Dân ngày 18/6/2021
Thông cáo báo chí kỳ họp thứ tư của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Từ ngày 14 đến ngày 16-6-2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ tư. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định một số nội dung sau:
- Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của một số tổ chức đảng và đảng viên ở tỉnh Bình Dương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
– Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản tại Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2), gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.
– Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng Công ty 3/2; hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng Công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.
– Đồng chí Phạm Văn Cành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ký văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân và để xảy ra các vi phạm tại Tổng Công ty 3/2.
– Đồng chí Trần Thanh Liêm, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; chịu trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân.
– Các đồng chí Nguyễn Thanh Trúc, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Xuân Lâm, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh; Võ Văn Lượng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thẩm định, tham mưu, trình ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.
– Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương; đồng chí Ngô Dũng Phương, Đảng ủy viên, Trưởng Phòng Tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy chịu trách nhiệm với những vi phạm tại Tổng Công ty 3/2. Hai đồng chí nêu trên cùng chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc bổ sung văn bản nhằm hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân.
– Để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trên còn có trách nhiệm của một số đồng chí nguyên lãnh đạo Cục Thuế tỉnh và lãnh đạo Tổng Công ty 3/2 trong việc đề xuất áp dụng giá đất để tính tiền sử dụng đất giao cho Tổng Công ty 3/2 và việc chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các đồng chí: Trần Văn Nam, Phạm Văn Cành, Trần Thanh Liêm, Nguyễn Thanh Trúc, Trần Xuân Lâm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Nguyễn Văn Đông; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với hai đồng chí: Võ Văn Lượng, Ngô Dũng Phương; khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí: Lê Văn Trang, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương; Võ Thanh Bình, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Công ty 3/2, gồm: Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Trần Nguyên Vũ, nguyên Tổng Giám đốc; Huỳnh Công Phát, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên thành viên Hội đồng thành viên, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Huỳnh Thanh Hải, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Nguyễn Thế Sự, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Tổng Công ty.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến các vi phạm trên theo quy định.
- Sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và một số đảng viên ở Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
– Đảng ủy Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát ngân sách nhà nước.
– Đồng chí Nguyễn Quốc Trụ, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy và Cục Quản lý thị trường tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc bao che cho vi phạm của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với lãnh đạo cấp trên.
Đồng chí Hà Thanh Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng và đồng chí Dương Tuấn Anh, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Cục trưởng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy và Cục Quản lý thị trường tỉnh; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ cá nhân được phân công.
Đồng chí Vi Ngọc Khang, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ Nghiệp vụ – Thanh tra, Phó Cục trưởng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lập hồ sơ, tài liệu giả, bỏ lọt hành vi, tang vật, phương tiện vi phạm trong khi kiểm tra, vi phạm pháp luật trong công tác xử lý vi phạm hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Vi Ngọc Khang; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Nguyễn Quốc Trụ; cảnh cáo các đồng chí: Hà Thanh Bình và Dương Tuấn Anh; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ thi hành kỷ luật cảnh cáo Đảng ủy Cục Quản lý thị trường tỉnh các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025 và chỉ đạo xem xét, xử lý kỷ luật kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Công thương xem xét, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm ở Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ.
- Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, cho ý kiến về kết quả giám sát Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum và đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế làm việc, công tác cán bộ, công tác quản lý, sử dụng tài chính, đầu tư xây dựng…; kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng của Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Tiền Giang. Căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát phát huy ưu điểm, đồng thời nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, sớm khắc phục, sửa chữa những vi phạm, hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ án, vụ việc trên địa bàn.
- Sau khi xem xét kết quả thực hiện kết luận tại Kỳ họp thứ hai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nghiêm túc thực hiện kết luận; khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm; kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
- Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.