Pham Ton’s Blog

Tháng Tám 9, 2021

Tiến Lên

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 7:37 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười ba, kỳ 1 tháng 8 năm 2021.

CHUYỆN MỘT NGƯỜI CHÁU NGOẠI – PHỤ LỤC:

LÀM BÁO NGƯỢC

Phạm Tôn

Cuối năm 2018, con trai đưa tôi đến Bệnh viện Nhân Dân Gia Định khám lại ung thư mổ từ 2010. Bác sĩ Chung Hoàng Phương hiền hậu từng nhiều lần khám và công bố kết quả xét nghiệm sau tám đợt hóa trị bao giờ cũng hài lòng vì tôi là bệnh nhân hợp tác tốt, tuân thủ nghiêm y lệnh lại không khi nào kêu ca phàn nàn gì dù nội soi có khó khăn, hóa trị có mệt mỏi… Lần cuối này, ông hỏi: Bác có theo tôn giáo nào không? Tôi đáp tôi chỉ thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Lại hỏi: Bác làm nghề gì khi khỏe? Tôi đáp: Tôi làm nhiều nghề, nhưng nhiều nhất là nghề báo, nhưng là làm báo ngược. Lại hỏi: Như thế là sao? Tôi đi bán báo rồi làm ở nhà in báo, cuối cùng mới viết báo. Bác sĩ cười…

Thật ra nói thế cũng chưa đủ. Ngược còn là ở chỗ: Tôi từng là Tổng biên tập nhiều báo, có điều là báo tường, báo liếp ở trường trung học, đại học, rồi xí nghiệp. Sau mới làm phóng viên viết báo, nhưng là báo lớn, có uy tín trong cả nước.

Các báo tường tôi từng phụ trách là Học Sinh Mới ở trường cấp hai Hà Huy Tập và cấp ba Kiến Thiết, Bình Minh ở trường trung học Chu Văn An, Paven khi đi bán báo, Thảo Nguyên ở Học viện Nông Lâm. Hồi ở Xí nghiệp cảng sông Hồng, tôi có Bản tin sau là Cảng Hà Nội mới ra báo Tiến Lên ở đội I, khi vào Quảng Bình công tác thì biến thành báo liếp (vì không có tường mà dán) cũng vẫn lấy tên Tiến Lên.

Trong bài phụ lục này, tôi chỉ xin giới thiệu hai báo do tôi làm tổng biên tập. Một là Bình Minh qua Tập san Bình Minh tuyển chọn một số bài trong thời gian Bình Minh ra mắt tại trường Chu Văn An. Hai  là báo liếp Tiến Liên ra ở Quảng Bình.

Xin mời các bạn xem để biết một thời chúng tôi đã sống vui vẻ đầy nhiệt huyết như thế.

*

*      *

TIẾN LÊN

Năm 1968, đội I mới của Cảng Hà Nội thành lập nòng cốt là ban chỉ huy và văn phòng đội 5 cũ với lớp công nhân trẻ khỏe hầu hết mới tuyển từ Thường Tín và số công nhân đội I cũ mạnh khỏe giàu kinh nghiệm.Ton That thanh chup cung bac Tan (anh tach rieng) Tất nhiên đội trưởng là bác Nguyễn Văn Sán đội trưởng đội 5 và kế toán vẫn là tôi. Tôi còn được bầu làm bí thư chi đoàn Thanh niên Lao động. Do yêu cầu của ba bạn trẻ Thường Tín ham làm thơ gợi ý tôi ra báo tường Tiến Lên, lấy ý từ câu thơ cuối bài chúc Tết của Cụ Hồ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta! mà tôi tâm đắc từ ngày ở đội 5 trong giai đoạn cuối cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Cảng mà ngòi nổ chính là cụ ông Nguyễn Văn Sán và cụ bà Nguyễn Thị Thảo bạn cùng sát cánh bên cụ Sán từ thời hoạt động bí mật kháng chiến chống thực dân Pháp trong lòng Hà Nội.

Báo Tiến Lên được công nhân đội I đọc và bảo vệ nhiệt tình. Công nhân và cán bộ nhân viên toàn cảng cũng nhiều người đến đọc.

Tôi nhớ mãi cảnh một sáng sớm tôi vừa đến phòng làm việc thì được một bà bảo chú đến ngay chỗ báo, có chuyện rồi. Tôi đến thì thấy anh Nguyễn Văn Tân tổ trưởng tổ I làm ca đêm, còn cởi trần dù trời khá lạnh, hai tay giang ra, đứng trước chỗ dán báo bảo tôi: Có kẻ đêm qua lén dán cái gì đó vào báo đội ta, tôi phải đứng đây giữ nguyên hiện trường, bảo người nhắn chú ra ngay giải quyết. Chú xem đi!Hoan ho doi 1

Tôi nhìn khung báo thì thấy có một tờ giấy lạ. Giấy khổ lớn, có dòng kẻ, tất nhiên nâu xám như đa số giấy thời ấy. Trên có hàng chữ viết Hoan hô Đội I. Chữ viết màu đỏ không ra đỏ có lẽ là dùng thuốc đỏ y tế. Hóa ra đó là bài thơ khen báo đội tôi. Cuối bài ghi 26/11/68. Còn ghi chú “(1) Báo tường của Đội I lấy tên là Tiến Lên. Tác giả là Tú Gầy.

Hỏi anh em làm ca đêm thì: đang làm nên không để ý  lắm, chỉ biết có anh kỹ sư mới về đem cái gì đó dán lên báo ta thôi. Bài thơ mở đầu như sau: “Sáng nay đi dạo cảng nhà / Rẽ thăm đội I đậm đà tình thương/ Tiến Lên (1) sáng chói góc tường / Thiên nhiên đượm vẻ, phong sương mặn tình / Khen rằng: Nét vẽ nên xinh / Càng trông càng đẵm, càng nhìn càng tươi/ Câu văn ai khéo lựa lời / Ngẫm trong lẽ phải có người có ta/ Mấy lời tâm phúc thực thà / Mấy lời nhân ái mặn mà nhắc nhau” Cuối lại có mấy câu “khen thay đội I có tài / Còn anh vận chuyển, đội 2 thế nào? / Đội 3, cơ giới nghĩ sao? / Văn phòng xưa vẫn đua tranh? Hỏi ai ai đã chuyển mình trước ai/ Lời quê phát biểu đôi lời / Cờ đầu đội I phất rồi! Các anh” . Đến đây thì lộ rõ là thơ của cán bộ lãnh đạo rồi

Một hôm báo tôi có bài phê bình cô y tá nọ, cô bực định xé bài đó, nhưng bị đội trưởng phê bình nên dán lại, thì Tú Gầy có ngay bài Vì sao báo rách? thế là thành cộng tác viên của Tiến Lên rồi. “Nhac ong dinh mucVì sao báo rách bạn lòng ơi / Có lẽ vì đây chạm nọc rồi” bài này viết ngày 27/11/68, ngay sau bài trước, xem ra tác giả cũng là độc giả trung thành của Tiến Lên. Cuối cùng cũng biết ông chính là đại tá chuyển ngành mới về nhận chức bí thư Đảng bộ Cảng Hà Nội. Cao, gầy đúng là Tú Gầy, ông sống luôn tại khu vực Cảng, mé cuối đội 4 Cát – Sỏi, ở tạm trong cái lô cốt Pháp xây dựng trước đây. Còn lô cốt ở giữa Cảng thì dùng làm trụ sở công đoàn cảng.

Hai bài thơ của Tú Gầy tức đại tá Đào Mạnh Bào tôi cho chép lại và trình bầy đẹp không kém những bài khác của báo. Từ đấy, ông biết tôi, chắc có điều tra về tôi, nhất định biết tôi là cháu ngoại Phạm Quỳnh đã bị ta xử bắn năm 1945. Nhưng những khi gặp vẫn chào hỏi thân mật.

Không phải dự dưng mà công nhân yêu mến bảo vệ báo tôi. Khi Cảng bắt đầu chủ trương làm việc phải có định mức, báo tôi có ngay bài Nhắn “ông định mức” nhẹ nhàng  “Mời … “ông định mức” Cảng ta / Thu giấy cất bút bước ra… hiện trường/ Tai nghe mắt thấy cho tường / Việc làm, lời nói của người công nhân / Ông ơi!… Đơn giá không cân: / Thô sơ như máy, ông cần sửa cho (+) / Đơn giá sang mạn tôi lo / Tấn ca không đạt ông dò mà xem / Ông ơi! Thương lấy anh em / Xem lại đơn giá nâng lên ít nhiều/ Để chúng tôi khỏi phải kêu / Nếu không … Ra thử một keo cho…chừa! / Đặt bút ông chớ viết bừa / Xem đi xét lại cho vừa lòng nhau! / Nếu không dù có bắc cầu / Tròng cổ năng suất… Cũng khó kéo đầu nó lên!” Cuối bài ghi thơ Đại Hải. Còn chú thích (+) ghi: đơn giá bốc xếp hàng bao 100kg qui định là: – Máy QL, KGI, Vạn năng 1 tấn là 0đ41 – Sang mạn thô sơ là 0đ41(?!) – Từ xe vào kho bãi 0đ364 (??!)

Về tật tắt mắt của công nhân bốc xếp có bài nói rõ Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, cửu vạn vác gì vồ nấy, lại có thơ Cá khô bay của tác giả Củu Vạn “Đội ta có chuyện thật hay: / Cá Khô mà lại biết bay thần tình! / Rõ ràng con cá xinh xinh, / Cái đầu to tướng cái mình tẽ đôi / Thế mà nó vẫn … bay thôi / Nó bay mỏi cánh, nó rơi bếp lò / Con vừa con nhỏ con to / Con bay mái ngói con bò vệ sông / Các bạn ơi, có lạ không: / Có bay rồi lại chui…ngay túi mình/ Dù cố ý, dù vô tình/ Cá khô trong túi, bọn mình… xách ngay! Hỏi rằng: có phải cá bay/ Hay là… kẻ cắp ra tay làm càn”

Về việc ăn uống ở nhà tập thể có bài Dạ dày  biểu tình!!! của Pênixilin, tranh vẽ minh họa một lũ dạ dày đang đi hô khẩu hiệu. Bài kể chuyện tự thuật: “Tôi về đến nhà thì nằm lăn ra vì bụng đau không chịu nổi. Mỗi lúc cơn đau lại càng dội lên đau hơn. Tôi lịm đi thì nghe có tiếng hò hét. Càng đau dữ. Nghe kỹ mới thấy là tiếng dạ dày hỏi tôi: Tại sao anh lại đối xử với tôi khốn nạn tồi tệ như thế hử? Tôi cự lại: Sao cậu trách tôi? – Tại sao hả… Hôm nay anh bắt tôi ăn cơm ngô sống, lại có cả con ruồi chết trong cơm nữa. Tôi vội thanh minh: Tại các bà nhà ăn đấy chứ, tại tôi đâu… Nó gắt lên: Tại anh! tại anh cả! sao anh biết là bẩn mà vẫn cứ ăn làm khổ tôi! Tôi cãi: Chỉ có thế, không ăn thì đói chứ sao! Dạ dày tôi tỏ vẻ thông cảm, chẳng nói nữa. Nhưng hôm sau, tôi bị Tào Tháo đuổi suốt một ngày, xuýt thì đi tong. Hôm nay mới đỡ và kể lại chuyện này mong các bà các chị nhà ăn và cả cô y tá nữa lưu ý cho bữa ăn công nhân chúng tôi”.

Tiến Lên còn có một bài thơ tôi nhớ suốt đời vì vừa kịp thời, nóng hổi, vừa chấn động toàn đội và cả toàn cảng nữa nhất là lãnh đạo cao, rồi xưởng, phòng kỹ thuật, ban an toàn lao động, tất nhiên là cả đảng ủy công đoàn. Sáng sớm ấy, Bùi Lê Nghiên dân Thường Tín đập cửa buồng tôi sống với Đỗ Xuân Bảo lái cẩu vạn năng, báo một tin động trời: Ca 3 tổ em đang bốc gạo trong bao tải lên cần cẩu cổng do chị Phu lái. Lên đến độ cao 30 mét, chuẩn bị đưa vào bến đổ hàng lên xe tải chờ sẵn thì như một trận bom dữ dội, toàn bộ các bao gạo rơi thẳng xuống xà lan đội em đang giải phóng. Mấy cái móc sắt móc vào tấm kê hàng doãng ra.

Tổ trưởng Nguyễn Văn Tân bảo anh em tránh ra xong, lệnh cho Nghiên lên bờ, làm ngay một bài về sự kiện này, ăn lương như anh em làm cùng ca, rồi đưa ngay anh Thành sáng mai cho lên báo. Nghiên là cây bút chủ chốt của Tiến Lên, không hiểu sao thường dùng bút danh Bao Tải. Thế là Nghiên chép lại sạch sẽ, tôi trình bày minh họa sinh động, kịp hết ca là tổ 1 được xem còn thuyết minh thêm cho người xem rõ sự kiện đêm qua. Tổng biên tập là tôi thấm thía tình cảm của công nhân với báo mình cũng là tiếng nói của họ.

Dù là hiếm, nhưng Tiến Lên! cũng có thơ tình, mà thật sự là tình yêu trai gái. Tất nhiên vẫn theo phong cách rất công nhân, đơn giản và mạnh khỏe. Đó là bài Gặp em của Thanh Hoa, người rất ít khi làm thơ. “Gặp em lần nào/ anh cũng nhìn vào / ngực em nở nang./ Ngỡ anh sỗ sàng / em giận, ngoảnh đi…/ Rồi em nghĩ/ và má em bừng đỏ:/ Có chi đó trong cặp mắt anh/ chân thành/ giản dị… / Hôm nay, anh đã thấy:/ Huy hiệu Đoàn sáng dậy/ trên ngực em/ ở chỗ trái tim em. / Mắt anh tươi/ Miệng em cười/ Hai mươi sáu tháng ba/ Đoàn ta/ THÊM MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN

Ngay thanh lap doan (bao tuong quang binh)

Đó là chuyện tháng 11 về trước.

Giữa tháng 12/1968 mới là một chuyện động trời. Dạo ấy rét lắm, tôi không về nhà 16 Hàng Da mà ở lại luôn với Đỗ Xuân Bảo, hai anh em nấu ăn với nhau. Một tối, vừa hết ca hai thì có lệnh tất cả tập trung về hội trường nghe lệnh khẩn thời chiến, cả những ai làm ca ba cũng về họp luôn trước khi vào ca. Ban giám đốc công bố lệnh khẩn từ bộ Giao thông, cục đường sông tuyển ngay 50 người tình nguyện đi công tác đột xuất ở Quảng Bình, trước hết là đảng viên và đoàn viên. Lác đác có người giơ tay, rồi dần dà đến gần 22:30 thì gần đủ. Số thanh niên Thường Tín ở khu tập thể gần nhà thờ Thông Chí cũng tham gia dù không thuộc ca làm hôm nay. Rồi thắc mắc thời hạn, quyền lợi này nọ, cuối cùng vẫn còn không ít băn khoăn. Đoàn viên thanh niên chi đoàn I tham gia đông nhất, nhưng số lớn vẫn do dự, đi là theo phong trào, theo đồng hương thôi. Gần 24:00 vẫn không ngã ngũ, chưa lên được danh sách.

Tôi xưa nay xung phong chuyện gì cũng bị gạt, lý do công khai là vì nhu cầu công tác phải giữ lại. Đến xin vào tự vệ cũng bị lờ đi, không từ chối thẳng thừng, nhưng không gọi. Đúng lúc gay gắt nhất Phạm Văn Cường một công nhân nhỏ thó nhưng gan dạ vác khỏe lại là nhà thơ của Tiến Lên hay ký tên Cửu Vạn nêu yêu cầu: phải cho anh Thành bí thư của chúng tôi đi cùng thì chúng tôi mới đi, không thì sáng mai ngủ dậy là chúng tôi té ngay về Thường Tín. Giám đốc nói không có quyền giải quyết, vì vậy, chuyển yêu cầu gặp bí thư đảng ủy. Bí thư đến tươi tỉnh dù bị đánh thức giữa đêm đông. Ông chắp hai tay chào anh chị em. Nghe lại lời của Phạm Văn Cường, ông cười, rồi nói ngay: Tôi tưởng chuyện gì chứ chỉ có chuyện ấy thì tôi chấp thuận ngay! Mọi người vỗ tay vui vẻ. Danh sách lập xong ngay có đầy đủ chữ ký. Bác Nguyễn Văn Hoành đảng viên người Huế tập kết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ vừa bí thư đảng, vừa đoàn trưởng.

Tôi  bất ngờ được đi, lại nhớ cái nghiệp báo mình vẫn đeo đẳng, sẵn các cây bút nòng cốt trung kiên đều cùng đi, thế là về ngay buồng lái cẩu  Bảo thu dọn hành lý. Tối ấy, Bảo không có nhà. Tôi vơ vét hết kem đánh răng, xà phòng giặt 72% rồi tìm đồ nghề: toàn bộ màu bút vẽ trình bày báo, lại kiếm được một cuộn giấy nhiều tờ nhỏ màu vàng nham nhám, nhưng dùng được, còn hơn là không có gì. Tất nhiên lấy áo ấm, áo lót, quần áo mặc thường ngày vẫn để ở đây. Xong phải viết thư để lại cho Bảo nói rõ nhà không bị trộm, mất gì là do anh lấy đi Quảng Bình thôi. Tôi không được về nhà nên không có chăn và còn thiếu nhiều thứ. Nhưng bác Hoành đã dặn: Thiếu gì để sau lo chứ mày về là chúng nó bỏ về quê hết đó. Đành chịu. Tôi thấy mình giống như anh thợ may nọ trong truyện cổ Một đòn chết bảy, kể chuyện trước chuyến phiêu lưu anh đã nhặt nhạnh mọi thứ trong nhà phòng có khi phải dùng đến. Xong mọi việc mới thấy bàng hoàng: cái ước mơ ra tiền tuyến chiến đấu ôm ấp bấy lâu, không ngờ lại thành sự thật nhanh chóng và đơn giản đến không ngờ. Thật tình cứ mơ ước như thế thôi, chứ tôi cũng chẳng thể nghĩ ra đến tiền tuyến rồi thì một người ốm yếu như mình làm được gì. Xin nhắc lại là tôi về cảng qua con đường đoàn thanh niên do Đoàn Di đạo diễn không qua sở phòng lao động vì không thể có giấy khám sức khỏe đủ sức lao động. Cái án bệnh lao vẫn còn đó. Về cảng, trời lạnh lại hay làm đêm tôi thường xin cho tiêm Canxi, thuốc này rẻ, nên thường được cấp ngay. Y tá Thu tiêm ven rất thạo, tiêm vào là thấy khắp người ấm lên. Mẹ tôi từng chăm chị tôi bị lao nói canxi làm cứng phổi. Tôi tiêm vào thấy khỏe ra. Dù sao cũng thủ theo ống INH thuốc trị lao của Pháp cô Hoàn gửi về cho an Đại lâu nay tôi vẫn đem theo người phòng khi có chuyện. Hồi ấy, chưa biết là đợt tấn công mạnh hồi an dưỡng ở Quảng Bá, mỗi ngày tiêm 1 lọ 1 gam Streptô trong dầu mà tôi đã hoàn toàn hết vi trùng lao, coi như khỏi bệnh. Dù chưa biết đi Quảng Bình sẽ làm gì, nhưng cái nghiệp báo xui tôi chuẩn bị nhất định sẽ tiếp tục ra báo Tiến Lên ngay nơi tuyến lửa. Vì thế dọc đường tôi luôn gợi ý các cây bút của báo viết đề tài này, nọ. Tự anh em cũng nghĩ ra nhiều đề tài khác. Thành ra khi đặt chân đén xã Thanh Trạch huyện Bố Trạch rồi thì chúng tôi ra ngay được báo với những bài nóng hổi tính thời sự. Thơ vẫn nhiều, văn xuôi ít hơn nên tôi thường phải tự viết. Có những bài thật ra là lẩy từ các buổi họp chi đoàn phân đoàn mà viết ra, ý kiến của đông đảo anh chị em trong đoàn.

Số I Tiến Lên ra tại đất lửa Quảng Bình đã có ngay các bài Phà Ghép tức cảnh của Bao Tải viết ngày 19/12/1968: “Đoàn quân ta đi qua Phà Ghép/ Mọi người xuống xe đi bộ hết/ Xe chạy người đi nối tiếp nhau/ Trông như đoàn quân trong Suối Thép” (Chú thích: Đoàn quân trong Suối Thép là đoàn quân trong bộ phim Suối Thép lúc ra đi rất vô kỷ luật, nhưng sau qua đấu tranh cách mạng đã trở thành một đoàn quân thép, đánh đâu thắng đấy”. Rồi Chiều Cảng Gianh của L.N và P.C (tức Bùi Lê Nghiên và Phạm Văn Cường): “Hoàng hôn khuất núi xa xa/ Sông Gianh nước biếc, chuyến phà đang sang/ Tàu to cờ đỏ sao vàng/ Buồm căng lộng gió, thuyền nan xuôi dòng/ Cảng Sông anh chị xung phong/ Nhanh tay bốc dỡ chuyển hàng quân nhu/ Vác hàng chiếu, kiện lên bờ/ Đoàn xe vận tải đang chờ hàng lên/ Bên này một tốp thanh niên/ Bên kia tốp nữ cất lên giọng hò/ Đoàn thuyền nan cập bến bờ/ Dập dờn sóng vỗ đang chờ hàng sang… Chiều 21/12/1968”. Văn xuôi có bài tản văn Hoa Khu Bến của Thanh Hoa. “Trên dường vào khu Bốn, mặc dù đã cuối đông, vẫn thấy nở nhiều thứ hoa, hình như cây cối thiên nhiên đã cố gắng chào mừng đoàn ta tiến ra tiền tuyến bằng những bông hoa đồng nội. Có hoa to đỏ rực Có hoa nhỏ vàng tươi. Màu đỏ, màu vàng rực rỡ ngời sáng trên nền lá xanh đen như màu cờ Tổ quốc… Càng gần đất lửa Quảng Bình càng nhiều bông lau, cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh vẫy gọi ta… Ngắm hoa khu 4 mà lòng nghĩ ngợi nhiều. Nếu không là hoa kia đỏ thắm, vàng rực. Nếu không là bông lau kia phấp phới như cờ, thì chỉ có thể là … hoa cứt lợn, nhợt nhạt, nhỏ li ti trên cây thấp lè tè! Dất lửa là nơi thử lửa. Nếu không dũng cảm, không muốn hy sinh, thì chỉ còn là hoa cứt lợn”

Bắt tay vào việc bốc dỡ hàng quân nhu từ tàu thì Tiến Lên có ngay bài thơ Ý kiến B tôi sáng tác của tập thể Tổ I: “B ta bàn chuyện giải phóng tàu / Trước đây giải phóng rất là lâu / Ba, năm sáu giờ hay hơn nữa/ Uể oải mới xong được một tàu/ Thấy B Tuyên Quang giải phóng nhanh/ Cứ hai ba tiếng xong một tàu/ Vì sao B bạn làm nhanh thế? B ta tranh luận chậm vì đâu/ Họp bàn thảo luận thật là hăng/ Cuối cùng đi đến kết luận rằng: / Bởi tác phong và ý thức/ Của mỗi chúng ta phải đổi thay/ Kết quả giải phóng thật là hay/ Hai tiếng đã xong hẳn một tàu/ Khi tàu thứ hai vừa cập bến/ Chưa đầy tiếng rưỡi đã làm xong/ Tác phong B ta tiến hằng ngày/ Vẫn duy trì tốt thật là hay/ Ý thức khi làm đầu chú trọng/ Quyết tâm giữ vững chẳng hề lay.”

y kien b toi

Nhưng chính tập thể đó đã có bài Bệnh trọng B ta, chỉ ra  việc chỉ đạo phân công hằng ngày còn chưa khoa học, kiên quyết khiến anh em cứ phải chờ đợi mất thời giờ

Benh trong B ta

Xa nhà, xa quê, là có Thư về hậu phương của Đại Hải: “Tôi viết thư này về hậu phương/ Gửi bạn thân mến của tôi/ Hằng ngày sống ở miền Đất Thánh/ Tôi kể bạn nghe sức mạnh của đoàn quân/ Vô khu bốn tiếp sức cho tiền tuyến/ Khi đoàn xe mới đến bến sông Gianh/ Tất cả vì chiến dịch VT5/ Tất cả để giải phóng nhanh bến bãi/ Bao đồng chí vui mãi với giọng hò/ Bên anh hát đối với bên o/ Rất say sưa át gió mùa đông bắc/ Chuyển hàng nhanh về tới đích/ Của những người xung kích lái xe/ Bạn hãy lắng nghe: / Bước chân của chúng tôi đang nhịp nhàng, thoăn thoắt hăng say/ Cho tàu ta thêm chuyến, cho xe ta thêm vòng quay, cho Quảng Bình quê ta hằng ngày đổi mới/ Cho các em nhỏ vui tới trường làng/ Góp phần mau giải phóng miền Nam/ Cả hai miền hân hoan vui đón Bác Hồ”.

Về sống với dân Quảng Bình một thời gian, ngày 16/1/1969 tôi đã viết cho Tiến Lên tâm sự một người con Hà Nội gốc đến bốn đời bài Đâu là đất thánh? ký tên Đoàn Viên. Bài mở đầu như sau: “Người Hà Nội ta thường tự hào gọi đùa Thủ đô là ĐẤT THÁNH. Người các tỉnh cũng thường gọi Thủ đô là ĐẤT THÁNH. Ý muốn nói Thủ đô là nơi thiêng liêng đáng kính, đáng trọng, ai ai cũng mơ ước được đến, được sống ở Thủ đô, trái tim của cả nước.

“Tôi cũng nghĩ thế… Song từ khi vào khu 4, từ khi sống với đồng bào Quảng Bình, tôi lại nghĩ hơi khác. Tôi thấy Quảng Bình này mới thật là ĐẤT THÁNH, vì ở đây có những con người, có nhân dân THẦN THÁNH. Tôi đã thấy…Đồng bào ăn vỏ lót củ sắn (khoai mì) luộc trộn làm nộm, nấu canh, còn phơi khô để khi thiếu đem xào tép, ghế cơm hoặc ăn thân cây đu đủ muối kho, ăn rau huyến một thứ cây như cây ở Hà Nội ta trồng làm cảnh trong vườn hoa. Cơm thì bữa nào cũng độn sắn, độn khoai, một công lao động chỉ được một hào chỉ…Vậy mà không một lời kêu ca, oán trách đồng bào đã cho vay lương thực, mỗi gia đình nhường hẳn hai tháng ăn cho bộ đội. Mặc dù mình đang thiếu ăn… Quà là THÁNH thật!

“Tôi cũng đã thấy… đồng bào ở trong những căn hầm ẩm và bí hơi (…) Quả là THÁNH thật!

“Tôi đã thấy …đồng bào cho con em đi học dù nhà rất nghèo (…) các cháu vê đất sét làm phấn, lấy nhọ nồi, muội đèn và lá khoai lang trét cho tấm ván thành bảng đen (…) Quả là THÁNH thật!

“Và tôi còn thấy đồng bào lao động, cày cấy trên những thửa ruộng đất cát xấu, chi chít hố bom; trời rét mà các cháu trai vẫn dậy từ mờ sáng giũi tôm, tép, cá nhỏ! Các bé gái ngâm mình dưới sông với bèo cho lợn” Và kết luận: “Quảng Bình, đất của nhân dân thần thánh, mới thật xứng đáng với tên gọi ĐẤT THÁNH”.

Ngày 15/1/1969, bạn V.C. viết Bạn Nhỏ Quảng Bình kể chuyện một em trai trong gia đình cho chúng tôi ở nhờ: “Bạn nhỏ Quảng Bình tôi sống gần/ Có tên thật đẹp Phan Văn Ân/ Sáng học, giũi tôm từ buổi sớm/ Tuổi tuy còn nhỏ rất chuyên cần/ Còn tôi chỉ có làm ca sáng/ Tung chăn trở dậy cũng ngại ngần/ Tuổi đời, hành động đều trái ngược/ Tôi học bạn tôi ở nhiều phần.” Ghi chú: “Em Phan Văn Ân là con trai bác Phan Văn Huân, 15 tuổi, rất chăm học, chăm làm. Những ngày rét vẫn dậy từ 2, 3 giờ sáng đi giũi tôm tép rồi mới đi học”. Đọc đến đây thì tôi nhớ ra là Phạm Văn Cường sống cùng tôi ở nhà này, đã rất mết phục em và làm bài thơ này như giãi bày tâm sự riêng.

Xa quê, nhớ nhà, trời lại lạnh nên các bạn trẻ hút thuốc rất nhiều. Hết thuốc, dù trời mưa nhỏ, lại lạnh, các chú nhất quyết vào núi tìm mua thuốc lào. Tôi đi theo, khuyên các bạn bớt hút thuốc, có hại cho sức khỏe đó. Các chủ bảo anh bỏ ăn ớt thì tụi em bỏ thuốc, anh thấy sao? Tôi đáp ngay: Thế thì các chú cứ mua thuốc đi, để anh đi mua ớt. Không có ớt, tôi khó nuốt nổi cơm ở đây. Tiến Lên có ngay bài Nỗi lòng anh nghiện của tác giả… Chàng Nghiện. Bài thơ được truyền khẩu khắp đội lan sang cả bốn đội tỉnh bạn.

Noi long anh nghien

Nhớ khi Hà Nội hôm nào/ Điện Biên Tam Đảo Đơ nao (Tên thuốc lá bán ở Hà Nội – PT) thiếu gì/ Vô đây đành tạm biệt ly/ Sang Lào nhả khói qua cơn nhớ buồn/ Trông qua có vẻ đáng thương/ Tay cầm ống điểu cổ vươn thật dài/ Thuốc lào ta đánh một bài/ Phùng má trợn mắt, làn dài khói tuôn/ Thương cho ống điếu luôn luôn/ chuyền ta trai trẻ, khói tuôn mịt mù/ Những khi vắng… điếu, mặc dù/ Ống bầu, cọng đủ khói mù tỏa ra/ Dù cho thiếu thốn chúng ta/ Chẳng vì chuyện nhỏ đòi ra Hà Thành. / Hiên ngang sống chốn cảng Gianh / Xa Trường Tam Điện đã có anh thuốc lào”

Da la quan tu - Ban cuĐúng là bài thơ một chàng nghiện dốc bầu tâm sự. Chính vì thế, khi nhận được thuốc lá từ Cảng Hà Nội gửi vào cho anh em, nhà thơ lại có ngay bài ký tên Thuốc Lào nhan đề  Gặp Bạn Cũ chứa chan tình cảm: “Nay gặp lại bạn Trường, Tam, Điện/ Lòng rộn vui quí mến biết bao/ Nhớ ngày kết nghĩa Thuốc Lào/ Cọng bầu, ống đủ quên sao nghĩa tình/ Hôm nay mình gặp mình rồi nhỉ/ Vừa hôn nhau vừa kể sự tình/ Năm nay ăn Tết Quảng Bình/ Xuân này đã có bạn mình hòa vui.

Tiến Lên còn có các bài phê phán thói hư lười biếng, tiêu xài hoang phí của anh em khi được lĩnh lương. Nhà thơ Sắn Xơ kể chuyện Tâm sự nàng chiếu: “Em là… cái chiếu cá nhân/ Cũng như các bạn, kết thân với người/ Chẳng may vớ phải anh lười/ Ba tháng không giặt, cuộc đời khổ đau/ Về đây vẫn ở với nhau/ Thấy anh chẳng ốm chẳng đau, chỉ Mot ngay toi - Ly luan caovờ/ Nghỉ làm. .. đánh tú lơ khơ/ Hoặc nằm hát láo, ngâm thơ… đĩ tình/ Suốt ngày em nặng trên mình/ Phải mang một gã lười mình chẳng ưa/ Ước gì anh ấy chịu chừa/ Giả đau giả ốm hòng lừa cấp trên/ Nhạc vàng, lãng mạn không nên/ Thì em có nặng, cũng quên nhọc nhằn”.

Bạn Văn Chăn lại có một bài Một ngày toi! : “Hôm nay giá rét quá trời ơi! / Bỗng nghe ai gọi đến tên tôi/ Sáng đông, mưa lạnh, trời gió bấc/ Đi làm? /Hay nghỉ??/Nghỉ đi thôi!! Xem ra thì cũng vô kỷ luật,/ Song nghỉ một hôm, chửa phải… tồi/ Ta giả vờ… đau, chơi và ngủ/ MỘT NGÀY TIỀN TUYẾN THẾ LÀ …TOI!!! Bạn Tiểu Nhân có bài thơ chẳng tiểu nhân chút nào, nhan đề Đã là quân tử: “Đã là “quân tử” phải hơn người/ Đã là “quân tử” biết cách chơi/ Làm lười nhưng lại ham ăn uống/ Da la quan tu - Ban cuĂn năm bảy bát mới đủ chơi/ Hết tiền “quân tử” đi văn mượn/ Hôm sau quân tử lại đi xơi/ Mời ông đi qua bà đi lại/ Ghé xem quân tử lạ trên đời”.

Lại có một truyện ngắn nhan đề Hai chú lớn và một cháu gái bé Quảng Bình của bạn Công nhân kể chuyện hai công nhân trẻ bàn nhau hôm sau được nghỉ sẽ dậy sớm dọn dẹp nhà cửa giúp nhà chủ để “dân vận”. Nhưng rồi trời đông giá rét, hai anh mấy lần định dậy nhưng lại lăn đùng ra ngủ lại! Đến lúc hai anh dậy được, ra sân giải quyết việc nhỏ buổi sáng thì thấy cháu gái mới học vỡ lòng mời anh chú vào nhà, bưng nồi sắn luộc nóng hổi mời hai chú ăn và nói: Mự cháu nhủ rứa! (Mẹ cháu bảo thế).

Hai chu lon va mot chau gai be

Gần Tết Kỷ Dậu 1969, chúng tôi nhận được một tin quá mừng: Ban giám đốc Cảng Hà Nội sẽ vào Quảng Bình thăm anh em thanh niên xung phong công tác ở Cảng Gianh. Cũng chính khi ấy, chúng tôi đang tập trung làm công tác tư tưởng bằng biện pháp tổng hợp nhằm mục tiêu là không thanh niên nào có ý nghĩ sẽ về Hà Nội ăn Tết với gia đình. Chúng tôi chia ba phân đoàn thành ba nhóm đặc nhiệm. Một nhóm chuyên lo trò chơi. Một nhóm lo tập luyện chương trình ca hát. Và nhóm cuối do chị Trịnh Thị Thành phụ trách quà thưởng trò chơi và bữa ăn ngày Tết. Ai cũng bận, đi làm về là lo việc của nhóm mình, thi đua với các nhóm bạn, còn đâu thời giờ mà buồn, nhớ nhà. Chúng tôi còn chia nhau đi thăm, trò chuyện với các bạn gái, đương tuổi mới lớn, hay buồn vẩn vơ. Tôi và Phạm Văn Cường ở cùng nhà đi thăm nhà có bạn gái nhỏ mới bị bỏng khi nấu cơm, lỡ hắt xăng vào củi ướt để nhóm lửa. Đúng lúc em đang đăm đăm nhìn bếp lửa. Em bảo: Sao lửa bếp này giống lửa bếp nhà em quá. Tôi biết cô sắp khóc, mà con gái khóc thì hay lây, rồi cả nhóm sẽ ôm nhau khóc. Vội kể chuyện vui: đi binh trạm về, gặp mấy cô thanh niên xung phong ngồi nghỉ bên bờ biển, mắt đỏ hoe. Các cô đi lấy thịt về cho đơn vị ăn Tết, nghĩ đến Tết lại nhớ nhà. Tôi kể chúng tôi cũng có nhiều cô gái, mà đi từ Hà Nội. Tết này chúng tôi được phân phối mỗi đầu người được có một lạng thịt lợn, đâu có nhiều mà gánh mỏi vai, nặng đến phát khóc như các cô thế này. Mà con gái Hà Nội cả đấy. Các cô cười tôi mới đi. Tuy vậy, bận mấy cũng phải có số Tết Tiến Lên chớ, chào đón giám đốc cơ mà.

Cuối cùng Tiến Lên số Tết cũng ra đời với tranh to hai bên khung liếp dán báo.  Bên trái là: Năm Dậu đọc một bài thơ về con gà. Tranh vẽ trang sách mở ghi Hồ Chí Minh – Nhật ký trong tù và bên trang kia là bài thơ Tiếng gà gáy: “Mi tuy chỉ một giống gà thường/ Báo sáng ngày ngày tiếng gáy vang/ Một tiếng năm châu bừng tỉnh giấc/ Công mi đâu có phải là thường – Hồ Chí Minh”. Phía dưới là những hàng chữ to: “Mừng Xuân mới B ta phấn khởi đón đoàn đại biểu Cảng Hà Nội (viết chữ đỏ) thân yêu vào thăm, chúc ta năm mới giành càng nhiều thắng lợi”. Tranh to bên phải vẽ một chú gà trống to đang mổ… chú Sam và tay sai với lời ca “Cúc cu cúc cu… / Chú gà Kỷ Dậu / Mổ Mỹ vỡ đầu/ Mổ ngụy bể sọ/ Coi Mỹ như sâu/ Coi ngụy như bọ/ Cất tiếng gáy to/ Chúc mừng năm mới (chữ đỏ) / Chào mừng thắng lợi! / Nam – Bắc vui tươi/ nước nhà thống nhất (Chữ đỏ)/ vui thật là vui / cúc cu cúc cu…” Còn hai câu đối viết: Hà Nội (chữ đỏ) Bạn mừng xuân đạt thành tích lớn” và đối lại là: “Quảng Bình (chữ đỏ) Tôi vui Tết lập chiến công to”. Ngang đầu khung báo là khẩu hiệu: Kính chúc Bác Hồ sống lâu muôn tuổi. Ngay dưới là ảnh Hồ Chủ tịch ngồi và bài thơ chúc Tết của Người Xuân 1969: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên chiến sĩ đồng bào!/ Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Ngay dưới là Thiếp chúc mừng năm mới của Tiến Lên kèm bài thơ

Năm nay ăn Tết Quảng Bình/ Sống trong một đại gia đình công nhân/ Dù xa cha mẹ người thân/ Chia vui đã có nhân dân vui cùng/ Ngọt bùi ta sẽ hưởng chung/ Vui xuân ở đất anh hùng Cảng Gianh/ Cố lên các chị các anh/ Quyết tâm mọi mặt lập thành tích chung/ Quyết tâm đánh Mỹ đến cùng/ Bắc – Nam sum họp ta cùng thưởng xuân. Bài này không ghi tên tác giả, có lẽ Bùi Lê Nghiên làm thay mặt báo thôi. Cũng còn một bài thơ nữa, không rõ ai viết, nhan đề Chú gà Kỷ Dậu: “Chào mừng Xuân Kỷ Dậu / Chiến thắng lớn mở đầu / Như tiếng gà gáy vang/ Bình minh chẳng còn lâu / Chú gà Kỷ Dậu ơi!/ Ta yêu chú nhất đời/ Vì chú sẽ đem tới/ Niềm vui khắp nơi nơi/ Chú gà Kỷ Dậu ơi! / Hãy tin ở chúng tôi: / Người công nhân bốc dỡ / Vai vác cả đất trời! / Lòng hân hoan phấn khởi/ Giành xuân mới vui tươi/ Người người đều quyết tâm/ Hướng tiền phương xốc tới…/ Chú gà Kỷ Dậu ơi!/ Hãy cất cao tiếng gáy/ Vui vỡ đất, nổ trời!/ Mừng thắng lợi/ hôm nay!

Chuc mung nam moi bao tuong Quang Binh

Tất nhiên, cái đinh của báo Tết luôn là báo cáo của Táo quân. Tiến Lên số Tết cũng có táo quân, nhưng lại có những hai táo: Táo Bắc và Táo Nam. Cả hai đều lên báo cáo Ngọc Hoàng. Mở đầu là “Hai táo: báo cáo, báo cáo/  Chúng thần là táo/ Lên báo Ngọc Hoàng/ Ở dưới trần gian/ Thi đua ghê quá/ Táo Bắc khen Nông nghiệp, công nghiệp đều tiền mạnh, rồi đến: “Công tác vận tải/ Lại tiến càng xa/ Chính năm vừa qua/ Lấy đầ tiến mạnh/ Dù cho Mỹ đánh/ Lại càng tiến nhanh/ Trên đất cảng Gianh/ Năm nay đại thắng/ Thắng đủ các mặt/ Xe đủ người nhiều/ Tầu về bao nhiêu/ Đều bốc xếp gọn/ Họ còn lựa chọn/ Một đoàn cảng sông (là đoàn ĐS5 gồm cảng sông 5 tỉnh Hà Nội, Hà Bắc, Tuyên Quang, Nam Định, Hải Dương – PT chú)/ Họ làm thật không/ đoàn nào theo kịp/ Thần báo cáo tiếp/ Tất cả nhân dân/ Đều đã góp phần/ Làm tròn kế hoạch.

Ngọc Hoàng: Miền Bắc rõ thật/ Anh dũng kiên cường/ Còn miền Nam đó/ Nói cho ta rõ/ Chống Mỹ thế nào/ Táo Nam : Đầu năm bước vào/ Đã nhiều thắng lớn/ Giặc Mỹ khốn đốn (…) Miền Nam nhất định/ Đánh cho Mỹ về/ Đã quyết tâm thế./ Đồng lòng giải phóng/ Nhân dân muốn chóng/ Thống nhất nước nhà/ Bắc – Nam đoàn tụ. Ngọc Hoàng: Nói thế là đủ/ Ta hiểu rõ rồi/ Cho các thần lui/ Về thăm dân chúng. Hai táo. Các thần xin lui/ Trở về hạ giới”

Tết Kỷ Dậu ấy chúng tôi thật vui. Để tránh cho các bạn khỏi chứng kiến cảnh xum họp gia đình và cỗ bàn của bà con, chúng tôi tổ chức thi ca hát, nam nữ đối đáp suốt tối 30. Sáng sớm mồng một lại kéo nhau ra bờ sông Gianh chơi kéo co, cướp cờ, còn có tiết mục đặc biệt đập vỡ đầu Mỹ bịt mắt cầm gậy đập vào cái đầu mắt xanh mũi lõ lưỡi lè dài làm bằng củ cuối to do tổ 1 kỳ công tạo nên. Thấy vui, thanh niên, chủ yếu là nữ, Quảng Bình cũng tham gia. Hết kẹo thưởng, chị Thành phụ trách việc này nói anh em nhường cho bạn, mình người nhà lĩnh thưởng sau (?!) ai cũng vui. Các cô gái Quảng Bình vừa  được chơi vừa được thưởng kẹo. Anh em ta thì tự hào là người Tràng An đúng là thanh lịch, biết nhường nhịn.

Sau Tết mấy hôm đoàn Hà Nội mới vào, dẫn đầu chỉ là trưởng phòng tổ chức Mai Văn Sính thay mặt đảng ủy, ban giám đốc, công đoàn. Quà cáp không ít, vừa của cảng, của đội I, đội 3 và gia đình. Đáng tiếc là bánh chưng tuy to, nghe nói là ngon vì rất nhiều thịt, mỗi người được hẳn một cái, nhưng vì trời nóng quá, đi đường xa, thiu hết, không ăn được. Dù sao quà và thư nhà cũng làm chúng tôi vui rồi. Tiến Lên lại được giải nhất năm tỉnh.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/7/2021,

đợt 4 giãn cách Covid-19 cách ly nghiêm ngặt nhất.

P.T.

Advertisement

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

%d người thích bài này: