Pham Ton’s Blog

Tháng Ba 26, 2023

Hai ông anh họ

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 8:18 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười lăm, kỳ 1 tháng 4 năm 2023.

Hai ông anh họ

Phạm Tôn- Tôn Thất Thành

Bố tôi là trưởng nam. Trên bố là hai bà chị. Một lấy chồng thuộc dòng họ danh giá xứ Huế: họ Nguyễn Khoa, làm chức như trưởng làng ngày xưa, ở Huế gọi là ông hường. Bà em lấy chồng họ Đỗ, làm kiểm lâm.

Mẹ tôi hay cưu mang, cho nên sống trong gia đình tôi thường có những bà con cơ nhỡ. Một hôm

có một thanh niên cao gầy, giữa hai chân mày có xâm kim, theo lệ ở Huế khi bị nhức đầu hoặc cảm thì lể máu ra sẽ đỡ. Rồi mẹ tôi bảo: anh là Nguyễn Khoa T. con chị cả của bố, ra ở nhà ta học đại học sư phạm. Đó là theo lời anh tự giới thiệu, không có thư từ của ai giới thiệu hết. Gia đình thu xếp cho anh một giường ngủ riêng cạnh tường, đi học về anh đều lên giường đọc một xấp những bài giảng triết học của Lêônchiép, chia thành từng tay sách mỏng. Anh rất ít nói. Thỉnh thoảng chỉ có tôi nói chuyện với anh.

Một lần tôi hỏi mẹ sao lại nhận anh ở nhà mình, mẹ có biết gì về anh không. Mẹ bảo chỉ biết hồi vào Huế ở chơi nhà ông nội, thấy vợ chồng bác cả đến thăm có đưa anh theo. Bác hường sinh hai con gái rồi mới sinh được anh nên quí lắm. Khi đến nhà ông, anh đeo lục lạc bạc ở chân, gầy gò, ốm yếu.

Anh lặng lẽ ở nhà tôi, mùa nghỉ hè thì theo tổ chức của Thành đoàn đi lao động ở nông trường Đồng Giao của quân đội mới mở. Học hết hai năm, anh tốt nghiệp rồi đi làm. Có lần tôi nhờ anh mang hai đòn bánh tét nhà nấu đến tặng một bạn cùng chi đoàn 10 tôi biết năm ấy không nấu bánh chưng. Bạn cảm động nói với các bạn lớp 10C Chu Văn An là được một anh bộ đội miền Nam đến tặng giữa lúc trời mưa. Chuyện ấy tôi đưa lên báo tường số Tết Bình Minh chi đoàn.

Tôi chỉ nhớ về anh có thế. Vì sau khi ra trường, anh không về nhà tôi lần nào. Nhưng có một lần viết cho tôi một bức thư chi chít chữ kín bốn mặt giấy 5 hào 2 một xấp, tương tự giấy A4. Anh chọn gửi cho tôi, vì tôi là người trong nhà anh cho là duy nhất có thể hiểu được anh. Một người có nhiều nỗi khổ! Chiến tranh, đất nước chia cắt, chị em anh lưu lạc đến Quảng Bình theo kháng chiến, cố gắng học rồi thi đỗ vào đại học sư phạm. Sống ở nhà tôi, anh hết sức tiết kiệm, không dám đòi hỏi gì. Nhưng tốt nghiệp xong lại bị phân công đi dạy học ngay. Rồi gặp một cô và lấy làm vợ. Có vợ rồi lại có con phải lo nuôi con. Con này chưa lớn lại có con nữa. Lại phải nuôi, rất khổ cực, không dám nhờ vả ai. Anh còn kể nhiều nỗi khổ nữa cho nên mới viết kín bốn trang A4. Nhưng đều là những nỗi khổ tương tự như trên, tôi không muốn làm bạn đọc chán.

Nhưng may mắn, bên nội tôi còn một ông anh nữa là con ông kiểm lâm họ Đỗ. Anh Đỗ Hữu Thức bằng tuổi anh Đại tôi, cũng sinh

tháng 1 năm 1937, chỉ sau 10 ngày. Vóc người cũng nhỏ nhắn, khuôn mặt hao hao giống anh tôi nữa. Anh từ Quảng Bình ra học Đại học ngân hàng Hà Nội (khóa 1971-1975). Tôi còn nhớ lần đầu anh tới gia đình. Anh trắng trẻo mặc sơ mi trắng cổ bẻ ra ngoài áo len dài tay màu xanh nước biển, rất chỉnh tề. Anh sống nội trú trong trường, chỉ chủ nhật ngày lễ mới ra chơi, ăn với gia đình một bữa rồi lại về trường. Bao giờ cũng chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng.

Sau khi miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, hai ông anh họ tôi đều về Huế, người làm ngành giáo dục, người làm ngành ngân hàng. Tháng 9 năm 1975 tôi cũng được vào Sài Gòn bằng chuyến tàu liên vận-xe tải đến Đà Nẵng thì chấm dứt. Đêm đầu ở Đà Nẵng chúng tôi ngủ tại nhà chị một bạn trong đoàn ở Hòa Vang. Hôm sau gia đình chị mượn cho xe đạp và chỉ đường vào khu trung tâm. Tôi và ba bạn cùng đi đến 43 Đinh Tiên Hoàng là nhà vợ chồng cô Tôn Nữ Thị Vinh và dượng Trần Hữu Cầm. Được cô dượng và các em gái cho ăn một bữa hải sản ngon tuyệt, bia bọt uống thả giàn. Ăn xong, tôi chia tay các bạn và hẹn tối sẽ về Hòa Vang để hôm sau lên xe đi Sài Gòn sớm.

Cô Vinh chăm tôi hồi mới sinh, cho nên cô cứ cười mà nhìn tôi mãi. Cóc Thành của cô ngày nào mà nay đã lớn thế này. Hồi nhỏ, cháu cứ ngồi như con cóc vì đầu to, nặng, phải chống hai tay ra trước mặt, trông rất buồn cười. Mới giải phóng, gia đình cô có nhiều điều cần biết về chế độ mới, nhất là gia đình có một con rể dạy học văn hóa trong quân đội cộng hòa nay vẫn phải đi học tập xa gia đình. Cô giúi cho tôi một cuộn tiền bảo con không biết chứ vào Sài Gòn không có tiền là không sống được đâu. Nhà có mấy cái xe đạp, con ưng cái nào thì lấy cái đó. Dượng nói đầu đường nhiều người còn vứt cả xe gắn máy, giữ nhiều xe ở nhà sợ bị quy này nọ. Đang trò chuyện thì có người ở phường đến bảo khai trình độ văn hóa. Ai giỏi thì đi dạy, ai

chưa biết thì đi học. Chỉ thế thôi cũng làm cả nhà hoảng hốt. Tôi đưa quà mứt sen mẹ tôi gửi tặng, cô dượng cười con đến nhà là tốt rồi quà cáp mà làm gì. Tôi từ chối nhận tiền và xe, còn nói chúng cháu đã có cơ quan lo. Chính cô dượng và các em sau này mới cần nhiều đấy.

Đang trò chuyện thân tình thì có người đến. Vừa vào nhà đã lớn tiếng hỏi ngay: chiếc xe honda tôi nhờ cô dượng mua hộ đã mua được chưa, tôi còn phải đem về Huế ngay, xe ô tô đang chờ dạo này tôi bận lắm! Chợt thấy cả nhà đang vây quanh một khách hỏi han chuyện gì đó chăm chú lắm, chẳng ai để ý lời mình vừa hỏi. Anh vào buồng trong và nhận ra tôi. Anh bảo anh cần gặp em, anh phải nói cho em rõ…Tôi nói ngay: bây giờ gia đình cô dượng đang muốn hỏi em nhiều điều, mà em sắp phải về điểm hẹn để mai đi Sài Gòn rồi. Em với anh thì mọi chuyện rõ rồi, còn gì nói nữa. Anh bảo: Nhưng anh vẫn phải nói cho em rõ anh có nỗi khổ riêng

Từ đấy, tôi không gặp anh lần nào nữa. Sau đó ít lâu biết tin anh lên làm phó chánh thanh tra sở Giáo dục Thừa Thiên-Huế, anh bảo bà chị thứ hai nên dọn đi nơi khác đừng ở cùng nhà bố mẹ để lại nữa, vì đã làm lớn là đông khách đến nhà, khổ lắm. Rồi nghe tin anh chết.

Còn ông anh họ Đỗ thì càng ngày chúng tôi càng gắn bó với nhau hơn, dù chỉ là qua thư từ và điện thoại, nhất là qua màn hình Zalo.

Cô bảy Tôn Nữ Thị Lợi là em bố tôi. Do đất nước chia cắt đúng lúc bà đi chợ xa mua hàng bên bờ Bắc sông Bến Hải. Nên bà lưu

lạc trên đất Bắc rồi cuối cùng tìm được đến mẹ tôi và sống với chúng tôi ngót 18 năm trời cho đến ngày thống nhất đất nước bà mới về lại Huế gặp lại con gái Lê Thị Như Ý và mấy con của vợ sau chồng. Tháng 2/1982 cô Bảy mất, tôi đang về Hà Nội họp, không nhận được thư em gái và chồng gửi về thành phố Hồ Chí Minh từ khi cô bị bệnh. Tôi biết tin là do chú Lê Xuân Vượng bạn ở cùng phòng nhận được điện anh Đỗ Hữu Thức báo tin cô mất đã đánh têlêc về tòa soạn báo Nhân Dân nhờ chuyển về 16 Hàng Da cho tôi. Tôi và chị dâu, em trai có thể gửi thư chia buồn và tiền viếng về Huế, nhờ anh Quốc Vinh hồi ấy là phóng viên thường trú của báo ở Huế đưa đến tận

nhà số 7 Hồ Xuân Hương

Sau này, em rể tôi bị u não hiểm nghèo, nghe nói bệnh viện trung ương Huế có cách mổ mới bằng dao gamma rất hiệu quả, tôi nhắn hỏi anh. Anh đã rất tận tình gửi ngay cho những chỉ dẫn cần thiết. Sau này, tôi lập Blog PhamTon, biết anh cũng có Zalo, tôi chyển cho anh đều đặn và nhận được phản hồi chia sẻ chân tình. Cho đến một hôm anh nhắn tin nói là dạo này mắt kèm nhèm, chữ nhỏ trên điện thoại không đọc được, mong thông cảm. Tôi nhắn lại: em bao giờ cũng giữ những kỷ niệm hình ảnh tốt đẹp về anh. Anh nhắn lại: Cảm ơn Thành Chúng mình càng về già càng hiểu và thương nhau nhiều.

Chúng tôi còn nhiều liên hệ khác, như có lần anh gửi một hình ba cái bình to, trên có ba chữ nho, hỏi có ai biết là chữ gì xin cho biết. Tôi nhắn lại: Đó là ba chữ Quan, Trương, Lưu tên ba nhân vật chính của Tam Quốc chí diễn nghĩa. Anh bảo: Cám ơn Thành, ngoài Thành ra không ai trả lời cả.

Một lần tôi hỏi: Anh nhận được tiền Hương khói Tổ tiên chưa? Anh trả lời: nhận được rồi. Cảm ơn Thành. Tôi nhắn lại: Chính em phải cám ơn anh chị và các cháu mới đúng vì đã giúp em giữ được đạo Hiếu. Quỹ Nhang khói Tổ tiên là do các cháu cụ Tôn Thất Cung là ông nội tôi, lập ra để lo việc tu sửa và cúng tổ tiên tại Huế. Chúng tôi là cháu nội mà tất cả phải trông cậy vào anh và gia đình ở Huế lo giùm. Có những công việc to lớn như di dời mộ cụ cố Tôn Thất Thụy, mộ ông nội và nhiều mộ khác, đều do anh và gia đình lo. Anh em chúng tôi ở xa, chỉ biết gửi tiền, khi xây cất xong, anh báo anh em tôi ngoài Hà Nội mới vào khánh thành. Tôi ốm đau suốt không dự được lần nào.

Rồi vui buồn gì anh và tôi cũng chia sẻ cho nhau. Tết năm 2021, anh gửi cho tôi bộ ảnh cả nhà mặc quốc phục thật đẹp. Anh chị có ba con năm cháu nội hai cháu ngoại, ba chắt ngoại.

Ngày 10/10/2022, anh gửi ảnh buổi mừng thọ bà Lý Thục Quyên 79 tuổi. Tôi gửi lời: Chúc mừng chị và cả gia đình Thức + Quyên hạnh phúc. Anh cảm ơn.

Ngày 22 và 23/10/2022 gia đình em Tôn Thất Thân và Vũ Thị Trang cùng hai con về viếng mộ các cụ bên nội. Tôi nhắn tin: Anh lại vất vả… thì anh nhắn lại: Anh em bà con gặp nhau là mừng lắm, không có gì vất vả cả.

Sau đó tôi gọi mấy lần, không thấy anh bắt máy. Mãi mới có tin nhắn: Tôi đang điều trị ở bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế, phòng 603 tầng 6 từ ngày 27/12/2022. Vào viện mới thấy các cụ đau bệnh tim mạch nhiều lắm. Già rồi, như chiếc xe chạy hơn tám chục năm, các bộ phận đều rơ cả rồi. Nhưng hư đâu thì sửa đó. Tôi vào viện vừa kịp lúc mạch vành chỉ còn thông 1%!

Tôi nhắn lại: Ngay trước sinh nhật mà thoát chết trong gang tấc thì còn thêm vài chục năm nữa, anh em ta ráng sống ngoài trăm tuổi xem cuộc đời tiến lên thế nào. Tin rằng con cháu chắt sẽ không khổ như anh em ta. Anh đáp: Cám ơn Thành! Cảm ơn Trời Phật! Mình thật là may mắn, và hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Thành.

10:10 sáng nay 16/3, đang viết bài này thì nhận tin nhắn của anh: Tôi ra viện được gần ba tháng rồi, nhưng người không được khỏe. Có lẽ còn một vài động mạch nữa bị kẹt, lại phải đi khám để chữa tiếp.

Cầu mong anh thực hiện được lời cam kết của hai anh em sống dư trăm tuổi để thấy con cháu chắt sống sung sướng hạnh phúc hơn ông bà thật nhiều.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/3/2023.

PT.TTT

Advertisement

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.

%d người thích bài này: