Blog PhamTon năm thứ mười lăm, kỳ 1 tháng 6 năm 2023.
Thống chế KUTUZỐP và …. Tôi
Phạm Tôn – Tôn Thất Thành
Cái nhan đề bài này thật kỳ lạ… Chỉ những người quái dị, không bình thường, đầu óc đầy ảo tưởng, như ngáo ma túy đá mới nghĩ ra được. Thật tiếc là chính tôi đã nghĩ như thế, lại không thuộc những loại người vừa kể. Mà còn càng ngày càng nghĩ như thế. Xem ra tôi có nét gì đó giống như Kutuzốp. Tôi thành thật nghĩ và trình bày thẳng thắn với các bạn như vậy…
Kutuzốp sinh năm 1745, tháng 8 năm 1812 được phong thống chế, tổng tư lệnh quân đội Nga trái với ý muốn của Nga hoàng.
Vì năm 1812 ấy, Napôlêông I sau khi nổi tiếng là người cách mạng giải phóng nước Pháp đã đem quân đi giải phóng một loạt nước châu Âu, đánh đâu thắng đó, đến mức tự tin là mình là người hiện thân cho chiến thắng, cho cái chân thiện mỹ của nhân loại, đã tự xưng hoàng đế nước Pháp có sứ mệnh khai hóa thế giới, nên chính năm 1812 ấy, Hoàng đế Napôlêông đã cầm đầu 600 nghìn quân ồ ạt xâm chiếm nước Nga rộng lớn.
Trước thế giặc tiến quân như vũ bão, các tướng lĩnh quân đội đã bất tuân ý chỉ Vua Nga, bầu Kutuzốp làm người lãnh đạo toàn quân. Mặc dù khi ấy ông đã 67 tuổi, chột mắt, mắt còn lại cũng mờ mờ, lại bị tê thấp nặng, toàn thân mệt mỏi, hay ngủ gật.
Dưới quyền của Thống chế tổng tư lệnh là muôn ngàn binh sĩ quân đội Nga và hàng triệu người dân yêu nước tự nguyện ra chiến trường chống quân xâm lược. Còn tôi (…) Từ năm 1978 xung phong tự nguyện cưới cô Tấm Lê Thị Đông qua một lá thư viết vội, đến năm 1983 có một con trai, rồi 2010 thêm một con dâu, 2011 có đích tôn, 2015 có thêm một cháu nội trai nữa. Cho đến 2015, tôi có một vợ, một con trai, một con dâu và hai cháu nội. Tất cả chỉ có 6 người.
Vậy mà để giữ cho cuộc sống gia đình vui vẻ hạnh phúc vận hành yên ổn trơn chu, tôi không thể không học Kutuzốp.
Ông nổi tiếng là vị tướng lắc, gật và … ngủ gật. Gần như không làm gì cả, không ra lệnh gì cả, nhưng nghe kỹ tất cả để biết tất cả, thấu hiểu tất cả. Nổi tiếng nhất là vụ ông ngủ gật giữa cuộc tranh luận sôi nổi, quyết liệt của các tướng lĩnh Nga, nhất là những vị tướng bản thân là quý tộc bàn về việc nên giữ hay nên bỏ Maxcơva khi quân xâm lược Napôlêông đang áp sát Thủ đô. Sau một tiếng ngáy to, làm tất cả hội nghị hốt hoảng thì ông nặng nề đứng dậy và tuyên bố lệnh rút quân khỏi Thủ đô, trong lúc ngọn lửa bắt đầu cháy ở nhiều khu phố Thủ đô và phát động chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Rồi khi trận Bôrôđinô ở vào thời điểm quyết định, ông cau mày quát lên, đứng phắt dậy khi nghe Vônxôghen phái viên của tướng Barclay báo cáo: quân đội ta hoàn toàn rối loạn… ông vừa sặc vừa quát: Thưa ông… sao ông dám nói như vậy với tôi? Ông không biết gì hết. Ông hãy nói hộ với tướng Barclay rằng những tin tức của ông ta đều sai lạc, và tôi, tổng tư lệnh, tôi biết rõ tiến trình thật sự của trận đánh hơn ông ta. (theo Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tônxtôi)
Tôi cố gắng hiểu kỹ từng người trong nhà. Tất nhiên trước hết là hiểu bản thân mình. Tôi biết, đã 83 tuổi rồi, lại bị tiểu đường cái bệnh lôi thôi đeo đẳng suốt đời đòi hỏi đừng bao giờ không giữ đúng giờ giấc ăn uống, đúng giờ giấc uống, tiêm (chích) từng thứ thuốc, đường máu lên cao quá thì chết, xuống thấp quá cũng chết, cứ cầu treo lắc lẻo gập ghềnh khó đi như thế mà đi. Nhưng nó không xảo trá như cái bệnh thứ hai tôi mắc là ung thư. Đã bị ung thư thì đừng bao giờ nghĩ là chữa rồi khỏi rồi. Mà nên nghĩ là đang được yên ổn sau mổ và thuốc thang thì nên làm ngay những gì thấy cần làm trong đời, đừng chần chừ, chờ đợi. Tôi có một người cô, bằng tuổi em trai tôi sinh 1943 nhưng tuổi Ngọ, bị ung thư lần đầu đúng năm tôi cưới 1978. Đến nay bà đã bị đủ bốn loại ung thư và vẫn sống vui vẻ vì được làm những việc mình ưa thích và được mọi người quí mến.
Mọi việc nhà, tôi đã giao cả cho con trai kém tôi 43 tuổi. Khi nào cần làm việc gì tôi chỉ nói cần làm việc ấy mà không nói cách làm. Vì đã mấy lần tôi biết kinh nghiệm của mình là dùng ở một thời khốn khó, bây giờ đã có nhiều cách làm mới, vật liệu mới. Việc nhà, mỗi người mỗi việc. Con dâu làm đồ ăn cho tôi, còn cơm thì tôi nấu lấy bằng gạo dùng cho người bệnh tiểu đường. Món nào thấy khó ăn thì góp ý, hoặc dặn đừng làm món ấy nữa nếu thấy góp ý không có kết quả. Món nào ăn được thì khen ngay, tất nhiên là qua email vì con dâu mà tôi quen gọi là con gái chín giờ sáng đi làm cho đến 19 giờ, có khi 21 giờ mới về. Còn hai thằng cháu nội mỗi thằng một tính. Tôi cứ lựa theo tính từng đứa mà dạy. Thằng anh 12 tuổi to khỏe nhưng chậm hiểu. Cháu làm tốt những việc đã được định rõ, bắt suy nghĩ là rối. Thằng em tám tuổi thì thích tự làm theo ý mình, không muốn ai kèm cặp. Khi không hiểu thì hỏi, mà đã hỏi là hỏi đến nơi. Một hôm tôi đang ăn cơm riêng thì nó đến cạnh, hai tay đã đeo găng tay cao su mỗi tay một màu, cháu nói: hôm nay cháu muốn rửa bát (Đây là việc của anh cháu) ông chỉ cho cháu đi. Tôi buông đũa bát, vừa nhai vừa theo cháu đến chỗ rửa bát. Tôi bày cho cháu thật bài bản, thế là cháu làm rất khéo. Tối hôm sau, ăn cơm chiều xong, thấy cháu gọi anh, bàn bạc với anh, rồi hai anh em ngồi cạnh nhau, cùng rửa bát theo dây chuyền. Anh sát xà phòng (bông) cọ rửa, em tráng sạch rồi cho vào rổ. Xong việc, anh khỏe bê rổ bát to ra sân. Hoàn toàn chỉ hai anh em vui vẻ làm với nhau rất nhanh, rồi cùng lên buồng gia đình chúng học bài. Ngoài việc học, chơi và làm việc vừa sức, hai cháu còn vui vẻ làm giao liên cho ông và bố. Chả là tôi có ra một blog cá nhân từ năm 2009. Trước ra hằng ngày, sau hằng tuần, và nay thì nửa tháng. Tôi viết và chọn bài trên sách báo để đưa con trai lên vi tính. Có bài in ra là hai anh em tranh nhau đưa cho ông. Ông sửa xong lại đưa bố. Khi đưa cho tôi đứa nào cũng nói: đưa ông cái mà ông thích nhất đây. Thằng anh thì bảo em ông viết lịch sử nhà mình. Thỉnh thoảng có bài nào vừa lứa tuổi, tôi cũng báo cháu lớn đọc. Cháu rất thích những chuyện về ông và bố hồi nhỏ. Con tôi còn kể: một hôm con bảo cháu bé: con chưa biết tay bố đâu nhé bố cũng là siêu nhân đấy thì nó nói ngay, bố đừng xạo, chuyện gì của bố hồi bé con cũng biết hết. Ông kể cho con rồi. Thật tình hai bố con tôi chẳng hiểu nó nói chuyện gì. Thằng bé lắm chiêu!
Tôi nghiệm ra những người ta ít hiểu biết tâm tư tình cảm nỗi niềm nhất thường lại chính là những người gần gũi ta nhất: anh em, vợ chồng con .
Năm nay Quý Mão (2023) Đội sáu người ông bà, cha mẹ, hai con lẻ một rồi. Từ ngày 10 tháng 7 năm Nhâm Dần (2022) cô Tấm của tôi, mẹ của con tôi, bà nội của hai cháu tôi đã về Trời để lại bao thương nhớ cho chúng tôi. Trước đó chín năm, năm 2013, sau nhiều lần ngã vô lý, đập đầu chảy máu, vợ tôi được chính thức xác nhận là bị parkinxơn. Rồi nằm liệt. Bà nằm rồi, những việc bà làm hằng ngày năm chúng tôi chia nhau làm. Bấy giờ mới thấy những việc bà lặng lẽ làm hằng ngày nhiều vô kể. Được mươi hôm thì cháu nội lớn lo nấu cơm, mở xô gạo ra mới thấy chỉ còn một nắm. Bây giờ, nếp sống đổi khác, trong nhà ai cũng là người được phục vụ/hầu, ai cũng là người hầu/phục vụ người khác. Tôi bị bệnh kiêng bò, gà, trứng, toàn bộ hải sản, đến nước mắm thứ thiệt cá cơm Biển Đông cũng không được ăn, rong biển ăn vào là nổi mẩn. Tôi ăn riêng do đích tôn lo dọn cơm cho tôi. Đũa tôi cũng dùng đữa riêng, ăn xong tự rửa. Đích tôn cũng là phụ tá của mẹ trong nấu nướng món ăn và thổi cơm cho bốn người. Bưng thức ăn và bát đĩa do hai anh em cháu nội lo. Bữa sáng của ông nội do con trai đảm nhiệm tự làm hoặc mua. Hôm ăn bánh cuốn (ướt) với năm miếng chả quế thì tôi dành ra hai miếng to nhất cho hai cháu. Tôi tự tìm thêm việc cho mình ngoài việc viết lịch sử nhà mình. Cuối cùng cũng tìm ra. Con cháu bận rộn lo làm nhiệm vụ nên có khi quên tắt điện các bếp, nồi nấu này nọ hoặc quên tắt đèn khi xong việc thì tôi tắt. Quên đậy nắp hộp đường, bột ngọt, chai nước mắm, nước tương thì tôi đậy. Rác xả ra khi chế biến thức ăn tiện tay vứt lung tung thì tôi cho vào sọt rác. Dao kéo thớt dùng rồi tôi rửa và để đúng chỗ thường để. Keo bẫy chuột chưa dùng thì chất vào ngăn riêng báo ngay cho con trai biết, bản keo đã dùng thì bỏ sọt rác. Xem xét kỹ các vòi nước đã khóa hết chưa. Tóm lại là hoàn thiện những việc làm của con cháu. Cất các đồ vật tiện đâu bỏ đấy, nhiều nhất là đồ chơi của cháu nội bé, để khi người cần thì chỉ chỗ để khỏi mất công tìm. Nhất là giày dép, khăn quàng đỏ của hai cháu thường cần rất gấp trước khi đi học. Thời gian làm những việc nhỏ nhặt ấy coi như để thư giãn trước khi viết lịch sử nhà mình. Tôi biết, việc chẳng lớn lao gì nhưng chỉ mình tôi làm được ngoài tôi không ai biết được những sự việc ấy. Dù có là người tận mắt chứng kiến, tận tai nghe, thì như nhà thơ, nhà báo esperantisto Đào Anh Kha từng nhận xét: Tôi có cái nhìn khác, không giống ai hết, nhìn thấy những cái ít người nhìn thấy. Việc chính của đời tôi trong những năm sống thêm này là làm sáng rõ cuộc đời và sự nghiệp của Ông Ngoại kính yêu từng bị chôn vùi và đẩy vào quên lãng thời gian qua.
Trở lại chuyện Kutuzốp, sau thắng lợi vĩ đại ở Bôrôđinô quét sạch quân xâm lược ra khỏi cõi bờ, vua Nga lớn tiếng ca ngợi và ban trọng thưởng lại giao cho sứ mệnh mới: tiến ra nước ngoài, diệt địch tận sào huyệt là nước Pháp. Kutuzốp chỉ muốn bảo vệ Tổ quốc Nga. Nhưng vẫn phải tuân lệnh vua. Ông bị bệnh và chết trên đường ra trận năm 1813, gần như ngay sau trận đại thắng Napôlêông, quét sạch quân xâm lược.
Tôi mừng vì được sống trong thời đại dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh. Càng mừng cho mình, càng nhớ thương kính trọng Kutuzốp.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/5/2023.
PT.TTT
Trả lời