Blog PhamTon năm thứ mười bốn, kỳ 2 tháng 6 năm 2022.
Chuyện một người cháu ngoại
GIÃ TỪ CẢNG THÂN YÊU
- Sông Hồng dậy sóng- 1971
Tôi bắt đầu năm 1971 chứa chan hy vọng tự tin, quyết tâm, lòng vui phơi phới. Dậy từ 5 giờ đưa em Nhàn và cháu Hải con em ra bến xe đi Nông trường Mộc Châu. Những bến xe bến tàu con phà… bao giờ cũng gợi nơi mình những khát vọng được đi xa, được nhìn nghe ghi nhớ nhiều điều mới lạ. Cũng là dịp để cảm thấy bản thân dốt nát lạ thường, dốt nát toàn diện, những điều không biết, chưa hiểu rõ còn nhiều vô hạn, chẳng mong gì giỏi giang, chỉ mong bớt dốt tí nào hay tí ấy.
Thế mà bao giờ cũng mong có ngày cầm bút viết lách.
May mà bên mình còn có những bạn cùng chí hướng. Ngô Tiến Thái bạn mới rời cảng đi bộ đội, và vẫn làm thơ gửi về cho mình. Cô bạn nhỏ mê sách ở báo Tiền Phong. Chiều ngày đầu năm Tây, mình đến thăm cô, mang theo cuốn họa báo Liên Xô có bài và ảnh nhà thơ Étxênhin. Cô bạn nhỏ thích lắm. Nhưng chỉ cho xem, vì là báo mượn. Cô bạn thích quá, đọc ngay, còn nói là rất thích thơ Block, đọc mấy câu thơ dịch của Block lại còn thích cả Đôxtôiépxki. Tối, mình đem tranh Đốt, Block và cả ảnh Étxênhin do chủ tờ họa báo cắt cho. Tiếc là không gặp, đành gửi cô bạn cùng buồng. Thế là mình có tổ ba người một nhà thơ, một phóng viên và mình đều say mê văn học nghệ thuật, muốn hiến cả đời cho sự nghiệp đó.
Mình treo trước mặt bàn làm việc ở nhà bức tranh do Giucốp vẽ: Ăngghen nằm ngả trên giường, đầu gối cao, tay phải cầm bút, tay trái cầm bản thảo bộ Tư Bản của Mác, bên giường là một cái ghế con, một cái áo khoác mắc chỗ tựa lưng. Trên mặt ghế, một ly nước có thìa nhỏ, một lọ thuốc bé và chồng bản thảo dầy Ăngghen viết theo ý định của Mác.
Sáng 6/1, một người vừa bị kỷ luật đến phòng giám đốc Nguyễn Kim Bài chửi thậm tệ, vạch ra nhiều vụ đen tối mờ ám của cả một bè lũ tham ô ở cảng. Hầu như ngày nào cũng có những vụ chửi bới như thế. Xem ra dân cảng đã tức nước muốn vỡ bờ rồi.
Tối em Nhàn từ Mộc Châu về Hà Nội học, mang theo cháu Hà là con thứ hai. Cháu khỏe, da trắng, mắt to đen lay láy. Sắp Tết rồi. Cả nhà đoàn tụ. Em Nhàn nói anh phải làm thế nào chứ, hốc hác quá. Mình cười, trả lời rất vô duyên bằng một câu vợ Lênin nói về Người: Người không chết sớm sao được. Thật lòng mình muốn sống thật lâu, vì tài hèn, sức mọn như mình, phải sống thật lâu mới mong làm được một chút gì cống hiến cho nhân dân.
Sáng 16/1/1971 đến nhà chị Dung nhân viên phòng hành chính giúp tổ chức đám cưới con trai. Lạ thật mới ở bộ đội về chưa có công việc lại cưới vợ. Cưới thì tất nhiên có ăn có uống. Thế là đủ mặt lãnh đạo cảng đến chén chú chén anh. Ngày chị Dung ốm đau, có ai tai to mặt lớn đến hỏi một câu. Nay mấy con ngan, gà nhà chị bị giết để làm cỗ bàn thì lại có đủ mặt bí thư đảng ủy, chánh phó giám đốc, chánh phó thư ký công đoàn bí thư thanh niên, trưởng phòng hành chính đến dự.
Sau thời gian nắm tình hình và suy nghĩ kỹ, mình thấy từ nay phải đứng ra lo việc chi tiêu trong gia đình, không thể để mẹ lo quá nhiều, không để ai trong nhà vô trách nhiệm với cuộc sống chung được. Từ nay, mỗi người làm ra được bao nhiêu tiền đều phải nộp hết, chỉ được tự ý chi tiêu trong vòng 5 đồng như một tân binh. Tất cả vì cuộc sống của cả gia đình, nhất là lo cho mẹ, bác già, cu Hà. Không được để trẻ con người già thiếu thốn quá. Chưa tăng gia sản xuất được thì phải thực hành tiết kiệm. Cậu Phạm Khuê dặn dò rất kỹ càng, góp ý cho cả việc nghỉ ngơi xen kẽ để có thể làm việc được lâu dài. Cần hết sức tiết kiệm sức khỏe, không được có những việc làm vô nghĩa, suy nghĩ vô ích. Suốt mấy ngày giáp Tết Tân Hợi 1971, mình lo trang trí nhà Đỗ Xuân Bảo nơi mình vẫn tá túc bấy lâu nay khi nhà không có ai về. Còn ngâm, thái măng chuẩn bị ăn Tết. Tối 30, về nhà ăn cơm, rồi đến nhà ông thuyền trưởng Hồng, bố em Nguyễn Mạnh An. Lại ăn, uống rượu, trong bữa ăn nhiều lần ông nói không có anh thì không có con bé Phương này. Em Phương 6 tuổi, hiền ngoan, xinh xắn cứ luôn gắp món ăn cho mình, cặp mắt nâu, chân thành, thân thiết lắm. Có gì đâu, mình đến nhà thấy con bé xanh xao, tái mét, hen sù sụ. May có ống thuốc viên to đỏ có thành phần Vitamin B12 bà cô ở Pháp gửi cho, bèn cho em, không ngờ em khỏe ra, có đà, lại như những đứa trẻ khác. Sau đó về cảng, chiếu phim đèn chiếu cho công nhân nghỉ giữa ca. Ghé nhà cụ Nguyễn Văn Sán lão làng bến cảng, rồi 22 giờ lại về cảng chiếu phim cho công nhân làm Tết xem. Xong là xuống anh em ca nô, ăn bánh chưng uống rượu, chè, thuốc lá, đón giao thừa nghe lời chúc tết của Bác Hồ Bác Tôn, xem pháo hoa ngay trên mặt nước sông Hồng cùng thuyền trưởng Tường, máy trưởng Thanh, cùng các thủy thủ ca nô sà lan. Đêm ấy, ngủ chung chăn chung màn với một thủy thủ trẻ trên một xà lan nhỏ. Sáng mồng một Tết, cả nhóm trên sông lại tụ họp chè, bia mỗi người tu một chai, lại bánh chưng thuốc lá. Rồi là du xuân xuất hành. Máy nổ giòn ca nô đi một vòng kiểm tra hai bờ sông thuộc phạm vi cảng. Thật sảng khoái, hạnh phúc. Ngày mồng một, còn sang Gia Lâm thăm một cán bộ công đoàn, bạn chiến đấu nội thành của cụ Sán. Ông đã có tuổi, hiện làm ở ban kiểm tra Liên hiệp công đoàn Hà Nội. Nhà ở bãi giữa, mái lá nát, vách gỗ sơn xanh lá cây rất đẹp, cuộc sống thanh bạch, tư cách cao thượng của bác Nguyễn Văn Khánh khiến mình mến phục. Trưa mồng hai, bác Trần Hữu Thông, người bạn vong niên đến nhà, ở cho đến tối. Rất tiếc là cơn đau thần kinh hông to khiến mình chỉ nằm mà tiếp chuyện ông. Cũng không thể dự lễ cưới Nguyễn Đức Hoan, một bạn thân từ thời học cấp hai.
Đêm đau mỏi rã rời, ngủ mê mệt. Sáng dậy, đọc Gia đình búp bê của Íp xen chị Thanh Vân cho mượn. Quá hay. Lại nhớ dến bài Nôra đi rồi thì ra sao? của Lỗ Tấn, càng sợ cái sáng suốt, triệt để của tư tưởng Lỗ Tấn. Nhà văn ngày nay phải là một nhà cách mạng triệt để.
Tối thứ bảy, dự cuộc họp mặt với các bạn cùng học Chu Văn An ở nhà Nguyễn Đức Thoại cùng tổ cũ. Tết, vui, nhộn, nhắc nhớ nhiều kỷ niệm tươi đẹp thời học sinh vô tư, ở cái khối 10 có đến lớp 10H. Bọn mình là 10E. Rõ ràng là các bạn yêu mến, hy vọng chờ đợi nhiều ở mình. Không ai muốn tin là mình chỉ làm được những việc thật sự mình đã làm. Các bạn tin và mến mình đến mức không cho phép mình được làm một người bình thường… như các bạn. Bực mình, tôi đứng dậy móc trong túi áo ra một miếng sôcôla Liên Xô tròn bọc thiếc vàng như một đồng tiền xu. Tôi bảo bạn gái duy nhất dự họp là bạn Thuyết nay là đại úy bác sĩ công an xem có thích cái này không. Cô đỏ mặt, mắng tôi là đồ đểu. Tôi nói tôi tưởng tôi thích thì bạn cũng thích nên mới mời, ai ngờ bạn khác người. Tôi đành bóc ra mời bạn ngồi cạnh ăn. Mấy bạn khác cũng ăn ké, rồi mọi người vỗ tay cười vui vẻ. Chị ta nhầm với cái đồng tiền vàng Tiệp Khắc, trong là cái … bao cao su!
Ngày 22/2/1971 sinh nhật mình rơi đúng ngày thứ hai, ngày bận rộn nhất trong tuần. Sáng, mang đến Cảng một lô dụng cụ thí nghiệm của nhà và xin được, anh em giáo viên và học viên phấn khởi lắm. Chiều, ba chú Chung, Thủy, Lân rán cá, nấu canh cua, còn mua cả bốn chai bia Hà Nội, mời mình ăn cơm với các chú. Buổi tối, các lớp học rất vui, mình dạy thay bác Thông một tiết văn, học viên rất hào hứng. Các giáo viên , nhất là Lập, Ruật hăng hái sẵn sàng làm đồ dùng giảng dạy vào các buổi trưa thứ tư, thứ bảy. Tan học, về nhà tập thể ngủ… Nghe Vi và hai cậu nữa ngâm thơ Thanh Hải, xúc động nhớ đêm nào được nghe bài Quê hương này trên bờ cát sông Gianh. Mất điện. Mình giảng cho Chung mấy bài toán dưới ánh lửa bập bùng của cái chai nhỏ có nút vải làm bấc.
Chiều hôm sau, thăm cháu Hà đang thở khò khè, sau khi tiêm hai mũi Streptomyxin. Cháu Ngọc thì nằm bệnh viện Đống Đa, bị xuất huyết đường ruột. Lo quá không biết lấy gì trả nợ khi mà tiền vào nhà mình như gió vào nhà trống.
Trưa thứ sáu, về nhà, nhận được cuốn sách anh Đại gửi Yêu mến tặng em Thành nhân ngày sinh 22/2 – Anh Đại 2/71. Mình đã 31 tuổi, hết tuổi Đoàn. Lẽ ra, trưa nay, thứ ba, 2/3/1971, mình đã được làm lễ ra Đoàn. Nguyễn Thế Hào, bộ đội chuyển ngành, cùng làm chuyên trách công đoàn với mình, là bí thư chi đoàn xin ý kiến các đồng chí, yêu cầu các đồng chí ở lại họp cho mươi phút để làm lễ ra đoàn cho đồng chí Thành, chỉ cần năm mười phút thôi là đủ… nhưng đã 14 giờ rồi, đến giờ làm việc, đành hoãn vì chẳng ai bằng lòng ở lại thêm một phút. Cuộc họp đã muộn một giờ so với giờ triệu tập. Chưa bao giờ thấy Đoàn mất giá như ở đây, bây giờ… Hôm sau, tình cờ soạn bài, được biết Newton thọ đến 84 tuổi. Về già ông vẫn sống đơn độc, có cô cháu gái lo cho mọi việc. Xem ra mình cũng mong được như thế mới mong có thời giờ để làm những việc cần làm. Tối ấy cô Lê Thị Thu ở nhà bên sang chơi, tưởng mình ốm nặng ở nhà đã lâu, kêu là mắt sâu, mặt gầy quá.

Một sáng, mình về thăm nhà in báo Nhân Dân có việc liên hệ mua giấy loại cho học viên, nhưng chính là về thăm các bạn cũ. Các anh, các bạn vui mừng đón mình, tin cậy kể cho nghe những chuyện riêng về các bạn cũ và bản thân từng người, những con người thú vị, đôi khi kỳ quặc, nhưng dù sao cũng đáng mến vì đã dám đặt ra cho bản thân một mục đích trong cuộc sống, để quyết tâm thực hiện mục đích ấy. Thăm cả Nguyễn Văn Thịnh, bạn sửa bài bị ốm, gặp thêm một số bạn thợ in cũ, trò chuyện thân mật. Anh em vẫn quí và tin mình lắm, nói thẳng hết mọi chuyện… Thật là sai khi lâu nay không đến thăm các bạn. Cậu Khuê cũng ở khu tập thể Kim Liên. Ghé thăm cậu, cậu bầy cho nhiều cách để có thể làm việc bền bỉ lâu dài.
Thứ ba, 16/3 Nguyễn Xuân An đã về, vừa đến chơi. Gầy, già, mặt đen xạm, lại đeo kính trắng. Vẫn còn ở Đội điều trị 12. Kỳ này sẽ phục viên vì không còn đủ tiêu chuẩn chuyển ngành. Thế mà gặp nhau, An rất vui. Trò chuyện mà cứ buồn cười vì hai thằng thanh niên mà trông cứ như hai ông lão hom hem.
Thứ sáu 19/3/1971, Cảng có một cuộc họp nhỏ mà to. Chi bộ văn phòng 3 họp kiểm điểm phó giám đốc Nguyễn N., công nhân quen gọi là lão N. Béo vì lão ục ịch như một người Tàu bán dàu cháo quẩy. Đây là kế sách thí tướng của Đảng ủy Cảng, đứng đầu là bí thư Đào Mạnh B. giỏi văn thơ thà giết một người cứu cả bọn. Thật lố bịch vì mẹo hay nhưng diễn quá muộn. Cuộc họp này mở đầu cho sự suy sụp của cả tập đoàn tham ô ăn cắp của công của dân dưới danh nghĩa cao quí của Đảng.
Sáng chủ nhật 21/3, dậy sớm thu xếp cho các cháu Hải, Hà, Ngọc cùng vợ chồng Nhàn Long đi xem xiếc do Nguyễn Thế Hào mua vé hộ. Mục đích là đón cháu Hải về sống ở nhà và tiễn bố con Hà về Mộc Châu. Soạn giấy tờ cũ, tình cờ thấy thư của Nguyễn Thị Bạch Kim cô bạn cùng tuổi biết nhau từ năm 1955 khi Kim từ Trung Quốc về theo đoàn của Khu học xá Trung ương trình diễn văn nghệ tại Đại hội liên hoan văn nghệ toàn quốc. Thư gửi từ Nghĩa Lộ, ngày 29/11 hồi Kim mới ra trường Nhạc, chữ viết rất to rõ ràng: Còn công việc của Thành ra sao, học được nhiều chưa và có hay ốm không. Cô bạn thật hiểu mình, cả cuộc đời chỉ gọn trong ba thứ: công việc, học và hay ốm. Tiếp đó là một việc rất khó chịu nhưng lại hết sức cần thiết lúc này: Tính toán kỹ tiền nong sao cho cả nhà có cái ăn đến kỳ lương tới. Cứ ngồi vào bàn, tai nghe mẹ nói đủ thứ chuyện trả lời cho có lệ… Phố ồn ào, loa khu phố hát những bài hùng hồn, tha thiết về Đường Chín Nam Lào, mặt trận lớn nhất hiện nay.
30/3/1971, đọc xong cuốn sách của Prisvin Bốn mùa – Lịch thiên nhiên. Em Thân đến gần mình, mình cất nhật ký đang ghi đi, rồi nói về Prisvin khen là tế nhị, tinh vi, còn kể lại cả một đoạn ông viết về Sêriôgia mình cho là sâu sắc… Em nghe chăm chú, sau đó nói một câu làm mình bất ngờ: Lúc này mà còn đọc Prisvin được, còn thưởng thức được cái hay cái đẹp thì lạ thật… Có lẽ em ám chỉ mình ốm đau, túng thiếu, bận bù đầu, vừa chở hai bao tải trấu từ cảng về mệt rã rời, cả người bẩn thỉu… sao tâm hồn bay bổng thế được.
Chiều 1/4, gió lớn, khoảng sáu giờ chiều thì mưa mạnh nhưng thưa hạt sấm chớp đùng đùng. Trời trở lạnh. Gần giờ học, mình và Lê Văn Thát ngồi ở văn phòng công đoàn nhìn trời mưa, lo không có học viên. Sát giờ học, mưa tạnh, cả học viên các lớp được nghỉ cũng đến yêu cầu dạy. Thì ra cái đốm lửa văn hóa đêm đêm vẫn sáng trên nền đen tối tăm ám muội ngu xuẩn của Cảng.
Ban lãnh đạo cảng đang lo sốt vó, tìm mọi cách đối phó với Đại hội công nhân viên chức Cảng, ngăn cản những đại biểu chống đối, hạn chế nội dung phát biểu ở hội nghị, Tối nay là đại hội trù bị, mình đành nghỉ học để tận mắt thấy, tận tai nghe mọi diễn biến của hội nghị. Tối 2/4 và cả ngày 3/4 đều dự Đại hội. Các thủ đoạn của ban lãnh đạo kìm hãm tự do dân chủ đã thành công. Đại hội diễn ra tẻ nhạt, gần như chưa từng có đại hội. Tối hôm sau, Nguyễn Xuân An đến chơi, cho một cái quần bảo hộ lao động cũ bảo sửa đi mà mặc. Nói chuyện khá lâu về tầm sâu sắc của con người, mình nêu vấn đề, An cho ngay những dẫn chứng minh họa. Hai đứa mình nhắc đến Thái, lâu nay vắng thư. Mong rằng bạn đã trở lại đơn vị chiến đấu, thoát ra khỏi những tư tưởng u ám thời gian vừa qua. Đêm chủ nhật 4/4, mơ thấy hai chuyện sáng ra còn nhớ rõ. Có một lớp học với mười học viên lớn tuổi do một cô công nhân Cảng dạy. Toàn là nữ. Mình và một số thanh niên đang đi xe lửa ra tiền tuyến.
Mỗi tối đi học về là đến ngay Cảng. Cậu Khuê bảo ít về nhà có lợi cho sức khỏe và cũng lợi cho tư tưởng hơn. Gặp Nguyễn Văn Tân và Bùi Lê Nghiên đi bộ về sau lớp học Pháp văn, thế là thành xe Din ba cầu. Mình đèo Nghiên ở gióng trước, còn Tân ngồi chỗ đèo hàng. Có cái xe đạp này là nhờ chuyến đi Quảng Bình về mới được phân phối. Từ nay, cứ tối học xong là về ngay cảng, anh em ở khu tập thể mong mình về với anh em nói chuyện giúp họ học. Nhiều chú kéo áo hỏi việc đi Công trường 71. Mình không biết gì cả. Sau gặp anh em lái xe mới biết cảng sẽ đưa khoảng 60 người vào công trường 71, làm đường phục vụ tiền tuyến. Nói công trường 71 tức là ngay đường 9 rồi. Xem ra, không ai hào hứng đi cả. Nhất là mấy cán bộ được dự kiến cử đi cứ nằng nặc đòi ở lại. Lái xe Đoàn Phát Thanh ở buồng cạnh buồng Bảo lái cẩu nói Hậu phương có thể nói là khốn nạn anh nhỉ, không hết lòng với tiền tuyến, lại không nhiệt tình đón nhận những người chiến đấu trở về. Bây giờ Thanh đang trầm ngâm. Nhưng mình tin là khi Tổ quốc yêu cầu chàng trai Tiền Hải vạm vỡ ấy sẽ lên đường lập chiến công vẻ vang. Thanh nói đúng. Cả ngày 14/4 cán bộ cảng họp bàn cử người đi công trường 71, đi B, đi C. Lãnh đạo cảng có kế hoạch tống khỏi cảng những người mình không ưa. Cục trưởng Bình Tâm cho biết bộ đã phát hiện ra âm mưu này, buộc bí thư B. lên gặp đảng đoàn bộ. Vì thế buổi họp công bố danh sách biến thành cuộc họp phổ biến chủ trương chung. Mọi cán bộ phải nộp lý lịch để bộ xét và chỉ định.
Trưa 9/4, ăn cơm, uống rượu đến say ở nhà Đỗ Xuân Bảo lái cẩu, tiễn Nguyễn Văn Kế lái xe đi công trường 71. Kế không vui lắm vì phải đi thay người được chỉ định nhưng nhất định không chịu đi. Đoàn Phát Thanh tuyên bố: Đi là đi không có thèm quì gối khom lưng xin xỏ như lũ đớn hèn. Gia đình có gay thật đấy, nhưng cần thì cứ đi. Chỉ dặn một câu thôi, không làm đúng như lời dặn thì không về nữa…
Tối 11/5, mưa to như trút nước, vừa mưa vừa gió, chỉ một lúc là trong nhà cũng mát hẳn đi, đêm ngủ đắp được chăn bông. Cứ nghĩ đến nhà em Nguyễn Mạnh An chạy mưa khổ đến thế nào. Cái Phương 6 tuổi ít nói mà cũng than: Ngồi mà cũng ướt. Cứ nghĩ thế mà mãi mới ngủ được.
Từ sáng 19/5 mưa như trút nước, gần như bão. Mãi đến 11 giờ mới thưa hạt. Chiều 28/6, bí thư đảng ủy cảng Đào Mạnh B. mời toàn thể cán bộ, nhân viên văn phòng đến họp để nghe phổ biến nghị quyết của bộ. Không báo bằng bảng, không nhắc nhở trên loa, gần đến giờ họp mà có ai hỏi có họp hay không thư ký công đoàn Mai Văn S. vẫn nói là không biết. Vậy mà chưa đến giờ hẹn anh em đã lần lượt kéo về, kể cả những người đang ốm, đang nghỉ phép. Chưa bao giờ khối văn phòng đi họp đông đủ lại đúng giờ như vậy. Bác Quảng, một cán bộ ngót 30 năm trong ngành, mấy năm nay vẫn chăm chút bộ râu ria theo kiểu Lênin, hôm nay cạo nhẵn nhụi trông trẻ ra đến mươi tuổi. Bác ngồi ngay hàng đầu, tay cầm bút chăm chú nghe và thỉnh thoảng ghi chép vào một cuốn sổ to. Hàng chục người khác cũng ghi chép. Tất cả đều chăm chú lạ thường đến nổi bí thư Đào Mạnh B. vốn văn hay, thơ giỏi thường ba hoa nói dài hôm nay đâm ra dè dặt nói đã ngắn lại hay lặp lại, nói lắp rất nhiều
Bộ đã công nhận là nhóm lãnh đạo ở Cảng có tham ô, ăn cắp, móc ngoặc. Bộ sẽ xét xử nghiêm từng vụ từng người.
Đó là điều mọi người dự họp chú ý. Họ bỏ ngoài tai hết những lời vo ve tuyệt vọng của Đào bí thư rằng ai cũng có cái sai, làm gì có phe trong cảng này cơ chứ, đây là một tổn thất chung của tất cả chúng ta.
Thế là vào những ngày tháng 6 oi bức, nước sông Hồng đang dâng lên mênh mông đỏ rực, Cảng Hà Nội bắt đầu bước vào một thời kỳ mới sẽ sống lại mạnh mẽ hơn xưa.
Nắng. Suốt ngày 1 và ngày 2/7 đều mệt rã rời. Toàn là họp và học chính trị. Chiều ngày 1 còn phải đem thân lên sân khấu lãnh phần thưởng của Bộ Giáo Dục, có giấy khen và một cái bút máy Trường Sơn rụt cổ. Buổi trưa mồng 2 , phơi cái quần Thuỳ cho mới toanh số 0 mặc lút gót chân, bị mất cắp. Thế là chỉ còn đúng một cái quần lành lặn.
Đầu tháng 8, nóng kinh khủng, trưa 36 độ. May mà chưa có gió Lào, nước sông cũng đang xuống dần. Nhưng sắp tới mới là đợt nước lớn, dân bến cảng ai cũng biết thế.
Trong những ngày này, không khí ở cảng sôi sục. Các vụ tham ô lần lượt bị đưa ra ánh sáng. Những người mơ hồ nhất, hiền lành nhất cũng phải lên tiếng ủng hộ cái đúng.
Mẹ lên Mộc Châu với em Nhàn, mình tiếp quản gia tài mẹ để lại lo việc nhà. Hỡi ôi, chỉ có một tờ giấy ghi rõ ràng phiếu nào mua cái gì còn bao nhiêu phiếu thì bà cụ đã quên… mang lên Tây Bắc tất cả rồi!
Cả tháng 8 sẽ toàn ăn giá chợ. Đấy là cái mất thứ nhất. Cái mất thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là thứ giúp mình kiếm tiền bấy lâu nay. Tư liệu để viết những mẫu nhỏ, vui , có ích mà các báo rất cần, nhất là báo thiếu niên nhi đồng. Trưa nay, nghĩ ra một ý rất thú vị, vội ghi vào phiếu. Khi tỉnh hẳn dậy, mới biết là ghi trong ….mơ
Trưa 8/8, vừa chợp mắt thì Đào Văn Thuỳ đánh thức dậy. Chú ta đưa ông bố từ Việt Trì về thăm Hà Nội đến thăm mình. Mục đích là để giới thiệu
Anh Thành mà con vẫn kể với thầy đấy. Thuỳ cũng lái cẩu lớn, học ở Trung Quốc về cùng đợt với Đỗ Xuân Bảo. Sau đi bộ đội, cao lớn, đẹp trai, vào đoàn nghi lễ, nhưng chỉ một mực đòi đi làm chiến sĩ xe tăng. Cuối cùng ngày 30/04/1975 vào dinh Độc Lập trong xe thứ hai.
Giữa tháng 8/1971, tình hình ở cảng càng căng thẳng. Công nhân đòi công bố danh sách đại biểu tham dự đại hội công nhân viên chức để phát hiện những đại biểu không đủ tư cách, không để đại hội vô dụng như kỳ trước. Phó bí thư công đoàn không dám công bố, nói là để đến tối họp trù bị sẽ giải quyết khi kiểm tra tư cách đại biểu nhưng ai muốn xem danh sách thì ông cũng không ngăn cản. Các thư ký công đoàn xưởng và đội bốc xếp 1/5 đều nói kỳ này sẽ đấu đá phải biết. Ở đại hội cơ sở công nhân phát biểu hăng hái lắm…
Mưa vẫn lớn. Nước hồ ngập ngày càng nhiều khu vực thuộc cảng. Uỷ ban quận đã cho người xuống kiểm tra, sẽ cho mượn máy bơm về bơm nước ra sông. Hiện nước sông đã cao hơn nước hồ nhiều, lại vẫn tiếp tục dâng. Giám đốc Nguyễn Kim B. ốm, đi nằm bệnh viện. Bí thư Đảng Đào Mạnh B. cũng ốm ít ra phòng làm việc, bí thư thanh niên lúc nào cũng săn hỏi bên công đoàn có đợt an dưỡng nào không… Họ sợ giáp mặt với quần chúng công nhân viên chức quá rồi. Bác Nguyễn Văn Tuân phó giám đốc thì thanh thản rủ mình ra vườn hoa Chí Linh nói chuyện tầm phào, ăn kem que Tràng Tiền
Ngày 18/8 nước sông vẫn lên, còn lên rất nhanh. Đêm qua bọn con gái rủ nhau nằm hai đứa một giường còn kéo nhau chạy lụt cho nhanh, vậy mà đang ngủ đã thấy ướt hết lưng, với tay là đụng guốc dép lềnh bềnh. Vội kéo nhau chạy. Kiếm xe cải tiến chở đồ đạc vừa chạy vừa cười nói hồn nhiên. Những con đường đi qua đê sông đều được lấp lại. Ven đê rất nhiều nhà bạt, ni lông dựng tạm để tránh lũ. Bọn con gái nhanh chân chiếm được một cái lều bạt của các chú bộ đội ga lăng. Trong khi đó, nước vẫn lên khoẻ, mặt sông mênh mông cuồn cuộn những làn sóng đỏ. Đã có nguời chết đuối vì đắm thuyền.
Ngày 19/8 Đài truyền thanh Hà Nội truyền đi lệnh khẩn cấp của ban chống lụt bão thành phố. Tăng cường canh gác đê, mỗi điếm ngày phải có 20 xung kích , đêm 30 với đầy đủ dụng cụ sẵn sàng ứng cứu đê, 15 phút tuần tra một lần . Mưa vẫn rất dữ. Mười giờ tối, cảng Hà Nội hoàn toàn ngập dưới nước. Ba giờ sáng, nước bắt đầu lên. Tám chín giờ thì ngập hết các phòng làm việc. 11 giờ nước ngập đến ngực ngay trong văn phòng. 20 giờ, có lệnh tất cả cán bộ, công nhân, sinh viên… chuẩn bị sẵn sàng lên đê chống lụt
Hôm sau, loa phường cho biết nước sẽ lên cao hơn tháng 8 năm 1969. Đúng như dự đoán , nước cao hơn năm 1969 trên 30 cm. Và còn đang lên cao nữa. Mình vừa lội một mẻ nước lút cổ mà chẳng làm được gì vì nước cuốn quá mạnh. Rét quá, phải về nhà thay quần áo rồi lại đi vội, mong cứu tủ sách bổ túc văn hóa và tủ sách công đoàn.
Ngày 20, ba lần ngâm nước quần áo không kịp khô. Lần thứ hai mặc quần đùi ướt, cởi trần khoác áo mưa đi xe đạp 6km về nhà. Rất may là lấy được gói quà để ở chỗ làm chờ người lên Thác Bà là gửi cho bà. May thay tối hôm trước, anh Nguyễn Văn Tình con nuôi bà từ Thác Bà về tá túc tại nhà, nhờ anh đem lên là tiện hơn cả. Bốn lần ngâm nước, hai lần bị nước cuốn đi mới lấy được gói quà nhỏ này. Nước vẫn lên nhưng chậm dần.
Sắp ăn cơm chiều thì em Nhàn, cháu Ngọc từ Mộc Châu về nhiều chỗ đường ngập, phà không dám chở phải đi vòng đến Hòa Bình lại phải đi vòng thêm hàng chục km. 10 giờ, 11 giờ, 12 giờ đều thông báo. Bộ tư lệnh thủ đô cho bắn pháo sáng khu vực cầu Long Biên hỗ trợ hộ đê. Trời đầy mây, không mưa. Đêm mát. Mờ sáng đã thấy trời xanh, mát mẻ, thanh bình.
Hôm sau 8 giờ sáng nước đã lên đến 13, 78 cm, cao ơn năm 1969 khoảng 60 cm. Đã mở ba cổng cho nước tự do vào đồng như Phùng,v.v… Chiều qua, xuống Thanh Trì vào nhà chị Vương Tửu ở trong đê. Những chỗ đê mới đắp, đất còn xốp nước đã mấp mé bằng mặt rồi. Nước sông cao hơn mặt đường nhựa trên đê có đến 1m . Thuyền bè nổi lềnh bềnh rất kỳ lạ, người ngồi trên thuyền cao hơn người ngồi trên xe đạp. Dân ngoài đê đã chạy vào làm lều, dựng túp ở tạm ngay trên mặt đê bên lề đường nhựa. Trong những túp lều lụp xụp làm vội bằng bạt, giấy dầu, đông chật những người là người, trẻ con lố nhố ngồi trên giường, đàn ông tiếp tục đi cứu đồ đạc còn lại trong nhà. Họ dỡ mái ngói, cưa rui mè vào nhà lẩy ra hàng thúng quần áo ướt đẫm. Trời lại nắng gắt, càng về chiều càng nắng hơn. Những vũng nước mưa lầy bùn của những trận mưa trước đã khô cong. Nhưng trên mặt đường vẫn đầy nước, có chỗ chảy thành dòng như máng nước mưa. Nước đã ngấm qua các con trạch bên đường chảy vào ngày càng nhiều, nhưng vẫn là nước trong chứng tỏ là nước ngấm rất chậm và ít nên chưa cuốn theo đất, chỉ qua các kẻ hở rất nhỏ. Có người lo quá hoá quẩn, dỡ ngói nhà rồi cho lợn lên thuyền chở đi gửi trong khi đồ đạc thì chẳng cứu được gì. Mà bản thân thì cứ ngồi trơ trơ trên nóc nhà giữa bể nước cuồn cuộn. Bà cụ sinh ra chồng chị Tửu đã ngót 80 tuổi bảo chưa năm nào nước to như năm nay. Các nhà hàng xóm trong đê đều chuẩn bị chạy nước, chặt hết chuối đóng bè, lỡ có làm sao cứ cho lũ trẻ lên bè đã.
Sáng nay, em Thân nói có lệnh huy động toàn thể cán bộ công nhân viên chức nhà nước tập trung tại trụ sở từ 5 giờ sáng để sẵn sàng chờ lệnh cứu đê Hà Nội, yêu cầu nhân dân Thủ đô chuẩn bị lương thực, v.v… đề phòng tình huống xấu nhất. Cô Tiến vợ anh Nguyễn Huy Sính ở nhà ngoài cho biết đê Thường Tín quê cô vỡ rồi… Trời vẫn nắng, mây trắng mỏng bay nhanh trên nền trời xanh ngắt.
8 giờ ngày 22/8 đã tận tai nghe hai lần lệnh của ủy ban phòng chống lụt bão. Lệnh nhấn mạnh, trật tự đường phố phải được giữ vững, hạn chế đi lại trên đường, tạm đình chỉ mọi hoạt động văn hóa vui chơi giải trí. Trẻ em không được ra đường.
Chiều 25/8, nước đã xuống khá nhiều, khoảng 2m gì đó. Cảng và nhân dân ngoài đê đang cọ rửa nhà, thu dọn chuẩn bị trở về. Tuy vậy, các lực lượng chống lụt vẫn củng cố đê, phá những chỗ đắp vội đắp dối mấy hôm trước nước lên nhanh quá, nay đắp lại cho thật đúng kỹ thuật. Xe ô tô chở bia hơi lại ra bờ sông bán lẻ phục vụ chống lụt.
Như vậy là đợt lụt này chỉ đúng có năm ngày. Chỉ năm ngày thôi mà đã tàn phá cả những cơ ngơi cả đời người mới tạo dựng được. Đê Gia Lâm vỡ các xã Trung Màu, Phù Đổng đều ngập cả. Lại là những nơi đông bộ đội thanh niên xung phong thương binh an dưỡng.
Sáng nay, đang dọn dẹp, thấy mưa nhỏ thôi mà người dân đều lạnh cả gáy sợ nước lại lên to. Trên đường về, thấy ở tường các nhà dọc đường có dán rất nhiều chỉ thị đặc biệt của Thủ tướng chính phủ về việc bảo vệ đê Hà Nội chống lũ lụt. Nhưng sinh hoạt thường lệ đã trở lại thành phố. Các xe con chở rau vào bán ở chợ, tiểu thương cũng không còn hét giá trên trời nữa. Tình cờ, gặp Nguyễn Văn Quảng ở xí nghiệp Nam Thắng láng giềng với cảng mình đang canh đê. Quảng hỏi mình có ý định viết gì không. Chắc đây lại là câu hỏi của nhóm ba người Quảng, Hải, Thái mê viết hay tìm gặp mình. Bèn đáp chỉ sợ không viết được. Lại hỏi vì sao. Đáp vì dốt quá. Cậu ta còn cố gạn thêm xem còn vì gì nữa không. Mình giữ nguyên ý kiến, rồi nói là nếu như tôi thấy mình chưa thể góp được một tiếng nói mới thì tôi chưa viết. Vì đã có 100 bài viết tầm thường rồi làm người đọc hằng ngày phải bận mắt thì việc gì tôi phải đóng góp bài thứ 101. Tôi chỉ quyết tâm đạt được cuộc sống thật trong sạch giữa lòng nhân dân, ghi nhận tất cả những gì nhân dân mong muốn, cảm động tin tưởng.
Chiều qua, anh Lê Văn Lâm, cán bộ nông trường Mộc Châu nghỉ tạm ở nhà mình để đi khám bệnh. Vóc người to cao, đen trùi trũi. Trước có bị lao sau khỏi, tưởng đã lành hẳn nên ít để ý. Làm việc khỏe, rượu ai mời cũng uống còn mời lại. Thuốc lá cũng hút luôn miệng vì Mộc Châu lạnh. Gần dây, vợ lên, phải lo dựng nhà đúng lúc công tác nhiều lại ho ra máu. Rất có thể phải nằm lâu dài ở bệnh viện A. Mình coi đây là một lời cảnh cáo nghiêm khắc với mình, từng ho ra máu nhiều từ những năm đầu 1960. Không muốn lấy vợ. Muốn dành cả đời mình để làm việc, làm việc và làm việc. Tài hèn, sức mọn, chỉ có một tấm lòng thành thôi thì vị tất có hy sinh cả cuộc đời sẽ làm được gì có ích cho nhân dân, đất nước. Từ ngày hiểu ra, cuộc đời mình đâu còn là của riêng mình nữa.
Bỗng nhớ tới cô bạn nhỏ mê sách. Rồi cô cũng đến khổ thôi, chỉ vì không chịu yên phận sống như những người con gái khác.
Trời mát. Mây trắng phủ kín bầu trời.

Ngày 27/8, mưa nhỏ, nước sông lại lên. Máy bay ta vẫn tiếp tục đi thả bánh mì xuống các vùng lụt nặng để cứu đói. Nhiều người nhịn đói khát ngay trên nóc nhà mình. Thế mà vẫn có bọn người khỏe mạnh đi thuyền nan chèo nhanh đi cứu lợn xổng chuồng của các gia đình bị lụt để giết đem bán ở ngay vệ đường. Nghe nói Hải Dương vẫn ngập cả tỉnh, ở khu vực Yên Viên, vớt được đến 17 xác công an áo vàng. Công tác cứu dân vẫn tiến hành khẩn trương bằng tàu bay ca nô cùng đủ mọi phương tiện thô sơ. Lại có lệnh huy động đi hộ đê. Mình quị hẳn, phải nằm nhà, uống thuốc xông và đọc sách. Sốt ruột quá, số sách mới cứu được hôm qua phơi phóng đã hơi khô sẽ lại bị mưa ướt mất. Đấy là sách dành cho giáo viên, chuẩn bị năm học mới. 30/8 thì cứu xong sách, lại đem phơi. Mặc dù nước tiếp tục lên. Càng ngày càng nghe nhiều tin thiệt hại về người và của do lũ lụt gây ra. Chiều nay, máy bay bà già và bốn cánh quạt bay suốt. Những người chống lụt ở bờ sông Hồng cho biết đó là máy bay đi thả bánh mì đựng trong túi ni lông, kèm theo là cái giấy nhỏ in rônêô và một lá thư của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi đồng bào bị nạn. Các khu phố ở nội thành đang quyên quần áo, đồ gia dụng gửi đồng bào bị lụt.
Sau một ngày mệt nhọc cứu sách, mình đến 11 Ngô Văn Sở tìm cô bạn nhỏ mê sách cho tâm hồn thư thái. Tôi đùa: dịp này những người thích lụt như cô được một phen thú nhé. Tôi định đến dẫn đi thăm bà con bị lụt một chuyến để nghe họ kể xem lụt thích như thế nào. Cô cười rất chân thật: không bây giờ thì không dám thích lụt nữa rồi. Mà sao lâu lắm rồi anh mới đến đây. Có lẽ đến một năm cơ đấy… Đúng là suốt cả tháng lụt tôi không ghé thăm cô. Không ngờ tháng ấy dài đến thế! Khi ra về, tôi hẹn sẽ tặng cô quyển Một anh hùng thời đại của Lecmantốp để thưởng vì đã không thích lụt nữa.
Sáng 1/9/1971 nghe đài đọc xã luận báo Nhân Dân mở đầu bằng câu Nước đã rút… Nước có rút thật, nhưng rất chậm, ở đê vẫn tiếp tục đắp thêm và củng cố những chỗ đã đắp. Cả ngày hôm nay, các hợp tác xã điện, kim khí đều đan rọ bỏ đá chống lụt. Hiện giờ, vườn hoa, đường phố rất nhiều nơi mắc đèn điện rất sáng, tiếp tục đan rọ dây thép to. Cuộc chiến đấu chống lũ lụt vẫn tiếp diễn. Đoàn Di cho biết mất 50 ngàn mẫu lúa. Tình cờ ghé hiệu sách, gặp anh Vũ Ngọc Tuyền. Anh là chỗ quen biết với các cô bán sách nên mua dễ dàng cho mình hai cuốn Pie đệ nhất (tập I) của A.Tôn-xTôi. Tối, mình đem đến cho cô bạn nhỏ một cuốn kèm cuốn của Lecmantốp để thưởng như đã hẹn. Nhưng không gặp, đành gửi bạn cùng phòng. Ra đến cổng mới gặp cô đi làm về. Mắt đen to và lông mày rất rậm.
Mồng hai tháng chín năm nay không nghỉ, không tổ chức vui chơi, các cơ quan, xí nghiệp không thắp đèn trang trí để tiết kiệm điện. Những quyết định lạ đời, trái lệ thường như thế lại được toàn dân cho là phải, là tất nhiên.
Sáng nay, một máy xúc đã ủi bằng con trạch đắp ngang đường vào cổng cảng, lối ra sông. Thế là ta đã thắng trận lụt khủng khiếp, sẽ chẳng ai quên.
Chủ nhật 5/9, đã đọc xong Pie đệ nhất (tập 1), ba anh em Đại, Thành, Thân cùng thống nhất là từ nay sẽ sống theo kiểu Đức cả tuần làm việc, học hành quần quật để tối thứ bảy thì nghỉ ngơi, vui chơi, ngày chủ nhật ăn ngon, nghỉ ngơi và lao động chân tay. Điều cuối này mình thêm, khác hẳn kiểu Đức.
Hôm nay đã làm xong một tầng nữa của… chuồng gà. Bây giờ lo học để tối còn Tử viết, Thi vân, đi học chữ nho.
Hôm nọ gặp bạn Lê Thế Long, Long trách ít lại chơi còn chê là lười viết. Có lẽ lười viết mà mình đã cùn đi nhiều, không hiểu đã gỉ như cái cày bỏ xó của La Fontaine chưa. Mình đã hẹn với Long là mỗi tuần sẽ gặp nhau một tối cùng bàn bạc về đề tài, khi viết xong sẽ cùng xem lại sửa chữa. Long có nhiều mối ở các báo thiếu nhi và đã tiêu thụ cho mình được một số bài ngắn.
Tối 17/9, trời đang mưa tầm tã, như giông, như bão rớt. Thân đi học, Nhàn đi đắp đê thế là bị ướt cả. Còn mình thì nằm nhà sốt nhẹ. Mình biết lý do của cơn sốt này. Hôm qua không sốt, nhưng hôm nay buổi trưa phải chủ trì một cuộc họp, chiều lại lên khu và tạt qua tòa soạn báo Nhân Dân do Ngô Lê Dân, bạn bán báo cũ nhắn.
Dân cho biết anh Thép Mới đã ra Bắc được mười hôm, nhưng còn an dưỡng và thuộc diện trung ương quản lý, chưa biết sẽ về đâu. Mình gợi
ý Dân là anh em nên đến gặp anh, sắp đến ngày 19/11 là ngày đầu chúng mình bắt đầu vào đời bằng nghề bán báo… Mau thật, đã 19 năm rồi. Mình cũng tâm sự với bạn là lâu nay lãng phí nhiều năng lực quá. Làm nhiều, học nhiều mà vẫn thấy còn có thể làm được nhiều hơn. Tóm lại là khá bế tắc. Muốn được những người hiểu và có kinh nghiệm góp ý cho, do đó mong gặp anh và các bạn cũ. Dân còn góp ý về việc vợ con. Mình đành phải kể sơ qua về mối tình đầu lẩm cẩm không đi đến đâu và nói ra điều mình nghĩ lâu nay: chưa nên lấy vợ, vì chưa phải là con người hoàn chỉnh, tất cả còn đang ở giai đoạn phát triển. Ai yêu mình bây giờ vị tất sau này sẽ còn yêu mình. Mình có yêu ai bây giờ vị tất sau này vẫn cứ yêu người ta mãi mãi. Hơn nữa, không nên làm khổ bất cứ ai bằng cách trói buộc đời họ vào cuộc đời nặng nề của mình. Một mình mình sẽ chịu đựng được tất cả dễ dàng hơn, sẽ cứ vẫn vươn lên, vươn lên mãi.
Cơn sốt buổi chiều đang buộc mình phải nằm nghỉ. Hôm nay bận, chưa tiêm Strepto được. Mấy ai gặp được một Hứa Quảng Bình như Lỗ Tấn.
Sáng 22/9, em Nhàn đi Mộc Châu mang theo cháu Ánh Hồng con thứ anh Đại để chuẩn bị cho chị Thủy đi mổ. Mình bàn với Thân, Nhàn sẽ thắt lưng buộc bụng hơn nữa, ai cũng cố gắng làm thêm nghề phụ để cắt hẳn phần đóng góp của anh Đại.
Mấy hôm nay, trời nắng đẹp, gió quẩn rất nhiều, nhưng ngay cả những đám mây mỏng trên trời cũng không di động chút nào. Bây giờ mới thật là mùa thu. Đêm ngủ ngon. Về sáng đã phải đắp chăn đơn rồi. Tối hôm qua, hôm nay và sáng mai, đại hội công nhân viên chức bất thường của Cảng họp. Bộ Giao thông vận tải đã công bố bản báo cáo kiểm tra các vụ tham ô ăn cắp. Thật ra cuộc đấu tranh rộng lớn bây giờ mới thật sự bắt đầu… Toàn cảng bây giờ vẫn bao trùm trong một không khí uể oải, không ai muốn làm việc, chỗ nào cũng túm năm tụm ba bàn tán, tranh cãi. Một anh công nhân bị bệnh thần kinh cứ đi đi lại lại trước phòng làm việc của bộ tứ Cảng nói rất nhiều lần câu Đánh gục mặt chúng nó xuống. Chỗ nào cũng đầy bụi than, bụi phù sa, chỉ chờ chút gió là bay lên mù mịt. Máy phóng thanh bị ẩm trong thời gian lụt, nay đang còn sửa chữa, các loa đều im ắng. Cảng im lìm như sắp chết… Những ngày khám bệnh, người đến khám rất đông, quá đông. Số rất lớn, không có bệnh, nhưng chán nản không muốn làm việc nên thác bệnh xin nghỉ cho phải phép… Đang có dịch đau mắt đỏ mà y tế thì hết thuốc phòng và hoàn toàn không có bông. Tối 20, bắt đầu năm học mới, hai lớp 7 chỉ có khoảng 10 người. Người học đến lẻ tẻ như chẳng ai đến để học cả.
Mình vẫn sốt, vẫn đi làm, đi học, vẫn phải lo từ ngọn rau, giọt dầu, khâu vá quần áo, dọn dẹp nhà cửa. Thế mà vui. Vì cuộc đời thật vốn như thế.
Sáng 24/9/1971, Đại hội công nhân viên chức bất thường Cảng Hà Nội đang họp, đại biểu đang tranh nhau phát biểu thì ông Điệt thứ trưởng Bộ xuống dự. Như được tiếp thêm sức mạnh quần chúng công nhân cán bộ càng hăng hái đứng lên vạch mặt bọn tham ô ăn cắp có chức có quyền. Độc đáo nhất là trường hợp bác Nguyễn Văn Lượng chột mắt. Bác là công nhân bốc xếp lâu năm, mới học hết lớp hai, đọc không thông viết chưa thạo. Bác được bầu làm ủy viên Ban chấp hành công đoàn Cảng, thư ký công đoàn đại đội Nguyễn Văn Bé tức đội 3 trước đây. Bọn lũng đoạn Cảng đưa bác lên chủ tịch đoàn để làm vì: họ thừa biết tính bác vốn hiền lành, nhút nhát, hay xuê xoa dĩ hòa vi quý. Nhưng, sáng nay chính từ chủ tịch đoàn này bác Lượng đã đứng lên tố cáo tội ác của chúng với quần chúng lao động Cảng từ nhiều năm nay. Đúng là hòn đất mà biết nói năng… Công nhân vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt từng lời bác Lượng nói. Bác lúng túng im lặng ngồi xuống giữa tiếng vỗ tay rầm rộ. Trưa về cùng đường với bác phó giám đốc Nguyễn Văn Tuân và anh Trịnh xưởng phó xưởng sửa chữa, trò chuyện rất vui. Khí thế quần chúng khá lắm. Những kẻ cầm đầu như giám đốc B., phó giám đốc N., T. đã bị vạch mặt, thất bại thảm hại. Chiều nay đại hội sẽ thông qua một quyết nghị hết sức quan trọng, mở đường đến thắng lợi hoàn toàn. Tối nay, bọn chúng tha hồ cắn xé nhau. Còn quần chúng sẽ vui mừng đón quyết nghị của đại hội. Một giai đoạn mới sẽ bắt đầu ở Cảng Hà Nội. Mình vui quá, cũng tìm người chia sẻ. Lại đến nhà cô bạn nhỏ mê sách. Định bụng báo tin vui xong là về ngay để bác già còn đi họp phụ lão. Nhưng vừa gặp, cô bạn trách ngay anh lâu quá không đến, hôm nay có ngồi được lâu không. Rồi đem rất nhiều bánh bít qui và nước ra mời. Hơn một giờ sau mới về nhà. Anh thấy không, những người phụ nữ viết văn hình như đều có một trái tim cứng rắn, cứng rắn hơn cả đàn ông nữa kia. Như Panova Nicôliêva và nhất là Đêgớc, cứng rắn đến lạnh lùng. Cô tự nhận là cứng rắn à? Thà thế còn hơn là thích thú với sự yếu mềm của mình.
Có một cô bạn nhỏ như vậy thật là thú vị, tất nhiên không phải khi nào cũng dễ chịu cả. Cô khác người quá. Hai người cùng khác người thường lại khó hòa hợp với nhau, rất khó chung sống hòa bình…
Cơn bão số 12 đã ảnh hưởng đến Hà Nội, mưa tầm tã, gió, trời trở lạnh. Mình đau tất cả các khớp dữ dội. Sao mà con người ta có lắm khớp thế. Cái xương sống rất dài của mình toàn khớp là khớp.
Mưa rất to, nhưng các lớp vẫn học được. Học viên đông hơn hôm khai giảng nhiều. Học hào hứng lắm. Mình giảng một tiết địa, môn học anh chị em rất ham thích, cứ muốn học thêm, mặc dù đã hết chương trình. Tan học, mưa dữ. Chân càng đau, đành đi bộ về ngủ ở buồng Nguyễn Tiến Chung. Tấm ni lông phòng thân của tôi ngắn quá, gió sông lại mạnh, áo quần ướt gần hết, mỗi bên ủng cũng chứa đến lít nước mưa. Suốt tối và đêm qua khốn khổ vì khớp. Sáng dậy, về nhà ngay, thay xong quần áo là nằm vật ra giường. Bác già mua cho cháo nóng. Cháu Ngọc đun nước pha trà, một lúc mới hồi.
Uống Salamid, nhất là Prednisolonc, rất hiệu nghiệm.
Bệnh tật nhắc mình phải tập trung toàn bộ tinh lực để thực hiện nhiệm vụ chủ yếu của cuộc đời mình. Không được lãng phí dù chỉ là một hơi thở. Sáng 6/10, đi chiếu điện, rồi lại chụp điện, ngày 9 mới có kết quả, nghe mà hoàn toàn dửng dưng, làm sao cũng chẳng làm sao, dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.
Ngày 12/10, kết quả chụp điện không xấu vẫn là do lao màng phổi. Bác sĩ dặn những khi trở trời anh sẽ vẫn bị đau mãi thôi. Còn khỏe thì chẳng bao giờ khỏe đâu. Khi nào mệt quá thì anh nghỉ…
Nhớ lời thơ Tư Mã Thiên Núi cao ta trông, đường rộng ta đi / Tuy đích chưa đến, nhưng lòng hướng về.
Vừa thi xong khóa học Pháp văn 6 năm, tự cho phép nghỉ ngơi, đạp xe lên Sơn Tây thăm Vũ Văn Chỉ, chú em thân thiết của mình. Tối thứ bảy đi, trưa chủ nhật về. Mừng là vẫn tìm được Chỉ, vẫn chân thành chất phác như xưa, chưa đến nỗi tệ như bà chị ở Bò Đái Yên Bái nói với mình dạo nào. Có điều lạ là lần này toàn gọi mình là anh, không mày tao như trước. Tìm lại được Chỉ, không mất một người anh em, có lẽ đó là điều vui nhất trong năm nay.
Giữa tháng 11, nhà mình toàn người ốm. Mẹ ốm, cháu Ánh Hồng bé xíu ốm nặng, Ánh N
gọc lớn hơn ốm nhẹ, chị Thủy mổ xong đi an dưỡng, Nhàn cúm, Thân lao màng phổi bắt đầu vào bệnh viện. Anh Đại nghỉ làm vào viện nằm trông Ánh Hồng. Ngày ngày mình đưa cơm vào cho anh, mang quần áo về nhà giặt, đón cháu Hải đi học về. Bận và càng túng tiền. Ngày 26/11 Ánh Hồng và chị Thủy mới ra viện. Hải cũng nằm viện một tuần rồi. Mẹ và bác già cũng ốm nằm nhà và vẫn làm việc. Chỉ còn mình là …. người khỏe. Chiều nay sẽ đưa cái ăn vào cho Thân, rồi cho Nhàn. Bất ngờ, trưa Phạm Duy Phùng ghé nhà báo tối nay lại nhà anh Thép Mới họp mặt. Thứ tư tuần trước bọn bán báo chúng mình đã tập hợp đến thăm anh nhưng anh đi vắng. Sáng thứ ba 22/11 đi làm về mình tình cờ ghé nhà phố Nguyễn Lai Thạch gần Lò Lợn thì lại gặp anh. Anh hốc hác, má hóp, đen xạm, mắt như mắt voi vẫn chăm chú vui vẻ nghe mình kể cuộc sống công tác những năm qua, còn khen Cái tốt nhất là những năm qua mày đã đứng vững đã vững vàng trong cuộc sống… Bây giờ, tao chưa về cơ quan chưa nắm cái gì cả, nhưng không ai nỡ để lãng phí những khả năng có ích. Anh bảo mình tiếp tục trau giồi tiếng Pháp, ra sức kiên trì học Hán văn… Đừng học Nga văn như đã định. Chắc là anh có ý định giúp mình, không muốn mình phân tán sức lực. Mình nghĩ rất cảm ơn anh nhưng em sẽ vẫn cứ học Nga văn, còn sự giúp đỡ cụ thể trước mắt của anh, chưa chắc em đã nên nhận. Dạo ấy mình tự tin quá đáng như thế!
Tối họp mặt ở nhà anh Thép Mới. Anh gầy, đen. Cả bọn quây quanh bàn trà . Chị Cung Kim Châu nhỏ nhắn đun nước bằng bếp dầu có bình dầu
thủy tinh cao bằng mặt bếp. Các bạn gom tiền, miễn cho mình dân nghèo ven sông, nhờ chị Lân vợ ông Hà Xuân Trường là cán bộ cao cấp mua được nhiều bánh kẹo ngon mình chưa được ăn bao giờ. Cũng như lần 10 năm ở nhà Nguyễn Văn Bào, mình chỉ ăn, uống, nghe và gần như không nói gì, vì những điều cần nói đã nói cả với anh Thép Mới rồi. Từ hồi 18 tuổi, làm bí thư chi đoàn, hầu như ngày nào mình cũng gặp anh ít nhất một lần. Mình bảo gặp may, vào đời bằng việc bán báo với học sinh Hà Nội quả là một cuộc cọ sát mạnh. Làm bật ra mọi thói hư tật xấu của từng người. May là đụng rồi lại được đàn anh có tâm, có tầm phân tích chỉ bảo cho từ đường đi nước bước chập chững vào đời, thì còn gì quí hơn. Lắm hôm tôi đến số 10 Ngô Văn Sở, anh bảo chị Châu hôm nay cậu rửa bát nhé, tớ phải đi với cậu này. Rồi vào nhà lấy cái quần treo trên mắc mặc vội. Không là đã lâu.
Tối 30/11, ngồi tính việc chi tiêu tháng 12, nát cả óc, tiền ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền mua thuốc, may mặc và cho cháu Hải đi học trường Mầm Non. Đã ghé trường Hải hỏi thì biết là từ tháng tới mỗi tháng sẽ phải nộp 13 đồng và gạo. Hôm họp ở nhà anh Thép Mới xong Đỗ Quảng về cùng đường gợi ý việc viết tin cho báo Nhân Dân để kiếm tiền. Thân sẽ còn nằm viện khoảng chín tháng nữa. Mình nhận gánh nặng gia đình nhưng không biết có gánh nổi không. Đọc nốt quyển Madame Bovary (Bà Bôvary) mới mượn được này xong sẽ lao vào chiến dịch… viết để kiếm tiền. Bắt đâu sự nghiệp văn chương như thế thật tội nghiệp. Biết làm sao! Viết hai mẩu bàn chuyện xây dựng nếp sống mới gửi báo Hà Nội. Sẽ viết cho Lao Động. Tất nhiên cả Nhân Dân, có tay trong mà.
Ngày 4/12, thử máu, mới lấy 1,5cc đã ngất, cấp cứu. 6/12, kết quả Bilirubin 11,996mg/l. Cho nghỉ năm ngày.
Tối 7/12, đến để vĩnh biệt cô bạn nhỏ. Cô vui vẻ nói rất nhiều điều vớ vẩn như mọi khi, vì tưởng sẽ còn nhiều dịp gặp gỡ. Cô còn quá trẻ, còn đùa với cuộc đời, chưa hiểu gì cả.
Cái đau, dù lớn đến đâu mình cũng có thể chịu đựng được một mình, không cần san sẻ với ai. Chỉ khổ nhất khi thấy người khác vì mình mà khổ. Nhất là người mình yêu quí. Thế thôi. Ngày 10/12 cậu Khuê biên cho một lá thư và kê cho một đơn thuốc. Thư viết Vì sức khỏe có hạn cho nên cần tránh mọi thái quá. Đơn thì ghi: hạn chế đi lại nhiều. Kiêng mỡ. Mình sẽ kiêng nhịn tất cả miễn là được sống để làm việc. Sáng nay lại tiếp tục đưa cháu Hải đi học trường Mầm Non. Dù sao cũng phải bảo vệ, chăm sóc những mầm non của đất nước chứ.
Thế là hết năm ngày nghỉ. Định làm mấy việc đều không làm được, đúng là nghỉ ốm. Thân vừa ghé về nhà, khỏe ra, cứ ngạc nhiên mãi là tại sao anh không bị mà lại là em. Em chưa biết gì hết. Anh Đại chuyển thư cậu Khuê mới biết mình còn nguyên bệnh cũ mà còn thêm một bệnh mới về gan.
Sáng nay, 13/12 ra hiệu sách gặp bạn Lê Thế Long. Bạn nói vẫn khỏe nhưng mặt vêu ra, ở hàng ria mép hơi dài đã lởm chởm nhiều sợi bạc. Long cho biết cộng tác chặt chẽ với báo Thiếu niên Tiền Phong, đăng cả truyện ngắn, câu đố.. Mình nhận viết một bài về ảo thuật, sẽ đưa Long ngay ngày mai. Trưa 12/12, ở Cảng đã chính thức công bố kỷ luật những kẻ tham ô ăn cắp chủ yếu, kể cả những người bao che cho họ. Cuộc đấu tranh quyết liệt hơn hai năm qua đã thu được kết quả bước đầu. Một cuộc cách mạng mới xây dựng sẽ bắt đầu. Sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì dù sao cuộc cách mạng vừa qua cũng chỉ là phá bỏ cái cũ, có tính phá hoại, mà phá thì bao giờ cũng dễ hơn xây dựng nhiều.
Chiều 24/12, bà cô em bố mình lên Mộc Châu giúp em Nhàn đã đưa cháu Hà (tức Minh Tuấn) hai tuổi về Hà Nội tránh rét. Ngày 25, đưa các cháu và bà cô đến thăm anh Đại, cậu Khuê em Thân. Đến nhà cậu Khuê vớ được tạp chí Pif đọc vội cách làm máy chiếu phim đơn giản, để có cái viết nộp Long kiếm tiền. Một tối, mình đi tìm tài liệu, trước khi đi bế cháu lên để Hà nghiêng đầu cho mình hôn vào cái má đỏ hồng phinh phính của cháu. Cháu hỏi bác đi mua kẹo à. Mình định nói là không phải nhưng rồi lại nói: Đúng là đi để rồi mua kẹo cho cháu. Cả nhà và Nhàn đều hiểu câu nói đó.
Báo ngày 31/12/1971 đăng tin giặc Mỹ lại ném bom Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) nơi mình sống năm 1968 mà Hà Nội thì thanh bình quá. Quần áo, vải vóc là những đề tài nhiều người bàn tán nhất, cuối năm rồi còn gì.
Mình ho nhiều, mệt quá chừng, chỉ làm được những việc lặt vặt trong nhà. Chiều nay, em Thân sẽ ra viện chuẩn bị đi an dưỡng.
Đã gặp anh Thép Mới, đã được anh và bạn bè đồng đội cũ góp nhiều ý kiến hay, cũng biết rõ tình hình sức khỏe và hoàn cảnh kinh tế, sức khỏe cả gia đình, thế là đủ dữ liệu để quyết định hướng đi tới. Nhưng đi đâu, khi nào, bằng cách nào, đến bây giờ vẫn chưa rõ. Chỉ biết mình đã sống tận tình tận nghĩa với Cảng. Bây giờ cần đến nơi có thể đóng góp được nhiều hơn cho nhân dân, cho Tổ quốc với những năng lực đã học tập tích lũy và thử thách suốt những năm qua. Có thể yên tâm ra đi mà vẫn giữ liên lạc mật thiết với cảng thân yêu, nơi đã gắn bó với cả một đoạn đời thanh xuân đầy kỷ niệm trong cuộc sống mình.
Ngày 11/5/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh.
P.T.