Pham Ton’s Blog

Tháng Năm 16, 2024

Trên quê hương yêu dấu (kỳ 2 tháng 5 năm 2024)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:06 sáng
Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 5 năm 2024.

TRÊN QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

  • Trang 15 báo Tuổi Trẻ ngày 15/5/2024

Đối thủ đáng kính trọng của tướng Navarre

Tướng Henri Navarre trong cuốn sách Đông Dương hấp hối đã coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “đối thủ đáng kính trọng”, người có vai trò quyết định trong thắng lợi của nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp.

doi thu dang kinh trong cua navarre 1

Thông tin được thạc sĩ Đào Tuấn Anh – trưởng phòng truyền thông, Bảo tàng Hồ Chí Minh – nói trong tham luận hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ – Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức sáng 14-5 tại Hà Nội.
Lãnh tụ chính trị duy nhất
Ông Đào Tuấn Anh còn dẫn thông tin tướng Henri Navarre – tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương – từng phát biểu Việt Nam đã chiến thắng thực dân Pháp, bởi Việt Nam có “một lãnh tụ chính trị duy nhất: Hồ Chí Minh”, điều mà nước Pháp, quân đội Pháp giai đoạn ấy không có được.
doi thu dang kinh trong cua navarre 2Ông Tuấn Anh chỉ ra vai trò lãnh tụ chính trị, linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1946-1954 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vai trò này giữ yếu tố quyết định đến thắng lợi của toàn bộ cuộc chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy tài năng, trí tuệ và nhân cách của nhà hoạt động cách mạng Võ Nguyên Giáp.
Sau chiến thắng Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, ngày 20-1-1948, Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên được phong Đại tướng của QĐND VN với một triết lý rất đơn giản nhưng hoàn toàn hợp lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Đánh thắng đại tá thì phong đại tá. Đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng!”.
Lễ phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Hội đồng Chính phủ tổ chức vào ngày 28-5-1948 tại Lục Rã, chân đèo Re.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định mà ông gọi là khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình, đó là đổi phương châm tác chiến vào phút chót, từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”.

doi thu dang kinh trong cua navarre 3

Chính quyết định táo bạo này đã giúp quân và dân ta giành được thắng lợi lừng lẫy ở Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
Nhưng để Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể tự tin đưa ra quyết định dũng cảm, táo bạo, sáng suốt ấy là nhờ vào tài dùng người của Bác Hồ.
Ông Đào Tuấn Anh dẫn lịch sử kể, khi nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, sau buổi họp trước khi lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Đại tướng: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?”.
Đại tướng trả lời: “Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”.
Nghe vậy, Bác Hồ nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong đảng ủy, cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”.
Bác Hồ căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đại tướng đã khắc ghi lời căn dặn ấy của Bác và đã có một quyết định quan trọng đưa quân dân ta tới thắng lợi to lớn.
doi thu dang kinh trong cua navarre 4
Chăm tinh thần cho cán bộ chiến sĩ
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương – trưởng ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ – cũng góp thêm ý kiến về vai trò của Bác Hồ trong Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đó là, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt chăm lo tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận. Người không những đã cùng với Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch, mà còn theo dõi sát sao diễn biến, thường xuyên thăm hỏi, cổ vũ, động viên kịp thời các chiến sĩ.
Tdoi thu dang kinh trong cua navarre 5ình cảm đặc biệt của Người đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ Điện Biên quyết chí xông pha giành thắng lợi vẻ vang.
Ngày 11-3-1954, trước khi quân ta nổ súng tấn công Him Lam hai ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư căn dặn các chiến sĩ:
“Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.
Và Bác quyết định cho mỗi đại đoàn một lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” để làm cờ thưởng luân lưu.
Ngày 13-3-1954, quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, ngày 15-3 Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi điện khen ngợi, cổ vũ và căn dặn:
“Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí.
Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.
Người đã theo sát tình hình Điện Biên Phủ từng ngày, từng giờ, kịp thời đem tới cho cán bộ, chiến sĩ một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.
Và khi được tin chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn vào chiều 7-5-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tặng huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho tất cả bộ đội tham gia chiến dịch.
  • Trang 5 báo Tuổi Trẻ ngày 13/5/2024

Khen ngợi các đơn vị triệt phá đường dây mở, bán tài khoản ngân hàng trái phép

Lãnh đạo Bộ Công an vừa gửi thư khen Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) và Công an tỉnh Phú Yên vụ triệt phá đường dây thu thập, sử dụng thông tin cá nhân để mở và bán tài khoản ngân hàng trái phép.

khen ngoi cac don vi triet pha duong day mo ban tai khoan ngan hang

Ngày 12-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại tá Võ Duy Tuấn – phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên – cho biết lãnh đạo Bộ Công an vừa gởi thư khen Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an tỉnh Phú Yên.
Bộ Công an biểu dương
Nội dung khen về thành tích đấu tranh chuyên án, triệt phá đường dây thu thập, sử dụng thông tin cá nhân để mở và bán tài khoản ngân hàng trái phép.
Trong thư khen, lãnh đạo Bộ Công an khen Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Phú Yên, một số đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương tổ chức đấu tranh chuyên án, triệt phá đường dây thu thập, sử dụng thông tin cá nhân để mở, bán tài khoản ngân hàng trái phép cho các đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền… với số lượng rất lớn nhằm thu lợi trái phép.
Qua đó bắt giữ, khởi tố 5 đối tượng, thu giữ 15 máy tính, 83 điện thoại di động, 4.671 thẻ sim điện thoại cùng nhiều vật chứng khác.
“Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc, thể hiện quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao và sự sắc bén về nghiệp vụ của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an tỉnh Phú Yên.
Phản ánh sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị nghiệp vụ của bộ và công an các địa phương trong triển khai chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có tổ chức”, thư khen nêu.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang ghi nhận, biểu dương thành tích trên và đề nghị Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Phú Yên và các đơn vị, địa phương liên quan, khẩn trương củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và phòng ngừa tội phạm.
  • Trang 18 báo Tuổi Trẻ ngày 13/5/2024

Món quà đặc biệt của Thủ tướng

Ở độ cao hơn 2.000m, nơi đỉnh Ngọc Linh chạm tới mây trời, những mầm sâm quý đang âm thầm nảy nở dưới sự chở che của tán rừng nguyên sinh mát lạnh.

mon qua dac biet cua Thu Tuong

Và tại đây, món quà đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính đang lớn lên từng ngày mang theo niềm hy vọng đổi đời cho bà con Xơ Đăng.
Gần một năm trước, trong chuyến công tác đến huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) vào tháng 8-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao tặng 12.000 cây sâm Ngọc Linh giống cho 300 hộ nghèo người Xơ Đăng.
Đến nay, chính quyền huyện đã cấp sâm giống cho các hộ dân trồng tập trung tại cánh rừng già dưới núi Ngọc Linh thuộc xã Măng Ri. Những ước mơ đổi đời của đồng bào vùng khó khăn đã được quan tâm và chắp thêm điều kiện.
Chăm bẵm, nâng niu món quà quý
Sau hơn 30 phút đánh vật với con đường dốc đứng ngoằn ngoèo dẫn ngược lên núi với sự dẫn đường của trưởng thôn Đak Dơn, chúng tôi “diện kiến” vườn sâm Thủ tướng tặng bà con mở ra trong tầm mắt. Dưới tán rừng già cổ thụ che kín là bầu không khí tĩnh mịch như một thế giới khác.
Tại đây, trên thảm lá mục ánh nắng hiếm khi nào rọi tới, những mầm sâm quý chen nhau vươn lên đón lấy linh khí đất trời. Mặc cho cái nóng thiêu đốt bao trùm cả nước, chốn rừng già nhiệt độ chẳng mấy khi quá 20oC và hơi ẩm đông đặc mát lạnh suốt ngày.
Có lẽ chính bởi “tính nết đỏng đảnh”, đòi hỏi khắt khe về môi trường sống mà cây sâm Ngọc Linh trở nên vô cùng đắt giá trên thị trường dược liệu, có thể lên tới vài trăm triệu đồng mỗi ký.
Để bảo vệ món quà quý, khu vực trồng sâm của mỗi xã được rào lưới thép cẩn thận. Bên trong, những gốc sâm của từng hộ dân trồng chung trên bầu đất quây nhựa xung quanh. Để tránh nước mưa xói lở và chuột sóc xâm nhập phá hoại, phía trên các ô trồng cũng được quây lưới kỹ lưỡng.
Là nơi sinh trưởng của hàng ngàn gốc sâm quý, an ninh ra vào khu rừng rất nghiêm ngặt. Vùng trồng được kết nối với bên ngoài qua con đường đất độc đạo hiểm trở có trạm gác của cơ quan chức năng. Tại nơi trồng sâm, chính quyền dựng thêm một nhà sàn làm nơi bà con thay nhau đến trực canh giữ vườn sâm hằng ngày.
Loay hoay xách nước tưới mát vườn sâm để giữ độ ẩm giữa mùa khô, anh A Dưỡng – người dân thôn Đăk Ka, xã Tu Mơ Rông – không giấu niềm vui trên gương mặt khi nhìn cây sâm lớn từng ngày. Những chồi xanh đang dần nhú lên kéo giấc mơ đổi đời của gia đình anh thêm gần lại. Ở tuổi 25, A Dưỡng là cha của hai cậu con trai.
Nơi miền núi xa xôi, bà con Xơ Đăng ít điều kiện học hành, đa số lập gia đình sớm rồi bám vào nương rẫy. Vòng tuần hoàn nghèo khó ấy lặp lại bao đời nay, không dứt ra được. Dù con đã lớn, gia đình bốn người của anh vẫn ở trong căn nhà sàn tạm bợ, chưa dám mơ tới mái nhà kiên cố bởi cuộc sống khó khăn quá.
Quanh năm bám rẫy mì lo được cái ăn cái học cho con đã bở hơi tai, cứ ngỡ cuộc sống khó nghèo sẽ bám riết không buông, cho đến khi món quà của Thủ tướng thắp lên trong anh tia hy vọng.

mon qua dac biet cua Thu Tuong 2

Để quà của Thủ tướng thành sinh kế cho dân
Ngồi bên luống sâm đã cao gần một gang tay, A Dưỡng nhẩm tính chỉ ba năm nữa cây sẽ ra hạt. Những hạt sâm thu được tiếp tục ươm mầm để nhân rộng vườn trồng. Chịu khó chăm sóc ít năm rồi món quà này sẽ nảy nở, nhân lên gấp nhiều lần, tạo nguồn sinh kế lâu dài cho cả gia đình. Đó hoàn toàn không phải mơ ước viển vông bởi cây sâm đã đưa rất nhiều nông dân Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh này vụt lên thành tỉ phú chỉ qua vài mùa lá rụng.
Người Xơ Đăng dưới chân núi ngàn đời sống cùng sâm Ngọc Linh, coi cây sâm là vị thuốc quan trọng chữa nhiều bệnh hiểm nghèo nhưng không phải ai cũng biết cách gieo trồng. Để món quà của Thủ tướng phát triển tốt nhất, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phụ trách hỗ trợ bà con về kỹ thuật trồng trọt.
Lên xuống vườn sâm mỗi tháng vài bận, bà Hoàng Thị Thùy Dung – phó giám đốc trung tâm – vui mừng bảo vườn sâm hợp thủy thổ nên đang phát triển rất tốt, chưa hao hụt gốc nào. “Chỉ 2-3 năm nữa, khi cây sâm kết lứa quả đầu, bà con đã có thể thu hạt nhân giống mở rộng diện tích. Vùng trồng sâm nhân lên cũng đồng nghĩa hy vọng đổi đời của bà con càng thêm rộng mở”, bà Dung vui vẻ nói.
Trong khi đó, ông Võ Trung Mạnh – chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông – bảo chính quyền huyện đã cân nhắc rất kỹ khi quyết định đưa cây sâm giống của bà con trồng tập trung tại một điểm. Lựa chọn này ngoài việc thuận lợi cho công tác bảo vệ và chăm sóc kỹ thuật, còn tránh được việc bà con “bán lúa non” để món quà của Thủ tướng phát huy lợi ích bền vững, trở thành sinh kế lâu dài.
Hy vọng vài mùa xuân nữa, vườn sâm Ngọc Linh này không chỉ là quốc bảo mà còn là quốc kế dân sinh, góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.
  • Trang 19 báo Tuổi Trẻ ngày 11/5/2024

Mỹ trao trả kỷ vật chiến tranh cho Việt Nam

“Em ơi, em ơi về với chị” – bà Nguyễn Thị Dung (Thanh Hóa) khóc nấc, ngã người ra phía sau khi nhận được các kỷ vật của người em trai đã hy sinh năm 1969 nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

My trao tra ky vat chien tranh cho Viet Nam

Không ít lần trong lễ trao trả kỷ vật cho gia đình các cựu chiến binh và liệt sĩ Việt Nam do Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-5 chứng kiến những giọt nước mắt.00:01:2
Có gia đình phấn khởi vì những thông tin được nhận có thể sẽ giúp họ tìm thấy người đã khuất. Nhưng cũng có gia đình vẫn mòn mỏi chờ ngày ấy.
Hy vọng tìm được hài cốt người thân
Hàng chục món đồ – gồm nhật ký cá nhân, thư, giấy tờ tùy thân, sổ tay, giấy chứng nhận/bằng cấp và cả giấy báo tử – của hơn 10 cựu chiến binh và liệt sĩ Việt Nam đã được trao tận tay cho gia đình của họ hoặc chính bản thân họ tại buổi lễ. Năm tháng qua đi, chiến tranh lùi xa, chỉ có cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện và Phan Xuân Diệu là đến sự kiện hôm 10-5.
Họ đều bị lạc mất nhật ký chiến trường và qua nhiều kênh, nhiều cách cùng sự nỗ lực của Việt Nam lẫn Mỹ, những kỷ vật này đã được trở lại chủ cũ. Riêng ông Nguyễn Văn Thiện, người vào tháng 9 năm ngoái đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, đến sự kiện để nhận một bức thư từ nhà lãnh đạo Mỹ. Cuốn nhật ký đã được trao cho ông trước đó, trước sự chứng kiến của Tổng thống Biden khi thăm Việt Nam tháng 9-2023.
Vượt hàng trăm cây số từ Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Dung đã xúc động mạnh khi được nhận lại kỷ vật từ người em trai quá cố là liệt sĩ Nguyễn Phong Ba.
Hai ba tuần qua, bà Dung không ngủ được vì hồi hộp, trông ngóng ngày lên Hà Nội. Những ký ức của bà về người em yêu dấu vẫn rõ nét dù năm nay tuổi tác đã cao.
“Nhận được kỷ vật của em trai, gia đình vui mừng khôn xiết nhưng xen lẫn trong đó là một nỗi buồn lớn khi chưa được nhìn thấy mặt em, hài cốt của em” – bà Dung nói với phóng viên bằng giọng đứt quãng, đưa tay quệt vội những giọt nước mắt chảy dài trên hai gò má nhăn nheo.
Mắt kém, bà không đọc được những dòng chữ của em trai ghi lại trong nhật ký những ngày tháng trên chiến trường, nhưng với bà, đó cũng là đã một điều an ủi.
“Hôm nay tôi đã được toại nguyện khi nhìn thấy những gì em trai để lại, ngày mai tôi có nhắm mắt xuôi tay thì cũng yên lòng. Nhưng mong mỏi lớn nhất của tôi và gia đình vẫn là tìm thấy được hài cốt của em mình”, bà Dung trải lòng.
Cảm ơn các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ, ông Vũ Quốc Khánh, con trai của liệt sĩ Vũ Duy Hùng, bày tỏ niềm tin gia đình tìm thấy hài cốt của cha một ngày không xa.
Suốt hàng chục năm qua, trong lòng ông và gia đình vẫn trăn trở ngày cha hy sinh bảo vệ Tổ quốc để làm đám giỗ đúng ngày.

My trao tra ky vat chien tranh cho Viet Nam 2

Những thông tin mà gia đình nhận được tại buổi lễ đã xác định đầy đủ và làm rõ hoàn cảnh hy sinh của liệt sĩ như đơn vị chiến đấu, ngày hy sinh, nguyên nhân hy sinh, nơi chôn cất, tọa độ chôn cất.
Đây là những thông tin quý báu, là “điểm tựa” để gia đình có thể tìm được hài cốt của liệt sĩ. Và ông tin rằng dù là người Mỹ hay Việt Nam, ai cũng đều có một mong mỏi lớn là được tìm thấy hài cốt người thân đã mất tích.
Nhóm nghiên cứu Harvard hỗ trợ
Buổi lễ ngày 10-5 là kết quả của sự phối hợp giữa Việt Nam và Mỹ vì mục đích nhân đạo, hàn gắn vết thương chiến tranh. Các kỷ vật được trao trả cũng đánh dấu nỗ lực tâm huyết của đội ngũ các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, trong khuôn khổ Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh (VWAI) do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ.
“Có những tài liệu rất mong manh về thông tin khi chỉ có một dòng thông tin” – tiến sĩ Nguyễn Hải (Đại học Harvard) chia sẻ sau sự kiện. Quá trình nghiên cứu rồi tìm kiếm thông tin liên quan đến liệt sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam thật sự rất khó khăn, bởi những tài liệu mà nhóm nghiên cứu có được đôi khi rất khó đọc do thu được từ cả nguồn Mỹ và đồng minh.
“Trong bối cảnh chiến tranh khi ấy, có những chữ rất khó để đọc, chưa kể còn dính máu, bùn và nhiều thứ khác. Bom đạn rơi, họ viết vội, viết tắt hay dùng phương ngữ nên có những tài liệu chúng tôi phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt trước rồi mới chuyển sang tiếng Anh. Các tài liệu này sau đó được dùng để đối chiếu với kho dữ liệu của Mỹ rồi chuyển cho Bộ Quốc phòng Mỹ trước khi họ chia sẻ với Việt Nam”, ông Hải nói về những khó khăn trong việc xác định các kỷ vật chiến tranh.
Nhưng dù gian khó bao nhiêu, tiến sĩ Nguyễn Hải khẳng định nhóm nghiên cứu vẫn sẽ cố gắng hết sức, bởi so với các liệt sĩ, những người ngày xưa đi vào chiến trường gian khổ và ác liệt thì nỗ lực này không thể sánh được.
“Chúng tôi sẽ không bỏ sót một thông tin nào từ những tài liệu thu được trên chiến trường để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, hỗ trợ những gia đình Việt Nam có thể biết các thông tin liên quan đến ngày sinh hay nơi chôn cất”, ông Hải khẳng định.
Những kỷ vật tại buổi lễ ngày 10-5 chỉ là một phần lý do giúp nhóm nghiên cứu của ông Hải có quyết tâm ấy. Dẫn ra trường hợp liệt sĩ Đặng Thành Tuấn gần 60 năm không xác nhận được đó là liệt sĩ hay không, ông Hải cho biết cuối cùng nhờ vào các tài liệu của nhóm nghiên cứu, Chính phủ Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp bằng Tổ quốc ghi công và chứng nhận liệt sĩ với ông Đặng Thành Tuấn.
Đại tá Thomas Jacob Bouchillon, tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, chia sẻ tại với tư cách là một người lính cũng là một cựu binh, ông có sự tôn trọng lớn với những hy sinh và cống hiến của các cựu chiến binh, các liệt sĩ và gia đình họ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Ông Bouchillon cũng cho biết đây là năm thứ ba triển khai hoạt động theo khuôn khổ VWAI. Việc trao trả các kỷ vật chiến tranh chỉ là một phần trong nỗ lực quy mô lớn hơn, do biết phía Mỹ cũng tiến hành các hoạt động rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin và hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam.
  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 15/5/2024

Khuyến khích doanh nghiệp công nghệ cao Trung Quốc đầu tư

Khuyen khich doanh nghiep cong nghe cao Trung Quoc dau tu

Ngày 14-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam.
Ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc
Trong năm 2023, hợp tác đầu tư có bước tiến đột phá, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam (tính đến tháng 3-2024, Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỉ USD).
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Trung Quốc và các bộ, ngành Việt Nam đã trao đổi nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị, chân thành, trách nhiệm cao, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến hợp tác thiết thực để trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng thực chất, sâu sắc hơn.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại.
Đây là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, nên Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, chủ động xử lý ngay, có văn bản trả lời rõ ràng, cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền và công bố công khai thông tin.
Dành nhiều thời gian thông tin về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mục tiêu để đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; cũng như khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới, nhất là từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, liên kết vùng, đô thị hóa, các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa, người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam nhu cầu và ưu tiên cao, như đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục…
Kết nối hai nền kinh tế, áp dụng mô hình kinh doanh bền vững
Vì vậy, ông mong muốn các doanh nghiệp lớn, có năng lực, uy tín của Trung Quốc cùng hợp tác để sớm có những dự án lớn, công nghệ cao, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các tập đoàn, của khu vực, toàn cầu.
Cùng đó, cần đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế để sớm cụ thể hóa, hiện thực hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ xuyên biên giới, thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác qua biên giới, đẩy nhanh mở mới, nâng cấp một số cặp cửa khẩu đã thỏa thuận, triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh, thúc đẩy số hóa các hoạt động giao thương.
Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chính phủ Việt Nam cam kết “3 cùng” (cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm cùng hưởng) và “3 bảo đảm” (đảm bảo khu vực FDI là hợp phần quan trọng kinh tế Việt Nam; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng; bảo đảm giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nhà đầu tư yên tâm làm ăn).
  • Trang 9 báo Tuổi Trẻ ngày 14/5/2024

TP.HCM chuẩn bị gì trước “mùa ngập”

Đến mùa mưa, người dân TP.HCM lại lo ngập nước. Thành phố sẽ chuẩn bị những gì để ứng phó mùa mưa sắp tới và các dự án được cho là giải quyết căn cơ đã được làm tới đâu?

Ho chi minh chuan bi gi truoc mua ngap 1

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM có báo cáo về tình hình ngập do mưa và triều cường tại thành phố. Theo đó, TP.HCM có 18 điểm ngập (13 tuyến đường ngập do mưa và 5 tuyến đường ngập do triều cường).
Ngoài danh sách ngập vẫn bị ngập
Sở này cho biết cách đánh giá điểm ngập dựa theo tiêu chí các đường trục chính. Còn số lượng đường “trục phụ” bị ngập thì Sở Xây dựng không thông tin chi tiết.
Danh sách cụ thể của 13 đường trục chính bị ngập do mưa gồm đường Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm), Hồ Học Lãm, quốc lộ 1, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng. Còn ngập do triều cường gồm đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích và quốc lộ 50.
Thực tế, nhiều nơi không nằm trong danh sách này vẫn bị ngập. Chiều 8-5, sau cơn mưa chỉ khoảng 15 phút, một số tuyến đường ở TP Thủ Đức đã bị ngập.
Trong đó có đường Lê Văn Việt, Tô Ngọc Vân, xa lộ Hà Nội (đoạn hầm chui trước bến xe Miền Đông mới). Các tuyến đường đều đông đúc xe cộ và tình trạng ngập nước diễn ra “như cơm bữa” vào mùa mưa.
Mùa mưa tới, phép thử cho các dự án
Tháng 10-2020, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức, TP.HCM) được khởi công xây dựng. Khu vực này lúc ấy cứ mưa là ngập, có đoạn dốc nước chảy như thác. Đơn vị thi công không đảm bảo tiến độ.
Đến tháng 1-2024, chủ đầu tư tìm được nhà thầu mới và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Ngày 27-4 vừa qua, cơ quan chức năng đã tổ chức buổi khánh thành dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân và dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông, TP Thủ Đức.
Ông Bùi Văn Thanh (ngụ phường Linh Chiểu) chia sẻ: “Chúng tôi mong không còn nước ngập ở đoạn ngã ba đường Đặng Văn Bi đến chợ Thủ Đức”.
Ông Trần Nhân, giám đốc điều hành hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, cho biết dự án hoàn thành sẽ giảm ngập cho khu vực. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ ngập nước thì kiến nghị UBND TP.HCM và TP Thủ Đức nghiên cứu, đầu tư thêm để kết nối đồng bộ các công trình, đường ống thoát nước khác trong khu vực
Còn ông Mai Hữu Quyết, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, nhận định đường Võ Văn Ngân là “rốn ngập” của TP Thủ Đức những năm vừa qua.
Sau khi dự án cải tạo đường thoát nước ở đây hoàn thành và kết hợp với dự án giải quyết ngập đường ray xe lửa Linh Đông sẽ giải quyết cơ bản vấn đề ngập ở chợ Thủ Đức. Sắp tới, TP Thủ Đức sẽ có nhiều công trình cải tạo để giải quyết tổng thể bài toán ngập ở địa phương.
Ngoài đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức cho biết trong thời gian tới sẽ phấn đấu khởi công và hoàn thành bảy công trình nâng cấp bờ bao chống ngập, 36 công trình thoát nước, mở rộng 60 tuyến hẻm.
Cải thiện ống thoát nước ở Gò Vấp

Ho chi minh chuan bi gi truoc mua ngap

Ông Lý Thanh Long, chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết TP.HCM đang chuẩn bị làm ba dự án chống ngập và cải thiện đường ống thoát nước ở quận Gò Vấp.
Đó là cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối – Lê Văn Thọ, đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu) và đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt). Sau khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết được 4/13 tuyến đường trục chính ngập.
Việc ứng phó trong thời gian chờ các dự án được hoàn thành, ông Long cho biết Sở Xây dựng TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, kênh rạch, cửa thu và xả.
Tổ chức kiểm tra việc vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt, vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước, xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều, phối hợp với các đơn vị liên quan đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới…
Sở Xây dựng sẽ thống nhất với các bên liên quan về phương án điều tiết giao thông, đặc biệt tại các khu vực ngập nặng. Kiểm tra, rà soát để tận dụng các trạm bơm nước thải hỗ trợ thoát nước khi mưa lớn: trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trạm bơm Đồng Diều và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa.
Phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động người dân bảo vệ hệ thống thoát nước bằng cách không lấp, bít và bỏ rác thải tại các miệng thu nước, xử lý ngay trường hợp cố tình xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
  • Trang 15 báo Tuổi Trẻ ngày 14/5/2024

Tàu cao tốc TP.HCM – Côn Đảo chở được ngàn người

Sáng 13-5, Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp các đơn vị tổ chức lễ khai trương tàu cao tốc Thăng Long từ Nhà Bè (TP.HCM) đi Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), phục vụ nhu cầu đi lại rất lớn của người dân.

Tau cao toc cho duoc ngan nguoi

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Hòa An – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – nhận định du lịch, vận tải đường thủy được xác định là đặc trưng của TP.HCM. Trong đó việc khai trương tuyến tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo sẽ tăng khả năng kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Đồng thời, giúp cho người dân có thêm sự lựa chọn khi đi từ TP.HCM đến Côn Đảo – điểm du lịch hấp dẫn với bãi biển đẹp, khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, với những di tích lịch sử linh thiêng, gắn liền với lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc ta giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Cũng theo ông An, hiện du khách để đến được với Côn Đảo từ TP.HCM, có 2 phương thức vận tải. Một là bằng đường hàng không (với thời gian khoảng 50 phút), hai là đi xe và tàu cao tốc từ TP.HCM đến Vũng Tàu, Côn Đảo.
Ông Vũ Văn Khương – phó tổng giám đốc Công ty CP tàu cao tốc Phú Quốc (chủ đầu tư) – khẳng định từ nay người dân có thể trực tiếp đi từ cảng Sài Gòn – Hiệp Phước đến Côn Đảo với thời gian khoảng 4 tiếng.
“Có thể nói, đây sẽ là một sự chọn lựa mới, đem lại trải nghiệm du ngoạn cho người dân và du khách với cung đường thủy từ cảng Sài Gòn – Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè, thông qua luồng Soài Rạp – vịnh Đồng Tranh – Biển Đông đến cảng Bến Đầm tại Côn Đảo. Chúng tôi kỳ vọng chung tay kết nối vùng, phát triển kinh tế – xã hội, du lịch”, ông Khương nói.
  • Trang 19 báo Tuổi Trẻ ngày 14/5/2024

Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường

Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) Ted Osius tỏ ra lạc quan về khả năng Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.

Viet nam da la nen kinh te thi truong

“Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường rồi và đáp ứng được các tiêu chí chính như khả năng chuyển đổi tiền tệ và đã sẵn sàng để có được một sự công nhận đúng với điều đó” – ông Osius, người từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2014 đến 2017, nhấn mạnh với Tuổi Trẻ.
Với tư cách là người đứng đầu USABC có hơn 130 thành viên là các công ty hàng đầu Mỹ và thế giới, ông Osius khẳng định doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng tại đây.
Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhận được sự ủng hộ của USABC và trong giai đoạn Mỹ xem xét điều này, USABC đã có tiếng nói.
Để minh chứng, trong email trả lời Tuổi Trẻ, ông Osius đã đính kèm hai tài liệu kêu gọi Chính phủ Mỹ xem xét thực tế ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam và thay đổi quy chế Việt Nam lên nền kinh tế thị trường.
Một trong hai lá thư này cũng nêu ra 7 điểm phản bác lại lập luận của Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ – bên phản đối cấp quy chế cho Việt Nam.
“Nhiều đối thủ cạnh tranh thương mại của Mỹ ở châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), châu Âu và châu Mỹ (Mexico và Canada) đã tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại với Việt Nam để mở rộng cơ hội cho nền kinh tế của họ.
Nếu chúng ta không thể bắt kịp những động thái đó và tiếp tục coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, chúng ta có nguy cơ hủy hoại tương lai của một trong những mối quan hệ thương mại song phương thành công nhất của Mỹ trên thế giới”, lá thư thứ hai gửi đến Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo kết thúc bằng một cảnh báo.
  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 13/5/2024

Cần Thơ và các địa phương phải liên kết vùng trong phát triển hạ tầng

Chuyên gia cho rằng hiện các địa phương vùng Đông Nam Bộ muốn giảm tỉ lệ nộp ngân sách để có nguồn lực đầu tư nhưng khó khả thi. Cần mạnh dạn đề xuất giữ lại một phần ngân sách đưa vào quỹ phát triển hạ tầng liên vùng.
Sáng 14-5, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp cơ quan thường trực tạp chí Cộng Sản tại miền Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp bộ với chủ đề “TP.HCM sau 1 năm thực thi nghị quyết số 98 của Quốc hội“.
Điều tiết ngân sách để xây dựng hạ tầng vùng Đông Nam Bộ

can tho va cac dia phuong phai lien ket vung trong phat trien ha tang

Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình – viện trưởng Viện Phát triển chính sách, Đại học Quốc gia TP.HCM, đã đặt vấn đề liên kết vùng khi TP.HCM thực thi nghị quyết 98.
Ông Tình cho rằng nghị quyết 98 đặt ra vai trò nòng cốt của TP trong phát triển kinh tế và hạ tầng vùng.
Vùng Đông Nam Bộ hiện nay đã thành lập Hội đồng điều phối vùng do Thủ tướng Phạm Minh Chính là chủ tịch hội đồng. Ông cho rằng đây là cách hay để kịp thời triển khai các chính sách phát triển vùng.
Tuy nhiên Thủ tướng vẫn không thể trên luật nên khi triển khai các vấn đề, các bộ ngành trung ương vẫn phải làm theo luật. Do đó, mục tiêu dài hạn là phải điều chỉnh các luật về liên kết vùng.
Trong ngắn hạn, ông Tình cho rằng cần cho vùng Đông Nam Bộ thí điểm cơ chế liên kết vùng, đặc biệt là thể chế liên kết đó.
Trong đó, đề xuất Hội đồng điều phối vùng phải là cơ quan trực thuộc Chính phủ, có tư cách pháp nhân, có dấu, có quyền điều tiết ngân sách để xây dựng hạ tầng vùng.
Ông cho rằng các địa phương trong vùng đóng góp tỉ lệ ngân sách cao về trung ương. Hiện nay các địa phương đều muốn giảm tỉ lệ nộp về để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng.
“Tuy nhiên tôi cho rằng trong bối cảnh ngân sách hiện nay đòi hỏi giảm tỉ lệ trích về trung ương là rất khó. Nên chăng cần mạnh dạn đề xuất giữ lại một phần ngân sách đưa vào quỹ phát triển hạ tầng liên vùng. Và nếu Hội đồng điều phối vùng là cấp hành chính trung gian thì hoàn toàn có thể điều phối được nguồn quỹ này”, ông Tình nói.
Ngoài ra với khối lượng công việc lớn của Thủ tướng, nên để bí thư Thành ủy TP.HCM làm trưởng ban điều phối hội đồng vùng này.
Cần có chiến lược phát triển tứ giác kinh tế
Cùng về vấn đề liên kết vùng, TS Nguyễn Thị Trâm và TS Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Học viện Chính trị khu vực II, đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc) để đề xuất giải pháp cho TP.HCM thực hiện liên kết vùng.
Các chuyên gia cho rằng nghị quyết 98 có đặt mục tiêu phát triển TPHCM nằm trong hoạch định vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, có đề cao vai trò của vùng tứ giác kinh tế TP.HCM – Bà Rịa-Vũng Tàu – Bình Dương – Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Tuy nhiên hiện nay lại thiếu các chiến lược mang tính tổng thể của TP.HCM đặt trong vùng và cả nước.
Chỉ khi có các chiến lược nhất quán thì TP.HCM mới có khả năng triển khai các chính sách cải cách dài hơi, tránh tư duy “thí điểm”. Các địa phương trong vùng cũng có điều kiện để kết nối với TP.HCM và các địa phương trong vùng khác.
Dẫn chứng như việc triển khai xây dựng cảng trung chuyến quốc tế Cần Giờ kết nối như thế nào với cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng Phước An (Đồng Nai), cảng quốc tế Long An… tạo thành hệ thống cảng để cạnh tranh trong khai thác logistics với các quốc gia trong khu vực…
  • Trang 9 báo Tuổi Trẻ ngày 13/5/2024

Đội quân tóc bạc cùng dựng lên những mái nhà

Sinh ra ở mảnh đất cù lao Ông Hổ, từng một thời kham khổ, nên khi cơm no áo ấm, mấy ông lão tốt dạ luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con gầy dựng chốn an cư.
Ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), nhiều người trìu mến gọi ông Huỳnh Văn Bảy là “ông chủ tịch” của đội quân tóc bạc. Dù đã 79 tuổi, mái tóc bạc phơ, nhưng trông ông vẫn nhanh nhẹn như một thợ làm mộc chuyên nghiệp.
Tổ xây dựng nhà đại đoàn kết

Doi quan toc bac

“Bữa nay chú đến gặp tụi tui là hên lắm, bởi tui đi tứ xứ để khảo sát, lắp ráp nhà cho bà con. Tui mới lãnh dựng căn nhà có gác cho bà 80 tuổi bên Mỹ Quý, Long Xuyên. Hôm qua đến khảo sát tui không đành lòng chậm trễ được nữa, nóc nhà đã nhìn thấu trời xanh rồi. Hễ mưa gió là cả nhà chạy kiếm chỗ trốn”, lão Bảy tâm sự.
Xuất thân trong gia đình nghèo, đông anh chị em, từ nhỏ ông vừa phụ giúp cha mẹ canh tác ruộng vườn vừa theo chân những người lớn tuổi đi giúp người khó khăn. Những ngày tháng đó đã ươm mầm trong ông hạt giống thương yêu, nghĩ đến người xung quanh một cách thật tự nhiên.
Mấy mươi năm trước, ông đi kiếm gỗ dựng nhà cho bà con trong xóm. Nhờ dựng nhà “mát tay” mà tiếng tăm được đồn khắp xóm. Bà con nghèo kêu ông giúp đỡ đến nỗi làm không xuể. Năm 2001, ông nghĩ đến chuyện huy động thêm những người tốt dạ đến tiếp sức, từ đó tổ xây dựng nhà đại đoàn kết ra đời.
“Tui huy động được bốn năm chục người tham gia. Người lớn nhất ngoài tám mươi, người nhỏ nhất cũng năm chục. Nhưng cái khó là không ai rành làm mộc, tui mới đứng ra vận động một người thợ tham gia cùng tổ. Anh em được chỉ dẫn tận tình từ cách cưa cây, đục đẽo, tạo hình”, ông Bảy nhớ lại.
Trong tổ, người còn trẻ khỏe thì lo công việc dựng, lợp nhà. Người lớn tuổi thì ở nhà cưa cây, đục đẽo, làm khung để sẵn.
“Nhưng từ lúc thành lập tới giờ, có tới một nửa thành viên bỏ cuộc. Vì cuộc sống, cơm áo gạo tiền mà, trách sao được. Giờ chỉ còn lại mấy ông già như tụi tui kiên trì bám trụ”, ông Bảy nói tiếp.
Đội quân tóc bạc sống tốt đời, đẹp đạo làm người
Một góc sân rộng phía trước Hưng Long Tự (còn gọi là chùa Chư Vị) ở cù lao Ông Hổ là “đại bản doanh” tổ xây nhà đại đoàn kết của lão Bảy. Lúc đầu, kinh phí còn hạn hẹp nên tổ chỉ có thể làm những căn nhà bằng gỗ tạp.
Vì mong muốn bà con có chốn định cư lâu dài, ông Bảy vận động tìm mua những loại gỗ tốt. Mỗi căn nhà tổ ông Bảy làm có diện tích 4x8m, được làm từ các loại gỗ có tuổi thọ lên tới hơn 20 năm.
Thông qua sự giới thiệu hoặc danh sách chính quyền địa phương gửi tới, ông Bảy đi khảo sát. Nếu đúng đối tượng cần cho, nhà, tôn và các vật dụng sẽ được thuê xe vận chuyển đến địa điểm để lắp ráp. Tính hết mọi chi phí, mỗi căn nhà đại đoàn kết của nhóm ông Bảy khoảng 35 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (61 tuổi, đội trưởng dựng nhà) cho biết gia đình ông cũng thuộc diện khó khăn, từng bỏ quê lên Bình Dương làm bảo vệ. “Vì tuổi tác nên năm 2010 tui trở về quê và tham gia cùng tổ của chú Bảy. Vợ chồng tui có ba đứa con, giờ đứa nào cũng đi làm, lương khá rồi, nên tui yên tâm ra đây làm việc tốt cho xã hội”, ông Mỹ thổ lộ.
Ông Lương Văn No (73 tuổi), tham gia tổ ngay từ thuở sơ khai và được xem là “thợ cái” – vì chịu trách nhiệm đào tạo nghề mộc cho các thành viên. Ông No cho biết gia đình có bốn đời làm nghề mộc nhưng không có ruộng đất canh tác. Thu nhập gia đình phụ thuộc vào nghề mộc của ông. Lúc không có ai thuê, ông ra chùa cùng mọi người làm việc.
“Tổ chia làm ba đội, cất nhà, cưa cây và làm khung. Người này làm xong thì choàng công việc người khác. Tuổi già rồi, anh em ai cũng tranh thủ còn bao nhiêu năm nữa cũng cố gắng sống tốt cho đời, đẹp với đạo lý làm người”, ông No chia sẻ.
Mỗi năm, tổ ông Bảy xây và dựng từ 40 – 50 căn nhà. Tính ra, suốt hơn 20 năm, tổ dựng gần ngót nghét 1.000 mái ấm cho dân nghèo khó.
Uống ngụm nước trà rồi vạch sổ ra xem, lão Bảy trầm ngâm nói: “Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Long An… tụi tui đều đã đi qua hết rồi. Nơi xa quá thì đóng quân ở lại, khi nào gia chủ dọn vào ở ngon lành mình mới về”.
Dành cả đời mang niềm vui cho người khác, khi được hỏi chuyện riêng, lão Bảy mới giật mình nói: “Mấy chục năm tuổi đời, tui chẳng có mối tình vắt vai thì làm sao nói tới chuyện vợ chồng, con cái. Giúp đỡ những người bất hạnh hơn mình có nơi an cư, lạc nghiệp cũng là niềm hạnh phúc”.
  • Trang 14 báo Tuổi Trẻ ngày 13/5/2024

Chấp nhận rủi ro để lập nghiệp thành công

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn nhủ như vậy tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên diễn ra tại TP Cần Thơ vào ngày 12-5.

Chap nhan rui ro de lap nghiep thanh cong

Ngày hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức.
3.000 dự án, 4.000 ý tưởng khởi nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi – thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ những hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cơ sở, đến nay Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên đã thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp, hơn 4.000 ý tưởng khởi nghiệp với hơn 20.000 học sinh sinh viên tham gia.
Hiện nay, bình quân mỗi cơ sở giáo dục đại học hợp tác với khoảng 60 doanh nghiệp, có một số đại học và trường đại học hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp ở trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu. Một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân lực, đặt hàng nhân lực chất lượng cao và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo.
Về phía trường đại học, ngoài việc gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với việc làm, tuyển sinh với tuyển dụng thông qua ký kết hợp tác đào tạo, hội chợ việc làm với các doanh nghiệp…, nhiều trường còn thành lập các quỹ học bổng và sân chơi khởi nghiệp nhằm mang đến cơ hội tự tạo việc làm cho sinh viên.
Một số trường đại học bước đầu hướng chương trình đào tạo của mình theo nhu cầu của doanh nghiệp bằng cách tham khảo ý kiến doanh nghiệp về chương trình đào tạo, mời các doanh nhân tham gia vào một số chương trình giảng dạy, trao đổi ý kiến, hướng nghiệp.
Chẳng hạn, theo PGS.TS Trần Trung Tính – hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ, nhà trường đã xây dựng học phần đối với sáng tạo khởi nghiệp, đưa vào chương trình chính quy và giảng dạy từ năm 2019.
Bên cạnh đó, trường tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tọa đàm, giao lưu với doanh nghiệp, cựu sinh viên thành đạt, các nhà khoa học trẻ, các cuộc thi khởi nghiệp nhằm nâng cao kiến thức, năng lực đổi mới sáng tạo cho đội ngũ sinh viên của nhà trường.
Ông Tính cũng cho biết các giảng viên của trường tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, chuyển giao các nghiên cứu khoa học cho doanh nghiệp. Các hoạt động đều hướng đến mục tiêu truyền đạt kiến thức khởi nghiệp, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, sự tự tin, động lực cho sinh viên.
Phải có chính sách ưu đãi khởi nghiệp
Phát biểu với các sinh viên và học sinh có mặt tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết những năm qua Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
“Tôi cảm nhận được một điều là khởi nghiệp của học sinh sinh viên đều dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, dựa vào phát triển của thị trường, nhu cầu của thị trường và dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước để phát triển hoặc đi vào những vấn đề khó khăn thách thức, mâu thuẫn để góp phần đưa giải pháp để tháo gỡ, hóa giải”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh ông đã phát biểu nhiều lần trong các hội nghị khoa học và các hội nghị mang tính chất đổi mới sáng tạo là đổi mới sáng tạo mà không chấp nhận rủi ro thì không còn là đổi mới sáng tạo nữa. Vì vậy, ông cho rằng chấp nhận rủi ro, không cầu toàn và không nóng vội thì mới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được.
Thủ tướng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành, chủ động bố trí nguồn lực sớm xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng cơ chế phối hợp với doanh nghiệp để hình thành các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp trong nhà trường; hỗ trợ cán bộ giảng viên đăng ký sở hữu bằng độc quyền sáng chế, có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khoa học công nghệ nhằm khai thác, hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm.
Chủ động liên kết với các tổ chức, cá nhân thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, phát triển mạnh mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tư vấn, hỗ trợ các khóa huấn luyện, đào tạo, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp học sinh sinh viên gắn với nội dung chương trình được định hướng cụ thể thông qua các buổi học, trải nghiệm ngay tại các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, đảm bảo học đi đôi với hành.
Đối với các học sinh sinh viên, Thủ tướng nhắn nhủ: “Các cháu phải luôn mang trong mình tinh thần quyết tâm, nuôi dưỡng ý tưởng, thổi bùng đam mê, quyết tâm, kiên trì, đương đầu với thách thức, chấp nhận rủi ro để lập nghiệp thành công. Từ đó đóng góp công sức trí tuệ cho sự nghiệp cho quê hương đất nước ngày càng văn minh giàu đẹp, làm cho bản thân và gia đình ngày càng giàu có với tinh thần dân giàu thì nước mới mạnh”.
  • Trang 2 báo Tuổi Trẻ ngày 15/5/2024

16.252 học sinh ở TP.HCM không đăng ký thi lớp 10

Trong số 114.933 học sinh lớp 9 ở TP.HCM năm nay, chỉ có 98.681 em đăng ký thi lớp 10. Như vậy, có 16.252 học sinh không đăng ký thi.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm học 2024-2025 TP.HCM chỉ có 98.681/114.933 học sinh lớp 9 đăng ký thi lớp 10. 16.252 học sinh còn lại không đăng ký thi.
Giải thích về vấn đề trên, ông Lê Hoài Nam – phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – cho biết: “16.252 học sinh lớp 9 không đăng ký dự thi lớp 10 các trường THPT công lập là vì các em đã chủ động lựa chọn con đường học tập khác phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình. Có thể là các em chọn học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng, du học, học hệ giáo dục thường xuyên, học tại các trường THPT tư thục…
Trong đó, hình thức học tập được nhiều học sinh chọn lựa là học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM”, ông Nam thông tin.
Theo ông Nam, những năm gần đây, công tác phân luồng học sinh sau THCS ở TP.HCM đã có được một số kết quả khả quan, khi nhiều học sinh chủ động chọn lựa học nghề chứ không thi vào lớp 10 công lập.
Hiện tại các trường nghề trên địa bàn TP đã cải tiến rất nhiều, từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy cho đến bổ sung cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực hành của học viên nghề. Đó là chưa kể ưu đãi đối với học sinh mới tốt nghiệp THCS mà đăng ký học trường nghề sẽ được miễn học phí 100%.
Được biết, nhiều năm nay TP.HCM luôn có hơn 15.000 học sinh không đăng ký thi lớp 10. Cụ thể như sau:
Năm học 2021-2022, TP.HCM có 99.692 học sinh lớp 9 nhưng chỉ có 83.302 học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập, 16.390 học sinh không thi.
Năm học 2022-2023, TP.HCM có 108.297 học sinh lớp 9 nhưng chỉ có 92.517 học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập, 15.780 học sinh không thi.
Năm học 2023-2024, TP.HCM có 113.807 học sinh lớp 9 nhưng chỉ có 96.334 học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10 công lập, 17.473 học sinh không thi tuyển sinh lớp 10 công lập.
  • Trang 13 báo Tuổi Trẻ ngày 15/5/2024

Giáo sư Nguyễn Huy Dung:

Người thầy đáng kính có tâm hồn “thơ ca”

Ngày 15-5, người thân, bạn bè, nhiều thế hệ học trò… đã tiễn biệt giáo sư, bác sĩ Nguyễn Huy Dung về nơi an nghỉ cuối cùng, ông qua đời ngày 10-5.

Giao su Nguyen Huy Dung

Giáo sư Nguyễn Huy Dung là người chăm sóc Bác Hồ trong những năm tháng cuối đời Bác.
GS Nguyễn Huy Dung sinh ngày 22-11-1931 tại TP Vinh (Nghệ An). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, ông là em ruột của liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai và liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Năm 1966, ông được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ. Ông là người chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ giai đoạn cuối cuộc đời.
Sau này, với cương vị ủy viên Hội đồng Sức khỏe nhà nước, ông đã góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe các lãnh đạo trung ương. Không chỉ tham gia khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, ông còn tích cực tham gia công tác giảng dạy cho sinh viên y khoa.
Người thầy đáng kính
“Khi nghe tin GS Nguyễn Huy Dung – một người thầy lớn của nhiều thế hệ bác sĩ giỏi – đã ra đi, tôi thực sự thấy thương tiếc, xót xa và nhớ về hình ảnh một người thầy độ lượng”, đó là chia sẻ của PGS Nguyễn Trường Sơn (nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy).
Nói về người thầy của mình, PGS Sơn chia sẻ năm 1988, khi nhận công tác về khoa huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc đó GS Huy Dung là phó giám đốc phụ trách hệ nội khoa. Ông đã dìu dắt, giúp đỡ PGS Sơn rất nhiều.
“Mấy chục năm đã qua nhưng tôi vẫn nhớ rõ mỗi buổi sáng giao ban do GS Huy Dung chủ trì. Chúng tôi lắng nghe và học được rất nhiều điều từ những ý kiến đóng góp quý báu của thầy về chuyên môn, đạo đức, tính nhân văn.
GS Huy Dung là một trong những tiến sĩ y khoa đầu tiên của Việt Nam, được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh những tháng năm cuối đời.
Ông từng đảm nhận các chức vụ: ủy viên Hội đồng Sức khỏe nhà nước; phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy; giảng dạy tại Trường đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Với cá nhân tôi, nhớ về GS Huy Dung là nhớ đến một người thầy lớn, cả trong công việc, chuyên môn đến cư xử với đồng nghiệp, người bệnh.
Thầy độ lượng, tận tình nhưng khi có vấn đề chuyên môn cần thiết hoặc với ai làm việc trái đạo đức, thầy cũng sẽ nghiêm khắc. Sau khi nghỉ hưu, thầy tập trung cho công tác giảng dạy và đào tạo.
Có thể nói GS Huy Dung là một người toàn tài. Thầy còn say mê làm thơ và thơ rất hay. Tôi được thầy tặng hai quyển trong số những tập thơ đã xuất bản. Trong những buổi gặp mặt cuối năm hoặc sự kiện Bệnh viện Chợ Rẫy mời, thầy luôn hiện diện và có chỉ dạy với đàn em, đàn cháu”, PGS Sơn bày tỏ.
PGS Sơn chia sẻ chặng đường phát triển của Bệnh viện Chợ Rẫy ghi ơn công sức của nhiều thế hệ đi trước, trong đó có người thầy đáng kính – GS Huy Dung.
Ông là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng đối với sự lớn mạnh của hệ nội khoa, về chuyên môn và y đức.
“Ông hiếm khi tự nói về mình nhưng chúng tôi luôn ngưỡng vọng thầy – một con người say mê với nghề y và công tác giảng dạy, đào tạo các thế hệ bác sĩ giỏi về chuyên môn và biết thương yêu người bệnh.
Giáo sư ra đi là một mất mát của ngành y tế nước nhà nói chung và của Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng! Trân trọng cúi đầu tiễn biệt trước sự ra đi của thầy với lòng thương tiếc khôn nguôi!”, PGS Sơn thương tiếc chia sẻ.
Vị bác sĩ có tâm hồn nhà thơ
Không chỉ là một bác sĩ giỏi nghề, một vị lãnh đạo giàu y đức, GS Nguyễn Huy Dung còn là một nhà thơ, từ năm 2001 đến 2017 ông đã xuất bản 14 tập thơ.
Từng chia sẻ với báo chí về câu chuyện làm thơ của mình, ông nói y khoa và thơ gần nhau lắm, một bên cứu người bằng thuốc thang, bằng tay nghề bác sĩ, một bên cứu tâm hồn người bằng những lãng mạn, sẻ chia, hướng tới cái đẹp.
Những bài thơ của ông dung dị, mộc mạc. Ông viết về hết thảy các chủ đề gắn với trải nghiệm của mình, từ những bài thơ viết về Hà Nội, Sa Pa hay những bài thơ về mẹ, về quê hương và chính bản thân mình.
Tuổi leo thang mái tóc
Tự vấn tâm không lùi
Cuối đời tươi ánh bạc
“Sáng tạo” đạt niềm vui
Đó là những vần thơ ông sáng tác trong bài Tuổi và niềm vui. Những câu thơ thấy được sự lạc quan, yêu đời và tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo của ông.
Hay trong bài thơ Nhớ quê được xuất bản năm 2005 trong tập thơ Cát Pha lê, ông viết:
Xanh hỡi! Cho ta trở lại quê
Tìm hồn mắt biếc buổi
trăng thề
Cho ta về lại bao huyền diệu
Của một thời thơ sống
thỏa thuê
Những lời thơ của ông cũng cho thấy nỗi niềm của người con xứ Nghệ luôn nặng tình với quê hương.
GS Nguyễn Huy Dung không chỉ để lại cho nhân gian những công trình nghiên cứu về y học, tấm gương sáng về y đức mà còn cả những vần thơ mộc mạc, để những thế hệ sau nhìn lại và noi theo.
  • Trang 11 báo Tuổi Trẻ ngày 14/5/2024

840 học sinh tranh tài chung kết tin học trẻ TP.HCM

Ngày 12/5, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã diễn ra vòng chung kết cấp Thành phố Hội thi Tin học trẻ TPHCM lần thứ 33 năm 2024.
Hội thi do Thành Đoàn TPHCM phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Thành phố, Hội Tin học Thành phố tổ chức, nhằm phát triển phong trào học tập, sáng tạo và ứng dụng về tin học trong thanh thiếu nhi Thành phố; đồng thời phát hiện, tập hợp và phát huy những năng khiếu trẻ về tin học góp phần xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Thành phố, qua đó tuyển chọn đội tuyển Thành phố tham dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2024.
Tại vòng chung kết, 840 thí sinh đến từ 22 quận – huyện Đoàn, Thành đoàn TP Thủ Đức và 4 đội tuyển chuyên Tin trên địa bàn Thành phố tham gia tranh tài.
Ở phần thi kiến thức kỹ năng Tin học (bảng A có 215 thí sinh, bảng B: 205 thí sinh, bảng C1 (THPT Chuyên): 130 thí sinh, bảng C2 (THPT không Chuyên): 188 thí sinh).
Phần thi sản phẩm sáng tạo Tin học với tổng 34 sản phẩm. Trong đó, bảng D1 (Tiểu học, THCS): 43 sản phẩm/67 thí sinh; bảng D2 (THPT): 13 sản phẩm/35 thí sinh.
Tại vòng chung kết, có 2 thí sinh dự thi vượt cấp học so với trình độ đang theo học tại trường, đó là thí sinh Đỗ Thị Thanh Bình, học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Quận 1 dự thi vượt cấp từ bảng Tiểu học (bảng A) lên bảng THCS (bảng B) và thí sinh Lê Viết Nam Khôi, học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Việt Úc dự thi vượt cấp từ bảng THPT không chuyên (C2) lên bảng THPT Chuyên (C1).
Hội thi Tin học trẻ TPHCM dành cho học sinh đang theo học các bậc Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TPHCM.
Trước đó, Hội thi được tổ chức qua nhiều vòng thi các cấp. Riêng vòng sơ loại trực tuyến đã thu hút 107.827 lượt thí sinh đến từ 729 trường Tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tham gia.
Hội thi năm nay có nhiều nét mới, từ vòng thi cấp huyện, Ban Tổ chức đã áp dụng hệ thống lập trình và chấm bài tự động để thí sinh có cơ hội tiếp cận gần hơn với cách thức tổ chức Hội thi cấp Thành phố và toàn quốc.
Đặc biệt, tại vòng chung kết, thí sinh tham gia phần thi kiến thức và kỹ năng Tin học bảng B, C1, C2 được chấm bài trực tiếp với 50% bộ test chính thức của Hội thi, đây là cơ hội để thí sinh có thể đánh giá được mức độ chính xác của thuật toán làm được nhằm kịp thời điều chỉnh và tối ưu thuật toán của mình để có thể đạt được kết quả cao nhất.
  • Trang 17 báo Tuổi Trẻ ngày 14/5/2024

Ký túc xá 0 đồng của học sinh Jarai

5 năm qua, hai khối nhà sau lưng Công an thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã trở thành ký túc xá miễn phí của cả trăm lượt học sinh Trường THPT Ia Ly.

Ky tuc xa 0 dong

Ngoài nơi ăn chốn ở miễn phí, các khoản tiền điện, nước sinh hoạt của các em cũng được công an thị trấn đài thọ. Nhờ đó, nhiều học sinh gia cảnh khó khăn được yên tâm học hành.
Nơi bao bọc con em đồng bào
Xế chiều cuối tuần, hai khối nhà sau lưng Công an thị trấn Ia Ly náo nhiệt tiếng nói cười. Trong cái nắng rát da mùa khô Tây Nguyên, bên trong hai dãy nhà bê tông kiên cố mát mẻ hơn những gian trọ nhà cấp 4 bên ngoài. Hôm nay không đi học, các bạn học sinh trong khu ký túc xá tụm lại trò chuyện cho khuây nỗi nhớ nhà.
Mấy năm nay khu nhà này đã trở thành nơi ăn chốn ở và góc học tập cho các cô cậu học trò Jarai xuống thị trấn bám trụ theo con chữ. Ở vùng núi xa xôi này, có những em nhà cách trường gần 50 cây số, bắt buộc phải trọ học để nuôi ước mơ tìm tri thức. Chỉ đến cuối tháng các bạn mới khăn gói về quê nhận gạo, tiền “tiếp tế” từ gia đình rồi quay lại thị trấn.
Căn phòng ở góc trái lầu 2 là nơi sinh hoạt của bốn cô học trò người Jarai, là chị em họ hàng với nhau tại quê nhà xã Ia Kreng. Hoàn cảnh khó khăn, để tiết kiệm chi phí cho cha mẹ, khi lên cấp III, bốn nữ sinh lần lượt xin vào đây ở. Rơ Châm Bộc đang học lớp 10A4, nữ nhỏ con nhất phòng, nói từ khi dọn vào đây ở, gia đình em đỡ nhiều chi phí cho việc học hành,
Nhà có ba anh chị em, sống nhờ vào rẫy điều và rẫy mì của bố mẹ. Năm nay nắng hạn cây điều mất mùa, bố mẹ Bộc phải tiết kiệm hết mức để có tiền sinh hoạt phí gửi cho em. Biết gia cảnh các chị em ai cũng khó khăn, cả phòng chung nhau đi chợ, mua rau cá về nấu nướng tại chỗ để đỡ tiền ăn bên ngoài. Bộc bảo nhờ ký túc xá này, mỗi tháng em có thể cắt giảm được cả triệu đồng tiền phòng trọ, điện nước.
Thầy Nguyễn Viết Tài, bí thư Đoàn Trường THPT Ia Ly, cho hay khu ký túc xá hiện có 23 học sinh đang ở, chủ yếu là con em đồng bào Jarai. Học sinh người Kinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn được tạo điều kiện trọ học. Tại dãy phòng bên phải, căn phòng cuối cùng là nơi ở của hai anh em Đinh Viết Hoàng và Đinh Viết Nguyên, trú xã Ia Kreng.
Tính từ khi học cấp II tới nay, Nguyên đã có bốn năm sống tại ký túc xá này. Nguyên bảo điều kiện ăn ở tại đây tốt hơn nhiều các gian nhà trọ ọp ẹp. Hơn nữa gia đình cũng bớt gánh nặng, chỉ phải tốn tiền ăn uống cho hai cậu con trai.
Yên tâm bám trường, bám lớp
Thầy Tài nói ý tưởng ký túc xá 0 đồng tình cờ xuất hiện khi anh đi qua khu nhà này. Lúc ấy, thấy khu nhà bỏ trống không sử dụng, thầy Tài về bàn với ban giám hiệu sang Công an thị trấn Ia Ly xin làm ký túc xá cho học sinh khó khăn, nhà ở xa trường.
Sau khi nghe đại diện nhà trường trình bày mục đích, phía công an đã đồng ý. Vậy là Đoàn trường huy động đóng góp từ các cựu học sinh để sửa sang, lắp lại cửa nẻo, thay thế bóng đèn cho các em có chỗ ở.
Thầy Tài tâm sự ở vùng này việc các em vượt hàng chục cây số xa gia đình để đến trường đã là việc rất khó khăn. Nhiều em gia cảnh nghèo khó, nếu không được hỗ trợ chỗ ăn ở có thể sẽ không theo đuổi được việc học. Thỉnh thoảng vẫn có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn hoặc lập gia đình sớm phải bỏ học.
Ký túc xá này lập nên để góp một tay chia sẻ gánh nặng, giúp các em yên tâm học hành. Thầy Tài cho hay khu nhà vẫn còn nhiều phòng trống, sẵn sàng tiếp nhận các bạn khác vào ở nếu có nguyện vọng.
  • Trang 16 báo Tuổi Trẻ ngày 13/5/2024

Nghệ sĩ Tường Vi và tiếng hát của nhân dân

NSND Tường Vi, người thể hiện nhiều ca khúc cách mạng bất hủ như Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta Lư, Em là hoa Pơ Lang, Người con gái sông La… vừa qua đời hồi 14h ngày 11-5 tại Đà Nẵng, hưởng thọ 86 tuổi.
Trên trang Facebook cá nhân, ca sĩ Ngọc Anh (Tam ca 3A) đăng tải một bức ảnh kỷ niệm cùng với NSND Tường Vi và viết:
“Con tạm biệt mẹ thân yêu. Cảm ơn mẹ đã luôn nhớ thương con và cháu nội Trung Ben Tran.
Chúng con không thể về kịp chia tay mẹ, nhưng chúng con sẽ về thăm viếng mẹ thường xuyên như con vẫn luôn thăm mẹ những tháng ngày qua mẹ nhé. Thương mẹ vô cùng”.
Ngọc Anh là vợ cũ của Trần Hùng – con trai duy nhất của nghệ sĩ Tường Vi với nhạc sĩ Trần Chương.
Tuy đã chia tay Trần Hùng nhưng mối quan hệ của cô với mẹ Tường Vi vẫn tốt đẹp.
NSND Tường Vi hát Cô gái vót chông hay nhất

nghe si tuong vi

NSND Tường Vi là một trong những giọng ca hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Bà được biết đến với loạt ca khúc nổi tiếng trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam một thời.
Có thể kể tới như Tiếng đàn Ta Lư (nhạc sĩ Huy Thục), Em là hoa Pơ Lang (Đức Minh), Người con gái sông La (Doãn Nho), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), Người lái đò trên sông Pô Cô (Cẩm Phong, thơ Mai Trang), Bóng cây Kơ-nia (Phan Thanh Nam, thơ Ngọc Anh)…
Trong sự nghiệp của mình, bà hát nhiều ca khúc nhưng khán giả nhớ nhiều nhất vẫn là Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp, thơ Lô Mô Y Choi).
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp lúc sinh thời kể, bài hát được tốp nữ của Nhà hát Ca múa nhạc trung ương dàn dựng và biểu diễn lần đầu năm 1965, sau đó đi một số nước châu Âu, được ghi đĩa ở Pháp…
Nhưng vài năm sau, ca khúc được ca sĩ Tường Vi trình bày đầy sáng tạo, nâng lên một tầm cao mới, sống mãi trong lòng người thưởng thức cho đến bây giờ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhạc sĩ Hoàng Lân, một người đồng nghiệp của nghệ sĩ Tường Vi, kể trong ca khúc này, bà “đã hát thêm một đoạn kỹ thuật staccato giả tiếng chim hót rất xuất sắc và tài tình, không phải ai cũng làm được.
Đoạn staccato này xuất sắc đến nỗi những ca sĩ lứa sau, khi thể hiện Cô gái vót chông, đều phải bắt chước theo”.
“Tường Vi hát, bộ đội và nhân dân cùng thích, cùng mến”
Nhạc sĩ Doãn Nho và NSND Tường Vi cùng công tác tại đoàn ca múa nhạc quân đội thuộc Tổng cục Chính trị.
Hai nghệ sĩ từng tham gia rất nhiều sự kiện, các buổi biểu diễn cũng như những chuyến đi vào chiến trường cùng nhau nên có rất nhiều kỷ niệm.
Nhạc sĩ Doãn Nho cho Tuổi Trẻ Online biết, khi nghe tin về NSND Tường Vi, không chỉ riêng ông và lực lượng quân đội mà nhân dân cả nước đều thương tiếc và đau buồn.
Ông nói, Tường Vi là một trong những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND sớm của chúng ta, của Tổng cục Chính trị.
Bà cũng là một trong những người hát thành công các ca khúc của ông.
Nhạc sĩ Doãn Nho đánh giá: “Tường Vi có một giọng hát hay, rất hấp dẫn và tiếng hát ấy không chỉ dành riêng cho quân đội mà còn là tiếng hát dành cho nhân dân”.
Theo nhạc sĩ, NSND Tường Vi sở hữu một tiếng hát rất truyền cảm, bắt nguồn từ tâm hồn của người lính. Bản thân bà công tác trong đoàn ca múa nhạc quân đội, có nhiều cơ hội tiếp xúc, trò chuyện nhiều với bộ đội và cảm thông sâu sắc với họ.
“Khi Tường Vi hát, bộ đội và nhân dân cùng nghe, cùng thích, cùng mến”, nhạc sĩ nói.
Mỗi người một nẻo nên lâu lắm nhạc sĩ Hoàng Lân không gặp NSND Tường Vi. Lần cuối cả hai gặp nhau khi ông còn là hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Lúc đó, nghệ sĩ Tường Vi sang trường “xin” một cây đàn piano cũ để về dạy cho các em nhỏ tại trung tâm tình thương mà bà là người sáng lập.
“Sáng nay (12-5), nghe tin chị Vi mất, tôi rất bất ngờ. Tôi xin được gửi lời chia buồn tới gia đình chị. Tạm biệt chị Vi, một trong những giọng ca đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc”, ông Lân nhắn gửi.
Ông nói: “Không chỉ có đóng góp to lớn cho âm nhạc cách mạng Việt Nam, đặc biệt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chị Vi còn là người rất nhiệt tình, hăng say làm các công tác xã hội, một người có lòng quảng đại”.
  • Trang 16 báo Tuổi Trẻ ngày 12/5/2024

Những mẫu chuyện cảm động về hoạ sĩ Tô Ngọc Vân

Những kỷ niệm về họa sĩ Tô Ngọc Vân được các con, các học trò của ông, những nhà phê bình mỹ thuật… kể lại khiến người nghe hôm nay rất xúc động về một nhân cách, một tài năng nghệ sĩ.

To ngoc van 1

Trong khuôn khổ triển lãm Đường tới Điện Biên đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có buổi trò chuyện về họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng 11-5. Tên tuổi của họa sĩ đã thu hút rất đông người tham dự.
Hóa thạch những vẻ đẹp người Việt
Là một trong những nhân viên đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (thành lập vào năm 1966), nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết họa sĩ Tô Ngọc Vân học khóa 2 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

To ngoc van 2

Tiếp xúc với các trường phái phương Tây do các giáo sư người Pháp dạy khiến các khuynh hướng nghệ thuật cổ điển, ấn tượng và hậu ấn tượng phương Tây ảnh hưởng lớn đến Tô Ngọc Vân, đặc biệt là trong các bức họa trước năm 1945.
Giai đoạn sáng tác này Tô Ngọc Vân để lại nhiều tác phẩm tràn đầy ánh sáng, vẽ phong cảnh và phụ nữ rất đẹp.
Trong đó có bức Hai thiếu nữ và em bé hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và được công nhận bảo vật quốc gia.
To Ngoc Van 3Nói về bức tranh này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – khẳng định Tô Ngọc Vân đã hóa thạch vẻ đẹp của người đàn bà Việt trong không gian yên bình có dàn hoa phù dung ngoài hiên.
Ông hóa thạch vẻ đẹp của những thiếu nữ thị thành một thời, một vẻ đẹp muôn thuở chưa bao giờ cũ mà ngày nay rất khó tìm thấy.
Theo ông Đoàn, tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân ảnh hưởng lớn của nghệ thuật châu Âu hiện đại nhưng tác phẩm của ông rất thuần Việt, đường nét mềm mại và cách xử lý đĩa màu rất nhuần nhị đậm hồn Việt.
Tới giai đoạn 1945-1954 lại là một Tô Ngọc Vân khác, một chiến sĩ dũng cảm trên các nẻo đường chiến dịch.
Bà Hải Yến kể năm 1944 tình hình rất căng thẳng, Trường Mỹ thuật Đông Dương tạm thời đóng cửa, chia làm hai nhóm.
Một nhóm gồm những sinh viên điêu khắc và kiến trúc, theo thầy hiệu trưởng về Đà Lạt. Một nhóm gồm các sinh viên hội họa, theo họa sĩ Nam Sơn, Tô Ngọc Vân và giáo sư người Pháp đi Đường Lâm, Sơn Tây.
Từ Sơn Tây các họa sĩ này tiến về Việt Bắc, hình thành hai tổ chức là Trường Mỹ thuật Việt Nam do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và Hội Văn nghệ Việt Bắc do họa sĩ Trần Văn Cẩn làm chủ tịch.
Từ hai tổ chức này đã mở ra một giai đoạn mới của mỹ thuật Việt Nam, chấm dứt thời kỳ cận đại với các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương.
Ở kháng chiến, tuy rất bận rộn giảng dạy sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam (vẫn được gọi là khóa kháng chiến), nhưng ngay khi trường vừa mãn khóa vào cuối năm 1953 thì họa sĩ Tô Ngọc Vân lập tức cùng các anh em và học trò của mình tiến về Điện Biên Phủ để vẽ ký họa chiến trường.
Và trên chính hành trình này, tháng 6-1954 Tô Ngọc Vân hy sinh gần đèo Lũng Lô khi trận Điện Biên Phủ vừa kết thúc.
Ông Đoàn nói những bức ký họa chiến trường Tô Ngọc Vân để lại cho thấy người nghệ sĩ chuyển từ hội họa hàn lâm sang những nét vẽ chân thực nhất để khắc họa dung nhan, tính cách người Việt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, từ bà bầm đến thiếu nữ chân quê.
“Chính Tô Ngọc Vân là linh hồn của khóa kháng chiến. Ông đã phát hiện những sinh viên tài năng như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa…, lặng lẽ truyền lửa cho họ mà không áp đặt một quan niệm nào của mình lên họ”, ông Lương Xuân Đoàn nói.
Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân về bảo tàngTo Ngoc Van 4
Chuyện bức tranh quý này của họa sĩ Tô Ngọc Vân về được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam theo bà Nguyễn Hải Yến, là một may mắn lớn của bảo tàng và cũng là may mắn lớn của tác phẩm.
Tốt nghiệp ĐH Văn hóa năm 1964, bà Yến về làm việc cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang được thành lập từ năm 1962.
Trước khi bảo tàng được thành lập chính thức vào năm 1966 thì họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung – người sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – đã cử học trò, nhân viên của mình đến các gia đình ở Hà Nội sưu tập những tác phẩm mỹ thuật cận đại. Rất may mắn lúc bấy giờ có nhà nhiếp ảnh Lê Vượng được ông Nguyễn Đỗ Cung mời về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam làm việc.
Ông Lê Vượng quen nhiều người trong giới nghệ sĩ, trong đó ông chơi rất thân với nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân ở số nhà 30 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Thấy bạn mình làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Đỗ Huân có lần nói với ông Lê Vượng nhà ông có bức tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn, Hội Mỹ thuật Việt Nam hay mượn đi triển lãm, nên ông Huân nói ông Vượng mang bức tranh về bảo tàng.
Nhờ đó bức tranh Em Thúy đã có mặt trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Sau đó cũng chính ông Huân chỉ cho ông Vượng có một gia đình ở Hà Nội đang giữ bức tranh Hai thiếu nữ và em bé của họa sĩ Tô Ngọc Vân.
Đó là gia đình bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng. Ông Vượng đã đến thuyết phục vị bác sĩ nổi tiếng này và ông đã đồng ý nhượng lại bức tranh về cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nay thì bức tranh đã trở thành bảo vật quốc gia.

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.