Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 10, 2024

Phạm Quỳnh có quan hệ thế nào với Hoàng Đạo Thúy

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 1:48 sáng

Blog PhamTon nắm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 4 năm 2024.

PHẠM QUỲNH QUAN HỆ THẾ NÀO VỚI HOÀNG ĐẠO THÚY?

Dã Thảo

Bạn nào đọc đều đặn blog chúng tôi đến nay, chắc sẽ đặt câu hỏi như trên. Vì thấy trong các bài viết quan trọng về Phạm Quỳnh, nhất là về đời tư, gia cảnh từ thuở ấu thơ đến thời thanh niên, rồi sau này làm báo, làm quan, đều có nhắc đến, hoặc dẫn ra những ý kiến của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Vậy thật ra quan hệ giữa hai người là thế nào, mà có lần trong một bài, Phạm Tôn đã viết “Hoàng Đạo Thúy là bạn thân, lại là người trong họ”…?

Trong một bài trước, chúng tôi đã nói rõ Phạm Quỳnh quan hệ thế nào với Dưỡng Am Phạm Hội rồi. Và nay, xin nói ngay là Phạm Quỳnh quan hệ với Hoàng Đạo Thúy chính là qua quan hệ này.

Dưỡng Am Phạm Hội (1791-1854) từng có hai bà vợ, một họ Trần, là vợ cả, vợ kế họ Lưu. Năm 1841, lại cưới bà thiếp tên là Phạm Thị Thục, sinh được bốn con gái, một người tên là Thu Minh. Bà này là mẹ đẻ của bà Cả Mọc, tức Hoàng Thị Uyên, một nhân vật hoạt động xã hội nổi tiếng ở Đông Dương thời Pháp thuộc, sáng lập Hội Tế sinh, giúp đỡ nhân dân lao động nghèo và người già cô đơn. Bà Thu Minh là mẹ già của Hoàng Đạo Thúy, vợ cả ông thân sinh ra Hoàng Đạo Thúy là Hoàng Đạo Thành. Hoàng Đạo Thúy là con bà hai. Chính vì có họ như thế, cho nên những ngày Tết, hoặc giỗ cụ Phạm Hội, Hoàng Đạo Thúy đều đến nhà Phạm Quỳnh ở số 1 phố Hàng Trống, và biết rõ mọi người, mọi việc trong nhà Phạm Quỳnh.

Phạm Quỳnh sinh năm 1893, hơn Hoàng Đạo Thúy bảy tuổi (sinh năm 1900), cùng lứa tuổi, lại đều là con nhà nho mà theo Tây học, cho nên có nhiều chỗ hợp tính nết nhau. Có điều, Hoàng Đạo Thúy tham gia hoạt động xã hội nhiều, tiếp xúc với đông đảo thanh niên, nhất là từ khi lập Hội Hướng đạo, còn Phạm Quỳnh thì trái lại, chỉ vùi đầu vào sách vở, rồi làm báo, chỉ tiếp xúc với giới thượng lưu, trí thức, có học, ít vốn sống thực tế.

Chuyện nhỏ như chuyện nhà, chuyện lớn như chuyện nước, hai ông đều thường bàn bạc với nhau, nhưng tôn trọng ý kiến của nhau, không ai có ý áp đặt ai. Khi Phạm Quỳnh đầy ảo tưởng, định dấn thân vào quan trường, tưởng có thể làm được những việc trước nay mình chỉ mơ ước và luận bàn trên giấy trắng mực đen, trên diễn đàn, thì chính Hoàng Đạo Thúy đã đứng ra ngăn cản, khuyên không nên dấn thân vào một nơi đã mục nát rồi, không vực dậy được đâu. Nhưng Phạm Quỳnh ngây thơ trả lời là cứ để tôi vào làm thử một thời gian xem sao, không làm được gì thì lại ra…Nhưng đúng như Hoàng Đạo Thúy đã báo trước, chẳng những không làm được gì mà còn không sao rút ra được, cứ lún sâu mãi đến làm hại cả thanh danh, mất cả lòng yêu mến của đông đảo nhân dân. Và rút cuộc là chịu một cái chết bi thảm, vô lý, vô nghĩa.

Năm 1991, Hoàng Đạo Thúy đã 91 tuổi, biết mình không còn sống với đời được bao năm nữa, ông đã mời nhạc sĩ Phạm Tuyên đến nhà, nói chuyện cũ, còn viết ra giấy một số tư liệu chỉ mình biết, vẽ cả sơ đồ nhà số 1 phố Hàng Trống, nơi Phạm Quỳnh chào đời và sống suốt thời thơ ấu, thiếu niên, thanh niên, đến 1918 mới dọn về ở 17 Hàng Trống. Nay nhạc sĩ Phạm Tuyên còn giữ được cuốn băng ghi âm cuộc gặp ngày 19/4/1991 tại Hà Nội ấy.

Năm 1992, Viện Văn Học dự định tổ chức hội thảo về Phạm Quỳnh, có mời Hoàng Đạo Thúy cùng Vũ Khiêu, Vương Hồng Sển, v.v… trong đó đặt Hoàng Đạo Thúy viết về Những kỷ niệm về họ Phạm và chủ bút Phạm Quỳnh. Yêu cầu nêu rõ: “Xin cụ 10/12 lấy bài, khoảng 5-7 trang”. Hoàng Đạo Thúy đã viết xong ngày 5/12/1992, vừa đúng bảy trang giấy Viện Văn Học đưa cho.

Nhưng, cái hội thảo gần đến ngày khai cuộc ấy thì có lệnh điện thoại gọi đến bảo “hoãn đến sau Tết”, cho đến nay (1992-2009) vẫn chưa được tiến hành.

Hoàng Đạo Thúy mất tại nhà ở Hà Nội ngày 14/2/1994 (tức mồng 5 tháng Giêng năm Giáp Tuất), sau khi để lại cho con cháu bài thơ Ngủ Quên, toàn văn như sau:

Gió thoảng, trăng trong, buổi mát trời

“Ngủ quên không dậy” việc thường thôi!

Các con chớ giận không từ biệt

Cháu nhớ ông bà ngày tháng trôi

Cái chính chỉ là một lời dặn:

“Giữ lòng trung hậu ở trên đời”

Nhớ thương ghi tạc tình cao cả

Tổ quốc bền lâu với đất trời!

Cuối bài thơ, có ghi rõ “Xuân 1994”. Đáng kinh ngạc và khâm phục hơn là dưới đó còn viết hai dòng ghi rõ tên và năm sinh, năm …mất của mình: “Hoàng Đạo Thúy/1900-1994”.

P.T.

1 bình luận »

  1. […] Phong và thường dùng bút hiệu Thượng Chi? của Dã Thảo (5.685), bài thứ tám là Phạm Quỳnh có quan hệ thế nào với Hoàng Đạo Thúy của Dã Thảo (5.542), bài thứ chín là Cụ Quỳnh khóc cụ Vĩnh của Nguyễn Đình […]

    Pingback bởi Blog Phạm Tôn đầy năm (thôi nôi) -Blog PhamTon « Pham Ton’s Blog — Tháng Một 29, 2010 @ 1:24 chiều | Trả lời


RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.