Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 17, 2024

Giải phóng miền nam giữa lòng Hà Nội

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:57 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 4 năm 2024

GIẢI PHÓNG MIỀN NĂM GIỮA LÒNG HÀ NỘI

(Trích Phần 2: Thời dựng Đảng trong Chuyện một người cháu ngoại: Sự cộng tác có hiệu quả của Phạm Tôn)

Phạm Tôn

Cả ngày hôm nay, thứ tư 26/3/1975, toàn cơ quan báo Nhân Dân và gia đình mình cứ sôi lên vì các tin vui đến từ Huế. Buổi trưa có tin Huế giải phóng. Tối đến Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức loan tin đã giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên.

Suốt mấy hôm nay, mình vừa nghiên cứu thu thập tiếp những tư liệu về Đảng từ sau ngày thành lập phục vụ phần Từ ngày 3-2 xốc tới, vừa góp phần chuẩn bị cho anh Thép Mới đi B. Cả anh và mình đều tránh nói đến chuyện vì sao mình không được đi cùng anh. Cả hai anh em đều đã biết quá rõ đến mức không cần nói gì. ()

Mới đọc báo Pháp Paris – Match nhặt được một câu trong bài của Jean Noli ngẫu nhiên hợp với tâm trạng mình lúc này: Trong những lúc thế này, hãy im miệng và làm việc đi

Hôm qua, ngày 29/3 kỷ niệm hai năm tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi nước ta là một ngày căng thẳng đối với mình. Trưa hôm trước, cả ban văn hóa Văn Nghệ liên hoan tiễn anh Thép Mới đi B. Ăn nem rán với bún và rau sống, uống rượu mơ, ăn mứt sấu. Mình ăn uống rất nhiệt tình, dạ dày lại đang đau, về đến nhà là đi tháo, nằm bẹp một chỗ.

Sáng hôm sau mình đến cơ quan sớm mong giúp anh Thép Mới được chút gì trước khi anh đi. Anh bỗng hỏi: Trong người mày thấy thế nào? Em mạnh khỏe bình thường thôi… Mày chuẩn bị đi với tao. Đến bây giờ mà thằng L. (người được cử đi với anh) chưa thấy lên, chậm hẹn hai ngày rồi… Đến phút cuối cùng, tao sẽ bảo là lấy mày đi thay thế… Sẵn sằng chứ?… Em bao giờ cũng sẵn sàng. Lần trước đi cũng thế, 10 giờ đêm quyết định là em ngủ lại cơ quan, sáng có mặt ngay. Cần mang gì đi anh nhỉ… Một bộ quần áo thường thôi, các thứ khác đã có cả rồi. Mấy giờ đi ạ? Sáu giờ chiều nay. Bây giờ mày đi mua một số hộp và túi ni lông để chuẩn bị…

Một lát sau, gặp anh Mạnh Hồng em rể anh Thép Mới là trưởng phòng hành chính. Anh cũng nói là L. chưa lên, còn bảo mình nên xin anh Thép Mới cho đi cùng. Mình kể là anh đã bảo chuẩn bị rồi và chỉ yêu cầu nên đi sớm. Chờ đợi thật là khổ. Có khi lại hỏng cả. Anh Mạnh Hồng tán thành, lên ngay buồng anh Thép Mới. Lúc mình gặp lại thì anh đang nói chuyện với anh Vũ Hải, một người Huế. Anh Mạnh Hồng vội ra nói nhỏ với mình: Cơ quan đã cho cậu T. vay tiền, chắc nó sẽ đi thay L…

Tôi bỗng thấy mệt và đói nữa. Từ hôm qua, có ăn gì đâu…

Về đến nhà, nhìn quần áo, đồ dùng cá nhân, cả sách tiếng Nhật và quyển từ điển tiếng Pháp bỏ túi… đã xếp gọn gàng trong túi nhỏ, càng buồn thấm thía.

Di chuc Ho Chi Minh

Chiều, mưa nặng hạt, mình đi lấy cho anh Thép Mới ba mươi tập Di chúc Bác Hồ để anh làm quà tặng miền Nam trong chuyến đi. Lúc mang lên căn buồng nhỏ của anh, nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm đầm ấm giữa hai anh em những tháng ngày vui buồn có nhau mình bỗng gặp mấy vị tai to mặt lớn. (…) Họ chính là những người tham gia quyết định gạt bỏ mình. Mình đưa anh Thép Mới tập Di Chúc Bác Hồ rồi xuống ngay cầu thang… Đứng lại đấy mà làm gì. Chính anh cũng đang bị bao vây…

Về lại ban văn hóa, ngồi đọc báo mà lòng đau xót. Hôm trước anh Mạnh Hồng kể là đêm 27/3 anh Thép Mới cùng anh

Thep Moi chan dung 2
và họa sĩ Việt Hải trực đêm ấy thức đến 3 giờ sáng nói chuyện. Anh Thép Mới kể là ban đầu anh đề nghị mình đi cùng anh, bị bác. Anh lại đề nghị Vũ Hạnh, một người trong đội báo, lại bị bác. Anh đề nghị Nguyễn Tuất, tức Mai Phong, cũng một đội viên đội báo, lại bị bác nốt. Mình biết, vào miền Nam mới giải phóng anh muốn đi cùng những thanh niên của Hà Nội giải phóng năm xưa, nhưng đều bị bác. Những người bác muốn anh chọn những người đảm bảo về chính trị để giúp việc. Anh bèn nói thế thì tôi chọn Thanh Đảo, người phụ trách hành chính nhưng là đảng viên. Mọi người ngạc nhiên: Anh ta có phải nhà báo đâu, viết lách gì được. Bấy giờ, anh chọn cậu L. bí thư thanh niên, đảng viên, lại là phóng viên. Lý do chọn L. là như vậy. Anh Mạnh Hồng kể, sau đó anh còn nói rất nhiều về mình, khen sự nhạy bén về chính trị, năng lực làm việc, và mấy lần nhắc là: Không có nó làm sao tôi viết được cái “Xốc tới”. Anh Mạnh Hồng còn nói là anh Thép Mới đã rơm rớm nước mắt khi nói về mình, anh buồn vi không làm được gì hơn để giúp mình. Anh Mạnh Hồng còn kể nhiều chuyện khác về
Manh Hong
tình cảm của anh Thép Mới với mình.

Sau đó, Phạm Duy Phùng đội trưởng đội báo năm xưa gọi mình ra sân dưới gốc đa nói là chính cậu ta đã gặp anh Thép Mới xin cho mình đi B cùng anh. Ông ấy mê mày lắm, nhưng đành chịu, vì quyết định còn nhiều người khác nữa. Mình nói: Tao vẫn sống trong vòng vây thành kiến nặng nề mày ạ. Điều trớ trêu là tới đây, chính họ sẽ phải ôm hôn những thằng

Pham Duy Phung
mới tàn sát chiến sĩ đồng bào ta xong. Còn với những người yêu nước chân chính, một lòng với dân với nước thì lại nghi kỵ ra sức hành hạ…

Thế là hai năm, hai tháng 29 ngày chân tình cởi mở vui buồn có nhau cùng dốc sức phục vụ dân nước đã qua rồi. Thành quả lao động cả cơ quan, cả nước đều biết. Những kỷ niệm đẹp đẽ, ấm lòng còn mãi sẽ thành ngọn đuốc soi sáng trái tim mình trên bước đường đi tới, vượt qua mọi thử thách, khó khăn đem trọn cuộc đời trong sạch hiến dâng cho dân cho nước. Từ giờ, chỉ có làm việc và học tập rèn luyện để làm việc ngày một hiệu quả hơn. Một lần nữa cần nhắc lại: Ngậm miệng lại mà làm việc đi.

Đài Tiếng nói Việt Nam vừa đưa tin giải phóng Đà Nẵng trong tiếng reo vui bài hát mới của cậu Phạm Tuyên ca ngợi Đà Nẵng giải phóng. Trước tình hình mới, chắc cậu cũng nặng một bầu tâm sự như mình.

*

* *

Từ 8:00 ngày thứ hai 7/4/1975 mình được bổ sung về Ban Miền Nam tăng cường lực lượng cho ban này, hiện chiếm gần hết mặt báo hằng ngày. Thời sự miền Nam là vấn đề nóng hổi nhất tập trung sự chú ý của mọi người dân. Chiến thắng ở chiến trường làm thay đổi toàn bộ đời sống hậu phương, từ những hoạt

Chinh Yen
động kinh tế, cho đến những ngóc ngách sâu kín nhất trong tâm tư người dân. Mình có điều kiện gắn chặt với vận mệnh đất nước. Có thể nói đó là cái may lớn cho mình trong lúc này.

Ban Miền Nam nay rất đông người, có nhiều rađiô và máy ghi âm. Cửa kính đóng kín, chỉ bên trong mới mở được. Nhưng ngoài cửa kính khi nào cũng có người lấp ló, ai cũng mong tin mới từ chiến trường. Khi chúng tôi hoa tay ra ý là chưa có gì mới thì họ lắc đầu rồi mới đi. Có tin mới chúng tôi hé mở cửa nói ngay, rồi còn quay vào làm việc. Rõ là quan trọng. Tối nào cũng vậy, gần như cả ban có mặt, không phải chỉ có người trực hôm ấy mới đến. Không ai muốn biết tin sau cả. Thật là vui. Cả anh Chính Yên cũng tăng cường. Anh quen viết văn nghệ, chữ nghĩa kỹ càng, phải làm tin, khổ như đánh vật. Nhưng cũng cứ làm.

Mấy hôm nay, mẹ hay nhắc đến cô bạn nhỏ. Mẹ bảo xem báo nhiều mà chưa thấy có bài của nó. Mẹ nói như thế chắc lại có ý gì về cô ấy với mình đây. Các bà mẹ khi nào cũng thế, chưa chi đã quí người thân của con mình… Trưa 25/4 nhận được thư cô từ Đà Nẵng. Đây là thư đầu cô viết cho mình

Anh Thành thân mến,

Nhân có người về Hà Nội, tôi gửi anh vài lời thăm sức khỏe. Đi xa như vậy cũng chưa lâu. Nhưng nhiều biến chuyển dữ dội đến với tôi, làm cho tôi cứ nghĩ là thời gian qua nhiều, nhiều lắm rồi. (…) nghe tin thành phố Huế giải phóng, tôi lập tức nghĩ đến anh vì tôi nghĩ anh yêu Huế lắm phải không? Hiện giờ không hiểu anh có được về Huế? Khi trở ra, nhất định tôi sẽ vào Huế. Có thể gặp anh ở Huế không? Anh viết thư cho tôi nhé. (…) Vội vài lời thăm anh… Tôi hầu như không có quê hương, nhưng anh có tin được rằng hiện giờ tôi nhớ Hà Nội vô cùng. Tại sao ở đấy cái gì cũng thân quen đối với tôi? Nhớ Hà Nội, nhớ bạn bè, trong đó có cả anh nữa, Anh có tin như vậy không?”

Cảm ơn cô bạn về những lời lẽ chân tình. Đúng là mình không được về Huế và điều mình có thể bây giờ là làm việc

Ha Khanh Linh 2
nhiều như cô mong. Lá thư này làm mình nhớ lại những điều Hà Khánh Linh nói hôm chủ nhật vừa qua.

Cô bạn đã có những buổi trò chuyện với Linh. Linh bảo là nên lấy chồng chậm nhất là vào tuổi 26, chớ để đến 27 như Linh, già quá. Cô bảo: Thế chị tìm cho em đi! Biết làm sao mà tìm được người em ưng ý, phải tự tìm lấy chứ! Chị bằng lòng em lấy ai là em bằng lòng lấy người đó. Linh kể là hiện có ba người đang rất yêu cô bạn mà không anh nào dám nghĩ là mình sẽ được cô yêu cả. Trong khi đó, nhắc đến anh cứ mỗi nhắc mỗi khen, cái gì về anh cô đều khen hết, mà nhắc anh hoài. Chẳng lẽ em mà không biết một đứa con gái đang yêu nó như thế nào à! Nhưng em không vun vào mà em cũng không phản đối. Mình hỏi lý do thì Linh đáp ngay chẳng vì lý do gì hết. Chê không xinh à? Không, cái đó không quan trọng. Cô ấy có đôi mắt đẹp chứ! Đây là anh chê đó thôiEm gái anh đẹp, em dâu anh đẹp mà lại…

Bấy giờ, mình cười và nghĩ bụng các cô thật là rắc rối. Mình với cô ấy bao giờ cũng là bạn tốt của nhau. Mình tin như vậy. Chúng mình bao giờ cũng thành thật với nhau, có ích cho nhau. Thật lòng, mình thương cô ấy lắm.

*

* *

Sáng 30/4, chính mình và cô Thanh Trà ban quốc tế mới bổ sung về đã nghe và cùng ghi lại thông báo đầu hàng vô điều kiện của tướng Dương Văn Minh mới nhậm chức tổng thống được hai ngày. Về ban, chúng mình mò rađiô và phát hiện ra đài phát thanh Sài Gòn phát liên tục suốt ngày xen kẽ các bản tin với các ca khúc cách mạng. Từ đó hai chúng tôi bám sát đài này, coi đó là nguồn tìm kiếm tin miền Nam chủ yếu. Chúng tôi tự hào vui mừng báo cho cả ban và tòa soạn biết tin nóng hổi này. Đêm ấy, cả ban đều tự nguyện trực, vì cả bốn trang báo Nhân Dân ngày 1/5 đều dành cho ban đưa tin giải phóng Sài Gòn, mặc dầu hôm đó là ngày Quốc Tế Lao Động.

Mình vừa làm xong cái tin về Đài phát thanh Sài Gòn giải phóng thì ở bờ hồ Hoàn Kiếm bắt đầu bắn pháo hoa. Bắn những nửa giờ, hơn hẳn mọi khi. Các công nhân Cuba đang xây dựng khách sạn Thắng

Thanh Tra
Lợi vừa chạy xe tải to vừa đập tay mạnh vào cửa xe tạo tiếng động lớn rộn ràng. Tối ấy, tôi còn theo thông báo của đài phát thanh mà làm cái tin đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng phát sóng buổi đầu tiên vào tối 1/5.

Báo Nhân Dân liên tục nhận được điện thoại, chủ yếu là của các báo bạn Quân đội nhân dân, Hà Nội… Các bạn hỏi đã đưa tin giải phóng miền Nam chưa, chúng tôi nói đang chờ ban quân sự Thông tấn xã Việt Nam, thì các bạn gặng lại, chúng tôi không hỏi Thông tấn xã, chúng tôi hỏi ngày mai, 1/5 báo các anh có đưa tin giải phóng miền Nam không. Sau tôi nghe các bạn ở phòng thư ký kể lại nhiều người hỏi quá, thông tấn xã lại vẫn bảo chờ, ông Tổng biên tập Hoàng Tùng bực mình nói to thế các anh đúng hay hàng triệu người dân đang hoan hô ở bờ hồ, vừa hô khẩu hiệu vừa hát bài Như có Bác trong ngày đại thắng đúng… Về sau, mới biết là do chuyện ở các đảo Trường Sa còn đang giải quyết.

Đêm ấy nhà in báo Nhân Dân in một mạch đến 18 giờ ngày 1/5 mới được có một triệu rưởi số báo, lẽ ra muốn in đến hai triệu.

Nhân dân Hà Nội mấy hôm nay vui hơn Tết. Pháo đốt rất nhiều. Khắp thành phố rợp màu cờ đỏ sao vàng. Người người hớn hở, niềm vui vừa bộc lộ vừa ẩn kín sâu xa. Một cuộc đổi đời cho biết bao kiếp người đánh dấu từ ngày hôm qua, 30/4 Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Biết bao gia đình lại hòa hợp sum vầy. Biết bao con người được giải phóng khỏi những thành kiến hẹp hòi để thả sức tung cánh bay cao. Sự chuyển mình của cả một dân tộc. Sáng nay, 2/5 bà

Hoang Tung chan dung
già ở nhà ngoài gặp mình bỗng nói: Ngày trước, tôi có hai ông bác đi du học Pháp. Bao giờ cũng cứ phải nhận là người Trung Quốc, sợ nhận là người Việt Nam bị họ khinh…

Bây giờ, ai cũng thèm được làm người Việt Nam. Mấy hôm nay, cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ Kitxinhgiơ tức điên lên, lồng lộn, lúng túng ấp úng trước các nhà báo. Vị tiến sĩ lỗi lạc ấy của nền ngoại giao Mỹ đã hóa thành một kẻ ngớ ngẩn, ngu ngốc khi trả lời câu hỏi đơn giản: tại sao Mỹ thua.

Không có cách nào gửi thư chia vui cùng cô bạn. Chỉ còn biết làm việc làm việc thật nhiều, đúng như mong ước của cô.

Đêm nay, lại trực. Cái bệnh dạ dày và các cơn đau hành mình suốt tuần qua, mấy hôm nay hầu như biến mất, không cảm thấy gì khó chịu trong mình. Niềm vui lớn quá đã có tác dụng thật kỳ diệu…

P.T.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.