Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 10, 2024

Viết về Thầy tôi

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 1:41 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 4 năm 2024.

VIẾT VỀ THẦY TÔI

Phạm Thị Thức

 Lời dẫn của Phạm Tôn: Học giả Phạm Quỳnh có 11 con gái, 3 người mất từ lúc chưa đầy tuổi tôi (thôi nôi). Có 5 người từng viết về ông là bà Phạm Thị Giá, con gái trưởng, Phạm Thị Thức con gái thứ hai và các bà Phạm Thị Hảo, Phạm Thị Ngoạn, Phạm Thị Hoàn.

Bài Viết về thầy tôi của bà Phạm Thị Thức viết tại Hà Nội năm 1992, mà ông Trần Gia Phụng đã đôn lên thành Hồi ký của bà Phạm Thị Thức viết tại Paris năm 1992 gây nên một sự hiểu lầm lớn trong dư luận, nhất là ở nước ngoài, chủ yếu là Canada, Mỹ và Pháp. Bài này, bà Phạm Thị Thức viết theo yêu cầu của các em gái ở Pháp, nhân dịp kỉ niệm 100 năm sinh Phạm Quỳnh (1892-1992), nhưng chưa công bố trên báo chí.

Bài này chúng tôi đã đưa lên Blog PhamTon 3/12/2009 nay phải đăng lại. Chỉ vì người Mỹ Sơn Tùng đã lặp lại sai lầm của ông Trần Gia Phụng trong bài viết ghi ngày 4/9/2011 nhan đề Sau 66 năm lịch sử và công lý nào cho vụ án Phạm Quỳnh? (tạp chí Thế Giới Mới).  Chúng tôi đã có bài Vì sao người Mỹ Sơn Tùng lại cứ bám dai nhạc sĩ Phạm Tuyên như thế?, mới đưa lên Blog PhamTon ngày 21/10/2011 mà đến ngày 05/12/2011 đã có tới 36.344 lượt người truy cập! Đủ thấy sự đăng lại bài của bà Phạm Thị Thức là cần thiết đối với các bạn quan tâm.

—o0o—

Thầy tôi, nói đến hai chữ ấy, tự nhiên hai dòng nước mắt của tôi chảy dài xuống má, ruột tôi đau quặn như đứt từng khúc! Nỗi hận này suốt đời tôi không sao có thể quên được…!!

Tôi hồi tưởng lại trong ký ức, những mẩu chuyện nhỏ về Thầy tôi…

Năm tôi 13 tuổi, tối nào tôi cũng lên ngồi bàn làm việc để viết bài cho Thầy tôi, vì Thầy tôi cho rằng chữ tôi đẹp và rõ ràng. Thầy tôi cầm quyển sách vừa dịch vừa đọc như đọc chính tả cho tôi viết. Tôi ngây thơ hỏi: Thầy phải dịch vào giấy nháp rồi để con viết chứ. Thầy thôi chỉ cười. Tôi còn nhớ là viết những học thuyết của Hippocrate gì gì đó mà tôi chẳng hiểu chi cả. Có hôm khuya quá, thấy tôi có vẻ buồn ngủ Thầy tôi bảo: “Con cố lên, chỉ còn vài trang nữa là xong thôi.”, và gọi người nhà mua cho tôi một bát chí mà phù để bồi dưỡng…

Thu ba Pham Thi Thuc_1

Phần đầu bài viết của bà Phạm Thị Thức.

Năm 1928, tôi học École Brieux, cours Supérieur (Trường Brieux lớp nhất – PT chú) và là học sinh giỏi nhất lớp, đồng thời cũng là nhất trường vì ở đó chỉ có đến lớp Supérieur (nhất – PT chú) là hết. Đầu năm 1929, các cô giáo cử tôi lên đọc compliment (lời chúc – PT chú) chúc Tết bà  Đốc là bà Autigeon. Các cô bảo: Em về nhà nhờ Thầy em viết giúp cho mấy câu. Tôi lo quá, nghĩ Thầy tôi bận nhiều công việc như thế, chắc có viết không. Nhưng khi tôi về nói, Thầy tôi vui lòng ngay và bảo: Con đừng lo. Thầy sẽ viết cho vài câu, nhưng con phải học thuộc lòng và đọc cho hay vào. Thế rồi tối nào Thầy tôi cũng bắt học cho rõ thuộc và đọc cho nghe, dặn nhấn mạnh khi nào nên nhìn vào giấy, thỉnh thoảng phải ngẩng đầu lên nhìn xuống dưới chỗ mọi người ngồi. Bài viết tôi học thuộc kỹ quá, cho đến nay quá 64 năm tôi vẫn còn nhớ mãi, những câu sau đây:

…C’est en obéissant à une tradition chère à tous les pays que nous venons aujourd’hui vous apporter le Pham Quynh va Vosincère témoignage de nos jeunes coeurs. L’année 1928 vient à peine de s’écouler, emportant dans sa fuite une année de notre existance que déjà la foule s’empresse de fêter sa jeune soeur, en qui, elle met toute sa confiance et son espoir. Que cette année qui vient marque pour vous et votre chère famille, une ère de prospérité et de joie. Qu’elle soit pour vous douce et bénie. Avec cette confiance facile de notre jeunesse pour cette année qui s’annonce de bon augure, nous formulons des voeux les plus sincères pour qu’elle soit pour vous bonne et heureuse, remplie de bonheur et exempte de tout souci… (Tạm dịch là: Nay, theo tục lệ thân thiết với mọi xứ, hôm nay, chúng con xin chuyển đến Bà tấm lòng thành của những trái tim non trẻ. Năm 1928 vừa qua đi, mang theo một năm trong cuộc sống chúng ta, mà nhân dân đã hối hả mở hội đón năm mới, năm họ đặt tất cả niềm tin và hy vọng. Mong sao năm nay sẽ đánh dấu một kỷ nguyên thịnh vượng và vui vẻ với Bà và gia đình yêu quí của Bà. Mong sao năm mới an lành và đầy ân huệ với Bà. Với lòng tin cậy giản dị của tuổi trẻ chúng con vào năm mới này, năm báo trước điềm lành, chúng con xin chúc những lời chân thành, mong sao năm mới tốt lành và hạnh phúc với Bà, tràn đầy niềm vui và tiêu tan hết mọi ưu phiền …. – PT chú) còn dài nữa, v.v… Bài đọc từ hơn nửa thế kỷ không bao giờ nhớ lại, nay bỗng có dịp nhắc lại, nên có thể nhiều chữ sai và nhiều lỗi chính tả!

Tôi đọc trôi chẩy quá đến nỗi sau đó bà Đốc ôm lấy tôi hôn và bảo “Con đọc hay quá”. Các cô giáo thì tíu tít vui mừng vì học trò của mình được bà Đốc khen…

Năm 1930 tôi đậu Certificat (Tiểu học – PT chú) và thi vào trường École normale des institutrices (Trường nữ sư phạm – PT chú). Thi concours (Tuyển – PT chú) 150 người lấy 30, trong đó chỉ lấy có 3 người vào Normale (Sư phạm – PT chú), còn 27 vào cours complémentaire (Lớp bổ túc – PT chú). Tôi được đỗ thứ 2, như vậy là trong 3 người trên cùng được bourse (Học bổng  PT chú) mỗi tháng 9 đồng. Tôi mừng quá về khoe ríu rít ở nhà. Thầy tôi bảo: “Thầy không muốn cho con nhận học bổng, sau này đỗ ra trường làm cô giáo, người ta bổ đi đâu cũng phải đi. Nhà mình, con đi học chỉ cần có kiến thức, không cần đi làm ăn lương gì cả. Con không nên nhận và để cho người đỗ thứ 4 lên thay con”. Tôi buồn quá, khóc với Me tôi. Thầy tôi thấy tôi buồn và có vẻ tiếc cái món bourse, một hôm Thầy tôi gọi vào buồng giấy và cho tôi một chồng 90 đồng bạc hoa xòe và bảo tôi: “Đây Thầy “đền” cho con 10 tháng học bổng. Con lấy muốn mua gì thì mua và yên tâm mà học hành”. Nhận được số tiền đó tôi mừng quá, tôi đi vội đến phố Hàng Khay sắm sửa bao nhiêu thứ mình vẫn thích: dentelle (Đăng ten – PT chú) viền áo, vòng đeo tay, dây chuyền đeo cổ, nhẫn, v.v và quà cho các anh các chị và các em…

Gia Dinh Sinh Nhat 2 cu

Thầy tôi có bà bạn là nữ sĩ Jeanne Duclos Salesses. Bà vẫn thường đến chơi với gia đình và làm nhiều bài thơ tặng Me tôi và em bé của tôi là em Yến. Được tin bà qua đời, sau đó em tôi cũng mất, Thầy tôi có viết một bài nói về Bà, trong đó có mấy câu tôi còn nhớ: “Son souvenir est attaché à un petit être qui m’est cher, à ma petite hirondelle chérie, qui, un mois après son départ, s’est envolée dans les airs, òu elle aurait du la retrouver…”(Tạm dịch là: Kỉ niệm về Bà gắn với một sinh linh nhỏ bé thân thiết với tôi, với chim yến nhỏ yêu quí của tôi, một tháng sau khi Bà ra đi, đã bay lên trời, nơi có lẽ cháu sẽ được gặp lại bà.- PT chú)

Năm 1935, chồng tôi sang Pháp thi doctorat en médecine (Bác sĩ y khoa – PT chú) 3 năm, tôi vào Huế với Thầy Me tôi và sinh cháu Tứ ở Huế. Năm 1937 có một sự kiện làm cho tôi xúc động và nhớ mãi. Hồi đó Me tôi có mang em Phạm Tuân được độ 6 tháng thì Me tôi mắc bệnh hen rất nặng, suốt ngày tôi ngồi vuốt ngực và xoa bóp cho Me tôi, nhiều lúc thấy lên cơn hen Me tôi khó thở tưởng như nếu kéo dài có thể chết. Thầy tôi đi làm về là vào ngay buồng thăm hỏi, vuốt ve và nói chuyện động viên và an ủi sẽ khỏi, v.v…Một hôm tôi thấy Thầy tôi ngồi với hai ông docteur (Bác sĩ – PT chú), nói chuyện gì mà tôi thấy Thầy tôi nét mặt buồn rầu tôi chưa từng thấy. Tôi đoán là có chuyện gì hệ trọng lắm. Sau đó, thấy Thầy tôi vào nói với Me tôi là các ông docteur hội chẩn và khuyên nên lấy cái thai ra thì mới khỏi nguy hiểm cho người mẹ. Me tôi khóc, bảo: “Đau đớn mấy tôi cũng cố chịu được, không khi nào tôi chấp nhận cái việc đó; vì tôi nằm mơ thấy rõ ràng có một thằng bé rất thông minh xinh đẹp chạy theo xe tôi và nói “Me, cho con về với me!””. Sau đó nhờ phúc ấm tổ tiên, Me tôi qua khỏi và sinh được đứa con thứ 15 của Thầy Me tôi. Thầy Me tôi thương và quý em lắm, cứ gọi là “chú Miềng”; năm nay em đã 55 tuổi, có 5 con rồi mà gia đình vẫn quen gọi là chú Miềng.

Thầy tôi có 16 người con mà lúc nào cũng chú ý săn sóc thương yêu như nhau, chưa hề bao giờ mắng mỏ con cái. Thầy tôi rất thông minh, uyên bác, tuy không phải là docteur nhưng có một “Larouse médicale” (Từ điển Larouse y khoa – PT chú) nhiều tập. Mỗi khi con cái ốm đau, Thầy tôi đều đem ra sưu tầm tra cứu và theo đơn trong sách chữa bệnh, hiếm lắm mới phải mời đến docteur.

Tháng tám năm 1945, Thầy tôi ra đi!! Than ôi cả Thầy Me tôi và các con đều không có thể ngờ rằng Thầy tôi ra đi mãi mãi!!! Chúng tôi khóc tưởng như có thể chết đi sống lại!! Sau đó, chị tôi và tôi nhờ một anh bạn là ông Vũ Đình Huỳnh ngày ấy làm garde corps (người hộ vệ – PT chú) cho Cụ Hồ, giới thiệu đến thăm Cụ và hỏi chuyện. Cụ bảo: “Hồi ấy tôi chưa về…Và trong thời kỳ khởi nghĩa quá vội vã có thể có nhiều sai sót đáng tiếc…” Và tôi còn nghe một bà bạn là nữ sĩ Hằng Phương đến dâng Cụ ít cam và một bài thơ, nhân nói đến Thầy tôi cụ Hồ bảo:“Thật là đáng tiếc, dẫu sao cũng là một nhà văn học!”

Trời ơi, oan uổng cho Thầy tôi biết bao!!! Nỗi oan này khắc sâu trong lòng chúng tôi, nỗi hận này đến kiếp nào cho khuây!…

Thầy ơi, chúng con thật là bất lực, xin cúi đầu nhận tội với Thầy.

Phạm Thị Thức

28/10/1992

Thu ba Pham Thi Thuc_2

Bản sao chụp phần cuối bài của bà Phạm Thị Thức viết tại Hà Nội ngày 28/10/1992.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.