Pham Ton’s Blog

Tháng Hai 15, 2024

Kỷ niệm về người cha

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 9:34 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 2 năm 2024.

KỶ NIỆM VỀ NGƯỜI CHA

Đặng Vũ Minh

Lời dẫn của Phạm Tôn: Dưới đây là những đoạn trích trong bài viết cùng nhan đề của Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ Khoa học Đặng Vũ Minh in trong các trang từ 120 đến 137 sách Đặng Vũ Hỷ Cuộc đời và Sự nghiệp của Trường Đại học Y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học Hà Nội, năm 2009.

—o0o—

(…) Cha tôi kể lại rằng, đầu tháng 12 năm 1946, tình hình ở Hà Nội đã căng thẳng lắm rồi. Ngoài đường, xe chở lính Pháp chạy ầm ầm, thỉnh thoảng lại nghe tiếng súng nổ. Cha tôi quyết định đưa cả gia đình tản cư về nhà ông bà nội tôi ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Chẳng bao lâu sau, tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vào một đêm mùa đông lạnh lẽo, cha tôi từ biệt vợ và ba con nhỏ, đứa lớn nhất mới 11 tuổi, đứa nhỏ nhất mới biết lẫy, vai khoác chiếc túi vải đựng quần áo, tay xách bộ dụng cụ phẫu thuật theo người liên lạc đi về phía thành phố Nam Định, nơi đang vọng lại những tiếng súng nổ. Đêm hôm đó, trời tối đen như mực. Đi dọc theo bờ đê sông Ninh Cơ dưới làn gió lạnh như cắt, cha tôi nhớ lại một buổi chiều mùa hè năm 1937, sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú tại bệnh viện Xanh La-da ở thủ đô Pa-ri, cha tôi ngồi trên chiếc tàu chở khách rời cảng Mác-xây trên bờ biển Địa Trung Hải để trở về nước sum họp với gia đình sau mấy năm xa cách. Lúc đó, cha tôi đâu ngờ rằng gần mười năm sau, ông lại phải rời khỏi gia đình êm ấm, gác lại một bên những nỗi riêng tư để dấn than vào cuộc kháng chiến đầy gian lao và thử thách của cả dân tộc.

Dang Vu Hy con nguoi va su nghiep

Đến thị trấn Cổ Lễ, cha tôi gia nhập Vệ quốc đoàn và được phân công phụ trách một trạm quân y tiền phương. Chiến đấu ở mặt trận Nam Định ngày ấy là những người chiến sĩ hôm trước còn là nông dân, thợ thủ công, học sinh và cả những nhà sư vừa cởi bỏ áo tu hành để cầm súng bảo vệ nền độc lập non trẻ của Tổ quốc. Ở trạm quân y tiền phương, cha tôi thấy cả những phụ nữ có số phận đáng thương ở “xóm cô đầu” dám gạt đi mọi mặc cảm, tình nguyện xin đi tải thương và chăm sóc thương binh. Lúc đó, vũ khí, đạn dược, thuốc men và cả kinh nghiệm chiến đấu của ta đều thiếu nhưng tinh thần yêu nước của bộ đội và nhân dân rất cao. Nhân dân nhường cả nhà cửa, đình chùa để đặt trạm quân y làm chỗ cấp cứu thương binh. Cha tôi đã chứng kiến cảnh tiễn đưa những đội cảm tử lên đường làm nhiệm vụ mà “nào có mong chi đến khi trở về”. Cái không khí bi hùng của những ngầy ấy đã theo cha tôi đến tận cuối đời.

Chiến sẽ diễn ra ác liệt. Trạm quân y phải hoạt động hầu như suốt ngày đêm để cứu chữa thương binh. Có lần cha tôi đang mổ cho một thương binh bị thương vào bụng thì nghe tiếng súng nổ gần. Một du kích địa phương hốt hoảng chạy đến báo tin địch đang tiến về phía trạm quân y. Biết rõ nếu ngừng mổ thì khó lòng cứu sống được thương binh, cha tôi kiên nhẫn khâu nối những mũi cuối cùng. Ông vừa cùng mọi người chuyển thương binh về đến nơi an toàn thì địch cũng ập đến chỗ trạm quân y vừa đóng.

Một hôm, người ta chuyển đến trạm quân y đóng ở xã Thanh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình một em liên lạc chừng 11, 12 tuổi, quần áo dính đầy bùn đất, một tay bị dập nát vì đạn giặc. Không kịp tiến hành phẫu thuật, cha tôi vội cầm máu, rửa vết thương rồi băng bó để chuyển về tuyến sau. Nhìn em liên lạc nằm im lặng, mặt tái đi vì đau và mất máu, cha tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em còn dính những vết máu khô:

  • Tây nó bắn như vậy, em có sợ không?

Em liên lạc nghiến răng, cố nén đau và lắc đầu.

(…)

Cuối năm 1994, tại một hội thảo về phát triển giáo dục miền núi tổ chức ở thị trấn Tam Đảo, Vĩnh Phúc, trong giờ nghỉ, đồng chí Trịnh Ngọc Trình, Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ và Phát triển giáo dục miền núi, gặp tôi và kể lại:

  • Hồi kháng chiến chống Pháp, cha anh là bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đã cứu chữa cho tôi khi tôi bị thương ở mặt trận Ninh Bình.

(…)

Năm 1958, gia đình tôi trở về Hà Nội đã được 4 năm. Xế của nhà tôi có một người đàn ông mắc bệnh nan y. Một đêm, cả nhà tôi thức dậy vì tiếng ồn ào trong căn nhà xế cửa. Có tiếng người khóc thút thít rồi tiếng kêu hốt hoảng:

  • Có người treo cổ tự tử!

Những người ở cùng nhà sợ quá bỏ chạy ra đứng ở hè phố. Nghe tiếng kêu, cha tôi chạy sang. Mấy người đứng gần cửa chỉ tay vào một thân người treo lủng lẳng ở góc bếp. Dưới ánh sáng mờ mờ của chiếc bóng điện mắc ở tận ngoài hành lang, cha tôi tiến lại gần và nhận ra người đàn ông mắc bệnh nan y đã treo cổ tự tử. Sờ tay vào người ông ta, cha tôi vẫn còn thấy ấm. Nếu gỡ xuống làm hô hấp nhân tạo ngay, biết đâu có thể cứu được – cha tôi nghĩ như vậy. Sợ người chết, những người đứng gần đấy không ai dám giúp cha tôi gỡ người treo cổ xuống. Một mình cha tôi kê ghế, gỡ sợ dây treo cổ, đặt nạn nhân nằm xuống đấy rồi hô hấp nhân tạo. Năm phút rồi mười phút trôi qua. Muộn mất rồi, nạn nhân đã chết.

(…) Sau này, có người hỏi cha tôi tại sao lại làm như vậy, ông bình thản trả lời:

  • Tôi là thầy thuốc. Chừng nào còn hy vọng cứu chữa thì không thể bỏ nạn nhân.

(…)

Năm 1969, một hôm ở Bệnh viện Bạch Mai, người ta đề nghị cha tôi khám một bệnh nhân là cán bộ của một cơ quan và xác định ông ta có bị bệnh lâu không? Hồi ấy, cha tôi bị bệnh liệt rung nên viết rất khó khăn. Từ bệnh viện trở về nhà, cha tôi đọc cho tôi ghi lại biên bản khám bệnh. Sau khi mô tả các triệu chứng, cha tôi kết luận:

  • Bệnh nhân bị mắc bệnh lậu do quan hệ nam nữ với người mắc bệnh lậu – cha tôi băn khoan suy nghĩ khá lâu rồi đọc tiếp – hoặc dùng chung đồ dùng với người mắc bệnh lậu.

Tôi ngước nhìn cha tôi, thắc mắc:

  • Tại sao ba lại thêm đoạn sau vào biên bản?
  • Bệnh lậu có thể lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua đồ dùng chung – ông giải thích – Mặc dầu khả năng lây qua đồ dùng chung không cao, nhưng vẫn phải đưa vào biên bản cho đầy đủ. Khẳng định ngay là do lây trực tiếp, nhỡ oan cho người ta thì sao?

(…)

Năm 1971, cha tôi bị ốm nặng và được Bộ Y tế đưa sang điều trị ở Quảng Châu, Trung Quốc. Một buổi chiều tôi đi làm về thì gặp người bạn cũ của cha tôi là bác sĩ Nguyễn Văn Tín, Thứ trưởng Bộ Y tế. Bác sĩ Nguyễn Văn Tín báo tin:

  • Bộ vừa nhận được điện báo tin bệnh tình của ba cháu nặng lắm rồi. Cháu làm ngay các thủ tục để sang Quảng Châu thăm ba cháu.

Dạo ấy, tình hình căng thẳng lắm, may bay Mỹ đang đánh phá Hà Nội. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các bác, các chú ở Bộ Y tế, chỉ mấy ngay sau tôi nhận được hộ chiếu và vé tàu hỏa đi Trung Quốc. Tàu đến thành phố Quảng Châu vào một đêm mưa như trút nước. Từ nhà ga, tôi được đưa lên xe đi thẳng về bệnh viện tỉnh Quảng Đông. Đồng chí Tổng Lãnh sự Việt Nam và các bác sĩ, y tá Trung Quốc đã đợi sẵn ở đấy, dẫn tôi vào phòng cấp cứu hồi sức. Cha tôi nằm đó, thiêm thiếp trên giường bệnh. Tôi quỳ xuống bên giường, nắm lấy bàn tay khô và lạnh ngắt của cha tôi, nghẹn ngào:

  • Ba ơi, con đã sang đây với ba đây. Ba có nhận ra con không?

Cha tôi mở mắt nhìn tôi. Những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo. Cha tôi ghé sát vào tai tôi, dặn dò:

  • Con…cố…đưa ba…về nước.

Đấy là những lời cuối cùng của cha tôi. Trong số giấy tờ, thư từ cha tôi để lại, tôi vô cùng xúc động khi tìm thấy bức thư viết dở dang gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong thư, với những nét chữ run run, cha tôi đề nghị Chính phủ chú ý đến việc phòng và chữa các bệnh hoa liễu đang có chiều hướng gia tăng ở miền Bắc từ cuối những năm 60, nhằm kịp thời ngăn chặn ảnh hưởng lâu dài tới nòi giống của dân tộc. Cho đến ngày cuối cùng của đời mình, vật lộn với bệnh tật ở nơi đất khách quê người cha tôi vẫn nhớ đến Tổ quốc thân yêu, trăn trở với những gì mà ông đã gắn bó cả cuộc đời.

Cha tôi mất ở Trung Quốc ngày 4 tháng 10 năm 1972. Lúc bấy giờ, do hoàn cảnh chiến tranh không thể đưa thi hài về nước, cha tôi được mai táng trên một ngọn đồi ở ngoại ô thành phố Quảng Châu. Những người Việt Nam dự lễ tang lúc ấy giờ cũng chỉ nhớ địa điểm chôn cất thuộc một nghĩa trang tên có mấy chữ cuối là “Cách mạng Liệt sĩ Công mộ”. Đến cuối những năm 70, do những biến động trong quan hệ Việt – Trung, gia đình tôi không thể sang Trung Quốc để đưa di hài cha tôi về nước được. Mãi đến năm 1992, sau khi Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Quảng Châu bắt đầu hoạt động trở lại, tôi nhờ đồng chí Dương Danh Dy, lúc đó là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, giúp đỡ tìm mộ cha tôi thì mới biết là ở Quảng Châu có đến mấy nghĩa trang tên đều có mấy chữ cuối là “Cách mạng Liệt sĩ Công mộ” với hàng vạn ngôi mộ.

(…)

Thế rồi, một lần nhân dịp Tết Nguyên đán, Tổng Lãnh sự quán tại Quảng Châu tổ chức gặp mặt với bà con Việt kiều. Trong buổi gặp gỡ, đồng chí Tổng Lãnh sự hỏi thăm các Việt kiều xem có ai biết tin tức về nơi chôn cất cha tôi không. Thật bất ngờ, một phụ nữ Việt kiều bị bán sang Trung Quốc từ năm 10 tuổi cho biết nhiều năm về trước, một lần đi ngang qua nghĩa trang Ngân Hà Cách mạng Công mộ, bà nhìn thấy một ngôi mộ đã lâu không ai thăm viếng nằm dưới một bụi trúc ở góc nghĩa trang. Trên mộ có tấm bia khắc tên một giáo sư bằng chữ Việt Nam. Thương cảm người đồng hương không quen biết, từ đó cứ vào dịp Tết Nguyên đán và Tết Thanh minh bà đều đến thắp hương trên ngôi mộ ông giáo sư Việt Nam. Đồng chí Tổng Lãnh sự thông báo ngay cho tôi biết tên nghĩa trang nơi đặt phần mộ của cha tôi. Nhận được bức điện báo tin, tôi không sao cầm được nước mắt.

(…)

Mùa xuân năm 2003, tôi lại đến thành phố Quảng Châu. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam, chỉ sau vài giờ tôi đã làm xong mọi thủ tục, bốc mộ và đưa di hài cha tôi ra sân bay để chuyển về nước. Hôm ấy, chiếc máy bay của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào một buổi chiều u ám. Tôi ôm chiếc lọ sứ đựng di hài của cha tôi, cẩn thận bước xuống từng bậc thang máy bay. Trước mắt tôi, cuối đường băng là cánh đồng lúa xanh bát ngát, xa xa là dãy núi Tam Đảo mờ mờ sau làn mưa bụi – hình ảnh của đất nước thân yêu mà cha tôi hằng mong nhớ. Tôi ghì chặt chiếc lọ sứ vào ngực, thầm nói với cha tôi:

  • Ba ơi, sau 31 năm con đã thực hiện được ước nguyện cuối cùng của ba: đưa ba trở về với quê hương, với gia đình.

Đ.V.M

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.