Pham Ton’s Blog

Tháng Một 18, 2024

Khay quả Tết NHÂM DẦN: CẦU DỪA ĐỦ XÀI

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 2:22 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười lăm, kỳ 1 tháng 2 năm 2024.

CHUYỆN MỘT NGƯỜI CHÁU NGOẠI – PHỤ LỤC 1:

KHAY QUẢ TẾT NHÂM DẦN: CẦU DỪA ĐỦ XÀI

Tôn Thất Thành

Tôi sinh vào giờ Dần ngày rằm tháng giêng năm Canh Thìn (1940) tại bệnh viện Đặng Vũ Lạc (nay là Việt Nam – Cu Ba) đường Trần Hưng Đạo Hà Nội. Thế nên tôi thường tự nhận là người Hà Nội. Nhưng lại họ Tôn Thất. Bố tôi là người Huế, bị đuổi học ở Trường Quốc Học vì tham gia tổ chức bãi khóa, biểu tình để tang Phan Châu Trinh và đòi ân xá Phan Bội Châu. Ông ra Hà Nội học rồi dạy ở trường tư Gia Long. Ông cưới mẹ tôi là trưởng nữ nhà báo Phạm Quỳnh. Thế là tôi gốc Huế, dù chỉ sống ở Huế trong nhà ông nội, ông ngoại mỗi năm vài tháng hè khoảng những năm 1942-1944 và ghé Huế vài giờ năm 1975.

Ton That Thanh 1976

Tôi vào Sài Gòn giải phóng làm phóng viên thường trú. Tết Bính Thìn (1976) đi chơi chợ Tết. Hết sức ngạc nhiên thấy trong chợ hoa xuân, bên muôn hoa khoe sắc, hàng nào cũng dành một khoang trang trọng bầy mấy thứ quả nhỏ bé, xấu xí, màu sắc nhợt nhạt, nhưng được người tìm mua rất đông. Đó là khoang bày bán khay quả Tết. Khác hẳn mâm ngũ quả của Hà Nội đẹp đẽ, nhiều màu sắc. Ở đây chỉ bán hai bộ. Một bộ sáu món là một quả mãng cầu xiêm bé có gai, chùm sung nhỏ tím tái, chùm quất cũng nhỏ xanh vàng, một trái dừa điếc bé xíu, bên trái đu đủ nhỏ. Được người bán thương tình dân Hà Nội chẳng hiểu biết gì giải thích: Coi vậy mà ý nghĩa hay lắm chú nghe. Mãng cầu là CẦU, sung là SUNG, trái quất trong này kêu là trái tắc, đọc trại thành TÚC, dừa là VỪA, thu đủ là ĐỦ, trái xoài là XÀI. Thế là thành: SUNG TÚC VỪA ĐỦ XÀI. Hay không nghen. còn bốn món thì thành: CẦU VỪA ĐỦ XÀI. Hóa ra bà con trong Nam không cầu hình thức mỹ miều mà cầu cái ý nghĩa mộc mạc chân tình thâm thúy mà đơn giản.

chuc mung nam moi chuu phuc treo o nha

Tôi biết thế thôi, chứ gia đinh to, gia đình nhỏ tôi chưa bao giờ bày trên bàn thờ cái khay quả 4 món, 6 món này. Vì xấu quá.

Đến Tết Nhâm Dần này, sáng mùng 1, con trai ra chùa Vĩnh Nghiêm

Ca chua va me
nơi mẹ tôi để di cốt ở đó thắp hương thỉnh mẹ về, còn tôi chỉ ở nhà trông vợ bệnh nằm liệt giường. Mọi việc Tết do con cháu lo. Tôi chỉ dặn con trai mua hai chậu cúc đại đóa chưng cho sáng gian nhà nhỏ lại tối.

Cháu nội thứ hai sáu tuổi, chuẩn bị vào lớp một lon ton theo mẹ đi mua rau hoa quả. Tôi thấy một túi ni lông đỏ đựng mấy trái cây xấu xí. Mở xem thì mẹ cháu bảo nó chọn đấy. Hóa ra là bốn món bày bàn thờ: CẦU DỪA ĐỦ XÀI. Đúng ý tôi quá! Tôi xếp trên một đĩa vuông, dặn con trai bày bàn thờ thì để đĩa này. Tối, tôi lên lầu (gác) xem lại, thấy có đặt một trái thanh long xanh đỏ rất đẹp lên trên nền bốn trái xấu xí. Tôi nhặt bỏ ra ngay.

Thế là Tết năm nay, lần đầu từ khi tôi nhập tịch Sài Gòn, gia đình mới bày khay quả giàu ý nghĩa ấy.

Mam cung to tien Nham Dan

*

* *

Chuyện này làm tôi nhớ lại cũng năm Bính Thìn 1976 ấy lần đầu tôi được nghe câu hát của một công nhân bốc vác ở chợ Cầu Muối, nghe một lần là nhớ ngay. Vì như có lần tôi đã viết là trong tôi bao giờ cũng có một công nhân bốc xếp ngấm vào hồn sau gần mười năm sống chết cùng họ ở Cảng Phà Đen Hà Nội. Mấy câu ấy như sau:

Sáng ăn cơm sườn (thì mới có sức mà vác chứ) Chiều chan nước tương (vì dân cửu vạn thì cứ ráo mồ hôi là hết tiền). Và hai câu cuối vẽ rõ ra chất dân lao động Sài Gòn: Tối leo lên giường, Nằm nghe cải lương! Thật ung dung tự tại, thoải mái trước giấc ngủ tái tạo sức cho một ngày lao động mới.

Tôi gửi hình ảnh bàn thờ nhà tôi Tết này cho anh họ Phạm Dũng ở Hà Nội. Với lời ghi Em thành người Sài Gòn rồi! Cả hai anh em nhà đều có thờ ông nội, ông ngoại chúng tôi là Phạm Quỳnh. Bất ngờ anh nhắn lại: Chúc cả nhà người Sài Gòn mạnh giỏi, ăn Tết vui vẻ nhé!

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày mồng 2 Tết Nhâm Dần,

khi cả thành phố đã thành Vùng Xanh, thành phố lớn nhất nước đã sống lại rồi.

T.T.T.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.