Pham Ton’s Blog

Tháng Ba 24, 2024

Thầy Tôi

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 7:38 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười bốn, kỳ 1 tháng 4 năm 2024.

THẦY TÔI

Phạm Thị Hoàn

Lời dẫn của Phạm Tôn: Chúng tôi vô cùng đau buồn thông báo với bạn đọc quí mến của Blog PhamTon là khi bạn đọc bài viết xúc động này thì tác giả là bà Phạm Thị Hoàn, người con thứ 10 trong 16 người con của Học giả Phạm Quỳnh đã tạ thế tại Yerres (Pháp) nơi bà định cư từ nửa thế kỷ nay. Bà mất lúc 1:30 ngày 30/10/2011.

Ong Chau ba Hoan

Bà Phạm Thị Hoàn sinh năm Dần (1926) tại Hà Nội. Bài này bà đọc trong lễ tưởng niệm 100 năm sinh thân phụ tổ chức tại Paris năm 1992, sau bài diễn thuyết nổi tiếng của giáo sư Phạm Thị Nhung Cô Kiều với Phạm Quỳnh.

Nhiều năm bà cùng chị là Tiến sĩ Phạm Thị Ngoạn lo việc bảo quản và lựa chọn cho xuất bản các tác phẩm của phụ thân bằng tiếng Việt và cả tiếng Pháp. Bà thường nói: “Cứ nhìn những dòng chữ của cha in trong Tạp chí Nam Phong ố vàng vì thời gian mà đau lòng”. Từ đó, bà cùng chị cho xuất bản nhiều sách có ích cho đời sau như: Phạm Quỳnh – 1892-1992 Tuyển tập và Di cảo – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh, nhà xuất bản An Tiêm, 1992, Paris (Pháp). Tập Hành trình nhật ký bao gồm các du ký nổi tiếng Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ Pháp Du hành trình nhật ký được xuất bản thành sách lần đầu tại Paris năm 1997, cũng do bà Hoàn giữ bản quyền, nhà xuất bản Ý Việt (Pháp); sau đó in lần thứ hai tại San Jose (Mỹ) năm 2002 do nhà xuất bản An Tiêm. Sách bằng tiếng Pháp, hai bà cho in các tập Le Vietnam – À la Croisée Des Civilisations (Việt Nam – ở giao điểm các nền văn hóa), Le Vietnam – Problèmes Culturels et Politiques (Việt Nam- những vấn đề văn hóa và chính trị), Vietnam- L’Âme et L’Essence (Việt Nam – Tâm hồn và Bản chất) ở nhà xuất bản Ý Việt (Pháp), sau này, năm 2007, nhà xuất bản Tri Thức (Hà Nội) đã tổ chức dịch in thành sách Phạm Quỳnh-Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Essais 1922-1932)…

Sau khi chồng là nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, cháu nội chí sĩ Lương Văn Can mất được vài năm, bà đã đi theo ông, hưởng thọ 85 tuổi.

*

*       *

Từ ngày lọt lòng đến năm lên bốn, tôi đã sống những ngày tháng êm lặng trong một khung cảnh gia đình yên hàn vô sự, bên Thầy Me và các anh các chị. Yên hàn vô sự đến mức quãng đời đó không ghi lại trong tâm khảm tôi một chút kỉ niệm nào!

Năm tôi lên năm, một sự kiện quan trọng đã thay đổi dòng đời của cả gia đình. Thầy tôi vào Huế làm việc và toàn thể gia đình đều rời Hà Nội đi theo.

Từ đó, cuốn “băng” kí ức trong tôi đã lần lượt ghi dấu những chặng đường nặng vết kỉ niệm, từ thời thơ ấu đến ngày nay.

Kỉ niệm đầu tiên là ngày nhập học trường Đồng Khánh, sau một tháng đến Huế. Ngày đó, theo trí nhớ của tôi, chắc chắn không phải là ngày khai trường, vì các “trò” trong lớp tôi, tức là lớp năm, toàn là một đám “ma cũ” cả. Họ gọi nhau “Tụi bây ơi, trò mới tụi bây ạ” rồi xúm quanh tôi, kẻ thì yên lặng “chiêm ngưỡng”, kẻ thì gợi chuyện, líu la líu lô giọng Huế tôi không hiểu kịp: “Ra chơi ù mọi với tụi tui không?” “Có biết chơi tàu bay không?” “Hay là chơi thẻ?”. Từng đó trò chơi các bạn mới đề nghị, tôi đều lắc đầu, vì không hiểu gì cả! Tôi nghe bàn tán: “Ngó bộ ngờ ngơ dữ!”

Trống đánh tan học buổi sáng, ai nấy đều sắp hàng lấy nón ra về. Thấy tôi vẫn “ngờ ngơ”, vài cô bé thương hại đến hỏi: “Rứa ba mạ trò có tới đón trò không?”. Tôi cũng chả hiểu gì, và vẫn “ngờ ngơ”, nước mắt chảy ròng, tìm chả thấy bóng dáng hai chị đâu để chạy theo hầu thoát cảnh hỏi cung này. Một cô bé tiến lại gần, giọng dịu dàng: “Rứa trò có hiểu “ba mạ” là chi không?”. Tôi lắc đầu, thì cô ta thở dài, tự nói “Hèn chi!” Và quay lại tôi giải nghĩa: “Ba mạ là cha mẹ mình. Rứa trò kêu ba mạ trò là chi?”. “Là Thầy Me”. Thế là cả bọn rũ ra cười và tôi lại được nghe giải thích: “Thầy là thầy giáo dạy học mình, đâu có sanh ra mình mà mình kêu thế cha mình được…”.Vừa lúc đó hai chị tôi ở lớp nhất và lớp nhì ra, đến đón tôi cùng về. Thấy tôi không được vui, hai chị yên chí là lần đầu tiên đi học trường, hẳn là nhớ nhà, nhưng đâu có hiểu được nông nỗi khổ tâm của tôi.

Trong đầu tôi cứ lẩn vẩn câu hỏi: “Tại sao tôi lại gọi cha tôi bằng Thầy?”. Bạn nói: “Thầy dạy mình chứ không sanh ra mình”, thật là chí lí. Thêm đó, tôi nhận thấy gọi “cha mẹ” bằng “ba mạ” nghe dễ thương hơn, thấy có sự thân mật gần gũi hơn, thấy “tân tiến” hơn chữ “Thầy”, nghe nghiêm khắc xa vời quá.

Về đến nhà, tôi chạy tìm ngay bác tài Mai để kể nỗi thắc mắc của tôi. Bác tài Mai là người vẫn đưa đón Thầy tôi đi làm và là người bạn độc nhất của tôi những ngày mới bước chân đến nhà Hậu Bổ ở Huế. Bác Mai ôm tôi vào lòng, vừa vuốt tóc tôi vừa nói: “Đừng có lo, có phải ai cũng gọi “cha” là “ba” mô, “ba” là bắt chước Tây đó; tui đây, tui kêu cha bằng “chú”, vợ tui kêu cha bằng “dượng””. Từ ngày đó tôi yên tâm, vì gọi cha bằng chú hay bằng dượng thì cũng “tức cười” như gọi cha bằng Thầy vậy.

Nhưng lớn lên, tôi càng nghiệm thấy không từ nào có thể đẹp và ý nghĩa bằng chữ “Thầy” khi áp dụng cho cha tôi. Chữ “Thầy” là hình ảnh sống động của cha tôi với các tính từ: chững chạc, mực thước, ôn hoà, ân cần, đôn hậu,…Và từ ngày khôn lớn, tôi đã suy tôn cha tôi qua chữ “Thầy” đáng kính và đáng mến đó.

Thầy tôi thờ chủ nghĩa “Trung Dung” nên giáo huấn con cái trong một khuôn khổ không nghiêm khắc như các cụ thời đó. Chứng cớ là tôi đã ra ngoài khuôn khổ xưa mà xưng với Thầy Me tôi là “em” chứ không xưng “con”. Còn nhớ trưa mùa hè năm ấy, khi “người ta đến đón” Thầy tôi đi, tôi còn chạy theo Người, nói với: “Thầy ơi, em lên gác lấy Magnésie Bismurée cho Thầy nhé”. Và được Thầy tôi quay lại dịu dàng nói: “Thầy không cần, chiều thầy sẽ về”. Ngày nay, ngồi viết lại dòng này, nước mắt tôi chan hoà thương cho mình lúc gia biến còn có phản ứng che chở cho cha và thương cho cha đã ngây thơ tin chiều sẽ trở về.

Thầy tôi dạy dỗ các con không theo lề lối xưa “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Vì chúng tôi không bao giờ bị ăn roi. Và cái “ngọt” cái “bùi” thì cũng quá thầm kín, chứ không lộ liễu như tôi đây, mỗi tối con trai tôi lên chúc mẹ ngủ ngon vẫn được nghe mẹ nựng: “Mẹ yêu em lắm, mẹ quý em lắm, em có biết không?”. Tôi nhận thấy Thầy tôi rất công bằng, mười ba người con, không hề thiên vị thương con nào hơn. Vào Huế, tôi có thêm ba em, hai gái một trai. Tôi nhận thấy chiều nào đi làm về, Thầy tôi cũng xuống ngay nhà ngang thăm em bé, đặt em bé xuống giường, lấy hai tay vuốt từ đùi xuống chân, hoặc nắn hai cánh ta trở ngược lên vai, vừa vuốt vừa nựng: “Vươn vai chóng nhớn, vươn vai chóng nhớn”. Tôi được chứng kiến Thầy tôi “tỏ tình” với các em bé nên cũng yên trí là các anh chị tôi và tôi cũng đều đã được chăm sóc như vậy.

Thầy tôi khuất núi, tôi mới tìm đọc đến sự nghịêp văn chương của Người. Thật là muộn màng đáng tiếc! Nhưng từ lâu tôi vẫn tự hỏi sao trong lúc sinh thời, Thầy tôi không bao giờ nói về mình với các con? Người ưu tư gì, Người khát vọng gì, Người tranh đấu gì, tư tưởng của người được người đương thời ủng hộ hay chống đối?… Thầy tôi chỉ chăm lo cho các con học hành tấn tới, dìu dắt các con sống trong một gia phong nền nếp. Thậm chí đến tạp chí Nam Phong hay các bài diễn văn của Thầy tôi, tôi cũng không được nghe Thầy tôi nói đến bao giờ!

Viết đến đây, một kỉ niệm “cười ra nước mắt” đã sống lại trong ký ức tôi: năm đó, tôi học đệ tam, trong giờ Pháp văn bà Sogny giảng một đoạn trong quyển Tuyển Tập của Pujarniscle: bài “La Poésie Annamite” (Thơ ca An Nam). Bà gọi tôi đọc nửa đoạn đầu, rồi bảo tôi cho ý chính đoạn đó cùng phê bình văn. Tôi còn nhớ câu đầu “Nous voguions lentement sur la Rivière des Parfums…” (Chúng tôi chèo thuyền từ từ trên sông Hương…) và kế tiếp là tả cảnh tả tình hay quá, lời văn nhẹ nhàng, lại có chút lẳng lơ lãng mạn khi tả giọng cô lái đò đưa câu hò mái đẩy, tiếng lanh lảnh vang trong tịch mịch. Tôi thao thao bất tuyệt nói cảm tưởng và hết lời khen tác giả. Bà Sogny chắc phải lấy làm lạ sự “mẹ hát con khen hay” của tôi. Sau khi tôi dứt lời, bà hỏi ngay: “Chắc hẳn trò biết tác giả bài này chứ?”. Không chút ngần ngại, tôi thản nhiên trả lời: “Thưa không”. Bà trợn tròn xoe đôi mắt dưới cặp kính dày: “Thật à, trò không biết thật à?”. Sau lưng tôi, các bạn khúc khích cười và nhắc tôi: “Của Ông Cụ mi đó”. Tôi chột dạ, lật qua trang sau thì quả nhiên chữ Phạm Quỳnh nổi bật ở cuối trang sách! Nào tôi có hay đâu, có bao giờ Thầy tôi bảo tôi đọc tác phẩm của Người đâu! Ai đó đọc đến dòng này chắc cũng ngạc nhiên không kém bà Sogny và các bạn đồng lớp của tôi thời đó.

Ngày nay, ngược dòng thời gian, thấy thương Cha vô cùng. Lúc nào cũng cô đơn, vượt cạn một mình, không tâm sự cùng ai. Âu đó cũng là thái độ của người tự trọng, biết lãnh trọn trách nhiệm, những nỗi ưu tư lo lắng một mình mình biết một mình mình hay, gánh vác mọi việc không hề muốn cho vợ con phải bận tâm. Tội thương! Cả đến lúc vô cùng đớn đau phải lìa đời, cũng một mình chịu đựng, mười ba người con mà không có được một mảnh khăn xô khóc cha! Con sông Bồ, ngọn núi Hắc Thú là mảnh đất Việt cuối cùng đã tiễn đưa cha tôi qua thế giới bên kia, một đêm thu lạnh năm Ất Dậu, dưới không độ tình người…

Thương cha đứt ruột!

Tôi không bao giờ thấy Thầy tôi ca thán giận hờn, hoặc bộc lộ sự vui mừng quá mức. Tôi biết thầy tôi vui những lúc người rung đùi ngâm thơ trước ấm trà độc ẩm hoặc đem Nhị Độ Mai, Kim Vân Kiều ra đọc cho Me tôi nghe. Hay vui hơn nữa, thì gợi ý Me tôi họp mạt chược. Còn những lúc buồn lo hay bất mãn chuỵên gì, tôi đoán là những lúc Thầy tôi nói bác tài Mai đưa xe lên chùa Vạn Phước. Trên đó, Sư Cụ luôn luôn để sẵn ngoài hành lang chánh điện một cái ghế xích đu. Thầy tôi thường nghỉ ở đó, tìm di dưỡng tinh thần trong giọng trầm nhẹ của lời kinh hoà tiếng mõ đều đều của khoá kinh chiều. Và như thế đến tối mịt mới về.

Tôi được diễm phúc có nhiều kỉ niệm với thầy tôi. Các chị đi ở riêng sớm, mấy em sau còn nhỏ lúc thầy tôi bị nạn, sát tôi trên dưới là hai trai, nên chỉ có tôi là con gái đúng tuổi để sai vặt: tôi chuyên cắt móng tay cho Thầy tôi và mỗi lần như vậy, Thầy tôi lai nói đùa: “Thầy là một nhà nho để móng tay ngắn”. Riêng câu đó cũng chứng tỏ Thầy tôi luôn dung hoà cái xưa và cái nay. Trong xã hội xưa, quan niệm về thứ bực bốn giới sĩ nông công thương thật bất di bất dịch, nhưng Thầy tôi đã không câu nệ trật tự xưa mà chấp nhận anh cả tôi vào Nam mở tiệm cơm. Hồi đó cũng có lắm kẻ dị nghị: “Sao Ông Cụ lại để ông con cả lấy nghề của chú ba Tàu?” Tôi có nhiệm vụ vặn đĩa hát cho Thầy tôi nghe khi người nghỉ trưa. Không biết tôi lúc đó có thấy hay hay không, chỉ nhớ như in là buồn ngủ quá mà không dám ngủ, vì đĩa hát cổ, máy hát cổ, luôn luôn phải thay kim, thay đĩa, lên giây cót…Nhưng những điệu Nam Ai, Nam Bằng, Tứ Đại Cảnh, hò mái nhì mái đẩy… và những bản ca trù, hát nói, chèo cổ, Kiều lẩy, Tần cung oán…đã in trong tiềm thức tôi, khiến lớn lên tôi càng mê những giai điệu cổ điển đó, nhất là trong thời gian sống xa quê hương…

Công việc thứ ba của tôi là đọc sách, cứ hai ngày đọc một quyển dày! Thầy tôi quả là một “mọt sách”. Cả một thư viện gồm sách Việt, Pháp và Hán văn có giá trị, đã bị đem ra bán cân ngoài 00 sau khi chúng tôi phải rời căn nhà yêu thương ở An Cựu ra Hà Nội!

Thầy tôi không hề tâm sự với ai. Đó là điều chúng tôi nhận thấy trong những năm sống bên Người.

Nhưng tôi đã lầm.

Năm 1942, anh họ tôi Phạm Trọng Nhân có dịp đến thăm Thầy tôi ở Huế. Chuyện trò giữa chú cháu có bề xúc tích hơn giữa cha con và qua câu chuyện cái mũ ni anh Nhân tôi kể lại, Thầy tôi đã để lộ tâm trạng thầm kín khi chỉ cái mũ ni bằng len đang đội và nói với anh họ tôi: “Thời buổi này, đội cái mũ ni che tai vừa ấm vừa yên”. Đó là tâm sự rồi!…

Cách đây non bốn mươi năm, chúng tôi có được đọc một bức thư Thầy tôi viết cho một người bạn Pháp vào cuối năm 1933, tức là một năm sau khi rời toà báo Nam Phong vào Huế. Đại khái Thầy tôi nói: Tôi đã chọn con đường của tôi. Tôi là một người ở buổi giao thời, giao thời giữa Đông và Tây, giữa quá khứ và tương lai, giữa một trạng thái chính trị do sự chiếm đóng gây nên và do đó đã sai lầm tận gốc và một trật tự mới, trong tương lai sẽ kính trọng phẩm giá con người hơn, nhưng sự kiện này không thể tạo lập ra được trong chốc lát. Vì thế, tôi cố gắng dung hoà những mâu thuẫn đó để giúp sức vào một sự tiến hoá khôn khéo đưa đến một tổng hợp trọn vẹn, lẽ tất nhiên tôi bị va chạm vào sự hiểu lầm của người đời (Chúng tôi nhấn mạnh – PT). Vì thế cuộc mạo hiểm phiêu lưu của tôi, đôi khi không khỏi có một tính cách thảm thương! Đó là tâm sự rồi!… Đọc qua bức thư, tôi hiểu Thầy tôi hơn, thương Thầy tôi hơn, kính phục Thầy tôi bội phần: tiên đoán được tính cách bi thảm của cuộc dấn thân mà vẫn dấn thân!…

Trong một cuộc phỏng vấn Thầy tôi vào tháng 6 năm 1945 do nhà báo Nguyễn Vạn An ghi dưới nhan đề Tôi đã gặp Phạm Quỳnh ở biệt thự Hoa Đường, Thầy tôi tiết lộ: “Trong một thời gian ra làm quan, tôi tự nhận thấy thâu thái học hỏi thêm được “nhân tình thế thái” rất nhiều. Ngày nay trở lại nghiệp cũ, có lẽ ngòi bút của tôi sẽ được dồi dào phong phú hơn xưa” … “Suốt một đời tôi đã phụng sự cho văn học, thì ngày nay, không vì lẽ gì tôi lại không muốn trở lại cái đời cầm bút đã bị một thời gian bỏ dở”… “Trong nền văn hóa chúng ta đang vun quén tạo lập, phải làm nảy nở được mầm tư tưởng quốc gia. Chúng ta đã chẳng làm việc để tìm cho được một Tổ quốc mà phụng sự là gì?”… Đó là tâm sự rồi!… Nhưng, nỗi niềm tâm sự thầm kín nhất, Thầy tôi đã giãi bày trên ngót năm mươi trang giấy học trò, gom dưới nhan đề Kiến văn cảm tưởng: Hoa Đường tùy bút. Quyển vở này ngẫu nhiên gia đình tìm thấy trên bàn viết của Thầy tôi, mở ở trang chót, có cái bút Waterman còn chặn ngang trang giấy viết dở bài cuối tựa Cô Kiều với tôi. “Cô Kiều với tôi” là niềm tâm sự mới thoát trên giấy trắng mực đen, nhưng, than ôi, ngàn kiếp mãi mãi còn dang dở…

Năm mươi trang giấy học trò đã được nghe Thầy tôi thủ thỉ niềm tâm sự của con tim chán chường với Nhân tình thế thái, với Con người hiểm độc, hay Anh chàng khoác lác. Trong những ngày hè nóng nực của Ất Dậu năm đó mà đọc Keyserling, thuật Keyserling, theo Thầy tôi nói, thì quyết không phải là một tiêu khiển. Thầy tôi đã đọc, đã thuật Tư tưởng Keyserling và ghi cảm tưởng là “Để kỉ niệm mấy ngày nóng nực lạ thường, giữa lúc thần trí bâng khuâng, lan man nghĩ ngợi những đường kia nỗi nọ xa gần…” Thần trí bâng khuâng, lan man nghĩ ngợi đã dẫn người đến với Lão Hoa Đường, để tiếc “phận nho quèn” mà không biết như Lão Hoa Đường “quyết chí ẩn dật” để giữ lấy tiết tháo thanh cao. Và lan man nữa đến tìm an ủi nơi cụ Tiên Điền Nguyễn Du, cảm như đây là người cùng hội cùng thuyền! Còn tâm sự gì nữa qua cô Kiều? Thầy tôi khi trẻ giữ để bụng, lúc về chiều lại muốn thoát ra cho nhẹ, thì oan nghiệt của số phận đã bắt thác phải mang theo!

Còn Thầy tôi?

Thầy tôi đã phải ra đi

Trước mắt tôi! …

Bất lực, tôi cúi đầu chịu oan khiên của định mệnh

…Để đánh dấu một trăm năm sinh nhật của Thầy tôi, tôi mạo muội ghi chép vài kỉ niệm nho nhỏ gắn liền thầy tôi với tôi.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi dám cầm bút “viết thư” tâm sự với các “bạn” chưa được quen biết.

Nhưng, chỉ cần nghĩ là “bạn” cũng đã cảm thấy sự khoan dung và thông cảm rồi!

Tôi xin thành thật cám ơn người “bạn” đã đọc đến những dòng này

Yerres, Pháp, 1992.

P.T.H.

(Trích Thầy Tôi, báo Ái Hữu, số 115, tháng 6-1992, Paris, Pháp)

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.