Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 23, 2024

CHỮ HIẾU trĩu nặng vai năm chị em gái

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 1:28 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 5 năm 2024.

CH HIU

trĩu nặng vai năm chị em gái

Phạm Tôn – Tôn Thất Thành

Năm 1945, sinh viên trường Y Hà Nội Phạm Khuê về Huế nghỉ hè, vâng lời Thầy (tức Cha), cùng em Phạm Tuyên và những người giúp việc trẻ trong biệt thự Hoa Đường cầm cờ đỏ sao vàng cùng dân làng An Cựu tham gia cuộc mít tinh lớn ở sân vận động thành phố do Ủy ban Cách mạng Thừa Thiên – Huế tổ chức. Anh về đến nhà thì được em trai Phạm Tuân và các cháu Phạm Quý con anh cả Phạm Giao và anh em Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Quốc Cương con chị Phạm Thị Ngoạn chơi ở sân cho biết Thầy đã bị đưa đi rồi!

Kinh ngạc, giận dữ rồi bình tĩnh lại Phạm Khuê vào gặp em Phạm Thị Hoàn, chị Phạm Thị Ngoạn và chồng là Nguyễn Tiến Lãng hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện họ đã chứng kiến. Rồi bàn bạc với anh chị em và gấp rút lên tàu hỏa ra Hà Nội ngay chiều 23/8/1945 để báo tin dữ.

Đến nhà số 5 phố Hàng Da, chị cả Phạm Thị Giá cho người mời ngay vợ chồng em Phạm Thị Thức và bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đến cùng bà và chồng là giáo sư Tôn Thất Bình, phó hiệu trưởng trường Thăng Long (ngõ Trạm) nghe cậu Khuê kể rõ sự việc rồi cùng bàn bạc xem nên làm gì vào lúc này. Năm anh chị em quyết định phải đi gặp Cụ Hồ. Vì em Khuê đã cho biết là sự việc xảy ra trái hẳn những gì mình được nghe Ủy ban Cách mạng nói với đông đảo đồng bào Huế tham dự mít tinh trưa hôm đó

Phạm Khuê được giao chấp bút bức thư kể rõ sự việc để trình lên Cụ Hồ

Vợ chồng chị Phạm Thị Giá và Tôn Thất Bình tìm gặp ông Phan Bôi là em ruột ông Phan Thanh quản lý của trường Thăng Long, nay lấy tên là Hoàng Hữu Nam phụ trách


nội vụ, gần gũi Cụ Hồ để nhờ xin gặp Cụ. Vài ngày sau, nhận được tin Cụ hẹn gặp vào hồi 11 giờ ngày thứ sáu 31/8 tại Bắc Bộ Phủ. Sáng ấy, đúng giờ trên hai chị em đến và được Cụ tiếp. Hai chị em nói lý do xin gặp và trình lá thư Phạm Khuê viết. Cụ nhận thư, nói sẽ đưa người phụ trách nội vụ nghiên cứu, rồi hỏi thăm tình hình gia đình, còn nói là trong lúc ban đầu, khó tránh khỏi những sự nhầm lẫn đáng tiếc, mong chị em cứ yên tâm tin ở Chính phủ. Sau đó, Cụ có khách là ông trưởng ban tổ chức lễ mít tinh tuyên bố độc lập ngày 2/9 và việc dựng lễ đài ở quảng trường Ba Đình.

Sau này, mẹ tôi kể lại tỉ mỉ cho tôi viết được bài Người nặng lòng với nước khởi viết từ 2001 và đăng trên tạp chí Xưa và Nay năm 2006. Dì Phạm Thị Thức tôi cũng viết bài Viết về Thầy tôi năm 1992, kể cho các em ở Pháp hiểu thêm về Thầy, cũng thuật chuyện gặp Cụ Hồ.

*

* *

Năm 1956, hai năm sau khi đất nước bị chia thành hai miền Nam Bắc, coi như hai nước, Tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa tổ chức tìm nơi chôn anh ông là Ngô Đình Khôi và con ông ta là Ngô Đình Huân bị hạ sát đêm 1 tháng tám năm Ất Dậu 1945 tại khu Hiền Sĩ. Lần đó bắn ba người. Người đầu tiên là Phạm Quỳnh.

Dạo đó dinh tổng thống đang trang trí lại nội thất do bộ trưởng Bộ Kiến Thiết Sài Gòn Hoàng Hùng phụ trách. Biết chuyện tìm mộ này, ông Hùng gặp Ngô Đình Diệm xin cho các con Phạm Quỳnh là dược sĩ Phạm Thị Hảo và em là Phạm Tuân đi theo để tim di hài Cha, người có ơn với bộ trưởng đã cho ăn ở tại nhà số 5 phố Hàng Da suốt những năm ông theo học tại Hà Nội.

Nhờ vậy, hai chị em được đi theo đoàn tìm mộ của chính phủ, có cả lực lượng công binh mở đường và xe quân sự để di chuyển. Khi tìm được nơi chôn thì dễ nhận ra di hài Phạm Quỳnh vì thân dài, nằm dưới cùng và bên cạnh còn có cặp kính cận ông thường đeo.

Tìm được di hài, hai chị em đưa ngay trong đêm về chùa Vạn Phước Huế. Chùa này rất thân thiết với Phạm Quỳnh. Trong chùa có nhiều vật dụng do Phạm Quỳnh hiến tặng, sư trụ trì thường để sẵn cái ghế xích đu để những khi Ông đến chùa nghỉ ngơi di dưỡng tinh thần.

*

* *

Năm 1972, tôi được một bạn cùng học trường Chu Văn An nay làm ở báo Nhân Dân cho biết dì Phạm Thị Ngoạn tôi đã thành tiến sĩ đại học Sorbonne Paris với luận văn về Nam Phong tạp chí. Luận văn ấy, sau này được Phạm Trọng Nhân dịch ra tiếng Việt nhan đề Tìm hiểu Tạp chí Nam Phong. Sách này có 455 trang. Khi tặng tôi sách này, dì Ngoạn ghi:

Thân gửi tặng cháu Thành yêu quý món quà

“Cây nhà lá vườn”

Với tất cả tấm lòng thương nhớ

Cô Ngoạn (ký) YERRES 14/5/1993

*

* *

Người con gái thứ năm báo hiếu Cha là dì Phạm Thị Hoàn. Bà cũng định cư ở Pháp như bà Ngoạn. Hai chị em lo gìn giữ những trang viết Cha để lại. Năm 1992 kỷ niệm 100 năm


ngày sinh Thượng Chi Phạm Quỳnh hai bà đã tuyển chọn và xuất bản Phạm Quỳnh 1892-1992 tuyển tập và di cảo. Lần đầu công bố một số bài viết cuối đời của Cha. Bài cuối viết dở dang, còn đặt cây bút máy Waterman nằm ngang trên trang vở, như dự định chiều sẽ viết tiếp. Đó là trưa 23/8/1945, ông được hai sinh viên Trường Thanh Niên Tiền Tuyến cao to mặc bộ đồ ca ki đẹp mời đến ủy ban làm việc. Con rể Nguyễn Tiến Lãng xin đi theo để hầu Thầy, nhưng không được, vì xe chật. Con gái Phạm Thị Hoàn xin chờ cô lên lầu lấy thuốc dạ dày, nhưng Thầy bảo không cần. Chiều Thầy về. Đó là bài Cô Kiều với tôi, một đề tài ruột của Ông, Đời cô Kiều như vận vào đời Ông. Bài viết vĩnh viễn dang dở… Tập vở Hoa Đường tùy bút, Kiến văn cảm tưởng ngoài bìa có ghi rõ con số I La mã, nhưng ngay quyển I ấy cũng viết chưa hết. Chẳng biết nếu được viết tiếp thì sẽ viết đến quyển thứ bao nhiêu. Vì ông từng viết là nay trở về với văn học tôi tin là ngòi bút sẽ sắc bén hơn xưa, dồi dào hơn xưa qua kinh nghiệm hơn mười năm phải sống trong quan trường với bao hiểm nguy rình rập.

Lần về thăm nước nhà năm 1993, dì Phạm Thị Hoàn đến thăm nhà tôi. Dì thổ lộ: Cứ nhìn những dòng chữ của Cha in trong tạp chí Nam Phong ố vàng vì thời gian mà đau lòng… Vì thế, dì cùng chị là Tiến sĩ Phạm Thị Ngoạn cùng lo xuất bản nhiều sách có ích cho đời sau như Phạm Quỳnh 1892- 1992 Tuyển tập và Di cảo Kỷ niệm 100 năm sinh Phạm Quỳnh, nhà xuất bản An Tiêm Paris (Pháp), Hành trình nhật ký gồm những du ký nổi tiếng như Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ Pháp du hành trình nhật ký xuất bản thành sách lần đầu tại Paris do bà Hoàn giữ bản quyền, nhà xuất bản Ý Việt (Pháp), sau đó tái bản tại San Jose (Mỹ) năm 2022, nhà xuất bản An Tiêm. Sách tiếng Pháp hai bà cho xuất bản ba tập tại Pháp, nhà xuất bản Ý Việt. Sau này, ba tập được nhà xuất bản Tri Thức Hà Nội tổ chức dịch và xuất bản thành một tập nhan đề Phạm Quỳnh tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Essais 1922-1932).

Hai chị em lo chuẩn bị bản thảo, đưa in rồi tự mình đeo kính dò lại bản dập kỹ từng chữ một. Khi sách ra đời, hai bà đến những cuộc hội họp kiều bào như Tết, ngày kỷ niệm này nọ, đem sách của Cha giới thiệu với bà con và phát hành tận tay những ai còn yêu tiếng ta, yêu nước ta dù ở xa. Cứ như thế, hai chị em sống những năm tháng tuổi già trong sáng đầy ý nghĩa, chỉ mong báo hiếu Cha được chút nào hay chút ấy.

*

* *

Chẳng biết chữ Hiếu có quá nặng với năm chị em gái con học giả Thượng Chi Phạm Quỳnh?…

Chị cả là mẹ tôi cụ Phạm Thị Giá sinh năm 1913, ngoài 80 tuổi còn viết một Hồi Ký kể cho các con biết những sự kiện của gia đình mà các con chưa biết. Dì Phạm Thị Thức tôi, sinh năm 1915 cũng viết một bài nhan đề Viết về Thầy tôi năm 1992 kể cho các em ở Pháp hiểu thêm về Cha.

Năm 2000, mẹ tôi ngã, gãy cẳng chân, chỉ nằm một chỗ ở nhà em gái tôi tận Bạc Liêu. Dì Thức biết tin, viết thư từ Hà Nội chia sẻ là dì nay cũng yếu chân, ngay đi lại trong nhà cũng khó. Từ sau khi qua tuổi 80, hai chị em tuổi sửu và tuổi mão sướng khổ khác nhau thường viết thư chia sẻ với nhau. Mẹ tôi mắt đeo kính dầy như đáy cốc, chữ viết hay mất nét lại lệch dòng. Chữ dì tôi vẫn đẹp và rõ ràng. Hai chị em thanh thản nhìn lại cuộc đời nhiều sóng gió, nhưng vẫn đứng vững, không có gì ân hận, không gì cần làm và có thể làm mà không làm. Báo hiếu Cha, hai chị em đã lên gặp Cụ Hồ, sau này còn kể lại cho con cháu biết sự kiện đó. Rồi còn cùng chị dâu Nguyễn Thị Hy


cũng tuổi sửu họp nhau cố nhớ từng kỷ niệm về Cha, từ chiếc mũ ni, áo quần, đến những vật thường dùng như bút, giấy…Đặc biệt ba bà còn nhớ rõ việc Cha đã công khai bênh vực chí sĩ Phan Bội Châu năm 1925 đang bị giam ở nhà lao Hỏa Lò chờ ngày ra tòa đại hình đối mặt với án chung thân biệt xứ và tử hình. Phạm Quỳnh đã viết trên tạp chí tiếng Pháp France – Indochine (Chính xác là Indochine Française: Đông Dương thuộc Pháp – PT chú) phát hành cả ở Pháp và ở Đông Dương. Ông muốn tranh thủ dư luận người Pháp ở chính quốc và thuộc địa nhằm gây áp lực với những người Pháp sắp xét xử Phan Bội Châu. Kết quả là cùng với phong trào nhân dân trong nước đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu, thực dân Pháp đã phải chùn tay. Chính toàn quyền Varenne đã tuyên bố tha bổng Phan Bội Châu. Bọn thực dân ở thuộc địa đành giam lỏng Phan Bội Châu ở xứ Huế. Sau này Phạm Quỳnh về Huế làm thượng thư bộ Quốc dân giáo dục còn nhiều dịp thăm nom chăm sóc ông già Bến Ngự những năm cuối đời.

Hai chi em còn thanh thản bàn về những ngày cuối đời…Mẹ tôi muốn hỏa thiêu ở Bạc Liêu, sau đem tro cốt lên an vị tại chùa Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh để tôi là con và con tôi là đích tôn lo việc hương khói sau này. Chùa chỉ cách nhà chưa đến nửa cây số, mẹ đã đến thăm và rất ưng nơi ở cuối cùng.

Dì tôi muốn mai táng ở nghĩa trang Tiên Sơn làng Hành Thiện (Nam Định) đặt cạnh mộ chồng là bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, mất năm 1972 tại Quảng Châu (Trung Quốc). 30 năm sau được con trai Đặng Vũ Minh đưa về đây.

Còn ba bà em ở nước ngoài thì sao?

Dược sĩ Phạm Thị Hảo vẫn “mạnh khỏe” ở tuổi ngoài 90. Con cái đến thăm, bà tiếp đón lịch sự, rồi hỏi là ai, đến nhà có việc gì. Em họ tôi Phùng Thị Mai kể cho tôi: Em đến nhà, cũng bị hỏi như thế, rồi bà lão vui vẻ đọc một hồi hàng mấy trăm câu Kiều, vừa đọc vừa hỏi có thấy hay không.

Dì Phạm Thị Lệ, chỉ trên hai em trai út và gái út, một năm về chơi Sài Gòn, đi chơi cùng tôi, vợ và con trai tôi và dì Lê Thị Trung con ông em út bà ngoại tôi. Chúng tôi cùng đi khu du lịch Đầm Sen, ăn xôi lúa, mì Quảng rất vui vẻ chân tình. Dì Lệ kể một hôm đến thăm dì Ngoạn. Dì Ngoạn nói ngay: Em đến vừa may hôm nay anh Lãng về. Vừa nói bà vừa chỉ vào con trai thứ là Nguyễn Quốc Cương đến chơi. Cương ra hiệu cho bà Lệ biết là mẹ lẫn. Dạo ấy Cương mặt gầy, cầm nhọn giống hệt cha là ông Nguyễn Tiến Lãng đã mất mấy năm rồi. Thế là dì Ngoạn pha trà cùng chồng tiếp em gái. Cương dè dặt uống trà, mỉm cười nhìn mẹ đầy trìu mến.

Dì Lệ còn kể hôm đưa tang nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, dì mặc áo dài đen đến nhà dì Hoàn, giúp chị mặc tang phục rồi nhắc đi luôn kẻo trễ. Dì Hoàn hỏi nhỏ em gái: Hôm nay mình đi đưa đám ai đó em?… Dì Lệ muốn bật khóc trước vẻ ngơ ngác, thành khẩn của chị mà không dám, chỉ nhắc chị đi mau kẻo muộn.

Sau khi ba chị về Trời với Thầy, cậu Phạm Tuân tôi mà cả nhà thường quen gọi


chú Miềng, đứng ra

gánh vác những gì các chị để lại. Cậu liên lạc chặt chẽ với nhạc sĩ Phạm Tuyên, chuyển những tài liệu về Thượng Chi Phạm Quỳnh về nước… Cậu và vợ là bà Hoàng Hỷ Nguyên đã đóng góp tư liệu và cả tiền của nữa để xuất bản sách Giải oan lập một đàn tràng bao gồm những bài phát biểu trong Những ngày Phạm Quỳnh tại California Mỹ và giúp Viện Việt Học tại Mỹ (Institute of Vietnamese Studies, C.A. 92683.USA) hoàn thành trong sáu năm bộ DVD tạp chí Nam Phong có kèm cả Mục lục phân tích Nam Phong Tạp chí 1917-1934 của linh mục Nguyễn Khắc Xuyên, Trung tâm học liệu Bộ Giáo Dục Sài Gòn. Và tạp chí Nam Phong số Tết Mậu Ngọ 1918, số báo Tết đầu tiên của nước ta.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/3/2024 (18 tháng 2 năm Giáp Thìn)

PT.TTT

Tôi đưa thầy tôi về chùa Vạn Phước – Phạm Thị Hảo

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 1:27 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 5 năm 2024.

TÔI ĐƯA THẦY TÔI VỀ CHÙA VẠN PHƯỚC

Phạm Thị Hảo

Lời dẫn của Phạm Tôn: Khi các bạn, đọc những dòng xúc động sau đây thì tác giả Phạm Thị Hảo đã ra đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi 94. Bà sinh năm 1920 tại Hà Nội và vừa mất hồi 8 giờ ngày 28/4/2914 tại Hoa Kỳ nơi bà định cư từ 1975.

Cách đây vài năm, con trai, con gái đến thăm bà thì bà tiếp đón lịch sự, có hơi “khách khí”, rồi “xin phép hỏi quý danh”. Nhưng khi con gái hỏi chuyện thì bà đọc cho nghe hàng trăm câu Kiều, rành rẽ, ngâm nga say sưa. Đúng là con gái người say Kiều, sùng bái Kiều, suốt đời vận Kiều vào thân mình: học giả Phạm Quỳnh.

Năm 1956, chính bà và em trai út là Phạm Tuân đã đi cải táng thân phụ, nhân gia đình Ngô Đình Diệm hồi ấy là tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tổ chức đi tìm hài cốt cha con Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân cùng chôn một chỗ.

Đáng tiếc là lá thư bà hứa sẽ viết tỉ mỉ cho chị gái là bà Phạm Thị Giá thì lại chưa kịp viết, vì “khi định viết thì lại quá bận, khi có thời giờ thì tâm lại bất an” như bà viết thư than với chị. Vì thế chúng tôi chỉ còn chút ít dòng này của bà gửi đến bạn đọc.

—o0o—

  1. 1. THƯ GỬI CHỊ

…Đọc thư chị, em cảm động và thương chị lắm. Chị em ta sống gần gũi nhau suốt từ ngày em cưới (1942) đến lúc đất nước chia đôi (1954) vui buồn đều có nhau. Sau khi Thầy bị nạn, rồi lúc Me ở Hàng Da với chị, mất ở nhà chị…đều có em bên chị. Lúc em sinh hai cháu gái Mai, Ầm nay đã bốn mươi tuổi, đều có chị đưa đi nhà hộ sinh và nắm tay em khi đau đẻ…làm sao em quên được…Lẽ dĩ nhiên em sẽ nói nhiều đến những ngày cuối năm 1956 em đi lãnh hài cốt Thầy và đưa về chùa Vạn Phước…Em thật có lỗi với chị vì chưa viết trả lời những câu hỏi và kể chuyện công việc thiêng liêng này cho chị, dù chị đã hỏi đến mấy lần. Em không quên đâu, em sẽ chờ lúc tĩnh tâm để viết. Trước kia em đi làm bận rộn, nay về hưu nhàn hơn thì tâm lại chưa tĩnh…Ngày mất thì khi em đi nhận hài cốt, chỉ thấy một nhân chứng nói là “đêm đó trăng lưỡi liềm”

(Trích bản viết tay Thư cụ Phạm Thị Hảo từ Washinton DC, Mỹ gửi cho chị ở Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 24-9-1990))

  1. 2. THƯ GỬI EM TRAI

Nhận được thư em chị mừng lắm, đọc đi đọc lại những dòng chữ thân yêu với những tin tức vui của gia đình ta.

Anh chị em ta “năm con voi và tám nàng tiên” yêu nhau thật thắm thiết, thật là kỳ diệu! Không phải gia đình nào cũng được diễm phúc đó. Sau bao nhiêu năm xa cách, bao biến động, tình ruột thịt lại càng thắm thiết.

…Nay có em sang “nghìn năm một thuở” cũng như năm ngoái khi K. đến, chị cũng không làm sao dứt ra mà đi được. Rất buồn tủi, song các em cũng hiểu chị và yêu thương chị

…Chị rất tiếc không có mặt ở Paris lúc này để ôm em vào lòng và kể cho em cùng các em Ngoạn, Hoàn, Lệ, Viên những chi tiết và những phút đau lòng, lo âu, cảm động khi đi nhận di hài Thầy yêu quí của chúng ta. Ngày giáp Tết, khi ánh bình minh vừa rạng ló, con thuyền đưa cốt Thầy cặp bến chùa Vạn Phước, và chị cùng Miềng (tức Phạm Tuân – PT ghi chú), cô (me chị Bích) dự lễ an táng bên cạnh sư cụ cùng một vài thân hữu ở Huế. Chị không sao quên nổi cái đêm kinh hoảng (27 Tết thì phải) sau khi tìm bới hai ngày dài, rồi nhờ các vị sư cúng các vong tại chỗ, đến mãi tối mịt mới tìm được di hài ba vị (Thầy, cụ Khôi và cậu Huân). Người ta (họ Ngô) đang làm to, mang hai cha con họ Ngô quàn ở một cái rạp thật lớn trang hoàng theo nghi lễ công giáo, lính gác chung quanh, để chờ sáng hôm sau tám giờ tổ chức quốc tang theo lịch trình đã định. Còn chị em mình (chị và Miềng) cùng cô lẽo đẽo đưa di hài Thầy lên đỉnh một ngọn đồi nhỏ. Định ở đó suốt đêm, chờ sáng hôm sau nhà Ngô đưa đám (quốc táng thật to) đi rồi, mình dùng đúng con đường đó (đã được “quét sạch” ) để đưa cha mình về chùa. Song đêm trên đỉnh đồi lãnh lẽo, lủi thủi có ba bà con, văng vẳng nghe tiếng cầu kinh của các đệ tử Thiên Chúa bề tôi nhà Ngô ở dưới chân đồi, chỗ rạp quàn hài cốt nhà Ngô, vừa tủi thân vừa sợ. Miềng lúc đó còn nhỏ (20 tuổi – PT ghi chú) lo sợ, cứ bảo “Thôi, đi về đi!”. Những nhà chức trách nơi đó lại khuyên nên chờ đến sáng, sau đám nhà Ngô hãy đi, kẻo vùng này có tiếng là dữ (cọp beo, “hắc thú”, và …). Sau cùng, chị nhất quyết xin họ cho một cái đò để chở Thầy về ngay đêm đó. Họ khuyên không được, cũng tử tế cho hai thuyền có lính và khí giới đi kèm đò mình. Thế là chiếc tiểu – quan tài nhỏ, qua sông. Suốt đêm đến sáng thì tới bến Vạn Phước. Tờ mờ sáng, lòng đang buồn tủi đau khổ thương cho cha chịu phận hẩm hiu, lại hãnh diện cho mình được thay mười một người con của Thầy Me, đưa Thầy về nơi an nghỉ ngàn năm…Thì trên bến đã thấy sư cụ cùng mấy sư bác, các tiểu chờ sẵn. Em ơi, chị Hảo lúc bấy giờ mừng quá “đi đến nơi về đến chốn” rồi, trông mấy vị tu hành như thấy mấy vị cứu tinh, cảm động nước mắt dào ra không biết nói gì… Chôn cất Thầy xong, chị và Miềng về Sài Gòn, vừa vặn sửa soạn Tết, cúng giao thừa.

Mừng là mọi chuyện êm đẹp, nhưng nửa tháng sau sư cụ lại nói với cô là Thầy về báo mộng, mộ ướt lắm. (Chỗ đất này tốt nhất, đáng ra là dành cho sư cụ, cụ nhường cho Thầy). Thầy nằm trong vũng nước. Cô lại gửi thư về Sài Gòn nói tuỳ chị, cô không dám định đoạt đào lại mộ, chị nói cô cứ làm. Quả nhiên mộ đầy nước…Vì thế mới thỉnh Thầy ra ngoài cửa chùa, chỗ này cũng đẹp đẽ, sạch sẽ như em chắc đã thấy

(Trích bản viết tay Thư cụ Phạm Thị Hảo từ Washington DC, Mỹ gửi cho em trai ở Hà Nội (ngày 7-3-1990))

Lịch sử một bức tranh

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 1:24 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 5 năm 2024.

LỊCH SỬ MỘT BỨC TRANH

Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Minh Tiến

Lời dẫn của Phạm Tôn: Trong mùa sớm nắng chiều mưa Sài Gòn, chiều 22/9, giữa hai trận mưa, Họa sĩ , Nhà báo Phạm Thanh Tâm, một người Hà Nội, lại một lần nữa đi xe taxi, chống can inox bốn chân đến thăm một người bạn vong niên mới quen mà đã như thân thiết. Có lẽ vì cùng là người Hà Nội, lại cùng có chung những người thân thiết.

Xuan trong ham phaoSau mấy tuần trà ướp trong một bông sen do người Hà Nội tặng chủ nhà, và trò chuyện thân mật, tin cậy, chân thành về những chặng đường và những con người cả hai đều từng trải qua và quen biết, họa sĩ tặng chủ nhà một tập sách quí, bề thế của Nhà xuất bản Thời Đại ấn hành nhân kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ nhan đề Trang sử vàng Điện Biên Phủ -Họa sĩ, Nhà báo Phạm Thanh Tâm- in song ngữ Việt Anh, khổ 33×26.5, do Richard di San Marzano thiết kế mỹ thuật.

Trong sách, chúng tôi may mắn thấy có hai điều mình muốn tìm hiểu lâu nay. Đó chính là bài Lịch sử một bức tranh (trang 76) viết về chính bức tranh chúng tôi đã giới thiệu với bạn đọc Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ. (Tính đến ngày 5/10/2014 đã có 13.013 lượt người trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ truy cập.)

Trong bài có kể rõ trong đội văn công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy có cả vợ chồng đích tôn của Phạm Quỳnh là Phạm Vinh và Vũ Thị Lương “cô gái múa lượn” trong tranh, cả hai cùng chạc tuổi với họa sĩ mới 21, 22 tuổi.

Và một bài nữa viết về chính họa sĩ nhan đề Người họa sĩ của Điện Biên năm xưa (trang 90).

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi 60 năm Giải phóng Hà Nội, Blog PhamTon xin trân trọng giới thiệu với các bạn cả hai bài trên.

—o0o—

Nếu ai có dịp đến tham quan nhà Bảo tàng Quân đội, chắc chắn không thể nào bỏ qua gian phòng trưng bày những bảo vật về chiến dịch Điện Biên lịch sử.

Trong số những bảo vật lưu niệm về tranh và ảnh của gian phòng có một bức tranh của họa sĩ quân đội Phạm Thanh Tâm.

Không gian của bức tranh là một căn hầm pháo 105 ly. Nòng pháo vươn qua lỗ châu mai về phía Điện Biên. Hai càng pháo bám chắc hai bên vách hầm trong tư thế sẵn sàng nhả đạn – nổi lên giữa hai càng pháo là 4 cô gái mặc áo tứ thân đang uyển chuyển duyên dáng trong một điệu múa dân tộc. Chung quanh là những gương mặt các chiến sĩ pháo thủ đang say sưa thưởng thức điệu múa.

Năm 1954, năm thứ 9 của cuộc chiến tranh giải phóng chống thực dân Pháp. Đội văn công Sư đoàn vừa ăn tết xong thì nhận được lệnh cấp tốc hành quân đi Điện Biên. Lúc đó chúng tôi đóng quân ở hậu cứ Sư đoàn gần cây số 14 trên đường Tuyên Quang đi Yên Bái. Đội đi Điện Biên gồm: Nguyễn Đức Phong đội trưởng, kiêm chính trị viên và các thành viên: Minh Tiến, Trọng Lanh, Hàn Đức Trọng, Xuân Sách, Phạm Vinh và các cô Vũ Thị Lương, cô Tý, cô Ngọc, cô Minh, tổ nhạc có: Nguyễn Bính (vi-ô-lông, ác-coóc-đê-ông), Ngọc Cương (nhạc sĩ kiêm đàn măng-đô-lin, Vương Cát Định (ghi-ta), Thịnh Đen (chẻo). Múa và nhạc kiêm ca hát và đóng kịch. Đoàn không có ca sĩ nổi danh như chị Kim Ngọc ở văn công Sư đoàn 312. Biết làm sao được, chiến sĩ thì nhiều nghệ sĩ thì hiếm phải tự lo lấy tất cả. Không có thầy, thầy cũng là trò, trò cũng là thầy. Múa xong là hát, hết hát thì sang đóng kịch. Kết thúc vai diễn, lại ngồi đốt những liều thuốc phụ (rơ-le) xin được của Pháo để có ánh sáng biểu diễn.

Đêm đầu tiên chúng tôi vượt bến Âu Lâu – Yên Bái. Ôi một đêm kỳ diệu! Cả đoạn sông Thao thượng nguồn vang lên bản Trang su vang Dien Bien Phutráng ca lịch sử. Quân ta như một con rồng khổng lồ bao gồm các sư đoàn chính quy, các đơn vị bộ đội địa phương, các đội dân công, nhân dân phục vụ thuyền bè. Tất cả đã theo lệnh của Bác Hồ và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tiến vào Tây Bắc giải phóng Điện Biên. Dòng sông Thao sục sôi như nổi bão tố. Người qua sông, ngựa qua sông, xe đạp, xe thồ gồng gánh qua sông. Xe pháo rùng rùng chuyển động. Chân đất, chân giày, mũ lá, nón mê, đầu trần, thuyền nhỏ, thuyền to nhấp nhô chen nhau cắt ngang dòng sông lịch sử. Tất cả tiến vào Tây Bắc vượt “Núi vút ngàn trùng xa” trong nhịp bước “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ” mà vẫn tràn đầy lạc quan để đi đến ngày thắng lợi. Trong đoàn quân vĩ đại ấy có Đội văn công của Sư đoàn Côn, Pháo 351 với đội múa trẻ trung đang độ tuổi 18, đôi mươi.

Ban ngày chúng tôi tập lại các bài ca điệu múa. Khi mặt trời bắt đầu xuống núi, toàn bộ lại lên đường hòa vào dòng thác đại quân và dân công cùng chảy ra tiền tuyến. Chính trong lúc hành quân đêm, nhóm múa chúng tôi có thời gian để sáng tác điệu múa mới (chưa có ai học sáng tác bao giờ). Mỗi đêm hành quân là mỗi đêm có những sáng kiến mới để chuẩn bị cho ban ngày tập luyện. Những ngày gian khổ ấy sao mà thương nhau thế, vượt qua Pha Đin trong mây vờn đỉnh dốc, rét buốt thấu xương, vượt Lũng Lô trong lửa bom rừng cháy “Chân không giày rớm máu, thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.

Hành quân tới Điện Biên, tổ múa chúng tôi đã sáng tác xong điệu múa tạm đặt tên là Vui sản xuất. Ý nghĩa của điệu múa muốn động viên chiến sĩ yên tâm đánh giặc, vì đã có hậu phương yên vui sản xuất để tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng. Động tác múa chèo thì học ở cụ Năm Ngũ trước hết, nhạc cũng học truyền khẩu rồi về hát lại để Ngọc Cương ghi lại cho vi-ô-lông của Bính Kính và cho các nhạc cụ khác đệm theo. Biên soạn múa và lời ca thì làm tập thể, cuối cùng mọi người cũng vừa ý. Quần áo múa thì góp lại mỗi người một mảnh dù trắng (của chiến sĩ cho làm kỷ niệm) đem nhuộm xanh đỏ. Thợ may là bốn cô nữ chiến binh. Thế rồi điệu múa đã được diễn cho chiến sĩ xem đêm đầu tiên tại mặt trận Điện Biên như ở phần đầu chuyện kể.

Đội văn công Sư đoàn sau đêm diễn đã chuyển sang phục vụ đơn vị pháo cao xạ ở gần khu vực đồi Độc Lập. Ba ngày sau chúng tôi hành quân trở lại căn hầm pháo cũ để tiếp tục phục vụ đợt 2 của chiến dịch. Thật không ngờ, chúng tôi không bao giờ còn được gặp lại các pháo thủ ở căn hầm số 2 đã bắn những viên đạn pháo đầu tiên vào Him Lam, mở đầu cho chiến thắng Điện Biên. Tất cả 7 chiến sĩ hy sinh. Máu của họ còn vương đầy vách hầm. Nơi biểu diễn điệu múa “Ai xui là xui cây lúa chín” đầy những mảnh đạn.

Chúng tôi tìm đến những ngôi mộ còn đỏ màu đất như mới, viếng những người anh hùng và đặt lên nấm mồ một cành hoa sim tím của núi rừng Điện Biên giữa những tiếng khóc nức nở của 4 cô gái văn công Sư đoàn.

Những pháo thủ đang yên giấc ngàn thu và tất cả chúng tôi lúc bấy giờ không ai nghĩ rằng hình ảnh của họ và 4 cô gái văn công Sư đoàn trong điệu múa “Ai xui là xui cây lúa chín” sẽ sống mãi trong bức tranh nổi tiếng của họa sĩ đại tá Phạm Thanh Tâm.

Hà Nội, tháng 5 năm 1998.

NSND Đ.M.T.

—o0o—

Năm nay, Điện ảnh Quân đội và Truyền hình Quân đội mời nghệ sĩ múa Vũ Thị Lương thăm Điện Biên và hầm pháo năm xưa nơi từng diễn ra điệu múa lụa phục vụ các pháo thủ mở đầu chiến thắng vĩ đại.

Xuân trong hầm pháo

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 1:21 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 5 năm 2024

XUÂN TRONG HẦM PHÁO ĐIỆN BIÊN PHỦ – 1954

Xuan trong ham phaoTranh sơn dầu của họa sĩ Phạm Thanh Tâm

Kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ, trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam đã mở chương trình giao lưu đặc sắc, hùng tráng Điện Biên Phủ bản giao hưởng Hòa Bình với những nhân chứng từng tham gia trận đánh Điện Biên Phủ 1954 oai hùng. Bên cạnh những nhân vật lớn, cỡ tướng, tá, anh hùng kể lại những chiến công trời long đất lở… lại có một nhân vật kể lại câu chuyện “nhỏ” mình từng tham dự ở một “góc rất nhỏ”, nhưng đã khiến hàng triệu con tim Việt Nam và người nước ngoài ở cả trong và ngoài nước rung động khi nghe chính người trong cuộc, một nghệ sĩ múa 81 tuổi, kể tỉ mỉ, đầy xúc động về kỷ niệm thời mình là một cô gái 21 tuổi, được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ở đại đoàn pháo binh 351 và múa lượn tại hầm pháo số 2, ngay đêm đầu tiên pháo binh Việt Nam khai hỏa, trên trận địa Him Lam, mở đầu Đại thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, oanh liệt sau này. Các pháo thủ bắn một loạt thì văn công lại múa hát một bài cho đến khi có lệnh chuyển xuống phục vụ đơn vị pháo cao xạ phòng không

May thay, có họa sĩ Phạm Thanh Tâm người cùng đại đoàn, ký họa tại chỗ ngay, nên chúng ta đã có bức tranh sơn dầu quý báu này.

Sau chiến thắng, cô gái múa trở lại thăm những chàng lính trẻ nhớ mặt mà chưa biết tên của mình ở căn hầm số 2 thân thương, nhưng chỉ còn là tan hoang, đổ nát, máu rơi, thịt nát. Các chiến sĩ xem múa đêm ấy đều hy sinh khi đang đánh giặc bên cỗ pháo. Khi nghệ sĩ múa trẻ run rẩy không còn đứng vững được trước những đau thương quá sức chịu đựng như thế, cô tựa vào một bức vách hầm, thì có người mách nhỏ, “đừng bám vào, để các anh yên, trên vách còn dính nhiều máu, thịt của các anh để lại khi hầm pháo nổ tung…”

Tất cả chỉ còn là tan hoang, đổ nát, chan hòa nước mắt… Các cô gái xin đi thăm mộ các anh còn đắp sơ sài và cố tìm những đóa hoa mua tím còn sót lại sau những trận địch dội bom, đạn tơi bời, cố cắm mỗi mộ một, hai bông.

Cái giá trả cho chiến thắng vĩ đại thật là quá lớn, mà cũng rất giản dị…

Những người anh hùng ấy chỉ còn trong bức tranh của họa sĩ Phạm Thanh Tâm và trong trái tim cô gái trẻ, sáu mươi năm sau (khi đã là thiếu tá, chính trị viên phó Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam) vẫn còn rung động trái tim lão cựu chiến binh hơn 80 tuổi…

Người múa họa sĩ vẽ trong tranh, trong hầm pháo số 2 đêm đó là chị Vũ Thị Lương, vợ của anh Phạm Vinh, người trọn đời xứng danh “Anh bộ đội Cụ Hồ”, đích tôn của học giả Phạm Quỳnh. Và cũng chính chị đã kể cho hàng chục triệu khán giả truyền hình Việt Nam và quốc tế câu chuyện không thể quên ở Điện Biên Phủ năm 1954.

P.T.

Tháng Tư 17, 2024

Giải phóng miền nam giữa lòng Hà Nội

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:57 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 4 năm 2024

GIẢI PHÓNG MIỀN NĂM GIỮA LÒNG HÀ NỘI

(Trích Phần 2: Thời dựng Đảng trong Chuyện một người cháu ngoại: Sự cộng tác có hiệu quả của Phạm Tôn)

Phạm Tôn

Cả ngày hôm nay, thứ tư 26/3/1975, toàn cơ quan báo Nhân Dân và gia đình mình cứ sôi lên vì các tin vui đến từ Huế. Buổi trưa có tin Huế giải phóng. Tối đến Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức loan tin đã giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên.

Suốt mấy hôm nay, mình vừa nghiên cứu thu thập tiếp những tư liệu về Đảng từ sau ngày thành lập phục vụ phần Từ ngày 3-2 xốc tới, vừa góp phần chuẩn bị cho anh Thép Mới đi B. Cả anh và mình đều tránh nói đến chuyện vì sao mình không được đi cùng anh. Cả hai anh em đều đã biết quá rõ đến mức không cần nói gì. ()

Mới đọc báo Pháp Paris – Match nhặt được một câu trong bài của Jean Noli ngẫu nhiên hợp với tâm trạng mình lúc này: Trong những lúc thế này, hãy im miệng và làm việc đi

Hôm qua, ngày 29/3 kỷ niệm hai năm tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi nước ta là một ngày căng thẳng đối với mình. Trưa hôm trước, cả ban văn hóa Văn Nghệ liên hoan tiễn anh Thép Mới đi B. Ăn nem rán với bún và rau sống, uống rượu mơ, ăn mứt sấu. Mình ăn uống rất nhiệt tình, dạ dày lại đang đau, về đến nhà là đi tháo, nằm bẹp một chỗ.

Sáng hôm sau mình đến cơ quan sớm mong giúp anh Thép Mới được chút gì trước khi anh đi. Anh bỗng hỏi: Trong người mày thấy thế nào? Em mạnh khỏe bình thường thôi… Mày chuẩn bị đi với tao. Đến bây giờ mà thằng L. (người được cử đi với anh) chưa thấy lên, chậm hẹn hai ngày rồi… Đến phút cuối cùng, tao sẽ bảo là lấy mày đi thay thế… Sẵn sằng chứ?… Em bao giờ cũng sẵn sàng. Lần trước đi cũng thế, 10 giờ đêm quyết định là em ngủ lại cơ quan, sáng có mặt ngay. Cần mang gì đi anh nhỉ… Một bộ quần áo thường thôi, các thứ khác đã có cả rồi. Mấy giờ đi ạ? Sáu giờ chiều nay. Bây giờ mày đi mua một số hộp và túi ni lông để chuẩn bị…

Một lát sau, gặp anh Mạnh Hồng em rể anh Thép Mới là trưởng phòng hành chính. Anh cũng nói là L. chưa lên, còn bảo mình nên xin anh Thép Mới cho đi cùng. Mình kể là anh đã bảo chuẩn bị rồi và chỉ yêu cầu nên đi sớm. Chờ đợi thật là khổ. Có khi lại hỏng cả. Anh Mạnh Hồng tán thành, lên ngay buồng anh Thép Mới. Lúc mình gặp lại thì anh đang nói chuyện với anh Vũ Hải, một người Huế. Anh Mạnh Hồng vội ra nói nhỏ với mình: Cơ quan đã cho cậu T. vay tiền, chắc nó sẽ đi thay L…

Tôi bỗng thấy mệt và đói nữa. Từ hôm qua, có ăn gì đâu…

Về đến nhà, nhìn quần áo, đồ dùng cá nhân, cả sách tiếng Nhật và quyển từ điển tiếng Pháp bỏ túi… đã xếp gọn gàng trong túi nhỏ, càng buồn thấm thía.

Di chuc Ho Chi Minh

Chiều, mưa nặng hạt, mình đi lấy cho anh Thép Mới ba mươi tập Di chúc Bác Hồ để anh làm quà tặng miền Nam trong chuyến đi. Lúc mang lên căn buồng nhỏ của anh, nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm đầm ấm giữa hai anh em những tháng ngày vui buồn có nhau mình bỗng gặp mấy vị tai to mặt lớn. (…) Họ chính là những người tham gia quyết định gạt bỏ mình. Mình đưa anh Thép Mới tập Di Chúc Bác Hồ rồi xuống ngay cầu thang… Đứng lại đấy mà làm gì. Chính anh cũng đang bị bao vây…

Về lại ban văn hóa, ngồi đọc báo mà lòng đau xót. Hôm trước anh Mạnh Hồng kể là đêm 27/3 anh Thép Mới cùng anh

Thep Moi chan dung 2
và họa sĩ Việt Hải trực đêm ấy thức đến 3 giờ sáng nói chuyện. Anh Thép Mới kể là ban đầu anh đề nghị mình đi cùng anh, bị bác. Anh lại đề nghị Vũ Hạnh, một người trong đội báo, lại bị bác. Anh đề nghị Nguyễn Tuất, tức Mai Phong, cũng một đội viên đội báo, lại bị bác nốt. Mình biết, vào miền Nam mới giải phóng anh muốn đi cùng những thanh niên của Hà Nội giải phóng năm xưa, nhưng đều bị bác. Những người bác muốn anh chọn những người đảm bảo về chính trị để giúp việc. Anh bèn nói thế thì tôi chọn Thanh Đảo, người phụ trách hành chính nhưng là đảng viên. Mọi người ngạc nhiên: Anh ta có phải nhà báo đâu, viết lách gì được. Bấy giờ, anh chọn cậu L. bí thư thanh niên, đảng viên, lại là phóng viên. Lý do chọn L. là như vậy. Anh Mạnh Hồng kể, sau đó anh còn nói rất nhiều về mình, khen sự nhạy bén về chính trị, năng lực làm việc, và mấy lần nhắc là: Không có nó làm sao tôi viết được cái “Xốc tới”. Anh Mạnh Hồng còn nói là anh Thép Mới đã rơm rớm nước mắt khi nói về mình, anh buồn vi không làm được gì hơn để giúp mình. Anh Mạnh Hồng còn kể nhiều chuyện khác về
Manh Hong
tình cảm của anh Thép Mới với mình.

Sau đó, Phạm Duy Phùng đội trưởng đội báo năm xưa gọi mình ra sân dưới gốc đa nói là chính cậu ta đã gặp anh Thép Mới xin cho mình đi B cùng anh. Ông ấy mê mày lắm, nhưng đành chịu, vì quyết định còn nhiều người khác nữa. Mình nói: Tao vẫn sống trong vòng vây thành kiến nặng nề mày ạ. Điều trớ trêu là tới đây, chính họ sẽ phải ôm hôn những thằng

Pham Duy Phung
mới tàn sát chiến sĩ đồng bào ta xong. Còn với những người yêu nước chân chính, một lòng với dân với nước thì lại nghi kỵ ra sức hành hạ…

Thế là hai năm, hai tháng 29 ngày chân tình cởi mở vui buồn có nhau cùng dốc sức phục vụ dân nước đã qua rồi. Thành quả lao động cả cơ quan, cả nước đều biết. Những kỷ niệm đẹp đẽ, ấm lòng còn mãi sẽ thành ngọn đuốc soi sáng trái tim mình trên bước đường đi tới, vượt qua mọi thử thách, khó khăn đem trọn cuộc đời trong sạch hiến dâng cho dân cho nước. Từ giờ, chỉ có làm việc và học tập rèn luyện để làm việc ngày một hiệu quả hơn. Một lần nữa cần nhắc lại: Ngậm miệng lại mà làm việc đi.

Đài Tiếng nói Việt Nam vừa đưa tin giải phóng Đà Nẵng trong tiếng reo vui bài hát mới của cậu Phạm Tuyên ca ngợi Đà Nẵng giải phóng. Trước tình hình mới, chắc cậu cũng nặng một bầu tâm sự như mình.

*

* *

Từ 8:00 ngày thứ hai 7/4/1975 mình được bổ sung về Ban Miền Nam tăng cường lực lượng cho ban này, hiện chiếm gần hết mặt báo hằng ngày. Thời sự miền Nam là vấn đề nóng hổi nhất tập trung sự chú ý của mọi người dân. Chiến thắng ở chiến trường làm thay đổi toàn bộ đời sống hậu phương, từ những hoạt

Chinh Yen
động kinh tế, cho đến những ngóc ngách sâu kín nhất trong tâm tư người dân. Mình có điều kiện gắn chặt với vận mệnh đất nước. Có thể nói đó là cái may lớn cho mình trong lúc này.

Ban Miền Nam nay rất đông người, có nhiều rađiô và máy ghi âm. Cửa kính đóng kín, chỉ bên trong mới mở được. Nhưng ngoài cửa kính khi nào cũng có người lấp ló, ai cũng mong tin mới từ chiến trường. Khi chúng tôi hoa tay ra ý là chưa có gì mới thì họ lắc đầu rồi mới đi. Có tin mới chúng tôi hé mở cửa nói ngay, rồi còn quay vào làm việc. Rõ là quan trọng. Tối nào cũng vậy, gần như cả ban có mặt, không phải chỉ có người trực hôm ấy mới đến. Không ai muốn biết tin sau cả. Thật là vui. Cả anh Chính Yên cũng tăng cường. Anh quen viết văn nghệ, chữ nghĩa kỹ càng, phải làm tin, khổ như đánh vật. Nhưng cũng cứ làm.

Mấy hôm nay, mẹ hay nhắc đến cô bạn nhỏ. Mẹ bảo xem báo nhiều mà chưa thấy có bài của nó. Mẹ nói như thế chắc lại có ý gì về cô ấy với mình đây. Các bà mẹ khi nào cũng thế, chưa chi đã quí người thân của con mình… Trưa 25/4 nhận được thư cô từ Đà Nẵng. Đây là thư đầu cô viết cho mình

Anh Thành thân mến,

Nhân có người về Hà Nội, tôi gửi anh vài lời thăm sức khỏe. Đi xa như vậy cũng chưa lâu. Nhưng nhiều biến chuyển dữ dội đến với tôi, làm cho tôi cứ nghĩ là thời gian qua nhiều, nhiều lắm rồi. (…) nghe tin thành phố Huế giải phóng, tôi lập tức nghĩ đến anh vì tôi nghĩ anh yêu Huế lắm phải không? Hiện giờ không hiểu anh có được về Huế? Khi trở ra, nhất định tôi sẽ vào Huế. Có thể gặp anh ở Huế không? Anh viết thư cho tôi nhé. (…) Vội vài lời thăm anh… Tôi hầu như không có quê hương, nhưng anh có tin được rằng hiện giờ tôi nhớ Hà Nội vô cùng. Tại sao ở đấy cái gì cũng thân quen đối với tôi? Nhớ Hà Nội, nhớ bạn bè, trong đó có cả anh nữa, Anh có tin như vậy không?”

Cảm ơn cô bạn về những lời lẽ chân tình. Đúng là mình không được về Huế và điều mình có thể bây giờ là làm việc

Ha Khanh Linh 2
nhiều như cô mong. Lá thư này làm mình nhớ lại những điều Hà Khánh Linh nói hôm chủ nhật vừa qua.

Cô bạn đã có những buổi trò chuyện với Linh. Linh bảo là nên lấy chồng chậm nhất là vào tuổi 26, chớ để đến 27 như Linh, già quá. Cô bảo: Thế chị tìm cho em đi! Biết làm sao mà tìm được người em ưng ý, phải tự tìm lấy chứ! Chị bằng lòng em lấy ai là em bằng lòng lấy người đó. Linh kể là hiện có ba người đang rất yêu cô bạn mà không anh nào dám nghĩ là mình sẽ được cô yêu cả. Trong khi đó, nhắc đến anh cứ mỗi nhắc mỗi khen, cái gì về anh cô đều khen hết, mà nhắc anh hoài. Chẳng lẽ em mà không biết một đứa con gái đang yêu nó như thế nào à! Nhưng em không vun vào mà em cũng không phản đối. Mình hỏi lý do thì Linh đáp ngay chẳng vì lý do gì hết. Chê không xinh à? Không, cái đó không quan trọng. Cô ấy có đôi mắt đẹp chứ! Đây là anh chê đó thôiEm gái anh đẹp, em dâu anh đẹp mà lại…

Bấy giờ, mình cười và nghĩ bụng các cô thật là rắc rối. Mình với cô ấy bao giờ cũng là bạn tốt của nhau. Mình tin như vậy. Chúng mình bao giờ cũng thành thật với nhau, có ích cho nhau. Thật lòng, mình thương cô ấy lắm.

*

* *

Sáng 30/4, chính mình và cô Thanh Trà ban quốc tế mới bổ sung về đã nghe và cùng ghi lại thông báo đầu hàng vô điều kiện của tướng Dương Văn Minh mới nhậm chức tổng thống được hai ngày. Về ban, chúng mình mò rađiô và phát hiện ra đài phát thanh Sài Gòn phát liên tục suốt ngày xen kẽ các bản tin với các ca khúc cách mạng. Từ đó hai chúng tôi bám sát đài này, coi đó là nguồn tìm kiếm tin miền Nam chủ yếu. Chúng tôi tự hào vui mừng báo cho cả ban và tòa soạn biết tin nóng hổi này. Đêm ấy, cả ban đều tự nguyện trực, vì cả bốn trang báo Nhân Dân ngày 1/5 đều dành cho ban đưa tin giải phóng Sài Gòn, mặc dầu hôm đó là ngày Quốc Tế Lao Động.

Mình vừa làm xong cái tin về Đài phát thanh Sài Gòn giải phóng thì ở bờ hồ Hoàn Kiếm bắt đầu bắn pháo hoa. Bắn những nửa giờ, hơn hẳn mọi khi. Các công nhân Cuba đang xây dựng khách sạn Thắng

Thanh Tra
Lợi vừa chạy xe tải to vừa đập tay mạnh vào cửa xe tạo tiếng động lớn rộn ràng. Tối ấy, tôi còn theo thông báo của đài phát thanh mà làm cái tin đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng phát sóng buổi đầu tiên vào tối 1/5.

Báo Nhân Dân liên tục nhận được điện thoại, chủ yếu là của các báo bạn Quân đội nhân dân, Hà Nội… Các bạn hỏi đã đưa tin giải phóng miền Nam chưa, chúng tôi nói đang chờ ban quân sự Thông tấn xã Việt Nam, thì các bạn gặng lại, chúng tôi không hỏi Thông tấn xã, chúng tôi hỏi ngày mai, 1/5 báo các anh có đưa tin giải phóng miền Nam không. Sau tôi nghe các bạn ở phòng thư ký kể lại nhiều người hỏi quá, thông tấn xã lại vẫn bảo chờ, ông Tổng biên tập Hoàng Tùng bực mình nói to thế các anh đúng hay hàng triệu người dân đang hoan hô ở bờ hồ, vừa hô khẩu hiệu vừa hát bài Như có Bác trong ngày đại thắng đúng… Về sau, mới biết là do chuyện ở các đảo Trường Sa còn đang giải quyết.

Đêm ấy nhà in báo Nhân Dân in một mạch đến 18 giờ ngày 1/5 mới được có một triệu rưởi số báo, lẽ ra muốn in đến hai triệu.

Nhân dân Hà Nội mấy hôm nay vui hơn Tết. Pháo đốt rất nhiều. Khắp thành phố rợp màu cờ đỏ sao vàng. Người người hớn hở, niềm vui vừa bộc lộ vừa ẩn kín sâu xa. Một cuộc đổi đời cho biết bao kiếp người đánh dấu từ ngày hôm qua, 30/4 Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Biết bao gia đình lại hòa hợp sum vầy. Biết bao con người được giải phóng khỏi những thành kiến hẹp hòi để thả sức tung cánh bay cao. Sự chuyển mình của cả một dân tộc. Sáng nay, 2/5 bà

Hoang Tung chan dung
già ở nhà ngoài gặp mình bỗng nói: Ngày trước, tôi có hai ông bác đi du học Pháp. Bao giờ cũng cứ phải nhận là người Trung Quốc, sợ nhận là người Việt Nam bị họ khinh…

Bây giờ, ai cũng thèm được làm người Việt Nam. Mấy hôm nay, cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ Kitxinhgiơ tức điên lên, lồng lộn, lúng túng ấp úng trước các nhà báo. Vị tiến sĩ lỗi lạc ấy của nền ngoại giao Mỹ đã hóa thành một kẻ ngớ ngẩn, ngu ngốc khi trả lời câu hỏi đơn giản: tại sao Mỹ thua.

Không có cách nào gửi thư chia vui cùng cô bạn. Chỉ còn biết làm việc làm việc thật nhiều, đúng như mong ước của cô.

Đêm nay, lại trực. Cái bệnh dạ dày và các cơn đau hành mình suốt tuần qua, mấy hôm nay hầu như biến mất, không cảm thấy gì khó chịu trong mình. Niềm vui lớn quá đã có tác dụng thật kỳ diệu…

P.T.

Tháng Tư 16, 2024

Trên quê hương yêu dấu (kỳ 1 tháng 4 năm 2024)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 10:08 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 4 năm 2024.

TRÊN QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 15/4/2024

Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống cảnh sát cơ động

Trong không khí hào hùng của lễ kỷ niệm, hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã phô diễn sức mạnh, trình diễn diễu binh trang nghiêm, với các động tác đều và mạnh mẽ.

Sáng 14-4, tại trường đua F1 (Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội), Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động.

Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại tướng tô Lâm – bộ trưởng Bộ Công an, cùng nhiều ủy viên Bộ Chính trị; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an…

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

Trên khu vực trường đua F1, màu áo đa dạng của các lực lượng Công an nhân dân, các công cụ hỗ trợ chiến đấu… đã tô điểm cho không gian buổi tổng duyệt thêm phần rộn ràng, đẹp mắt.

Bên cạnh đó hơn 100 trang thiết bị, xe đặc chủng hiện đại như xe chỉ huy, xe tác chiến chống bạo loạn, xe chống khủng bố, xe bọc thép chống đạn, xe phá sóng… phục vụ công tác chiến đấu, huấn luyện cũng đã diễu hành đầy khí thế.

Đáng chú ý, người xem “mãn nhãn” chứng kiến các chiến sĩ cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm… biểu diễn các màn võ thuật, khí công, dùng tay chặt gạch, lưng trần nằm trên bàn chông, lưỡi kiếm…

“Với tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ, trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, hàng trăm cán bộ chiến sĩ cảnh sát cơ động đã anh dũng hy sinh, hoặc mang thương tích cả một đời người. Những chiến công, hy sinh kiên cường, thầm lặng đó luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, tôn vinh”, Thủ tướng nói.

Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, tư lệnh Cảnh sát cơ động, cho biết trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, lực lượng Cảnh sát cơ động đã bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, triển khai phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, chuyến hàng đặc biệt, các sự kiện chính trị…

Cảnh sát cơ động cũng đã kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, biểu tình, bạo loạn, khủng bố, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội… Các chiến sĩ còn tham gia tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự ở các tuyến, địa bàn phức tạp.

“Để có những chiến công đặc biệt đó, trong nửa thế kỷ qua đã có 64 cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh, nhiều chiến sĩ đã để lại một phần xương máu tại chiến trường.

Ngay trong thời bình, máu của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động vẫn đổ vì bình yên của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Cùng với những hy sinh xương máu, còn có vô vàn những cống hiến, hy sinh thầm lặng không thể nói hết bằng lời, đó là thời gian, công sức, hạnh phúc riêng tư của các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát cơ động trên mọi miền Tổ quốc”, thiếu tướng Châu nhấn mạnh.

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 14/4/2024

TP.HCM thu hút người tài lĩnh vực văn hóa, thể thao

Việc thu hút người tài cho các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao nhằm phục vụ trình diễn trong các sự kiện quốc gia, quốc tế, hướng tới giành thành tích cao tại các đại hội thể thao thế giới.

Thông tin được nêu từ kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết số 27 năm 2023 của HĐND TP về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu thu hút.

Theo kế hoạch, trong quý 2-2024, chủ tịch UBND TP sẽ thành lập các hội đồng thu hút và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của các hội đồng.

Cụ thể, Hội đồng thu hút, tuyển chọn người có tài năng đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật – thể dục, thể thao của TP.

Hội đồng thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của TP, phục vụ cho công tác thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cho tất cả các lĩnh vực (trừ phạm vi đã giao cho Hội đồng thu hút, tuyển chọn tài năng đặc biệt cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao).

Thành viên của hội đồng phải đảm bảo cơ cấu đủ thành viên là đại diện các sở – ngành có liên quan, đại diện của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu. Đồng thời, tăng số lượng các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành có chuyên môn sâu về lĩnh vực để nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn.

Sau khi thành lập, phải kịp thời tổ chức các kỳ họp của các hội đồng nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cho các cơ quan, đơn vị. Trong đó chú trọng việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, dự án trọng điểm, ưu tiên phát triển của TP.

Đa dạng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tổ chức các kỳ họp và trong việc thẩm định hồ sơ đăng ký tham dự, lấy ý kiến cũng như biểu quyết lựa chọn cá nhân trúng tuyển.

Tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành tham gia sâu vào các khâu của công tác thẩm định, tương tác với các tổ chức, cá nhân có liên quan (thông qua các hình thức phỏng vấn) nhằm có thêm thông tin, cơ sở để tư vấn, đề xuất hội đồng xem xét, quyết định lựa chọn người xứng đáng, phù hợp nhất.

Đặc biệt, đẩy mạnh thu hút người có tài năng đặc biệt cho các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật hàn lâm phục vụ trình diễn trong các sự kiện quốc gia, khu vực và quốc tế và cho các lĩnh vực thể dục, thể thao của TP, hướng tới giành thành tích cao tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới.

Trước đó năm 2019, UBND TP.HCM đã thành lập Hội đồng khoa học tư vấn thực hiện chính sách thu hút nhân tài cho TP.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 14/4/2024

Gặp mặt hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc

Tại hội đàm, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định: ‘Đối với vấn đề trên biển, cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua đàm phán, thương lượng, tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước…’.

Sáng 11-4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang – bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam – làm trưởng đoàn đã hội đàm với đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Trung Quốc do Thượng tướng Đổng Quân – bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc – làm trưởng đoàn.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 8, diễn ra vào hai ngày 11 và 12-4.

Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng “4 không”

Tại cuộc hội đàm, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thắt chặt tình đoàn kết, sự gắn bó giữa nhân dân, chính quyền địa phương và giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Đồng thời, có ý nghĩa chung tay xây dựng đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Bộ trưởng khẳng định: “Trung Quốc luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn nhất quán quan điểm coi trọng xây dựng quan hệ đoàn kết hữu nghị, ổn định lâu dài, tin cậy vững chắc, hợp tác toàn diện với Trung Quốc”.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam bày tỏ ghi nhớ và tri ân sâu sắc với sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là sự kiện lịch sử thể hiện sinh động tình đoàn kết hữu nghị, kề vai sát cánh chiến đấu của Trung Quốc với Việt Nam.

Theo bộ trưởng, Việt Nam luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; kiên định chính sách quốc phòng “4 không”.

“Đối với vấn đề trên biển, cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua đàm phán, thương lượng, tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định tình hình trên biển.

Việt Nam ủng hộ các sáng kiến, cơ chế hợp tác mang tính toàn cầu của Trung Quốc vì lợi ích chung của toàn nhân loại, hòa bình và tiến bộ của nhân dân thế giới, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế”, bộ trưởng khẳng định.

Thượng tướng Đổng Quân bày tỏ vui mừng được tham dự và đồng chủ trì giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 8.

Trên cương vị bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, lần đầu tiên được tham dự sự kiện đầy ý nghĩa, thắm tình hữu nghị này, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng thông qua giao lưu lần nữa khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức giao lưu của quân đội và các lực lượng chức năng hai nước. Theo bộ trưởng, giao lưu lần thứ 8 đã góp phần cụ thể hóa nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian gần đây, trong đó quân đội hai nước đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Ký kết ghi nhớ thiết lập đường dây nóng

Tại hội đàm, hai bên nhất trí đánh giá quan hệ hợp tác quốc phòng thời gian qua, trên cơ sở các văn bản, thỏa thuận đã ký kết, hợp tác quốc phòng đã được quan tâm thúc đẩy, triển khai hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các hoạt động tập trung các lĩnh vực: trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; duy trì hiệu quả cơ chế đối thoại chiến lược quốc phòng; thúc đẩy hợp tác đào tạo; công tác đảng, công tác chính trị; quản lý, bảo vệ biên giới.

Về hợp tác quản lý, bảo vệ biên giới, trên cơ sở các văn kiện đã ký kết, hợp tác giữa hai nước, nhất là lực lượng quản lý bảo vệ biên giới, các quân khu giáp biên và các địa phương Việt Nam được triển khai tích cực, đạt nhiều thành quả thiết thực; hệ thống đường biên, mốc quốc giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới được bảo đảm.

Lực lượng bảo vệ biên giới hai bên đã quán triệt thực hiện nghiêm túc ba văn kiện pháp lý về biên giới; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, giải quyết hiệu quả các hoạt động vi phạm ở khu vực biên giới; tổ chức gặp gỡ, hội đàm, tuần tra song phương; phát huy hiệu quả đường dây nóng; giao lưu, kết nghĩa đồn, trạm biên phòng…

  • Trang 13 báo Tuổi Trẻ ngày 12/4/2024

Quán quân đường lên đỉnh Olympia 2009:

Chọn trở về phụng sự quê hương

Từ bỏ công việc đáng mơ ước ở trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới, bỏ ngoài tai những lời mời gọi ngàn đô, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2009 Hồ Ngọc Hân đã chọn trở về để được phụng sự quê hương.

Chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ, Hồ Ngọc Hân nói: “Không nơi mô ở sướng bằng Huế. Từ khi trở về năm 2022, tôi đã tìm thấy lại nhiều niềm vui trong cuộc sống của mình. Mà quan trọng nhất là tôi đã được góp một phần sức nhỏ để xây dựng quê hương”.

Đi để trở về

* Sau khi giành vòng nguyệt quế chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2009, quá trình học tập, làm việc của anh diễn ra như thế nào?

– Giành được vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2009, năm 2010 tôi sang Úc học cử nhân tại Đại học Swinburne rồi sau đó tiếp tục học lên tiến sĩ, chuyên ngành chỉnh sửa gene. Thời gian ở Úc chủ yếu tôi nghiên cứu về cơ chế tự sửa lỗi của DNA trong cơ thể người.

Đến năm 2019, sau chín năm ở Úc tôi quyết định rời xứ sở chuột túi để bắt đầu cuộc hành trình mới. Tôi được nhận vào làm việc tại Viện Francis Crick – một viện nghiên cứu vi sinh hàng đầu thế giới ở thủ đô London của nước Anh – và tiếp tục nghiên cứu về cơ chế sửa đổi của DNA.

Tại đây tôi được làm việc với những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực di truyền, biến đổi gene và cũng có riêng cho mình những thành tựu nhất định trong nghiên cứu khoa học. Sau ba năm ở Anh và cảm thấy quãng thời gian ở nước ngoài của mình đã đủ để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tôi quyết định quay về Việt Nam vào năm 2022.

* Những thành tựu mà anh nói là gì?

– Đó là một đóng góp nhỏ trong chương trình nghiên cứu khoa học tại viện về biến đổi DNA. Tôi tìm ra được thêm một phương pháp nghiên cứu cơ chế sửa đổi DNA ở người. Nói nôm na thế này, trường hợp tôi nghiên cứu là các DNA bị biến đổi rất sớm. Thường với những người bị biến đổi DNA dạng này sẽ mắc ung thư từ khoảng 20-25 tuổi và hiếm có người sống sót qua tuổi 30.

Sau quá trình nghiên cứu, tôi tìm ra được một phương pháp giúp DNA bị phá hủy tìm lại được cấu trúc di truyền của nó. Phương pháp này có tên là cơ chế tái tổ hợp tương đồng giúp sửa đổi những đứt gãy DNA trên cơ thể người. Cơ chế này giúp làm sáng tỏ thêm cơ chế sửa đổi của DNA, góp phần nhỏ trong công cuộc nghiên cứu các loại thuốc, kháng sinh hay các phương pháp để chống lại tế bào ung thư.

Việt Nam là nhà

* Tại sao anh quyết định trở về Việt Nam vào thời điểm đó mà không phải thời điểm nào khác? Và tại sao anh lại chọn Huế thay vì Hà Nội hay TP.HCM?

– Thực ra ý nghĩ quay về Việt Nam được tôi nung nấu từ trước khi sang Anh làm việc. Sau bao năm ở nước ngoài, ít khi tôi cảm thấy đó là nơi tôi thuộc về, dù là ở Anh hay ở Úc. Con người mà, ai cũng có nhu cầu thuộc về một nơi nào đó.

Và Việt Nam vẫn chính là nơi tôi có cảm giác đó là nhà. Thứ hai, tôi muốn trở về để đóng góp, phụng sự quê hương, mảnh đất mà tôi “mắc nợ ân tình” rất nhiều. Nợ ở đây đơn giản là nơi đã nuôi dưỡng tôi lớn khôn, cho tôi điều kiện để được học tập với mức học phí rất thấp, rồi chăm sóc y tế nữa.

Còn tại sao lại về Huế mà không phải TP.HCM hay Hà Nội, thì đơn giản tôi muốn ở nhà, gần ba mẹ, bạn bè. Với tôi không nơi mô ở sướng bằng Huế. Mùa hè nóng thì ra sông Hương, đi biển Thuận An bơi cho mát. Còn mùa lạnh thì mình chạy bộ, quá sướng luôn.

Nói về cơ hội thì bây giờ ở đâu cũng không còn quan trọng lắm bởi chúng ta đang sống trong thế giới mở, có thể làm việc online dù đang ở bất cứ đâu. Điều quan trọng là công việc đó mang lại giá trị, mang lại niềm vui, được cống hiến sức mình cho quê hương này là đủ.

* Để trở về quê hương làm việc, có phải anh đã đánh đổi rất nhiều thứ, từ cơ hội phát triển đến tiền bạc?

– Với tôi đó không phải là sự đánh đổi. Khi tôi quyết định về Việt Nam, lúc đó thầy của tôi là một vị giáo sư ở viện cũng mong muốn giữ tôi ở lại. Kể cả khi tôi đã về Việt Nam vẫn có ba công ty gửi lời mời với thu nhập rất cao. Tuy nhiên tôi đều từ chối và kiên định với ý nghĩ đã đến lúc đi về nhà.

Thời điểm ở Anh, tôi dường như không có niềm vui vì phải vùi đầu vào công việc ở phòng thí nghiệm 15 tiếng mỗi ngày. Về Việt Nam, tôi đã thử làm một công việc khác bởi nghĩ mình không thể cứ cắm đầu ở trong phòng thí nghiệm làm bạn với ống nghiệm mãi được. Thế nhưng tôi làm công việc đó chỉ vỏn vẹn được ba tháng.

Lúc này tôi mới nhận ra đam mê sâu thẳm của mình vẫn là nghiên cứu và phải tìm ra một cái gì đó chưa từng được ai biết đến. Vậy là tôi quyết định quay trở lại công việc nghiên cứu khoa học. Nhưng lần này tôi chọn nghiên cứu trên thực vật chứ không phải trên DNA của người nữa, mà đặc biệt là những loại thực vật đang được trồng nhiều ở Việt Nam.

Nhiều người bạn của tôi nói rằng từ khi trở về Việt Nam, tôi đã cười nhiều hơn. Có người đùa tôi là “nụ cười thiên thần” – biệt danh mọi người đặt cho tôi khi dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2009 – đã hồi sinh trở lại. Điều này thì quả không thể gọi là đánh đổi nữa mà tôi được nhiều hơn mất khi quay trở về chứ (cười).

* Công việc hiện tại của anh là gì và dự định tương lai như thế nào?

– Hiện tôi đang công tác tại Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế), phụ trách phòng thí nghiệm sinh học phân tử. Trong tiến trình đưa Đại học Huế trở thành đại học quốc gia, viện được định hướng trở thành 1 trong 3 trung tâm nghiên cứu sinh học quốc gia ở ba miền Bắc – Trung – Nam và chúng tôi đang nỗ lực để sớm thực hiện được mục tiêu này.

Sau hơn một năm rưỡi trở về, hiện tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu ba đề tài khoa học. Trong đó có một đề tài cấp viện (thuộc Đại học Huế), một đề tài cấp Bộ GD-ĐT và một đề tài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học – Công nghệ) tài trợ.

Trong đó đề tài cấp Bộ GD-ĐT là về nghiên cứu bệnh di truyền trên cây ớt và cà chua. Còn đề tài thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ là nghiên cứu về một cơ chế vắc xin giúp cây tạo ra kháng thể, chống lại các vi rút gây bệnh.

Hy vọng trong vài năm tới chúng tôi có thể cho ra một sản phẩm cụ thể, về một giống cây mới có khả năng tự kháng lại mọi loại bệnh do vi rút gây ra chẳng hạn. Lúc đó người nông dân không phải tốn nhiều tiền để mua thuốc trừ sâu, vừa bớt gây ô nhiễm môi trường, vừa mang lại năng suất kinh tế cao.

  • Trang 2 báo Tuổi Trẻ ngày 15/4/2024

Nông sản Việt được các nước săn lùng

Nông sản là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Mới hết quý 1 nhưng hàng loạt nông sản của Việt Na đang trở thành hàng ‘hot’ trên thị trường quốc tế với số lượng và giá cả tăng mạnh.

Nhiều dự báo nhu cầu của các nước đối với nông sản thực phẩm VN sẽ còn tăng trong thời gian tới do nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định và cạnh tranh trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với tình trạng lạm phát. Điều này đặt ra cơ hội cũng như “việc cần làm” cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Nhiều mặt hàng lên ngôi

Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu, giữ “ngôi vương” xuất khẩu đầu tiên phải kể đến sầu riêng. Theo Bộ NN&PTNT, trong quý 1-2024 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 254 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chiếm tới 98% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của VN.

Với “thành tích” này, VN đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Thị phần sầu riêng của VN tại Trung Quốc tính theo kim ngạch đã tăng từ mức 32% của năm 2023 lên mức hơn 60% chỉ trong một quý.

Như vậy, chỉ chưa đầy hai năm, sầu riêng VN tạo được bước tiến lớn tại thị trường hơn 1,4 tỉ dân. Chưa dừng lại, vị trí “ngôi vương” này có thể còn duy trì lâu dài vì sầu riêng VN có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan, thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh…

Nếu như sầu riêng đang giữ “ngôi vương” xuất khẩu sang Trung Quốc thì cà phê xuất khẩu sang các nước châu Âu đang được ví như thời “hoàng kim” sau hơn 30 năm xuất ngoại.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, quý 1 năm nay, xuất khẩu cà phê đạt 800.000 tấn, trị giá gần 1,9 tỉ USD, tăng lần lượt 44,4% và 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá hiện nay, theo các chuyên gia, ngành cà phê sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ USD trong năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đánh giá đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong những năm qua nhờ giá cà phê thế giới tăng cao. Trong đó, thị trường Đức dẫn đầu nhập khẩu cà phê VN, tiếp theo là Ý và Tây Ban Nha là thị trường lớn thứ 3.

Hiện mỗi tấn cà phê xuất khẩu có giá trên dưới 4.000 USD và giá cà phê nội địa là trên dưới 100.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, với tình hình giá thị trường như hiện nay thì kim ngạch xuất khẩu 5 tỉ USD của ngành cà phê trong năm 2024 chắc chắn đạt được.

Cũng là một trong ba mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc, chuối VN từ năm 2023 đã xuất khẩu chính ngạch và ngày càng tăng sản lượng. Để tránh phụ thuộc một thị trường, gần đây nhiều doanh nghiệp đã tìm hướng đi riêng cho chuối và được các thị trường như Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật Bản… chú ý.

Đơn cử, có hơn 90 cửa hàng AEON ở Hong Kong (Trung Quốc) đang bày bán 100% chuối tươi nhập khẩu từ VN. Dù trước đây toàn bộ chuối tươi ở cửa hàng tại Hong Kong do các nhà cung cấp Philippines, Đài Loan hay Singapore đảm nhận.

Đà tăng trưởng trong xuất khẩu nông sản VN, ngoài cà phê, chuối, sầu riêng còn có sự đóng góp rất lớn của mặt hàng gạo – mặt hàng đang giữ vị trí thứ 2 về quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Và gạo VN cũng ngày càng được ưa chuộng ở nhiều thị trường. Quý 1 xuất khẩu gạo của VN đạt 2,07 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch 1,37 tỉ USD, tăng 40%.

VN là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trong điều kiện sản xuất lúa trong nước ổn định và Ấn Độ chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo, tiếp nối quý 1, các quý còn lại năm 2024, VN sẽ có nhiều kỳ vọng xuất khẩu gạo trong năm tăng cả về sản lượng và kim ngạch.

Đối với mặt hàng thủy sản cũng có sự bứt phá trong ba tháng đầu năm. Các mặt hàng thủy sản VN cũng nằm trong danh sách săn lùng của thị trường nhiều nước. Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản ba tháng đầu năm nay đạt gần 1,9 tỉ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay sản phẩm thủy sản VN đã xuất khẩu tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 600 doanh nghiệp chế biến.

Trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản của VN thì Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc là ba thị trường chính. Sản lượng tôm xuất khẩu của VN sang thị trường Trung Quốc đã vượt mặt các đối thủ như Ecuador, Ấn Độ hay Indonesia.

Tạo dựng thương hiệu sản phẩm

Nông sản VN xuất khẩu đang có một bức tranh với gam màu tươi sáng, tích cực. Đây là một cơ hội rất lớn cho nông dân và cả phía doanh nghiệp. Từ mỗi phía, cần tận dụng và có những năng lực, lợi thế, phát huy khác nhau để tạo cho toàn ngành phát triển.

Với sầu riêng, khi Trung Quốc có cơn sốt loại trái cây “vua”, cơ hội là điều không khó thấy. Hiện VN có gần 3.000ha sầu riêng chính thức được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quang Nam, một doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu ở TP Hà Nội, nhìn nhận: “Sầu riêng bây giờ đúng là thu không kịp bán. Diện tích trồng sầu riêng trong 5 năm qua tăng nhanh vì nhu cầu thị trường quá lớn. Cơ hội không thể chớp nhoáng mà phải bền lâu, đòi hỏi VN cần phải nâng được giá trị quả sầu riêng lên”.

Để nâng giá trị sầu riêng VN, theo ông Nam, cần có những vùng trồng chất lượng, có mã số vùng trồng, tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Nông dân cần nắm rõ kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng, tăng quy mô sản xuất, hạn chế vùng trồng nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết sản xuất…

“Xây dựng mặt hàng sầu riêng trở thành chuỗi ngành hàng để thật sự bền vững là việc quan trọng nhất. Chứ không phải thấy được giá, hiếm hàng là tăng diện tích. Bởi không biết thị trường xuất khẩu sầu riêng sẽ như thế nào trong những năm tới”, ông Nam nhấn mạnh.

Với chuối VN xuất khẩu, mặt hàng đang tạo vị trí ở các thị trường mới, cũng có những lợi thế nhất định. Bởi hiện nay diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng khiến nông dân không mặn mà trồng chuối. Ngoài ra, cơ hội cho chuối VN xuất khẩu còn đến từ các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong…

Là doanh nghiệp xuất khẩu chuối, nhìn nhận cơ hội, ông Võ Quan Huy, giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng chuối “đang rất rộng đường xuất khẩu”.

“Tức là thị trường có, nhưng phải biết cách để chuối có mặt ở thị trường các nước, được lên kệ. Hiện giờ chuối VN đang ký với Hàn Quốc một số ưu đãi nên người ta cũng tìm đến VN để mua chuối nhiều hơn. Vấn đề lớn là cần vượt qua, cần đặt ra với chuối xuất khẩu là nắm tiêu chuẩn để vào thị trường khó tính”.

Ông Huy chia sẻ thêm đối với thị trường Hàn Quốc, họ kiểm soát dư lượng hóa chất trên chuối rất gắt, còn Nhật Bản ngoài việc kiểm soát dư lượng hóa chất họ còn yêu cầu có nhật ký sản xuất, nông nghiệp hữu cơ. Riêng thị trường Trung Quốc kiểm soát về con rệp và dư lượng bảo vệ thực vật… “Chúng ta cần nắm các điều kiện để từ đó đưa chuối VN vào các thị trường này dễ dàng. Đó cũng là cách tạo thành “nếp” để chuối VN xuất khẩu an toàn với các thị trường”, ông Huy nói.

Với cà phê, chưa năm nào giá cà phê cao như năm nay nên ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN, cho rằng trước khi xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho từng doanh nghiệp thì trước hết cần phải xây dựng được thương hiệu quốc gia.

“Cà phê là một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh, hằng năm mang về cho VN hàng tỉ USD nhưng vẫn thiếu một thương hiệu mang tầm quốc gia để nâng cao giá trị.

Đóng góp vào sản lượng chung cho cà phê VN, hơn 30% cà phê đến từ Đắk Lắk, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng nhưng Đắk Lắk hay VN nói riêng vẫn chưa có thương hiệu cà phê có giá trị nhất thế giới.

Cà phê đang tăng trưởng, trong khi nguồn cung khan hiếm, VN đang có cơ hội “chuyển mình” và lúc này “thời điểm vàng” cần phải xây dựng thương hiệu quốc gia”, ông Hải đánh giá.

  • Trang 2 báo Tuổi Trẻ ngày 15/4/2024

Trung Quốc, Mỹ, Nhật tăng nhập thủy sản Việt

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện nay Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam lớn nhất.

Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD.

Riêng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý 1 tăng 15%; xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13 – 53%.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc – Hong Kong tăng 15%.

Bứt phá

Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc.

Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý 1 năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

“Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam.

Trong quý 1, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ”, Vasep thông tin.

Bà Lê Hằng, giám đốc truyền thông Vasep, cho biết không chỉ Trung Quốc, Mỹ tăng nhu cầu tôm cua của Việt Nam, mà xuất khẩu hai loài này sang Nhật Bản cũng có tín hiệu tích cực. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật tăng 20%, xuất khẩu cua tăng 23%.

Ngoài ra, cá tra Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Nhật, theo đó xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng 25% trong quý đầu năm nay. Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá sa ba…

Đối với thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra, nhưng xuất khẩu cá ngừ sang những thị trường này đều tăng trưởng dương: sang EU tăng 27%, sang Hàn Quốc tăng 15%.

Nhìn chung, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chủ lực đều khá tích cực, sang Mỹ tăng 30%, sang Nhật Bản tăng 9%…

“Kỳ vọng sau các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU và Nhật Bản, đơn hàng cho các doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn và giá xuất khẩu sẽ tốt dần lên”, bà Lê Hằng nhận định.

Vasep dự báo năm 2024 ngành tôm Việt sẽ tiếp tục cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024.

Đối với cá tra, tồn kho tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phi lê đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra chế biến và sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.

“Dự báo xuất khẩu thủy sản Việt NamN sẽ tiếp tục hồi phục dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm 2024. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2024 đạt 9,5 – 10 tỉ USD.

Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỉ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỉ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản khai thác dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỉ USD”, Vasep dự báo.

Nhiều tín hiệu đáng mừng

Thứ trưởng Bộ NNông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết ba tháng đầu năm nay nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, gạo, rau quả… được nhiều quốc gia tại các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ… tăng mua với giá tốt.

Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt tới 7,46 tỉ USD (chưa tính thủy sản và lâm sản) – tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Theo ông Tiến, thời gian tới ngành còn chịu tác động khó lường của biến đổi khí hậu, thời tiết; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản còn nhiều phức tạp.

Các sản phẩm nông nghiệp chế biến và chế biến sâu vẫn còn là bài toán với ngành. Thị trường xuất khẩu chủ đạo vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Philippines, EU…

Do đó, tái cơ cấu ngành vẫn phải gắn với ba trục sản phẩm đó là quốc gia, vùng và địa phương. Bộ sẽ tăng cường xúc tiến thương mại để mở cửa các thị trường nhằm đạt được mục tiêu Thủ tướng giao xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 55 tỉ USD.

  • Trang 5 báo Tuổi Trẻ ngày 14/4/2024

Tăng tốc làm thủy lợi để chống hạn

Nhiều vùng nông nghiệp tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đang đứng trước nguy cơ chết khát vì khô hạn, thiếu nước tưới.

Nhưng những vùng mà hệ thống thủy lợi có thể vươn tới vẫn đang chống chịu tốt với nắng hạn. 

Điều này mở ra một cơ hội cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có thể mở rộng diện tích canh tác hiệu quả thêm hàng trăm ngàn héc ta trong mùa khô.

Thiếu thủy lợi, cây chết khô

Ghi nhận tại tỉnh Gia Lai, một số huyện thiệt hại nặng do khô hạn từ đầu năm 2024 tới nay là Phú Thiện, Chư Păh và Kbang.

Trong đó, huyện Phú Thiện thiệt hại nặng nhất với hơn 88ha hoa màu chết khô. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện này cho hay toàn bộ diện tích khô hạn đều nằm ngoài phạm vi bao tưới của đại thủy nông Ayun Hạ, canh tác phụ thuộc vào nước trời và các sông suối nhỏ.

Đối với những diện tích canh tác được thủy nông bao tưới vẫn đảm bảo sản xuất, không bị thiếu nước dù mùa khô đã đến đỉnh điểm.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, nhiều vùng nông nghiệp khô hạn, thiệt hại nặng tại tỉnh này trong mùa khô năm nay phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Hiện toàn tỉnh có 352 công trình thủy lợi, tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411ha cây trồng.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lai, nhìn chung cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, tỉ lệ tưới chủ động từ thủy lợi mới đáp ứng 12,5% nhu cầu.

Đây là tỉ lệ rất thấp so với bình quân chung của các nước và khu vực Tây Nguyên (tỉ lệ chủ động nước tưới bình quân cả nước hiện đạt 51,4%, khu vực Tây Nguyên đạt 28%).

Ông Nguyễn Thanh Bình – chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai – cho hay riêng tỉnh có khoảng 500.000ha đất nông nghiệp, nhưng tỉ lệ chủ động nước tưới chỉ 12,5%, rất nhiều vùng đất trù phú chưa thể khai phá hết tiềm năng phát triển. Để nâng tỉ lệ tưới chủ động tại tỉnh lên ngang bằng mức bình quân cả nước cần ít nhất 60.000 tỉ đồng.

Chờ công trình thủy lợi ngàn tỉ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Mah Tiệp – phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – cho hay địa phương đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chính phủ trong việc khảo sát, lập quy hoạch hồ đập, kênh dẫn tưới tiêu.

Đến nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có kế hoạch đầu tư hai công trình thủy lợi lớn tại tỉnh này với số vốn hàng ngàn tỉ đồng.

Đó là dự án hồ chứa nước Ia Thul, huyện Ia Pa có quy mô 4.000 tỉ đồng sẽ cấp nước sản xuất cho 8.600ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 28.500 dân hạ du các huyện Ia Pa, Krông Pa.

Cùng với đó là dự án đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng cho thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông. Hồ thủy lợi này có quy mô đầu tư gần 3.000 tỉ đồng đang gần hoàn thiện, góp phần đảm bảo vùng tưới cho khoảng 8.000ha đất nông nghiệp tại Gia Lai và 4.000ha tại Đắk Lắk.

Trong lúc chờ giải pháp căn cơ, mới đây ông Dương Mah Tiệp đã ký công văn chỉ đạo các sở ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

Trong trường hợp thiếu nước phải ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu. Các công trình thủy lợi chủ động trữ nước đảm bảo nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ thích ứng mùa khô

Tháng 4-2024 là thời điểm mùa khô khốc liệt nhất nhưng tại vùng “tiểu sa mạc” ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nhiều cánh đồng măng tây xanh đang phát triển tươi tốt. Đây là kết quả khi nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm.

Ông Nạo Văn Xây ở thôn Tuấn Tú cho biết trước đây nông dân bơm nước lên các mương tràn rồi cho nước tự chảy trên mặt đất vào ruộng, lượng nước thất thoát rất lớn, thiếu nước thường xuyên.

Từ khi bà con trong thôn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm phun mưa, tưới nhỏ giọt cho đất trồng các loại cây măng tây cho thấy hiệu quả rất cao, chỉ cần mở van là nước tự động phun tưới cho măng tây xanh.

“Tưới tự động lượng nước thất thoát rất ít vì lượng nước vừa đủ giữ ẩm cho cây trồng” – ông Xây cho hay.

Còn tại xã Phước Trung (huyện Bác Ái) nhờ được hỗ trợ đào ao trữ nước từ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ – Ninh Thuận” (SACCR – Ninh Thuận) nên nhiều hộ dân ở đây không lo thiếu nước vào mùa khô năm nay.

Bà Chamléa Thị Quề ở thôn Tham Dú cho biết mấy năm trước thời điểm này các ao, hồ chứa không còn nước sản xuất.

Nhưng năm nay có ao trữ nước nên bà con đã không còn lo thiếu nước, gia đình mạnh dạn đầu tư máy bơm, trồng thêm dừa để phát triển kinh tế gia đình.

*Trang 8 báo Tuổi Trẻ ngày 12/4/2024

800 điểm bán của Saigon Co.op

Ngập tràn khuyến mãi

Saigon Co.op đang triển khai đại tiệc ưu đãi ở 800 điểm bán trên toàn quốc, chào mừng Ngày Hợp tác xã Việt Nam và sẵn sàng bước vào những ngày lễ lớn.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm nay rơi ngày 18-4 dương lịch, nhiều người lao động được nghỉ trọn vẹn ngày thứ năm. Chưa đầy hai tuần sau đó, nhiều khả năng người dân tiếp tục được nghỉ liên tục 5 ngày để chào mừng dịp 30-4 và 1-5.

Hàng tốt, giá tốt

Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết 800 điểm bán trên toàn quốc gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket đang được đơn vị tổ chức chuỗi hoạt động khuyến mãi, ưu đãi lớn. Sự kiện nhằm chào mừng Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11-4), đồng thời nhanh chóng kích cầu ngay từ dịp lễ đầu tiên của tháng này.

Ghi nhận bên trong đại siêu thị Co.opXtra Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức, TP.HCM), nhiều khách hàng ưu ái lựa chọn các loại trái cây giải nhiệt ngày hè. Trong đó dưa hấu, thanh long, nho tươi… được giảm giá khá tốt.

“Mấy năm thời tiết nóng bức quá, bước ra đường là mồ hôi đầm đìa. Người lớn như mình còn thấy mệt, huống chi trẻ con, bé nhà mình chưa được 6 tuổi. Mình mua trái cây, mủ trôm, đồ nấu chè đậu xanh… về cho cả nhà giải nhiệt, tăng cường sức khỏe”, chị Trần Thị Phương Vy (35 tuổi) chia sẻ.

Hay mua hàng ở siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận), chị Nguyễn Yến Thanh cảm thấy: “Hài lòng. Nhiều ưu đãi lắm. Ngày thường, ngày lễ nhà mình đều tới đây mua. Chất lượng khỏi bàn rồi”.

Với vai trò là đơn vị vận hành hệ thống siêu thị thuần Việt lâu đời, đại diện Saigon Co.op cho biết đang nỗ lực giúp người dân tiếp cận với các sản phẩm địa phương, đặc biệt các mặt hàng OCOP.

Được biết, hiện phía Saigon Co.op kinh doanh hơn 1.000 đặc sản vùng miền đến từ các làng nghề, hợp tác xã trên toàn quốc bao gồm: trái cây, trứng gia cầm, mật ong, yến sào chưng đường phèn, bột rau củ các loại, nước màu dừa, tiêu, miến dong, bánh tráng, hạt điều, mật dừa nước, trà tim sen, nước mắm Phú Quốc, bột ca cao Đắk Nông, bột diếp cá/tía tô, hạt điều, miến sắn dây…

“Đây là thành quả hợp tác giữa Saigon Co.op và các vùng kinh tế từ chuỗi Hội nghị kết nối giao thương tổ chức trong thời gian qua. Giúp hàng hóa vào phân phối kịp thời và nhanh chóng. Nông sản OCOP từ đó cũng đảm bảo về chất và lượng, phát triển đa dạng, phong phú hơn trên các kệ hàng của Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…”, đại diện đơn vị bán lẻ cho biết.

Được tổ chức không gian trưng bày tùy theo diện tích kinh doanh của từng điểm bán, hàng OCOP trong hệ thống Co.opmart, Co.opXtra ngày càng thu hút khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách du lịch khi đến tham quan, mua sắm tại siêu thị Co.opmart trên các tỉnh thành trên toàn quốc.

Ngay tại siêu thị lẫn kênh online đều có ưu đãi lớn

Đại diện Saigon Co.op cho biết từ 11 đến 24-4-2024, 800 điểm bán của đơn vị này trên toàn quốc đồng loạt triển khai các khuyến mãi lớn với hơn 1.000 sản phẩm, giảm giá đến 50% áp dụng cho tất cả khách hàng. 

Chương trình còn dành tặng hơn 500 mặt hàng khuyến mãi đậm theo cấp độ thẻ với tiêu chí hạng thẻ càng cao giảm càng sâu. Hơn 50 mặt hàng OCOP đến từ các tỉnh thành trên toàn quốc được giới thiệu với giá chỉ từ 7.500 đồng trở lên.

Cụ thể, hàng OCOP – đặc sản vùng miền đa dạng được lên kệ với giá ưu đãi chỉ từ 7.500 đồng. 

Cụ thể, bánh tráng Tân Nhiên OCOP không nhúng nước 120g giá 7.500 đồng/gói, mắm tôm/tép Lê Gia OCOP chai nhựa 110g giá chỉ 10.000 đồng/chai, gia vị cơm mẻ Elkei ATK OCOP 250g giá 11.500 đồng/chai, nước màu dừa ATL Ocop 150g giá 21.500 đồng/chai, mật dừa nước hữu cơ Vietnipa OCOP 375g giá còn 83.000 đồng/chai, gạo lức tím OCOP Kim Thiên Lộc 2kg còn 75.000 đồng/gói, mật ong rừng sữa chúa OCOP Xuân Nguyên 500ml còn 192.000 đồng/chai…

Với “Đại tiệc thành viên ưu đãi tưng bừng”, “Mua càng nhiều – Thưởng càng lớn”, “Thứ 3 thả ga tích điểm”, khách hàng được tặng giá ưu đãi chỉ từ 11.200 đồng, mua 1 tặng 1, tích điểm thưởng vào tài khoản cho thành viên Co.op.

Ở chương trình “Siêu sốc 5K đặc quyền thành viên”, các thành viên Co.op có hóa đơn từ 300.000 đồng được nhận ngay ưu đãi sản phẩm với giá chỉ 5.000 đồng. Chẳng hạn như khăn giấy hộp trà xanh Co.op Select 100 tờ, khăn ăn Co.op Select 33x33cm 100 tờ, nước mắm Co.op Select 62.5g/L 500ml.

“Hạng càng cao giảm càng sâu”, ưu đãi giá hời cho khách hàng thành viên các cấp độ Đồng, Bạc, Vàng, Bạch Kim. Dựa vào tiêu chí hạng càng cao giảm càng nhiều, cho các mặt hàng thực phẩm, may mặc, hóa mỹ phẩm, đồ dùng…

Chương trình “Giá sốc giảm tận gốc”, áp dụng giảm từ 17% đến 50% nhóm hàng hóa mỹ phẩm, chăm sóc cá nhân, may mặc, đồ gia dụng.

Với sự kiện “Mua nhiều ưu đãi lớn”, khi mua sản phẩm 1, 3, 5… khách hàng được ưu đãi giảm sâu khi mua thêm sản phẩm thứ 2, 4, 6… Trong đó khăn giấy ướt Co.op Select không mùi 80M còn 9.900 đồng/gói, nước giặt Lavender Co.op Select còn 35.000 đồng/túi, nước rửa chén ON1 Kiwi & Aloe Vera 3.6kg chỉ 35.000 đồng/chai, gạo thơm ST25 lúa tôm Co.op Finest còn 99.000 đồng/túi, nước xả Comfort 1 lần xả hương ban mai túi 3.2L chỉ 158.000 đồng/túi, nước xả vải Downy làn gió mát 3L giá còn 123.900 đồng/túi…

Song song đó, “Siêu ưu đãi” được diễn ra vào ngày 12 đến 14-4 và 19 đến 21-4 này. Khách hàng có hóa đơn từ 300.000 đồng trở lên được mua sản phẩm ưu đãi đến 50%.

Chương trình “Flash sale” diễn ra từ 18 đến 21-4 này. Giảm sốc nước giải khát Coca giảm đường/không đường thùng 24x600ml từ 200.600 đồng còn 125.000 đồng/thùng, nước uống sữa Twister cam/dâu 6x320ml từ 56.000 đồng còn 41.000 đồng/lốc, nước ép Cherry/quả lý đen Hortex 1L giảm từ 80.000 đồng còn 59.000 đồng/hộp, bia Sapporo Pre thùng 12x500ml chỉ 286.000 đồng/thùng.

Không chỉ ưu đãi cho khách hàng tới siêu thị mua trực tiếp, Saigon Co.op còn mở chương trình khuyến mãi ở kênh online. Cụ thể, khách hàng được tặng điểm thưởng, giảm giá “Hot deal giữa tháng”, chơi trò chơi đơn giản để “Mừng ngày Giỗ tổ” và săn phiếu giảm giá 30.000 đồng, 50.000 đồng.

  • Trang 6 báo Tuổi Trẻ ngày 11/4/2024

Thời hoàng kim của cây cà phê?

Giá cà phê đang phá đỉnh lịch sử khi chạm mốc 105.000 đồng/kg cà phê xô, giúp nhiều nông dân trồng cà phê tại Tây Nguyên thắng lớn. Những nông dân từng bỏ bê cây cà phê cũng đang bắt đầu quay lại đầu tư chăm sóc cây trồng này.

Dù giá cà phê tăng cao, nông dân thủ phủ cà phê Tây Nguyên đang tiếc nhiều hơn vui bởi đa số đã xuất bán sớm ở vùng giá thấp. Theo ghi nhận, hầu hết người trồng cà phê chốt lời ở vùng giá 70.000 – 80.000 đồng/kg. Nguồn cung trên thị trường không còn nhiều, doanh nghiệp thu mua phải chật vật tìm hàng.

Giá cà phê leo thang, nông dân Tây Nguyên quay lại với cà phê

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy giá cà phê nhân xô đầu tháng 4-2024 đã lên hơn 105.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Giá liên tục tăng từ đầu năm đến nay khiến nhiều nhà vườn từng “ruồng bỏ” cây cà phê nay quay lại chăm sóc, phục hồi vườn cây. Nông dân cũng yên tâm hơn khi đầu tư vào cây cà phê trong bối cảnh giá phân bón đang rất cao cùng chi phí nước tưới gấp ba lần vụ trước.

Chị Nguyễn Thị Oanh (xã Ea Knuếch, Krông Pắk, Đắk Lắk) cho biết mấy năm nay gia đình chị gần như bỏ bê vườn cà phê gần 1ha do giá giảm thấp, thậm chí từng dự kiến sẽ thay cây cà phê bằng loại cây trồng khác. Nhưng từ đầu năm nay, giá cà phê nóng lên, gia đình chị Oanh cho cải tạo lại vườn cây với hy vọng gặt hái niềm vui vào cuối năm.

Theo khảo sát, giá cà phê tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đều đang ở mức trên 105.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đa số nông dân đã xuất bán cà phê từ nhiều tháng trước, khi cà phê ở vùng giá 70.000 – 80.000 đồng/kg, nguồn hàng còn lại trong dân chỉ vào khoảng 10%. Do đó, không nhiều người hưởng lợi khi giá cà phê chạm đỉnh lịch sử.

Bà Võ Thị Hà (trú phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai), chủ vườn cà phê khoảng 1ha, cho biết khi thấy giá cà phê nhích tăng nhanh từng ngày, gia đình bà đã chốt bán tại vùng giá gần 70.000 đồng/kg. “Không ai lường được giá cà phê lại vượt qua khỏi mốc 100.000 đồng/kg. Bởi vậy, khi giá chạm ngưỡng 70.000 – 80.000 đồng/kg, phần lớn bà con đã bán chốt lời”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, nếu so với những thời điểm cà phê dao động ở mức giá 30.000 – 40.000 đồng/kg vào những năm trước, giá cà phê hiện nay đã tăng gấp ba lần và được xem là mùa vàng của cây cà phê. “Nhiều nông dân đang hồ hởi tăng cường đầu tư phân thuốc, tưới tắm cho các vườn cà phê và trông đợi giá cao tiếp tục duy trì sẽ bội thu trong những mùa vụ tiếp theo”, bà Hà cho biết.

Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gặp khó

Trong khi nhiều nông dân tiếc nuối vì không còn hàng để bán, các thương buôn và doanh nghiệp thu mua lại đang đau đầu vì giá cà phê quá cao. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không kịp tích hàng, buộc phải mua vào khi giá trên đỉnh để thực hiện các hợp đồng đã ký. Một số doanh nghiệp tại Gia Lai cho biết đang “đỏ mắt” tìm gom cà phê dù giá đang trên đỉnh lịch sử.

Bà Huỳnh Thị Lệ Huyền – giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Huyền Phát Gia Lai, doanh nghiệp chuyên thu mua cà phê – xác nhận rằng lượng cà phê trong dân còn rất ít do đa số đã bán ở vùng giá 50.000 – 70.000 đồng/kg. Ngoại trừ số ít nông dân “nhà giàu” có điều kiện tài chính, không cần tiền mới ghim hàng lại.

Giá tăng quá cao gây ảnh hưởng lớn tới các nhà xuất khẩu. Để có hàng cung ứng, các doanh nghiệp phải mua giá cao từ đại lý. “Do đó, ngoài một số doanh nghiệp lo xa thu mua từ sớm ở vùng giá tương đối dễ chịu, trong vụ này nhiều đại lý và doanh nghiệp vỡ trận, phá sản vì giá cà phê liên tục leo cao, không mua được hàng trả hợp đồng cho đối tác”, bà Huyền cho biết.

Theo ông Lê Đức Huy – giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, tháng 3 là thời điểm xuất khẩu kỷ lục với hơn 19.000 tấn đã được xuất bán với giá tốt. Trong khi đó, nguồn hàng trong nước thiếu hụt do mất mùa, người dân chuyển đổi cây trồng nên sản lượng trung bình cả năm của đơn vị sẽ giảm hơn các năm.

“Vài tháng tới, nguồn cung sẽ đứt dù giá đang cao nhưng vẫn còn quá sớm để nói giá cao sẽ tiếp tục giữ được đến vụ sau”, ông Huy nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam, thừa nhận chưa năm nào giá cà phê cao như năm nay. Giá tăng đột ngột khiến năng lực thu mua của các doanh nghiệp giảm xuống. “Đã có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng đối với doanh nghiệp mua xa – bán xa, các hợp đồng tương lai có rủi ro rất cao”, ông Hải nói.

  • Trang 7 báo Tuổi Trẻ ngày 11/4/2024

Vingroup và FPT hợp tác toàn diện về thúc đẩy chuyển đổi xanh

Ngày 10-4, Vingroup và FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam.

Đây là mô hình hợp tác chuyển đổi xanh tiên phong giữa các doanh nghiệp hàng đầu trong nước nhằm chung tay hành động vì một Việt Nam xanh cho hiện tại và tương lai.

Theo thỏa thuận hợp tác, hai tập đoàn và các công ty thành viên dự kiến sẽ cùng nhau phát triển những dự án mới tiềm năng, mang lại lợi ích cũng như giá trị lớn cho xã hội theo hướng xanh và bền vững.

Cụ thể, Vingroup sẽ ủng hộ và xem xét ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ công nghệ của FPT phù hợp với nhu cầu của tập đoàn và các công ty thành viên, đồng thời hỗ trợ FPT mở rộng tệp khách hàng tới cán bộ nhân viên của các công ty thành viên Vingroup. Hãng xe điện thông minh VinFast – thành viên của Vingroup – sẽ xem xét ưu tiên sử dụng dịch vụ công nghệ phần mềm ô tô và dịch vụ cung cấp thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin của FPT.

FPT cũng ủng hộ chiến lược và chương trình Chuyển đổi xanh của Vingroup, đặc biệt là VinFast. Tập đoàn sẽ phối hợp truyền thông, quảng bá về xe điện VinFast và các sản phẩm xanh khác của Vingroup tới cán bộ nhân viên Tập đoàn và các công ty thành viên; tổ chức các chương trình lái thử để ngày càng nhiều người hiểu về những ưu điểm của xe điện so với xe xăng, qua đó đóng góp thiết thực vào công cuộc chuyển đổi xanh.

Theo ông Nguyễn Việt Quang – Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, chuyển đổi xanh là một chủ trương lớn mà Việt Nam đang theo đuổi nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 đã được Chính phủ cam kết tại Hội nghị COP26 về chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, chúng tôi ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam, qua đó chung tay cùng Chính phủ và người dân kiến tạo một tương lai xanh bền vững hơn. Thỏa thuận này cũng giúp hai bên khai thác được tối đa tiềm lực của nhau, hỗ trợ nhau phát triển mạnh mẽ hơn trên thị trường quốc tế, góp phần xây dựng thành công những thương hiệu Việt Nam đẳng cấp về công nghiệp – công nghệ cao”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT cho biết, Tập đoàn cùng Vingroup có chung tầm nhìn về phát triển xanh bền vững và khát vọng vươn tầm thế giới. “Hơn 35 năm qua, Tập đoàn không ngừng nâng cao năng lực quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững tiên tiến nhất.

Năm 2023, FPT là cổ phiếu công nghệ duy nhất được xếp trong danh mục 20 cổ phiếu thành phần chỉ số VNSI (Chỉ số phát triển bền vững) do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đánh giá. FPT cam kết tiên phong ở Việt Nam trong các hoạt động nhằm giảm tác động phát thải khí nhà kính đạt Net Zero vào năm 2040 và có ảnh hưởng tích cực tới môi trường sống, làm việc và học tập của hơn 1 triệu người lao động đến năm 2035.

Chúng tôi tin tưởng rằng, thỏa thuận hợp tác toàn diện này sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, thực chất trong công cuộc Chuyển đổi xanh tại Việt Nam, đồng thời cũng giúp cho cả hai bên có thêm nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Khoa chia sẻ.

Trước đó, năm 2023, Vingroup đã thành lập Quỹ Vì Tương Lai Xanh nhằm triển khai các hoạt động vì môi trường, với nguồn lực được trích từ chính các hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường của các công ty thành viên.

Đáng chú ý, VinFast – thương hiệu ô tô điện thông minh của Tập đoàn đã sản xuất và đưa ra thị trường 6 dòng ô tô điện, 8 dòng xe máy điện, 1 mẫu xe buýt điện, tiến tới là xe đạp điện, xe mini-SUV và bán tải điện…, đáp ứng đa dạng nhu cầu di chuyển xanh cho thị trường Việt Nam và quốc tế.

Hiện VinFast đang mở rộng mạnh mẽ mạng lưới kinh doanh rộng khắp tại Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi. Ngoài nhà máy tại Hải Phòng, VinFast cũng đang xúc tiến mở các nhà máy tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.

Phía Tập đoàn cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm hướng tới mục tiêu Chuyển đổi xanh và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 15,8% tổng lượng khí thải khí nhà kính. Ngoài ra, tập đoàn hiện đang là doanh nghiệp tư vấn và cung cấp giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hàng đầu cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Trong mảng chuyển đổi xanh, tập đoàn đã phát triển giải pháp toàn diện liên quan tới ESG như dịch vụ tư vấn lộ trình triển khai ESG, giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro giúp các doanh nghiệp tự động hóa, số hóa toàn bộ quy trình thu thập dữ liệu, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải và theo dõi tiến trình thực hiện cam kết, đảm bảo các quy chuẩn quốc tế…

D.KHOA – PHƯƠNG HỒ

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 15/4/2024

Vĩnh biệt tác giả Trần Đình Vân của Sống như anh

Tin từ gia đình cho biết nhà báo Thái Duy – tác giả truyện ký ‘Sống như anh’ với bút danh Trần Đình Vân, nhà báo bền bỉ cùng nông dân bảo vệ ‘khoán chui’ – vừa qua đời vào 20h56 ngày 14-4 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 98 tuổi.

Ông Trần Hoài Nam – con trai nhà báo Thái Duy – cho Tuổi Trẻ biết bố ông ra đi nhẹ nhàng bên con cháu. Ông mất vì tuổi cao, gần đại thọ 100 tuổi.

Nhà báo Thái Duy – Sống như ông!

Nhà báo Thái Duy (tên thật là Trần Duy Tấn, còn có bút danh khác là Trần Đình Vân) sinh năm 1926 tại Bắc Giang.

Ông tham gia cách mạng, làm báo Cứu Quốc từ năm 1949, là một trong số ít nhà báo tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1964, ông vào Nam, cùng hai đồng nghiệp thành lập báo Giải Phóng thuộc Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Năm 1977, ba tổ chức mặt trận được thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo Cứu Quốc và báo Giải Phóng được sáp nhập thành báo Đại Đoàn Kết

Nhà báo Thái Duy tiếp tục làm phóng viên báo Đại Đoàn Kết đến năm 1995 thì nghỉ hưu.

Như vậy cả cuộc đời làm báo của ông chỉ làm duy nhất cho một cơ quan báo chí và chỉ làm phóng viên, dù ông là tên tuổi lớn trong làng báo, được nhiều thế hệ các nhà báo nể trọng.

Ông không chỉ đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, mà tiếp tục là một trong những cây bút đi đầu đấu tranh cho cái mới, cho tiến bộ xã hội, lên tiếng cho nông dân để thúc đẩy cho sự ra đời của khoán 10 trong nông nghiệp, xóa bỏ hình thức khoán việc làm suy sụp nền kinh tế, nông dân đói nghèo những năm 1970 – 1980.

Ông đã xuất bản nhiều đầu sách như Sống như anh, Người tử tù khám lớn, Hải Phòng anh dũng…

Trong đó cuốn Sống như anh viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã xuất bản được hàng triệu bản ở nhiều nước trên thế giới.

Năm 2023, nhà báo Thái Duy nhận huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Bản lĩnh Thái Duy trong bài phỏng vấn cuối cùng với Tuổi Trẻ

Không chỉ nổi tiếng với cuốn Sống như anh (bút danh Trần Đình Vân) viết về Nguyễn Văn Trỗi, Thái Duy còn được ghi công là nhà báo đã bền bỉ, mạnh mẽ viết về “khoán chui” trong hàng chục năm để “phong trào” này của hàng triệu nông dân cuối cùng cũng đi đến thắng lợi vào năm 1988.

Trong lần trả lời phỏng vấn cuối cùng dành cho Tuổi Trẻ gần một năm trước (tháng 8-2023), ông tỏ ra rất khiêm cung và tự tại, tự nhận mình bình thường như những người khác và rất hạn chế nói về mình bởi “không thấy có gì để kể”.

Ông cũng từ chối trả lời nhiều câu hỏi vì “không nên nói nhiều là một đức tính tốt, nói nhiều về mình càng không nên”.

Nhưng ông lại một mực ca ngợi nông dân, nhân dân. Ông cho nhân dân mới vĩ đại, nhân dân làm ra tất cả.

Trước thông tin được truyền tai nhiều rằng hồi ấy vì ông mải mê về với nông dân để viết về “khoán chui” nên cuộc sống của gia đình ông cũng vất vả, khó khăn, thậm chí lắm lúc ảnh hưởng tới cả chuyện “sinh mệnh chính trị” của ông nữa, ông từ tốn nhận mình cũng không khó khăn nhiều.

Ông hết sức khiêm hạ nhận rằng việc ông về với nông dân, viết tâm tư của nông dân giữa lúc họ chưa được tin, chưa được lắng nghe “cũng không phải là việc hy sinh ghê gớm gì như người ta ngợi khen”.

Khi được hỏi rằng người ta đánh giá ông là một nhà báo đã có đóng góp lớn bảo vệ “khoán chui” của nông dân để tới ngày phong trào đi tới thắng lợi, ông lập tức phủ nhận. 

Ông bảo: “Tôi nhờ nông dân chứ không phải công đó là của tôi. Nông dân mới thông minh. Mỗi người phải chịu khó mà nhìn ra cái thông minh của nông dân, của nhân dân”.

  • Trang 8 báo Tuổi Trẻ ngày 15/4/2024

Mở 114 vòi và 63 bồn nước công cộng cho người dân Tiền Giang

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã mở 114 vòi nước công cộng, đề nghị Nhà máy nước Đồng Tâm cung cấp nước ổn định, liên tục ở mức 65.000 m³/ngày đêm và cao điểm tăng đến 70.000 m³/ngày đêm.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang vừa có báo báo về tình hình cung cấp nước trong mùa khô năm 2024. Trong đó ở hầu hết các huyện, thị phía Tây của tỉnh vẫn đảm bảo đủ nước sạch cho người dân sử dụng.

Còn phía Đông, hiện nay đã vào đỉnh điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng rất cao, nguồn nước tại các kênh, ao nội đồng tại các huyện, thị phía Đông đã cạn kiệt, một số trạm cấp nước của công ty do thiếu nguồn nước thô nên đã giảm công suất sản xuất hoặc ngưng sản xuất phát nước.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho dân trong mùa khô năm 2024 có xu hướng kéo dài, công ty đã và đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã phía Đông tiếp tục mở 114 vòi nước công cộng tại các khu vực khó khăn về nguồn nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, với tổng sản lượng nước đã cấp qua các vòi công cộng là 9.400 m3/ngày đêm.

Một giải pháp khác nữa là sử dụng 63 bồn chứa nước đặt ở các khu vực cuối nguồn, để lên xe vận chuyển nước đến nơi sử dụng, nhằm cấp nước miễn phí cho nhân dân các khu vực bị thiếu nước.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn về nguồn nước ngọt tại các huyện phí Đông của tỉnh Tiền Giang, Công ty cấp nước Tiền Giang cũng đã đề nghị UBND các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích.

Các đơn vị cũng cần có văn bản chỉ đạo đề nghị giao kết, phối hợp với công ty trong việc xử lý các trường hợp người dân sử dụng nước không đúng mục đích sinh hoạt trong tình hình diễn biến hạn, mặn gay gắt.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 14/4/2024

Xe điện với tài xế mặc áo bà ba chở khách tham quan

Sáng 12-4, tại TP.HCM diễn ra lễ ra mắt dự án thí điểm xe điện bốn bánh vận chuyển hành khách tham quan, du lịch.

Kể từ ngày 12-4, có 70 xe điện chính thức được đưa vào phục vụ đưa đón khách trải nghiệm, tham quan trung tâm TP.HCM.

Điểm đặc biệt là các tài xế, nhân viên đều mặc áo bà ba truyền thống và trong chuyến đi họ sẽ kết hợp giới thiệu khái quát một số điểm du lịch, nét đặc trưng của thành phố. 

Tại buổi lễ, đại diện Công ty TNHH Saigon Public Transport (Saigon PT) – cho biết đơn vị mong muốn đem đến cho người dân, khách du lịch dịch vụ di chuyển bằng xe điện thuận tiện. Xe điện được thiết kế đảm bảo an toàn, phù hợp cho du khách đi và cảm nhận sự hấp dẫn ở TP.HCM.

Ông Võ Khánh Hưng – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – chia sẻ định hướng đến năm 2030 sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh và hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

“Chính vì vậy, việc thí điểm xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện đóng vai trò lớn cho bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh ở TP.HCM”, ông Hưng nhấn mạnh.

Trước đó, UBND TP.HCM phê duyệt đề án thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, khách du lịch trong khu vực TP.HCM gồm các quận 1, 4, 5 và 6.

Phạm vi hoạt động của xe điện trên các tuyến đường được giới hạn bởi các điểm, tuyến đường khu vực nội đô. Hành khách thuê xe điện theo chuyến hoặc thuê theo giờ. 

Cụ thể, giá thuê giờ là 120.000 đồng/30 phút ban ngày (trước 18h), 250.000 đồng/30 phút ban đêm (sau 18h). Còn phí dịch vụ phát sinh cứ 10 phút là 40.000 đồng vào ban ngày và 80.000 đồng vào ban đêm.

Đối với khách thuê chuyến trong vùng được phép hoạt động thì từ 1 điểm đón đến 1 điểm khác là 60.000 đồng/chuyến (ban ngày) và 120.000 đồng/chuyến (ban đêm). Bên cạnh đó, khách có thể thỏa thuận với tài xế theo từng chuyến, theo giờ và ngày tùy lộ trình di chuyển.

  • Trang 13 báo Tuổi Trẻ ngày 13/4/2024

Lớp học “chạy” ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Nói học chạy’ là vì ngoài các môn bắt buộc, học theo lớp cố định vào buổi sáng, buổi chiều mỗi học sinh ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM có một thời khóa biểu riêng, chạy sang các lớp có môn học tự chọn mà mình đăng ký.

Mô hình lớp học “chạy” được triển khai ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từ năm học 2022 – 2023 đến nay.

Sáng học một lớp, chiều học nhiều lớp

Sáng 12-4, Phan Ngô Quỳnh Mai, học sinh lớp 11 chuyên sinh, đến trường và ngồi học tại lớp 11 chuyên sinh với các môn văn, toán, tiếng Anh.

Chiều 12-4, lớp 11 chuyên sinh không còn nữa, hơn 20 học sinh của lớp này tỏa đi học ở nhiều lớp khác nhau. Quỳnh Mai cũng vậy, Mai chuyển sang phòng học mỹ thuật và học cùng với học sinh các lớp 11 chuyên lý, chuyên hóa, chuyên toán…

Tương tự, ngày 12-4 Nguyễn Tấn Đức, học sinh lớp 10 chuyên tin, có lịch học như sau: buổi sáng học chung với các bạn tại lớp 10 chuyên tin theo thời khóa biểu chung của lớp.

Đến buổi chiều, Đức và các học sinh lớp 10 chuyên tin di chuyển sang nhiều lớp khác nhau theo lựa chọn cá nhân.

Hai tiết đầu Đức ngồi ở phòng học môn công nghệ cùng với những học sinh của các lớp 10 chuyên Anh, chuyên hóa, chuyên địa… Hai tiết sau Đức qua sân cầu lông để học môn giáo dục thể chất cùng với những học sinh khác.

Cô Phạm Thị Bé Hiền, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai tại các trường THPT trên cả nước từ năm học 2022 – 2023 đối với khối lớp 10. Ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các học sinh sẽ được chọn lựa 4 môn học và 3 chuyên đề.

Từ sự chọn lựa môn học của học sinh, trường sẽ sắp xếp thời khóa biểu theo hướng tất cả các buổi sáng học sinh sẽ học môn bắt buộc và môn chuyên theo lớp truyền thống của mình, ví dụ học sinh lớp 10 chuyên Anh sẽ học buổi sáng ở lớp 10 chuyên Anh.

Nhưng vào buổi chiều, học sinh chuyển sang học cùng với học sinh các lớp khác theo môn học tự chọn, chuyên đề, giáo dục thể chất đã đăng ký và học trí tuệ nhân tạo (AI) cơ bản. Như vậy, mỗi học sinh sẽ có một thời khóa biểu riêng”.

Đau đầu với thời khóa biểu

“Sau khi nghiên cứu chương trình mới, chúng tôi đưa ra nhiều phương án và cuối cùng chọn phương án tốt nhất cho học sinh. Đó là cho các em đăng ký môn lựa chọn theo đúng khả năng, sở thích của mình”, cô Hiền nói.

Theo cô Hiền, để thực hiện điều này, trường gặp khá nhiều khó khăn. Năm đầu tiên trường cần thêm 8 phòng học, năm thứ 2 cần thêm 4 phòng học nữa. Do đó ban giám hiệu nhà trường đã phải thu xếp để tận dụng tất cả những phòng có thể sử dụng làm phòng học. Chẳng hạn phòng giám thị chuyển sang khu vực khác nhỏ gọn hơn, phòng bán trú gom lại để dành cho phòng học, phòng STEM và nghiên cứu khoa học nhập lại thành một phòng…

Về đội ngũ giáo viên, trường cấp tốc tuyển giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cho 2 môn học mới. Về sĩ số, các lớp tự chọn không bị đội sĩ số lên quá cao, chỉ khoảng 30 học sinh/lớp. Chỉ có duy nhất lớp chuyên đề mỹ thuật là sĩ số đội lên 50 học sinh.

“Cái khó nhất chính là việc xếp thời khóa biểu cho từng học sinh, làm sao để lịch học của các em không bị đụng với các môn khác, làm sao cho lịch dạy của giáo viên hài hòa, đủ tiết nghĩa vụ… là một vấn đề rất đau đầu. Chúng tôi phải sử dụng cả hai phương pháp: thủ công và công nghệ”, cô Hiền thừa nhận.

Quỳnh Mai chia sẻ: “Bốn môn tự chọn của em là hóa, sinh, âm nhạc và mỹ thuật. Trong đó, hóa và sinh là chọn để định hướng nghề nghiệp vì em dự định theo ngành y. Còn âm nhạc và mỹ thuật là hai môn năng khiếu, em chọn học để cân bằng cuộc sống, để việc học tập đỡ áp lực hơn”.

Dù học chuyên khá căng thẳng nhưng Mai vẫn có thời gian hoàn thành nhiệm vụ phó chủ nhiệm CLB Harmonica. “Được chọn môn mình thích nên em cảm thấy việc học rất thoải mái và nhẹ nhàng. Không những thế, em còn được làm quen và học tập với nhiều bạn ở nhiều lớp khác nhau, được học với nhiều giáo viên khác nhau trong cùng một môn học”, Mai nói.

Còn với Nguyễn Tấn Đức, bốn môn lựa chọn của em là tin học, lý, công nghệ và âm nhạc. Trong đó, môn âm nhạc là để giải tỏa những lúc căng thẳng, các môn còn lại là để phục vụ cho nghề nghiệp của mình sau này.

“Việc di chuyển từ lớp này sang lớp kia, học chung với nhiều bạn khác nhau mang lại cho em cảm giác thú vị. Đồng thời đây cũng là cơ hội để em rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, mở rộng mối quan hệ bạn bè”, Đức nói.

  • Trang 17 báo Tuổi Trẻ ngày 13/4/2024

Đầu tư 81 tỉ đồng, HIFF 2024 có chất lượng phim xuất sắc

Hôm 12-4, ban tổ chức (BTC) Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) 2024 tổng kết sơ bộ sau 8 ngày liên hoan phim. BTC lạc quan vì chất lượng phim xuất sắc, thậm chí có khả năng sẽ có 2 phim cùng đoạt một giải lớn.

Theo BTC, nếu Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan cần khoảng 10 triệu USD để tổ chức thành công thì HIFF ban đầu được dự trù kinh phí 3-4 triệu USD (gần 100 tỉ đồng), bao gồm chi phí vận hành tổ chức trong suốt 2 năm qua chứ không chỉ 8 ngày diễn ra HIFF (từ 6 đến 13-4).

Hiện tại, kế hoạch được duyệt gồm từ nguồn ngân sách nhà nước và vận động xã hội hóa theo quy định. 

Khi kết thúc, ban tổ chức sẽ thống kê tất cả nguồn chi phí và đưa ra con số chuẩn xác hơn về tổng kinh phí của Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) 2024.

Kinh phí khá lớn, TP.HCM hỗ trợ hết mình

Theo ban tổ chức, những đóng góp và hỗ trợ của TP.HCM cho HIFF lần này là rất đáng kể và đáng trân trọng, cũng như chưa tính đến các sở ban ngành khác. 

Thành phố tích cực ủng hộ HIFF về cơ sở hạ tầng – điều bắt buộc phải có và chỉ có Nhà nước mới hỗ trợ được. Đó là về phần cứng. 

Ông Phạm Minh Toàn, giám đốc điều hành HIFF, nói với báo chí: “Về phần mềm, chúng tôi phải mời nhiều khách mời quốc tế cho HIFF mà mức chi thì không thể chi theo mức chi của TP.HCM được, về giải thưởng cũng khó tiệm cận quốc tế nên bắt buộc phải xã hội hóa. Hy vọng năm sau các nhãn hàng, nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của HIFF và tham gia đầu tư”.

Giải thưởng cao nhất của HIFF là Ngôi sao vàng cho Phim Đông Nam Á xuất sắc với một chiếc cúp cùng 10.000 USD (khoảng 250 triệu đồng).

Giá trị giải này chưa so được với các LHP hàng đầu thế giới nhưng cũng đã tiệm cận những LHP trong khu vực.

HIFF đã trình chiếu gần 100 phim, trừ một số ít phim gala là phim Việt Nam được chiếu lại thì đa số là phim lần đầu chiếu ở Việt Nam hoặc châu Á. 

Hạng mục Đông Nam Á có 11 phim, hạng mục Phim đầu tay hoặc thứ hai có 11 phim, hạng mục Phim ngắn lúc đầu 25 phim nhưng về sau thay đổi còn 22 phim. 

Có một số phim chọn HIFF để công chiếu toàn cầu như Dearest Viet (phim tài liệu về cặp song sinh Việt – Đức), Bộ tứ âm binh (Badboy Club – Malaysia), phim ngắn Quê hương là chùm khế chua (Việt Nam).

Một số hoạt động mang tính “hội hè” mà HIFF tự hào là việc số hóa chiếu lại hai phim nhựa Việt Nam kinh điển – Mùa len trâu và Cánh đồng hoang.

Với buổi chiếu Mùa len trâu, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh rất xúc động khi đã qua 20 năm, bộ phim của ông lại được đến với khán giả đại chúng qua một buổi chiếu bóng ngoài trời đầy cảm hứng.

Đồng thời, lần đầu tiên TP.HCM có không gian chiếu phim ngoài trời ở phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) thu hút hàng nghìn khán giả tham dự.

Giá trị không chỉ ở thảm đỏ

Ở những LHP lớn, thảm đỏ là điểm quy tụ những ngôi sao hàng đầu thế giới và được coi là nơi hào nhoáng bậc nhất trong giới giải trí. 

Với những LHP mới toanh như HIFF, tất nhiên thảm đỏ vẫn là một sự kiện đầy thu hút khi các diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, đoàn phim… được chưng diện và khoe sắc trước công chúng.

Nhưng BTC HIFF cũng lưu ý: “Điều quan trọng nhất của một LHP là đầu tư vào việc phát hiện ra tài năng”. Nếu quá trình hoạt động của HIFF đi kèm với những tài năng mới trong giới điện ảnh, HIFF sẽ xây dựng được uy tín và chỗ đứng riêng trong giới.

BTC cũng nhận được câu hỏi về tiêu chí phim chưa từng phát hành hoặc ra mắt mới được tranh giải, điều này có hơi khắt khe với một LHP mới lần đầu tổ chức (và cũng là lý do không có đại diện phim Việt Nam nào ở 2 hạng mục tranh giải lớn của HIFF 2024).

BTC cho biết sẽ kiên định với tiêu chí này bởi LHP càng non trẻ thì càng phải có tính phát hiện mới tạo được chỗ đứng vững chắc. 

Đạo diễn Lương Đình Dũng – thành viên ban giám khảo hạng mục Phim đầu tay hoặc thứ hai – cho biết thêm: “Nếu HIFF “lì lợm” giữ tiêu chí cương quyết phim chưa từng chiếu hoặc chỉ chấp nhận chiếu thứ hai sau các LHP hạng A thế giới như Cannes, Venice, Toronto… thì trong tương lai mình có thể có được đẳng cấp”.

BTC nói nhờ tiêu chí này mà năm nay có những phim rất chất lượng tham gia HIFF, có những phim trong top 8 của các LHP hàng đầu thế giới. 

BTC nhấn mạnh ở một, hai hạng mục giải lớn, có hai phim đều xuất sắc và sít sao nhau về số điểm nên nhiều khả năng hai phim đó đều sẽ nhận đồng giải.

  • Trang 15 báo Tuổi Trẻ ngày 11/4/2024

Chuyện tình của vợ chồng tướng Hoàng Đan

Ai có thể ngờ phía sau một tướng trận đã đi suốt chiều dài lịch sử ba cuộc chiến từ chống Pháp, chống Mỹ đến chiến tranh biên giới như thiếu tướng Hoàng Đan lại là một chuyện tình lãng mạn đến thế.

Chuyện tình của thiếu tướng Hoàng Đan (1928 – 2003) và vợ – đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh (1933 – 2022) được gói vào cuốn sách hơn 200 trang do con trai út Hoàng Nam Tiến chắp bút từ hơn 400 lá thư cha mẹ anh gửi cho nhau trong nhiều thập niên – cuốn Thư cho em.

Tình đôi ta trong tình yêu đất nước

Giống như những đôi lứa cùng thời, chuyện tình yêu của Hoàng Đan – An Vinh thủy chung, son sắt đặt trong tình yêu lý tưởng chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước hòa bình, giàu đẹp.

Cái thời vợ chồng cùng đọc và “phân tích tác phẩm” Thép đã tôi thế đấy… Họ “yêu nhau trên lý tưởng và trên tình cảm nữa”, như thư ông viết cho bà.

Đó là chuyện tình mà thế hệ hôm nay sẽ thấy thật khó tin và xúc động thật nhiều.

Khác với ông Hoàng Đan sinh ra trong một gia đình khá giả ở Nghệ An, học bằng tiếng Pháp từ nhỏ, sớm thành đạt trong quân ngũ, bà An Vinh là người ở trong nhà bác ông Hoàng Đan dù trước đó gia đình bà rất khá giả nhưng sa cơ lỡ vận.

Không so đo thân phận, ông Hoàng Đan quyết nhắm người con gái đẹp, thùy mị, kín đáo, ấm áp và nghị lực.

Không những thế, ông còn vượt thử thách gian khổ mới lấy được bà. Lấy rồi còn bị bà không cho động vào người vì chưa muốn sinh con sớm để tập trung học tập và công tác.

Ăn hỏi vào mùa xuân năm 1953, nhưng ông đi biệt đến chiến thắng Điện Biên Phủ mới đạp xe từ Điện Biên về quê Nghệ An để cưới vợ. Không ngờ chiến tranh loạn ly, về quê ông mới hay tin người vợ chưa cưới đang công tác ở tận Lạng Sơn.

Vậy là ông lại đạp xe từ Nghệ An qua Thái Nguyên rồi tới Lạng Sơn tìm bà, với tổng quãng đường chừng 1.300 cây số. Rồi đôi trẻ cũng cưới được nhau khi đất nước vừa hòa bình.

Nhưng họ lại tiếp tục xa nhau. Cưới xong thì chồng công tác ở Hà Nội, vợ lại công tác ở Lạng Sơn. Họ chỉ bên nhau trò chuyện khoảng chục giờ ngày chủ nhật, xen giữa hai chiều đạp xe xuyên đêm từ Hà Nội lên Lạng Sơn của ông Hoàng Đan.

Mấy năm sau bà Vinh mới về Hà Nội, họ tính chuyện có con. Rồi chưa kịp bén hơi, họ lại xa cách mấy năm trời khi ông sang Liên Xô học.

Bốn năm rồi cũng qua, nhưng vợ chồng chưa bên nhau bao lâu thì chiến trường vẫy gọi ông. Hết chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào đến Trị Thiên, Thượng Đức rồi chiến dịch Mùa xuân năm 1975, sau đó lại chiến tranh biên giới cho tới năm 1984 vị tướng ấy mới được đoàn tụ dài lâu bên vợ.

Nhưng người phụ nữ ấy không chỉ nuôi con chờ chồng. Bà phấn đấu không kém gì ông ngoài mặt trận.

Từ một người ở, chưa học hết cấp II, bà vừa tay bồng tay bế con thơ, chăm cha mẹ già vừa học lên cấp III, học đại học rồi tu nghiệp cả ở nước ngoài, làm cửa hàng trưởng cửa hàng mậu dịch số 5 Nam Bộ… rồi đại biểu Quốc hội.

Động lực để bà làm được những việc phi thường này chính là tình yêu với người chồng tài ba, để được “cân xứng” với chồng.

Bên kia một vị tướng

Dìu nhau đi qua hành trình chiến đấu bảo vệ dựng xây đất nước của đôi vợ chồng chính là những cánh thư họ viết cho nhau mỗi tuần, trong nhiều năm xa cách.

Và trong sách, những bức thư cho thấy chiều kích khác ở một vị tướng, rộng hơn là một con người, một cuộc đời.

Là tướng trận, đương nhiên ông Hoàng Đan quyết đoán, cứng rắn. Ông Hoàng Nam Tiến kể chưa bao giờ ba ôm ông.

Mỗi khi về nhà, ba bận bịu giữa tài liệu và những cuộc họp liên miên, ông Tiến rất ít khi được nói chuyện…

Nhưng với mẹ ông thì khác, bà khao khát chờ đợi, nhường nhịn sẻ chia, nỗ lực thấu hiểu.

Bạn đọc thấy thật thú vị khi được tỏ tường phía kia của một vị tướng xông pha trận mạc, cận kề sống chết nhưng vẫn có những tình cảm yêu giận rất con người.

Vị tướng này, như bao người đàn ông xa vợ thèm nhớ cơ thể vợ yêu, thậm chí đã “nhờ” vợ chụp ảnh với trang phục… bikini để gửi cho mình đang đi học tận Liên Xô.

Đến lượt bà An Vinh hẳn cũng làm bạn đọc ngày nay kinh ngạc bởi bà mặc kệ những lời tha thiết nhờ xin của chồng, bà… từ chối.

Chắc ngày nay ít người hiểu được những ý nhị nhưng bền sâu của tình yêu một thời, những gắn bó kiếp này chưa đủ vẫn muốn hẹn cả kiếp sau.

Ông Tiến kể ba ông từng nói điều khiến ông hạnh phúc nhất là có được bà An Vinh đồng hành. Ba muốn nếu có kiếp sau vẫn mong được ở cạnh người phụ nữ vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, người có nụ cưới lấp lánh và mắt sáng trong từ khi là thiếu nữ đến khi đã già.

Thiên Điểu

Tháng Tư 10, 2024

Bà Phạm Thị Thức điểm tựa và cảm hứng cho thành công của những trí thức lớn

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 6:29 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 4 năm 2024.

Bà Phạm Thị Thức

điểm tựa và cảm hứng

cho thành công của những trí thức lớn

TS Nguyễn Minh San

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là bài đăng trong mục Đời sống quanh ta, các trang 44- 47 tạp chí Khoa học Tổ quốc tháng 12/2012.

Bài này là do Giáo sư Văn Tạo gọi điện từ Hà Nội cho tôi biết, rồi tôi nhờ chú em họ Đặng Vũ Minh cũng ở Hà Nội sao in cho một bản, chứ tôi thì còn biết cái gì, chỉ là một con ếch già nằm đáy cái giếng ở biệt thự cổ xây dựng từ năm 1925 ở 82 Lý Chính Thắng, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh mang trong mình hai bệnh không làm hại ai là đái tháo đường và ung thư nhưng có thể chấm dứt cuộc sống của tôi bất cứ lúc nào mất hết cơ hội làm việc mình yêu thích là tìm hiểu về Ông Ngoại.

—o0o—

“Tôn vốn là con gái một quan Thượng thư trong triều đình. Từ bé đến lớn sống sung sướng, ăn trắng mặc trơn, không biết khổ là cái gì. Lớn lên lấy chồng, nhà tôi là bác sĩ danh tiếng, học ở Pháp, lại đã từng là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở Paris, khi trở về cũng danh giá và giầu có vào loại nhất nhì Hà Nội. Thế mà Cách mạng nổi lên, theo Cách mạng, kháng chiến bùng nổ, cả gia đình đi theo ông nhà tôi vào chiến khu. Tôi chẳng thấy khổ là gì cả!”

Lời bộc bạch của một con người điển hình cho đức hy sinh, sự chịu đựng gian khổ để chồng, con làm việc nhiều nhất, tốt nhất cho nhân dân, cho Tổ quốc của người phụ nữ Việt Nam trên đây chính là lời bộc bạch của bà Phạm Thị Thức – vợ của Giáo sư Đặng Vũ Hỷ – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Y học, người mẹ của bốn người con – bốn trí thức có nhiều cống hiến cho đất nước.

Bà Phạm Thị Thức sinh năm Ất Mão (1915), là tiểu thư đài các, đoan trang của quan Thượng thư – Học giả 20130220_222954-1Phạm Quỳnh – Chủ bút tạp chí Nam Phong rất nổi tiếng những năm đầu thế kỷ XX. Xuất thân trong một gia đình nền nếp Nho phong, tiểu thư Phạm Thị Thức sớm được song thân đính ước với chàng trai Đặng Vũ Hỷ – người con cả của bà Đặng Vũ Kính, tức Nữ sĩ Mộng Lan, một bạn thơ của tạp chí Nam Phong do cha tiểu thư làm chủ bút. Đặng Vũ Hỷ sinh ngày 17/3/1910 trong một gia đình dòng họ khoa bảng lâu đời ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đặng Vũ Hỷ đã được gia đình cho học hành chu đáo, đến nơi đến chốn ngay từ khi còn trẻ. Học xong tiểu học ở Nam Định, rồi trung học ở Trường Anbe Xarô, ông thi đậu vào trường Y Dược khoa Hà Nội (thường gọi là Trường Thuốc) – một trong những ngôi trường danh giá, thời thượng nhất thời thuộc Pháp. Sau 4 năm học ở Trường Y Dược khoa Hà Nội, ông được gia đình cho sang Pháp học tiếp để lấy bằng bác sỹ y khoa. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành Da liễu và được tuyển dụng vào làm việc tại một bệnh viện lớn ở Paris – Bệnh viện Saint – Lazare. Ông là bác sĩ Việt Nam đầu tiên được tuyển dụng làm việc tại đây. Trở về nước, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ được mời làm Bác sĩ trưởng của Bệnh viện mỏ than Đông Triều. Sau đó, do bất bình với chế độ thực dân hà khắc và không cam chịu cảnh phải làm việc dưới quyền bọn “quan Tây” kém mình về chuyên môn nhưng ngạo nghễ phi lý, ông từ bỏ cương vị trên, trở về Hà Nội mở phòng mạch tư. Thời đó, bác sĩ là nghề được trọng vọng và “hái ra tiền”. Với bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, là bác sĩ danh tiếng, học ở Pháp, lại đã từng làm việc tại một bệnh viện lớn ở Paris, phòng mạch tư của ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng, thu hút nhiều bệnh nhân, trở thành bậc danh giá và giầu có vào loại nhất nhì ở Hà Nội lúc ấy. Bà Phạm Thị Thức trở thành con dâu cả của gia đình dòng học Đặng Vũ có 10 anh em (4 trai, 6 gái) – dòng tộc hiếu học và thành đạt làng Hành Thiện – tỉnh Nam Định. Cuộc sống lứa đôi thật êm đềm hạnh phúc và tạo được sự thương yêu của ông bà chú bác hai dòng họ Phạm và Đặng Vũ. Ba đứa con, con trai đầu lòng là Đặng Vũ Tứ, con gái thứ hai là Đặng Nguyệt Bính và con trai thứ ba là Đặng Vũ Minh lần lượt ra đời.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 như một biến cố diệu kỳ trong lịch sử dân tộc, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong lòng vị bác sĩ tài năng Đặng Vũ Hỷ. Ông đã từ bỏ hết giầu sang phú quý để dấn thân phục vụ nhân dân và đất nước. Đóng cửa phòng mạch, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội theo lời mời của Giáo sư Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Y Dược khoa của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngoài giảng dạy, ông còn làm Chủ nhiệm Phòng khám và hàng ngày trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là khuôn viên Bệnh viện Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô).

Cuối năm 1946, tình hình Hà Nội khá căng thẳng vì quân Pháp gây hấn ở nhiều nơi trong thành phố. Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ phải thu xếp đưa vợ, con, gia đình về quê Hành Thiện. Thu xếp cho vợ con vừa xong thì tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Là một bác sĩ được đào tạo bài bản, hơn ai hết, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ biết rằng đây là lúc dân tộc cần đến mình, các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận đang cần đến minh, nhưng ông vẫn còn chút băn khoăn cho người vợ trẻ phải một mình nuôi ba đứa con nhỏ trong hoàn cảnh chiến tranh có thể tràn đến quê hương ông một ngày nào đó. Là vợ cùng chia ngọt sẻ bùi với người chồng bao năm nay, bà Thức đã hiểu và vô cùng kính phục người chồng có tấm lòng nhân ái với người bệnh, nặng lòng với quê hương đất nước, vì vậy, bà đã động viên để ông yên tâm lên đường. Trong một đêm giá lạnh đầu năm 1947, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đã từ biệt người vợ trẻ và ba người con, gia nhập lực lượng Vệ quốc đoàn, trở thành người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến. Ông được phân công phụ trách Trạm quân y Cổ Lễ – mặt trận Hà Nam Ninh. Năm 1948 khi bác sĩ Đặng Vũ Hỷ chuyển sang phụ trách dân y, làm Trưởng ty Y tế tỉnh Ninh Bình, ông đã đưa vợ và ba con theo kháng chiến.

Năm 1949, tại làng Thư Điền, thuộc huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, bà Thức sinh người con gái út là Đặng Thị Kim Chi. Người trực tiếp đỡ đẻ cho bà chính là bác sĩ Hỷ với sự giúp đỡ của một nữ hộ sinh. Từ đây, hễ bác sĩ Hỷ theo cơ quan di chuyển tới đâu, thì bà Thức lại dắt díu các con “bám sát đội hình” theo tới đó. Năm 1950, khi bác sĩ Hỷ được điều về làm Hiệu trưởng Trường Y sĩ Liên khu III – IV ở Nông Cống – Thanh Hóa (Trường là nơi đào tạo y tế dân y cho toàn Bắc Bộ và học sinh tốt nghiệp của Trường là cán bộ lãnh đạo dân y các tỉnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và trong những ngày hòa bình lập lại sau 1954, rồi chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ra miền Bắc), thế là bầu đoàn thê tử của ông lại cùng ông từ Ninh Bình chuyển vào Thanh Hóa. Trường Y sĩ Liên khu III-IV đóng ở Nưa, xã Cổ Định, huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa. Ngôi nhà của bác sĩ Hỷ ở làng Ất. Từ nhà, hàng ngày, bác sĩ Hỷ đi giảng bài ở giảng đường chính là ngôi đình làng Giáp và đến bệnh viện đóng ở làng Tuy Yên. Ông đi xe đạp hay đi bộ, nhưng thường là đi bộ đến nơi làm việc. Là bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhưng do thiếu người giảng dạy nội khoa, bác sĩ Hỷ đã ngày đêm tìm tài liệu tự học thêm để dạy. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu bấc to, ông ngồi đọc cho vợ chép những bộ sách dày bằng tiếng Pháp. Nhiều năm sau, một học sinh cũ của Trường – Bác sĩ Nguyễn Thương Liễn, bồi hồi nhớ về người thầy của mình: “Hai ông bà ở Hà Nội, nhà cao cửa rộng, cuộc sống đầy đủ, vậy mà đã từ bỏ chốn phồn hoa đô hội ra vùng tự do, đi kháng chiến. Về nơi tản cư, cuộc sống muôn vàn khó khăn, vất vả trăm bề, thiếu thốn đủ thứ, lại máy bay địch rình rập. Dùng đèn dầu cũng phải tùng tiệm, còn nước sinh hoạt thì chỉ có nước giếng và nước sông. Tôi phục ông bà lắm. Rất lấy làm lạ, tại sao ông bà lại chịu đựng cuộc sống cực nhọc, khó khăn như vậy được, không ca thán, kêu ca, phàn nàn một điều gì. Nhiều lần tôi nhìn thấy bà Hỷ với khuôn mặt hiền lành phúc hậu, đi trên đường làng Ất mấp mô sỏi đá, trẹo cả chân mà bà vẫn tươi cười như xưa kia bà đi trên đường phố Hà Nội”.

Từ 1953, Trường Y sĩ Liên khu III-IV được lệnh chuyển từ Thanh Hóa lên Việt Bắc. Lại một lần nữa, bà Thức thu xếp hành lý cho cái gia đình nhỏ để di chuyển theo. Song, đây là cuộc di chuyển đường xa và nhiều nguy hiểm hơn những lần di chuyển trước. Bác sĩ Hỷ mua một chiếc xe đạp thồ và may 2 cái võng bằng vải dù mắc vào hai bên chiếc xe đạp thồ. Bé Minh 7 tuổi và bé Chi 4 tuổi được nằm trên hai cái võng đó để thồ. Bà Thức được ngồi xe đạp có người thồ. Còn bác sĩ Hỷ đạp xe đèo cô con gái thứ hai 14 tuổi. Trên suốt chặng đường dài gần 400km từ Thanh Hóa lên đến chiến khu Việt Bắc, thức ăn chủ lực là nước mắm cô đặc do bà Thức chuẩn bị trước, khi còn ở Thanh Hóa. Dọc đường, để tránh máy bay địch, ban ngày bác sĩ Hỷ đưa gia đình trú lại ở những chiếc lán trong những cánh rừng hai bên đường. Sẩm tối, cả gia đình lại hối hả lên đường đi tới sáng. Trời rét căm căm, thỉnh thoảng bác sĩ Hỷ lại vén tấm ni lông phủ phía trên võng để xem hai đứa con có thò chân ra ngoài sương lạnh không. Sau ngót 1 tháng trời ròng rã, bà Thức cùng gia đình đã lên tới xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là địa điểm đặt Trường Đại học Y khoa kháng chiến. Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ tham gia giảng dạy tại trường này.

Gia đình bà Thức được bố trí ở trong ngôi nhà nhỏ làm bằng tre nứa, lợp lá gồi, phía sau là một rừng vầu. Người dân trong bản và các sinh viên chứng kiến tiểu thư đài các Phạm Thị Thức năm nào, ngày ngày tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Noi gương mẹ, các con bà cũng tham gia chăm chỉ. Những lúc rảnh rỗi, bác sĩ Hỷ cũng tăng gia cùng gia đình. Hai ông bà và các con hăm hở khai phá mảnh đất sau nhà, mảnh vườn phía trước cửa trồng rau cải, su hào, cà rốt, ngày hai buổi chịu khó xách từng xô nước ra tưới vườn. Những mầm rau xanh tươi làm vui lòng người canh tác, đất chẳng phụ ai cho nên chỉ hơn một tháng sau, vườn rau xanh tốt và mỗi bữa ăn của gia đình đã có thêm bát canh rau, đĩa cải luộc chấm với chén nước mắm (nước mắm cô đem từ Thanh Hóa). Rồi tiếng gà cục tác đã rộ quanh nhà. Mười con gà đẻ mỗi ngày cũng cho gia đình dăm ba quả trứng. Thế là trong mâm cơm gia đình xuất hiện bát nước chấm dầm hột gà luộc, đôi khi còn có đĩa trứng rán to, lũ trẻ háu ăn, ông bà nhìn nhau mãn nguyện. Nhiều năm sau này, bà Thức vẫn nhớ về những tháng ngày sống ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến 9 năm: “Tôi còn nhớ, những năm ở Việt Bắc, tôi lội xuống suối tìm những bãi đất ven suối để cấy rau muống. Rau muống lên tốt quá, ăn không hết, cho bớt nhà anh em cán bộ xung quanh. Nuôi gà vịt cũng thế, không hiểu tại sao vịt đẻ cũng nhiều, gà đẻ cũng nhiều. Rồi tôi lại còn học cách làm tương. Tương tôi làm rất ngon, đem bán cho các gia đình xung quanh cũng được một ít tiền… Ông Trường-Chinh có lần nói đùa với tôi: “Chị ơi, chị nên kinh doanh rau muống, trứng gà trứng vịt đem bán cho cơ quan chính phủ để nuôi các cháu”. (Trích Hồi ức bà Đặng Vũ Hỷ , trang 404).

Giống như những năm ở Ninh Bình, Thanh Hóa, tại căn nhà nhỏ giữa núi rừng Việt Bắc, đêm đêm, bên ngọn đèn dầu, bà Thức giúp chồng trong công tác nghiên cứu về một20130220_223140-1 chứng bệnh nan y là bệnh phong/cùi, để không lâu sau đã góp phần quan trọng trong việc chữa trị và đề phòng bệnh quái ác này cho nhân dân ta. Tại ngôi nhà này, bà Thức đã tiếp nhiều giáo sư bác sĩ nổi tiếng có những đóng góp lớn lao cho nền y học cách mạng Việt Nam như các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Nguyễn Xuân Nguyên,… Nhiều lần, khách dùng bữa trưa cùng gia đình. Bữa cơm thân mật có rau muống chấm tương, bí ngô, trứng rán, thỉnh thoảng lại có thịt gà kho gừng… với những câu chuyện dí dỏm làm cho cuộc sống kháng chiến ở chiến khu tuy còn đạm bạc nhưng đầy hạnh phúc và lạc quan.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chính là nơi thử thách lòng yêu nước, tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ của người dân Việt, đặc biệt là tầng lớp trí thức và những người thuộc tầng lớp trên trong xã hội cũ. Đã có không ít trí thức do không hòa nhập được với cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ ngoài mặt trận, do không chịu đựng được khó khăn thiếu thốn đủ bề nơi chiến khu, nhất là thiếu lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, đã về sống trong thành phố do Pháp tạm chiếm đóng. Vậy mà tiểu thư khuê các Phạm Thị Thức năm xưa, đã đi suốt cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ của dân tộc, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ mà không một lời than vãn. Không những vậy, bà còn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống kháng chiến, như lời bà thổ lộ: “Tôi thấy vui lắm, không biết khổ là gì”. Nhưng, đối với bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, có thể nói chỉ một mình ông hiểu vợ ông đã chịu khổ đến mức nào. Bởi ông thấu hiểu hoàn cảnh xuất thân của vợ, bởi ông nhất mực thương yêu, quí trọng vợ. Là người rất tâm lý, thấy bà cực khổ quá, ông xót xa, buồn lắm. Thấy vậy, bà hỏi tại sao ông buồn. Ông đã nói thực lòng mình với bà: “Anh thương em khổ sở, không biết em có muốn trở về Hà Nội không?”. Bà trả lời: “Em chẳng thấy khổ. Ở đâu có anh, có các con là em sung sướng. Ở đây thế này cũng được, em ở mãi cũng không sao. Anh cứ đi theo kháng chiến đến bao nhiêu năm em cũng theo được, chẳng việc gì phải về theo Tây”. (trích Hồi ức bà Đặng Vũ Hỷ, trang 404). Bà thường nói với các con “kháng chiến giành độc lập tất nhiên phải chịu khổ cực, cả nước chịu cực thì gia đình mình cũng phải chịu cực”.

Bà Thức đã sát cánh cùng bác sĩ Đặng Vũ Hỷ tham gia kháng chiến 9 năm liền cho tới khi thành công, đem lại hòa bình cho đất nước. Trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc, bà Thức đồng hành cùng chồng trên mọi nẻo đường kháng chiến, sát cánh cùng chồng trong mọi công việc chung cũng như riêng của gia đình. Chặng đường từ sau khi hòa bình lập lại năm 1954 cho đến ngày Giáo sư Đặng Vũ Hỷ qua đời ngày 4/10/1972, không khi nào ông vắng bóng bà, ngay cả những ngày cuối cùng của ông trên đất Trung Quốc. Và, tấm gương đi theo kháng chiến của bà – người chị trong gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ tới các em trong việc định hướng cuộc đời và sự nghiệp vì dân tộc, vì đất nước; mà điển hình là GS.BS Phạm Khuê – Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam và Nhạc sỹ Phạm Tuyên – Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật.

Trong việc dạy dỗ các con, ông bà không bao giờ dạy dỗ bằng lời, mà chủ yếu bằng tấm gương của cuộc đời mình, bằng những việc làm, học tập của mình hằng ngày. Cuộc đời và sự nghiệp của ông bà chính là tấm gương sáng về đạo đức và tài năng đã tác động trực tiếp đến các con cháu trong gia đình. Hai con là Đặng Vũ Tứ, Đặng Nguyệt Bính theo nghề của cha làm bác sĩ. Con trai thứ ba là Đặng Vũ Minh sau này là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ), Ủy viên Trung ương Đảng khóa 8, 9, 10, nguyên là Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện nay là Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Con gái út sinh ra trong kháng chiến của ông bà là Đặng Thị Kim Chi, sau trở thành Giáo sư, Tiến sĩ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là một trong những chuyên gia hàng đầu về môi trường ở nước ta, được tặng Giải thưởng Kovalevskaia. Ông bà có 8 cháu nội, ngoại, đều tốt nghiệp đại học và trên đại học, trong đó có 3 Tiến sĩ, 2 Thạc sĩ. Cháu gái Nguyễn Diệu Hoa, con gái Bác sĩ Đặng Nguyệt Bính, là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh – Hoa hậu Việt Nam năm 1990, Á hậu cuộc thi “Hoa hậu Quý bà Thế giới” năm 2008.

“Khổ tận đến ngày cam lai”. Người chồng mà bà Thức nhất mực yêu thương, quý trọng và thề theo ông suốt đời, sau 31 năm lạnh lẽo trên đất khách, đã trở về với bà, khi con trai Đặng Vũ Minh đưa di cốt ông từ Quảng Châu về với đất Mẹ. Sau 31 năm xa cách, từ ngày 13/3/2007 cho đến muôn sau, đêm đêm, ngày ngày, bà cùng ông “đi đâu cũng đi, ở đâu cũng sống được”.

Bà đã đạt tới quả Phúc!

N.M.S.

(Bài đã in trong cuốn sách Rạng rỡ sử xanh Phụ nữ Việt Nam (Những tấm gương tiêu biểu từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh) của TS. Nguyễn Minh San, do NXB Dân Trí ấn hành, tháng 12/2012).

Phạm Quỳnh có quan hệ thế nào với Hoàng Đạo Thúy

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 1:48 sáng

Blog PhamTon nắm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 4 năm 2024.

PHẠM QUỲNH QUAN HỆ THẾ NÀO VỚI HOÀNG ĐẠO THÚY?

Dã Thảo

Bạn nào đọc đều đặn blog chúng tôi đến nay, chắc sẽ đặt câu hỏi như trên. Vì thấy trong các bài viết quan trọng về Phạm Quỳnh, nhất là về đời tư, gia cảnh từ thuở ấu thơ đến thời thanh niên, rồi sau này làm báo, làm quan, đều có nhắc đến, hoặc dẫn ra những ý kiến của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Vậy thật ra quan hệ giữa hai người là thế nào, mà có lần trong một bài, Phạm Tôn đã viết “Hoàng Đạo Thúy là bạn thân, lại là người trong họ”…?

Trong một bài trước, chúng tôi đã nói rõ Phạm Quỳnh quan hệ thế nào với Dưỡng Am Phạm Hội rồi. Và nay, xin nói ngay là Phạm Quỳnh quan hệ với Hoàng Đạo Thúy chính là qua quan hệ này.

Dưỡng Am Phạm Hội (1791-1854) từng có hai bà vợ, một họ Trần, là vợ cả, vợ kế họ Lưu. Năm 1841, lại cưới bà thiếp tên là Phạm Thị Thục, sinh được bốn con gái, một người tên là Thu Minh. Bà này là mẹ đẻ của bà Cả Mọc, tức Hoàng Thị Uyên, một nhân vật hoạt động xã hội nổi tiếng ở Đông Dương thời Pháp thuộc, sáng lập Hội Tế sinh, giúp đỡ nhân dân lao động nghèo và người già cô đơn. Bà Thu Minh là mẹ già của Hoàng Đạo Thúy, vợ cả ông thân sinh ra Hoàng Đạo Thúy là Hoàng Đạo Thành. Hoàng Đạo Thúy là con bà hai. Chính vì có họ như thế, cho nên những ngày Tết, hoặc giỗ cụ Phạm Hội, Hoàng Đạo Thúy đều đến nhà Phạm Quỳnh ở số 1 phố Hàng Trống, và biết rõ mọi người, mọi việc trong nhà Phạm Quỳnh.

Phạm Quỳnh sinh năm 1893, hơn Hoàng Đạo Thúy bảy tuổi (sinh năm 1900), cùng lứa tuổi, lại đều là con nhà nho mà theo Tây học, cho nên có nhiều chỗ hợp tính nết nhau. Có điều, Hoàng Đạo Thúy tham gia hoạt động xã hội nhiều, tiếp xúc với đông đảo thanh niên, nhất là từ khi lập Hội Hướng đạo, còn Phạm Quỳnh thì trái lại, chỉ vùi đầu vào sách vở, rồi làm báo, chỉ tiếp xúc với giới thượng lưu, trí thức, có học, ít vốn sống thực tế.

Chuyện nhỏ như chuyện nhà, chuyện lớn như chuyện nước, hai ông đều thường bàn bạc với nhau, nhưng tôn trọng ý kiến của nhau, không ai có ý áp đặt ai. Khi Phạm Quỳnh đầy ảo tưởng, định dấn thân vào quan trường, tưởng có thể làm được những việc trước nay mình chỉ mơ ước và luận bàn trên giấy trắng mực đen, trên diễn đàn, thì chính Hoàng Đạo Thúy đã đứng ra ngăn cản, khuyên không nên dấn thân vào một nơi đã mục nát rồi, không vực dậy được đâu. Nhưng Phạm Quỳnh ngây thơ trả lời là cứ để tôi vào làm thử một thời gian xem sao, không làm được gì thì lại ra…Nhưng đúng như Hoàng Đạo Thúy đã báo trước, chẳng những không làm được gì mà còn không sao rút ra được, cứ lún sâu mãi đến làm hại cả thanh danh, mất cả lòng yêu mến của đông đảo nhân dân. Và rút cuộc là chịu một cái chết bi thảm, vô lý, vô nghĩa.

Năm 1991, Hoàng Đạo Thúy đã 91 tuổi, biết mình không còn sống với đời được bao năm nữa, ông đã mời nhạc sĩ Phạm Tuyên đến nhà, nói chuyện cũ, còn viết ra giấy một số tư liệu chỉ mình biết, vẽ cả sơ đồ nhà số 1 phố Hàng Trống, nơi Phạm Quỳnh chào đời và sống suốt thời thơ ấu, thiếu niên, thanh niên, đến 1918 mới dọn về ở 17 Hàng Trống. Nay nhạc sĩ Phạm Tuyên còn giữ được cuốn băng ghi âm cuộc gặp ngày 19/4/1991 tại Hà Nội ấy.

Năm 1992, Viện Văn Học dự định tổ chức hội thảo về Phạm Quỳnh, có mời Hoàng Đạo Thúy cùng Vũ Khiêu, Vương Hồng Sển, v.v… trong đó đặt Hoàng Đạo Thúy viết về Những kỷ niệm về họ Phạm và chủ bút Phạm Quỳnh. Yêu cầu nêu rõ: “Xin cụ 10/12 lấy bài, khoảng 5-7 trang”. Hoàng Đạo Thúy đã viết xong ngày 5/12/1992, vừa đúng bảy trang giấy Viện Văn Học đưa cho.

Nhưng, cái hội thảo gần đến ngày khai cuộc ấy thì có lệnh điện thoại gọi đến bảo “hoãn đến sau Tết”, cho đến nay (1992-2009) vẫn chưa được tiến hành.

Hoàng Đạo Thúy mất tại nhà ở Hà Nội ngày 14/2/1994 (tức mồng 5 tháng Giêng năm Giáp Tuất), sau khi để lại cho con cháu bài thơ Ngủ Quên, toàn văn như sau:

Gió thoảng, trăng trong, buổi mát trời

“Ngủ quên không dậy” việc thường thôi!

Các con chớ giận không từ biệt

Cháu nhớ ông bà ngày tháng trôi

Cái chính chỉ là một lời dặn:

“Giữ lòng trung hậu ở trên đời”

Nhớ thương ghi tạc tình cao cả

Tổ quốc bền lâu với đất trời!

Cuối bài thơ, có ghi rõ “Xuân 1994”. Đáng kinh ngạc và khâm phục hơn là dưới đó còn viết hai dòng ghi rõ tên và năm sinh, năm …mất của mình: “Hoàng Đạo Thúy/1900-1994”.

P.T.

Viết về Thầy tôi

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 1:41 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 4 năm 2024.

VIẾT VỀ THẦY TÔI

Phạm Thị Thức

 Lời dẫn của Phạm Tôn: Học giả Phạm Quỳnh có 11 con gái, 3 người mất từ lúc chưa đầy tuổi tôi (thôi nôi). Có 5 người từng viết về ông là bà Phạm Thị Giá, con gái trưởng, Phạm Thị Thức con gái thứ hai và các bà Phạm Thị Hảo, Phạm Thị Ngoạn, Phạm Thị Hoàn.

Bài Viết về thầy tôi của bà Phạm Thị Thức viết tại Hà Nội năm 1992, mà ông Trần Gia Phụng đã đôn lên thành Hồi ký của bà Phạm Thị Thức viết tại Paris năm 1992 gây nên một sự hiểu lầm lớn trong dư luận, nhất là ở nước ngoài, chủ yếu là Canada, Mỹ và Pháp. Bài này, bà Phạm Thị Thức viết theo yêu cầu của các em gái ở Pháp, nhân dịp kỉ niệm 100 năm sinh Phạm Quỳnh (1892-1992), nhưng chưa công bố trên báo chí.

Bài này chúng tôi đã đưa lên Blog PhamTon 3/12/2009 nay phải đăng lại. Chỉ vì người Mỹ Sơn Tùng đã lặp lại sai lầm của ông Trần Gia Phụng trong bài viết ghi ngày 4/9/2011 nhan đề Sau 66 năm lịch sử và công lý nào cho vụ án Phạm Quỳnh? (tạp chí Thế Giới Mới).  Chúng tôi đã có bài Vì sao người Mỹ Sơn Tùng lại cứ bám dai nhạc sĩ Phạm Tuyên như thế?, mới đưa lên Blog PhamTon ngày 21/10/2011 mà đến ngày 05/12/2011 đã có tới 36.344 lượt người truy cập! Đủ thấy sự đăng lại bài của bà Phạm Thị Thức là cần thiết đối với các bạn quan tâm.

—o0o—

Thầy tôi, nói đến hai chữ ấy, tự nhiên hai dòng nước mắt của tôi chảy dài xuống má, ruột tôi đau quặn như đứt từng khúc! Nỗi hận này suốt đời tôi không sao có thể quên được…!!

Tôi hồi tưởng lại trong ký ức, những mẩu chuyện nhỏ về Thầy tôi…

Năm tôi 13 tuổi, tối nào tôi cũng lên ngồi bàn làm việc để viết bài cho Thầy tôi, vì Thầy tôi cho rằng chữ tôi đẹp và rõ ràng. Thầy tôi cầm quyển sách vừa dịch vừa đọc như đọc chính tả cho tôi viết. Tôi ngây thơ hỏi: Thầy phải dịch vào giấy nháp rồi để con viết chứ. Thầy thôi chỉ cười. Tôi còn nhớ là viết những học thuyết của Hippocrate gì gì đó mà tôi chẳng hiểu chi cả. Có hôm khuya quá, thấy tôi có vẻ buồn ngủ Thầy tôi bảo: “Con cố lên, chỉ còn vài trang nữa là xong thôi.”, và gọi người nhà mua cho tôi một bát chí mà phù để bồi dưỡng…

Thu ba Pham Thi Thuc_1

Phần đầu bài viết của bà Phạm Thị Thức.

Năm 1928, tôi học École Brieux, cours Supérieur (Trường Brieux lớp nhất – PT chú) và là học sinh giỏi nhất lớp, đồng thời cũng là nhất trường vì ở đó chỉ có đến lớp Supérieur (nhất – PT chú) là hết. Đầu năm 1929, các cô giáo cử tôi lên đọc compliment (lời chúc – PT chú) chúc Tết bà  Đốc là bà Autigeon. Các cô bảo: Em về nhà nhờ Thầy em viết giúp cho mấy câu. Tôi lo quá, nghĩ Thầy tôi bận nhiều công việc như thế, chắc có viết không. Nhưng khi tôi về nói, Thầy tôi vui lòng ngay và bảo: Con đừng lo. Thầy sẽ viết cho vài câu, nhưng con phải học thuộc lòng và đọc cho hay vào. Thế rồi tối nào Thầy tôi cũng bắt học cho rõ thuộc và đọc cho nghe, dặn nhấn mạnh khi nào nên nhìn vào giấy, thỉnh thoảng phải ngẩng đầu lên nhìn xuống dưới chỗ mọi người ngồi. Bài viết tôi học thuộc kỹ quá, cho đến nay quá 64 năm tôi vẫn còn nhớ mãi, những câu sau đây:

…C’est en obéissant à une tradition chère à tous les pays que nous venons aujourd’hui vous apporter le Pham Quynh va Vosincère témoignage de nos jeunes coeurs. L’année 1928 vient à peine de s’écouler, emportant dans sa fuite une année de notre existance que déjà la foule s’empresse de fêter sa jeune soeur, en qui, elle met toute sa confiance et son espoir. Que cette année qui vient marque pour vous et votre chère famille, une ère de prospérité et de joie. Qu’elle soit pour vous douce et bénie. Avec cette confiance facile de notre jeunesse pour cette année qui s’annonce de bon augure, nous formulons des voeux les plus sincères pour qu’elle soit pour vous bonne et heureuse, remplie de bonheur et exempte de tout souci… (Tạm dịch là: Nay, theo tục lệ thân thiết với mọi xứ, hôm nay, chúng con xin chuyển đến Bà tấm lòng thành của những trái tim non trẻ. Năm 1928 vừa qua đi, mang theo một năm trong cuộc sống chúng ta, mà nhân dân đã hối hả mở hội đón năm mới, năm họ đặt tất cả niềm tin và hy vọng. Mong sao năm nay sẽ đánh dấu một kỷ nguyên thịnh vượng và vui vẻ với Bà và gia đình yêu quí của Bà. Mong sao năm mới an lành và đầy ân huệ với Bà. Với lòng tin cậy giản dị của tuổi trẻ chúng con vào năm mới này, năm báo trước điềm lành, chúng con xin chúc những lời chân thành, mong sao năm mới tốt lành và hạnh phúc với Bà, tràn đầy niềm vui và tiêu tan hết mọi ưu phiền …. – PT chú) còn dài nữa, v.v… Bài đọc từ hơn nửa thế kỷ không bao giờ nhớ lại, nay bỗng có dịp nhắc lại, nên có thể nhiều chữ sai và nhiều lỗi chính tả!

Tôi đọc trôi chẩy quá đến nỗi sau đó bà Đốc ôm lấy tôi hôn và bảo “Con đọc hay quá”. Các cô giáo thì tíu tít vui mừng vì học trò của mình được bà Đốc khen…

Năm 1930 tôi đậu Certificat (Tiểu học – PT chú) và thi vào trường École normale des institutrices (Trường nữ sư phạm – PT chú). Thi concours (Tuyển – PT chú) 150 người lấy 30, trong đó chỉ lấy có 3 người vào Normale (Sư phạm – PT chú), còn 27 vào cours complémentaire (Lớp bổ túc – PT chú). Tôi được đỗ thứ 2, như vậy là trong 3 người trên cùng được bourse (Học bổng  PT chú) mỗi tháng 9 đồng. Tôi mừng quá về khoe ríu rít ở nhà. Thầy tôi bảo: “Thầy không muốn cho con nhận học bổng, sau này đỗ ra trường làm cô giáo, người ta bổ đi đâu cũng phải đi. Nhà mình, con đi học chỉ cần có kiến thức, không cần đi làm ăn lương gì cả. Con không nên nhận và để cho người đỗ thứ 4 lên thay con”. Tôi buồn quá, khóc với Me tôi. Thầy tôi thấy tôi buồn và có vẻ tiếc cái món bourse, một hôm Thầy tôi gọi vào buồng giấy và cho tôi một chồng 90 đồng bạc hoa xòe và bảo tôi: “Đây Thầy “đền” cho con 10 tháng học bổng. Con lấy muốn mua gì thì mua và yên tâm mà học hành”. Nhận được số tiền đó tôi mừng quá, tôi đi vội đến phố Hàng Khay sắm sửa bao nhiêu thứ mình vẫn thích: dentelle (Đăng ten – PT chú) viền áo, vòng đeo tay, dây chuyền đeo cổ, nhẫn, v.v và quà cho các anh các chị và các em…

Gia Dinh Sinh Nhat 2 cu

Thầy tôi có bà bạn là nữ sĩ Jeanne Duclos Salesses. Bà vẫn thường đến chơi với gia đình và làm nhiều bài thơ tặng Me tôi và em bé của tôi là em Yến. Được tin bà qua đời, sau đó em tôi cũng mất, Thầy tôi có viết một bài nói về Bà, trong đó có mấy câu tôi còn nhớ: “Son souvenir est attaché à un petit être qui m’est cher, à ma petite hirondelle chérie, qui, un mois après son départ, s’est envolée dans les airs, òu elle aurait du la retrouver…”(Tạm dịch là: Kỉ niệm về Bà gắn với một sinh linh nhỏ bé thân thiết với tôi, với chim yến nhỏ yêu quí của tôi, một tháng sau khi Bà ra đi, đã bay lên trời, nơi có lẽ cháu sẽ được gặp lại bà.- PT chú)

Năm 1935, chồng tôi sang Pháp thi doctorat en médecine (Bác sĩ y khoa – PT chú) 3 năm, tôi vào Huế với Thầy Me tôi và sinh cháu Tứ ở Huế. Năm 1937 có một sự kiện làm cho tôi xúc động và nhớ mãi. Hồi đó Me tôi có mang em Phạm Tuân được độ 6 tháng thì Me tôi mắc bệnh hen rất nặng, suốt ngày tôi ngồi vuốt ngực và xoa bóp cho Me tôi, nhiều lúc thấy lên cơn hen Me tôi khó thở tưởng như nếu kéo dài có thể chết. Thầy tôi đi làm về là vào ngay buồng thăm hỏi, vuốt ve và nói chuyện động viên và an ủi sẽ khỏi, v.v…Một hôm tôi thấy Thầy tôi ngồi với hai ông docteur (Bác sĩ – PT chú), nói chuyện gì mà tôi thấy Thầy tôi nét mặt buồn rầu tôi chưa từng thấy. Tôi đoán là có chuyện gì hệ trọng lắm. Sau đó, thấy Thầy tôi vào nói với Me tôi là các ông docteur hội chẩn và khuyên nên lấy cái thai ra thì mới khỏi nguy hiểm cho người mẹ. Me tôi khóc, bảo: “Đau đớn mấy tôi cũng cố chịu được, không khi nào tôi chấp nhận cái việc đó; vì tôi nằm mơ thấy rõ ràng có một thằng bé rất thông minh xinh đẹp chạy theo xe tôi và nói “Me, cho con về với me!””. Sau đó nhờ phúc ấm tổ tiên, Me tôi qua khỏi và sinh được đứa con thứ 15 của Thầy Me tôi. Thầy Me tôi thương và quý em lắm, cứ gọi là “chú Miềng”; năm nay em đã 55 tuổi, có 5 con rồi mà gia đình vẫn quen gọi là chú Miềng.

Thầy tôi có 16 người con mà lúc nào cũng chú ý săn sóc thương yêu như nhau, chưa hề bao giờ mắng mỏ con cái. Thầy tôi rất thông minh, uyên bác, tuy không phải là docteur nhưng có một “Larouse médicale” (Từ điển Larouse y khoa – PT chú) nhiều tập. Mỗi khi con cái ốm đau, Thầy tôi đều đem ra sưu tầm tra cứu và theo đơn trong sách chữa bệnh, hiếm lắm mới phải mời đến docteur.

Tháng tám năm 1945, Thầy tôi ra đi!! Than ôi cả Thầy Me tôi và các con đều không có thể ngờ rằng Thầy tôi ra đi mãi mãi!!! Chúng tôi khóc tưởng như có thể chết đi sống lại!! Sau đó, chị tôi và tôi nhờ một anh bạn là ông Vũ Đình Huỳnh ngày ấy làm garde corps (người hộ vệ – PT chú) cho Cụ Hồ, giới thiệu đến thăm Cụ và hỏi chuyện. Cụ bảo: “Hồi ấy tôi chưa về…Và trong thời kỳ khởi nghĩa quá vội vã có thể có nhiều sai sót đáng tiếc…” Và tôi còn nghe một bà bạn là nữ sĩ Hằng Phương đến dâng Cụ ít cam và một bài thơ, nhân nói đến Thầy tôi cụ Hồ bảo:“Thật là đáng tiếc, dẫu sao cũng là một nhà văn học!”

Trời ơi, oan uổng cho Thầy tôi biết bao!!! Nỗi oan này khắc sâu trong lòng chúng tôi, nỗi hận này đến kiếp nào cho khuây!…

Thầy ơi, chúng con thật là bất lực, xin cúi đầu nhận tội với Thầy.

Phạm Thị Thức

28/10/1992

Thu ba Pham Thi Thuc_2

Bản sao chụp phần cuối bài của bà Phạm Thị Thức viết tại Hà Nội ngày 28/10/1992.

Tháng Tư 1, 2024

Trên quê hương yêu dấu (kỳ 2 tháng 3 năm 2024)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 11:19 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 3 năm 2024.

TRÊN QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 31/3/2024

TP.HCM được UNESCO công nhận là TP học tập toàn cầu

Tối 30-3, TP.HCM tổ chức lễ vinh danh và đón nhận giấy chứng nhận TP.HCM gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

TPHCM mang luoi hoc tap toan cau

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 29/3/2024

Yêu cầu Trung Quốc, Philippines tôn trọng chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Yeu cau Trung Quoc Phillipine ton trong

Bộ Ngoại giao yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền Việt Nam, nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.

“Chúng tôi rất quan ngại về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông“, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 28-3, khi được hỏi về các vụ va chạm gần đây giữa tàu Trung Quốc và Philippines ở bãi Cỏ Mây.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh mọi yêu sách và hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Đồng thời phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS; không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Cũng tại cuộc họp báo, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nhận được câu hỏi liên quan các hoạt động gần đây của Trung Quốc và Philippines tại khu vực Sandy Cay thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo truyền thông Philippines, hồi tuần trước, một nhóm “các nhà khoa học Philippines” đã đến khu vực Sandy Cay để nghiên cứu. Tuy nhiên, một trực thăng của Trung Quốc đã xuất hiện sau đó và bay trên đầu nhóm người Philippines khiến một số người bị thương.

“Trước sự quấy rối của Trung Quốc, để bảo đảm an toàn, nhóm đã rời khỏi khu vực”, theo tờ Philstar của Philippines.

Về việc này, phó phát ngôn Nguyễn Đức Thắng cho biết Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

“Việc các bên liên quan cho người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại DOC cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ quy tắc (COC) ở Biển Đông hiện nay”, ông Thắng nhấn mạnh.

Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện DOC, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết sẵn sàng cùng các bên liên quan giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 27/3/2024

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin

Nguyen phu Trong dien dam Putin

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời chia buồn đến Tổng thống Putin cũng như nhân dân Nga sau vụ khủng bố ngày 22-3, đồng thời trân trọng mời nhà lãnh đạo Nga sớm thăm chính thức Việt Nam.

Theo thông tin từ Ban Đối ngoại Trung ương, ngày 26-3, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng Tổng thống Putin được nhân dân Nga tín nhiệm bầu lại làm tổng thống nhiệm kỳ 2024 – 2030 với số phiếu cao kỷ lục trong lịch sử hiện đại của Liên bang Nga. Điều này thể hiện niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân Nga đối với Tổng thống Putin trong việc lãnh đạo nước Nga phát triển trong giai đoạn mới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng gửi lời thăm hỏi và lời chia buồn sâu sắc đến Tổng thống Putin, nhân dân Nga và thân nhân những người bị nạn trong vụ khủng bố tại Matxcơva vào chiều tối 22-3 vừa qua.

Tổng bí thư khẳng định Việt Nam trân trọng sự giúp đỡ to lớn của Liên bang Nga trong Liên Xô trước đây cũng như ngày nay đối với đất nước và nhân dân Việt Nam. Ông nhấn mạnh Việt Nam xác định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.

Tổng thống Putin trân trọng cảm ơn lời chúc mừng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự thăm hỏi, chia sẻ kịp thời của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước những mất mát của nhân dân Nga trong vụ khủng bố ngày 22-3.

Khẳng định Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga, Tổng thống Putin bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi và nhất trí về một số định hướng lớn nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới trên các lĩnh vực như an ninh – quốc phòng, kinh tế – thương mại, văn hóa, du lịch…

Nhân dịp này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng thống Putin sớm thăm chính thức Việt Nam.

Tổng thống Putin đã vui vẻ nhận lời và thống nhất hai bên sẽ phối hợp thu xếp thời điểm phù hợp.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 26/3/2024

Doanh nhân trẻ phải tiếp tục dám nghĩ, dám khát vọng, dám dấn thân

Doanh nhan tre

Chiều 25-3 tại Phủ Chủ tịch, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt các đại biểu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn 26-3 và Tháng thanh niên 2024.

Cùng dự buổi gặp có anh Nguyễn Ngọc Lương – bí thư thường trực Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; anh Đặng Hồng Anh – chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ vui mừng gặp mặt Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và lắng nghe ý kiến đầy trách nhiệm, tâm huyết, đầy sức trẻ của các doanh nhân nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 – 26-3-2024) và Tháng thanh niên năm 2024.

Chia sẻ với các doanh nhân trẻ, quyền Chủ tịch nước cho biết trong bối cảnh chung, mặc dù đất nước vừa trải qua một giai đoạn với nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam là điểm sáng trong phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch COVID-19, đạt nhiều bước tiến lớn về ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng theo xu hướng tích cực, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường hòa bình, ổn định…

Nhắc đến xu thế mới của thời đại như cách mạng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, công nghệ mới… bà nhấn mạnh đây vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Từ đó, quyền Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể và đội ngũ doanh nhân trẻ quán triệt đầy đủ, sâu sắc nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đồng thời bày tỏ mong muốn Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và các đơn vị liên quan tiếp tục nắm bắt tình hình phát triển của đội ngũ doanh nhân trẻ nhằm kịp thời đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra.

Cùng đó kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội những chính sách phù hợp, kịp thời để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nhân nói chung và doanh nhân trẻ nói riêng.

Với doanh nhân trẻ, quyền Chủ tịch nước nhắn nhủ rằng trước hết đội ngũ doanh nhân trẻ cần xác định vai trò, trách nhiệm của mình với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt cần làm tốt hai vai trò, vừa là doanh nhân tiên phong trong phát triển kinh tế, vừa là vai trò thanh niên “rường cột của nước nhà”.

Bà cũng mong đội ngũ doanh nhân trẻ tiếp tục dám nghĩ, dám khát vọng, dám dấn thân vào việc khó để có những con đường đi riêng và đạt được thành công cao hơn. “Chỉ người trẻ dám dấn thân vào việc khó thì đất nước chúng ta mới đột phá, phát triển được” – bà nói.

Bên cạnh đó cần tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, nắm bắt để phát triển về tư duy, năng lực, kỹ năng để theo kịp những xu thế chung của thời đại và yêu cầu phát triển của đất nước. Rèn luyện, trau dồi đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, góp phần hình thành một văn hóa sản xuất, kinh doanh hiện đại, văn minh và lành mạnh.

Bà cũng mong rằng đội ngũ doanh nhân trẻ sẽ tiếp tục truyền cảm hứng trong khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển sự nghiệp, lan tỏa năng lực tích cực đến cho các bạn trẻ.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 31/3/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Cần huy động sức mạnh, đổi mới tư duy để phát triển Phú Quốc

Pham Minh Chinh Phu Quoc

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết quyết định số 178 về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức sáng 31-3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định sau gần 20 năm (2004-2023) thực hiện quyết định 178, Phú Quốc phát triển vượt bậc, mạnh mẽ và trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.

Nhận diện lại tiềm năng Phú Quốc

Theo Thủ tướng, đến nay Phú Quốc có nhiều hơn, gồm: Phú Quốc hiện có tiềm lực được tăng cường hơn, hạ tầng chiến lược phát triển đồng bộ hơn; vai trò, uy tín và vị thế của Phú Quốc cũng hơn các điểm khác.

Thời cơ thuận lợi Phú Quốc được nhiều hơn. Song, đi kèm với đó, Phú Quốc còn nhiều khó khăn thách thức và chưa phát triển đúng tầm.

Phú Quốc đang phát triển nóng, có nhiều yếu tố thiếu bền vững, gồm: chưa có nhà máy rác thải đúng tầm, thu gom và xử lý rác thải; chưa có nhà máy xử lý nước thải.

Tiềm năng Phú Quốc lớn, nhưng cơ chế chính sách hạn hẹp; môi trường và nguồn nhân lực còn nhiều thách thức. Quản lý đất đai và giấy tờ mua bán viết tay người dân nhiều.

“Phú Quốc cần đánh giá và nhận diện đúng với tiềm năng khác biêt, cơ hội cạnh tranh, thời cơ cho sự phát triển. Phát huy tính tự lực tự cường, đi lên bằng bàn tay khối óc và Phú Quốc cần có tư tưởng biến không thành có, biến khó thành dễ và biến cái không thể thành cái có thể. Chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy; tư duy tốt ra nguồn lực tốt.

Khơi dậy, lan tỏa nâng cao khát vọng của Phú Quốc. Chúng ta phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, phát triển xanh, sạch đẹp, thành phố thông minh.

Chúng ta phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, tiếp tục chủ động, tạo sự chuyển biến, phát triển bền vững du lịch Phú Quốc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Cần thêm cơ chế đặc thù phát triển Phú Quốc

UBND tỉnh Kiên Giang cho biết gần 20 năm (năm 2004-2023), Phú Quốc đã thay da đổi thịt từ một đảo hoang sơ thành điểm đến du lịch biển đảo hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Doanh thu từ du lịch năm 2023 đạt 6.848 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội năm 2023 khoảng 21.615 tỉ đồng (năm 2004 chỉ khoảng 310 tỉ đồng).

Năm 2023, Phú Quốc thu ngân sách đạt 7.812 tỉ đồng. Đến nay, địa phương có hơn 320 dự án của nhà đầu tư với tổng vốn khoảng 20 tỉ USD.

Phú Quốc hiện phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: giao thương hàng hóa lệ thuộc đường biển, đường hàng không nên mất nhiều thời gian, chi phí vận chuyển và dễ bị cô lập khi thời tiết xấu.

Hạ tầng y tế, giáo dục chỉ đáp ứng phục vụ người dân trên đảo; nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu.

Đặc biệt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý đất đai ở Phú Quốc vẫn còn tồn tại những bất cập; một bộ phận cán bộ để xảy ra các sai phạm trong quản lý đất đai và trật tư xây dựng địa phương.

“Phú Quốc cần có thêm cơ chế đặc thù để phát triển đồng bộ về lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục, môi trường, đô thị. Địa phương mong muốn UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị đề xuất về bộ máy, con người để thực thi công việc tốt hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển Phú Quốc thời gian tới”, ông Huỳnh Quang Hưng – chủ tịch UBND TP Phú Quốc – đề xuất.

Để phát triển Phú Quốc, ông Đỗ Thanh Bình – bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang – cho hay Kiên Giang đề xuất ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng về cấp nước, xử lý rác thải, hạ tầng giao thông… với tổng nhu cầu khoảng 42.000 tỉ đồng.

Địa phương kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Kiên Giang cập nhật, bổ sung vào báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù chung cho vùng, trong đó có TP Phú Quốc.

  • Trang 6 báo Tuổi Trẻ ngày 31/3/2024

Khách quốc tế tăng cao, du lịch kỳ vọng thắng lớn

Với sự tăng trưởng đều của thị trường khách quốc tế từ tháng 10-2023 đến tháng 3-2024, doanh nghiệp Việt kỳ vọng 2024 sẽ là năm khởi sắc của du lịch với dòng khách này.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong tháng 3-2024 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,6 triệu lượt. Tính chung ba tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Lượng khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm đều đạt trên 1,5 triệu lượt mỗi tháng. Các thị trường có lượng khách lớn nhất bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản.

Khach quoc te tang cao

Khách quốc tế “áp đảo” khách nội địa

Sự tăng trưởng của khách quốc tế đến Việt Nam thể hiện rõ qua từng tháng. Nếu tại thời điểm bắt đầu mùa cao điểm khách quốc tế tháng 9-2023, du lịch Việt chỉ đón hơn 1 triệu lượt khách thì đến tháng 3-2024 lượng khách này đã đạt gần 1,6 triệu lượt.

Như vậy trung bình mỗi tháng lượng khách quốc tế tăng trên 100.000 lượt và đỉnh điểm trong ba tháng đầu năm 2024, mỗi tháng du lịch Việt phục vụ trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế.

Tại một số điểm đến, lượng khách quốc tế “áp đảo” khách trong nước. Theo thông tin của Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), lượng khách quốc tế đến với vịnh Hạ Long trong ba tháng đầu năm cao hơn 6,4 lần so với khách nội địa.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay vịnh Hạ Long đã đón tổng cộng hơn 600.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 529.000 lượt.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến thời điểm hiện tại nhiều du thuyền trên vịnh Hạ Long đã kín phòng đến hết tháng 4-2024. Trong đó chủ yếu là khách quốc tế đến từ thị trường châu Âu.

Ông Bùi Thanh Tú – giám đốc marketing BestPrice – cho biết dòng khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) của công ty tăng trưởng mạnh trong quý 1-2024. Theo thống kê của doanh nghiệp này, lượng khách quốc tế sử dụng các dịch vụ du lịch tăng 196% so với cùng kỳ năm 2023.

“Sở dĩ có sự tăng trưởng như vậy là bởi du lịch Việt có sự cạnh tranh về giá và tác dụng của các chính sách kích cầu du lịch được triển khai trong năm 2023. Thêm vào đó, Việt Nam cũng là điểm đến an toàn với nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách quốc tế”, ông Tú chia sẻ.

Cùng với đó, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ du thuyền trên vịnh Hạ Long cũng ghi nhận sự tăng trưởng từ 15-20% đối với dòng khách quốc tế. Riêng trong tháng 4-2024, phòng du thuyền trên vịnh Hạ Long của doanh nghiệp này đã kín chỗ.

Theo bà Phi Khuyên – trưởng phòng marketing Paradise Vietnam, doanh nghiệp luôn mong đợi và kỳ vọng vào khách quốc tế sẽ đến Việt Nam đông hơn nữa trong mùa cao điểm cuối năm 2024.

Hiện doanh nghiệp đã đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới trải nghiệm ở các sản phẩm đang vận hành, đồng thời cho ra mắt các sản phẩm du lịch mới, dự kiến các sản phẩm này sẽ được ra mắt vào quý 4 năm nay, cũng là cao điểm đón dòng khách quốc tế.

Du lịch phục hồi nhưng chịu sự cạnh tranh lớn

Những con số về lượng khách quốc tế đến Việt Nam, doanh thu từ dòng khách này là những tín hiệu cho thấy du lịch Việt Nam đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch đối với thị trường khách nước ngoài.

Bà Khuyên nhận định sự phục hồi của du lịch Việt đang chịu ảnh hưởng lớn bởi việc phát triển thị trường khách outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài), và cạnh tranh với các thị trường trong khu vực.

“Chẳng hạn, việc đồng yen giảm hơn 23% trong hai năm qua dẫn đến các gói du lịch Nhật Bản có chi phí cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.

Trong khi đó Thái Lan, bên cạnh các khuyến mãi du lịch còn mở rộng miễn thị thực của các thị trường lớn, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan và 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khách Mỹ, Úc… Điều đó đã giúp Thái Lan đón hơn 28 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, vượt mục tiêu đề ra.

Trung Quốc vốn là thị trường khách trọng điểm của Việt Nam những năm qua, đang tích cực đẩy mạnh khai thác du lịch nội địa hơn outbound. Vậy nên lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm nay vẫn chưa đạt mức kỳ vọng”, bà Khuyên chia sẻ.

Bên cạnh đó mùa cao điểm du lịch hè năm nay cũng được nhận định sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời điểm này sẽ giảm, khách Trung Quốc đến Việt Nam chưa đông và một lượng lớn khách nội địa chọn du lịch nước ngoài.

Để tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi của du lịch Việt và giữ vững tốc độ tăng trưởng như hiện tại, các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam cần có các giải pháp tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách quốc tế.

Đặc biệt, các doanh nghiệp kỳ vọng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn trên thế giới để thúc đẩy quảng bá điểm đến Việt Nam đến du khách và đối tác du lịch trên toàn cầu.

Qua đó, phát triển các sản phẩm du lịch mới và sáng tạo, tăng cường chuyển đổi số và phát triển du lịch bền vững, cũng như cải thiện hạ tầng du lịch và các chính sách liên quan đến visa để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế.

  • Trang 7 báo Tuổi Trẻ ngày 31/3/2024

Thấy gì khi quy mô kinh tế đứng thứ 35 thế giới

Quy mô GDP nền kinh tế nước ta đạt 435 tỉ USD, đứng thứ 35 thế giới, theo nhiều chuyên gia kinh tế là một tín hiệu đáng mừng.

Quy mo kinh te dung thu 35 the gioi

Nhưng Việt Nam có thể làm tốt hơn, có thể tăng trưởng ở mức cao hơn.

GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.280 USD/người

Phát biểu tại Bình Định mới đây, quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết Việt Nam hiện là điểm sáng trong phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Nước ta đứng thứ 35 trong top 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô kinh tế 435 tỉ USD.

“VN cũng nằm trong top 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới. Với độ mở nền kinh tế cao, đạt gần 200% so với quy mô GDP, Việt Nam là nền kinh tế năng động trong ASEAN”, quyền Chủ tịch nước khẳng định.

Trước đó, theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vào cuối năm 2023, quy mô GDP của nền kinh tế đến hết năm 2023 ước đạt khoảng 10,22 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 430 tỉ USD. GDP bình quân đầu người Việt năm 2023 đạt khoảng 101,9 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 4.284,5 USD/người/năm.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-3 tại Hà Nội cũng ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn.

Tăng trưởng GDP quý 1 của nền kinh tế ước đạt 5,66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các lĩnh vực dịch vụ du lịch có sự phục hồi ấn tượng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có những tín hiệu khởi sắc.

Có thể làm tốt hơn

Bàn về quy mô GDP hiện tại của nền kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt, viện phó phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đánh giá Việt Nam từ một nền kinh tế có trình độ phát triển thấp, sau gần 40 năm đổi mới đã đạt được quy mô GDP 435 tỉ USD là một thành tựu.

Việt Nam nằm trong khu vực Asean có vị thế địa chính trị hấp dẫn, độ mở của nền kinh tế rất lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi quy mô GDP, yếu tố này góp phần giúp tăng quy mô kinh tế trong thời gian vừa qua.

Sự thành công trong thu hút đầu tư FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng chung toàn nền kinh tế và cho thấy việc Việt Nam tích cực hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới đã đạt được những thành tựu, tác động đến tăng trưởng GDP, tăng thu nhập người dân.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nền kinh tế có quy mô GDP danh nghĩa đứng thứ 35 toàn cầu là điều đáng mừng, nếu tính GDP theo sức mua tương đương thì quy mô GDP của Việt Nam còn lớn hơn nữa.

Nhưng chúng ta không nên tự mãn vì chúng ta có thể làm tốt hơn, có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa. Hiện tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam nếu so với các nước và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan… vẫn chưa bằng.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Quốc Việt cũng thẳng thắn cho rằng nếu nhìn vào GDP bình quân đầu người, năng suất lao động thì Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực chứ chưa nói đến các nước trên thế giới.

Với quy mô dân số tương đối lớn, Việt Nam đang có lợi thế ở cả hai góc độ sản xuất và tiêu dùng.

Ở góc độ sản xuất Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ, dồi dào và giá rẻ trong khu vực. Còn từ góc độ tiêu dùng Việt Nam có thị trường trong nước 100 triệu dân, quy mô GDP nền kinh tế đạt khoảng 345 tỉ USD đã nâng mức độ phát triển của Việt Nam từ ngưỡng thu nhập thấp sang thu nhập trung bình.

Điều này góp phần làm tăng cầu tiêu dùng trong nước, những hàng hóa dịch vụ trong nước ở nấc thang cao hơn.

Vấn đề với nền kinh tế hiện nay, theo TS Nguyễn Quốc Việt là nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.

Điều này phụ thuộc vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động, chỉ số về đổi mới sáng tạo để giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

  • Trang 6 báo Tuổi Trẻ ngày 30/3/2024

Nhiều dòng vốn FDI vào Việt Nam

Ngày 29-3, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp trong nước và nhiều tỉ phú, nhà đầu tư quốc tế.

dong von FDI

Ông Phạm Anh Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chia sẻ tỉnh này đặt mục tiêu lọt vào nhóm dẫn đầu vùng duyên hải miền Trung, trở thành trung tâm công nghiệp, chế biến – chế tạo và dịch vụ du lịch của vùng và trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển, trọng điểm du lịch quốc gia.

Tỉ phú Singapore muốn đầu tư điện gió

Nhìn lại bước phát triển 10 năm trở lại đây, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách – tiền tệ quốc gia, đánh giá Bình Định là địa phương điển hình vượt khó. Xuất phát từ một tỉnh nghèo, Bình Định đã lột xác vươn lên, đổi thay từng ngày. 

Điểm nổi trội là thế mạnh du lịch và các khu kinh tế, khu công nghiệp tương đối khởi sắc. Ông Lịch đánh giá Bình Định là thị trường mới nổi với nhiều dư địa và cơ hội cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉ phú Cyril Dissescou, giám đốc điều hành Tập đoàn Nexif Ratch Energy SE Asia Pte. Ltd (Singapore), đánh giá Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên năng lượng tái tạo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đang dần trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của khu vực và là điểm đến ưa thích cho các nhà máy mới.

Theo ông, Quy hoạch điện 8 vừa được phê duyệt sẽ thúc đẩy phát triển ít nhất 16GW gió trên bờ, 6GW gió ngoài khơi và 4GW năng lượng mặt trời từ nay đến năm 2030. Trong đó, có khoảng 143MW công suất điện gió trên bờ được phân bổ tại Bình Định đến năm 2030. Đây là điều kiện thuận lợi để tập đoàn này mở rộng đầu tư tại Bình Định. Lãnh đạo Nexif Ratch Energy kiến nghị tỉnh Bình Định quan tâm, hỗ trợ thực hiện thủ tục đầu tư các dự án điện gió tại tỉnh này.

Dư địa thu hút FDI còn rất rộng mở

Tại hội nghị, ông Bader Almatroosh, đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), vui mừng khi biết lũy kế tới nay Việt Nam đã thu hút gần 500 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời đánh giá tiềm năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam thời gian tới.

Theo đại sứ, các doanh nghiệp UAE đang tích cực nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. UAE cũng là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông với kim ngạch thương mại song phương hiện vượt 8 tỉ USD.

Đánh giá về tiềm năng thu hút FDI, ông Vũ Tú Thành, phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, nói các doanh nghiệp Mỹ đang rất quan tâm tới Việt Nam, đặc biệt trong 5 năm gần đây. Nhìn nhận số vốn FDI Mỹ vào Việt Nam thời gian qua chỉ 15 tỉ USD so với tổng số 400 tỉ USD nước này đầu tư vào ASEAN, ông Thành đánh giá dư địa thu hút vốn FDI từ Mỹ còn rất rộng mở.

  • Trang 6 báo Tuổi Trẻ ngày 30/3/2024

GDP quý 1 vượt xa cùng kỳ nhiều năm trước

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố tại họp báo công bố số liệu kinh tế – xã hội quý 1-2024, ngày 29-3 tại Hà Nội cho thấy nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ, tốc độ tăng GDP cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2020-2023.

GDP Viet nam

Khu vực dịch vụ đóng góp trên 52% GDP

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1-2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu, nuôi trồng thủy sản đạt tăng trưởng tích cực.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1 khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao.

Mỗi tháng có 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Về hoạt động của doanh nghiệp, trong quý 1 cả nước có 59.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, bình quân một tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73.900 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, bình quân một tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nên quý 1 năm nay số doanh nghiệp cả nước giảm 14.100 doanh nghiệp.

Khách du lịch tăng vọt, xuất siêu ấn tượng

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 ước đạt hơn 4,6 triệu lượt khách, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Về thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index có xu hướng tăng mạnh so với cuối năm 2023. Tính chung quý 1, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.529 tỉ đồng/phiên, tăng 28,2% so với bình quân năm 2023.

Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1 theo giá hiện hành ước đạt 613.900 tỉ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 4,63 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xuất nhập khẩu quý 1 năm nay cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 93,06 tỉ USD, tăng 17%, nhập khẩu đạt 84,98 tỉ USD, tăng 13,9%, so với cùng kỳ năm trước. 

Theo đó, quý 1 cả nước xuất siêu 8,08 tỉ USD.

Cũng theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, lạm phát quý 1 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, giá vàng quý 1 cũng ghi nhận tăng 18,23%, giá USD tăng 3,97% so với cùng kỳ.

  • Trang 18 báo Tuổi Trẻ ngày 30/3/2024

Người nuôi cá anh vũ quý như vàng

Một người ở vùng núi Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) nuôi thứ cá có giá bán siêu đắt, cả chục triệu đồng mỗi kg. Loại cá đứng đầu “ngũ quý hà thủy” được đồn thổi quý như sâm, gọi là cá anh vũ.

Dọc sông Hồng từ ngã ba Bạch Hạc ngược dòng lên mạn bắc, xưa kia cá anh vũ và cá dầm xanh được kể lại như huyền thoại.

Nhất là anh vũ – loài cá mình tròn, vảy cá chép nhưng có cái môi sưng vếu lên như môi người bị ong đốt.

Ca Anh Vu

Chỉ một vài nhà hàng ở Việt Trì (Phú Thọ) và Hà Nội có bán loại cá này, giá cả lên tới cả chục triệu đồng mỗi kg. Thực khách sành điệu kháo nhau thịt cá anh vũ vừa ngon vừa như một vị thuốc đại bổ.

Nuôi cá anh vũ tiến vua trên đỉnh đèo

Trang trại nuôi “ngũ quý hà thủy” của ông Nguyễn Việt Hòa ở Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) lại ở cheo leo lưng chừng núi.

Chục năm trước, khu này chỉ là vài đám ruộng bỏ hoang, ngay gần đầu nguồn con suối của bản. Giờ đây, đám ruộng xưa là một hệ thống ao được xây kiên cố có thiết kế bậc thang. Có nhà kho riêng, vườn rau và cả khu nhà sàn để đón khách ngủ lại.

Khu trang trại có đủ năm loại “ngũ quý hà thủy” gồm cá anh vũ, dầm xanh, lăng, chiên và cá bỗng.

Nhiều nhất là lũ cá bỗng, con nào con nấy to như bắp đùi, hai má hồng ửng, ăn toàn bắp cải với rau rừng.

Lũ cá chiên lừ đừ như cây gỗ mục, loại này da trơn nhưng không có nhớt, thịt vàng ươm. Ít hơn là dầm xanh và anh vũ – hai loại này rất chậm lớn, chỉ sống ở vùng nước chảy, ăn rong rêu, phù du. Nuôi vài năm trời, con to mới bằng cổ tay.

Ông Hòa chỉ mấy con cá mới to bằng chuôi dao trong hốc đá: “Đàn này bán cả con trâu đi không đủ tiền mua. Con như này (bằng cái đít chén nước trà) đã hai triệu rồi”.

Trong hốc đá dưới đáy bể nước, dăm con cá có vảy giống cá chép nhưng mình tròn như cá trắm lại có cái môi sưng vếu lên như bị ong đốt đang chầm chậm chén mấy sợi rêu lởn vởn trước mặt. Loài này thịt chắc, con bằng cổ tay nhưng ruột nhỏ như que tăm. Bộ tiêu hóa bé xíu vậy bảo sao loài này nuôi mãi chẳng thấy lớn?

Cá anh vũ bán ngay tại trang trại trên lưng chừng núi này có giá 4 triệu đồng mỗi cân, về miền xuôi giá gấp đôi. Chúng tôi thử gọi điện đặt món cá anh vũ ở một nhà hàng ngay TP Việt Trì, cô lễ tân báo cá anh vũ loại hơn năm lạng có giá 10 triệu đồng mỗi cân.

Nhà hàng sẽ mổ hấp lá gừng hoặc làm món gì tùy khách đặt. Muốn ăn phải đặt trước hai ngày để nhà hàng “săn” cá.

Cá anh vũ là loài cá đứng đầu trong “ngũ quý hà thủy”. Nhiều tài liệu ghi lại loài này nổi tiếng vùng Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ), nơi ngã ba sông Hồng với sông Đà và sông Lô.

Thời vua Hùng, dân trong vùng đánh được cá quý dâng cho vua nên cá anh vũ vẫn được coi là một trong những loại cá tiến vua.

Ở quê ông Hòa, thời chưa có đập thủy điện, những cái vật (khúc sông nước quẩn) trên sông Gâm hay chân những con thác người dân đánh lưới vẫn bắt được cá anh vũ to bằng cổ chân. Hồi ông còn nhỏ có hôm lùa trâu xuống sông, chỗ chân con thác, cả đàn anh vũ giật mình lao lên mặt nước quẫy ùm ùm!

Chục năm trở lại đây gần như không thấy ai bắt được con anh vũ nào ngoài tự nhiên. Bọn trẻ lớn học cấp III cũng không biết cá anh vũ là con gì.

Chục năm tìm cá tiến vua cho “thượng đế”

Thế là chục năm trước, lão ngư Nguyễn Việt Hòa làm nhà bè ở một cái eo nhỏ trên hồ thủy điện. Thế nhưng bè cá trên hồ chỉ nuôi được mấy loại rô phi, cá trắm… bán đầy ngoài chợ. Giá rẻ, lại xa chợ, tính ra chẳng bõ công dãi nắng dầm mưa ngoài mặt hồ.

Ông Hòa gom góp những đồng vốn từ nuôi cá bè ngược lên Bắc Mê (Hà Giang) rồi xuôi Phú Thọ, Vĩnh Phúc, vào cả Thanh Hóa để tìm giống cá đặc sản.

Hơn năm sau, ông kiếm được ít giống cá nheo (một loại cá da trơn) và cá lăng đen. Hai loại này đều là đặc sản, bán được giá cao nhưng đòi hỏi nước chảy và sạch.

Vài tháng sau có người mách ông là ở Việt Trì có nơi bán giống cá anh vũ. Nghe điện thoại xong, ông vỗ bôm bốp vào miệng cái điếu thuốc lào reo lên như trúng xổ số.

Ít lâu sau, ao cá của ông Hòa có thêm hơn nghìn con cá anh vũ. “Nuôi loại này giống như trồng rừng ấy, lâu lắm! Nhưng càng lâu thì càng có gỗ tốt, bán được nhiều tiền”, ông Hòa cho hay.

Ông bổ đôi cây móc rừng làm máng dẫn nước suối vào ao, vác đá xếp dưới đáy tạo hang hốc cho cá ở. Ông dự định nuôi 4-5 năm, con nào to thì bán, ngày ấy mỗi con cá anh vũ to cỡ cổ tay bán được hơn triệu đồng. Các loại lăng, nheo, dầm xanh có giá vài trăm nghìn mỗi cân.

Thế nhưng trời không chiều lòng người. Ao cá bị rò không rõ lý do, đàn cá anh vũ và cá nheo vài nghìn con bỗng nhiên đi đâu sạch! Có người ở bản dưới chân núi bắt được con cá lạ “chưa thấy bao giờ”.

Họ bảo chắc đó là “cá ông Hòa”. Rồi nhiều con khác bị thương tơi tả. Con rách vây, con tróc vảy, rách mép, có con bị loài nào cắn dở phần thịt lòi ra nham nhở.

Hai vợ chồng ông Hòa vét ao kiểm tra. Nước cạn gần hết, trong một vài cái hang mới đào, có con cua đá càng to như ngón tay giương mắt lên nhìn, một bên càng đang cặp khúc thịt cá. “Lúc đấy chẳng còn nước mắt đâu mà khóc”, ông Hòa chua xót.

Mất mấy nghìn con tính ra cả tiền tỉ chứ có ít đâu! Mà có phải bão lũ, bệnh dịch gì đâu? Có tại mấy con cua thôi! Nó ăn cá của mình, lại còn đào hang thủng cả ao! Cá trôi theo lỗ thủng, chết thối um vườn cam nhà dân dưới bản”.

Từ đấy, ao cá được kiên cố dần. Những con anh vũ đầu tiên được bán với giá hai triệu mỗi cân. Thế rồi tăng lên hai triệu rưỡi rồi ba triệu, bốn triệu… Một cân cá anh vũ bằng cả con bò giống của bà con trong vùng rồi. Dân trong vùng không ai dám ăn, chỉ vài người hiếm hoi tìm đến mua làm quà biếu. Ông Hòa bán cho các nhà hàng tận Việt Trì, Hà Nội nhưng cũng không có mấy để bán.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 29/3/2024

Từ 1/7, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực khuôn mặt

Theo quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-7, người dân chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay. Quyết định này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi chuyển tiền.

Thời gian vừa qua, tình trạng người dân bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tiền xảy ra ngày càng nhiều, với đủ mọi thủ đoạn tinh vi. Nhiều người dân còn gặp phải trường hợp kẻ xấu tự xưng là cơ quan chức năng, dụ dỗ truy cập vào phần mềm và đường link có chứa mã độc.

Sau đó, những đối tượng này truy cập vào tài khoản ngân hàng, thậm chí chiếm quyền kiểm soát điện thoại để lấy sạch tiền trong tài khoản của người dân.

Để ngăn chặn tình trạng người dân bỗng dưng mất sạch tiền trong tài khoản, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rằng, từ ngày 1-7-2024, nếu người dân chuyển tiền bằng phương thức điện tử trên 10 triệu đồng/giao dịch thì phải xác thực bằng khuôn mặt. Quy định này được nêu tại quyết định 2345 mà Ngân hàng Nhà nước ban hành tháng 12-2023.

Cụ thể, khi giải pháp này được triển khai thực tế:

– Mọi giao dịch dưới 10 triệu đồng/lần thì xác thực bằng mã OTP.

– Chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần thì người thực hiện giao dịch phải xác thực bằng khuôn mặt.

– Nếu tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày thì phải xác thực bằng sinh trắc học.

Như vậy, khi tổng số tiền giao dịch trong ngày chạm 20 triệu, thì ở lần chuyển tiếp theo dù chỉ chuyển 1 đồng, người thực hiện giao dịch phải xác thực sinh trắc học mới được phép chuyển tiền.

Quy định này nhằm ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn. Nếu khách hàng không may bị kẻ gian lấy tiền trong tài khoản, thì số tiền bị mất tối đa là 20 triệu đồng.

Khuôn mặt để xác thực giao dịch không thể là hình ảnh cài trên điện thoại, người thực hiện giao dịch phải thực hiện các thao tác động để đảm bảo hình ảnh sống mới xác thực thành công. Ngoài ra, khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an quản lý.

  • Trang 7 báo Tuổi Trẻ ngày 29/3/2024

Vinfast mở bán SUV điện VF e34 tại Indonesia

VinFast Auto vừa thông báo chính thức mở bán VF e34, mẫu SUV điện phân khúc C phiên bản tay lái nghịch.

Vinfast mo ban VF e34 tai Indonesia

Đây là sản phẩm đầu tiên được VinFast mở bán tại thị trường Indonesia. Hãng xe điện Việt Nam cũng giới thiệu chính sách cho thuê pin độc đáo ở xứ sở vạn đảo, khẳng định cam kết giúp xe điện trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người.

Đánh dấu cột mốc mới trong chiến lược mở rộng tại các thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á, VinFast chính thức mở bán VF e34 từ ngày 28/03 tại Indonesia với giá niêm yết không kèm pin là 315.000.000 IDR (quy đổi ra tiền Việt khoảng 500 triệu đồng).

Với mục tiêu phổ cập di chuyển xanh và mạnh mẽ khẳng định năng lực cạnh tranh tại Indonesia, VinFast triển khai chính sách cho thuê pin độc đáo, mang tính đột phá, giúp giảm chi phí sở hữu ban đầu và chi phí vận hành hàng tháng. Theo đó, khách hàng sẽ đóng phí 1.500.000 IDR/tháng cho quãng đường di chuyển tối đa 3.000 km và 2.600.000 IDR/tháng cho quãng đường di chuyển trên 3.000 km. Như vậy, đối với những khách hàng di chuyển nhiều, chi phí thuê pin và sạc điện sẽ thấp hơn đáng kể so với chi phí vận hành xe xăng cùng phân khúc.

Về chính sách hậu mãi, VinFast VF e34 có chế độ bảo hành 10 năm cho xe. VinFast cũng sẽ bảo dưỡng và thay thế pin miễn phí nếu trạng thái tiếp nhận sạc của pin xuống dưới 70%, giúp xóa bỏ những lo ngại về tuổi thọ pin và chi phí sửa chữa, thay thế pin tiềm ẩn, mang đến trải nghiệm an tâm cho người tiêu dùng trong suốt quá trình sử dụng.

VinFast VF e34 có chiều dài cơ sở 2.611 mm, kích thước các chiều dài x rộng x cao là 4.300 x 1.793 x 1.613 (mm) và khoảng sáng gầm xe 180 mm. VinFast VF e34 được trang bị một động cơ điện có công suất tối đa 110 kW, mô-men xoắn cực đại 242 Nm cùng hệ dẫn động cầu trước. Xe sử dụng một bộ pin dung lượng 42kWh, quãng đường đi được sau một lần sạc là 318 km, phù hợp với nhu cầu di chuyển nội đô.

Mẫu xe được trang bị đầy đủ các tính năng an toàn, tiên tiến cùng loạt công nghệ thông minh, hướng đến người dùng như: hỗ trợ cập nhật phần mềm từ xa, hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói, tự động chẩn đoán và cảnh báo các vấn đề của xe, gọi các dịch vụ cứu hộ khẩn cấp, theo dõi tình trạng sạc pin, lịch sử hoạt động của xe, cảnh báo nguy cơ mất trộm, ghi nhớ thói quen sử dụng của người dùng…

Là mẫu xe nội đô đã thúc đẩy cuộc cách mạng giao thông xanh tại Việt Nam, VF e34 dự kiến sẽ trở thành lựa chọn thông minh và năng động, tạo nên phong cách sống mới cho cư dân đô thị và thúc đẩy sự phát triển của thị trường xe điện Indonesia. Dự kiến, những chiếc xe VinFast VF e34 đầu tiên sẽ được bàn giao cho khách hàng Indonesia vào Quý 2 năm nay.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, VinFast sẽ mở rộng hoạt động tại tối thiểu 50 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và châu Âu, VinFast đang mạnh mẽ tiến ra những quốc gia khu vực châu Á như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines cùng khu vực Trung Đông và châu Phi. Ngoài Việt Nam, VinFast cũng xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Mỹ, Ấn Độ và sẽ xây nhà máy tại Indonesia.

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 28/3/2024

TP.HCM đẩy nhanh các dự án trọng điểm cấp bách

UBND TP.HCM báo cáo kết quả triển khai nghị quyết 98, qua đó có các kiến nghị đẩy mạnh phân cấp một số lĩnh vực cho thành phố.

Thực hiện nghị quyết 98, TP.HCM kiến nghị đẩy mạnh phân cấp

UBND TP.HCM vừa báo cáo Văn phòng Chính phủ về kết quả thực hiện nghị quyết 98 của Quốc hội. Bên cạnh các kết quả đã và đang triển khai, TP.HCM cũng đã có các kiến nghị về dự thảo nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.

Theo đó, hiện dự thảo nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP còn nhiều nội dung chưa có sự thống nhất giữa bộ ngành và TP. Cụ thể, TP đề xuất dự thảo nghị định 49 nội dung. Bộ ngành góp ý lược bỏ 20 nội dung với lý do chỉ đưa vào dự thảo nghị định những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ. 

Những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, bộ ngành, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để Thủ tướng, bộ ngành phân cấp cho TP.

Đối với những nội dung mang tính chính sách hoặc hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thì không đưa vào nghị định phân cấp. Một số nội dung đã được quy định cụ thể trong luật, nếu đưa vào dự thảo nghị định của Chính phủ sẽ khác luật, chưa phù hợp thẩm quyền. 

Một số nội dung là cơ chế, chính sách hiện chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, chưa có quy định về thẩm quyền nên không thuộc đối tượng điều chỉnh tại dự thảo nghị định, do đó không đưa vào nghị định phân cấp.

Tuy nhiên, tại điều 11 nghị quyết 98 quy định, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với TP cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho TP. 

Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển TP. Mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND TP.HCM và UBND TP.HCM so với các quy định hiện hành.

Theo UBND TP.HCM, như vậy ngoài vấn đề về phân cấp, còn có các chính sách đặc thù nhằm cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho TP và điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Vì vậy, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục ủng hộ, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.

Vận dụng nghị quyết 98, triển khai nhiều dự án giao thông

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý 2-2024, UBND TP.HCM cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng nghị quyết 98 nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” của các ngành, lĩnh vực trong thực tiễn. Nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của trung ương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Về nội dung cụ thể, TP sẽ chỉ đạo các sở ngành, đơn vị triển khai đúng tiến độ đối với 6 nhóm nhiệm vụ theo kết luận của Thủ tướng tại hội nghị lần thứ 2 Ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết số 98. 

Trong đó, tập trung đôn đốc và phối hợp các bộ ngành hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai nghị quyết 98…

TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, cấp bách. Đó là các dự án như đường vành đai 3 TP.HCM, nút giao thông An Phú, mở rộng quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, nút giao thông Nguyễn Văn Linh -Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông Mỹ Thủy. Tuyến metro số 1 sẽ đưa vào vận hành trong quý 3-2024, đẩy nhanh tiến độ metro số 2.

Các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng sẽ được hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, thông qua chủ trương, phê duyệt dự án đầu tư. Bao gồm: dự án vành đai 2 (đoạn 4), vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ… Đặc biệt là 5 dự án áp dụng hợp đồng BOT theo nghị quyết 98.

ĐỨC PHÚ – THẢO LÊ

  • Trang 5 báo Tuổi Trẻ ngày 26/3/2024

Nhiều giải pháp cấp bách chống hạn, mặn ở miền Tây

Những ngày này, hạn hán và xâm nhập mặn đang bủa vây khốc liệt các tỉnh miền Tây. Nhiều tuyến đường sụp lún do hạn, mặn, việc nuôi trồng hải sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sáng 25-3, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát tình hình hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn các huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề.

chong han man o mien tay

Thiếu nước cho lúa

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, từ ngày 8-2 đến 1-3, xâm nhập mặn bắt đầu vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu có xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp nước sản xuất cho địa bàn huyện Long Phú và Kế Sách.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng – cho biết nhờ có kế hoạch triển khai sớm công tác phòng, chống hạn xâm nhập mặn ngay từ đầu mùa khô nên ngành nông nghiệp đã chủ động tạo mọi điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiễm mặn sản xuất thành công vụ lúa đông xuân 2023 – 2024.

Tuy nhiên, do giá lúa thời gian qua tăng cao, mặc dù đã có khuyến cáo nhưng một bộ phận nông dân tiếp tục sản xuất lúa đông xuân muộn (vụ 3) vào thời gian cao điểm diễn ra xâm nhập mặn nên nguy cơ rủi ro cao.

Tính đến ngày 23-3 tại huyện Long Phú, người dân sản xuất ngoài kế hoạch của ngành nông nghiệp khoảng 6.000ha. Trong đó, ghi nhận có khoảng 1.000ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn. Hiện nay, tuy nước vẫn còn trong hệ thống thủy lợi Long Phú – Tiếp Nhựt nhưng xâm nhập mặn rất gay gắt nên nguy cơ thiếu nước cho diện tích lúa sản xuất là rất cao.

Còn ông Trang Minh Tú – trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang – cho biết đến thời điểm này An Biên có trên 400ha diện tích nuôi tôm của bà con bị ảnh hưởng nặng do hạn hán kéo dài và độ mặn tăng liên tục. Bà con thả nuôi khoảng hai tháng phải thu hoạch sớm hơn so với bình thường.

“Nắng nóng gay gắt đã làm nhiều vùng nuôi tôm xuất hiện dịch bệnh làm tăng chi phí cho nông dân. So với năm 2023, năm nay nắng nóng kéo dài và độ mặn cao hơn nhiều” – ông Tú nói.

Người dân sắp “khát” nước

Tại Cà Mau, những ngày qua khô hạn đã làm hơn 14,5km lộ giao thông và nhiều bờ kè của người dân sụp xuống sông. Theo thống kê sơ bộ, số tiền thiệt hại do hạn mặn đã lên đến con số hơn 19 tỉ đồng. Không chỉ vậy, hạn mặn còn làm 3.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, một số nơi phải mua nước từ nơi khác chở đến với giá lên đến 50.000 đồng/m3.

Trước thực trạng hạn hán bủa vây, tỉnh Cà Mau đã lên phương án ứng phó để đảm bảo các giải pháp bảo vệ vùng sản xuất và khắc phục khó khăn cho người dân do thiếu nước gây ra.

Ông Phan Hoàng Vũ – giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh – cho biết Cà Mau đã lên phương án xin hỗ trợ khẩn cấp gần 40 tỉ đồng để đầu tư các bồn chứa nước và nối dài đường ống, sửa chữa các trạm cấp nước cho người dân.

Nếu được đầu tư, Cà Mau sẽ cấp phát 758 bồn nước cho 1.344 hộ dân cư sinh sống phân tán, không có dụng cụ chứa nước, thành lập 46 điểm cấp nước tập trung. Đối với gần 1.000 hộ dân sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước thì sẽ kéo dài đường ống khoảng 83,5km để người dân có nước sử dụng.

Lãnh đạo huyện Trần Văn Thời đã chỉ đạo các nơi bị ảnh hưởng nhiều bởi sạt lở, sụp lún đất cần chủ động khắc phục nhanh sự cố để người dân được đi lại dễ dàng hơn. Các tổ chức đoàn thể và người dân vùng ngọt ở Cà Mau những ngày này cũng đang tích cực khắc phục trước các điểm sạt lở nhỏ, các điểm sạt lở làm chia cắt các tuyến đường để người dân đi lại tạm thời.

  • Trang 11 báo Tuổi Trẻ ngày 26/3/2024

TP.HCM trao bảo trợ 10 tài năng trẻ

Tối 23-3 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam tổ chức lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 9 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng.

Dự chương trình có quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và anh Bùi Quang Huy – bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

10 tai nang tre ho chi minh bao tro

Các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng năm 2023 là những tấm gương điển hình, với bảng thành tích ấn tượng, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng.

Trong số 10 gương mặt, nổi bật là câu chuyện của anh Nguyễn Đức Cường (ca sĩ Đen Vâu) – từ chàng trai công nhân công ty vệ sinh môi trường, với tình yêu âm nhạc, anh đã trở thành rapper hàng đầu Việt Nam và truyền đi cảm hứng sống và cống hiến cho cộng đồng.

Hay tấm gương của bác sĩ Ngô Quốc Duy – phó trưởng khoa ngoại đầu cổ Bệnh viện K, đã có báo cáo đầu tiên tại Đông Nam Á triển khai thành công kỹ thuật cắt tuyến giáp bằng robot qua đường tiền đình miệng trong điều trị ung thư tuyến giáp. Đây là cột mốc đánh dấu sự phát triển của chuyên ngành ngoại khoa nói chung, cũng như trong phẫu thuật tuyến giáp tại Việt Nam.

Ca sĩ Đen Vâu nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 – Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Tại lễ trao thưởng, anh Bùi Quang Huy bày tỏ điều đáng mừng là đại bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay rất có chí tiến thủ, có ước mơ, hoài bão, có đạo đức tốt, xung kích, tình nguyện, sáng tạo, tham gia tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

“Đó chính là cơ sở quan trọng cho tính khả thi của khát vọng 2045” – anh nói và nhận định các gương mặt trẻ được tôn vinh hôm nay là những gương mặt điển hình cho lớp thanh thiếu niên đó.

Theo anh Huy, các gương mặt không chỉ xuất sắc đại diện cho khoảng 24 triệu thanh thiếu niên Việt Nam mà còn hội tụ ở một số điểm chung.

Đó là sự kiên trì, chăm chỉ, nghiêm túc, kiên định trên con đường mình đã lựa chọn. Đó là sự dấn thân, dám hành động, biết đưa những kiến thức mà mình đã dày công khổ luyện có được vào cuộc sống.

Từ những tấm gương được tôn vinh hôm nay, Ban Bí thư Trung ương Đoàn mong muốn các bạn thanh thiếu nhi hãy luôn nuôi dưỡng khát vọng, đặt cho mình một mục tiêu cao cả, nuôi dưỡng quyết tâm và đừng ngần ngại hành động để bước đến khát vọng của mình.

  • Trang 9 báo Tuổi Trẻ ngày 30/3/2024

Giúp được nhau là vui rồi !

Hai lần hộ chiếu của du khách bị thất lạc, hai lần cộng đồng chung tay nhanh chóng tìm vật rơi và trao lại người đánh mất. Giúp đỡ đúng cách khiến cho lòng tốt và sự tử tế được trọn vẹn.

  1. “Nhờ mọi người chia sẻ giúp, có anh này thất lạc một gói hàng chứa 30 cuốn hộ chiếu. Mỗi người một tay chia sẻ để ai nhặt được biết mà gửi về cho họ”.

Đó là dòng tin được chia sẻ tràn khắp các trang mạng xã hội ở Đà Nẵng từ chiều đến tối 28-3. Câu chuyện anh bưu tá đánh rơi kiện hàng chứa 30 cuốn hộ chiếu kèm visa của một công ty du lịch lan nhanh.

giup duoc nhau la vui roi

Lực lượng công an và người dân nơi những tuyến đường mà anh bưu tá đi qua cũng hỗ trợ trích xuất camera để tìm giúp. Ngay trong đêm, từ thông tin đọc được trên mạng, một người tốt đã tìm đến trả lại 30 cuốn hộ chiếu nhặt được bên đường.

Anh Nguyễn Thành (phó giám đốc Tổng công ty Du lịch Hanoi – chi nhánh Đà Nẵng) bày tỏ: “Tình người khiến cho tôi vô cùng xúc động, trân quý và biết ơn”.

Điều đặc biệt, khi chúng tôi tìm đến anh Tuấn là người đã nhặt được 30 cuốn hộ chiếu và mang trả lại, anh chỉ bảo rằng không có gì là to tát cả, việc nhặt của rơi trả lại người mất là lẽ thường tình. Anh từ chối chụp hình cũng không muốn nói nhiều về việc mình làm.

  1. Bốn năm về trước, 29 cuốn hộ chiếu đựng trong chiếc túi ni lông đã được tìm thấy ngay trong đêm nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng mạng Đà Nẵngvà những người nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn.

Anh Hậu là nhân viên của một công ty lữ hành, người bị thất lạc túi đồ năm đó, kể lại trong túi đồ bị thất lạc của anh ngoài 23 chiếc mũ du lịch còn có 29 cuốn hộ chiếu của du khách Đà Nẵng sẽ đi Hàn Quốc trên chuyến bay đêm mùng 1 Tết Canh Tý 2020.

Anh Hậu rối bời, đi dọc con đường Lê Duẩn để mong tìm lại túi hộ chiếu. Lúc ấy có người nhìn thấy anh với tấm bảng tìm đồ thất lạc đã đăng bài tìm kiếm giúp anh trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng. Biết tin, lãnh đạo Xí nghiệp quản lý bãi rác Khánh Sơn nhanh chóng rà lịch điều vận xe và khoanh vùng được khu vực thất lạc và tìm ra lái xe thu gom tuyến.

Dưới ánh sáng bãi rác và ánh đèn pin le lói, hàng chục người dân đang làm việc tại bãi rác này cũng lục tung bãi rác để tìm kiếm. Đến 24h, một phụ nữ tìm thấy 27 cuốn hộ chiếu đựng trong túi ni lông. Hai cuốn còn lại được người dân nhặt trên đường và cũng đã hoàn trả về với công ty của anh Hậu.

Thế nhưng khi nhận lời cảm ơn từ anh Hậu và công ty lữ hành, bà con bãi rác Khánh Sơn và những người quản lý bãi rác này chỉ nói đây là công việc bình thường, số giấy tờ đó có thể không là gì với chúng ta nhưng với người bị mất là cả công việc và cuộc sống. Giúp được nhau là vui rồi.

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 31/3/2024

TP.HCM phục dựng tượng vua Lê Lợi, đúc mới tượng Trần Nguyên Hãn

TP.HCM sẽ tiến hành đúc mới tượng cụ Trần Nguyên Hãn, còn tượng cũ sẽ được phục dựng để bảo quản, trưng bày.

Tuong tran nguyen han

UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận cho Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phục dựng tượng vua Lê Lợi về nguyên hiện trạng và bàn giao cho quận 6 trưng bày theo vị trí đề xuất của quận; phục dựng tượng cụ Trần Nguyên Hãn về nguyên hiện trạng và chuyển giao cho ban quản lý công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc tiến hành bảo quản, lưu trữ. 

Đồng thời, đúc khuôn tạo bản sao âm bản tượng cụ Trần Nguyên Hãn phục vụ việc đúc tượng mới khi có chỉ đạo của UBND TP.

UBND TP giao UBND quận 6 tiếp nhận tượng vua Lê Lợi sau khi phục dựng và chủ trì phối hợp cùng các đơn vị để đặt tượng, thi công bệ đặt tượng theo đúng quy định, đảm bảo hài hòa, phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực tại vị trí phù hợp trên địa bàn quận. 

TP cũng giao ban quản lý công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc tiếp nhận tượng cụ Trần Nguyên Hãn và bảo quản, lưu trữ đảm bảo yếu tố lịch sử, trang trọng, khoa học.

Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã báo cáo UBND TP.HCM về công tác thực hiện kiểm định chất lượng tượng vua Lê Lợi và tượng cụ Trần Nguyên Hãn.

Về tổng thể, tượng vua Lê Lợi còn nguyên vẹn. Bề mặt ngoài có dấu hiệu phong hóa nhẹ. Lớp bề mặt tượng nứt vỡ cục bộ, một số vị trí để lộ cốt thép hoen gỉ và xuất hiện nhiều lằn nứt nhỏ trên bề mặt tượng. Các vết nứt nhỏ (chân chim) trên toàn bộ tượng…

Ngoài các vị trí hư hỏng cục bộ như trên thì tổng thể tượng có lớp bê tông vững chắc. Vì vậy, theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, tượng vua Lê Lợi có kết cấu vững chắc và hoàn toàn đủ điều kiện tái lập.

Với tượng Trần Nguyên Hãn, về tổng thể tượng không còn nguyên vẹn. Bề mặt ngoài có dấu hiệu phong hóa nhẹ, lớp bề mặt tượng nứt vỡ cục bộ. 

Tuong tran nguyen han 2

Một số vị trí để lộ cốt thép hoen gỉ, xuất hiện nhiều lần nứt nhỏ trên bề mặt tượng. Cánh tay phải đỡ chim bồ câu bị gãy rời, phần thanh kiếm và cánh tay có dấu hiệu đứt gãy.

Tại vị trí chân ngựa lộ ra cốt sắt đã bị mục… Do kết cấu tượng rỗng, sau thời gian dài chịu nắng mưa ngoài trời nên cốt thép bên trong tượng bị nước mưa xâm thực gây gỉ sét. 

Vì vậy, việc xử lý các hư hỏng của tượng rất phức tạp và tốn nhiều chi phí. Trường hợp phục dựng tượng, di dời đặt trên bệ cao, tác động của gió lớn sẽ không đảm bảo an toàn.

Tượng đài được xây dựng từ trước năm 1965 bằng kết cấu bê tông cốt thép, trải qua thời gian dài đặt ngoài trời nên đã có biểu hiện xuống cấp về kiến trúc. 

Kết cấu chịu lực, cốt thép bên trong tổng thể tượng bị gỉ sét, nhiều bộ phận của tượng ở trạng thái nguy hiểm”, báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nêu.

Vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đề xuất thực hiện phục dựng tượng cụ Trần Nguyên Hãn và trưng bày lâu dài. 

Đồng thời, sở sẽ tiến hành đúc khuôn tạo bản sao phục vụ đúc tượng Trần Nguyên Hãn mới thay thế tượng đài hiện hữu bằng tượng có kết cấu bền vững hơn (đúc đồng, tạc đá…). Việc này được thực hiện khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

  • Trang 16 báo Tuổi Trẻ ngày 28/3/2024

Biết ơn khán giả ân nhân

Khán giả là ân nhân của nghệ sĩ? Có lẽ với nhiều người, suy nghĩ đó có phần nghiêm trọng.

Biet on khan gia

Nhưng phim Sáng đèn và gánh hát Viễn Phương luôn dùng bốn chữ “khán giả ân nhân” khi nói về những người xem hát, xem phim.

Trên fanpage của phim Sáng đèn, khi đăng lại các bài viết về phim, nhà sản xuất cũng ghi bốn chữ “khán giả ân nhân”.

Sáng đèn hài hước và xót xa

Khán giả đến rạp có hàng ngàn gương mặt, hàng ngàn tâm tư, đâu phải ai cũng đồng cảm cùng bộ phim.

Ngày xưa, như bức tranh về gánh hát cải lương Viễn Phương rong ruổi miền Tây mà bộ phim xây dựng, khán giả đến với mỗi buổi diễn hẳn không phải ai cũng tâm đắc với nghệ thuật cải lương. Nhưng những người nghệ sĩ trong gánh hát vẫn một lòng “khán giả ân nhân”.

Khi chỉ lác đác vài người đến xem một đêm diễn tỉnh lẻ đìu hiu giữa bãi đất trống, nghệ sĩ vẫn trang điểm cầu kỳ, khoác lên mình những bộ trang phục diêm dúa và khi ra diễn không một giây nào thiếu tôn kính khán giả. 

Biet on khan gia 2

Tình tiết đó trong Sáng đèn vừa hài hước vừa xót xa. Nếu không phải vì một lòng coi khán giả là ân nhân thì chẳng nghệ sĩ nào làm được như vậy.

Sáng đèn là bộ phim thiếu may mắn, thiếu khá nhiều yếu tố để thu hút khán giả đến rạp đông (hiện doanh thu mới đạt trên 2,4 tỉ đồng – theo Box Office Vietnam).

Khi phim ra mắt dịp Tết, suất chiếu vốn đã ít ỏi nên không có cơ hội nào để bật lên.

Đến nay, khi phim dời lại và chiếu vào ngày 22-3 vừa qua, tưởng đã tránh được “bom tấn” lớn Godzilla x Kong: Đế chế mới (29-3 mới ra rạp) thì lại gần như chìm nghỉm trước cơn sốt Quật mộ trùng ma – phim kinh dị Hàn Quốc bất ngờ làm mưa làm gió ở rạp Việt, sắp sửa thành phim Hàn có doanh thu lớn nhất mọi thời đại ở Việt Nam.

Và số phận phim Sáng đèn ở phòng vé gợi nhớ đến gánh hát Viễn Phương trong phim: có những đêm diễn rất vắng khán giả, nhưng ông bầu (NSƯT Hữu Châu đóng) và các nghệ sĩ vẫn một lòng “sáng đèn”, dù cũng khó thăng hoa bằng những đêm đông nghịt khán giả.

Tiếc câu hát “Hò xự xang xê cống líu hò”

Gánh hát Viễn Phương từng tan rồi lại hợp (nhờ một nữ khán giả giàu có một lòng yêu cải lương), nhưng cũng như ngoài đời, gánh tồn tại được hay không là phụ thuộc vào tấm lòng của đông đảo khán giả ân nhân.

Điều này đâu phải cứ muốn, cứ có tiền là quyết định được, nên các nghệ sĩ của Sáng đèn mới một lòng biết ơn đến vậy.

Tiếc cho Sáng đèn, tiếc cho câu hát “Hò xự xang xê cống líu hò” đầy cảm xúc trong bài hát nhạc phim Sáng đèn đã không đến được với nhiều khán giả hơn.

“Ngoài đó tôi đời thường nhưng nơi đây tôi là vua, tôi là chúa, tôi ca và múa/ Lụa là xiêm y phấn son/ Ánh sáng lên soi cho tôi vào vai diễn”. 

Đây là nỗi niềm không chỉ của nghệ sĩ ngày xưa mà còn ngày nay nữa, dù ngày nay hầu như không còn những gánh hát rong ruổi phương xa mưu sinh buồn tủi, bám trụ với nghề vì một tình yêu ít toan tính.

“Mình cũng là giới trẻ, cũng từng chẳng mặn mà gì với cải lương. Vậy mà xem xong đau đáu lắm, thương dữ lắm!” – khán giả tên Thủy Tiên viết về phim.

Nhóm người đến rạp xem Sáng đèn, dù thực sự rất ít ỏi, cũng khiến các nghệ sĩ có thêm động lực sống trọn tình với “khán giả ân nhân”.

  • Trang 17 báo Tuổi Trẻ ngày 27/3/2024

“Bông hồng” chạy khắp thế gian

Tháng 3-2023, chị Nguyễn Tiểu Phương ghi dấu khi là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công sáu giải marathon danh giá nhất thế giới. Tiểu Phương đang hằng ngày truyền cảm hứng, đam mê thể thao đến cộng đồng qua mỗi bước chạy.

10 năm trước, World Marathon Majors (sáu giải marathon lớn nhất thế giới bao gồm: Tokyo, London, Berlin, Boston, Chicago, New York) vẫn còn là khái niệm xa vời với cộng đồng chạy bộ Việt Nam. Và rồi một thế hệ runner – bằng sự đam mê, nhiệt huyết đã từng bước chinh phục đỉnh cao của giới chạy marathon. 

Bong hong chay khap the gian

Trong đó, cái tên Nguyễn Tiểu Phương (51 tuổi, TP.HCM) luôn được cộng đồng chạy bộ nhắc đến với sự ngưỡng mộ. Tháng 3-2023, chị Tiểu Phương đã trở thành người Việt đầu tiên hoàn thành cả sáu giải marathon (42,195km) lớn nhất hành tinh (World Marathon Majors).

Quyết tâm từ một câu nói

Ngày 26-3, chị Tiểu Phương mới trở về Việt Nam sau khi tham dự Los Angeles Marathon 2024. Tuy không danh giá bằng hệ thống sáu giải Majors, nhưng Los Angeles Marathon lại là giải đấu đặc biệt ra đời từ kỳ Olympic năm 1984 của nước Mỹ. Với những runner luôn hừng hực khí thế chinh phục thử thách như Tiểu Phương, đó là thách thức xứng đáng để “xách giày lên và đi”.

Những ai suy nghĩ rằng mình đã không còn trẻ trung để chạy bộ đường trường có thể sẽ thay đổi suy nghĩ nếu lắng nghe câu chuyện của chị Tiểu Phương. Năm 2019, khi đã 46 tuổi, chị Phương mới lần đầu tiên tham dự một giải thuộc World Marathon Majors. Và bốn năm sau (trong đó có hai năm gián đoạn vì dịch COVID-19), chị hoàn thành toàn bộ sáu giải đấu. Tất nhiên, để có thể đủ chuẩn tham dự mọi giải đấu thuộc hệ thống Majors là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài.

“Năm 2013, khi bước sang tuổi 40, tôi tự thưởng cho mình một chuyến đi du lịch đến New York (Mỹ). Tình cờ cũng là thời điểm thành phố này đăng cai giải chạy marathon, thuộc hệ thống các giải Majors. Đó là một sự kiện rất lớn, tôi chụp hình và khoe với một HLV người nước ngoài ở Việt Nam. Ông ấy nói nguyên văn với tôi: “Những người được dự giải này đều là “quái vật” cả, còn những người bình thường như chúng ta không thể nào làm được đâu”, chị Tiểu Phương kể.

Câu nói vô tình từ người bạn nước ngoài đó lại khiến chị Phương day dứt khôn nguôi. Trở về Việt Nam, chị Phương bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về chạy bộ. Với công việc là HLV tại một trung tâm thể hình có tiếng ở TP.HCM, chị Tiểu Phương vốn đã có sẵn một vóc dáng thon gọn cùng nguồn thể lực dồi dào. Nhưng chạy marathon là một thử thách hoàn toàn khác.

Nửa năm tiếp theo, người mẹ một con này tự tìm tòi mọi thứ trên con đường chạy. “Thời điểm đó, phong trào chạy bộ ở TP.HCM và Việt Nam chưa được như bây giờ. Khi đó ở Sài Gòn mới chỉ có hai nhóm chạy bộ. Vì vậy, tôi cũng như mọi người, đều phải tự mình tìm hiểu xem chạy thế nào mới đúng tư thế, ăn thế nào mới chuẩn… Dần dà, mọi người tham gia các nhóm chạy nhiều, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để cùng tiến bộ”, chị Phương kể.

Hai năm sau, chị Phương bắt đầu tham gia các giải chạy marathon, với hành trang là… vô số những lần chấn thương từ đầu gối, lưng. Nhưng đó đều là những kinh nghiệm quý giá trên con đường chinh phục các mục tiêu lớn hơn.

Lan tỏa tình yêu thể thao đến cộng đồng

Một ngày sau khi Los Angeles Marathon 2024 kết thúc, Facebook của Tiểu Phương tràn ngập những hình ảnh sắc màu, khi nữ runner khoe dáng trên đường chạy trong… bộ váy hồng. Không chỉ có body hoàn hảo, gương mặt xinh đẹp, bước chạy của Tiểu Phương vô cùng mạnh mẽ. Ở chị toát lên tinh thần thể thao, không chỉ khỏe mà còn đẹp, đầy sức sống.

“Ước mơ của tôi là phát triển cộng đồng chạy bộ nữ lớn mạnh. Mọi người cũng biết, phụ nữ ít nhiều gặp khó khăn khi đến với thể thao. Đó có thể là những vấn đề về thể chất, rào cản trong tư tưởng. Khi cộng đồng không đủ đông đảo, phụ nữ cũng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm kiến thức cho bản thân”, chị Phương chia sẻ.

Một năm qua, chị Tiểu Phương cùng nhiều nữ runner nổi tiếng khác ở Việt Nam chung tay gây dựng dự án cộng đồng giúp 100.000 phụ nữ chạy 5km. “Vì sao là 5km, vì đó là cự ly vừa phải với những người mới bắt đầu, và cũng đủ để chí ít có thể giúp cơ thể khỏe mạnh”, chị Phương nói. Song song đó, chị còn thành lập một CLB nhỏ mang tên Pink (màu hồng).

Ở đó, mọi người cùng chia sẻ với nhau về lối sống lành mạnh, niềm đam mê thể thao.

“Điều kiện để các chị em tham gia CLB Pink là họ phải chạy được 5km. Một người, nếu có thể chạy 5km cho thấy họ ít nhất cũng đã có ý thức rèn luyện sức khỏe. Sau đó, họ cũng bắt đầu đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều người sẽ gặp chấn thương, rồi nản chí, hoặc không biết phải vượt qua thế nào. 

Chúng tôi muốn chung tay với nhau để giúp mọi phụ nữ có thể tận hưởng việc chơi thể thao đúng cách. Hồi còn trẻ, tôi cũng không thể nào ngờ một phụ nữ có gia đình, có công việc ổn định như mình lại có thể tham gia những giải chạy hàng đầu thế giới”, chị Phương chia sẻ.

Với nguồn năng lượng dồi dào nhờ thể thao, hằng ngày chị Tiểu Phương tất bật kiếm sống, tiết kiệm tiền cho những chuyến đi. Trong hành trình đó, bước chân của chị đã in dấu khắp nơi trên thế giới, lan tỏa niềm đam mê thể thao đến phụ nữ và cộng đồng.

Tháng Ba 24, 2024

Thầy Tôi

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 7:38 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười bốn, kỳ 1 tháng 4 năm 2024.

THẦY TÔI

Phạm Thị Hoàn

Lời dẫn của Phạm Tôn: Chúng tôi vô cùng đau buồn thông báo với bạn đọc quí mến của Blog PhamTon là khi bạn đọc bài viết xúc động này thì tác giả là bà Phạm Thị Hoàn, người con thứ 10 trong 16 người con của Học giả Phạm Quỳnh đã tạ thế tại Yerres (Pháp) nơi bà định cư từ nửa thế kỷ nay. Bà mất lúc 1:30 ngày 30/10/2011.

Ong Chau ba Hoan

Bà Phạm Thị Hoàn sinh năm Dần (1926) tại Hà Nội. Bài này bà đọc trong lễ tưởng niệm 100 năm sinh thân phụ tổ chức tại Paris năm 1992, sau bài diễn thuyết nổi tiếng của giáo sư Phạm Thị Nhung Cô Kiều với Phạm Quỳnh.

Nhiều năm bà cùng chị là Tiến sĩ Phạm Thị Ngoạn lo việc bảo quản và lựa chọn cho xuất bản các tác phẩm của phụ thân bằng tiếng Việt và cả tiếng Pháp. Bà thường nói: “Cứ nhìn những dòng chữ của cha in trong Tạp chí Nam Phong ố vàng vì thời gian mà đau lòng”. Từ đó, bà cùng chị cho xuất bản nhiều sách có ích cho đời sau như: Phạm Quỳnh – 1892-1992 Tuyển tập và Di cảo – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh, nhà xuất bản An Tiêm, 1992, Paris (Pháp). Tập Hành trình nhật ký bao gồm các du ký nổi tiếng Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ Pháp Du hành trình nhật ký được xuất bản thành sách lần đầu tại Paris năm 1997, cũng do bà Hoàn giữ bản quyền, nhà xuất bản Ý Việt (Pháp); sau đó in lần thứ hai tại San Jose (Mỹ) năm 2002 do nhà xuất bản An Tiêm. Sách bằng tiếng Pháp, hai bà cho in các tập Le Vietnam – À la Croisée Des Civilisations (Việt Nam – ở giao điểm các nền văn hóa), Le Vietnam – Problèmes Culturels et Politiques (Việt Nam- những vấn đề văn hóa và chính trị), Vietnam- L’Âme et L’Essence (Việt Nam – Tâm hồn và Bản chất) ở nhà xuất bản Ý Việt (Pháp), sau này, năm 2007, nhà xuất bản Tri Thức (Hà Nội) đã tổ chức dịch in thành sách Phạm Quỳnh-Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Essais 1922-1932)…

Sau khi chồng là nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, cháu nội chí sĩ Lương Văn Can mất được vài năm, bà đã đi theo ông, hưởng thọ 85 tuổi.

*

*       *

Từ ngày lọt lòng đến năm lên bốn, tôi đã sống những ngày tháng êm lặng trong một khung cảnh gia đình yên hàn vô sự, bên Thầy Me và các anh các chị. Yên hàn vô sự đến mức quãng đời đó không ghi lại trong tâm khảm tôi một chút kỉ niệm nào!

Năm tôi lên năm, một sự kiện quan trọng đã thay đổi dòng đời của cả gia đình. Thầy tôi vào Huế làm việc và toàn thể gia đình đều rời Hà Nội đi theo.

Từ đó, cuốn “băng” kí ức trong tôi đã lần lượt ghi dấu những chặng đường nặng vết kỉ niệm, từ thời thơ ấu đến ngày nay.

Kỉ niệm đầu tiên là ngày nhập học trường Đồng Khánh, sau một tháng đến Huế. Ngày đó, theo trí nhớ của tôi, chắc chắn không phải là ngày khai trường, vì các “trò” trong lớp tôi, tức là lớp năm, toàn là một đám “ma cũ” cả. Họ gọi nhau “Tụi bây ơi, trò mới tụi bây ạ” rồi xúm quanh tôi, kẻ thì yên lặng “chiêm ngưỡng”, kẻ thì gợi chuyện, líu la líu lô giọng Huế tôi không hiểu kịp: “Ra chơi ù mọi với tụi tui không?” “Có biết chơi tàu bay không?” “Hay là chơi thẻ?”. Từng đó trò chơi các bạn mới đề nghị, tôi đều lắc đầu, vì không hiểu gì cả! Tôi nghe bàn tán: “Ngó bộ ngờ ngơ dữ!”

Trống đánh tan học buổi sáng, ai nấy đều sắp hàng lấy nón ra về. Thấy tôi vẫn “ngờ ngơ”, vài cô bé thương hại đến hỏi: “Rứa ba mạ trò có tới đón trò không?”. Tôi cũng chả hiểu gì, và vẫn “ngờ ngơ”, nước mắt chảy ròng, tìm chả thấy bóng dáng hai chị đâu để chạy theo hầu thoát cảnh hỏi cung này. Một cô bé tiến lại gần, giọng dịu dàng: “Rứa trò có hiểu “ba mạ” là chi không?”. Tôi lắc đầu, thì cô ta thở dài, tự nói “Hèn chi!” Và quay lại tôi giải nghĩa: “Ba mạ là cha mẹ mình. Rứa trò kêu ba mạ trò là chi?”. “Là Thầy Me”. Thế là cả bọn rũ ra cười và tôi lại được nghe giải thích: “Thầy là thầy giáo dạy học mình, đâu có sanh ra mình mà mình kêu thế cha mình được…”.Vừa lúc đó hai chị tôi ở lớp nhất và lớp nhì ra, đến đón tôi cùng về. Thấy tôi không được vui, hai chị yên chí là lần đầu tiên đi học trường, hẳn là nhớ nhà, nhưng đâu có hiểu được nông nỗi khổ tâm của tôi.

Trong đầu tôi cứ lẩn vẩn câu hỏi: “Tại sao tôi lại gọi cha tôi bằng Thầy?”. Bạn nói: “Thầy dạy mình chứ không sanh ra mình”, thật là chí lí. Thêm đó, tôi nhận thấy gọi “cha mẹ” bằng “ba mạ” nghe dễ thương hơn, thấy có sự thân mật gần gũi hơn, thấy “tân tiến” hơn chữ “Thầy”, nghe nghiêm khắc xa vời quá.

Về đến nhà, tôi chạy tìm ngay bác tài Mai để kể nỗi thắc mắc của tôi. Bác tài Mai là người vẫn đưa đón Thầy tôi đi làm và là người bạn độc nhất của tôi những ngày mới bước chân đến nhà Hậu Bổ ở Huế. Bác Mai ôm tôi vào lòng, vừa vuốt tóc tôi vừa nói: “Đừng có lo, có phải ai cũng gọi “cha” là “ba” mô, “ba” là bắt chước Tây đó; tui đây, tui kêu cha bằng “chú”, vợ tui kêu cha bằng “dượng””. Từ ngày đó tôi yên tâm, vì gọi cha bằng chú hay bằng dượng thì cũng “tức cười” như gọi cha bằng Thầy vậy.

Nhưng lớn lên, tôi càng nghiệm thấy không từ nào có thể đẹp và ý nghĩa bằng chữ “Thầy” khi áp dụng cho cha tôi. Chữ “Thầy” là hình ảnh sống động của cha tôi với các tính từ: chững chạc, mực thước, ôn hoà, ân cần, đôn hậu,…Và từ ngày khôn lớn, tôi đã suy tôn cha tôi qua chữ “Thầy” đáng kính và đáng mến đó.

Thầy tôi thờ chủ nghĩa “Trung Dung” nên giáo huấn con cái trong một khuôn khổ không nghiêm khắc như các cụ thời đó. Chứng cớ là tôi đã ra ngoài khuôn khổ xưa mà xưng với Thầy Me tôi là “em” chứ không xưng “con”. Còn nhớ trưa mùa hè năm ấy, khi “người ta đến đón” Thầy tôi đi, tôi còn chạy theo Người, nói với: “Thầy ơi, em lên gác lấy Magnésie Bismurée cho Thầy nhé”. Và được Thầy tôi quay lại dịu dàng nói: “Thầy không cần, chiều thầy sẽ về”. Ngày nay, ngồi viết lại dòng này, nước mắt tôi chan hoà thương cho mình lúc gia biến còn có phản ứng che chở cho cha và thương cho cha đã ngây thơ tin chiều sẽ trở về.

Thầy tôi dạy dỗ các con không theo lề lối xưa “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Vì chúng tôi không bao giờ bị ăn roi. Và cái “ngọt” cái “bùi” thì cũng quá thầm kín, chứ không lộ liễu như tôi đây, mỗi tối con trai tôi lên chúc mẹ ngủ ngon vẫn được nghe mẹ nựng: “Mẹ yêu em lắm, mẹ quý em lắm, em có biết không?”. Tôi nhận thấy Thầy tôi rất công bằng, mười ba người con, không hề thiên vị thương con nào hơn. Vào Huế, tôi có thêm ba em, hai gái một trai. Tôi nhận thấy chiều nào đi làm về, Thầy tôi cũng xuống ngay nhà ngang thăm em bé, đặt em bé xuống giường, lấy hai tay vuốt từ đùi xuống chân, hoặc nắn hai cánh ta trở ngược lên vai, vừa vuốt vừa nựng: “Vươn vai chóng nhớn, vươn vai chóng nhớn”. Tôi được chứng kiến Thầy tôi “tỏ tình” với các em bé nên cũng yên trí là các anh chị tôi và tôi cũng đều đã được chăm sóc như vậy.

Thầy tôi khuất núi, tôi mới tìm đọc đến sự nghịêp văn chương của Người. Thật là muộn màng đáng tiếc! Nhưng từ lâu tôi vẫn tự hỏi sao trong lúc sinh thời, Thầy tôi không bao giờ nói về mình với các con? Người ưu tư gì, Người khát vọng gì, Người tranh đấu gì, tư tưởng của người được người đương thời ủng hộ hay chống đối?… Thầy tôi chỉ chăm lo cho các con học hành tấn tới, dìu dắt các con sống trong một gia phong nền nếp. Thậm chí đến tạp chí Nam Phong hay các bài diễn văn của Thầy tôi, tôi cũng không được nghe Thầy tôi nói đến bao giờ!

Viết đến đây, một kỉ niệm “cười ra nước mắt” đã sống lại trong ký ức tôi: năm đó, tôi học đệ tam, trong giờ Pháp văn bà Sogny giảng một đoạn trong quyển Tuyển Tập của Pujarniscle: bài “La Poésie Annamite” (Thơ ca An Nam). Bà gọi tôi đọc nửa đoạn đầu, rồi bảo tôi cho ý chính đoạn đó cùng phê bình văn. Tôi còn nhớ câu đầu “Nous voguions lentement sur la Rivière des Parfums…” (Chúng tôi chèo thuyền từ từ trên sông Hương…) và kế tiếp là tả cảnh tả tình hay quá, lời văn nhẹ nhàng, lại có chút lẳng lơ lãng mạn khi tả giọng cô lái đò đưa câu hò mái đẩy, tiếng lanh lảnh vang trong tịch mịch. Tôi thao thao bất tuyệt nói cảm tưởng và hết lời khen tác giả. Bà Sogny chắc phải lấy làm lạ sự “mẹ hát con khen hay” của tôi. Sau khi tôi dứt lời, bà hỏi ngay: “Chắc hẳn trò biết tác giả bài này chứ?”. Không chút ngần ngại, tôi thản nhiên trả lời: “Thưa không”. Bà trợn tròn xoe đôi mắt dưới cặp kính dày: “Thật à, trò không biết thật à?”. Sau lưng tôi, các bạn khúc khích cười và nhắc tôi: “Của Ông Cụ mi đó”. Tôi chột dạ, lật qua trang sau thì quả nhiên chữ Phạm Quỳnh nổi bật ở cuối trang sách! Nào tôi có hay đâu, có bao giờ Thầy tôi bảo tôi đọc tác phẩm của Người đâu! Ai đó đọc đến dòng này chắc cũng ngạc nhiên không kém bà Sogny và các bạn đồng lớp của tôi thời đó.

Ngày nay, ngược dòng thời gian, thấy thương Cha vô cùng. Lúc nào cũng cô đơn, vượt cạn một mình, không tâm sự cùng ai. Âu đó cũng là thái độ của người tự trọng, biết lãnh trọn trách nhiệm, những nỗi ưu tư lo lắng một mình mình biết một mình mình hay, gánh vác mọi việc không hề muốn cho vợ con phải bận tâm. Tội thương! Cả đến lúc vô cùng đớn đau phải lìa đời, cũng một mình chịu đựng, mười ba người con mà không có được một mảnh khăn xô khóc cha! Con sông Bồ, ngọn núi Hắc Thú là mảnh đất Việt cuối cùng đã tiễn đưa cha tôi qua thế giới bên kia, một đêm thu lạnh năm Ất Dậu, dưới không độ tình người…

Thương cha đứt ruột!

Tôi không bao giờ thấy Thầy tôi ca thán giận hờn, hoặc bộc lộ sự vui mừng quá mức. Tôi biết thầy tôi vui những lúc người rung đùi ngâm thơ trước ấm trà độc ẩm hoặc đem Nhị Độ Mai, Kim Vân Kiều ra đọc cho Me tôi nghe. Hay vui hơn nữa, thì gợi ý Me tôi họp mạt chược. Còn những lúc buồn lo hay bất mãn chuỵên gì, tôi đoán là những lúc Thầy tôi nói bác tài Mai đưa xe lên chùa Vạn Phước. Trên đó, Sư Cụ luôn luôn để sẵn ngoài hành lang chánh điện một cái ghế xích đu. Thầy tôi thường nghỉ ở đó, tìm di dưỡng tinh thần trong giọng trầm nhẹ của lời kinh hoà tiếng mõ đều đều của khoá kinh chiều. Và như thế đến tối mịt mới về.

Tôi được diễm phúc có nhiều kỉ niệm với thầy tôi. Các chị đi ở riêng sớm, mấy em sau còn nhỏ lúc thầy tôi bị nạn, sát tôi trên dưới là hai trai, nên chỉ có tôi là con gái đúng tuổi để sai vặt: tôi chuyên cắt móng tay cho Thầy tôi và mỗi lần như vậy, Thầy tôi lai nói đùa: “Thầy là một nhà nho để móng tay ngắn”. Riêng câu đó cũng chứng tỏ Thầy tôi luôn dung hoà cái xưa và cái nay. Trong xã hội xưa, quan niệm về thứ bực bốn giới sĩ nông công thương thật bất di bất dịch, nhưng Thầy tôi đã không câu nệ trật tự xưa mà chấp nhận anh cả tôi vào Nam mở tiệm cơm. Hồi đó cũng có lắm kẻ dị nghị: “Sao Ông Cụ lại để ông con cả lấy nghề của chú ba Tàu?” Tôi có nhiệm vụ vặn đĩa hát cho Thầy tôi nghe khi người nghỉ trưa. Không biết tôi lúc đó có thấy hay hay không, chỉ nhớ như in là buồn ngủ quá mà không dám ngủ, vì đĩa hát cổ, máy hát cổ, luôn luôn phải thay kim, thay đĩa, lên giây cót…Nhưng những điệu Nam Ai, Nam Bằng, Tứ Đại Cảnh, hò mái nhì mái đẩy… và những bản ca trù, hát nói, chèo cổ, Kiều lẩy, Tần cung oán…đã in trong tiềm thức tôi, khiến lớn lên tôi càng mê những giai điệu cổ điển đó, nhất là trong thời gian sống xa quê hương…

Công việc thứ ba của tôi là đọc sách, cứ hai ngày đọc một quyển dày! Thầy tôi quả là một “mọt sách”. Cả một thư viện gồm sách Việt, Pháp và Hán văn có giá trị, đã bị đem ra bán cân ngoài 00 sau khi chúng tôi phải rời căn nhà yêu thương ở An Cựu ra Hà Nội!

Thầy tôi không hề tâm sự với ai. Đó là điều chúng tôi nhận thấy trong những năm sống bên Người.

Nhưng tôi đã lầm.

Năm 1942, anh họ tôi Phạm Trọng Nhân có dịp đến thăm Thầy tôi ở Huế. Chuyện trò giữa chú cháu có bề xúc tích hơn giữa cha con và qua câu chuyện cái mũ ni anh Nhân tôi kể lại, Thầy tôi đã để lộ tâm trạng thầm kín khi chỉ cái mũ ni bằng len đang đội và nói với anh họ tôi: “Thời buổi này, đội cái mũ ni che tai vừa ấm vừa yên”. Đó là tâm sự rồi!…

Cách đây non bốn mươi năm, chúng tôi có được đọc một bức thư Thầy tôi viết cho một người bạn Pháp vào cuối năm 1933, tức là một năm sau khi rời toà báo Nam Phong vào Huế. Đại khái Thầy tôi nói: Tôi đã chọn con đường của tôi. Tôi là một người ở buổi giao thời, giao thời giữa Đông và Tây, giữa quá khứ và tương lai, giữa một trạng thái chính trị do sự chiếm đóng gây nên và do đó đã sai lầm tận gốc và một trật tự mới, trong tương lai sẽ kính trọng phẩm giá con người hơn, nhưng sự kiện này không thể tạo lập ra được trong chốc lát. Vì thế, tôi cố gắng dung hoà những mâu thuẫn đó để giúp sức vào một sự tiến hoá khôn khéo đưa đến một tổng hợp trọn vẹn, lẽ tất nhiên tôi bị va chạm vào sự hiểu lầm của người đời (Chúng tôi nhấn mạnh – PT). Vì thế cuộc mạo hiểm phiêu lưu của tôi, đôi khi không khỏi có một tính cách thảm thương! Đó là tâm sự rồi!… Đọc qua bức thư, tôi hiểu Thầy tôi hơn, thương Thầy tôi hơn, kính phục Thầy tôi bội phần: tiên đoán được tính cách bi thảm của cuộc dấn thân mà vẫn dấn thân!…

Trong một cuộc phỏng vấn Thầy tôi vào tháng 6 năm 1945 do nhà báo Nguyễn Vạn An ghi dưới nhan đề Tôi đã gặp Phạm Quỳnh ở biệt thự Hoa Đường, Thầy tôi tiết lộ: “Trong một thời gian ra làm quan, tôi tự nhận thấy thâu thái học hỏi thêm được “nhân tình thế thái” rất nhiều. Ngày nay trở lại nghiệp cũ, có lẽ ngòi bút của tôi sẽ được dồi dào phong phú hơn xưa” … “Suốt một đời tôi đã phụng sự cho văn học, thì ngày nay, không vì lẽ gì tôi lại không muốn trở lại cái đời cầm bút đã bị một thời gian bỏ dở”… “Trong nền văn hóa chúng ta đang vun quén tạo lập, phải làm nảy nở được mầm tư tưởng quốc gia. Chúng ta đã chẳng làm việc để tìm cho được một Tổ quốc mà phụng sự là gì?”… Đó là tâm sự rồi!… Nhưng, nỗi niềm tâm sự thầm kín nhất, Thầy tôi đã giãi bày trên ngót năm mươi trang giấy học trò, gom dưới nhan đề Kiến văn cảm tưởng: Hoa Đường tùy bút. Quyển vở này ngẫu nhiên gia đình tìm thấy trên bàn viết của Thầy tôi, mở ở trang chót, có cái bút Waterman còn chặn ngang trang giấy viết dở bài cuối tựa Cô Kiều với tôi. “Cô Kiều với tôi” là niềm tâm sự mới thoát trên giấy trắng mực đen, nhưng, than ôi, ngàn kiếp mãi mãi còn dang dở…

Năm mươi trang giấy học trò đã được nghe Thầy tôi thủ thỉ niềm tâm sự của con tim chán chường với Nhân tình thế thái, với Con người hiểm độc, hay Anh chàng khoác lác. Trong những ngày hè nóng nực của Ất Dậu năm đó mà đọc Keyserling, thuật Keyserling, theo Thầy tôi nói, thì quyết không phải là một tiêu khiển. Thầy tôi đã đọc, đã thuật Tư tưởng Keyserling và ghi cảm tưởng là “Để kỉ niệm mấy ngày nóng nực lạ thường, giữa lúc thần trí bâng khuâng, lan man nghĩ ngợi những đường kia nỗi nọ xa gần…” Thần trí bâng khuâng, lan man nghĩ ngợi đã dẫn người đến với Lão Hoa Đường, để tiếc “phận nho quèn” mà không biết như Lão Hoa Đường “quyết chí ẩn dật” để giữ lấy tiết tháo thanh cao. Và lan man nữa đến tìm an ủi nơi cụ Tiên Điền Nguyễn Du, cảm như đây là người cùng hội cùng thuyền! Còn tâm sự gì nữa qua cô Kiều? Thầy tôi khi trẻ giữ để bụng, lúc về chiều lại muốn thoát ra cho nhẹ, thì oan nghiệt của số phận đã bắt thác phải mang theo!

Còn Thầy tôi?

Thầy tôi đã phải ra đi

Trước mắt tôi! …

Bất lực, tôi cúi đầu chịu oan khiên của định mệnh

…Để đánh dấu một trăm năm sinh nhật của Thầy tôi, tôi mạo muội ghi chép vài kỉ niệm nho nhỏ gắn liền thầy tôi với tôi.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi dám cầm bút “viết thư” tâm sự với các “bạn” chưa được quen biết.

Nhưng, chỉ cần nghĩ là “bạn” cũng đã cảm thấy sự khoan dung và thông cảm rồi!

Tôi xin thành thật cám ơn người “bạn” đã đọc đến những dòng này

Yerres, Pháp, 1992.

P.T.H.

(Trích Thầy Tôi, báo Ái Hữu, số 115, tháng 6-1992, Paris, Pháp)

Phạm Quỳnh có quan hệ thế nào với Dưỡng Am Phạm Hội – Dã Thảo

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 7:37 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 4 năm 2024.

PHẠM QUỲNH QUAN HỆ THẾ NÀO

VỚI DƯỠNG AM PHẠM HỘI?

Dã Thảo

Dưỡng Am Phạm Hội (1791-1854) là người làng Hoa Đường, xã Lương Đường, huyện Đường An (Nay là làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang), Hải Dương. Cả làng chỉ có độc một nghề là nghề dạy học. Sau ông đến cư ngụ ở thôn Tự Tháp, huyện Thọ Xương (Nay là quãng phố Hàng Trống và phố Nhà Thờ), Hà Nội.

Năm 1819, niên hiệu Gia Long thứ 18, ông đỗ cử nhân, làm quan đến chức giáo thụ. Được vài năm thì lấy cớ mẹ già và bản thân bị bệnh “sơ cuồng” (tức là hơi điên!), xin cáo quan về nhà, mở trường Dưỡng Am dạy học, ở địa điểm nay là tòa soạn báo Nhân Dân, 71 phố Hàng Trống. Trường này là một trong những trường đông học sinh nhất Hà Nội. Sau đó, trường bị cháy mới chuyển về phố Châm Cầm. Ngoài dạy học, ông còn trước tác. Tác phẩm của ông có Dưỡng Am tạp lục (ký hiệu Văn-A.1066, Thư viện Khoa học Trung ương), và theo Viện Hán Nôm mới cho biết thì còn có khoảng 3000 bài thơ nữa.

Phạm Hội có hai đời vợ và một bà thiếp. Đến năm 40 tuổi mới sinh được một trai, đặt tên là Khiêm Trai Phạm Ngạch. Ba mươi hai tuổi, ông Ngạch đỗ tú tài; có hai con đều chết khi mới 17 tuổi. Nên khi ông Ngạch mất, ông nội Phạm Quỳnh được thừa tự gia sản của cụ Phạm Hội để lại: một căn nhà nhỏ hình ống ở số 1 phố Hàng Trống, là một trong bốn căn nhà ở Hà Nội do học trò xây dựng nên để thờ thầy. Vì cụ Dưỡng Am cũng như các thầy thời ấy, đều dạy học mà không thu học phí, chỉ nhận quà cáp học trò tùy tâm biếu mà thôi: khi thúng gạo, lúc con gà, mớ cá, bó rau…sống đạm bạc.

Chính tại căn nhà số 1 phố Hàng Trống này, Phạm Quỳnh đã chào đời. Và “tam đại đồng đường” sống ở đấy nhiều năm, trước khi bán lại cho Nguyễn Bá Trác, chủ bút phần Hán văn trên báo Nam Phong và gia đình chuyển sang sống ở số nhà 17 cùng phố. Những con trai, gái đầu của vợ chồng Phạm Quỳnh đều sinh tại nhà số 1 này.

Dưỡng Am Phạm Hội dù có số tác phẩm lớn như vậy, nhưng chưa được nghiên cứu đánh giá, cho nên ông không có tên trong Từ điển văn học (bộ mới) của nhà xuất bản Thế Giới (2004), chỉ có tên trong Lược truyện các tác gia Việt Nam tập I (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1971) và Tìm hiểu các tác gia Hán Nôm Hải Hưng, do Nguyễn Nhã biên tập, Ty Văn hóa Hải Hưng – Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh xuất bản năm 1973.

31.8.2009

D.T.

Tháng Ba 16, 2024

Trên quê hương yêu dấu (kỳ 1 tháng 3 năm 2024)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:20 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 3 năm 2024

TRÊN QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 14/3/2024

Không để lọt những người chạy chọt, tham nhủng vào Trung ương khóa XIV

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…

Xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh

Ngày 13.3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban cho ý kiến về một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng.

Theo Văn phòng Trung ương Đảng, phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng.

Theo đó, Tổng Bí thư cho rằng, việc xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải bảo đảm yêu cầu: Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu. Bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục.

Không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ.

Đặc biệt chú trọng các vấn đề như: Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia – dân tộc.

Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.

Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tụy với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi.

Có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.

Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới tại lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; qua thực tiễn tỏ rõ là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể, rõ rệt; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công. Có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.

“Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (“chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”)” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và nêu rõ “kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn”.

Không để lọt người tham vọng quyền lực, xu nịnh, kê khai tài sản không trung thực

Tổng Bí thư cũng lưu ý, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có một trong các khuyết điểm sau:

Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh;

Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình;

Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị;

Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút;

Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính;

Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 15/3/2024

Đề nghị Trung Quốc tuân thủ hiệp định vịnh Bắc Bộ

Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra phản ứng, sau khi có thông tin Trung Quốc tuyên bố xác lập đường cơ sở tại vịnh Bắc Bộ gần đây.

Hiep dinh vinh bac bo

Ngày 14-3, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhận được câu hỏi liên quan động thái của Trung Quốc đối với vịnh Bắc Bộ.

Theo đó, bà Hằng được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đã tuyên bố xác lập đường cơ sở tại vịnh Bắc Bộ gần đây.

Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiếp giáp vịnh Bắc Bộ.

Ngày 25-12-2000, hai nước đã ký kết Hiệp định về phân định vịnh Bắc Bộ và hiệp định này đã có hiệu lực vào ngày 30-6-2004 để xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mỗi nước trong vịnh Bắc Bộ.

Việt Nam cho rằng các quốc gia ven biển cần tuân thủ Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) khi xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Theo đó, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, bao gồm quyền tự do hàng hải, quyền quá cảnh qua các eo biển sử dụng cho hàng hải quốc tế và phù hợp với UNCLOS.

Cũng theo bà Hằng, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

“Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc và UNCLOS 1982”, bà Hằng nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Ngoại giao cũng khẳng định Việt Nam bảo lưu quyền và lợi ích pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế, cũng như quan điểm đã nêu tại tuyên bố ngày 6-6-1996 của Chính phủ Việt Nam liên quan đến tuyên bố ngày 15-5-1996 của Chính phủ Trung Quốc công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc.

Duy Linh

  • Trang 18 báo Tuổi Trẻ ngày 14/3/2024

Tên anh đã thành tên phố phường bất tử

Một liệt sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma (Trường Sa) vào ngày 14-3-1988 đã được đặt tên cho tuyến đường ở ngay quê hương liệt sĩ. Tên anh mãi ở trong lòng người dân.

Ten anh thanh ten bat tu 1

Người nhận vinh dự này là Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương – thiếu úy, phó chỉ huy trưởng đảo đá Gạc Ma.

Càng đặc biệt hơn khi tuyến đường được chọn lại nằm chính trên quê hương của liệt sĩ Phương tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Trong trái tim người dân, việc liệt sĩ Trần Văn Phương được đặt tên đường cũng là cách để không chỉ liệt sĩ này mà cả nỗi đau mang tên Gạc Ma sẽ mãi mãi trở thành bất tử trong lòng dân nước Việt.

Gạch nối giữa quê hương và biển cả

Ten anh thanh ten bat tu 2

Chiều trước ngày kỷ niệm trận chiến bi hùng ở Gạc Ma, anh Trần Văn Hiệp, em trai của liệt sĩ Trần Văn Phương, cứ thấp thỏm hồi hộp. Khoảng mười năm lại đây, vào những dịp tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma, anh đã khá quen với việc sẽ có nhiều đồng đội và chính quyền về trước phần mộ của liệt sĩ Phương tại nghĩa trang phường Quảng Phúc cùng tổ chức lễ tưởng niệm trong ngày này.

Nhưng năm nay, một sự kiện còn đặc biệt hơn sẽ diễn ra trong dịp kỷ niệm mà ngay chính anh Hiệp cũng không bao giờ hình dung ra. Đó là việc tên liệt sĩ Trần Văn Phương được đặt cho một tuyến đường ngay tại phường Quảng Phúc.

Mấy hôm trước khi quyết định này được chính quyền thị xã Ba Đồn thông báo, anh Hiệp lặng lẽ vào trước bàn thờ anh trai và người mẹ vừa qua đời mấy tháng trước thắp nén nhang. Anh nói mình phải báo tin cho anh và mẹ việc này để ở nơi xa anh trai và mẹ biết được niềm vinh dự lớn lao.

Không thể cầm lòng, ngay trong chiều 13-3, anh Hiệp đã tìm đến tuyến đường sẽ mang tên anh trai mình vào ngày mai. Anh nói thật ra tuyến đường này với anh rất quen thuộc vì cách nhà hơn cây số và gắn liền với tuổi thơ của cả hai anh em, nhưng anh vẫn xuống xe đi bộ từng bước như muốn tìm lại chút ký ức.

Không chỉ anh Hiệp mà một người em trai khác của liệt sĩ Phương ở tận TP.HCM là Trần Văn Hồng cũng đã tức tốc trở về quê trong sáng 13-3 để kịp dự sự kiện tên anh mình được đặt cho tuyến đường.

Tuyến đường được chính quyền thị xã Ba Đồn chọn đặt tên liệt sĩ Trần Văn Phương nằm ở tổ dân phố Mỹ Hòa, dài khoảng một cây số chạy dọc bờ sông Gianh dẫn ra cửa biển. Theo chính quyền địa phương, không phải ngẫu nhiên mà tuyến đường này được chọn. Vì đường này hướng từ phía nhà của liệt sĩ Phương chạy ra hướng biển như là một gạch nối giữa nơi sinh ra tại quê hương và nơi liệt sĩ ngã xuống khi bảo vệ đảo đá Gạc Ma giữa biển cả thiêng liêng của Tổ quốc.

“Anh Phương cùng 63 đồng đội đã nằm lại giữa biển vào ngày 14-3-1988 sau loạt đạn của tàu Trung Quốc. Anh không thể trở về thì giờ tên anh đã hiện diện trên quê hương mỗi ngày và mãi mãi. Đây cũng là sự động viên, niềm tự hào lớn lao với gia đình tôi, quê hương tôi”, anh Hiệp xúc động bày tỏ.

Tuyến đường của niềm vinh dự và tự hào

Lễ gắn bảng tên đường mang tên Trần Văn Phương chính thức diễn ra vào sáng 14-3, nhưng từ chiều 13-3 công tác chuẩn bị đã được chính quyền địa phương thực hiện.

Một nhóm dân địa phương tại tổ dân phố Mỹ Hòa (phường Quảng Phúc) đã có mặt để phát quang một số vị trí có cây cối dọc tuyến đường. Một khu vực khá rộng sát bờ sông Gianh đã được san bằng phẳng để làm nơi diễn ra buổi lễ gắn bảng tên đường cũng như lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Bảng tên đường và cột trụ cũng được chuẩn bị sẵn để gắn vào đế trụ ở ngay vị trí đầu đường.

Chiều 13-3 dù chưa chính thức nhưng nhiều người dân địa phương đã háo hức đổ ra tuyến đường này để xem việc chuẩn bị đặt tên đường. Với những người dân ở đây thì cái tên thiếu úy Trần Văn Phương đã quá thân thuộc và như một niềm tự hào.

Ông Nguyễn Văn Tình, ở tổ dân phố Mỹ Hòa, rất háo hức lẫn xúc động. Ông Tình kể mình cũng từng là bộ đội hải quân cùng thời với liệt sĩ Phương. Và sau trận hải chiến Gạc Ma vào tháng 3-1988 thì hơn nửa năm sau đó ông được cử ra lại đảo Cô Lin. Đây là nơi chiếc tàu HQ505 và các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã lao lên đảo đá ngầm này để biến thành pháo đài thép bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chính vì có mặt tại đảo này, bước vào chiếc tàu 505 với chi chít lỗ đạn nên ông Tình hiểu được sự khốc liệt của trận chiến không cân sức ở thời điểm đó. Và vì thế ông càng tự hào hơn về những liệt sĩ đã hy sinh vì bảo vệ đảo Gạc Ma, trong đó có thiếu úy Trần Văn Phương – bạn cùng quê với ông.

“Đây là vinh dự và cũng là ghi nhận sự hy sinh của liệt sĩ Phương, nhưng cũng là niềm tự hào chung của người dân Quảng Phúc vì đất này đã đóng góp cho đất nước một người anh hùng”, ông Tình trải lòng.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 12/3/2024

Việt Nam – Canada khai mạc khóa huấn luyện sĩ quan tham mưu Liên Hiệp Quốc

Ngày 11-3, khóa huấn luyện sĩ quan tham mưu Liên Hiệp Quốc năm 2024, do Việt Nam và Canada đồng tổ chức khai mạc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Hà Nội).

Đồng chủ trì lễ khai mạc có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình – phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam – và Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil.

Si quan Tham muu Viet Nam Canada

Với sự tham gia của 64 giảng viên, điều phối viên và học viên, khóa huấn luyện sĩ quan tham mưu Liên Hiệp Quốc trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn căn bản về công tác tham mưu quân sự Liên Hiệp Quốc cấp sở chỉ huy phái bộ cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các nước đối tác.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác và huấn luyện quân sự (MTCP) của Canada, nhằm chuẩn bị triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc trên cương vị sĩ quan tham mưu Liên Hiệp Quốc.

Qua đó nhằm góp phần nâng cao năng lực tổ chức các khóa huấn luyện chuyên sâu quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và phát triển đội ngũ giảng viên về gìn giữ hòa bình tại Việt Nam. Đồng thời tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Canada và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Tại khóa học, các học viên được trang bị kiến thức cơ bản về Liên Hiệp Quốc và hoạt động gìn giữ hòa bình như: môi trường hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, cơ cấu tổ chức phái bộ, các cơ quan tham mưu phái bộ, cơ sở pháp lý và hướng dẫn quy định hoạt động của phái bộ (quy tắc sử dụng vũ lực, luật nhân đạo quốc tế, thỏa thuận về quy chế lực lượng).

Cùng với đó là nguyên tắc hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, chỉ huy và kiểm soát, công tác tham mưu tác chiến, bảo vệ dân thường, hỗ trợ nhân đạo, quan hệ truyền thông, giải giáp vũ trang, giải trừ quân bị và tái hòa nhập cộng đồng, thu thập, phân tích thông tin tình báo và điều phối quân – dân sự.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình chia sẻ trong 10 năm qua, quá trình chuẩn bị và triển khai lực lượng tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, quý báu từ phía Canada, nhất là trong lĩnh vực huấn luyện, đào tạo nâng cao năng lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Canada đồng tổ chức khóa huấn luyện sĩ quan tham mưu Liên Hiệp Quốc, và cũng là khóa huấn luyện chuyên sâu quốc tế về gìn giữ hòa bình lần thứ tư do hai nước đồng tổ chức tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc” – ông Bình nhấn mạnh.

Đánh giá cao mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Canada trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, đặc biệt là việc ký bản ghi nhớ về lĩnh vực gìn giữ hòa bình Việt Nam – Canada vào năm 2023, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil nêu rõ khóa huấn luyện lần này đã góp thêm một minh chứng về mối quan hệ hợp tác quốc phòng ngày càng phát triển giữa hai nước trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Hà Thanh

  • Trang 12 báoTuổi Trẻ ngày 12/3/2024

Giáo sư Nguyễn Đình Đức vào hội đồng biên tập tạp chí quốc tế uy tín

Đầu tháng 3-2024, giáo sư Nguyễn Đình Đức chính thức trở thành thành viên hội đồng biên tập tạp chí quốc tế về khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ, Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan.

Nguyen Dinh Duc

Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết giáo sư Nguyễn Đình Đức – chủ tịch hội đồng Trường đại học Công nghệ, phó chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, giám đốc Phòng thí nghiệm vật liệu và kết cấu tiên tiến – vừa chính thức trở thành thành viên hội đồng biên tập tạp chí quốc tế về khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ – Journal of Aerospace Science and Technology, Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan).

Đây là một trong những tạp chí quốc tế hàng đầu có trong danh mục SCI index, top 5%, rất có uy tín và chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ hàng không – vũ trụ.

Thành viên ban biên tập tạp chí là các nhà khoa học xuất sắc trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ hàng không vũ trụ từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Ý, New Zealand, Trung Quốc… và Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam có vinh dự này.

Hiện tại, giáo sư Nguyễn Đình Đức là thành viên hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế trong danh mục ISI thuộc những nhà xuất bản có uy tín, như: tạp chí Aerospace Science and Technology (Nhà xuất bản Elsevier); tạp chí Mechanical Engineering Science (Proc. IMechE Part C, Nhà xuất bản SAGE); tạp chí Mechanics of Composite Materials và tạp chí Mechanical Science and Technology (Nhà xuất bản Springer); tạp chí Applied Mathematics and Mechanics (Zeitschrift für Angewandte Mathematik und Mechanik, Nhà xuất bản WILEY); tạp chí Cogent Engineering (UK, Nhà xuất bản Taylor & Francis); tạp chí Science and Engineering of Composite Materials (Nhà xuất bản De Gruyter)…

Đồng thời, ông đã công bố trên 350 bài báo, công trình khoa học, trong đó có hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín.

Từ năm 2019 đến nay, ông liên tiếp lọt vào top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới và top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ (Engineering and Technology) – đứng thứ 85 thế giới trong năm 2023.

Cũng từ nhiều năm nay, giáo sư Nguyễn Đình Đức là người Việt Nam duy nhất đang làm việc trong nước được Research.com xếp hạng nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong lĩnh vực Engineering and Technology.

Nguyên Bảo

  • Trang 20 báo Tuổi Trẻ ngày 12/3/2024

Chủ tịch ANZBC: Hãy làm ăn ở Việt Nam

Chủ tịch Hội đồng kinh doanh ASEAN – New Zealand (ANZBC) Kathleen Morrison kêu gọi doanh nghiệp New Zealand đến Việt Nam làm ăn, khi bà điều phối cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với gần 20 doanh nghiệp hàng đầu New Zealand và thế giới.

Hay lam an o viet nam

Bà Morrison cho rằng sự hiện diện của Thủ tướng cùng nhiều bộ trưởng cho thấy sự coi trọng và tạo động lực cho doanh nghiệp New Zealand đến Việt Nam. Bà Morrison dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn bên lề tọa đàm.

* Tại tọa đàm ngày 11-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và nêu ra những lĩnh vực mong muốn có những dự án cụ thể của New Zealand ở Việt Nam như kinh tế xanh, kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao… Bà đánh giá thế nào về điều này?

– Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính là rất rõ ràng.

Ông đặc biệt quan tâm đến việc tìm kiếm khả năng kết nối thương mại tốt hơn giữa các công ty New Zealand và Việt Nam.

Sự hiện diện đông đảo của phái đoàn do Thủ tướng dẫn đầu là một tín hiệu đối với các doanh nghiệp New Zealand, rằng chúng ta nên đáp lại lời kêu gọi từ Việt Nam bởi vì các bạn đang rất nghiêm túc trong việc khai phá dư địa trong lĩnh vực thương mại song phương.

Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, dân số đông và đều mang lại nhiều lợi ích cho các công ty New Zealand.

Cả hai nước chúng ta có nhiều ngành có thể bổ sung cho nhau một cách chặt chẽ. Thật tốt cho các doanh nghiệp New Zealand khi hôm nay họ có thể nói chuyện trực tiếp với Thủ tướng và các bộ trưởng Việt Nam, cũng như gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp khác cho những cơ hội hiện có cũng như trong tương lai.

Cuộc tọa đàm đã tạo ra sự hào hứng và năng lượng để theo đuổi những cơ hội đó.

* Vậy ưu tiên của ANZBC với Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là gì sau chuyến thăm của Thủ tướng, thưa bà?

– Chúng tôi xác định ASEAN mà trong đó có Việt Nam sẽ là đối tác thương mại rất chiến lược và rất tốt để các doanh nghiệp New Zealand khám phá.

Năm ngoái, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand đã đặc biệt dành nhiều sự quan tâm đến khu vực này, chủ yếu bởi vì những cân nhắc liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh như vậy, việc có một đối tác thương mại gần hơn về mặt địa lý là điều hợp lý và Đông Nam Á cũng như Việt Nam là một điểm đến nhiều tiềm năng chưa khai phá.

Chúng tôi đang có một số hoạt động kinh doanh với Việt Nam và Đông Nam Á. Nhưng chắc chắn chúng ta có thể làm được nhiều hơn và nên làm nhiều hơn nữa.

Thế giới đang hướng tới New Zealand để có nhiều công nghệ xanh và chỉ có lợi khi chúng tôi giao dịch với các đối tác thương mại gần gũi, bởi vì công nghệ xanh sẽ được sử dụng theo cách xanh.

Tôi biết Đông Nam Á hiện tại đang tập trung vào nền kinh tế xanh và nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cũng vậy, nên cơ hội cho chuyển giao công nghệ là có và rất tiềm năng.

* Vậy việc kết nối và lan tỏa thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam – New Zealand thì sao, thưa bà?

– Việc chúng tôi làm nhiều nhất là tổ chức các hội thảo một cách thường xuyên để hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, chia sẻ sự hiểu biết lẫn nhau về đất nước này giữa những người tham gia.

Tất nhiên, nếu có bất kỳ công ty Việt Nam nào muốn đến New Zealand và tìm kiếm cơ hội đầu tư, chúng tôi hoan nghênh các đề nghị từ họ.

Nhiều thành viên của ANZBC là người Việt Nam và họ rất mong được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vào New Zealand. Bất cứ điều gì có thể làm, chúng tôi sẽ làm hết.

* Và sẽ có một phái đoàn doanh nghiệp New Zealand do ANZBC tổ chức sang Việt Nam sau chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính?

– Chúng tôi rất mong muốn điều đó và đang lên kế hoạch, nhưng ban đầu sẽ chỉ tập trung vào những công ty trong ngành sữa của New Zealand.

Nhưng tôi biết nhiều công ty ở New Zealand cũng đang muốn có một phái đoàn như vậy. Họ muốn tìm hiểu về thị trường Việt Nam và nghe giới thiệu về các ngành công nghiệp khác nhau.

Những hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này nằm trong lĩnh vực được Việt Nam tập trung ưu tiên.

Hiện tại chúng tôi chỉ mới ở giai đoạn lập kế hoạch, nhưng nó chắc chắn nằm trong danh sách việc cần làm của chúng tôi.

* Bà có thông điệp gì cho doanh nghiệp New Zealand sau cuộc tọa đàm có sự tham dự của Thủ tướng cùng nhiều bộ trưởng?

– Thông điệp của tôi là Việt Nam rất cởi mở và mong muốn giao thương với New Zealand. Chúng ta sẽ bổ trợ nhau trong nhiều lĩnh vực, cùng nhau phát triển và mang lại lợi ích cho đất nước. Đừng chần chừ gì nữa.

Nhấc điện thoại lên và gọi cho thương vụ Việt Nam nếu cần để kết nối với họ và làm ăn!

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 10/3/2024

Lễ hội Việt – Nhật làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước

Đó là chia sẻ của ông Takebe Tsutomu, cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật và là người đã góp công lớn trong việc duy trì, phát triển Lễ hội Việt – Nhật trong suốt 11 năm qua.

Cả 8 kỳ Lễ hội Việt – Nhật đầu tiên đã ghi đậm dấu ấn của ông Takebe Tsutomu, nguyên chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật và hiện là cố vấn đặc biệt của liên minh này, dưới vai trò trưởng ban tổ chức lễ hội phía Nhật Bản.

Le hoi Viet Nhat 1

Trong lần lễ hội thứ 9 này, ông Takebe quay lại Việt Nam với vai trò trưởng ban danh dự ban tổ chức lễ hội. Tuổi Trẻ Online có dịp trao đổi cùng ông Takebe về ý nghĩa của sự kiện hữu nghị đặc biệt này.

Lễ hội Việt – Nhật tạo sự giao lưu về con người giữa hai nước

Ông Takebe nhớ về những ngày đầu của Lễ hội Việt – Nhật: “Lễ hội Việt – Nhật đầu tiên được tổ chức vào tháng 11-2013. Đó chính là năm đánh dấu cột mốc kỷ niệm 40 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Khi đó, mục đích ban đầu của lễ hội là tạo mối quan hệ hợp tác giao lưu giữa hai nền văn hóa khác nhau là Việt Nam và Nhật Bản. Từ đó, lễ hội có thể tạo ra những giá trị văn hóa mới và nâng tầm giá trị văn hóa của hai quốc gia”.

Trưởng ban tổ chức lễ hội năm ấy nhớ rõ tuy là lần đầu tiên nhưng lễ hội đã thu hút được đến 70.000 người tham gia. Ông cũng nhớ trời đã mưa rất to vào ngày tổ chức lễ hội.

Những năm sau đó, lễ hội tiếp tục được tổ chức đều đặn và chỉ bị gián đoạn bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngay sau đại dịch, lễ hội đã chứng minh được sức sống của mình trong lòng người dân TP.HCM khi lễ hội năm 2023 thu hút tới 485.000 du khách.

“Trong bối cảnh đó, nhìn vào thống kê về du lịch toàn cầu, có thể thấy là số lượt khách du lịch hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản tăng nhiều lần qua từng năm. Trên thế giới chỉ có hai quốc gia như Việt Nam và Nhật Bản đạt được điều đó thôi. Với tôi, đó là một trong những hiệu quả mà Lễ hội Việt – Nhật đóng góp: tạo ra sự giao lưu về con người giữa hai quốc gia”, ông Takebe khẳng định.

Cơ hội đầu tư từ Lễ hội Việt – Nhật

Điểm đặc biệt của Lễ hội Việt – Nhật nằm ở chỗ không chỉ giao lưu văn hóa, lễ hội còn là cơ hội để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ và mở ra những cơ hội hợp tác quan trọng.

Le hoi Viet Nhat 2

Tối 8-3, hội thảo và hội đàm thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam đã được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội.

Tại đây, các doanh nghiệp lữ hành hai nước đã trao đổi với nhau về tiềm năng du lịch song phương, đặc biệt khi Nhật Bản sẽ tổ chức Triển lãm thế giới 2025 tại thành phố Osaka.

Các hội thảo, hội đàm tương tự cũng đã được tổ chức trong các kỳ lễ hội trước, bao quát đa dạng lĩnh vực trong quan hệ hợp tác song phương, du lịch, văn hóa ẩm thực, kinh doanh truyện tranh Nhật Bản (manga)…

Le hoi Viet Nhat 3

Ông Takebe nhớ về một trong những thành công của lễ hội: “Năm 2018, trong khuôn khổ dự án được Bộ Kinh tế – Thương mại Nhật Bản (METI) tài trợ, một loạt chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn ở Nhật Bản (konbini) đã có mặt tại Lễ hội Việt – Nhật. Có lẽ, từ thời điểm đó, rất nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đã đầu tư vào Việt Nam”.

Le hoi viet nhat 4

Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ Việt – Nhật khẳng định qua sự kiện trên, lễ hội đã chứng minh bản thân không chỉ tạo ra giao lưu về con người, giao lưu về du lịch mà còn góp phần thúc đẩy tiêu dùng và kinh doanh.

“Chúng ta thấy Lễ hội Việt – Nhật có vai trò rất lớn, đóng góp cho giao lưu con người, giao lưu văn hóa, giao lưu du lịch, giao lưu tri thức và giao lưu khoa học công nghệ”, ông Takebe kết luận.

  • Trang 20 báo Tuổi Trẻ ngày 10/3/2024

Trí tuệ Việt hướng về Tổ Quốc

Cộng đồng hơn 350.000 người Việt ở Úc là một nguồn lực lớn, không chỉ đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia sở tại mà còn cho quê hương và góp phần vun đắp quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Tri tue Viet Nhat

Trước khi lên đường sang thăm chính thức New Zealand ngày 9-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian gặp gỡ Hội doanh nhân Việt Nam và Hội trí thức – chuyên gia Việt Nam (VASEA) tại Úc.

Kết nối trí thức cho nước nhà

Cả hai cuộc gặp diễn ra liền nhau, ngay trước giờ Thủ tướng ra sân bay và kéo dài hơn dự kiến. Chia sẻ với bà con, Thủ tướng mong muốn các hội sẽ là cầu nối giữa các trí thức, nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp Úc với Việt Nam để góp phần phát triển đất nước, góp phần cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Úc vừa thiết lập.

Trong số những người tham dự có giáo sư Ngô Đức Tuấn, phó chủ tịch VASEA phụ trách khoa học – công nghệ. Ông đã tham gia hướng dẫn và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam tại Úc và Việt Nam trong suốt 20 năm qua.

Năm 2023, ông được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Úc, chủ tịch Mạng lưới nghiên cứu quốc tế về giảm khí thải cho ngành xây dựng (DBI Network) do Chính phủ Úc tài trợ.

“Bản thân tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp người Việt đang sống và làm việc tại Úc đều mong muốn có điều kiện đóng góp cho đất nước qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo để đẩy mạnh quan hệ song phương giữa hai nước. Khuôn khổ quan hệ mới sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho sự đóng góp của chuyên gia Úc và Việt Nam”, ông chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Ra đời chỉ chưa đầy hai năm, nhưng VASEA do giáo sư Nghiêm Đức Long (Đại học Công nghệ Sydney, Úc) thành lập đã phát triển nhanh chóng. Hội mong muốn phát huy những hiểu biết, kinh nghiệm của các thành viên và cả mạng lưới liên quan với các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức Úc để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Đặc biệt trong những lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo nhân lực.

Đóng góp cho phát triển bền vững

Về vấn đề giảm phát thải bằng 0, phát triển kinh tế xanh… như đã nêu trong tuyên bố chung của hai nước, giáo sư Ngô Đức Tuấn tin rằng Úc có nhiều bài học kinh nghiệm sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian chuẩn bị hoặc triển khai những quy định liên quan.

Ví như trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn, ông Tuấn cho biết các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Úc đã kết hợp với các công ty trong ngành xây dựng triển khai rất nhiều dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới về chuyển đổi xanh cho ngành xây dựng, lộ trình giảm phát thải và quy chuẩn xây dựng quốc gia Úc năm 2022.

Những công trình này hướng tới sử dụng vật liệu phát thải thấp, tích hợp sử dụng năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng cho các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ quản lý thông minh cho tòa nhà để giảm phát thải xây dựng, tăng tái chế và tái sử dụng vật liệu, cấu kiện xây dựng, tiến tới nền kinh tế tuần hoàn.

“Các kinh nghiệm triển khai của Úc và các nghiên cứu về công nghệ, phát triển chính sách cũng như mô hình thực hiện sẽ rất hữu ích cho Việt Nam”, ông Tuấn nói. Ông hy vọng trong các năm tới, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lộ trình chi tiết về giảm phát thải, đánh giá các tác động và ảnh hưởng về kinh tế – xã hội và môi trường.

“Một trong những thách thức nữa là Việt Nam cần đảm bảo có đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kiến thức về các xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực này”, ông Tuấn nói thêm.

Trong cuộc gặp Thủ tướng, ban lãnh đạo VASEA bày tỏ các thành viên của hội có thể phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy các đối tác Úc cung cấp học bổng nhiều hơn, tốt hơn cho sinh viên Việt Nam.

  • Trang 6 báo Tuổi Trẻ ngày 13/3/2024

Bắt tay ngăn thực phẩm bẩn

Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: Rất mong muốn các ngành như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quận huyện… tại TP đồng hành, bởi đây là vấn đề lớn, dài hạn và liên quan đến nhiều phía.

Thuc pham ban

Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM trao đổi với Tuổi Trẻ về thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa của sáu hệ thống bán lẻ gồm Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon và Satra.

“Trong ngắn hạn, mục tiêu là sẽ kiểm soát được chất lượng thật sự của nhóm mặt hàng thí điểm. Và trong dài hạn, 100% hàng hóa ở các hệ thống phân phối tham gia chương trình đều được kiểm soát chất lượng như tiêu chuẩn mà chương trình đề ra”, ông Phương nói.

“Thỏa thuận này đến từ việc trăn trở tìm đường nâng cao chất lượng hàng hóa. Chúng tôi quyết tâm làm, không sợ cực nhưng một mình ngành công thương sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể làm”.

* Là cơ quan khởi xướng và cầm trịch chương trình này, thưa ông, kế hoạch thực hiện cụ thể của chương trình sẽ như thế nào?

– Với sự tích cực tham gia của các hệ thống phân phối và lựa chọn sản phẩm có tính khả thi cao để thí điểm, giai đoạn đầu của chương trình sẽ có hai việc chính gồm: kiểm tra, đánh giá khâu cung ứng nguồn hàng của các đơn vị đã ký thỏa thuận để hướng dẫn, chấn chỉnh; và cách thức xử lý khi phát hiện sai phạm của nhà cung cấp

Nếu rà soát và thấy ổn, Sở Công Thương sẽ phối hợp để tính toán mở rộng dần quy mô chương trình đến khi đạt mục đích đề ra. Mục tiêu trong ngắn hạn là hoàn thành kiểm soát được chất lượng thật sự của nhóm mặt hàng thí điểm. Dài hơi hơn là mong muốn 100% hàng hóa ở các hệ thống phân phối tham gia chương trình được cam kết quản lý cho đúng tiêu chuẩn, chất lượng đề ra.

Trong quý 2-2024 sẽ sơ kết, đánh giá chương trình. Phải loại dần doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng, nói không với sản phẩm kém chất lượng.

* Gánh thêm nhiều trách nhiệm, liệu các nhà cung cấp và hệ thống phân phối có tích cực thực hiện theo đúng cam kết, thưa ông?

– Nhà cung cấp sẽ có thêm việc phải làm, nhưng đây cũng là điều phải làm nếu muốn tồn tại và phát triển hơn. Sau giai đoạn đầu ổn định sẽ rà soát và hướng tới xây dựng một tiêu chuẩn, quy trình chung, chấm dứt việc mỗi đơn vị cát cứ một quy trình.

Nghĩa là bên cạnh quy trình cơ bản, các hệ thống phân phối sẽ ngồi lại với nhau để chọn lọc, đối chiếu nhằm giảm hoặc bỏ những điều kiện thừa, không cần thiết, từ đó đưa ra một quy trình nhập hàng thống nhất. Hệ thống phân phối có trách nhiệm phải tiếp nhà cung cấp nếu họ đáp ứng quy trình chung này. Bởi tăng trách nhiệm cho nhà cung cấp nhưng không ưu tiên bán hàng cho họ là không công bằng.

Nếu áp dụng quy trình này, nhà phân phối sẽ giảm được kinh phí, thời gian để xây dựng tiêu chí nhập hàng. Trong khi đó, nhà cung cấp được ưu tiên xúc tiến đưa hàng vào siêu thị, được giảm điều kiện không cần thiết. Và tất cả có được thương hiệu tốt hơn nhờ sự tin tưởng từ người tiêu dùng.

* Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi như thế nào khi chương trình này được triển khai thực hiện?

– Lâu nay vẫn có quan điểm cho rằng người dân phải tiêu dùng thông minh, nhưng điều đó không công bằng. Bởi người tiêu dùng dù có quan tâm đến việc mua bó rau, ký thịt nhưng không có nhiều sự lựa chọn do chúng ta chưa chỉ ra được chỗ nào uy tín, an toàn. Mua sắm ở siêu thị thường yên tâm hơn chợ lẻ nhưng thực tế vẫn bị lọt vào những sản phẩm không an toàn.

Khi triển khai kế hoạch này, với sự đồng hành của cơ quan nhà nước, quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn, ít ra chúng ta cũng tự tin để thông báo cho người tiêu dùng những sản phẩm, nơi bán để đặt niềm tin. Đây là giá trị sàng lọc, giá trị cốt lõi, cũng là tạo sự công bằng. Khi đủ cơ sở, chúng tôi định hướng sẽ thông tin rộng rãi những nhà cung cấp, doanh nghiệp tham gia chương trình và cả những đơn vị vi phạm để người tiêu dùng nắm, thậm chí khẳng định luôn chất lượng sản lượng.

* Nhiều ý kiến nghi ngại tính công bằng, sự mâu thuẫn giữa các bên khi tham gia thỏa thuận?

– Là đơn vị cầm trịch chương trình này, chúng tôi hiểu được sẽ có nhiều khó khăn phát sinh. Tuy nhiên, việc kiểm soát và chế tài là điều quan trọng.

Chúng tôi xác định phải công khai minh bạch quy trình, ưu tiên đưa ra các điều khoản để các bên tự giám sát chéo và chế tài phải nghiêm. Ngoài ra, khâu xác minh và công bố thông tin cũng phải rất kỹ càng, bởi nếu không chứng minh được rõ lỗi nhà cung cấp, hay đổ oan cho họ để cắt hợp đồng thì bị phản tác dụng, thậm chí phải đền hợp đồng.

Chúng tôi sẽ cắt cử nhân lực để đeo bám thường xuyên, kịp thời ngồi lại với nhau để đánh giá, điều chỉnh khi cần, bởi nếu ngơi nghỉ là mọi thứ trôi vào dĩ vãng.

* Nguồn nông sản về TP.HCM đa phần đến từ các tỉnh và công tác quản lý cũng liên quan đến nhiều sở, ngành. Vậy có cần sự kết hợp và hỗ trợ không, thưa ông?

– Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác kết nối, phổ biến thỏa thuận này đến với ngành nông nghiệp, công thương ở các địa phương, đặc biệt các nơi có vùng nguyên liệu lớn như Lâm Đồng, Tiền Giang… Theo đó, sẽ nhờ địa phương xúc tiến, hỗ trợ người sản xuất để thúc đẩy việc thích nghi, sớm đáp ứng được quy định của hệ thống phân phối đưa ra. Chúng ta không thể làm thay nông dân, cũng khó giám sát lực lượng này nên phải liên kết.

Ngoài ra, chúng tôi rất mong muốn các ngành như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quận huyện… tại TP đồng hành, bởi đây là vấn đề lớn, dài hạn và liên quan đến nhiều phía. Thỏa thuận này đến từ việc trăn trở tìm đường nâng cao chất lượng hàng hóa. Chúng tôi quyết tâm làm, không sợ cực nhưng một mình ngành công thương sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể làm.

  • Trang 8 báo Tuổi Trẻ ngày 11/3/2024

Saigon Co.op ký kết xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững

Tại “Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững – nâng cao chất lượng hàng Việt” ngày 8-3, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã ký kết biên bản ghi nhớ với 6 đối tác, cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững.

Saigon Coop

Mục đích việc ký kết nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo lợi ích sức khỏe người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bắt tay nâng cao chất lượng

Saigon Co.op ký kết với 6 doanh nghiệp và HTX: Anh Hoàng Thy, San Hà (cung cấp thịt gia súc, thịt gia cầm), HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, Công ty MeKong Delta Food, Công ty Xuân Thái Thịnh (cung cấp rau củ quả), HTX Tân Mỹ (cung cấp trái cây).

Hiện các đối tác này cung ứng trung bình 500 tấn hàng hóa mỗi tháng đến các hệ thống phân phối của Saigon Co.op.

Theo ký kết này, Saigon Co.op và các đơn vị cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững phục vụ người tiêu dùng; đảm bảo lợi ích về sức khỏe người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng việc hợp tác này nhằm kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước và sản phẩm đặc sắc của TP.HCM cạnh tranh với hàng nhập khẩu và định hướng xuất khẩu.

“Tăng hợp tác, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Saigon Co.op và các đối tác kinh doanh kết nối trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm phát triển kênh phân phối, thông tin quy chuẩn để đưa hàng hóa vào kinh doanh trong các hệ thống phân phối của Saigon Co.op”, ông Đức nhấn mạnh.

Trong khi đó, ở góc độ là nhà cung cấp, ông Lê Minh Sang – giám đốc HTX Tân Mỹ, nông dân tiêu biểu của huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) – cho biết với sản phẩm chủ đạo là bưởi, đơn vị đã là đối tác của Saigon Co.op nhiều năm qua và luôn cam kết đảm bảo đúng quy trình sản xuất để đưa ra sản phẩm đạt chất lượng.

Hướng tới thị trường xuất khẩu

Theo lãnh đạo Saigon Co.op, sự hợp tác này cũng góp phần đưa hàng Việt, hàng sản xuất trong nước có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế thông qua đối tác chiến lược của Saigon Co.op là NTUC FairPrice (Singapore).

Trong năm 2023, Saigon Co.op xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường Singapore với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 90 tỉ đồng thông qua đối tác chiến lược NTUC FairPrice.

Saigon Co.op và Sở Công Thương TP.HCM chủ động cùng kết hợp, vận động các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm và sản xuất, cung cấp các mặt hàng đặc sản trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành lân cận có sản phẩm tốt, uy tín, công nghệ tiên tiến, đồng thời có nhu cầu tham gia kết nối doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Cũng tại “Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững – nâng cao chất lượng hàng Việt Nam” diễn ra vào ngày 8-3, Saigon Co.op đã cùng với 5 hệ thống bán lẻ khác ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM. Hoạt động này được lãnh đạo UBND TP và nhiều sở, ngành đánh giá cao.

Theo thỏa thuận, việc ký hợp tác dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Mục tiêu nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối. Cùng hành động, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Theo đại diện Saigon Co.op, các ký kết với hệ thống bán lẻ khác và nhà cung cấp dù hình thức khác nhưng cũng chung một mục tiêu là tăng kiểm soát đầu vào, nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa được kinh doanh tại các hệ thống như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… của đơn vị.

“Hoạt động này sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới để đảm bảo mục tiêu ký kết với tất cả nhà cung cấp, đề cao trách nhiệm của nhà sản xuất để từ đó mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng” – ông Nguyễn Anh Đức cho biết.

  • Trang 15 báo Tuổi Trẻ ngày 15/3/2024

Lê Giang, Lư Nhất Vũ nhận huy hiệu tuổi Đảng

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang là trường hợp đặc biệt, gắn bó bên nhau tròn 50 năm, viết nên câu chuyện tình tuyệt diệu về tình đồng chí, nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt.

Chiều 14-3, Ban thường vụ Đảng ủy khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM tổ chức lễ trao huy hiệu Đảng cho bà Trần Thị Kim (nhà thơ Lê Giang) và ông Lê Văn Gắt (nhạc sĩ Lư Nhất Vũ), tại nhà riêng ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tham dự lễ trao huy hiệu Đảng có ông Nguyễn Văn Nên – bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lợi – bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nguyễn Phước Lộc – phó bí thư Thành ủy TP.HCM… cùng chính quyền địa phương nơi gia đình nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh sống.

Le Giang Lu Nhat Vu

Trao huy hiệu tuổi Đảng cho nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang

Ông Nguyễn Văn Nên – bí thư Thành ủy TP.HCM – cùng đoàn công tác đến tận nhà nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang để hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống hiện tại.

Hiện nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang khỏe mạnh, minh mẫn.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho biết gia đình ông xây nhà tại quê nhà Bình Dương 9 năm nay. Chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi.

Dịp này, ông Nguyễn Văn Nên trao tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho nhà thơ Lê Giang và trao huy hiệu 45 năm tuổi Đảng cho nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng trường hợp của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang khá đặc biệt khi ông trao huy hiệu Đảng cho hai đảng viên đã gắn bó bên nhau tròn 50 năm, cùng vượt qua bao thử thách, viết nên câu chuyện tình tuyệt diệu về tình đồng chí, nghĩa vợ chồng thủy chung.

Không những vậy, cả hai đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà.

Lư Nhất Vũ hát, Lê Giang đọc thơ

Đáp lại tình cảm của lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Bình Dương, tác giả ca khúc Bài ca đất phương Nam hát ca khúc mình sáng tác tặng các đại biểu. Còn nhà thơ Lê Giang cũng tạo nên không khí vui tươi qua bài thơ dí dỏm.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đại biểu và thông báo dự kiến vào tháng 5 năm nay sẽ có một chương trình nghệ thuật biểu diễn những sáng tác của ông.

Dịp này, Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM thông tin chính thức chuyển giao hồ sơ đảng viên của nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương theo quy định của Điều lệ Đảng.

Nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ dù tuổi cao vẫn tìm kiếm, sưu tầm dân ca và thực hiện những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị như: Hò trong dân ca người Việt, Hát ru Việt Nam, 300 điệu lý Nam bộ, Biên niên sử âm nhạc…

  • Trang 9 báo Tuổi Trẻ ngày 11/3/2024

Những người “leo dốc” cùng trẻ tự kỷ

Họ là cha mẹ của những đứa trẻ đặc biệt mắc chứng tự kỷ. Họ từng có những năm tháng mệt mỏi và cạn kiệt sức lực, tưởng như rơi xuống đáy tận cùng của cuộc đời, thậm chí từng có những ý định từ bỏ thế giới này để được giải thoát.

Nhưng rồi nhờ những nhân duyên khác nhau, những bà mẹ đặc biệt ấy đã cùng tụ hội lại, bắt tay nhau thực hiện dự án cho các cha mẹ trên hành trình nuôi dạy trẻ tự kỷ.

Leo nui cung tre tu ky

Vượt qua bóng tối để hồi sinh

“Hạnh phúc của mình là được làm mẹ của em bé đặc biệt 11 tuổi và làm cô giáo đặc biệt của hàng trăm em bé đặc biệt khác ở nhiều độ tuổi khác nhau suốt 16 năm qua” – chị Nguyễn Thị Thu Ngân (Hà Nội) tâm sự. Để tự tin có được từ “hạnh phúc” đó, chị đã đi qua cả một hành trình dài từ bóng tối bước ra ánh sáng.

Năm 2005, chị Ngân sinh một bé trai nhưng không may con mắc chứng tự kỷ. Chị Ngân cho biết đó là giai đoạn chị cảm giác như rơi xuống đáy và hôn nhân gia đình có nguy cơ đứng bên bờ vực chia cắt.

“Có rất nhiều sự bất đồng, cảm xúc tiêu cực thường xuyên xuất hiện. Nhất là khi tư duy bố mẹ chồng luôn cho rằng phúc đức tại mẫu, bởi mình ăn ở thế nào nên con mình mới như vậy” – chị Ngân kể.

Nhưng rồi một tai nạn xảy đến cướp đi của chị một lúc cả con trai nhỏ và con gái sinh năm 1997. Vợ chồng chị nằm viện hơn hai tháng. Hơn một năm sau, chị Ngân sinh một bé trai khác. Trớ trêu thay, đó cũng lại là một đứa trẻ đặc biệt.

Người mẹ lại tiếp tục cuộc hành trình mới “leo dốc” cùng con, đến nay là 11 năm. Mặc dù việc thực hành ngồi thiền đã giúp chị tìm được cảm giác bình an hơn, song đôi khi ký ức về những tổn thương và day dứt thi thoảng vẫn ập đến. Chị đã đi học thật nhiều, làm việc thật nhiều để có thể trốn chạy.

Cho đến khi chị gặp được chị Cao Tú Trinh – một người mẹ cũng có con tự kỷ và đang là chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần và trị liệu tâm lý dựa trên nền tảng trí tuệ cảm xúc (Emotional Quotient) – thì chị Ngân mới thực sự chấp nhận chính bản thân mình cùng những sai lầm trong quá khứ. “Khi mỗi chúng ta chấp nhận mình được thì sẽ tha thứ cho mình được” – chị Ngân nói.

Hành trình trở thành một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần của chị Cao Tú Trinh (Ninh Thuận) cũng xuất phát từ vị trí của một người mẹ có con trai mắc chứng tự kỷ. Đối mặt với vô vàn thử thách trong cuộc sống khiến chị luôn phải tìm nhiều phương pháp để vượt qua.

Trong quá trình đó, chị Trinh nhận ra rằng cần thấu hiểu bản thân, gia tăng nội lực để cứu mình, giúp người. “Sau nhiều năm kiên trì tìm cách trị liệu cho con, mình nhận ra con chắc chắn không có ngôn ngữ. Lúc đó mình rệu rã, chỉ còn có 38kg” – chị Trinh kể về nhận thức có phần chưa đúng của mình thời điểm đó.

May mắn chị Trinh gặp được cô giáo của mình. Mỗi ngày cô đều dành ra một tiếng đồng hồ để trò chuyện riêng, cho chị những câu hỏi khơi gợi niềm tin, sức mạnh nội tại bên trong. May mắn đã mỉm cười khi con trai chị 7 tuổi bắt đầu biết nói.

“Dù hiện nay con 12 tuổi, nhiều khả năng còn hạn chế, nhưng nhờ bố mẹ tạo ra môi trường bình an nên con đón nhận mọi thứ vui vẻ và dễ dàng hơn, tư duy theo cách con muốn” – chị Trinh nói.

Nơi trẻ tự kỷ được sống là chính mình

Chứng kiến nhiều cha mẹ loay hoay, bế tắc trong việc tìm trường học cho con, cộng với tìm hiểu các mô hình trên thế giới, ông Dương Quang Minh – người sáng lập Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Seroto Foundation và Cộng đồng Dạy con trong hạnh phúc – đã quyết định xây dựng dự án Live Village.

Đây là mô hình một ngôi làng dành cho trẻ tự kỷ 7-18 tuổi. Trẻ cùng nhau học tập, sống vui vẻ và hạnh phúc với thiên nhiên, qua đó hòa nhập xã hội, tham gia lao động với một nghề phù hợp sau 18 tuổi.

“Cha mẹ cần nhìn đứa trẻ của mình là đứa trẻ đặc biệt, công nhận nó bình thường ở suy nghĩ của nó chứ không phải theo suy nghĩ của mình. Live Village ra đời nhằm giúp trẻ tự kỷ được sống là chính mình.

Tại đây, các con được chấp nhận, được sống mỗi ngày trong hạnh phúc, không phải gồng mình lên theo những tiêu chuẩn người lớn đặt cho như những đứa trẻ khác” – ông Minh nói.

Hiện Live Village đặt tại Linh Đàm (Hà Nội) với năm trẻ và ba giáo viên. Cô Đinh Hường, một giáo viên của dự án, cho biết chỉ sau sáu tháng đầu tiên, các con tiến bộ vượt bậc nhờ áp dụng mô hình vừa sống vừa trị liệu thông qua các tình huống thực tế của đời sống.

“Tôi không hy vọng rằng sau này các bạn có thể khỏi hoàn toàn, trở thành một người bình thường. Tôi hy vọng rằng đây chính là nơi để nuôi dưỡng các bạn ấy. Và mỗi ngày các bạn sẽ được sống là chính mình, từng chút, từng chút một, tốt hơn mỗi ngày” – cô Hường chia sẻ.

Anh Hoàng Trung, một phụ huynh, cho biết con anh được học rất nhiều từ môi trường này và hiện cả hai vợ chồng anh đều tham gia dự án. Đều đặn vào thứ tư hằng tuần, anh chủ động lái xe đưa các con cùng giáo viên đi dã ngoại để cân bằng cảm xúc và nhịp điệu sinh hoạt.

“Khi đến đây, tôi làm việc một cách rất là thoải mái bởi vì tôi biết rằng điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho con tôi cũng như con của những phụ huynh khác. Và tôi thấy rằng mô hình này nhỏ gọn, hoàn toàn có thể nhân rộng trên khắp toàn quốc để đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người” – anh Trung bày tỏ.

  • Trang 9 báo Tuổi Trẻ ngày 9/3/2024

Khu du lịch nghìn tỉ ở Huế…đắp chiếu

Khu du lịch Suối Voi (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng với kỳ vọng sẽ biến thắng cảnh dưới chân núi Bạch Mã này trở thành điểm du lịch hút khách.

Thế nhưng sau 7 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, khu du lịch này vẫn đang còn là một công trường dở dang. Năm 2017, dự án xây dựng khu du lịch Suối Voi được Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cấp chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư – Huế (gọi tắt là Công ty Hoa Lư – Huế) với tổng vốn đầu tư là 1.020 tỉ đồng.

khu dich lich ngan ti Hue

Dự án kỳ vọng sẽ thêm việc làm cho người địa phương và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực phía nam tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Ngô Văn Phong, phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết dù dự án được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2017 nhưng do khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng nên phải đến năm 2021 dự án mới bắt đầu khởi công.

Tiếp theo đó do dịch COVID-19, nhà đầu tư gặp khó khăn, dự án phải tạm dừng thi công. Hiện nay chủ đầu tư chỉ mới triển khai được một vài hạng mục như san nền, xây đường giao thông, hàng rào, nhà bảo vệ… với tổng đầu tư khoảng 154 tỉ đồng.

Ông Phong cũng cho biết do Công ty Hoa Lư – Huế chậm triển khai dự án theo đúng tiến độ nên đã từng bị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh xử phạt 70 triệu đồng. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa dự án này vào danh sách các dự án chậm tiến độ, được tỉnh giám sát đặc biệt.

“Chúng tôi đã đôn đốc, cùng công ty tháo gỡ những vướng mắc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xác định năng lực thực hiện dự án của công ty này. Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ, tỉnh sẽ tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng, thu hồi dự án theo pháp luật”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói rằng dự án xây dựng khu du lịch Suối Voi là dự án chậm tiến độ từ lâu nay, gây bức xúc cho người dân địa phương. UBND huyện Phú Lộc và Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh sớm làm việc với nhà đầu tư để “dứt điểm” dự án này, tránh để tình trạng hoang hóa kéo dài.

Nhật Linh

  • Trang 17 báo Tuổi Trẻ ngày 12/3/2024

Đạo diễn Việt Linh “ăn nỗi đau”

Đọc Kẻo tro bay mất của Việt Linh, thoáng cười vì qua những trang viết của chị, đời đẹp quá và đẹp hơn ta biết.

dao dien Viet Linh 1

Gấp sách lại, lòng cứ luẩn quẩn đoản văn Ăn nỗi đau.

Đạo diễn Việt Linh lấy chất liệu từ một câu chuyện có thật trên báo Le Monde kể về người mẹ của kẻ sát nhân – từng gây ra án mạng rúng động dư luận – đến xin lỗi gia đình nạn nhân.

Do tiếng Pháp có hạn, bà nói với các nhà báo: “Tôi muốn ăn nỗi đau đớn của họ” (je veux manger leur douleur).

Với người khác, đó có thể là một chi tiết nhỏ; nhưng với Việt Linh, người mẹ đó đã nói ra một từ “thích đáng cho tâm trạng đau đớn”.

Chị viết “đời vẫn đẹp khi ta còn cảm giác muốn ăn nỗi đau của người khác”.

Trong Kẻo tro bay mất, có nhiều khoảnh khắc nhỏ, mỏng tang, có khi “trớt quớt”, chẳng ai để ý thì tác giả đều muốn nâng niu “hết sẩy”.

Như lời nói đầu, Việt Linh viết những con chữ “dĩ nhiên không đủ lực để xoay đời nhân thế” nhưng nó sẽ “lặng lẽ đi cùng độc giả”.

Có khi là chuyện hai chiếc áo kỳ cục trong đời một ông lão; chuyện bà già bán trái cây la mấy con chuột “chạy đi tụi con” khi có người đổ nước sôi xuống cống.

Có lúc là chuyện cô gái tha hương, sau 24 ngày làm dâu xứ người thì thiệt mạng…

Tác giả lấy chất liệu từ những chuyện xung quanh lẫn đọc trên báo, chuyện đó chuyện đây, năm này năm nọ nhưng đều là chuyện đời, chuyện người thấm thía. Văn Việt Linh kiệm lời, nhưng tình nồng và ấm.

Việt Linh cũng dành nhiều trang viết cho “ga xép” điện ảnh mà chị tôn thờ. Đi cùng đó là các bình luận, suy ngẫm, thể hiện góc nhìn sắc sảo và rộng mở của chị trước những hiện tượng “cười ra nước mắt”, “chữ có khi là than”… trong đời sống.

dao dien Viet Linh 2

Kẻo tro bay mất dày hơn 300 trang, mỗi bài viết chừng vài ba trăm chữ, thậm chí ít hơn, trong đó có một phần nội dung từng xuất hiện trong cuốn Năm phút với ga xép (2014), giờ được tuyển lại.

Giọng điệu trần thuật nhàn tản, tự nhiên, có khi tâm tình, có khi khách quan và lạnh.

Có điều, khi gạt hết vỏ chữ sang một bên, lại thấy thăm thẳm một cái tôi thâm trầm, điềm tĩnh, nhìn đời như giọt nước trong. Ở đó, những câu chuyện nhỏ lẻ mẻ, vụn vặt lại có một sức mạnh lớn.

Việt Linh ham quan sát, ham nghĩ và ham cả ghi lại cho nhớ, ghi lại trước khi nó biến thành tro bay mất.

Nhưng khác phim ảnh hay sân khấu, chị không cố ý “nhòm” cuộc sống, mà để cuộc sống “ghim” vào trí. Từ đó viết ra những cảm xúc thôi thúc nhất, tâm sự với tha nhân, với chính mình. Nhiều lúc bản thân tác giả cũng cảm thấy bị… hành xác vì nhạy cảm.

Đậu Dung

  • Trang 16 báo Tuổi Trẻ ngày 12/3/2024

Áo dài thành di sản được không?

Công nhận áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến của nhân loại là mong mỏi của những người yêu áo dài.

Ao dai thanh di san duoc khong

Năm 2024 đánh đấu chặng đường 10 năm Lễ hội áo dài TP.HCM. Người dân hưởng ứng các hoạt động của lễ hội ngày càng đông như minh chứng sức lan tỏa và tình yêu của người dân dành cho áo dài.

Lễ hội áo dài TP.HCM năm 2024 có chủ đề Tôi yêu áo dài Việt Nam, diễn ra từ ngày 7 đến 17-3. Đồng hành cùng lễ hội năm nay có hơn 50 nhà thiết kế áo dài cùng các đại sứ lễ hội.

Bảo tồn, gìn giữ nét đẹp áo dài

Ông Nguyễn Văn Dũng – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết thành công của Lễ hội áo dài TP.HCM 10 năm qua là kết quả của sự kiên trì, bền bỉ, không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo của các ban ngành, đơn vị, cá nhân.

Ông đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Ngoại vụ, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM và ban tổ chức Lễ hội áo dài TP.HCM tiếp tục phát huy, có nhiều ý tưởng sáng tạo, hấp dẫn hơn nữa trong chặng đường dài tiếp theo.

Nhìn lại 10 năm, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – cảm thấy xúc động vì đón nhận được tình yêu thương của các cấp, các giới, trong đó có nhà thiết kế, đại sứ hình ảnh, đặc biệt là các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam…

Lễ hội áo dài TP.HCM góp phần trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa. Đây là động lực, cũng là chủ đề chúng tôi mong muốn thực hiện những mùa sau. Hơn hết, áo dài đã đi vào đời sống một cách tự nhiên nhất, ngày càng gần gũi, thân thuộc” – bà Ánh Hoa nói với Tuổi Trẻ.

Năm sau, Lễ hội áo dài TP.HCM sẽ tri ân những đóng góp của cộng đồng dành cho sự phát triển của thành phố, sẽ có những màn trình diễn áo dài dành cho các chị công nhân, lao công, những người bán hàng, tiểu thương ở các chợ… Bởi lẽ, tất cả những đóng góp thầm lặng đều xứng đáng được tôn vinh.

“Từ năm thứ 11, chúng tôi sẽ phối hợp để làm sao áo dài lan tỏa nhiều hơn ở nước ngoài. Không chỉ đến TP.HCM mùa lễ hội hay dịp Tết mới thấy áo dài, mà áo dài hiện diện mọi lúc mọi nơi. Thấy áo dài là biết Việt Nam.

Đó là chặng đường đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo. Tuy nhiên chúng tôi có niềm tin sẽ thực hiện được bởi sự đồng lòng, chung sức” – bà Ánh Hoa chia sẻ.

Mong mỏi sớm là di sản

Những hoạt động, chương trình liên quan tới áo dài được xem là minh chứng sinh động, thiết thực để lập hồ sơ đề xuất áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến là của nhân loại.

Lễ hội áo dài TP.HCM ra đời, duy trì, kéo dài đến nay 10 năm, chắc chắn sẽ tồn tại và trở thành hoạt động truyền thống của TP.HCM, là niềm tự hào của TP mang tên Bác.

 Lê Tú Cẩm – chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM – đánh giá Lễ hội áo dài TP.HCM bước sang năm thứ 10 hoạt động phong phú hơn, đặc biệt có chiều sâu.

Chiều sâu ở đây là các nhà thiết kế giới thiệu nhiều bộ sưu tập áo dài truyền thống.

“Áo dài không phải một loại trang phục khó mặc, vướng víu hay khiến người mặc không năng động.

Nhưng sẽ cần có những tiêu chí cụ thể mô tả chiếc áo dài như: tà như thế nào mới là áo dài, áo dài phải mặc cùng quần hai ống, áo dài phải có tay, còn phần cổ tùy ý thích (cao, thấp, thậm chí rộng cho thoải mái, phù hợp với khí hậu Việt Nam).

Tôi mong Nhà nước sớm công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, tiến tới công nhận của nhân loại” – bà Lê Tú Cẩm nói với Tuổi Trẻ.

Còn theo bà Ánh Hoa, để trở thành di sản văn hóa phi vật thể thì áo dài phải trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân.

“Ban tổ chức Lễ hội áo dài TP.HCM mong muốn lan tỏa tinh thần, nét đẹp đó” – bà Hoa nhấn mạnh.

Hoài Phương

  • Trang 15 báo Tuổi Trẻ ngày 14/3/2024

Thảo cầm viên là ký ức đẹp của người Sài Gòn

Đối với nhà văn Gia Bảo, Thảo cầm viên là nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm đặc biệt từ thời thơ ấu. Đối với người Sài Gòn, có lẽ ai cũng từng một lần đi Thảo cầm viên.

Thao cam vien sai gon 1

Sáng 13-3, tại Vườn sách Thảo cầm viên Sài Gòn đã diễn ra sự kiện ra mắt sách Thảo cầm viên Sài Gòn – Kho báu trong lòng thành phố và bộ sáchThiên nhiên kỳ thú do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Các tác phẩm ra đời đúng dịp kỷ niệm 160 năm thành lập Thảo cầm viên Sài Gòn nhằm đem đến cho bạn đọc những kiến thức hấp dẫn về động thực vật và vườn thú có lịch sử lâu đời ở TP.HCM.

Những câu chuyện dễ thương của muôn loài

Bộ sách Thiên nhiên kỳ thú được viết bởi các tác giả là nhà báo, nhà văn có nhiều năm viết sách cho thiếu nhi và người lớn như: Gia Bảo, Huy Sơn, Phương Huyền, Bùi Tiểu Quyên…

Các tác giả mang đến những câu chuyện sinh động về các loài vật đang sinh sống trong Thảo cầm viên Sài Gòn như: sếu, hà mã, sóc, trĩ sao, cừu, rái cá, voọc chà vá chân nâu…

Mỗi con vật được kể với những câu chuyện riêng bằng giọng điệu dễ thương, nhí nhảnh, cùng những hình ảnh minh họa chân thực, kèm theo thông tin khoa học.

Thao cam vien sai gon 2

Tác giả Gia Bảo kể rằng với cô, cô thường đến Thảo cầm viên khi còn là học sinh. Đây là nơi diễn ra biết bao câu chuyện của tuổi thơ với nhiều ký ức đẹp.

Đó là lý do để cô đồng hành cùng dự án viết sách về các loài vật trong Thảo cầm viên.

Bên cạnh đó, khi đi tham quan, tiếp xúc với những người trực tiếp nuôi những con thú, nhà văn Gia Bảo và các tác giả đã phát hiện ra những dữ kiện khoa học rất thú vị.

Ví dụ như loài hà mã không hề biết bơi. Và mặc dù nặng ký nhưng khi ở dưới nước, chúng tựa như một người vũ công.

“Khi nó nhún nhảy thì sẽ di chuyển một cách điệu đàng. Đó là lý do mà mình nghĩ ra tựa sách là: Vũ công của đầm lầy ngọc ngà” – cô kể.

Còn với nhà văn Phương Huyền, cô muốn mượn hình ảnh những con vật để gửi đến các em nhỏ thông điệp về sự tự tin, mạnh mẽ theo đuổi ước mơ và nhận ra được giá trị của mình trong cuộc sống.

Nhà văn trẻ Bùi Tiểu Quyên cũng có 3 tựa sách viết về gấu, sói, rái cá của Thảo cầm viên.

Cô nói: “Tôi muốn gieo vào lòng những đứa bé hạt mầm của sự yêu thương. Các em sẽ là thế hệ góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường sống cho các loài, đặc biệt là các cá thể quý hiếm, được đưa vào Sách đỏ”.

Kho báu quý giá trong lòng thành phố

Trong buổi họp báo, có nhiều ý kiến cho rằng Thảo cầm viên (mà nhiều người Sài Gòn trước đây vẫn dùng cái tên đơn giản là Sở thú) đích thực là một kho báu giữa lòng TP.HCM.

Bởi giữa thành phố đông đúc, nơi đây như một cánh rừng nhỏ xanh tươi, là chốn bình yên của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nơi những loài động vật luôn được chăm sóc, yêu thương, bảo vệ.

Hai tác giả Mai Chi và Kan Nguyễn thực hiện phần nội dung và hình ảnh cho cuốn Thảo cầm viên Sài Gòn – Kho báu trong lòng thành phố. 

Các tác giả chia sẻ rằng trong quá trình đi thực tế tại Thảo cầm viên để tìm tư liệu viết sách, họ vô cùng xúc động khi chứng kiến các nhân viên chăm sóc những con thú mới sinh.

Tác giả Mai Chi chia sẻ: “Họ thực hiện công tác cứu hộ và tái thả để bảo tồn các loài vật quý hiếm.

Với họ, đó không chỉ là trách nhiệm đơn thuần mà còn là tình cảm thật sự với các ’em thú’ ở đây”.

Không chỉ hướng tới các em thiếu nhi, quyển sách Thảo cầm viên Sài Gòn – Kho báu trong lòng thành phố còn dành cho người lớn, những ai muốn biết thêm về thông tin của hơn 1.000 loài đang sinh sống và phát triển từng ngày ở Thảo cầm viên Sài Gòn.

  • Trang 16 báo Tuổi Trẻ ngày 10/3/2024

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh, HBSO, mang xã hội và…vợ

‘Nghệ sĩ Ý vừa đến đã được chiêu đãi đặc sản của Sài Gòn rồi. Nóng quá đi mất!’ – sau lời than nửa đùa nửa thật của nhạc trưởng Trần Nhật Minh, cả dàn nhạc đều cười rộ.

Những buổi tập luyện chuẩn bị concert của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) luôn hào hứng như vậy.

Nhac Truong Tran Nhat Minh 1

Đêm concert Famous Italian Arias của HBSO tối 9-3 tại Nhà hát TP.HCM với gần hai giờ bùng nổ cảm xúc là phần nổi của tảng băng, đánh đổi bằng những buổi tập luyện miệt mài của nghệ sĩ và dàn nhạc.

Chỉ huy sẽ chẳng là ai…

Là người thường dàn dựng và chỉ huy cho đêm concert mở màn năm mới, nhạc trưởng Trần Nhật Minh – phó đoàn phụ trách chuyên môn HBSO – luôn thích cảm hứng vui vẻ, trẻ trung khi làm việc, nhưng cũng không kém nghiêm túc, chỉn chu.

Anh dành phần đầu concert để tôn vinh âm nhạc của Giacomo Puccini, cây đại thụ opera nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông.

Phần hai đêm nhạc là các aria nổi tiếng khác của Ý, với những kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện và âm nhạc sâu lắng, giàu tình cảm.

Nhac Truong Tran Nhat Minh 2

Trước đêm diễn, HBSO đón nhận hai tin vui. Nghệ sĩ violin Tăng Thành Nam và giọng soprano Phạm Khánh Ngọc nhận danh hiệu NSƯT. Nhận quyết định đêm trước, hôm sau cả hai bay về TP.HCM để tiếp tục tập cùng dàn nhạc.

“Nghệ sĩ trong dàn nhạc khá thiệt thòi vì ít có cuộc thi để tỏa sáng và được ghi nhận như các nghệ sĩ solo khác.

Nên danh hiệu của anh Nam và Ngọc là thành quả rất xứng đáng, cũng là sự động viên lớn cho các nghệ sĩ trẻ trong đoàn”, Trần Nhật Minh chia sẻ niềm vui cùng hai người bạn.

Concert dịp này còn có giọng nữ cao nổi tiếng người Ý Silvia Cafiero.

Cô hòa nhập rất nhanh cùng dàn nhạc và nhạc trưởng. Trần Nhật Minh cũng không quên “flex” nhẹ: “Đúng là đẳng cấp chuyên nghiệp của các nghệ sĩ quốc tế, chỉ một buổi tập đã ráp diễn tốt.

Dàn nhạc cũng chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay lập tức tìm được tiếng nói chung. HBSO đã đủ khả năng để làm việc với nhiều nghệ sĩ tầm vóc quốc tế và luôn sẵn sàng với những thử thách khó hơn nữa!”.

Theo Trần Nhật Minh, hiện tại có rất nhiều cuộc biểu diễn âm nhạc cổ điển được quan tâm với đối tượng khán giả ngày càng đa màu sắc, từ giới yêu nghệ thuật, doanh nhân đến sinh viên…

Các nghệ sĩ trong dàn nhạc cũng bận rộn với nhiều show diễn hơn. Đời sống âm nhạc của thành phố ngày càng nhộn nhịp, mở rộng và phong phú.

Với riêng anh, năm 2024 mang đến nhiều tín hiệu vui cả về gia đình, công việc và những lĩnh vực khác đóng góp cho xã hội.

Có lẽ đến lúc những điều Minh vun trồng đã bắt đầu nở hoa và dần thấy được thành quả. Minh được quan tâm hơn, nhận nhiều đề nghị tham gia những dự án mà anh được đặt vào đúng chỗ hơn so với trước.

“Đó là nỗ lực của cả tập thể. Chỉ huy sẽ chẳng là ai nếu không có dàn nhạc. Minh hạnh phúc khi có nhiều cộng sự, dàn nhạc đồng hành với mình”, Trần Nhật Minh chia sẻ.

Thuộc một tổng phổ thú vị hơn lướt mạng

Luôn mở lòng, nhiệt tình chia sẻ về công việc và đam mê, nhưng Trần Nhật Minh lại rất kín tiếng về đời tư.

Anh chọn đứng ngoài luồng quan tâm dư luận dành cho cuộc hôn nhân đình đám của anh cùng siêu mẫu Thanh Hằng cuối năm 2023, chỉ bộc bạch mình rất hạnh phúc khi bước vào cuộc sống mới với người bạn đời luôn đồng hành và chia sẻ.

Hỏi Trần Nhật Minh trước và sau hôn nhân có gì thay đổi, anh bảo thời gian cưới chưa đủ lâu, hiện tại chỉ biết đầy hứng khởi. Minh ngày càng bận rộn hơn.

Ngoài công tác ở HBSO, anh còn nhiều dự án, chương trình lớn cùng nhiều đơn vị khác, cộng tác chặt chẽ hơn với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng trẻ của học viện (VNAMYO) vừa thành lập năm 2023.

Ngay sau concert tối 9-3 tại TP.HCM, Trần Nhật Minh lại bay ra Hà Nội để chuẩn bị cho chương trình lớn đầu tháng 4 tới.

Anh sẽ chỉ huy một phần concert của VNAMYO kết hợp cùng Dàn nhạc giao hưởng Trẻ thế giới – World Youth Orchestra lần đầu đến Việt Nam, quy tụ 45 nghệ sĩ trẻ quốc tế và 21 nghệ sĩ Việt Nam cùng tham gia.

“Đó là sự kiện khá xúc động và chưa từng diễn ra trước đó, nên Minh rất vui được tham gia.

Tất nhiên sẽ bay đi bay vào vì còn việc và gia đình ở Sài Gòn. Đi luôn là… vợ không cho về nữa đâu!”, Trần Nhật Minh cười xòa.

Nhạc trưởng cũng tiết lộ mình từng dùng mạng xã hội nhưng đã bỏ, vì sợ bị cuốn.

Anh ví mình như một ổ cứng có giới hạn, chỉ dành không gian cho những gì thật quan tâm hoặc đọc sách.

Minh cũng ngừng chơi game từ nhỏ vì biết chơi là sẽ mê, chẳng làm được gì.

“Minh thấy ổn khi không có mạng xã hội, có thể sau này sẽ cần nhưng hiện tại thì không. Mình “nhát gan” nên sẽ không bơi ra nơi nhiều sóng gió dư luận và thông tin quá.

Mỗi lần làm dự án, mình có biết bao nhiêu thông tin, bài vở, tổng phổ cần nhớ… Thuộc một tổng phổ, một bài opera với Minh thú vị hơn là lướt mạng xã hội!”, Trần Nhật Minh tủm tỉm.

  • Trang 8 báo Tuổi Trẻ ngày 13/3/2024

Phạt gần 1 tỉ đồng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Cố tình sang vùng biển nước ngoài đánh bắt, một tàu cá của tỉnh Cà Mau đã bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỉ đồng.

Ngày 12-3, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết chủ tịch UBND tỉnh này vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính một chủ tàu cá đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài, với số tiền 917,5 triệu đồng.

tau ca vi pham vung bien nuoc ngoai

Đó là tàu cá CM 06051-TS, hành nghề câu mực của ông V. (31 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), xuất bến ra biển hoạt động vào ngày 30-11-2023.

Khi ra biển hoạt động, ông V. giao tàu cho một ngư dân trên tàu làm thuyền trưởng và ông trở vào bờ (ngư dân này không có bằng, chứng chỉ thuyền trưởng).

Do hoạt động khai thác kém hiệu quả, ngày 15-12-2023, thuyền trưởng gọi điện hỏi ý kiến về việc sẽ sang vùng biển Thái Lan khai thác trộm hải sản và được ông V. đồng ý.

Sau đó, tàu cá đã bị lực lượng Hải quân Vùng 2 và Hải quân Hoàng gia Thái Lan kiểm tra, bắt giữ (hiện đang chờ ngày xét xử).

Qua làm việc với các cơ quan chức năng, ông V. thừa nhận là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của tàu cá và đã có hành vi chỉ đạo đưa tàu cá sang vùng biển Thái Lan khai thác thủy sản trái phép, vi phạm pháp luật.

Cơ quan chức năng xác định tàu cá của ông V. vi phạm pháp luật với hai hành vi: Khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia khác mà không có giấy phép; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản tại vùng khơi.

Thanh Huyền

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 11/3/2024

Tiếp tục phát huy tổ công tác 363 như “quả đấm thép” đấu tranh tội phạm đường phố

Đây là một trong những giải pháp phòng tội phạm mà Công an TP.HCM nêu ra tại chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời sáng 10-3, với chủ đề Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – Phát huy sức mạnh của nhân dân.

Các vụ trọng án khiến người dân hoang mang

to cong tac 363 qua dam thep

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Văn Dũng (huyện Hóc Môn) cho rằng thời gian qua có nhiều vụ trọng án xảy ra trên cả nước gây hoang mang trong người dân, Công an TP.HCM có giải pháp gì để ngăn chặn những vụ trọng án?

Trung tá Đới Ngọc Thắng – phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM – cho biết thời gian qua, trên địa bàn TP cũng xảy ra các vụ trọng án như tại huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức. Khi phát hiện vụ việc, lực lượng công an đã khẩn trương truy xét, truy bắt nhanh các đối tượng. Tỉ lệ khám phá án là 100%.

Theo ông Thắng, Công an TP.HCM đã tham mưu, triển khai nhiều kế hoạch để trấn áp các loại tội phạm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, không để hình thành các địa bàn, điểm nóng về hình sự, tệ nạn xã hội; phát huy các tổ tuần tra, giám sát như tổ công tác 363 để giải quyết những vụ việc khi mới phát sinh.

Lực lượng công an cũng thường xuyên gọi hỏi, răn đe những đối tượng như thanh thiếu niên hư, người có tiền án tiền sự, những người có khả năng nguy cơ phạm tội.

Ngoài ra, Công an TP cũng phối hợp nâng cao phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và nhiều mô hình khác.

Tiếp tục phát huy tổ công tác 363

Nói về hiệu quả của tổ công tác 363 sau một năm hoạt động, thượng tá Lê Mạnh Hà – phó Phòng tham mưu, Công an TP.HCM – cho rằng lực lượng này ra đời nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm đường phố, tội phạm ma túy, vũ khí, hàng cấm, hàng nhập lậu…

Sau một năm hoạt động, lực lượng này đã phát hiện trên 26.800 đối tượng vi phạm, bàn giao cho công an địa phương xử lý. Công an TP sẽ tiếp tục phát huy lực lượng này như “quả đấm thép trong đấu tranh tội phạm đường phố”.

Thông tin về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ông Phạm Minh Tuấn – phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM – đánh giá sau 10 năm triển khai, phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, cá nhân, đơn vị.

Qua đó, người dân cũng tích cực tố giác tội phạm với trên 120.000 tin có giá trị, giúp ngành chức năng làm rõ hơn 35.000 vụ việc. Người dân cũng trực tiếp bắt 6.800 đối tượng phạm tội quả tang. Ban chỉ đạo của TP về phong trào sẽ tiếp tục các giải pháp để huy động sức mạnh của hệ thống chính trị cùng người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở.

 

Tháng Ba 11, 2024

Phan Bội Châu và Phạm Quỳnh

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 10:32 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 3 năm 2024

PHAN BỘI CHÂU

PHẠM QUỲNH

Phạm Tôn – Tôn Thất Thành

Trong bài Ông quả là người nặng lòng với nước (khi đăng trên tạp chí Hồn Việt  số 15, tháng 9 năm 2008 họ đổi thành Ông Phạm Quỳnh quả là người nặng lòng với nước), chúng tôi đã viết: “Từ 1913, hai mươi tuổi, Phạm Quỳnh đã thử sức trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh với những bài khảo cứu, bình luận văn học nghệ thuật. Đến 1917, mới 24 tuổi nhưng đã có thâm niên 9 năm công tác nghiên cứu viết lách, ông chớp thời cơ nhận làm chủ bút phần quốc ngữ tạp chí Nam Phong, giành lấy cho mình và những người cùng chí hướng, yêu nước, đặc biệt yêu tha thiết tiếng ta, có chỗ để thi thố tài năng, góp sức xây dựng nền quốc học, mở mang dân trí, tăng tiềm lực cho đất nước sau này. Trên tạp chí Nam Phong, ngoài những việc không thể không làm trong một tờ báo mà thực tế là do người Pháp chi tiền và điều hành, ông đã khôn khéo đăng những bài văn yêu nước của người xưa và cả người đương thời, những bài về lịch sử chống ngoại xâm,v.v… làm nên cả một bộ bách khoa thư về lịch sử và đời sống Việt Nam phong phú. Cũng từ đó tập hợp được lực lượng yêu quốc văn, yêu quý lịch sử nước nhà, tạo điều kiện cho biết bao thanh niên nâng cao hiểu biết về nhiều mặt đời sống, vun bồi thêm lòng yêu nước sẵn có trong họ.

Năm 1925 Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) rồi đưa về Hà Nội giam ở nhà tù Hỏa Lò, đem ra xét xử ở Hội đồng Đề hình là tòa án thực dân tàn bạo nhất thời ấy. Tất nhiên, kẻ đứng ra xét xử đều là người Pháp. Nhưng, dư luận người Pháp ở Đông Dương cũng như ở chính nước Pháp sẽ có tác động rất lớn, có thể nói là quyết định đối với vụ xử án này. Vì thế Phạm Quỳnh đã không phát biểu chính kiến trên Nam Phong, mà trên một tờ báo của Pháp có ảnh hướng rất lớn hồi bấy giờ. Hơn nữa viết trên báo tiếng Pháp thì tự do hơn, có thể trình bày hết ý mình, vì thời ấy báo tiếng Pháp không bị kiểm duyệt. Ông (…) lên tiếng công khai bênh vực Phan Bội Châu, yêu cầu khoan hồng cho nhà chí sĩ chỉ có “một tội” là “tội yêu nước như bất kỳ người Pháp nào yêu nước Pháp”. (…). Sáu tháng sau ngày bị bắt, 8 giờ 30 phút ngày 23-11-1925, Hội đồng Đề hình xử vụ Phan Bội Châu. “Hội đồng Đề hình Pháp cho là: trong 8 tội đó có 6 tội đáng phạt đi đầy, 1 tội đáng khổ sai chung thân và một tội đáng tử hình (theo Bùi Đình: Vụ án Phan Bội Châu, NXB Tiếng Việt, Hà Nội, 1950). Tuy vậy, có lẽ vì sợ hậu quả của vụ án mà tới lúc này họ chưa thể lường hết được nếu xử tử hình Phan, nên vào phút chót sau một ngày xét xử, hội đồng này đã tuyên án Phan khổ sai chung thân (Nguyễn Quang Tô: Sào Nam Phan Bội Châu con người và thi văn, tủ sách Văn học, bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh Niên, Sài Gòn 1974).

Năm 1932, Phạm Quỳnh nhận vào Huế tham gia quan trường với ý nghĩ ngây thơ là có điều kiện để những điều mà trước nay mình chỉ có thể luận bàn trên trang giấy và bằng lời nói thì nay có cơ thực hiện được. Mười ba năm ông làm quan thì có tới hơn chín năm làm Thượng thư Bộ Học. Ông kiên quyết chủ trương người Việt phải học tiếng Việt đã, chống lại chủ trương thịnh hành thời ấy là cho học ngay tiếng Pháp từ vỡ lòng “vì là thần dân của Đại Pháp thì học tiếng Pháp sớm ngày nào hay ngày nấy, dù sao rồi cũng ra làm việc cho Tây”. Ông cố gắng rất nhiều, nhưng mới chỉ thành công ở mức bắt buộc phải học tiếng Việt đạt bằng Sơ học yếu lược mới được thi tốt nghiệp tiểu học. Và (…) Ông Phạm Tuân con trai út Phạm Quỳnh sinh năm 1936, đến nay (2008) còn nhớ rất rõ và kể cho người viết bài này kỷ niệm khó quên thời thơ ấu, đặc biệt là những ấn tượng lạ lùng về những lần được thân phụ dẫn đi thăm “ông già điên” ở túp lều tranh bên bến Ngự. Năm ấy ông mới lên bốn.

Các buổi chiều, cơm nước xong, thường bác tài Mai hỏi: “Chú Miềng (chú mình, nói trại theo giọng miền Trung) có theo Cụ đi chơi không…Hôm nay Cụ lại đến “ông già điên đây”. Ông nhớ hồi đó không biết người ấy là ai nhưng gặp thì thấy hiền hậu, dễ thương, hay hỏi chuyện trẻ con dễ hiểu mà cũng dễ trả lời, nên ông thường bám xe đi theo cha luôn. Cha và ông già ăn mặc xuềnh xoàng, râu tóc dài, xơ xác thường vào trong nhà nhỏ to trò chuyện một lát rồi ra về. Vẻ thân mật lắm, nhất là lúc mới đến và khi sắp ra về. Cuối năm ấy ông già mất, ông Tuân mới nghe cha nói đó là Cụ Phan Bội Châu.

Ngày 24-12-1925, một tháng một ngày sau hôm xử án tại Hà Nội kết án khổ sai chung thân thì toàn quyền Va-ren (Varenne) vốn là Đảng viên Đảng Xã Hội Pháp ký quyết định “ân xá Phan Bội Châu.

Tuy “được ân xá”, nhưng, thật ra ông bị giam lỏng ở bến Ngự (Huế), bị mật thám theo dõi, kiềm chế mọi hoạt động. Ông dựng một túp lều ở bến Ngự và sống ở đấy suốt 15 năm cuối đời. Nơi đây biến thành nơi tập trung của thanh thiếu niên và học sinh Huế, tới để yết kiến, chiêm ngưỡng vị anh hùng dân tộc. Nơi đây cũng thường lui tới một số công chức còn nặng tình dân tộc, sùng bái các vị anh hùng, vĩ nhân đã hiến trọn cuộc đời cho đất nước (theo Nguyễn Quang Tô, sách đã dẫn).

Biết cảnh sống khó khăn của Phan Bội Châu, nhiều người đã gửi ngân phiếu nặc danh giúp ông tiền bạc, nhiều đến nỗi Phan Bội Châu bị phiền hà. Ông đã phải buộc lòng từ tạ bằng một bức thư với lời lẽ chân tình tha thiết. Trùm mật thám Trung kỳ Xô-nhi (Sogny) đã bủa một mạng lưới mật thám dày đặc bao vây túp lều bến Ngự. Mà hồi ấy, theo như chính lời Phan Bội Châu nói (do Lạc Nhân, nguyên thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân ghi lại đăng trên báo Tiếng Dân năm 1933) thì: “Tôi không hề kêu ca, nhưng trong nhà nhiều miệng ăn, nào là các đồng chí đi đầy về đã quá già, không biết làm gì để sống, cũng phải tới đây chung sống với tôi, nào con cháu các đồng chí, kẻ chết chém, người chết trong lao, tôi phải nuôi dưỡng vì không biết bỏ cho ai bây giờ”. Trong số đó có Phạm Công Nguyệt con trai độc nhất của liệt sĩ Phạm Hồng Thái, chưa từng được biết mặt cha. Anh được Phan Bội Châu nuôi cho ăn học tại trường Khải Định Huế đến đỗ tú tài triết học. (theo Nguyễn Quang Tô, sách đã dẫn).

Ngày 29-10-1940, Phan Bội Châu mất, thọ 74 tuổi. Mai táng trong chiều ngày kế tiếp, theo đúng di chúc của Cụ. Ngoài những người thường ngày gần gũi bên cụ, không mấy ai dám lai vãng, sợ ty Liêm phóng theo dõi rầy rà. Theo Nguyễn Quang Tô: “hàng trăm, ngàn câu đối, văn tế được gửi trực tiếp đến nhà hoặc đăng báo, hay truyền tụng miệng cho nhau nghe… tạo thành một bầu không khí bi hùng tràn ngập khắp Trung Nam Bắc. Một số người còn gửi tiền về tòa soạn báo Tiếng Dân nhờ lo xây dựng phần mộ. Lại có những người thuộc hạng “tai to mặt lớn” đã phải lén lút chui lòn cửa sau nhà Phan để được tới trước bàn thờ Phan dâng điếu lễ và tấm lòng kính mộ.”

Không biết trong số những người “gửi ngân phiếu nặc danh”, “gửi tiền nhờ báo Tiếng Dân”, “lén lút chui lòn cửa sau” có Phạm Quỳnh không? Tôi nghĩ, công bằng mà nói, khó có thể trả lời dứt khoát là không.

Bởi, chỉ cần xua đi lớp bụi thành kiến kì thị dầy đặc đã chôn vùi cuộc đời ông suốt hơn nửa thế kỉ qua, ta thấy ngay ÔNG QUẢ LÀ NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI NƯỚC.

May mắn, tôi lại được ba thục nữ khuê các Hà Thành xưa giúp giải đáp những chuyện xưa mà ngày nay ít người còn nhớ. Nhất là việc tày trời: Vì sao Phan Bội Châu từng bị buộc tám tội, trong đó có 6 tội đáng bị phạt đi đầy, 1 tội đáng khổ sai chung thân và một tội đáng tử hình. Mà một tháng một ngày sau hôm xử án lại tại Hà Nội kết án khổ sai chung thân thì toàn quyền Va-ren (Varenne) vốn là Đảng viên Đảng Xã hội Pháp ký quyết định “Ân xá Phan Bội Châu”.

Tôi thắc mắc báo đó là báo nào mà dám bênh vực Phan Bội Châu.

Bà con ở Pháp và Mỹ không ai biết.

Ngày 25 tháng 5 năm 1988, mẹ tôi viết thư cho tôi: “Mấy hôm nay, cả mẹ, dì, bác cả gái (tức Cụ Phạm Thị Giá sinh năm 1913, cụ Phạm Thị Thức sinh năm 1915, hai con gái lớn và con dâu trưởng của Phạm Quỳnh cụ Nguyễn Thị Hy cũng sinh năm 1913 như mẹ tôi-PT chú) họp nhau lại cố nhớ xem có chuyện gì về ông thì góp ý cho nhau”.

Thư viết: “Sau này ông có chủ trương về giáo dục bắt buộc các học trò tiểu học phải thi sơ học yếu lược cho am hiểu chữ quốc ngữ và lịch sử nước nhà. Sau đỗ sơ học yếu lược mới được thi certificat (tốt nghiệp tiểu học – PT chú). Thời đó mẹ và dì đều phải đi thi sơ học yếu lược. Khi ấy, cũng có một số người phản đối, nói nên để cho thi certificat ngay, thi sơ học yếu lược mất thời giờ”.

Và quan trọng hơn, thư mẹ tôi còn viết: “Có lần ông tranh luận với một nhà báo Pháp ở báo France Indochine, cứ mỗi kỳ báo ấy ra là mọi người đổ xô nhau mua để xem, báo bán rất chạy”.

Vậy là ba bà thục nữ khuê các Hà Thành xưa ở tuổi 73 đến 75 đã nhớ ra tờ báo tiếng Pháp đó là tạp chí France Indochine (Nước Pháp Đông Dương) không phải là Indochine Républicaine (Đông Dương cộng hòa) như Chính Đạo đã viết trong Hồ Chí Minh con người huyền thoại, tập 2, 1925-1945 (Nhà xuất  bản Văn Hóa Houston Mỹ, trang 49, chú thích 8). Cũng không chỉ là một bài báo mà là cả một cuộc tranh luận tay đôi giữa hai nhà báo Pháp Việt một bên là Thượng Chi Phạm Quỳnh kiên quyết, kiên trì bênh vực nhà yêu nước Phan Bội Châu cho đến thoát án tử hình và lưu đầy biệt xứ.

Đó là năm 1925, Phạm Quỳnh mới 32 tuổi. Chỉ là một thanh niên.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày rằm tháng Giêng, Giáp Thìn (24/2/2024)

PT.TTT

Thợ in, Nhà báo uống trà

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 10:31 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 3 năm 2024.

THỢ IN, NHÀ BÁO UỐNG TRÀ…

Dã Thảo

Cho đến năm ngoài 30 tuổi, tôi vẫn chưa hề thích uống trà. Kể cả thời là sinh viên, phải thức khuya học thi, đến khi làm ở nhà in báo rồi viết báo bắt buộc phải thức đêm, thậm chí dược cấp trà và ca uống trà. Cho nên tôi hay chú ý đến chuyện uống trà của người khác và nhớ mãi mấy chuyện này.Pham Quynh 1930

Năm 1962, có dịp sống ở nhà an dưỡng Quảng Bá (Hà Nội) khoảng hai tháng, một sớm tôi vào phòng rửa mặt và chú ý thấy nhà báo Lưu Động, cao, tóc cắt ngắn cặm cụi rửa bộ ấm chén sứ trắng. Thấy tôi tò mò, ông cười nói “Chú em còn trẻ, chắc thấy mấy lão già thật phiền phức, lo làm việc vớ vẩn, vì chắc chắn là chú chưa biết uống trà rồi. Răng trắng thế kia…”

Phòng tôi ở lại có anh Kiên, thợ nhà máy in Tiến Bộ. Người nhỏ nhắn, da trắng xanh, mắt sâu. Sáng nào anh cũng dậy rất sớm. Tôi dậy lúc nào cũng thấy anh ngồi trên giường chân xếp bằng, mắt nhắm. Tôi nghĩ anh thiền, anh bảo không phải, tính anh hay dậy sớm, nó quen mắt đi rồi. Anh ở Thanh Trì ngoại thành Hà Nội. Sớm dậy là lo xuống bếp, nhóm bếp củi, đun siêu nước xong đem lên nhà pha trà uống cho đến 6 giờ rưỡi, rồi đạp xe đi làm. Không bao giờ ăn sáng.

Đáng nhớ nhất là anh phóng viên tôi gặp ở Yên Bái, hồi lên họp hội nghị của Tổng cục Thông tin do ông Nguyễn Minh Vỹ (tức Tôn Thất Vỹ) triệu tập. Tôi là người ít tuổi nhất trong sáu nhà báo ở cùng buồng, cho nên gặp từng anh, xin cho phiếu gạo và tiền để tôi đi báo cơm cho phòng. Đến lúc hỏi đàn anh Nam Bộ da đỏ au, cao, gầy nhưng rắn rỏi, thì ông xua tay và vỗ vào cái ba lô mà ông gọi là cái bòng căng đầy và nói một câu nghe rất lạ “Qua thì khỏi, qua có lương thực đây rồi. Hồi ở U Minh có khi cả tuần qua chỉ uống trà mà không ăn gì, vẫn khỏe re. Qua nhồi trà đầy bình mới châm nước vô. Kỳ này, họp có năm ngày nhằm nhò gì…” Đấy là lần đầu trong đời tôi tiếp xúc với dân U.T.Q. thứ thiệt! (Uống trà quạu).

Thế là thợ in, nhà báo, đều uống trà.

Vậy nhà báo Thượng Chi Phạm Quỳnh uống trà thế nào.

Cụ Phạm Thị Giá (1913-2000) trưởng nữ của nhà báo Phạm Quỳnh, là người hầu trà cho cha nhiều năm. Tháng 4/1988, (ở tuổi 75, cụ vẫn nhớ rất tỉ mỉ về những thói quen của cha và viết thư từ Hà Nội kể cho chúng tôi về chuyện cha bà uống trà như thế nào. Ông không uống rượu, hút xách như nhiều nhà báo thời ấy, chỉ có buổi trưa hoặc buổi tối uống một tách trà Ô Long hoặc Thiết Quan Âm, các trà khác như trà Liên Tâm mát, uống vào là đau bụng. Ông không uống trà bằng chén hạt mít, mắt trâu như các cụ ta mà dùng tách sứ to. Ông có một đèn cồn và một siêu đun nước nhỏ, mỗi khi pha trà cho cha bà đều cho trà vào ấm, nước sôi thật kỹ mới rót vào ấm, nhẩm đếm đến 20 thì rót ra tách có sẵn hai viên đường Hiệp Hòa.

Thế ra, nhà báo Thượng Chi Phạm Quỳnh uống trà theo kiểu Tây

Có lẽ thói quen này bắt nguồn từ năm 15 tuổi. Chàng thủ khoa Tây trường Bưởi được chuyển thẳng vào Trường Viễn Đông Bác Cổ, một viện nghiên cứu lớn nhất Đông Dương thời ấy. Hằng ngày làm việc với các nhà nghiên cứu bậc thầy người Pháp; lẽ tất nhiên, ở đây duy trì nhiều thói quen của người Pháp, trong đó có lối uống trà với đường như người Anh trong tea time buổi chiều.

Nhưng chính trong khi uống trà đường và làm việc với các thầy Pháp, chàng thanh niên hiếu học, lại nặng lòng với nước, với tiếng nói của ông cha đã trở thành một cây bút nghiên cứu văn hóa, lịch sử sâu sắc ngay từ tuổi 20 với những bài viết đầu tiên trên Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, một đàn anh cùng học trường Thông Ngôn và một đồng chí trong cuộc đấu tranh cho tiếng nước ta ngày càng tiến tới. Cũng vì thế mà ông đã trở thành chủ bút phần quốc ngữ trên tạp chí Nam Phong năm mới 24 tuổi, rồi lần lượt là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ tạp chí mà ông là một trong những người sáng lập.

TP HCM 10/7/2018.

D.T.

Chuyện một người cháu ngoại- Cuộc chiến thầm lặng (P5)

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 10:30 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 3 năm 2024.

CHUYỆN MỘT NGƯỜI CHÁU NGOẠI

Phạm Tôn

5- Cuộc chiến thầm lặng (P5)

Trưa chủ nhật 11/12, em gái lên nhà. Chiều thứ ba 13, cậu Phạm Tuyên từ Hà Nội vào. Chiều thứ tư, nhà mình mời cả cậu và dì Phạm Thị Giễm (Diễm) cùng cô em tôi vàDi Giem va cau Tuyen con cả cô ăn cơm. Dì, cậu đều rất vui vẻ. Mẹ càng vui vì sự sum họp hiếm hoi này.

Me toi pham thi giaEm gái lên kỳ này kêu ca nhiều, than khổ, nên sáng thứ tư, mẹ lấy 10.000 đồng cô gửi biếu mẹ dạo nào, đưa lại cho cô. Cô nhận ngay trước mặt mình. Sáng thứ năm 15 cô về Bạc Liêu.

 Tối chủ nhật 17, con cả cô về, mình cho cháu biết chuyện này. Còn kể cả chuyện mẹ cháu đòi chú Vượng trả 70.000 đồng cô em chú cùng ở Bạc Liêu bị giật hụi làm cô em tôi gửi 200.000 cũng bị mất. Cô em chú Vượng đã trả 130.000 đền số bị mất. Chú Vượng nói ngay tôi không tán thành việc em tôi chơi hụi, bị giật hụi thì ai chơi nấy chịu sao lại đòi tôi.

19/12, đơn thuốc mới có sáu vị: mạch môn đông, tang bạch bì, mẫu đơn bì, bạc hà, bán hạ chế, can khương.

26/12, đơn thuốc mới gần như trước, chỉ bớt bạc hà vàTruong thin va bo thêm  ngưu tất. Sáu vị tất cả.

Ngày 1/1/1990, đơn mới như  trên nhưng bớt ngưu tất.

Chủ nhật 31/12/1989 đã nói với con cả cô em gái là khi nào mẹ cháu không gửi tiền lên thì mỗi tháng bác sẽ đưa cháu 30-35.000 đồng. Từ ngày nói thẳng nói thật hết, thấy cháu vui hẳn lên, bà cũng vui. Chuyện đòi chú Vượng tiền hụi làm mẹ bất ngờ, càng hiểu con gái. Cháu nói là đã hiểu từ lâu rồi, em cháu cũng giận lắm về nhiều chuyện.

Sáng chủ nhật 11/2 đã đưa Trương Thìn xem thư cậu Tuyên viết về việc phục hồi Ông về mặt văn học. Thìn sắp đi Liên Xô ba tuần cho nên cấp thuốc luôn 15 thang: Tang bạch bì, mạch môn đông, bạc hà, mẫu đơn bì, ngưu tất, cam thảo. Kèm thuốc viên Hương sa lục quân. Toàn nam dược.

Từ 20/2, bắt đầu học tiếng Nhật tại Trung tâm Văn hóa Việt – Nhật (Betonamu Nihon the hoc tieng nhatbunka senta) ở số 8 đường Nguyễn Trung Trực quận 1. Giáo viên Nhật dạy một tuần ba buổi thứ ba, năm, bảy từ 13:30-15:15 học lớp cùng nhân viên trung tâm cố tránh học tối hay bị mưa. Giáo viên nam là Makoto 24 tuổi nữ là Baba Yumiko 26 tuổi, cộng lại vừa bằng tuổi mình 50.

Cho đến thứ sáu 2/3, vẫn còn theo học thầy Fuji, thành ra dạo này ngày nào cũng học tiếng Nhật với người Nhật, lại nghe ca xét nhiều nên tiến bộ trông thấy.

Hôm qua, cô em lên học nghiệp vụ một tuần, đưa mình 100.000đ trả dì Giễm tiền mua tivi và tủ ngăn của dì

Ngày 2/4, đơn thuốc mới: Mạch môn đông, tang bạch bì, mẫu đơn bì, ngưu tất, xuyên khung. Năm vị và một lọ hương sa lục quân.

10/4, đơn thuốc mới bảy vị thêm bạch truật, trần bì và một lọ hương sa lục quân 30 viên x 3 lần/ngày. 15/4, đơn thuốc như cũ. Hai tuần qua, không có hương sa lục quân.Tu dien tieng nhat duoc tang

Thứ bảy 21/4, trả kết quả kiểm tra tiếng Nhật: nói được 45 điểm, viết được 49 điểm, cộng là 94/100, nhất lớp, được miễn học phí cả khóa và tặng một từ điển Nhật – Việt.

Ngày 7/5, đơn thuốc mới sáu vị vẫn thiếu hương sa lục quân. Toàn nam dược.

Anh Thép Mới đi Liên Xô về gửi cho ba lọ pantokrin, thường gọi là nhung Liên Xô. Sau gặp anh ở cơ quan, Đông đã cảm ơn.

16/5, đơn mới: lại bảy vị. Từ 8/5, uống pantokrin 20 giọt x 3 lần/ngày.

Tối 16/5, theo thư mợ Đỗ Thị An vợ cậu Khuê nhắn đã đến nhà anh Cường chồng cháu mợ là chị Hằng tại số 6 Công trường Quốc tế phòng D36 để cùngMo Do Thi An anh về nhà dì Giễm hiện do chị Mùi Con quản lý, đem hai tượng đồng ông bà ngoại về nhà anh để anh chở ra Bắc. Anh Cường đi xe honda nữ, mình đi xe đạp chở Ti. Sau khi anh cùng mình đem hai pho tượng xuống đường, thuê xe xích lô chở hai bọc đựng tượng, thì anh bảo: để tôi chở cháu về nhà trước, chuẩn bị đón anh. Ti ngoan ngoãn lên xe anh. Mình đi cạnh xe xích lô, vừa đi ba noi ben tuong 2 cuvừa nói chuyện vớ vẩn nhưng trong đầu đã đặt ra tình huống đêm chở đồ bị khám xét thì sao. Hồi ấy, nạn buôn đồng đen mà có người nói là quí như vàng, đang bị truy bắt ráo riết. Nếu bị khám thì mình sẽ cho họ xem và nói đây là tượng ông bà ngoại tôi, tôi đem đi nhờ người mang ra cho cậu tôi là nhạc sĩ Phạm Tuyên là con cụ chắc họ biết. Bản thân tôi là phóng viên báo Nhân Dân, thường trú ở Sài Gòn. Cứ thế, cho xem thẻ xong, chắc sẽ ổn. Mải nghĩ như thế thì nghe tiếng anh Cường gọi, rồi tiếng Ti kêu bố ơi rõ to. Gặp bố, con mừng quá. Con không chịu lên nhà mà đòi đứng dưới đường chờ bố. Sau đó, hai anh em mang hai tượng lên nhà vợ chồng Cường – Hằng. Tôi nhẹ cả người.

Hồi 1975, tôi mới vào đã có người anh họ là Vũ Trọng Bình (Bằng) đến bảo chú đã vào để tôi dẫn chú đến chùa rồi tìm cách đưa hai bức tượng về, để mãi trên chùa người ta dòm ngó. Tôi chỉ còn cách lên Đà Lạt, bàn với chú Nguyễn Văn An – dì Giễm rồi đưa hai tượng về nhà dì chú ở Sài Gòn. Hiện hai tượng đặt ở nhà em Phạm Thắng con trai cậu Phạm Khuê ở phố Vạn Bảo Ba Đình Hà Nội, nơi tập trung bà con mỗi khi giỗ cụ Phạm Quỳnh.Tuti 1990

Ngày 17/5, cùng Ti đi dự giỗ đầu Trần Văn Cảnh. Anh Trung là em rể Cảnh làm việc ở Ủy ban sông Mê Kông-một cơ quan của Liên Hiệp Quốc- đến muộn. Mang cúng 10 lon bia. Mà Cảnh cả đời không uống bia bao giờ.

Ngày thứ sáu, nhận tiền chị An gửi cho 200 đô la.

Trong thời gian nghỉ học tiếng Nhật chờ khóa mới, mình đọc toàn sách về Nhật Bản của các tác giả Nhật nổi tiếng: Tiểu thuyết của Yuki Nishima: Kim Các Tự, Khát vọng yêu đương, Sóng tình,  của Kuwabata: Ngàn cánh hạc, Kyoto. Sách của một tác giả Liên Xô Cành sakura, tập truyện cổ Nhật Bản. Một dân tộc kỳ lạ, có sức sống mãnh liệt.

Trưa 4/6, bắt đầu học lớp trung cấp 2.

18/6/1990, đọc thêm Người đàn bà trong cồn cát của Kôbê, và đọc lại Xứ tuyết của Kuwabata.

Đơn thuốc mới 18/6 có bảy vị hầu như toàn nam dược. Từ hôm qua đã dùng sang lọ pantokrin thứ hai. Tuti thì ăn gói cao ban long thứ ba, mỗi gói 40 gam. Từ ngày ăn cao này Ti khá hẳn ra, ăn khỏe, ngủ khỏe, đỡ hẳn tật nói mê, trời lạnh vẫn đi bơi bình thường.

28/6, đơn thuốc mới tám vị, kèm hương sa lục quân. Vẫn uống pantokrin. 30 giọt x 3 lần/ ngày.

Đọc gần hết tập 3 trong 4 tập Tướng quân của một tác giả Mỹ. Thật là một bộ bách khoa thư về đời sống Nhật Bản cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là linh hồn Nhật Bản (Yamato Damashi) bí quyết thành công của người Nhật xưa và cả nay.

Ti ăn sang gói cao thứ tư, dùng duy trì, bằng 1/3 lượng mọi khi. Khỏe mạnh và ham xem bóng đá Italia 90. 22:00 còn đòi ăn và ăn ngon lành đến hai bát cơm nguội với cá kèo mẹ kho.

27/6, đơn thuốc mới, gần như trước, toàn nam dược kèm hương sa lục quân 20 viên x 3 lần /ngày. Ngày 10 và 23/7 cũng đơn như vậy. Riêng 23/7 có thêm sa nhân, đẳng sâm.

Trưa chủ nhật, cháu Ánh Hồng vào cùng bảy bạn. Đưa đi chơi thảo cầm viên, chùa Vĩnh Anh HongNghiêm, trưa 22/7, mời cả nhóm ăn tươi ở nhà, phải kê cái đi văng làm bàn, khách ngồi trên sàn, có một bạn đau chân ngồi mà chân cứ phải duỗi thẳng ra ngoài, rất khó ăn. Nhưng ai cũng vui. Hôm thết các cháu ăn bún bò Yên Đổ nổi tiếng Sài Gòn, sắp ăn thì có cậu Nguyễn Huy Cận, em chị Thủy làm ở Công đoàn thành phố đi xe hơi đến cơ quan lướt qua, gọi Ánh Hồng, mời cậu nhập tiệc luôn.

Tối thứ ba 24/7, mình mệt quay lơ ra và người lạnh ngắt. Nghĩ mãi mới ra nguyên nhân là quá vui, tiếp khách quí quá nhiệt tình, quên là mình ốm nặng, bác sĩ Đặng Văn Chung đã sẵn sàng giới thiệu đi chữa bệnh ở nước ngoài… nếu có đủ tiêu chuẩn, ngoài tiêu chuẩn ốm rất nặng. Hay quên thế mới sống vui được.

Ngày 31/7, đơn thuốc mới gần như cũ, nhưng thêm huỳnh kỳ.

Chị Lê Thị Xuân cho mượn máy và băng có bốn buổi chữa bệnh (1-2-3-6) của Anatolie Mikhailovitch Kaspirovsky. Đã xem hai lần. Lần đầu cả bốn tập. Lần sau mỗi ngày một buổi. Đúng là có bệnh thì vái tứ phương, hết Tây lại Đông rồi lại Tây. Nhất là cách chữa mới bên nhà vợ mách là phải chấp nhận ngay, kẻo lại như muốn làm khổ con nhà người ta. Ngày 7/8, Trương Thìn đi họp, gửi dơn thuốc mới ở phòng thường trực. Vẫn có huỳnh kỳ.

12/8, kết quả thi tiếng Nhật tháng 7: viết 48, hội thoại 46, cao nhất lớp. Mặc dù nghỉ rất nhiều, nhất là trước khi thi, đã mệt, trời lại hay mưa.

14/8, đơn mới không có huỳnh kỳ, chỉ có đẳng sâm. 10/9, thuốc mới lại có huỳnh kỳ và chín vị nữa. 17/9, đơn mới ghi tên bệnh là Giãn phế quản – tì vị hư hàn vẫn có huỳnh kỳ và tám vị nữa. Chủ yếu là bệnh giãn phế quản. Mình biết rõ bệnh này dễ ho ra máu lắm nên rất cẩn thận giữ gìn.

Bắt đầu học Nhật ngữ khóa mới trung cấp 2. Sáng 16 đã lại thăm thầy Fuji ở lầu 3, phòng 4.A số 1 Phạm Ngọc Thạch cơ sở sinh hoạt của Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố. Thầy là dân Hirôsima, bị bệnh tim từ lâu, không chữa được. Thầy sang nước ta liên hệ với đoàn thanh niên và hiện vẫn tiếp tục dạy miễn phí cho độ bảy tám thanh niên tự nguyện theo học kiểu câu lạc bộ, tùy hứng giữa thầy trò. Thầy ở một phòng nhỏ, có một ca xét và nhiều băng sách học tiếng Nhật đem từ Nhật sang, còn có một máy chữ điện, hai bảng trắng viết bút dạ. Một con người kỳ lạ, tội nghiệp, hằng tuần tôi học ca trưa ở trung tâm thường thấy thầy đến Trung tâm văn hóa Việt Nhật, lên câu lạc bộ, chỉ dể ăn trưa một món duy nhất thầy thích là chyazưkê tức cơm nóng chan nước trà với đồ giầm. Cốt cho nguôi nỗi nhớ quê hương. Hằng ngày, thầy ăn bánh mì với cà phê sữa ở câu lạc bộ thanh niên. Mình cố ghé thăm thầy hằng tuần trước khi đi đến viện để châm cứu và lấy đơn thuốc mới.

Sáng 17/9, Ti mệt, suốt đêm sốt và ói. Con rất mừng khi nghe nói bố đi lấy thuốc về sẽ mua bánh bông lan ở cửa hàng Givral là món con hằng ao ước. Nhưng, khi về, con thấy bánh thì mừng, rồi chỉ ăn một miếng nhỏ. Mẹ cũng chiều con, mua cho bánh mì nhồi chà bông, con cũng chỉ ăn chút xíu. Đo nhiệt độ lúc 11:30 là 39o7, mình nhét ngay một viên febrectol vào hậu môn. Đỡ sốt liền. 14:15, chỉ còn 38o3. Con vui vẻ, vừa nói chuyện vừa ăn thêm một ít bánh mì. Sau đó ngủ một lát, nhưng mê mệt. 16:30, đo lại, đã lên đến 40o7. Mình nhét thêm một viên thuốc nữa vào hậu môn rồi hai vợ chồng đưa con đi bệnh viện Nhi Đồng 2, mẹ ôm con ngồi xích lô, bố đi xe đạp kèm bên. 15:00 bắt đầu khám mất 1.000 đồng. Sau đó thử máu, 2.000đ. Có kết quả là 19:00 con nhập viện, cân nặng chỉ còn 22kg, sút mất 1.5kg. Nhiệt độ vẫn 39o4. Hình như máu con có tới hơn 22.000 bạch cầu, và đó chính là lý do cho nhập viện ngay. Có thể là sốt xuất huyết, nhưng do mới sốt hơn một ngày nên xét nghiệm chưa thể cho kết quả chính xác. Mẹ ở lại viện với con, bố về nhà chuẩn bị mọi thứ hôm sau mang đi rồi yên tâm đi ngủ. Dự định là sáng sẽ vào viện thay Đông về nhà lo cơm nước rồi trưa chờ Đông vào thay sẽ về nhà ăn cơm, sắc thuốc rồi đi học tiếng Nhật. Chiều thứ tư 19/9, con được ra viện, hết sốt cũng không còn nghi sốt xuất huyết nữa. Nhưng vẫn phải uống kháng sinh, chống viêm nên con vẫn còn nghỉ. Đến khi con đi học lại, cô giáo bẹo má khen sao con nghỉ bệnh mà mập lên mau thế, đẹp trai quá. Đó là kết quả của việc dùng cortisol chống viêm liên tục khiến khuôn trăng đầy đặn đó thôi.

Thuốc lĩnh ở viện vẫn thế, nam dược trị nam nhân mà. Đơn cho ngày 1/10 mới thay hoàng kỳ bằng sa nhân, gồm chín vị.

Sáng 5/10, cô Nguyễn Thị Hiền vợ Trần Văn Cảnh đến báo tin vui: Cháu Tú đã đỗ vào đại học nha khoa kế nghiệp mẹ.

16/10, cậu Tuyên vào ghé nhà chơi cho biết mấy thông tin về Ông Ngoại đặc biệt là nhật ký của ông năm 1922 có ghi rõ: ngày 13/7 được Nguyễn Nhat ky 1922 tai phapÁi Quốc mời ăn cơm với Phan Văn Trường và ngày 15/7 mời lại Nguyễn Ái Quốc. Có một kiều bào lớn tuổi biết rõ ông đã đưa cậu đi tất cả những nơi Ông Ngoại đã đến năm đó và chụp ảnh cậu, nhưng từ chối chụp chung với cậu, tránh phiền cho cậu. Cũng nhận được thư cô Phạm Thị Hảo viết về cải táng ông năm 1956.

Chủ nhật, 4/11, Ti lại sốt. 5/11 khám bệnh, viêm amiđan có mủ. Cho thuốc uống, con vẫn đi học. Con thật ngoan, chịu khó uống sữa, ăn cháo cho đỡ đau họng.

Sáng thứ sáu 9/11, hai bố con đi xem triển lãm tranh Trương Thìn – Thân Trọng Ninh và Trần Hoài. Thìn trưng bày 20 bức Hốt nhiên 1-20. Đã có người đặt mua 12 bức. Toàn tranh siêu thực, mình chưa quen nên chưa thích. Sáng chủ nhật 11/11, sau hai tuần mới lại đến thăm thầy Fuji, và cũng như mọi khi, mình là người đến sớm nhất mà cũng về sớm nhất, vì còn sang viện lấy thuốc.

Sau ba tuần nghỉ thuốc, lại đến viện ngày 12/11, 19/11, 26/11, 3/12 đơn nào cũng chín, mười vị, hầu như toàn Nam dược. 23/12, Thìn khám lại, đo thấy huyết áp thấp 10/7, cho đơn mới tám vị, có đẳng sâm, sa nhân.

Tối 23/12, gia đình mình mời các cháu nhà 82 đem đồ chơi lên chơi chung với nhau. ti va cac ban xom 82Tường nhà treo đầy tranh các cháu vẽ suốt mấy tuần qua. Bà nội Ti làm bánh quế đãi các cháu. Vui chơi suốt một giờ, Tuti vui và tự hào vì được các bạn yêu quí, gia đình thương yêu.

Đầu năm 1991, tiếp tục sắc thuốc uống theo đơn cũ, áp huyết đã lên 125 trên 85. Đánh liều ghi tên tham gia phiên dịch đón đoàn khách Nhật trên tàu Peaceboat 91 đi hai ngày. Ngày 6/1, hoàn thành nhiệm vụ phiên dịch và hướng dẫn viên đưa đoàn khách Nhật Bản đến bệnh viện Từ Dũ thăm hai cháu Việt Đức được Trần Đông A mổ tách dạo nào, thăm địa đạo Củ Chi,chui hầm dài 50 mét chật hẹp và tham gia tuần hành cùng các bạn Nhật. Xong việc, cảm thấy mệt quá. Được 100.000 đồng, trừ lệ phí, còn 83.000 đồng. Lâu lắm mình mới lại kiếm được tiền đây. Cũng vui. May mà không đổ.the tour guide

Mẹ ốm từ 1/1- đến 12/1 vẫn nằm. Ngày 8/1, ông ngoại Ti từ Mỹ về hẳn. 15:00 hai bố con đến thăm, thì 18:00 ông bà ngoại đến thăm bà nội.

Chiều 10/1, bà Năm (Phạm Thị Thu, năm sinh 1914) hôn mê. Gia đình Cảnh Yên đưa vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương và 24:00 thì mất. Trưa 11/1 đã đưa đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa. Nhà mình chỉ có một mình Đông đi đưa cụ thôi.

Ngày 13/1, áp huyết 11/7.5. Thìn cho đơn tám vị có đảng sâm, sa nhân, 20/1, huyết áp 11/7, đơn như cũ. 27/1, huyết áp 12/7, đơn như cũ.

Chiều 26/1, Đông mang về thư của Quốc Vinh viết trên giấy có tiêu đề báo Nhân Dân. Ngoài phong bì có chữ Tấn Thọ ghi K/chuyển anh Tôn Thất Thành. Thư đề ngày 25/1/1991, từ Hà Nội. Tóm tắt như sau: – Ban biên tập cho nghỉ mất sức theo chế độ hiện hành, từ 1/4/91- Ban biên tập sẽ có trợ cấp với khả năng cho phép.

Thế là từ 1/4/91, mình sẽ được tự do… như một công dân Việt Nam. Vợ chồng mình chủ trương rút êm, cho nên Đông thản nhiên nhận và xem trước sự ngạc nhiên của mọi người trong cơ quan.

Một giai đoạn mới mà có khả năng là giai đoạn có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình sắp bắt đầu.

Các đơn thuốc cho ngày 3/2 và 10/2 đều chín vị, có đẳng sâm, sa nhân. Hôm 10/2 đến viện, tặng Trương Thìn hai con mèo tam thể và vàng đúng Ton That Thanh va Ton That Dai o san bay tan son nhatlúc viện đang khổ vì chuột. Nhà mình từ ngày ở Hà Nội bao giờ cũng nuôi mèo, hồi nuôi nhiều nhất đến chín con. Mèo đẻ là nuôi, ai xin mới cho, không bán bao giờ. Thìn thích quá, hai con đều sinh ngày 1/1/1990.

Suốt thời gian Tết, không uống thuốc sắc, ngày 24/2 vẫn còn một thang. Bắt đầu tạm nghỉ thuốc cho khỏi lờn thuốc. Tạm uống bát vị hoàn do viện sản xuất. Ngày hai lần, mỗi lần 15 viên. Cả mẹ, Đông và mình đều dùng thuốc này.

Thư em Thân gửi ngày 6/2 cho biết anh Đại đã về ngày 5/2. Gần hai chục ngày, chưa thấy anh và gia đình nói gì về chuyện này. Thật lạ. Trưa 25/2, anh vào. Sáng nay 28/2, cả nhà dậy từ 4 giờ để tiễn anh. Mình dùng solex chở anh ra sân bay Tân Sơn Nhất đúng 4:50 và 6:00 thì chia tay, kịp nói hết những việc cần nói để anh hiểu mọi chuyện gia đình. Trong thời gian ngắn ngủi anh ở Sài Gòn, Đông đã gọi điện về Bạc Liêu và chiều 26 em Nhàn lên, rồi tối đó đi báo cho con cả là Hải. Trưa 27 anh Đại cùng bố con mình đi chơi về thì gặp cả Hải và người yêu. Dùng máy Hàn Quốc của anh Đại chụp ảnh mẹ, mẹ anh và gia đình Nhàn, gia đình mình. Khoảng 10 tấm. Mẹ thích chụp ảnh nên rất vui.

Đang mệt vì chuyển mùa, thì ngày 31/3 lại phải cùng Đông, Ti dự cưới cháu Thủy con gái Bích – Hải đóng vai long trọng viên nhà gái. Mệt cả ngày.

Sáng ngày 2/4, cháu Tân đích tôn của cụ Nguyễn Văn Sán sang báo là cụ đã mất. Vội đạp solex (vì xe hỏng) sang Thủ Đức, ói mửa ở cuối cầu Sài Gòn, dừng lại uống thuốc dạ dày số 8 đem theo, đến 11:25 thì đến nhà cụ. Cụ nằm trên giường như một lão tướng nghỉ ngơi sau chiến trận. Các con mặc cho cụ quần áo của vị tướng, lưng thắt đai đỏ, quần chẽn đi hia đen. Đầu chít khăn đen. Thế này mới đúng là cụ Nguyễn Văn Sán, bao giờ cũng là người chỉ huy, ra lệnh. Oai phong lẫm liệt. Tôi chụp ảnh cụ, chụp cả lúc chưa nhập quan đến lúc nhập quan, chiều mới về. Sáng 4/4 lại cùng Ti đi xe buýt sang dự lễ tang, chị Yên xé cho hai bố con khăn trắng, bố con tôi để mặc họ chít khăn cho mình như mọi con cháu trong nhà. Chiều, hai bố con đi nhờ honda khách dự đám đưa về. Chụp hơn 20 tấm, được 18 tấm đẹp.

Thế là lại mất một người thân. Cụ Nguyễn Văn Sán, tuổi thân, thọ 73 tuổi mất hồi 18:23 ngày thứ hai 1/4 (17/2 Tân Mùi). Chôn tại nghĩa trang chùa Phúc Tường gần Chợ Nhỏ Thủ Đức hồi 14:00 ngày 4/4/1991 (tức 20/2 Tân Mùi). Tối 9/4, con rể cụ là Thắng và đích tôn Tân đã sang nhà mình nhận hết phim ảnh mình chụp.

Sáng chủ nhật 14/4, Trương Thìn cùng một lương y trong ban học thuật của viện cùng xem mạch kỹ cả hai tay, thảo luận rồi cho đơn mới, chỉ uống trong ba ngày, vẻn vẹn có ba vị: Bạch thược, sài hồ, đỗ trọng bắc. Mình là người ngoại đạo, chỉ nghe lõm bõm mấy từ quan mở, thận không nạp. Ngày 19/4, Thìn khám lại nói tốt. Cho đơn như cũ, nhưng sáu thang. Mình đã tặng Thìn một quyển sách về Kinh Dịch.

Đơn thuốc mới ngày 28/4 gồm bảy vị: Ngoài ba vị cũ, thêm: Trần bì, sa nhân, hương phụ và đẳng sâm. Tặng luôn Trương Thìn quyển nữa về Kinh Dịch. Mấy quyển này mình có là do em Nguyễn Thọ Tường đưa cho sau khi chú Nguyễn Thọ Dực mất ít lâu.

Tối 30/4, mình bị một cơn lạnh ngắt khá lâu, mồ hôi lạnh toát ra đầm đìa cạo gió không me Dong dang nau anlên gì mấy, nhưng chóng mặt hơn hẳn mọi lần, Đông phải lấy máy sấy tóc hơ ấm một số huyệt, xoa cồn A.T. thì người có ấm lên nhưng vẫn không hết chóng mặt, phải nằm im, nhắm nghiền mắt lại mới dễ chịu. Không ăn gì hết, chỉ uống sữa. Sáng hôm sau, thấy trong người dễ chịu, bụng đói cồn cào. Đông cho ăn bát cháo thịt băm và mấy lát bánh mì.

Chiều 27/4, nhận thư chị dâu trả lời thư mình hỏi đã nhận được tiền chị An gửi cho chưa mà không báo cho chị ấy biết. Mình viết thư ngay cho em trai, nói gửi cho chị dâu tiền chị An cho chị hồi Tết (100 đô). Ngày 28, gửi thư chị dâu và ảnh cả gia đình cho chị An, báo luôn đã gửi thư nhắc em trai. Cứ đụng đến tiền là lại có chuyện lôi thôi.Chu long va Dung

Đơn thuốc ngày 6/5 có tám vị. Một vị mới là phục linh.

Ngày 5/5, Đông nấu cháo gà ngon quá, cả nhà ăn suốt cả ngày. Chiều, có cô Lê Thị Trung đến chơi cùng ăn.

Thứ bảy 11/5, nhận thư em trai nói đã đưa tiền chị An gửi cho chị dâu. Chiều 10/5, chú Long và con gái út là Dung từ Bạc Liêu lên, cùng em Nhàn và lái xe tên Hùng ăn cơm chiều rồi ngủ lại nhà mình để sáng hôm sau về Bạc Liêu. Nhà mình ở đâu cũng là cái trạm mà, quen quá rồi, thành nghề.

Từ 6 đến 11/5, tập trung đọc tập bản thảo của cụ Nguyễn Hiến Lê do Trương Thìn cho mượn: Dịch học- đạo của người quân tử. Từ sau 1975, cụ Lê viết sáu tập về triết học Trung Quốc, quyển này là cuối cùng. Viết xong năm 1979. Tất cả đều chưa in. Bản này Thìn chỉ cho mượn được một tuần. Đọc mà nhớ tiếc chú Tố Nguyên Nguyễn Thọ Dực. Hầu như mình chẳng học được gì từ chú cả. Chỉ vì sức khỏe quá kém, dưới mức bình thường, đảm nhiệm công việc được giao và lo việc nhà là đã oải rồi.

Đơn thuốc ngày 27/5 gồm chín vị. Ngoài những vị thường thấy trong các đơn trước, có hà thủ ô, ngũ vị tử và thương truật. Đơn thuốc ngày 10/6 tương tự kỳ trước, thêm hai chai Mộc hà thủy chống tiêu chảy ngày 3 lần x 20 giọt

11/6 Nguyễn Văn Chiên một bạn cùng sinh năm 1940 như mình, cùng học từ tiểu học ở trường tư Dũng Lạc cạnh nhà thờ lớn, đã chuyển công tác vào đây, dạo này hay lại chơi. Mừng là thêm một bạn đáng tin cậy. Chủ nhật trước, đi cùng Chiên đến cô Hiền vợ Cảnh chữa răng. Chiên bảo cần đi đâu cứ bảo tớ đưa đi, có xe mới tốt. Chiên vừa li dị vợ đã cùng có 2 con trai. May mà tính Chiên vô tư, việc xong thì thôi, không nghĩ nhiều.

Sau hai tuần chỉ dùng bát vị hoàn và Envina, lại lấy thuốc hai kỳ giống như trước. Vẫn chủ trương dùng nam dược trị nam nhân mà thấy dễ chịu. Kèm chai bát vị hoàn, ngày ba lần, mỗi lần 15 viên.

Nguyen Hoang HaiNgày 7/7, cháu Hải về báo đã đỗ tốt nghiệp.

5/8, thuốc mới tương tự, có chín vị và một chai bát vị. Ngày 12/8, mới nhận thư cháu Ngọc báo thì hai hôm sau đã có người bạn cháu Nguyễn Khánh Nhân đưa đến cho nhung và cao hổ cốt. Hai cháu thương mình quá, biết là chú hỏng từ căn bản vì là người lớn nhỏ nhất trong tập thể 20 người bà nội cưu mang thời tản cư năm 1946. Cho nên phải bồi bổ toàn bộ cơ thể thôi. Từ tối 11/8, bắt đầu uống cao hổ cốt (40 gam trong 1.000cc rượu). mong lần này là cao hổ cốt thật. Cứ uống tăng dần theo từng liều nhỏ. Con trai thứ ba của Nhàn lên chơi đã một tuần. Sau Hải đến đón về theo xe quen, cả gia đình mình nhẹ cả người. Cháu khác kiểu quá.

Đang ở viện thì nghe tin Goocbachốp đổ. Về nhà, mở rađiô buổi 17:30 đài thành phố Hồ Chí Minh có đưa tin nhưng không bình luận.

19/8, thuốc vẫn theo đơn như cũ Envina sẽ uống trước bữa ăn, thay vì trong bữa ăn như trước. Thìn nhận xét: Thượng tiêu nóng, còn trung tiêu, hạ tiêu đều lạnh. Sự phân nóng lạnh rất rõ ràng. Nhớ hồi đi thầy Tư Sấm, đã ấm đến đầu gối, nay lại lùi lên trên bụng.

Dạo này, sáng uống 10cc rượu sâm. trưa, chiều trước bữa cơm uống 10-15cc cao hổ. Đã ăn thử mấy lát nhung cho vào cháo, có vẻ ấm người lên. Sẽ dùng tiếp mấy lát nữa xem sao.

Thứ tư 21/8, bắt đầu học buổi đầu tiên lớp Trung cấp 4. Giáo viên là Yoiichi Hiruma và Phạm Hùng Sơn ở công ty du lịch.

Chiều nay, bắt đầu ăn cháo với 5 lát nhung, theo dõi một tuần xem sao. Chẳng ai dám chỉ bảo cách dùng, ngay cả Trương Thìn cũng ngại nói cụ thể. Đành tự dùng thử, tự chịu hậu quả thôi.

Sáng 22/8, đài Việt Nam đưa tin nhóm đảo chính ở Liên Xô có dấu hiệu thất bại. 9:45, tivi Liên Xô đưa tin vụ này, có cả những cảnh quay từ 19/8. 21:30, mọi sự đã rõ ràng. Tivi Việt Nam phát hình ảnh Goócbachốp đáp máy bay tới Matxcơva và trả lời phỏng vấn. Sáng 26, xem tivi Liên Xô, có cảnh hạ tượng Lênin, niêm phong trụ sở Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ chiều 26, không thu được tivi Liên Xô nữa.

Mẹ bị cảm, chóng mặt, không muốn ăn gì cả. Đông lại lo.

Đã một tuần nay, sáng nào hai bố con cũng ra công viên Lê Văn Tám gần nhà đi bộ và đánh cầu lông. Năm nay con tám tuổi rồi, phải cố Ti judogiúp con không phải trải qua những ngày sống khổ sở như bố chỉ vì không có sức khỏe, mấy lần thay đổi cả cuộc đời, bắt đầu lại từ con số không, thậm chí từ con số âm, khi sa sút nhất dưới cả mức người bình thường. Dạo này, tôi lo chữa bệnh lại cũng bận việc nhà cho nên nghe nói anh Thép Mới được cấp nhà cũng chẳng để ý. Thực lòng tôi không muốn đến nhà anh vì bọn người lúc nào cũng muốn hầu hạ cụ Thép vẫn thường lui tới đấy, có khi về còn khoe là cụ nói thế này thế nọ tôi cũng mặc. Thật ra trong lòng tôi dù thương anh tôi cũng vẫn còn giận anh về các điều anh nói về tôi trong các cuộc họp chi bộ. Thời ấy có một khái niệm rất lạ: những người là đảng viên nhưng mà tốt. Chính những người ấy đã nói cho tôi biết tất cả những gì anh nói trong chi bộ về tôi mà họ không tin, để tôi biết mà đề phòng. Tôi tự đặt ra một lệ là hễ gặp anh, dù ở đâu cũng không chào trước. Tôi chỉ chào sau khi nghe anh nói: Chào ông bạn, hoặc thấy tôi dắt theo con trai thì đến gần, cúi xuống giơ tay nói: Chào ông Thành con. Thành ra nhà anh ở đâu tôi cũng không biết. Gần đây, khoảng giữa tháng 4/2020 định viết về anh tôi mới gặp chú Vượng hỏi cho biết.

Tôi định khi nào anh hết chức tước, chỉ còn là nhà báo, tôi sẽ thăm anh, gần gũi anh như xưa.

Không ngờ…

11:00 ngày 28/8/1991, Đông vừa báo tin khủng khiếp: ANH THÉP MỚI ĐÃ MẤT.

Trưa hôm trước, ở cơ quan, anh nói chuyện với Tống Thế Gia. 21:00 còn trò chuyện với Dang Thi Thanh Hienem rể Mạnh Hồng và em gái Hà Thị Xuân ở 22 Tú Xương. Chị Đặng Thị Thanh Hiền vợ anh kể: 23:00 còn vui vẻ trò chuyện với vợ và hai con. Đến 8 giờ ngày hôm sau, 28/8, chị bảo con trai lên mời bố xuống ăn sáng. Cháu Quang gọi, không thấy bố trả lời. Lên tận nơi thì thấy bố mặc quần đùi, áo ba lỗ nằm trên cái võng Trường Sơn quen thuộc, nhưng đã mất rồi. Tối hôm trước, trời rất nóng, anh lên gác nằm võng ngủ rồi ra đi khi nào không ai biết.

Chú Lê Xuân Vượng đi làm ở nhà in về thường ghé nhà anh ở phường 7 quận 3 gần chợ Vườn Chuối. Khi thì giúp sửa chữa những đồ điện khi thì ngồi chơi uống nước, nói chuyện chân tình, tiện đâu nói đó. Chú Vượng thân thiết với tôi hơn anh em ruột, cho nên anh Thép Mới cũng cảm tình với chú. Hôm ấy, chú Vượng ghé nhà để xin lỗi đã hẹn từ trước mà hôm qua bận, không ghé được. Không ngờ không còn được trò chuyện với anh nữa. Chị Hiền kể với chú mọi chuyện tôi vừa thuật. Anh Thép Mới mãi đến gần đây mới được cấp nhà riêng. Nhà đất thành phố thấy khu biệt thự 173 Hai Bà Trưng nay chỉ còn là nơi một số gia đình cán bộ nhân viên công nhân ở, vì không còn ban đại diện báo Nhân Dân nữa, nên mới lấy lại và thu xếp cho những người ở đó có nơi ở mới. Lê Xuân Vượng và gia đình về lại 82 Lý Chính Thắng, Nguyễn Phan Toàn về quận 5 và anh Thép Mới và gia đình về nhà nơi anh sau này ra đi. Nhà ba tầng, trước kia là tiệm kim hoàn buôn bán và chế tác đồ trang sức. Trước khi anh dọn đến, phường tổ chức tổng vệ sinh. Những người đến dọn dẹp đều khỏe mạnh, tình nguyện làm không công. Chỉ xin khi quét dọn được phép mang hết đất mùn quét dọn được về nhà mình. Biết đâu có bụi vàng, làm được bông hồng vàng như Pauxốpxki kể trong truyện Bông Hồng Vàng nổi tiếng của ông.

Trước khi mất ít lâu, anh Thép Mới như trong cơn khủng hoảng tinh thần, nhiều khi ăn nói những điều rất lạ, không ai hiểu nổi. Rồi bình thường trở lại. Cái chết của anh khiến không ít người thắc mắc

Tối 29/8, truyền hình Việt Nam loan tin thông báo anh Thép Mới đã mất, sẽ an táng ngày 31/8 tại nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. 12:00 ngày 30/8, tôi cùng chú Vượng đến viếng anh Thép Mới quàn tại trụ sở Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Tôi gặp các anh Hồng Hà, Hữu Thọ, Hà Đăng và Phạm Duy Phùng đội trưởng đội Thanh niên công tác phát hành báo Nhân Dân năm xưa, nay là phó bí thư đảng bộ báo Nhân Dân. Anh Hồng Hà, em ruột anh Thép Mới, là bí thư Trung ương Đảng tiến đến bắt tay và hỏi thăm sức khỏe tôi. Anh nói: Nghe nói bệnh nặng… còn đứng vững được như thế này là tốt rồi. Những người khác không hỏi, tôi cũng không bắt tay, sợ thấy sang bắt quàng làm họ.

Ngày 31/8, đúng 9:00 tôi đến dự lễ truy điệu. Anh Hà Đăng đọc điếu văn. Tiếp đó, anh Hồng Hà thay mặt gia đình lên phát biểu, đại ý nói: Còn nhiều điều anh muốn làm mà chưa làm được. Còn nhiều điều anh muốn viết mà chưa viết được. Còn nhiều điều anh muốn nói mà chưa nói được. Đó là điều đau buồn của gia đình chúng tôi.

Chị Hiền vợ anh mặc quần áo đen sụp lạy trước quan tài anh, xin tha cho những lỗi lầm, thiếu sót khi chung sống….

Hong Ha Huu Tho Dang Ha Duy Phung

Tham dự lễ viếng, ban tổ chức đọc tên từng đoàn theo thứ tự vào đứng viếng trước linh cữu anh. Anh Trần Đĩnh viếng hai lượt, một trong nhóm công tác trong ban văn hóa văn nghệ báo Nhân Dân, một trong nhóm những người bạn Thep Moi khung xamvới các anh Lửa Mới, Ngô Văn Quỹ, Nguyễn Ngọc Lương… Anh bảo, tay này đáng phải nghiêng mình trước hắn hai lần. Rồi có nhóm những đội viên bán báo năm xưa. Tôi không tham gia nhóm nào trong buổi viếng nghi thức đó. Tôi ngồi bên Anh ngay cạnh cô trang điểm thi thể Anh, nhìn rõ Anh như đang ngủ qua khung kính hình chữ nhật ngay chỗ mặt anh hiền hậu, bình thản. Tôi giúp cô mở cửa kính để thấm hơi nước đang rịn ra và trang điểm lại những chỗ bị lem. Tôi hỏi cô cứ để thế này thì bao lâu thi thể anh mới rã được. Cô bảo ít ra cũng 15 năm, vì phải giữ thật tốt để pháp y còn làm việc được chính xác. Nhưng nghe nói chỉ là cái chết bình thường vì bệnh tật gì đó thôi, không phải án mạng. Tôi biết rõ nếp sống thói quen của anh còn biết là những người ngủ hay ngáy, lại hút thuốc nhiều thì dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, rất dễ chết khi đang ngủ vì khó được cấp cứu kịp thời. Anh có đủ hai yếu tố ấy nên dẫn đến cái chết bất ngờ. Đúng 12:00 mới hạ huyệt. Chị Hiền khóc và nói là: Tôi phải nói lời cuối cùng… Những người có trách  nhiệm tại buổi lễ tang phải can nhưng chị vẫn nói: Tôi phải nói, vì đây là lời cuối cùng anh Thép Mới nói không phải lời của tôi. Anh ấy bảo tôi là phải cẩn thận, nhiều người quanh em nha van Nguyen Nguyenkhông trung hậu đâu, chúng ích kỷ lắm… Chị ta nói đi nói lại câu ấy ít nhất ba lần.

Trưa 2/9, anh Nguyễn Ngọc Lương ghé nhà tôi, cho nửa cân giò lụa Cô Tấm, uống một chén rượu rồi đi. Chiều, vợ chồng Nguyễn Đức Chính- Vũ Thị Phương và hai con trai Trỉnh, Nam và em Chính là Dũng đến chơi. Có lẽ nhớ kỷ niệm ngày cưới vợ chồng mình. Đến chiều 3/9, Chính đón cả đoàn về lại Biên Hòa.

Đã ăn cháo nấu với nhung lần thứ tư, còn hai lần nữa là hết một cái huyết nhung đầu tiên Ánh Ngọc gửi cho. Cơ thể chấp nhận có vẻ tốt.

25/9, mãi hôm nay mới đến viện được, lu bu nhiều chuyện quá. Hai bố con đến đúng lúc Trương Thìn đang tự châm cứu, vừa châm vừa theo dõi huyết áp cao quá: 18/11. Một lát sau, còn 17/11, mới nói chuyện được. Cấp thuốc như ngày 5/8, mười thang liền.

Chiều 28/9 Đông mang về công văn của vụ tổ chức báo Nhân Dân số 26 TCND ngày 26/9/091 gửi cơ quan trong này và minh. Vừa đúng một tháng sau khi anh Thép Mới mất. Nội dung yêu cầu mình chọn: 1/ về mất sức- tức là phải qua hội đồng giám định y khoa. Mà ở đó làm gì có ai giỏi hơn giáo sư Đặng Văn Chung- 2/ xin thôi việc. “Quá hạn một tháng mà đ/c Tôn Thất Thành không báo cáo thì ban biên tập sẽ ra quyết định cho đồng chí thôi việc từ 1/11/1991, giải quyết theo cách thứ hai nói trên.”Don xin thoi viec cua bo

Đọc công văn này thấy chẳng còn chút tình nào nữa, mình bèn đọc cho mẹ và vợ nghe. Nhận được sự đồng thuận của mẹ và vợ, tôi viết ngay báo cáo. Toàn văn như sau:

Kính gửi vụ tổ chức báo Nhân Dân,

Tôi xin tôi việc.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27 tháng 9 năm 1991.

     (Ký tên)

Tôn Thất Thành

Bản này viết tay, nhưng có lưu một bản cacbon để làm kỷ niệm. Thế là xong một việc lớn, nhẹ cả người.

Từ nay có thể bình tâm tập trung nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Ông Ngoại Phạm Quỳnh. Kiếm sống thì đã có nghề chính là dạy tiếng Nhật và nghề phụ là nghề viết báo đã quen tay và cũng có đầu ra khá ổn định. Chỉ có điều, vẫn không thể xem nhẹ vấn đề sức khỏe đến nay vẫn còn là một ẩn số, ngay đến tên gọi chính xác của bệnh cũng chưa ai xác định được, chỉ thống nhất một nhận định là rất nặng, rất khó điều trị.

Thành phố Hồ Chí Minh mùa Covid

Tháng 4/2020.

P.T.

Tháng Ba 5, 2024

NGHỆ SĨ THU HƯƠNG PHẠM THỊ HOÀN

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 3:22 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 3  năm 2024.

NGHỆ SĨ THU HƯƠNG PHẠM THỊ HOÀN

Phạm Tôn Tôn Thất Thành

Thượng Chi Phạm Quỳnh ưa nghe nhạc dân tộc. Những khi có chút thời giờ nghỉ ngơi thư giãn ông thường nghe các điệu hát ả đào, các điệu hò mái nhì mái đẩy nam ai nam bằng…do con gái nhỏ Phạm Thị Hoàn thường quấn quít quanh ông mở máy hát chạy dây cót. Chính ông đã viết bài Văn chương trong lối hát ả đào mà đến những năm 1990 khi về ở hẳn quê hương Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê đã điện thoại cho tôi khẳng định cho đến nay chưa có bài viết nào sâu sắc và hay hơn thế về đề tài này. Giáo sư gọi cho tôi sau khi đọc bài tôi viết về Ông Ngoại trên tạp chí Xưa và Nay.

Gia đình Phạm Quỳnh thấm đẫm chất văn hóa nhưng đa dạng. Con trai cả Phạm Giao say mê ghi ta phím lõm. Con trai thứ Phạm Bích sành ghi ta cổ điển. Rồi Phạm Khuê mê đàn ác coóc, từng chỉ dạy những ngón đàn độc đáo cho em trai Phạm Tuyên, làm kinh ngạc bạn đồng nghiệp y khoa khi dự buổi tiếp tại nhà một giáo sư Hung-ga-ri nghe ông biểu diễn đàn. Nhưng chỉ có Phạm Tuyên là nhạc sĩ, một hội viên sáng lập hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1957. Nhưng gia đình lớn này còn một người yêu nhạc nữa, mà đến nay còn có người nhớ và lưu giữ những đĩa nhạc thu giọng hát của bà. Đó là nghệ sĩ Thu Hương Phạm Thị Hoàn, chị của Phạm Tuyên.

Phạm Thị Hoàn trở thành nghệ sĩ Thu Hương đầu những năm 1950 thời gian sống tại nhà số 16 Phố Hàng Da Hà Nội nơi mẹ tôi là trưởng nữ của học giả Phạm Quỳnh sống cùng em gái và gia đình.

Những năm ấy, dì Hoàn tôi làm thư ký ở một công sở, chuyên đóng dòng chữ Sao y bản chính rồi trình trưởng phòng ký trước khi bà đóng dấu. Công việc tẻ nhạt, nhàm chán. Nhưng dì lại có đời sống văn hóa phong phú. Một tuần mấy buổi theo học lớp dạy tiếng Anh qua tiếng Pháp do một phụ nữ chính gốc Luân Đôn, vợ một người Việt dạy, thường gọi là lớp Bà Vượng nổi tiếng khắp Hà Nội. Tại đây, dì thân với bạn Trịnh Thị Ngọ, sau này nổi tiếng với biệt danh Ha na Hà Nội phát thanh viên của đài Tiếng nói Việt Nam được lính Mỹ đón nghe hằng đêm.  Bà Ngọ lấy chồng và đặt tên con gái là Thu Hương, nghệ danh của dì Hoàn tôi.

Đầu những năm 1950 ấy, Hà Nội xuất hiện hàng loại nhóm nhạc nhỏ, chuyên biểu diễn trước giờ chiếu phim khoảng nửa tiếng. Nổi bật lên là nhóm nhạc Đỗ Liên, chơi ghi ta Ha Oai kèm nhóm đàn đệm. Dì Hoàn cùng bạn Trịnh Thị Ngọ đi xem, rồi trò chuyện với nhóm nhạc, và được chơi thử, rồi mời tham gia.

Tối ấy, cả gia đình tôi ra rạp Ôlimpia  (Olympia) ngay trước chợ Hàng Da. Màn mở, dì Hoàn tôi ngồi giữa sân khấu, sau cây đàn ghi ta Ha Oai đặt trước mặt. Sau dì là một loạt trai đẹp, cầm những chiếc đàn như ghi ta nhỏ. Khán giả ồ lên ngạc nhiên khi thấy một cô gái dám ra biểu diễn. Thì nhạc sĩ Đỗ Liên áo đuôi tôm, mặt đen tròn, tóc xước ngược bóng mượt tiến ra giới thiệu Nghệ sĩ Thu Hương hôm nay sẽ biểu diễn buổi ra mắt. Dì tôi đứng dậy chào rồi ngồi xuống trước đàn. Theo nếp đã quen khi ở nhà, mỗi khi chơi đàn, dì kéo hai đầu vai áo lên cho thoải mái. Người xem lại ồ lên ngạc nhiên thích thú. Và còn vỗ tay nữa… Tiếng ồn ào chỉ bặt đi khi tiếng đàn du dương, thánh thót, say mê ngân lên tràn ngập rạp. Buổi ra mắt thành công mỹ mãn, khán giả vui vẻ đi vào buổi chiếu phim. Có lẽ dì cho chỉ là chơi thử thôi nên không nhận thù lao. Nhạc trưởng Đỗ Liên tự tay đem đến tận nhà trao tận tay một chiếc hộp đẹp, trong đặt trên nền nhung đỏ một chén sứ kiểu miệng nạm bạc, quai chén cũng bạc chạm trổ cùng kiểu chim phượng múa lượn.

Từ giàn nhạc Đỗ Liên, dì Hoàn tôi đặt chân đến Đài phát thanh ở Hà Nội. Nhạc trưởng Thẩm Oánh chỉ huy ban Việt nhạc chỉ gồm một số nhạc công. Còn những nhạc sĩ tài danh như Lương Ngọc Châu viôlông, Võ Đức Thu piano, ca sĩ như Ngọc Bảo, Hoàng Giác, Quách Đàm, Canh Thân, Thanh Hiếu…đều là người ngoài đài, thu nhập căn cứ sự tham gia. Vậy mà giàn nhạc đó dám biểu diễn cả bản nhạc nổi danh thế giới người Hà Nội ai cũng mê là Dòng sông xanh của G.Straoxơ (J.Strauss) do nhạc sĩ Lương Ngọc Châu khởi xướng và tự ra tay tổ chức thực hiện. Với giọng ca Thu Hương. Để giữ giọng trong, dì tôi thường xúc họng nước muối và nhai từng miếng bánh dầy nướng thường là loại bánh to nửa ký đưa kèm thiếp mời dự cưới. Giọng ca Thu Hương còn cuốn hút, làm say lòng người đến mức trên tạp chí hằng tháng Thế Kỷ nổi tiếng thời ấy, trong một tiểu thuyết, nhà văn Triều Đẩu đã viết gần một trang để miêu tả giọng hát mê hoặc của Thu Hương qua tâm trạng giằng xé bứt rứt của khách lữ hành nghe tiếng ca phát ra từ loa nơi bến xe. Nhà văn đã gửi biếu ca sĩ Thu Hương bản báo đó.

Gần nhau trong tình yêu nhạc, dần dà cảm nhau qua nhân cách cao thượng, trong sáng. Nhạc sĩ là cháu nội chí sĩ Lương Văn Can, người được chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Nam Phong kính yêu và tôn sùng từ nhỏ, sau này quyết đưa tạp chí của mình theo con đường sáng Đông Kinh Nghĩa Thục đã vạch ra.

Rồi họ yêu nhau. Bà mẹ nhạc sĩ thương con đã gặp bà ngoại tôi xin cưới dì Hoàn cho nhạc sĩ. Việc không thành. Một bà em mẹ tôi, có uy và cũng có tiền được bà ngoại giao xử lý vụ này. Một tối, trước giờ lên sóng, bà chị ấy đã đến nhà 16 Hàng Da mắng té tát dì Hoàn, từ việc dám đi hát, lại yêu người đã có vợ, v.v…Tối ấy Thu Hương hát bài Hờn sóng gió của Võ Đức Thu, đầy uất ức, nghẹn ngào, ai nghe cũng khen hay. Dì nghe khen mà gạt nước mắt vội ra về.

Dì được bà chị nọ đưa sang Pháp du học. Nhạc sĩ sống bằng nghề dạy đàn tại nhà và chơi đàn tại đài phát thanh, lại còn vợ và hai con gái. Họ xa nhau từ đó.

Nhưng, chuyện lạ đã xảy ra như trong chuyện cổ tích. Quốc trưởng Bảo Đại Bắc du. Nhằm gây thanh thế cho cựu hoàng là người trọng tài đất Bắc, bèn trao giải thưởng văn học nghệ thuật. Văn thơ thì đã có Đồi thông hai mộ truyện thơ của một tín đồ đạo Cao Đài đang nổi như cồn . Báo Giang Sơn một tờ báo phát hành lớn nhất Hà Nội thời ấy có ngay bài mừng giải thưởng thơ với bài tứ tuyệt kết thúc bằng hai câu Đồi thông hai mộ năm ngàn bạc/ Mỗi mộ hai ngàn lẻ mấy trăm…Kèm bên đó là tranh mừng châm biếm.

Còn nhạc? Chẳng biết ai cố vấn, gợi ý mà chính nhạc sĩ Lương Ngọc Châu (tên thật là Lương Hàm Châu) đã được tài trợ đi Pari (Paris) học nâng cao tại nhạc viện. Thật là duyên trời. Họ gặp nhau. Và mau chóng thỏa thuận được với người vợ trước việc li dị. Dì tôi đẹp duyên cùng nhạc sĩ tài hoa, sống hạnh phúc bên nhau. Vợ chồng sinh một con trai, tự hào đặt tên là Lương Quốc Vinh, theo nghiệp bố, sống bằng nghề dạy nhạc tại Thụy Sĩ.

Năm đã ngoài 80, hai ông bà ghé nhà tôi rồi về Bạc Liêu thăm mẹ tôi, người từ những ngày ở 16 Hàng Da đã cố vun vén hạnh phúc cho hai em.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4/3/2024 (24 tháng Giêng Giáp Thìn)

PT.TTT

Tháng Ba 3, 2024

Một bài thơ “Không đề” của nhà thơ Vũ Đình Liên

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 5:58 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 3 năm 2024.

MỘT BÀI THƠ “KHÔNG ĐỀ” CỦA NHÀ THƠ

VŨ ĐÌNH LIÊN (12/11/1913-18/1/1996)

Lời dẫn của Phạm Tôn:Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ Ông Đồ nổi tiếng, viết từ năm 1936 khi tác giả mới ngoài 20 tuổi, đã được nhiều thế hệ người Việt Nam khắp cả nước thuộc. Bài thơ thể hiện tập trung các nguồn cảm hứng chính của ông là tình thương, lòng trắc ẩn và niềm hoài cổ. Ông thuộc thế hệ đầu của các nhà thơ trong phong trào “Thơ Mới”. Ông sáng tác không nhiều và cũng ngừng sáng tác khá sớm…

Trong kháng chiến chống Pháp, ông dạy h ọc và hoạt động văn nghệ ở Liên khu III, rồi Việt Bắc. Sau 1954 về lại Hà Nội, dạy ở trường Đại học Sư phạm và chủ nhiệm khoa tiếng Pháp, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ cho đến 1975.

Sau khi nghỉ hưu, ông lang thang khắp nơi, đi sâu vào đời sống, lắng nghe lời nói của nhân dân. Những chuyện đau lòng còn trong cuộc đời này đã làm sống lại cảm hứng nghệ thuật trong ông, Vũ Đình Liên lại sáng tác không ngừng…Chùm thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá (1977), Gặp lại người đàn bà điên ga Lưu Xá (1987) và Người điên-Nàng tiên (1992) là tiêu biểu hơn cả. Thơ ông chỉ đăng báo, chủ yếu là chép tay, lưu truyền trong bạn bè và người hâm mộ. Trong số đó có những bài thật đặc sắc mà một bài “không đề” hoặc “chưa đặt đầu đề” là viết về học giả Phạm Quỳnh người cùng quê gốc Bình Giang, Hải Dương với ông, nhưng cả hai đều sinh ra lớn lên và học hành đỗ đạt tại Hà Nội.

Chúng tôi mạn phép nhà thơ xin trân trọng giới thiệu với các bạn bài thơ trên, ông viết từ ngày 28-8 đến 3-9-1992, tại Gác Hương Lửa, 156B phố Bà Triệu, Hà Nội, một bài thơ chép tay lưu truyền khá rộng ở Hà Nội.

—o0o—

Cụ Phạm Quỳnh ơi, cụ Thượng ơi!

Tài hoa như cụ có đâu hai.

Truyện Kiều còn mất – dân còn mất

Ngọn gió Nam Phong mát đất trời

Lưỡng quốc Trạng nguyên xưa đã có

Tam bang uyên bác bây giờ ai

Lương Đường, Mộ Trạch và Chu Xá

Phạm, Vũ công danh sự nghiệp đời.

28/8-3/9/1992

Gác Hương Lửa, 156b Bà Triệu- Hà Nội

Chia sẻ cùng nhạc sĩ Phạm Tuyên

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 5:56 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 3 năm 2024

(Bài thơ kính tặng Anh Phạm Tuyên)

CHIA SẺ CÙNG NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN

Bằng Việt

Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhà thơ Bằng Việt, tên thật là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, quê ở Thạch Thất, Hà Nội. Cử nhân luật tại Liên Xô cũ. Đã công tác tại Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Nguyên Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.

  • Đã là Ủy viên thành ủy Hà Nội, phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố
  • Hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội
  • Tác giả nhiều tập thơ được giải thưởng trong và ngoài nước

(Bài thơ này, tác giả đã đến tận nhà riêng nhạc sĩ Phạm Tuyên để tặng ông, nhân sinh nhật lần thứ 86 của Nhạc sĩ 1-2016)

—o0o—

Ra mắt tập tiểu luận cụ Thượng Chi (1)

Phạm Tuyên chỉ thốt đôi lời, làm người nghe gai mình sởn ốc:

Tôi nhớ mãi lúc A.Q. bị đưa đi xử bắn, (2)

Đám trẻ chỉ ồ lên: A.Q. đúng là phản động,

Cách mạng bắn chết mà, không phản động thì sao?

Hơn nửa thế kỷ rồi, điều đó đêm đêm khiến tôi dằn vặt”(3)

 

… “Ơi Cha Lo, hỡi Cha Lo, nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc

Bừng sáng lung linh một vì sao” (4)

Người viết nên câu hát hào sảng đó

Nửa thế kỷ vẫn mang nguyên khối u uẩn ấy trong mình!

 

“Giết một học giả như vậy, nhân dân ta được gì,

Cách mạng được lợi ích gì?…” (5)

Bác Hồ thốt lên, lặng người khi nghe tin dữ,

Nhưng lịch sử là lịch sử

Ở đó không thể thêm gì, cũng không bớt được gì!(6)

“Ơi! Cha Lo, hỡi Cha Lo…”

Câu hát cứ ngân nga trong hồn, gần như vô thức

Tôi mãi thấy gai người trước nhạc điệu quá mênh mông

Trước câu hát vô tư đầy khí phách,

Với tâm hồn Phạm Tuyên, hun hút đỉnh Cha Lo…

… Có người bà con sống bên kia đại dương

Trách cứ Phạm Tuyên, viết làm chi những câu hào sảng thế

(Cái hào sảng ngỡ vô tâm, khi cha mình bức xúc chịu khổ hình!)

Nhưng, nén mình sống cao lên, có bao giờ là dễ?

Biết vượt qua đỉnh nỗi đau, đâu có thua phẩm cách anh hùng?

… “Khi xuất kích gian nan rừng sâu.

Tình yêu thương đồng đội có nhau,

Mỗi ngọn núi con sông Trường Sơn

Vẫn ấm áp tình dân (4)

Ơi Cha Lo! Hỡi Cha Lo…”

Tôi hiểu rồi, Phạm Tuyên! Xin anh đừng dằn vặt nữa,

Khi rất nhiều người đồng tình biết sẻ chia tâm sự cùng anh!

2015

  • Cụ Phạm Quỳnh, bút hiệu Thượng Chi, cha đẻ nhạc sĩ Phạm Tuyên, sinh năm 1892, nguyên là Thượng thư Triều đình Huế và chủ bút báo Nam Phong, bị mất tích ở Huế ngày 23/8/1945 trong một hoàn cảnh bí ẩn (có tài liệu nói là 6/9/1945)
  • Q. là nhân vật nổi tiếng của văn hào Lỗ Tấn, một con người ngơ ngác trước biến động thời cuộc, bị xử bắn trong Cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc
  • Lời nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự trong buổi ra mắt tập tiểu luận viết bằng tiếng Pháp của cụ Phạm Quỳnh, lần đầu được dịch ra tiếng Việt (NXB Tri Thức, Hà Nội, 2007)
  • Lời bài hát nổi tiếng Đêm trên Cha Lo của nhạc sĩ Phạm Tuyên
  • Câu Bác Hồ thốt lên khi ông Tôn Quang Phiệt ra Hà Nội thông báo với Bác rằng ông có nghe tin cụ Phạm Quỳnh đã bị xử bắn ở làng Hiền Sĩ gần Huế (theo lời kể lại của các ông Đào Nhật Vinh và Vũ Đình Huỳnh). Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng.
  • Điệp khúc nổi tiếng của nhà thơ Nga A.Tvardovsky (trong trường ca Xa tiếp xa, nói về cuộc chiến tranh của nhân dân Liên Xô đã bị tổn thất quá lớn để chiến thắng phát xít Đức, cũng như đã trải qua một thời kỳ dài sùng bái Xtalin): “Ở đó không thêm gì, cũng chẳng hề bớt gì/ Vì mọi điều đã xảy ra như thế trên Trái đất!”

Công trình chỉnh trang tôn tạo khu lăng mộ nhà văn hóa Phạm Quỳnh

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 5:55 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 3 năm 2024.

CÔNG TRÌNH CHỈNH TRANG TÔN TẠO

KHU LĂNG MỘ NHÀ VĂN HÓA PHẠM QUỲNH

PGS. TS. KTS. Tôn Thất Đại

Lời dẫn của Phạm Tôn: Kiến trúc sư Tôn Thất Đại là trưởng nam của trưởng nữ học giả Phạm Quỳnh là bà Phạm Thị Giá và chồng là Giáo sư Tôn Thất Bình nguyên phó đốc giáo (như phó hiệu trưởng ngày nay) trường Thăng Long (Ngõ Trạm) Hà Nội nổi tiếng.

—o0o—

Khu mộ nhà văn hóa  Phạm Quỳnh tại Huế do hai con ông là Phạm Thị Hảo và Phạm Tuân đưa di cốt từ Hiền Sỹ về đầu năm 1956 ngay trước Tết Bính Thân mai táng ngay trong đêm tại khu đất lành vốn dành cho sư cụ chùa Vạn Phước trong khuôn viên chùa, nhưng cụ nhường cho. Mai táng xong, hai chị em về Sài Gòn vừa kịp chuẩn bị cúng giao thừa. Nhưng nửa tháng sau, mộ nằm trong vũng nước, nhà chùa cùng gia đình phải chuyển mộ ra ngoài cửa chùa, nơi khô ráo, đẹp đẽ. Do đó, khi chỉnh trang tôn tạo lại thì cả khu lăng mộ nằm trên đất phường Trường An thành phố Huế. Diện tích khu đất khoảng 120m2, trong đó có ba ngôi mộ là mộ Cụ Phạm và hai ngôi mộ nhỏ là hai nấm đất, chung quanh khu đất có hàng rào cao trên 1m.

Trước khi chỉnh trang, trong khu đất có chừng 8 cây, phần lớn là cây đại, trong đó có ba cây tương đối Tuong Pham Quynh 4lớn. Mặt đất là cỏ và có một rặng chè tàu chạy từ cổng song song với tường phía Đông như một bức tường rào thấp 80cm dẫn đến mộ Cụ Phạm ở trong cùng.

Cổng vào rộng 130cm, không có cánh cổng, ra vào tự do.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên trao trọng trách chỉnh trang tôn tạo cho chúng tôi là mấy cháu nội, cháu ngoại nhà văn hóa Phạm Quỳnh. Điểm nhấn của lần chỉnh trang tôn tạo này là dựng một bức tượng bán thân Cụ Phạm Quỳnh để khu lăng mộ tăng thêm chất tưởng niệm. Bức tượng này thoạt đầu do một nhà điêu khắc ở Hà Nội đã làm xong công đoạn chính là nặn bằng đất sét dựa theo bức tượng đồng của một nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp làm theo đúng nguyên mẫu người thật là Cụ Phạm Quỳnh. Nhưng gặp khó khăn trong khi tiếp cận mẫu bằng đồng đành dùng ảnh chụp bức tượng này, cho nên đến nay chúng tôi nhận thấy khuôn mặt không giống Cụ, kèm theo một số lý do khác nữa khiến chúng tôi chuyển sang nhờ một nhà điêu khắc khác tạc thẳng vào đá dựa theo bức ảnh chân dung của Cụ Phạm hồi làm chủ bút báo Nam Phong năm 1930. Người tạc tượng này là, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Trường ở Làng Đá chùa Trầm Hà Nội là người dẫn đầu một hiệp thợ lành nghề của làng đá chuyên đi khắc chạm các sản phẩm bằng đá ở nhiều nơi trong nước ta. Hàng làm tại Làng Đá chùa Trầm thường lấy gốc ở Thanh Hóa. Tượng và hai tấm đá khắc các câu nói nổi tiếng của Cụ Phạm để gắn vào các cuốn thư được chở vào Huế kèm theo thiết kế lắp đặt. Bà TS. Phạm Thị Thanh Tuyền trưởng nữ học giả Phạm Tuyên và em rể là họa sĩ Nguyễn Anh Tuấn lo liệu để đội chuyên vận chuyển của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Trường chở tượng và những tấm đá lớn trên đến tận khu lăng mộ. Mọi việc thi công theo đúng thiết kế toàn bộ khu lăng mộ này là do ông thầu khoán Oánh trông coi thi công.  Ông thầu khoán Oánh chính là người năm 1956 đã được bà Phạm Thị Hảo dược sĩ, con gái Cụ Phạm mời lo việc thi công khu mộ Cụ Phạm Quỳnh. Và từ đó đến nay, ông vẫn là người chăm lo gìn giữ cho khu mộ này được nguyên trạng. Mặc dù năm nay tuổi đã rất cao nhưng ông vẫn làm chu đáo mọi việc.

Chúng tôi đưa ra hai phương án chỉnh trang, phương án thứ nhất là di dời hai ngôi mộ nhỏ đi, như vậy chỉ còn lại mộ Cụ Phạm nằm ở nửa trong khu đất. Nửa ngoài khu đất không còn hai nấm mộ nhỏ nên ở đây có một diện tích đất có thể làm nơi đặt ghế ngồi nghỉ, trò chuyện giao lưu cho khách đến thăm viếng. Tại đây sẽ dựng tượng bán thân Cụ Phạm.

Phương án hai là nếu không di dời được hai ngôi mộ nhỏ đi thì sân giao lưu sẽ bé, bố trí tượng và ghế đá sẽ khó khăn hơn.

Phương án một không thực hiện được, chúng tôi đành chuyển sang phương án hai. Vả lại Cụ Phạm đã cùng nằm trong miếng đất có hai ngôi mộ nhỏ hơn nửa thế kỷ rồi. Họ đã làm bạn với nhau từ lâu cho nên chúng tôi sửa sang lại hai ngôi mộ nhỏ để cùng tồn tại như cũ trong khuôn viên được chỉnh trang.

Một vấn đề nổi lên là tượng bán thân của Cụ Phạm sẽ đặt ở đâu, hướng nhìn về phía nào.

Tượng sẽ đặt trong khu đất sau mộ Cụ Phạm nằm gần hai ngôi mộ nhỏ cạnh đấy có hai ghế đá dài.

Nhưng tượng sẽ nhìn về hướng nào? Nếu tượng nhìn về hướng Nam tức nhìn ra cổng thì từ cổng đi vào khách sẽ nhìn thấy bức tượng ở thế chính diện. Đó là ưu điểm, nhưng khi đứng lễ trước mộ thì lại chỉ thấy lưng tượng, đó là nhược điểm của hướng này.

Nếu tượng đặt nhìn về hướng Đông, thì khi khách từ cổng vào sẽ nhìn thấy tượng rất rõ và đẹp. Nhưng cũng như trường hợp trên khi đứng lễ trước Mộ thì lại chỉ thấy mặt bên của tượng, rất không đẹp. Tượng quay về hướng Tây thì càng không đẹp chút nào vì tượng nhìn ra hàng rào, khi từ cổng vào chỉ thấy lưng tượng, lúc đứng lễ trước mộ cũng chỉ thấy tượng ở tư thế mặt bên.

Chỉ còn cách đặt tượng nhìn về hướng Bắc, tức là nhìn về phía lưng mộ. Ở tư thế này, cái nhược điểm lớn nhất là khi đi từ cổng vào khách chỉ nhìn thấy lưng tượng. Nhưng khi đứng trước bia mộ thì thấy chính diện tượng ở phía trước mặt rất nghiêm chỉnh, trong tổng thể có tính đối xứng.

Cuối cùng chọn hướng Bắc, tượng dựng ở phía sau mộ, nhìn về lưng cuốn thư nhỏ của mộ. Khi đứng trước bia mộ, ta thấy ở xa là chính diện bức tượng bán thân rồi đến cuốn thư, đến phần mộ và đầu bia cùng lư hương, cảnh quan này đẹp và hoàn chỉnh nhất.

Tuong Pham Quynh 1

Hai cuốn thư xây sẵn từ lâu. Nay chỉnh trang lại cho đẹp đẽ. Cuốn thư thứ nhất, nhỏ, đặt ngay sau mộ. Trên cuốn thư này gắn 1 tấm đá đen kích thước 1.000mm x 500mm, trên khắc câu của Cụ Phạm với chính bút tích của Người: “Tiếng là nước, có tiếng mới có nước, có quốc văn mới có quốc gia”. Dưới có chữ ký của Cụ Phạm. Câu chữ được khắc sâu vào đá đen và tô màu trắng.

Cuốn thư thứ hai to hơn cũng được xây dựng từ trước áp vào tường cuối cùng của khu mộ. Cuốn thư này được sửa sang lại và loại bỏ một bệ nhỏ cao 80cm ở phía trước. Trên cuốn thư này gắn 1 tấm đá đen kích thước 2.100mm x 1.000mm. Tảng đá lớn này rất nặng, chở từ Làng Đá chùa Trầm Hà Nội vào là một công việc rất khó khăn, ngay cả khi đưa vào vị trí trong khu đất lăKTS Ton Dai voi Cuon Thung mộ cũng phải phá một đoạn tường mới đưa được vào. Tấm đá to lớn rất dễ bị nứt vỡ khi vận chuyển và đưa lên gắn vào cuốn thư. Trên tấm đá có khắc câu nói nổi tiếng của Cụ Phạm

Truyện Kiều còn tiếng ta còn,

Tiếng ta còn, nước ta còn

Câu này được khắc bằng chữ Nôm, dưới chữ Nôm là chữ quốc ngữ. Bởi chính câu này đã được khắc trên hai trụ cổng vào nhưng vì chỉ khắc chữ Nôm nên hầu như không mấy ai đọc được. Hàng chữ ở hai trụ cổng đã được khắc trên sáu chục năm nay.

Tại hai trụ cổng từ khi xây dựng không hề làm cánh cổng, để mọi người ra vào thăm viếng tự do. Nay làm hai cánh cổng sắt đẹp, có thể khép cổng kín đáo nhưng không có khóa, mọi người vẫn tự do mở để vào thăm viếng và khi ra về thì khép lại.Tuong Pham Quynh 3

Toàn bộ sân khu lăng mộ đều được lát gạch, bỏ đi một số cây nhỏ ít giá trị, chuyển 1 cây ra trồng sát cổng và bỏ hàng rào chè Tàu, như vậy sân rộng hơn, sạch sẽ hơn.

Khu lăng mộ nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã được chỉnh trang lại một cách giản dị sạch đẹp, vẫn giữ nguyên cảnh quan và cây cối vẫn như xưa, ngay cả hai ngôi mộ nhỏ vô danh vẫn để nguyên và được sửa sang lại cho đẹp hơn.

Sáng ngày 28/6/2016 tại khu lăng mộ nhà văn hóa Phạm Quỳnh trong khuôn viên chùa Vạn Phước thành phố Huế đã diễn ra lễ khánh thành trọng thể khu lăng mộ đã được chỉnh trang. Buổi lễ long trọng đã diễn ra với sự tham gia của các sư thầy chùa Vạn Phước, đông đảo quan khách, các chi hội họ Phạm ở một số địa phương trong nước và đông đảo con cháu gia đình Cụ Phạm.

KTS. T.T.Đ.

Trang sau »

Blog tại WordPress.com.