Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 23, 2024

CHỮ HIẾU trĩu nặng vai năm chị em gái

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 1:28 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 5 năm 2024.

CH HIU

trĩu nặng vai năm chị em gái

Phạm Tôn – Tôn Thất Thành

Năm 1945, sinh viên trường Y Hà Nội Phạm Khuê về Huế nghỉ hè, vâng lời Thầy (tức Cha), cùng em Phạm Tuyên và những người giúp việc trẻ trong biệt thự Hoa Đường cầm cờ đỏ sao vàng cùng dân làng An Cựu tham gia cuộc mít tinh lớn ở sân vận động thành phố do Ủy ban Cách mạng Thừa Thiên – Huế tổ chức. Anh về đến nhà thì được em trai Phạm Tuân và các cháu Phạm Quý con anh cả Phạm Giao và anh em Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Quốc Cương con chị Phạm Thị Ngoạn chơi ở sân cho biết Thầy đã bị đưa đi rồi!

Kinh ngạc, giận dữ rồi bình tĩnh lại Phạm Khuê vào gặp em Phạm Thị Hoàn, chị Phạm Thị Ngoạn và chồng là Nguyễn Tiến Lãng hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện họ đã chứng kiến. Rồi bàn bạc với anh chị em và gấp rút lên tàu hỏa ra Hà Nội ngay chiều 23/8/1945 để báo tin dữ.

Đến nhà số 5 phố Hàng Da, chị cả Phạm Thị Giá cho người mời ngay vợ chồng em Phạm Thị Thức và bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đến cùng bà và chồng là giáo sư Tôn Thất Bình, phó hiệu trưởng trường Thăng Long (ngõ Trạm) nghe cậu Khuê kể rõ sự việc rồi cùng bàn bạc xem nên làm gì vào lúc này. Năm anh chị em quyết định phải đi gặp Cụ Hồ. Vì em Khuê đã cho biết là sự việc xảy ra trái hẳn những gì mình được nghe Ủy ban Cách mạng nói với đông đảo đồng bào Huế tham dự mít tinh trưa hôm đó

Phạm Khuê được giao chấp bút bức thư kể rõ sự việc để trình lên Cụ Hồ

Vợ chồng chị Phạm Thị Giá và Tôn Thất Bình tìm gặp ông Phan Bôi là em ruột ông Phan Thanh quản lý của trường Thăng Long, nay lấy tên là Hoàng Hữu Nam phụ trách


nội vụ, gần gũi Cụ Hồ để nhờ xin gặp Cụ. Vài ngày sau, nhận được tin Cụ hẹn gặp vào hồi 11 giờ ngày thứ sáu 31/8 tại Bắc Bộ Phủ. Sáng ấy, đúng giờ trên hai chị em đến và được Cụ tiếp. Hai chị em nói lý do xin gặp và trình lá thư Phạm Khuê viết. Cụ nhận thư, nói sẽ đưa người phụ trách nội vụ nghiên cứu, rồi hỏi thăm tình hình gia đình, còn nói là trong lúc ban đầu, khó tránh khỏi những sự nhầm lẫn đáng tiếc, mong chị em cứ yên tâm tin ở Chính phủ. Sau đó, Cụ có khách là ông trưởng ban tổ chức lễ mít tinh tuyên bố độc lập ngày 2/9 và việc dựng lễ đài ở quảng trường Ba Đình.

Sau này, mẹ tôi kể lại tỉ mỉ cho tôi viết được bài Người nặng lòng với nước khởi viết từ 2001 và đăng trên tạp chí Xưa và Nay năm 2006. Dì Phạm Thị Thức tôi cũng viết bài Viết về Thầy tôi năm 1992, kể cho các em ở Pháp hiểu thêm về Thầy, cũng thuật chuyện gặp Cụ Hồ.

*

* *

Năm 1956, hai năm sau khi đất nước bị chia thành hai miền Nam Bắc, coi như hai nước, Tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa tổ chức tìm nơi chôn anh ông là Ngô Đình Khôi và con ông ta là Ngô Đình Huân bị hạ sát đêm 1 tháng tám năm Ất Dậu 1945 tại khu Hiền Sĩ. Lần đó bắn ba người. Người đầu tiên là Phạm Quỳnh.

Dạo đó dinh tổng thống đang trang trí lại nội thất do bộ trưởng Bộ Kiến Thiết Sài Gòn Hoàng Hùng phụ trách. Biết chuyện tìm mộ này, ông Hùng gặp Ngô Đình Diệm xin cho các con Phạm Quỳnh là dược sĩ Phạm Thị Hảo và em là Phạm Tuân đi theo để tim di hài Cha, người có ơn với bộ trưởng đã cho ăn ở tại nhà số 5 phố Hàng Da suốt những năm ông theo học tại Hà Nội.

Nhờ vậy, hai chị em được đi theo đoàn tìm mộ của chính phủ, có cả lực lượng công binh mở đường và xe quân sự để di chuyển. Khi tìm được nơi chôn thì dễ nhận ra di hài Phạm Quỳnh vì thân dài, nằm dưới cùng và bên cạnh còn có cặp kính cận ông thường đeo.

Tìm được di hài, hai chị em đưa ngay trong đêm về chùa Vạn Phước Huế. Chùa này rất thân thiết với Phạm Quỳnh. Trong chùa có nhiều vật dụng do Phạm Quỳnh hiến tặng, sư trụ trì thường để sẵn cái ghế xích đu để những khi Ông đến chùa nghỉ ngơi di dưỡng tinh thần.

*

* *

Năm 1972, tôi được một bạn cùng học trường Chu Văn An nay làm ở báo Nhân Dân cho biết dì Phạm Thị Ngoạn tôi đã thành tiến sĩ đại học Sorbonne Paris với luận văn về Nam Phong tạp chí. Luận văn ấy, sau này được Phạm Trọng Nhân dịch ra tiếng Việt nhan đề Tìm hiểu Tạp chí Nam Phong. Sách này có 455 trang. Khi tặng tôi sách này, dì Ngoạn ghi:

Thân gửi tặng cháu Thành yêu quý món quà

“Cây nhà lá vườn”

Với tất cả tấm lòng thương nhớ

Cô Ngoạn (ký) YERRES 14/5/1993

*

* *

Người con gái thứ năm báo hiếu Cha là dì Phạm Thị Hoàn. Bà cũng định cư ở Pháp như bà Ngoạn. Hai chị em lo gìn giữ những trang viết Cha để lại. Năm 1992 kỷ niệm 100 năm


ngày sinh Thượng Chi Phạm Quỳnh hai bà đã tuyển chọn và xuất bản Phạm Quỳnh 1892-1992 tuyển tập và di cảo. Lần đầu công bố một số bài viết cuối đời của Cha. Bài cuối viết dở dang, còn đặt cây bút máy Waterman nằm ngang trên trang vở, như dự định chiều sẽ viết tiếp. Đó là trưa 23/8/1945, ông được hai sinh viên Trường Thanh Niên Tiền Tuyến cao to mặc bộ đồ ca ki đẹp mời đến ủy ban làm việc. Con rể Nguyễn Tiến Lãng xin đi theo để hầu Thầy, nhưng không được, vì xe chật. Con gái Phạm Thị Hoàn xin chờ cô lên lầu lấy thuốc dạ dày, nhưng Thầy bảo không cần. Chiều Thầy về. Đó là bài Cô Kiều với tôi, một đề tài ruột của Ông, Đời cô Kiều như vận vào đời Ông. Bài viết vĩnh viễn dang dở… Tập vở Hoa Đường tùy bút, Kiến văn cảm tưởng ngoài bìa có ghi rõ con số I La mã, nhưng ngay quyển I ấy cũng viết chưa hết. Chẳng biết nếu được viết tiếp thì sẽ viết đến quyển thứ bao nhiêu. Vì ông từng viết là nay trở về với văn học tôi tin là ngòi bút sẽ sắc bén hơn xưa, dồi dào hơn xưa qua kinh nghiệm hơn mười năm phải sống trong quan trường với bao hiểm nguy rình rập.

Lần về thăm nước nhà năm 1993, dì Phạm Thị Hoàn đến thăm nhà tôi. Dì thổ lộ: Cứ nhìn những dòng chữ của Cha in trong tạp chí Nam Phong ố vàng vì thời gian mà đau lòng… Vì thế, dì cùng chị là Tiến sĩ Phạm Thị Ngoạn cùng lo xuất bản nhiều sách có ích cho đời sau như Phạm Quỳnh 1892- 1992 Tuyển tập và Di cảo Kỷ niệm 100 năm sinh Phạm Quỳnh, nhà xuất bản An Tiêm Paris (Pháp), Hành trình nhật ký gồm những du ký nổi tiếng như Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ Pháp du hành trình nhật ký xuất bản thành sách lần đầu tại Paris do bà Hoàn giữ bản quyền, nhà xuất bản Ý Việt (Pháp), sau đó tái bản tại San Jose (Mỹ) năm 2022, nhà xuất bản An Tiêm. Sách tiếng Pháp hai bà cho xuất bản ba tập tại Pháp, nhà xuất bản Ý Việt. Sau này, ba tập được nhà xuất bản Tri Thức Hà Nội tổ chức dịch và xuất bản thành một tập nhan đề Phạm Quỳnh tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 (Essais 1922-1932).

Hai chị em lo chuẩn bị bản thảo, đưa in rồi tự mình đeo kính dò lại bản dập kỹ từng chữ một. Khi sách ra đời, hai bà đến những cuộc hội họp kiều bào như Tết, ngày kỷ niệm này nọ, đem sách của Cha giới thiệu với bà con và phát hành tận tay những ai còn yêu tiếng ta, yêu nước ta dù ở xa. Cứ như thế, hai chị em sống những năm tháng tuổi già trong sáng đầy ý nghĩa, chỉ mong báo hiếu Cha được chút nào hay chút ấy.

*

* *

Chẳng biết chữ Hiếu có quá nặng với năm chị em gái con học giả Thượng Chi Phạm Quỳnh?…

Chị cả là mẹ tôi cụ Phạm Thị Giá sinh năm 1913, ngoài 80 tuổi còn viết một Hồi Ký kể cho các con biết những sự kiện của gia đình mà các con chưa biết. Dì Phạm Thị Thức tôi, sinh năm 1915 cũng viết một bài nhan đề Viết về Thầy tôi năm 1992 kể cho các em ở Pháp hiểu thêm về Cha.

Năm 2000, mẹ tôi ngã, gãy cẳng chân, chỉ nằm một chỗ ở nhà em gái tôi tận Bạc Liêu. Dì Thức biết tin, viết thư từ Hà Nội chia sẻ là dì nay cũng yếu chân, ngay đi lại trong nhà cũng khó. Từ sau khi qua tuổi 80, hai chị em tuổi sửu và tuổi mão sướng khổ khác nhau thường viết thư chia sẻ với nhau. Mẹ tôi mắt đeo kính dầy như đáy cốc, chữ viết hay mất nét lại lệch dòng. Chữ dì tôi vẫn đẹp và rõ ràng. Hai chị em thanh thản nhìn lại cuộc đời nhiều sóng gió, nhưng vẫn đứng vững, không có gì ân hận, không gì cần làm và có thể làm mà không làm. Báo hiếu Cha, hai chị em đã lên gặp Cụ Hồ, sau này còn kể lại cho con cháu biết sự kiện đó. Rồi còn cùng chị dâu Nguyễn Thị Hy


cũng tuổi sửu họp nhau cố nhớ từng kỷ niệm về Cha, từ chiếc mũ ni, áo quần, đến những vật thường dùng như bút, giấy…Đặc biệt ba bà còn nhớ rõ việc Cha đã công khai bênh vực chí sĩ Phan Bội Châu năm 1925 đang bị giam ở nhà lao Hỏa Lò chờ ngày ra tòa đại hình đối mặt với án chung thân biệt xứ và tử hình. Phạm Quỳnh đã viết trên tạp chí tiếng Pháp France – Indochine (Chính xác là Indochine Française: Đông Dương thuộc Pháp – PT chú) phát hành cả ở Pháp và ở Đông Dương. Ông muốn tranh thủ dư luận người Pháp ở chính quốc và thuộc địa nhằm gây áp lực với những người Pháp sắp xét xử Phan Bội Châu. Kết quả là cùng với phong trào nhân dân trong nước đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu, thực dân Pháp đã phải chùn tay. Chính toàn quyền Varenne đã tuyên bố tha bổng Phan Bội Châu. Bọn thực dân ở thuộc địa đành giam lỏng Phan Bội Châu ở xứ Huế. Sau này Phạm Quỳnh về Huế làm thượng thư bộ Quốc dân giáo dục còn nhiều dịp thăm nom chăm sóc ông già Bến Ngự những năm cuối đời.

Hai chi em còn thanh thản bàn về những ngày cuối đời…Mẹ tôi muốn hỏa thiêu ở Bạc Liêu, sau đem tro cốt lên an vị tại chùa Vĩnh Nghiêm thành phố Hồ Chí Minh để tôi là con và con tôi là đích tôn lo việc hương khói sau này. Chùa chỉ cách nhà chưa đến nửa cây số, mẹ đã đến thăm và rất ưng nơi ở cuối cùng.

Dì tôi muốn mai táng ở nghĩa trang Tiên Sơn làng Hành Thiện (Nam Định) đặt cạnh mộ chồng là bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, mất năm 1972 tại Quảng Châu (Trung Quốc). 30 năm sau được con trai Đặng Vũ Minh đưa về đây.

Còn ba bà em ở nước ngoài thì sao?

Dược sĩ Phạm Thị Hảo vẫn “mạnh khỏe” ở tuổi ngoài 90. Con cái đến thăm, bà tiếp đón lịch sự, rồi hỏi là ai, đến nhà có việc gì. Em họ tôi Phùng Thị Mai kể cho tôi: Em đến nhà, cũng bị hỏi như thế, rồi bà lão vui vẻ đọc một hồi hàng mấy trăm câu Kiều, vừa đọc vừa hỏi có thấy hay không.

Dì Phạm Thị Lệ, chỉ trên hai em trai út và gái út, một năm về chơi Sài Gòn, đi chơi cùng tôi, vợ và con trai tôi và dì Lê Thị Trung con ông em út bà ngoại tôi. Chúng tôi cùng đi khu du lịch Đầm Sen, ăn xôi lúa, mì Quảng rất vui vẻ chân tình. Dì Lệ kể một hôm đến thăm dì Ngoạn. Dì Ngoạn nói ngay: Em đến vừa may hôm nay anh Lãng về. Vừa nói bà vừa chỉ vào con trai thứ là Nguyễn Quốc Cương đến chơi. Cương ra hiệu cho bà Lệ biết là mẹ lẫn. Dạo ấy Cương mặt gầy, cầm nhọn giống hệt cha là ông Nguyễn Tiến Lãng đã mất mấy năm rồi. Thế là dì Ngoạn pha trà cùng chồng tiếp em gái. Cương dè dặt uống trà, mỉm cười nhìn mẹ đầy trìu mến.

Dì Lệ còn kể hôm đưa tang nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, dì mặc áo dài đen đến nhà dì Hoàn, giúp chị mặc tang phục rồi nhắc đi luôn kẻo trễ. Dì Hoàn hỏi nhỏ em gái: Hôm nay mình đi đưa đám ai đó em?… Dì Lệ muốn bật khóc trước vẻ ngơ ngác, thành khẩn của chị mà không dám, chỉ nhắc chị đi mau kẻo muộn.

Sau khi ba chị về Trời với Thầy, cậu Phạm Tuân tôi mà cả nhà thường quen gọi


chú Miềng, đứng ra

gánh vác những gì các chị để lại. Cậu liên lạc chặt chẽ với nhạc sĩ Phạm Tuyên, chuyển những tài liệu về Thượng Chi Phạm Quỳnh về nước… Cậu và vợ là bà Hoàng Hỷ Nguyên đã đóng góp tư liệu và cả tiền của nữa để xuất bản sách Giải oan lập một đàn tràng bao gồm những bài phát biểu trong Những ngày Phạm Quỳnh tại California Mỹ và giúp Viện Việt Học tại Mỹ (Institute of Vietnamese Studies, C.A. 92683.USA) hoàn thành trong sáu năm bộ DVD tạp chí Nam Phong có kèm cả Mục lục phân tích Nam Phong Tạp chí 1917-1934 của linh mục Nguyễn Khắc Xuyên, Trung tâm học liệu Bộ Giáo Dục Sài Gòn. Và tạp chí Nam Phong số Tết Mậu Ngọ 1918, số báo Tết đầu tiên của nước ta.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/3/2024 (18 tháng 2 năm Giáp Thìn)

PT.TTT

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.