Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 30, 2024

Chuyện kể của một chiến sĩ xe tăng

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 1:56 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 5 năm 2024.

CHUYỆN KỂ CỦA MỘT CHIẾN SĨ XE TĂNG

Dã Thảo

Dã Thảo tôi có một ông em kết nghĩa trẻ hơn mười tuổi. Chú vốn con nhà nông dân Phú Thọ, được tuyển đi học lái cần cẩu to ở nước ngoài, di chuyển bằng xích sắt như xe tăng. Từ đấy, chú ôm mộng làm lính xe tăng. Nhưng, học xong, chú được tuyển về cảng Hà Nội, tất nhiên


là để … lái cần cẩu to.

Đang hồi giặc Mỹ leo thang chiến tranh, chú tình nguyện xin nhập ngũ. Được chấp nhận, tưởng là sắp bắt đầu cuộc đời lính xe tăng rồi, nhưng ai ngờ, chỉ vì cao, to lại đẹp trai, chú bị… chuyển về đơn vị chuyên phục vụ lễ nghi đón đưa khách quốc tế và các ngày lễ trọng, ăn trắng, mặc trơn, chuyên sống ở Hà Nội. Thời chiến, nhiều người mong mà chẳng được, nhưng chú thì cuộc họp nào cũng xin “nhận khuyết điểm là không yên tâm công tác”, chỉ có một nguyện vọng là được ra mặt trận làm chiến sĩ xe tăng, trực tiếp giết giặc. Cứ thế mãi rồi đơn vị lễ nghi cũng đành chiều. Và chú thành chiến sĩ xe tăng ngay đợt tuyển đầu. Rồi ra trận. Xe tăng của chú là chiếc thứ hai tiến vào dinh Độc Lập lúc hơn 11 giờ trưa ngày 30-4-1975. Hết chiến tranh, chú về quê, cống hiến trọn đời cho các việc ích nước lợi dân, không kể lớn nhỏ, với cấp hàm đại úy.

Tết năm nào tôi cũng viết thiếp chúc Tết gia đình chú. Nhưng chú thì không bao giờ viết. Thay vào đó, là một cuộc gọi điện thoại đường dài Phú Thọ – Sài Gòn, nói thật là lâu. Lá thiếp không thể chứa nổi tình cảm của chú với anh em cũ… Tết Tân Mão 2011, theo lệ cũ, tôi gởi thiếp. Sáng mồng một thì về bên ngoại, họp mặt gia đình, ăn uống đến hơn hai giờ trưa mới về. Vừa mở cửa, đã nghe có tiếng chuông điện thoại. Chú ấy gọi. Và cho biết đây là lần gọi thứ bốn từ sáng đến giờ. Sau lúc hàn huyên thăm hỏi gia đình, chú nói là có chuyện rất vui chỉ chờ dịp này kể cho tôi nghe. Chuyện chú kể đai khái thế này…

Trước Tết, đi ăn cưới, chú ngồi cùng bàn với nhiều vị chức sắc và lão thành cách mạng, có lẫn vài thanh niên nay làm lãnh đạo địa phương. Đến lúc gần tàn tiệc, uống trà nói chuyện tào lao thì chú bỗng nổi hứng, lên tiếng hỏi “Các vị có biết ông Phạm Quỳnh là ai không?” Cả bàn già trẻ dè dặt nhìn ông đại tá một lát rồi mới có một vị lên tiếng: “Phạm Quỳnh thì ai chẳng biết…”. Lại hỏi “Thế ông ấy là người thế nào?…” Đáp ngay: “Phạm Quỳnh là tay sai thực dân Pháp”. Lại hỏi: “Còn gì nữa?”. Lại đáp ngay: “Phạm Quỳnh bán nước…” nhưng có hơi do dự .

Lúc ấy vị đại tá mới nói: “Thế ông có biết Phạm Quỳnh là thủ khoa đầu tiên của Trường Bưởi năm 15 tuổi, rồi đi làm ngay ở Trường Viễn Đông Bác Cổ, chuyên nghiên cứu về văn hóa văn học cổ nước nhà. 24 tuổi là chủ bút tạp chí Nam Phong lớn nhất nước ta. Năm 1922, Phạm Quỳnh sang Pháp dự Đấu xảo thuộc địa, tranh thủ gặp Ng


uyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường… bàn việc nước. Chính Nguyễn Ái Quốc đã “đích thân” chỉ đạo bạn cũ từ hồi đi tàu thủy làm một “bữa cơm Bắc thết khách Bắc” là Phạm Quỳnh. Chính vì thân thiết và hiểu nhau như thế cho nên năm 1945, Hồ Chủ tịch làm việc ở Bắc Bộ Phủ đã nói với Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Hoàng Hữu Nam “vô Huế gặp cụ Phạm, trao thư tôi mời cụ”. Khi nghe tin Phạm Quỳnh bị bắt, chính Cụ Hồ đã nói “Bất tất nhiên” (không nhất thiết phải làm như thế). Còn khi nghe Tôn Quang Phiệt, chủ tịch Ủy ban Cách mạng Thừa Thiên – Huế báo là: “Cụ Phạm Quỳnh đã bị khử mất rồi” thì Người nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì? Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với Cụ Phạm ở Pháp! Đó không phải là người xấu!”. Và đến năm 1946, trước phái đoàn ta dự Hội nghị Fontainebleau (Pháp), Bác đã nói: “Lúc này còn cụ Phạm Quỳnh thì …” Ông Phạm Văn Đồng đáp lời: “Bất tất nhiên, Bác đã nói rồi mà!…”.

Cả bàn tiệc ngơ ngác, nhất là vị cán bộ nọ. Vị đại úy nói tiếp:

– Người ta như thế, mà ông chỉ biết có hai câu tay sai với bán nước thôi sao… Vậy xin hỏi ông một câu cuối: “Ông có thuộc bài Như có Bác trong ngày đại thắng không?” Vị cán bộ đỏ mặt: “Ông say rồi mới hỏi tôi như thế, cả nước ai cũng thuộc, đến đứa trẻ con cũng thuộc, ai mà mỗi năm chẳng hát chục lần”.

– Vậy ông có biết tác giả Phạm Tuyên chính là con trai cụ Phạm Quỳnh không?

– Ủa, thật vậy sao?… Điều này thì tôi cũng không biết…

– Vậy thì hôm nào rỗi rãi, ông lại tôi chơi, ta nói chuyện, xem sách cho vui. Sách của ông ấy thì nhiều lắm. Ngay ở nước ta, từ năm 2001 đến nay đã in rất nhiều, có quyển như Thượng Chi văn tập dày hơn một nghìn trang, trong ba tập sách Du ký Việt Nam mấy nghìn trang, tính ra ông ấy có hơn một quyển, chẳng thế mà nhà văn Nguyên Ngọc gọi ông là “người khổng lồ”. Hồi sang Pháp năm 1922, ông đã tự tìm cách lên được diễn đàn Viện Hàn Lâm Pháp để bênh vực dân mình và được cả viện vỗ tay, là điều chưa từng xảy ra ở đấy… Rỗi đến tôi chơi nhé, chứ biết ít như ông mà cứ nói nhiều thì e người ta cười cho đấy!

Đại loại chuyện vui mà ông em kết nghĩa người Phú Thọ muốn làm quà cho tôi ngày mồng một Tết Tân Mão là như vậy. Thật quả là tôi được “lì xì” quá mức dám mơ tưởng.

D. T.

—o0o—

Phạm Tôn Tôn Thất Thành viết thêm ngày 30/4/2024 tại thành phố Hồ Chí Minh

Chú em kết nghĩa đi B. Tôi chỉ biết tin tức ít ỏi qua thư của cô vợ bé nhỏ đã thành thợ học việc ở nhà máy dệt Nam Định. Một lần đi công tác, tôi có ghé xí nghiệp thăm cô. Sau này, có tin tức gì mới về chú ở chiến trường phương Nam cô đều nhanh chóng viết thư cho tôi. Nhờ đó cô có địa chỉ của tôi sau 1975 khi mới vào Sài Gòn giải phóng. Cho nên có chuyện vui là một anh cùng cơ quan sau này vẫn ở địa chỉ ấy, một hôm nhận được lá thư gửi cho tôi về địa chỉ ấy. Chỗ ghi tên người gửi thì viết rất bay bướm chỉ ba chữ Em, Phương xa. Anh ngạc nhiên: hóa ra Tôn Thất Thành cũng có bồ, rồi nhờ người đem đến 82 Lý Chính Thắng cho tôi.

Nhìn chữ viết ngoài phong bì, tôi nhận ra ngay chữ viết của Đào Văn Thùy chú em kết nghĩa. Từ đấy, anh em tôi thường liên lạc với nhau. Thùy gửi cả ảnh con gái con trai, cháu ngoại và tất nhiên cô vợ thân yêu. Em gửi ảnh em ngày nay. Vừa là võ sư Bình Định Gia có hàng ngàn môn sinh, vừa là kiến trúc sư có uy tín, thiết kết độc đáo vì bản thiết kế có tính đến yếu tố phong thủy. Chú hẹn sẽ sớm vào Nam thăm anh chị, khi nào có duyên. Rồi Covid-19 xảy ra, chú còn liên lạc qua điện thoại. Sau đó thì bặt hẳn. Đến nay, không còn liên lạc gì, chỉ còn lại một số hình ảnh lưu lại trong điện thoại. Tôi vẫn chờ. Vợ tôi không chờ được, đã lên trời từ ngày 10 tháng 7 năm Giáp Dần 2022. Tôi vẫn nhắn tin cho chú đều đặn. Và vẫn chờ tin từ chú em, hoặc vợ con cháu chú. Với tôi, người như chú không thể ra đi không dấu vết…

PT.TTT

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.