Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 10, 2024

Bà Phạm Thị Thức điểm tựa và cảm hứng cho thành công của những trí thức lớn

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 6:29 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 4 năm 2024.

Bà Phạm Thị Thức

điểm tựa và cảm hứng

cho thành công của những trí thức lớn

TS Nguyễn Minh San

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là bài đăng trong mục Đời sống quanh ta, các trang 44- 47 tạp chí Khoa học Tổ quốc tháng 12/2012.

Bài này là do Giáo sư Văn Tạo gọi điện từ Hà Nội cho tôi biết, rồi tôi nhờ chú em họ Đặng Vũ Minh cũng ở Hà Nội sao in cho một bản, chứ tôi thì còn biết cái gì, chỉ là một con ếch già nằm đáy cái giếng ở biệt thự cổ xây dựng từ năm 1925 ở 82 Lý Chính Thắng, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh mang trong mình hai bệnh không làm hại ai là đái tháo đường và ung thư nhưng có thể chấm dứt cuộc sống của tôi bất cứ lúc nào mất hết cơ hội làm việc mình yêu thích là tìm hiểu về Ông Ngoại.

—o0o—

“Tôn vốn là con gái một quan Thượng thư trong triều đình. Từ bé đến lớn sống sung sướng, ăn trắng mặc trơn, không biết khổ là cái gì. Lớn lên lấy chồng, nhà tôi là bác sĩ danh tiếng, học ở Pháp, lại đã từng là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở Paris, khi trở về cũng danh giá và giầu có vào loại nhất nhì Hà Nội. Thế mà Cách mạng nổi lên, theo Cách mạng, kháng chiến bùng nổ, cả gia đình đi theo ông nhà tôi vào chiến khu. Tôi chẳng thấy khổ là gì cả!”

Lời bộc bạch của một con người điển hình cho đức hy sinh, sự chịu đựng gian khổ để chồng, con làm việc nhiều nhất, tốt nhất cho nhân dân, cho Tổ quốc của người phụ nữ Việt Nam trên đây chính là lời bộc bạch của bà Phạm Thị Thức – vợ của Giáo sư Đặng Vũ Hỷ – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Y học, người mẹ của bốn người con – bốn trí thức có nhiều cống hiến cho đất nước.

Bà Phạm Thị Thức sinh năm Ất Mão (1915), là tiểu thư đài các, đoan trang của quan Thượng thư – Học giả 20130220_222954-1Phạm Quỳnh – Chủ bút tạp chí Nam Phong rất nổi tiếng những năm đầu thế kỷ XX. Xuất thân trong một gia đình nền nếp Nho phong, tiểu thư Phạm Thị Thức sớm được song thân đính ước với chàng trai Đặng Vũ Hỷ – người con cả của bà Đặng Vũ Kính, tức Nữ sĩ Mộng Lan, một bạn thơ của tạp chí Nam Phong do cha tiểu thư làm chủ bút. Đặng Vũ Hỷ sinh ngày 17/3/1910 trong một gia đình dòng họ khoa bảng lâu đời ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đặng Vũ Hỷ đã được gia đình cho học hành chu đáo, đến nơi đến chốn ngay từ khi còn trẻ. Học xong tiểu học ở Nam Định, rồi trung học ở Trường Anbe Xarô, ông thi đậu vào trường Y Dược khoa Hà Nội (thường gọi là Trường Thuốc) – một trong những ngôi trường danh giá, thời thượng nhất thời thuộc Pháp. Sau 4 năm học ở Trường Y Dược khoa Hà Nội, ông được gia đình cho sang Pháp học tiếp để lấy bằng bác sỹ y khoa. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành Da liễu và được tuyển dụng vào làm việc tại một bệnh viện lớn ở Paris – Bệnh viện Saint – Lazare. Ông là bác sĩ Việt Nam đầu tiên được tuyển dụng làm việc tại đây. Trở về nước, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ được mời làm Bác sĩ trưởng của Bệnh viện mỏ than Đông Triều. Sau đó, do bất bình với chế độ thực dân hà khắc và không cam chịu cảnh phải làm việc dưới quyền bọn “quan Tây” kém mình về chuyên môn nhưng ngạo nghễ phi lý, ông từ bỏ cương vị trên, trở về Hà Nội mở phòng mạch tư. Thời đó, bác sĩ là nghề được trọng vọng và “hái ra tiền”. Với bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, là bác sĩ danh tiếng, học ở Pháp, lại đã từng làm việc tại một bệnh viện lớn ở Paris, phòng mạch tư của ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng, thu hút nhiều bệnh nhân, trở thành bậc danh giá và giầu có vào loại nhất nhì ở Hà Nội lúc ấy. Bà Phạm Thị Thức trở thành con dâu cả của gia đình dòng học Đặng Vũ có 10 anh em (4 trai, 6 gái) – dòng tộc hiếu học và thành đạt làng Hành Thiện – tỉnh Nam Định. Cuộc sống lứa đôi thật êm đềm hạnh phúc và tạo được sự thương yêu của ông bà chú bác hai dòng họ Phạm và Đặng Vũ. Ba đứa con, con trai đầu lòng là Đặng Vũ Tứ, con gái thứ hai là Đặng Nguyệt Bính và con trai thứ ba là Đặng Vũ Minh lần lượt ra đời.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 như một biến cố diệu kỳ trong lịch sử dân tộc, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong lòng vị bác sĩ tài năng Đặng Vũ Hỷ. Ông đã từ bỏ hết giầu sang phú quý để dấn thân phục vụ nhân dân và đất nước. Đóng cửa phòng mạch, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược Hà Nội theo lời mời của Giáo sư Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Y Dược khoa của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngoài giảng dạy, ông còn làm Chủ nhiệm Phòng khám và hàng ngày trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là khuôn viên Bệnh viện Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô).

Cuối năm 1946, tình hình Hà Nội khá căng thẳng vì quân Pháp gây hấn ở nhiều nơi trong thành phố. Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ phải thu xếp đưa vợ, con, gia đình về quê Hành Thiện. Thu xếp cho vợ con vừa xong thì tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Là một bác sĩ được đào tạo bài bản, hơn ai hết, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ biết rằng đây là lúc dân tộc cần đến mình, các chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận đang cần đến minh, nhưng ông vẫn còn chút băn khoăn cho người vợ trẻ phải một mình nuôi ba đứa con nhỏ trong hoàn cảnh chiến tranh có thể tràn đến quê hương ông một ngày nào đó. Là vợ cùng chia ngọt sẻ bùi với người chồng bao năm nay, bà Thức đã hiểu và vô cùng kính phục người chồng có tấm lòng nhân ái với người bệnh, nặng lòng với quê hương đất nước, vì vậy, bà đã động viên để ông yên tâm lên đường. Trong một đêm giá lạnh đầu năm 1947, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ đã từ biệt người vợ trẻ và ba người con, gia nhập lực lượng Vệ quốc đoàn, trở thành người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến. Ông được phân công phụ trách Trạm quân y Cổ Lễ – mặt trận Hà Nam Ninh. Năm 1948 khi bác sĩ Đặng Vũ Hỷ chuyển sang phụ trách dân y, làm Trưởng ty Y tế tỉnh Ninh Bình, ông đã đưa vợ và ba con theo kháng chiến.

Năm 1949, tại làng Thư Điền, thuộc huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, bà Thức sinh người con gái út là Đặng Thị Kim Chi. Người trực tiếp đỡ đẻ cho bà chính là bác sĩ Hỷ với sự giúp đỡ của một nữ hộ sinh. Từ đây, hễ bác sĩ Hỷ theo cơ quan di chuyển tới đâu, thì bà Thức lại dắt díu các con “bám sát đội hình” theo tới đó. Năm 1950, khi bác sĩ Hỷ được điều về làm Hiệu trưởng Trường Y sĩ Liên khu III – IV ở Nông Cống – Thanh Hóa (Trường là nơi đào tạo y tế dân y cho toàn Bắc Bộ và học sinh tốt nghiệp của Trường là cán bộ lãnh đạo dân y các tỉnh trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và trong những ngày hòa bình lập lại sau 1954, rồi chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ra miền Bắc), thế là bầu đoàn thê tử của ông lại cùng ông từ Ninh Bình chuyển vào Thanh Hóa. Trường Y sĩ Liên khu III-IV đóng ở Nưa, xã Cổ Định, huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa. Ngôi nhà của bác sĩ Hỷ ở làng Ất. Từ nhà, hàng ngày, bác sĩ Hỷ đi giảng bài ở giảng đường chính là ngôi đình làng Giáp và đến bệnh viện đóng ở làng Tuy Yên. Ông đi xe đạp hay đi bộ, nhưng thường là đi bộ đến nơi làm việc. Là bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhưng do thiếu người giảng dạy nội khoa, bác sĩ Hỷ đã ngày đêm tìm tài liệu tự học thêm để dạy. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu bấc to, ông ngồi đọc cho vợ chép những bộ sách dày bằng tiếng Pháp. Nhiều năm sau, một học sinh cũ của Trường – Bác sĩ Nguyễn Thương Liễn, bồi hồi nhớ về người thầy của mình: “Hai ông bà ở Hà Nội, nhà cao cửa rộng, cuộc sống đầy đủ, vậy mà đã từ bỏ chốn phồn hoa đô hội ra vùng tự do, đi kháng chiến. Về nơi tản cư, cuộc sống muôn vàn khó khăn, vất vả trăm bề, thiếu thốn đủ thứ, lại máy bay địch rình rập. Dùng đèn dầu cũng phải tùng tiệm, còn nước sinh hoạt thì chỉ có nước giếng và nước sông. Tôi phục ông bà lắm. Rất lấy làm lạ, tại sao ông bà lại chịu đựng cuộc sống cực nhọc, khó khăn như vậy được, không ca thán, kêu ca, phàn nàn một điều gì. Nhiều lần tôi nhìn thấy bà Hỷ với khuôn mặt hiền lành phúc hậu, đi trên đường làng Ất mấp mô sỏi đá, trẹo cả chân mà bà vẫn tươi cười như xưa kia bà đi trên đường phố Hà Nội”.

Từ 1953, Trường Y sĩ Liên khu III-IV được lệnh chuyển từ Thanh Hóa lên Việt Bắc. Lại một lần nữa, bà Thức thu xếp hành lý cho cái gia đình nhỏ để di chuyển theo. Song, đây là cuộc di chuyển đường xa và nhiều nguy hiểm hơn những lần di chuyển trước. Bác sĩ Hỷ mua một chiếc xe đạp thồ và may 2 cái võng bằng vải dù mắc vào hai bên chiếc xe đạp thồ. Bé Minh 7 tuổi và bé Chi 4 tuổi được nằm trên hai cái võng đó để thồ. Bà Thức được ngồi xe đạp có người thồ. Còn bác sĩ Hỷ đạp xe đèo cô con gái thứ hai 14 tuổi. Trên suốt chặng đường dài gần 400km từ Thanh Hóa lên đến chiến khu Việt Bắc, thức ăn chủ lực là nước mắm cô đặc do bà Thức chuẩn bị trước, khi còn ở Thanh Hóa. Dọc đường, để tránh máy bay địch, ban ngày bác sĩ Hỷ đưa gia đình trú lại ở những chiếc lán trong những cánh rừng hai bên đường. Sẩm tối, cả gia đình lại hối hả lên đường đi tới sáng. Trời rét căm căm, thỉnh thoảng bác sĩ Hỷ lại vén tấm ni lông phủ phía trên võng để xem hai đứa con có thò chân ra ngoài sương lạnh không. Sau ngót 1 tháng trời ròng rã, bà Thức cùng gia đình đã lên tới xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là địa điểm đặt Trường Đại học Y khoa kháng chiến. Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ tham gia giảng dạy tại trường này.

Gia đình bà Thức được bố trí ở trong ngôi nhà nhỏ làm bằng tre nứa, lợp lá gồi, phía sau là một rừng vầu. Người dân trong bản và các sinh viên chứng kiến tiểu thư đài các Phạm Thị Thức năm nào, ngày ngày tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Noi gương mẹ, các con bà cũng tham gia chăm chỉ. Những lúc rảnh rỗi, bác sĩ Hỷ cũng tăng gia cùng gia đình. Hai ông bà và các con hăm hở khai phá mảnh đất sau nhà, mảnh vườn phía trước cửa trồng rau cải, su hào, cà rốt, ngày hai buổi chịu khó xách từng xô nước ra tưới vườn. Những mầm rau xanh tươi làm vui lòng người canh tác, đất chẳng phụ ai cho nên chỉ hơn một tháng sau, vườn rau xanh tốt và mỗi bữa ăn của gia đình đã có thêm bát canh rau, đĩa cải luộc chấm với chén nước mắm (nước mắm cô đem từ Thanh Hóa). Rồi tiếng gà cục tác đã rộ quanh nhà. Mười con gà đẻ mỗi ngày cũng cho gia đình dăm ba quả trứng. Thế là trong mâm cơm gia đình xuất hiện bát nước chấm dầm hột gà luộc, đôi khi còn có đĩa trứng rán to, lũ trẻ háu ăn, ông bà nhìn nhau mãn nguyện. Nhiều năm sau này, bà Thức vẫn nhớ về những tháng ngày sống ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến 9 năm: “Tôi còn nhớ, những năm ở Việt Bắc, tôi lội xuống suối tìm những bãi đất ven suối để cấy rau muống. Rau muống lên tốt quá, ăn không hết, cho bớt nhà anh em cán bộ xung quanh. Nuôi gà vịt cũng thế, không hiểu tại sao vịt đẻ cũng nhiều, gà đẻ cũng nhiều. Rồi tôi lại còn học cách làm tương. Tương tôi làm rất ngon, đem bán cho các gia đình xung quanh cũng được một ít tiền… Ông Trường-Chinh có lần nói đùa với tôi: “Chị ơi, chị nên kinh doanh rau muống, trứng gà trứng vịt đem bán cho cơ quan chính phủ để nuôi các cháu”. (Trích Hồi ức bà Đặng Vũ Hỷ , trang 404).

Giống như những năm ở Ninh Bình, Thanh Hóa, tại căn nhà nhỏ giữa núi rừng Việt Bắc, đêm đêm, bên ngọn đèn dầu, bà Thức giúp chồng trong công tác nghiên cứu về một20130220_223140-1 chứng bệnh nan y là bệnh phong/cùi, để không lâu sau đã góp phần quan trọng trong việc chữa trị và đề phòng bệnh quái ác này cho nhân dân ta. Tại ngôi nhà này, bà Thức đã tiếp nhiều giáo sư bác sĩ nổi tiếng có những đóng góp lớn lao cho nền y học cách mạng Việt Nam như các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Nguyễn Xuân Nguyên,… Nhiều lần, khách dùng bữa trưa cùng gia đình. Bữa cơm thân mật có rau muống chấm tương, bí ngô, trứng rán, thỉnh thoảng lại có thịt gà kho gừng… với những câu chuyện dí dỏm làm cho cuộc sống kháng chiến ở chiến khu tuy còn đạm bạc nhưng đầy hạnh phúc và lạc quan.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chính là nơi thử thách lòng yêu nước, tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ của người dân Việt, đặc biệt là tầng lớp trí thức và những người thuộc tầng lớp trên trong xã hội cũ. Đã có không ít trí thức do không hòa nhập được với cuộc sống của đồng bào và chiến sĩ ngoài mặt trận, do không chịu đựng được khó khăn thiếu thốn đủ bề nơi chiến khu, nhất là thiếu lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, đã về sống trong thành phố do Pháp tạm chiếm đóng. Vậy mà tiểu thư khuê các Phạm Thị Thức năm xưa, đã đi suốt cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ của dân tộc, trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ mà không một lời than vãn. Không những vậy, bà còn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống kháng chiến, như lời bà thổ lộ: “Tôi thấy vui lắm, không biết khổ là gì”. Nhưng, đối với bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, có thể nói chỉ một mình ông hiểu vợ ông đã chịu khổ đến mức nào. Bởi ông thấu hiểu hoàn cảnh xuất thân của vợ, bởi ông nhất mực thương yêu, quí trọng vợ. Là người rất tâm lý, thấy bà cực khổ quá, ông xót xa, buồn lắm. Thấy vậy, bà hỏi tại sao ông buồn. Ông đã nói thực lòng mình với bà: “Anh thương em khổ sở, không biết em có muốn trở về Hà Nội không?”. Bà trả lời: “Em chẳng thấy khổ. Ở đâu có anh, có các con là em sung sướng. Ở đây thế này cũng được, em ở mãi cũng không sao. Anh cứ đi theo kháng chiến đến bao nhiêu năm em cũng theo được, chẳng việc gì phải về theo Tây”. (trích Hồi ức bà Đặng Vũ Hỷ, trang 404). Bà thường nói với các con “kháng chiến giành độc lập tất nhiên phải chịu khổ cực, cả nước chịu cực thì gia đình mình cũng phải chịu cực”.

Bà Thức đã sát cánh cùng bác sĩ Đặng Vũ Hỷ tham gia kháng chiến 9 năm liền cho tới khi thành công, đem lại hòa bình cho đất nước. Trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc, bà Thức đồng hành cùng chồng trên mọi nẻo đường kháng chiến, sát cánh cùng chồng trong mọi công việc chung cũng như riêng của gia đình. Chặng đường từ sau khi hòa bình lập lại năm 1954 cho đến ngày Giáo sư Đặng Vũ Hỷ qua đời ngày 4/10/1972, không khi nào ông vắng bóng bà, ngay cả những ngày cuối cùng của ông trên đất Trung Quốc. Và, tấm gương đi theo kháng chiến của bà – người chị trong gia đình đã ảnh hưởng không nhỏ tới các em trong việc định hướng cuộc đời và sự nghiệp vì dân tộc, vì đất nước; mà điển hình là GS.BS Phạm Khuê – Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam và Nhạc sỹ Phạm Tuyên – Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật.

Trong việc dạy dỗ các con, ông bà không bao giờ dạy dỗ bằng lời, mà chủ yếu bằng tấm gương của cuộc đời mình, bằng những việc làm, học tập của mình hằng ngày. Cuộc đời và sự nghiệp của ông bà chính là tấm gương sáng về đạo đức và tài năng đã tác động trực tiếp đến các con cháu trong gia đình. Hai con là Đặng Vũ Tứ, Đặng Nguyệt Bính theo nghề của cha làm bác sĩ. Con trai thứ ba là Đặng Vũ Minh sau này là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ), Ủy viên Trung ương Đảng khóa 8, 9, 10, nguyên là Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện nay là Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Con gái út sinh ra trong kháng chiến của ông bà là Đặng Thị Kim Chi, sau trở thành Giáo sư, Tiến sĩ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là một trong những chuyên gia hàng đầu về môi trường ở nước ta, được tặng Giải thưởng Kovalevskaia. Ông bà có 8 cháu nội, ngoại, đều tốt nghiệp đại học và trên đại học, trong đó có 3 Tiến sĩ, 2 Thạc sĩ. Cháu gái Nguyễn Diệu Hoa, con gái Bác sĩ Đặng Nguyệt Bính, là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh – Hoa hậu Việt Nam năm 1990, Á hậu cuộc thi “Hoa hậu Quý bà Thế giới” năm 2008.

“Khổ tận đến ngày cam lai”. Người chồng mà bà Thức nhất mực yêu thương, quý trọng và thề theo ông suốt đời, sau 31 năm lạnh lẽo trên đất khách, đã trở về với bà, khi con trai Đặng Vũ Minh đưa di cốt ông từ Quảng Châu về với đất Mẹ. Sau 31 năm xa cách, từ ngày 13/3/2007 cho đến muôn sau, đêm đêm, ngày ngày, bà cùng ông “đi đâu cũng đi, ở đâu cũng sống được”.

Bà đã đạt tới quả Phúc!

N.M.S.

(Bài đã in trong cuốn sách Rạng rỡ sử xanh Phụ nữ Việt Nam (Những tấm gương tiêu biểu từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh) của TS. Nguyễn Minh San, do NXB Dân Trí ấn hành, tháng 12/2012).

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.