Blog PhamTon năm thứ mười bốn, kỳ 2 tháng 12 năm 2022
TRÊN QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 15/12/2022
Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu tại lễ ký Quy chế, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương đã không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng trong công tác tham mưu của hai cơ quan giúp Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về các lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp, đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quốc tế ghi nhận, đánh giá cao
Theo Chủ tịch Quốc hội, những thành tựu quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nội chính và cải cách tư pháp thời gian qua có công sức đóng góp không nhỏ của hai cơ quan. Thời gian qua, nhiều đoàn công tác của nghị viện các nước khi sang thăm, làm việc với các cơ quan của Quốc hội cũng đều rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực này.
“Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã đề ra rất nhiều giải pháp trọng tâm, tập trung vào công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp. Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã tham mưu, triển khai thực hiện và lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật của Nhà nước để thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Điểm lại công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hai cơ quan đã phối hợp, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị những nhiệm vụ hết sức quan trọng như Đề án “Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới” và hiện đang tích cực hoàn thiện các đề án như: tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp để phòng, chống tiêu cực; rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán…; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhiều nhiệm vụ khác.
Trong nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật, trong đó có nhiều dự án, dự thảo luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát tối cao về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát tư pháp… Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây đều là những nhiệm vụ lớn, quan trọng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương nhằm bảo đảm thể chế đúng, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cơ quan hoàn thành tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương là hết sức cần thiết; các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều rất hoan nghênh việc hai cơ quan ký Quy chế phối hợp.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao Ban soạn thảo, Tổ biên tập, nhất là các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã rất tích cực, chủ động trong việc xây dựng Quy chế phối hợp.
“Quá trình xây dựng Quy chế đã bảo đảm đúng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; được diễn ra nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm với nhiều lần trao đổi ý kiến góp ý giữa hai bên. Đến nay, Quy chế phối hợp đã hoàn thiện gồm 7 điều, tập trung vào làm rõ về nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp, trách nhiệm phối hợp và phương pháp phối hợp… với những nội dung hết sức cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng quan hệ phối hợp công tác giữa hai cơ quan ngày càng bền chặt, hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương sẽ ngày càng được nâng cao. Hằng năm, hai bên sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá công tác phối hợp và sẽ thống nhất các giải pháp để bảo đảm thực hiện có hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Tham mưu các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Theo Quy chế phối hợp vừa được Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc ký, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương sẽ phối hợp công tác trên cơ sở: đường lối, chủ trương, chính sách, quy định của Đảng; thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; tích cực, chủ động hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Về nội dung phối hợp, hai bên nghiên cứu, tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, định hướng, chủ trương, chính sách lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp thành pháp luật; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực nêu trên.
Hai bên tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; về công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Trao đổi, thông tin về những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp để đề xuất hoặc chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành.
Hai bên phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Phối hợp thực hiện công tác cán bộ theo quy định của Đảng. Phối hợp trong công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Hai bên cũng sẽ phối hợp trong việc thực hiện các nội dung khác theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của hai cơ quan và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao.
- Trang 4 báo Nhân Dân ngày 13/12/2022
“3 bám, 4 cùng” giữ bình yên nơi biên cương
Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả phương châm “3 bám, 4 cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực biên giới của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, cho nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ ổn định. Từ đó, giúp đồng bào thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần hủ tục, chung tay xây dựng cuộc sống bình yên, vươn lên phát triển kinh tế-xã hội

Tỉnh Kon Tum có đường biên giới quốc gia dài hơn 292km, tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia. Khu vực biên giới của tỉnh gồm 13 xã thuộc bốn huyện: Đắk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai, là nơi sinh sống của 24 dân tộc anh em. Trên địa bàn tỉnh hiện có năm tôn giáo với hơn 11 nghìn tín đồ. Trước năm 1999, hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể thôn, xã biên giới chưa đi vào nền nếp, tỷ lệ hộ đói, nghèo cao, khoảng 30% số dân mù chữ, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu…
Xuất phát từ thực tế trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum bám sát vào Nghị quyết số 24-NQ/ĐU, ngày 20/12/1998 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng, Đề án số 99 ngày 20/11/1998 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương triển khai đội ngũ cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường giúp các xã biên giới trong tỉnh. Theo đó, từ nhiệm kỳ 2000-2005, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã bố trí cán bộ tăng cường đến tất cả các xã biên giới và đều giữ các chức vụ chủ chốt của xã, được chính quyền và đồng bào sở tại tín nhiệm cao. Đến nay, nhiệm kỳ 2020-2025, có 13 đồng chí bộ đội biên phòng tăng cường cho 13 xã biên giới, trong đó có ba đồng chí giữ chức phó bí thư đảng ủy xã.

Sa Loong là một xã biên giới nghèo, đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Hồi. Toàn xã có sáu thôn, trong đó hai thôn Giang Lố 1 và Giang Lố 2 nhân dân theo Công giáo; thôn Bun Ngai có một số người theo đạo Tin lành. Ở thôn Giang Lố 2, vào năm 2003 xuất hiện tà đạo Hà Mòn và đã có 53 hộ với 200 khẩu theo tà đạo này khiến cuộc sống bị đảo lộn, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Thiếu tá Phạm Huy Thắng, cán bộ tăng cường xã Sa Loong của Đồn Biên phòng Sa Loong, nhớ lại: Để xóa bỏ tà đạo Hà Mòn, giúp người dân tin tường vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chúng tôi hằng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương, với đồng bào dân tộc thiểu số để vận động. Đến năm 2017, nhờ công tác tuyên truyền, vận động của các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn, đặc biệt là lực lượng biên phòng, tà đạo Hà Mòn đã hoàn toàn bị xóa bỏ.

Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Giang Lố 2, A Đam nói: Nhờ cán bộ, chiến sĩ biên phòng xuống tuyên truyền, vận động, bà con đã quay lại đạo chính thống để sinh hoạt. Các chiến sĩ biên phòng còn chỉ cho bà con cách trồng cà-phê, cao-su, đời sống ngày càng khá giả nên bà con rất tin, quý bộ đội biên phòng.
Còn tại xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan là rào cản phát triển kinh tế-xã hội. Đồn Biên phòng Đắk Long đã phối hợp cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn để tuyên truyền đến người dân, xóa bỏ hoàn toàn các hủ tục. Thượng tá Nguyễn Văn Ngự, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Long cho biết: Chúng tôi kiên trì thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” để hiểu phong tục, tập quán, từ đó phân tích cho bà con thấy những hủ tục ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất. Phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản kiên trì tuyên truyền để bà con nghe, hiểu và làm theo.

Nhờ những chủ trương đúng đắn và việc gần dân, hiểu dân của bộ đội biên phòng cho nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới tỉnh Kon Tum hiện nay cơ bản ổn định, người dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính quyền các địa phương cũng quan tâm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú cho đồng bào, qua đó góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
- Trang 4 báo Nhân Dân ngày 13/12/2022
Niềm hạnh phúc vô bờ
Ngoại ô Moskva, ngày thứ bảy cuối cùng của năm 1972. Tuyết phủ trắng nơi bệ cửa sổ. Ngoài đường, đèn điện trang hoàng, lấp lánh chào năm mới. Trong nhà, ông Nikolai Kolesnik (N.Cô-le-xơ-nhích) bật đài, nghe một bản tin ngắn: Mỹ thất bại trong cuộc tập kích đường không chiến lược ở Việt Nam. Đó thật sự là những gì ông Kolesnik (trong ảnh) chờ đợi.

Ông Kolesnik mừng vui khôn xiết. Không khí lễ hội như càng thêm rạo rực. Ông và những người bạn thông báo cho nhau, rồi cùng chúc mừng chiến thắng của quân đội nhân dân Việt Nam trong trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Từ xa, ông muốn hòa cùng niềm vui chiến thắng với người dân Việt Nam. Ngày hôm đó với ông Kolesnik là ngày vô cùng đáng nhớ. Bạn bè chúc mừng ông, vì biết rằng trong chiến thắng này, có phần đóng góp của các chuyên gia Liên Xô (trước đây).
Năm 1965, với nhiều kinh nghiệm tích lũy khi phục vụ đơn vị tên lửa phòng không quân đội Liên Xô, ông Kolesnik được đề nghị tham gia hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam. Ông đồng ý không chút do dự. Trong nhóm chuyên gia quân sự của Liên Xô hỗ trợ Việt Nam đẩy lùi cuộc xâm lược của Mỹ, có nhiều chỉ huy đơn vị tên lửa phòng không.
Quãng thời gian gần một năm công tác tại Việt Nam in hằn và sống mãi trong trái tim người lính Kolesnik. Tiểu đoàn tên lửa 61 (Trung đoàn 236) mà ông tham gia phục vụ đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Hỗ trợ đẩy lùi không quân Mỹ xâm lược Việt Nam, ông Kolesnik cùng các chuyên gia Liên Xô có niềm tin mãnh liệt rằng, họ đang thực hiện một sứ mệnh cao cả và xứng đáng.
Năm 1966, trở lại quê nhà sau chuyến công tác, ông Kolesnik vẫn hướng về chiến trường ở Việt Nam. Ông nhớ rõ tháng 12/1972, Mỹ thực hiện những nỗ lực cuối cùng nhằm phá vỡ hệ thống phòng không ở miền bắc Việt Nam để đạt bước ngoặt trong chiến tranh. Quân Mỹ lên kế hoạch cẩn thận cho chiến dịch “Linebacker II”, bắn phá Hà Nội, Hải Phòng, đường mòn Hồ Chí Minh… Để đạt mục tiêu, Mỹ đã giáng xuống miền bắc Việt Nam toàn bộ sức mạnh của lực lượng không quân và không quân hải quân.
Tuy nhiên, hệ thống phòng không của Việt Nam với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô đã hiên ngang đứng vững trong cuộc đọ sức kéo dài 12 ngày đêm rực lửa. 81 máy bay Mỹ bị hắn hạ, trong đó có 34 pháo đài bay B-52. Tổn thất nặng nề trong trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, nhà cầm quyền Mỹ phải xuống thang, đề nghị phía Việt Nam trở lại bàn đàm phán Paris, chuẩn bị ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ông Kolesnik phân tích, các mục tiêu chiến lược của quân đội Mỹ ở Việt Nam là rất rõ ràng. Thứ nhất, lấy Việt Nam làm gương nhằm làm suy yếu các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin. Thứ hai là thử nghiệm tại Việt Nam các biện pháp, phương tiện chiến tranh xâm lược hiện đại, đồng thời là nơi diễn tập cho một cuộc chiến tranh thế giới lớn. Nhưng rồi người Mỹ phải xấu hổ rời Việt Nam.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, từ khi đế quốc Mỹ thất bại trong trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đến ngày 27/1/1973, khi Hiệp định Paris được ký kết. Nhớ lại mốc đặc biệt đó, ông Kolesnik nhấn mạnh, cả thế giới hoan nghênh việc chấm dứt cuộc xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định năm 1973 cũng cho thấy thất bại hoàn toàn của Mỹ trong cuộc chiến này. Đối với nhân dân Liên Xô, nhất là với những người trực tiếp giúp đỡ Việt Nam đẩy lùi cuộc xâm lược của Mỹ, đó là ngày lễ thật sự. “Mọi người ai cũng hạnh phúc. Cả gia đình, đồng nghiệp tôi…”, ông Kolesnik nhớ lại.
Trong vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam, bằng một tình cảm ấm áp, ông Kolesnik luôn nhớ về những người bạn Việt Nam. Bộ đội Việt Nam và những chuyên gia Liên Xô đã cùng nhau chia sẻ niềm vui chiến thắng và cả mất mát trong những năm tháng khó khăn. Nhiều năm sau chiến tranh, họ may mắn gặp lại, những kỷ niệm ngày xưa cứ thế ùa về.
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, thay mặt các cựu chiến binh Nga, ông Kolesnik nhắn gửi lời chúc chân thành nhất tới nhân dân Việt Nam anh dũng, cần cù; đất nước Việt Nam tuyệt vời ngày càng phát triển thịnh vượng. Chúc cho các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam luôn vững vàng canh giữ bình yên Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 11/12/2022
Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng Ban.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 9/12/2022 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 (Ban Chỉ đạo).
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ (Thường trực); ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Vũ Khắc Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao; ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; ông Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Công an.
Thành viên Ban Chỉ đạo gồm ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; ông Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Nội vụ; bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Tư pháp; ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030, trong đó bao gồm các nhiệm vụ kế hoạch để thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và Thông báo Kết luận số 12-TB/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Chính phủ.
Trưởng Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Ban Chỉ đạo, được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ để điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của bộ, cơ quan nơi công tác để chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ.
Ban Chỉ đạo chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Trưởng Ban Chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban Chỉ đạo, do một đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng, thành viên là cán bộ thuộc các cơ quan tham gia Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 9/12/2022
Tăng cường hợp tác quốc phòng vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng
Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng. Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (VIETNAM DEFENCE 2022) khai mạc sáng 8/12 tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội).

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Về phía đại biểu quốc tế có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath; Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Saikhanbayar Gursed; Chủ nhiệm Chính trị các Lực lượng vũ trang Cuba Victor Rojo Ramos; đại điện Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, chỉ huy quân đội các nước trong khu vực và thế giới; hơn 170 doanh nghiệp, đơn vị quốc phòng, an ninh đến từ 30 quốc gia.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức VIET NAM DEFENCE 2022 từ ngày 8 đến 10/12 tại Sân bay Gia Lâm (Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội).
Mục đích của triển lãm nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại về quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất đến bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước; tạo điều kiện để các quốc gia, các công ty, doanh nghiệp trong nước, quốc tế giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Triển lãm cũng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang; tìm hiểu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật trên thế giới để đề xuất, lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho quân đội và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng.
Qua sự kiện lần này cũng nhằm tích lũy kinh nghiệm để hướng tới tổ chức triển lãm định kỳ 2 năm/lần, trong đó có Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quy mô VIETNAM DEFENCE 2022 gồm: khu vực triển lãm có tổng diện tích hơn 50.000m2 với diện tích trưng bày trong nhà và ngoài trời hơn 20.000m2, bố trí thành các khu vực: khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp quốc phòng; khu vực không gian văn hóa Việt Nam; khu trưng bày “Kinh tế-quốc phòng Việt Nam”.
174 công ty, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ 30 quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại VIETNAM DEFENCE 2022.
Các doanh nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng hải quân, lục quân, phòng không-không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.

Các sản phẩm của Việt Nam trưng bày, giới thiệu tại triển lãm gồm các sản phẩm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) và các công ty thương mại, dịch vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (Cục Công nghiệp an ninh) nghiên cứu, chế tạo.
Các hoạt động bên lề triển lãm gồm khu vực không gian văn hóa: trưng bày ảnh giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam và giới thiệu Quân đội nhân dân Việt Nam; biểu diễn múa rối nước, các chương trình ca nhạc phục vụ khách tham quan trong thời gian triển lãm.
Khu vực trưng bày “Kinh tế-Quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” trưng bày các mốc son tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử gắn với phát triển kinh tế-xã hội; kết nối với Triển lãm không gian mạng.
Trong khuôn khổ VIETNAM DEFENCE 2022 diễn ra các hội thảo: Chuyển đổi số và ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng; Hợp tác Công nghiệp quốc phòng Việt Nam và các nước; Diễn đàn Hợp tác Công nghiệp quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản.
Phát biểu ý kiến khai mạc triển lãm, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý, đại biểu tham dự sự kiện VIETNAM DEFENCE 2022 tại thành phố Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng của Việt Nam; gửi tới toàn thể quý vị khách quý lời chào trân trọng, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nêu rõ, cùng với xu thế hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước trên thế giới luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm, duy trì, thúc đẩy và phát triển.
Với mục đích đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường đối thoại quốc phòng, tăng cường lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 là cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách quốc phòng, các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh gặp gỡ, trao đổi, phát triển, hợp tác hướng tới một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp và toàn thể quý vị trong việc chuẩn bị và tham gia triển lãm.
Vượt qua rất nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, ngày hôm nay, 170 đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có công nghệ tiên tiến và uy tín từ 30 quốc gia có mặt tại đây vì tình cảm, đoàn kết quốc tế, vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Triển lãm trưng bày vũ khí, trang thiết bị quân sự, giải pháp công nghệ cho tất cả các lực lượng hải quân, lục quân, không quân, tác chiến không gian mạng, hậu cần và kỹ thuật.
Đây là biểu tượng cho lòng tin, mối quan hệ hợp tác và hữu nghị, tình cảm ấm áp của bạn bè quốc tế dành cho đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, luôn thể hiện tin cậy, trách nhiệm với bạn bè quốc tế.
Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh xu thế lớn là hòa bình, hợp tác và phát triển, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt, do đó chúng ta phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, đề cao công lý, lẽ phải, luật pháp quốc tế, trong đó tăng cường đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, đối thoại, hợp tác quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa các nước thế giới là rất quan trọng, có vai trò quyết định.
Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; hợp tác vì hòa bình và phát triển bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, góp phần đẩy mạnh hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ của xã hội trên toàn thế giới.
Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình, tự vệ, vì nhân dân. Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng hiện đang tích cực tham gia các hình thức hợp tác quốc phòng kể cả song phương, đa phương với các quốc gia trên thế giới.
Hợp tác công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là VIETNAM DEFENCE 2022 mở ra các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng phát triển, trang bị, công nghiệp quốc phòng an ninh trên thế giới, đa dạng hoá các kênh mua sắm, tích cực chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, sản xuất các trang thiết bị khí tài, hậu cần đáp ứng cho lực lượng vũ trang, phục vụ nhu cầu bảo vệ Tổ quốc, nhân dân trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Đây là dịp để chúng ta thắt chặt hơn mối quan hệ, cơ hội Việt Nam chia sẻ văn hóa, nghệ thuật của đất nước, con người Việt Nam – một dân tộc yêu chuộng hòa bình, cần cù, mến khách.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức khai trương Triển lãm VIETNAM DEFENCE 2022.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 8/12/2022
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương
Ngày 7/12, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị đánh giá các nội dung quan trọng mà Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã triển khai, thực hiện trong năm 2022; xác định mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp công tác trọng tâm trong thời gian tới; cho ý kiến về các văn bản trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương dự và phát biểu; Đại tướng Tô Lâm, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương; đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số cơ quan Trung ương…
Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến đối với: Báo cáo tổng kết công tác đảng của Đảng bộ Công an Trung ương năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023; các nội dung chính trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78; Báo cáo kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA ngày 25/5/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Báo cáo các công việc Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo thực hiện trong quý IV/2022…
Hội nghị thống nhất đánh giá, trong năm 2022, Đảng bộ, Ban Thường vụ, Đảng ủy Công an Trung ương là tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ thực sự, quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, thiết thực; đã làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, chỉ đạo nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng Đảng gắn với xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Đảng bộ, Ban Thường vụ, Đảng ủy Công an Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, công tác năm 2022. Do đó, đã giữ vững thế chủ động chiến lược, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; kịp thời đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành, công khai các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về trật tự, an toàn xã hội; kiềm chế tội phạm về trật tự xã hội.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả rõ nét, ngày càng đi vào chiều sâu. Nổi bật là đã tập trung điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm đúng quy định pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Đảng bộ, Ban Thường vụ, Đảng ủy Công an Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số, xã hội số; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; đã lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là triển khai nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, đó là tham mưu Bộ Chính trị ban hành và triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời tham mưu tổ chức Hội nghị toàn quốc do Tổng Bí thư chủ trì để triển khai thực hiện; huy động cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương vào cuộc.
Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, định hướng, lộ trình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp xây dựng lực lượng Công an nhân dân đến năm 2025 và từ 2026 đến 2030; xác định 22 đề án thành phần và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chủ trì thực hiện; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; công tác phối hợp giữa Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an với các ban, bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân đạt được những kết quả quan trọng.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần gương mẫu, đi đầu và những kết quả đạt được của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trong năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong năm diễn ra nhiều hoạt động lớn, lực lượng Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Về nhiệm vụ, công tác thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng bộ Công an Trung ương, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục phát huy thành tựu, kinh nghiệm trong thời gian qua, chủ động theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế và khu vực, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, phải có phương pháp đúng; tham gia tích cực, chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả cao hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ việc nghiêm trọng, tồn đọng lâu với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, vì sự nghiệp chung “bất kể đó là ai”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cần chú trọng xây dựng lực lượng công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thật sự liêm chính, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để nêu cao ý chí chiến đấu; thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện. Tổng Bí thư căn dặn: Toàn thể lực lượng Công an nhân dân hãy luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí và thực hiện cho bằng được lời thề: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!. Tổng Bí thư cũng đề nghị, Đảng ủy Công an Trung ương tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu, coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của năm 2023 và những năm tiếp theo; phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các tỉnh ủy, thành ủy đưa Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị vào thực tiễn cuộc sống; phát huy vai trò nòng cốt trong lãnh đạo chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần triển khai hiệu quả các nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của các vùng trên cả nước; tiếp tục đạt nhiều thắng lợi mới và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trước mắt là năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020-2025.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 9/12/2022
Tầm vóc của chiến thắng và bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Cách đây nửa thế kỷ, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền bắc, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng “Hà Nội-Ðiện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt nhất, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, để lại nhiều bài học quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một là, thường xuyên giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống chiến tranh. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thành lập một số đơn vị phòng không và nhanh chóng điều chỉnh thế trận phòng không trên miền bắc; chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch đánh B-52, tổ chức huấn luyện, diễn tập, bảo đảm kỹ thuật, nghi binh, sơ tán, kết hợp phòng tránh với đánh trả. Trong 12 ngày đêm chiến đấu (18-29/12/1972), Ðảng ta, trực tiếp là Quân ủy Trung ương đã đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời, là nhân tố quyết định đưa Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972 đi tới thắng lợi.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, phải thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp quốc phòng. Cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, Ðảng cần nâng cao khả năng hoạch định đường lối cách mạng, đường lối quân sự-quốc phòng. Cùng với đó, cần tích cực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp; thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự-quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác quân sự-quốc phòng. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng. Cấp ủy, người đứng đầu các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang cần phát huy vai trò trách nhiệm, quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, đề án, nhất là Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia…
Hai là, chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trong quá trình lãnh đạo kháng chiến, Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo tình hình. Cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Ðảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến và chuẩn bị mọi mặt. Tháng 6/1966, Trung đoàn Tên lửa 238 và nhiều cán bộ được cử vào Vĩnh Linh nghiên cứu cách đánh B-52, cùng với kinh nghiệm thực tiễn ở các chiến trường để hoàn thành biên soạn cẩm nang đỏ “Cách đánh B-52”, đưa vào huấn luyện. Tháng 2/1968, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không-Không quân xây dựng kế hoạch bảo vệ yếu địa miền bắc. Ngày 24/11/1972, kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội được phê chuẩn. Nhờ chủ động nghiên cứu, dự báo, xây dựng phương án đối phó mà ta đã giành thế chủ động cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp. Do vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược, bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược về quân sự-quốc phòng; xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Nghiên cứu, dự báo phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chính xác, kịp thời; chú trọng tham mưu xử lý các tình huống quốc phòng, đấu tranh quốc phòng; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội.
Ba là, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tháng 2/1957, Bộ Chính trị họp và thông qua kế hoạch xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng; trong đó, xác định chủ trương xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại, có lực lượng phòng không nhân dân mạnh và phát triển rộng khắp. Tháng 10/1963, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân chủng Phòng không-Không quân và yêu cầu xây dựng “Kế hoạch Phòng không nhân dân”, cử cán bộ đi đào tạo về phòng không, không quân. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng chú trọng xây dựng dân quân tự vệ rộng khắp để phối hợp chiến đấu với các lực lượng phòng không chủ lực. Với lực lượng phòng không vững mạnh, thế trận rộng khắp, vững chắc, lấy Quân chủng Phòng không-Không quân làm nòng cốt, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, ta đã bắn rơi 34 máy bay B-52 và nhiều loại máy bay hiện đại của Mỹ.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phải coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, lấy xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cần tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cơ bản điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tạo nền tảng vững chắc đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Chú trọng xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, hải đảo, biên giới, nội địa, các địa bàn chiến lược trọng điểm và không gian mạng. Thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao; lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển.
Bốn là, chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc. Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972, ta xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân, hình thành ba cụm phòng không chiến dịch; chủ động chuyển hóa thế trận, điều chỉnh đội hình chiến đấu. Các lực lượng phòng không, không quân hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, đánh địch hiệu quả. Nhân dân miền bắc đóng góp hàng trăm triệu ngày công tu bổ, xây dựng sân bay, trận địa phòng không, công trình phòng tránh, cất giấu tài sản, sơ tán nhân dân… Ðó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân phát triển cao trong thực hiện phương châm “toàn dân tham gia bắn máy bay, vây bắt giặc lái”, “toàn dân tổ chức phòng không nhân dân”.
Vận dụng bài học này, Ðảng ta chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc. Quân đội cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 64-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị định số 21/2019/NÐ-CP ngày 22/2/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ” gắn với thực hiện tốt Luật Quốc phòng và các chiến lược quân sự-quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng xây dựng và tổ chức sử dụng lực lượng phù hợp. Tập trung xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; tích cực triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể thế bố trí quốc phòng. Ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược, trọng điểm, biên giới, hải đảo. Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng; gắn phòng thủ dân sự với tạo lập thế trận liên hoàn vững chắc. Sẵn sàng đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Năm là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thắng lợi của Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng 1972 là kết quả của quá trình phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Cùng với phát huy cao độ nội lực, nhân dân ta đã có sự giúp đỡ của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng, dân chủ hòa bình và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Vận dụng và phát huy bài học này, Ðảng ta xác định phải phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia-dân tộc. Toàn quân phải quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định. Công tác đối ngoại quốc phòng phải thực hiện nhất quán chủ trương vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; vận dụng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Chiến thắng “Hà Nội-Ðiện Biên Phủ trên không” là bản anh hùng ca hào hùng về bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những bài học đúc kết từ chiến thắng oanh liệt này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ðại tướng, TS PHAN VĂN GIANG
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 7/12/2022
Đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của Trung ương
“Quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của Trung ương, bảo đảm khoa học, chặt chẽ,… có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, hiệu quả” là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại phiên bế mạc Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII.

Ngày 6/12, tiếp tục chương trình Hội nghị theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, buổi sáng, các đại biểu dự hội nghị nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022).
Giới thiệu những nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 29, quan điểm chỉ đạo của Đảng, các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và 10 nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết , đồng chí nhấn mạnh, Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng, định hướng tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Buổi chiều, hội nghị nghe đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đồng chí nêu rõ, Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đầu tư công và thu hút đầu tư. Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định việc phân bổ và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.
Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thể hiện những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, bao gồm các quan điểm, mục tiêu phát triển, tầm nhìn, những nhiệm vụ trọng tâm, các định hướng quan trọng về phát triển và phân bổ không gian theo các ngành, lĩnh vực chủ yếu và vùng, lãnh thổ; giải pháp cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, các nghị quyết, kết luận được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII là rất hệ trọng, đã được các báo cáo viên giới thiệu rất đầy đủ, sâu sắc qua các chuyên đề. Đồng chí đề nghị, ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tiếp tục nghiên cứu kỹ hai bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6, để định hướng việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phù hợp, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần nội dung các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6.
Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết kết luận của Trung ương phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, đồng thời với giới thiệu mô hình điển hình trong quá trình thực hiện, kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt; chú trọng công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, định hướng dư luận xã hội.

Đồng chí cho biết, đặc biệt, phải quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết, kết luận của Trung ương bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là các Đảng đoàn; Ban cán sự Đảng ở Trung ương khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể có sự phân công, phân nhiệm lộ trình thực hiện rõ ràng, hiệu quả, với phương châm “chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”; khắc phục tình trạng nghị quyết thì rất hay nhưng mà thực hiện thì rất gay.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của Trung ương ở các cấp; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt; phê bình, nhắc nhở và xử lý nghiêm khi thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả…
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh yêu cầu đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt và chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nội dung đã đề ra trong văn kiện hội nghị Trung ương 6, khóa XIII; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn dân, toàn quân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tin: TIỂU PHƯƠNG; Ảnh: ĐĂNG KHOA
- Trang 4 báo Nhân Dân ngày 2/11/2022
Hồi hương 49 hài cốt chiến sĩ Campuchia
Ngày 1/12, tại khu vực X16 (xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), Ủy ban Chuyên trách Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ bàn giao 49 hài cốt chiến sĩ Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia hồi hương.

Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Chuyên trách Chính phủ Việt Nam; Đại tướng Sao Sokha, Phó Tổng Tư lệnh quân đội, Tư lệnh Hiến binh, Quân đội Hoàng gia Campuchia chủ trì buổi lễ.
Ngày 12/5/1978 tại ấp Suối Râm (xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của Việt Nam, Đoàn 125-đơn vị tiền thân của Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia được thành lập do ngài Hun Sen (nay là Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia) làm Chỉ huy trưởng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, 49 chiến sĩ của Đoàn 125 đã hy sinh và được an táng tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.
Từ năm 2002, Sư đoàn 302, Quân khu 7 đã xây dựng tôn tạo nơi an nghỉ của 49 chiến sĩ và địa điểm thành lập Đoàn 125 thành khu di tích lịch sử khang trang; được bảo vệ, chăm sóc và thăm viếng chu đáo. Nơi đây đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc, hai quân đội Việt Nam-Campuchia.
Thực hiện mong mỏi của gia đình, thân nhân các chiến sĩ, thời gian qua, các đoàn công tác của hai nước đã phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện thủ tục cất bốc, di chuyển bàn giao, hồi hương hài cốt 49 chiến sĩ Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia về nước bảo đảm chu đáo, trang trọng, theo đúng luật pháp và phong tục truyền thống mỗi nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Sao Sokha, Phó Tổng Tư lệnh quân đội, Tư lệnh Hiến binh, Quân đội Hoàng gia Campuchia bày tỏ sự cảm ơn chân thành trước tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Campuchia.
Tình cảm đó còn thắm thiết hơn nữa khi phía Việt Nam trang trọng tổ chức lễ bàn giao, tiễn đưa 49 hài cốt các chiến sĩ Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia hồi hương. Cảm ơn Việt Nam đã dành nhiều tình cảm, công sức để chăm sóc các phần mộ của 49 chiến sĩ Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia trong thời gian an nghỉ tại tỉnh Đồng Nai.
NHẤT SƠN
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 3/12/2022
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 2/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Chính trị đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tốt truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Quy mô kinh tế của thành phố năm 2020 tăng gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp hai lần so với năm 2010; kinh tế thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; thu ngân sách nhà nước hằng năm trên địa bàn vượt kế hoạch. Các lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên…
Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Chính trị đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém như: Chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển của thành phố, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với giai đoạn trước, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp, môi trường đầu tư chậm cải thiện, liên kết vùng chưa đạt kết quả thực chất, vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước giảm sút, chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người không đạt. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có mặt hạn chế, yếu kém…
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và của cả nước, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu đến năm 2030 là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ, văn hóa của khu vực Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng; đến năm 2045, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, có chất lượng cuộc sống cao; là đô thị phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Tiếp tục quán triệt, thống nhất, nâng cao nhận thức, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm hạ tầng đi trước một bước.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Phát triển đô thị bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để thành phố phát triển nhanh và bền vững. Phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo đảm quốc phòng-an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thành phố, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
- Trang 8 báo Nhân Dân ngày 12/12/2022
Hàng Tết đủ nguồn cung, tăng giá nhẹ
Tết Nguyên đán năm nay rất gần Tết Dương lịch, chỉ cách nhau 20 ngày cho nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đã được tích cực triển khai từ sớm.

Theo báo cáo của các địa phương, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão dự đoán sẽ sôi động hơn nhiều so cùng kỳ năm 2021.
Ước tính, dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-12% so cùng kỳ năm 2021, trong đó tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường… Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cho nên giá hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so năm trước.
Nguồn cung dồi dào
Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Văn Duy cho biết, năm 2022, thời tiết cơ bản thuận lợi cho ngành nông nghiệp, ít có biến động xấu cho nên hoạt động sản xuất từ diện tích, năng suất và sản lượng đều cơ bản đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, tổng sản lượng lúa gạo cả nước năm 2022 đạt hơn 43 triệu tấn, sản lượng rau các loại đạt khoảng 19 triệu tấn. Về chăn nuôi, ước tính đến hết tháng 12, tổng sản lượng thịt các loại sẽ đạt gần bảy triệu tấn, tăng gần 4%; sữa tươi đạt khoảng 11,6 triệu tấn, tăng 8,3%; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 4,6%;… so cùng kỳ. Với nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tăng khoảng 8-10% trong dịp Tết năm nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Sở Công thương một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng,… ngay từ nhiều tháng trước đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ, dù sản lượng hàng hóa sản xuất trên địa bàn không đủ để “tự cung, tự cấp”, nhưng thành phố đã chủ động liên kết trên toàn quốc, phối hợp các địa phương đưa hàng hóa về phục vụ người dân Thủ đô, bảo đảm cân đối cung cầu. Hà Nội đã chủ động ban hành và triển khai 10 kế hoạch về bảo đảm nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường.
Hà Nội đã tính toán dự trữ 11 mặt hàng thiết yếu, bao gồm: hơn 90 nghìn tấn gạo, khoảng 58 nghìn tấn thịt lợn, 20 nghìn tấn thịt gà, 387 triệu quả trứng gia cầm và 323 nghìn tấn rau, củ, quả các loại,… Ngoài ra, Sở Công thương đề nghị thành phố cho phép 141 xe chở hàng và 100 xe chở xăng dầu của doanh nghiệp được phép lưu thông 24/24 giờ dịp trước, trong và sau Tết, sẵn sàng điều tiết khi thiếu hàng hóa cục bộ.
Theo Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh) Ngô Hồng Y, thành phố đã tổ chức phối hợp các địa phương để tìm kiếm nguồn hàng, bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý. Nguồn cung hàng hóa của thành phố hiện vận hành chủ yếu qua ba kênh gồm: doanh nghiệp bình ổn thị trường; chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ; hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Trong đó, riêng 73 doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn khoảng 20 nghìn tỷ đồng để nhập hàng hóa phục vụ Tết.
Để chuẩn bị cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo, phối hợp các Sở Tài chính triển khai biện pháp giám sát biến động giá hàng hóa và bình ổn giá hàng thiết yếu phục vụ Tết.
Tăng cường giám sát hàng giả, hàng nhái
Từ một tháng trở lại đây, lượng lưu thông hàng hóa bắt đầu tăng mạnh. Qua nắm bắt tình hình, lực lượng quản lý thị trường nhận thấy, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ và mất an toàn thực phẩm vẫn diễn ra tràn lan. Những mặt hàng này ít tiêu thụ được ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, mà thường chảy về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó, các hệ thống phân phối lớn cần nêu cao trách nhiệm, mở rộng mạng lưới để đưa hàng có chất lượng về phục vụ người dân ở những khu vực này.
Về tình hình hàng lậu, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, do tuyến biên giới phía bắc gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Móng Cái đã được phía Trung Quốc rào kín, hàng lậu khó thông qua đường tiểu ngạch nên đã vòng vào miền trung và miền nam, sau lại đưa ngược trở lại ra phía bắc. Trong tuần vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp công an bắt giữ nhiều toa tàu đường sắt chuyên chở số lượng lớn hàng cấm, hàng giả hoặc thực phẩm không rõ xuất xứ.
Các vùng như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên,… thời gian qua cũng bắt giữ rất nhiều đường lậu. Tình trạng này đang ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vì nhu cầu về đường cho chế biến thực phẩm phục vụ trong dịp Tết rất cao. Ngoài ra, các mặt hàng rượu lậu, thực phẩm đông lạnh lậu trong một tháng qua cũng được quản lý thị trường thu giữ số lượng lớn. Đặc biệt, trên môi trường thương mại điện tử đang tiềm ẩn lớn nguy cơ về hàng giả, hàng nhái gây nguy hại cho thị trường cũng như người tiêu dùng.
Riêng xăng dầu cũng luôn được coi là mặt hàng trọng điểm kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường, tổ chức giám sát thường xuyên cả 17 nghìn cây xăng trên cả nước. Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Công thương phối hợp quản lý thị trường xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo các Sở Công thương và đơn vị liên quan tiếp tục chủ động xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định; phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh dịp Tết ■
Nguyệt Bắc
- Trang 8 báo Nhân Dân ngày 3/12/2022
Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022
Sáng 2/12, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức Lễ khai mạc triển lãm và chuỗi các hoạt động của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022 (Techfest Vietnam 2022).

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia là hoạt động được tổ chức thường niên từ năm 2015 và trở thành sân chơi lớn nhất về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4/12, sự kiện năm nay với chủ đề “Đổi mới sáng tạo mở – Khơi nguồn tư duy mới” thu hút hơn 8.000 người là đại diện các cộng đồng khởi nghiệp cả nước và từ 20 quốc gia.
Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022 tiếp tục kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái; là nơi để là các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia, các nhà đầu tư,… cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như hướng tới tìm kiếm các giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là các lĩnh vực chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19 và có tiềm năng trong tương lai như y tế, giáo dục, môi trường, năng lượng,… Qua đó, góp phần thúc đẩy cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo, tìm kiếm giải pháp cải thiện cuộc sống.
Trong khuôn khổ của Ngày hội, triển lãm với hàng trăm gian hàng các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trong đó có 10% là các gian hàng trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 70% các sản phẩm, mô hình ý tưởng của các startup, còn lại là các gian hàng trưng bày sản phẩm mới của các doanh nghiệp tiềm năng.
Tại không gian triển lãm, khách tham quan có cơ hội tiếp cận các công nghệ tiên tiến điển hình đang được doanh nghiệp và các trường đại học đầu tư, như hệ thống công nghiệp 4.0, máy móc thiết bị công nghệ in 3D, những sản phẩm khởi nghiệp đã hoàn thiện và thương mại hóa…

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2022 có khoảng 30 hội nghị, hội thảo chuyên đề về xu hướng công nghệ, kết nối đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm, bài học về chuyển đổi mô hình nhằm thích ứng và bứt phá sau đại dịch.
Đặc biệt, các chương trình hội thảo với các chủ đề về doanh nghiệp khoa học công nghệ, hội thảo về đổi mới sáng tạo mở và công nghiệp 4.0, chung kết “Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, “Diễn đàn chính sách cấp cao về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, “Dấu ấn Techfest Vietnam 2022”
Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội cho rằng, điểm nhấn của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm nay là Diễn đàn chính sách đa phương cấp cao về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và chuỗi các hội thảo, đó là “Đường băng sáng tạo, Kỳ lân cất cánh”.
Đây là một trong những tọa đàm chiến lược ươm tạo và tăng tốc Kỳ lân cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có tiềm năng và được khẳng định về thị trường cũng như năng lực phát triển; là cơ hội cho cộng đồng nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội kết nối với các định chế tài chính, quy trình phương pháp IPO tiêu chuẩn quốc tế và rộng hơn là tạo ra sân chơi mới, đường băng sáng tạo mới cho Kỳ Lân cất cánh trong kỷ nguyên số…
- Trang 2 báo Nhân Dân ngày 15/12/2022
Nhà hát Kịch Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba
Tối 14/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát kịch Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (12/1952-12/2022) và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chung vui cùng tập thể các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát.

Cùng dự, có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các hội và đơn vị nghệ thuật.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chúc mừng và biểu dương những thành tựu của các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam trong chặng đường 70 năm hoạt động, với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của sân khấu nước nhà qua các giai đoạn lịch sử.
Từ những ngày đầu thành lập và qua những năm tháng chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất giang sơn, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Nhà hát kịch Việt Nam đã tạo nên những thế hệ nghệ sĩ lừng danh mà tài năng của họ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng.
Phát huy và tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đang tiếp tục cống hiến, lao động sáng tạo không ngừng nghỉ để mang đến khán giả những tác phẩm sân khấu có tầm tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao; đồng thời có nhiều đóng góp ở các lĩnh vực nghệ thuật khác như: điện ảnh, truyền hình, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Trong diễn văn kỷ niệm, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam đã nêu bật định hướng hoạt động và phát triển của nhà hát thời gian tới.

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin cùng sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí, Nhà hát kịch Việt Nam đã nỗ lực tìm tòi và có những đổi mới, tìm hướng đi hiệu quả để phục vụ công chúng, dàn dựng các chương trình, vở diễn ở nhiều thể loại, đề tài để tạo sức hấp dẫn với người xem, tăng cường xây dựng một lực lượng đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng, tạo nên phong cách riêng cho thương hiệu; xứng đáng danh hiệu “Anh cả đỏ” của sân khấu kịch nói.
Trong hành trình lao động nghệ thuật của mình, Nhà hát kịch Việt Nam đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật, vở diễn đạt giải thưởng xuất sắc tại các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp.
Hiện tại, nhà hát đang đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thương hiệu và các chương trình, vở diễn trên các trang web, trang thương mại điện tử và mạng xã hội, nỗ lực đưa sân khấu đến với khán giả.
Bên cạnh đó, nhà hát cũng chủ động hợp tác, liên kết với các đối tác, đơn vị nghệ thuật nước ngoài để thử nghiệm và dàn dựng nhiều chương trình, vở diễn mới ấn tượng…
Ban Giám đốc đã quy tụ và phát huy mạnh mẽ sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, mang lại những bứt phá ấn tượng cho thương hiệu “cánh chim đầu đàn của nền nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam”.
Ghi nhận những đóng góp cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Nhà hát kịch Việt Nam nhiều huân chương, huy chương, bằng khen.
Kỷ niệm 70 năm thành lập, tập thể nhà hát và cá nhân Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc đã vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Nhân dịp này, nhà hát đã có chuỗi chương trình nghệ thuật đặc sắc tháng 12, biểu diễn các vở diễn nổi bật trong kịch mục gần đây, bao gồm các vở: “Đêm trắng”, “Kiều”, “Bệnh sĩ”, “Bão tố Trường Sơn”, “Điều còn lại”, “Người trong cõi nhớ”, “Người tốt nhà số 5”, “Người yêu hoa hậu”.
Đây là những vở diễn phản ánh những đề tài khác nhau từ lịch sử, chiến tranh cách mạng cho tới khai thác những vấn đề nóng hổi, mang tính thời sự của đời sống đương đại, khẳng định sự chuyển mình đầy đột phá trong giai đoạn mới của nhà hát.
TIẾN CƯỜNG
- Trang 4 báo Nhân Dân ngày 15/12/2022
Quảng Bình bảo tồn, phục dựng lễ hội mừng cơm mới
Trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Trong đó nổi bật nhất có lễ hội mừng cơm mới được bà con tổ chức sau mùa thu hoạch lúa rẫy vào tháng 10 và 11 âm lịch hằng năm. Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực bảo tồn và đưa lễ hội thành một hoạt động văn hóa phục vụ du lịch cộng đồng bên dãy Trường Sơn.

Già làng Hồ Ai ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh chia sẻ, đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sống dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, trước đây cuộc sống gắn với phương thức canh tác đơn giản trên rẫy, ven rừng. Sau mùa lúa rẫy hằng năm, bà con tổ chức lễ hội mừng cơm mới để tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy kho, cuộc sống no đủ. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ trước do du canh, du cư dọc dãy Trường Sơn, lại gặp khó khăn do thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn cho nên lễ hội ít được tổ chức, nhiều nơi dần mai một.
Gần đây, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nhất là bộ đội biên phòng, người dân đã biết khai hoang các thung lũng để trồng lúa nước. Ở nhiều bản làng, hai vụ lúa nước đã giúp cho bà con chủ động được lương thực, không còn thiếu đói như trước.
Do vậy, để mừng sự ấm no nhờ cây lúa, bà con lại tổ chức lễ hội mừng cơm mới, trước là để tạ ơn, sau là dịp để dân bản quây quần, liên hoan, hát mừng bản làng đổi mới.
Theo các già làng, đồng bào Bru-Vân Kiều chuẩn bị lễ vật cho lễ hội mừng cơm mới rất chu đáo. Lúa nếp sau khi đưa từ nương, rẫy, ruộng về cất ở nhà ít nhất ba ngày mới đem giã tạo ra những hạt gạo nếp trắng, thơm.
Gần đến ngày tổ chức lễ, phụ nữ cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ trên rừng, trên nương để chuẩn bị vật phẩm phục vụ lễ cúng mừng cơm mới. Trong khi đó, những người đàn ông vào rừng, xuống suối để tìm kiếm những sản vật của thiên nhiên như cá, mật ong rừng…
Còn các già làng, trưởng bản, người uy tín trong đồng bào Bru-Vân Kiều thì chọn bãi đất rộng, bằng phẳng ngay giữa bản để dựng cột nêu hình cây lúa. Trên cây nêu có buộc những cây lúa sai hạt, tượng trưng cho sự no đủ. Cột nêu được trang trí hình chim muông, mặt trăng, mặt trời với các đường nét đơn giản nhưng thanh thoát theo ý niệm của người Bru-Vân Kiều.
Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình được tổ chức theo quy mô cộng đồng, do đồng bào tự đóng góp và thường tiến hành theo cụm bản, hay từng dòng họ. Sau phần cúng lễ của già làng, người có uy tín để mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, làng bản yên bình là đồng bào tham gia thực hành các nghi lễ dâng cúng vật phẩm.
Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay đời sống của đồng bào Bru-Vân Kiều đã có nhiều đổi mới cho nên bà con chú trọng gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, trong đó có lễ hội mừng cơm mới.
Với lợi thế xã Ngân Thủy là vùng rừng núi, hang động có nhiều phong cảnh đẹp cho khai thác phát triển du lịch. Xã đang phối hợp các đơn vị liên quan để hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào tổ chức mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống của bà con ở nơi đại ngàn Trường Sơn.
Mới đây, tại thành phố Đồng Hới, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Quảng Bình và Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy tổ chức buổi trưng bày và thực hành trình diễn lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy. Đây là hoạt động nằm trong chương trình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội mừng cơm mới/lúa mới của người Bru-Vân Kiều” trong hành trình du lịch di sản Quảng Bình và Quảng Trị.
Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương. Đây cũng là dịp để đồng bào giao lưu, quảng bá sản phẩm văn hóa cộng đồng ra bên ngoài.
Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC
- Trang 8 báo Nhân Dân ngày 14/12/2022
Khẳng định vị thế xiếc Việt trên sân chơi quốc tế
Ngay sau khi xuất sắc giành giải Vàng tại Liên hoan quốc tế Công chúa xiếc và giải Ngựa đồng tại Liên hoan Xiếc quốc tế không biên giới vừa diễn ra ở Liên bang Nga, xiếc Việt lại tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét với Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 tổ chức ngay trên sân nhà – Rạp Xiếc Trung ương, Hà Nội.

Những tiết mục được dàn dựng công phu, phô bày được độ khó của kỹ thuật đã khẳng định sự phát triển của xiếc Việt trên hành trình hội nhập, chinh phục công chúng trong nước và thế giới.
Sau gần một tuần diễn ra sôi nổi (từ ngày 2 đến 7/12), Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 với sự tranh tài của bốn đơn vị nghệ thuật trong nước (gồm: Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) và năm đơn vị nghệ thuật quốc tế đến từ các nước: Canada, Belarus, Lào, Campuchia, Ai Cập đã cống hiến cho khán giả gần 30 tiết mục xiếc đặc sắc ở nhiều thể loại như: Nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, ảo thuật, hề xiếc…
Những đêm diễn chật kín khán giả, những tràng pháo tay vang lên không ngớt, những ánh mắt trầm trồ thán phục của người xem là minh chứng cho sức hấp dẫn của Liên hoan, cũng như tình cảm, sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả đối với nghệ thuật xiếc.
Được tổ chức lại sau thời gian dài ngành nghệ thuật biểu diễn toàn cầu chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 cho nên số lượng các đơn vị quốc tế tham dự Liên hoan không nhiều như kỳ vọng, song công chúng yêu xiếc vẫn được thưởng thức những tiết mục mãn nhãn, đạt tới tính chuyên nghiệp cao cả về biểu diễn và dàn dựng.
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan cho biết, so với kỳ trước, chất lượng Liên hoan lần này được nâng cao một cách rõ rệt. Các giám khảo khá ngạc nhiên khi có nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện cùng nhiều tiềm năng hứa hẹn.
Liên hoan đã hội tụ được nhiều thể loại tiết mục đa dạng, phong phú như Tung bóng (Campuchia); Dây da 2 (Lào); Dây lụa (Canada); Đu vòng (Belarus); Thăng bằng trên dây căng cao, Đế trụ, Đu quăng 2 (Liên đoàn Xiếc Việt Nam)… Trong đó, nhiều tiết mục thể hiện được những sáng tạo trong dàn dựng, các nghệ sĩ được nâng cao nhiều về kỹ thuật, nghệ thuật và phong cách biểu diễn.
Đặc biệt, trong vai trò nước chủ nhà, nhiều tiết mục của các nghệ sĩ xiếc Việt Nam đã chinh phục được cả khán giả trong nước và nghệ sĩ quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà Hội đồng nghệ thuật Liên hoan với 3/5 thành viên người nước ngoài đều nhất trí cao khi trao toàn bộ Huy chương vàng cho ba tiết mục của Việt Nam, bao gồm: Dây căng cao (Liên đoàn Xiếc Việt Nam); Lời của biển (Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam); và Hồi sinh (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam).
Không dừng ở mức độ trò khéo hay phô diễn những động tác khó, đòi hỏi kỹ thuật hình thể chính xác, điêu luyện, các tiết mục còn cho thấy sự đầu tư nghiêm túc trong dàn dựng với thông điệp chuyển tải rõ ràng và màu sắc văn hóa truyền thống rõ nét thể hiện qua đạo cụ, phục trang, âm nhạc dân tộc…
Những tìm tòi trong kỹ thuật biểu diễn và hình thức thể hiện cũng là dấu ấn dễ nhận thấy ở nhiều tiết mục khác như: Âm vang cổng trời, Hồn Lạc Việt (Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam), Hồn quê (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam); Sắc màu vùng cao (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội); Đu nón (Liên đoàn Xiếc Việt Nam)…
Trưởng đoàn Xiếc quốc gia Ai Cập Waild Taha đánh giá rất cao những tiết mục xiếc của Việt Nam với cách làm rất khác với châu Âu khi khai thác được những nét văn hóa truyền thống đưa vào tiết mục để tạo ấn tượng và phong cách riêng. Chẳng hạn, cũng là tiết mục xiếc với xe đạp nhưng các nghệ sĩ Việt Nam đã mang được nhiều vẻ đẹp của làng quê vào tiết mục…
“Qua đây, các nghệ sĩ Ai Cập chúng tôi cũng học hỏi được nhiều từ cách tổ chức dàn dựng tiết mục cho tới kỹ thuật biểu diễn của các đồng nghiệp”- Trưởng đoàn xiếc quốc gia Ai Cập khẳng định.
Tại Liên hoan, bên cạnh hệ thống giải thưởng chính, Giám đốc Trung tâm phát triển Xiếc Mông Cổ Nergui Erdene còn dành giải thưởng riêng cho tiết mục Đu nón của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Điều này cũng cho thấy sự ghi nhận của các nghệ sĩ xiếc quốc tế đối với những nỗ lực sáng tạo của xiếc Việt.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho tới Liên hoan lần này, những người làm nghệ thuật xiếc Việt Nam đã thật sự tìm được “chìa khóa” để tạo nên màu sắc, phong cách riêng, từ đó khẳng định vị thế và giá trị của xiếc Việt. Xiếc Việt đã đi đúng hướng khi các tiết mục được dàn dựng luôn đề cao tính mạo hiểm và sự dũng cảm của nghệ sĩ.
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng của xiếc để chinh phục khán giả. Tuy nhiên, để đạt tới điều này, đòi hỏi các nghệ sĩ phải có sự khổ luyện không ngừng. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại, nhiều tiết mục đã được nâng tầm, tăng cường tính giải trí với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, âm thanh, ánh sáng để trở thành sản phẩm nghệ thuật mang tính tổng thể, gia tăng sự hồi hộp, thu hút được sự chú ý, yêu thích của đông đảo công chúng.
Phát biểu tại Lễ bế mạc Liên hoan Xiếc quốc tế 2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng: Bên cạnh những thành công của các tiết mục được đầu tư công phu cả về kịch bản, dàn dựng, kỹ thuật biểu diễn, vẫn còn một số tiết mục chưa được đầu tư một cách nghiêm túc.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, để nghệ thuật xiếc Việt Nam phát triển hơn, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan cần chú ý để phần kỹ thuật và phần thể hiện của các tiết mục có sự gắn bó chặt chẽ; tăng cường tính kỹ thuật để tiếp cận với trình độ của quốc tế; bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các tiết mục; có chính sách đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các diễn viên trẻ, tài năng…
ĐẮC LINH
- Trang 3 báo Nhân Dân ngày 11/12/2022
Khen thưởng 142 học sinh, sinh viên là thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc
Sáng 10/12, tại Hà Nội, 142 em học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu tham dự Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022 đã làm lễ Báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Y Vinh Tơr làm trưởng Đoàn.
Lễ Tuyên dương là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam; đồng thời biểu dương, khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên DTTS năm học 2021-2022.
Trong số 142 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS được tuyên dương năm 2022 gồm 50 dân tộc thiểu số, đến từ 47 tỉnh, thành phố trong cả nước, đại diện cho hàng triệu HSSV-TN trên mọi miền Tổ quốc.
Trong đó có: 19 bạn đạt giải Nhất, Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 5 bạn đạt giải Nhất, Nhì trong cuộc thi Khoa học – kỹ thuật cấp quốc gia.
13 bạn thuộc các dân tộc có khó khăn đặc thù trúng tuyển vào trường đại học; 62 bạn trúng tuyển vào các trường đại học, học viện có tổng số 27 điểm trở lên theo tổ hợp môn xét tuyển và có học lực xếp loại khá, giỏi trong 3 năm học THPT; 18 bạn thanh niên đạt các thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác và hoạt động xã hội; 25 bạn có thành tích xuất sắc, tiêu biểu do các địa phương đề xuất, giới thiệu.
- Trang 3 báo Nhân Dân ngày 11/12/2022
Tuyên dương điển hình người cao tuổi trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc
Chiều 10/12, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến người cao tuổi trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2016-2021.
Đến dự, có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm khẳng định: người cao tuổi là cơ sở quan trọng trong công tác xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đánh giá cao những kết quả tích cực từ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đạt được thời quan qua, đồng chí Tô Lâm đề nghị 2 bên tiếp tục gắn kết, thường xuyên, kịp thời đề xuất những giải pháp mang tính chiến lược trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Theo các báo cáo tại Hội nghị, hiện Hội Người cao tuổi Việt Nam có khoảng 10 triệu hội viên. Giai đoạn 2016-2021, lực lượng công an nhân dân và các cấp Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể triển khai hơn 600 nghìn chương trình phổ biến pháp luật, tuyên truyền phòng chống tội phạm.
2 bên đã thành lập các chi hội người cao tuổi tự quản, tổ an ninh nhân dân… hòa giải thành công gần 95 nghìn vụ mâu thuẫn trong nhân dân, tham gia vận động gần 16 nghìn người đi cai nghiện tập trung, cung cấp cho lực lượng công an gần 200 nghìn nguồn tin có giá trị về công tác bảo đảm an ninh chính trị, giới thiệu và tạo việc làm cho hơn 10 nghìn người, giúp đỡ gần 90 nghìn người tái hòa nhập cộng đồng.
Qua phối hợp, đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như “Người cao tuổi nhận giáo dục giúp đỡ người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Câu lạc bộ Người cao tuổi với công tác bảo đảm an ninh, trật tự”…
Tại Hội nghị, Bộ Công an đã trao Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” tặng 10 thành viên Hội Người cao tuổi Việt Nam; trao Bằng khen tặng 139 người cao tuổi tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2016-2021.
- Trang 7 báo Nhân Dân ngày 11/12/2022
Tôn vinh 62 “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2022
Sáng 10/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 4, năm 2022, tri ân những cá nhân đã, đang đồng hành, sát cánh, có nhiều công lao, góp phần xứng đáng vào phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đến dự, có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết: Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ 4, năm 2022 mang ý nghĩa chính trị-xã hội to lớn, thể hiện sự tri ân của giai cấp nông dân đối với những cá nhân đã, đang đồng hành, sát cánh và có nhiều công lao, góp phần xứng đáng vào phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Được biết, trong số 62 “Nhà Khoa học của nhà nông” năm 2022, có 2 Giáo sư và 8 Phó giáo sư; học vị từ Thạc sĩ trở lên có 29 người, trong đó có 20 Tiến sĩ. “Nhà khoa học của nhà nông” cao tuổi nhất năm nay là ông Lê Thanh Liêm (75 tuổi, ở tỉnh Tây Ninh); trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Văn Huỳnh (29 tuổi, ở tỉnh Yên Bái).
Anh Nguyễn Văn Huỳnh được nhiều người biết đến như một “nhà khoa học không chuyên” trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện là Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát tại tỉnh Yên Bái.
Anh đã xây dựng, phát triển ý tưởng sáng tạo “Bếp bình đun nóng lạnh tận dụng nhiệt thừa” thành sản phẩm thương mại, sử dụng thay bình nóng lạnh điện, gas, năng lượng mặt trời. Sản phẩm tiết giảm chi phí chất đốt, phù hợp với người dân nông thôn, thay thế phương pháp đun bằng củi, rơm rạ, mùn cưa, vỏ trấu, thực vật…
Tính đến thời điểm hiện tại, sản phẩm đã đến tay hơn 8 nghìn khách hàng, sau 8 năm vẫn hoạt động tốt. Anh Huỳnh đã mở rộng quy mô kinh doanh ra 18 đại lý tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước.
Tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Văn Chiến và đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã trao danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2022 tặng 62 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc.
- Trang 5 báo Nhân Dân ngày 5/12/2022
Vẻ đẹp nhân văn của hội họa
Với cộng đồng yêu nghệ thuật, các cuộc triển lãm và đấu giá tranh gây quỹ thiện nguyện đã trở nên quen thuộc. Nhiều sự kiện được tổ chức thành công thời gian qua đã góp phần giới thiệu những gương mặt họa sĩ tài năng đến với đông đảo công chúng và hơn thế nữa là lan tỏa tinh thần lạc quan, sống đẹp.

Triển lãm trực tuyến “Xuôi dòng sông thu 2022” nhằm góp quỹ “Gieo nhà gặt nhà” vừa kết thúc ba tuần trưng bày và đón nhận tương tác sôi nổi từ các diễn đàn lớn trên mạng xã hội của giới mỹ thuật, như Vietnam Art Space, All About Art and Artists… Kết quả chương trình thu được 372 triệu đồng, sẽ dùng xây nhà mới cho 5 hộ nghèo ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Trước đó, vào tháng 6/2022, triển lãm trực tuyến “Gieo tổ ấm 2022” đã bán được 37 tác phẩm, góp quỹ hơn 422 triệu đồng, tương đương 8 căn nhà.
Ban tổ chức cho biết “Xuôi dòng sông thu” năm nay có 120 bức tranh của hơn 70 họa sĩ chuyên nghiệp trên cả nước tham gia, rất nhiều họa sĩ trong số này đã thành danh như: Lưu Công Nhân, Bùi Tiến Tuấn, Doãn Hoàng Lâm, Bùi Văn Tuất, Lê Thế Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Đặng Thị Thu An, Nguyễn Đức Huy, Phạm Thành, Ngụy Đình Hà, Trần Thảo Hiền…
Các tác phẩm tham gia triển lãm và bán gây quỹ trong “Xuôi dòng sông thu” đều có chất lượng nghệ thuật tốt, phong phú về chất liệu như mầu nước, bột mầu, acrylic, sơn dầu, sơn mài, cùng với nhiều phong cách mỹ thuật như chân dung, tĩnh vật, phong cảnh, tả thực, trừu tượng. “Xuôi dòng sông thu” mang đến cho người xem dịp thưởng thức sự đa dạng trong sáng tạo của các nghệ sĩ cùng nhiều cảm xúc đáng quý.
Một điểm nhấn của triển lãm là đấu giá tác phẩm “Chân dung thiếu nữ” của họa sĩ Lưu Công Nhân, khổ 17cmx14cm, được vẽ bằng bút sắt trên giấy dó. Bức tranh có xác nhận của gia đình họa sĩ, có chữ ký của họa sĩ Lưu Công Nhân ở góc dưới phải. Bức tranh do một nhà sưu tập giấu tên gửi tặng, với toàn bộ số tiền bán được dành tặng cho chương trình.
Bên cạnh đó là tấm lòng của rất nhiều họa sĩ với mong muốn mang đến cuộc sống tốt hơn cho những người yếu thế. Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (quê Quảng Nam) tham gia triển lãm với hai tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân để gây quỹ từ thiện ủng hộ đồng bào quê hương mình. Trong đó có bức tranh mầu nước trên giấy dó mang tên “Dòng sông thu”-cùng chủ đề với triển lãm-mang đến một không gian đầy mầu sắc và có chiều sâu. Những mảng mầu huyền ảo tạo nên con sông Thu Bồn huyền thoại trong ký ức của họa sĩ và trong trái tim bao người.
Họa sĩ Bùi Văn Tuất đóng góp cho triển lãm bức sơn dầu “Em bé vùng cao”, vẽ một bé gái với đôi mắt sáng long lanh, tinh nghịch, với làn tóc mai như tung bay trong nắng gió miền núi. Tác phẩm được định giá 24 triệu đồng và họa sĩ đã tặng toàn bộ cho quỹ “Gieo nhà gặt nhà”.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng có tác phẩm được sưu tập giá cao nhất lần này-80 triệu đồng, đóng góp 70% cho chương trình. Nhiều bức tranh phong cảnh thể hiện được kỹ thuật rất khó và khắc họa chủ thể đậm chất Việt Nam cũng được đánh giá cao, như “Giao thoa chốn tịnh trần” của họa sĩ Ngụy Đình Hà, hay “Chiều Tây Bắc” của họa sĩ Nguyễn Quang Hoan, “Giữa rừng đước xanh” của họa sĩ trẻ Nguyễn Minh Tâm…
Đại diện ban tổ chức, họa sĩ Ngô Trần Vũ (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng là người sáng lập quỹ “Gieo nhà gặt nhà” cho biết: “Từ khi bắt đầu vào năm 2018 đến nay, chúng tôi được chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong cuộc sống những gia đình nhận hỗ trợ. Họ không chỉ có được mái nhà che nắng, che mưa, thoát nghèo, mà con cái họ lớn lên trong ngôi nhà ấy cũng thay đổi tâm thế khi bước ra xã hội. Tôi rất hạnh phúc khi hạt mầm hội họa chứa sự tử tế và niềm hy vọng có thể gieo cuộc sống mới cho nhiều thế hệ mai sau”.
Các triển lãm của quỹ “Gieo nhà gặt nhà” được tổ chức trực tuyến và diễn ra đều đặn ngay cả trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của giới họa sĩ và các nhà sưu tập. “Nhu cầu thưởng thức và sưu tập tranh hiện đang gia tăng, mô hình triển lãm và đấu giá trực tuyến ngoài gây quỹ từ thiện còn có mục đích trưng bày nghệ thuật một cách rộng rãi tới công chúng, tạo một kênh kết nối các họa sĩ với người có nhu cầu sở hữu tác phẩm”, họa sĩ Ngô Trần Vũ nói thêm.
Diễn ra vào giữa tháng 11, một chuỗi triển lãm thú vị khác với tên gọi “Thời đại chúng ta đang sống” cũng thu hút người dân Thủ đô và du khách đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Tiếp theo, từ ngày 25 đến 30/11, triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, triển lãm sẽ tiếp tục được mang tới nước Đức, lần lượt tổ chức tại các thành phố Weimar, Berlin và Hamburg.
Đáng chú ý, ban tổ chức cho biết, toàn bộ lợi nhuận thu được từ triển lãm sẽ được dùng để tài trợ trang thiết bị y tế cho một số bệnh viện ở Việt Nam. “Thời đại chúng ta đang sống” quy tụ 40 họa sĩ với gần 80 tác phẩm đa dạng về chất liệu và phong cách, có điểm chung là được sáng tác từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay.
Nhiều họa sĩ tên tuổi tham gia triển lãm đã có chỗ đứng và được yêu mến, như: Lương Lưu Biên, Lưu Tuyền, Tào Linh, Lương Trung, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Thái Bình, Nguyễn Thế Dung, Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Huy, Nguyễn Văn Đức… Một số tác giả đã khá lâu không tham gia triển lãm cũng mang tác phẩm ra mắt công chúng lần này, chẳng hạn nhà điêu khắc Đinh Công Đạt trở lại với bộ tác phẩm gồm 10 bức tượng phủ sơn mài.
Với cảm hứng xuyên suốt là khoảng thời gian dài đối mặt và vượt qua Covid-19, những bức tranh không chỉ phản ánh mỗi sự lo lắng, bất an mà còn có cả những dự cảm, mong đợi. Đôi lúc, tình thế khó khăn được nhìn bằng lăng kính hài hước, tươi sáng chứ không nặng nề. Từ những hình ảnh quen thuộc với cả cộng đồng như khẩu trang, bộ xét nghiệm, kim tiêm, rào chắn cách ly… cho đến cỏ cây, hoa lá và viễn cảnh tươi đẹp về “bình thường mới” đều được các nghệ sĩ thể hiện sáng tạo, duyên dáng, gửi gắm nhiều thông điệp nhân văn.
Giám tuyển của triển lãm, bà Sonja A. Fischer (người Đức) đã chủ động liên lạc với các họa sĩ Việt Nam để tìm kiếm và tập hợp các tác phẩm tiêu biểu trong và sau giai đoạn dịch bệnh. Là một bác sĩ và nhà sưu tập nghệ thuật, thành viên danh dự của Hội Mỹ thuật Hội An (Quảng Nam), bà Fischer sưu tầm tranh Việt từ năm 2004 và tích cực quảng bá nghệ thuật đương đại Việt Nam tới công chúng châu Âu.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 4/12/2022
Vinh danh và kỷ niệm 250 năm Năm sinh, 200 năm Năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Tối 3/12, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822-2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương – là nữ giới duy nhất trong sáu nhân tài đất Việt đã được UNESCO vinh danh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại buổi lễ.

Cùng dự có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài chính; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá-Giáo dục của Quốc hội; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Nội vụ; Lê Thanh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ; đại diện UNESCO, các vị khách quốc tế; các dịch giả, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế và nhân dân tỉnh Nghệ An.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, mất năm 1822. Bà là con gái cụ đồ Hồ Phi Diễn, người làng Quỳnh Đôi, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Mang trong mình dòng máu xứ Nghệ, nhưng Hồ Xuân Hương lớn lên ở đất Thăng Long nên trong con người bà có sự hội tụ nét tinh hoa của hai vùng văn hóa lớn là xứ Nghệ và Kinh Bắc. Chất khảng khái, cương trực của xứ Nghệ hòa thiệp với chất mềm mại, tinh tế của Kinh Bắc, để rồi kết lại, tỏa sáng một nữ sĩ Hồ Xuân Hương đầy cá tính, sâu sắc và nhân văn.

Thơ Hồ Xuân Hương, đặc biệt là thơ Nôm truyền tụng của bà, không chỉ cất lên tiếng nói về một số phận riêng nhiều đau khổ, mà cao hơn là tư tưởng nhân văn mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền bình đẳng cho con người; đề cao khát vọng về một cuộc sống tự do, hạnh phúc, vượt ra ngoài mọi khuôn khổ cứng nhắc và hà khắc của xã hội cũ, nhất là đối với người phụ nữ. Những tác phẩm thơ của Hồ Xuân Hương đã tạo nên một hiện tượng thi ca độc đáo, hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà mang tầm thế giới.
Trải qua hơn 200 năm xuất hiện trên văn đàn, Hồ Xuân Hương luôn mang đến sự cuốn hút mạnh mẽ cho độc giả, các nhà nghiên cứu, nhà phê bình danh tiếng trong nước và quốc tế.

Thơ của Hồ Xuân Hương đã được dịch ra hơn 10 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, được đưa vào giảng dạy, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài.
Con người và thơ Hồ Xuân Hương đã đi vào văn thơ, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, hội họa, được dân gian hóa, được nhân dân gìn giữ và lưu truyền.
Tên của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được đặt cho các ngôi trường, tuyến phố trang trọng, danh lam, thắng cảnh đẹp, giải thưởng văn học, nghệ thuật ở tỉnh Nghệ An và một số địa phương trong cả nước…
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: Lễ vinh danh và kỷ niệm hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những di sản mà danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương để lại cho hậu thế, qua đó thấm thía hơn cội nguồn sức mạnh của văn hóa, văn hóa là hồn cốt của dân tộc.

Chúng ta ý thức, trách nhiệm cao hơn trong nhiệm vụ gìn giữ, phát huy những giá trị di sản, tư tưởng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong việc xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; đóng góp thiết thực, cụ thể vào nhiệm vụ chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam, được UNESCO vinh danh.
Quê hương bà ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là vùng đất có nhiều nhân tài lừng danh thiên hạ. Còn bà được sinh ra, lớn lên tại Thăng Long, nơi hội tụ tinh hoa muôn phương. Chính những điều đó đã hun đúc trong bà những tư chất đặc biệt, được bồi đắp những lớp “phù sa” văn hoá.
Chủ tịch nước đánh giá, Hồ Xuân Hương là bậc nữ sĩ kỳ tài, là một hiện tượng đặc sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Thơ của bà ẩn chứa nhiều vấn đề sâu sắc, phức tạp, nhiều đột phá và rất mới mẻ; vừa đậm chất phong tình, vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc cho con người, trước hết là người phụ nữ.
Bà chúa thơ Nôm sống trong bối cảnh lịch sử đất nước nhiều biến động, vai trò nữ giới không được đề cao. Do đó, tiếng nói vang dội nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh đòi nữ quyền; dám trực diện đấu tranh cho quyền của phụ nữ, phản kháng quyết liệt và chia sẻ tận cùng với những số phận bất hạnh của nữ giới trong xã hội phong kiến.
Nhưng trong thơ của bà vẫn ẩn chứa bên trong sự dịu dàng, đoan trang, tinh tế nhưng mạnh mẽ và kiên cường của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt. Nhận ra một Hồ Xuân Hương như vậy là cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc, công phu, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn cả ở phạm vi khu vực và quốc tế.
Với UNESCO, cứ liệu tham khảo có vai trò quan trọng hàng đầu là giá trị văn hóa do một nhân vật nào đó tạo ra phải có ý nghĩa nhân loại và được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế.
Từ góc nhìn này, người ta thấy gì về đóng góp của nữ sĩ Hồ Xuân Hương? Người ta nhận thấy Hồ Xuân Hương là “một người phụ nữ, gây kinh ngạc với tính cách tự do và vượt ra ngoài chính thống”.
Tất cả đã làm nên sức sống mạnh mẽ, tạo thành dòng chảy liên tục, được lưu truyền và lan tỏa sâu rộng trong tâm thức người đọc cả trong nước và ngoài nước suốt mấy trăm năm qua và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn bền lâu trong tương lai. Hồ Xuân Hương xứng đáng trở thành danh nhân văn hóa, một tác giả lớn của Việt Nam và thế giới.
Nhấn mạnh, Hồ Xuân Hương – một danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, là nhà thơ mang tầm vóc một thi hào, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao UNESCO đã rất chính xác khi trao sứ mệnh vinh quang cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương: sứ mệnh truyền cảm hứng và lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi người trên thế giới.
Tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của bà đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại, Chủ tịch nước cho rằng, đó cũng là để tìm trong di sản của bà những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai.
Tiếp nối và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, học hỏi từ những di sản văn hóa của các bậc tiền nhân và cũng là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hoá toàn quốc do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vào tháng 11/2021.
Chúng ta tôn vinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương chính là tôn vinh phẩm hạnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được những nỗ lực, phấn đấu của Đảng và Nhà nước ta cho quyền lợi và sự công bằng đối với người phụ nữ, thông qua việc phát huy sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước, cũng như những vị trí quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong đội ngũ các nhà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở mọi thế hệ.
Việc UNESCO tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong tư tưởng, nhân cách Hồ Xuân Hương cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam.
Điều này thêm lần nữa khẳng định, những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã và đang hoà chung dòng chảy văn hoá nhân loại cũng như làm giàu hơn, phong phú hơn cho văn hóa thế giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật các trước tác của nữ sĩ Hồ Xuân Hương; tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của bà chúa thơ Nôm đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phát huy giá trị văn hóa Hồ Xuân Hương trong giai đoạn mới.
Trong khuôn khổ lễ vinh danh là chương trình nghệ thuật “Ví đây đổi phận làm trai được” với sự góp mặt của gần 400 diễn viên, ca sĩ. Chương trình nghệ thuật gồm các trường đoạn khắc họa về Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương – một danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, nhà thơ mang tầm vóc một thi hào.
Hồn thơ Hồ Xuân Hương là tiếng lòng của người phụ nữ chất chứa nhiều nỗi niềm và khát khao sống mạnh mẽ, là tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống cho con người, đặc biệt là nữ quyền và quyền bình đẳng. Hồn thơ ấy đã vượt không gian, thời gian, để sống mãi cùng hậu thế và đi vào văn học nghệ thuật.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart bày tỏ sự cảm ơn tỉnh Nghệ An đã tổ chức chuỗi sự kiện tôn vinh cuộc đời của nhân cách lỗi lạc nữ sĩ Hồ Xuân Hương và quảng bá giá trị văn hóa của bà trong cộng đồng quốc tế.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đã trao Nghị quyết vinh danh Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
THÀNH CHÂU-ANH TUẤN
- Trang 6 báo Nhân Dân ngày 3/12/2022
Bảo tồn và phát huy Hội đua bò Bảy Núi
Hội đua bò Bảy Núi thường được tổ chức trong dịp lễ Sene Dolta của dân tộc Khmer Nam Bộ, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân gian của cư dân làm nông nghiệp lúa nước. Đây còn là môn thể thao truyền thống đặc thù của đồng bào Khmer tại tỉnh An Giang, góp phần phát huy bản sắc văn hóa và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, ngày hội đua bò đã có từ lâu và từ năm 1992 trở thành giải thể thao cấp tỉnh. Sau hai năm bị gián đoạn do dịch Covid-19 bùng phát, năm nay, lễ hội đua bò Bảy Núi đã khởi tranh trở lại tại huyện Tịnh Biên với những màn đua “nghẹt thở”, thu hút rất đông khán giả đến xem, cổ vũ. 56 đôi bò đến từ các huyện trong tỉnh An Giang và huyện Giang Thành của tỉnh Kiên Giang cùng tham gia tranh tài theo thể thức loại trực tiếp, đôi thắng tiếp tục vào thi đấu vòng tiếp theo.
Ông Chau Kim Cheng, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn có kinh nghiệm tham gia nhiều cuộc tranh tài đua bò chia sẻ, tuy là môn thi đấu giải trí không mang nặng tính hơn thua nhưng đôi bò đoạt giải là niềm kiêu hãnh, chứng tỏ tài nghệ của chủ nhân. Vì thế, khi thi đấu ai cũng trổ tài điều khiển bò thật khéo léo, những bò đua được chọn phải là bò khỏe, cày giỏi, thi đấu chạy dũng mãnh.
Hội đua bò diễn ra vào lúc nông nhàn, gắn với ngôi chùa và truyền thống Phật giáo Nam Tông, đặc biệt gắn với lễ Sene Dolta (cúng ông bà), là một hình thức sinh hoạt văn hóa nông nghiệp truyền thống, mang tính cố kết cộng đồng rất cao. Hội đua bò đã thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi. Thời điểm này cũng trùng khớp với dịp xuống giống vụ lúa thu đông cho nên bà con Khmer thường mang bò đến cày bừa cho thửa ruộng của chùa trong phum, sóc, gọi là “bừa công quả”.
Cày bừa xong, họ tự thúc bò “bừa đua” xem đôi bò nào nhanh khỏe. Các sư sãi thấy vậy đứng ra tổ chức, treo thưởng đôi bò nào cày giỏi, chạy nhanh sẽ hưởng phần thắng là những sợi dây nài khớp bạc hoặc những vòng lục lạc đẹp mắt. Đây là phần thưởng danh giá gắn với niềm tin về một vụ mùa bội thu cho nên các chủ bò ngày càng quan tâm chăm sóc đôi bò quý của mình. Dần dà, việc tổ chức “bừa đua” được mở rộng quy mô, trở thành ngày hội của đồng bào dân tộc Khmer trong dịp lễ Sene Dolta.
Đến nay, đua bò Bảy Núi đã trở thành “đặc sản” văn hóa vùng, miền độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Sự tồn tại của Hội đua bò Bảy Núi qua thời gian còn là một bằng chứng sống động thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, gắn bó nhau trong sản xuất và cũng là dịp để bà con vui chơi, gặp gỡ nhau, nuôi dưỡng những tình cảm cộng đồng đẹp, đậm chất nhân văn. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, quê hương An Giang đến với nhân dân trong và ngoài nước. Ngày 19/1/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Hội đua bò Bảy Núi thuộc loại hình lễ hội truyền thống vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy Hội đua bò Bảy Núi, tỉnh An Giang”. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, mục đích của đề án nhằm đánh giá toàn diện về thực trạng Hội đua bò Bảy Núi trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy và đưa di sản văn hóa phi vật thể này vào cuộc sống và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Hội đua bò Bảy Núi phải gắn liền với sự phát triển đồng bộ giữa kinh tế và văn hóa địa phương, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung, di sản văn hóa phi vật thể Hội đua bò Bảy Núi, An Giang nói riêng… Việc thực hiện đề án nằm trong lộ trình nâng Hội đua bò Bảy Núi An Giang thành Hội đua bò của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiến tới Hội đua bò quốc tế tại An Giang.
Bài và ảnh: THANH DŨNG
- Trang 1báo Nhân Dân ngày 2/12/2022
Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 23 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Trong các ngày 29 và 30/11/2022, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 23. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.
Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:
I- Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai, UBKT Trung ương nhận thấy:
Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện một số dự án và công tác cổ phần hóa; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, bị xử lý hình sự.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại và nguy cơ thất thoát rất lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai và các đồng chí: Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Đinh Quốc Thái, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Văn Chánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Biên Hòa, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Vĩnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, gồm: Huỳnh Văn Tới, Đặng Thị Kim Nguyên, Trần Minh Phúc, Nguyễn Quốc Hùng; các đồng chí: Phan Huy Anh Vũ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; Bồ Ngọc Thu, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; một số đồng chí Lãnh đạo Tổng Công ty Tín Nghĩa, Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su công nghiệp Đồng Nai. Liên quan đến vấn đề này còn có trách nhiệm của một số tổ chức đảng, đảng viên.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật:
– Cảnh cáo đồng chí Trần Văn Vĩnh.
– Khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí: Quách Văn Đức, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa; Nguyễn Văn Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa; Phan Thanh Vĩnh Toàn, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Thành viên Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch; Đỗ Tấn Điềm, nguyên Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cao su công nghiệp Đồng Nai, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch.
UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí: Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ, Bồ Ngọc Thu.
UBKT Trung ương tiếp tục xem xét, thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật các tổ chức đảng, đảng viên khác có liên quan.
II- Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Bình Dương, UBKT Trung ương nhận thấy:
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Bình Dương đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban cán sự đảng UBND các tỉnh trên đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Nam Định còn để UBND tỉnh và một số sở, ngành vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đầu tư công; trong quản lý, sử dụng đất đối với một số dự án.
Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên có nguy cơ gây thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương.
Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng, Lãnh đạo UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Bình Dương. Liên quan đến vấn đề này còn có trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh trên và một số tổ chức đảng, đảng viên.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật:
– Khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Đăng Quyền, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Mạnh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa.
– Khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Nam Định các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Gia Tự, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Văn Hưng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng; Phạm Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nam Định.
– Khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2021-2026 và các đồng chí: Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Văn Út, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương.
– Cảnh cáo các đồng chí: Trịnh Hữu Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa; Lương Ngọc Trương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Y tế, Bí thư Đảng ủy bộ phận, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa; Khương Thành Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định; Nguyễn Hồng Chương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Bình Dương kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương.
III- Xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của Tỉnh ủy Thanh Hóa, UBKT Trung ương nhận thấy:
Các đồng chí Nguyễn Bá Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Như Xuân, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính; Phạm Thị Hằng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Đinh Cẩm Vân, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm pháp luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước.
Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí: Nguyễn Bá Hùng, Phạm Thị Hằng, Đinh Cẩm Vân.
IV- Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng; cho ý kiến về Đề án “Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán” và quyết định một số nội dung quan trọng khác.
- Trang 1 báo Nhân Dân ngày 1/12/2022
Ban Bí thư kỷ luật cán bộ
Ngày 16/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật một số cán bộ tỉnh Đồng Nai và Thanh Hóa.
Các đồng chí: Trần Đình Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai; Đinh Quốc Thái, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai; Bồ Ngọc Thu, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai; Phan Huy Anh Vũ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Y tế, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai; Phạm Thị Hằng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá; Đinh Cẩm Vân, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá; Nguyễn Bá Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Như Xuân, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá; Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:
- Các đồng chí: Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Bồ Ngọc Thu, Phan Huy Anh Vũ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhận hối lộ; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền địa phương.
- Các đồng chí: Phạm Thị Hằng, Đinh Cẩm Vân, Nguyễn Bá Hùngđã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước.
- Đồng chí Nguyễn Văn Trịnhđã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhận hối lộ; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Trần Đình Thành.
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ Đảng đối với các đồng chí: Đinh Quốc Thái, Bồ Ngọc Thu, Phan Huy Anh Vũ, Phạm Thị Hằng, Đinh Cẩm Vân, Nguyễn Bá Hùng, Nguyễn Văn Trịnh.
Đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính đối với các cá nhân trên đồng bộ, kịp thời với kỷ luật đảng.