Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 23, 2024

Tôi đưa thầy tôi về chùa Vạn Phước – Phạm Thị Hảo

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 1:27 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 5 năm 2024.

TÔI ĐƯA THẦY TÔI VỀ CHÙA VẠN PHƯỚC

Phạm Thị Hảo

Lời dẫn của Phạm Tôn: Khi các bạn, đọc những dòng xúc động sau đây thì tác giả Phạm Thị Hảo đã ra đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi 94. Bà sinh năm 1920 tại Hà Nội và vừa mất hồi 8 giờ ngày 28/4/2914 tại Hoa Kỳ nơi bà định cư từ 1975.

Cách đây vài năm, con trai, con gái đến thăm bà thì bà tiếp đón lịch sự, có hơi “khách khí”, rồi “xin phép hỏi quý danh”. Nhưng khi con gái hỏi chuyện thì bà đọc cho nghe hàng trăm câu Kiều, rành rẽ, ngâm nga say sưa. Đúng là con gái người say Kiều, sùng bái Kiều, suốt đời vận Kiều vào thân mình: học giả Phạm Quỳnh.

Năm 1956, chính bà và em trai út là Phạm Tuân đã đi cải táng thân phụ, nhân gia đình Ngô Đình Diệm hồi ấy là tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tổ chức đi tìm hài cốt cha con Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân cùng chôn một chỗ.

Đáng tiếc là lá thư bà hứa sẽ viết tỉ mỉ cho chị gái là bà Phạm Thị Giá thì lại chưa kịp viết, vì “khi định viết thì lại quá bận, khi có thời giờ thì tâm lại bất an” như bà viết thư than với chị. Vì thế chúng tôi chỉ còn chút ít dòng này của bà gửi đến bạn đọc.

—o0o—

  1. 1. THƯ GỬI CHỊ

…Đọc thư chị, em cảm động và thương chị lắm. Chị em ta sống gần gũi nhau suốt từ ngày em cưới (1942) đến lúc đất nước chia đôi (1954) vui buồn đều có nhau. Sau khi Thầy bị nạn, rồi lúc Me ở Hàng Da với chị, mất ở nhà chị…đều có em bên chị. Lúc em sinh hai cháu gái Mai, Ầm nay đã bốn mươi tuổi, đều có chị đưa đi nhà hộ sinh và nắm tay em khi đau đẻ…làm sao em quên được…Lẽ dĩ nhiên em sẽ nói nhiều đến những ngày cuối năm 1956 em đi lãnh hài cốt Thầy và đưa về chùa Vạn Phước…Em thật có lỗi với chị vì chưa viết trả lời những câu hỏi và kể chuyện công việc thiêng liêng này cho chị, dù chị đã hỏi đến mấy lần. Em không quên đâu, em sẽ chờ lúc tĩnh tâm để viết. Trước kia em đi làm bận rộn, nay về hưu nhàn hơn thì tâm lại chưa tĩnh…Ngày mất thì khi em đi nhận hài cốt, chỉ thấy một nhân chứng nói là “đêm đó trăng lưỡi liềm”

(Trích bản viết tay Thư cụ Phạm Thị Hảo từ Washinton DC, Mỹ gửi cho chị ở Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 24-9-1990))

  1. 2. THƯ GỬI EM TRAI

Nhận được thư em chị mừng lắm, đọc đi đọc lại những dòng chữ thân yêu với những tin tức vui của gia đình ta.

Anh chị em ta “năm con voi và tám nàng tiên” yêu nhau thật thắm thiết, thật là kỳ diệu! Không phải gia đình nào cũng được diễm phúc đó. Sau bao nhiêu năm xa cách, bao biến động, tình ruột thịt lại càng thắm thiết.

…Nay có em sang “nghìn năm một thuở” cũng như năm ngoái khi K. đến, chị cũng không làm sao dứt ra mà đi được. Rất buồn tủi, song các em cũng hiểu chị và yêu thương chị

…Chị rất tiếc không có mặt ở Paris lúc này để ôm em vào lòng và kể cho em cùng các em Ngoạn, Hoàn, Lệ, Viên những chi tiết và những phút đau lòng, lo âu, cảm động khi đi nhận di hài Thầy yêu quí của chúng ta. Ngày giáp Tết, khi ánh bình minh vừa rạng ló, con thuyền đưa cốt Thầy cặp bến chùa Vạn Phước, và chị cùng Miềng (tức Phạm Tuân – PT ghi chú), cô (me chị Bích) dự lễ an táng bên cạnh sư cụ cùng một vài thân hữu ở Huế. Chị không sao quên nổi cái đêm kinh hoảng (27 Tết thì phải) sau khi tìm bới hai ngày dài, rồi nhờ các vị sư cúng các vong tại chỗ, đến mãi tối mịt mới tìm được di hài ba vị (Thầy, cụ Khôi và cậu Huân). Người ta (họ Ngô) đang làm to, mang hai cha con họ Ngô quàn ở một cái rạp thật lớn trang hoàng theo nghi lễ công giáo, lính gác chung quanh, để chờ sáng hôm sau tám giờ tổ chức quốc tang theo lịch trình đã định. Còn chị em mình (chị và Miềng) cùng cô lẽo đẽo đưa di hài Thầy lên đỉnh một ngọn đồi nhỏ. Định ở đó suốt đêm, chờ sáng hôm sau nhà Ngô đưa đám (quốc táng thật to) đi rồi, mình dùng đúng con đường đó (đã được “quét sạch” ) để đưa cha mình về chùa. Song đêm trên đỉnh đồi lãnh lẽo, lủi thủi có ba bà con, văng vẳng nghe tiếng cầu kinh của các đệ tử Thiên Chúa bề tôi nhà Ngô ở dưới chân đồi, chỗ rạp quàn hài cốt nhà Ngô, vừa tủi thân vừa sợ. Miềng lúc đó còn nhỏ (20 tuổi – PT ghi chú) lo sợ, cứ bảo “Thôi, đi về đi!”. Những nhà chức trách nơi đó lại khuyên nên chờ đến sáng, sau đám nhà Ngô hãy đi, kẻo vùng này có tiếng là dữ (cọp beo, “hắc thú”, và …). Sau cùng, chị nhất quyết xin họ cho một cái đò để chở Thầy về ngay đêm đó. Họ khuyên không được, cũng tử tế cho hai thuyền có lính và khí giới đi kèm đò mình. Thế là chiếc tiểu – quan tài nhỏ, qua sông. Suốt đêm đến sáng thì tới bến Vạn Phước. Tờ mờ sáng, lòng đang buồn tủi đau khổ thương cho cha chịu phận hẩm hiu, lại hãnh diện cho mình được thay mười một người con của Thầy Me, đưa Thầy về nơi an nghỉ ngàn năm…Thì trên bến đã thấy sư cụ cùng mấy sư bác, các tiểu chờ sẵn. Em ơi, chị Hảo lúc bấy giờ mừng quá “đi đến nơi về đến chốn” rồi, trông mấy vị tu hành như thấy mấy vị cứu tinh, cảm động nước mắt dào ra không biết nói gì… Chôn cất Thầy xong, chị và Miềng về Sài Gòn, vừa vặn sửa soạn Tết, cúng giao thừa.

Mừng là mọi chuyện êm đẹp, nhưng nửa tháng sau sư cụ lại nói với cô là Thầy về báo mộng, mộ ướt lắm. (Chỗ đất này tốt nhất, đáng ra là dành cho sư cụ, cụ nhường cho Thầy). Thầy nằm trong vũng nước. Cô lại gửi thư về Sài Gòn nói tuỳ chị, cô không dám định đoạt đào lại mộ, chị nói cô cứ làm. Quả nhiên mộ đầy nước…Vì thế mới thỉnh Thầy ra ngoài cửa chùa, chỗ này cũng đẹp đẽ, sạch sẽ như em chắc đã thấy

(Trích bản viết tay Thư cụ Phạm Thị Hảo từ Washington DC, Mỹ gửi cho em trai ở Hà Nội (ngày 7-3-1990))

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.