Pham Ton’s Blog

Tháng Hai 2, 2024

Trên quê hương yêu dấu

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 8:10 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 2 tháng 1 năm 2024.

TRÊN QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

  • Trang 17 báo Tuổi Trẻ ngày 1/2/2024

Hồi ức Quảng Trị:

Cuốn sách của hòa giải dân tộc

Trong cuốn sách nhỏ hơn 200 trang là một câu chuyện lớn về dân tộc, đất nước ở giai đoạn gian nan, bi tráng: cuộc kháng chiến chống Mỹ giành tự do và thống nhất đất nước.

Cuon sach cua hoa giai dan toc

Những hồi ức chân thực, sống động, đặc biệt là hồi ức về thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972, của hai người lính có cùng năm sinh nhưng ở hai đầu chiến tuyến được đặt trong cuốn sách giúp người đọc nhìn ra nhiều điều sâu xa về cuộc chiến, về lịch sử đất nước, về lòng thương yêu, đức bao dung của người Việt, từ đó giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa giải dân tộc.

Cuộc chiến nhìn từ hai phía

Sách Hồi ức Quảng Trị (NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật) do nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sưu tầm và biên soạn, khắc họa 81 ngày đêm trận chiến thành cổ Quảng Trị qua những trang nhật ký, hồi ký chiến trường của anh lính giải phóng Quân đội nhân dân Việt Nam Đào Chí Thành và người lính thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thanh Quang.

Hai dòng nghĩ suy chân thực về cuộc chiến của hai người lính ở hai chiến tuyến đặt cạnh nhau giúp bạn đọc đối chiếu, cảm nhận về hoài bão, lý tưởng sống của mỗi người lính của hai phía.

Bạn đọc dễ dàng nhận thấy sự đối lập sâu sắc của mục đích, trách nhiệm và hành động cầm súng chiến đấu, nhận ra chính nghĩa và phi nghĩa; tự nguyện, cống hiến và bắt buộc, cam chịu; lý tưởng, yêu thương và vô cảm; khát vọng và vô vọng.

Nếu như phần nhật ký, hồi ký chiến trường của anh lính giải phóng Đào Chí Thành ghi chép đầy lý tưởng cách mạng của anh bộ đội Cụ Hồ đã được biết đến nhiều, thì những dòng hồi ký chiến trận của người lính Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Thanh Quang khi đã thấu hiểu cuộc chiến là một câu chuyện hiếm.

Phần hồi ký của Nguyễn Thanh Quang cho thấy tác giả đã tự nguyện vén bức màn để bạn đọc bước vào nội tâm phức tạp cũng như số phận chìm nổi mấy chục năm của người lính thất trận, để thấy cái đích của hòa giải không dễ dàng nhưng viên mãn.

Hành trình cảm động của Hồi ức Quảng Trị

Ông Nguyễn Thanh Quang có tên khai sinh là Phan Văn Lân, sinh năm 1953 (cùng năm sinh với Đào Chí Thành) tại Bình Thuận.

Ông gia nhập quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1970. Tại thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông là toán trưởng khinh binh (trinh sát).

Ông Đào Chí Thành cũng tham gia trận giao tranh ác liệt này nhưng ở phía những người lính giải phóng bảo vệ thành cổ.

Ông Thành nhập ngũ năm 1971, khi đang là sinh viên khoa toán Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Cuối năm 1974, ông Thành được cử đi học Trường đại học Kỹ thuật quân sự.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quang sau ngày thống nhất đất nước về lại Bình Thuận, ra trình diện, đi học tập cải tạo hai đợt (mỗi đợt vài ngày).

Đất nước sau chiến tranh vô cùng khó khăn, ông Quang càng vất vả, nhiều khi oan ức, cay đắng vì những định kiến thời gian đầu còn nặng nề.

Có những lúc hoàn cảnh sống khó khăn, bế tắc khiến ông tiêu cực, ông tìm cách liên lạc với Hội Cựu chiến binh quân lực Việt Nam ở Mỹ để tìm bạn cũ chia sẻ nỗi niềm.

Trong những lá thư này, người đọc thấy ông Quang rất tự hào về những tháng năm tuổi trẻ trận mạc, coi nó là “ngoạn mục”, “hào hùng”.

Ông còn nhiều lần gửi đơn lên Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM để xin được hưởng chương trình tái định cư nhân đạo HR của Chính phủ Mỹ nhưng đều không nhận được hồi âm.

Nhưng ông Quang đã khác sau những năm tháng tiếp tục sống trên đất nước mình, bên đồng bào mình, có thời gian suy nghĩ thêm về cuộc chiến.

Rồi các cuộc gặp gỡ với những người lính mà mình từng chĩa mũi súng, một ngày ông Quang hồi tâm. Đặc biệt là cuộc gặp gỡ của ông Quang với ông Đào Chí Thành, lúc đó đã là tiến sĩ khoa học – viện trưởng Viện Công nghệ điện tử.

Ông Quang cho biết ông với ông Thành trò chuyện rất hợp nhau. “Chúng tôi đã tự thực hiện hòa hợp dân tộc bằng chính tình bạn của mình, quên đi quá khứ, hướng tới tương lai”, ông Quang viết.

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 31/1/2024

Em bé đầu tiên được thông tim trong bào thai chào đời khỏe mạnh

Bé trai đầu tiên được thông tim từ trong bào thai đã chào đời lúc 9h17 sáng 30-1 tại Bệnh viện Từ Dũ. Bé nặng 2,9kg, da dẻ hồng hào, khóc rất to khi chào đời.

Em be duoc thong tim

Bác sĩ Trần Ngọc Hải, giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, là người mổ bắt con cho thai phụ  L. (26 tuổi, ngụ Đà Nẵng), đón bé trai chào đời. Bé thở khí trời, không phải thở oxy, sau đó được thực hiện da kề da với ba mẹ.

“Sau khi bé ra đời, các bác sĩ đã siêu âm tim trực tiếp cho bé tại phòng mổ. Dòng máu qua chỗ hẹp của bé tốt. Bé sẽ không cần can thiệp gì sau sinh.

Đây là kết quả quá ngoạn mục, vượt ngoài mong đợi của ê kíp phẫu thuật. Đây cũng là tiền đề để các bác sĩ mạnh dạn tiếp tục can thiệp vào bào thai”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, vui mừng cho biết.

“Hình ảnh người mẹ sinh con an toàn và chảy những giọt nước mắt xúc động, hạnh phúc là món quà không có gì quý giá hơn đối với đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ”, bác sĩ Hương chia sẻ.

Bác sĩ Hương cho rằng để có kết quả ngoạn mục như ngày hôm nay phải kể đến sự dũng cảm, cương quyết của người mẹ khi đối mặt với ca mổ lần đầu tiên được thực hiện trong cả nước.

Diễn tiến của những em bé sau sinh sẽ được đánh giá tiếp tục sau 14 giờ, 36 giờ, 72 giờ. Hiện bé trai đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để theo dõi tiếp. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ có một kế hoạch theo dõi dài hơi cho bé.

Trước đó, thai phụ L. đã nằm tại Bệnh viện Từ Dũ theo dõi từ khi được thông tim trong bào thai (4-1) đến nay.

Bác sĩ Bùi Văn Hoàng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết thai phụ đã được chăm sóc đặc biệt từ lúc thông tim trong bào thai đến lúc sinh. Thai phụ được chấm dứt thai kỳ khi thai được 37 tuần, 4 ngày tuổi. Đây là thời điểm lý tưởng để đưa bé ra đời.

Các bác sĩ khẳng định bước đầu ca phẫu thuật đã thành công. Đây là thành tựu của quốc gia.

  • Trang 10 báo Tuổi Trẻ ngày 31/1/2024

Hành động thật, làm trách nhiệm mới có kết quả

Thành ủy TP.HCM đã tổng kết công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 sáng 30-1.

hanh dong that lam trach nhiem moi co that

Chủ trì hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sắp tới.

Cán bộ là gốc của mọi việc

Nhiều cách làm mới, sáng tạo và đã có hiệu quả bước đầu được chia sẻ tại hội nghị. Ông Nguyễn Văn Nên ghi nhận và cho rằng có nhiều bài học kinh nghiệm trong xây dựng Đảng được rút ra.

Trong đó, việc quán triệt những nghị quyết của trung ương nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả, có chỉ đạo trọng điểm. Nhiều giải pháp tạo chuyển biến tích cực, qua đó thực hiện có hiệu quả chủ đề của năm TP đề ra.

Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ.

Ông Nên nhắc lại Bác Hồ từng nói muôn việc muốn thành công hay thất bại cũng đều do cán bộ mà thành vì “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Bí thư Thành ủy đánh giá đã hoàn thành cơ bản việc quy hoạch đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ chuẩn bị đội ngũ cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Bí thư Thành ủy chỉ đạo: “Quan tâm đúng mức công tác giám sát kiểm tra, gắn công tác kiểm tra giám sát của Đảng với lắng nghe và giám sát của nhân dân. Chúng ta có tinh thần, thông điệp chỉ đạo để cán bộ tự soi, tự sửa mình và để người dân góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên”.

Đặt vấn đề về xây dựng chính quyền đô thị thông minh, ông Nên nói cần phải đổi mới phương thức, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ vào quá trình này và coi đây chính là sứ mệnh phải làm.

Lấy dân làm gốc

Bàn về công tác dân vận, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị cần thực hiện nghiêm các chỉ thị của trung ương và TP, bám sát những vấn đề gai góc của cuộc sống. Phải lấy dân làm gốc, trọng dân, học và có trách nhiệm với dân, đẩy mạnh thi đua dân vận khéo.

“Dân vận khéo không phải khéo nói mà hành động chân thật của người cán bộ. Chỉ có làm thật, hành động thật, có trách nhiệm thật mới có kết quả thật. Như vậy dân mới tin và những hành động tích cực sẽ lan tỏa rất mạnh” – ông Nên nhấn mạnh.

Chỉ ra vẫn còn hạn chế, khó khăn như có lúc vận hành trong bộ máy chưa đồng bộ, kỷ cương chưa nghiêm, ông Nên nói cần mạnh dạn đề xuất, kiến nghị để việc cải cách hành chính tại cơ sở thực hiện nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu của dân.

Theo bí thư Thành ủy, khi càng ý thức nâng cao tính trách nhiệm, gương mẫu, sáng tạo, càng làm tốt thì bộ phận trì hoãn sẽ thu hẹp lại và đến lúc sẽ bị đào thải.

“Năm 2024 còn thử thách không?” – ông Nên đặt câu hỏi và tự trả lời chưa ai thông báo thử thách đã được cải thiện hay lường hết được khi hậu quả của COVID-19 vẫn còn tồn tại. Nhưng phải tìm ra cơ hội khi TP được sự quan tâm của trung ương, đồng bào cả nước “TP vì cả nước, cả nước vì TP”.

Phải quyết tâm chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, ông Nên nói vậy và đánh giá công tác truyền thông rất quan trọng, làm sao nói cho dân tin, dân hiểu, dân làm. Triển khai chỉnh đốn, xây dựng đô thị để người dân sống trong môi trường thuận lợi hơn nên truyền thông cần chia sẻ để làm tốt hơn lên.

Bí thư Thành ủy cũng lưu ý cần phát huy xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ sở. Đồng thời xác định xây dựng đội ngũ cán bộ phải có đức và tài, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm.

“Chúng ta phải cố gắng học tập, bản thân tôi cũng thường xuyên rèn luyện hằng ngày, hằng giờ. Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả phản biện xã hội, tập trung thực hiện chủ đề năm 2024 “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và nghị quyết 98 của Quốc hội” mà TP xác định” – ông Nên nhấn mạnh.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 27/1/2024

Chủ tịch nước chúc Tết công nhân dầu khí

Chu tich nuoc chuc tet cong nhan dau khi

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ra giàn khoan, đến tận công trường thăm, tặng quà, chúc Tết Giáp Thìn 2024 cho kỹ sư, công nhân dầu khí.

Sáng 26-1, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn công tác của Đảng, Nhà nước đã có chuyến thăm, chúc Tết tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam) đóng ở Vũng Tàu và ngoài khơi Vũng Tàu.

Sáng sớm cùng ngày, Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đáp trực thăng ra giàn khai thác trung tâm của Công ty Liên doanh điều hành Cửu Long – ngoài khơi Vũng Tàu thăm hỏi, chúc Tết Giáp Thìn 2024 các kỹ sư, công nhân tại đây.

Sau khi nghe báo cáo về quá trình thành lập, đóng góp ngân sách của liên doanh này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao những kết quả đạt được.

“Quan trọng hơn nữa đó chính là góp phần bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước lưu ý thông qua các hoạt động thăm dò, khai thác trên biển, Petro Việt Nam cần nghiên cứu để xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ cho ngành và cần phải giữ được người tài.

Các thế hệ, đội ngũ của ngành dầu khí đã kết hợp với nhau một cách chặt chẽ để thành tập thể mạnh. Từ đó, làm nền tảng cơ bản cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục vững mạnh và phát triển.

Ngay sau khi về bờ, Chủ tịch nước đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà các công nhân đang chế tạo thiết bị điện gió tại cảng PTSC (TP Vũng Tàu).

Báo cáo với Chủ tịch nước, ông Lê Mạnh Cường – tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) – cho biết PTSC là doanh nghiệp cơ khí hàng hải hàng đầu tại Việt Nam.

Trên công trường kho bãi của PTSC ở Vũng Tàu hiện đang có hàng ngàn công nhân thi công các cấu kiện cơ khí của điện gió để xuất khẩu đi nước ngoài. Giá trị xuất khẩu lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ra tận công trường thi công để hỏi thăm, tặng quà cho các công nhân dầu khí đang thi công chân đế điện gió.

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 26/1/2024

Mỹ khẳng định không dung túng người trong vụ khủng bố Đắk Lắk

Về vụ khủng bố tại Đắk Lắk, Bộ Ngoại giao cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam và Mỹ vẫn đang thường xuyên trao đổi thông tin các cá nhân, tổ chức liên quan.

Chiều 25-1, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhận được câu hỏi về sự phối hợp giữa Việt Nam và Mỹ trong việc điều tra vụ khủng bố tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11-6-2023.

Trả lời, bà Hằng cho biết việc điều tra vụ án xảy ra tại Đắk Lắk được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng Việt Nam và Mỹ đã và đang thường xuyên trao đổi thông tin về các tổ chức và cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật hai nước cũng như luật pháp quốc tế.

Bà Hằng cho biết trao đổi với Bộ Công an Việt Nam, Mỹ khẳng định không dung túng bất cứ tổ chức hay cá nhân nào liên quan đến vụ việc.

Phía Mỹ cũng cam kết hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc, nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

“Chúng tôi luôn tin tưởng rằng tất cả các quốc gia và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới kiên quyết phản đối các hành động khủng bố dưới mọi hình thức, phối hợp xử lý nghiêm minh hành vi khủng bố theo quy định của pháp luật quốc tế”, bà Hằng nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 20-1, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án 100 bị cáo trong vụ khủng bố gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại địa phương.

Trong đó có 10 án tù chung thân, các bị cáo khác bị tuyên phạt các mức án từ 9 tháng tù đến 20 năm tù.

Khi được hỏi về thông tin cho rằng có sự kỳ thị sắc tộc trong vụ án này, bà Hằng nhấn mạnh: “Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn việc cho rằng có sự kỳ thị sắc tộc. Các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng.

Chính phủ Việt Nam luôn dành ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống nhân dân”.

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 22/1/2024

Chủ tịch TP Biên Hòa tiếp dân 1 giờ mỗi sáng

‘Buổi sáng với nhân dân’ là mô hình vừa được lãnh đạo TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thực hiện nhằm lắng nghe ý kiến người dân.

Chu tich bien hoa tiep dan

Ngày 21-1, tin từ TP Biên Hòa cho hay ông Đỗ Khôi Nguyên – chủ tịch UBND TP Biên Hòa – vừa ký thông báo triển khai mô hình “Buổi sáng với nhân dân”.

Theo đó, mô hình “Buổi sáng với nhân dân” là nội dung tiếp dân của lãnh đạo thành phố.

Cụ thể, chủ tịch UBND TP Biên Hòa sẽ dành 1 giờ vào buổi sáng (từ 7h – 8h vào các ngày làm việc trong tuần) để lắng nghe ý kiến, giải quyết các phản ánh, bức xúc của người dân.

Địa điểm tiếp dân là Trụ sở tiếp công dân TP Biên Hòa (địa chỉ số 71 đường Hưng Đạo Vương, phường Trung Dũng, TP Biên Hòa) hoặc tầng 2 tòa nhà hành chính (địa chỉ số 225 đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, TP Biên Hòa).

Theo thông báo, chủ tịch UBND TP Biên Hòa đề nghị công dân liên hệ Ban tiếp công dân thành phố để đăng ký nội dung yêu cầu và cung cấp hồ sơ liên quan để cuộc tiếp xúc dân có hiệu quả, chất lượng.

Sau khi nhận được hồ sơ, kiến nghị của dân, UBND TP Biên Hòa sẽ có thư mời thông báo đến từng người dân về thời gian, địa điểm tiếp nhằm hạn chế việc các hộ dân đến liên hệ nhưng không gặp được lãnh đạo thành phố.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trước đó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tăng cường công tác tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền vào mỗi buổi sáng hằng ngày từ thứ hai đến thứ sáu.

Việc dành thời gian tiếp dân nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để chỉ đạo giải quyết kịp thời và hạn chế những bức xúc có thể phát sinh…

  • Trang 13 báo Tuổi Trẻ ngày 22/1/2024

Marathon Việt Nam rúng động vì kỷ lục của Hoàng Nguyên Thanh

Sáng 21-1, VĐV Hoàng Nguyên Thanh đã về đích với thời gian 2 giờ 18 phút 43 tại Giải vô địch marathon châu Á diễn ra tại Hong Kong. Đồng thời phá kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 21 năm ở nội dung marathon.

Marathon Viet Nam

Đây là thành tích không tưởng với Hoàng Nguyên Thanh và marathon Việt Nam. Trước đó, kỷ lục marathon Việt Nam được xác lập vào năm 2003 bởi VĐV Nguyễn Chí Đông (Hà Nội) với thời gian 2 giờ 21 phút 51 giây. Suốt 21 năm qua, chưa một VĐV marathon nào có thể phá vỡ nó.

Hoàng Nguyên Thanh và Hoàng Thị Ngọc Hoa là hai VĐV marathon quốc gia thuộc đơn vị Bình Phước, là đại diện của Việt Nam tham dự Giải marathon vô địch châu Á 2024 diễn ra tại Hong Kong.

Kết thúc cuộc thi vào sáng sớm 21-1, Hoàng Nguyên Thanh đã gây rúng động khi cán đích thứ 10 VĐV nam tại giải châu Á. Dù không có huy chương nhưng việc phá kỷ lục marathon quốc gia của Hoàng Nguyên Thanh là điều rất đáng khen ngợi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngay sau khi cán đích, Hoàng Nguyên Thanh chia sẻ: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi phá kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 21 năm. Cảm xúc thật khó tả và không thể tin nổi. Phá kỷ lục quốc gia với tôi còn quan trọng, có ý nghĩa hơn nhiều tấm HCV giành được tại SEA Games 31.

Khi vào đường chạy, tôi đã nỗ lực hết sức bởi sau tôi là niềm hy vọng của cả cộng đồng marathon Việt Nam. Giờ chân tôi đang đau cứng nhưng niềm hạnh phúc thì khôn tả”.

Trước đó, Hoàng Nguyên Thanh là VĐV đầu tiên trong lịch sử marathon Việt Nam giành được HCV SEA Games 31 năm 2022 trên sân nhà với thời gian 2 giờ 25 phút 7 giây 84. Tại SEA Games 32 năm 2023, Hoàng Nguyên Thanh giành HCĐ.

Mới đây, ngày 1-1 Hoàng Nguyên Thanh cũng xác lập kỷ lục bán marathon (21km) mới với thời gian 1 giờ 06 phút 39 giây.

Nắm giữ cả kỷ lục marathon, bán marathon quốc gia và là VĐV nam duy nhất giành HCV SEA Games, Hoàng Nguyên Thanh chính thức đi vào lịch sử là VĐV marathon vĩ đại nhất Việt Nam.

  • Trang 2 báo Nhân Dân ngày 30/1/2024

Rau quả rộng đường vào Trung Quốc

Năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 65% thị phần.

Cơ hội xuất khẩu rau quả vào thị trường 1,4 tỉ dân ngày càng rộng mở khi cuối năm 2023 Việt Nam ký thêm nghị định thư xuất khẩu dưa hấu sang thị trường này.

Dự kiến trong năm 2024, Trung Quốc sẽ mở cửa thêm cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam như bơ, chanh leo, dừa… Từ những tín hiệu tích cực này cho thấy năm nay xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc sẽ tiếp tục “bùng nổ”.

Xuat khau rau qua vao trung quoc

Nhiều tín hiệu tích cực

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Tấn Đạt, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết việc ký kết nghị định thư về xuất khẩu dưa hấu là bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước.

Tính đến nay, Việt Nam có 162 vùng trồng dưa hấu và hơn 1.000 cơ sở đóng gói tại 38 tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trung bình mỗi năm kim ngạch xuất khẩu dưa hấu Việt Nam vào Trung Quốc khoảng 50 triệu USD.

“Việc ký nghị định thư xuất khẩu dưa hấu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này được kỳ vọng sẽ thu về thêm 20 – 30 triệu USD mỗi năm. Điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh hơn nhiều.

Hải quan Trung Quốc sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ còn 2-3% nên sẽ không còn lo bị ùn ứ khi bước vào cao điểm như lễ Tết mọi năm”, ông Nguyên nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết trong chuyến làm việc của bộ tại Trung Quốc giữa tháng 1-2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đồng ý sẽ mở thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, đặc biệt sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục để mở cửa cho trái bơ và chanh leo của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

“Đây là tin mừng cho những người nông dân trồng trái bơ và trái chanh leo ở Tây Nguyên và ĐBSCL”, ông Nam nhận định.

Ông Nam cũng cho biết trong chuyến làm việc tại Trung Quốc vừa qua, đoàn công tác của bộ đã khảo sát làm việc với chợ đầu mối Quảng Đông và chợ trung tâm nông sản Thâm Quyến. “Phía bạn đồng ý đưa sản phẩm nông sản, trái cây Việt Nam vào hai chợ đầu mối này.

Đặc biệt là chợ trung tâm nông sản ở Thâm Quyến, giám đốc chợ nhất trí dành riêng một gian hàng lớn để các sản phẩm OCOP Việt Nam được trưng bày bán tại đây.

Đây là chợ chiếm 10% lưu lượng hàng hóa vào thị trường Trung Quốc và phục vụ 40 triệu dân ở Thâm Quyến và Hong Kong.

Phía bạn rất muốn tăng cường hợp tác, kể cả gạo, trái cây và các sản phẩm OCOP vào trung tâm này” – ông Nam nói và cho biết sau Tết âm lịch, đoàn công tác của chợ trung tâm nông sản Thâm Quyến sẽ sang Việt Nam để phối hợp cùng các doanh nghiệp bàn kỹ cách hợp tác theo chuỗi logistics nhằm đưa rau quả, nông sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường 1,4 tỉ dân này.

Sầu riêng vẫn là “át chủ bài”

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết trong tháng 1-2024, xuất khẩu rau quả ước tính đạt gần nửa tỉ USD (khoảng 480 triệu USD), tăng gấp đôi so với tháng 1 năm trước. Với những tín hiệu lạc quan về thị trường ngay trong tháng đầu năm, ông Nguyên tin rằng xuất khẩu rau quả của cả năm nay sẽ đạt kim ngạch từ 6 – 6,5 tỉ USD.

Theo ông Nguyên, năm 2024 và các năm tiếp theo, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục “bùng nổ” là hoàn toàn có cơ sở bởi ngoài nghị định thư về dưa hấu thì chúng ta đang đàm phán để chuẩn bị ký nghị định thư về chanh leo, bơ, sầu riêng đông lạnh, bưởi, dừa…

“Năm 2023, Trung Quốc chiếm 65% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam, dự báo năm 2024 sẽ chiếm khoảng 70% thị phần. Giữa Việt Nam và Trung Quốc có khoảng cách địa lý gần, vùng trồng rau quả rất tiềm năng nên rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc rất thuận lợi, thị hiếu tiêu dùng tương đối giống nhau, tạo điều kiện để ngành rau quả phát triển mạnh hơn”, ông Nguyên tin tưởng.

Ông Nguyên cũng khẳng định năm 2024 sầu riêng, dừa, chuối, xoài, thanh long vẫn là những mặt hàng chiến lược của Việt Nam, trong đó sầu riêng vẫn là mặt hàng “át chủ bài” bởi đến đầu tháng 1 năm nay có 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đặc biệt, nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm trong năm nay thì sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh sẽ đưa về khoảng 3,5 tỉ USD. Tương tự, trái dừa nếu ký được nghị định thư thì hứa hẹn sẽ mang về từ 500 – 600 triệu USD.

“Do xung đột ở Biển Đỏ, xuất khẩu bằng đường biển phải đi vòng, kéo dài thêm khoảng nửa tháng nên hàng hóa từ châu Âu, châu Mỹ về Trung Quốc có thể bị trễ và chi phí tăng cao. Do đó, Trung Quốc có thể thiếu rau quả trong dịp Tết Nguyên đán này. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng để gia tăng thêm lượng và giá trị xuất khẩu rau quả”, ông Nguyên đánh giá.

Ông Lê Thanh Hòa, cục phó Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), khẳng định Trung Quốc vẫn là thị trường trọng tâm xuất khẩu rau hoa quả tươi của Việt Nam. “Tới đây, nếu Trung Quốc mở cửa trái dừa thì đây là cú hích lớn cho xuất khẩu rau quả, cũng có thể dừa trở thành cây tỉ USD trong thời gian tới sau thanh long, sầu riêng” – ông Hòa nói.

Đảm bảo chất lượng, mẫu mã mới bền vững

Ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh tiềm năng các sản phẩm trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn.

“Qua buổi thăm và làm việc với chợ đầu mối ở Giang Nam (Quảng Đông, Trung Quốc), chúng tôi nhận thấy các sản phẩm trái cây Việt Nam có lợi thế vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng, phía bạn đánh giá rất cao.

Nhưng bạn cũng cảnh báo chúng ta rằng nếu chúng ta không chú trọng vào chất lượng, mẫu mã và xuất xứ hàng hóa sẽ đánh mất tiềm năng. Vì sắp tới có khả năng phía bạn sẽ cho phép một số nước khác xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, phía Trung Quốc than phiền rằng một số sản phẩm trái cây không để rõ ngày sản xuất. Hay có một số lô hàng sầu riêng không đảm bảo chất lượng cho nên đã ảnh hưởng rất lớn các tiểu thương phía Trung Quốc.

Do đó, ông Nam đề nghị đến tất cả những hộ nông dân đang trồng sầu riêng nói riêng và rau quả nói chung cùng các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đến đảm bảo chất lượng, mẫu mã, xuất xứ hàng hóa khi xuất sang thị trường Trung Quốc thì mới có chỗ đứng bền vững.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, vấn đề vi phạm kiểm dịch hay chất lượng trái cây xuất khẩu không đảm bảo thì các nước xuất khẩu đều có chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, để không chỉ vì sơ hở nhỏ mà làm ảnh hưởng tới cả ngành, nhất là sầu riêng thì cần có biện pháp mạnh tay hơn như Thái Lan nếu cắt bán sầu riêng non phạt tiền, nghiêm trọng hơn thì truy tố.

Bên cạnh đó, ông Nguyên cũng cho rằng thời gian qua mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn tâm lý “bẻ kèo”, phá vỡ hợp đồng, nhất là trong xuất khẩu sầu riêng. “Một số nhà vườn vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng bỏ doanh nghiệp, điều này là không tốt vì doanh nghiệp sẽ mất uy tín với đối tác nhập khẩu.

Do đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong ngành hàng rau quả phải hướng đến liên kết phát triển bền vững hơn, một khi đã chọn liên kết thì nên trung thành với nhau, “cục muối chia đôi”, không vì những lợi ích nhất thời mà phá vỡ hợp đồng liên kết. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới cả ngành hàng xuất khẩu”, ông Nguyên khuyến cáo.

Ông Lê Thanh Hòa cũng cho rằng thời gian qua chất lượng rau quả của chúng ta đã tốt nhưng chưa đạt được mức độ ổn định. Do vậy, Bộ NN&PTNT cũng như Cục Trồng trọt cùng địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để làm sao có được chất lượng nông sản ổn định nhất để phục vụ xuất khẩu.

  • Trang 7 báo Tuổi Trẻ ngày 30/1/2024

Nhộn nhịp khách quốc tế đến Việt Nam

Ngày 29-1, tàu biển quốc tế Celebrity Solstice (thuộc Hãng Royal Caribbean Cruise Lines) mang theo 3.000 khách quốc tế đến Việt Nam năm ngày theo hành trình xuyên Việt cập cảng Hạ Long (Quảng Ninh).

Tàu biển này sẽ cập cảng ở Huế vào ngày 31-1 và Bà Rịa – Vũng Tàu vào ngày 2-2. Và ngay sau dịp Tết Nguyên đán, tàu biển Celebrity Solstice quay lại với hai chuyến hải trình năm ngày để đưa khách quốc tế khám phá các điểm đến dọc bờ biển Việt Nam.

Nhon nhip khach nuoc ngoai

Khách quốc tế tăng 10% trong tháng đầu năm

Ở mỗi điểm cập cảng, đoàn khách quốc tế sẽ được chọn lựa các hành trình tham quan hấp dẫn do Lữ hành Saigontourist cung cấp.

Chẳng hạn tại Hạ Long, du khách được chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên thế giới – vịnh Hạ Long, hay trải nghiệm chèo thuyền kayak len lỏi chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong vịnh và các hang động kỳ vĩ…

Cuối tháng 1 và trong tháng 2-2024, doanh nghiệp này dự kiến sẽ tiếp tục đón tiếp và phục vụ sáu chuyến tàu biển quốc tế thuộc các hãng Royal Caribbean Group, Hapag-Lloyd Cruises, Crystal Cruises đến Việt Nam.

Đặc biệt, đầu năm Giáp Thìn, các chuyến tàu biển mang 15.000 khách quốc tế liên tục vào Việt Nam “xông đất”. Đây là tín hiệu đầy lạc quan của du lịch tàu biển trong đầu năm mới.

Theo số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-1, khách quốc tế đến bằng đường biển đạt 48,4 nghìn lượt người, chiếm 3,2% và gấp 8,6 lần trong tháng đầu tiên của năm mới.

Lượng khách quốc tế bằng đường biển có sự hồi phục ấn tượng ngay trong tháng 1 khi dồn dập các đoàn khách cập cảng lớn ở Việt Nam.

Trong khi đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 1,3 triệu lượt người, chiếm 85,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 60,9% so với cùng kỳ năm trước, khách bằng đường bộ đạt 176,9 nghìn lượt, chiếm 11,7% và gấp 2,7 lần.

Chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch cùng với việc Việt Nam là điểm đến an toàn nên lượng khách quốc tế trong tháng đầu tiên của năm 2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước.

Khách mạnh tay chi tiêu, mua sắm

Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến phố tại TP.HCM dễ dàng bắt gặp hình ảnh các đoàn khách quốc tế khám phá các điểm tham quan du lịch.

Không chỉ tận hưởng không khí ấm áp vùng nhiệt đới, nhiều du khách nước ngoài còn bày tỏ sự thích thú khi được trải nghiệm không khí Tết truyền thống của Việt Nam.

Các công ty du lịch ghi nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Những tour ngắn ngày, khám phá nội đô hay kéo dài 2-3 ngày được nhiều du khách quốc tế chọn lựa.

Châu Á vẫn là nguồn khách chính với hơn 1,1 triệu lượt khách đến trong tháng 1, kế đến là thị trường châu Âu với hơn 200.000 lượt, tiếp theo là châu Mỹ, châu Úc và châu Phi.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc điều hành Klook Việt Nam, cho biết phân khúc du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ và vượt mong đợi vào năm ngoái.

Dữ liệu trên nền tảng này ghi nhận thị trường khách Đài Loan dẫn đầu với mức tăng gần 17 lần, Hong Kong đứng thứ hai với mức tăng trưởng 13 lần.

Đà Nẵng, Hạ Long, TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Sa Pa, Phú Quốc và Hội An là những điểm đến hàng đầu được du khách quốc tế đặt nhiều nhất.

“Với chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đang được đẩy mạnh, cùng với Việt Nam là điểm đến an toàn, chúng tôi tin năm 2024 sức thu hút của Việt Nam với khách quốc tế sẽ lớn hơn nữa”, ông Hoàng tin tưởng.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 31/1/2024

Nông dân đua online bán hàng Tết

Để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm mùa Tết này, bên cạnh việc bán trực tiếp cho thương lái như lâu nay, nhiều nông dân ở miền Tây đã linh động giới thiệu quảng bá qua kênh online.

Kết quả thật bất ngờ, nhiều sản phẩm được tiêu thụ tốt, giúp “hai lúa” phấn khởi, có tiền rủng rỉnh xài Tết.

Nong dan dua online ban hang Tet

Tăng thu nhập đáng kể

Là con của một chủ ghe đáy hàng khơi tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), những ngày này chị Hồng My thức dậy vào sáng sớm để chuẩn bị, sắp xếp các mặt hàng có được để bài trí chụp hình, đăng Zalo và Facebook bán qua mạng.

“Trước đây cha mẹ tôi chỉ bán qua các vựa nên giá không được cao, do phải qua nhiều trung gian. Giờ đây tôi bán qua các mạng xã hội nên cũng được giá hơn, khách hàng dễ tiếp cận với hàng hóa của mình. Họ có thể lựa chọn, hỏi giá tận gốc, hàng luôn mới, chất lượng đảm bảo” – chị My nói.

Theo chị My, nhờ bán qua hệ thống mạng và thanh toán online mà mỗi tháng chị mang về thu nhập hàng chục triệu đồng cho gia đình, những tháng Tết thì hàng đi nhiều hơn và thu nhập cao hơn.

Anh Nguyễn Văn Miên, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), cũng cho biết bản thân mình là nông dân thế hệ 8X nên dễ tiếp cận công nghệ.

Hằng ngày đăng những cái gì anh có sẽ giúp khách hàng biết đến anh nhiều hơn. Theo anh Miên, giờ giao hàng với nhận tiền qua các công ty vận chuyển hoặc chuyển khoản thẳng vào tài khoản nên cũng yên tâm.

Anh Miên không có mặt bằng nên bán bằng hình thức online là hợp lý nhất và hiệu quả nhất. “Việc buôn bán qua mạng không bao giờ là dễ dàng nhưng nếu hiệu quả thì cứ cố gắng làm tới thôi.

Tôi nghĩ điều khó nhất của bán hàng qua mạng là làm sao tạo được uy tín. Mình cũng phải đầu tư thêm về điện thoại, hình ảnh sao cho hấp dẫn, lạ mắt là phát triển được”, anh Miên chia sẻ kinh nghiệm.

Bán khô Tết online chiếm 40%

Chị Nguyễn Thị Ngoãn, chủ cửa hàng khô cá đồng Phan Chao (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), cho biết thị trường khô Tết năm nay sôi động, đơn hàng Tết đã đi khá nhiều.

Sức bán mạnh và khách mua sớm hơn, một phần nhờ đi các dịp hội chợ sản phẩm OCOP, mặt khác nhờ bán online qua kênh thương mại điện tử của tỉnh Đồng Tháp và livestream trên kênh TikTok.

“Các loại khô cá đồng như cá lóc cửng, cá chạch, cá lòng tong, khô tép… giá không tăng, dao động 450.000 – 600.000 đồng/kg, hàng thiên nhiên được khách ưa chuộng.

Thông thường dịp Tết các năm khoảng 23, 24 tháng chạp mới hết hàng, năm nay từ giữa tháng đã hết khô tép, riêng khô cá lóc còn số lượng ít nhờ tích cực quảng bá, bán hàng qua kênh online”, chị Ngoãn nói.

Chị Lê Thị Vuông, cơ sở Khô Liêm Vuông (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp), cho biết cơ sở chị sản xuất nhiều loại khô từ cá tra, cá lóc…

“Ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, chúng tôi còn chủ động đăng hình ảnh lên Zalo, trao đổi thông tin online rồi chuyển hàng qua bưu điện cho khách đi các tỉnh và TP.HCM”, chị Vuông nói.

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 27/1/2024

Ngư dân miền Trung trúng đậm cá ngừ đại dương

Bước vào vụ câu cá ngừ đại dương đầu năm, nhiều tàu của ngư dân Phú Yên, Khánh Hòa trúng đậm luồng cá, nhiều tàu cập bến bán cá xong lại quay ra biển đánh bắt xuyên Tết.

Những ngày đầu năm 2024, nhiều ngư dân Phú Yên, Khánh Hòa đưa về bến hàng chục tàu câu cá ngừ đại dương khẳm cá.

Ngu dan mien trung trung dam ca ngu

Tàu câu cá ngừ đại dương có lãi ngay đầu năm

Ông Lê Văn Hòa ở phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa (Phú Yên) cho biết sau chuyến đánh bắt dài trên 20 ngày ở vùng biển Trường Sa, tàu của ông trở về cảng cá Phú Lạc với 3 tấn cá ngừ đại dương, bán cho thương lái với giá là 100.000 đồng/kg loại 1.

Đại diện Ban quản lý cảng cá Đông Tác cho hay tính đến thời điểm hiện tại, cảng đã tiếp nhận hơn 100 tàu khai thác xa bờ về cập cảng, với sản lượng cá ngừ đại dương khoảng 200 tấn. Hiện còn hàng trăm tàu cá đang trên đường vào bờ.

Ông Đào Quang Minh, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, cũng cho hay đây là tín hiệu tích cực và cũng là động lực để có nhiều tàu ra khơi đánh bắt xuyên Tết.

Theo ông Minh, trong năm 2023 sản lượng cá ngừ đại dương được ngư dân Phú Yên khai thác đạt khoảng 3.200 tấn, dự kiến trong năm 2024 sản lượng khai thác này có thể tăng lên.

Ngư dân có tiền sắm Tết

Còn tại cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa), mỗi chuyến biển các tàu đều mang về từ 1,5 đến hơn 2 tấn cá ngừ đại dương. Dù giá bán không cao như mọi năm, nhưng với sản lượng khá, ngư dân vẫn có thu nhập ổn định.

Ông Lê Xuân Giáp, chủ tàu cá KH-97542TS, cho hay sau gần 40 ngày đánh bắt trên biển, tàu ông khai thác được 1,5 tấn cá ngừ đại dương. Với giá bán cá dao động 100.000-115.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, cả chủ tàu và thuyền viên đều có thu nhập tốt.

“Bán xong ít hôm nữa tôi lại sắm chuyến ra biển tiếp, ăn Tết trên biển luôn. Bây giờ đang là chính vụ khai thác, nên ai cũng tranh thủ. Chuyến này sau khi bán cá xong, ngoài ứng cho thuyền viên trước 5 triệu thì mỗi người được chia thêm 10 triệu để cho vợ con sắm Tết”, ông Giáp nói.

Ông Nguyễn Văn Ba, trưởng Ban quản lý cảng Hòn Rớ, cho biết hiện Khánh Hòa có khoảng 660 tàu các loại khai thác xa bờ, chủ yếu là nghề câu cá ngừ đại dương.

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 28/1/2024

Thủ tướng đi xuyên 5 tỉnh thị sát đường dây 500kV

Ngày 27-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra công tác triển khai thi công các dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.

Cùng tham gia với đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính có đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các đơn vị liên quan.

Thu tuong di xuyen 5 tinh thi sat

Điểm đầu tiên của lịch trình, Thủ tướng đã đi kiểm tra thi công, tặng quà động viên người lao động tại vị trí 201 ở xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình thuộc dự án đường dây 500kV Nam Định I – Phố Nối.

Sau đó, Thủ tướng kiểm tra thi công tại vị trí móng cột 13 trên địa bàn xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; vị trí 41 trên địa bàn xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Tại đây, Thủ tướng trực tiếp xuống vị trí móng công trường trò chuyện, động viên công nhân, người lao động.

Nhấn mạnh đây là công trình quan trọng, có ý nghĩa lớn để góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc, không để thiếu điện, Thủ tướng đề nghị công nhân thi công nỗ lực với tinh thần “ba ca, bốn kíp”, “vượt nắng thắng mưa” để đẩy nhanh tiến độ dự án theo đúng tiến độ.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương hỗ trợ tối đa giải quyết các thủ tục, giải phóng mặt bằng nhanh; phối hợp với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia phát động phong trào, huy động người dân, các đoàn thể, doanh nghiệp tích cực tham gia, ủng hộ và lắng nghe các hiến kế, góp ý để thúc đẩy tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình.

Theo kế hoạch, trong chiều và tối cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác sẽ đi thị sát tại vị trí 100 ở Hà Trung, Thanh Hóa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tại công trường, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho biết đây là công trình năng lượng quan trọng, cấp bách, đi qua nhiều địa phương và phải thực hiện trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, sự ủng hộ của nhân dân nên đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, 226 gói thầu dự kiến cơ bản hoàn tất trong tháng 1-2024.

Còn theo ông Bùi Quang Cảnh – giám đốc Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4, đơn vị thi công dự án, để đẩy nhanh tiến độ dự án, đơn vị đã đề nghị địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện trong giải phóng mặt bằng của các vị trí móng và hành lang.

“Khi triển khai dự án, chúng tôi quán triệt tinh thần đối với toàn thể cán bộ công nhân viên, từ văn phòng đến đơn vị sản xuất, thi công là làm việc xuyên Tết. Do đó, anh em đón Tết trên công trường, đảm bảo tiến độ của toàn dự án” – ông Cảnh nói.

  • Trang 10 báo Tuổi Trẻ ngày 25/1/2024

Chiều sâu hoạt động của thương hiệu dẫn đầu

Chiều 24-1, Trung ương Đoàn đã có buổi làm việc cùng Thành Đoàn TP.HCM chuẩn bị cho chương trình hoạt động, công tác năm 2024.

Cùng dự buổi làm việc có Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy mở đầu bằng lời chúc mừng Thành Đoàn TP.HCM đã trở lại vị trí dẫn đầu năm 2023 công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cả nước, khẳng định thương hiệu vốn có của TP.HCM.

4 đề xuất của TP.HCM

Phó bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải thay mặt nêu bốn đề xuất với Trung ương Đoàn tại buổi làm việc. Trong đó, sớm ban hành bộ tiêu chí giai đoạn 2024 – 2027 và tiêu chí thực hiện năm 2024, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ trồng cây xanh với TP.HCM do diện tích trồng cây của TP còn ít.

TP.HCM cũng đề xuất cần mở rộng học trực tiếp cùng với học trực tuyến lý luận chính trị tại cổng thông tin điện tử. Để cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” hiệu quả hơn do nhu cầu của TP lớn, nếu chỉ tập trung một đầu mối mua bản đồ khó đảm bảo.

Thành Đoàn TP.HCM cho biết xác định bốn nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 gắn với chủ đề Năm thanh niên tình nguyện.

Trong đó có phần việc để Đoàn cùng thực hiện nghị quyết 98 của Quốc hội, hoạt động hướng đến 50 năm thống nhất đất nước, tiếp tục công trình thanh niên “Sông Sài Gòn – con sông của TP tôi”.

Anh Hải cho biết đã tiếp thu góp ý của Trung ương Đoàn vào chương trình công tác liên quan đến chỉ tiêu, hoạt động gắn với các mảng công tác của Đoàn, nhất là phong trào tình nguyện.

“Tiếp tục số hóa bản đồ sông Sài Gòn, thi tìm kiếm ý tưởng tình nguyện mới để hoạt động, dự án tình nguyện hiệu quả hơn. Chú ý hoạt động tình nguyện tại đảo Phú Quý (Bình Thuận) và xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), 20 năm tình nguyện tại nước bạn Lào” – anh Hải nói.

Năm 2024, Đoàn lãnh đạo hội nghị, đại hội các cấp tiến tới Đại hội Hội LHTN Việt Nam TP.HCM nhiệm kỳ 2024 – 2029.

Song song đó đăng cai hoạt động của trung ương tại TP.HCM gồm chăm lo Tết 2024 cho công nhân, 60 năm phong trào “3 sẵn sàng” và “5 xung phong” gắn với tổng kết hè tình nguyện 2024, 10 năm Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn năm 2014 là Năm thanh niên tình nguyện và 25 năm chiến dịch thanh niên tình nguyện hè.

Tính toán đi trước, đón đầu

Các ban Trung ương Đoàn thống nhất nhiều nội dung TP đã xác lập, đồng thời lưu ý TP có thể thực hiện tốt hơn vì còn dư địa. Chẳng hạn cần phát huy tốt hơn các ứng dụng và sản phẩm chuyển đổi số, vai trò đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của lực lượng trẻ, tăng tỉ lệ phát triển đảng viên mới từ đoàn viên ưu tú.

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nói trong dòng chảy chung, hoạt động Đoàn tại TP.HCM đều đi trước và nếu làm thành công tại TP sẽ dễ tính trên phạm vi cả nước. Do vậy, khi xây dựng hoạt động, chương trình cần nghĩ đến chiều sâu này.

Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường nói Thành Đoàn phải chủ động nhưng cũng cần Trung ương Đoàn hỗ trợ liên quan đến quy định tuyển dụng cán bộ Đoàn hiện nay để có đội ngũ bổ sung, kế thừa. Cũng vậy, làm sao phát huy tốt hơn vai trò các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, đóng góp, hỗ trợ nhiều hơn cho công tác Đoàn của TP.

Anh Bùi Quang Huy cho rằng chương trình năm của TP.HCM đã cụ thể hóa và mang màu sắc của TP. Anh Huy lưu ý ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ, TP.HCM còn phải làm tốt vai trò đầu tàu của khu vực.

Theo anh Huy, vì là đơn vị lớn nên TP.HCM càng cần thể hiện việc chủ động đề xuất những khâu đột phá của nhiệm kỳ, cụ thể về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công tác cán bộ Đoàn và chuyển đổi số vì chưa thấy rõ việc này. Cả quan tâm đến đội ngũ cán bộ Đoàn, phát triển đảng viên mới trong học sinh, sinh viên, đặc biệt chú ý đến công nhân.

Chia sẻ rằng khó để tìm ra mô hình mới song anh Huy nói Ban Bí thư Trung ương Đoàn kỳ vọng nhiều hơn ở hoạt động của TP.HCM. Thành Đoàn chủ động hơn đề xuất Thành ủy giao cho Đoàn những nhiệm vụ, công việc mới.

“TP.HCM tự hào là cái nôi của hoạt động tình nguyện nên càng phải suy nghĩ thêm về chủ đề công tác của năm nay. Cần có công trình, hoạt động thể hiện đúng thế mạnh, vai trò của đơn vị là nơi khai sinh ra phong trào tình nguyện” – anh Huy lưu ý.

  • Trang 11 báo Tuổi Trẻ ngày 24/1/2024

Công nhân quét mã QR sắm Tết

‘Lần đầu tôi cài app quét mã mua hàng cũng lóng ngóng lắm, may có các bạn ở quầy bán hàng chỉ cho rồi từ từ cũng quen’, chị Thạch Kiều – công nhân may ở Bình Chánh (TP.HCM) – vừa chìa chiếc điện thoại vừa nói.

Cong nhan quet ma QR sam tet

Vợ chồng chị Kiều đi cùng với ba công nhân khác cùng công ty đến Phiên chợ nghĩa tình của Liên đoàn Lao động TP.HCM tại đường số 3, khu dân cư đô thị Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) mua sắm.

Mỗi người nhận được một mã mua hàng 500.000 đồng được người phụ trách công đoàn công ty nhắn qua điện thoại. Đây đều là lần đầu tiên họ dùng điện thoại quét mã QR mua hàng. “Hàng hóa đều giảm giá cho công nhân nên nhiêu đây chắc cũng đủ mua bánh kẹo, gạo, mắm muối để dành ăn Tết” – chị Kiều cười.

Ngồi trong tay mẹ, Vinh – cậu con trai 6 tuổi của chị Kiều – ôm khư khư con thú bông Pikachu là quà Tết vừa được mẹ mua cho. Năm qua và cả năm trước nữa là thời gian vô cùng khó khăn với các công nhân như chị Kiều. Công ty cũ đóng cửa sau dịch, chị Kiều thất nghiệp.

Chuyển qua làm chỗ mới từ đầu năm 2023 thì hết nửa năm công ty không có đơn hàng. Mấy tháng liên tục tuần làm ba ngày, được 2,5 triệu đồng tiền lương đã khó lại càng khó. Chị khoe cũng may từ tháng 9 đến giờ công ty có hàng nhiều, công nhân được tăng ca trở lại, mấy ngày gần đây tăng ca tới 20h30, vất vả xíu nhưng ai cũng ráng làm.

“Cũng chưa thấy thưởng Tết gì đâu nhưng nghe là công ty hiện có hàng làm đến hết tháng 4 nên cũng tạm yên tâm. Bữa nay đi mua đồ, ngày 28 tháng chạp được nghỉ là cả nhà về quê ăn Tết” – chị Kiều chia sẻ.

Kiều là một trong số 11.500 công nhân, người lao động tại TP.HCM đã được nhận mã mua hàng. Có hai mức 300.000 đồng và 500.000 đồng dùng mua hàng qua ví điện tử tại các gian hàng trực tiếp ở phiên chợ hoặc trên các website của các siêu thị, nhà cung cấp. Chương trình do Liên đoàn Lao động TP.HCM chăm lo Tết cho người lao động khó khăn.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Phạm Chí Tâm nói “Ngày hội công nhân – phiên chợ nghĩa tình” là một trong chuỗi hoạt động chăm lo Tết 2024. Ngoài phiên chợ trực tiếp, công đoàn cũng phối hợp với Sài Gòn Co.op có phiên chợ online phục vụ người lao động không có điều kiện mua sắm trực tiếp.

11.500 mã mua hàng có tổng kinh phí hơn 5,5 tỉ đồng. Tại phiên chợ trực tiếp, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã tặng 5.000 mã mua hàng (500.000 đồng/mã) dùng thanh toán qua ví điện tử Zalopay khi mua sắm.

Đồng thời, còn có 300 phần quà cho 300 công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị giảm thời gian làm việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng tại các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình và huyện Bình Chánh cùng Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM.

  • Trang 8 báo Tuổi Trẻ ngày 23/1/2024

Thảnh thơi đón Tết

Ăn Tết truyền thống không có nghĩa là “hành xác”, “quay cuồng” với bếp núc, làm cỗ. Ngày càng nhiều người chọn ăn Tết gọn nhẹ nhưng vẫn giữ được cái hồn truyền thống với những mâm cỗ, đồ ăn đặt sẵn.

Đó là chia sẻ của những bà nội trợ bận rộn khi những ngày cuối năm vừa phải chạy đua hoàn thành công việc của công ty, vừa phải chuẩn bị Tết nhất cho cha mẹ, ông bà và đưa gia đình về quê đón Tết.

Thanh thoi don tet

Đón Tết nhẹ nhàng, khách cần gì siêu thị có

Từ khi lấy chồng, chị Nguyễn Thùy Trang (ngụ quận 5, TP.HCM) có thêm nỗi sợ Tết. Năm nào chị Trang cũng ám ảnh và mong Tết trôi qua thật nhanh. Nhớ lại ngày đầu tiên về quê chồng tại An Giang ăn Tết, chị nói “thấy ngán và sợ”.

“Tôi vẫn nhớ hôm đó là ngày 27 âm lịch, từ sáng tới trưa tôi cùng mẹ chồng sửa soạn mâm cơm để kịp cúng tất niên chiều. Sau đó, lại tiếp tục gói thêm các loại bánh, chả, làm mứt đến nửa đêm. Tôi gần như không có thời gian bước chân ra khỏi nhà”, chị Trang kể.

Không muốn tiếp tục để những ngày nghỉ Tết trở thành chuỗi ngày “hành xác”, chị Trang cho biết năm ngoái đã cùng chồng làm một cuộc “cách mạng tư tưởng” cho bà nội bằng cách thuyết phục bà không làm các loại bánh, chả, nấu cỗ rườm rà như mọi năm, cuối cùng bà cũng đồng ý.

“Hôm bữa nghe bà nội kể gần nhà vừa khai trương siêu thị Co.opmart Chợ Mới (An Giang), tôi bàn ngay với bà năm nay đặt luôn mâm cỗ cúng tại siêu thị, giao sáng 30 Tết cho nóng. Người quen của tôi đã đặt mâm cỗ tại Co.opmart nhiều năm rất tươi ngon, chất lượng không thua gì nhà làm”, chị Trang cho hay.

Cũng có những trải nghiệm quay cuồng quần quật nấu nướng, bày biện Tết, vợ chồng lục đục, cãi vã vì mệt. Chị Nguyễn Thị Út (ngụ quận 5, TP.HCM) chia sẻ cảm thấy hạnh phúc hơn khi thay đổi tư tưởng “Tết là thời gian nghỉ ngơi, sum vầy”.

“Mọi năm mình đều tự nấu từ A – Z rất mệt, chưa kể quên trước hụt sau nên năm nay mình quyết định các món cầu kỳ thì đặt luôn cho tiện”, chị Út nói.

Chị Út cho rằng Tết là dịp để sum vầy, cần giữ những nét truyền thống nhưng không có nghĩa là “hành xác” với mâm cao, cỗ đầy, dọn dẹp bận rộn. Thay vì lo sửa soạn, bày vẽ, gia đình chị chọn dành thời gian cùng vui chơi, nghỉ ngơi, tận hưởng khoảng thời gian thảnh thơi sau 1 năm dài làm việc chăm chỉ, mệt mỏi.

Đại diện Saigon Co.op cho biết với mục đích đồng hành cùng người tiêu dùng có một cái Tết thong thả, đủ đầy, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra thiết kế nhiều combo mâm cỗ gia tiên đầy đủ món ăn cổ truyền. Đặc biệt, năm nay siêu thị ra mắt thêm nhiều combo “mâm cỗ” mới với nhiều cải tiến đặc sắc, phù hợp với nhu cầu cúng giỗ cuối năm cũng như khẩu vị từng vùng miền.

Trong đó, mâm cỗ chay dâng lên bàn thờ tổ tiên giá chỉ từ 400.000 đồng gồm xôi gấc giá 32.000 đồng/300g, đậu hũ chiên sả giá 42.500 đồng/5 miếng, rau củ luộc giá 38.000 đồng/500g, chè trôi nước 2 viên giá 19.900 đồng/250g, canh khổ qua dồn đậu hũ giá 55.000 đồng/500g, bánh chưng chay giá 93.800 đồng/600g, tương hột xào sả ớt chỉ 11.900 đồng/hũ, sườn chiên sả giá 69.900 đồng/300g.

Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op còn đặc biệt ưu đãi cho các mặt hàng tẩm ướp, sơ chế cho khách hàng chế biến mâm cỗ Tết như cá thác lác nạo giảm 25%, phi lê cá hồi có da Na Uy giảm 15%, gà ta chéo cánh giá 108.000 đồng/kg, khổ qua dồn thịt giá 88.000 đồng/kg…

Hàng Tết tiếp tục giảm giá mạnh từ nay tới Tết Nguyên đán

Chương trình “Đến Co.op chở Tết về” tại 800 điểm bán thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket bước vào giai đoạn tăng tốc về đích khi chỉ còn hơn 10 ngày là đến Tết Nguyên đán.

Cụ thể, từ 25-1 đến 9-2, Co.opmart, Co.opXtra… tiếp tục tung ra thị trường Tết hơn 2.000 sản phẩm được khuyến mãi đậm, đặc biệt những sản phẩm thời vụ Tết như: bánh chưng, bánh tét, bưởi khắc chữ Phúc Lộc Tài, bánh hỏi, củ kiệu hành muối, dưa cải chua, xôi chè, thịt kho hột vịt, canh khổ qua nhồi thịt, salad rau củ…

Bên cạnh đó, siêu thị tiếp tục luân phiên giảm giá từ 10-20% cho các sản phẩm thực phẩm tươi sống như: thịt heo, thịt bò, cá, tôm, mực, rau củ quả, trái cây, giảm giá đến 50%; mua 2 tính tiền 1 áp dụng cho nhóm thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm; mua nhiều ưu đãi lớn, giá sốc giảm tận gốc chỉ còn từ 0 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng… trên tất cả ngành hàng.

Khách hàng thành viên khi mua sắm với hóa đơn trên 400.000 đồng sẽ được tặng ngay 20.000 đồng tương đương 100 điểm thưởng vào tài khoản khách hàng thành viên áp dụng cho các sản phẩm bánh kẹo, mứt, lạp xưởng, nước giải khát, hộp quà Tết… cấp độ thẻ thành viên càng cao giá giảm càng nhiều.

Chương trình “Sắm Tết như ý” tung ưu đãi từ 11.500 – 180.000 đồng cho nhóm thực phẩm công nghệ, gia vị và các món đặc trưng Tết như mứt, các loại đồ ngâm, mứt, hạt, bánh kẹo, nước giải khát, bia,…

Ngoài tung khuyến mãi khủng giúp khách hàng nhẹ gánh chi tiêu những tháng cuối năm, Saigon Co.op tiếp tục phối hợp cùng Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức phiên chợ online dành riêng cho công nhân lao động thành phố với tên gọi “Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình” từ ngày 25-1 đến 25-2.

Theo đó, 5.000 suất quà với tổng trị giá 3 tỉ VND được quy đổi thành 5.000 mã phiếu mua hàng áp dụng mua sắm trực tuyến tại website https://cooponline.vn/ldld-km/ và có thể mua tất cả sản phẩm tại đây. Đơn hàng sẽ được Co.opmart, Co.opXtra… giao đến tận nhà theo yêu cầu của khách hàng.

Song song với chương trình khuyến mãi trực tiếp tại siêu thị, Co.op Online cũng tổ chức hàng hoạt chương trình giảm giá sâu kèm quà tặng như: “bí kíp sắm Tết online”, “hotdeal bí kíp sắm Tết 2”, “quà Tết tri ân dành cho khách hàng bạch kim”, minigame “vòng quay may mắn mừng Tết Nguyên đán”, “xem livestream nhận ưu đãi”,…

  • Trang 4 báo Tuổi Trẻ ngày 30/1/2024

Hàng ngàn tăng ni, phật tử dự lễ rước xá lợi thiền sư Thích Nhất Hạnh

Hàng ngàn tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước đã về chùa Từ Hiếu – Huế, để dự lễ rước xá lợi của thiền sư Thích Nhất Hạnh từ thiền đường Trăng Rằm qua thất Lắng Nghe vào sáng 29-1.

Xa loi Thich Nhat Hanh

Nghi lễ rước xá lợi nằm trong thời khóa lễ đại tường (2 năm sau ngày mất) của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Từ sáng sớm, hàng ngàn tăng ni Phật tử, người dân từ nhiều nơi tìm về Tổ đình Từ Hiếu, trên ngọn đồi Dương Xuân (phường Thủy Xuân, Huế) để tham dự nghi lễ rước xá lợi của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Xá lợi thiền sư trước đó được đặt tại thiền đường Trăng Rằm.

Tại đây, sau khi thực hiện các nghi lễ, đoàn các tăng ni đã rước xá lợi từ thất thiền đường Trăng Rằm đi một vòng quanh chùa, ngang qua chánh điện chùa Tổ, men theo những tán cây xanh cổ thụ – nơi có đông đảo Phật tử xếp hai hàng chắp tay cầu nguyện, trước khi về đặt tại thất Lắng Nghe, cách đó không xa.

Thất Lắng Nghe cũng chính là nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh tĩnh dưỡng từ ngày trở về chùa Từ Hiếu cho đến khi viên tịch.

Tiếp đó diễn ra nghi lễ cung tiến giác linh, thỉnh giác linh bái yết Phật tổ và nhập tổ đường. Sau khi tăng thân thực hiện nghi lễ, Phật tử xếp hàng dài, lần lượt đảnh lễ xá lợi thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Diễn ra theo nghi lễ tâm tang, mọi người đến dự lễ gần như chỉ im lặng và cầu nguyện. Ngày 30-1 sẽ là lễ tưởng niệm thiền sư Thích Nhất Hạnh và thiền hành tại công viên Vĩnh Hằng – nơi hỏa táng thiền sư đúng hai năm về trước.

Lễ đại tường của thiền sư Thích Nhất Hạnh ngoài nghi lễ rước xá lợi còn có nhiều hoạt động khác như thiền hành, pháp thoại, ngồi thiền, hướng dẫn thực tập thiền lạy…

  • Trang 11 báo Tuổi Trẻ ngày 30/1/2024

Sửa xe miễn phí cho công nhân về Tết

Chiếc xe cả năm chưa một lần đem ra tiệm sửa của chị Trần Thị Thanh Mai – công nhân may Công ty Tonbo Việt Nam (quận 12, TP.HCM) – được anh thợ thay nhớt, cẩn thận kiểm tra phanh, đèn, còi chuẩn bị cho chuyến về Bình Phước nghỉ Tết vài ngày tới.

sua xe mien phi

Giữa những ngày tăng ca hối hả, đó là việc đầu tiên chị sửa soạn cho Tết. Chị Mai là một trong cả ngàn công nhân được bảo trì xe máy miễn phí của chương trình “Tết đoàn viên – 1.000 chuyến đi an toàn” do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (YEAC), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) và Công ty cổ phần AP Sài Gòn Petro làm trong Tết 2024 này.

Nhận lại chiếc xe được sửa miễn phí cùng giỏ quà, chị Mai xúc động ứa nước mắt. “Ngày nào cũng làm đến 20h30 mới về nên cũng chẳng có thời gian đem xe đi sửa. Nay xe được thay nhớt, kiểm tra rồi, vài bữa nữa mấy mẹ chạy về quê cũng yên tâm” – chị Mai tâm sự.

Năm qua may mắn công ty chị làm có hàng làm đều, vẫn được tăng ca nên gia đình còn cố gắng trụ được. Dù vậy, cũng là năm khó khăn của cả nhà khi công việc phụ hồ của chồng chị phập phù rồi anh lại phải mổ thận tốn thêm mớ tiền viện phí. Đứa con lớn đi giao hàng điện máy lại bị mất chiếc xe đến giờ “vẫn đang mượn xe đi đỡ”.

Nhiều thứ dồn đến cùng lúc nên năm nay cả nhà ăn Tết chia đôi. Chồng chị về quê Thanh Hóa, còn ba mẹ con chạy xe máy về Bình Phước ăn Tết với chị gái.

“Mẹ chồng mình đã mất, giờ nhà chỉ còn bố chồng. Tết năm ngoái cả nhà đã không về nên năm nay dù khó lắm vẫn phải cố gắng để bố tụi nhỏ về ăn Tết với ông và làm đám giỗ cho bà” – chị Mai nghẹn giọng. Nhận quà và xe, chị vội vã quay trở lại công ty để làm tới tối.

Tương tự, chiếc xe máy của Kim Thảo (26 tuổi) cũng chưa được sửa sang lần nào suốt năm qua. Ấy là tài sản hai vợ chồng vẫn đang trả góp chưa xong. “Công ty tôi vẫn chưa thưởng Tết, phải tới ngày 26 cho nghỉ công ty phát thưởng mới sắm Tết được chứ vẫn chưa mua sắm gì cả” – Thảo kể.

Chồng Thảo cũng làm thợ hồ, công việc lai rai tháng vài ba ngày nên gia đình năm nay chật vật hơn.

“Dù khó nhưng cả nhà vẫn sẽ ăn Tết như mọi năm, mùng 1 ở nhà nội rồi mùng 2 cả nhà chở nhau xe máy xuống Kiên Giang ăn Tết với nhà ngoại. Mong năm mới mọi thứ sẽ tốt hơn, công việc hai vợ chồng đều ổn”, chị Thảo bộc bạch.

  • Trang 10 báo Tuổi Trẻ ngày 29/1/2024

Về quê trên chuyến xe ân tình

Những sinh viên khó khăn quê miền Trung, miền Bắc đã dần rời TP.HCM về quê đón Tết cùng gia đình trên những chuyến xe miễn phí, mang theo ân tình nơi TP mình đang theo học.

Sáng sớm 28-1 (18 tháng chạp), khoảng 1.100 sinh viên nhiều trường đã có mặt trên 25 chuyến xe “Cùng PVOIL về quê đón Tết” xuân Giáp Thìn 2024, xuất bến từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Nôn nao không ngủ được

Bạn Châu Mỵ Nương – sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – khoe cả đêm nôn nao không ngủ được, chỉ mong tới sáng để lên xe về quê thôi. “Mình để đồng hồ báo thức 4h mà mới 1h đã giật mình thức, ngủ lại xong cứ chừng tiếng thức dậy coi đồng hồ rồi thức luôn chờ lên trường đúng giờ hẹn tập trung” – Nương cười.

Quê Bình Định, cô sinh viên năm thứ ba ấy là một trong hơn 600 sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có mặt trên chuyến xe năm nay. Năm trước, do biết lịch sớm nên Nương đã đặt mua được vé khá sớm với giá mềm, sau đó yên tâm làm chiến sĩ Xuân tình nguyện rồi sát Tết mới về quê. Năm nay vé mắc quá nên đăng ký làm hành khách chuyến xe đặc biệt này.

Là con gái út trong nhà có tám chị em, Nương kể gia đình không khá giả gì nên được tặng vé miễn phí cũng đỡ tốn của cha mẹ ít tiền. “Mỗi năm về nhà được hai lần, hè và Tết nên tranh thủ ở với gia đình lâu lâu. Coi vé chiều vào sau Tết thấy tăng mỗi ngày, cũng chưa biết tính sao nhưng thôi cứ về đã rồi tính” – Nương cho biết.

Cùng chuyến xe về Bình Định với Nương, bạn Gia Hân – sinh viên năm thứ nhất ĐH Kinh tế TP.HCM – khoe mẹ chưa được nghỉ Tết nên bạn về trước. Nhà Hân tại quận Bình Thạnh

(TP.HCM) nhưng quê nội và ngoại đều ở Bình Định nên Tết năm nào cả nhà cũng về quê. “Nhà nội ngay bên quốc lộ nên mình sẽ về nhà nội trước rồi sau đó xuống ngoại cách đó chừng 45 phút chạy xe máy. Cứ được về quê là vui trước đã, lúc vào tính sau” – Hân nói.

Hai cô bạn nhanh chóng kết thân khi hỏi ra đều cùng quê thị xã An Nhơn, chỉ khác xã. Vậy là hành trình về quê có bạn đồng hành khoảng nửa ngày sẽ về tới. “Nhờ chuyến xe Tết như vầy mà biết nhau, nhận đồng hương, chắc sẽ có nhiều thứ để nói với nhau, có khi cũng đỡ bị say xe hơn” – Mỵ Nương chia sẻ.

Ve que tren chuyen xe an tinh

Hỗ trợ tốt nhất có thể

Chánh văn phòng Đảng – đoàn thể, Bí thư Đoàn Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) Mai Xuân Hải cho biết kế hoạch ban đầu các trường gửi về có gần 1.000 sinh viên đăng ký nhận vé về quê. Tuy nhiên gần sát ngày xuất phát, số lượng đăng ký đã tăng lên khoảng 1.100 bạn.

“Chúng tôi xin ý kiến và quyết định tăng thêm bốn xe nữa thành tổng cộng 25 xe để đáp ứng hết nhu cầu của sinh viên, chỉ mong các bạn về quê an toàn, bình an là vui rồi” – anh Hải nói.

Năm nay đã là năm thứ sáu diễn ra chương trình này, trung bình mỗi năm tặng vé xe cho khoảng 1.000 sinh viên. Các chuyến xe đưa sinh viên về các tỉnh khu vực miền Trung, trong đó các xe xa nhất về đến Thanh Hóa.

Trên hành trình, các bạn sẽ dừng nghỉ ngơi, ăn trưa tại Ninh Thuận, ăn tối tại Phú Yên, ăn sáng tại Hà Tĩnh và kết thúc hành trình tại Thanh Hóa. Các bữa ăn tại những điểm này đều do chính cán bộ, nhân viên của PVOIL các tỉnh khu vực này chuẩn bị cùng lúc cho cả ngàn sinh viên.

Thay mặt lãnh đạo nhà trường, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Nguyễn Nam Thắng dặn chung các bạn sinh viên có mặt trên chuyến xe này phải đảm bảo tuân thủ giao thông an toàn khi về quê đón Tết. “Các bạn chú ý giữ gìn sức khỏe, vui bên gia đình để trở lại học tập thật tốt sau kỳ nghỉ” – ông Thắng phát biểu.

Trong khi đó, sớm hơn một ngày, 90 sinh viên Trường ĐH Sài Gòn đã rời TP trên các chuyến xe do trường tổ chức. Năm thứ 13 trường tổ chức chuyến xe đưa sinh viên về quê từ nguồn đóng góp của cán bộ, nhân viên, sinh viên trường và đối tác bên ngoài. Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho sinh viên, trường lo chỗ ăn, nghỉ chứ không cho xe chạy xuyên đêm.

Sinh viên năm thứ nhất Võ Thị Kim Chi (Trường ĐH Sài Gòn) cho biết rời quê Hà Tĩnh vào TP.HCM với nhiều lo lắng vì lạ lẫm và khó khăn với các khoản chi tiêu. Do vậy bạn đã từng đắn đo có nên về Tết hay ở lại TP tìm việc làm thêm để bớt chi phí cho gia đình. Và chuyến xe đoàn viên đã có mặt đúng lúc, giải tỏa nỗi lo âu của những đứa con xa quê ngày cuối năm.

“Với chúng mình, chuyến xe đoàn viên không chỉ là chuyến xe chở những cô cậu sinh viên về quê ăn Tết mà còn là chuyến xe chở bao mong muốn, những niềm hạnh phúc lớn lao tới khắp mọi miền” – Kim Chi bộc bạch.

  • Trang 7 báo Tuổi Trẻ ngày 25/1/2024

Sôi động thị trường quất cảnh Cẩm Hà, Hội An

Những ngày gần đây, không khí tại các vườn quất cảnh Cẩm Hà (TP Hội An, Quảng Nam) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những cây quất sai quả, chín vàng đang sẵn sàng để được “chốt đơn”.

Theo người dân, năm nay thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng tốt, sai quả và xanh lá. Các thương lái đã bắt đầu đến chọn và đặt cọc từ rất sớm, chỉ còn lại một ít để bán lẻ đón Tết.

Giá sỉ quất cảnh dao động từ 600.000 đồng cho cây cao khoảng 1,6 – 1,7m và hơn 1 triệu đồng cho các cây cao 2m. Giá có thể chênh lệch tùy thuộc vào kiểu dáng và thế cây.

Anh Hồng Anh (thôn Bầu Ốc) cho biết vườn anh có khoảng 500 chậu quất cảnh và hơn 1.000 chậu quất mini.

Hầu hết đều đã được “chốt đơn”, đặc biệt các chậu quất mini đã được các thương lái đến đặt cọc toàn bộ với giá 70.000 – 80.000 đồng/chậu, rẻ hơn một chút so với năm ngoái. Ngoài ra, quất bonsai cũng là một trong những lựa chọn đang được nhiều người yêu thích dịp Tết.

Để phục vụ mùa Tết năm nay, anh Bùi Phước Dũng (xã Cẩm Hà) cho biết đã chăm sóc và tạo hình cho khoảng 30 cây quất bonsai với giá bán từ 2-7 triệu đồng, trong đó có một số cây đã được khách mua vận chuyển đi rồi.

  • Trang 15 báo Tuổi Trẻ ngày 24/1/2024

Khán thính giả còn nhớ Tuyết Thanh không?

Nghệ sĩ lão thành Tuyết Thanh nhớ về tuổi trẻ của bà thời đi, hát và ngắm dáng hình đất nước trong những năm tháng đau thương lẫn ngày thống nhất.Hôm thông tin NSƯT Tuyết Thanh được phong tặng danh hiệu NSND, một số khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam một thời vào Facebook của bà chúc mừng.

Nghe si Tuyet ThanhTrong căn nhà tập thể cũ trên phố Thái Thịnh, giọt nước mắt chợt rơi. Tuyết Thanh khóc không phải vì 35 năm sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT mới được trao tiếp một danh hiệu khác, mà vì đã lâu quá rồi vẫn còn khán giả nhớ đến bà.

Họ nói rằng: “Hôm nay Tuyết Thanh mới được phong tặng danh hiệu cao quý này, nhưng bà đã là NSND trong lòng chúng tôi từ lâu lắm rồi”.

Cái thời khổ mà vui

Bà Tuyết Thanh có giọng hát cao vút: “Tôi ăn ngô ăn khoai mà lớn để rồi hát đấy” – cô văn công ngày nào nay đã 82 tuổi, kể về một thời tiếng hát át tiếng bom.

Từ nhỏ, Tuyết Thanh đã có mặt trong đội Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam cùng Kim Oanh, Bích Liên, Thanh Huyền, Anh Đào…

Sau này, thay vì theo nguyện vọng của bố để là nhân viên đánh máy ổn định, bà giấu gia đình đầu quân vào Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (tháng 11-1960).

Bắt đầu từ dàn đồng ca, hai năm sau Tuyết Thanh trở thành solist. Bài hát đơn đầu tiên là Nắng ấm về trên Tổ quốc của Trần Khánh.

Tuyết Thanh nhớ thời “ba cùng”, đi thực tế sáng tác và biểu diễn ở các nơi, từ Mã Pí Lèng cho tới Phú Quốc, Côn Đảo. Cô thanh niên Hà Nội trên ngực đeo huy hiệu Ba sẵn sàng lội xuống ruộng sợ đỉa mà không dám kêu.

Nhớ những ngày đi gặt lúa, gánh lúa, tải thóc như gái quê. Nhớ ngày tiếng hát vang khắp núi đồi, ngày tiếng hát át tiếng bom… Nhớ “tuyến lửa”, nghệ sĩ cùng anh chị em đứng bên mâm pháo hát cho chiến sĩ, vào hầm trú ẩn hát cho thương bệnh binh.

“Thời chúng tôi, ngoài tập bài thu thanh, nghệ sĩ phải luyện thêm thanh nhạc, đọc, viết ký xướng âm, học hòa thanh, hòa âm… Rất vất vả và khổ luyện.

Sau này, thấy một ca khúc nào đó, ca sĩ hát không đúng nốt, tôi lại “ngứa nghề”. Kể cả những ca sĩ nhạc đỏ, không ít người theo kiểu thuận miệng. Ca sĩ chuyên nghiệp thì không được thuận miệng”, bà Tuyết Thanh kể.

Tiếng hát đi muôn nơi

Nhớ một thời không thể nào quên. “Cái thời chiến tranh ác liệt, làm gì có nhiều thời gian để tập bài và ê a.

Nhạc sĩ viết nhanh, ca sĩ hát cũng nhanh để đáp ứng thời cuộc, quên cả đói”, bà kể lại. Như Bài ca Hà Nội – ca khúc được nhạc sĩ Vũ Thanh sáng tác giai đoạn Mỹ leo thang đánh phá thủ đô. Giữa tiếng bom rơi đạn nổ, Tuyết Thanh tập rồi lao ra khỏi nơi trú ẩn vào phòng thu thanh.

Ngay chiều hôm đó, Bài ca Hà Nội phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đi muôn nơi…

“Sau này, có những người bên kia chiến tuyến kể với chúng tôi, nhờ tiếng hát của văn nghệ sĩ trên Đài Tiếng nói Việt Nam thời đó, nhờ Tuyết Thanh, nhờ Trần Khánh… mà họ bỏ súng đầu hàng để về với gia đình”, Tuyết Thanh nhớ lại.

Trong ký ức của bà, vẫn nguyên y ngày đất nước hòa về một mối, cô gái Tuyết Thanh đeo ba lô theo đoàn văn công vào Nam.

Trên đường vô Huế, đoạn qua cầu Hiền Lương, gặp các anh bộ đội hành quân từ Nam đi ra, trên ba lô ai cũng có một con búp bê vải.

Hai bên vẫy nhau, gạt tay nhau cứ thế đi hết cầu Hiền Lương… “Sống cũng một chiếc ba lô, chết cũng chỉ một chiếc ba lô. Giờ nghĩ lại sao hồi đó lạc quan thế?”, bà Tuyết Thanh tâm sự.

Có mặt ở TP.HCM sau ngày đất nước thống nhất, cô văn công Hà Nội ra chợ mua vải may áo sơ mi. Một người má miền Nam hỏi:

“Con là người Hà Nội phải không, má nghe người Hà Nội nói như chim, má bán cho con nửa giá”… Vui nhất là vì thấy gái Hà Nội đẹp, má lúm, răng khểnh, bà má hỏi Tuyết Thanh “con đi thẩm mỹ viện phải không?”.

Người miền Nam chân tình, hào sảng và nồng nhiệt, đọng lại trong ký ức Tuyết Thanh tới hôm nay.

  • Trang 15 báo Tuổi Trẻ ngày 22/1/2024

Ngành công nghiệp đạo lý gây tổn hại và sợ hãi

Tác giả Lê Bích nói ngày nay quá nhiều người thích nói đạo lý, có hẳn một ngành công nghiệp dạy cách sống và cả công nghiệp chữa lành đang phát triển, làm giàu cho một số người và tổn hại cho vô số người khác.

Tác giả Lê Bích vừa ra mắt cuốn sách tranh có tựa Người nói đạo lý thường khá giả (Nhã Nam, NXB Hà Nội).

Cuốn sách kể về một ông chồng công sở nghèo, bị vợ dằn hắt, trải qua những cuộc phiêu lưu vào thế giới cổ tích rồi trở về mở… học viện đạo lý kiếm bộn tiền.

Sau sáu năm, Lê Bích – tác giả từng là hiện tượng xuất bản khi được các bạn trẻ yêu thích và trích dẫn khắp nơi – trở lại với một cuốn sách với nhiều quan sát xã hội, thời đại hơn nhưng vẫn bằng giọng hài hước quen thuộc của anh.

“Ngành công nghiệp” đạo lý

nguoi noi dao lyLê Bích cho biết tám năm sau cuốn Dịch từ tiếng yêu sang tiếng Việt, anh có sở thích mới là quan tâm đến những vấn đề xã hội hơn.

Anh đi học vài khóa học về xã hội, tổ chức vài đơn vị hoạt động xã hội, làm trí tuệ nhân tạo… Anh không nghĩ rằng mình sẽ quay lại làm nội dung, viết sách nữa.

Nhưng rồi gần đây anh gặp lại những người bạn trước đây học Bách khoa, làm kỹ thuật ở một tập đoàn nào đó, bỗng thành một thạc sĩ về dạy đời, dạy người khác cách sống, mở học viện nói đạo lý, tuyên bố mình là “người cho đi”, cho mọi người bài học đời sống của mình và thu tiền.

Anh cảm thấy rất choáng váng. Nhìn ra xung quanh thấy bạn bè khắp nơi đều đọc Muôn kiếp nhân sinh hay nói về duyên kiếp và thích lôi các bài học đạo đức xưa ra để kể lại.

Anh nhìn thấy sau ngành công nghiệp dạy kiếm tiền nhanh, kiếm tiền từ hai bàn tay trắng thì ngành công nghiệp dạy đời, công nghiệp đạo lý, công nghiệp chữa lành đang xuất hiện.

Không phủ nhận hoàn toàn cái gọi là ngành dạy đời, chữa lành nhưng tác giả Lê Bích nhận thấy nó đang bị một số người lạm dụng để kiếm tiền.

“Một khóa học chữa lành tầm 80 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng thì người tổn thương đi chữa lành kia lại thêm tổn thương cả tài chính. Một trào lưu trở thành độc hại khi một số người lạm dụng người khác để kiếm bộn tiền”, Lê Bích nói với Tuổi Trẻ.

Sợ hãi khi đi bán “đạo lý”

Nhà văn Trang Hạ rất đồng tình với Lê Bích rằng có một ngành công nghiệp dạy đời, nói đạo lý phát triển khá sôi động.

Chị chia sẻ với tư cách một “người trong cuộc”, người bán những viết lách của mình cho những người muốn nhờ vào những viết lách mua được đó để trở thành diễn giả và rồi tham gia vào công nghiệp đạo lý thu lợi.

Chị cho biết khách hàng mua nội dung từ chị (những bài đăng trên mạng xã hội, bài phát biểu, thậm chí là những cuốn sách) có thể là diva, vợ ca sĩ, chồng hoa hậu, đại gia, chính khách…

Nhờ những nội dung này mà họ được đám đông công chúng khen ngợi thông minh, xây dựng được thương hiệu cá nhân.

Công việc bán nội dung của chị đang thuận lợi thì gần đây chị đã từ chối gần 10 diễn giả khá nổi tiếng ở Việt Nam, những người kinh doanh hàng đầu về marketing, mở học viện cho những start-up, những người làm về hạnh phúc, hôn nhân gia đình.

Bước ngoặt này đến với chị vì một lần chị cảm thấy sợ hãi. Đó là lần chị cắt tóc hỏng nhưng hôm sau có một bạn cắt nguyên cái đầu hỏng đó và gửi hình ảnh cho chị, kèm lời nhắn: “Chị ơi em rất thích kiểu tóc này của chị nên em cắt đúng kiểu như vậy”.

Chị cảm thấy có lỗi, bắt đầu tự phản biện bản thân, cố gắng không trở thành người chỉ nói đạo lý, còn trong hành vi của mình lại khác. Chị không muốn góp sức tạo ra những diễn giả của công nghiệp dạy đời đang phát triển hiện nay.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 21/1/2024

Hà Nội trình diễn 2.024 chiếc drone đêm giao thừa, xác lập kỷ lục Đông Nam Á

Ông Trương Việt Dũng – chánh văn phòng UBND TP Hà Nội – cho biết TP sẽ trình diễn pháo hoa tầm cao kết hợp ánh sáng và âm nhạc với 2.024 chiếc drone, để chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Chiều 19-1, UBND TP Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế – xã hội tháng 1-2024. Ông Trương Việt Dũng – chánh văn phòng, người phát ngôn UBND TP Hà Nội – chủ trì cuộc họp.

Thông tin tới báo chí, ông Dũng cho biết để chào đón Tết Nguyên đán 2024, Hà Nội dự kiến bắn pháo hoa tại 32 điểm, trong đó có 9 điểm tầm cao với 600 quả, cao 135 mét.

“Điểm mới nhất cũng xin công bố thông tin đã được Thường trực Thành ủy thông qua, lần đầu tiên Hà Nội xác lập kỷ lục Đông Nam Á về màn trình diễn ánh sáng bằng máy bay không người lái có kết hợp âm nhạc vào đêm giao thừa Tết âm lịch 2024.

Sẽ có 2.024 drone (máy bay không người lái) được triển khai, đây sẽ là kỷ lục Đông Nam Á” – ông Dũng nói.

Ông cho biết thêm địa điểm dự kiến được tổ chức tại khu vực hồ Tây, hoặc khu vực sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

  • Trang 15 báo Tuổi Trẻ ngày 20/1/2024

Bản án nữ quyền dưới góc nhìn Việt Nam

Quyển sách Hướng đến bản án nữ quyền Việt Nam, do TS Trịnh Thục Hiền chủ biên, có nhiều quan điểm và bình luận về quyền và lợi ích của phụ nữ trong một số bản án ở Việt Nam.

Là một nửa của thế giới, vai trò của phụ nữ luôn quan trọng trong xã hội.

Nghiên cứu bản án dưới lăng kính nữ quyền ngày càng phổ biến, điển hình như ở Canada, Anh, Mỹ…

Vậy quyền và lợi ích của họ trong một số bản án ở Việt Nam được nhìn nhận như thế nào?

Quyển sách Hướng đến bản án nữ quyền Việt Nam, do TS Trịnh Thục Hiền chủ biên, có nhiều quan điểm và bình luận về vấn đề này.

Đây là một nghiên cứu trong khuôn khổ dự án Triển khai lý thuyết pháp luật nữ quyền được tài trợ bởi Tổ chức Rosa-Luxemberg-Stiftung Đông Nam Á, Trường đại học Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) điều phối.

Hướng đến bản án nữ quyền Việt Nam bao gồm một tiểu luận về bản án nữ quyền từ góc nhìn Việt Nam và sáu bài bình luận bản án trong các lĩnh vực bạo lực tình dục, thừa kế, hôn nhân gia đình và lao động.

Theo các tác giả, khi các bản án được phân tích dưới lăng kính nữ quyền thì sẽ thách thức tính trung lập và khách quan về giới của phương pháp nghiên cứu luật học truyền thống.

Tuy nhiên, đây sẽ là một cách thực tế nhằm mang lý thuyết pháp lý nữ quyền vào thực tiễn và đem lại hướng tiếp cận bao quát, đa dạng hơn trong hoạt động xét xử, củng cố khả năng lập luận trong viết bản án.

Sách dày hơn 300 trang, trình bày song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia TP.HCM ấn hành.

  • Trang 8 báo Tuổi Trẻ ngày 1/2/2024

Ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ngày 31-1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, quyết định về công tác cán bộ.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Trần Tuấn Anh, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Phan Việt Cường, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Ông Trần Tuấn Anh là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng.

Trên cương vị bí thư Ban cán sự Đảng, bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016 – 2021, ông đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành công tác của ngành công thương đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Ông Phan Việt Cường là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo tại địa phương.

Trên cương vị bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025, ông đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều tổ chức Đảng, đảng viên cấp dưới vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật, có trường hợp bị xử lý hình sự.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của cá nhân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Ông Phan Việt Cường thôi giữ chức vụ ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

  • Trang 5 báo Tuổi Trẻ ngày 30/1/2024

Phiên tòa cảnh tỉnh ngư dân khai thác thủy sản bất hợp pháp

Một vụ án điểm liên quan đến việc tàu cá khai thác thủy hải sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài vừa được TAND tỉnh Kiên Giang hôm 29-1 đưa ra xét xử sơ thẩm.

TAND tỉnh Kiên Giang hôm 29-1 đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Trần Văn Luyến (chủ tàu cá ở phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) và ba đồng phạm Phạm Chí Dũng (ở huyện Hòn Đất), Trần Minh Tâm (huyện Châu Thành) và Trần Văn Nhựt (TP Rạch Giá) về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Đây là vụ án điểm liên quan đến việc tàu cá khai thác thủy hải sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài.

Mong giúp chủ tàu có cuộc sống ổn định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Tấn Tài – chủ tàu cá ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) – cho biết phiên tòa này góp phần cảnh tỉnh, nâng cao ý thức các chủ tàu cá trong việc khai thác thủy hải sản trên biển.

“Tôi nghĩ ngư dân sẽ có trách nhiệm hơn và đánh bắt thủy hải sản hợp pháp”, ông Tài nói.

Tuy nhiên, ông Tài cũng mong muốn cơ quan chức năng sẽ có nhiều chính sách và giải pháp giúp ngư dân có tàu cá đánh bắt thủy hải sản hoạt động lâu dài, ổn định cuộc sống như hỗ trợ chủ tàu cá khoanh nợ ngân hàng; chuyển đổi tàu cá đánh cá không hiệu quả sang nghề khác hoặc có thể dần tính đến chuyện cấm khai thác cá trên biển một khoảng thời gian ngắn (có thể ba tháng hoặc sáu tháng) nhằm tái tạo nguồn lợi thủy hải sản, đánh bắt dài lâu.

“Ngoài tính răn đe, xử phạt mạnh tay, tôi nghĩ địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân hoặc có chính sách cụ thể, góp phần khai thác cá trên biển ổn định, sớm gỡ thẻ vàng EC”, ông Tài cho biết thêm.

Trước đó, ông Lê Quốc Anh, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết liên quan đến việc chống khai thác IUU, địa phương thời gian qua đã nỗ lực tuyên truyền, giáo dục và tạo điều kiện cho tàu trên địa bàn tỉnh không khai thác thủy hải sản vi phạm trên vùng biển nước ngoài.

Ngoài ra, địa phương có nhiều giải pháp răn đe, xử lý nghiêm những hành vi tàu cá vi phạm vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

“Tàu cá vi phạm chúng tôi tổ chức xử lý công khai để góp phần nâng cao nhận thức cho ngư dân. Địa phương tới đây cũng sẽ có chính sách, tạo công ăn việc làm cho tàu cá khai thác không hiệu quả chuyển sang nghề khác như dịch vụ hậu cần hoặc nuôi biển, góp phần ổn định kinh tế gia đình”, ông Quốc Anh nói.

Bị cáo nhận sai

Phạm Chí Dũng tại phiên tòa đã nhận tội và tỏ rõ thái độ hối lỗi khi biết mình đã sai khi đóng vai trò góp sức đưa người khác xuất cảnh trái phép và thực hiện hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp trên vùng biển Malaysia.

“Do gia cảnh gia đình nghèo, không đủ tiền sinh sống nên tôi mới thực hiện hành vi trên để mong kiếm tiền. Hiện tôi cũng đã ý thức được việc làm của mình sai và rất mong hội đồng xét xử giảm nhẹ tội để sớm về với gia đình”, Dũng nói lời sau cùng ở phiên tòa.

Còn Trần Văn Luyến (chủ mưu cũng là chủ tàu cá ở phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) ăn năn và thành khẩn khai báo về vụ việc trên. Đồng thời, Luyến cũng hy vọng tòa xem xét giảm nhẹ tội để sớm về với gia đình, vợ con.

Cáo trạng Viện KSND tỉnh Kiên Giang cho biết ngày 16-5-2022 Trần Văn Luyến làm chủ cặp tàu số hiệu KG-94294-TS và KG-94295-TS bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ về việc khai thác thủy hải sản trái phép trên vùng biển Malaysia.

Cuối tháng 5-2022, Luyến nói với Tâm cặp tàu bị bắt trên về Việt Nam sẽ bị tịch thu.

Tâm điện thoại cho Nguyễn Bảo D. (cán bộ đăng kiểm) đến quán cà phê MT (đường 3 Tháng 2, TP Rạch Giá) để bàn bạc làm hai bộ hồ sơ tàu mới.

  1. đồng ý làm bộ hồ sơ mới KG-93949-TS và KG-93971-TS để thay thế cho cặp tàu số hiệu KG-94294-TS và KG-94295-TS bị bắt trên với số tiền 400 triệu đồng.

Sau đó, Tâm giới thiệu Phạm Chí Dũng cho Luyến để chạy tài công qua Malaysia khai thác thủy hải sản bất hợp pháp.

Luyến còn phân công Dũng, Tâm tìm ngư dân và tìm người mua vé thông tin cảng về việc hải quân Malaysia ra vào tuần tra trên biển để trốn tránh.

Tâm sau đó đã liên hệ được với Mai Thị Bích (đang sinh sống ở Malaysia) mua vé thông tin trên với giá 20 triệu đồng/tháng.

Đến tháng 9-2022, Dũng rủ thêm Trần Văn Nhựt, Trần Văn Tài, Nguyễn Văn Tới và nhiều người lao động khác đi qua Malaysia khai thác thủy hải sản trái phép. Dũng tắt hết thiết bị giám sát hành trình và xóa số cuối của hai tàu cá trên để tránh bị lực lượng chức năng địa phương phát hiện.

Do hải quân Malaysia đang tuần tra nên Dũng chạy cặp tàu trên về vùng biển Indonesia thì bị phát hiện bắt giữ.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.