Pham Ton’s Blog

Tháng Mười Hai 22, 2022

Ông quả là người nặng lòng với nước (Bài số 2)

Filed under: Chuyện một người cháu ngoại — phamquynh @ 1:20 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười bốn, kỳ 1 tháng 1 năm 2023

ÔNG QUẢ LÀ NGƯỜI NẶNG LÒNG VỚI NƯỚC (Bài số 2)

Phạm Tôn

Sau bài số 1 được bạn đọc đón nhận, chúng tôi thấy nên thuật lại thêm một số sự việc liên quan đến Phạm Quỳnh còn không ít người chưa biết rõ.

Năm 1922, Phạm Quỳnh sang Pháp với tư cách là tổng thư ký hội Khai Trí Tiến Đức do ông sáng lập, tham dự cuộc Đấu xảo Thuộc địa tổ chức tại Marseille. Ông từ giã cái búi tó củ hành, nhưng vẫn mang theo mấy bộ quốc phục và một “bản Kiều tùy thân” cùng một cuốn sổ tay nhỏ xíu.

Xong nhiệm vụ ở đấu xảo ông tranh thủ đi ngay Paris. Trong Pháp du hành trình nhật ký đăng liên tiếp trên báo Nam Phong, ngày thứ ba, 16/5/1922 ông ghi “Ngồi trên xe lửa mình đã đọc kỹ cái sổ kê những nhà khách sạn ở Paris in trong các sách Paris chỉ nam, anh em đã bàn nhau định vào trọ một nhà ở đường Vaugirard, vì trong sách nói rằng nhà ấy trông ra vườn Luxembourg cảnh trí đẹp lắm. Nhưng khi đến nơi bảo xe ô tô đi đến đường ấy số ấy thì chẳng thấy nhà khách sạn đâu cả, không biết là sách in lầm hay nhà đã dọn đi nơi khác rồi. Thế là mình rắp định một điều hỏng cả một điều, mà sự không trông hòng thời lại tới. Số là ông Ng.H.C là con một vị hưu quan ở Bắc kỳ ta, được tin anh em đến có ra ga đón, khi đi tìm trọ ở đường Vaugirard không xong, ông bèn dắt về chỗ trọ ông, nơi gọi là “Thế giới khách sạn” (Hôtel du Monde) ở đường Berthollet số 15. Thế là sang đất lạ lại được ở cùng người đồng quận cũng là một sự không ngờ”. (Phạm Quỳnh: Pháp du hành trình nhật ký. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2004)

Phạm Quỳnh không thể ngờ rằng, từ hôm ấy ông đã bị tên mật vụ Désiré theo dõi và báo cáo đều đặn lên cấp trên. Báo cáo ngày 16/6/1922, Désiré viết “Người An Nam Phạm Quỳnh đến từ Đông Dương đã bị sở cảnh sát Marseille chỉ điểm, từ ngày 16/5/1922 đã ở tại Hôtel du Monde, 15 phố Berthollet. Ông thuê một căn phòng trả tiền mỗi tháng 200 francs. Ông ta đăng ký vào sổ của khách sạn với nhân thân sau: Phạm Quỳnh, 29 tuổi, nhà báo. Sinh tại Hà Nội, đến từ Hà Nội.

“Ông đến Paris với hai đồng bào, cũng nói là đến từ Đông Dương, ở cùng địa chỉ là:

–          Nguyễn Văn Vi, 30 tuổi, sinh ở Hà Nội, thợ in.

–          Trần Lan Vi, 32 tuổi, sinh tại Hà Nội

“Từ khi tới Paris, ba người An Nam này có đồng bào tới thăm thường xuyên.

“Xin đặc biệt lưu ý là một người có nhận dạng ứng với nhận dạng của Phan Văn Trường.

“Họ thường ra ngoài và đôi khi đêm về nhà rất muộn.

“Tuần trước họ nói với chủ khách sạn là đi dự một cuộc họp, không giải thích gì thêm”.

“Ký tên Désiré” (Tư liệu lưu trữ tại Văn khố Bộ Ngoại giao Pháp, phần Pháp quốc hải ngoại, tại Aix en Provence, Pháp)

Trong cuốn sổ tay nhỏ bằng bốn ngón tay của Phạm Quỳnh năm ấy có ghi “Juillet, 13, Jeudi: Ăn cơm An Nam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Rue des Gobelins)” Và “Juillet, 16, Dimanche: Ở nhà. Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi.” Còn trên tạp chí Nam Phong khi đăng Pháp du hành trình nhật ký, ông viết công khai: “Thứ năm, 13 tháng 7 năm 1922 : (…) Chiều hôm nay, ăn cơm với mấy ông đồng bang ở bên này. Mấy ông này là tay chí sĩ, vào hạng bị hiềm nghi, nên bọn mình đến chơi không khỏi có trinh tử dò thám. Lúc ăn cơm trong nhà, chắc lũ đó đứng ngoài như rươi! Nhưng, họ cứ việc họ, mình cứ việc mình, có hề chi! Đã lâu không được ăn cơm ta, ăn ngon quá. Ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta, thật là vui vẻ, thoả thích. Ăn no, uống say, cười cười nói nói…Mai là ngày hội kỉ niệm dân quốc…Anh em đi dạo chơi một lượt các phố đông cho biết cái cảnh ngày hội ở Paris thế nào.” Và “Chủ nhật, 16 tháng 7 năm 1922: Hôm nay, không đi đâu, ngồi hầm trong buồng viết mấy cái thư về nhà.

“Trưa, mấy ông chí sĩ cùng ăn cơm bữa trước lại chơi ở trọ, nói chuyện giờ lâu. Nghe nói các ông đi đâu cũng có bọn trinh tử theo sau, chắc bọn đó đã đứng ngoài cửa cả. Người đồng bang ở nơi khách địa, không thể không gặp nhau, gặp nhau không thể không nói chuyện nước nhà, lòng người ai chẳng thế, tưởng cũng chẳng là sự phi phạm gì.” (Phạm Quỳnh: sách đã dẫn)

Chắc chắn tên mật vụ Désiré có theo dõi hai cuộc gặp gỡ này, không biết hắn đã báo cáo thế nào… Nhưng còn một lần gặp gỡ nữa, có đến 11 người, do các ông Lê Thanh Cảnh và Trần Đức tổ chức vào một buổi cơm chiều thì chắc chắn mật vụ Désiré không biết vì không vào nổi khách sạn Montparnasse Paris. Trong số khách dự có Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Cao Văn Sến. Sau này Lê Thanh Cảnh đã thuật lại cuộc họp mặt của “5 nhân vật phi thường ngồi chung lại một bàn” trong hồi ký “Rời mái tranh trường Quốc Học”,  bản thảo gửi đăng Đặc san số 5 của Hội Ái hữu cựu học sinh Quốc Học. Cả năm vị đều trình bày chủ trương cứu nước của mình. Đây thật sự là cuộc họp mặt bàn việc nước, thẳng thắn, sôi nổi, có khi gay gắt, nhưng ai cũng một lòng thiết tha yêu nước dù cho quan điểm có khác nhau, thậm chí chống đối nhau.

Có lẽ ít nhất qua ba lần gặp mặt mà chúng ta còn biết đó và mười mấy năm đọc Tạp chí Nam Phong mà tháng 8/1945, sau khi nghe ông Tôn Quang Phiệt từ Huế ra báo : “Phạm Quỳnh đã bị xử mất rồi” thì cụ Hồ ngồi lặng người một lúc lâu rồi nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được lợi ích gì?…Tôi đã từng gặp cụ Phạm ở Pháp…Đó không phải là người xấu. (Tư liệu do nhà văn Sơn Tùng cung cấp). Và khi nhà thơ Huy Cận tham gia phái đoàn chính phủ vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại có nghe dân chúng xì xào nhiều về chuyện cụ Phạm bị xử tử hình, về tới Hà Nội, được gặp Bác, ông có kể lại chuyện đó, thì Bác thở dài, nắm lấy tay ông và nói: “Đã lỡ mất rồi”. Trong bài Phạm Quỳnh – Chủ bút báo Nam Phong, giáo sư  Văn Tạo cũng xác nhận là nhà thơ Huy Cận đã thuật lại với ông câu “Đã lỡ mất rồi” của Hồ Chủ tịch (Tạp chí Xưa và Nay số 267, tháng 9/2006)

Tư liệu số 313 (Phạm Quỳnh) báo cáo của mật vụ Jolin ngày 21/12/1922 từ Marseille viết:   “Tôi vinh dự gửi tới ngài bản dịch một bài báo ký tên Phạm Quỳnh đăng trong Nam Phong, tờ báo Bắc kỳ mà ông ta là chủ bút”.

Trong bản dịch, Jolin nhấn mạnh những đoạn Phạm Quỳnh viết là tại khu Đấu xảo Thuộc địa ở Marseille khu vực Đông Dương “có một lâu đài lớn xây dựng theo kiểu Angkor, thực sự là vĩ đại. Để phục chế tòa lâu đài này đã phải tốn rất nhiều công và của. Nội thất thì toàn bằng gỗ, bên ngoài thì quét vôi. Thật tiếc vô cùng vì sau 6 tháng đấu xảo sẽ phải hủy bỏ. Hàng triệu đồng đã tiêu phí vào việc này và sẽ tan thành mây khói và tung theo gió bốn phương, lợi ích của việc tuyên truyền thuộc địa này có bõ công không?” Một đoạn khác, Jolin lại nhấn mạnh bằng cách gạch dưới “Tất cả những người thợ và nhân viên ở tại đấu xảo đều than phiền về thức ăn và nơi ở. Quả vậy, những lán trại dành cho người An Nam không có gì là hấp dẫn. Về cái ăn thì còn phải mong đợi nhiều. Người ta cho rằng tất cả những việc này chỉ là tạm thời vì những nhân viên chịu trách nhiệm tổ chức đấu xảo đã ngập đầu trong biết bao lo toan khác cho nên họ không có thời giờ vật chất để chăm sóc cho người An Nam. Mong rằng những cái đó chỉ là tạm thời, bởi lẽ thật là thảm thương. (…) Nhiều phái viên trước khi đi sang Pháp nghĩ rằng đời sống ở bên đó rất đắt đỏ, họ sẽ sống ở đấu xảo để tiết kiệm tiền, nhưng sau khi thấy được cảnh này, họ đã không thể ở lại đấy đến một giờ.

“Sự thực là với tiền người ta có thể làm tất cả, chỉ cần biết là họ có biết cách tiêu tiền có ích không.” Cuối bản báo cáo, Jolin viết “những lời gièm pha của Phạm Quỳnh chỉ trích oan uổng và gây ngờ vực đối với sự quản lý chung, đặc biệt là đối với ban Đông Dương ở Đấu xảo Marseille (…) Tôi tin chắc chắn rằng, thưa ông Toàn quyền, là Phạm Quỳnh như tôi đã nêu lên trong những bức thư số 170, 200, 203, 204 phải được coi là đáng ngờ nếu không muốn nói là kẻ bị tình nghi”. Mật vụ Jolin còn phụ thêm một báo cáo đặc biệt về “Cuộc trò chuyện của Phan Châu Trinh với Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh”, nhưng trong đó chỉ dẫn lời tranh luận với nhau của Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Chu Trinh, không thấy dẫn lời nào của Phạm Quỳnh (Tư liệu của Văn khố đã dẫn)

Đó là những nhân viên cấp thấp nhất của nhà cầm quyền Pháp đã “quan tâm” đến Phạm Quỳnh như thế. Còn các cấp cao thì sao?

Chúng tôi có trong tay tài liệu 14-PA-1/8 của Khâm sứ Trung kỳ J.Haelewyn gửi Toàn quyền Đông Dương J.Decoux viết từ Huế ngày 15/10/1944, trong đó y ca ngợi Phạm Quỳnh tài năng xuất sắc hơn tất cả các quan lại trong triều cho nên đang bị kèn cựa, kỳ thị và đề nghị: “Giữ vững ông ta trong vai trò của mình là Thượng thư Bộ Lại” và “Tóm lại là đứng vững trên mớ hỗn độn”, kèm theo là hai chữ “Phải!!”, “Phải!!” ghi bằng mực đỏ, do chính tay Toàn quyền Decoux phê, tán thưởng việc đề xuất ấy. Tiếp sau đó là báo cáo ngày 8/1/1945 cũng của Khâm sứ Trung kỳ Haelewyn gửi Toàn quyền Đông Dương J.Decoux và Đại tướng Mordant, trong đó viết : “Một lần nữa, viên Thượng Thư Lại Bộ (Phạm Quỳnh) lại cực lực công kích việc trưng dụng thóc gạo cho Nhật Bản… Ông (Phạm Quỳnh) đòi hỏi chúng ta, trong thời hạn ngắn nhất, thực thi lời hứa thể hiện sự khai phóng lũy tiến trong một tiến trình rõ rệt, và chúng ta phải cam kết trả lại cho Triều Đình những biểu tượng của quyền uy tối thượng quốc gia bao trùm Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Phạm Quỳnh đe dọa khuyến khích các phong trào phản loạn, nếu trong những tháng tới chúng ta không cam kết thương thảo với Hoàng Đế Bảo Đại một quy chế chính trị mới, thay chế độ Bảo Hộ bằng một thể chế “Thịnh Vượng Chung”, trong đó những chức vụ chính được giao cho người bản xứ. Nói một cách khác, Phạm Quỳnh đòi chúng ta ban bố chế độ tự trị cho Trung Kỳ, Bắc Kỳ, bãi bỏ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và tạo dựng một quốc gia Việt Nam. Tôi xin lưu ý ngài về điểm với bề ngoài lịch sự và chừng mực, ông này là một người quyết liệt tranh đấu cho Việt Nam độc lập, và chúng ta không nên hy vọng làm dịu tinh thần ái quốc của ông ta, một tinh thần chân thành và không hề lay chuyển, bằng cách bổ nhiệm ông vào một chức vị danh dự được hưởng nhiều bổng lộc. Cho đến nay, ông là một đối thủ hòa hoãn nhưng quyết liệt của nền thống trị Pháp…Chúng tôi xin chờ chỉ thị của Ngài”. (Trích bản dịch của Đoàn Văn Cầu trong Dẫn Nhập tập Phạm Quỳnh: Hành Trình Nhật Ký, Nhà xuất bản Ý Việt, Yerres, Pháp, 1997).

Trong bài cùng nhan đề trên Hồn Việt số 15 có viết là năm 1933 mới làm quan được một năm, Phạm Quỳnh đã viết thư cho Louis Marty là Giám đốc Chính trị vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương, cũng là ”bạn cũ” đồng sáng lập Tạp chí Nam Phong để bênh vực một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, nhờ Louis Marty can thiệp giảm án. Thì cuối năm đó, ngày 30/12/1933 ông lại viết cho Marty một lá thư “chúc mừng năm mới”, trong đó có những dòng tâm tình: “Về phần riêng tôi, như thế là số mệnh đã an bài. Tôi là người của chuyển tiếp, vì vậy, sẽ không bao giờ được người đời hiểu mình. Chuyển tiếp giữa Á Đông và Tây Âu, giữa quá khứ và tương lai, giữa một trạng thái chánh trị sản phẩm của xâm lăng và đương nhiên là phải hư hỏng ngay từ nền tảng, và một nền trật tự mới không thể nhất đán mà thành tựu, khả dĩ biết tôn trọng phẩm cách của con người. Sống giữa đầy rẫy những mâu thuẫn như thế, cố gắng dung hòa các mâu thuẫn đó, với hoài bão thực hiện một chương trình tiến hóa hợp tình hợp lý khả dĩ đưa đến tình trạng hòa hợp toàn diện; dĩ nhiên là tôi phải đương đầu với những ngộ nhận đủ loại.

“Tôi tự an ủi và tin tưởng mãnh liệt ở vai trò cần thiết của mình. Vai trò đó hiện nay chỉ mang lại cho tôi những “đắng cay”, nhưng một ngày kia sẽ có thể tiến tới “vinh quang”

“Dĩ nhiên là tôi rất có thể sống ẩn mình trong một “tháp ngà”, tự mãn với cuộc đời êm dịu thanh bình theo quan niệm của nhà hiền triết hay học giả mà đó cũng là lý tưởng của lòng tôi. Nhưng tôi thiển nghĩ có bổn phận sống ra ngoài khuôn khổ đó. Tôi đã lầm? Hay tôi đã có lý?

“Và một cuộc phiêu lưu đã đến với tôi.

Là một nhà ái quốc An Nam, tôi yêu nước với tất cả tâm hồn: người ta lên án tôi phản bội Tổ quốc, vì tôi đồng lõa với xâm lăng và phục vụ xâm lăng!

“Mặt khác, là bạn chân thành của nước Pháp: người ta lại trách tôi khéo léo che đậy một ý thức quốc gia khe khắt và bài Pháp sau một tấm bình phong thân Pháp!

“Và trường hợp của tôi làm ai nấy ngạc nhiên. Người ta cố tìm hiểu giải thích, bằng đủ mọi cách, mà vẫn không thể hiểu.

“Có lẽ một ngày kia người ta sẽ hiểu, khi một thỏa hiệp được chào đời có thể hòa giải tinh thần quốc gia An Nam và chánh sách thuộc địa Pháp.

“Tôi tin sự hòa giải có thể thực hiện được. Nhưng trong khi sự hòa giải đó chưa được thực hiện, cuộc phiêu lưu của tôi không tránh khỏi trở nên bi đát”.

“Có lẽ chăng, đó chẳng phải là cuộc phiêu lưu của riêng tôi. Nó vượt ra ngoài khuôn khổ của một cá nhân, để trở nên của cả một thế hệ, một thời đại” (Phạm Thị Ngoạn: Tìm hiểu Tạp chí Nam Phong, nguyên tác viết bằng tiếng Pháp, bản dịch của Phạm Trọng Nhân, Nhà xuất bản Ý Việt, Yerres, Pháp, 1993)

Ông Phạm Quỳnh quả là người nặng lòng với nước.

22-9-2008

1 bình luận »

  1. Xin chào,
    Tôi là Phạm Phú Cường là hậu duệ của ông tôi Phạm Phú Thứ hiện sống ở Pháp.
    Tôi rất ngưỡng mộ Cụ Phạm Quỳnh. Ông đã nhìn ra gốc rễ của vấn đề : Chính phủ Pháp chỉ là bù nhìn, dân chủ nghị trường Pháp là giả tạo, cánh sát Pháp sẵn sàng chĩa súng nã đạn giết chết chính người dân Pháp năm 1932-1934.
    Tôi có sưu tập được một bài báo Pháp ra năm 1942 về bài diễn thuyết của Ông Phạm Quỳnh về Ông Maurras. Tôi đã dịch bài báo đó ra tiếng Việt. Nếu ông bà cần tôi sẽ gửi cho đọc.
    Chào trân trọng.
    Phạm Phú Cường
    France.

    Bình luận bởi Cuong PHAM PHU — Tháng Một 9, 2023 @ 9:40 chiều | Trả lời


RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.