Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 10, 2015

Mấy phản hồi về một bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Hoàn

Filed under: 1 — phamquynh @ 2:50 sáng

Blog PhamTon năm thứ bảy, tuần 3 tháng 4 năm 2015.

MẤY PHẢN HỒI VỀ MỘT BÀI VIẾT CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN HOÀN

Lời dẫn của Phạm Tôn: Bài của giáo sư Nguyễn Văn Hoàn Góp thêm một ít tư liệu chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh được dùng làm bài kết thúc cuộc Thảo luận về Nguyễn Văn Vĩnh – Phạm Quỳnh trên tạp chí Hồn Việt năm 2008, sau đó đã được giáo sư cho đăng toàn văn trên tạp chí Nghiên cứu Văn học tháng 11 cùng năm, lấy lại tất cả những phần bị tổng biên tập Hồn Việt cắt bỏ. Sau đó toàn văn bài này được Blog PhamTon đưa lên mạng.

Tình cờ lướt mạng, chúng tôi ghi được mấy phản hồi, xin mời bạn đọc xem qua để rộng đường dư luận. Đơn cử ba phản hồi như sau:

Phản hồi 1 như sau:

“Đọc bài này, độc giả nghĩ Phó giáo sư Nguyễn Văn Hoàn sẽ đưa ra những “tư liệu” mới về trường hợp của Phạm Quỳnh. Đọc xong thật thất vọng. Những “tư liệu” này chỉ là mượn một chút của Gs Nguyễn Văn Trung (công bố từ 1975), lấy lời kể của ông Phạm Khắc Hòe ( cũng chẳng có bản ghi câu nói của Phạm Quỳnh với vua Bảo Đại làm bằng chứng). Những thứ đó chẳng thể được gọi là “tư liệu”.

Có lẽ tác giả “bức xúc” trước những hoạt động xuất bản, báo chí gần đây nhằm khôi phục lại “giá trị” của Phạm Quỳnh về cả văn học lẫn chính trị nên viết một bài lủng củng, kể lể tản mạn, lung tung cả về thứ tự thời gian của các “tư liệu” lẫn ý tưởng, không xứng với ngòi bút của một học giả lớn của nước ta, chăng?”

Phản hồi 2 gửi lúc 8:15 sáng 08/01/2010, như sau:

“Bài này tôi đưa lên để rộng đường dư luận, vì nội dung của nó cũng còn nhiều vấn đề:

– Tác giả đồng ý rằng Phạm Quỳnh đã chết dưới tay chính quyền cách mạng, cụ thể là Uỷ ban Khởi nghĩa.

Tác giả không có bằng chứng gì để xác định Phạm Quỳnh quan hệ với Pháp, ngoài trừ Pháp thả một nhóm xuống Hiền Sĩ, và nhóm này có nhiệm vụ liên lạc với các quan lại bản xứ [cụ thể là ông nào? bà nào?] để lập lại chủ quyền của Pháp ở Đông Dương.

– Ở phần đầu, tác giả đưa ra một số dẫn chứng rằng Pham Quỳnh có quan hệ với quân Nhật. Ông Phạm Quỳnh tỏ ra ủng hộ Nhật, một kẻ thù của Pháp.

– Thế nhưng phần sau, chính tác giả lại dẫn lời Ủy ban Khởi nghĩa tuyên án Phạm Quỳnh, để hàm ý rằng Phạm Quỳnh đáng chết:

Phạm Quỳnh, một tay cộng sự của Pháp ở Đông Dương, đã bao phen làm cho quốc dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân cướp nước làm mê muội dân chúng Việt Nam. Với cái nghề mại quốc cầu vinh, Phạm Quỳnh đã từ một tên viết báo nhảy lên một địa vị cao nhất trong hàng quan lại Nam triều. Phạm Quỳnh lại còn dựa vào thế lực Pháp và địa vị của mình bóc lột, vơ vét tài sản của quốc dân. Mặc dầu chính quyền của giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chính 9-3-1945, nhiều triệu chứng chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân Pháp đến làm cho diệt nước chúng ta“.

Hóa ra ông Phạm Quỳnh bị cách mạng kết tội chết vì thân Pháp, nhưng thực tế là ông ta lại thân Nhật? Là một độc giả bình thường, tôi cũng phải đặt câu hỏi: Có gì sai trong bản kết tội của Ủy ban Khởi Nghĩa đối với ông Phạm Quỳnh không? Liệu kết luận của tác giả trong bài có hợp lý không? Liệu cái chết của ông Phạm Quỳnh là “đúng người, đúng tội”, hay là “oan uổng”?

Phản hồi 3 của tác giả Nguyễn Ước (nguyenuoc@yahoo.com), gửi lúc 09:32 sáng 7/1/2010 viết:

“Trong bài này Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn cho biết ông đã lưu ý tới vấn đề Phạm Quỳnh trong gần 50 năm (từ 1960 tới nay), thế nhưng có hai điểm xin vui lòng “nghiên cứu” lại:

  1. Phạm Quỳnh chết tại làng Cổ Bi, gần ga xe lửa Hiền Sĩ, thuộc xã Phong An, quận Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên, không phải thuộc tỉnh Quảng Trị. Chi tiết này đã được khá nhiều tài liệu đề cập tới.
  2. Từ Huế đi theo đường quốc lộ 1, khoảng 20 cây số, qua cầu An Lỗ bắc ngang sông Bồ, rẽ về tay mặt, theo đường đất, đi tiếp khoảng 2 cây số là tới ga Hiền Sĩ, nằm kế cầu xe lửa Hiền Sĩ, cũng bắc ngang sông Bồ. Từ cầu An Lỗ tới nhà ga Hiền Sĩ không có cánh rừng nào. Hiền Sĩ cũng là địa danh của một làng thuộc xã Phong An, Phong Ðiền, Thừa Thiên mà lúc xảy ra vụ Phạm Quỳnh, được Ủy ban Khởi nghĩa gọi là tỉnh Nguyễn Tri Phương. Tôi biết rõ địa hình vùng này vì tôi sống ở An Lỗ hơn 10 năm, và năm 1956, từng đi xem vụ khai quật mộ phần của Phạm Quỳnh, Ngô Ðình Khôi và Ngô Ðình Huân.”

Blog tại WordPress.com.