Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 23, 2024

Lịch sử một bức tranh

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 1:24 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 5 năm 2024.

LỊCH SỬ MỘT BỨC TRANH

Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Minh Tiến

Lời dẫn của Phạm Tôn: Trong mùa sớm nắng chiều mưa Sài Gòn, chiều 22/9, giữa hai trận mưa, Họa sĩ , Nhà báo Phạm Thanh Tâm, một người Hà Nội, lại một lần nữa đi xe taxi, chống can inox bốn chân đến thăm một người bạn vong niên mới quen mà đã như thân thiết. Có lẽ vì cùng là người Hà Nội, lại cùng có chung những người thân thiết.

Xuan trong ham phaoSau mấy tuần trà ướp trong một bông sen do người Hà Nội tặng chủ nhà, và trò chuyện thân mật, tin cậy, chân thành về những chặng đường và những con người cả hai đều từng trải qua và quen biết, họa sĩ tặng chủ nhà một tập sách quí, bề thế của Nhà xuất bản Thời Đại ấn hành nhân kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ nhan đề Trang sử vàng Điện Biên Phủ -Họa sĩ, Nhà báo Phạm Thanh Tâm- in song ngữ Việt Anh, khổ 33×26.5, do Richard di San Marzano thiết kế mỹ thuật.

Trong sách, chúng tôi may mắn thấy có hai điều mình muốn tìm hiểu lâu nay. Đó chính là bài Lịch sử một bức tranh (trang 76) viết về chính bức tranh chúng tôi đã giới thiệu với bạn đọc Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ. (Tính đến ngày 5/10/2014 đã có 13.013 lượt người trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ truy cập.)

Trong bài có kể rõ trong đội văn công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy có cả vợ chồng đích tôn của Phạm Quỳnh là Phạm Vinh và Vũ Thị Lương “cô gái múa lượn” trong tranh, cả hai cùng chạc tuổi với họa sĩ mới 21, 22 tuổi.

Và một bài nữa viết về chính họa sĩ nhan đề Người họa sĩ của Điện Biên năm xưa (trang 90).

60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi 60 năm Giải phóng Hà Nội, Blog PhamTon xin trân trọng giới thiệu với các bạn cả hai bài trên.

—o0o—

Nếu ai có dịp đến tham quan nhà Bảo tàng Quân đội, chắc chắn không thể nào bỏ qua gian phòng trưng bày những bảo vật về chiến dịch Điện Biên lịch sử.

Trong số những bảo vật lưu niệm về tranh và ảnh của gian phòng có một bức tranh của họa sĩ quân đội Phạm Thanh Tâm.

Không gian của bức tranh là một căn hầm pháo 105 ly. Nòng pháo vươn qua lỗ châu mai về phía Điện Biên. Hai càng pháo bám chắc hai bên vách hầm trong tư thế sẵn sàng nhả đạn – nổi lên giữa hai càng pháo là 4 cô gái mặc áo tứ thân đang uyển chuyển duyên dáng trong một điệu múa dân tộc. Chung quanh là những gương mặt các chiến sĩ pháo thủ đang say sưa thưởng thức điệu múa.

Năm 1954, năm thứ 9 của cuộc chiến tranh giải phóng chống thực dân Pháp. Đội văn công Sư đoàn vừa ăn tết xong thì nhận được lệnh cấp tốc hành quân đi Điện Biên. Lúc đó chúng tôi đóng quân ở hậu cứ Sư đoàn gần cây số 14 trên đường Tuyên Quang đi Yên Bái. Đội đi Điện Biên gồm: Nguyễn Đức Phong đội trưởng, kiêm chính trị viên và các thành viên: Minh Tiến, Trọng Lanh, Hàn Đức Trọng, Xuân Sách, Phạm Vinh và các cô Vũ Thị Lương, cô Tý, cô Ngọc, cô Minh, tổ nhạc có: Nguyễn Bính (vi-ô-lông, ác-coóc-đê-ông), Ngọc Cương (nhạc sĩ kiêm đàn măng-đô-lin, Vương Cát Định (ghi-ta), Thịnh Đen (chẻo). Múa và nhạc kiêm ca hát và đóng kịch. Đoàn không có ca sĩ nổi danh như chị Kim Ngọc ở văn công Sư đoàn 312. Biết làm sao được, chiến sĩ thì nhiều nghệ sĩ thì hiếm phải tự lo lấy tất cả. Không có thầy, thầy cũng là trò, trò cũng là thầy. Múa xong là hát, hết hát thì sang đóng kịch. Kết thúc vai diễn, lại ngồi đốt những liều thuốc phụ (rơ-le) xin được của Pháo để có ánh sáng biểu diễn.

Đêm đầu tiên chúng tôi vượt bến Âu Lâu – Yên Bái. Ôi một đêm kỳ diệu! Cả đoạn sông Thao thượng nguồn vang lên bản Trang su vang Dien Bien Phutráng ca lịch sử. Quân ta như một con rồng khổng lồ bao gồm các sư đoàn chính quy, các đơn vị bộ đội địa phương, các đội dân công, nhân dân phục vụ thuyền bè. Tất cả đã theo lệnh của Bác Hồ và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tiến vào Tây Bắc giải phóng Điện Biên. Dòng sông Thao sục sôi như nổi bão tố. Người qua sông, ngựa qua sông, xe đạp, xe thồ gồng gánh qua sông. Xe pháo rùng rùng chuyển động. Chân đất, chân giày, mũ lá, nón mê, đầu trần, thuyền nhỏ, thuyền to nhấp nhô chen nhau cắt ngang dòng sông lịch sử. Tất cả tiến vào Tây Bắc vượt “Núi vút ngàn trùng xa” trong nhịp bước “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ” mà vẫn tràn đầy lạc quan để đi đến ngày thắng lợi. Trong đoàn quân vĩ đại ấy có Đội văn công của Sư đoàn Côn, Pháo 351 với đội múa trẻ trung đang độ tuổi 18, đôi mươi.

Ban ngày chúng tôi tập lại các bài ca điệu múa. Khi mặt trời bắt đầu xuống núi, toàn bộ lại lên đường hòa vào dòng thác đại quân và dân công cùng chảy ra tiền tuyến. Chính trong lúc hành quân đêm, nhóm múa chúng tôi có thời gian để sáng tác điệu múa mới (chưa có ai học sáng tác bao giờ). Mỗi đêm hành quân là mỗi đêm có những sáng kiến mới để chuẩn bị cho ban ngày tập luyện. Những ngày gian khổ ấy sao mà thương nhau thế, vượt qua Pha Đin trong mây vờn đỉnh dốc, rét buốt thấu xương, vượt Lũng Lô trong lửa bom rừng cháy “Chân không giày rớm máu, thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.

Hành quân tới Điện Biên, tổ múa chúng tôi đã sáng tác xong điệu múa tạm đặt tên là Vui sản xuất. Ý nghĩa của điệu múa muốn động viên chiến sĩ yên tâm đánh giặc, vì đã có hậu phương yên vui sản xuất để tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng. Động tác múa chèo thì học ở cụ Năm Ngũ trước hết, nhạc cũng học truyền khẩu rồi về hát lại để Ngọc Cương ghi lại cho vi-ô-lông của Bính Kính và cho các nhạc cụ khác đệm theo. Biên soạn múa và lời ca thì làm tập thể, cuối cùng mọi người cũng vừa ý. Quần áo múa thì góp lại mỗi người một mảnh dù trắng (của chiến sĩ cho làm kỷ niệm) đem nhuộm xanh đỏ. Thợ may là bốn cô nữ chiến binh. Thế rồi điệu múa đã được diễn cho chiến sĩ xem đêm đầu tiên tại mặt trận Điện Biên như ở phần đầu chuyện kể.

Đội văn công Sư đoàn sau đêm diễn đã chuyển sang phục vụ đơn vị pháo cao xạ ở gần khu vực đồi Độc Lập. Ba ngày sau chúng tôi hành quân trở lại căn hầm pháo cũ để tiếp tục phục vụ đợt 2 của chiến dịch. Thật không ngờ, chúng tôi không bao giờ còn được gặp lại các pháo thủ ở căn hầm số 2 đã bắn những viên đạn pháo đầu tiên vào Him Lam, mở đầu cho chiến thắng Điện Biên. Tất cả 7 chiến sĩ hy sinh. Máu của họ còn vương đầy vách hầm. Nơi biểu diễn điệu múa “Ai xui là xui cây lúa chín” đầy những mảnh đạn.

Chúng tôi tìm đến những ngôi mộ còn đỏ màu đất như mới, viếng những người anh hùng và đặt lên nấm mồ một cành hoa sim tím của núi rừng Điện Biên giữa những tiếng khóc nức nở của 4 cô gái văn công Sư đoàn.

Những pháo thủ đang yên giấc ngàn thu và tất cả chúng tôi lúc bấy giờ không ai nghĩ rằng hình ảnh của họ và 4 cô gái văn công Sư đoàn trong điệu múa “Ai xui là xui cây lúa chín” sẽ sống mãi trong bức tranh nổi tiếng của họa sĩ đại tá Phạm Thanh Tâm.

Hà Nội, tháng 5 năm 1998.

NSND Đ.M.T.

—o0o—

Năm nay, Điện ảnh Quân đội và Truyền hình Quân đội mời nghệ sĩ múa Vũ Thị Lương thăm Điện Biên và hầm pháo năm xưa nơi từng diễn ra điệu múa lụa phục vụ các pháo thủ mở đầu chiến thắng vĩ đại.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.