Pham Ton’s Blog

Tháng Ba 3, 2024

Chia sẻ cùng nhạc sĩ Phạm Tuyên

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 5:56 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 3 năm 2024

(Bài thơ kính tặng Anh Phạm Tuyên)

CHIA SẺ CÙNG NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN

Bằng Việt

Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhà thơ Bằng Việt, tên thật là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, quê ở Thạch Thất, Hà Nội. Cử nhân luật tại Liên Xô cũ. Đã công tác tại Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Nguyên Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.

  • Đã là Ủy viên thành ủy Hà Nội, phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố
  • Hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội
  • Tác giả nhiều tập thơ được giải thưởng trong và ngoài nước

(Bài thơ này, tác giả đã đến tận nhà riêng nhạc sĩ Phạm Tuyên để tặng ông, nhân sinh nhật lần thứ 86 của Nhạc sĩ 1-2016)

—o0o—

Ra mắt tập tiểu luận cụ Thượng Chi (1)

Phạm Tuyên chỉ thốt đôi lời, làm người nghe gai mình sởn ốc:

Tôi nhớ mãi lúc A.Q. bị đưa đi xử bắn, (2)

Đám trẻ chỉ ồ lên: A.Q. đúng là phản động,

Cách mạng bắn chết mà, không phản động thì sao?

Hơn nửa thế kỷ rồi, điều đó đêm đêm khiến tôi dằn vặt”(3)

 

… “Ơi Cha Lo, hỡi Cha Lo, nơi rừng núi miền Tây Tổ quốc

Bừng sáng lung linh một vì sao” (4)

Người viết nên câu hát hào sảng đó

Nửa thế kỷ vẫn mang nguyên khối u uẩn ấy trong mình!

 

“Giết một học giả như vậy, nhân dân ta được gì,

Cách mạng được lợi ích gì?…” (5)

Bác Hồ thốt lên, lặng người khi nghe tin dữ,

Nhưng lịch sử là lịch sử

Ở đó không thể thêm gì, cũng không bớt được gì!(6)

“Ơi! Cha Lo, hỡi Cha Lo…”

Câu hát cứ ngân nga trong hồn, gần như vô thức

Tôi mãi thấy gai người trước nhạc điệu quá mênh mông

Trước câu hát vô tư đầy khí phách,

Với tâm hồn Phạm Tuyên, hun hút đỉnh Cha Lo…

… Có người bà con sống bên kia đại dương

Trách cứ Phạm Tuyên, viết làm chi những câu hào sảng thế

(Cái hào sảng ngỡ vô tâm, khi cha mình bức xúc chịu khổ hình!)

Nhưng, nén mình sống cao lên, có bao giờ là dễ?

Biết vượt qua đỉnh nỗi đau, đâu có thua phẩm cách anh hùng?

… “Khi xuất kích gian nan rừng sâu.

Tình yêu thương đồng đội có nhau,

Mỗi ngọn núi con sông Trường Sơn

Vẫn ấm áp tình dân (4)

Ơi Cha Lo! Hỡi Cha Lo…”

Tôi hiểu rồi, Phạm Tuyên! Xin anh đừng dằn vặt nữa,

Khi rất nhiều người đồng tình biết sẻ chia tâm sự cùng anh!

2015

  • Cụ Phạm Quỳnh, bút hiệu Thượng Chi, cha đẻ nhạc sĩ Phạm Tuyên, sinh năm 1892, nguyên là Thượng thư Triều đình Huế và chủ bút báo Nam Phong, bị mất tích ở Huế ngày 23/8/1945 trong một hoàn cảnh bí ẩn (có tài liệu nói là 6/9/1945)
  • Q. là nhân vật nổi tiếng của văn hào Lỗ Tấn, một con người ngơ ngác trước biến động thời cuộc, bị xử bắn trong Cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc
  • Lời nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự trong buổi ra mắt tập tiểu luận viết bằng tiếng Pháp của cụ Phạm Quỳnh, lần đầu được dịch ra tiếng Việt (NXB Tri Thức, Hà Nội, 2007)
  • Lời bài hát nổi tiếng Đêm trên Cha Lo của nhạc sĩ Phạm Tuyên
  • Câu Bác Hồ thốt lên khi ông Tôn Quang Phiệt ra Hà Nội thông báo với Bác rằng ông có nghe tin cụ Phạm Quỳnh đã bị xử bắn ở làng Hiền Sĩ gần Huế (theo lời kể lại của các ông Đào Nhật Vinh và Vũ Đình Huỳnh). Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng.
  • Điệp khúc nổi tiếng của nhà thơ Nga A.Tvardovsky (trong trường ca Xa tiếp xa, nói về cuộc chiến tranh của nhân dân Liên Xô đã bị tổn thất quá lớn để chiến thắng phát xít Đức, cũng như đã trải qua một thời kỳ dài sùng bái Xtalin): “Ở đó không thêm gì, cũng chẳng hề bớt gì/ Vì mọi điều đã xảy ra như thế trên Trái đất!”

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.