Pham Ton’s Blog

Tháng Ba 16, 2024

Trên quê hương yêu dấu (kỳ 1 tháng 3 năm 2024)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:20 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười sáu, kỳ 1 tháng 3 năm 2024

TRÊN QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 14/3/2024

Không để lọt những người chạy chọt, tham nhủng vào Trung ương khóa XIV

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…

Xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh

Ngày 13.3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban cho ý kiến về một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng.

Theo Văn phòng Trung ương Đảng, phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng.

Theo đó, Tổng Bí thư cho rằng, việc xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải bảo đảm yêu cầu: Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương Đảng ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu. Bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển liên tục.

Không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ.

Đặc biệt chú trọng các vấn đề như: Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia – dân tộc.

Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.

Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tụy với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi.

Có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.

Có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương. Có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới tại lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; qua thực tiễn tỏ rõ là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, có “sản phẩm” cụ thể, rõ rệt; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công. Có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.

“Nói tóm lại là phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc (“chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”)” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và nêu rõ “kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn”.

Không để lọt người tham vọng quyền lực, xu nịnh, kê khai tài sản không trung thực

Tổng Bí thư cũng lưu ý, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có một trong các khuyết điểm sau:

Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh;

Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình;

Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị;

Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút;

Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính;

Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 15/3/2024

Đề nghị Trung Quốc tuân thủ hiệp định vịnh Bắc Bộ

Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra phản ứng, sau khi có thông tin Trung Quốc tuyên bố xác lập đường cơ sở tại vịnh Bắc Bộ gần đây.

Hiep dinh vinh bac bo

Ngày 14-3, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhận được câu hỏi liên quan động thái của Trung Quốc đối với vịnh Bắc Bộ.

Theo đó, bà Hằng được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đã tuyên bố xác lập đường cơ sở tại vịnh Bắc Bộ gần đây.

Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiếp giáp vịnh Bắc Bộ.

Ngày 25-12-2000, hai nước đã ký kết Hiệp định về phân định vịnh Bắc Bộ và hiệp định này đã có hiệu lực vào ngày 30-6-2004 để xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mỗi nước trong vịnh Bắc Bộ.

Việt Nam cho rằng các quốc gia ven biển cần tuân thủ Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) khi xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Theo đó, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, bao gồm quyền tự do hàng hải, quyền quá cảnh qua các eo biển sử dụng cho hàng hải quốc tế và phù hợp với UNCLOS.

Cũng theo bà Hằng, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

“Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc và UNCLOS 1982”, bà Hằng nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Ngoại giao cũng khẳng định Việt Nam bảo lưu quyền và lợi ích pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế, cũng như quan điểm đã nêu tại tuyên bố ngày 6-6-1996 của Chính phủ Việt Nam liên quan đến tuyên bố ngày 15-5-1996 của Chính phủ Trung Quốc công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc.

Duy Linh

  • Trang 18 báo Tuổi Trẻ ngày 14/3/2024

Tên anh đã thành tên phố phường bất tử

Một liệt sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma (Trường Sa) vào ngày 14-3-1988 đã được đặt tên cho tuyến đường ở ngay quê hương liệt sĩ. Tên anh mãi ở trong lòng người dân.

Ten anh thanh ten bat tu 1

Người nhận vinh dự này là Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương – thiếu úy, phó chỉ huy trưởng đảo đá Gạc Ma.

Càng đặc biệt hơn khi tuyến đường được chọn lại nằm chính trên quê hương của liệt sĩ Phương tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Trong trái tim người dân, việc liệt sĩ Trần Văn Phương được đặt tên đường cũng là cách để không chỉ liệt sĩ này mà cả nỗi đau mang tên Gạc Ma sẽ mãi mãi trở thành bất tử trong lòng dân nước Việt.

Gạch nối giữa quê hương và biển cả

Ten anh thanh ten bat tu 2

Chiều trước ngày kỷ niệm trận chiến bi hùng ở Gạc Ma, anh Trần Văn Hiệp, em trai của liệt sĩ Trần Văn Phương, cứ thấp thỏm hồi hộp. Khoảng mười năm lại đây, vào những dịp tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma, anh đã khá quen với việc sẽ có nhiều đồng đội và chính quyền về trước phần mộ của liệt sĩ Phương tại nghĩa trang phường Quảng Phúc cùng tổ chức lễ tưởng niệm trong ngày này.

Nhưng năm nay, một sự kiện còn đặc biệt hơn sẽ diễn ra trong dịp kỷ niệm mà ngay chính anh Hiệp cũng không bao giờ hình dung ra. Đó là việc tên liệt sĩ Trần Văn Phương được đặt cho một tuyến đường ngay tại phường Quảng Phúc.

Mấy hôm trước khi quyết định này được chính quyền thị xã Ba Đồn thông báo, anh Hiệp lặng lẽ vào trước bàn thờ anh trai và người mẹ vừa qua đời mấy tháng trước thắp nén nhang. Anh nói mình phải báo tin cho anh và mẹ việc này để ở nơi xa anh trai và mẹ biết được niềm vinh dự lớn lao.

Không thể cầm lòng, ngay trong chiều 13-3, anh Hiệp đã tìm đến tuyến đường sẽ mang tên anh trai mình vào ngày mai. Anh nói thật ra tuyến đường này với anh rất quen thuộc vì cách nhà hơn cây số và gắn liền với tuổi thơ của cả hai anh em, nhưng anh vẫn xuống xe đi bộ từng bước như muốn tìm lại chút ký ức.

Không chỉ anh Hiệp mà một người em trai khác của liệt sĩ Phương ở tận TP.HCM là Trần Văn Hồng cũng đã tức tốc trở về quê trong sáng 13-3 để kịp dự sự kiện tên anh mình được đặt cho tuyến đường.

Tuyến đường được chính quyền thị xã Ba Đồn chọn đặt tên liệt sĩ Trần Văn Phương nằm ở tổ dân phố Mỹ Hòa, dài khoảng một cây số chạy dọc bờ sông Gianh dẫn ra cửa biển. Theo chính quyền địa phương, không phải ngẫu nhiên mà tuyến đường này được chọn. Vì đường này hướng từ phía nhà của liệt sĩ Phương chạy ra hướng biển như là một gạch nối giữa nơi sinh ra tại quê hương và nơi liệt sĩ ngã xuống khi bảo vệ đảo đá Gạc Ma giữa biển cả thiêng liêng của Tổ quốc.

“Anh Phương cùng 63 đồng đội đã nằm lại giữa biển vào ngày 14-3-1988 sau loạt đạn của tàu Trung Quốc. Anh không thể trở về thì giờ tên anh đã hiện diện trên quê hương mỗi ngày và mãi mãi. Đây cũng là sự động viên, niềm tự hào lớn lao với gia đình tôi, quê hương tôi”, anh Hiệp xúc động bày tỏ.

Tuyến đường của niềm vinh dự và tự hào

Lễ gắn bảng tên đường mang tên Trần Văn Phương chính thức diễn ra vào sáng 14-3, nhưng từ chiều 13-3 công tác chuẩn bị đã được chính quyền địa phương thực hiện.

Một nhóm dân địa phương tại tổ dân phố Mỹ Hòa (phường Quảng Phúc) đã có mặt để phát quang một số vị trí có cây cối dọc tuyến đường. Một khu vực khá rộng sát bờ sông Gianh đã được san bằng phẳng để làm nơi diễn ra buổi lễ gắn bảng tên đường cũng như lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Bảng tên đường và cột trụ cũng được chuẩn bị sẵn để gắn vào đế trụ ở ngay vị trí đầu đường.

Chiều 13-3 dù chưa chính thức nhưng nhiều người dân địa phương đã háo hức đổ ra tuyến đường này để xem việc chuẩn bị đặt tên đường. Với những người dân ở đây thì cái tên thiếu úy Trần Văn Phương đã quá thân thuộc và như một niềm tự hào.

Ông Nguyễn Văn Tình, ở tổ dân phố Mỹ Hòa, rất háo hức lẫn xúc động. Ông Tình kể mình cũng từng là bộ đội hải quân cùng thời với liệt sĩ Phương. Và sau trận hải chiến Gạc Ma vào tháng 3-1988 thì hơn nửa năm sau đó ông được cử ra lại đảo Cô Lin. Đây là nơi chiếc tàu HQ505 và các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã lao lên đảo đá ngầm này để biến thành pháo đài thép bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chính vì có mặt tại đảo này, bước vào chiếc tàu 505 với chi chít lỗ đạn nên ông Tình hiểu được sự khốc liệt của trận chiến không cân sức ở thời điểm đó. Và vì thế ông càng tự hào hơn về những liệt sĩ đã hy sinh vì bảo vệ đảo Gạc Ma, trong đó có thiếu úy Trần Văn Phương – bạn cùng quê với ông.

“Đây là vinh dự và cũng là ghi nhận sự hy sinh của liệt sĩ Phương, nhưng cũng là niềm tự hào chung của người dân Quảng Phúc vì đất này đã đóng góp cho đất nước một người anh hùng”, ông Tình trải lòng.

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 12/3/2024

Việt Nam – Canada khai mạc khóa huấn luyện sĩ quan tham mưu Liên Hiệp Quốc

Ngày 11-3, khóa huấn luyện sĩ quan tham mưu Liên Hiệp Quốc năm 2024, do Việt Nam và Canada đồng tổ chức khai mạc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Hà Nội).

Đồng chủ trì lễ khai mạc có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình – phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam – và Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil.

Si quan Tham muu Viet Nam Canada

Với sự tham gia của 64 giảng viên, điều phối viên và học viên, khóa huấn luyện sĩ quan tham mưu Liên Hiệp Quốc trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn căn bản về công tác tham mưu quân sự Liên Hiệp Quốc cấp sở chỉ huy phái bộ cho sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các nước đối tác.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác và huấn luyện quân sự (MTCP) của Canada, nhằm chuẩn bị triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc trên cương vị sĩ quan tham mưu Liên Hiệp Quốc.

Qua đó nhằm góp phần nâng cao năng lực tổ chức các khóa huấn luyện chuyên sâu quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc và phát triển đội ngũ giảng viên về gìn giữ hòa bình tại Việt Nam. Đồng thời tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Canada và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Tại khóa học, các học viên được trang bị kiến thức cơ bản về Liên Hiệp Quốc và hoạt động gìn giữ hòa bình như: môi trường hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, cơ cấu tổ chức phái bộ, các cơ quan tham mưu phái bộ, cơ sở pháp lý và hướng dẫn quy định hoạt động của phái bộ (quy tắc sử dụng vũ lực, luật nhân đạo quốc tế, thỏa thuận về quy chế lực lượng).

Cùng với đó là nguyên tắc hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, chỉ huy và kiểm soát, công tác tham mưu tác chiến, bảo vệ dân thường, hỗ trợ nhân đạo, quan hệ truyền thông, giải giáp vũ trang, giải trừ quân bị và tái hòa nhập cộng đồng, thu thập, phân tích thông tin tình báo và điều phối quân – dân sự.

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình chia sẻ trong 10 năm qua, quá trình chuẩn bị và triển khai lực lượng tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, quý báu từ phía Canada, nhất là trong lĩnh vực huấn luyện, đào tạo nâng cao năng lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Canada đồng tổ chức khóa huấn luyện sĩ quan tham mưu Liên Hiệp Quốc, và cũng là khóa huấn luyện chuyên sâu quốc tế về gìn giữ hòa bình lần thứ tư do hai nước đồng tổ chức tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc” – ông Bình nhấn mạnh.

Đánh giá cao mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Canada trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, đặc biệt là việc ký bản ghi nhớ về lĩnh vực gìn giữ hòa bình Việt Nam – Canada vào năm 2023, Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil nêu rõ khóa huấn luyện lần này đã góp thêm một minh chứng về mối quan hệ hợp tác quốc phòng ngày càng phát triển giữa hai nước trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Hà Thanh

  • Trang 12 báoTuổi Trẻ ngày 12/3/2024

Giáo sư Nguyễn Đình Đức vào hội đồng biên tập tạp chí quốc tế uy tín

Đầu tháng 3-2024, giáo sư Nguyễn Đình Đức chính thức trở thành thành viên hội đồng biên tập tạp chí quốc tế về khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ, Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan.

Nguyen Dinh Duc

Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết giáo sư Nguyễn Đình Đức – chủ tịch hội đồng Trường đại học Công nghệ, phó chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, giám đốc Phòng thí nghiệm vật liệu và kết cấu tiên tiến – vừa chính thức trở thành thành viên hội đồng biên tập tạp chí quốc tế về khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ – Journal of Aerospace Science and Technology, Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan).

Đây là một trong những tạp chí quốc tế hàng đầu có trong danh mục SCI index, top 5%, rất có uy tín và chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ hàng không – vũ trụ.

Thành viên ban biên tập tạp chí là các nhà khoa học xuất sắc trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ hàng không vũ trụ từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Ý, New Zealand, Trung Quốc… và Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam có vinh dự này.

Hiện tại, giáo sư Nguyễn Đình Đức là thành viên hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế trong danh mục ISI thuộc những nhà xuất bản có uy tín, như: tạp chí Aerospace Science and Technology (Nhà xuất bản Elsevier); tạp chí Mechanical Engineering Science (Proc. IMechE Part C, Nhà xuất bản SAGE); tạp chí Mechanics of Composite Materials và tạp chí Mechanical Science and Technology (Nhà xuất bản Springer); tạp chí Applied Mathematics and Mechanics (Zeitschrift für Angewandte Mathematik und Mechanik, Nhà xuất bản WILEY); tạp chí Cogent Engineering (UK, Nhà xuất bản Taylor & Francis); tạp chí Science and Engineering of Composite Materials (Nhà xuất bản De Gruyter)…

Đồng thời, ông đã công bố trên 350 bài báo, công trình khoa học, trong đó có hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín.

Từ năm 2019 đến nay, ông liên tiếp lọt vào top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới và top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ (Engineering and Technology) – đứng thứ 85 thế giới trong năm 2023.

Cũng từ nhiều năm nay, giáo sư Nguyễn Đình Đức là người Việt Nam duy nhất đang làm việc trong nước được Research.com xếp hạng nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong lĩnh vực Engineering and Technology.

Nguyên Bảo

  • Trang 20 báo Tuổi Trẻ ngày 12/3/2024

Chủ tịch ANZBC: Hãy làm ăn ở Việt Nam

Chủ tịch Hội đồng kinh doanh ASEAN – New Zealand (ANZBC) Kathleen Morrison kêu gọi doanh nghiệp New Zealand đến Việt Nam làm ăn, khi bà điều phối cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với gần 20 doanh nghiệp hàng đầu New Zealand và thế giới.

Hay lam an o viet nam

Bà Morrison cho rằng sự hiện diện của Thủ tướng cùng nhiều bộ trưởng cho thấy sự coi trọng và tạo động lực cho doanh nghiệp New Zealand đến Việt Nam. Bà Morrison dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn bên lề tọa đàm.

* Tại tọa đàm ngày 11-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và nêu ra những lĩnh vực mong muốn có những dự án cụ thể của New Zealand ở Việt Nam như kinh tế xanh, kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao… Bà đánh giá thế nào về điều này?

– Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính là rất rõ ràng.

Ông đặc biệt quan tâm đến việc tìm kiếm khả năng kết nối thương mại tốt hơn giữa các công ty New Zealand và Việt Nam.

Sự hiện diện đông đảo của phái đoàn do Thủ tướng dẫn đầu là một tín hiệu đối với các doanh nghiệp New Zealand, rằng chúng ta nên đáp lại lời kêu gọi từ Việt Nam bởi vì các bạn đang rất nghiêm túc trong việc khai phá dư địa trong lĩnh vực thương mại song phương.

Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, dân số đông và đều mang lại nhiều lợi ích cho các công ty New Zealand.

Cả hai nước chúng ta có nhiều ngành có thể bổ sung cho nhau một cách chặt chẽ. Thật tốt cho các doanh nghiệp New Zealand khi hôm nay họ có thể nói chuyện trực tiếp với Thủ tướng và các bộ trưởng Việt Nam, cũng như gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp khác cho những cơ hội hiện có cũng như trong tương lai.

Cuộc tọa đàm đã tạo ra sự hào hứng và năng lượng để theo đuổi những cơ hội đó.

* Vậy ưu tiên của ANZBC với Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là gì sau chuyến thăm của Thủ tướng, thưa bà?

– Chúng tôi xác định ASEAN mà trong đó có Việt Nam sẽ là đối tác thương mại rất chiến lược và rất tốt để các doanh nghiệp New Zealand khám phá.

Năm ngoái, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand đã đặc biệt dành nhiều sự quan tâm đến khu vực này, chủ yếu bởi vì những cân nhắc liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh như vậy, việc có một đối tác thương mại gần hơn về mặt địa lý là điều hợp lý và Đông Nam Á cũng như Việt Nam là một điểm đến nhiều tiềm năng chưa khai phá.

Chúng tôi đang có một số hoạt động kinh doanh với Việt Nam và Đông Nam Á. Nhưng chắc chắn chúng ta có thể làm được nhiều hơn và nên làm nhiều hơn nữa.

Thế giới đang hướng tới New Zealand để có nhiều công nghệ xanh và chỉ có lợi khi chúng tôi giao dịch với các đối tác thương mại gần gũi, bởi vì công nghệ xanh sẽ được sử dụng theo cách xanh.

Tôi biết Đông Nam Á hiện tại đang tập trung vào nền kinh tế xanh và nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cũng vậy, nên cơ hội cho chuyển giao công nghệ là có và rất tiềm năng.

* Vậy việc kết nối và lan tỏa thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam – New Zealand thì sao, thưa bà?

– Việc chúng tôi làm nhiều nhất là tổ chức các hội thảo một cách thường xuyên để hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam, chia sẻ sự hiểu biết lẫn nhau về đất nước này giữa những người tham gia.

Tất nhiên, nếu có bất kỳ công ty Việt Nam nào muốn đến New Zealand và tìm kiếm cơ hội đầu tư, chúng tôi hoan nghênh các đề nghị từ họ.

Nhiều thành viên của ANZBC là người Việt Nam và họ rất mong được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vào New Zealand. Bất cứ điều gì có thể làm, chúng tôi sẽ làm hết.

* Và sẽ có một phái đoàn doanh nghiệp New Zealand do ANZBC tổ chức sang Việt Nam sau chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính?

– Chúng tôi rất mong muốn điều đó và đang lên kế hoạch, nhưng ban đầu sẽ chỉ tập trung vào những công ty trong ngành sữa của New Zealand.

Nhưng tôi biết nhiều công ty ở New Zealand cũng đang muốn có một phái đoàn như vậy. Họ muốn tìm hiểu về thị trường Việt Nam và nghe giới thiệu về các ngành công nghiệp khác nhau.

Những hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này nằm trong lĩnh vực được Việt Nam tập trung ưu tiên.

Hiện tại chúng tôi chỉ mới ở giai đoạn lập kế hoạch, nhưng nó chắc chắn nằm trong danh sách việc cần làm của chúng tôi.

* Bà có thông điệp gì cho doanh nghiệp New Zealand sau cuộc tọa đàm có sự tham dự của Thủ tướng cùng nhiều bộ trưởng?

– Thông điệp của tôi là Việt Nam rất cởi mở và mong muốn giao thương với New Zealand. Chúng ta sẽ bổ trợ nhau trong nhiều lĩnh vực, cùng nhau phát triển và mang lại lợi ích cho đất nước. Đừng chần chừ gì nữa.

Nhấc điện thoại lên và gọi cho thương vụ Việt Nam nếu cần để kết nối với họ và làm ăn!

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 10/3/2024

Lễ hội Việt – Nhật làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước

Đó là chia sẻ của ông Takebe Tsutomu, cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật và là người đã góp công lớn trong việc duy trì, phát triển Lễ hội Việt – Nhật trong suốt 11 năm qua.

Cả 8 kỳ Lễ hội Việt – Nhật đầu tiên đã ghi đậm dấu ấn của ông Takebe Tsutomu, nguyên chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật và hiện là cố vấn đặc biệt của liên minh này, dưới vai trò trưởng ban tổ chức lễ hội phía Nhật Bản.

Le hoi Viet Nhat 1

Trong lần lễ hội thứ 9 này, ông Takebe quay lại Việt Nam với vai trò trưởng ban danh dự ban tổ chức lễ hội. Tuổi Trẻ Online có dịp trao đổi cùng ông Takebe về ý nghĩa của sự kiện hữu nghị đặc biệt này.

Lễ hội Việt – Nhật tạo sự giao lưu về con người giữa hai nước

Ông Takebe nhớ về những ngày đầu của Lễ hội Việt – Nhật: “Lễ hội Việt – Nhật đầu tiên được tổ chức vào tháng 11-2013. Đó chính là năm đánh dấu cột mốc kỷ niệm 40 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Khi đó, mục đích ban đầu của lễ hội là tạo mối quan hệ hợp tác giao lưu giữa hai nền văn hóa khác nhau là Việt Nam và Nhật Bản. Từ đó, lễ hội có thể tạo ra những giá trị văn hóa mới và nâng tầm giá trị văn hóa của hai quốc gia”.

Trưởng ban tổ chức lễ hội năm ấy nhớ rõ tuy là lần đầu tiên nhưng lễ hội đã thu hút được đến 70.000 người tham gia. Ông cũng nhớ trời đã mưa rất to vào ngày tổ chức lễ hội.

Những năm sau đó, lễ hội tiếp tục được tổ chức đều đặn và chỉ bị gián đoạn bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngay sau đại dịch, lễ hội đã chứng minh được sức sống của mình trong lòng người dân TP.HCM khi lễ hội năm 2023 thu hút tới 485.000 du khách.

“Trong bối cảnh đó, nhìn vào thống kê về du lịch toàn cầu, có thể thấy là số lượt khách du lịch hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản tăng nhiều lần qua từng năm. Trên thế giới chỉ có hai quốc gia như Việt Nam và Nhật Bản đạt được điều đó thôi. Với tôi, đó là một trong những hiệu quả mà Lễ hội Việt – Nhật đóng góp: tạo ra sự giao lưu về con người giữa hai quốc gia”, ông Takebe khẳng định.

Cơ hội đầu tư từ Lễ hội Việt – Nhật

Điểm đặc biệt của Lễ hội Việt – Nhật nằm ở chỗ không chỉ giao lưu văn hóa, lễ hội còn là cơ hội để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ và mở ra những cơ hội hợp tác quan trọng.

Le hoi Viet Nhat 2

Tối 8-3, hội thảo và hội đàm thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam đã được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội.

Tại đây, các doanh nghiệp lữ hành hai nước đã trao đổi với nhau về tiềm năng du lịch song phương, đặc biệt khi Nhật Bản sẽ tổ chức Triển lãm thế giới 2025 tại thành phố Osaka.

Các hội thảo, hội đàm tương tự cũng đã được tổ chức trong các kỳ lễ hội trước, bao quát đa dạng lĩnh vực trong quan hệ hợp tác song phương, du lịch, văn hóa ẩm thực, kinh doanh truyện tranh Nhật Bản (manga)…

Le hoi Viet Nhat 3

Ông Takebe nhớ về một trong những thành công của lễ hội: “Năm 2018, trong khuôn khổ dự án được Bộ Kinh tế – Thương mại Nhật Bản (METI) tài trợ, một loạt chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn ở Nhật Bản (konbini) đã có mặt tại Lễ hội Việt – Nhật. Có lẽ, từ thời điểm đó, rất nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi đã đầu tư vào Việt Nam”.

Le hoi viet nhat 4

Cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ Việt – Nhật khẳng định qua sự kiện trên, lễ hội đã chứng minh bản thân không chỉ tạo ra giao lưu về con người, giao lưu về du lịch mà còn góp phần thúc đẩy tiêu dùng và kinh doanh.

“Chúng ta thấy Lễ hội Việt – Nhật có vai trò rất lớn, đóng góp cho giao lưu con người, giao lưu văn hóa, giao lưu du lịch, giao lưu tri thức và giao lưu khoa học công nghệ”, ông Takebe kết luận.

  • Trang 20 báo Tuổi Trẻ ngày 10/3/2024

Trí tuệ Việt hướng về Tổ Quốc

Cộng đồng hơn 350.000 người Việt ở Úc là một nguồn lực lớn, không chỉ đóng góp cho sự thịnh vượng của quốc gia sở tại mà còn cho quê hương và góp phần vun đắp quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Tri tue Viet Nhat

Trước khi lên đường sang thăm chính thức New Zealand ngày 9-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian gặp gỡ Hội doanh nhân Việt Nam và Hội trí thức – chuyên gia Việt Nam (VASEA) tại Úc.

Kết nối trí thức cho nước nhà

Cả hai cuộc gặp diễn ra liền nhau, ngay trước giờ Thủ tướng ra sân bay và kéo dài hơn dự kiến. Chia sẻ với bà con, Thủ tướng mong muốn các hội sẽ là cầu nối giữa các trí thức, nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp Úc với Việt Nam để góp phần phát triển đất nước, góp phần cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Úc vừa thiết lập.

Trong số những người tham dự có giáo sư Ngô Đức Tuấn, phó chủ tịch VASEA phụ trách khoa học – công nghệ. Ông đã tham gia hướng dẫn và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam tại Úc và Việt Nam trong suốt 20 năm qua.

Năm 2023, ông được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Úc, chủ tịch Mạng lưới nghiên cứu quốc tế về giảm khí thải cho ngành xây dựng (DBI Network) do Chính phủ Úc tài trợ.

“Bản thân tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp người Việt đang sống và làm việc tại Úc đều mong muốn có điều kiện đóng góp cho đất nước qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo để đẩy mạnh quan hệ song phương giữa hai nước. Khuôn khổ quan hệ mới sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho sự đóng góp của chuyên gia Úc và Việt Nam”, ông chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Ra đời chỉ chưa đầy hai năm, nhưng VASEA do giáo sư Nghiêm Đức Long (Đại học Công nghệ Sydney, Úc) thành lập đã phát triển nhanh chóng. Hội mong muốn phát huy những hiểu biết, kinh nghiệm của các thành viên và cả mạng lưới liên quan với các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức Úc để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Đặc biệt trong những lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo nhân lực.

Đóng góp cho phát triển bền vững

Về vấn đề giảm phát thải bằng 0, phát triển kinh tế xanh… như đã nêu trong tuyên bố chung của hai nước, giáo sư Ngô Đức Tuấn tin rằng Úc có nhiều bài học kinh nghiệm sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian chuẩn bị hoặc triển khai những quy định liên quan.

Ví như trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn, ông Tuấn cho biết các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Úc đã kết hợp với các công ty trong ngành xây dựng triển khai rất nhiều dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới về chuyển đổi xanh cho ngành xây dựng, lộ trình giảm phát thải và quy chuẩn xây dựng quốc gia Úc năm 2022.

Những công trình này hướng tới sử dụng vật liệu phát thải thấp, tích hợp sử dụng năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng cho các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ quản lý thông minh cho tòa nhà để giảm phát thải xây dựng, tăng tái chế và tái sử dụng vật liệu, cấu kiện xây dựng, tiến tới nền kinh tế tuần hoàn.

“Các kinh nghiệm triển khai của Úc và các nghiên cứu về công nghệ, phát triển chính sách cũng như mô hình thực hiện sẽ rất hữu ích cho Việt Nam”, ông Tuấn nói. Ông hy vọng trong các năm tới, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lộ trình chi tiết về giảm phát thải, đánh giá các tác động và ảnh hưởng về kinh tế – xã hội và môi trường.

“Một trong những thách thức nữa là Việt Nam cần đảm bảo có đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kiến thức về các xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực này”, ông Tuấn nói thêm.

Trong cuộc gặp Thủ tướng, ban lãnh đạo VASEA bày tỏ các thành viên của hội có thể phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy các đối tác Úc cung cấp học bổng nhiều hơn, tốt hơn cho sinh viên Việt Nam.

  • Trang 6 báo Tuổi Trẻ ngày 13/3/2024

Bắt tay ngăn thực phẩm bẩn

Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: Rất mong muốn các ngành như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quận huyện… tại TP đồng hành, bởi đây là vấn đề lớn, dài hạn và liên quan đến nhiều phía.

Thuc pham ban

Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM trao đổi với Tuổi Trẻ về thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa của sáu hệ thống bán lẻ gồm Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon và Satra.

“Trong ngắn hạn, mục tiêu là sẽ kiểm soát được chất lượng thật sự của nhóm mặt hàng thí điểm. Và trong dài hạn, 100% hàng hóa ở các hệ thống phân phối tham gia chương trình đều được kiểm soát chất lượng như tiêu chuẩn mà chương trình đề ra”, ông Phương nói.

“Thỏa thuận này đến từ việc trăn trở tìm đường nâng cao chất lượng hàng hóa. Chúng tôi quyết tâm làm, không sợ cực nhưng một mình ngành công thương sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể làm”.

* Là cơ quan khởi xướng và cầm trịch chương trình này, thưa ông, kế hoạch thực hiện cụ thể của chương trình sẽ như thế nào?

– Với sự tích cực tham gia của các hệ thống phân phối và lựa chọn sản phẩm có tính khả thi cao để thí điểm, giai đoạn đầu của chương trình sẽ có hai việc chính gồm: kiểm tra, đánh giá khâu cung ứng nguồn hàng của các đơn vị đã ký thỏa thuận để hướng dẫn, chấn chỉnh; và cách thức xử lý khi phát hiện sai phạm của nhà cung cấp

Nếu rà soát và thấy ổn, Sở Công Thương sẽ phối hợp để tính toán mở rộng dần quy mô chương trình đến khi đạt mục đích đề ra. Mục tiêu trong ngắn hạn là hoàn thành kiểm soát được chất lượng thật sự của nhóm mặt hàng thí điểm. Dài hơi hơn là mong muốn 100% hàng hóa ở các hệ thống phân phối tham gia chương trình được cam kết quản lý cho đúng tiêu chuẩn, chất lượng đề ra.

Trong quý 2-2024 sẽ sơ kết, đánh giá chương trình. Phải loại dần doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng, nói không với sản phẩm kém chất lượng.

* Gánh thêm nhiều trách nhiệm, liệu các nhà cung cấp và hệ thống phân phối có tích cực thực hiện theo đúng cam kết, thưa ông?

– Nhà cung cấp sẽ có thêm việc phải làm, nhưng đây cũng là điều phải làm nếu muốn tồn tại và phát triển hơn. Sau giai đoạn đầu ổn định sẽ rà soát và hướng tới xây dựng một tiêu chuẩn, quy trình chung, chấm dứt việc mỗi đơn vị cát cứ một quy trình.

Nghĩa là bên cạnh quy trình cơ bản, các hệ thống phân phối sẽ ngồi lại với nhau để chọn lọc, đối chiếu nhằm giảm hoặc bỏ những điều kiện thừa, không cần thiết, từ đó đưa ra một quy trình nhập hàng thống nhất. Hệ thống phân phối có trách nhiệm phải tiếp nhà cung cấp nếu họ đáp ứng quy trình chung này. Bởi tăng trách nhiệm cho nhà cung cấp nhưng không ưu tiên bán hàng cho họ là không công bằng.

Nếu áp dụng quy trình này, nhà phân phối sẽ giảm được kinh phí, thời gian để xây dựng tiêu chí nhập hàng. Trong khi đó, nhà cung cấp được ưu tiên xúc tiến đưa hàng vào siêu thị, được giảm điều kiện không cần thiết. Và tất cả có được thương hiệu tốt hơn nhờ sự tin tưởng từ người tiêu dùng.

* Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi như thế nào khi chương trình này được triển khai thực hiện?

– Lâu nay vẫn có quan điểm cho rằng người dân phải tiêu dùng thông minh, nhưng điều đó không công bằng. Bởi người tiêu dùng dù có quan tâm đến việc mua bó rau, ký thịt nhưng không có nhiều sự lựa chọn do chúng ta chưa chỉ ra được chỗ nào uy tín, an toàn. Mua sắm ở siêu thị thường yên tâm hơn chợ lẻ nhưng thực tế vẫn bị lọt vào những sản phẩm không an toàn.

Khi triển khai kế hoạch này, với sự đồng hành của cơ quan nhà nước, quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn, ít ra chúng ta cũng tự tin để thông báo cho người tiêu dùng những sản phẩm, nơi bán để đặt niềm tin. Đây là giá trị sàng lọc, giá trị cốt lõi, cũng là tạo sự công bằng. Khi đủ cơ sở, chúng tôi định hướng sẽ thông tin rộng rãi những nhà cung cấp, doanh nghiệp tham gia chương trình và cả những đơn vị vi phạm để người tiêu dùng nắm, thậm chí khẳng định luôn chất lượng sản lượng.

* Nhiều ý kiến nghi ngại tính công bằng, sự mâu thuẫn giữa các bên khi tham gia thỏa thuận?

– Là đơn vị cầm trịch chương trình này, chúng tôi hiểu được sẽ có nhiều khó khăn phát sinh. Tuy nhiên, việc kiểm soát và chế tài là điều quan trọng.

Chúng tôi xác định phải công khai minh bạch quy trình, ưu tiên đưa ra các điều khoản để các bên tự giám sát chéo và chế tài phải nghiêm. Ngoài ra, khâu xác minh và công bố thông tin cũng phải rất kỹ càng, bởi nếu không chứng minh được rõ lỗi nhà cung cấp, hay đổ oan cho họ để cắt hợp đồng thì bị phản tác dụng, thậm chí phải đền hợp đồng.

Chúng tôi sẽ cắt cử nhân lực để đeo bám thường xuyên, kịp thời ngồi lại với nhau để đánh giá, điều chỉnh khi cần, bởi nếu ngơi nghỉ là mọi thứ trôi vào dĩ vãng.

* Nguồn nông sản về TP.HCM đa phần đến từ các tỉnh và công tác quản lý cũng liên quan đến nhiều sở, ngành. Vậy có cần sự kết hợp và hỗ trợ không, thưa ông?

– Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác kết nối, phổ biến thỏa thuận này đến với ngành nông nghiệp, công thương ở các địa phương, đặc biệt các nơi có vùng nguyên liệu lớn như Lâm Đồng, Tiền Giang… Theo đó, sẽ nhờ địa phương xúc tiến, hỗ trợ người sản xuất để thúc đẩy việc thích nghi, sớm đáp ứng được quy định của hệ thống phân phối đưa ra. Chúng ta không thể làm thay nông dân, cũng khó giám sát lực lượng này nên phải liên kết.

Ngoài ra, chúng tôi rất mong muốn các ngành như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quận huyện… tại TP đồng hành, bởi đây là vấn đề lớn, dài hạn và liên quan đến nhiều phía. Thỏa thuận này đến từ việc trăn trở tìm đường nâng cao chất lượng hàng hóa. Chúng tôi quyết tâm làm, không sợ cực nhưng một mình ngành công thương sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể làm.

  • Trang 8 báo Tuổi Trẻ ngày 11/3/2024

Saigon Co.op ký kết xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững

Tại “Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững – nâng cao chất lượng hàng Việt” ngày 8-3, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã ký kết biên bản ghi nhớ với 6 đối tác, cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững.

Saigon Coop

Mục đích việc ký kết nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo lợi ích sức khỏe người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bắt tay nâng cao chất lượng

Saigon Co.op ký kết với 6 doanh nghiệp và HTX: Anh Hoàng Thy, San Hà (cung cấp thịt gia súc, thịt gia cầm), HTX sản xuất rau an toàn Nhuận Đức, Công ty MeKong Delta Food, Công ty Xuân Thái Thịnh (cung cấp rau củ quả), HTX Tân Mỹ (cung cấp trái cây).

Hiện các đối tác này cung ứng trung bình 500 tấn hàng hóa mỗi tháng đến các hệ thống phân phối của Saigon Co.op.

Theo ký kết này, Saigon Co.op và các đơn vị cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững phục vụ người tiêu dùng; đảm bảo lợi ích về sức khỏe người tiêu dùng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Đức, tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng việc hợp tác này nhằm kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước và sản phẩm đặc sắc của TP.HCM cạnh tranh với hàng nhập khẩu và định hướng xuất khẩu.

“Tăng hợp tác, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Saigon Co.op và các đối tác kinh doanh kết nối trực tiếp, nhanh chóng, kịp thời chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm phát triển kênh phân phối, thông tin quy chuẩn để đưa hàng hóa vào kinh doanh trong các hệ thống phân phối của Saigon Co.op”, ông Đức nhấn mạnh.

Trong khi đó, ở góc độ là nhà cung cấp, ông Lê Minh Sang – giám đốc HTX Tân Mỹ, nông dân tiêu biểu của huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) – cho biết với sản phẩm chủ đạo là bưởi, đơn vị đã là đối tác của Saigon Co.op nhiều năm qua và luôn cam kết đảm bảo đúng quy trình sản xuất để đưa ra sản phẩm đạt chất lượng.

Hướng tới thị trường xuất khẩu

Theo lãnh đạo Saigon Co.op, sự hợp tác này cũng góp phần đưa hàng Việt, hàng sản xuất trong nước có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế thông qua đối tác chiến lược của Saigon Co.op là NTUC FairPrice (Singapore).

Trong năm 2023, Saigon Co.op xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam sang thị trường Singapore với tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 90 tỉ đồng thông qua đối tác chiến lược NTUC FairPrice.

Saigon Co.op và Sở Công Thương TP.HCM chủ động cùng kết hợp, vận động các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm và sản xuất, cung cấp các mặt hàng đặc sản trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành lân cận có sản phẩm tốt, uy tín, công nghệ tiên tiến, đồng thời có nhu cầu tham gia kết nối doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Cũng tại “Hội nghị kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững – nâng cao chất lượng hàng Việt Nam” diễn ra vào ngày 8-3, Saigon Co.op đã cùng với 5 hệ thống bán lẻ khác ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.HCM. Hoạt động này được lãnh đạo UBND TP và nhiều sở, ngành đánh giá cao.

Theo thỏa thuận, việc ký hợp tác dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Mục tiêu nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối. Cùng hành động, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Theo đại diện Saigon Co.op, các ký kết với hệ thống bán lẻ khác và nhà cung cấp dù hình thức khác nhưng cũng chung một mục tiêu là tăng kiểm soát đầu vào, nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa được kinh doanh tại các hệ thống như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… của đơn vị.

“Hoạt động này sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới để đảm bảo mục tiêu ký kết với tất cả nhà cung cấp, đề cao trách nhiệm của nhà sản xuất để từ đó mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng” – ông Nguyễn Anh Đức cho biết.

  • Trang 15 báo Tuổi Trẻ ngày 15/3/2024

Lê Giang, Lư Nhất Vũ nhận huy hiệu tuổi Đảng

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang là trường hợp đặc biệt, gắn bó bên nhau tròn 50 năm, viết nên câu chuyện tình tuyệt diệu về tình đồng chí, nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt.

Chiều 14-3, Ban thường vụ Đảng ủy khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM tổ chức lễ trao huy hiệu Đảng cho bà Trần Thị Kim (nhà thơ Lê Giang) và ông Lê Văn Gắt (nhạc sĩ Lư Nhất Vũ), tại nhà riêng ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tham dự lễ trao huy hiệu Đảng có ông Nguyễn Văn Nên – bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lợi – bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nguyễn Phước Lộc – phó bí thư Thành ủy TP.HCM… cùng chính quyền địa phương nơi gia đình nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh sống.

Le Giang Lu Nhat Vu

Trao huy hiệu tuổi Đảng cho nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang

Ông Nguyễn Văn Nên – bí thư Thành ủy TP.HCM – cùng đoàn công tác đến tận nhà nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang để hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống hiện tại.

Hiện nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang khỏe mạnh, minh mẫn.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho biết gia đình ông xây nhà tại quê nhà Bình Dương 9 năm nay. Chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi.

Dịp này, ông Nguyễn Văn Nên trao tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho nhà thơ Lê Giang và trao huy hiệu 45 năm tuổi Đảng cho nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng trường hợp của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang khá đặc biệt khi ông trao huy hiệu Đảng cho hai đảng viên đã gắn bó bên nhau tròn 50 năm, cùng vượt qua bao thử thách, viết nên câu chuyện tình tuyệt diệu về tình đồng chí, nghĩa vợ chồng thủy chung.

Không những vậy, cả hai đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà.

Lư Nhất Vũ hát, Lê Giang đọc thơ

Đáp lại tình cảm của lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Bình Dương, tác giả ca khúc Bài ca đất phương Nam hát ca khúc mình sáng tác tặng các đại biểu. Còn nhà thơ Lê Giang cũng tạo nên không khí vui tươi qua bài thơ dí dỏm.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đại biểu và thông báo dự kiến vào tháng 5 năm nay sẽ có một chương trình nghệ thuật biểu diễn những sáng tác của ông.

Dịp này, Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM thông tin chính thức chuyển giao hồ sơ đảng viên của nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương theo quy định của Điều lệ Đảng.

Nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ dù tuổi cao vẫn tìm kiếm, sưu tầm dân ca và thực hiện những công trình nghiên cứu âm nhạc có giá trị như: Hò trong dân ca người Việt, Hát ru Việt Nam, 300 điệu lý Nam bộ, Biên niên sử âm nhạc…

  • Trang 9 báo Tuổi Trẻ ngày 11/3/2024

Những người “leo dốc” cùng trẻ tự kỷ

Họ là cha mẹ của những đứa trẻ đặc biệt mắc chứng tự kỷ. Họ từng có những năm tháng mệt mỏi và cạn kiệt sức lực, tưởng như rơi xuống đáy tận cùng của cuộc đời, thậm chí từng có những ý định từ bỏ thế giới này để được giải thoát.

Nhưng rồi nhờ những nhân duyên khác nhau, những bà mẹ đặc biệt ấy đã cùng tụ hội lại, bắt tay nhau thực hiện dự án cho các cha mẹ trên hành trình nuôi dạy trẻ tự kỷ.

Leo nui cung tre tu ky

Vượt qua bóng tối để hồi sinh

“Hạnh phúc của mình là được làm mẹ của em bé đặc biệt 11 tuổi và làm cô giáo đặc biệt của hàng trăm em bé đặc biệt khác ở nhiều độ tuổi khác nhau suốt 16 năm qua” – chị Nguyễn Thị Thu Ngân (Hà Nội) tâm sự. Để tự tin có được từ “hạnh phúc” đó, chị đã đi qua cả một hành trình dài từ bóng tối bước ra ánh sáng.

Năm 2005, chị Ngân sinh một bé trai nhưng không may con mắc chứng tự kỷ. Chị Ngân cho biết đó là giai đoạn chị cảm giác như rơi xuống đáy và hôn nhân gia đình có nguy cơ đứng bên bờ vực chia cắt.

“Có rất nhiều sự bất đồng, cảm xúc tiêu cực thường xuyên xuất hiện. Nhất là khi tư duy bố mẹ chồng luôn cho rằng phúc đức tại mẫu, bởi mình ăn ở thế nào nên con mình mới như vậy” – chị Ngân kể.

Nhưng rồi một tai nạn xảy đến cướp đi của chị một lúc cả con trai nhỏ và con gái sinh năm 1997. Vợ chồng chị nằm viện hơn hai tháng. Hơn một năm sau, chị Ngân sinh một bé trai khác. Trớ trêu thay, đó cũng lại là một đứa trẻ đặc biệt.

Người mẹ lại tiếp tục cuộc hành trình mới “leo dốc” cùng con, đến nay là 11 năm. Mặc dù việc thực hành ngồi thiền đã giúp chị tìm được cảm giác bình an hơn, song đôi khi ký ức về những tổn thương và day dứt thi thoảng vẫn ập đến. Chị đã đi học thật nhiều, làm việc thật nhiều để có thể trốn chạy.

Cho đến khi chị gặp được chị Cao Tú Trinh – một người mẹ cũng có con tự kỷ và đang là chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần và trị liệu tâm lý dựa trên nền tảng trí tuệ cảm xúc (Emotional Quotient) – thì chị Ngân mới thực sự chấp nhận chính bản thân mình cùng những sai lầm trong quá khứ. “Khi mỗi chúng ta chấp nhận mình được thì sẽ tha thứ cho mình được” – chị Ngân nói.

Hành trình trở thành một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần của chị Cao Tú Trinh (Ninh Thuận) cũng xuất phát từ vị trí của một người mẹ có con trai mắc chứng tự kỷ. Đối mặt với vô vàn thử thách trong cuộc sống khiến chị luôn phải tìm nhiều phương pháp để vượt qua.

Trong quá trình đó, chị Trinh nhận ra rằng cần thấu hiểu bản thân, gia tăng nội lực để cứu mình, giúp người. “Sau nhiều năm kiên trì tìm cách trị liệu cho con, mình nhận ra con chắc chắn không có ngôn ngữ. Lúc đó mình rệu rã, chỉ còn có 38kg” – chị Trinh kể về nhận thức có phần chưa đúng của mình thời điểm đó.

May mắn chị Trinh gặp được cô giáo của mình. Mỗi ngày cô đều dành ra một tiếng đồng hồ để trò chuyện riêng, cho chị những câu hỏi khơi gợi niềm tin, sức mạnh nội tại bên trong. May mắn đã mỉm cười khi con trai chị 7 tuổi bắt đầu biết nói.

“Dù hiện nay con 12 tuổi, nhiều khả năng còn hạn chế, nhưng nhờ bố mẹ tạo ra môi trường bình an nên con đón nhận mọi thứ vui vẻ và dễ dàng hơn, tư duy theo cách con muốn” – chị Trinh nói.

Nơi trẻ tự kỷ được sống là chính mình

Chứng kiến nhiều cha mẹ loay hoay, bế tắc trong việc tìm trường học cho con, cộng với tìm hiểu các mô hình trên thế giới, ông Dương Quang Minh – người sáng lập Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Seroto Foundation và Cộng đồng Dạy con trong hạnh phúc – đã quyết định xây dựng dự án Live Village.

Đây là mô hình một ngôi làng dành cho trẻ tự kỷ 7-18 tuổi. Trẻ cùng nhau học tập, sống vui vẻ và hạnh phúc với thiên nhiên, qua đó hòa nhập xã hội, tham gia lao động với một nghề phù hợp sau 18 tuổi.

“Cha mẹ cần nhìn đứa trẻ của mình là đứa trẻ đặc biệt, công nhận nó bình thường ở suy nghĩ của nó chứ không phải theo suy nghĩ của mình. Live Village ra đời nhằm giúp trẻ tự kỷ được sống là chính mình.

Tại đây, các con được chấp nhận, được sống mỗi ngày trong hạnh phúc, không phải gồng mình lên theo những tiêu chuẩn người lớn đặt cho như những đứa trẻ khác” – ông Minh nói.

Hiện Live Village đặt tại Linh Đàm (Hà Nội) với năm trẻ và ba giáo viên. Cô Đinh Hường, một giáo viên của dự án, cho biết chỉ sau sáu tháng đầu tiên, các con tiến bộ vượt bậc nhờ áp dụng mô hình vừa sống vừa trị liệu thông qua các tình huống thực tế của đời sống.

“Tôi không hy vọng rằng sau này các bạn có thể khỏi hoàn toàn, trở thành một người bình thường. Tôi hy vọng rằng đây chính là nơi để nuôi dưỡng các bạn ấy. Và mỗi ngày các bạn sẽ được sống là chính mình, từng chút, từng chút một, tốt hơn mỗi ngày” – cô Hường chia sẻ.

Anh Hoàng Trung, một phụ huynh, cho biết con anh được học rất nhiều từ môi trường này và hiện cả hai vợ chồng anh đều tham gia dự án. Đều đặn vào thứ tư hằng tuần, anh chủ động lái xe đưa các con cùng giáo viên đi dã ngoại để cân bằng cảm xúc và nhịp điệu sinh hoạt.

“Khi đến đây, tôi làm việc một cách rất là thoải mái bởi vì tôi biết rằng điều đó sẽ mang lại hạnh phúc cho con tôi cũng như con của những phụ huynh khác. Và tôi thấy rằng mô hình này nhỏ gọn, hoàn toàn có thể nhân rộng trên khắp toàn quốc để đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người” – anh Trung bày tỏ.

  • Trang 9 báo Tuổi Trẻ ngày 9/3/2024

Khu du lịch nghìn tỉ ở Huế…đắp chiếu

Khu du lịch Suối Voi (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng với kỳ vọng sẽ biến thắng cảnh dưới chân núi Bạch Mã này trở thành điểm du lịch hút khách.

Thế nhưng sau 7 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư, khu du lịch này vẫn đang còn là một công trường dở dang. Năm 2017, dự án xây dựng khu du lịch Suối Voi được Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cấp chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư – Huế (gọi tắt là Công ty Hoa Lư – Huế) với tổng vốn đầu tư là 1.020 tỉ đồng.

khu dich lich ngan ti Hue

Dự án kỳ vọng sẽ thêm việc làm cho người địa phương và thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực phía nam tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Ngô Văn Phong, phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết dù dự án được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2017 nhưng do khó khăn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng nên phải đến năm 2021 dự án mới bắt đầu khởi công.

Tiếp theo đó do dịch COVID-19, nhà đầu tư gặp khó khăn, dự án phải tạm dừng thi công. Hiện nay chủ đầu tư chỉ mới triển khai được một vài hạng mục như san nền, xây đường giao thông, hàng rào, nhà bảo vệ… với tổng đầu tư khoảng 154 tỉ đồng.

Ông Phong cũng cho biết do Công ty Hoa Lư – Huế chậm triển khai dự án theo đúng tiến độ nên đã từng bị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh xử phạt 70 triệu đồng. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa dự án này vào danh sách các dự án chậm tiến độ, được tỉnh giám sát đặc biệt.

“Chúng tôi đã đôn đốc, cùng công ty tháo gỡ những vướng mắc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xác định năng lực thực hiện dự án của công ty này. Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ, tỉnh sẽ tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng, thu hồi dự án theo pháp luật”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nói rằng dự án xây dựng khu du lịch Suối Voi là dự án chậm tiến độ từ lâu nay, gây bức xúc cho người dân địa phương. UBND huyện Phú Lộc và Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh sớm làm việc với nhà đầu tư để “dứt điểm” dự án này, tránh để tình trạng hoang hóa kéo dài.

Nhật Linh

  • Trang 17 báo Tuổi Trẻ ngày 12/3/2024

Đạo diễn Việt Linh “ăn nỗi đau”

Đọc Kẻo tro bay mất của Việt Linh, thoáng cười vì qua những trang viết của chị, đời đẹp quá và đẹp hơn ta biết.

dao dien Viet Linh 1

Gấp sách lại, lòng cứ luẩn quẩn đoản văn Ăn nỗi đau.

Đạo diễn Việt Linh lấy chất liệu từ một câu chuyện có thật trên báo Le Monde kể về người mẹ của kẻ sát nhân – từng gây ra án mạng rúng động dư luận – đến xin lỗi gia đình nạn nhân.

Do tiếng Pháp có hạn, bà nói với các nhà báo: “Tôi muốn ăn nỗi đau đớn của họ” (je veux manger leur douleur).

Với người khác, đó có thể là một chi tiết nhỏ; nhưng với Việt Linh, người mẹ đó đã nói ra một từ “thích đáng cho tâm trạng đau đớn”.

Chị viết “đời vẫn đẹp khi ta còn cảm giác muốn ăn nỗi đau của người khác”.

Trong Kẻo tro bay mất, có nhiều khoảnh khắc nhỏ, mỏng tang, có khi “trớt quớt”, chẳng ai để ý thì tác giả đều muốn nâng niu “hết sẩy”.

Như lời nói đầu, Việt Linh viết những con chữ “dĩ nhiên không đủ lực để xoay đời nhân thế” nhưng nó sẽ “lặng lẽ đi cùng độc giả”.

Có khi là chuyện hai chiếc áo kỳ cục trong đời một ông lão; chuyện bà già bán trái cây la mấy con chuột “chạy đi tụi con” khi có người đổ nước sôi xuống cống.

Có lúc là chuyện cô gái tha hương, sau 24 ngày làm dâu xứ người thì thiệt mạng…

Tác giả lấy chất liệu từ những chuyện xung quanh lẫn đọc trên báo, chuyện đó chuyện đây, năm này năm nọ nhưng đều là chuyện đời, chuyện người thấm thía. Văn Việt Linh kiệm lời, nhưng tình nồng và ấm.

Việt Linh cũng dành nhiều trang viết cho “ga xép” điện ảnh mà chị tôn thờ. Đi cùng đó là các bình luận, suy ngẫm, thể hiện góc nhìn sắc sảo và rộng mở của chị trước những hiện tượng “cười ra nước mắt”, “chữ có khi là than”… trong đời sống.

dao dien Viet Linh 2

Kẻo tro bay mất dày hơn 300 trang, mỗi bài viết chừng vài ba trăm chữ, thậm chí ít hơn, trong đó có một phần nội dung từng xuất hiện trong cuốn Năm phút với ga xép (2014), giờ được tuyển lại.

Giọng điệu trần thuật nhàn tản, tự nhiên, có khi tâm tình, có khi khách quan và lạnh.

Có điều, khi gạt hết vỏ chữ sang một bên, lại thấy thăm thẳm một cái tôi thâm trầm, điềm tĩnh, nhìn đời như giọt nước trong. Ở đó, những câu chuyện nhỏ lẻ mẻ, vụn vặt lại có một sức mạnh lớn.

Việt Linh ham quan sát, ham nghĩ và ham cả ghi lại cho nhớ, ghi lại trước khi nó biến thành tro bay mất.

Nhưng khác phim ảnh hay sân khấu, chị không cố ý “nhòm” cuộc sống, mà để cuộc sống “ghim” vào trí. Từ đó viết ra những cảm xúc thôi thúc nhất, tâm sự với tha nhân, với chính mình. Nhiều lúc bản thân tác giả cũng cảm thấy bị… hành xác vì nhạy cảm.

Đậu Dung

  • Trang 16 báo Tuổi Trẻ ngày 12/3/2024

Áo dài thành di sản được không?

Công nhận áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến của nhân loại là mong mỏi của những người yêu áo dài.

Ao dai thanh di san duoc khong

Năm 2024 đánh đấu chặng đường 10 năm Lễ hội áo dài TP.HCM. Người dân hưởng ứng các hoạt động của lễ hội ngày càng đông như minh chứng sức lan tỏa và tình yêu của người dân dành cho áo dài.

Lễ hội áo dài TP.HCM năm 2024 có chủ đề Tôi yêu áo dài Việt Nam, diễn ra từ ngày 7 đến 17-3. Đồng hành cùng lễ hội năm nay có hơn 50 nhà thiết kế áo dài cùng các đại sứ lễ hội.

Bảo tồn, gìn giữ nét đẹp áo dài

Ông Nguyễn Văn Dũng – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết thành công của Lễ hội áo dài TP.HCM 10 năm qua là kết quả của sự kiên trì, bền bỉ, không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo của các ban ngành, đơn vị, cá nhân.

Ông đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Ngoại vụ, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM và ban tổ chức Lễ hội áo dài TP.HCM tiếp tục phát huy, có nhiều ý tưởng sáng tạo, hấp dẫn hơn nữa trong chặng đường dài tiếp theo.

Nhìn lại 10 năm, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – cảm thấy xúc động vì đón nhận được tình yêu thương của các cấp, các giới, trong đó có nhà thiết kế, đại sứ hình ảnh, đặc biệt là các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam…

Lễ hội áo dài TP.HCM góp phần trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa. Đây là động lực, cũng là chủ đề chúng tôi mong muốn thực hiện những mùa sau. Hơn hết, áo dài đã đi vào đời sống một cách tự nhiên nhất, ngày càng gần gũi, thân thuộc” – bà Ánh Hoa nói với Tuổi Trẻ.

Năm sau, Lễ hội áo dài TP.HCM sẽ tri ân những đóng góp của cộng đồng dành cho sự phát triển của thành phố, sẽ có những màn trình diễn áo dài dành cho các chị công nhân, lao công, những người bán hàng, tiểu thương ở các chợ… Bởi lẽ, tất cả những đóng góp thầm lặng đều xứng đáng được tôn vinh.

“Từ năm thứ 11, chúng tôi sẽ phối hợp để làm sao áo dài lan tỏa nhiều hơn ở nước ngoài. Không chỉ đến TP.HCM mùa lễ hội hay dịp Tết mới thấy áo dài, mà áo dài hiện diện mọi lúc mọi nơi. Thấy áo dài là biết Việt Nam.

Đó là chặng đường đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo. Tuy nhiên chúng tôi có niềm tin sẽ thực hiện được bởi sự đồng lòng, chung sức” – bà Ánh Hoa chia sẻ.

Mong mỏi sớm là di sản

Những hoạt động, chương trình liên quan tới áo dài được xem là minh chứng sinh động, thiết thực để lập hồ sơ đề xuất áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến là của nhân loại.

Lễ hội áo dài TP.HCM ra đời, duy trì, kéo dài đến nay 10 năm, chắc chắn sẽ tồn tại và trở thành hoạt động truyền thống của TP.HCM, là niềm tự hào của TP mang tên Bác.

 Lê Tú Cẩm – chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM – đánh giá Lễ hội áo dài TP.HCM bước sang năm thứ 10 hoạt động phong phú hơn, đặc biệt có chiều sâu.

Chiều sâu ở đây là các nhà thiết kế giới thiệu nhiều bộ sưu tập áo dài truyền thống.

“Áo dài không phải một loại trang phục khó mặc, vướng víu hay khiến người mặc không năng động.

Nhưng sẽ cần có những tiêu chí cụ thể mô tả chiếc áo dài như: tà như thế nào mới là áo dài, áo dài phải mặc cùng quần hai ống, áo dài phải có tay, còn phần cổ tùy ý thích (cao, thấp, thậm chí rộng cho thoải mái, phù hợp với khí hậu Việt Nam).

Tôi mong Nhà nước sớm công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, tiến tới công nhận của nhân loại” – bà Lê Tú Cẩm nói với Tuổi Trẻ.

Còn theo bà Ánh Hoa, để trở thành di sản văn hóa phi vật thể thì áo dài phải trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân.

“Ban tổ chức Lễ hội áo dài TP.HCM mong muốn lan tỏa tinh thần, nét đẹp đó” – bà Hoa nhấn mạnh.

Hoài Phương

  • Trang 15 báo Tuổi Trẻ ngày 14/3/2024

Thảo cầm viên là ký ức đẹp của người Sài Gòn

Đối với nhà văn Gia Bảo, Thảo cầm viên là nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm đặc biệt từ thời thơ ấu. Đối với người Sài Gòn, có lẽ ai cũng từng một lần đi Thảo cầm viên.

Thao cam vien sai gon 1

Sáng 13-3, tại Vườn sách Thảo cầm viên Sài Gòn đã diễn ra sự kiện ra mắt sách Thảo cầm viên Sài Gòn – Kho báu trong lòng thành phố và bộ sáchThiên nhiên kỳ thú do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Các tác phẩm ra đời đúng dịp kỷ niệm 160 năm thành lập Thảo cầm viên Sài Gòn nhằm đem đến cho bạn đọc những kiến thức hấp dẫn về động thực vật và vườn thú có lịch sử lâu đời ở TP.HCM.

Những câu chuyện dễ thương của muôn loài

Bộ sách Thiên nhiên kỳ thú được viết bởi các tác giả là nhà báo, nhà văn có nhiều năm viết sách cho thiếu nhi và người lớn như: Gia Bảo, Huy Sơn, Phương Huyền, Bùi Tiểu Quyên…

Các tác giả mang đến những câu chuyện sinh động về các loài vật đang sinh sống trong Thảo cầm viên Sài Gòn như: sếu, hà mã, sóc, trĩ sao, cừu, rái cá, voọc chà vá chân nâu…

Mỗi con vật được kể với những câu chuyện riêng bằng giọng điệu dễ thương, nhí nhảnh, cùng những hình ảnh minh họa chân thực, kèm theo thông tin khoa học.

Thao cam vien sai gon 2

Tác giả Gia Bảo kể rằng với cô, cô thường đến Thảo cầm viên khi còn là học sinh. Đây là nơi diễn ra biết bao câu chuyện của tuổi thơ với nhiều ký ức đẹp.

Đó là lý do để cô đồng hành cùng dự án viết sách về các loài vật trong Thảo cầm viên.

Bên cạnh đó, khi đi tham quan, tiếp xúc với những người trực tiếp nuôi những con thú, nhà văn Gia Bảo và các tác giả đã phát hiện ra những dữ kiện khoa học rất thú vị.

Ví dụ như loài hà mã không hề biết bơi. Và mặc dù nặng ký nhưng khi ở dưới nước, chúng tựa như một người vũ công.

“Khi nó nhún nhảy thì sẽ di chuyển một cách điệu đàng. Đó là lý do mà mình nghĩ ra tựa sách là: Vũ công của đầm lầy ngọc ngà” – cô kể.

Còn với nhà văn Phương Huyền, cô muốn mượn hình ảnh những con vật để gửi đến các em nhỏ thông điệp về sự tự tin, mạnh mẽ theo đuổi ước mơ và nhận ra được giá trị của mình trong cuộc sống.

Nhà văn trẻ Bùi Tiểu Quyên cũng có 3 tựa sách viết về gấu, sói, rái cá của Thảo cầm viên.

Cô nói: “Tôi muốn gieo vào lòng những đứa bé hạt mầm của sự yêu thương. Các em sẽ là thế hệ góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường sống cho các loài, đặc biệt là các cá thể quý hiếm, được đưa vào Sách đỏ”.

Kho báu quý giá trong lòng thành phố

Trong buổi họp báo, có nhiều ý kiến cho rằng Thảo cầm viên (mà nhiều người Sài Gòn trước đây vẫn dùng cái tên đơn giản là Sở thú) đích thực là một kho báu giữa lòng TP.HCM.

Bởi giữa thành phố đông đúc, nơi đây như một cánh rừng nhỏ xanh tươi, là chốn bình yên của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nơi những loài động vật luôn được chăm sóc, yêu thương, bảo vệ.

Hai tác giả Mai Chi và Kan Nguyễn thực hiện phần nội dung và hình ảnh cho cuốn Thảo cầm viên Sài Gòn – Kho báu trong lòng thành phố. 

Các tác giả chia sẻ rằng trong quá trình đi thực tế tại Thảo cầm viên để tìm tư liệu viết sách, họ vô cùng xúc động khi chứng kiến các nhân viên chăm sóc những con thú mới sinh.

Tác giả Mai Chi chia sẻ: “Họ thực hiện công tác cứu hộ và tái thả để bảo tồn các loài vật quý hiếm.

Với họ, đó không chỉ là trách nhiệm đơn thuần mà còn là tình cảm thật sự với các ’em thú’ ở đây”.

Không chỉ hướng tới các em thiếu nhi, quyển sách Thảo cầm viên Sài Gòn – Kho báu trong lòng thành phố còn dành cho người lớn, những ai muốn biết thêm về thông tin của hơn 1.000 loài đang sinh sống và phát triển từng ngày ở Thảo cầm viên Sài Gòn.

  • Trang 16 báo Tuổi Trẻ ngày 10/3/2024

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh, HBSO, mang xã hội và…vợ

‘Nghệ sĩ Ý vừa đến đã được chiêu đãi đặc sản của Sài Gòn rồi. Nóng quá đi mất!’ – sau lời than nửa đùa nửa thật của nhạc trưởng Trần Nhật Minh, cả dàn nhạc đều cười rộ.

Những buổi tập luyện chuẩn bị concert của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) luôn hào hứng như vậy.

Nhac Truong Tran Nhat Minh 1

Đêm concert Famous Italian Arias của HBSO tối 9-3 tại Nhà hát TP.HCM với gần hai giờ bùng nổ cảm xúc là phần nổi của tảng băng, đánh đổi bằng những buổi tập luyện miệt mài của nghệ sĩ và dàn nhạc.

Chỉ huy sẽ chẳng là ai…

Là người thường dàn dựng và chỉ huy cho đêm concert mở màn năm mới, nhạc trưởng Trần Nhật Minh – phó đoàn phụ trách chuyên môn HBSO – luôn thích cảm hứng vui vẻ, trẻ trung khi làm việc, nhưng cũng không kém nghiêm túc, chỉn chu.

Anh dành phần đầu concert để tôn vinh âm nhạc của Giacomo Puccini, cây đại thụ opera nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông.

Phần hai đêm nhạc là các aria nổi tiếng khác của Ý, với những kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện và âm nhạc sâu lắng, giàu tình cảm.

Nhac Truong Tran Nhat Minh 2

Trước đêm diễn, HBSO đón nhận hai tin vui. Nghệ sĩ violin Tăng Thành Nam và giọng soprano Phạm Khánh Ngọc nhận danh hiệu NSƯT. Nhận quyết định đêm trước, hôm sau cả hai bay về TP.HCM để tiếp tục tập cùng dàn nhạc.

“Nghệ sĩ trong dàn nhạc khá thiệt thòi vì ít có cuộc thi để tỏa sáng và được ghi nhận như các nghệ sĩ solo khác.

Nên danh hiệu của anh Nam và Ngọc là thành quả rất xứng đáng, cũng là sự động viên lớn cho các nghệ sĩ trẻ trong đoàn”, Trần Nhật Minh chia sẻ niềm vui cùng hai người bạn.

Concert dịp này còn có giọng nữ cao nổi tiếng người Ý Silvia Cafiero.

Cô hòa nhập rất nhanh cùng dàn nhạc và nhạc trưởng. Trần Nhật Minh cũng không quên “flex” nhẹ: “Đúng là đẳng cấp chuyên nghiệp của các nghệ sĩ quốc tế, chỉ một buổi tập đã ráp diễn tốt.

Dàn nhạc cũng chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay lập tức tìm được tiếng nói chung. HBSO đã đủ khả năng để làm việc với nhiều nghệ sĩ tầm vóc quốc tế và luôn sẵn sàng với những thử thách khó hơn nữa!”.

Theo Trần Nhật Minh, hiện tại có rất nhiều cuộc biểu diễn âm nhạc cổ điển được quan tâm với đối tượng khán giả ngày càng đa màu sắc, từ giới yêu nghệ thuật, doanh nhân đến sinh viên…

Các nghệ sĩ trong dàn nhạc cũng bận rộn với nhiều show diễn hơn. Đời sống âm nhạc của thành phố ngày càng nhộn nhịp, mở rộng và phong phú.

Với riêng anh, năm 2024 mang đến nhiều tín hiệu vui cả về gia đình, công việc và những lĩnh vực khác đóng góp cho xã hội.

Có lẽ đến lúc những điều Minh vun trồng đã bắt đầu nở hoa và dần thấy được thành quả. Minh được quan tâm hơn, nhận nhiều đề nghị tham gia những dự án mà anh được đặt vào đúng chỗ hơn so với trước.

“Đó là nỗ lực của cả tập thể. Chỉ huy sẽ chẳng là ai nếu không có dàn nhạc. Minh hạnh phúc khi có nhiều cộng sự, dàn nhạc đồng hành với mình”, Trần Nhật Minh chia sẻ.

Thuộc một tổng phổ thú vị hơn lướt mạng

Luôn mở lòng, nhiệt tình chia sẻ về công việc và đam mê, nhưng Trần Nhật Minh lại rất kín tiếng về đời tư.

Anh chọn đứng ngoài luồng quan tâm dư luận dành cho cuộc hôn nhân đình đám của anh cùng siêu mẫu Thanh Hằng cuối năm 2023, chỉ bộc bạch mình rất hạnh phúc khi bước vào cuộc sống mới với người bạn đời luôn đồng hành và chia sẻ.

Hỏi Trần Nhật Minh trước và sau hôn nhân có gì thay đổi, anh bảo thời gian cưới chưa đủ lâu, hiện tại chỉ biết đầy hứng khởi. Minh ngày càng bận rộn hơn.

Ngoài công tác ở HBSO, anh còn nhiều dự án, chương trình lớn cùng nhiều đơn vị khác, cộng tác chặt chẽ hơn với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng trẻ của học viện (VNAMYO) vừa thành lập năm 2023.

Ngay sau concert tối 9-3 tại TP.HCM, Trần Nhật Minh lại bay ra Hà Nội để chuẩn bị cho chương trình lớn đầu tháng 4 tới.

Anh sẽ chỉ huy một phần concert của VNAMYO kết hợp cùng Dàn nhạc giao hưởng Trẻ thế giới – World Youth Orchestra lần đầu đến Việt Nam, quy tụ 45 nghệ sĩ trẻ quốc tế và 21 nghệ sĩ Việt Nam cùng tham gia.

“Đó là sự kiện khá xúc động và chưa từng diễn ra trước đó, nên Minh rất vui được tham gia.

Tất nhiên sẽ bay đi bay vào vì còn việc và gia đình ở Sài Gòn. Đi luôn là… vợ không cho về nữa đâu!”, Trần Nhật Minh cười xòa.

Nhạc trưởng cũng tiết lộ mình từng dùng mạng xã hội nhưng đã bỏ, vì sợ bị cuốn.

Anh ví mình như một ổ cứng có giới hạn, chỉ dành không gian cho những gì thật quan tâm hoặc đọc sách.

Minh cũng ngừng chơi game từ nhỏ vì biết chơi là sẽ mê, chẳng làm được gì.

“Minh thấy ổn khi không có mạng xã hội, có thể sau này sẽ cần nhưng hiện tại thì không. Mình “nhát gan” nên sẽ không bơi ra nơi nhiều sóng gió dư luận và thông tin quá.

Mỗi lần làm dự án, mình có biết bao nhiêu thông tin, bài vở, tổng phổ cần nhớ… Thuộc một tổng phổ, một bài opera với Minh thú vị hơn là lướt mạng xã hội!”, Trần Nhật Minh tủm tỉm.

  • Trang 8 báo Tuổi Trẻ ngày 13/3/2024

Phạt gần 1 tỉ đồng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Cố tình sang vùng biển nước ngoài đánh bắt, một tàu cá của tỉnh Cà Mau đã bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỉ đồng.

Ngày 12-3, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết chủ tịch UBND tỉnh này vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính một chủ tàu cá đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài, với số tiền 917,5 triệu đồng.

tau ca vi pham vung bien nuoc ngoai

Đó là tàu cá CM 06051-TS, hành nghề câu mực của ông V. (31 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), xuất bến ra biển hoạt động vào ngày 30-11-2023.

Khi ra biển hoạt động, ông V. giao tàu cho một ngư dân trên tàu làm thuyền trưởng và ông trở vào bờ (ngư dân này không có bằng, chứng chỉ thuyền trưởng).

Do hoạt động khai thác kém hiệu quả, ngày 15-12-2023, thuyền trưởng gọi điện hỏi ý kiến về việc sẽ sang vùng biển Thái Lan khai thác trộm hải sản và được ông V. đồng ý.

Sau đó, tàu cá đã bị lực lượng Hải quân Vùng 2 và Hải quân Hoàng gia Thái Lan kiểm tra, bắt giữ (hiện đang chờ ngày xét xử).

Qua làm việc với các cơ quan chức năng, ông V. thừa nhận là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của tàu cá và đã có hành vi chỉ đạo đưa tàu cá sang vùng biển Thái Lan khai thác thủy sản trái phép, vi phạm pháp luật.

Cơ quan chức năng xác định tàu cá của ông V. vi phạm pháp luật với hai hành vi: Khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia khác mà không có giấy phép; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản tại vùng khơi.

Thanh Huyền

  • Trang 3 báo Tuổi Trẻ ngày 11/3/2024

Tiếp tục phát huy tổ công tác 363 như “quả đấm thép” đấu tranh tội phạm đường phố

Đây là một trong những giải pháp phòng tội phạm mà Công an TP.HCM nêu ra tại chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời sáng 10-3, với chủ đề Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – Phát huy sức mạnh của nhân dân.

Các vụ trọng án khiến người dân hoang mang

to cong tac 363 qua dam thep

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Văn Dũng (huyện Hóc Môn) cho rằng thời gian qua có nhiều vụ trọng án xảy ra trên cả nước gây hoang mang trong người dân, Công an TP.HCM có giải pháp gì để ngăn chặn những vụ trọng án?

Trung tá Đới Ngọc Thắng – phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM – cho biết thời gian qua, trên địa bàn TP cũng xảy ra các vụ trọng án như tại huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức. Khi phát hiện vụ việc, lực lượng công an đã khẩn trương truy xét, truy bắt nhanh các đối tượng. Tỉ lệ khám phá án là 100%.

Theo ông Thắng, Công an TP.HCM đã tham mưu, triển khai nhiều kế hoạch để trấn áp các loại tội phạm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, không để hình thành các địa bàn, điểm nóng về hình sự, tệ nạn xã hội; phát huy các tổ tuần tra, giám sát như tổ công tác 363 để giải quyết những vụ việc khi mới phát sinh.

Lực lượng công an cũng thường xuyên gọi hỏi, răn đe những đối tượng như thanh thiếu niên hư, người có tiền án tiền sự, những người có khả năng nguy cơ phạm tội.

Ngoài ra, Công an TP cũng phối hợp nâng cao phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và nhiều mô hình khác.

Tiếp tục phát huy tổ công tác 363

Nói về hiệu quả của tổ công tác 363 sau một năm hoạt động, thượng tá Lê Mạnh Hà – phó Phòng tham mưu, Công an TP.HCM – cho rằng lực lượng này ra đời nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm đường phố, tội phạm ma túy, vũ khí, hàng cấm, hàng nhập lậu…

Sau một năm hoạt động, lực lượng này đã phát hiện trên 26.800 đối tượng vi phạm, bàn giao cho công an địa phương xử lý. Công an TP sẽ tiếp tục phát huy lực lượng này như “quả đấm thép trong đấu tranh tội phạm đường phố”.

Thông tin về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ông Phạm Minh Tuấn – phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM – đánh giá sau 10 năm triển khai, phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, cá nhân, đơn vị.

Qua đó, người dân cũng tích cực tố giác tội phạm với trên 120.000 tin có giá trị, giúp ngành chức năng làm rõ hơn 35.000 vụ việc. Người dân cũng trực tiếp bắt 6.800 đối tượng phạm tội quả tang. Ban chỉ đạo của TP về phong trào sẽ tiếp tục các giải pháp để huy động sức mạnh của hệ thống chính trị cùng người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở.

 

Blog tại WordPress.com.