Pham Ton’s Blog

Tháng Một 18, 2024

Tiếng ta hay lắm

Filed under: Báo — phamquynh @ 2:26 chiều

Blog PhamTon năm thứ mười lăm, kỳ 1 tháng 2 năm 2024

TIẾNG TA HAY LẮM

Phạm Quỳnh

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là phần đầu và phần cuối chúng tôi trích trong bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh tại Hội Trí Tri (Hà Nội) ngày thứ năm 21 tháng 4 năm 1921. Đầu đề phần trích này là của chúng tôi.

*

*        *

Mới đây tôi có tiếp một cụ linh mục người quí quốc (chỉ nước Pháp – PT chú), cụ là người rất am hiểu tiếng ta mà lại thông cả chữ Hán nữa. Nhân bàn về văn quốc ngữ, tôi có phàn nàn với cụ rằng có nhiều người Đại Pháp không chịu công nhận tiếng An Nam, lại có ý phản đối, cho tiếng An Nam là không đủ dùng ở đời này, không sớm thời muộn, tất có ngày tự nhiên phải tiêu diệt đi và sẽ bị tiếng Pháp thế vào. Cụ đáp lại rằng: “Những người nói thế là xét lầm. Văn quốc ngữ ngày nay đương tấn tới, rồi cũng có ngày thành văn chương hay được. NgPham Quynh_Treười ta cứ chê rằng văn quốc ngữ phải mượn nhiều chữ Tàu, nhưng không hiểu rằng tiếng An Nam đối với chữ Hán thật là thuộc vào một cảnh ngộ  riêng, tưởng trong thế giới không có tiếng nước nào giống như thế. Chữ nho mà đem dùng sang văn quốc ngữ là thiện thị thành tiếng An Nam rồi. Ông có mượn chữ nước người, nhưng ông đọc theo giọng ông, ông lại đặt vào giữa một câu tiếng An Nam, thời chữ ấy là hóa theo An Nam rồi, còn gì là Tàu nữa. Đó là một sự rất tiện lợi cho cái quốc văn mới của các ông, vì tiếng các ông nhờ mượn chữ Tàu mỗi ngày một giàu thêm ra, mà mượn chữ Tàu thời mượn bao nhiêu cũng có thể tiêu hóa được. Không kể ngày nay nhiều người học tiếng Tây, một đôi khi cũng có thể mượn thêm chữ Tây nữa. Như vậy thời văn quốc ngữ không bao lâu sẽ thành một nền quốc văn xứng đáng…”

Tôi bình sinh chỉ có một chút nhiệt thành, là nhiệt thành với chữ quốc ngữ, hết sức trông mong về cái vận mệnh quốc văn ta sau này, thường nghe thiên hạ bình về văn quốc ngữ, người khen người thời hởi dạ, người chê thời đau lòng, dường như có quan hệ đến công phu bấy lâu nay, sự nghiệp của một đời. Vậy nghe lời cụ linh mục là người đã nghiên cứu về tiếng ta và chữ nho thâm lắm, phán đoán mấy câu như thế, thật lấy làm vui lòng. Như thế thời  quốc văn ta có cơ thành lập được, không đến nỗi bị tiêu diệt như người ta nói. Mà nghĩ cho kỹ, tiêu diệt làm sao được? Nước ta với nước Tàu là đồng chủng đồng văn, người Tàu cai trị ta trong hơn ngàn năm, văn hóa Tàu ta đổi theo, phong tục Tàu ta bắt chước, dạy tiếng ta ta nói, ta không nói tiếng Tàu; huống ngày nay Đại Pháp sang bảo hộ là lấy cái chính khoan dung đại độ mà mở mang gây dựng cho ta, hà tằng lại có bụng muốn vùi rập phá hoại cái quốc túy của ta: không có lẽ đâu như thế. Đương khi ta còn tùy tâm về Hán học, đương khi những hàng thượng lưu trong nước còn mải miết về chữ nho, nung kinh nấu sử câu phù câu thì, thời trong dân gian những kẻ làm ruộng hái dâu, cùng là đàn bà con trẻ, nói năng với nhau bằng gì, lấy gì mà dạy bảo khuyên răn lẫn nhau, lấy gì mà truyền cho nhau cái tâm thuật làm người, những mánh khóe ở đời, những điều kinh nghiệm về việc làm ăn, những sự từng trải trong việc giao tế? Lại những khi nhớ hão thương thầm, mối tình lai láng, thời lấy gì mà giãi tỏ chút cảm thương, lòng tưởng nhớ? Con trai con gái, đời nào nước nào cũng biết dùng lời hát giọng thơ mà tỏ cái lòng ham muốn cho nhau biết, vậy mà trừ những bậc khuê môn đài các có thể lấy văn chương mà tự tỉ mình như Tư mã Văn quân, còn những kẻ tầm thường vô học thời biết lấy gì mà bày tỏ nỗi lòng? Há chẳng phải là cái tiếng quốc âm rất quí báu của ta rư? Há chẳng phải là những lời tục ngữ câu ca dao, ta thường nghe thấy trong dân gian, mà dẫu người học thức lắm khi cũng phải chịu là hay, cũng không từ dùng đến? Há chẳng phải là cái văn chương truyền khẩu kia, mẹ dạy cho con từ khi bú mớm, chồng nói với vợ những lúc đêm khuya, trai gái ngâm vịnh với nhau những ngày hội hè vui vẻ hay là dưới bóng nguyệt tờ mờ? Mà cái văn chương truyền khẩu ấy, tuy chỉ xuất bản ở miệng người tuy không có sách nào biên chép, mà tôi dám quyết là một cái văn chương rất phong phú, tưởng không có nước nào có một cái văn chương truyền khẩu giàu như nước ta. Mà cái văn chương nôm na mách qué, song thật có ý vị vô cùng, có thể nói bao nhiêu luân lý, học thức, mỹ thuật, văn từ, phổ thông trong dân gian là bao gồm chung đúc cả ở đấy.

Cói đó thời biết giữa khi cái thế lực của Hán học còn đương lấn khắp hết cả, những người tri thức trong nước không ai chịu luyện tập đến tiếng Nôm mà tiếng Nôm còn sinh hoạt được mạnh như thế; huống bây giờ quốc dân đã biết hồi tỉnh lại mà quý chuộng tiếng nước mình, thời cái quốc âm kia thể sao mà tiêu diệt đi được, không những không tiêu diệt được, mà chắc càng tập luyện càng ngày càng hay mãi ra, sau này cũng thành một nền văn học xứng đáng, chẳng kém gì người. Ngày nay ta chỉ cần gây lấy một thứ tiếng học vấn mà thôi, nghĩa là một thứ tiếng để diễn dịch các học thuật tư tưởng mới, dùng làm cái lợi khí để truyền bá văn minh Thái Tây trong quốc dân; còn cái tiếng thông thường nhật dụng thời ta đã có rồi, đã có đủ dùng rồi. Thứ tiếng thông thường ấy chính là những tục ngữ ca dao của ta đó.

(…)

Tiếng quốc âm ta phong phú là dường nào, và cái văn chương truyền khẩu của ta thanh thú biết bao nhiêu. Tiếng An Nam ta hay lắm, các ngài ạ. Người ngoại quốc cũng phải khen là một thứ tiếng êm như ru, vui như hát, mỗi vần đánh ra năm dấu, đọc thành sáu giọng khác nhau, như trong cung đàn vậy, tưởng không có mấy thứ tiếng hòa bình êm ái bằng tiếng ta. Vậy thời bọn ta phải nên trân trọng lấy cái quốc âm quí báu ấy, ra công tập luyện trau dồi cho mỗi ngày một hay một đẹp hơn lên. Dù ta học chữ Tây hay học chữ Tàu, ta cũng chớ nên quên bỏ tiếng tổ quốc, là cái tiếng từ khi lọt lòng ra đã học nói, và đến khi hấp hối chết cũng còn nói. Ta nên nhớ lấy câu ca dao của nước nhà:

Ta về ta tắm ao ta,

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn !

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương lấy cùng.

P.Q.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.