Pham Ton’s Blog

Tháng Mười Hai 31, 2023

Từ thành nhà Hồ, nghĩ về Tạp chí Nam Phong và Thượng Chi – Phạm Quỳnh

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 1:49 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười lăm, kỳ 2 tháng 1 năm 2024.

TỪ THÀNH NHÀ HỒ,

NGHĨ VỀ TẠP CHÍ NAM PHONG VÀ THƯỢNG CHI – PHẠM QUỲNH

Phạm Tôn

Trang 5 báo Nhân Dân ra ngày 19/11/2012 có bài của Nguyên Anh Bức tranh khắc họa thành công chân dung một danh nhân lịch sử.

Phần mở đầu, viết: “Triều đại nhà Hồ tồn tại cách đây hơn sáu thế kỷ đã để lại dấu ấn khá đậm nét trong một giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc, trong đó Hồ Quý Ly là một nhân vật được đặc biệt quan tâm nghiên cứu. Cuộc đời và con người ông cũng là đối tượng sáng tác của văn học, nghệ thuật sân khấu và hội họa với các góc cạnh khai thác, thể hiện nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.

Nhìn lại những tác phẩm nghiên cứu và sáng tác về Hồ Quý Ly đều có chung một khẳng định, ông là một người yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm quyết liệt để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Hồ Quý Ly cũng là người mang tư tưởng cách tân với những hành động thực tế khá táo bạo nhằm đổi mới, đưa đất nước phát triển trong bối cảnh xã hội nước ta lúc đó đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Bi kịch lịch sử của Hồ Quý Ly đến nay đã phần nào sáng tỏ qua nhiều nghiên cứu để từ đó hậu thế có thể nhìn rõ hơn và ghi nhận tầm vóc tư tưởng cải cách của ông cùng những đóng góp lịch sử văn hóa của thời đại ông đã tạo dựng nên, trong đó có Thành Nhà Hồ, một công trình kiến trúc độc đáo đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Nghiên cứu nhân vật Hồ Quý Ly từ nhiều góc độ tiếp cận trong suốt bảy năm qua, họa sĩ Hoàng Hoa Mai đã dày công thực hiện nhiều bức tranh chân dung về nhân vật lịch sử này. (…) mong muốn thể hiện hình tượng Hoàng đế Hồ Quý Ly với những nét khắc họa ấn tượng về tính cách, dáng vóc, dung quang phù hợp với cuộc đời và sự nghiệp đầy bi kịch của ông trong giai đoạn lịch sử biến động cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15.”

Trong bài Thành nhà Hồ, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã viết”

“Thành nhà Hồ là một kinh thành tuy thời gian tồn tại không dài nhưng có nhiều đặc điểm và giá trị văn hóa độc đáo không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Thành bắt đầu xây dựng vào mùa xuân tháng Giêng năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ 10 đời vua Thuận Tông của vương triều Trần. Người quyết định chủ trương xây dựng là Hồ Quý Ly, lúc bấy giờ giữ chức Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, cương vị Tể tướng, nắm giữ mọi quyền lực của triều đình. (…) Hồ Quý Ly xây thành mới ở động An Tôn (nay thuộc địa phận các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), làm kinh đô mới với tên Tây Đô, nhằm buộc triều Trần dời đô vào đấy trong mục tiêu chuẩn bị phế bỏ vương triều Trần. Tháng 3 năm Canh Thân (26-3 đến 24-4-1400), vương triều Hồ thành lập (1400- 1407) và Tây Đô là kinh thành của vương triều mới, thành Thăng Long đổi tên là Đông Đô vẫn giữ vai trò quan trọng của đất nước. Vì vậy thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành nhà Hồ.

Hổ Quý Ly từ khi nắm quyền lực của triều Trần cho đến khi sáng lập vương triều mới đã ban hành và thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng của chế độ quân chủ cuối triều Trần, củng cố chính quyền trung ương và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh. Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn với một hệ thống chính sách và biện pháp khá toàn diện, táo bạo. Thành nhà Hồ được xây dựng và tồn tại trong những biến động cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, gắn liền với sự nghiệp của nhà cải cách lớn Hồ Quý Ly và vương triều Hồ.

Thanh nha ho

Theo chính sử, thành được xây dựng rất khẩn trương, chỉ trong 3 tháng. Đối chiếu với qui mô to lớn của tòa thành thì đây là một đặc điểm quan trọng, có thể là một kỷ lục trong lịch sử kinh thành của Việt Nam. (…) Theo các nhà khảo cổ khối lượng đá xây dựng ước tính trên 25.000m3, khối lượng đất đắp trên 100.000m3. Đó là chưa nói đến hào bao quanh thành cho đến nay vẫn còn có đoạn rộng khoảng 10-20m và La thành bảo vệ vòng ngoài. Theo sử liệu, trên thành còn xây tường bằng gạch mà khảo cổ học đã phát hiện khá nhiều, trên nhiều viên gạch còn khắc tên đơn vị các làng xã được điều động về xây thành. Ngoài ra còn nhiều kiến trúc khác, trong đó đàn Nam Giao xây trên sườn phía Tây Nam núi Đốn Sơn bằng đá qui mô khá lớn.

Thành nhà Hồ là một kiến trúc kinh thành qui mô lớn, đặc biệt Hoàng thành, đàn Nam Giao xây bằng đá rất bền vững và kiên cố. Giá trị độc đáo bậc nhất của Thành nhà Hồ là tòa kinh thành xây bằng đá. (…) Tất cả nói lên một kỳ tích của con người, tài năng tổ chức, điều hành của công trình sư và lao động sáng tạo của các lớp dân phu, thợ thủ công các nghề làm đá, nung gạch ngói, xây dựng và trang trí… Trên lãnh thổ Việt Nam và phương Đông có nhiều kiến trúc bằng đá, nhất là các pháo đài, đền miếu, tượng đài, lăng mộ… nhưng Thành nhà Hồ là kinh đô duy nhất xây dựng chủ yếu bằng đá lớn rất hiếm trên thế giới. (…) gần như tổng thể kiến trúc bằng đá vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”” (Trích trang 3 đến 6 Tạp chí Xưa và Nay số 407 tháng 7 năm 2012).”

Bia Nam Phong

Trong những ngày Thành Nhà Hồ đang được vinh danh quốc tế là Di sản văn hóa thế giới và Nhà nước Việt Nam xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, chúng tôi và không ít người có lòng với văn hóa, văn học, lịch sử nước nhà không khỏi trạnh lòng nghĩ tới Thượng Chi – Phạm Quỳnh và bộ tạp chí Nam Phong đồ sộ, như một bức trường thành chống ngoại xâm về văn hóa và bảo vệ quốc hồn quốc túy của dân tộc.

Hồ Quý Ly xưa nay vẫn bị kết tội là “cướp ngôi nhà Trần”, thậm chí còn là “kẻ phản quốc, đầu hàng giặc một cách nhục nhã”… Mà không phải chỉ có sử phong kiến mới kết tội Hồ Quý Ly, nhà Hồ, và do đó, luôn cả thành nhà Hồ cũng chẳng ai thèm đoái hoài đến.

Mãi đến gần đây, Hồ Quý Ly, nhà Hồ mới được nhìn nhận công bằng hơn.

Tháng 11/2000, Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sau mấy chục năm gác bút, đã cho ra đời tác phẩm đồ sộ Hồ Quý Ly (Nhà xuất bản Phụ Nữ) Tiểu thuyết lịch sử dày đến 834 trang, vậy mà đông đảo người đọc cứ say mê tìm đọc, đọc ngốn đọc ngấu cho đã cơn khát chân lý!

Và đến nay, thì cả nước và cả thế giới đã biết đến và ca ngợi thành Nhà Hồ, một kiến trúc thành đá duy nhất còn tồn tại đến nay, sau hơn 600 năm xây dựng. Đó là vì dù sử viết thế nào thì những cải cách của Hồ Quý Ly vẫn còn in dấu trong sự thật lịch sử. Và dù được công nhận hay không công nhận, nhưng tòa thành đá vẫn sừng sững, “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thách thức gió mưa, động đất, chiến tranh và thách thức cả những kẻ không ưa nhà Hồ, căm ghét Hồ Quý Ly, vì không ai dám phá một tòa thành do nhân dân đã xây trong lòng dân và được dân bảo vệ.

Bon anh Pham Quynh

Cũng như thế, mạng sống con người Phạm Quỳnh đã bị thủ tiêu ngót 70 năm nay, nhưng, những gì ông viết vẫn còn mãi trong lòng nhiều thế hệ người dân Việt có lương tri và thật lòng yêu nước. Tạp chí Nam Phong do ông đồng sáng lập và làm chủ bút phần quốc ngữ từ năm 24 tuổi, rồi chủ nhiệm kiêm chủ bút cho đến năm 1932, sau đó còn viết bài cho tạp chí đến năm 1934, tổng cộng 211 số (kể cả số Tết Mậu Ngọ 1918, là số báo Tết đầu tiên của nước ta). Một số bài viết đến năm 1922 được ông chọn, tập hợp thành bộ Thượng Chi văn tập ngót 1.200 trang, một số bài khác thì in thành sách trong Nam Phong tùng thư do ông làm chủ nhiệm, như Văn học nước Pháp (Đông Kinh ấn quán xuất bản, 1927), Khảo về tiểu thuyết (1929),Lịch sử và học thuyết của Voltaire (1930), L’Idéale du sage dans la philosophie Confuçéenne
(Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng) in song ngữ, 1928…. và bằng Pháp văn như Essais Franco-annamites (1929-1932) 489 trang, xuất bản tại Editions Buy Huy Tin Hué 1937 và Nouveaux essais Franco-annamites, 524 trang, 1938, v.v… Đúng là cả một bức trường thành to lớn, vững chãi.

DVD Nam Phong

Tạp chí Nam Phong ra đời năm 1917 và chấm dứt hoạt động năm 1934 (hai năm cuối, do Nguyễn Tiến Lãng phụ trách) đến nay đã lui vào dĩ vãng, nhiều người muốn tìm đọc mà không có, đành xem các bản trích, bản vi phim, nhưng không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Chỉ những thư viện lớn trên thế giới mới có.

Thành nhà Hồ thì xây dựng bằng đá tảng, còn tạp chí Nam Phong thì làm bằng giấy, dễ bị thời tiết nóng ẩm, rồi mối, mọt hủy hoại. Thật bất hạnh cho văn hóa, lịch sử nước nhà…

Nhưng, may thay, tháng 6 năm 2009 người con trai út của Phạm Quỳnh và vợ đã hợp tác với Viện Việt học California (Hoa Kỳ) để giới thiệu công trình chuyển 211 số báo gồm 35.000 trang chữ từ 1917 đến 1934 vào bộ sáu đĩa DVD- Rom. Trong đĩa 1, có bản dịch ra tiếng Việt luận văn tiến sĩ Sorbonne của Phạm Thị Ngoạn, con gái Phạm Quỳnh là Tìm hiểu tạp chí Nam Phong và còn có cả Mục lục phân tích Tạp chí Nam Phong của Nguyễn Khắc Xuyên. Bộ đĩa do hơn 50 người tình nguyện, phần lớn là người trẻ, đã vất vả hoàn thành trong sáu năm ròng. Gia đình Phạm Quỳnh ở Mỹ và Pháp đã biếu tặng Viện Việt học toàn bộ số tạp chí có chữ ghi chú của Phạm Quỳnh bằng bút chì mà gia đình còn giữ được, vẻn vẹn chỉ 186 số. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhờ Viện Văn học Việt Nam giúp bổ sung số còn thiếu. Về kinh phí 5àm DVD-Rom này, riêng gia đình con trai út Phạm Quỳnh là Phạm Tuân và vợ là Hoàng Hỷ Nguyên đã góp 12.000 đô la, cô Nguyễn Thị Kim Ngân góp 8.500 đô la và một số người quý mến Phạm Quỳnh khác góp số chi phí còn lại.

Như vậy là hiện nay tại các thư viện lớn ở nước ta đều đã có bộ đĩa này do nhạc sĩ Phạm Tuyên gửi tặng. Và bức trường thành tạp chí Nam Phong lại sừng sững đứng ngay trước mắt những ai cần tìm hiểu về một thời và về một con người suốt đời Trung với nước, Hiếu với dân là Thượng Chi Phạm Quỳnh, một con người Việt Nam chân chính.

* Nhà văn Trần Chiến sau khi đọc bài này đã nhắn tin cho Blog pha ton Lịch sử thay đổi dần dần Vinh có đường Hồ Quý Ly rồi.

* Trong bài có sử dụng tư liệu từ một bài của Phan Thanh Tâm( Hoa Kỳ)

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/11/2012.

P.T.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.