Pham Ton’s Blog

Tháng Bảy 23, 2009

Trần Huy Liệu, Cuộc phiêu lưu tình cảm cuối cùng và sâu sắc nhất

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:40 chiều

Blog PhamTon, tuần thứ 4 tháng 7 năm 2009

TRẦN HUY LIỆU, CUỘC PHIÊU LƯU TÌNH CẢM

CUỐI CÙNG VÀ SÂU SẮC NHẤT

(Trích truyện ký Trần Huy Liệu – Cõi người)

Nhà văn Trần Chiến

Lời dẫn của Phạm Tôn: Để bổ sung cho bài của giáo sư Văn Tạo “Một góc cuộc đời” của Trần Huy Liệu, chúng tôi xin mời các bạn đọc thêm ít trang trích trong tác phẩm của nhà văn Trần Chiến Trần Huy Liệu – Cõi người (NXB Kim Đồng, xuất bản tháng 2/2009) do tác giả mới gửi tặng chúng tôi.tranhuylieu

Sau hơn 300 trang sách, tác giả vẫn thấy cần viết thêm ở mặt bìa sau những dòng này:

“Tuy nổi tiếng về nhiều phương diện, Trần Huy Liệu lại là con người không dễ tìm hiểu, hiểu rồi không dễ viết ra, viết ra rồi vẫn khó xuất hiện ở dạng toàn vẹn.

“Về phương diện nhà thơ, ông là người sung mãn tình cảm hay vẫn chỉ là anh nói chí kiểu nhà Nho? Về phương diện chính trị, ông bồng bột nông cạn hay là nhìn thấy nhiều vấn đề quá sớm? Về sử học, ông có đóng góp gì về phương pháp, hay chỉ là người tập hợp tư liệu đơn thuần? Về phương diện người tình, ông có là một kẻ phiêu lưu “đi không đến nơi về không đến chốn”, chẳng thể đem lại hạnh phúc cho người mình yêu? Tất cả những câu hỏi đó khó bề giải quyết cặn kẽ nếu không thấy cái ý nghĩa chủ yếu, nét trội bật nhất trong con người Trần Huy Liệu, rằng đó là một con-người-tìm-kiếm.

“Vì vậy tìm kiếm con người Trần Huy Liệu là việc không dễ, thấy rồi không dễ viết ra, viết ra rồi vẫn khó…”

Sau khi đọc những dòng này của chính nhà văn, chúng ta càng thấy tác giả đã thật thấu tình đạt lý, bình tĩnh và khách quan khi viết về đoạn đời cực kỳ tế nhị của Trần Huy Liệu khi đem lòng yêu rồi tiến tới lập hẳn một gia đình hạnh phúc với người từng là con dâu thượng thư Phạm Quỳnh. Cả câu chuyện khó nói này đã được tác giả thể hiện bằng lời văn giản dị, tinh tế, chứa đựng tâm tình người trong cuộc.

Phần trích này trong tập sách nói trên, chúng tôi theo đúng các trang từ 183 đến 190, chỉ lược đi một đoạn ngắn và bốn chữ không liên quan trực tiếp đến mạch chuyện. Đầu đề phần trích này là chúng tôi mượn văn tác giả viết trong phần cuối chương Đa mang nên phải đèo bòng. Nhân vật Liệu là Trần Huy Liệu, còn nhân vật Sửu là tên gọi thân mật của bà Nguyễn Thị Hy.

—-o0o—-

Liệu không bao giờ đơn giản hóa được sự đời. Không bao giờ! Trong ông, ngoài con người cách mạng cứng rắn còn là nhà sử học luôn luôn muốn hình dung các sự kiện, vận động đúng như hình hài của nó. Cuộc sống tình cảm sôi nổi, tâm hồn nhạy cảm của thi sĩ lại không buông tha ông khỏi những rung động thật tinh tế trước cái đẹp, sự đồng cảm. Về mọi phương diện, ông lại quá tràn trề, những hạnh phúc lớn cũng như tai ương, phiền muộn cứ thế mà kéo đến.

(…)

bây giờ là năm 1946, ông Bộ trưởng Thông tin- Tuyên truyền lại vương vào một đam mê mới. Nó đẩy ông vào cuộc phiêu lưu sung sướng và đau khổ đều tột cùng. Không phải chỉ là chuyện tình cảm thuần túy, nó “lập nên” cả một gia đình riêng, với những đứa con muộn.

Nền Dân chủ Cộng hòa thành lập không lâu thì Quốc dân đảng – đang cầm quyền ở Trung Quốc – cử quân đội vào giải giáp vũ khí Nhật ở miền Bắc Việt Nam. Cùng có chân trong chính phủ mới, Việt Quốc, Việt Cách lại “quậy” mạnh, chống đối lực lượng Việt Minh của Hồ Chí Minh, mà Liệu được coi là một yếu nhân. Bắt cóc, khủng bố dân thường và cộng sản diễn ra thường xuyên, công an chìm và nổi đôi bên thỉnh thoảng bắn nhau. Tình hình càng căng khi Quốc dân đảng Trung Quốc bắt đầu nhường nhiệm vụ giải giáp cho quân đội Pháp. Giầy xăng đá, quân phục ga-bác-đin thay thế chân phù. Bên đại diện Sainteny khá ôn hòa, dễ dàng đối thoại với Hồ Chí Minh, xuất hiện d’Argenlieu, viên cao ủy hung hãn.

Tran Truong Chien_1

Việt Nam Quốc dân đảng đối với Liệu có mối thù riêng: trước đây ông từng là đồng chí của họ – thực ra là của những người sáng lập đảng. Bây giờ ở cương vị Bộ trưởng Thông tin – Tuyên truyền, ông phải quản lý, đấu tranh với sự chống đối, diễn thuyết “luôn miệng” về Việt Minh. Sự nguy hiểm rình rập làm phía Việt Minh phải cảnh giác. Ngày đến làm việc ở công sở, ban đêm họ rút ra các cơ sở ở ngoại thành để tránh khủng bố.

Nhóm Văn hóa Cứu quốc chọn ấp Thái Hà làm địa điểm. Đây là một khu tư dinh của nhiều quan lại Nam triều cũ như Nguyễn Năng Quốc, Phan Tử Nghĩa, nằm gần lăng mộ họ Hoàng. Mỗi nhà mỗi kiểu, biệt thự tây có, nhà năm gian kiểu cổ có. Cái nhà những Xuân Thủy, Văn Tân, Nguyễn Đình Thi,… đi về gọi là villa des Roses – biệt thự Hoa Hồng. Thật ra dấu vết biệt thự không rõ, ngôi nhà lớn nhất lại một tầng chạy dài vài gian, có câu đầu cửa võng chạm trổ, bàn thờ trang trọng. Ngoài vườn, những gốc hồng in bóng xuống mặt nước tĩnh lặng. Quang cảnh thường êm đềm, người nhà và đám giúp việc đều ăn nói khẽ khàng lối gia giáo, giấy rách giữ lấy lề – dù gia sản đã không còn sung túc.

Ông chủ là Nguyễn Văn Ngọc, một tên tuổi cự phách của làng giáo, giới trí thức “cũ”. Liệu đã đọc nhiều bài của ông trên tạp chí Nam Phong những năm hai mươi – ba mươi, biết tới xu hướng tồn cổ trong những cuốn Tục ngữ phong dao, Truyện cổ nước Nam, Đào Nương ca, Cổ học tinh hoa… Nguyễn Văn Ngọc mất năm 1942, khi đang là đốc học Hà Đông. Đứng về mặt lý lịch, theo cách nhìn “mới”, tư dinh nhà quan không thể là chỗ tin cậy. Nhưng Nguyễn Xuân Bích, cậu sinh viên trường Y, con trai ông Ngọc, lại là cơ sở từ trước tháng 8 năm 1945 của Trần Quốc Hương, người hay hoạt động trong thanh niên học sinh, trí thức. Vả chăng đây là gia đình “nghiêng về” chữ nghĩa, trí thức hơn là quan lại.

Ngày ra trụ sở ngoài phố, tối về biệt thự Hoa Hồng, ông Bộ trưởng Thông tin-Tuyên truyền ngày càng để ý đến Sửu, bà chị của Bích. Dường như đây là một hình ảnh ông, cũng như nhiều chàng học sinh, từng biết tới, nghĩ tới, khi cô bé Sửu đứng bán hàng trong hiệu sách Đông Hưng Long thư quán của cha ở 49-51 Hàng Đường. Trắng trẻo, đẹp một cách buồn bã, người đàn bà hai con có lối chăm sóc khách ý nhị. Những cán bộ Việt Minh quen tù đày hơn ở nhà, giờ được hưởng cốc nước gừng, bát lục tàu xá giữa đêm đông, đều cảm thấy ấm lòng. Càng lặng lẽ, bà càng gây sự tò mò. Một buổi tối, Liệu giữ Sửu lại, sau những cảm ơn thông thường là lời thăm hỏi gia cảnh. Cảm thấy tin cậy, Sửu kể về những trớ trêu đã trải qua. Không được học nhiều, vào loại “con nhà” bị cấm đọc Truyện Kiều, nhưng hầu bố đèn sách bấy nhiêu năm, bà có vốn văn hóa không nhỏ.

Dần dà, sự khép nép gia giáo và nỗi sợ “quan cách mạng” nhường chỗ cho thân tình, tin tưởng. Ban ngày, giữa bộn bề, Liệu bắt gặp mình nghĩ về người đàn bà đã hai con, chị ta đang làm gì nhỉ, có nghĩ gì đến mình…Những câu chuyện với Sửu làm Liệu thay đổi nhiều suy nghĩ. Chẳng hạn, bố chồng bà, đã làm đến thượng thư, lại sinh hoạt rất đạm bạc, thanh bần kiểu nhà Nho. Ông bố đẻ, dù say mê với văn hóa dân gian nhưng sành rượu tây như sành hát ả đào, vang mua về cả thùng. Liệu ngạc nhiên khi biết ông đốc Ngọc, cùng anh ruột Nguyễn Quang Oánh và ông Đỗ Thận là những người đầu tiên đưa chèo, cái thứ hát quê kệch trong làng quê lên diễn trên sân khấu hộp Hà Thành.

Gia cảnh của Sửu đang điêu tàn theo phận riêng của bà. Mười lăm năm trước, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Ngọc cùng quê Hải Dương, đồng môn trường Bưởi rồi trường Hậu Bổ, đã gả con cho nhau. Sau thời kỳ làm báo Nam Phong lừng lẫy, muốn dựa vào quan lộ để thực hành ý hướng xã hội, ông Quỳnh vào Huế làm thượng thư Bộ Học rồi Bộ Lại. Rồi chồng Sửu mê người đàn bà khác, không đẹp bằng nhưng đi xe đạp, uốn tóc. Năm 1943, sau đám ma bố, Sửu đưa hai con trai ra Hà Nội, vừa gần gũi họ hàng vừa trông mấy cậu em đang tuổi lớn. An phận, chả biết gì về cách mạng, những đệ tam đệ tứ, các đảng phái, nhưng Sửu cũng vui theo em theo con khi họ ùa vào đám đông chào độc lập.

Tuần lễ Vàng năm 1946, Sửu dắt con trai tám tuổi Dũng lên gò Đống Đa gần nhà, bế cậu bé lên để bỏ vào hòm chiếc nhẫn. Đó là điều làm Liệu cảm động, Tuy vẫn biết rằng bao người khác, nghèo khó hơn, cũng dốc túi vì nền độc lập non trẻ. Để duy trì biệt thự Hoa Hồng, nuôi con, thỉnh thoảng chu cấp những bữa ăn cho cả đông người, Sửu hẳn chẳng còn bao nhiêu của cải. Thời buổi tranh tối tranh sáng, chiến cuộc đến không biết lúc nào, việc tái bản những cuốn sách của ông Ngọc là rất khó. Cái ấp trên Lập Thạch mua bằng tiền viết sách trước đó đem lại không bao nhiêu lợi tức. Mà Sửu thật khó bỏ thói tiêu pha rộng rãi quen thuộc. Một năm ngần ấy cái giỗ, những người làm vườn, mái nhà cần đào ngói…, cái gì cũng cần tiền, trong khi bà chủ trẻ chả biết tính toán làm ăn thêm ra cái gì.

Những buổi tối cứ dài mãi ra. Cả hai đều bối rối và càng nghĩ đến nhau nhiều hơn. Họ là đàn ông và đàn bà, đấy là nhẽ thường. Nhưng lại còn một cái nhẽ, là giai tầng của hai người rất chênh. Có những điều thuộc về lí tính khiến họ phải “nhận thức” về nhau. Chẳng hạn ăn bát chè hoa bưởi Sửu nấu, đọc những sách Tục ngữ phong dao, Đào Nương ca, ông đốc Ngọc trong nhà, Liệu phải nghĩ những thứ rất vô hình chứa sau đó, liệu có phải đều là phù phiếm? Trong thế giới ăn trên ngồi trốc, ông Ngọc đã nhặt từng hạt chữ, từng lời ăn tiếng nói của người nông dân để mà nâng niu, đêm đêm sàng lọc đến phát ho lao.

“Đấy là những gì mình cũng phải “quét sạch” đi ư?”- sẽ có lúc Liệu tự hỏi mình câu ấy. Nhưng bây giờ là nỗi bối rối trước những đòi hỏi của lòng mình. Ông đã bề bề vợ con, giờ lại đường đường Bộ trưởng, danh nổi như cồn. Dù nhận thấy các đồng chí của mình cũng quý Sửu, điều ít thấy (…) trước kia, Liệu không thể không nhận thấy sự nghiệp chính trị của ông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nếu “dính” vào con dâu (dù là “trước đây” thôi) của ông thượng thư Nam triều đã bị cách mạng bắt rồi “mất tích”. Về phần mình, Sửu chẳng thể đơn giản. Dù rất kính phục ông, bà đã một lần đò. Vài năm trước, chẳng phải bà đã chẳng thể chấp nhận chồng mình có thêm vợ nhỏ đấy ư? Họ hàng bà, những bà phán ông tham, mấy cô em nhí nhảnh, rất khó để họ cùng thấy gần gũi cái ông nhà quan của triều đại mới.

Nhưng cuộc sống có những nhẽ riêng oái oăm. Những câu thăm hỏi bâng quơ. Những chăm sóc ý nhị…bao nhiêu thứ đều mơ hồ dẫn đến những linh cảm nó khiến cố dằn mạnh, dứt bỏ rồi lại cứ nhặt lên nâng niu. Sự dịu ngọt. Những so sánh… Tất cả đều dẫn đến chỗ chết người.

Tình hình căng thẳng ngày một thấy rõ. Hồ Chí Minh, sau những dàn xếp để lui được đoàn quân Tàu Ô, liên tục thương thảo với Sainteny. Nhưng d’Argenlieu là một kẻ cực đoan, gây hấn ở Hải Phòng. Hội nghị Đà Lạt tan vỡ. Súng nổ miền Nam, những người trai lại lên đường, Sửu có người em đi không về. Hà Nội rầm rầm những cuộc đụng độ. Đâu đó trên mạn Tứ Liên, Đông Ngạc, bộ đội buộc phải xử tử một đồng đội đánh lại Pháp.

Khắp không gian mùi binh đao đã thoang thoảng. Một buổi tối Liệu hỏi Sửu:Gia dinh Tran Huy Lieu

–  Chị đã chuẩn bị gì chưa?

Thấy bà ngơ ngác, ông trầm ngâm: “Có thể chiến tranh sẽ trở lại. Dù đã ký hiệp định Sơ bộ và Tạm ước, bọn Pháp vẫn quyết lấy nước ta. Những cố gắng của Cụ Hồ thất bại rồi. Chị nên chuẩn bị. Hòa bình mong manh lắm. Nhà ta có chỗ nào để lánh về?”

Sửu bàng hoàng. Bà đã trải qua tang bố mẹ, những tổn thất trong tình cảm, giờ là cảnh nhà đang kiệt quệ. Chiến tranh với chết chóc, bom đạn là thế nào? Tuy vậy, giờ là lúc phải cứng cỏi, dù bà vốn dĩ là người an phận, yếu đuối.

Lệnh tản cư ban ra. Sửu đem con lên Lập Thạch, trú trong ấp Bồ Tỉnh, vốn là chỗ viên ẩn của ông bố ngày trước, trong hành lý lỉnh kỉnh mấy bồ sách Liệu gửi. Bà sẽ sống bằng tô tức của tá điền. Sau khi ba em trai tòng quân không lâu, người con lớn – đích tôn của ông Phạm Quỳnh – cũng nhập vào một đơn vị công binh.

Súng nổ. Đất nước bước vào cuộc kháng chiến kéo dài tới tám năm sau. Liệu lên thăm Sửu. Trong cái ấp nghèo dưới chân núi Con Voi, chẳng có gì ngăn được họ đến với nhau nữa. Đây là cuộc phiêu lưu tình cảm cuối cùng và sâu sắc nhất của Liệu. Cuối năm 1947, Sửu sinh con gái Trần Nguyệt Quang, đứa con sinh ra trong kháng chiến sài đẹn, ghẻ lở đã lớn lên ăm ắp tình mẹ nhưng đầy những khắc khoải, day dứt của người cha.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.