Pham Ton’s Blog

Tháng Năm 31, 2013

Lời giới thiệu: Phạm Quỳnh – Tuyển tập và Du ký (kỳ cuối)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:49 chiều

Blog PhamTon năm thứ năm, tuần 2 tháng 6 năm 2013.

PHẠM QUỲNH – TUYỂN TẬP DU KÝ:

Lời giới thiệu

Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn

Lời dẫn của Phạm Tôn: Quý 1 năm 2013, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội đã cho ra đời sách Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn. Chúng tôi xin giới thiệu với quý bạn đọc bộ sách 511 trang này qua Lời giới thiệu của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, chia làm hai phần, đăng kỳ 1 và 2/6/2013.

—o0o—

(Tiếp theo và hết)

Theo dòng du ký tuyến biên ải phía Bắc, Phạm Quỳnh có thiên du ký Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng (số 96, tháng 6-1925). Mở đầu bài viết, tác giả dẫn giải kỹ lưỡng phương thức lựa chọn tư liệu và cách thức vPham Quynh tuyen tap du kyiết du ký… Sau khi kể chuyện đoạn đường xe lửa từ Lạng Sơn qua Đồng Đăng, tới Na Sầm (còn gọi là Na Cham), tác giả thuật tiếp chuyến đi bằng ô tô đến Thất Khê và Cao Bằng: “Phong cảnh tự Thất Khê trông mới kỳ thú thay! Chỗ thời những núi đá cao hiểm trở, chồng chất nối tiếp nhau không dứt, cây rậm như rừng; cây lớn, cây nhỏ, cây giây leo chằng chịt quấn quít, rối rít như mớ bòng bong, thật không đâu có núi đá sầm uất đến thế. Thường bên đường có khe nước chảy, chỗ thời róc rách, chỗ thời đào dào như tiếng thác nhỏ, nhưng nhiều khi cũng cây cối um tùm che lấp cả. Có lẽ bởi có nhiều suối nhiều khe tẩm tưới mát mẻ nên loài thực vật mới phồn thịnh đến thế. Chỗ nào khe rộng nước nhiều, cây cao bóng mát thời bọn phu tải ngựa tải xuống bì bõm tắm giặt; coi các cái trạng thái con ngựa khi cúi đầu uống nước, khi ngửng cổ rống lên, khi xoay xỏa vẫy vùng, khi thung thăng bước một, thật đáng một bức tranh Hàn Cán nhà Đường. Chỗ thời hết núi đá cây rậm đến đồi đất cỏ xanh, ngổn ngang bát ngát, coi xa rập rờn như sóng bể. Lại chỗ thời đột ngột những ngọn cô phong, cách nhau bằng những thung lũng nhỏ, có ngòi nước chảy, có ruộng cấy cày. Những xem các phong cảnh này cũng đáng đi Cao Bằng một chuyến”… Đồng thời với việc thuật lại cảnh đón tiếp, diễn thuyết trong hội Trí Tri; việc đi thăm sở nuôi ngựa lai giống Phi châu bên phủ lỵ Hòa An, đi thăm miếu vua Lê ở địa hạt làng Na Lữ, học giả Phạm Quỳnh mô tả chi tiết và đánh giá cao hình thức sinh hoạt hát Then cùng ngày trở về: “Quan châu Hà thời đặt ở nhà một cuộc tiêu khiển riêng của xứ này là cuộc phụ tiên, đây gọi là Then hay Bụt (Tiên, Phật). Then hay Bụt thường là những đàn bà con gái óng ả lắm, đã học thuộc nhiều các bài văn cúng, nhà nào muốn làm lễ kỳ yên thời mời đến gẩy đàn đọc văn, cầu nguyện cho trong nhà được bình yên mạnh khỏe. Trên giường bày lễ vật hương hoa, cô Then ngồi bên cạnh, tay cắp cây đàn, chân đeo tràng nhạc, miệng hát, tay gẩy, chân rung, dịp dàng lắm. Giọng hát tỉ tê thánh thót, nghe rất là buồn, như giọng gọi hồn vậy. Tưởng giá nghe chỗ vắng vẻ thời rùng mình như tiếng vong hồn nhắn người dương thế vậy. Nhưng cũng có một cái thú âm thầm não nuột. Không trách đàn bà con gái có người mê lắm, quyến luyến Then, sắm sửa chăm chút cho Then như đối với người có tình vậy. Cô Then ngồi đọc văn gẩy đàn như thế thường là suốt đêm, có khi cả đêm cả ngày không sịch chỗ, không đứng dậy mà không đổi giọng, không đứt tiếng, hình như người nào đọc được nhiều, giọng được tốt là người có tài vậy”… Có thể nói nhờ những trang du ký của học giả Phạm Quỳnh như thế mà chúng ta hiểu rõ thêm phần nào tình hình đời sống xã hội, mức độ phát triển giao thông, vài nét phong tục tập quán và những thắng cảnh tiêu biểu ở vùng núi Lạng Sơn – Cao Bằng vào thập kỷ hai mươi của thế kỷ trước, cách ngày nay đã gần một thế kỷ. Những trang du ký này vừa có ý nghĩa văn chương vừa là những tư liệu khảo sát, điền dã về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán, góp phần nâng cao nhận thức cho độc giả về thực tế miền sơn cước – nhất là trong điều kiện thông tin báo chí hồi đầu thế kỷ còn rất hạn chế. Đây cũng là những trang tư liệu cụ thể, sinh động, ngày càng trở nên có ý nghĩa.

Với Pháp du hành trình nhật ký (in 27 kỳ, 1922-1925), Thuật chuyện du lịch ở Paris (số 64, tháng 10-1922), Phạm Quỳnh đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng ở thể tài du ký viết về nước Pháp và mối quan hệ Việt – Pháp hồi đầu thế kỷ XX. Trên thực tế Thuật truyện du lịch ở Paris chính là bản tóm tắt trên nền tảng nội dung ghi chép Pháp du hành trình nhật ký và được Phạm Quỳnh trình bày trong buổi diễn thuyết tại ở Nhạc hội Tây Hà Nội, do Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức vào ngày 15-10-1922… Theo ghi chép của Phạm Quỳnh trong Pháp du hành trình nhật ký, chuyến đi khởi hành từ ngày 9-3-1922 tại cảng Hải Phòng và trở về vào ngày 11-9, vừa đủ sáu tháng. Năm ấy Phạm Quỳnh gần tròn ba mươi tuổi. Trong nửa năm ở Pháp, ông chủ ý đi – xem – nghe càng nhiều càng tốt, từ đó suy nghĩ, so sánh, đối sánh văn minh và thế cuộc xứ sở Việt Nam với nước Pháp. Tại nước Pháp, ông đã trở đi trở lại Marseille, qua Lyon, Versailles, Verdun và thăm thú khắp các công sở, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh ở Paris… Đến đâu ông cũng ghi chép, bình luận, liên hệ, so sánh với cuộc sống bên nước nhà và phát biểu cảm tưởng về những điều tai nghe mắt thấy.

Tới nước Pháp, Phạm Quỳnh ngỡ ngàng bởi nền khoa học, kỹ thuật và đời sống vật chất vượt trội của chính quốc. Ông khâm phục trước cung điện Le Louvre tráng lệ, tháp Eiffel có thang máy, những tòa nhà cao rộng, những khách sạn, nhà hàng tiện nghi, những cây cầu bắc qua sông Seine uy nghiêm, những công viên, đường phố, biệt thự sang trọng… Hiện đại và ấn tượng thêm nữa là dòng xe ô tô tấp nập qua lại, những chuyến tắc xi cơ động và đường xe điện ngầm có lúc chạy trên cầu, có lúc đi dưới đất, có lúc chạy ngầm dưới  lòng sông, “nghe nói lạ lắm”, “đi đâu cũng tiện lắm”, “chạy mau vùn vụt như tên bắn vậy”… Phạm Quỳnh chịu khó mua sách, đọc sách, nghe giảng và trực tiếp tham gia diễn thuyết tại nhiều trung tâm văn hóa, khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học. Trên tư cách nhà trí thức, qua thăm bảo tàng dân tộc học, ông nhận xét: “Ấy cách học vấn của người Tây, bất cứ về môn nào cũng là kỹ càng trọn vẹn, đến chốn đến nơi như thế, không trách sự học của người ta dễ sâu xa và mau tấn tới vậy”… Soi nhìn lại các hội học xứ nhà, ông viết: “Ở Hà Nội ta có hội quán Hội Trí Tri và Hội Khai Trí cũng hơi có cái tính cách ấy, nhưng phải chỉnh đốn cho hơn nữa mới được, và hiện nay chỉ hiềm hãy còn ít những cuộc họp tập có ích, bất quá thỉnh thoảng có mấy hội “ái hữu” mượn để họp bàn, mấy ông trị sự hay bàn mấy vấn đề suông, cũng có lúc nói năng to tiếng, cãi cọ rậm lời, nhưng vẫn chưa khỏi cái lối “việc làng”, nghĩa là ồn ào lộn xộn mà chẳng nên câu chuyện gì”… Từ góc độ nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa, nhà chính trị, ngay khi ở Marseille, Phạm Quỳnh đã tới nghe một nữ bác sĩ diễn thuyết về “cái phong trào cách mệnh và cái chủ nghĩa quá khích ở nước Nga”. Điều này cho thấy không khí tương đối tự do, dân chủ trong sinh hoạt chính trị, học thuật ở nước Pháp bấy giờ và được Phạm Quỳnh tán đồng, thậm chí còn liên hệ trở lại với tư tưởng xã hội phương Đông: “Ta thường đọc sách đọc báo chỉ thấy công kích cái phong trào quá khích ở nước Nga; cũng nên nghe có người tán dương cổ đãng cái phong trào ấy, mới có thể chiết trung mà phán đoán cho đúng được. Ở đời này muốn quan niệm về một sự gì cho chánh đáng, thật là khó quá; tỉ như một cái chủ nghĩa quá khích đó, người nói xấu biết bao nhiêu mà kể, mà người nói tốt cũng nói tốt quá; nghe bọn trên thời tưởng nước Nga bây giờ là nơi âm ty địa ngục gì, chớ không phải cõi nhân thế trần gian nữa; nghe bọn dưới thời ngờ là chốn bồng lai lạc địa. Đến khi mối lợi quyền đã mâu thuẫn, lòng tham dục đã xung đột nhau, thời công lý, công nghĩa không biết đâu mà dò nữa. Gặp những khi như thế mà lại càng tiếc cái đạo “trung dung” của đấng Thánh nhân phương Đông ta đời xưa. Nhưng đạo ấy đời nay có dùng được nữa không? Ngoài sự lý tưởng, đạo ấy có thể đem ra thực dụng ở cái thế giới cạnh tranh này không? Tưởng cũng khó quá”… Tham dự một buổi thảo luận về chính sách giáo dục, Phạm Quỳnh rút ra kết luận: “Ở một nước tự do có khác, bất cứ việc gì cũng có thể đem ra công chúng mà nghị luận được. Kẻ nói đi người nói lại, quốc dân đứng giữa mà phán đoán, Chính phủ ở trên mà chiết trung, tưởng còn hơn là cái chính sách “bịt bung”, rút lại chẳng có lợi cho ai hết”… Ông từng tham dự diễn thuyết, từng “vào xem” một cuộc thảo luận, nghe các ông nghị viên chất vấn Chính phủ ở Thượng viện và đi đến suy xét: “Nghe người ta diễn thuyết mà hồi tưởng đến người mình, không những nghề diễn thuyết chưa biết, mà đến nói câu chuyện cho có đầu đuôi manh mối, cũng ít người nói được… Người mình cần tập nói lắm”… Đồng thời, trong bài Thuật chuyện du lịch ở Paris, Phạm Quỳnh tiếp tục chỉ rõ sự lợi hại của các cuộc phản biện, trao đổi, tranh luận công khai, dân chủ và hài hước nhấn mạnh: “Hoặc giả nói: Nếu như thế thì làm việc chính trị chẳng là chán lắm ru? Và nơi nghị trường chẳng là giống như chợ hàng rau ư? Nếu như thế thì các ông nghị ta mỗi năm về Hà Nội chơi mấy ngày, xin Chánh phủ cho đi xem hát chèo chớp bóng, há lại chẳng có tư cách hơn các ông nghị Tây kia cứ ngày ngày đem nhau ra chỗ công đồng mà cãi nhau như mổ bò ru?… Đã có nghị viện phải có chính đảng, đã có chính đảng tất phải có cạnh tranh, có cạnh tranh mới hoạt động; cái phép tiến hóa của các dân tộc như thế. Dân tộc mình còn chưa tới trình độ đó, ta nên đáng mừng hay là đáng tiếc? Điều đó xin chất vấn ở quốc dân”…

Với sở học và nếp nghĩ truyền thống, học giả Phạm Quỳnh thấy mỗi ngày ở nước Pháp đều có thể hiểu biết, học hỏi thêm nhiều điều mới lạ. Ông cảm nhận sự mới lạ ngay từ tài năng diễn thuyết của người nữ bác sĩ đến ấn tượng khi thăm nhà bà F. có chân trong hội Đông phương Ái hữu: “Thật là một bà chủ sa lông theo như lịch sử phong nhã của nước Pháp. Bao giờ cho xã hội An Nam ta cũng có những bậc đàn bà nhã thú như thế?”… Phạm Quỳnh còn hiếu kỳ dành cả thời gian đến xóm bình khang “Mông Mạc” được coi như phía khuất lấp của Paris hoa lệ. Rồi khi đến xem điểm binh ở nhà đua ngựa, ông thức nhận ra sự thật đời thường: “Người dân ở đây kể cũng không khác gì người dân bên mình, mà có lẽ người dân ở đâu đại suất cũng thế, cũng thích hội hè đình đám… Lại len lỏi trong đám đông cũng có các trạng ăn cắp, chực lần lưng móc túi. Thật dưới gầm trời, người ta đâu cũng như đâu. Kẻ bình dân vẫn có tính háo hức mà bọn láu cá thì khéo lợi dụng; trò đời chỉ có thế mà thôi”… Ngòi bút Phạm Quỳnh cũng khá tự do khi viết về đức vua: “Gần bốn giờ thì Hoàng thượng xuống tầu, kèn trống thổi mừng, quân quan đứng tiễn. Ngài đi Tây chuyến này sắm được vô số đồ, chở xuống tầu từ hai giờ đến bốn giờ, hết kiện ấy đến kiện khác, cái cần máy trục cứ giơ lên hạ xuống hoài mà không dứt”…

Điều quan trọng hơn, Phạm Quỳnh đi đến những nhận xét tổng quan, bày tỏ chính kiến về xã hội, về mối quan hệ Việt – Pháp, về tương quan Đông – Tây và xác định con đường tiến hóa, tiến bộ xã hội: “Những đường phố sang trọng xem ra lại không vui bằng những xóm bình dân, người thượng lưu vẫn không muốn dự, cho mới biết dẫu ở nước dân chủ bình đẳng, các giai cấp vẫn có ý muốn đặc biệt nhau, và sự bình đẳng hoàn toàn, có lẽ không bao giờ có được”;  “Cho hay cái tên Đông phương đối với những nhà lãng mạn Tây phương vẫn còn có một cái thanh hưởng réo rắt ly kỳ. Nhưng những nhà lãng mạn này không phải số nhiều, còn đối với những tay doanh lợi thì Đông phương chẳng qua là một cái thị trường để tiêu thụ đồ hàng của Tây phương mà thôi”; “Duy cái văn minh của Tây phương nó phồn tạp quá, các “phương diện” nhiều quá, muốn bao quát cho được hết mà thu gồm lấy cái toàn thể, toàn bức, thật là khó lắm. Phải có một cái sức học, một cái trí khôn, một con mắt sáng khác thường, mới có thể xét không sai mà đoán không lầm được. Cho nên còn lâu năm nữa, cái văn minh Tây phương vẫn còn ngộ hoặc người đời nhiều lắm”; “Nghĩ trong các vấn đề thiết yếu cho người mình không gì bằng vấn đề giáo dục… Đại khái nói rằng nước Việt Nam là một nước cổ, vốn đã có một cái văn hóa cũ, nhưng cái văn hóa cũ ấy ngày nay không thích hợp với thời thế nữa, cần phải có cái văn hóa mới đời nay thì mới có thể sinh tồn được trong thế giới bây giờ. Cái văn hóa mới ấy dân chúng ta nhờ quí Đại Pháp truyền bá cho… Nhưng trong sự truyền bá cái học mới ấy, có nhiều nông nỗi khó khăn, quí Chính phủ vẫn chưa giải quyết được ổn thỏa. Nếu dân Việt Nam là một dân mới có, chưa có nền nếp, chưa có lịch sử gì, thì quí quốc cứ việc hóa theo tây cả, dạy cho học chữ tây hết cả, đồng hóa được đến đâu hay đến đó. Nhưng ngặt thay, dân Việt Nam không phải là một tờ giấy trắng muốn vẽ gì vào cũng được; tức là một tập giấy đã có chữ sẵn từ đời nào đến giờ rồi. Nếu bây giờ viết đè một thứ chữ mới nữa lên trên, thì e thành giấy lộn mất”… Trên tất cả, Phạm Quỳnh ngợi ca Paris và nước Pháp: “Mình cũng phân vân chửa định về ở thế nào. Cứ kể ở bên này thì ở mãi cũng được. Cảnh Paris là một cái cảnh rất mến người. Ai đã đến đây không nỡ dứt tình mà đi cho được. Vả mình đến đây đã được quen thân một vài nơi, giao tiếp với nhiều người, càng ở thời lại càng thêm biết rộng ra, có ích lợi cho sự kiến văn nhiều lắm. Tưởng học nhà mấy năm không bằng qua ở đấy một tháng. Cái không khí Paris là cái không khí rất bổ cho tinh thần trí não. Ở đây tựa hồ như thấy trong óc thêm sáng suốt, trong lòng thêm rộng rãi ra. Thật thế, không phải nói ngoa. Tưởng giá mình ở đây vài ba năm thì tính tình tư tưởng nở nang ra hơn bây giờ nhiều”… Rồi ký giả tự gián cách, hóa thân vào những tượng đá danh nhân Rousseau, Corneille mà khuyên bảo, phản biện, tự vấn, tỏ bày quan điểm: “Ớ, anh con trai Nam Việt kia! Anh chớ có tự phụ mang cái quốc gia chủ nghĩa của anh mà mong tránh khỏi cái cám dỗ của chốn danh đô này. Những tay khôn ngoan tài giỏi hơn anh nhiều cũng còn không tránh được nổi, huống nữa là anh. Anh chớ nên đem bụng hẹp hòi. Anh thương yêu nước anh là phải, nhưng anh yêu mến chốn này cũng nên. Cái quả tim thế giới, cái khối óc văn minh là đây. Người Pháp tuy có công gây dựng ra chốn này, nhưng ngày nay là của chung thiên hạ rồi, khách Đông phương, khách Tây phương, ai ai đến đây cũng phải cảm. Dẫu Đông Kinh, Yên Kinh, Kim Lăng, Thuận Hóa của Á Đông anh cũng không đâu thu gồm được lắm cái vẻ tinh hoa của văn hóa bằng ở đây”…

Không có gì phải nghi ngờ việc Phạm Quỳnh thực sự bị thuyết phục bởi nước Pháp “quả tim thế giới”, “khối óc văn minh”, “tinh hoa của văn hóa”… Nhìn về nước Pháp, ông thấy đây là mối quan hệ tòng thuộc, cần hướng theo nền kỹ nghệ và cơ cấu chính trị – văn hóa kiểu Pháp. Ông mong muốn dân tộc mình tiến hóa nhưng cũng thấy rõ những hạn chế, thiếu hụt bởi một nền kinh tế tiểu nông, lạc hậu, trì trệ. Có một điều cần chú ý là Phạm Quỳnh không dập khuôn máy móc một chiều mà luôn cố gắng tìm ra phương hướng canh tân thích hợp, coi trọng nền văn hóa Pháp nhưng vẫn bảo tồn truyền thống dân tộc, đề cao việc học tiếng Pháp nhưng vẫn đề xuất việc học thành thục tiếng An Nam “nhiên hậu có thì giờ sẽ học đến tiếng ngoài”… Trước sau ông vẫn nhận mình thuộc hàng trí thức, chú trọng rung lên tiếng chuông trước quốc dân đồng bào và trước các nhà chức trách. Tất cả những điều đó cho thấy học giả Phạm Quỳnh thực sự xứng đáng là một nhà văn hóa, nhà hoạt động truyền bá văn hóa xuất sắc nửa đầu thế kỷ XX.

Cuối cùng, trong thiên du ký Du lịch xứ Lào (in hai kỳ, số 159+159, tháng 1+2-1931), Phạm Quỳnh xác định: “Đi Lào hiện có hai đường chính: đường Vinh – Thakhek và đường Đông Hà – Savannakhet. Chúng tôi định đi một đường, về một đường, cho biết cả hai. Vậy bữa đi đi đường Quảng Trị, bữa về về đường Nghệ An”. Chuyến đi khởi từ Đông Hà – Lao Bảo, nhập vào đất Lào qua Sê Pôn, qua tỉnh lỵ Savannakhet – Khăm Muộn – Thà Khẹt đến thủ đô Viêng Chăn… Nhân kể về chuyến đi, học giả Phạm Quỳnh giới thiệu đủ các vấn đề về địa lý tự nhiên, chính trị, xã hội, tình hình dân số, tổ chức chính quyền, dân tộc học, ngôn ngữ học và đặc biệt là chủ trương di dân. Từ quan điểm lịch sử có thể nhận ra những suy nghĩ khá bình dị, đơn giản và thật sự chân thành của Phạm Quỳnh liên quan đến lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Tất nhiên, trước sự thật “Ai Lao hiện nay là một xứ trong năm xứ họp lại thành ra cõi Đông Dương thuộc Pháp. Bờ cõi rất rộng mà dân số thì ít ỏi lắm” đang là nhận thức phổ biến thì việc Phạm Quỳnh có những quan niệm, suy tính và đề xuất in đậm tính chủ quan, mơ mộng, xuôi chiều cũng là điều dễ hiểu.

Cùng với sự phát triển của chữ Quốc ngữ, báo chí và chính cơ sở kinh tế xã hội đã cho phép thể tài du ký trên Nam phong Tạp chí có điều kiện hưng khởi. Học giả Phạm Quỳnh viết du ký vừa nhằm thoả mãn hứng thú nội tâm, trình bày những cảm xúc riêng tư vừa hướng tới giới thiệu những điều trải nghiệm tai nghe mắt thấy liên quan tới mỗi thắng cảnh, di tích lịch sử và đời sống xã hội nơi phương xa. Đó cũng là nhu cầu tự nhiên kết nối giữa chủ thể sáng tác và phía tiếp nhận, nghĩa là bạn đọc cũng sẽ được hướng dẫn đi tham quan, du lịch, hành hương về Xứ Đẹp và cội nguồn lịch sử dân tộc nhờ chính các trang du ký. Du ký của Phạm Quỳnh chính là một nhà bảo tàng du lịch bằng ngôn từ nghệ thuật, giúp người đọc bốn phương “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”… Về phong cách nghệ thuật, du ký của Phạm Quỳnh hòa quyện được phẩm chất, tư thế học giả,  nhà khảo cứu, bản lĩnh trí thức, nhà văn và nhà nghệ sĩ. Trong mỗi trang viết, ông thường mở rộng liên hệ, so sánh, đối sánh các mối quan hệ kinh tế – chính trị – văn hóa giữa truyền thống với hiện đại, cá nhân và cộng đồng, dân tộc và thời đại, Đông và Tây, thủ cựu và tiến bộ xã hội… Nhìn chung trên địa hạt du ký, có thể khẳng định Phạm Quỳnh không chỉ đứng đầu Nam phong Tạp chí mà cũng là nhà viết du ký xuất sắc trong suốt cả thế kỷ XX.

Trong quá trình thực hiện công trình sưu tập, biên soạn Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký lần này, chúng tôi chọn in 7 tác phẩm tiêu biểu và sắp xếp các mục bài theo trật tự thời gian (Mười ngày ở Huế – Một tháng ở Nam kỳ – Trảy chùa Hương – Pháp du hành trình nhật ký – Thuật chuyện du lịch ở Paris ­- Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng – Du lịch xứ Lào), còn lại một số tác phẩm khác nằm ở lằn gianh, có sự giao thoa với thể tài du ký (Cùng các phái viên Nam Kỳ, số 32, tháng 2-1920; Tổng thuật về phái bộ Bắc Kỳ đi quan sát đường xe lửa Vinh – Đông Hà, số 56, tháng 2-1922; Ngự giá Âu du tổng thuật, số 62, tháng 8-1922; Cuộc đấu xảo mỹ thuật của Hội Khai trí, số 78, tháng 12-19234; Ngự giá Bắc hành, số 178, tháng 11-1932; Ngự giá Nam tuần, số 180, tháng 1-1933…), sẽ đợi thẩm định và bổ sung trong một dịp khác. Về cơ bản, các tác phẩm đều căn cứ theo nguyên bản đã in trên Nam phong Tạp chí (1917-1934). Với từng mục bài cụ thể, người biên soạn có chỉnh lý lại một số câu chữ, chủ yếu về qui cách ngữ pháp, chính tả, cách ghi tên người, địa danh, trước sau nhằm tạo nên tính thống nhất tương đối cho bộ sách. Trong một số trường hợp, bên cạnh các nguyên chú, chúng tôi có thêm chú dẫn và đều ghi rõ Người biên soạn (NHS chú)…

Nhân dịp này chúng tôi trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Tri thức và Nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai học giả Phạm Quỳnh, đã khuyến khích, tạo điều kiện cho công trình biên soạn Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký sớm đến tay bạn đọc.

Rất mong nhận được được sự chỉ giáo của bạn đọc gần xa.

 Hà Nội, tháng 4-2013

N.H.S.

 

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.