Pham Ton’s Blog

Tháng Một 28, 2011

Cùng bạn đọc Xuân Tân Mão

Filed under: Liên hệ — phamquynh @ 4:32 chiều

Chúc mừng năm mới Tân Mão

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:26 chiều

Trẩy Chùa Hương

Filed under: Truyện và Ký sự — phamquynh @ 4:23 chiều

Blog PhamTon, tuần 1 tháng 2 năm 2011.

TRẨY CHÙA HƯƠNG

Thượng Chi

Lời dẫn của Phạm Tôn: Mùa xuân, lễ chùa là phong tục lâu đời của dân tộc ta. Đi lễ chùa Hương, một danh thắng linh thiêng của nước ta lại càng đông người nô nức trẩy hội chùa Hương, hội lớn nhất nước ta, kéo dài hàng mấy tháng trời…

Nhân dịp xuân về, chúng tôi trích đăng lại một bài của Thượng Chi – Phạm Quỳnh viết từ năm 1919, cách nay hơn 90 năm, để bạn đọc thưởng thức một phong tục xưa, trong không khí xưa, dưới con mắt và ngòi bút của một thanh niên đương thời (Năm ấy, Phạm Quỳnh mới 26 tuổi, còn trẻ lắm). Mong sẽ đem lại cho ngày xuân Tân Mão này một thi vị riêng. Và đọc thì các bạn sẽ thấy, bài viết cách nay ngót trăm năm mà không hề mất đi tính thời sự.

Tiếc là để các bạn không mất quá nhiều thời giờ quí báu ngày xuân, chúng tôi chỉ dám trích mà không đăng toàn văn bài ký sự lý thú này, vốn in trong sách Du ký Việt Nam do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007. Toàn bài dài đến 21 trang sách khổ lớn!

Mong các bạn thông cảm.

—o0o—

(…) mùa xuân năm nay, tháng Hai ngày 18, là ngày hội Chùa, cùng với bạn là Trần quân và Phạm quân đi trẩy chùa Hương. Lại thêm một ông bạn chung nữa là Sa Công, ông chính là người đồng châu với Phật Tổ Thích Già, lạc loài đến Nam thổ này, vì thanh khí lẽ bằng cùng với bọn mình gây thành một cuộc giao tình thân mật. Ông sắp phải viễn biệt anh em, nên anh em muốn rủ đi, trước là vãng cảnh thăm chùa, sau là cùng nhau chuyện trò trước khi xa vắng.

(…) Từ Hà Nội về Chùa có hai đường: một đường Hà Đông, một đường Hà Nam. Đường Hà Đông, là đường bộ, đi xe hơi mau hơn, chỉ trong khoảng một ngày vừa đi vừa về được. Nhưng bọn mình đã đi du xuân mà lại thêm cái mục đích khảo cứu nữa, nếu vội vàng hấp tấp như vậy thời còn thú chi mà có ích chi? Vậy anh em định đi đường Hà Nam là đường thủy, tuy chậm hơn mà có phong phú hơn. Chiều ngày 17 đi chuyến xe lửa cuối cùng xuống Phủ Lý. Đã hẹn trước với Bùi Quân ở Châu Cầu mướn chiếc đò đợi sẵn. Tám giờ tối tới nơi. Bùi Quân cho ăn cơm rồi cùng bọn mình xuống đò. Ước 10 giờ đêm, trời sáng trăng suông, gió hơi hiu hắt, thuyền dương buồm chạy, lên bến Đục Khê. Đêm khuya thanh vắng, sông rộng bờ cao, giữa khoảng trời nước long lanh, tiếng ca nhi thánh thót, giọng du tử hề hà, cũng phảng phất được ít nhiều cái thú của các bậc cao nhân danh sĩ đời xưa lấy bầu rượu túi thơ mà sánh với non xanh nước biếc…

Thuyền chạy cả đêm, ước tám giờ thời đến Bến Đục. Khách lên bộ, cho thuyền đợi đó. Đi một thôi đường, qua mấy cái chợ, rồi đến bến đò suối, là đường đi thẳng vào Chùa. (…) Thật trông cái cảnh tượng nơi bến đò đó mà thảm thay. Hàng nghìn con người đứng chực, có người đứng từ tang tảng sáng, chốc mới có chiếc đò chở khách trong Chùa ra, khách dưới chưa lên, khách trên ồ xuống, đò bất quá là một chiếc tam bản đựng được mươi người là nhiều quá, thế mà mỗi lúc xô xuống đến hai ba mươi người, vừa gồng vừa gánh, vừa siểng vừa cọ, đò chềnh nghiêng chềnh ngửa đi, lắm khi chỉ còn mấp mé mặt nước, tưởng chỉ ngồi nánh một tí là đổ cả người lẫn đồ xuống nước, nhiều người ướt cả quần áo, mất thắt lưng tay nải, giầy dép áo khăn là thường. Thật là hỗn độn cẩu thả, không có lề luật phép tắc gì cả. Nguyên chỉ có làng sở tại đó mới có quyền chở đò suối, đón khách vào Chùa cùng đưa khách ở Chùa ra, quyền ấy tức là một cái “chuyên quyền” (monopole) không ai tranh được. Làng có ước 80 chiếc đò, vừa ra vừa vào, ngày ít khách thời chở đủ mà những ngày nhiều khách, nhất là mấy ngày hội, thời quyết là không sao xuể được. Cứ như lời quan Phủ thời riêng một khoản đó làng mỗi năm cũng thu được tới năm ngàn bạc, thật là một món thâu nhập to, nếu khéo biết quản trị kinh lý thời gây nên cái tư bản lớn làm được nhiều việc công ích cho dân đoàn. Nhưng không những không kinh lý quản trị được, mỗi năm thu được bao nhiêu lãng phí đi mất cả, mà cả làng lại chỉ trông vào một khoản đó mà ăn, ngoài không có nghề nghiệp gì. Đã không có nghề nghiệp gì, lấy đấy làm sinh nhai, mà cách sắp đặt vụng về như vậy, hỗn độn như vậy, thời đủ biết người mình hèn thật. Đàn anh trong làng, anh nào cũng chỉ biết khư khư lấy một mình, không ai nghĩ đến việc lợi hại chung, thời trách nào mà công việc chẳng hư hỏng. Nay bọn đàn anh nếu biết khôn khéo ra thời nên chỉnh đốn lại các cuộc chở đò suối đó thế nào cho vừa tiện cho hành khách, vừa lợi cho dân làng. Trong làng có bao nhiêu đò, của những ai, trước hết phải kê ra cho rõ. Ngày vắng khách cho chạy một phần, ngày đông khách cho chạy hết cả.

(…) Đi đò ước chừng một giờ, phong cảnh thật là ngoạn mục. Hai bên núi đá, một dòng sông con chảy giữa, núi thâm thấp, nước quanh co, coi thật như một bức tranh sơn thủy của Tàu. Càng nhìn lại càng phục cái họa học của người Tàu, nhất là cái lối thủy mặc, thật là khéo vẽ những cảnh thiên nhiên, mầu trời sắc nước, mùi cỏ bóng cây, mung lung phiếu diểu, như gần như xa, các nhà danh họa Tàu thật là có tài diễn xuất được cái thi vị phảng phất trong cảnh vật, như mang cái tinh thần người ta vào trong cõi mộng tuyệt trần. Ngồi trong cái đò lênh đênh ở giữa khoảng non nước này, tưởng như đứng trước một bức tranh thạch tiên cực lớn; mà lắm khi đứng ngắm lâu một bức tranh sơn thủy lại tưởng tượng như chính mình thiết thân ở giữa cái cảnh non nước này: hoạ thuật mà đã đến được bậc ấy, đến bậc biến thực ra mộng, mộng ra thực, khiến cho trong trí người ta mơ màng không biết mộng hay là thực, thực hay là mộng, thời thật là tuyệt diệu vậy. Người Tàu đã có cái họa học như lối tranh thủy mặc, lại có cái thi học như lối thơ Đường Thi, đứng trước nơi phong cảnh hữu tình, ngâm lên một vài câu tuyệt diệu, thật không có cái thuật gì làm cho tinh thần người ta tự nhiên mà bay bổng lên cõi tuyệt trần, nhẹ hàng vô cùng, êm ái vô cùng, như nước chảy, như mây trôi. Núi cao quá thường làm cho người ta dợn, sông rộng quá thường làm cho người ta ghê, mà non kia nước này thật là vừa bằng cái sức người tưởng tượng, nên coi ra rất là mỹ miều khả ái. Mỗi dãy mỗi trái đều có tên riêng, tùy hình mà đặt: đây là con vâm đương đang ăn cỏ, trông cũng phảng phất như hình con voi chúc vòi xuống ruộng lúa, bên đầu lại có chỗ cong lại như hình cái tai, mới nhìn không ai nhận, mà đã có người gọi tên lên rồi thời càng nhìn càng thấy hệt như con voi, mới biết cái danh hiệu thật là có ảnh hưởng đến sự tưởng tượng nhiều lắm vậy; lại kia là núi mâm xôi con gà, trông cũng mường tượng như con gà đặt trên mâm xôi thật! Ôi! Cái trí biến báo của người ta thật là vô cùng vậy.

Đến nửa đường thời có “Đền Trình”, ở dưới chân núi, về bên tay phải lối đi vào; đấy là thờ các vị sơn quân canh rừng núi, giữ cửa Chùa, ai vào Chùa phải tới đấy trình diện trước; nên gọi là “đền Trình”. Tức như vào cửa quan lớn phải hỏi cậu lính hầu vậy. Bọn mình cũng ghé thuyền lên đưa thiếp danh cho các cậu “ba mươi” xin vào hầu bà Công Chúa (vì đức Bà Quan Âm theo tục truyền thủa bình sinh tức là con gái vua). Chúa Ba đọc thấy tên mấy người mình, chắc ngạc nhiên mà tự hỏi bọn này vào đây làm gì, quyết không phải để cầu của cầu con, kêu van lạy lễ như người khác, cũng không phải là làm mặt tri thức, ngao du khoáng đãng, để ngạo mạn kẻ bình thường, nhưng ngẫm nghĩ hồi lâu tất ngài hiểu rằng bọn mình là mấy kẻ ham học mà chán đời, thường tận tụy vì một cái lý tưởng cao xa mà khổ vì người đời chểnh mảng, muốn đem cái tâm hồn trong sạch chịu cái cảm hứng thanh cao ở dưới bóng Bồ Đề, trên non Thứu Tĩnh. Ngài đã hiển cái tâm sự mình như thế, tất ngài cũng khoan dung cho bọn mình tuy không biết biểu lộ cái lòng tôn kính ra bề ngoài như người khác mà trong lòng thật là cẩn trọng, không dám lấy việc tín ngưỡng tâm sự khinh thường…

Gần trưa tới chùa ngoài, tức chữ gọi là Thiên Trù, nghĩa là cái “bếp trời”, là chỗ sửa soạn đồ lễ vật để vào dâng trong động. Tuy tên nhỏ mọn như thế mà nghiễm nhiên là một tòa dinh vũ nguy nga, ở giữa một cái cao nguyên, bốn bề toàn núi, trông rất là có thể thế. Cách kiến trúc tuy không có gì là khéo là đẹp, mà to lớn lực lưỡng, thực là xứng đáng với cái cảnh chung quanh, coi đủ biết là chùa giàu, tiền thâu nhập nhiều, sổ chi tiêu rộng. Nghe đâu mỗi mùa số khách thập phương tới năm vạn người. Cứ bỏ rẻ mỗi người cúng vào chùa một đồng bạc, thời mỗi năm nhà chùa cũng thâu nhập năm vạn bạc: công ty buôn nào mà đồng niên lời lãi được bấy nhiêu? Nguyễn Phủ đài trưa hôm ấy cũng tới Chùa, để cùng bọn mình chia cái thú đăng lâm,…đăng lâm vào giữa giờ ngọ, nắng mặt trời tới ngoại 40 độ! Phủ đài nói chuyện tiền thâu nhập to lớn như vậy toàn nhà chùa quản trị lấy, dân sở tại cũng không biết mà quan sở tại cũng chẳng hay. Số tiền ấy mà khéo biết dùng thời kinh doanh việc chi mà chẳng được.

(…) Các đám đông ở nước mình thật là không có kỷ luật, không có trật tự gì cả, rất tạp đạp, rất hỗn độn, dầu ở nơi lễ bái kỉnh trọng cũng kẻ đi người lại, kẻ đứng người ngồi, nói nói cười cười, kêu kêu gọi gọi, ồn ào lộn xộn, khó mà nghiệm cho được cái tâm lý những người ngẫu hợp lại đó. Lại thêm khói hương ngùn ngụt, mùi người xông ngạt, tiếng chuông, tiếng trống, tiếng mõ đinh tai, đủ khiến cho nhà khảo cứu như vào chốn mê ly, chẳng biết chỗ nào mà dò. Song nhận cho kỹ, dẫu trong đám ồn ào đó mà cũng có nhiều người cái mặt rầu rầu, con mắt dim dim, như ngoan như độn, như dại như ngây, tưởng giá sét đánh bên mình cũng không tỉnh. Những người ấy chính là người thành tâm tín ngưỡng đó, chớ không phải những kẻ lau chau láu táu, miệng khấn tay vái, nào sụt nào sùi, bao nhiêu sự tâm niệm thành kính là ra chân tay mồm miệng cả.

(…) Giữa trưa thời cả đoàn trẩy vào “Chùa Hương”, tức là vào động. Có đem theo mấy bộ đăng sơn để phòng chỗ nào mỏi chân thời lên cho đỡ mệt. Nhưng bọn mình xem ra ai cũng có cái “lòng tôn giáo” cả nên ai cũng đủ sức nhẫn nại mà chịu được chân chồn gối mỏi, miệng khát cật nóng, trong ngót hai giờ đồng hồ, không cần phải dụng đến đăng sơn mấy. Kể đi như vậy đương giữa trưa cũng mệt thật, không phải rằng đường đi có khó khăn nguy hiểm gì, nhưng lắm chỗ dốc quá cứ trèo ngược mãi lên, mỗi bước như hai chân phải nâng cả ngót năm chục cân nặng cái thân thể mình lên, nên mỏi quá nhọc quá. Người nào phì mập đến bảy tám mươi cân mà cứ trèo như vậy luôn trong hai giờ không nghỉ, trên thời trời nắng chang chang, tưởng đến đứt hơi ra được. Nhưng hai bên đường đã có hàng quán, tùy độ đường mà đặt, đến chỗ nào mỏi mệt thời đã có sẵn nơi uống nước nghỉ chân. Lại người đi lũ lượt, kẻ ra người vào, chân bước miệng “Nam mô”, coi rất vui, cũng quên được sự mỏi mệt đi nhiều. Có lắm bà cụ đã già mà đi son són, như ta đi ngoài phố, không ra dáng mệt nhọc gì, tin rằng đi việc lễ bái phúc đức thời Phật phù hộ cho, coi đó đủ biết cái lòng tín ngưỡng mạnh là dường nào. Không gì cảm động bằng chợt đến khúc đường vắng, khuất núi cao, trông thấy bà lão già tay lần tràng hạt, tay cầm gậy tre, chân đi bước một, miệng đọc “Nam mô”, tiếng vang động bên sườn núi dưới gốc cây, nghe ai oán vô cùng, tưởng như tiếng tự trong thâm tâm mà ra, kêu được hết cái nỗi đau khổ của loài người.

(…) Đi qua “Giếng giải oan”, là một cái giếng nước trong ở trong đá chảy ra, trên xây cái đền nhỏ bằng gạch thờ chư vị, chỉ có một cái cửa nách con vào trong tối om, ngạt những mùi hương khói, chẳng trông thấy gì, khách thập phương chen nhau vào mà lấy nước, nói rằng nước ấy ai đau mắt kinh niên rỏ một giọt thời khỏi ngay. Lại bên cạnh giếng có một viên đá vôi, nhiều người lấy dao cạo lấy cái bột ở đấy đem về để trị đau mắt. Không biết hai thứ thuốc tiên đó có chữa được nhiều người khỏi mắt không, nhưng chắc cũng lắm người đau thêm hoặc hỏng mắt vì đó. Song lòng người ta đã tin thời dẫu độc cũng là hay. Cái tín lực thật là cái sức mạnh đệ nhất ở đời vậy. Lại đi qua chỗ “Cửa Võng”, gọi tên là thế vì khi trước có cái cây lớn chăng dây thành cái võng, ngày nay cây đã đổ mất rồi. Đến nơi gọi là “Trấn Song” là chỗ trèo lên gian trước hơn cả, có cái dốc dựng cao tới hai ba mươi thước tây; ngày nay đã có bậc lên còn dễ hơn, chớ ngày xưa đi đến đấy là nguy hiểm lắm.

Đến hai giờ chiều thời vào tới động. Gần tới nơi phải đi dốc xuống một thôi, bóng cây u ám, đá núi ẩm thấp, đi trên đường nóng nực, đến đấy thấy mát lạnh, rồi tới một cái cửa hang to, trông tối om, chỉ thấy lố nhố những đèn nến như sao sa, khói hương đưa lên như mây ám. Đó là động Hương Tích vậy. Mới thò đầu vào chỉ thấy khói hương xông sặc ngào ngạt, nước mắt nước mũi chan chứa, không nhận ra người vật gì cả, chỉ trông lố nhố một lũ bóng nhấp nhô như trên màn chớp ảnh vậy. Lại thêm tiếng chuông, tiếng trống tiếng mõ tiếng pháo, tiếng súc thẻ, tiếng cầu khấn, rộn rịp om sòm, thật là rức óc đinh tai. Cái cách thờ cúng của người mình cũng kỳ thay. Hình như thần Phật là của chung, đi lỡi (tức lễ – PT chú) được nhiều được phúc nhiều, nên tranh nhau mà cầu lỡi, tranh nhau mà thắp cho nhiều nến, đốt cho nhiều hương, mỗi người mỗi làm như vậy, thành ra đám họp chợ, không phải là nơi cầu nguyện. Ôi! Cái lòng tín ngưỡng của người mình phát biểu ra một cách thật là thô bỉ sỗ sàng thay!

(…) Coi cái động Hương Tích đó cũng chẳng lấy gì làm đẹp, tưởng không xứng đáng cái huy hiệu “Nam Thiên đệ nhất động” của Chúa Trịnh khắc ở cửa hang đời xưa. Theo tục truyền thời động này bắt đầu thờ từ đời nhà Trịnh, không biết vào niên hiệu nào: hiện nay ở chùa trong chùa ngoài cũng không còn có bi ký tự tích gì làm chứng cớ. Duy ở ngoài Thiên Trù còn một cái tháp cổ xây bằng những “gạch hòm sớ” nung thành chai, dài ước 50,60 phân tây, dầy tới 15,20 phân, có đúc những miếng huỳnh miếng trám, những chữ phạn tự (chữ Phật), coi rất là cổ kính, nhưng cũng không có sự tích niên hiệu gì, chẳng biết vào thời đại nào. Động không đẹp là vì ở thụt xuống một cái lũng sâu, trông không sáng sủa, không có bề thế, nhưng cũng có cái vẻ sầm uất uy nghiêm. Trong động có những thạch nhũ rủ xuống, người ta gọi là cái “mắc áo”, có những hang những hốc người ta cho là đường lên trời đường xuống âm phủ, có những đống đá nhấp nhô người ta gọi là “núi các cô các cậu”, những người hiếm hoi đến cầu tự ở đấy, v.v… toàn là những cái tục truyền phụ họa, chẳng có gì là kỳ lạ cả. Nhưng phàm cảnh sơn nham không có đẹp ở trái núi hay ở viên đá, mà phần nhiều đẹp ở cái khí sắc mỗi lúc, tùy trời u ám hay trời sáng sủa, buổi chiêu dương hay lúc tịch dương, mặt trời ánh sáng, sắc núi đậm phai, mà mỗi lúc khác nhau. Vậy bấy giờ đã trở về chiều, mặt trời đã xế, đứng tận trong cùng động nhìn ra ngoài cửa, thật là một bức tranh tuyệt bút. Khói hương đưa ra cửa động, mờ ám như đám sương mù, mặt trời phản chiếu nửa đỏ nửa vàng, bóng cây phất phới như thấp như cao, đứng trong nhìn ra như trông qua một cái gương mờ: bấy giờ tưởng bước chân ra cửa động là tiện thị để mình vào nơi mộng cảnh nào, theo sương mù mà bay bổng lên mấy từng mây, có lẽ đấy chính là cõi tây thiên tĩnh thổ vậy. Nhưng chửa bước chân ra khỏi cửa thời cái mộng cảnh đã tan rồi, mà chỉ ngửi thấy những mùi xú uế ở chung quanh chùa bốc lên, thật là cảnh chân với cảnh mộng cách xa nhau nhiều lắm!

Khi trở ra chùa ngoài thời trời đã về chiều, khí đã mát mẻ. Đi xuống không nhọc bằng trèo lên. Khi lên thời mỗi bước như phải nâng cả mình lên, nên chồn chân và mỏi vế; khi xuống thời cứ thuận dốc mà như ở trên đẩy người xuống, đi mau lắm. Ra gần đến chùa ngoài thời trông thấy dãy núi ở bên tay trái có mấy lớp nhà cao làm kiểu tây, cheo leo ở sườn núi, đứng xa tưởng cái nhà mát của người Tây nào. Hỏi ra mới biết rằng đấy là “Chùa Tiên”, trên cũng có cái động nhỏ, cái nhà tây có lầu đó tức là nhà “khách sạn” tiếp phụ vào chùa. Động với nhà cũng tầm thường cả, không có gì là đẹp, nhưng đứng trên ấy rộng trông được cả khắp miền núi non đó, thứ nhất là gồm được cả cái qui mô của “Chùa ngoài” kể cũng đã to lớn thật. Lại đứng đấy mà ngắm con đường vào “Chùa trong” thật như một giải lụa vòng quanh núi, mà người đi là một lũ kiến bò.

Chiều tối vừa đến “Chùa ngoài”, ăn cơm, nghỉ chân, để sửa soạn sáng mai ra sớm. Nhà chùa dọn nhà quan cư cho ngủ, có ý biệt đãi vậy. Đến khuya khuya thời ngoài núi chim gõ mõ, trong chùa người tụng kinh, các ban thờ Phật đèn nến sáng choang, hương hoa ngào ngạt, kẻ lễ người cầu đứng chật mấy gian chùa rộng. Đi dạo chơi một lượt khắp chùa, gian nào, buồng nào, thậm chí đến ngoài sân đến đường đi, cũng chật ních người, kẻ đứng người ngồi, kẻ nằm ngang người nằm dọc, không có chỗ nào mà lách chân đi được: ăn lấm nằm láp, thật người mình coi rẻ cái thân thể quá, lấy rằng đi lễ được phúc đức, càng phải lầm than bao nhiêu càng được phúc bấy nhiêu. Có điều lạ là nhà chùa nói chuyện rằng thường thường cả Chùa trong Chùa ngoài mỗi ngày tới mấy nghìn con người đi lại ăn ngủ ở đấy mà tịnh không hề bao giờ xẩy ra sự trộm cắp xâm phạm gì. Coi đó thời đủ biết lòng đạo đức của cái đám đông này có cái bụng tín ngưỡng vậy. Như vậy thời việc cảnh sát trong chùa rất là dễ dàng lắm. Duy có khoản vệ sinh thời nhà chùa cần phải chú ý hơn nữa mới được. Thứ nhất, là nghiêm cấm khách thập phương không được phóng uế ra chung quanh chùa hoặc ngay cửa động như bây giờ, thật là dơ bẩn quá. Sau nữa, nên đặt rộng thêm cái nhà ngủ cho khách khỏi phải nằm vạ nằm vật xuống đất, coi đê tiện lắm. Hiện nay hai bên hành lang ở sau cửa tam quan tức là hai cái nhà ngủ rộng, có lát ván, nằm cũng còn không tệ lắm bằng nằm xuống gạch xuống đất, nhưng nghe đâu nhà chùa tham tiền mướn cho các hàng tạp hóa làm cái chợ kín, chiếm mất cả chỗ nằm của khách thập phương…

Tám giờ sáng mai ra đò suối sớm, 10 giờ thời xuống thuyền trở về Phủ Lý, đi nước xuôi chóng hơn bữa trước nhiều. Lần này đi ban ngày, tha hồ ngắm phong cảnh hai bên bờ, chỗ núi non, chỗ đồng ruộng, coi rất ngoạn mục. Có nơi núi ngay trên bờ, bên sườn lại có tấm đình góc miếu cheo leo, nhìn như bức tranh sơn thủy lớn hay bộ núi non bộ to. Tới già nửa đường thời qua đền Bà Đanh, nhưng trời đã về chiều không kịp lên xem.

Sáu giờ tối thì thuyền tới bến Hà Nam, ngủ đấy một đêm, sáng mai lên Hà Nội chuyến xe lửa sớm. Thế là trẩy Chùa Hương xong, cả thảy mất hai ngày rưỡi ba đêm.

T.C.

(1919)

Bài trên Blog PhamTon lên số Xuân Tân Mão tạp chí Thanh Tra

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:22 chiều

Blog PhamTon, tuần 1 tháng 2 năm 2011.

Tin vui nhân Blog PhamTon tròn hai tuổi:

BÀI TRÊN BLOG PHẠM TÔN

N SỐ XUÂN TÂN MÃO TẠP CHÍ THANH TRA Chủ Nhật

Lời dẫn của Phạm Tôn: Các bạn đọc Blog PhamTon đã quen đọc các bài về Thượng Chi – Phạm Quỳnh được đưa lên blog với lời dẫn rất rõ ràng đó là bài gì, đăng trên trang nào, sách báo nào, ra ngày này tháng nọ năm kia, xuất bản tại đâu, năm nào, nhà xuất bản nào, coi đó như một bảo đảm chắc chắn cho tính chân thực của bài. Nếu không giữ nguyên tên bài viết, do trích đăng, thì ghi rõ “Nhan đề bài trích này là của chúng tôi”. Lệ đó quen rồi.

Vậy mà Xuân Tân Mão 2011 này, lần đầu tiên có tạp chí trung ương, mà lại là số đặc biệt mừng Xuân, đã đăng trang trọng bài Cách dùng người của Đảng và Bác Hồ của Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan trọn trang 6 số Xuân tạp chí Thanh Tra – chủ nhật. Đó chính là bài đã đăng trên Blog PhamTon tuần thứ 5 tháng 10 năm 2010 với bút danh Thủy Trường.

Bài dưới  đây, chúng tôi thu từ www.thanhtra.com.vn (số 1+2).

Đây là một tín hiệu đẹp đầu Xuân Tân Mão này, đúng dịp Blog PhamTon tròn hai tuổi.

—-o0o—-

Khi đường lối đã xác định đúng, hai việc còn lại để duy trì sự sống còn, tuổi thọ của đường lối là: Người thực hiện – cán bộ, nhân dân và cách thực hiện – phương pháp tiến hành.

“Thần thiêng nhờ bộ hạ”, Trần Hưng Đạo từng nói: “Sỡ dĩ chim hồng hộc bay cao được là nhờ hai cánh mạnh”. Có đường lối đúng rồi, cần có người thực hiện. Điều cốt tử trong việc sống còn này là tìm người tài, chọn người hiền… Triều nhà Lý hưng thịnh không phải là không có công của Lý Quốc Sư. Bên cạnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi vừa là “quân sư”, “Tổng tham mưu trưởng”, “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao”, vừa là nhà văn hóa lấy “chí nhân thay cường bạo”, “đánh vào lòng người là thượng sách”. Một Quang Trung đánh tan quân Thanh, không phải là không có ý kiến của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.

Khi Hồ Chí Minh được toàn Đảng toàn dân các dân tộc cử làm Chủ tịch nước, Người đã chọn lựa, sử dụng rất nhiều cộng sự, người giúp việc theo phương châm “Tập trung nhân tài, bất phân đảng phái” (Bút tích còn lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam), đã đoàn kết “gái trai, già trẻ, sang tiện (giàu, nghèo), cả những người đi lính cho Tây, làm việc cho Tây, dù trước kia có chính kiến gì”  (Báo Việt Nam Độc Lập).

Khi nhân dân Việt Nam giành được chính quyền, những người Cộng sản Việt Nam đã “mời” hàng loạt thượng thư, khâm sai, tổng đốc, án sát, tri phủ, tri huyện, công chức chế độ cũ “ra làm việc với Chính phủ mới”. Một nhà cách mạng lão thành đã nói: “Mời, sử dụng được cả đến vua thì hết nói rồi!”.

Nhà văn Sơn Tùng đã ghi lại lời của Vũ Đình Huỳnh, Bí thư tâm phúc của Bác Hồ từ tháng 8/1945 đến cuối năm 1953 như sau: Bác Hồ rời Tân Trào, Tuyên Quang, Việt Bắc làm việc ở Bắc Bộ phủ, 12 phố Ngô Quyền. Một phái đoàn T.Ư, ông Nguyễn Lương Bằng, ông Trần Huy Liệu, ông Cù Huy Cận đã vào Huế dự lễ Vua Bảo Đại thoái vị. Hôm phái đoàn lên đường rồi, Hồ Chủ tịch mới về Hà Nội. Như chợt nhớ, Người nói với ông Võ Nguyên Giáp, Ủy viên thường vụ T.Ư Đảng, Tổng Chỉ huy quân đội; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi); Thứ trưởng, ông Lê Giản; Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam, Vũ Đình Huynh: “Chú Bằng, chú Liệu, chú Cận vô Huế  rồi mình mới về thì đã trễ, giờ chú Nam hoặc xem thay được chú Nam vô Huế, gặp cụ Phạm Quỳnh, trao thư tôi mời cụ… ”.

Hai hôm sau, ông Nam báo cáo với Hồ Chủ tịch: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt…” Hồ Chủ tịch để điếu thuốc đang hút dở xuống gạt tàn, nói lửng : “Bất tất nhiên!”. Sau đó, trong buổi ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch UBND Cách mạng Thừa Thiên – Huế đến làm việc với Bác tại nhà số 8, phố Vua Lê Thái Tổ và báo với Bác là: “Cụ Phạm Quỳnh đã bị khử mất rồi” thì Bác thu 2 cánh tay vào sát ngực tựa lên mặt bàn, lặng ngắt một lúc… Người nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì?” Người duỗi hai tay ra mặt bàn: “Tôi đã gặp, từng giao tiếp với cụ Phạm ở Pháp! Đó không phải là người xấu”.

Ngày 10/9/1945, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh cử ông Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại làm cố vấn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, các vị cựu thượng thư Bộ hình Bùi Bằng Đoàn, cựu Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, các cựu Tổng đốc Vi Văn Định, Hồ Đắc Điềm… đáp lời mời của Hồ Chủ tịch ra gánh vác việc nước.

Năm 1946, Hồ Chủ tịch là thượng khách thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ 31/5 – 20/9/1946), trước ngày khai mạc Hội nghị Việt – Pháp tại Fontainebleau, Bác gặp mặt cả phái đoàn ta. Hồ Chủ tịch nói với Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và các ông Đỗ Đình Thiện, Vũ Đình Huỳnh: “Lúc này còn cụ Phạm Quỳnh thì…”- Người im lặng. Ông Đồng đáp lời: “Bất tất nhiên, Bác đã nói rồi mà!…”.

Nay, ta hãy xem lại trong Chính phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh có bao nhiêu bộ trưởng là ủy viên T.Ư Đảng và những người ngoài Đảng tham gia Chính phủ, có bao nhiêu người từng bị “tai tiếng”.

Những chính sách chiêu mộ hiền tài, trọng dụng tài năng, tạo điều kiện để người hiền tài có đủ điều kiện làm việc, đủ điều kiện vật chất và quan trọng hơn là có thái độ “tôn trọng họ, yêu mến họ, tin tưởng họ” thì mới gạt được những đống đá cuội hiện vẫn còn đang nằm trên con đường ray, cản đường đoàn tàu Việt Nam tiến lên CNXH.

TS Nguyễn Văn Khoan

Tháng Một 21, 2011

Lên mạng gìn giữ tiếng Việt

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 3:53 chiều

Blog PhamTon, tuần 5 tháng 1 năm 2011.

LÊN MẠNG GÌN GIỮ TIẾNG VIỆT

Thanh Quý

Lời dẫn của Phạm Tôn: Mấy năm nay, ngày càng có nhiều người, nhất là các bậc cao tuổi lên tiếng cảnh báo về nạn xâm hại tiếng Việt, nhiều khi làm biến dạng, xuống cấp. Đáng tiếc là thủ phạm của các vụ xâm phạm này thường lại là những người trẻ, chủ nhân tương lai của nước ta. Không ít vị làm cha mẹ than phiền là không hiểu nổi con cái mình nói gì, viết gì khi vừa chêm tiếng lóng, tiếng nước ngoài, vừa dùng nhiều tiếng “dân chát chít” hay dùng… Đặc biệt tệ hại lại là những thông tin trên mạng, những ý kiến tranh luận này nọ, càng tràn ngập thứ tiếng dị dạng đó.

Từ năm 1930 với bài Một vấn đề ngôn ngữ học và 1931 bài Ngôn ngữ mới của nước Nam, nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ làm méo mó tiếng ta, thì may mắn thay, tám mươi năm sau đã thấy có lực lượng hùng mạnh lên tiếng bảo vệ tiếng Việt mà ông suốt đời yêu quí. Đáng chú ý là  các bạn trẻ này lại lập chiến lũy ngay trên mạng. Một mặt trận rất trẻ và đầy triển vọng.

Chúng tôi vui mừng giới thiệu cùng bạn đọc bài của Thanh Quý Lên mạng gìn giữ tiếng Việt, đăng trên mục Tiếng nước tôi báo Tuổi Trẻ ngày 13/1/2011, trang 12. Một cách “tiếp bước người xưa” bằng phương cách mới, hiện đại.

—o0o—

Thời gian qua, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại trước tình trạng tiếng Việt bị sử dụng tùy tiện, méo mó. Tuy nhiên dạo qua một số diễn đàn mạng, cụ thể là diễn đàn trên truongxua.vn, có thể thấy có một bộ phận giới trẻ rất quan tâm đến việc sử dụng tiếng Việt sao cho chính xác và hiệu quả.

Trang web truongxua.vn với bài viết mới của cô Nguyễn Thị Bích An

Trang web truongxua.vn có hẳn mục Tiếng Việt của chúng ta để mọi người trao đổi những thắc mắc, bộc lộ suy nghĩ của mình về tiếng Việt. Từ khi được thành lập (17-3-2009) đến nay, mục về tiếng Việt đã có trên 500 chủ đề, thu hút hàng chục ngàn lượt thành viên truy cập và tham gia hỏi đáp.

Có rất nhiều chủ đề liên quan đến tiếng Việt được mọi người quan tâm như: Quy định về cách viết hoa hiện hành, Sửa ngọng cùng bạn, Một số từ dễ viết sai… hay đơn giản cũng có thể là những bài viết chia sẻ cảm xúc khi đọc được một câu thơ hay. Đặc biệt, có rất nhiều bạn trẻ ở các tỉnh viết về ngôn ngữ riêng của quê mình như: Xứ Nghệ mình đây “mô, tê, chi, răng, rứa”, Giọng Huế, Tiếng nói người miền Trung, Tiếng Thanh Hóa…

Mỗi một chủ đề đều khơi gợi sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Chủ đề được nhiều người quan tâm là việc một bộ phận giới trẻ đang dần quen với việc sử dụng tiếng Việt dị dạng. Một thành viên đã đưa ra rất nhiều ví dụ về tiếng Việt bị méo mó trong khi sử dụng như: lèm seo (làm sao), we wa (quê quá), xjnh xjnh (xinh xinh)… Những ngôn ngữ như thế này thường được các bạn trẻ ưa dùng trong chat, nhắn tin, viết blog, Facebook…

Nick name Tieubinhnguyen tỏ ra không hài lòng với cách sử dụng tiếng Việt như thế: “Chuyện giao tiếp như thế nào là quyền của mỗi người, tuy nhiên cũng cần phải xem lại cách sử dụng ngôn ngữ của mình sao cho đúng và lịch sự. Có thể không cố tình nhưng nếu cứ kéo dài thì trong đầu chúng ta sẽ tồn tại những ngôn ngữ rất kỳ quặc và phản văn hóa”.

Nick name LyLyNguyen, 43 tuổi, bày tỏ mong muốn mọi người có ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt: “…Khi nói và viết tiếng Việt thì tránh dùng tiếng lai, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Các cụ xưa gọi người sính dùng chữ gốc Hán là người “hay chữ lỏng” và có câu nói “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”.

Hội nhóm “Tiếng Việt của chúng ta” được thành lập trên trang web này cũng đã trở thành nơi trao đổi những thắc mắc về cách sử dụng chính xác tiếng Việt.

Bạn Nguyễn Hiệp (quê Nam Định, 22 tuổi) chia sẻ về khó khăn trong quá trình luyện tập phát âm “n” và “l”. Ngay lập tức, Hiệp nhận được nhiều đóng góp, gợi ý của mọi người trên diễn đàn. Cô Nguyễn Thị Bích (trưởng khoa văn Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh) – người đưa ra ý tưởng thành lập hội nhóm “Tiếng Việt của chúng ta” – đã động viên: “Cái gì cũng cần phải có thời gian. Quan trọng là em phải luôn có ý thức rèn sửa và không nản lòng”. Nick name PanPanLinh (21 tuổi) đang học ở Hà Nội chia sẻ: “Lúc trước mình cũng bị ngọng “n” và “l”, nhưng nhờ có người bạn ngồi chung bàn chịu khó nhắc nhở nhiệt tình nên giờ mình đã rất tự tin nói nhanh mà không còn sợ sai nữa”.

Dù là diễn đàn mạng, mọi người có thể tham gia tự do, tuy nhiên nhiều thành viên trong hội nhóm thể hiện sự nghiêm túc và có đầu tư trong quá trình chia sẻ quan điểm của mình về tiếng Việt. Và vẻ đẹp của tiếng Việt, trong dòng chảy của thời đại số, vẫn đang được gìn giữ từ những mối quan tâm như thế.

T.Q.

Một vấn đề ngôn ngữ học

Filed under: Báo — phamquynh @ 3:54 sáng

Blog PhamTon, tuần 5 tháng 1 năm 2011.

MỘT VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ HỌC

Phạm Quỳnh

Lời dẫn của Phạm Tôn: Sau đây là phần chúng tôi trích đăng từ bài cùng nhan đề theo bản dịch của nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, từ trang 467 đến trang 473 sách Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932 do Nhà xuất bản Tri Thức và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, xuất bản năm 2007. Nguyên bản tiếng Pháp Essais 1922-1932 do Tiến sĩ Phạm Thị Ngoạn sưu tầm, biên soạn và xuất bản tại Pháp.

—o0o—

(…) Một tác giả nổi tiếng, ông René Gillouin, đã viết cả một cuốn sách về những xung đột ngôn ngữ này, cuốn sách nhan đề Từ Alsace đến Flandre: tính thần bí ngôn ngữ học.

Quả thực, trong mối liên hệ của con người đối với tiếng mẹ đẻ của họ có một thứ tính chất thần bí và đó là một trong những thế lực đang tác động tới thế giới hiện đại.

Cuộc chiến tranh vừa qua (tức cuộc Đại chiến thế giới 1914-1918 – BT) vừa bộc lộ những quyền lợi đặc thù của các dân tộc, vừa làm tăng thêm chủ nghĩa dân tộc của họ, lại đã củng cố thêm tính thần bí ngôn ngữ này.

Nước Nga đã đổi tên tất cả các thành phố và địa phương có âm nghe hơi ngoại lai và thay chúng bằng những tên gọi thuần slave. Nước Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã làm như vậy và còn làm cực đoan hơn trong một xứ mà các trường học đến nay phần lớn vẫn do người ngoại quốc nắm giữ: họ đã cấm tất cả các trường nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ của họ không được dùng một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng Thổ để giảng dạy, nếu vi phạm sẽ bị đóng cửa trường ngay lập tức.

Chủ nghĩa dân tộc ngôn ngữ này, nó có tất cả đặc điểm và sức mạnh của một điều thần bí, cố tự biện minh bằng một học thuyết mới về bản chất của các ngôn ngữ và quan hệ của chúng với đời sống tinh thần.

Các ngôn ngữ không còn là những hệ thống ký hiệu nhân tạo dùng để diễn đạt các tư tưởng của chúng ta như ở thế kỷ XVIII mọi người tin như vậy. Chúng là sự phản chiếu sống động chiều sâu tâm hồn của một dân tộc.

Theo Gillouin, ngôn ngữ thể hiện cách thức giao tiếp đặc biệt của một dân tộc với những nguồn mạch ẩn giấu của Tồn Tại, tới mức con người chỉ có thể suy nghĩ và nguyện cầu bằng một thứ tiếng duy nhất: thứ tiếng hắn đã hấp thụ dược từ những ngày còn trẻ và ẩn sâu trong đó còn đập phập phồng toàn bộ tâm hồn của giống nòi. Nhịp điệu của ngôn ngữ, nhạc tính của ngôn ngữ, hòa sắc của nó, những lối diễn tả khí chất của một dân tộc cũng giống như ánh mắt nhìn biểu lộ tâm hồn của một con người. “Đối với một dân tộc, mất tiếng mẹ đẻ ngang với mất tâm hồn”.

Học thuyết này hiển nhiên chứa đựng phần lớn chân lý. Nhưng như nhận xét của một nhà phê bình khi điểm cuốn sách của ông Gillouin, không nên hiểu điều đó theo nghĩa tuyệt đối.

“(…) Thực ra, tôi không hoàn toàn tin theo nghĩa đen sự đồng nhất giữa ngôn ngữ của một tộc người và tâm hồn của nó. Bretagne là một chủng tộc Celt và ngôn ngữ của nó quan hệ với tiếng Roman cũng chỉ như tiếng Pháp thôi. Tuy nhiên Chateaubriand và Renan, cả hai đều là người Bretagne, đã đưa lại cho tiếng nói gốc Latin của chúng ta một ma thuật thi ca không gì sánh nổi. Tâm hồn của một tộc người có thể lột xác chầm chậm qua nhiều thế kỷ và sự thay đổi tiếng nói có thể tự nó diễn ra một cách quyến rũ và thu hút, ấy là chưa nói gì đến những vấn đề lợi ích.

Ông Gillouin có thể đã quá tin rằng người ta không thể can thiệp vào các hiện tượng ngôn ngữ học. Trong các vấn đề ngôn ngữ cũng như trong mọi vấn đề khác, không có gì là tuyệt đối dứt khoát. Nhưng những sự biến đổi ngôn ngữ học thuộc về loại hiện tượng mà trong ngành địa chất người ta gọi là những biến cải rằng trong lĩnh vực này, mọi chuyện không phải tính bằng năm mà bằng nhiều thế kỷ”. (Tạp chí Mercure de France, 11-1930).

Những ý kiến dè dặt này là hoàn toàn đúng. Nhưng nếu vì dè dặt như thế mà hạn chế trong chừng mực nào đó tầm vóc của một lý thuyết muốn ngôn ngữ là một trong những yếu tố chủ yếu của dân tộc tính, chủ yếu và sâu kín đến mức nó thành như là tấm gương linh động phản chiếu tâm hồn sâu sắc của một dân tộc, thì khi đó, dè dặt không có nghĩa là bác bỏ.

Chắc chắn là các ngôn ngữ có biến đổi, cũng như tâm thức các dân tộc nói các thứ tiếng đó, hoặc là do tác động bên ngoài, hoặc là do sự tiến hóa nội tại của chúng. Thậm chí đôi khi, có những hoàn cảnh đặc biệt khiến một số cá nhân thuộc một tộc người này từ nhỏ đã bị chuyển sang sống với một tộc người khác và quên mất tiếng mẹ đẻ mà nói bằng thứ tiếng xứ họ sống: đó là trường hợp các trẻ em Nga nêu trên. Cũng lại có trường hợp một bộ phận tinh hoa có thiên tư, học hành kỹ càng nên thông thạo thứ tiếng ngoại quốc đến mức có thể dùng nó diễn tả được tư tưởng của mình với đủ mọi cung bậc, sắc thái.

Nhưng những trường hợp đặc biệt đó không chứng tỏ rằng ngôn ngữ của một dân tộc không phải là thứ thiết thân đối với dân tộc ấy, rằng trong cấu trúc và tinh thần riêng của nó, trong phẩm chất và sự tinh tế của nó, trong nhịp điệu và hòa sắc của nó, nói chung không phải là nó không thông tiếp được với các cá nhân thuộc một chủng tộc khác. Có những ngoại lệ khẳng định quy tắc. Quy tắc đó là ta chỉ có thể suy nghĩ và cảm nhận thực sự bằng thứ tiếng đã được ru nôi từ nhỏ, thứ tiếng mà tổ tiên ta đã nói ngàn đời.

Tất nhiên, người ta có thể tác động đến các hiện tượng ngôn ngữ, thậm chí làm thay đổi sâu sắc một ngôn ngữ; nhưng như đã nói, đó là những sự biến đổi chậm theo kiểu trầm tích trong địa chất, phải tính hàng thế kỷ chứ không phải hàng năm. Không hề có thí dụ nào về một dân tộc gồm hàng triệu cá thể mà qua một ngày đã thay đổi tiếng nói của mình hay bỏ tiếng mẹ đẻ để nói một thứ tiếng ngoại nhập.

Những nhận xét này không phải vô ích khi chẳng hạn người ta đang dự kiến dùng thứ tiếng nào dạy cho học sinh tiểu học nước Nam. Hôm nay chúng tôi không có ý định trình bày vấn đề đó ở đây. Chúng tôi chỉ muốn cho thấy rằng trong trường hợp đặc biệt của xứ này, vấn đề ngôn ngữ có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với sự tiến hóa tinh thần, luân lý và cả chính trị của một dân tộc.

Có một thực tế là đa phần thanh niên nước Nam kém tiếng nước mình. Đấy không phải lỗi của họ, bởi vì họ đã không có cơ hội được học nó một cách tử tế.

Bị buộc phải học tiếng Pháp từ sớm để có thể học tiếp lên, họ đã xem thường tiếng Nam mà nhiều người cứ nghĩ chỉ cần qua thực tế là tự nhiên biết. Kết quả là họ thường mù tịt hoàn toàn về thần thái tinh tế của nó, và ngoài những chuyện trò thông thường ra thì họ bất lực trong việc diễn tả bằng tiếng mẹ đẻ, một thứ tiếng không chỉ cho ta nhiều lựa chọn và thanh nhã, mà nó còn chính xác và đúng đắn.

Họ bối rối khi phải trình bày, giải thích, diễn tả những ý tưởng và tình cảm hơi thoát ra khỏi khuôn khổ đời thường, khi phải viết một bức thư với những lời lẽ lịch sự mà chỉ cần nắm vững tiếng mẹ đẻ một chút là đã có thể hiểu và dùng được một cách có ý thức.

Có lần tôi đã chứng kiến sự bối rối này ở những người chắc chắn là theo Tây học. Họ không thể nào nói được một câu chuyện khá thanh lịch bằng tiếng Nam. Họ khổ sở tìm từ, bối rối chọn câu, tóm lại là họ thực sự lúng túng. Những người thông minh nhất thì tin rằng họ đã không có thời gian học thấu đáo tiếng mẹ đẻ, bây giờ họ bắt đầu học để lấy lại thời gian đã mất. Số khác thì đổ tội sự lúng túng của họ cho sự nghèo nàn hay sự thiếu hụt đến tuyệt vọng của tiếng Nam, làm như tư tưởng, ý tưởng của họ tinh túy và cao tót vời đến mức tiếng mẹ đẻ không đủ khả năng diễn tả được tương xứng.

Nói đúng ra, nếu tiếng nước chúng tôi thiếu vốn từ vựng khoa học và kỹ thuật do khi xưa cha ông chúng tôi chưa thấy cần thiết, thì mặt khác nó lại phong phú vô cùng các cách nói độc đáo, và xét về màu sắc, vẻ đẹp, sự hài hòa hay thậm chí tính thơ quyến rũ, thì nó không nhường bất cứ thứ tiếng nào. Tôi đã có lần ca ngợi tiếng nói dân gian của nước tôi, coi đó là một cái mỏ quý giá không vơi cạn những từ ngữ khéo léo, những cách nói lý thú.

Cái mỏ đó nói chung còn khép lại trước những người đồng bào trẻ tuổi của chúng tôi được học ở trường Pháp ra, cũng y như xưa kia, muốn có được cái ngôn ngữ thanh nhã và trau chuốt của các nhà nho, thì phải có sự hiểu biết nhất định về tiếng Hán, một thứ tiếng gần như tiếng Latin của chúng tôi.

Như vậy là những người Nam trẻ tuổi đã không suy nghĩ bằng tiếng Nam, bởi vì họ không nắm vững thứ tiếng đó. Vậy họ suy nghĩ bằng tiếng Pháp chăng? Cũng chẳng ăn thua gì, bởi vì để có thể diễn tả được các tư tưởng bằng một thứ tiếng vừa khó khăn vừa tinh tế rất khác với tiếng chúng tôi như tiếng Pháp, cần phải có nỗ lực tìm hiểu và thông thạo nó, điều này thì không phải trí thức nào cũng làm được. Chỉ tầng lớp tinh hoa mới có thể gắng sức hiểu được sâu sắc tiếng Pháp.

Dù sao chăng nữa, xét trong tổng thể, thì trừ những ngoại lệ ra, các thế hệ trẻ nước tôi hoàn toàn không biết một thứ tiếng nào, cả thứ tiếng mẹ đẻ của họ mà họ không có thời gian học, cả tiếng Pháp mà họ thường chỉ nắm được qua quýt. Vậy là họ không suy nghĩ được bằng thứ tiếng nào trong hai tiếng đó. Họ suy nghĩ bằng một thứ tiếng lai mà ta thường thấy khi họ trò chuyện với nhau.

Chỉ cần nghe một số người trẻ nước tôi trò chuyện với nhau: đó là những câu dài dòng què quặt, tiếng Pháp biểu đạt kỳ quái chen với tiếng Việt, những danh xưng người Nam với rất nhiều những thứ bậc phong phú khác nhau bị thay bằng những moi, toi, vous, lui, elle của tiếng Pháp.

Không tư duy bằng tiếng Pháp hoặc bằng tiếng Nam, vậy chúng tôi tư duy bằng “tiếng lai” – cho phép tôi dùng từ này mà không hề có dụng ý xấu nào đối với những người lai Âu – Á. Do không còn khuôn vào một kỷ luật vốn có đối với mọi ngôn ngữ đã được hình thành đầy đủ, tư duy của chúng tôi giãy giụa trong sự đại khái, mơ hồ, thiếu chính xác, rất dễ đưa đến hỗn loạn. Không có khả năng nắm bắt được nội dung thực của các từ ngữ hoặc các bản chất tư tưởng của chúng, nó tiếp nhận xô bồ tất cả các lý thuyết, tất cả tư tưởng được ngụy trang khôn khéo dưới những ngôn từ rườm rà. Chúng ta thấy ngay rằng một tư duy phát triển ở ngoài mọi kỷ luật ngôn ngữ như vậy là đầy bất lợi và thậm chí là đầy nguy hiểm.

Vấn đề đặt ra thật quan trọng; nó đáng được nghiên cứu, suy nghĩ. Trong lúc này chúng tôi chỉ mới đánh động nó, chứ chưa rút ra từ đó tất cả mọi hệ quả.

Và để kết luận bài viết này, xin dẫn câu sau đây của Gandhi:

“Không có gì bất hạnh hơn là không biết đầy đủ một thứ tiếng nào, bắt đầu từ tiếng nước mình”

(1930)

Tháng Một 13, 2011

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 11:22 chiều

Blog PhamTon, tuần 4 tháng 1 năm 2011.

TRUYỆN KIỀU CÒN, TIẾNG TA CÒN

Nguyên Trang

Lời dẫn của Phạm Tôn: Báo Người Hà Nội (số 15, ra ngày 11/4/2008) đăng trọn trang 13 bài của nhà báo trẻ Nguyên Trang nhan đề Truyện Kiều còn, tiếng ta còn sau đây. Xin giới thiệu với bạn đọc suy nghĩ của một người viết trẻ Hà Nội hôm nay về một người viết của Hà Nội xưa.

—o0o—

Khẽ nâng niu hai cuốn Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 nguyên bản tiếng Pháp của cụ thân sinh ra mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên hồ hởi: “Rất mừng là sau khi tôi mang hai cuốn sách này về, Nhà xuất bản Tri Thức và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã dịch và cho xuất bản”. Rồi nhạc sĩ trầm ngâm: “Chắc các anh Phạm Toàn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Khánh, Ngô Quốc Chiến, Phạm Xuân Nguyên, Đoàn Tử Huyến, Chu Hảo… sẽ mừng lắm khi thấy lớp trẻ bây giờ quan tâm đến cuốn sách”. Và cũng không quên nhắc” “Trước khi nói đến sách, hãy tìm hiểu qua về thân thế cụ”.

NHÀ VĂN HÓA PHẠM QUỲNH

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh sinh năm 1893 ở nhà số 17, phố Hàng Trống Hà Nội trong một gia đình Nho học. Phạm Quỳnh sớm xa mẹ khi còn chưa thôi nôi. Đến năm 9 tuổi, ông lại mất cha, sống bằng sự chăm bẵm, dưỡng dục của bà nội.

Không còn mẹ, cha nhưng bù lại Phạm Quỳnh được cái thông minh đĩnh ngộ hiếu học. Năm 1908 mới 15 tuổi, Phạm Quỳnh đỗ đầu bằng Thành chung Trường Bưởi và được bổ nhiệm làm phụ tá tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. Tại đây, ông được đọc nhiều sách, trau dồi thêm Hán tự và viết bài cho Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Hai năm trước khi Đông Dương tạp chí đóng cửa (1919), ông đã cùng Louis Marty, Giám đốc vụ chính trị phủ toàn quyền Đông Dương và Nguyễn Bá Trác lập tờ báo riêng và làm chủ bút phẩn quốc ngữ: Tạp chí Nam Phong.

Khi làm báo Nam Phong từ 1917, lúc vừa 24 tuổi, ông chủ trương thuyết lập hiến, tiếp thu văn hóa phương Tây để nâng cao dân trí và lần hồi giành lại chủ quyền tự trị đất nước dựa vào hiệp ước Harmand 1883 và hiệp ước Patenôtre 1884 (tức là quốc gia độc lập trong khối Liên hiệp Pháp).

Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã nhìn nhận: “Cái công của Phạm Quỳnh khai thác lúc đầu cho nền quốc văn có ngày nay, thật là một công không nhỏ…Trong 15 năm chủ trương tạp chí Nam Phong, ông đã xây đắp cho nền móng quốc văn được vững vàng bằng những bài bình luận và khảo cứu hết sức công phu… Muốn hiểu những vấn đề về đạo giáo, muốn biết văn học sử cùng học thuật tư tưởng nước Tàu, nước Nhật, nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ đời Lý, Trần, cho đến ngày nay, muốn biết thêm về lịch sử nước Nam, tiểu sử các đấng danh nhân nước nhà… chỉ có đọc Nam Phong là có thể hiểu biết được…”. Cũng chính ông là người đề cao bản sắc dân tộc trong các bài lý luận vô cùng sâu sắc của mình, trong một bài diễn văn trước Ban Luân lý Chính trị Viện Hàn lâm Pháp, ông nói: “Chúng tôi là một nước có nền văn hóa cũ, chúng tôi không phải là một tờ giấy trắng có thể viết gì lên cũng được. Tức là tờ giấy có sẵn chữ viết từ đời nào đến giờ. Nếu bây giờ viết đè lên một chữ mới e thành giấy lộn mất…”

Luôn ý thức và chủ trương giữ vững bản sắc dân tộc, ý thức dân tộc nên khi ra làm Thượng thư bộ Quốc dân Giáo dục tháng 11 năm 1932, rồi Thượng thư bộ Lại năm 1942 ông luôn khiến thực dân Pháp phải dè chừng. Trong báo cáo mật ngày 8/1/1945 cho Toàn quyền Decoux và Đại tướng Mordant của Khâm sứ Trung Kỳ Healewyn có nhận xét về Phạm Quỳnh như sau: “Viên thượng thư này vốn đã chiến đấu suốt cuộc đời mình bằng ngòi bút và bằng lời nói, không bao giờ bằng vũ khí, chống sự bảo hộ của Pháp, cho việc khôi phục quyền hành của triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam) và cho việc người Việt Nam nắm trong tay vận mệnh của mình”. Và khẳng định: “Tôi lưu ý ngài một điều là dưới vẻ bề ngoài nhã nhặn và thận trọng, con người đó là một chiến sĩ không lay chuyển nổi của nền độc lập Việt Nam và đừng hòng có thẻ làm dịu những tình cảm yêu nước chân thành và kiên định của ông ta bằng cách bổ nhiệm ông vào một cương vị danh dự hoặc trả lương một cách hậu hĩnh. Ông là một kẻ thù không khoan nhượng nhưng cương quyết chống lại sự đô hộ của nước Pháp”.

Phạm Quỳnh mất năm 1945, khi mới 52 tuổi, lúc đang mang trong lòng bao hoài vọng cống hiến cho nền văn hóa nước nhà sau khi rút khỏi vũ đài chính trị.

“TRUYỆN KIỀU CÒN, TIẾNG TA CÒN – TIẾNG TA CÒN, NƯỚC TA CÒN”

Câu nói bất hủ của Phạm Quỳnh được người ta nhắc đến mỗi khi nói về Người. Hơn bao giờ hết, thế hệ sau này là những người ý thức hơn cả sự đúng đắn trong câu nói của cụ. Cũng hơn một lần, những lý luận, những bài viết sắc sảo của Phạm Quỳnh được xem xét lại. Chẳng thế mà kể từ năm 2000 tới nay, lần lượt các nhà xuất bản có uy tín trong nước đã cho phát hành hàng nghìn trang sách của học giả Phạm Quỳnh và được đông đảo những người yêu văn hóa, văn học nước nhà đón nhận như: Mười ngày ở Huế (NXB Văn Học 2001), Luận giải Văn học và Triết học (NXB Văn hóa – Thông tin 2003), Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn 2004), Thượng Chi văn tập (NXB Văn học 2006), Du ký Việt Nam (NXB Trẻ 2007)…

Và tháng 11/2007, NXB Tri Thức và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã dịch và cho in tập Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 của Phạm Quỳnh. Nhắc dến chuyện này, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết: “Trong thời gian sang Pháp, tôi có mang hai cuốn sách của Người về. Đây là hai cuốn đã được xuất bản và phát hành ở Pháp, là công lớn của chị gái tôi là bà Phạm Thị Ngoạn tiến sĩ Văn học, phu nhân của nhà văn Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng. Bà đã sưu tầm và bỏ tiền ra để in những tư liệu lịch sử này”. Chuyện Trung tâm Ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây dịch và in cuôn Tiểu luận như một cái duyên cũng như một sự nhìn nhận lại, một sự động viên của bạn bè, xã hội cho gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ngẫm lại thời gian hơn nửa thế kỷ trôi qua, một lần nữa nhạc sĩ Phạm Tuyên ngậm ngùi: “Tôi và anh Phạm Khuê (Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, đã mất) cùng các con, cháu đã thực hiện lời dặn lại của Hồ Chủ tịch mùa thu năm 1945: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng.”

Với Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932, một lần nữa lớp con cháu ngày nay tiếp tục nhìn thấy một minh chứng cho lòng yêu nước, sự tôn vinh bản sắc dân tộc, lòng tự tôn dân tộc cũng như suy nghĩ tân tiến của người chí sĩ năm nào. Đọc Tiểu luận, cái ấn tượng đầu tiên sau đó còn tiếp tục theo đuổi không chỉ là sự khâm phục chiều sâu bác học và tầm cao ái quốc của tác giả. Ấn tượng lớn hơn nữa, còn đáng yêu hơn nhiều, càng quyến rũ ta vô cùng, ấy là lòng yêu cái Đẹp của bậc chí sĩ đó. Trong những bút ký viết bằng tiếng Việt cũng như trong những tiểu luận viết bằng tiếng Pháp, sự tiếp xúc đầu tiên của Phạm Quỳnh đối với đất nước của tổ tiên để lại, ấy là sự tiếp xúc với cái đẹp của một Tổ quốc, một dân tộc, một nền văn hóa, một sức sống. Nhiều người cũng làm được điều này, nhưng điều gây bất ngờ cho ta, ấy là cái đẹp lại hiện ra ở những con người hết sức bình dị trong cuộc sống thường nhật. Những bài viết tiếng Pháp của Phạm Quỳnh trong Tiểu luận thật tế nhị, nhuần nhuyễn, đôi khi “chơi chữ” mà chính một học giả người Pháp đã phải công nhận sự uyên bác đó qua những bài diễn văn đọc tại Pháp năm 1922. Thật nực cười khi có nhà văn cho là: “Phạm Quỳnh chỉ giỏi tiếng Pháp đủ để lòe người Việt Nam”. Ngược lại, chính bằng tiếng Pháp, tác giả đã nói thẳng thắn nhất những suy nghĩ của mình về dân tộc, về văn hóa và nét đẹp Việt Nam cho người Pháp biết.

Sự thành công, sự cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà của nhạc sĩ Phạm Tuyên cho thấy có lẽ gien nhạc trồi lên và trội lên ở người con thứ 12 của Phạm Quỳnh. Cụ Phạm bà, quê ở một vùng quan họ Kinh Bắc. Như bao thôn nữ miền quê Kinh Bắc, bà đã thuộc rất nhiều làn điệu dân ca quan họ và cả hát trống quân, hát chèo… Khi về làm bạn với cụ Phạm, bà đã giúp chồng rất nhiều trong việc sưu tầm biên khảo ghi lại những làn điệu dân ca để Phạm Quỳnh có vốn mà đề cao văn hóa âm nhạc dân tộc trong tờ Nam Phong. Và ngày nay, ngồi ở căn phòng nhỏ với tràn ngập sách vở, những bút ký, những kỷ vật ít ỏi còn lại của người cha đã quá cố, nhạc sĩ Phạm Tuyên trầm ngâm nhắc lại: “Thân phụ tôi đã từng tâm sự: Tôi là người của buổi giao thời, sẽ khó có người hiểu được tôi… Người Pháp cho tôi là lợi dụng chức quyền để  chống lại họ, còn người mình thì cho tôi là tay sai của Pháp”. Bi kịch lịch sử này tới nay đã hơn sáu thập kỷ,khiến tôi luôn nhớ tới câu một nhà báo đã trích trong AQ chính truyện của Lỗ Tấn: “Còn như dư luận thì cả làng Mùi đều nhất trí công nhận rằng AQ không phải là người lương thiện, chứng cớ là y đã bị bắn; vì rằng nếu là người lương thiện thì làm sao lại bị bắn cơ chứ”…

Nhưng cũng hy vọng tràn trề: “Niềm an ủi lớn nhất là những trước tác của thân phụ tôi cách đây gần một thế kỷ đã lần lượt được giới thiệu với đông đảo thế hệ sau này. Chỉ mong sau này, khi có điều kiện cuốn Tiểu luận được tái bản sau này sẽ được xuất bản dưới hình thức song ngữ để những người am hiểu tiếng Pháp, những người bạn Pháp tiếp cận với nguyên bản và con cháu chúng tôi ở hải ngoại sẽ thêm yêu quí quê hương Việt Nam, quê hương của ông, cụ chúng.”

N.T.

Truyện Kiều P4: Tâm Lý Cô Kiều

Filed under: Báo — phamquynh @ 11:20 chiều

Blog PhamTon, tuần 4 tháng 1 năm 2011.

TRUYỆN KIỀ̀U

Lời dẫn của Phạm Tôn: Từ ngót một trăm năm nay, ở nước ta, hầu như không ai nói tới Truyện Kiều mà quên nhắc tới Phạm Quỳnh. Nhất là từ sau 1924, năm diễn ra lễ kỷ niệm lớn nhất nước ta từ xưa tới nay ngày mất đại thi hào Nguyễn Du, với hơn hai nghìn người tham dự tại Hà Nội. Tối ấy, nhà báo, nhà văn Phạm Quỳnh xuất thần thốt lên câu nói bất hủ “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn,Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Sau đó, đã nổ ra một cuộc tranh luận lớn về Truyện Kiều, với sự tham gia của những tên tuổi lớn trong cả nước. Đến nỗi, sau này cuộc tranh luận về một tác phẩm văn học đã bị đẩy lên thành một hành động chính trị. Và cuộc tranh luận đã thành một “vụ án”: Vụ án Truyện Kiều, thoát hẳn ra ngoài lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Đến nay, sau gần một phần tư thế kỷ tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đang ngày càng có nhiều cách tiếp cận mới dân chủ hơn, công bằng hơn mà cũng thấu tình đạt lý hơn. Và chân lý ngày càng sáng tỏ, trong một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng là quê hương của các danh nhân văn hoá thế giới: đại thi hào Nguyễn Du và Hồ Chí Minh.

Thật ra, Phạm Quỳnh quan tâm, yêu mến Tru yện Kiều và Nguyễn Du từ lâu rồi. Trong bài văn cuối đời viết còn dở dang vào trưa ngày 23/8/1945 Cô Kiều với tôi, Phạm Quỳnh có kể là ông đã say mê Kiều từ thuở lọt lòng, qua lời ru của mẹ là cô Vũ Thị Đoan, một hậu duệ của dòng thi thư họ Vũ nổi tiếng hay chữ, hiếu học đất Hải Dương. Và bài đầu tiên ông viết về Truyện Kiều, phân tích tìm hiểu Truyện Kiều “theo lối mới” là bài Truyện Kiều, đăng trên Tạp chí Nam Phong số 30, tháng 12 năm 1919, năm ông mới 26 tuổi và Nam Phong ra đời vừa hai năm. Bài dài đến 20 trang báo, gồm bốn phần: 1) Cỗi rễ Truyện Kiều. 2) Lịch sử tác giả. 3) Văn chương Truyện Kiều. 4) Tâm lý cô Kiều.

Để cung cấp cho bạn đọc ngày nay có thêm tư liệu nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du, cũng như bản thân tác giả Phạm Quỳnh, bắt đầu từ kỳ 1 tháng 1/2011, chúng tôi lần lượt trích đăng bài báo quan trọng này, theo văn bản in trong Phạm Quỳnh – Thượng Chi Văn Tập, Nhà xuất bản Văn học xuất bản tại Hà Nội năm 2006, từ trang 549 đến trang 593.

Sau đây, xin mời các bạn đọc từng phần.

—o0o—

4. Tâm lý cô Kiều

Theo phép phê bình của văn học Thái Tây thời muốn biết một văn sĩ có tài hay không, nên xét xem những nhân vật mô tả ra có vẻ linh hoạt như người sống hiển nhiên không, hay là chẳng qua là những người mơ hồ như trong giấc mộng, những hình bù nhìn chuyển động như cái máy mà thôi. Vì chuyện có đằm thắm trong nhân sinh thực tế, có thiết đến những nỗi vui buồn sướng khổ ở đời, có trúng với nhân tình thế thái, nói tóm lại là có hoạt động, hiển nhiên như sự thật, khiến cho người đọc đến quên hẳn mình đi, tưởng như chính thân lịch những cảnh huống ấy, chính mình cảm những nông nỗi ấy, mình tức là người trong truyện, người trong truyện tức là mình, có như thế thời truyện mới cảm người được. Khi đọc những bộ tiểu thuyết có tiếng của Thái Tây thường có cái cảm giác như thế, như người trong truyện là người sống thật, đương hành động ở trước mặt mình. Cho nên Thái Tây cho những văn sĩ có tài là những tay sáng tạo ra nhân vật, các nhân vật ấy có khi sinh tồn mãi mãi trong ký ức của người đời, không bao giờ mai một được nữa. Cụ Tiên Điền ta đặt ra truyện Thúy Kiều thật cũng đang là một tay sáng tạo tuyệt luân, vì cô Kiều đã thành một nhân vật não nùng ở trong tình giới người nước ta, thành một người bạn bi thu thê thảm của biết bao nhiêu kẻ bạc mệnh tài tình tự hơn một trăm năm tới giờ và cho đến muôn đời về sau nữa. Nhờ tay Cụ tác thành mà người con hát vô danh ở miền Triết Giang Phúc Kiến bên Tàu tự ba bốn trăm năm về trước kia, đã thành cái gương phong tình tiết nghĩa cho người cả một nước soi chung.

Phong tình mà tiết nghĩa, cả cái tâm lý cô Kiều là gồm trong bốn chữ ấy. Lịch sử không thiếu gì những gương đàn bà tiết liệt, nhưng các bậc ấy cao nghiêm quá, chỉ khiến cho người ta kinh sợ, không khiến cho người ta mến yêu. Ở đời không thiếu gì những kẻ trăng hoa, nhưng các hạng ấy bỉ tiện quá, chỉ khiến cho người ta khinh lờn, không khiến cho người ta quí chuộng. Có cái đức nghiêm của người liệt nữ, mà lại có cái vẻ tình của khách phong lưu, đức hạnh đủ khiến kính, tài tình đủ khiến yêu, giá trị đủ khiến quí, thân thế đủ khiến thương, vì cảnh ngộ mà phải nặng kiếp đào hoa, trong tình ý vẫn ra người tiết nghĩa, ở nơi ô trọc mà vẫn giữ được tiết thanh cao, gặp cảnh gian nan mà không hề đến nỗi đắm đuối. Kiều nương thật là gồm cả bấy nhiêu tính cách, nên ai đọc truyện cũng phải kính, phải thương, phải yêu, phải trọng.

Kiều là một kẻ sầu nhân: xem như thủa nhỏ mới học đàn đã gẩy khúc “Bạc mệnh”, khi đi thăm mộ lại sẵn mối thương tâm, “trông người nằm đấy biết sau thế nào”, nghe lời thầy tướng đoán mà tin ngay ở số đoạn trường, toàn là những khóe một người không biết sự sung sướng ở đời là gì. Sướng gì bằng lúc ngồi nói chuyện với kẻ tình nhân, thế mà cũng nghĩ xa nghĩ gần, nói những lời sái, gẩy những khúc buồn, khiến cho người ngồi đấy cũng phải ngơ ngẩn trong lòng mà thê lương trong dạ. Lại như lúc vui vầy với Thúc Sinh, như người ta ra thời thân đã đến thế, được vui sướng ngày nào hay ngày ấy, còn mưu tính xa xôi làm gì, cho uổng mất các thời giờ quí báu ấy, thế mà cứ một mực khuyên chàng Thúc về tính việc nhà, kết cục đến xảy ra sự tai nạn bất kỳ. Lại như khi ở với Từ Hải, tưởng sướng đến thế đã là cực, như người ta ra thời cứ yên lòng mà tận hưởng cái sướng ấy, phận đàn bà biết đâu những việc quân cơ mà bàn hơn tính thiệt, nỗi địch nỗi hàng, cho đến gây ra cuộc thất bại, phụ lòng người tri kỷ mà đem thân đi chìm nổi một lần nữa. Nhưng đã bẩm tính ra người hay nghĩ hay buồn thời gặp cảnh ngộ nào cũng là khiến cho phải buồn phải nghĩ, mà không biết hưởng cái sung sướng nông nỗi của người đời. Vì ở đời phải có tính nhẹ nhàng nông nổi mới sướng được, người thâm trầm là người đau đớn, cổ lai bao giờ cũng thế. Kiều nương là người đa tư đa cảm, lại là thân phận đàn bà, mà đàn bà có tài tình, nên cái khổ lại bội phần hơn người.

Kiều là người hay nghĩ hay buồn, lại là người khôn ngoan biết điều quá, Nghe những lời nói năng, coi những cách cư xử, thật là phải chăng đến điều. Phải chăng quá thành ra tỉnh ngộ quá, không biết ham mê cái gì nữa. Trong các tiểu thuyết Tây, người đàn bà chủ động trong truyện thường là người có ham mê sự gì, hoặc là ham mê người nào, mà vì trắc trở ở ngoài không được mãn ý, hết sức chống cưỡng lại thành ra mọi nỗi khổ sở long đong. Kiều đây tuy có tình với chàng KIm Trọng, tình ấy tuy đậm tuy sâu, mà vẫn giữ lấy thích trung, đến khi phải đem tình với hiếu ra cân nhau, thời nhất quyết vị hiếu bỏ tình, không có chút phàn nàn lưỡng lự gì cả. Là vì Kiều tin rằng muôn sự tại Trời còn cưỡng sao được, dẫu việc gì xảy ra cũng đành chịu vậy.

Cũng liều nhắm mắt đưa chân

Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu.

Đã thế thời không có lòng ham muốn gì nữa, vì biết rằng mình ham muốn mà trời không cho, số không được, thời cũng không được; đã không ham muốn gì thời số phận xoay vần thế nào cũng mặc dầu, dẫu phải cực khổ đau đớn cũng chịu vậy chứ biết sao. Thành ra người là hy sinh của vận mệnh, vận mệnh khiến sao chịu vậy; bởi vậy nên các tình tiết trong truyện không phải là vì người ta để kháng với vận mệnh mà thành ra như trong các truyện Tây, mà là tự đâu đâu xảy đến cả, trước khi xảy đến không dự biết, khi xẩy đến rồi cam lòng chịu vậy. Như thế thì người “chủ động” trong truyện tức là người “thụ động” của vận mệnh mà thôi, chỉ khác là bị cái vận mệnh nó làm khổ hơn người thường vậy. Nhưng có khi nó làm khổ quá, không biết giải duyên cớ ra làm sao, thời lấy cái lý thuyết của đạo Phật mà chứng, cho là bởi tiền oan nghiệp chướng gì:

Kiếu xưa đã vụng đường tu,

Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xong…

Lấy thân mà trả nợ đời cho xong…

Nói tóm lại thời Kiều là một người đa tình, nhưng không đắm đuối vì tình, biết lấy nghĩa mà chế tình, thế là trúng với lý tưởng của đạo Nho. Lại là người rất khôn ngoan, “biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng”, đáng lẽ ở đời phải êm thấm trót lọt lắm là phải, thế mà chỉ gặp những sự hoạn nạn khổ sở, không biết ở đâu mà ra, bèn tin rằng bởi cái số phận đã định như thế, cái tiền duyên đã khiến như vậy, không sao mà cưỡng được, đành đem mình làm hy sinh cho vận mệnh, thế là khuynh hướng về Phật. Tính cách là tính cách Nho mà tinh thần là tinh thần Phật, đó cũng lại là một đặc sắc trong tâm lý cô Kiều. Bởi tính cách Nho nên trong cách cư xử có cái chủ nghĩa “trung dung”, dẫu vào cảnh ngộ nào cũng rõ ra người biết điều phải chăng, nền nếp khôn ngoan; bởi tinh thần Phật nên về đường quan niệm có cái chủ nghĩa “định mệnh”, tin rằng số phận mình là đã định sẵn tự bao giờ, dẫu thế nào cũng đành phải chịu vậy, không dám nói sao. Có tinh thần ấy lại có tính cách ấy, người ở đời khôn ngoan như thế mà phải gặp cảnh đau đớn như vậy, mới thành ra một nhân vật rất não nùng ai oán, khiến cho người đọc truyện muôn đời cũng phải khóc thương.

Tiên Điền tiên sinh tả tâm lý cô Kiều như trên kia môt cách rất tinh tường, rất hiển hiện, đủ biết Ngài đã thuộc nhân tình thế thái lắm và đã hiểu rõ cả cơ quan trong tâm giới người ta. Nhưng trong nét bút của Ngài đều có ngụ một cái ý chán đời cả, và cứ xét lịch sử Ngài như trên kia thời có lẽ Kiều nương tức là biểu tượng của tấm lòng xót xa đau đớn của Ngài vậy. Những văn sĩ có tài xưa nay kết cấu ra một truyện gì cũng là tự diễn tâm sự của mình mà thôi, nhưng tâm sự ấy thiết tha thâm trầm, diễn ra được tức là diễn được cái nỗi lòng u âm sầu khổ của cả mọi người biết thương biết nghĩ ở đời vậy. Cho nên người ta còn có cảm tình, có tư tưởng, thời đọc truyện Kiều còn cảm động mãi; và tiếng Việt Nam còn có người nói người học thời những lời ăn tiếng nói của cô Kiều còn phảng phất bên tai người nước Nam mãi mãi vậy.

1919

P.Q.

Tháng Một 7, 2011

Điều đau xót nhất

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 6:45 sáng

Blog PhamTon, tuần 3 tháng 1 năm 2011.

ĐIỀU ĐAU XÓT NHẤT…

Nhà báo Tiến sĩ Lịch sử Nguyễn Văn Khoan

Bài thơ thứ 55-56 của Hồ Chí Minh trong Ngục trung nhật ký có nhan đề là Cảnh binh khiêng lợi cùng đi.

Hai câu cuối bài thơ này là:

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,

Cay đắng chi bằng mất tự do,

Kháng chiến chống Mỹ, Bác đã “tổng kết” cho dân tộc ta một lời thề, một sức mạnh, một quyết tâm chiến thắng: “Không có gì quý hơn Độc lập – Tự do”. Nhưng Bác đã không ít lần chỉ ra: “Nếu Độc lập, Tự do rồi mà dân vẫn bị đói, rách thì Độc Lập – Tự do cũng không có giá trị gì”. Độc lập về chính trị, về kinh tế, về văn hóa… có điều làm được, có điều chưa làm được, có điều còn xấu, sai. Tự do thì do nhiều nguyên nhân còn bị hạn chế, “vòng kim cô” vẫn còn xiết chặt, chưa có điều kiện như  mong ước… Đói cơm ăn. Không còn nhiều, trừ khi bị lũ lụt… Nhưng đói chữ, đói kiến thức, ngay cả dân vùng xuôi vẫn còn bị “đứt bữa”. Rách áo, vẫn còn ở vùng cao, biên giới khi gió lạnh về, các em nhỏ của chúng ta vẫn phải chân trần đi học, áo rách, lều trọ học rách, lớp học rách. Rách lớn hơn là lương tâm đạo lý, như cái dù “ô dôn” bảo vệ trái đất, có chiều hướng ngày càng rách thêm, rách to… Những câu Bác dặn, dặn trước là cho cán bộ từ cao đến thấp, đến đảng viên từ thấp lên cao là “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư” bao nhiêu năm sau Độc lập – Tự do – Thông nhất, đã không còn lành lặn, nhiều chỗ bị rách, thủng, vá không thay kịp, có nơi không vá nổi.

Thật là đau xót…

Nhà yêu nước “bạn già của Bác Hồ”, Hoàng Đạo Thúy, năm nay tròn một trăm mười một tuổi, trước khi “đi theo Cụ Hồ”, có nói: “Trong trăm nghìn đau xót, đau xót nhất là không làm theo lời Cụ Hồ dặn”.

Cụ Hồ dặn nhiều lắm. Hơn mười tập – Hồ Chí Minh toàn tập, mỗi tập 500 trang, có biết bao nhiêu lời dặn trong đó.

Năm 1945, nghĩa là cách năm mới Con Mèo Tân Mão (2011) này 66 năm rồi, Cụ Hồ có dặn lại cả riêng và chung rằng: “Cụ Phạm Quỳnh là con người của lịch sử. Lịch sử sau này sẽ đánh giá lại, con cháu Cụ cứ an tâm đi theo cách mạng”.

Cụ Hồ dặn là vậy.

Con cháu Cụ Phạm đã làm theo lời Cụ dạy: “Trung với Nước, Hiếu với Dân”

Còn “lịch sử” thì đến nay chưa /không làm theo lời Cụ Hồ dặn!

Nói “lịch sử” có chung chung quá không? Có “tập thể” quá mà không có “cá nhân” phụ trách chăng? Lịch sử là anh, là tôi, là nhân dân, là chính phủ, là quốc hội, là “Đảng lãnh đạo tuyệt đối toàn diện”, là các “trợ lý”, các vị bộ trưởng, các nhà khoa học … chăng?

Trong nghìn vạn điều cay đắng, đau xót, có / còn một điều mà hết một đời người bước chân qua hai thế kỷ, từ năm Con Gà Ất Dậu 1945 “đánh thức” cho đến năm mới Tân Mão – Con Mèo 2011, vẫn chưa mới, vẫn cũ.

Khó thật! Thương thật! Và “cay đắng”,

Đau xót quá! Xấu hổ quá!

Nô-en 2010

N.V.K.

Blog tại WordPress.com.