Pham Ton’s Blog

Tháng Mười Một 13, 2020

Văn học, Chính trị – Phạm Quỳnh

Filed under: Hoa Đường Tùy Bút - Kiến Văn, Cảm Tưởng I — phamquynh @ 3:27 sáng

Blog PhamTon năm thứ mười ba, kỳ 2 tháng 11 năm 2020.

KVCT

—–

—–

—–

—–

—–

BÀI SỐ 4 TRONG 11 BÀI CUỐI ĐỜI

CỦA THƯỢNG CHI PHẠM QUỲNH:

4.- VĂN HỌC, CHÍNH TRỊ

Phạm Quỳnh

(Mùa hạ năm 1945)

——-

Cố Tổng thống Wilson nước Mỹ là người đã có một địa vị tối quan trọng hồi Âu chiến lần thứ nhất 1914-1918, đã từng tán dương nhà chánh trị kiêm văn học là một hạng người cao quý, thật xứng đáng ra cầm quyền trị nước. Không nhớ rõ lời lẽ ông nói thế nào, vì đọc được trong một tạp chí nọ đã lâu năm. Nhưng đại khái ông cho rằng nhà chính trị kiêm văn học (ông gọi là litterary politician), là nhà chính trị mà có văn học, là có tư cách hoàn toàn. Chính trị là một nghệ thuật, cần phải lanh lợi, khôn khéo, có thủ đoạn, có mánh khóe, biết châu tuần trong thực tế, biết lợi dụng các cơ hội, thuộc tâm lý người ta, rõ hoàn cảnh xã hội, và thứ nhất là phải có cái linh tính biết dò đón việc xảy ra mà chuẩn bị để đối phó. Ngạn tây thường nói: “Trị nước là liệu trước”. Phải có cái tài dự đoán luôn luôn mới có thể chi phối được thực tế hoặc lợi dụng được thời cơ, mà không bị thời thế cùng thực tế tràn ngập lôi cuốn đi mất. Như vậy thời nhà chánh trị là sống luôn trong thực tế, hằng ngày phải đối phó với những việc xẩy ra, dụng mưu mà ngăn ngừa hay lợi dụng. Như vậy thời chính trị rút lại chẳng qua là một thuật quyền mưu, một trường mánh khóe, người cao thượng nhiều khi bất tiết dúng tay vào. Nhưng chính trị há phải là một phương thuật kinh nghiệm mà thôi? Chính trị cũng có nghĩa lý, phải có nghĩa lý, vì phải có chủ nghĩa, phải có tôn chỉ. Nếu nhà chính trị chỉ hằng ngày châu tuần trong thực tế, mưu tính việc xảy ra thời làm sao mà bồi dưỡng được phần nghĩa lý đó, làm sao mà kiên định được tôn chỉ, làm sao mà triển minh được chủ nghĩa? Giúp cho cái công bồi dưỡng nghĩa lý đó, không gì bằng văn học. Nhà văn học thông kim bác cổ, đạt lý năng văn, hằng ngày tập luyện cái “trí tinh nhuệ” ((Binh sĩ) luyện tập rất tinh thông, sắc sảo – PT chú), khác với cái “trí khúc chiết” ((Lời biện thuyết) rất kỹ càng, nhiều manh mối – PT chú) của nhà khoa học, rất là có thể đem nghĩa lý cống hiến cho chính trị, khiến cho bồi bổ được chỗ khuyết hám (còn thiếu thốn, chưa được bằng lòng – PT chú). Vì chính trị với văn học không phải là khoa học; chính trị với văn học là nghệ thuật; chính trị là nghệ thuật về thực tế, văn học là nghệ thuật về nghĩa lý, thực tế không thể rời nghĩa lý được, cũng như thực hành phải có suy lý vậy. Nói tóm lại thời văn học giúp cho nhà chính trị suy nghĩ về công việc mình, mà suy nghĩ bằng trí tinh nhuệ, theo phép nghệ thuật, không phải bằng trí khúc chiết, theo phép khoa học vậy. Cho nên nhà chính trị mà có kiêm văn học là đủ tư cách hoàn toàn. Phàm nhà chính trị xứng đáng phải có màu mè văn học mới được.

Không dám chắc rằng Wilson lý luận đúng như thế, nhưng ý nghĩa đại khái như vậy.

Thuyết của Wilson không phải là không có lý, và không phải chỉ có lý thuộc về chính trị mà thôi. Văn học là cái học tô điểm cho người ta, khiến cho con người ta có văn vẻ tốt đẹp, sắc sảo mặn mà thêm ra. Như vậy thời không những nhà chính trị có văn học là hay, mà nhà khoa học, nhà nghệ thuật, nhà chuyên môn nào có văn học cũng là tốt cả, vì con người văn vẻ tốt đẹp, sắc sảo mặn mà làm nghề chi mà không xuất sắc, làm nghề gì mà không tăng giá trị cho nghề mình? Duy có lẽ đối với nhà chánh trị, văn học có cần hơn: nhà chính trị muốn chi phối thực tế, lợi dụng thời cơ, chế ngự quần chúng, điều khiển trị loạn, cần phải thông kim bác cổ, đạt lý năng văn hơn người thường. Nghiệm thay một điều như sau: trong thế giới ngày nay, không có một nhà chính trị trứ danh nào là không có tài hùng biện.

Vậy thời nhà chính trị kiêm văn học, không biết đã có tư cách hoàn toàn chưa, nhưng nếu quả có tài năng, thời tài năng ấy nhờ văn học chắc được cường hóa (Làm cho mạnh mẽ lên – PT chú), thâm hóa (Làm cho sâu sắc hơn – PT chú) thêm lên.

Như vậy thời ý kiến của Wilson cũng là đúng với sự thực, hợp với lẽ phải vậy.

Nay phản thuyết lại mà nói nhà văn học kiêm chính trị: nhà văn học mà làm chính trị thì thế nào. Vấn đề thay đổi hẳn. Nếu nhà văn học vốn sẵn có tài chính trị, chỉ vì chưa có dịp mà chưa làm chính trị, thì cái “ca” cũng giống như trên không khác gì. Nếu nhà văn học bản sắc là văn học mà ngẫu nhĩ (Như: Ngẫu nhiên – PT chú) làm chánh trị, thời lại khác hẳn. Đó là một sự thí nghiệm mà thành công hay thất bại không thể quyết đoán được. Nhưng cứ bình tĩnh mà xét, nhà văn học thuần túy, không nên tham dự chính trị: hoa lan phải mọc trong u cốc (Nơi hang tối – PT chú), không thể đem trưng bày nơi đầu đường góc chợ được.

Vả lại hai phạm vi văn học và chính trị, tuy có thể đắp đổi cho nhau, nhưng thực là cách biệt nhau hẳn. Có thể đắp đổi cho nhau là nhà chính trị mà có văn học thời được sắc sảo thêm ra, như trên đã nói, và nhà văn học mà làm chính trị thời cũng có lẽ được giàu thêm sự kinh nghiệm ra, tăng thêm được tài liệu cho sự nghiệp văn chương của mình. Nhưng mà vốn là hai phạm vi cách biệt nhau, vì khuynh hướng về hai mục đích khác nhau.

Âu Dương Tu là một văn hào đời Tống, lại giữ chức “tham tri chính sự” ở triều, sau bất tương hợp với thủ tướng Vương An Thạch mà về hưu. Tống sử chép rằng hồi làm quan, các học giả trong nước trọng tiếng văn hào, thường xin ra mắt. Ông vui vẻ tiếp chuyện, nhưng không hề nói đến chuyện văn chương bao giờ, chỉ bàn về việc quan mà thôi. Ông nói: “Văn chương chì dùng để nhuận thân, chính sự mới có thể trạch vật.”

“Nhuận thân”, đó là mục đích của văn học; “trạch vật”, đó là mục đích của chính trị, hai đàng vốn khác nhau.

Âu Dương Tu chính là cái “ca” nhà văn học kiêm chính trị. Tuy thời đại ấy, chính trị với văn học không cách biệt nhau lắm như bây giờ, và tuy tự ông trong lời nói trên kia, cũng có ý trọng “trạch vật” hơn “nhuận thân”, nhưng xem ra ông làm chính trị cũng không lợi gì, thì hà tất đã vội coi thường cái thuật “nhuận thân” là cái sở trường của mình?…

Van hoc chinh tri

Bản thảo viết tay Hoa Đường Tùy Bút- Kiến Văn, Cảm Tưởng I của Phạm Quỳnh

P.Q.

2 bình luận »

  1. Tôi rất cảm kích với những việc mà Pham ton’Blog đang làm! Chúc các thành viên sức khỏe! Hy vọng chúng ta là những người bạn của nhau. Chào tạm biệt!

    Bình luận bởi Đăng Phước — Tháng Chín 11, 2009 @ 1:36 chiều | Trả lời

  2. Một nén hương lòng tưởng nhớ học giả yêu nước Phạm Quỳnh:
    Trăm năm trong cõi người ta
    Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau
    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy thật đau đớn lòng
    Ngỡ còn chi nữa mà mong
    CAO XANH đâu dễ cho xong SỰ ĐỜI
    Hậu sinh khao khát bồi hồi
    Tưởng NGƯỜI nên lại thấy NGƯỜI về đây…

    (Bài tập Kiều này tôi đã gửi tặng tới gia đình nhạc sỹ Phạm Tuyên cuối năm 2007, sau khi vô tình được dự buổi hội thảo & ra mắt tác phẩm “Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh” tại Hà nội )

    Bình luận bởi truong sa — Tháng Mười 2, 2009 @ 7:56 sáng | Trả lời


RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.