Pham Ton’s Blog

Tháng Chín 20, 2013

Đạm Phương với vấn đề nữ học: Giáo dục phụ nữ và trẻ em trong gia đình

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:52 chiều

Blog PhamTon năm thứ năm, tuần 4 tháng 9 năm 2013.

ĐẠM PHƯƠNG VỚI VẤN ĐỀ NỮ HỌC:

GIÁO DỤC PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH

Thạc sĩ Đoàn Ánh Dương

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là phần đầu trích trong bài cùng nhan đề đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 8/2013, từ trang 50 đến trang 53, của thạc sĩ – Viện Văn học viết tại Hà Nội từ tháng 4/2011 đến tháng 6/2013.

*

*    *

Vấn đề nữ học được Đạm Phương đặt ra lần đầu trên Nam Phong, số 43, ra tháng 1/1921, khởi thủy là bức thư bà gửi cho chủ bút Phạm Quỳnh, có lẽ là nhân loạt trao đổi được khởi đi từ bài viết của Phạm Quỳnh bàn về vấn đề phụ nữ: Sự giáo dục đàn bà con gái, số 4, ra tháng 10/1917, dẫn tới các trao đổi sau đó trên Nam phong, chắc cũng còn do những đàm luận trực tiếp với Phạm Quỳnh nhân chuyến ông vào Huế sau đó, có được thảng hoặc nhắc đến trong du ký Mười ngày ở Huế, đăng Nam phong, số 10, ra tháng 4/1918. Song căn nguyên trực tiếp, xuất phát từ ý kiến của Phạm Quỳnh trong một bài viết như một lời hỏi ngỏ: Đàn bà con gái nước ta có nên học mới không?, mà trước đó đã khơi nguồn cho bài đáp của Nguyễn Bá Học: Thư trả lời ông chủ bút Nam Phong về vấn đề nữ học, đăng trên Nam phong, số 40, ra tháng 10/1920, là bài trực tiếp đã gây cảm hứng cho Đạm Phương xuất bút. Dựng một bối cảnh vài ba năm như thế để thấy, ngoài những tác động tức thời, Nam Phong và ông chủ bút Phạm Quỳnh chắc có ảnh hưởng đáng kể đến Đạm Phương, để một phụ nữ đã gần bốn mươi tuổi, học hạnh tinh nhuần đầy đủ, song trước đó chủ yếu sáng tác văn thơ bằng chữ Hán và tham dự các sinh hoạt văn học cung đình như thói thường của các bậc văn tài trong hoàng tộc, nhận thấy vai trò của báo chí quốc ngữ trong cuộc canh tân dân tộc, để gần như ngay sau đó, tham gia tích cực vào các hoạt động báo chí và đời sống xã hội, bắt đầu từ Nam phong, sau trải cộng tác với nhiều báo và tạp chí khác, từ vấn đề phụ nữ mở sang nhiều vấn đề thiết hữu khác.

Ba năm sau bài viết trên Nam Phong, Đạm Phương viết tiếp một bài báo, cũng dưới nhan đề này, Vấn đề nữ học, đăng trên Trung Bắc tân văn, số ra các ngày 19&20/3/1924, để đáp lại một số ý kiến bấy giờ bác chuyện giáo dục phụ nữ, đồng thời có bổ sung thêm một số quan điểm mới trong việc giáo dục phụ nữ được bà đề xuất trong bài trước. Ngày 15/6/1926, khánh thành Nữ công học hội tại kinh thành Huế, trong tư cách Hội trưởng, diễn văn của bà cũng hết sức nhấn mạnh đến vấn đề nữ học. Đến năm 1929, một lần nữa vấn đề này được bà trở lại, nhân trả lời trưng cầu của báo Phụ nữ tân văn xung quanh tôn chỉ của báo, ở phạm vi rộng lớn hơn: vấn đề phụ nữ. Tuy vậy, bài trả lời của bà, đăng trên Phụ nữ tân văn, số 5, ra ngày 30/5/1929, hầu như cũng chỉ xoay quanh vấn đề nữ học. Tháng 8 cùng năm, Đạm Phương bị thực dân Pháp bắt rồi thả mà không làm án. Tháng 9, bà xin thôi chức Hội trưởng Nữ công học hội. Sau đấy, hoạt động báo chí và xã hội của bà thuyên giảm dần, công việc chủ yếu tập trung vào việc biên soạn sách vở. Như vậy, có thể nói, những năm giao thời cũng là khoảng thời gian bà hoạt động sôi nổi nhất trên trường văn trận bút, trở thành nữ ký giả có bút lực đáng khâm phục trong nữ giới nước nhà, với việc cộng tác thường xuyên với hàng loạt các báo có tiếng tăm ở cả ba kỳ, như Nam Phong, Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, thường xuyên viết cho chuyên mục Văn đàn bà trên Hữu thanh, chuyên mục Lời đàn bà trên Trung Bắc tân văn; đồng thời, hoạt động tích cực trong phong trào Nữ công học hội, biên dịch, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ công việc giáo dục nữ giới. Tiểu luận này không có tham vọng bao quát sự nghiệp đồ sộ ấy, chỉ đi vào một hạt nhân quán xuyến tư tưởng và hành động của Đạm Phương, là vấn đề nữ học, từ quan niệm giáo dục, các lĩnh vực giáo dục đến thực tiễn hoạt động giáo dục phụ nữ ấy, ngõ hầu có thể chỉ ra đóng góp và vị trí của Đạm Phương trong lịch sử tiếp cận vấn đề nữ tính và nữ quyền ở nước ta ở những bước khởi đầu của nó.

 1. Quan điểm về nữ học

Đạm Phương có một quan niệm thống nhất và rõ ràng về vấn đề nữ học. Khởi đầu của quan niệm ấy, trong bài viết trên tạp chí Nam Phong, bà cho rằng: “Nay cái vấn đề nữ học thật là một sự rất quan trọng thứ nhất trong mấy nghìn năm của nước ta… Nay sự học vấn của con gái là cốt để bổ ích thêm trí thức tư tưởng cho con người biết lo xa nghĩ rộng, khỏi bị mê hoặc ám muội như trước; đã là người thời biết cho đủ tư cách làm người, cuộc sinh tồn cạnh tranh là chung cả nhân loại có phải riêng chi một ai, mà người làm được người làm không được… Người đàn bà cốt phải có đức hạnh làm bản, nghĩa ấy dầu cho thiên cổ bất dịch, không những từ đây về trước đã thế, nhưng dầu cho muôn ức nghìn năm nữa về sau, cũng không có thể thay đổi bao giờ, vậy cho nên học hạnh kiêm ưu mới là danh giá; còn như học mà vô hạnh, chính là danh giá tội nhân, chớ có phải học giới danh giá đâu, mà người đời bình phẩm cho hư tiếng tân học của nữ giới (ĐAD nhấn mạnh)”. Vấn đề nữ học mà Đạm Phương nói ở đây là vấn đề “tân học của nữ giới”, cái mà Phạm Quỳnh có ý cổ xúy còn Nguyễn Bá Học thì có ý khuyên ngăn, sợ rằng “sở học phi sở dụng”(Có học mà không dùng – PT chú). Trong bài viết khởi đầu này, Đạm Phương đặt thế đối sánh “trí” với “đức”, giáo dục cái “đức” (tức phẩm hạnh) thì nền cựu học cũng đã làm rồi, nay nhất thiết phải bổ túc thêm cái “học vấn” (tức tri thức Âu Tây) của nền tân học cho người phụ nữ. Ở đây, bài viết mới chỉ đặt ra cái sự cần thiết của giáo dục phụ nữ và đề xuất nội dung cơ bản của nền giáo dục ấy.

Đ.A.D.

 

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.