Pham Ton’s Blog

Tháng Bảy 17, 2014

Bảo vệ chủ quyền phải thường xuyên,chủ động và kiên quyết

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 5:28 chiều

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 4 tháng 7 năm 2014.

Bảo vệ chủ quyền phải thường xuyên, chủ động và kiên quyết

(Tin trên trang 3, mục Thời Sự, báo Tuổi Trẻ, thứ năm 17/7/2014)

—o0o—

Hôm qua 16-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

Mở đầu phiên họp, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã báo cáo cập nhật tình hình liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Theo đó, từ tối 15-7, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan về hướng đảo Hải Nam.

Bao ve bien dong

Trước đó, từ ngày 2-5-2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam, sử dụng hàng trăm tàu hộ tống, có cả tàu quân sự, máy bay. Các tàu của Trung Quốc đã hung hăng đâm va, phun vòi nước công suất lớn làm hư hỏng nhiều tàu và làm bị thương nhiều cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam; đặc biệt, đã có hành vi vô nhân đạo đâm chìm tàu cá, đe dọa nghiêm trọng tính mạng ngư dân Việt Nam.

Những hành vi này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và cùng phát triển.

Với tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các bên liên quan đàm phán hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bà con ngư dân, đồng bào ta cả trong và ngoài nước với lòng yêu nước nồng nàn đã biểu thị thái độ và trách nhiệm cao, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam; lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời đoàn kết một lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường tiềm lực về mọi mặt của đất nước.

V.V.Thành

*

*   *

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang dịch chuyển

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, từ 21g ngày 15-7, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam dịch chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Qua theo dõi của các lực lượng chức năng của ta, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống dịch chuyển với tốc độ lúc cao nhất khoảng 4 – 4,2 hải lý/giờ (gần 8km/giờ) theo hướng bắc tây bắc, về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Phía Trung Quốc bố trí gần 60 tàu các loại hộ tống giàn khoan dịch chuyển theo hình chữ V ở cự ly sát nhau.

Tại thời điểm 18g30 chiều 16-7, giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển khỏi vị trí cũ 41 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 163 hải lý về phía Tây Nam, ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi sự dịch chuyển của giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc.

TTXVN

*

*   *

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại

Liên quan đến việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nhấn mạnh như vậy trong thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí vào hôm nay 16-7.

Thông cáo nêu rõ: “Từ ngày 02/5/2014, giàn khoan Hải Dương-981 và nhiều tàu hộ tống, bao gồm cả tàu quân sự của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Vị trí hoạt động của giàn khoan chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 130 hải lý.

Các tàu của Trung Quốc đã vây ép, cố tình đâm húc, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư đang thực thi nhiệm vụ quản lý biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, làm bị thương nhiều cán bộ kiểm ngư của Việt Nam và gây tổn thất cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Việt Nam đã đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình.

Một lần nữa, Việt Nam khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 từ đầu tháng 5 đến nay thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn 2 tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế.”

L.THANH

 *

*       *

Đại biểu thanh niên kiều bào xem triển lãm về Hoàng Sa

(Tin của Trường Trung trên trang 2, mục Thời Sự, báo Tuổi Trẻ, thứ năm 17/7/2014)

—o0o—

Nằm trong chương trình trại hè 2014 có chủ đề “Biển đảo quê hương tôi”, chiều 16-7 gần 170 đại biểu là thanh niên kiều bào từ 26 quốc gia đã tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.

Dai bieu thanh nien xem trien lam hoang sa

Tại đây, các đại biểu xem triển lãm tư liệu về quần đảo Hoàng Sa và những hình ảnh là bằng chứng sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển này.

Cũng trong chương trình này, các đại biểu có dịp giao lưu và nghe những thông tin mới nhất từ đại diện lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư về tình hình trên vùng biển Hoàng Sa. Đại biểu Nguyễn Thanh Hương (20 tuổi, Cộng hòa liên bang Đức) chia sẻ: “Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam thì tôi cùng gia đình hai lần tham gia biểu tình phản đối. Về đây, được xem những hình ảnh tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của bà con ngư dân Đà Nẵng, được nghe kể về quá trình đấu tranh của các cảnh sát biển, kiểm ngư, tôi thật sự rất xúc động. Khi về nước, tôi sẽ kể lại những gì mình được nghe tại đây để cha mẹ và bà con bên ấy hiểu hơn về tình hình trong nước cũng như quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền”.

TRƯỜNG TRUNG

Thư của nhà thơ Erik Stinus gửi bà Phạm Thị Hoàn

Filed under: Tìm hiểu Phạm Quỳnh — phamquynh @ 5:20 chiều

Blog PhamTon năm thứ sáu, tuần 4 tháng 7 năm 2014.

THƯ CỦA NHÀ THƠ ERIK STINUS GỬI BÀ PHẠM THỊ HOÀN

Copenhagen

2-5-2002

Bà Phạm Thị Hoàn thân mến,

Một lần nữa tôi lại phải xin lỗi bà về sự chậm trễ này. Cám ơn bà rất nhiều về lá thư của bà, về cuốn sách và tập tiểu luận với bao thông tin quan trọng về Phạm Quỳnh. Và cám ơn bà đã nhắc nhở tôi.

Bà đặt cho tôi một câu hỏi rất khó, đó là tại sao tôi lại biết đến cụ thân sinh của bà với công trình của một học giả về văn chương. Tôi đã cố gắng ôn lại những chặng đường của mình và những điều tôi đọc được qua nhiều năm, nhưng chưa thể làm sáng tỏ cho câu hỏi của bà được.

Như bà biết tôi là một người làm thơ và hư cấu, đã có bao nhiêu điều xảy ra trên thế giới này đối với tôi, cũng vì vậy đã có bao nhiêu người tỏa sáng trong những trang tôi đã viết và cả những trang tôi sẽ viết.

Quê hương Việt Nam và nhân dân của bà đã ở trong tâm trí tôi nhiều năm và Pham Quynh Og Den Videre Historie* chính là một tựa đề như sẵn có trong bài thơ thứ 6 mà tôi viết về Việt Nam.

Tôi viết bằng tiếng Đan Mạch, một thứ ngôn ngữ chỉ dành cho 5 triệu người, vì vậy những gì mà tôi viết ra thông thường khó mà được ai biết đến ngoài đất nước Đan Mạch. Vì vậy tôi có phần lúng túng khi được biết là bà lại có thể biết (và do đâu?) về bài thơ của tôi, nhưng tất nhiên tôi đặc biệt vui mừng thấy bà lại có thể biết nó qua một bản dịch mà bà có được qua một trong những người bạn của tôi ở Việt Nam, tôi tin là như thế.

Tho tieng anh Erik StinusTôi đã đến thăm Việt Nam ba lần. Lần đầu là vào dịp kỷ niệm lần thứ 600 nhà thơ Nguyễn Trãi. Vào dịp đó cùng với một số nhà thơ của nhiều nước tôi đã có dịp gặp một số nhà văn và học giả của Việt Nam. Tôi cũng đã gặp Phạm Văn Đồng và Tướng Giáp. Và tôi đã được đọc nhiều sách của Việt Nam qua các bản dịch mà tôi có được. Một trong những sách đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cũng giống như lời tự và bài giới thiệu mà cụ thân sinh của bà đã giới thiệu về tập thơ nhưng cũng có thể do một trong những người dự hội thảo về Nguyễn Trãi đã nói về công trình của Phạm Quỳnh. Tại hội thảo này có nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia, trong đó có cả một số người Việt không sống ở Việt Nam mà ở ngoài nước. Một trong số những người đó là một học giả về âm nhạc, ông ấy đã giới thiệu cho tôi về nền âm nhạc cổ điển của Việt Nam.

Nhưng bài thơ tôi lại viết từ sự tưởng tượng của riêng mình mà không hỏi bất cứ một người nào khác. Trong bản trường ca đó bà có thể thấy những trăn trở, những giấc mơ và những niềm hy vọng của tôi qua việc phác thảo những thời điểm rối ren và đầy xao động.

Tôi hoàn thành tác phẩm của tôi trong chuyến thứ hai thăm Việt Nam.

Đó là tất cả những gì tôi có thể nói với bà và tôi rất vui mừng vì đối với bà nó cũng phản ảnh một chuyện có thật về thân phụ của bà, ít nhất trong một chừng mực nào đó.

Người làm thơ có thể mong mỏi một chút rằng họ có được vài người nghe và hiểu họ. Và chính bà lại là người đã nghe được và điều đó đối với tôi quả thật là nhiều hơn một chút.

Với lời cầu chúc nồng nhiệt nhất của tôi.

Erik Stinus

* Phạm Quỳnh và câu chuyện tiếp tục

Một thương cảm vượt cả thời gian lẫn không gian!

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 5:10 chiều

Blog PhamTon năm thứ 6, tuần 4 tháng 7 năm 2014.

 

MỘT THƯƠNG CẢM VƯỢT CẢ THỜI GIAN LẪN KHÔNG GIAN!

Nhà báo Đặng văn Nhâm

(Định cư ở Đan Mạch)

Do một cơ duyên run rủi, chúng tôi có dịp tiếp xúc với bà Phạm Thị Hoàn, một ái nữ của cụ Phạm. Bà Hoàn đã vui lòng cho tôi mượn tấm chân dung kỷ niệm của cụ Phạm, để in vào quyển Lịch Sử Báo Chí Việt Nam do tôi soạn thảo. Sau đó không lâu, tôi đã được ông bà Hoàn cho xem một bài thơ Anh ngữ viết về cụ Phạm, nhan đề: “Pham Quynh and The Story Continued” và kèm theo phía dưới hàng chữ nhỏ hơn: Words about Viet Nam part six… Bài thơ này gồm 10 đoạn, dài đến 377 câu thơ. Tôi đọc lướt qua bài thơ, bị rơi tư ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Tôi ngạc nhiên nhất về nội dung đến tên của tác giả. Tôi hỏi bà Hoàn: -“Xin chị cho biết, trong trường hợp nào chị có bài thơ này?

– “Đây là một bài thơ dịch từ nguyên tác bằng Đan Ngữ, do một thân hữu của gia đình gửi cho, để kỷ niệm!”. Bà Hoàn đáp.

Đúng rồi, cái tên Erik Stinus, viết bằng chữ “K” đúng vị Đan Mạch 100% rồi còn gì nữa! Những ai đã ở Bắc Âu đều nhận ra ngay, Tôi tò mò hỏi xem nguyên bản bằng Đan Ngữ. Bà Hoàn tỏ ý rất tiếc, và cho biết thâm tâm cũng đang ao ước truy tầm. Sau một tiếng thở dài nhẹ, bà Hoàn than:

– “Gia đình đã bỏ ra rất nhiều công phu, từ mấy năm trời nay, và đã nhờ đến nhiều ngươi để truy tầm nguyên tác bằng Đan ngữ, nhưng đều vô vọng”…

Tính hiếu kỳ bị kích thích, tôi sốt sắng đề nghị:

– “ Nếu chị chắc nguyên tác bằng Đan ngữ, tức thị tác giả là người Đan Mạch, vậy sẽ xin cố gắng giúp chị. Hy vọng sẽ có kết quả tốt!” Một thoáng vui hiện lên nét mặt ông (tức nhạc sĩ Lương Ngọc Châu, cháu nội chí sĩ Lương Văn Can – PT chú) bà Hoàn. Nhưng bà Hoàn còn dè dặt:

-“Chúng tôi đã nhờ nhiều người có thân nhân ở Đan Mạch sưu tầm rồi mà cũng không xong. Người ta nói có thể ông tác giả này là mọt kẻ thân Cộng, vô danh tiểu tốt, nên không tìm ra dấu vết gì trong thư viện. Thậm chí có người vừa nghe chị kể đã vột gạt ngang “Ối, sao mà chị ngây thơ quá?! Đây là trò tuyên truyền của Cộng Sản mà chị còn tốn công chi cho mệt!”

Tôi đáp lời bà Hoàn:

– “Trước hết, căn cứ trên nội dung bài thơ này, chắc chị cũng đồng ý không có gì đáng gọi là tuyên truyền cho Cộng Sản. (…) Vả chăng chúng ta chưa một ai từng quen biết, giao du với tác giả, hay đã đọc những tác phẩm nào khác của ông ta, nên không thể khẳng định với thiên kiến sắn có rằng: ông ta là tay sai của Cộng Sản Việt Nam! Tôi hứa sẽ tìm ra nguyên tác, để so sánh, và tìm ra luôn tác giả để nói chuyện xem sao…”

Nghe nói thế, ông bà Hoàn đã vui lên hẳn, trao cho tôi một bản sao của tập thơ dịch bằng Anh ngữ, và ủy thác tôi công việc tìm. Về Đan Mạch, tôi đã đem chuyện này kể cho cháu gái đầu lòng của tôi, năm nay 40 tuổi, đã nối gót tôi, hiện đang đảm trách lớp dạy Việt Ngữ cho các sinh viên và học viên người Đan trên đại học. Con gái tôi cho biết ngay, ông Erik Stinus vốn là một trong số thân hữu từ lâu, và nói thêm… “…Ông ta từng nói với con là đã biết Ba nhiều qua sách báo. Vậy Ba cứ gọi điện thoại nói chuyện với ông ta. Chắc ông ấy sẽ ngạc nhiên và vui lắm đó!”.

Tôi liền gọi điện thoại cho Erik Stinus. Tác giả đã tiếp chuyện tôi rất niềm nở. Chúng tôi có cảm tưởng như người thân lâu ngày mới gặp lại. Khi nghe tôi ngỏ ý muốn mời đến nhà dùng cơm, để có thì giờ rộng rãi nói thêm về bài thơ viết chuyện Phạm Quỳnh, Erik đã tỏ ra hết sức vui vẻ, nhận lời ngay.

Hôm đó là ngày thứ hai, 28/6/1999, chúng tôi đã hội ngộ và hàn huyên đủ thứ chuyện, từ công việc sáng tác, sinh hoạt văn học, báo chí ở Đan quốc, rồi lần hồi nói đến những sinh hoạt ấy ở Việt Nam. Đặc biệt, hôm đó Erik Stinus đã không quên đem cho tôi hai bản nguyên tác bài thơ dài viết về cái chết (…) của Phạm Quỳnh, một danh sĩ bất tử Việt Nam, nhan đề Pham Quynh og den videre historie, ord om Vietnam for sjette gang.

Erik nói: “Một bản tôi tặng anh, một bản tôi tặng bà Hoàn”. Tôi tò mò hỏi Erik: “Tại sao lại còn thòng thêm câu “Ord om Vietnam, for sjette gang” (viết về Việt Nam, bài thứ sáu)? Erik đáp: “Trước sau tôi đã đến Việt Nam cả thảy 3 lần rồi. Lần chót cách đây 2 năm. Trong thời gian đó tôi đã viết tất cả 6 bài, gồm cả thơ và truyện. Bài này là thứ sáu!” Tôi hỏi: “Erik, anh đã viết về Phạm Quỳnh trước khi đến Việt Nam, hay sau đó?”

– “Trước khi đến Việt Nam, tôi không biết gì về Phạm Quỳnh. Cả ba lần đến Việt Nam tôi đều nhắm mục đích nghiên cứu trên lãnh vực văn học, để viết bài cho một tờ báo ở Cô Ben Hao (Kobenhavn, thủ đô Đan Quốc). Cùng tháp tùng tôi còn có một nữ phóng viên nhiếp ảnh nữa. Cả ba lần ấy, tôi đã tiếp xúc đủ mặt các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam, từ Hà Nội vào Trung, đến Sài Gòn. Họ thuộc đủ mọi thành phần, đủ mọi khuynh hướng, từ những người có chân trong hội Nhà Văn cho đến những người cầm bút độc lập (…) Do đó tôi đã nghe nói đến Phạm Quỳnh…”

Tôi hỏi tiếp: “Vậy nguyên do nào đã khiến anh cảm tác được bài thơ dài đến 377 câu như thế về Phạm Quỳnh?”

Erik nghiêm chỉnh trả lời: “Như anh đã biết muốn làm thơ phải có hứng. Nguồn cảm hứng ấy đã đến với tôi rất mãnh liệt, sau 3 lần đến Việt Nam, lần nào tôi cũng nghe hầu như tất cả các nhà văn, nhà thơ, học giả Việt Nam… đều nhắc đến tên Phạm Quỳnh. Đặc biệt nhất là ai cũng tỏ ra hết sức thành thật thương tiếc cho cái chết của Phạm Quỳnh. Họ cho rằng đó là một sai lầm trầm trọng nhất, đáng tiếc nhất của những người làm cách mạng lúc bấy giờ. Họ nêu giả thiết, nếu Phạm Quỳnh còn sống chắc chắn trong thời gian sau sẽ giúp ích rất nhiều cho dân tộc Việt Nam trên bình diện văn hóa, học thuật… Ông là biểu tượng của thế hệ thanh niên trí thức Việt Nam. Người ta cần phải soi gương cần cù hiếu học của ông!” Ngừng một lát Erik còn chỉ cho tôi đọc thêm một đoạn văn trong phần phụ lục, và nói: “Tôi còn biết Phạm Quỳnh đã nói một câu trở thành danh ngôn mà người Việt Nam nào cũng nhắc đến. Đó là Câu: “Truyện Kiều của Nguyễn Du còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Câu này tôi đã dịch ra tiếng Đan: “Saloenge Nguyen Du’s episke digt Kieu levede, ville det Vietnamsiske sprog leve”. Ngoài ra, tôi còn biết thêm, ngày xưa trước khi chết Nguyễn Du đã nói câu: “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ thùy nhân khấp Tố như!” (dịch: Ved ikke, om tre hundrede ar efter hvem der ville groede over To Nhu)”. Tôi ngắt lời:

– “Nhưng khác với Nguyễn Du, bây giờ anh thấy Phạm Quỳnh mới chết chưa đầy nửa thế kỷ (bài này viết năm 1999-PT chú) đã có khối người khóc thương rồi.

Đặc biệt trong số còn có cả những người mà ngày xưa các đồng chí của họ đã từng nhúng tay vào cái chết của Phạm Quỳnh. Càng đặc biệt hơn nữa là anh – chính anh đó, Erik Stinus! – một nhà thơ ở tận Bắc Âu xa tít tắp, chẳng liên hệ gì với Phạm Quỳnh, cũng đã làm một bài thơ dài khóc thương Phạm Quỳnh!…”

Nghe tôi nói thế, Erik cười, một cái cười thông cảm. Sau đó tôi lại hỏi thêm:

– “ (…) cái chết của Phạm Quỳnh như thế nào anh có biết không?

-“Dĩ nhiên tôi đã ngạc nhiên và tò mò tỉm hiểu thêm về nguyên nhân cái chết của Phạm Quỳnh (…) Câu chuyện về tiểu sử, tài năng văn học của Phạm Quỳnh, cùng với cái chết (…) đã gây chấn động sâu xa trong tâm hồi tôi, trong tư tưởng tôi, nên khiến tôi cảm tác ra bài thơ này”.

-“Anh đã mất bao nhiêu thì giờ để hoàn tất thi phẩm này?” Tôi hỏi với dụng ý. Erik đáp thành thực: “Mất hơn một tuần lễ! Lúc đó tôi còn ở thành phố Hồ Chí Minh!” Nhờ câu trả lời đó của Erik, tôi biết được rằng: Câu chuyện là cái chết (…) của cụ Phạm đã gây nên một rung động sâu xa mà dư âm lâu dài, bền bỉ đến hơn một tuần lễ trong tâm hồn của nhà thơ Erik Stinus, một người đã đến từ một phương trời Bắc Âu xa lạ, với một hành trang văn hóa, tư tưởng và cảm quan hoàn toàn xa lạ trước dân tộc và đất nước Việt Nam. Cái rung động và nguồn thi hứng đã đến với Erik Stinus không ngắn ngủi như một tia chớp chợt lóe lên trên vòm trời đen thẫm rồi tắt ngấm, mà là cả một nỗi niềm ray rứt sâu xa trong tình nhân loại trên mặt địa cầu.

Sau hơn bốn tiếng đồng hồ ăn uống chuyện trò, chúng tôi thấy đến lúc sắp phải chia tay, Erik đã chụp chung với tôi một tấm hình kỷ niệm ngày tao ngộ, đồng thời chụp riêng một tấm chân dung, mà bên dưới tấm hình Erik còn viết thêm cho bà Hoàn đôi lời chào mừng, để nhờ tôi chuyển đến ông bà Hoàn như một kỷ niệm của người bạn chưa từng gặp mặt. Erik cũng muốn có được địa chỉ của ông bà Hoàn để trực tiếp liên lạc và sau này gửi sách biếu, v.v…

Trước khi ra về Erik Stinus còn cho tôi biết thêm, ông sinh năm 1934, tức kém tôi một tuổi, và ông đã có 4 con cả trai lẫn gái, với nhiều cháu nội ngoại. Hiền nội của ông là một phụ nữ sinh trưởng ở vùng Nam Á, hiện nay là một viên chức của cơ quan UNICEP ở Đan Mạch. Erik Stinus đã đi thăm quê hương nhà vợ nhiều lần, và ông cho biết rằng mỗi lần đến quê vợ ông lại chạnh nghĩ đến đất nước và dân tộc Việt Nam. Tôi chợt hỏi câu cuối cùng:

– “Anh viết về Việt Nam như thế, có nghĩ rằng ở hải ngoại sẽ có người Việt Nam cho rằng anh theo Cộng Sản Việt Nam không?” Erik chợt khựng lại, đầy vẻ ngạc nhiên. Sau một thoáng suy nghĩ, anh đáp:

– “Tôi không hiểu người Việt Nam đó trong đầu họ nghĩ gì. Nhưng anh cứ bảo cho họ biết nên đọc các tác phẩm của tôi, để tìm hiểu tôi, như vậy đàng hoàng hơn, chứ đừng suy diễn, khi chưa biết tôi là ai!”

Tôi nhìn xuống bài thơ anh vừa biếu tôi, thấy ngay câu đầu, đoạn một, những lời tha thiết sau đây:

Det ma vi indromme

Vi handlede forkert mod Pham Quynh

Der pastod at Frankrig var smukt

Som en mand er smuk,

Vietnam som en kvinde.

Vi skulle ikke ha khldt ham forroeger

Pa lobsedlerne og plaketerne…”

Tạm dịch:

Chúng ta phải nhận rằng

Ta đã làm xằng với Phạm Quỳnh

Người đã nhìn ra nước Pháp đẹp trai

Như gã đàn ông hào hoa

Còn nước Việt Nam ví là con gái,

Ta không nên gọi ông người phản bội

Trên những biểu ngữ và truyền đơn hài tội… »

Tôi lại nhìn xuống mấy tác phẩm của ông vừa biếu tôi. Một danh sách liệt kê các tác phẩm của anh đã xuất bản từ năm 1958, đến năm 1998, dài kín hết trang sách, đếm được đến 31 tác phẩm đủ loại. Như thế chưa phải là nhiều, nhưng cũng đủ chứng tỏ Erik Stinus là một nhà văn, nhà thơ « có hạng » của nước Đan Mạch. Mặc dù nước này chỉ là một bán đảo bé tí teo với khoảng 5 triệu dân, nhưng dân tộc hậu duệ của giòng dõi hải tặc Viking này đã đào tạo nên hàng chục nhân tài từng đoạt giải Nobel đủ loại, từ khoa học nguyên tử, y khoa, lý học, hóa học, và văn chương, v.v…

Nhìn tôi đọc, Erik Stinus nói thêm : -« Như anh đã biết, ở nước nào cũng vậy, thơ rất khó tiêu thụ, không một nhà xuất bản nào chịu bỏ tiền xuất bản thơ cách dễ dàng. Vậy mà tôi đã có cả chục thi tập phát hành rồi đó. Và tôi đã sống bằng ngòi bút của tôi ! »

Tóm lại hôm ấy chúng tôi đề cập đến vụ án thương tâm của cụ Phạm Quỳnh qua nhiều phương diện văn học và chính trị. Cuối cùng chúng tôi đã đi đến một kết luận : « Chỉ có tài năng văn học mới chuyên chở được tên tuổi và tư tưởng con người vượt mọi ranh giới không gian và thời gian, để trở thành Bất Tử trong lòng nhân loại ».

Đó là trường hợp của nhà học giả yêu nước Phạm Quỳnh. Cái chết của ông, quá đỗi bi thương, nhưng không phải là một sự chấm hết. Hết tiệt như những cái chết khác. Ông chết, nhưng vẫn còn để lại một tấm lòng son với sử xanh « Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh ! »

* Bài trích từ sách Giải oan lập một đàn tràng, NXB Tâm Nguyện, In lần I (2001) ở Hoa Kỳ, MD. 20906 USA

Đ.V.N.

(Đan Quốc 3/7/1999)

Blog tại WordPress.com.