Pham Ton’s Blog

Tháng Bảy 3, 2009

Phạm Quỳnh: Ngọn Gió Nam

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:58 chiều

Blog PhamTon, tuần thứ 1 tháng 7 năm 2009

PHẠM QUỲNH

NGỌN GIÓ NAM

PGS.TS Đỗ Lai Thúy

Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhà nghiên cứu phê bình văn học hiện đại PGS.TS Đỗ Lai Thúy sinh năm 1948 tại Quốc Oai, Hà Tây, Hà Nội. Mặc dù tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ Hà Nội, nhưng bao giờ ông cũng tự nhận mình là “người tự đào tạo”, “không được học hành một cách chính quy”. Ông chuyên viết nghiên cứu lý luận phê bình văn học, và tất nhiên còn dịch nữa.

Do Lai Thuy

Các tác phẩm chính là Con mắt thơ (xuất bản 1992, tái bản 1994, 1998, 2000); Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực (Nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương từ góc độ tín ngưỡng phồn thực, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999); Từ cái nhìn văn hóa (NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 1999); Chân trời có người bay (Chân dung các nhà nghiên cứu, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2006). Ngoài ra còn: Luận về xã hội học nguyên thủy (Tổ chức dịch và viết giới thiệu-NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001); Nghệ thuật như là thủ pháp-Lý thuyết chủ nghĩa hình thức Nga (biên soạn và dịch chung, tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, Hà Nội, 2002); Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật; Phân tâm học và văn hóa tâm linh (biên soạn và tổ chức dịch NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000 và 2002); Văn hóa học. Những lý thuyết nhân học văn hóa (dịch chung, tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, Hà Nội, 2002); Thơ Lermontov (1978); Kịch Ôxtrốpxki (1989)…

Hiện nay Đỗ Lai Thúy là phó tổng biên tập tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật (Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch).

Bài Phạm Quỳnh ngọn gió Nam này đã rút gọn thành bài Đọc lại tạp chí Nam Phong và Phạm Quỳnh đăng trong mục Văn hóa nghệ thuật trên tạp chí Tia sáng số 12 ra ngày 20/6/2006 từ trang 43 đến trang 45. Nhưng ở đây chúng tôi mời các bạn đọc nguyên văn bản thảo tác giả viết xong tháng 11 năm 2005 và gửi cho chúng tôi.

Đoạn đầu là của bài đăng trên tạp chí Tia Sáng.

—-o0o—-

Nam Phong (1917-1934) là một trong những tạp chí có công rất lớn trong việc cổ động cho văn học quốc ngữ, cho nền quốc học Việt Nam. Đặc biệt cho việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở kết hợp, dung hòa hai nền văn chương, học thuật, tư tưởng Đông – Tây. Các biên tập viên giữ các chuyên mục của tạp chí đều là những cây bút vững vàng, sắc sảo, nhạy bén với những vấn đề văn hóa, trong đó phải kể đến ông chủ bút là Phạm Quỳnh.

Pham Quynh_Tre

Nếu Trương Vĩnh Ký là người mở đầu cho cuộc đối thoại Đông-Tây, thì Phạm Quỳnh mới chính là người đặt nền móng cho cuộc đối thoại ấy. Đây không phải là chuyện tài năng cá nhân, mà do sự đặt để của thời đại. Từ Trương đến Phạm là từ thời kỳ sục sôi chống Pháp của nhân dân và sĩ phu Nam bộ đến thời kỳ mọi cuộc khởi nghĩa đã bị dẹp yên trên cả nước. Như vậy, con đường cứu nước bằng đấu tranh vũ trang cho đến bấy giờ đã tỏ ra bất cập. Trong khung cảnh ấy, con đường canh tân đất nước-con đường văn hóa-khởi từ Trương Vĩnh Ký, sau được nhiều nhà nho duy tân tiếp bước, đã được Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong đón nhận và cụ thể hóa thành một lối đi phi truyền thống nên đã gây không ít tranh cãi, ngộ nhận.

Phải nói rằng, trước khi có đụng độ văn hóa theo trục Tây-Đông (Pháp-Nam), thì khái niệm văn hóa, nhất là văn hóa Việt Nam còn khá mơ hồ. Suốt thời trung đại, trước sự Nam tiến của đế quốc phương Bắc, thì vấn đề đau đầu nhất của dân Nam là chủ quyền-lãnh thổ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư! Lúc này, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là sống còn, đáng để ưu tiên số một. Bởi thế, nếu nói đến Phong tục Bắc Nam đều khác thì cũng chỉ để nhấn mạnh vế trước, Núi sông bờ cõi đã chia. Sau đó, Việt Nam lại rơi vào một thách đố khác, cực kỳ nghịch lý: Để chống lại sự bành trướng của Trung Hoa thì, một mặt, phải xây dựng được một nhà nước quân chủ tập quyền vững mạnh như Trung Hoa, mặt khác phải có một văn hóa Nho giáo không kém Trung Hoa để giải tỏa mặc cảm “Nam man” do chính Nho giáo gieo rắc. Dần dần, trong tâm thức Việt, những đụng độ Bắc-Nam (Trung Hoa-Việt Nam) chỉ còn là những xung đột thuần túy quân sự, chứ không phải văn hóa, bởi Việt Nam và Trung Hoa đã là những nước đồng văn tự bao giờ!

Khi đất nước mất về tay thực dân Pháp, việc giành lại chủ quyền lãnh thổ tạm thời bị thất bại, thì việc đặt ra hồn nước được giới sĩ phu đặc biệt quan tâm. Các nhà nho thập niên đầu thế kỷ XX đều có những bài thơ thức tỉnh hồn nước, tiêu biểu là Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc. Tuy nhiên, chữ hồn của các nhà nho này chỉ cái gì đó vô hình, thiêng liêng, có khả năng tồn tại lâu dài đối lập với thể xác. Bởi vậy, khái niệm hồn nước vẫn chưa được giải thích rõ như là bản sắc văn hóa dân tộc.

tap chi Nam Phong

Phạm Quỳnh, với tư cách là một người làm học thuật, trên Nam Phong (số 164, 7 – 1931), đã viết bài Bàn về tinh thần lập quốc, đề cập đến vấn đề này. Ông dẫn ý của văn hào Pháp Ernest Renan trả lời câu hỏi “Thế nào là một nước?” mà cho rằng: “Cái nguyên tố dựng nên một nước không chỉ ở thổ địa, cư dân mà thôi, cốt là ở cái ý nguyện chung của người ta muốn cùng nhau sum vầy sinh hoạt, cùng nhau cộng thích đồng hưu, nhìn về trước thì cùng nhau chung một cuộc lịch sử để tạo gian nan, ngó về sau thì cùng nhau chung một lòng hy vọng vẻ vang rực rỡ, nói tóm lại là ở cái mối vô hình nó ràng buộc người ta lại, làm thành cái đoàn thể thiên nhiên mà bền chặt, trăm nghìn vạn mớ người ta cùng nhau như một người, lâm thời có thể răm rắp đứng lên mà đối với mọi sự ngoại hoạn. Cái vô hình, tức là cái tinh thần lập quốc, tức gọi là quốc hồn”.
Như vậy, theo tác giả nước là một thể cố kết cộng đồng, gồm hai phần xác và hồn. Xác mà vô hồn thì không phải là một thể sống hoàn chỉnh, còn hồn mà chưa nhập xác thì cũng vậy. Nhưng hồn còn thì còn có cơ chiêu về. “Nhìn trên mặt đất, xét cuộc sử xanh, biết bao nhiêu nước xác thì còn mà hồn thì đã mất, lại biết bao nhiêu nước hồn thì vẫn sống mà xác thì không còn. Những nước thuộc hạng trên thì có cũng như không, mà những nước thuộc hạng dưới thì không mà vẫn có”. Vấn đề là làm sao đừng để cho các hồn ấy tiêu tán mất, làm sao để cho “quốc hồn tỉnh táo, mạnh mẽ”.

Bởi quốc hồn chính là văn hóa: văn hóa cổ truyền là phần hương hỏa cha ông mà chúng ta phải gìn giữ; còn văn hóa hiện đại là cái chúng ta phải xây dựng, bồi đắp. Và để làm được điều đó trước tiên chúng ta phải nhận diện văn hóa, tức phân biệt nó với chính trị. Theo Phạm Quỳnh, cái bệnh suy nhược của con người lúc bấy giờ một phần bởi ngoại cảm, còn phần lớn bởi nội thương. Phương pháp ngoại trị là thuộc về chính trị; phương pháp nội trị thuộc về tâm lý. Chính trị không có định sách, tùy tình thế, tùy cơ hội mỗi lúc một mà thay đổi phương châm, mà chuyển di kế hoạch. Tâm lý duy chỉ có một phương là bồi bổ lấy cái sức mạnh tinh thần, là nuôi nấng lấy cái quốc hồn kia cho mỗi ngày một mạnh mẽ, mỗi ngày một tỉnh táo lên.

Nhưng, cụ thể văn hóa Việt Nam là gì? Theo nghĩa căn cốt nhất, đó là quốc học. Nhưng trước khi đặt ra vấn đề quốc học Việt Nam như thế nào thì phải xem (cho đến thời điểm bấy giờ) chúng ta đã có quốc học chưa? Nếu chưa hoặc đã có thì làm thế nào để xây dựng hoặc tài bồi?

Vấn đề này đã làm nổ một cuộc tranh luận. Có người cho là có, như Sở Cuồng Lê Dư chẳng hạn. Thậm chí ông này còn lập ra tủ sách “Quốc học tùng thư”. Nhưng cũng có người cho là không, như Phan Khôi. Thực ra, chuyện có không không có cũng khó phân định, vì mỗi người hiểu quốc học một cách khác nhau. Bởi thế, khi vào cuộc, Phạm Quỳnh đã phải đưa ra định nghĩa về quốc học. Theo ông, nó “gồm những phong trào học thuật trong một nước, có đặc sắc với nước khác, và có kết tinh thành những sự nghiệp trước tác, lưu truyền trong nước ấy và ảnh hưởng đến các học giả trong nước ấy”. Sau đó, tuy không trả lời trực tiếp, nhưng ông lại đưa ra một nhận xét khá xác đáng và không kém phần hóm hỉnh: “Sở dĩ phải khơi ra câu hỏi đó, đủ biết rằng nếu nước ta đã từng có một nền quốc học, thì cái quốc học ấy cũng nhỏ nhen, eo hẹp, không có gì đủ đem khoe với thiên hạ”.

Pham Quynh _1922 tai Phap

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng trên, Phạm Quỳnh cho rằng ấy là do “cái học của ta”, cụ thể hơn cách học. Một nước nhỏ lại đứng cạnh một nền văn minh lớn thì dù muốn dù không việc học là tất yếu. Nhưng hơn hai mươi thế kỷ học Tàu mà nền quốc học của ta chưa có “môn hộ” (tức trường phái học thuật) riêng, học vấn thì chưa thoát “vòng giáo khoa” (tức tri thức học đường, kiến thức phổ thông) để lên “cõi học thuật”, con người thì chưa thoát nổi “tư cách học trò”, “tâm lý học trò”. Kìa như Nhật Bản, ông so sánh, người ta cũng học Tàu nhưng lại có tư tưởng học thuật riêng, bởi thế có quốc học. Có nhiều nguyên nhân, ông giải thích, nhưng có lẽ chủ yếu là do người Nhật không học theo chế độ khoa cử Tàu, còn ta “học Tàu lại chỉ thuần một phương diện cử nghiệp, là cái học rất thô thiển, không có giá trị gì về nghĩa lý tinh thần cả, mài miệt về một đường đó trong mấy mươi đời, thành ra cái óc bị tê liệt đi mà không sản xuất ra được tư tưởng gì mới lạ nữa”.

Dĩ nhiên, nỗi đau này không phải lỗi của riêng ai. Phạm Quỳnh đã phân tích các tình thế địa lý, lịch sửchính trị giữa ta (khác với Nhật) và Tàu đã dẫn đến cách học ấy. Điều này, một mặt mở ra một khả năng có thể thay đổi cách học một khi tình thế đổi thay, mặt khác cho thấy một di căn của nó đến cả thời đại Tây học. Nội dung học thì mới, nhưng cách học vẫn cũ như cũ. Bởi vậy, nói như Phan Chu Trinh xưa, hủ Nho thì nay hủ Tây. Mà với tư cách học trò, nhất là trò hủ, thì vẫn thường xảy ra “cái tệ con chiên theo đạo người thường hay ngoan đạo hơn chính người nước phát hành ra đạo ấy”. Hơn nữa, mọi học thật (thuật) một khi đã mang tính cách tôn giáo (dù dưới hình thức nào) thì cũng dễ thành học giả.

Thức nhận được thảm họa của cách học cũ (dù có thể mang lốt mới), Phạm Quỳnh đã đặt một cơ sở khoa học cho cách học mới để từ đó dựng xây một nền quốc học chân chính, một nền văn hóa mới. Đó là sự tổng hợp văn hóa Đông Tây. Thực ra, định đề này không mới, nhưng cách đặt và phân tích vấn đề thì khá thuyết phục, nhất là với tư duy bấy giờ. Thoạt tiên, Phạm Quỳnh phân biệt văn hóa Đông Tây ở hai đặc trưng lớn của nó là đạo họckhoa học. “Khoa học ở đây là nói về cái phương pháp, cái tinh thần của sự học của người Thái Tây, khởi xướng ra khoa học là lối học phân ra khoa loại, đặt thành phương pháp, để cầu lấy kết quả đích xác, tìm lấy chân lý sự vật. Khoa học là phép học chỉ châu tuần trong cõi thực tế, không mơ tưởng những sự huyền vi. Khoa học là sự học lấy lý luận làm tiên phong, lấy thực nghiệm làm hậu kính, lấy sự thật hiển nhiên làm căn cứ, lấy lẽ phải tất nhiên làm mục đích”. Lối học khoa học này thật mới mẻ và cũng thật khác xa với đạo học. Một đằng thì học cho đời (ứng dụng), khách quan, một đằng thì học cho mình (thụ dụng), chủ quan; một đằng thì chuộng mới, một đằng thì nệ cũ; một đằng thì càng học càng giàu có, một đằng càng học thì càng quy giản, rút lại chỉ còn mấy điều cốt yếu đủ để tự mình giác ngộ mình…

Thực ra, lối học khoa học và lối học đạo học không phải của riêng ai. Tây phương trước phục hưng chưa có khoa học và cũng chỉ có đạo học. Nhưng rồi họ đã thực hiện một cuộc cách mạng tinh thần làm cho khoa học phát triển, dân giàu nước mạnh. Nói điều đó, hẳn Phạm Quỳnh muốn chứng tỏ rằng, các nước ngoài và sau phương Tây đã có một tiền lệ nếu muốn làm cách mạng tinh thần ở nước mình. Và khoa học, xét cho cùng, cũng không có gì là mâu thuẫn với đạo học, trái lại còn bổ sung cho nó. “Cái học thụ dụng với cái học ứng dụng có thể kim cả cũng được. Dạy cái học thụ dụng là thuộc về cá nhân, thuộc về chủ quan, là phần riêng của mỗi người không cần và cũng không truyền dạy được; cái học ứng dụng thuộc về phổ thông, thuộc về khách quan, là chung của xã hội, có thể dùng làm lợi khí để trao đổi trí thức, để xúc tiến tư tưởng, để bồi đắp lấy một nền quốc học cho sau này được.” Như vậy, phân biệt thực chất, đặt cái nào vào đúng chỗ của cái ấy là cơ sở khoa học cho sự tổng hợp văn hóa Đông Tây, cho việc xây dựng nền quốc học mới.

Nhưng để xây dựng một nền quốc học, để thoát khỏi cảnh suốt đời làm học trò người, dù là trò giỏi, thì phải xây dựng cho được một nền quốc văn. “Nước ta sở dĩ không có một nền quốc học chân chính, phần nhiều là bởi không có một nền quốc văn xứng đáng”. Nhưng quốc văn là gì? Theo Phạm Quỳnh, đó là ngôn ngữ dân tộc (langue nationale), mà sự phát triển của nó được biểu hiện ở văn chương và học thuật. Văn chương thì chúng ta có, nhưng học thuật thì chưa. Để làm rõ kết luận này, trong bài Quốc học với quốc văn (1919), Phạm Quỳnh chia văn chương thành văn chơivăn có ích. Trước đây, cha ông ta mới chỉ có văn chơi bằng tiếng Việt, còn văn có ích thì đều làm bằng chữ Hán cả. Bởi thế mà tiếng ta chỉ mới phát triển phần “hình nhi hạ”, tức những từ cụ thể, giàu hình ảnh để biểu đạt tình cảm, mà không phát triển phần “hình nhi thượng” để có thể có tư duy trừu tượng, lôgíc. Ở ta, do đó, thơ ca dồi dào đến mức lạm phát, còn văn xuôi, nhất là văn luận lý, thì không có. Tiếng Việt như con chim mới chỉ bay bằng một cánh.

Pham Quynh chu but Nam Phong

Đó là lỗi của việc học và dùng Hán văn (sau này là Pháp văn) làm ngôn ngữ chính thức. Học một tử ngữ là học một tử văn (culture morte). Mà, “xưa nay ở Đông phương cũng vậy, ở Tây phương cũng vậy, nước nào còn tôn sùng một cái văn hóa cổ thì không thể nào có quốc văn, có quốc học được”. Hơn nữa, quốc học là bản thể (mục đích), quốc văn là hình chất (phương tiện), nên chỉ có sự thống nhất, sự đồng bộ giữa thể và chất, cứu cánh và phương tiện thì văn hóa dân tộc mới phát triển. Dùng Hán văn hoặc Pháp văn để dựng xây quốc học thì hình chất sẽ làm hại bản thể. Bởi, ngôn ngữ không chỉ là vỏ của tư duy, mà xét cho cùng chính là tư duy. Vì thế, suy nghĩ bằng ngôn ngữ ngoại quốc thì hoặc là anh chỉ lặp lại những tư tưởng có sẵn trong ngôn ngữ đó, hoặc là anh sẽ tư duy y như người ngoại quốc. Trường hợp đầu anh sẽ trở thành một ông đồ chính hiệu (chữ đồ theo nguyên nghĩa là tô lại, lặp lại). Có thể anh cũng trở thành một người học rộng biết nhiều (bác học quảng văn), nhưng đó chỉ là cái học ký ức, chứ không phải là học tri thức; nó không làm đầu óc ta phát triển, lòng ta say mê kiến thức, ngoài việc nhớ dai, nhất là nhớ máy móc. Trường hợp sau là của những tài năng. Học ngoại ngữ mà tư duy như người bản ngữ là tài năng. Nhất là những người sáng tác được bằng ngoại ngữ. Nhưng với họ cũng sẽ xảy ra một tình trạng: một là dù giỏi đến đâu cũng không bằng người bản ngữ giỏi (thơ chữ Hán Cao Bá Quát không thể hay hơn thơ Đỗ Phủ, tiểu thuyết tiếng Pháp của Phạm Văn Ký không thể hay hơn tiểu thuyết Camus), hai là một khi đã giỏi bằng họ thì sẽ không còn là mình nữa, dẫu rằng các dấu hiệu nhân chủng vẫn vậy (trường hợp các nhà văn gốc Việt thế hệ F2, F3 ở nước ngoài). Đây là những trường hợp chảy máu tài năng đáng tiếc nhất. Bởi lẽ, họ dần dần trở nên xa lạ với đồng bào, với nền văn hóa gốc của họ. Vì thế, phải phát triển ngôn ngữ dân tộc, cụ thể là xây dựng một nền văn xuôi, để chắp thêm một cánh bay nữa cho nền quốc học.

Với một sự phân tích rạch ròi, sâu sắc, với một cái nhìn nhiều dự phóng tương lai, Phạm Quỳnh đã là một trong những người đầu tiên cổ vũ và xây dựng nền quốc ngữ. Nam Phong dần dần chỉ còn là tạp chí quốc ngữ. Chữ quốc ngữ với sự giản tiện của nó đã làm báo chí phát triển, phổ cập hóa rất nhanh tư tưởng và tri thức. Rõ ràng đó là một công cụ hữu hiệu. Tuy nhiên, Phạm Quỳnh vẫn chủ trương phải học chữ Hán, phải tận dụng những chữ Hán trong tiếng Việt, nhất là các thuật ngữ, để làm phong phú tiếng Việt.
Như vậy, tư tưởng chính của Phạm Quỳnh là muốn xây dựng một nền văn hóa Việt Nam không giống Tàu cũng không giống Tây, tuy có tiếp thu tinh hoa cả hai. Và, nếu nhìn đường dây tư tưởng của ông: quốc học => quốc văn => quốc ngữ, thì sẽ thấy ông không lấy quá khứ, mà tương lai làm chuẩn. Bởi vậy, nó mới chỉ là định hướng, một định hướng chiến lược, mà phải biết bao công sức nữa thì mới định hình. Phạm Quỳnh và các đồng chí của ông trong Nam Phong đã đi đầu trong việc xây đắp hình hài này.

Ngoài những bài có tính cương lĩnh như Bàn về quốc học, Quốc học với quốc văn, Văn quốc ngữ, Bàn phiếm về văn hóa Đông Tây…, Phạm Quỳnh còn tích cực giới thiệu, dịch triết học phương Tây, trong đó ông coi Descartes là Tổ triết học Pháp, bởi lẽ ông này mở ra một thời đại duy lý, tác giả của công trình Phương pháp luận bất hủ. rồi ông giới thiệu tư tưởng Keyserling. Giới thiệu văn chương Pháp (Văn học nước Pháp) với những thể loại mới như tiểu thuyết (Khảo về tuyển thuyết), nhà văn kiểu mới như Maupassant (Một nhà văn tả thực: Guy de Maupassant)… Giới thiệu kiểu thơ mới (Thơ ta thơ Tây), nhà thơ kiểu mới (Thơ Baudelaire), giới thiệu cái đẹp (Đẹp là gì?) như là mục tiêu của nghệ thuật, của mỹ học… Đồng thời từ cái nhìn mới của phương Tây, cái nhìn khoa học, Phạm Quỳnh đã xem xét lại cái vốn của văn hóa Đông Á như Khổng giáo luận, Phật giáo lược khảo, vốn của văn hóa Việt Nam ở tục ngữ, ca dao… Ngoài ra, Phạm Quỳnh còn cổ vũ cho sự phát triển của khoa học và nghệ thuật. Tức xây dựng một nền văn hóa Việt Nam phát triển từ từ từng bước, nhưng đồng bộ

Là người dung hòa văn hóa Đông Tây, nhưng căn cốt Phạm Quỳnh, có lẽ, vẫn là một nhà Nho, một ông đồ Tây. Nên, cũng như một nhà Nho, ông muốn hành đạo đến cùng. Điều đó hẳn đã gây cho ông một ảo tưởng là nếu làm quan (Thượng thư bộ Học, rồi bộ Lại) thì sẽ dễ dàng đưa vào cuộc sống những tư tưởng tâm huyết của ông về việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam. Người ta cũng tiếc là ông vì việc làm quan này đã bỏ tạp chí Nam Phong để nó phải chết vào năm 1934. Nhưng thực ra, vai trò của Phạm Quỳnh và tạp chí do ông làm chủ bút với tư tưởng dung hòa văn hóa Đông Tây đã đến vãn hồi. Xã hội Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, với một tầng lớp tri thức Tây học, muốn đoạn tuyệt với quá khứ, đưa xã hội Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, theo con đường hiện đại hóa kiểu phương Tây. Họ không làm khảo cứu nữa, mà bằng những sáng tác của mình, khẳng định điều đó.

Chùa Thầy, 11/2005

Đ.L.T

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.