Pham Ton’s Blog

Tháng Bảy 14, 2009

Hội quán Khai Trí Tiến Đức lại thêm một thời hoàng kim – Phạm Tôn

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:17 chiều

Blog PhamTon, Tuần thứ 3 tháng 7 năm 2009

MỪNG KỈ NIỆM NGHÌN NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI:

HỘI QUÁN KHAI TRÍ TIẾN ĐỨC

LẠI THÊM MỘT THỜI HOÀNG KIM


Nhà báo Phạm Tôn

Mừng Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến, nghìn tuổi trường thọ, Hội quán Khai Trí Tiến Đức nổi tiếng của Hà Nội xưa lại hồi sinh, hứa hẹn có thêm một thời hoàng kim mới của Thủ đô Hà Nội Xã Hội Chủ Nghĩa thời dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Khai tri tien duc

Tòa nhà cổ kính mà duyên dáng này nằm ở vị trí đẹp nhất Hà Nội và có lẽ đẹp nhất cả nước ta. Một mặt chạy dài ven đường Lê Thái Tổ, rợp tán cây soi bóng hồ Gươm, một mặt giáp phố Hàng Trống. Hai đầu tòa nhà thì một đầu nằm trong khuôn viên vườn hoa có đặt tượng vua Lê, giáp tòa soạn báo Nhân Dân, một đầu là ngã ba Hàng Trống – Lê Thái Tổ, đối diện khách sạn Phú Gia nổi tiếng. Khu nhà được xây dựng từ ngót một trăm năm ấy đã trải qua cuộc đời đầy biến động, nhiều năm bị sử dụng trái hẳn với công năng vốn có của mình. Nhưng may mắn là được xây dựng chẳng những đẹp đẽ mà còn rất vững chắc, lại ở thế đất luôn được con mắt người Hà Nội săn sóc, canh chừng, cho nên dù chủ nhân là ai, cũng đều không dám tùy tiện sửa chữa, thay đổi ba mặt tiền.

Đây vốn là hội quán của Hội Khai Trí Tiến Đức do học giả Phạm Quỳnh sáng lập và làm tổng thư ký. Mục đích và tôn chỉ của hội là “Mở mang trí tuệ” (Khai trí), “Bồi dưỡng đạo đức” (Tiến đức) trước hết là cho các hội viên của mình, sau đó là cho toàn dân. Hình thức sinh hoạt theo kiểu câu lạc bộ ngày nay, chủ yếu là diễn thuyết, nói chuyện, bình văn và một số hình thức giải trí như cờ người, tổ tôm… Do tài năng và đức độ của những người sáng lập như Phạm Quỳnh, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim… cho nên hội quy tụ được nhiều nhân tài, có ảnh hưởng lớn trong xã hội, nhất là trong giới trí thức cả cựu học lẫn tân học. Đóng góp lớn nhất của hội là đã xuất bản được Từ Điển Tiếng Việt đầu tiên, và gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt văn hóa trong nước thời ấy. Một số tỉnh cũng học theo mà mở các hội như Hội Quảng Tri ở Huế, Nhà Xéc (Cercle) ở Quy Nhơn, Vinh…

Tất nhiên, hội ra đời được là phải có sự đồng thuận của Giám đốc Vụ Chính trị phủ Toàn quyền Đông Dương thời ấy là Louis Marty, một cựu đảng viên Đảng Xã Hội Pháp và rồi  cả đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nữa (theo Thép Mới, bài Sống động sự nghiệp báo chí, các trang 97, 99, 101 trong tập sách cùng tên của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2004).

Có thời gian, đây còn là trụ sở của tòa soạn tạp chí Nam Phong nổi tiếng với chủ nhiệm kiêm chủ bút Phạm Quỳnh, như được ghi trên mặt trong bìa 1 tạp chí Nam Phong số 65, tháng 11 năm 1922.

Đặc biệt, đây còn chính là nơi đã diễn ra lễ kỷ niệm thi hào Nguyễn Du lần đầu tiên ở nước ta và cũng là lễ kỷ niệm trọng thể nhất, được đông đảo người dân tham dự nhất từ trước đến nay.

Năm 1924, Phạm Quỳnh đề nghị Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du vào dịp giỗ mồng mười tháng tám ta (8-9-1924). Hội gửi hơn một nghìn giấy mời đến khắp cả hội viên; còn thông báo cho nhân dân biết. Tối hôm ấy, tám giờ, cửa hội mới mở được vài phút, đã có đến hơn hai nghìn người vào chật khắp trong sân, ngoài vườn, dưới nhà, trên gác, đâu đâu cũng chật ních những người. Hội viên các tỉnh về dự cũng đông. Các bà, các cô trong thành phố Hà Nội đến cũng nhiều. Hội viên là người Pháp và các bà vợ ước chừng ba bốn chục người. Có cả mấy bà giáo mới ở Pháp sang, cứ khẩn khoản xin được dự để tận mắt thấy “người An Nam tôn trọng một bậc danh sĩ trong nước thế nào”.

Trên bệ cao cuối vườn, có đặt cái kỷ, bày một lư đồng lớn. Bên trên là chiếc đèn giấy kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”, tựa dáng bức hoành phi, trong có đề mấy chữ nho Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh kỷ niệm nhật (Tức: Ngày kỷ niệm Tiên sinh họ Nguyễn Tiên Điền). Hai bên là hai đèn giấy hình đôi câu đối trúc, đề hai câu bằng chữ Nôm:

Trăm năm để tấm lòng, còn nước, còn non, còn truyền cổ lục,

Tấc thành dâng một lễ, nhớ người, nhớ cảnh, nhớ buổi hôm nay.

Có tờ báo hồi ấy đã nhận xét: “Ở Hà Thành ta từ xưa đến nay, có lẽ chỉ có tiệc trà đón quan toàn quyền Sarraut diễn thuyết ở Văn Miếu năm 1919 là họp được đông người đến thế”.[1]

Trong buổi lễ, Phạm Quỳnh đọc hai bài diễn văn. Một tiếng ta, một tiếng Pháp. Rồi Trần Trọng Kim “diễn thuyết về lịch sử Cụ Tiên Điền và văn chương Truyện Kiều”. Kế đó là phần biểu diễn của kép Thịnh và đào Tuất, thuộc rạp Sán Nhiên Đài, nổi tiếng đương thời là người kể Truyện Kiều hay. Cuối cùng là một cô đào đứng hát Bài ca kỷ niệm do Nguyễn Đôn Phục soạn.2

Mở đầu lễ kỷ niệm, Phạm Quỳnh trang trọng nói:

– Ban Văn học Hội Khai Trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỷ niệm để nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công nghiệp một người đã xây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hoả” rất quí báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi

Rồi ông hào hứng nói, Truyện Kiều “ vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”. Cho nên, “sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp rung đùi, lên giọng cao ngâm:

Lơ thơ tơ liễu buông mành,

Con oanh học nói trên cành mỉa mai.

hay là

Phong trần mài một lưỡi gươm,

Những phường giá áo túi cơm xá gì.

bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ…” Và ông sôi nổi nhấn mạnh: “Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Pham Quynh_TreViệt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này. Trong mấy nghìn năm ta chôn rau cắt rốn, gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như môt giống ăn trọ ở nhờ, đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn tự văn khế phân minh, chứng nhận cho ta có cái quyền sở hữu chính đáng. Mãi đến thế kỷ mới rồi, mới có một đấng quốc sĩ, vì nòi giống, vì đồng bào, vì tổ tiên, vì hậu thế, rỏ máu làm mực “tá tả” một thiên văn khế tuyệt bút, khiến cho giống An Nam được công nhiên, nghiễm nhiên, rõ ràng, đích đáng làm chủ nhân ông một cõi sơn hà gấm vóc.”

“Đấng quốc sĩ ấy là ai? Là Cụ Tiên Điền ta vậy. Thiên văn khế ấy là gì? Là quyển Truyện Kiều ta vậy…Thiên văn tự tuyệt bút kia là gồm bao nhiêu giọt máu, bao nhiêu giọt lệ kết tinh lại mà thành ra.”

Đi xa hơn, Phạm Quỳnh còn tự hào nói lớn: “Văn chương Tàu thật là mông mênh bát ngát, như bể như rừng. Nhưng trong rừng văn bể sách đó, tưởng cũng ít quyển sánh được với Truyện Kiều; mà xét cho kỹ, có lẽ không có sách nào giống như Truyện Kiều”. Rồi lại nữa: “Truyện Kiều có một cái đặc sắc mà những nền kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Đặc sắc ấy là sự “phổ thông”…”Người Pháp không phải là ai ai cũng biết đọc kịch Racine hay là đọc văn Bossuet. Người Nam thì ai ai cũng biết ngâm Kiều, kể Kiều, “lẩy” Kiều để ứng dụng trong sự ngôn ngữ thường, kẻ thông minh hiểu cách thâm trầm, kẻ tầm thường hiểu cách thô thiển, nhưng ngâm nga lên thảy đều lấy làm vui tai, sướng miệng, khoái trí, tỉnh hồn.”

“Thử hỏi cổ kim, Đông Tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu và được rộng như thế chưa. Tưởng dễ chỉ có một Truyện Kiều ta là có thể tự cao với thế giới là văn chương chung của cả một dân tộc 18, 20 triệu người, già, trẻ, lớn, bé, giỏi, dốt, sang, hèn, đều thuộc lòng và đều biết hay cả.”

Kết thúc bài diễn văn, ông thành kính nói:

-Cuộc kỷ niệm hôm nay là chủ ý tỏ lòng quốc dân sùng bái, cảnh mộ Cụ Tiên Điền ta… Nhưng, còn có một cái ý nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc sĩ,

Thác là thể phách còn là tinh anh.

“ánh tinh trung thấp thoáng dưới bóng đèn, trập trùng trên ngọn khói, xin chứng nhận cho lời thề của đồng nhân đây. Thề rằng :” Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin rầu (chúng tôi không rõ nghĩa – PT) lòng giốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh tao, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của Tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây”.[i]

Bài diễn văn kết thúc bằng lời thề tâm huyết đã được cử toạ nhiệt tình tán thưởng.

Đó là vang bóng một thời hoàng kim của Hội quán Khai Trí Tiến Đức…

Sau năm 1954, Hà Nội được giải phóng, cán bộ chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết có khá đông người sống ở Hà Nội thì tòa nhà được dành để mở Câu lạc bộ Thống Nhất làm nơi họp mặt, sinh hoạt của anh chị em, có phục vụ biểu diễn nghệ thuật và ăn uống theo phong cách miền Nam. Năm 1975, nước nhà thống nhất, như để ”góp một phần nối liền hai miền Nam Bắc”, tòa nhà lại thành nơi … bán vé máy bay của Vietnam Airlines! Mãi đến đầu những năm 1990, Bộ Văn Hóa ”đấu tranh mãi” mới lấy lại được cơ sở văn hóa này để làm trụ sở Trung Tâm Phương Pháp Câu Lạc Bộ Trung Ương. Nghĩa là đã có trở lại với văn hóa một chút…Nhưng, trung tâm hoạt động không mấy suôn sẻ, câu lạc bộ ít khi sáng đèn. Thế là cơ ngơi cổ kính và duyên dáng bên hồ Gươm này lại xa rời chức năng văn hóa vốn có của mình, sa xuống đến mức không thể tưởng tượng nổi: đã có thời bị cho thuê làm nhà hàng ăn Nhật Bản!

Nhưng tin vui đã đến với chúng ta, nhất là những người Hà Nội vốn yêu văn hóa, trọng tinh thần: Đến tháng 9/2009, tòa nhà Hội quán Khai Trí Tiến Đức năm xưa sẽ biến thành một Không Gian Văn Hóa Việt. Nghệ sĩ nhân dân Trần Bình, giám đốc Nhà hát Ca nhạc nhẹ Trung ương, cơ quan chủ quản mới của khu đất quý hơn vàng này đã cho biết: Tại đây, sẽ cùng lúc thực hiện nhiều hình thức biểu diễn nghệ thuật phục vụ các đối tượng khán giả khác nhau về sở thích và lứa tuổi. Sân khấu ngoài trời trong khuôn viên vườn hoa Lê Thái Tổ là sân khấu nghệ thuật truyền thống với các trích đoạn chèo, ca trù, rối cạn… Trong tiền sảnh, một Gallery nghệ thuật tạo hình, với sự bảo trợ của một tập đoàn bảo hiểm lớn, sẽ thường xuyên trưng bày tranh của các danh họa như Bộ Tứ Nghiêm-Liên-Sáng-Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) và các tên tuổi khác của hội họa Việt Nam, những bức tranh mà sự trưng bày đòi hỏi một số tiền bảo hiểm không nhỏ chút nào. Trung tâm của không gian văn hóa này chính là nhà hát 300 chỗ ngồi, sáng đèn tất cả các ngày trong tuần (trừ ngày thứ hai), với vòm âm thanh chuẩn cho các buổi biểu diễn nhạc thính phòng, cũng như các buổi biểu diễn nghệ thuật đương đại: ca nhạc nhẹ, tam tứ tấu, múa hiện đại.

Mừng Thăng Long-Hà Nội nghìn năm tuổi, người dân Hà Nội và cả nước vui mừng thấy Hội quán Khai Trí Tiến Đức, một không gian văn hóa ngót trăm năm tuổi năm xưa đã sống lại, trở về với chức năng văn hóa của mình và còn có hướng phát triển mạnh mẽ hơn trăm năm trước, hy vọng lại có thêm một thời hoàng kim mới, góp phần bồi dưỡng, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, xứng đáng là chủ nhân của một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sánh ngang cùng bầu bạn năm châu.

Hương hồn những nhà sáng lập Hội Khai Trí Tiến Đức với mong muốn giúp dân ta mở mang trí tuệ bồi dưỡng đạo đức chắc chắn sẽ ngậm cười nơi chín suối vì trăm năm sau còn có những người hiểu được cái chí của mình và tiếp bước đi xa hơn nữa, bay cao hơn nữa.

4/7/2009

P.T


[1] , 2 Trích Tạp chí Nam Phong số 86, 1924


(*) Trong bài có sử dụng tư liệu trong tin Hà Nội có hai ”nhà hát” mới của Thu Hà trên báo Tuổi Trẻ và bài Người nặng lòng với tiếng ta của Nguyễn Trung đăng tạp chí Công giáo và Dân tộc số 141- tháng 9/2006

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.