Pham Ton’s Blog

Tháng Năm 31, 2012

Rời mái tranh trường quốc học

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 4:18 chiều

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 2 tháng 6 năm 2012.

Nhân kỷ niệm 115 năm Trường Quốc Học Huế:

RỜI MÁI TRANH TRƯỜNG QUỐC HỌC

Hồi ký của Lê Thanh Cảnh

Lời dẫn của Phạm Tôn: Sáng 23/10/2011, Trường Trung học phổ thông Quốc Học Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm 115 năm ngày thành lập trường (23/10/1896-23/10/2012). Hàng ngàn cựu giáo viên, học sinh thuộc mọi thế hệ từ mọi miền đất nước đã trở về hội ngộ.

Trường Quốc Học Huế được thành lập theo sắc lệnh của Vua Thành Thái ngày 23/10/1896, là trường trung học đầu tiên của cả nước. Ngôi trường này đã ươm mầm và sản sinh nhiều nhân tài, chí sĩ yêu nước, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn, nhà quân sự lừng danh, nhà giáo dục, khoa học nổi tiếng, điển hình như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Đặng Thai Mai, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Lân, Nguyễn Khánh Toàn, nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, nhạc sĩ Trần Hoàn, Phạm Tuyên, danh họa Điềm Phùng Thị… Hiện Trường Quốc Học Huế là một trong ba trường phổ thông chất lượng cao của cả nước.

Nhân dịp này, chúng tôi xin mời các bạn đọc bài hồi ký của một cựu học sinh viết về một cựu học sinh khác là Nguyễn Ái Quốc thời trường Quốc Học Huế mới chỉ là hai dãy nhà tranh, trong cuộc gặp mặt với những nhân vật yêu nước nổi tiếng đầu những năm 1920 tại Paris như Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Cao Văn Sến.

Theo tạp chí Xưa và Nay số 404 tháng 5/2012, “Lê Thanh Cảnh sinh năm 1893, bạn học cùng lớp với Nguyễn Sinh Cung tại trường Quốc học Huế. Ông đã từng sáng lập các báo Le Rigolo (Kẻ ngộ nghĩnh) ra bằng tiếng Pháp (1914), chủ biên tạp chí Thần Kinh (1927). Năm 1932, ông tham gia thành lập Hội An Nam Phật Học, năm 1937, trung cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Đã từng làm chánh văn phòng của Bảo Đại. Hồi ký Rời mái Trường Quốc Học được đăng lần đầu trong đặc san số 5 của Hội Ái hữu Cựu học sinh Quốc học. Sau năm 1975, Lê Thanh Cảnh ở lại Việt Nam và thời đó trên báo chí đã từng đăng tải một vài đoạn hồi ký của cụ, viết về những kỷ niệm với Nguyễn Ái Quốc. Tháng 3/1999, trên Tập san Thế Kỷ 21 xuất bản tại Hoa Kỳ đăng lại toàn văn hồi ký của Lê Thanh Cảnh, viết về chuyến theo vua Khải Định sang thăm Pháp năm 1922, nhưng không ghi rõ xuất xứ. Gần đây, tập san Nghiên cứu Huế, tập 8 năm 2012, cho in lại hồi ký trên.

Trên mạng hiện có phổ biến khá nhiều “hồi ký” này dưới nhan đề Dưới (khác vớ nhan đề bài chúng tôi có trong tay – PT chú) mái tranh Trường Quốc Học, có nhiều điểm khác với bản chúng tôi đăng hôm nay. Một số từ bị sửa cho “hiện đại”, dễ hiểu hơn, một số chữ bị mất, có khi cả một đoạn bị bỏ… Chúng tôi may mắn có trong tay bản sao do các bạn ở Huế gửi tặng nhạc sĩ Phạm Tuyên, đặc biệt trong bản này có chữ viết tay tác giả sửa, có cả đoạn đánh máy rồi ghi thêm vào trang nào, chỗ có dấu gì. Chúng tôi tin bản này chính xác hơn cả, cho nên công bố hồi ký theo bản có chữ tác giả sửa chữa và thêm câu, chữ. Chúng tôi cũng chú thích thêm những khi thật cần thiết, để bạn đọc dễ theo dõi.

Ngoài ra, chúng tôi cũng trích đăng dưới bài này một số ý kiến của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan trong sách Phạm Quỳnh, một góc nhìn (Nhà xuất bản Công An Nhân Dân, 2011), liên quan đến bài hồi ký này.

Trước khi đọc hồi ký này, xin mời các bạn đọc các đoạn chúng tôi trích trong bài Những lần gặp lại Nguyễn Ái Quốc ở Pháp năm 1922 của Lê Thanh Cảnh đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 404 tháng 5/2012 trong các trang từ 5-9 và 34-35.

“Mùa xuân năm 1922, tôi tháp tùng phái đoàn vua Khải Định đi Pháp dự cuộc Đấu xảo Quốc tế và Thuộc địa tại Marseille.

Ngay hôm tàu Porthos cặp bến Marseille, phái đoàn dọn lên một khách sạn sang trọng, thì tôi, cũng như các nhân viên khác, thấy để sẵn trong phòng một thiếp mời đi dự cuộc nói chuyện “Về Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc, dưới quyền bảo trợ của nữ bá tước De Noailles, tại một khách sạn lớn. Riêng tôi thấy được tên Nguyễn Ái Quốc thì đã mừng thầm, sắp gặp lại một đồng bối lỗi lạc. Nhưng sau đó vài giờ, tất cả phái đoàn bị bó buộc đi dự tiệc trà long trọng do ông Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, đãi ngay tại Tòa Thị sảnh Marseille. Mai lại do chuyến xe tốc hành, phái đoàn dời lên Ba-lê. (…)

Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết tại “Hội quán Sinh viên Đông Dương”

Trong thời gian phái đoàn Nam triều ở Ba-lê bốn tháng, anh Nguyễn Ái Quốc có tổ chức một cuộc nói chuyện tại trụ sở Hội Quán sinh viên Đông Dương.

Trong phái đoàn chỉ có tôi là bạn đồng liêu, cùng ông Trần Đức (thân sinh ông Trần Chánh Thành, cựu Tổng trưởng Ngoại giao và Thượng nghị sĩ) (của chính phủ Ngô Đình Diệm sau năm 1954-BT) đi dự thôi. Đề tài cuộc nói chuyện là anh Quốc chỉ trích chế độ thực dân Pháp hà khắc bất công.

Tôi nhận thấy trong hàng thính giả có ba cụ, Phạm Quỳnh (chúng tôi nhấn mạnh –PT chú), Nguyễn Văn Vĩnh và Trần Ngọc Thiện đều là nhân vật miền Bắc được đi tham dự cuộc đấu xảo Marseille.

Cũng nhờ cuộc nói chuyện ấy tôi được hân hoan gặp lại cụ Phan Châu Trinh và biết thêm kỹ sư Cao Văn Sến, người Nam, rất sành sỏi Pháp văn và cũng được biết là tác giả nhiều bài báo đả kích chế độ thực dân. (…)

Quay lại cụ Phan, tôi cũng có nhiều chuyện hay, ước sao có dịp may trình bày cùng cụ rõ. Cụ lấy địa chỉ và ra về liền. Hôm sau không kỳ hẹn, tôi về phòng thì thấy cụ tặng tôi một cuốn Giai nhân kỳ ngộ có mang chữ ký của cụ và nhờ tôi trao tặng năm cuốn kia cho mấy bậc tai mắt trong phái đoàn. Sau tôi suy tính, không dám trao năm bản sách kia cho các cụ đàn anh trong phái đoàn vì mấy hôm nay, chúng tôi (phái đoàn) đang loay hoay vất vả theo bản “Thư Thất Điều” (Phan Chu Trinh kể bảy tội của vua Khải Định – PT chú) mà cụ Phan đã gửi đến vua Khải Định khi vừa đến Pháp. Nếu đưa sách cụ tặng sợ có ai nghi cho mình thông đồng gì với cụ chăng. Dầu không đưa cho nhân viên phái đoàn, tôi đã đọc sách cụ và nhận thấy là một đường lối tranh đấu kín đáo rất khôn khéo nên không muốn để phụ lòng hoài vọng của cụ. Tôi lần lượt trao tặng các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Ngọc Thiện. Còn hai cuốn tôi mang về nước tặng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và bác sĩ Phan Huy Thịnh. Sau này độ khoảng năm 1928, tôi được nghe các bạn ở Hà Thành cho biết cụ Ngô Đức Kế có cho ấn loát sách Giai nhân kỳ ngộ nhưng đã bị sở mật thám tịch thu (…)

Bữa nào cũng như bữa nào, hễ anh Quốc lại phòng là ríu rít hỏi tôi về trăm ngàn câu chuyện bên nhà, mà hở ra một giây nào thì lại đến lượt tôi dồn dập hỏi anh. (…)

Tôi còn nhắc lại cho anh Quốc nghe rằng khi cụ Trần Cao Vân còn sống gặp các đồng chí trên sông Hương, cụ có bảo: “Sau này có giành độc lập lại cho đất nước thì nên nhớ sửa chữ Việt Nam mà đừng dùng chữ Việt là “tuất tẩu” (Chữ Nho, viết gồm hai chữ này thành chữ Việt) mà chỉ dùng chữ Việt là “Phủ Việt” nghĩa là phải có rìu búa mới đánh trả Tây nổi, chứ như dùng chữ Việt như cũ thì đến giờ Tuất, Tây đánh mình chạy như chuột”.

Anh Quốc lấy làm khoái vô cùng.

Một hôm tôi trách anh qua Pháp được thân phụ giới thiệu cùng cụ Tây Hồ để tiến trên đường tranh đấu mà anh lại không nghe lời cụ Tây Hồ, bỏ qua nước Anh, việc này ở nhà nghe được, không ai chịu cho anh là phải.

Anh Quốc tự biện: Mình chỉ muốn cái gì thực tế thôi. Cụ chê mình thiên về bên kia, mà cụ biết đâu mình chỉ dùng làm phương tiện tranh đấu. Sau khi giành được độc lập thực sự cho nước nhà rồi, thì anh em một nhà tính sao thì tính. Mình sực nhớ lại Tôn Văn thành công hoàn toàn trên đường cách mệnh là nhờ chính quyền Anh mở đầu (…)

Thấy anh Quốc ngúc đầu ra vẻ chịu phục cụ Phan hơn trước, tôi nói cùng anh, nhưng cố lớn tiếng cho mọi người nghe: “Lập trường tranh đấu của cụ Phan Tây Hồ bằng chính sách “ỷ Pháp cầu tiến bộ” chỉ là một đường lối thôi. Sao anh chống đối dữ vậy”? (…)

Anh Quốc nói: – Mình xin tạm chấp nhận và xin chờ để xem, là hai chữ Dân tộc anh thường dùng để trì hoãn một việc gì hay để có thì giờ cân nhắc chín chắn thêm.”

—o0o—

Sau khi đưa bản thảo Ký ức về Trường Quốc Học, tôi đã khẩn khoản xin cùng ông hội trưởng Hội Ái hữu cựu học sinh Quốc Học cho tôi xin đặt dấu “chấm hết” sau bài đã đăng vào số 2. Nhưng tôi không khỏi thắc mắc khi thấy ông hội trưởng nghĩ sao không biết mà cho thêm hai chữ “còn nữa”, buộc tôi hôm nay phải một lần nữa đến cùng quí vị góp “nợ bút nghiên” đối với mái trường yêu mến của tất cả chúng ta…

Sở dĩ tôi đặt dấu “chấm hết” là vì nói nhiều về “chuyện xưa tích cũ” thì không thể nào bỏ ra ngoài được “cái tôi đáng ghét” mà trong số 2 vừa rồi chính Cụ Nguyễn Hoài cũng đã đề cập đến. Đối với kẻ viết bài này, “cái tôi đáng ghét” lại còn là “đáng phỉ nhổ” vì câu chuyện năm mươi năm trước (bài này viết khoảng năm 1972 – PT chú) không thể gì nhớ lại được, nếu không lôi cuốn trong tiềm thức “cái tôi” để dựa vào mà viết những chuyện không có thể tìm đâu ra tài liệu nào khác ngoài ký ức của bộ óc thô thiển của “cái tôi đáng tội” này.

Một lần nữa tôi xin quý độc giả lượng tình thể tất cho tôi trước khi nghe tôi kể chuyện anh Quốc (Nguyễn Ái Quốc – PT chú) và tôi trên đất Pháp, vì bất cứ trường hợp nào cái “tôi đáng phỉ nhổ” nó cứ ló dạng ra mãi, mà nó ló dạng không phải vì danh lợi gì hết, vì suốt đời tôi không khi nào chạy theo bả vinh hoa. Một việc này chứng minh hùng hồn cho đời tôi là sau khi Nam Triều và Bảo Hộ thỏa thuận, chấp thuận ký danh hậu bổ vào quan lại tất cả Tham tá ngạch Tòa Sứ, thì tôi và ông Ưng Thuyên, tự nhiên chẳng ai bảo ai, cấp tốc đệ đơn xin “xóa tên”…

Dầu sao tôi quả quyết rằng gặp cảnh ngộ nào khó khăn, gay cấn đến đâu, tôi cũng đã làm tròn bổn phận con người và lãnh trọn vinh nhục của nó.

Đối với Quá Khứ có người bảo phải Bỏ Quên, người khác lại bảo phải Ghi Nhớ, đó là tùy theo quan niệm của mỗi người suy tư khác hẳn nhau. Theo tôi nghĩ, một dân tộc bị trị, thì tất cả Quá Khứ cần phải ghi chép để nhận thấy trong lịch sử và văn hóa dĩ vãng những bài học thấm thía khả dĩ tìm thấy đường mà vươn đầu lên.

Kính ý:

Lê Thanh Cảnh

*

*    *

THỬ ĐI TÌM MỘT LẬP TRƯỜNG TRANH ĐẤU CHO DÂN TỘC VIỆT NAM

Nhân dịp các nhân viên Phái đoàn Nam Triều đi dự cuộc triển lãm do Hội Pháp quốc sử địa tổ chức tại Ba Lê (Theo Thụy Khuê, Đài RFI ngày 31/5/2011, thì đó là ngày 27/6/1922 – PT chú), được hội ấy tặng cho mỗi người một mề đay vàng. Ông Trần Đức nói khẽ vào tai tôi, bảo hai anh em chúng mình mời bốn cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Ngọc Thiện, Cao Văn Sến đến chiều hôm ấy dùng cơm tại khách sạn Montparnasse. Chúng tôi nhân mời thêm cụ Phan Tây Hồ, anh Quốc, vợ chồng Trần Hữu Thường (làm cùng Phan Châu Trinh tại nhà hàng Au Bon Marché) và ông Hồ Đắc Ứng (Bí thư của vua Khải Định – PT chú).

Bữa tiệc này tuy chỉ có mười một người mà câu chuyện rất mặn mà sôi nổi vì có sự hiện diện của năm nhân vật phi thường ngồi chung một bàn.

Năm nhân vật ấy theo năm khuynh hướng chính trị khác nhau mà gặp nhau trong một lúc trên đường tranh đấu xa quê hương, nên trong sự va chạm đó cũng phải nảy lửa đôi chút.

Nhưng ông Đức và tôi là chủ mời, muốn giữ mãi hòa khí giữa đồng bào, nên chúng tôi cố gắng hết sức niềm nở và tìm đủ cách để dung hòa các khuynh hướng, thành ra bữa tiệc chánh trị mà mãi mãi sau này mỗi khi chúng tôi gặp lại nhau đều thừa nhận là chúng tôi đã tỏ ra hết sức cởi mở và hiếu hòa.

Ông Đức và tôi đứng lên nhã nhặn thành kính xin tất cả quan khách – đã gặp nhau đây – có thể cùng nhau tìm một giải pháp cứu quốc và kiến quốc để khỏi mang tội với các vị tiền bối đã vị quốc vong thân và các vị tiền bối hiện nay vẫn còn vất vả bôn ba ở hải ngoại cũng như còn ở trong lao tù.

Tôi xin nói tiếp là tại đây có năm nhân vật lỗi lạc trên chính trường, tôi xin nêu danh sách và khuynh hướng để cùng nhau biết rõ lập trường của mỗi chiến sĩ để tranh luận cho có hiệu lực.

Tôi xin thưa qua danh tánh và khuynh hướng chính trị, có chỗ nào sai lầm, xin đương sự làm ơn cải chánh cho cử tọa nghe. Tôi xin thưa:

1. Cụ Phan Châu Trinh, đồng châu với tôi. Cụ đã làm quan, bỏ về theo đường cách mệnh. Đi Nhật, về nước bị tù đầy ra Côn Lôn, nhờ Hội Nhân Quyền Pháp can thiệp trả tự do. Qua Pháp sống lây lết, gặp chiến tranh không chịu đi đánh giặc bị giam cầm một thời gian. Nay chủ trương “Lao tư cộng tác, ỷ Pháp cầu tiến bộ”.

2. Anh Nguyễn Ái Quốc, trốn ra khỏi nước nhà, qua Pháp qua Anh rồi trở về Pháp, chủ trương Cách mệnh triệt để. (Lúc đó chưa công khai chủ trương Cộng Sản vì ở Pháp lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Tạo đã là Phó Chủ tịch Đảng Cộng Sản tại Bordeaux).

3. Ông kỹ sư Cao Văn Sến, viết báo bằng Pháp Văn, tại Pháp, cực lực phản đối thực dân Pháp tại Đông Dương. Đường lối tranh đấu cho Tổ Quốc Việt Nam gần như cụ Phan Tây Hồ và cũng thiên về Đảng Lập Hiến Đông Dương của cụ Bùi Quang Chiêu.

4. Ông Phạm Quỳnh, Chủ nhiệm Tạp chí Nam Phong, chủ trương “Quân chủ lập hiến”.

5. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, chủ nhiệm báo Trung Bắc Tân Văn, chủ trương “Trực trị”, kịch liệt phản đối quan lại Nam Triều mà ông không còn tin tưởng được nữa.

Kinh xin quý bạn dùng cơm vui vẻ và lần lượt giải thích thảo luận, trình bày những khía cạnh chủ trương của mình mà anh em còn thắc mắc.

Cụ Phan Tây Hồ bắt đầu nói: “Tôi đã gặp anh Nguyễn Ái Quốc từ 10 năm trước đây, mà tôi nhận thấy anh chủ trương Cách mệnh triệt để quá táo bạo nên tôi không thể theo anh được, và anh cũng không chấp nhận đường lối của tôi, anh phải đi qua nước Anh rồi về đây. Vừa rồi có ông Cảnh, bạn thân của anh và cũng đồng châu với tôi, có tìm đủ cách để dung hòa đường lối tranh đấu mà mong muốn cho hai chúng tôi xích lại gần nhau. Nhưng dầu tôi tỏ thiện chí đến đâu, tôi cũng thấy còn khó…”

Anh Quốc tiếp lời: “Mấy hôm nay anh Cảnh qua đây có tiếp xúc nhiều với tôi và có nói với tôi một câu ước mơ của cụ Trần Cao Vân: “Nếu cuộc khởi nghĩa của Vua Duy Tân thành công thì sau này việc đầu tiên chúng ta sẽ phải làm là viết chữ Việt Nam không phải là “Tuất” một bên, mà phải viết chữ “Việt” là “Phủ Việt”: “Rìu Búa”, mới kiện toàn được sự nghiệp cách mệnh. Sở dĩ tôi chủ trương Cách mệnh triệt để là xưa nay muốn giành độc lập cho Tổ quốc và Dân tộc thì không thể nào ngửa tay xin ai được mà phải dùng sức mạnh như cụ Trần Cao Vân đã nói là phải dùng Búa Rìu.” (Xin lưu ý chữ “búa rìu” (phủ việt) này là của cụ Trần Cao Vân, sức mạnh không phải chỉ là “bắn giết” – một quan điểm mà Nguyễn Ái Quốc không đồng tình. Hoàng Hoa Thám chủ trương bạo động, “búa rìu” nhưng không thành công. “Bạo động” “bạo lực” theo quan điểm của Nguyễn Ái Quốc hàm chứa nhiều nội dung phong phú mà Nguyễn Ái Quốc chưa hoặc không muốn trình bày cụ thể trong thời điểm ấy. – Ghi chú của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan trong sách Phạm Quỳnh, một góc nhìn , trang 44-45).

Ông Nguyễn Văn Vĩnh cướp lời ngay để bênh vực chủ trương của mình, mà cũng để giác ngộ anh Quốc: “Tôi đã từng đứng trong hàng ngũ Đông Kinh Nghĩa Thục, cùng các bậc tiền bối và rất đau đớn thấy hàng ngũ lần lượt tan rã, và hầu hết phần tử ưu tú chiến sĩ quốc gia bị tiêu diệt. Hết Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Chiến khu Yên Thế của Đề Thám ở Bắc, rồi đến vụ xin thuế ở miền Trung, rồi đến Thiên Địa Hội và Phong trào kháng chiến ở Nam, Phong trào Cần Vương ở Trung, trước sau đều bị phân tán đến nỗi ngày nay tất cả các tổ chức cách mệnh ấy chỉ còn cái tên vất vưởng trong ký ức chúng ta thôi: Bao nhiêu chiến sĩ đều gục ngã hoặc còn sống vất vưởng ở Côn Đảo, Thái Nguyên, Lao Bảo, hay Ban Mê Thuột. Bạo động như anh Quốc là thậm nguy! Tôi không muốn khóc anh Quốc bị tiêu mà khuyên anh khôn khéo chèo chống cho qua cơn sóng gió hãi hùng, cẩn trọng hoài bão chí khí và dành nhiệt huyết để phụng sự Tổ quốc và Dân tộc.

Hiện nay, khó mà có được người can trường đanh sắt như Anh. Sở dĩ tôi theo lập trường “Trực trị” là kinh nghiệm cho tôi thấy Nam Kỳ trực trị mà tiến bộ quá xa hơn Trung và Bắc. Mà Bắc Kỳ nhờ chế độ mập mờ nửa Bảo hộ nửa Trực trị (không công khai) mà còn hơn Trung Kỳ quá xa. Chính thể Bảo Hộ tại Trung Kỳ là quá lạc hậu, đồng bào chúng ta ở đó còn trong tình trạng ngu muội. Cứ trực trị cái đã rồi sau khi được khai hóa theo đà tiến bộ thì tức khắc dân chúng tự có sức mạnh mà trồi đầu lên. Nói trực trị, tôi chẳng khi nào chịu giao nước Nam cho Tây đâu. Quá khứ đường lối tranh đấu của tôi, cuộc đời thiếu thốn của tôi đã hùng hồn bảo đảm cho lời nói của tôi hôm nay”.

Ông Phạm Quỳnh tiếp: “Có lẽ ngay giữa tiệc này tôi đã thấy có rất nhiều lập trường tranh đấu chống lại chủ thuyết mà tôi vẫn hoài bão: “Quân chủ lập hiến”. Nói đến nền quân chủ thì phần đông tỏ vẻ lo sợ chế độ chuyên chế. Nhưng xin đồng bào trương mắt nhìn hai nước Anh và Nhật. Với nền Quân chủ họ đã văn minh tột mức và dân chủ còn hơn các nền dân chủ cộng hòa khác nhiều lắm. Họ có thể đứng vào hàng đàn anh trên hoàn cầu. Đây tôi chủ trương là “Quân chủ lập hiến”: Vua chẳng còn quyền hành gì trong tay mà chuyên chế được. Vua chỉ là người đứng lên “thừa hành” bản hiến pháp mà chính nhân dân toàn quốc được triệu tập dự thảo và quyết định. Như thế chúng ta có một chế độ trường cửu do ý dân tự tạo cho mình. Chớ như chế độ Cộng hòa và Dân chủ thì sợ mỗi khi sau 4 năm, có thay đổi tổng thống thì thay đổi tất cả, làm cho guồng máy hành chánh trong nước phải bị xáo trộn trầm trọng…Từ ngày tôi sáng lập tạp chí Nam Phong đến nay, tôi có nhiều dịp đi đó đây tiếp xúc rất đông đồng bào ba kỳ thì phần đông – mà xin quả quyết là đại đa số – đều nhiệt liệt tán thành chế độ quân chủ lập hiến. Người Nam cũng niềm nở hưởng ứng vì thấy đó là đường lối duy nhất để thống nhất lãnh thổ và dân tộc từ mũi Cà Mau tới ải Nam Quan”.

Ông Phạm Quỳnh vừa dứt lời thì tôi ngó qua ông kỹ sư Cao Văn Sến. Biết là đến phiên biện giải, ông Sến tiếp lời ngay để nói đường lối đấu tranh của mình:

-Thú thật, tôi tiêm nhiễm sâu xa văn hóa Pháp và cũng nhận thấy văn hóa này có thể giúp cho dân tộc ta tiến lên đài văn minh tiến bộ như mọi dân tộc khác trên hoàn cầu. Tôi thấy họ văn minh thực sự về mọi mặt. Nhưng từ ngày tôi ở đây, luôn luôn chống đối chính phủ Đông Dương, vì tôi nhận thấy cũng là người Pháp, mà mỗi khi bước chân xuống tàu qua Đông Dương, thì bắt đầu có trong khối óc họ những chủ trương thực dân hà chánh tàn khốc, mà tôi không thể chấp nhận được cho đồng bào ở cả ba kỳ, mặc dầu ở Nam Kỳ, dân khí đã tiến bộ khá mạnh, người Pháp chẳng dám ăn hiếp như ở hai kỳ kia. Vì thế, tôi nhờ tài liệu nước nhà mà anh em thủy thủ hàng hải thường thường vui lòng cung cấp cho tôi dùng làm hào luỹ để chống đối chế độ thực dân ở Đông Dương. Tôi thành thực thưa rằng tôi chưa có một chủ thuyết rõ rệt như bốn ông vừa giải thích rành mạch. Tôi chỉ có thái độ chống bọn thực dân xấu xa bỉ ổi.

Ông Cao Văn Sến được cử toạ nhiệt liệt hoan hô, vì ông khiêm nhượng không dám đưa ra một chủ thuyết gì mới, mà chỉ nói lời chân thành từ con tim người dân yêu nước, yêu đồng bào.

Nhận thấy năm diễn giả đã nói lên lập trường của mình, và ai cũng biện minh chủ thuyết mình là đúng là hay, tôi muốn dung hòa tìm cách đúc kết để làm sao mà sau khi ai về nhà nấy, cũng sẽ có một hệ thống gì để lại sau lưng chúng ta khả dĩ tiếp tục tranh đấu đến thắng lợi. Lời nói thì hay, nhưng để như vậy ra về, thì thiếu thống nhất cho đường lối tranh đấu về tương lai.

Tôi khẩn khoản xin Quý Cụ là bậc tiền bối nên thảo luận ngay một kế hoạch hay một hệ thống nào để làm việc cho có hiệu quả về sau.

Anh Quốc nóng nảy bảo ngay: “Thì xin chú cứ nói ý kiến chú ra!…”

Tôi tiếp lời: “Cũng như anh đã trả lời cho Cụ Phan mấy hôm trước, tôi muốn nghe ngóng tất cả để sau này áp dụng một chủ nghĩa thực tiễn, lấy văn hóa Việt Nam làm gốc. Có thế mới hợp với tính tình dân tộc Việt Nam: Hành động gì bây giờ là thất bại ngay, cũng như cụ Phan Tây Hồ đã trịnh trọng cảnh báo hai anh em chúng tôi mấy kỳ gặp gỡ trước đây, mà tôi rất bái phục:

Vô bạo động, bạo động tắc tử; vô vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu. Dư hữu nhất ngôn dĩ cáo ngộ đồng bào: Viết bất như “học”. (Không bạo động, bạo động tất chết. Không trông vào nước ngoài, trông vào nước ngoài tất ngu. Tôi có một lời để nói đồng bào rõ là không gì bằng học).

(…) Tôi đặt nhiều hy vọng vào tương lai dân tộc Việt Nam, vì sức mạnh vô biên của văn hóa Việt Nam có những “bí quyết tồn chủng” mà dân tộc khác không nghĩ đến”.

Cử tọa nghe lời tôi biện bạch xác đáng là cứ ôn hòa chờ đợi thời cơ thuận tiện để tranh đấu.

(…)

Cử tọa đồng thanh cho tôi là đúng lý, và ngỏ lời cùng ông Đức và tôi rất cảm kích về bữa tiệc hôm ấy.

Trước khi chia tay, tôi có khẩn khoản thưa cùng quý khách đôi lời đã đúc kết cuộc thảo luận hôm nay bằng lời quả quyết rằng: “Bất cứ chánh sách gì cho Tổ quốc Việt Nam ngày mai, mà không dựa vào nền tảng Văn hóa và Văn hiến nghìn năm xưa của Dân Tộc sẽ bị thảm bại. Vì dân ta đã thâm căn cố đế tiêm nhiễm sâu sắc với những tập quán cha truyền con nối bằng một tinh thần cố hữu đã được đơm hoa kết quả tốt đẹp qua bao cuộc thăng trầm”!

Các cụ cho là phải, lần lượt bắt tay tôi siết thật mạnh tỏ vẻ tán thưởng tấm lòng nhiệt thành của tôi.

Phần đông quan khách hôm đấy đều có xe về, nhiều người đổ xô ra mời cụ Phan và anh Quốc lên xe để họ đưa về. Nhưng anh Quốc rỉ tai cùng tôi, bảo: “Chú đưa mình về, vì mình không muốn ai biết cái nghèo của mình!”.

L.T.C.

*

*    *

TỪ “KÝ ỨC” CỦA CỤ LÊ THANH CẢNH

Nguyễn Văn Khoan

Cụ Lê Thanh Cảnh có bản thảo Ký ức về Trường Quốc Học Huế. Theo yêu cầu của ông Hội trưởng Hội Ái Hữu cựu học sinh Quốc học, cụ Cảnh viết tiếp bài: Thử đi tìm một lập trường tranh đấu cho dân tộc Việt Nam trích đăng Rời mái tranh trường Quốc học, đặc san số 5, Hội cựu học sinh Quốc học.

Theo bài này: “Ông Trần Đức nói khẽ vào tai tôi (Lê Thanh Cảnh) bảo hai anh em chúng mình mời bốn cụ (Gọi là “cụ” – chắc để tôn vinh chứ bấy giờ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh mới 40-50 tuổi) Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Ngọc Thiện, Cao Văn Sến đến chiều hôm ấy dùng cơm tại khách sạn Montparnasse. Chúng tôi nhân mời thêm cụ Phan Tây Hồ, anh Quốc (Nguyễn Ái Quốc) vợ chồng Trần Hữu Thường và ông Hồ Đắc Ứng.

Bản ký ức về sự kiện này chỉ có năm trang. Cụ Lê Thanh Cảnh đã đặt một tựa đề, không phải chỉ cho những người có mặt trong bữa cơm ở khách sạn Montparnasse – mà cho cả dân tộc Việt Nam, cho tất cả những ai muốn tìm ra cái chìa khóa cho công cuộc giải phóng Việt Nam – trong đó có các bạn Pháp và Quốc tế cộng sản.

“Bữa cơm” này đã hội tụ các quan điểm “Thử đi tìm một lập trường tranh đấu cho dân tộc Việt Nam”.

Có 2 từ càn chú ý:

  1. “Thử”, có thể hiểu là đang tìm tòi, thăm dò, khám phá, chưa khẳng định đúng sai, tốt xấu, một danh từ dung dị, nhẹ nhàng, cởi mở, bao dung, lịch sử… Không mất lòng khách trong bữa cơm thân mật.
  2. “Lập trường” là chủ kiến, quan điểm, suy nghĩ, tư tưởng. Chủ nhà không dùng “con đường”, “đường lối”… tránh tranh cãi.. “mất vui”

(…) Các thành viên tham dự bữa cơm này còn tranh cãi nhiều. Lê Thanh Cảnh tỏ vẻ bái phục cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh về những câu như “Vô bạo động, bạo động tắc tử, vô vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu, dư hữu nhất ngôn, dĩ cáo ngộ đồng bào. Viết: bất như học (không bạo động, bạo động là chết, không nhờ (nước) ngoài, làm thế là ngu, chỉ có cách giác ngộ đồng bào là nâng cao dân trí).

Và Lê Thanh Cảnh, Phan Châu Trinh thuyết phục Nguyễn Ái Quốc đi theo “lập trường” của mình nhưng Nguyễn Ái Quốc “chưa hoàn toàn chịu phục”

Cuộc vui – buồn nào cũng phải đến lúc chia tay. Lê Thanh Cảnh, vai chủ trì, cảm ơn các vị đã đến dự bữa cơm, trao đổi thực lòng, thân tình để “hiểu biết lẫn nhau thử đi tìm một lập trường tranh đấu cho dân tộc Việt dẫu chưa thống nhất nhưng “quả quyết” rằng “bất cứ chính sách gì cho Tổ quốc Việt Nam ngày mai, mà không dựa vào “nền tảng văn hóa và văn hiến nghìn xưa của dân tộc sẽ bị thảm bại”.

(…) Xét về mặt con người cung cấp tư liệu thấy rõ Lê Thanh Cảnh không bị một sức ép chính trị, kinh tế nào cả, mà chỉ viết lại theo đề nghị của bạn bè đồng môn cũ, nhiều người đang còn sống, nên khó mà “bịa”

N.V.K.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.