Pham Ton’s Blog

Tháng Tư 5, 2009

Tư liệu Gs Nguyễn Văn Trung (Điệp viên đơn tuyến của Nguyễn Ái Quốc)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 7:18 sáng

“ĐIỆP VIÊN ĐƠN TUYẾN”

­­­­­CỦA

NGUYỄN ÁI QUỐC – HỒ CHÍ MINH

(Một đoạn báo của giáo sư Văn khoa Đại học Nguyễn Văn Trung, tháng 9 năm 1999)

Lời dẫn của Phạm Tôn: Giáo sư Văn khoa Đại học Nguyễn Văn Trung từng nổi tiếng như cồn ở Sài Gòn thập niên 60 và 70 thế kỷ trước với các bài viết, các tập sách và cả các buổi diễn thuyết chống Phạm Quỳnh quyết liệt, sắc sảo đến mức “đào đất đổ đi”, “không đội trời chung”, nhất là trong tập sách Chủ Đích Nam Phong (Tủ sách Tìm về dân tộc của nhà xuất bản Trí Đăng, Sài Gòn phát hành 2000 bản, ngày 20/2/1975), một công trình phê bình chính trị, trong đó ông dành hết tâm trí để chứng minh rằng Phạm Quỳnh là: “tay sai chính trị, tay sai văn hóa của thực dân Pháp”.

Thế nhưng, tháng 9 năm 1999, trên tạp chí Đi Tới, xuất bản ở Montreal, Canada số đặc biệt về chủ đề “Phạm Quỳnh: Văn hào và Chính trị: Công hay Tội”, ông lại bất ngờ công bố một giả thuyết kỳ quặc đến mức nhà báo lão thành Mạc Kinh Trần Thế Xương dưới bút danh Người Luân Đôn ở tận thủ đô xứ sở sương mù đã phải đánh giá đoạn báo đó là “thần sầu quỷ khốc” và viết hẳn một bài báo dài ngót 14 trang giấy A4 nhan đề Đối diện với lương tâm trước vụ án văn học – chính trị về Cố học giả Phạm Quỳnh: GIÓ ĐÃ ĐỔI CHIỀU.

Để bạn đọc có tư liệu tham khảo nhiều chiều khi tìm hiểu về học giả Phạm Quỳnh, chúng tôi xin trích đăng đoạn báo đó và một phần trong Lời kết bài của giáo sư Nguyễn Văn Trung đăng trong số báo trên từ trang 8 đến trang 20 nhan đề Từ suy tôn Phạm Quỳnh đến đề cao thực dân thời hậu hiện đại. Đầu đề đoạn trích này là của chúng tôi.

—-o0o—-

Tóm lại xét về mặt nổi mặt chìm Phạm Quỳnh là người của địch nhưng có thể là người của ta gài trong hàng ngũ của địch (Chúng tôi nhấn mạnh – PT) hay không? Giả thuyết này có thể được nêu lên dựa vào tâm sự mà Phạm Quỳnh đã bày tỏ trong chuyến công du Pháp hồi 1922. Bất cứ người Việt Nam nào từ khi Việt Nam tiếp xúc với Tây phương và nước Pháp, có cơ hội ra nước ngoài sang Pháp đều có một lối nhìn thời cuộc khác với người chỉ ở trong nước. Qua những trang tâm sự Phạm Quỳnh cho biết:

1. Đời sống va chạm hằng ngày trong nước ở xa mới thấy những việc tưởng là quan hệ mà sau đó bần tiện nhỏ nhen, tranh ăn tranh nói, tranh uống tranh ngồi, v.v…

2. Ở Paris đầu óc mở ra đón nhận những trào lưu mới tiến bộ. Phạm Quỳnh đi nghe các buổi nói chuyện của phe tả Cộng sản, đi thăm đại học Sorbonne, trường sư phạm rồi than thở về thân phận học hành dang dở dở dang của mình và cả nước cũng là dở dang.

3. Nhận rõ chân tướng chế độ thực dân ở Việt Nam, những người Pháp thực dân khác hẳn người Pháp ở Pháp

4. Hiểu được tại sao người Việt ở Pháp chống thực dân và không thể có thái độ khác

Với tâm tình đó ông tìm gặp các ông Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc.

Trong bài du ký ông chỉ nhắc tới buổi gặp Phan Chu Trinh mà không nói tới những gặp gỡ khác đặc biệt với Nguyễn Ái Quốc. Chắc hẳn ông đã báo cáo với mật thám Pháp về những tiếp xúc này một cách nào đó cho khỏi bị nghi ngờ. Những ai đã có dịp gặp Nguyễn Ái Quốc bất kể là người Việt Nam hay người ngoại quốc đều thú nhận rất khó chống khả năng cảm hóa thuyết phục của Nguyễn Ái Quốc sau này là Hồ Chí Minh, một người thấm nhuần sách lược Lê-nin-nít. Có thể Nguyễn Ái Quốc, nhận thức được sự đóng góp đặc biệt của Phạm Quỳnh cho cách mạng Việt Nam ở cương vị một người cộng tác thân tín với giới lãnh đạo chính trị an ninh tình báo cấp cao nhất trong chính quyền thuộc địa, trao công tác cho Phạm Quỳnh mà bây giờ gọi là “ĐƠN TUYẾN” nghĩa là chỉ tiếp xúc nhận chỉ thị của một người khi cần đến, trong khi chờ đợi cứ năm vùng 10 năm, 20 năm hoàn thành xuất sắc tất cả các việc người Pháp trao để không bị nghi ngờ bất chấp những đố kị kết án là phản quốc Việt gian. THỜI ĐIỂM 1945-46 PHẠM QUỲNH CÓ THỂ XUÁT HIỆN VỚI BỘ MẶT THẬT (thì) BỊ CẤP DƯỚI GIẾT CHẾT. Khả năng bị thủ tiêu ở thời điểm này lại rất dễ xảy ra ngay cả với những người được triệu ra Bắc làm bộ trưởng như Lê Văn Hiến nếu không nhờ có can thiệp kịp thời.

Dĩ nhiên, đây hoàn toàn là một giả thuyết có thể phải đợi bao giờ một cuốn sử về Nguyễn Ái Quốc trung thực được công bố có nói đến tiếp xúc giữa ông và Phạm Quỳnh hồi ở Paris hoặc không bao giờ được kiểm chứng.

(…) Tình hình hiện nay có xu hướng tạm gác đánh giá Phạm Quỳnh về chính trị và lưu tâm tìm hiểu về sự nghiệp văn học của ông. Trong nước đã xuất bản những Truyện ngắn Nam Phong và chuẩn bị những trao đổi về mặt văn học (…) Việc nghiên cứu này không dựa vào những chứng từ như hồi ký, trả lời phỏng vấn… chỉ có giá trị tương đối nào đó, mà vào bút tích ghi trong hồ sơ hành chính lưu trữ ở văn khố Pháp, Nhật hay của bộ nội vụ ở Việt Nam. Hy vọng có thể phát hiện những sự kiện thuận lợi cho Phạm Quỳnh như xác nhận giả thuyết ông Nguyễn Ái Quốc móc nối Phạm Quỳnh và bức thư kết bằng những mẩu thuốc lá của những Đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng ở trong tù gửi cho ông Phạm Quỳnh đề nghị can thiệp với Pháp thay án tử hình đối với nhóm Nguyễn Thái Học được xác minh ông Phạm Quỳnh có can thiệp… (những đoạn in đậm là do chúng tôi nhấn mạnh – PT)

Montreal, đầu tháng 8/1999

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.