Pham Ton’s Blog

Tháng Tám 26, 2011

Nhạc sĩ Phạm Tuyên trước ban thờ song thân tại Pháp

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:06 sáng

Blog PhamTon năm thứ hai, tuần thứ 1 tháng 9 năm 2011.

NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN TRƯỚC BAN THỜ SONG THÂN TẠI PHÁP

Dã Thảo

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sang Pháp thăm chị em ruột vừa đúng giỗ thân mẫu lần thứ 37. Năm 1953 bà cụ mất, ông còn công tác tại Khu Học xã Nam Ninh (Trung Quốc), kháng chiến chống Pháp cũng chưa thành công, nên chưa về được… Sau bao năm xa gia đình, nay nơi xứ người, năm chị em gặp mặt, ông thật xúc động.

Bức ảnh kỷ niệm này chụp tháng 3/1990 tại nhà bà chị Phạm Thị Ngoạn, tiến sĩ Sorbonne, tác giả luận văn Tìm hiểu tạp chí Nam Phong, tại Le Clos des Peintres, Yerres. Trước ban thờ Phật và song thân, từ phải sang là Phạm Thị Viên, con gái út, nhạc sĩ Phạm Tuyên, bà Phạm Thị Hoàn chị ông, vợ nhạc sĩ Lương Ngọc Châu là cháu nội cụ Lương Văn Can, bà Phạm Thị Ngoạn chị ông và Phạm Thị Lệ em nhạc sĩ.

Hai bên ban thờ có treo đôi câu đối của ông Tố Nguyên Nguyễn Thọ Dực tặng. Ông Nguyễn Thọ Dực, thường gọi là “Nghè Dực” (Dân Huế xưa thường gọi các ông thừa phái tức thư ký Nam triều, là Nghè) là em rể giáo sư Tôn Thất Bình, hiệu trưởng điều hành Trường Thăng Long (Ngõ Trạm) Hà Nội nổi tiếng, chồng bà Phạm Thị Giá, trưởng nữ học giả Phạm Quỳnh. Đôi câu đối chữ Hán này đã được tác giả dịch sang chữ quốc ngữ như sau:

Lương Ngọc kết phát văn tông, khí thiêng non biển kết tinh hun đúc nên những kỳ công kiệt tác.

Luồng Nam Phong chấn hưng quốc mạch, ảnh hưởng tốt đẹp với tiếng thơm lưu truyền sử sách đời đời.

Đệ tử Nguyễn Thọ Dực cung phụng Học giả Phạm Quỳnh.”

Ông Nguyễn Thọ Dực, sau này làm Trưởng Ban Cổ Văn Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Thời Phạm Quỳnh còn làm thượng thư, ông từng làm việc ở triều đình Huế. Có lần, biết ông tinh thông lý số, chính Phạm Quỳnh đã nhờ ông lấy số tử vi. Nhờ đó, nay ta có thể biết đích xác ngày sinh của Phạm Quỳnh, khác hẳn các giấy “thế vì khai sinh” thiết lập nhờ các “chứng nhân” cũng như các thẻ căn cước đã biết.

Sau này, khi bà Ngoạn công bố luận văn Tìm hiểu tạp chí Nam Phong, nguyên tác viết bằng Pháp văn, ông Nguyễn Thọ Dực có viết bài giới thiệu luận án đó trong Études Interdisciplinaires sur le Viet Nam (Saigon 1974) cho biết ông biết rõ ngày sinh của Phạm Quỳnh, vì hồi làm việc ở Triều đình Huế, ông có dịp lấy số tử vi cho Phạm Quỳnh và theo ngày tháng âm lịch Phạm Quỳnh đã cho biết (13 tháng chạp Nhâm Thìn) thì Phạm Quỳnh sinh vào ngày 30/1/1893. Ông cũng cho biết là bà Phạm Quỳnh sinh ngày 24 tháng hai cũng năm Nhâm Thìn. Có điều, bà sinh đầu năm còn ông thì cuối năm, thành ra đầu năm 1893.

D.T.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.