Pham Ton’s Blog

Tháng Sáu 28, 2012

Những ngày ẩn dật

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 2:59 chiều

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 1 tháng 7 năm 2012.

NHỮNG NGÀY ẨN DẬT

Khúc Hà Linh

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là chương 7 trong sách Phạm Quỳnh trong dòng chảy văn hóa dân tộccủa Khúc Hà Linh (NXB Thanh Niên – 2012).

—o0o—

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với sự kiện phe phát xít Đức – Ý – Nhật đầu hàng vô điều kiện phe Đồng minh. Ở Việt Nam, quân đội và chính quyền thân Nhật tan rã hoang mang tột độ. Nhân dịp ấy, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhân dân cả nước vùng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay người lao động.

Ngày 23/8/1945 tại thành phố Huế, hàng ngàn vạn người dân lao khổ, cùng thợ thuyền, học sinh xuống đường cầm cờ, vũ khí hô vang khẩu hiệu ủng hộ cuộc khởi nghĩa. Gia đình Phạm Quỳnh hầu hết đều hòa trong khí thế cách mạng của quần chúng, ủng hộ cách mạng. Riêng Phạm Quỳnh và mấy người con gái hôm ấy ở biệt thự Hoa Đường không ra ngoài.

Từ 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp đến bấy giờ, trong thời gian gần nửa năm trời, Phạm Quỳnh đã ra rời chốn quan trường, về ẩn dật và sống cùng con cháu. Ẩn dật là ở ẩn mà tự vui. Ông chẳng nuối tiếc những tháng năm tuy mang trên người phẩm phục triều đình, mang danh đại thần mà lực bất tòng tâm trước cảnh non sông bị ngoại bang thao túng.

Trước đó, thấy tình hình trong nước có nhiều biến động, có lần người em vợ là ông Lê Văn Tốn (Cửu Xuân) gợi ý là: “Lúc này, anh nên lánh đi xa một thời gian. Có thể sang Lào, vì vua Lào mến mộ anh lắm, để tránh những rắc rối có thể xảy ra”. Người anh rể nói rằng: “Chính lúc này mới càng cần ở trong nước, để có cơ giúp nước”. Phạm Quỳnh ở lại và từ quan.

Những ngày tháng từ quan ấy, ông tập trung vào suy ngẫm sự đời, viết sách và chọn dịch lại thơ Đường, mà chỉ là thơ Đỗ Phủ… Rồi, một nhóm người vào biệt thự, xưng là người của chính quyền cách mạng, đến mời ông đến tòa Khâm để làm việc. Ông bình thản, tự tin, ôn tồn như tính vốn có từ thời còn làm Chủ bút Nam Phong, từ giã vợ con người thân trong gia đình ra đi. Phạm Quỳnh có bệnh dạ dày, người con gái đưa cho cha mấy viên thuốc dự phòng, ông không cầm, nói: “Thầy đi rồi lại về, không cần đâu”. Cũng giữa buổi giao thời, cảnh nhà bối rối, lòng người ngơ ngác như vậy, Phạm Thị Ngoạn, con gái thứ 6 của Phạm Quỳnh đã tìm thấy một cuốn vở ngoài bìa có dòng chữ: “Hoa Đường tùy bút – Kiên văn cảm tưởng I”. Biết là tài liệu của cha, người con gái đã kín đáo giấu đi, và giữ được cho đến bây giờ trở thành báu vật, một di cảo quan trọng của thân phụ.

Tập vở ấy có 47 trang, là một cuốn vở học trò. Bên trong Phạm Quỳnh đã viết và đánh số 11 bài với những tiêu đề riêng, như: Thế thái nhân tình, Văn học và chính trị, Muốn sống, Con người hiểm độc, Anh chàng khoác lác, Lão Hoa Đường, Thiếu Hoa Đường…

Đây là mấy dòng trong phần Thế thái nhân tình.Mùa hạ năm 1945: “… Đã để mình trong vòng danh lợi mới biết rõ những trạng thái ô uế ở đời. Kẻ xu nịnh mình buổi sáng là người phản bội mình buổi chiều… Kẻ tâng bốc mình hôm qua, là người thóa mạ mình hôm nay… Mà kẻ hàm ơn nhiều nhất lại là người quy oán hơn cả. Không kể phần nhiều thời lợi gió theo chiều, thấy không có lợi đến gần nữa, liền linh lỉnh lảng xa ngay…”

Những dòng chữ ngay ngắn, thẳng thắn, rõ ràng, nghiêm cẩn của Phạm Quỳnh như là lời tự sự, những nỗi niềm ông ghìm giữ từ đáy lòng muốn chia sẻ cho người sau. Bìa ghi Hoa Đường tùy bút – Kiến văn cảm tưởng I, như thế có phải chăng ông muốn viết tiếp nữa…?

Mấy chục năm sau khi đã ra nước ngoài, năm 1992 Tiến sĩ Phạm Thị Ngoạn, con gái ông mới công bố 10 bài bỏ bài Chuyện một đêm một ngày, (cho rằng đó là một trang nhật ký, ghi chép, không có tính văn học). Riêng bài Cô Kiều với tôi chỉ có ba trang viết dở. Đấy là bài thứ 11 và ở chính cái trang dở dang ấy bên trên có một chiếc bút máy nhãn hiệu Waterman còn chặn ngang. Bài tùy bút thứ 11 dang dở, cũng là bài văn cuối cùng của đời ông. Bởi vì sau cái ngày 23/8/1945 ấy, ông ra đi và không trở về nữa! Âu cũng là số phận đã sắp bày?

Bài viết Cô Kiều với tôi coi như một tự sự. Phạm Quỳnh vô tình hay cố ý chọn những câu thơ thế này:

Người từ lánh gót vườn hoa

Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng

Nhân duyên đâu nữa mà mong

Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thời thôi…

Đây là bốn câu thơ từ 1925 đến 1928 trong đoạn nói về nàng Kiều bị Hoạn Thư đọa đày và đưa vào cửa Phật.

Phạm Quỳnh chép lại mấy câu Kiều như gửi nỗi niềm tâm sự với cuộc đời, với người thân bầu bạn? Hình ảnh nàng Kiều phải chăng có mối dây ràng buộc hai con người với nhau?

Và ông bình luận: “Sao mà Truyện Kiều có lắm câu thiết tha, thấm thía như vậy! (…)Tưởng giá tự mình than thở cũng than thở như thế mà thôi. Mà bất cứ câu nào đoạn nào; hễ ngẫu nhiên thích hợp là có cái âm hưởng lạ lùng như vậy”.

Ngay từ khi còn trẻ, đọc Truyện Kiều Phạm Quỳnh đã say mê và liên tưởng đến nhân tình. Trong Hoa Đường tùy bút – Kiến văn cảm tưởng I, ở bài cuối cùng viết dở, có đoạn nghe day diết: “Hồi tưởng từ thuở nhỏ, mỗi khi nghe đọc một câu thơ Kiều, dù chưa hiểu nghĩa, đã thấy cái âm hưởng lạ lùng nó vang động trong lòng. Rồi từ đó nó văng vẳng luôn bên tai, càng ngày càng tha thiết, thấm thía, có khi âm thầm não ruột như tiếng gọi xa xăm của một âm hồn tri kỷ tự chín suối đưa lên”.

Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều còn một lẽ nữa đó là cuốn tiểu thuyết bằng thơ, mỗi câu đều chan chứa tình đời tình người được diễn tả bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc. Ông viết: “Có tiếng mới là nước, có quốc văn mới có quốc gia. Quốc văn ta thời tuyệt phẩm là Truyện Kiều, trước sau chỉ có Truyện Kiều, may có Truyện Kiều, đáng quý vô cùng. Cho nên năm 1924, lần đầu tiên kỷ niệm cụ Tiên Điền, trước hai nghìn người họp ở sân Hội Khai trí, tôi trịnh trọng tuyên bố một câu: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.

Trong số 11 bài của tập di cảo Hoa Đường tùy bút – Kiến văn cảm tưởng I, có một bài ngắn Lão Hoa Đường – Thiếu Hoa Đường. Mới nghe không ai hiểu được. Hóa ra Phạm Quỳnh kính trọng và nể phục Phạm Quý Thích tự là Dữ Hạo, hiệp Lập Trai, người Hoa Đường, cố hương của ông, nhưng sinh sống ở phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương. 20 tuổi cụ đỗ Tiến sĩ Tam giáp, khoa thi Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1799) đời vua Lê Hiển Tông. Gia Long lên ngôi triệu cụ vào Phú Xuân bổ chức Thị trung học sĩ, tước Thích An hầu, sau cáo quan về nghỉ và mất ở quê nhà. Phạm Quỳnh có viết ra, mới hiểu vì sao ông lấy bút hiệu Hoa Đường: “Tôi mộ cái tài học danh tiết một bậc tiền bối, lại vừa là một vị chân nho ôn hòa thuần túy, cũng lạm lấy tên Hoa Đường làm biệt hiệu, tên cụ là “Lão Hoa Đường”, mà cho mình là “Thiếu Hoa Đường” vậy”.

Cùng với việc viết tùy bút, thời gian về ẩn dật bên dòng sông Phủ Cam, Phạm Quỳnh đã để tâm vào dịch thơ Đường. Ông đã chọn và dịch xong 51 bài thơ của Đỗ Phủ, một ông quan nhà Đường nhưng chán ghét chiến tranh ly tán, lê dân điêu linh, tha hương.

Đỗ Phủ người huyện Củng, tỉnh Hà Nam, là hậu duệ dòng quan lại quý tộc đã sa sút. Thông minh dĩnh ngộ từ nhỏ nhưng đỗ đạt muộn mằn. Năm 40 tuổi mới làm chức quan nhỏ. Ông là một thi sĩ thiên về tả thực, nghiêng về trường phái nghệ thuật vị nhân sinh. Ông thương đời, thấm thía nỗi đau đời thể nguyện muốn cứu dân khỏi lầm than khốn khổ. Phạm Quỳnh chọn Đỗ Phủ hay là tìm sự đồng điệu của tâm hồn và giãi bày sẻ chia? Ông dùng thời gian tĩnh lặng ấy mà chép lại chữ Hán, rồi bình chú tỉ mỉ và dịch từng bài, theo kiểu một chọi một. Nghĩa là thơ nguyên tác theo thể ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt, hay bát cú, hay trường thiên Phạm Quỳnh thủy chung giữ nguyên không hề thêm câu thêm chữ. Ông từng trải, lịch lãm thông thuộc sử Tàu, với vốn Hán ngữ tự học (mà tự học là truyền thống gia đình), ông đã làm công việc chuyển ngữ thơ Đỗ Phủ sang tiếng Việt. Âu đó cũng là cách giãi bày nỗi lòng bấy nay ấp ủ của ông?

Ông làm việc cẩn trọng như thế, rồi gửi cho người bạn văn chương là Đông Hồ Lâm Tấn Phát, trước từng là cộng tác viên thân thiết của Nam Phong, người mở trường Trí Đức học xá chuyên dạy chữ quốc ngữ. Một con người có vốn hiểu biết sâu sắc và một thi sĩ tài năng ấy đã được ký thác. Rồi cuộc đời dâu bể tang thương… Đông Hồ mất, bản thảo ấy được thi sĩ Mộng Tuyết, người bạn đời của ông gìn giữ, nâng niu. Trong khi đó ở Pháp, người con gái của Phạm Quỳnh là Phạm Thị Ngoạn làm luận án Tiến sĩ tại Paris năm 1972 với đề tài: “Tìm hiểu tạp chí Nam Phong”, vẫn chẳng hề biết gì về sự trôi nổi của tập thơ dịch của cha, vẫn dè dặt viết: “Hình như Phạm Quỳnh có dịch thơ Đỗ Phủ”. Hóa ra, tập dịch viết tay ấy đã chịu số phận lăn trải từ biệt thự Hoa Đường – Huế vào Đồng Nai – Gia Định để tới tay Đông Hồ, và cuối cùng Mộng Tuyết đã trao lại cho Phạm Thị Ngoạn.

Bây giờ đây, di cảo ấy đã xuất hiện với bạn đọc. Qua một tài liệu của gia đình Phạm Tuyên, chúng tôi đã có được bản sao nguyên chữ Hán viết tay của dịch giả Phạm Quỳnh, để có thêm một góc nhìn về một nhà báo có hạng, văn sĩ tài danh… Mới hay Vũ Ngọc Phan khi viết Nhà văn hiện đại năm 1942, rất tinh tường nhận định về Phạm Quỳnh thế này: “Ông dịch nhiều đoạn văn vừa có duyên vừa sát nghiã, đáng làm khuôn mẫu cho những nhà dịch truyện”. Hoặc “Đọc những đoạn văn trước thuật của ông, người ta phải nhận là đủ giọng: Nhẹ nhàng vào chỗ nhẹ nhàng, có duyên vào chỗ cần có duyên, chua chát cần phải chua chát…”

Vẫn theo Vũ Ngọc Phan: “Ông đọc Tây để thâu thái lấy tư tưởng, lấy tinh thần văn hoá Âu Tây để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn lấy cái hay của người mà dung hoà với cái hay của mình, ngõ hầu giữ gìn cho cái học của mình không mất bản sắc mà còn có cơ tiến hoá được”.

Ít khi người ta thấy dưới ngòi bút ông những bài phù phiếm có giọng tài hoa bay bướm và chỉ có một tính cách thuần tuý văn chương…”

Phải đặt vào tình cảnh ấy mới thấy cái tài chỉ huy, và sức lôi cuốn của Phạm Quỳnh. Chẳng thế mà nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng phải bình phẩm” “Văn ông ai cũng phải nhận là hùng, là dồi dào, thường thường lại có cái giọng thiết tha kêu gọi”… “Đến cái công của Phạm Quỳnh đối với quốc dân, thì ai cũng phải nhận là một công lớn… Nam Phong tạp chí rực rỡ như thế cũng vì được người chủ trương là một nhà văn học, học vấn uyên bác, lại có biệt tài, có lịch duyệt…”

Gần đây Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây có cuộc giao lưu về con người và tập tiểu luận bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh được dịch ra tiếng Việt do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành. Cuốn sách này được một nhóm những dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, như Phạm Toàn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Xuân Nguyên, Ngô Quang Chiến thực hiện. Nguyên là, năm 2000, nhạc sĩ Phạm Tuyên khi sang Pháp thăm chị gái là Tiến sĩ văn học Phạm Thị Ngoạn đã mang về tập bản thảo của thân phụ. Đó chính là khởi nguồn của tập sách quý khiến dịch giả Phạm Toàn phải kinh ngạc: “Phạm Quỳnh tiêu biểu cho một trí thức có nền Hán học, Việt Nam học uyên thâm trước khi ông tiếp thu phương Tây học. Tôi kinh ngạc về phương Đông học của ông…”. Trong khi đó Nguyên Ngọc thì khẳng định: “là người uyên thâm cả Đông lẫn Tây, mỗi tiểu luận của ông đều có giá trị như một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh (…) Con người Phạm Quỳnh là hiện thân của quá trình giáp mặt Đông Tây, đó là số phận phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng”.

Cũng trong cuộc giao lưu, người ta thấy Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú đã thành thực nhận rằng, từ năm 1960 ông đã là một trong những người nhìn nhận Phạm Quỳnh quá bất nhẫn. Sau khoảng thời gian có độ lùi suy nghĩ lại, Giáo sư coi: “Phạm Quỳnh là người mở đầu cho văn hoá Việt hiện đại. Ông có cả một lý                                   thuyết hẳn hoi về độc lập và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa dân tộc (quốc gia) và nhân loại, thế giới. Đó chính là hạt nhân của lý thuyết hội nhập hiện đại. Nhờ lý thuyết đó, Phạm Quỳnh không bị văn hoá phương Tây áp đảo, ông dõng dạc tuyên bố bằng tiếng Pháp cho người Pháp đọc vào năm 1931: Người An Nam không thể coi nước Pháp là tổ quốc được, vì chúng tôi đã có một tổ quốc”.

Với giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, Giáo sư Chu Hảo tỏ ra rất tự hào khi xuất bản cuốn sách này, vì đã làm sang trọng cho Nhà xuất bản. Vì nó uyên thâm về học vấn, rất hay về văn chương. Rằng, đây là cuốn sách gối đầu giường về văn hoá nước ta…

Trong khi đó ở Mỹ, tháng 6 năm 2009 vừa rồi đã có một sự kiện đáng chú ý xung quanh Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong.

Cũng vì trân trọng tài năng nhà văn hoá lớn Phạm Quỳnh, Viện Việt Học (Institute of Vietnamese Studies, CA. 92683 – USA) sau 6 năm hợp tác với gia đình Phạm Quỳnh mà người đại diện gia đình là Phạm Tuân, con út của học giả, đã hoàn thành bộ DVD Tạp chí Nam Phong. Ông Phạm Tuân đã đưa cho Viện toàn bộ những số Nam Phong tạp chí mà gia đình giữ được sau nhiều năm chiến tranh ly tán. Các số tạp chí này có ghi chú, nhận xét của chính học giả Phạm Quỳnh, ngay sau khi báo mới ra, viết bằng bút chì. Những phần quá mục nát, mất mát, ông Tuân đã báo cho anh ở Hà Nội là nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhờ Viện Văn học Việt Nam bổ sung đầy đủ.

Nghe kể, hơn 50 chuyên gia điện toán, sống rải rác khắp các bang nước Mỹ tình nguyện thực hiện. Bây giờ họ đã thu gọn trong 6 đĩa với các chủ đề sau: Đĩa 1 giới thiệu bộ DVD-ROM có Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong 1917-1934 của Nguyễn Khắc Xuyên, Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục Sài Gòn. Tìm hiểu tạp chí Nam Phong 1917-1934, Phạm Trọng Nhân dịch từ Introduction au Nam Phong của Phạm Thị Ngoạn, Ý Việt, Yerres (Pháp) và số tết báo Nam Phong năm 1918, cũng là báo tết đầu tiên của nước ta. Đĩa 2: Từ số 1 đến số 42. Đĩa 3: từ số 43 đến số 84. Đĩa 4:Từ số 85 đến số 124. Đĩa 5: Từ số 125 đến số 163. Đĩa 6: Từ số 164 đến số 210.

Ngày 28/6/2009 hơn một trăm văn nghệ sĩ nhân sĩ đã tham dự buổi ra mắt công trình này và đầu tháng 9 năm 2009, những DVD về toàn bộ 210 số tạp chí Nam Phong đã có mặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đó là những bản đặc biệt gửi tặng gia đình học giả Phạm Quỳnh ở trong nước.

K.H.L.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.