Pham Ton’s Blog

Tháng Một 3, 2013

Sự cống hiến của Phạm Quỳnh và báo Nam Phong vào văn học Việt Nam _ P2

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 2:07 chiều

Blog PhamTon năm thứ tư, tuần 2 tháng 1 năm 2013.

SỰ CỐNG HIẾN CỦA PHẠM QUỲNH VÀ BÁO NAM PHONG VÀO VĂN HỌC VIỆT NAM

Giáo sư Văn Tạo

(Nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam)

Lời dẫn của Phạm Tôn: Hồn Việt các số 61 (8/2012) và 62 (9/2012) có đăng bài của Đặng Minh Phương nhan đề Người cùng thời với Phạm Quỳnh nói về Phạm Quỳnh. Đến số 63 (10/2012) thì đổi nhan đề thành Người đương thời với Phạm Quỳnh và Nam Phong do Đặng Minh Phương sưu tầm. Và số 64 (11/2012) thì lai ghi tên người sưu tầm là Đặng Minh Phương và Tường An. Nói là sưu tầm, thật ra là chỉ “sưu tầm” những gì chê bai Phạm Quỳnh và Nam Phong thôi.

Giáo sư Văn Tạo vừa gửi cho chúng tôi bài viết 14 trang A4 Các quan điểm khác nhau về học giả Phạm Quỳnh và báo Nam Phong, nhằm làm rõ về việc đánh giá Phạm Quỳnh của các nhà văn, nhà báo và nhà phê bình nghiên cứu văn học xưa nay ở nước ta.

Chúng tôi gác lại phần I. Luồng ý kiến nhấn mạnh mặt tiêu cực của Phạm Quỳnh và báo Nam Phong, chỉ đăng phần II. Luồng ý kiến coi trọng sự cống hiến của Phạm Quỳnh và báo Nam Phong vào văn học Việt Nam. Đầu đề bài này do chúng tôi đặt.

—o0o—

Tạp chí Hồn Việt tháng 11/2012 trang 41-45 đã công bố bài Người đương thời với Phạm Quỳnh và Nam Phong. Nay tôi xin công bố thêm các quan điểm về vấn đề này cho đến hiện nay, nói về mặt tích cực của Phạm Quỳnh.

Theo ông Vũ Đình Huỳnh kể lại là, bác Hồ khi nghe ông Tôn Quang PhiệVan tao ke sacht báo cáo: “Cụ Phạm Quỳnh đã bị khử mất rồi”, bác Hồ cho hai cánh tay vào sát ngực, tựa lên bàn, lặng ngắt một lúc…rồi nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì?”. Người duỗi hai tay ra mặt bàn nói: “Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với cụ Phạm Quỳnh ở Pháp. Đó không phải là người xấu (Tư liệu do nhà văn Sơn Tùng cung cấp ngày 18/12/2008 (12/11 năm Mậu Tý) – sử liệu cận đại quý giá đối với chúng tôi.

Đến nay khi đi sâu vào tìm hiểu, tôi bắt gặp hai luồng ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về Phạm Quỳnh và báo Nam Phong.

Một luồng nhấn mạnh đến mặt tiêu cực, thậm chí là phản động của Phạm Quỳnh và báo Nam Phong

Một luồng chú ý nhiều đến mặt tích cực, mặt cống hiến cho văn học dân tộc của Phạm Quỳnh và tờ báo này.

(Tiếp theo và hết)

Ngày 20/12/1992, trong lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phạm Quỳnh tại Paris, Giáo sư Phạm Thị Nhung với bài Cô Kiều với Phạm Quỳnh đã nói một cách chân thành:

“Phạm Quỳnh, một trí thức thông minh, tài hoa, đã phải bôi tro trát trấu ra hợp tác công khai với chính quyền bảo hộ, phải để chính ngòi bút của mình cùng vài ngòi bút khác của Nam Phong viết một số bài “nịnh Tây”, hay nói như một số dư luận chống đối bây giờ là “hót Tây”, làm “bồi Tây”, hay tệ hơn nữa, là phải “đánh đĩ ngòi bút” để phục vụ cho quan thầy bảo hộ, cũng chỉ vì muốn mua chuộc cảm tình, lấy lòng tin của họ cho mình được yên thân lo việc phù thế (Cuộc đời bồng bềnh, trôi giạt-PT chú) giáo, cho mình được yên thân hoạt động văn hóa phụng sự dân tộc. Dầu đã được trang bị bằng những lý lẽ cao thượng thế nào chăng nữa, Phạm Quỳnh vẫn không khỏi có nhiều lúc đau lòng, thương thân, nỗi niềm không thể bày tỏ cùng ai. Cuối cùng ông đã tìm thấy ở cô Kiều một niềm an ủi: một người bạn tâm sự, một người đồng cảnh ngộ”.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Huệ Chi trong Từ điển Văn học (Bộ mới -2004) có những dòng viết về Phạm Quỳnh rất xác đáng:

Phạm Quỳnh là người có tinh thần dân tộc, ôm ấp chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước”… “Phạm Quỳnh là người làm việc không cẩu thả, dù dịch thuật hay trước tác cụ đều tra cứu cẩn thận, đắn đo câu chữ rất nhiều. Hơn nữa, cụ có thiên hướng thích loại văn chương nghị luận hơn là văn cảm hứng nên ngòi bút điềm đạm, mực thước… Phạm Quỳnh là người chủ tâm rèn luyện câu văn Quốc ngữ sao cho kịp trình độ văn chương thế giới, nhất là diễn đạt được những phạm trù trừu tượng như tư tưởng, tâm lý, triết học… Phạm Quỳnh đã hết sức du nhập và Việt hóa nhiều khái niệm bắt nguồn từ Hán ngữ và làm cho tiếng Việt phong phú lên rất nhiều…”

Tiến sĩ triết học Cao Thế Dung, trong tập tham luận, nhan đề Chủ nghĩa quốc gia và tự hào dân tộc qua Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí viết hồi đầu thế kỷ XXI tại Hoa Kỳ, đã đánh giá:

Phạm Quỳnh là một người yêu nước nồng nàn theo cách thể của ông, và là người rất tự hào về dân tộc Việt Nam theo những gì ông và nhóm Nam Phong tạp chí đã làm sống động, nổi bật và đầy hãnh diện trong suốt 17 năm dài của tạp chí này”

Nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn trên tạp chí Văn Học, số ra tháng 7/2005, đã nhận xét: “Phạm Quỳnh có yêu nước, và đó là một kiểu yêu nước ở thời của ông, nó giúp cho ông thấy ý nghĩa của đời sống và thúc đẩy ông làm việc…” “Khi một người có hoạt động thực sự trên lãnh vực văn hóa, trở thành có đóng góp về văn hóa, người đó nhất thiết phải có tình cảm tốt đẹp và sâu sắc với dân tộc, với đất nước.”

PGS. TS Đỗ Lai Thúy, trong bài Đọc lại tạp chí Nam Phong và Phạm Quỳnh (in trong tạp chí Tia sáng số 12 ngày 20/6/2006, trang 43, đã viết:

Nam Phong (1917-1934) là một trong những tạp chí có công rất lớn trong việc cổ động cho văn học Quốc ngữ, cho nền quốc học Việt Nam. Đặc biệt cho việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở kết hợp, dung hòa hai nền văn chương, học thuật, tư tưởng Đông – Tây. Các biên tập viên giữ các chuyên mục của tạp chí đều là những cây bút vững vàng, sắc sảo, nhạy bén với những vấn đề văn hóa, trong đó phải kể đến ông chủ bút là Phạm Quỳnh…”

Nhà nghiên cứu, Trần Văn Chánh, dưới bút danh Trần Khuyết Nghi, đã viết trên tạp chí Công giáo và Dân tộc, thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/2006:

“Cuộc đời của Phạm Quỳnh gắn liền với tạp chí Nam Phong (từ năm 1917 đến năm 1932). Tất cả mọi chủ trương, quan điểm, việc làm của ông cả về văn hóa lẫn chính trị cũng đều được thực hiện thông qua tạp chí này với sự tham gia của cả đồng đội bao gồm những người đồng thanh khí đã đi theo đường lối của ông trên suốt một đoạn đường dài. Đây là tờ tạp chí do người Pháp lập ra giao cho Phạm Quỳnh điều khiển, dưới tên Nam Phong có ghi rõ là “Thông tin Pháp” (L’information Française), giống như ngày nay dưới mỗi tờ báo người ta ghi “Cơ quan ngôn luận của …”, nên mục đích của nó dĩ nhiên trước hết là biện minh, phục vụ cho chính  sách cai trị của người Pháp ở Việt Nam. Điều này quá rõ ràng, nhưng nếu nói Phạm Quỳnh chỉ là một tên “Việt gian tay sai phản động buôn dân bán nước mãi quốc cầu vinh” thì là nói quá dễ, trong khi việc đời đâu có đơn giản như vậy, vì như thế là không thấy hết mọi khía cạnh quan hệ phức tạp của con người với thời cuộc trong một giai đoạn lịch sử đặc thủ…

Phạm Quỳnh không làm cách mạng nhưng hầu như ông không hề có một lời lẽ nào nói xấu các chí sĩ hoạt động yêu nước. Trái lại, ông coi những người làm quốc sự lúc đó là thành phần khả kính, đứng trên ông một bực, chấp nhận mỗi người một việc theo chí hướng riêng, vì ông không có cái can đảm hoặc hoàn cảnh để làm được như họ. Khi viết bài trả lời lại bài Cảnh cáo các nhà học phiệt (đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 62 ra ngày 24/7/1930) của Phan Khôi công kích thái độ làm thinh tự cao coi thường dư luận của ông khi bị cụ nghè Ngô Đức Kế mạt sát trong vụ ông suy tôn Truyện Kiều vào dịp lễ kỷ niệm Nguyễn Du hồi sáu năm trước (năm 1924), vì bị gán cho những mục đích không tốt đẹp, Phạm Quỳnh đã dùng những lời lẽ rất nhã nhặn và tôn kính khi nhắc đến bậc quốc sĩ: “Họ Ngô đối với tôi vốn không hiềm khích gì. Ông là người quốc sự phạm cũ, vi việc nước mà long đong chìm nổi trong bao năm, dầu người không đồng tư tưởng, đồng chánh kiến với ông, cũng phải kính trọng cái thân thế của ông. Tôi cũng vậy, thủy chung vẫn coi ông như bậc đàn anh”.

Nhà văn Nguyên Ngọc, trong bài Rồi lịch sử cũng sẽ công bằng, báo Tuổi Trẻ ngày 7/12/2007, trang 3, viết:

“Là một trong những người dịch tác phẩm của Phạm Quỳnh, tôi thấy có lẽ ông là một trong những người viết tiếng Pháp hay nhất, một thứ tiếng Pháp trong sáng, sang trọng, trang nhã và đầy âm vang, chỉ có thể có được trên cơ sở một vốn tri thức uyên thâm về văn hóa và văn minh không chỉ của Pháp mà còn của cả phương Tây cổ kim. Và vốn Hán học cùng tri thức về phương Đông của ông cũng rộng sâu không kém. Những người dịch đã rất cố gắng để mong chuyển được một phần vẻ đẹp văn chương Pháp, chỉ riêng điều này thôi đã rất quý rồi, trong tác phẩm này.

Vì sao ông viết bằng tiếng Pháp? Vì đối tượng mà ông muốn nhắm đến: người Pháp ở chính quốc và ở Việt Nam. Ông muốn nói với họ ở tầm cao nhất, quan trọng nhất và do vậy cũng nghiêm trọng nhất của vấn đề, ở tầm cuộc va chạm chấn động giữa phương Đông và phương Tây trong thời cận đại và hiện đại, trong đó có số phận của dân tộc ta mà suốt đời ông tha thiết trăn trở. Rất sáng suốt, ông nói: “Các dân tộc đụng chạm với nhau trước hết qua những con người cứng rắn nhất, háo danh nhất, hay những người xác quyết nhất trong việc áp đặt các học thuyết của mình và chỉ cho chứ không nhận… không hề lấy sự bình đẳng trong các trao đổi làm đối tượng và vai trò của họ chẳng bao giờ là tôn trọng sự thư thái, tự do, các niềm tin hay những điều hay của những người khác…”. Lại cũng rất thực tế, ông bảo rằng: “Quá khứ đã nằm im trong lịch sử. Nó như thế nào thì nó vẫn cứ như thế, không phụ thuộc vào bất cứ ai trong chúng ta để có thể khác đi. Hiện tại với những đòi hỏi của hiện tại, tương lai với những hy vọng của tương lai la đủ để chúng ta quan tâm…”. Hãy để cho những đại diện chân chính và ưu tú của các nền văn hóa nói với nhau, có thể có một con đường đi và một tương lai được thiết kế như vậy giữa các dân tộc. Ông mong muốn các dân tộc đến với nhau trong hiểu biết và tôn trọng các giá trị của nhau, ông muốn nói với người Pháp về dân tộc mình, những chiều sâu thăm thẳm đã tạo nên sức sống ngàn đời của dân tộc này, nền văn hóa mềm dẻo mà bất diệt của nó, số phận nó có thể và cần được có. Chính vì vậy mà cuốn sách viết cho những người mà lịch sử đã đặt vào một vị trí thống trị chẳng hay ho gì trên đất nước này, thậm chí có thể đi ra ngoài ý định của tác giả nữa, đã trở thành một công trình nghiên cứu súc tích, sâu sắc, tinh tế, toàn diện, khách quan, vừa lâu dài vừa nóng hổi tính đương thời về đất nước và dân tộc ta mà ông da diết muốn tìm một con đường đi ra trong những điều kiện lịch sử cực kỳ khó khăn và éo le”.

Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, nơi đã phối hợp với Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây tổ chức dịch và xuất bản cuốn Tiểu luận Phạm Quỳnh nói:

“Chúng tôi đã xuất bản cuốn sách trong niềm hân hoan, nó làm sang tọng và nâng uy tín cho Nhà xuất bản. Nó không chỉ uyên thâm về học vấn, nó còn rất hay về mặt văn chương. Tôi đã đọc nó hai lần, nhưng vẫn mua một cuốn để con cháu tôi đọc, nó sẽ là cuốn sách gối đầu giường về văn hóa nước ta. Tôi nghĩ lớp sĩ phu hồi đầu thế kỷ XX cần rất nhiều cuộc hội thảo, họ đã hình thành tầng trí lớp trí thức với đặc trưng rõ rệt: Tiếp thu và truyền bá Khoa học và Văn hóa; sáng tạo những tri thức mới: có ý thức dân tộc và phản biện xã hội và cuối cùng là trung tâm hướng dẫn dư luận xã hội. Đó là lớp sĩ phu mà từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng rất đắc địa và có hiệu quả lớn lao”.

Giáo sư Trần Thanh Đạm, trong bài Mấy ý kiến về nhà chính trị và nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1892-1945), đăng trong Hồn Việt 15 (tháng 9/2008), viết:

“Điều ghi nhận nhất ở Phạm Quỳnh là, tuy làm quan cao chức trọng như vậy cho chế độ thực dân phong kiến, song không nghe nói ông có phạm tội gì làm hại cho những người yêu nước và cách mạng như những tên tay sai thô bỉ và độc ác khác…”.

Giáo sư Nguyễn Đình Chú viết: “Phạm Quỳnh là người mở đầu cho văn hóa hiện đại. Ông có cả một lý thuyết hẳn hoi về độc lập và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các dân tộc. Đó chính là hạt nhân của lý thuyết Hội nhập hiện đại. Nhờ lý thuyết đó, Phạm Quỳnh không bị văn hóa phương Tây áp đảo, ông đã dõng dạc tuyên bố bằng tiếng Pháp cho người Pháp đọc vào năm 1931: Người An Nam không thể coi nước Pháp là Tổ quốc được, vì chúng tôi đã có một Tổ quốc” (Khúc Hà Linh: Phạm Quỳnh – Con người và thời gian. NXB Thanh Niên, Hà Nội, 6/2004, tr.6).

Giáo sư Đinh Xuân Lâm,trong Lời giới thiệu cuốn sách Phạm Quỳnh – một góc nhìn của tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan (Nhà xuất bản Công An Nhân Dân (từ 2/9/2009) đã viết:

“Trước đây do chưa nắm được các nguồn tư liệu cần thiết, lại thiếu một sự phân tích đánh giá thật sự khách quan, khoa học, nên tôi cũng đã đánh giá không đúng, cho rằng “Tạp chí Nam Phong với cây bút chính là Phạm Quỳnh – cơ quan tuyên truyền chính thức cho đường lối chính trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Với tạp chí Nam Phong đã hình thành một hệ thống tư tưởng nô dịch, văn hóa duy tâm phản động, chống chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa cộng sản trên các lĩnh vực chính trị, triết học, văn học, sử học…

Rõ ràng là trong sự nhận định đánh giá đó, chúng tôi chưa thấy hết được sự biến đổi phức tạp của xã hội Việt Nam trước và sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), cùng với sự du nhập phương thức bóc lột mới của chủ nghĩa tư bản và sự phân hóa xã hội ngày càng thêm sâu sắc, nên đã có một số nhận định giản đơn như vậy.

Đến khi Cách mạng tháng Tám thành công (năm 1945), tin Phạm Quỳnh bị sát hại đã làm cho tôi băn khoăn, khó hiểu, vì đối với tôi, ông vẫn là một nhà báo lớn, một học giả có tài, đáng kính. Mãi tới gần đây, mới thấy một số tác phẩm của Phạm Quỳnh được in lại và được độc giả đánh giá cao, tên tuổi của Phạm Quỳnh được nhắc lại trên báo chí, trong các cuộc họp, tuy chưa nhiều nhưng một cách đúng mức hơn, thấu tình đạt lý hơn.

Yêu cầu đánh giá lại Phạm Quỳnh được đặt ra trong sự mong đợi, được giải quyết thỏa đáng không chỉ của hậu duệ ông, mà còn của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước”.

V.T.

 

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.