Pham Ton’s Blog

Tháng Một 24, 2013

Sao lại tự tiện cắt bỏ một đoạn văn của Nguyễn Ái Quốc

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 2:50 chiều

Blog PhamTon năm thứ tư, tuần 1 tháng 2 năm 2013.

SAO LẠI TỰ TIỆN CẮT BỎ MỘT ĐOẠN VĂN CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC?

Đào Hùng và Thủy Trường

(Bài đăng trong mục Trao Đổi tạp chí Xưa và Nay số 409 các trang 30, 31)

“Lời than của bà Trưng Trắc” (Les lamentations de Trung Trac) là một truyện ngắn do Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp, đăng trên báo L’Humanité của ĐCS Pháp số ra ngày 24-6-1922, nhân dịp vua Khải Định sang Pháp nhằm lên án ông vua này. Bài này đã được dịch sang tiếng Việt và đưa vào các tuyển tập và toàn tập của Hồ Chí Minh. Sự xuất hiện của bài viết này đầu đuôi như sau:

Vào khoảng năm 1969, sau khi ở Pháp về, ông Hồng Hà, lúc đó là Tổng biên tập báo Nhân Dân, có đưa một số bản chụp báo Le Paria L’Humanité có bài viết của Nguyễn Ái Quốc về và giao lại cho Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Tài liệu được nhập vào kho lưu trữ thuộc Vụ tư liệu, do ông Phạm Bình làm vụ trưởng.

Ít lâu sau, ông Hồng Chương, tổng biên tập tạp chí Học Tập (tiền thân của tạp chí Cộng Sản) đến khai thác và đã quan tâm đến các truyện ngắn của Nguyễn Ai Quốc đăng trên các báo bằng chữ Pháp, thời đó chưa có photocopy và các phương tiện sao chép khác, nên ông Hồng Chương phải đến nhiều buổi để chép lại những bài mình quan tâm.

Ông Hồng Chương đã dịch một số bài và gửi đăng báo Nhân Dân. Cụ thể có hai bài quan trọng là “In- cognito” (dịch là Vi hành) và Les lamentations de Trung Trac (Lời than của bà Trưng Trắc). Nhận thấy đây là những tài liệu quí, cần được dịch ra một cách chính xác, nên ban biên tập báo Nhân Dân đã đề nghị giáo sư Phạm Huy Thông xem lại bản dịch từ chữ Pháp ra chữ Việt. Không biết sự san nhuận của Gs. Phạm Huy Thông là bao nhiêu phần trăm, nhưng vì vậy mà khi in không đề tên dịch giả (Có lẽ có ý nói là Hồng Chương – PT chú). Từ đấy đến nay, bản dịch được coi là chuẩn xác và chính thức, nên những lần biên soạn tuyển tập và toàn tập của Hồ Chí Minh không ai đặt vấn đề phải xem lại bản gốc để đối chiếu với bản dịch. Tuy nhiên, trên những bản in đầu tiên, người đọc có thể nhận thấy có một đoạn đã bị cắt bỏ và để dấu chấm chấm […]. Nhưng đến những lần in sau thì các dấu chấm lửng đó cũng được bỏ đi, coi như bài viết được dịch toàn bộ.

 Ba trung trac (tieng Viet)

Ba trung trac (tieng phap)Vậy mà gần đây, nhà báo Thủy Trường, người đã có nhiều năm sưu tầm và dịch thuật những tài liệu liên quan đến Hồ Chí Minh – qua tư liệu do nhà sử học Pháp Alain Ruscio cung cấp – đã phát hiện ra rằng truyện “Lời than của bà Trưng Trắc” khi dịch đã bị bỏ đi một đoạn có trong nguyên bản chữ Pháp. Đấy là đoạn nói về vua Gia Long, sau đoạn nói về các vua nhà Trần và Lê Lợi. Đoạn đó như sau (để bạn đọc có thể nhận ra chỗ tiếp nối của đoạn văn này, chúng tôi xin chép lại hai đoạn trước và sau, đã được dịch):

“Les Mongols qui abattirent tout devant eux furent battus par nos glorieux Trân (1225). Lê-Loi se mit hardiment à la tête de la révolution annamite pour briser le régime de cruautés et d’éxaction imposé par les soit disant protecteurs.

Avec un courage invincible et une vertu immaculée, qui furent comme le vrai or qui brille avec mille éclairs après avoir subir mille épreuves du feu, ton aïeul Gia Long, plusieurs fois noble et valeureux, vous a laissé, après des péripéties et des souffrances incalculables, un pays riche, un peuple indépendant, une nation respectée par les forts et aimée par les faibles, un avenir plein de vie et d’évolution.

“Quelle honte cruelle, quelle terrible désillusion, quelle douloureuse amertume auraient-ils connues si, au delà des nuages, vos ancêtres voyaient dans l’esclavage un peuple qu’ils ont laissé libre, dans la servitude un pays qu’ils ont affranchi, dans l’amollissement un héritier de leur trône!”

Tạm dịch đoạn bị cắt đó như sau:

“Với lòng quả cảm vô song và với đức hạnh trong sáng không tì vết, như vàng ròng lấp lánh sau ngàn lần thử lửa, ông tổ ngươi, vua Gia Long tôn quí và tài ba bội phần, sau biết bao thăng trầm và khổ đau vô bờ, đã để lại cho ngươi một đất nước giàu có, một dân tộc độc lập, một quốc gia được các kẻ mạnh vị nể và kẻ yếu kính mến, với một tương lai đầy sức sống và triển vọng”.

Hơn 40 năm sau khi tài liệu này được dịch và công bố, nhà báo Thủy Trường đã đặt câu hỏi: Tại sao lại có sự sơ suất đó? Do người sao chép và dịch vô tình bỏ qua hay có chủ ý? Ai là người đã tự tiện cắt bỏ bài viết của Nguyễn Ái Quốc? Mà trên thực tế, đoạn văn này không có gì phải bàn cãi, không làm ảnh hưởng gì đến toàn bộ nội dung của bài viết (*).

Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, nơi chịu trách nhiệm xuất bản toàn bộ các văn kiện của Hồ Chí Minh, cần xác nhận và đính chính trong những lần tái bản khác.

Đ.H – T.T.

CHÚ THÍCH:

* Xem Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập I, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 98. Bạn đọc có thể kiểm tra bản gốc, bằng cách vào mạng Google tiếng Pháp, vào từ khóa Gallica – mở mục Presse et revues – bấm vào báo L’Humanité tìm số ra ngày 24 juin 1922. Có thể đọc bài “Incognito” (Vi hành) ở số ra ngày 19 février 1923, và nhiều bài khác nữa.

 Ba trung trac

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.