Pham Ton’s Blog

Tháng Bảy 19, 2013

Trường hợp Phạm Quỳnh: Một ít nghi vấn trước những nhận định của giáo sư Nguyễn Văn Trung

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:44 sáng

Blog PhamTon năm thứ năm, tuần 4 tháng 7 năm 2013.

TRƯỜNG HỢP PHẠM QUỲNH

Thanh Lãng

(Bài này đã lên Blog PhamTon, tính đến ngày 18/7/2013 đã có 9.681 lượt người truy cập)

*

*  *

Lời dẫn của Phạm Tôn: Trong Từ điển Văn học – Bộ mới (NXB Thế Giới, Hà Nội, 2004) Trần Hải Yến viết: “Thanh Lãng (23 –XII-1924 – 17-XII-1978). Linh mục, nhà giáo dục, nghiên cứu văn học Việt Nam. Tên thật là Đinh Xuân Nguyên, sinh tại Tam Tổng, Nga Sơn, Thanh Hóa.

(…) Thời kỳ chuyên tâm nhất cho văn chương (1960-1975) Thanh Lãng đã viết (...) tập trung vào các vấn đề: lịch sử phát triển chữ quốc ngữ và quá trình hình thành văn chương quốc ngữ, chương trình giảng dạy văn chương trong nhà trường, ngoài ra, ông còn chú ý đến một số tác giả văn chương, báo chí như Nguyễn Du, Nhất Linh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… Những bài viết đó cho thấy tác giả hết sức quan tâm đến lịch sử phát triển của văn học dân tộc, đặc biệt là thời kỳ chữ quốc ngữ bắt đầu hình thành. (…) Hai quyển (Thượng và Hạ) của Bảng lược đồ Văn học Việt Nam tuy chỉ được viết “rất sơ lược” “các nét chính của văn học Việt Nam, tức là các thời kỳ hay thế hệ văn học cùng các trào lưu tư tưởng, trào lưu tình cảm, trào lưu nghệ thuật và những chứng nhân tiểu biểu nhất, đại diện nhất của mỗi trào lưu”, nhưng đây lại là đóng góp lớn hơn cả của tác giả cho cách nhìn và phương pháp viết lịch sử văn chương (…) Do được tiếp cận với văn hóa phương Tây, lối nghiên cứu của Thanh Lãng nổi rõ chất lý trí tỉnh táo và căn cứ tư liệu thực tế”.

(…)

Để cung cấp cho các bạn quan tâm đến Thượng Chi – Phạm Quỳnh, chúng tôi sẽ trích đăng dần bài viết đặc sắc, công phu của giáo sư Thanh Lãng nhan đề Trường hợp Phạm Quỳnh, đã đăng trên tạp chí Văn Học, xuất bản tại Sài Gòn, các số 3,4,5,6 trong các tháng 1,2,3,4 năm 1963. Đây là một tư liệu nhiều bạn cần mà nay rất khó kiếm. Chúng tôi chỉ lược bỏ một ít đoạn nay xét thấy không cần thiết và đặt nhan đề cho từng phần trích đăng để bạn đọc dễ theo dõi. Mong các bạn thông cảm.

—o0o—

2. MỘT ÍT NGHI VẤN TRƯỚC NHỮNG NHẬN ĐỊNH

CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN TRUNG

Công việc chính yếu mà chúng tôi làm hôm nay là đọc kỹ bài diễn văn này, và dừng lại để gọi là đặt ra một ít nghi vấn trước những nhận định của giáo sư Nguyễn Văn Trung.

–          Giáo sư Nguyễn Văn Trung trích câu của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” và giáo sư Nguyễn Văn Trung đã viết mấy câu như vầy để chú thích ý nghĩa của câu nói trên: “Luận điệu của ông Phạm Quỳnh vừa là một xuyên tạc lịch sử, vừa là một ngụy biện có thể có một tác dụng chính trị rất tai hại. Ông Quỳnh nói Truyện Kiều là quốc hồn quốc túy, Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn và ông muốn hiểu nghĩa Truyện Kiều làm nên TẤT CẢ dân tộc và TẤT CẢ văn học Việt Nam.

Vậy trong hiện tình mất nước, nếu Truyện Kiều vẫn còn (chứng cớ là chúng ta thời đó đang được đề cao, thưởng thức Truyện Kiều), thì tiếng mất cũng như còn, nước đã mất cũng như vẫn còn”.

Tôi không dám khẳng định rằng câu nói của Phạm Quỳnh không thể hiểu được theo như lối chú giải của giáo sư Nguyễn Văn Trung. Tôi chỉ muốn cùng giáo sư Nguyễn Văn Trung chú giải lại xem câu nói của Phạm Quỳnh có thể hiểu được cách nào khác nữa hay không.

Theo tôi, câu nói của Phạm Quỳnh:

–          Có thể hiểu thế này: Còn Truyện Kiều đấy, như là kiệt tác, chứng nhân của một mức độ văn minh, biện minh hùng biện nhất cho sự trưởng thành của ngữ ngôn Việt Nam, niềm tin tưởng mạnh mẽ vào sự trường cửu của quốc gia dân tộc, mặc dù hiện nay ta có tạm mất quyền.

–          Cũng có thể hiểu sâu xa và rất xỏ xiên đối với người Pháp như thế này: Ừ, thì chúng tôi hiện chấp nhận là dân mất nước, nhưng nước chúng tôi đâu phải dòng giống đê hèn, man rợ, cái dân tộc đã có một ngôn ngữ điêu luyện, phong phú, đã sản xuất ra được một kiệt tác như cuốn Kiều, có giá trị quốc tế, đặt ngang hàng với những kiệt tác ít ỏi của di sản văn học nhân loại, cái dân tộc ấy không thể tiêu diệt được: quyển Kiều là một bằng chứng, tiếng nói đã trưởng thành của dân tộc tôi là một bằng chứng bảo cho người Pháp các ông biết rằng các ông chẳng có gì là hơn chúng tôi, việc các ông có mặt ở đây chỉ là sự ức hiếp, một sự ức hiếp bằng bạo lực, chứ so tài chưa chắc ai hơn ai kém các ông phải coi chừng.

Tiếng ta còn, mà còn ở trong những điều kiện hiên ngang, đấy không những là một điều cảnh cáo đối với Pháp, mà còn nhất là niềm tin tưởng vào tương lai, vào sức đấu tranh bền bỉ của dân tộc, vào sự trường tồn bất diệt của quốc gia: tiếng nói của một dân tộc là vận mạng của chính dân tộc ấy. Ý tưởng này được Phạm Quỳnh bàn đi, bàn lại nhiều lần. Trên Nam Phong số 2, trong bài Văn quốc ngữ, ông viết “Xin đồng bào ta chớ nhãng bỏ, chớ khinh rẻ văn quốc ngữ. Cái tương lai ta ở đó”; trên Nam Phong số 22, ta đọc những dòng như: “Nước sống về tiếng nói, tiếng nói còn, nước không thể mất được, tiếng nói đã mất, nước cũng khó lòng còn”.

Trên Nam Phong số 101, ta đọc: “Tiếng là nước, tiếng còn thì nước còn, tiếng mất thì nước mất, mà mất đó mới thật là mất hẳn không sao vãn hồi được nữa”.

Chữ viết của Phạm Quỳnh, như ta thấy bộc lộ ở nhiều nơi, nếu hiểu theo sự chú giải của giáo sư Nguyễn Văn Trung thì quả là méo mó, gò ép.

Rất có thể là Phạm Quỳnh phản quốc, làm văn hóa trong chánh sách ngu dân của Pháp, là lợi khí tay sai đắc lực của Pháp; nhưng ghép cho Phạm Quỳnh nhà trí thức, nhà văn, một thứ lập luận có nhiều vẻ ngây ngô “Nếu Truyện Kiều vẫn còn, thì tiếng mất cũng như còn, nước đã mất cũng như còn” chúng tôi e rằng sự ghép ấy có nhiều miễn cưỡng, sợ không đúng lắm với thực tế lịch sử và văn học…

–          Duyệt lại tất cả các nhận định từ xưa đến nay về vụ án Kiều của các nhà làm văn học, giáo sư Nguyễn Văn Trung cho rằng các nhà ấy thảy đều không nhìn thấy thực chất chính trị của vấn đề mà chỉ nhìn đó như một cuộc tranh luận thuần túy văn học. Sự nhận định lại của giáo sư Nguyễn Văn Trung về các nhận định của các nhà làm văn học có điều hơi luẩn quẩn.

Chúng tôi thiết nghĩ nếu mọi người đều đứng trên cương lĩnh văn học thuần túy, thì đã chẳng có chuyện Ngô Đức Kế chửi Phạm Quỳnh. Đang khi ông sau muốn làm văn học thuần túy, muốn thẩm định Kiều nhân danh các nguyên tắc thẩm mỹ, thì ngược lại, ông trước đã nhân danh đạo đức mà xét đoán Kiều, một thứ đạo đức chính trị. Nói Ngô Đức Kế bảo thủ, cố chấp, luyến tiếc dĩ vãng, không tất nhiên là chối bỏ lòng yêu nước rất thành thực của ông, sự nghiệp cách mạng của ông. Có thể có được không trường hợp Ngô Đức Kế ghép án Phạm Quỳnh là phản bội dân tộc là bán dân bán nước, mặc dầu Ngô Đức Ké vẫn biết Phạm Quỳnh không những không theo Pháp mà còn chống Pháp? Có thể được lắm. Theo quan điểm của các cụ xưa, người ta có thể phản dân phản nước bằng nhiều cách chứ không cứ gì phải làm tay sai cho ngoại bang mới là bán nước. Nếu các cụ quan niệm rằng luân lý và đạo đức là nền tảng của quốc gia dân tộc, rằng đả phá luân lý và đạo đức là đả phá tận nền tảng của quốc gia dân tộc, thì cho rằng Phạm Quỳnh lúc ấy có thực sự làm cách mạng chống Pháp đi nữa vẫn rất có thể bị Ngô Đức Kế đả kích. Điều ấy càng được biện minh nếu người ta hiểu rõ tâm lý của thời đại Ngô Đức Kế, mà có thể nói hầu hết dư luận đương thời đều kết án Kiều, đều coi việc đọc Kiều là một tai họa kinh tởm cho xã hội. Ngay từ trước thời Pháp thuộc, người ta đã kết án Kiều nặng nề:

Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

Một nhà nho tài tử như Nguyễn Công Trứ mà cũng kết án Kiều một cách rất nghiệt:

Từ Mã giám Sinh cho đến chàng Từ Hải

Cánh hoa tàn đem bán chôn thanh lâu

Bây giờ Kiều còn hiếu vào đâu

Mà bướm chán ong chường cho đến thế

Bạc mệnh chẳng nhằm người tiết nghĩa

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm

Bán mình trong bấy nhiêu năm

Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai.

Chứng cớ hiển nhiên hơn cả là lúc ấy các giới công giáo đối với Kiều đã tỏ ra vô cùng cay nghiệt, coi Kiều như là một thứ ôn dịch không những tàn phá quốc gia dân tộc mà còn tàn phá cả tôn giáo tín ngưỡng nữa: hồi ấy người công giáo nào mà đọc Kiều là tự nhiên bị rút phép thông công, nghĩa là bị coi như bỏ đạo hay chối đạo. Nếu đương thời coi việc đọc Kiều còn là một việc tội lỗi ghê tởm như vậy thì việc tuyên dương Kiều, việc đưa Kiều vào chương trình học, việc lấy Kiều làm sách giáo khoa dạy ở trường phải được coi như là một hành động phá hoại luân lý, tiêu diệt dân tộc tận nền tảng. Ngô Đức Kế rất có thể đã kết án Phạm Quỳnh, cho Phạm Quỳnh là bán dân hại nước ở điểm ấy không tất nhiên cho Phạm Quỳnh là theo Tây.

(…)

Như vậy dưới con mắt của Ngô Đức Kế, Phạm Quỳnh là con người nguy hiểm, không tất nhiên vì Phạm Quỳnh theo Tây, mà có lẽ chỉ vì Phạm Quỳnh đang được nhìn như là một tà thuyết hiện thân đánh thẳng vào nền đạo đức luân lý đang được Ngô Đức Kế quan niệm như là nền tảng của quốc gia, thiết yếu đến vận mạng của dân tộc.

T.L.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.