Pham Ton’s Blog

Tháng Chín 12, 2013

Phạm Quỳnh diễn thuyết tại Viện Hàn Lâm Pháp

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:18 sáng

Blog PhamTon năm thứ năm, tuần 3 tháng 9 năm 2013.

PHẠM QUỲNH DIỄN THUYẾT TẠI VIỆN HÀN LÂM PHÁP

Thụy Khuê

(Bài này đăng trên Blog PhamTon tuần 2 tháng 6 năm 2013, mà đến ngày 10/9/2013 đã có tới 12.114 lượt người truy cập)

*

*     *

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là phần trích trong Phạm Quỳnh và vụ án Nam Phong của nhà nghiên cứu Thụy Khuê  (định cư tại Pháp) phát trên RFI ngày 31/5/2011

*

*    *

Hoạt động thứ nhì (Hoạt động thứ nhất là gặp gỡ các nhà ái quốc tại Pháp năm 1922 – PT chú) trong thời kỳ Phạm Quỳnh ở Pháp, là tranh đấu cho một đường lối giáo dục phù hợp với dân tộc Việt Nam, thể hiện trong 4 bài diễn thuyết tại các trường lớn (là bài Sự tiến hóa của tiếng An Nam ở Trường sinh ngữ Đông Phương, bài Thơ nước Nam ở Hội Ái Hữu Đông Phương, bài Một vấn đề giáo dục cho giống nòi chúng tôi ở Viện Hàn Lâm Pháp và bài Sự tiến hóa về đường tinh thần của người Việt Nam từ khi nước Pháp đặt bảo hộ ở trường Thuộc địa – PT chú).. Những bài này được đăng báo ở Pháp, rồi trên Nam Phong, song ngữ và in lại trong cuốn Nouveaux essais franco-annamites (Những bài tiểu luận Pháp-Việt mới), (NXB Bùi Huy Tín, Huế, 1938). Đây là những bài tham luận quan trọng, ít ai biết, lại phải đọc nguyên văn tiếng Pháp, vì bản dịch dù của tác giả, nhưng với thứ tiếng Việt đầu thế kỷ: La France dịch là Đại Pháp; MessieursThưa các ngài, đã làm mất tính dân chủ trong sự khẳng khái đòi chính quyền Pháp thực thi một nền giáo dục đúng đắn ở Việt Nam.

Trước sinh viên và trí thức Pháp, Phạm Quỳnh dùng lối thuyết khách: ông trình bầy và phân tích tiến trình lịch sử và văn hoá Việt nam từ thời thượng cổ, để thuyết phục Pháp không thể “giáo hoá” dân Việt như một dân tộc dã man, tức là bỏ hẳn tiếng Việt, chỉ dạy tiếng Pháp, biến người Việt thành người Pháp (…)

Ngày 22/7/1922 diễn thuyết tại Académie des Sciences morales et politiques (Hội Hàn Lâm Luân lý Chính trị học). Mặc quốc phục. Đề tài giáo dục: “Un problème d’éducation des races. Comment doit-être faite l’éducation des Annamites par La France?” (Một vấn đề giáo dục giống nòi. Nước Pháp phải giáo hoá người An Nam như thế nào?). Đây là bài quan trọng nhất, bàn thẳng vào chính sách giáo dục của Pháp ở Việt Nam. 

Bài diễn thuyết mở đầu bằng những lời như sau:

“Trong sử cũ nước Việt Nam chúng tôi, thường nói đến những bậc người đại trí (…) Gặp những cơ hội gì quan trọng, hay là khi nào phải xét đến một cái vấn đề lợi hại cho cả nước, thời chính Hoàng đế hay là các quan quốc vụ đại thần, hay là bất cứ người dân nào hữu tâm về vận mệnh nước nhà, thường hay tìm đến để hỏi han. Mà các bậc ấy bao giờ cũng lấy những điều chính lý, những sự khôn ngoan mà khuyên bảo. Mà những lời khuyên bảo ấy, hầu hết là nghe theo cả.

“Toà Hàn Lâm của Đại Pháp, là nơi tẩu trạch (như thánh đường – PT chú) những ngài học vấn uyên thâm, khôn ngoan tài trí của quý quốc…” [Bản dịch Phạm Quỳnh, Nam Phong số 71 (5/1923)]

Mở đầu, vẫn xác định nước mình có nền văn hoá lâu đời, có những bậc hiền triết mà vua, quan, dân đều phải nghe theo. Sau mới nói đến Hàn lâm viện Pháp, đặt các vị Hàn lâm lên trên hết, hy vọng tiếng nói của họ sẽ được chính quyền Pháp nghe, như ở xứ Việt, từ thủa xa xưa.

“Chúng tôi đã bị Pháp đô hộ hơn 40 năm nay. Bởi yếu thế về chính trị, nên đã không “đủ sức chống lại một kẻ xâm lược vừa giỏi vừa mạnh hơn nhiều”. Chúng tôi thua trận vì: “nước chúng tôi là gốc ở một cái văn minh rất cổ ở Á Châu, trong bao nhiêu thế kỷ tựa hồ như cách biệt với thế giới bên ngoài”.

Tóm lại, trước Hàn Lâm Viện, Phạm Quỳnh vẫn xác định: “Pháp là kẻ xâm lược, sau nông nỗi mất nướcbuổi đầu, những phần tử ưu tú của đất nước chúng tôi mới nhận thức được sự yếu kém về học thuật của mình, muốn được thấm nhuần “cái học thuật và cái văn minh nhân đạo” của nước Pháp. Chúng tôi là một dân tộc bị áp bức, trông chờ ở nước Pháp, cái nôi của nhân quyền và giải phóng con người, giúp đỡ học hỏi để trở thành một nước tân tiến. Tóm lại chúng tôi rất mong được giáo hoá, nhưng quý quốc định giáo hoá chúng tôi như thế nào đây?”

“Sau khi bãi bỏ nền giáo dục cổ truyền của chúng tôi, quý quốc chưa tìm được giải pháp nào ổn thoả. Hiện có hai lập luận:

– Nhóm thực dân lâu đời cho rằng: Dân An Nam càng có kiến thức càng nổi lên chống Pháp, vậy chỉ nên dậy chúng trở thành những người thợ, hoặc thư ký, dễ sai bảo. Đây là một “lập luận hẹp hòi, ích kỷ, không xứng đáng với truyền thống nhân đạo của nước Pháp, mà còn nhục mạ khả năng tri thức của dân tộc tôi”.May mà chưa thực hiện.

– Lập luận thứ nhì, đang thực hiện, là mở trường dậy từ cấp tiểu học, tiến dần lên trung học, và đã bắt đầu nền đại học, xin rất cám ơn.

Nhưng lại có vấn đề: “Nếu chúng tôi là một dân tộc vô văn hoá, hay một dân tộc mới, vừa xuất hiện trên mảnh đất tân bồi nào đó, không có quá khứ, không có lịch sử, thì việc giáo hoá như vậy cũng được. Tức là cứ việc “Tây hoá” cho thành người Pháp. “Nhưng dân Việt Nam chúng tôi, không thể ví như tờ giấy trắng được. Dân tộc chúng tôi là một quyển sách cổ (un vieux parchemin) đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai, đã mấy mươi thế kỷ nay; không có thuốc gì xoá hẳn được thứ chữ ấy đi. Không ai có quyền tự do muốn viết gì vào đấy thì viết được. Quyển sách cổ ấy, có thể đóng theo kiểu mới cho hợp thời trang, nhưng không thể đem in một thứ chữ ngoài lên trên các dòng chữ cũ được”.

Còn một thuyết khác nữa khá phổ biến, cho rằng: Người Nam xưa đã học chữ Tầu, nay học chữ Tây là phải, còn cái tiếng An Nam man rợ ấy phải tiêu diệt dần đi, nó chỉ là một thứ “thổ âm” (patois); đến ngày nào bao nhiêu trẻ con nước Nam đếu biết nói tiếng Pháp cả, thì nước Nam sẽ trên đường tiến bộ. Nhưng giả thử có ngày bao nhiêu trẻ con An Nam đều biết nói mấy câu tiếng Tây “ba rọi” (petit nègre), nhưng lại quên tiếng nước mình, vì không còn được dậy ở trường nữa, thì đó có phải là thời tiến bộ của nước tôi không?

Hay còn một giải pháp hợp lý hơn, là cho dân An Nam học tiếng Việt ở bậc tiểu học, tức là bậc giáo dục phổ thông trước đã. Rồi lên cao hơn, học thêm tiếng Pháp để dự bị vào trung học, cao đẳng, đại học. Chính ở bậc trung học này, cũng phải dậy thêm chữ nho, vì đối với tiếng An Nam, chữ nho cũng giống như chữ La tinh đối với tiếng Pháp. Hiện nay chưa có nghị định nào bắt người An Nam phải học thuần tiếng Pháp cả, nhưng chữ An Nam chỉ có một địa vị rất nhỏ ở cuối bậc tiểu học mà thôi. Thử hỏi chính phủ Pháp có thể trông cậy vào những người An Nam học ở bên Tây, đỗ kỹ sư, tiến sĩ, mà quên cả tiếng mẹ đẻ, thì đối với dân mình, chỉ là những người xa lạ, làm sao có thể truyền bá cái văn minh Tây phương cho họ được?

Vậy nền giáo dục của chính phủ Bảo hộ, muốn có kết quả tốt thì phải đào tạo được những người Việt Nam chân chính, vừa có cái học thái tây, vừa biết giữ gìn ngôn ngữ, phong tục của nước mình.

Vì dân tộc tôi mà tôi tha thiết mong các danh sư của Viện Hàn Lâm Pháp soi xét vần đề này.

T.K.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.