Pham Ton’s Blog

Tháng Một 1, 2017

1917: Nam Phong; 1932: Phong Hoa, Ngày Nay; 1945: Cờ Giải Phóng

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:35 sáng

Blog PhamTon năm thứ tám, kỳ 1 tháng 1 năm 2017.

1917: NAM PHONG ; 1932: PHONG HÓA, NGÀY NAY; 1945: CỜ GIẢI PHÓNG

Lời dẫn của Phạm Tôn: Trang 5 báo Nhân Dân số ra ngày 5/8/2014 đưa tin:

Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý bổ sung Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam quản lý, sẽ lưu giữ, phát huy giá trị của di sản báo chí Việt Nam; là nơi ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp của báo chí và các nhà báo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng là nơi để người dân, các nhà khoa học, các nhà báo trong nước và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam, đồng thời là một địa chỉ văn hóa, điểm tham quan, du lịch. Dự kiến, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ khánh thành vào năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2015).”

Nhân dịp này, chúng tôi mời quí bạn đọc tư liệu sau mà ít người biết vì ít được nhắc tới: Đó là tư liệu được nhà báo nổi tiếng Thép Mới công bố trong hai ấn phẩm.

—o0o—

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đó chính là “khẩu hiệu phấn đấu” do Trường-Chinh nêu ra trong cuộc họp với gần 100 trí thức trẻ Hà Nội ngày 27/8/1945, chuẩn bị cho báo Cờ Giải Phóng ra công khai.

Cuộc họp này được Thép Mới tường thuật tỉ mỉ trong bài Học anh Trường-Chinh làm báo và viết báo (Nội San Nthep-moi2hân Dân số 2, quý 2, 1985, các trang 13, 14 và 31). Sau đó còn được nhắc lại trong bài Sống động sự nghiệp báo chí Thép Mới viết xong ở thành phố Hồ Chí Minh tháng 3/1991, sửa xong ở Hà Nội tháng 7/1991, một tháng trước khi qua đời. Bài này in trong tập Sống động sự nghiệp báo chí 336 trang của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội-2004 từ trang 93 đến trang 178. Đầu đề phần trích là của chúng tôi.

Thép Mới (15/2/1925-28/8/1991) nhà báo,nhà văn, tên thật là Hà Văn Lộc, sinh tại thành phố Nam Định, nhưng quê gốc ở làng Tây Hồ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trước 1945 là sinh viên Đại học Luật khoa Hà Nội, năm 1945 giác ngộ Cách mạng, từng tham gia viết tờ Tự Trị của phong trào sinh viên yêu nước thời Nhật chiếm đóng. Sau Cách mạng tháng 8, công tác tại tòa soạn các báo Đảng Đảng Cộng Sản Đông Dương như Cờ Giải Phóng (1945-1946), Sự Thật (1946-1951) và Nhân Dân từ 1951. Thép Mới chuyên viết ký, năm 1951 xuất bản cuốn Trách Nhiệm, 1955: Hữu Nghị, 1957: Như anh em một nhà và 1962: Hiên Ngang Cu-Ba. Tác phẩm thành công hơn cả là Điện Biên Phủ, một danh từ Việt Nam xuất bản năm 1964 nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 1965, Thép mới vào công tác chiến trường miền Nam. Năm 1967, xuất bản Trường Sơn hùng tráng. Năm 1984: Thời dựng Đảng, 1985: Từ Điện Biên Phủ đến 30/4, 1990: Năng động thành phố Hồ Chí Minh, 2001: Cây tre Việt Nam, 2004: Sống động sự nghiệp báo chí. Ngoài ra ông còn dịch và xuất bản năm 1946 Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph.Ăng-Ghen (cùng dịch với Sơn Tùng, Lê Văn Lương hiệu đính), 1954: Thời gian ủng hộ chúng ta tùy bút của I.Êrenbua, 1955: Thép đã tôi thế đấy tiểu thuyết của N.Ôxtrốpki.

Ông còn có các bút danh khác như Phượng Kim, Hồng Châu. Sau đây chúng tôi trân trọng giới thiệu với các bạn hai phần trích các bài viết của Thép Mới:

  1. Phần trích từ bài Học anh Trường-Chinh làm báo và viết báo

Điều vĩ đại là ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công vào khoảng 23 tháng 8 (thật ra là ngày 27 tháng 8-PT chú), anh (tức Trường-Chinh-PT chú) xuất hiện ở Hà Nội. Bên cạnh bao nhiêu công việc to lớn, phức tạp, bề bộn của Cách mạng buổi đầu, anh lúc bấy giờ lấy tên là Nghiêm rồi là Nhân, trực tiếp đứng ra triển khai toàn bộ công tác tuyên truyền và báo chí của Đảng. Tôi không thể nào quên được cuộc họp lớn, do anh Trần Quốc Hương là người giúp việc trực tiếp anh Trường-Chinh triệu tập, gom lại khoảng 100 anh em thanh niên trí thức Hà Nội, đã đứng trong tổ chức hay có cảm tình với Đảng, tại hội quán Khai Trí Tiến Đức, tức là tòa nhà bên cạnh trụ sở báo Nhân Dân hiện nay. Cuộc họp đó do anh Trường-Chinh trực tiếp chủ trì, và anh Phạm Văn Đồng cũng đến dự, được anh Trường-Chinh giới thiệu là một nhà văn hóa. Cuộc họp không ai gọi là lịch sử nhưng đáng gọi là lịch sử, phân công anh em có mặt vào các tổ chức thông tin, tuyên truyền, báo chí, đài phát thanh, văn hóa nghệ thuật của cách mạng mới thành công. Cả một bộ máy thông tin đại chúng và làm công tác văn hóa tư tưởng từ không đến 100 người ngày đó, ngày nay đông đến ít ra mấy vạn người, tích lũy dày kinh nghiệm và được học hành, được đào tạo phần lớn. Cả một sự nghiệp lớn của chúng ta bắt đầu một sức phát triển mới từ đây.

Noi san Nhan Dan hoc anh truong chinh lam bao Phần lớn thời gian quý báu dành ra được giữa bao nhiêu công việc to lớn khác, anh Trường-Chinh đã tập trung chăm lo xây dựng tờ Cờ Giải Phóng công khai. Chúng ta ngày nay làm báo trên thế vững chắc của Cách mạng, cơ sở mọi mặt tuy chưa thật khỏe như mong muốn, nhưng đã được hưởng nhiều điều kiện của Đảng lâu năm cầm quyền, ít ai hình dung được thế nào là “tung ra” (lancer) một tờ báo. Uy tín của tờ Cờ Giải Phóng đã xác định, nhưng giữa trận địa báo chí công khai còn nguyên vẹn đủ màu sắc lúc bấy giờ, phải có lòng tự tin giai cấp lớn lắm mới quyết bung ra mạnh mẽ đến như thế. Theo chỉ thị của anh Trường-Chinh, chúng tôi – một dúm nhỏ người đến với báo Đảng – in những tờ áp phích rất lớn, rất đẹp, do Trần Đình Thọ là họa sĩ của báo vẽ, dán cùng khắp Hà Nội, nổi rõ hơn hết thảy áp phích khác: “Hãy đọc Cờ Giải Phóng, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, lợi khí sắc bén đấu tranh giải phóng dân tộc”. Giải phóng dân tộc lúc đó đang là nguyện vọng cháy bỏng của toàn dân.

Tiền của Đảng lúc bấy giờ còn rất eo hẹp mà anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) bỏ ra hai nghìn đồng để chữa dãy nhà lớn trường Phan Chu Trinh, đường Nguyễn Thái Học ngày nay, vốn là doanh trại của lính Nhật vừa rút, để làm tòa soạn của báo. (Tòa soạn báo Đảng theo truyền thống từ hồi hoạt động nửa hợp pháp là trụ sở liên lạc công khai của Đảng) Ta chữa gần xong thì Tàu Tưởng vào chiếm mất. Những thanh niên đến làm việc ở báo Đảng lúc bấy giờ được giáo dục bởi chính ngay hoàn cảnh công tác còn mang nhiều chất chiến đấu sống còn; phát huy ảnh hưởng của Đảng là trực tiếp bảo vệ và củng cố Cách mạng Tháng Tám đang giờ căng gió.

(…)

Một người viết báo, làm báo như anh không thể không có ước vọng to lớn. Ước vọng đó, anh đã đề ra thành khẩu hiệu phấn đấu in sâu vào óc chúng tôi lúc đó: “1917-NAM PHONG, 1932-PHONG HÓA-NGÀY NAY, 1945-CỜ GIẢI PHÓNG”, (Chúng tôi nhấn mạnh-PT) giai cấp công nhân VSong dong su nghiep bao chiiệt Nam nhất định đưa nền báo chí Việt Nam lên một đỉnh cao mới, một nền báo chí hơn hẳn về mọi mặt báo chí của mọi giai cấp khác, để lại dấu ấn vào thế hệ, góp phần xây dựng con người Việt Nam mới, xây dựng văn hóa Việt Nam mới. Đó vẫn còn là trách nhiệm phải tính của chúng ta.

Nghĩ về anh như một tấm gương lớn sáng mãi trong lịch sử báo chí Việt Nam, một tên lớn trong văn học chính luận của mọi thời đại, tôi càng thấy ra điều quan trọng nhất: chỉ có một nhân cách lớn mới đẻ ra một ngòi bút lớn.

Ngọn bút lớn đó là một cây cờ đỏ mãi của báo chí của Đảng và báo chí Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa đã từng mấy lần chiến thắng vẻ vang.

  1. Phần trích từ bài Sống động sự nghiệp báo chí

Anh Trường-Chinh là người lãnh đạo báo chí, không những đã tích lũy kinh nghiệm công tác báo chí của toàn bộ phong trào mà bản thân anh còn là một nhà văn hóa, một nhà văn viết báo, nên có sự chú ý đặc biệt đến mặt văn chương của báo chí cách mạng, mặt đóng góp của báo chí cách mạng vào văn học và báo chí Việt Nam.

Cho nên ngay lần gặp làm việc với bộ phận anh em ở phong trào Hà Nội được chọn về xây dựng tờ báo Cờ Giải Phóng ra công khai giữa Hà Nội đã rợp cờ đỏ sao vàng, ngày 27/8 mùa thu năm 1945, anh đã nói một câu đầy hoài bão “1917, Nam Phong; 1932, Phong Hóa-Ngày Nay; 1945, Cờ Giải Phóng”

(…)

Khi nhìn lại mấy chục năm phát triển báo chí của ta, tôi tự đặt cho mình câu hỏi là một trong những người được tiếp nhận hoài bão lớn trong một giờ lớn đó của người lãnh đạo Đảng ta lúc đó, xem mình đã đạt được đến đâu và chưa đạt được đến đâu. Câu tự trả lời đầu tiên của tôi là nếu Cách mạng Tháng Tám tự nó cứ phát triển suôn sẻ, không phải đối phó với quân thù hàng loạt, không phải kinh qua chiến đấu cầm súng lâu dài, thì hoàn toàn có thể đạt được

(…)

“1917, Nam Phong; 1932, Phong Hóa-Ngày Nay; 1945, Cờ Giải Phóng”. Tôi tin là nếu không có chiến tranh, không phải đi vào hai cuộc kháng chiến, tất cả phát triển trong hòa bình, toàn Đảng dồn sức cho nó, thì khẩu hiệu đó hoàn toàn sớm có thể thực hiện được. Đến hôm nay nhìn lại, lịch sử ta vẻ vang thật, vẻ vang vô cùng, nhưng phát triển trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt lâu dài, tất nhiên có những mặt hạn chế mà về khách quan nên có sự nhận thức đầy đủ

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Blog tại WordPress.com.