Pham Ton’s Blog

Tháng Hai 18, 2011

Blog PhamTon tròn hai tuổi

Filed under: Liên hệ — phamquynh @ 1:09 chiều

Blog PhamTon, tuần 4 tháng 2 năm 2011.

 

BLOG PHAMTON TRÒN HAI TUỔI

Blog PhamTon

Đến ngày 22/2/2011, tức ngày 20 tháng giêng Tân Mão này, hoa đào đang khoe sắc thắm trong mưa lạnh xứ Bắc, hoa mai đang vàng rực trong nắng ấm miền Nam, Blog PhamTon chúng tôi vừa tròn hai tuổi (22/2/2009-22/2/2011). Blog PhamTon đã đến với bạn đọc yêu quí hơn một trăm tuần, cung cấp đều đặn mỗi tuần ít nhất hai bài về Thượng Chi – Phạm Quỳnh. Hai năm qua, chúng tôi phát hơn 306 tư liệu và đã được 741.412 lượt người truy cập, có ngày lên đến 6924

Đó quả thật là một con số không nhỏ đối với một blog cá nhân chỉ chuyên viết về một con người. Mà người ấy lại là Phạm Quỳnh. Điều đó khiến chúng tôi vui mừng nhận thấy định hướng của blog đã đáp ứng đúng yêu cầu của đông đảo bạn đọc cả trong và ngoài nước.

Chúng tôi đã tìm gặp nhà sưu tầm tư liệu nổi tiếng Trần Thanh Phương, nguyên phó tổng biên tập tạp chí Đại Đoàn Kết. Ông là người quen biết cũ, nay lại là người đạt hai danh hiệu kỷ lục gia về tư liệu của nước ta. Vậy mà khi hỏi tư liệu về Phạm Quỳnh thì lại không có gì, kể cả tạp chí Văn Học của Sài Gòn cũ số đặc biệt về Thượng Chi – Phạm Quỳnh, mà trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã từng cho chúng tôi mượn đọc tại Hà Nội, nay cũng nói là không còn. Vì thế, chúng tôi càng cố công đi sâu vào việc tìm kiếm tư liệu về Thượng Chi – Phạm Quỳnh, có đến đâu là cung cấp ngay cho bạn đọc.

Vào việc, mới biết thật là khó kiếm tư liệu về Phạm Quỳnh, nhất là những tư liệu có giá trị thực sự.

Chúng tôi tin vào quan điểm đã ăn sâu trong xã hội ta gần ba mươi năm nay là nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, nói rõ sự thật. Chỉ có như thế mới xóa được đám bụi mù che phủ cuộc đời và sự nghiệp Phạm Quỳnh mấy chục năm nay. Chúng tôi tin ở lương tâm, trí tuệ của Nhân Dân, Những Người Làm Nên Lịch Sử. Họ sẽ lên tiếng nói rõ sự thật và bảo vệ sự thật.

Hồi đầu, chúng tôi có bao nhiêu tư liệu sưu tầm dược là hăm hở đưa ngay lên blog bấy nhiêu, hầu như hằng ngày. Nhưng chẳng bao lâu, với cái đà cứ mỗi tuần một lần, ít nhất đưa lên hai bài, “kho tư liệu” gom góp suốt mấy chục năm nay của chúng tôi gần như cạn… Thì may thay, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận được những tư liệu mới, thật quí giá như tư liệu của nhà văn Sơn Tùng về mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và Thượng Chi – Phạm Quỳnh, về việc đi bắt Phạm Quỳnh ngày 25/9/1945 do chính tay Thiếu tướng Phan Hàm viết, rồi bài thơ Khóc Nguyễn Văn Vĩnh của Phạm Quỳnh giáo sư Nguyễn Đình Chú mới tìm thấy và nhiều tư liệu từ nước ngoài như trường ca về Phạm Quỳnh của nhà thơ lớn Đan Mạch Erik Stinus do nhà thơ Phạm Tiến Duật đem về cho, tư liệu về các lễ kỷ niệm Phạm Quỳnh ở Pháp, Mỹ năm 1992, 1999 và những tư liệu về các cuộc tranh luận nảy lửa về Phạm Quỳnh thời chế độ cũ ở Sài Gòn những năm 1960, cả những tư liệu của mật thám Pháp những năm 1920, báo cáo mật của khâm sứ Trung Kỳ về  Phạm Quỳnh tháng 1/1945… Các nhà sử học, nhà văn, nhà nghiên cứu như giáo sư Văn Tạo, nhà văn Nguyên Ngọc, Hà Khánh Linh… cũng lên tiếng nói rõ sự thật về Phạm Quỳnh. Nhờ vốn liếng được Nhân Dân tài trợ như vậy mà Blog PhamTon chúng tôi đứng vững trong hai năm qua, mỗi tuần đều đặn đến với bạn đọc yêu quí, đưa đến cho bạn đọc một hình ảnh khác, ít được biết của Phạm Quỳnh: một con người trọn đời trung với nước, hiếu với dân, một “người khổng lồ” như nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc.

Nay chúng tôi đã có các mục thường xuyên như Tìm hiểu Phạm Quỳnh nói rõ mọi điều cơ bản về con người và sự nghiệp, mục Bạn hỏi, chúng tôi trả lời sẵn sàng trả lời ngay và thẳng thắn mọi thắc mắc về Phạm Quỳnh, còn có các bài kịp thời phê bình sách, báo, phim thể hiện sai lệch, bóp méo, bôi nhọ Phạm Quỳnh… Chủ yếu, Blog PhamTon vẫn là nơi cung cấp các tác phẩm của Phạm Quỳnh, nhất là những tác phẩm ít người biết đến, đặc biệt là 11 bài viết cuối đời của ông. Chúng tôi cũng đưa thêm nhiều bức ảnh quí hiếm, độc đáo của Phạm Quỳnh

Về những người trực tiếp làm việc thường xuyên cho blog, năm trước, chúng tôi có năm, nay đã có sáu người, vẫn gồm có hai con trai Phạm Quỳnh, một bạn chí cốt của nhạc sĩ Phạm Tuyên từ thời còn là học viên Trường Lục quân Việt Nam, một cháu ngoại, một chắt ngoại và nay, thêm một chắt dâu của Phạm Quỳnh. Hai người ngoài 80 tuổi, hai người trên 70 và hai bạn trẻ 8x. Chắt nam Phạm Quỳnh, một người trẻ 8x chính là người khai sinh ra blog này, chuyên lo toàn bộ công tác kỹ thuật và tư liệu của blog. Nay, anh đã có bạn đời cùng tuổi chia sẻ nhiệm vụ không hề nhẹ nhàng này. Hai người bị đái tháo đường vẫn làm việc. Người bị ung thư đã phẫu thuật, hóa trị xong tám đợt và nay đang chờ tái khám sau mỗi sáu tháng.

Sau hai năm đến với bạn đọc, chúng tôi vui mừng nhận thấy số bạn truy cập ngày càng tăng, có nhiều bài báo, trang sách, đọc là chúng tôi thấy ngay tư liệu của mình đã được sử dụng, có cả một cuốn sách về Phạm Quỳnh cũng sử dụng nhiều tư liệu của chúng tôi, rồi một cuộc hội thảo tổ chức ở Hải Dương, quê Phạm Quỳnh, cũng cho thấy nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu, nhà báo dùng tư liệu của chúng tôi. Đặc biệt là gần đây, mục Phạm Quỳnh trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã lên đến chín trang A4 và còn ghi nhận là “blog chuyên viết về Phạm Quỳnh(tức Blog PhamTon chúng tôi) cung cấp nhiều tư liệu chưa được biết đến!”

Gần đây, ngoài việc viết về Phạm Quỳnh, blog chúng tôi còn giới thiệu với bạn đọc về vợ và các con, các cháu nội, ngoại, con dâu, cháu dâu, và cả chắt nội Phạm Quỳnh, trong đó một số là những người nổi tiếng, có người mở ra cả một ngành ở nước ta như ngành giáo dục mầm non, ngành kiến trúc phong cảnh, có người là biên đạo múa ba lê nổi tiếng thế giới.

Thêm một tuổi, thêm nhiều trách nhiệm, bước đi cũng vững vàng hơn. Chúng tôi mong được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa của bạn đọc xa gần, những người vốn yêu kính Thượng Chi – Phạm Quỳnh, không nỡ để Ông bị chôn vùi mãi khi di sản Ông để lại vẫn còn có ích cho đời mới, và không ít điều Ông nêu ra đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Nhân dịp này, chúng tôi chân thành cảm ơn tất cả các bạn đã đọc và giới thiệu cho người quen biết đọc blog, giúp đỡ tư liệu, bài vở, khuyến khích chúng tôi vững bước trên con đường đã chọn mà hai năm qua tỏ rõ là con đường đúng đắn: nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, nói rõ sự thật. Với niềm tin vững chắc là chân lý sẽ ngày càng sáng tỏ trong Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của chúng ta.

B.P.T.

Một số tư liệu quí hiếm về Thượng Chi – Phạm Quỳnh

Filed under: Tư liệu quí hiếm về Thượng Chi - Phạm Quỳnh — phamquynh @ 1:02 chiều

Blog PhamTon, tuần 4 tháng 2 năm 2011.

MỘT SỐ TƯ LIỆU QUÍ HIẾM VỀ THƯỢNG CHI – PHẠM QUỲNH ĐÃ ĐĂNG TRÊN BLOG PHAMTON HAI NĂM QUA

Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhân dịp Blog PhamTon chúng tôi tròn hai tuổi, theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc yêu kính Thượng Chi – Phạm Quỳnh chưa có dịp đọc blog từ những ngày đầu, chúng tôi xin đăng lại một số tư liệu quí hiếm, hầu như trước nay không ai được biết về Thượng Chi – Phạm Quỳnh mà hai năm qua chúng tôi đã lần lượt đưa lên mạng. Chúng tôi đăng theo đúng nguyên bản đã phát trước đây.

*

*  *

TƯ  LIỆU CỦA NHÀ VĂN SƠN TÙNG

VỀ MỐI THÂN TÌNH GIỮA

NGUYỄN ÁI QUỐC – HỒ CHÍ MINH VỚI THƯỢNG CHI PHẠM QUỲNH

Trang đầu và trang cuối (có con dấu và chữ ký của tác giả) tập bản thảo của nhà văn Sơn Tùng.

 

Lời dẫn của Phạm Tôn: Nhà văn Sơn Tùng có nhã ý “ký thác” toàn bộ những sưu tầm của ông trong nhiều năm “Về mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với Thượng Chi – Phạm Quỳnh” mà ông trân trọng gọi là “bậc danh nhân văn hóa” cho “nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình kính quí”. Tập tư liệu chép tay quý giá này tròn 20 trang, viết xong ngày 8/12/2008, tức 12/11 Mậu Tý, tại Hà Nội – Chiếu Văn.

Nay, nhà văn đã đồng ý với đề nghị của nhạc sĩ Phạm Tuyên, cho công bố những trang viết của ông trên blog của chúng tôi.

Từ hôm nay, chúng tôi xin trích đăng tập tư liệu với tiêu đề từng phần và lời dẫn, lời bình của chúng tôi.

Xin chân thành cảm ơn thâm tình của nhà văn và xin mời bạn đọc bắt đầu theo dõi tập tư liệu có một không hai này.

—-o0o—-

MẤY LỜI KÝ THÁC

Thân gửi: Nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình kính quí.

Thưa Anh,

Đời cầm bút của tôi: viết báo, viết văn, chí thành với đề tài lịch sử và danh nhân Bác Hồ.

Sống trước viết.

Từ sau Cách mạng tháng 8-1945 đến năm 1970, tôi dấn thân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước; xông pha khắp ba miền Bắc-Trung-Nam tìm tòi, tích lũy vốn sử liệu về các nhân vật lịch sử ,sự kiện, khảo sát, khảo chứng,… Năm 1971, tôi bị thương nặng trong trận giặc Mỹ đánh phá quyết liệt vùng hậu cứ miền Đông Nam Bộ. Sau gần một năm cáng thương qua Trường Sơn, tôi được về lại Thủ đô Hà Nội.

Chiến tranh có kết thúc. Vết thương chiến tranh trên cơ thể chỉ khép lại khi người mang vết thương ấy tắt nghỉ! Gần 40 năm qua, vừa vật lộn với vết thương mỗi khi tái phát hành hạ, vừa moi cái vốn tích lũy được mà viết, viết cho vơi bớt nỗi đau! Cho đến ngày hôm nay, tôi mới viết được trên 20 đầu sách, đã xuất bản. Bản thảo còn đang viết tiếp, vốn có rồi mà chưa viết được bao nhiêu; một số bậc danh nhân trong đó có danh nhân văn hóa Thượng Chi – Phạm Quỳnh đã chuẩn định mà chưa thực hiện được. Giờ đây, tôi đã ngoài tám mươi, liệu còn làm xong được những chuẩn định? Vì vậy tôi thành tâm chép lại những điều tôi sưu tầm được về mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với Thượng Chi – Phạm Quỳnh, xin trân trọng ký thác tới gia đình bậc danh nhân văn hóa Phạm Quỳnh.

MINH CHỨNG

I. Ghi theo lời Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh

CỤ VŨ ĐÌNH HUỲNH-số 5 – Hai Bà Trưng, Thủ đô Hà Nội. Cụ xuất thân trong gia đình Thiên Chúa giáo yêu nước. Là nhà trí thức yêu nước dấn thân trong các phong trào đấu tranh Cách mạng kiên cường bất khuất, bị tù qua Hỏa Lò, ngục Sơn La…Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16,17/8/1945, cụ Nguyễn Lương Bằng đưa cụ Vũ Đình Huỳnh đến giới thiệu với Cụ Hồ ở nhà sàn làng Kim Lung tên mới là Tân Trào. Cụ Hồ “kết” ngay cụ Vũ Đình Huỳnh là tâm phúc. Tổng khởi nghĩa – Cách mạng tháng 8-1945 thành công, Cụ Hồ về Hà Nội tại “Đại bản doanh”48 Hàng Ngang ngày 25/8/1945; Cụ Hồ sở cầu ngay cụ Vũ Đình Huỳnh làm Bí thư cho Chủ tịch nước, từ việc “Cầu hiền”để lập chính phủ lâm thời; đặc phái viên của Hồ Chủ tịch đến Phát Diệm “thuyết khách” Giám mục Lê Hữu Từ và về Yên Mô (Ninh Bình) mời Linh mục Phạm Bá Trực, rồi đến Liên Bạt (Hà Đông) trao thư Hồ Chủ tịch vời cựu Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, xuống Thái Bình chuyển giao nhiệm vụ cho đồng chí Ba Ngọ, cựu chính trị phạm ở Thái Bình – nay là phái viên của Hồ Chủ tịch mời cụ Vi Văn Định, cựu Tổng đốc Thái Bình ra gánh vác việc nước. Cụ Vũ Đình Huỳnh làm Bí thư – tâm phúc của Bác Hồ cho tới cuối năm 1953…

PHẦN 1: “BẤT TẤT NHIÊN”

Bác Hồ rời Tân Trào, Tuyên Quang, Việt Bắc ngày 22 tháng 8 năm 1945. Ngày 25/8/1945, Người về nhà 48 Hàng Ngang, Thủ đô Hà Nội, lúc thành phố lên đèn.

Ngày 26/8, Người triệu tập và điều hành phiên họp đầu tiên Thường vụ Trung ương Đảng tại đây. Quyết định lớn: Thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa, các thành viên chính phủ lâm thời thật tiêu biểu của dân tộc, của nhân dân; phải có Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào và thế giới với một cuộc mít tinh lớn hàng mấy chục vạn người ở Thủ đô Hà Nội. Chính phủ ra mắt nhân dân và cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 28/8/1945, Hồ Chủ tịch đến làm v`iệc tại Bắc Bộ phủ, 12 phố Ngô Quyền. Một phái đoàn Trung ương – ông Nguyễn Lương Bằng, ông Trần Huy Liệu, ông Cù Huy Cận đã vào Huế dự lễ vua Bảo Đại thoái vị. Hôm phái đoàn lên đường rồi, Hồ Chủ tịch mới về Hà Nội, như chợt nhớ Người nói với ông Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng – Tổng chỉ huy quân đội – Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Giản- Tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam, Vũ Đình Huỳnh: “Chú Bằng (Nguyễn Lương Bằng), chú Liệu (Trần Huy Liệu), chú Cận (Cù Huy Cận) vô Huế rồi mình mới về thì đã trễ, giờ chú Nam (Hoàng Hữu Nam) hoặc xem có ai thay được chú Nam vô Huế gặp Cụ Phạm Quỳnh, trao thư tôi mời Cụ…” (Chúng tôi nhấn mạnh – PT).

Hai hôm sau, ông Hoàng Hữu Nam đến báo cáo với Hồ Chủ tịch: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt (Chúng tôi nhấn mạnh – PT), hai người con gái của ông ở Hà Nội, gặp tôi thổ lộ việc này”. Hồ Chủ tịch để điếu thuốc đang hút dở xuống gạt tàn, nói lửng: “Bất tất nhiên”!* (Chúng tôi nhấn mạnh – PT). Người hỏi ông Hoàng Hữu Nam:

– Hai chị ấy tên là gì?

Ông Hoàng Hữu Nam trình bày:

– Dạ…Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức, thưa Bác.

– Chú mời hai chị em cô ấy gặp tôi, chú Tư (Vũ Đình Huỳnh) sẽ sắp xếp ngày giờ gặp…

Ông Hoàng Hữu Nam tươi cười kể lại với Bác là chị Giá, chị Thức bày tỏ xin được gặp Cụ Hồ, nhưng chưa dám hứa chắc vào lúc nào…

Sau buổi làm việc này, ông Vũ Đình Huỳnh trao đổi với ông Hoàng Hữu Nam, Hồ Chủ tịch sẽ tiếp “thân nhân Cụ Phạm” vào cuối buổi sáng ngày 31/8/1945 tại phòng khách Bắc Bộ phủ.

Ngày 31/8/1945, buổi sáng Hồ Chủ tịch rà xét lần cuối bản thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 và bốn người nữa đến báo cáo với Hồ Chủ tịch về công việc chuẩn bị cho ngày lễ…

Đến 10 giờ 30 phút, ông Hoàng Hữu Nam báo với ông Vũ Đình Huỳnh: “Đã mời thân nhân Cụ Phạm đến, đang ở phòng khách…”. Cụ Vũ Đình Huỳnh khi kể lại với tôi sự việc này, cụ nói trầm trầm như tâm sự: “Tôi nghe danh ông Phạm Quỳnh từ một bỉnh bút, chủ nhiệm, chủ bút báo Nam Phong và Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức. Có đôi lần nhìn thấy ông khăn xếp áo the, kính trắng đi từ trụ sở Nam Phong phố Hàng Da, qua Hàng Bông đến trụ sở Khai Trí Tiến Đức, phố Hàng Trống, bên hồ Hoàn Kiếm. Tôi có biết chị Phạm Thị Giá, vợ giáo sư Tôn Thất Bình dạy Pháp văn ở trường Thăng Long cùng với cụ Phó bảng Bùi Kỷ, dạy Hán văn; các giáo sư Hoàng Minh Giám dạy Pháp văn, giáo sư Đặng Thai Mai dạy Pháp văn, giáo sư Võ Nguyên Giáp dạy văn, sử, địa, giáo sư Vũ Đình Hòe dạy văn, giáo sư Nguyễn Xiển dạy toán, lý… Còn chị Phạm Thị Thức là vợ bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, cùng quê Nam Định với tôi, lại còn thân thuộc nữa. Cho nên, cái phút giây tháp tùng Hồ Chủ tịch đến gặp chị Giá, chị Thức tôi bùi ngùi thấy hai chị rụt rè, sợ sệt, chỉ một thoáng, hai chị xúc động mạnh trước cử chỉ Hồ Chủ tịch cầm tay hai chị thân tình, an ủi và mời ngồi vào ghế đối diện với Người. Người nói:

–                      “Tôi ở chiến khu Việt Bắc mới về Hà Nội, nghe tin chẳng lành về Cụ nhà ở Huế…”. Hồ Chủ tịch ngừng giây lát, nói tiếp: “Trong lúc cuộc khởi nghĩa bùng nổ khó tránh được sự lầm lẫn. Rất tiếc khi ấy tôi đang trên đường về Hà Nội (ngày 22/8/1945, Hồ Chủ tịch rời Tân Trào, Tuyên Quang). Chị Phạm Thị Giá trình bày sự việc cha bị bắt trong lúc đang làm việc tại nhà…Chị Phạm Thị Thức hai tay nâng phong thư lên Bác, Người nhận và chuyển sang tay cho tôi, dặn: “Chú chuyển sang Bộ Nội vụ”. Bác thân mật hỏi han hai chị em về tình hình gia đình ở trong Huế, ở Hà Nội…Người dặn: “Những việc hai cháu vừa đề đạt, hai cháu sẽ trực tiếp gặp ông Hoàng Hữu Nam, Bộ Nội vụ nhá…”.

Đồng chí Bảy (Luật sư Phan Mỹ) Đổng lý văn phòng vào thỉnh thị Chủ tịch… Người đưa tay cầm chặt bàn tay chị Giá, chị Thức: – “Hai chị em về nhá, tôi có việc khẩn…”

* Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội 1992) thì Bất tất nhiên có nghĩa là: “Không nhất định phải như thế, có thể ra cách khác được.”

Lời bình của Phạm Tôn: Việc hai người con gái đầu của Phạm Quỳnh xin và được Hồ Chủ tịch tiếp từ 11 giờ sáng ngày 31/8/1945 đã được chính người chị là cụ Phạm Thị Giá sau này thuật lại tỉ mỉ trong bài Phạm Quỳnh, Người nặng lòng với nước, đăng trên nguyệt san Công giáo và Dân tộc, cơ quan của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh, số 140, tháng 8/2006, từ trang 99 đến trang 116, và bài Người nặng lòng với nước, đăng trên tạp chí Xưa và Nay, cơ quan của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 267, tháng 9/2006, từ trang 15 đến trang 20.

Điều này chứng tỏ đã là sự thật thì trước sau gì cũng được xác nhận từ các góc nhìn của những nhân chứng rất khác nhau. Thời đầu Cách mạng thật trong sáng. Chính quyền và nhân dân thật gần gũi. Người đứng đầu chính quyền Cách mạng lúc ấy dẫu bận trăm công nghìn việc, vẫn sẵn sàng, chân tình tiếp và lắng nghe tiếng nói của người dân, dù họ “thuộc diện có vấn đề”, không hề né tránh, để những bức xúc của người dân rơi vào “sự im lặng đáng sợ” như sau này.

 

Phạm Quỳnh người canh tân văn hóa làm sống lại hồn nước

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:41 chiều

Blog PhamTon, tuần 4 tháng 2 năm 2011.

 

PHẠM QUỲNH

NGƯỜI CANH TÂN VĂN HÓA LÀM SỐNG LẠI HỒN NƯỚC

Khúc Hà Linh

Lời dẫn của Phạm Tôn: Báo Giáo dục và Thời đại, thứ sáu ngày 30/4/2010 đã đăng bài này trọn một trang 41. Tác giả là Khúc Hà Linh, sinh năm 1946 tại Hải Dương, quê Phạm Quỳnh. Ông từng là hiệu trưởng trường Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Ông đã xuất bản ba tập thơ, một tập dịch thơ Đường, một truyện lịch sử, một truyện dài, gần đây nhất là tác phẩm Anh em Nguyễn Tường Tam – Nhất Linh, Ánh sáng và bóng tối (2008-2009) và Phạm Quỳnh – Con người và thời gian (2010).

*

*   *

Hiệu là Thượng Chi, bút danh Hoa Đường, Hồng Nhân, Phạm Quỳnh (…) sinh ra trên đất Hà Thành, nhưng quê quán ông lại là làng Lương Ngọc, (nay thuộc xã Thúc Kháng), huyện Bình Giang, tinh Hải Dương, một làng nổi tiếng khoa bảng, có truyền thống hiếu học. (…) 9 tuổi, Phạm Quỳnh côi cút được bà nội nuôi ăn học. Phạm Quỳnh học giỏi, có học bổng, đậu thủ khoa Trường Trung học Bảo hộ (tức Trường Bưởi), 15 tuổi đã đi làm ở Trường Viễn Đông Bác Cổ – Hà Nội.

  • NGỌN GIÓ NƯỚC NAM

Sau thời gian làm việc ở Trường Viễn Đông Bác Cổ được gần 9 năm, Phạm Quỳnh đứng ra làm chủ bút Nam Phong Tạp chí, khi vừa 24 tuổi. Từ những số đầu tiên, chủ bút Phạm Quỳnh đã tỏ ra một tay lái vững vàng để chèo lái con thuyền Nam Phong đi theo phương hướng của mình đã vạch sẵn. Đó là mở rộng khảo sát các đề tài lịch sử xã hội, văn hóa văn minh Việt Nam và thế giới. Về văn học: đi vào biên khảo, dịch thuật, và giới thiệu sáng tác mới.

Trước khi làm báo Nam Phong, Phạm Quỳnh đã viết cho Đông Dương tạp chí, một tờ báo sang trọng thời ấy. Khi trở thành chủ bút tờ báo riêng, Phạm Quỳnh vẫn không dời công việc sáng tạo. Ông viết nhiều thể loại, với các bút danh khác nhau.

Nói về Phạm Quỳnh chủ bút Nam Phong, giáo sư Huệ Chi cho rằng “Ông có thiên hướng thích loại văn chương nghị luận hơn là văn chương cảm hứng”. Quả thế, là người biên khảo, Phạm Quỳnh lần đầu tiên cho người đọc nước ta có khái niệm bước đầu về mỹ học nói chung cũng như về thơ và tiểu thuyết nói riêng. Huệ Chi còn xác nhận “ông là người rèn luyện câu văn quốc ngữ sao cho kịp trình độ văn chương quốc tế, diễn đạt những phạm trù trừu tượng, như tư tưởng, tâm lý, triết học…”. Có lẽ vì thế có người nhận xét ông có dáng một học giả, nhà văn hóa hơn nhà văn. Thế nhưng, văn Phạm Quỳnh đầy chất suy tư, bộc lộ nhân sinh quan, tư tưởng và quan điểm về văn hóa. Ông muốn sống dung hòa cả trên thực tại và chữ nghĩa văn chương. Phạm Quỳnh không ít lần nói ý rằng nếu một dân tộc mới có thì tây hóa cũng được. Nhưng đằng này dân tộc Việt Nam không phải là một tờ giấy trắng muốn vẽ gì lên đó cũng được.

Có người tỉ mỉ cho rằng Phạm Quỳnh viết khá tạp, nghĩa là không có công trình to tát, đồ sộ và thuần nhất như người khác. Nhưng khi tổng hợp hàng nghìn bài viết, rồi phân loại như kiểu phân ra thể loại ngày nay, người ta thấy giật mình bởi những vấn đề ông nêu ra bình phẩm, bàn thảo quá xúc tích đến mức uyên bác.

Ông viết tất cả các vấn đề mà ông biết, ông quan tâm. Ông dịch thuật, truyền bá tinh hoa tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây, đồng thời giới thiệu di sản tinh thần của ông cha phiên âm ra tiếng Việt trong kho sách của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Ông nghiên cứu Truyện Kiều, nghiên cứu về văn hóa, giáo dục. Từ chuyện sức khỏe con người, cái ăn cái mặc, đến chuyện thi cử học hành từ trong nước ra ngoài nước. Ông viết từ lịch sử nghề diễn kịch nước Pháp, bàn về hí kịch của Molière, đến triết học Auguste Comte, triết học Bergson. Ông chọn và dịch ra Việt ngữ 132 câu cách ngôn của vua La mã Marc Aurèle (121-181 sau đức Gia Tô giáng sinh). Ông đã chọn lọc một cách có chủ ý rồi dịch những câu cách ngôn không chỉ cho mình mà là cho bạn đọc suy ngẫm. Nói cách khác ông đang truyền bá những tư tưởng hay của văn hóa phương Tây cho người Việt Nam.

  • NHÀ BÁO CÓ HẠNG, VĂN SĨ TÀI DANH

Mặc dù cho đến nay hơn sáu chục năm qua, đã có nhiều tài liệu viết về ông, dù có những bất đồng ý kiến, những tất cả đều ghi nhận, Phạm Quỳnh là người thông tuệ, am tường cả Hán văn, Pháp văn, và chữ quốc ngữ. Ông tiên phong trong quảng bá chữ quốc ngữ và dùng tiếng Việt thay chữ nho và chữ Pháp để viết lý luận, nghiên cứu. Ông biết tiếp thu những cái tốt đẹp của báo chí phương Tây, báo chí Trung Hoa nhưng vẫn giữ được cốt cách văn chương dân tộc. Ông là người chiến đấu không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của triều đình Huế trên phạm vi cả nước; chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ nghĩa quốc gia với thuyết quân chủ lập hiến.

Trong Phê bình và cảo luận, Thiếu Sơn (Lê Sĩ Quý) đã phẩm bình: “Ông là một nhà hiếu cổ thủ cựu, xuất thân ở Tây học mà lại ưa đạo lý Khổng Mạnh, cái triết lý lãng mạn của Lão Trang, cái thi vị của ca dao nơi thôn dã, cái êm đềm của nền văn hóa cũ nước nhà. Ông cho những cái đó là cái gia sản về tinh thần của tiền nhân để lại, ta phải phát huy nó ra, giữ lấy nó làm căn bản cho cái văn minh nước nhà”.

Ngay từ 1913 khi 20 tuổi, Phạm Quỳnh đã viết hàng loạt bài trên Đông Dương tạp chí và được giới học giả đương thời đánh giá là nhà báo có hạng, văn sĩ tài danh. Đến năm 1917 Phạm Quỳnh đi hẳn vào lĩnh vực văn chương báo chí. Từ năm 1924, dù có làm giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội, trợ bút báo France Indochine… nhưng Phạm Quỳnh vẫn xông xáo trực tiếp viết báo, viết sách. Ông dịch thuật, khảo cứu, chắt lọc tính dân tộc và tiếp thu cái văn minh của phương Tây và đặc biệt đi tiên phong trong thể du ký sinh động, sâu sắc. Đọc lại những bài ký ấy đã cách đây trên dưới chín chục năm nhưng vẫn còn hấp dẫn. Bởi những trang văn không chỉ đầy ắp tính chân thực bộn bề chất liệu đời sống mà ngôn ngữ miêu tả uyển chuyển, phong phú giàu chất suy tư, cùng những quan sát tả cảnh thiên nhiên, khác xa lối văn trước đó khô cứng, khuôn phép lối biền ngẫu… Ông đi về vùng đất phương nam màu mỡ đang sinh thành… lấy tư liệu viết bài và bình phẩm: Một tháng ở Nam Kỳ. Ông vào kinh đô Huế, viết Mười ngày ở Huế. Ông lên Cao Bằng, Lạng Sơn ghi chép cuộc sống vùng biên viễn rừng núi, tràn ngập vẻ đẹp và phong tục nhân gian… Có khi đi thăm đất Phật để rồi cho ra đời tác phẩm Trảy chùa Hương và với đôi mắt tinh tế, nhạy bén luôn phát hiện cái mới, ông có những nhận xét thật sắc sảo. Nhưng câu chữ dùng từ thế kỷ trước, đậm đặc tính tân văn đến thời nay đọc lại vẫn mới. Ông phát hiện ra mặt trái của những nét sinh hoạt trong hành lễ và cảnh báo, bình luận “Người ta đối với thánh thần chẳng khác gì lũ dân ngu xử với bọn quan tham, tưởng cứ lễ lót nhiều là được ơn huệ to”. Sau khi đi Pháp về ông có chùm bài Pháp du hành trình nhật ký, v.v… đăng tải trên tạp chí gây ấn tượng lạ lẫm cho người trong nước. Bằng cách vừa kể, vừa tả có xen vào những đoạn bình luận sắc bén, những bài du ký của Phạm Quỳnh đã tạo ra một sự hấp dẫn, mới lạ trong đời sống văn chương thời bấy giờ.

  • TIẾNG MẸ ĐẺ VÀ TRUYỆN KIỀU

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng từ nhỏ, Phạm Quỳnh đã sống trong vòng tay yêu thương của bà nội, rồi khi trưởng thành sống giữa tình yêu của người vợ trẻ gốc nông dân có năng khiếu văn chương bình dân, được nghe nhiều chuyện cổ tích, dân gian, ca dao tục ngữ, lời ăn tiếng nói dân quê, nên Phạm Quỳnh ngấm dần cái vẻ đẹp nét hay của ngữ ngôn dân tộc.

Ngày 21 tháng 4 năm 1921, Hội Trí Tri Hà Nội tổ chức một cuộc sinh hoạt. Phạm Quỳnh đã diễn thuyết về tiếng Việt gây xúc động cử tọa – một điều xưa nay chưa từng có. Ông nói: “Dù học Tây hay Tầu, ta chớ bỏ tiếng Việt là cái tiếng từ lọt lòng ra đã nói. Và đến khi chết vẫn nói. Ta nên nhớ tới câu Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn Với sự uyên thâm trải nghiệm cuộc đời, ông đặt câu hỏi rồi tự trả lời: “Hàng ngàn năm qua người nông dân không biết chữ, vậy họ lấy gì để tả nỗi lòng? Đó là quốc âm, tục ngữ, ca dao, phong dao, là văn chương truyền khẩu. Chính nhờ có tiếng Việt ấy họ mới tìm thấy tình yêu, mới có chuyện ân ái vợ chồng, mới có cảnh âu yếm lứa đôi…”

Năm 1932, tức hơn chục năm sau, ông cho xuất bản cuôn Tục ngữ ca daoNam Phong tùng thư, mà ông là chủ biên. Điều này Phạm Tuyên từng kể rằng đại bộ phận nhờ có người mẹ thông minh, nhớ lại đọc ra cho người cha của mình biên khảo.

Năm 1922, gần tròn ba mươi tuổi, Phạm Quỳnh sang Pháp dự Hội chợ triển lãm Marseille với tư cách Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức. Ông có bài diến thuyết rất nổi tiếng trước Ban luân lý chính trị Viện Hàn lâm Pháp về dân tộc giáo dục. Đứng trước các trí thức thượng lưu Pháp, Phạm Quỳnh trong bộ quốc phục, áo dài khăn đóng rất tự tin bước lên khán đài. Phạm Quỳnh đã làm rạng danh quốc thể qua lòng tự tôn tiếng mẹ đẻ.

Là một nhà báo Tây học, thức thời không chịu cổ hủ, ông thích cái mới, xô đẩy cái cũ… Ngay từ năm 1933, nghĩa là chỉ sau một năm ông thôi chèo lái con thuyền tạp chí Nam Phong, thì trong cuốn Phê bình và cảo luận, Thiếu Sơn đã ghi công cho Phạm Quỳnh: “Những công trình về văn học triết học của Âu châu và nhất là của nước Pháp, ông diễn dịch ra quốc văn rất nhiều, mà dịch thuật đúng thật hay, vừa biết tôn trọng cái nguyên ý của tác giả, lại vừa lựa theo cái giọng điệu của quốc văn…”

Từ năm 1941, Phạm Quỳnh từng được giáo sư Dương Quảng Hàm đưa vào một chương trong sách Việt Nam văn học sử yếu trong phần chương trình dành cho năm thứ ba Ban Trung học Việt Nam.

Học giả Phạm Quỳnh, trong con mắt của Vũ Ngọc Phan – tác giả cuốn Nhà văn hiện đại xuất bản năm 1942 – là một người tài năng siêu việt. Vũ Ngọc Phan khi đánh giá về văn khảo cứu của ông đã coi ông là “một người có cái học vừa sâu sắc vừa quảng bác”.

K.H.L.

Blog tại WordPress.com.