Pham Ton’s Blog

Tháng Hai 11, 2011

Phạm Quỳnh muốn học sinh học cả… lao động chân tay

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:42 chiều

Blog PhamTon, tuần 3 tháng 2 năm 2011.

 

Phạm Quỳnh muốn học sinh học cả… lao động chân tay

Hoàng Đạo

Lời dẫn của Phạm Tôn: Hoàng Đạo (1907-22/7/1948), tên thật là Nguyễn Tường Long, em của Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), anh của Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân). Có bằng cử nhân luật, từng làm tham tá lục sự toàn án Đà Nẵng, Hà Nội… tham gia thành lập Tự lực văn đoàn (1933) và các báo Phong Hóa (1932), Ngày Nay (1936). Trên hai báo này, Hoàng Đạo là cây bút chủ yếu viết xã luận, chính luận, tạp văn…

Sau đây, chúng tôi trích đăng một phần trong mục Người và việc phần Bộ Giáo dục quốc dân, trên báo Ngày Nay, số 78 ngày 26/9/1937, mục đích chính là châm biếm, chê bai Phạm Quỳnh hồi đang làm thượng thư Bộ Giáo dục quốc dân, nhưng về khách quan, cũng nói lên một sự thật ngoài ý muốn của tác giả. Chúng tôi mong đoạn trích nhỏ này, với nhan đề của chúng tôi, sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn từ một chiều hướng khác. Văn bản chúng tôi trích đăng ở trang 347-348 sách Thanh Lãng: 13 năm tranh luận văn học (NXB Văn Học, 1995)

—o0o—

Ông Phạm Quỳnh thượng thư Bộ Giáo dục, kể cũng như các ông thượng khác, nếu mỗi năm ông không đọc một bài diễn văn.

Nhưng ông Phạm Quỳnh là ông Phạm Quỳnh, một hòn ngọc báu của Nam Triều, vì thế nên ông ta đã diễn thuyết.

Ông họp các ông Kiểm các ông Đốc lại, để lập thành một hội nghị, giữa hội nghị ấy, năm nay ông tán dương công việc của Bộ quốc gia giáo dục.

Theo ông ta, công việc của bộ ấy rất có ích. Từ năm 1932 đến năm 1936, số học trò Sơ đẳng và Sơ học từ 68.354 người tăng lên đến 92.561 người. Bắt đầu từ năm nay (1937- PT chú), bằng sơ học yếu lược không bắt buộc phải có khi lên lớp nhì và kể từ năm 1940 trở đi thì không có bằng ấy cũng có thể thi lấy bằng sơ đẳng, ông ta còn định bắt học trò tập thêm việc làm bằng tay chân, và tập làm vườn nữa (Chúng tôi nhấn mạnh – PT). Bộ của ông ta còn mong bành trướng hơn, nhưng tiền công quỹ định về việc học chỉ có hạn. Cách tổ chức của bộ ấy ông bảo đã “khuôn vào những cái khung bất diệt của xã hội Việt Nam: làng, tỉnh và các ông học quan, là những người thay ra một cơ quan giáo dục bình dân, dạy cho học trò biết chút đỉnh để đủ dùng trong cuộc sinh hoạt hằng ngày, và đừng để cho họ có cái óc thoát ly ra ngoài hoàn cảnh của họ.

Ông ta lại bảo cái lý tưởng ấy tầm thường, ông ta nói thế mà đúng đấy. Nếu bộ của ông ta chỉ dùng để dạy học trò lên tám lên mười biết viết, biết đọc chữ quốc ngữ, thì nó có thể lấy tên là “Sở coi về việc học các lớp sơ đẳng” và ông ta chỉ là một người Giám đốc sở ấy. Nhưng nó lấy tên là Bộ giáo dục quốc dân, nên tôi lấy làm ngượng lắm.

Giáo dục quốc dân! Cái tên đẹp đẽ thay. Nghĩ thấy là ta hình dung ra một cơ quan nỗ lực giáo dục dân chúng; cưỡng bách sự học ở lớp sơ đẳng, đặt thư viện bình dân, dùng sách vở, báo chí, các cuộc diễn thuyết, bộ máy vô tuyến điện… đủ hết các phương pháp hành động, để đạt được mục đích: là làm mọi người trở nên người hiểu biết quyền lợi, nghĩa vụ của mình.

Tuy nhiên, dẫu không làm nhiều việc thế, bộ của ông Phạm Quỳnh cũng có cái tên đẹp đẽ như vậy. Bộ giáo dục quốc dân, chớ nào có kém cạnh gì đâu!

Có cái tên đẹp âu cũng là đẹp rồi.

H.Đ.

Chen Hội Chùa Hương – Cảnh báo mất an toàn lễ hội

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:41 chiều

Blog PhamTon, tuần 3 tháng 2 năm 2011.

CHEN HỘI CHÙA HƯƠNG

Thân Hoàng

CẢNH BÁO MẤT AN TOÀN LỄ HỘI

Văn Phúc

Lời dẫn của Phạm Tôn: Trong Blog PhamTon số Tết Tân Mão 2011, chúng tôi đã trích đăng bài Trảy Chùa Hương của Thượng Chi (tức Phạm Quỳnh) viết từ năm 1919, đăng trên tạp chí Nam Phong cách nay đúng 92 năm. Trong lời dẫn cho bài này, chúng tôi có lưu ý bạn đọc là “bài viết cách nay ngót trăm năm mà không hề mất đi tính thời sự.

Nay, hội Chùa Hương đã mở, và sẽ kéo dài khoảng ba tháng. Chưa biết còn những gì sẽ xảy ra nữa, nhưng khi các bạn đọc các bài sau đây, chúng tôi lấy nguyên văn từ báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ tư 9/2/2011, tức mồng bảy Tết Tân Mão nhan đề Chen hội chùa Hương của Thân Hoàng, và báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày thứ sáu 11/2/2011, tức mồng chín Tết, nhan đề Cảnh báo mất an toàn lễ hội của Văn Phúc thì chắc là bạn sẽ thấy lời chúng tôi lưu ý là không quá đáng. Thật phục cái tài của Thượng Chi – Phạm Quỳnh. Và cũng thật buồn cho … dân ta, mặc dù nước ta đã đổi mới hơn một phần tư thế kỷ, mà xem ra nhiều việc vẫn còn không khác năm…1919 là bao! Đáng suy ngẫm thay, nhất là về trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội, và của cả những người tham gia lễ hội lớn nhất nước này.

*

*   *

CHEN HỘI CHÙA HƯƠNG

Ngày 8-2 (tức mồng 6 tháng giêng), tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức (Hà Nội) chính thức khai hội chùa Hương. Dù không xảy ra tình trạng “vỡ bến” như mọi năm nhưng do lượng du khách trẩy hội đông nên tình trạng chen lấn, ùn tắc và nhiều cảnh lộn xộn không đẹp mắt vẫn diễn ra.

Thịt thú rừng bày bán công khai

Tại lễ hội, nhiều hàng “đặc sản thịt thú rừng” như hươu sao, hoẵng, nai, chồn đá, sóc… bày bán công khai dọc hai bên đường.

Khi du khách hỏi thì các chủ cửa hàng đều khẳng định đây là thú bắt được trên rừng và “đảm bảo chất lượng”. Các loại thịt thú rừng này được bán với giá khá cao: 700.000 đồng/kg thịt hoẵng, 650.000 đồng/kg thịt hươu, 400.000 đồng/kg thịt chồn đá và 350.000 đồng một con sóc…

Từ 8g sáng, tình trạng chen lấn đã diễn ra tại đền Trình khi lượng khách trẩy hội bắt đầu đông đúc. Từ nơi thuyền cập bến, khách muốn vào đền phải rất vất vả để trèo qua hàng chục chiếc thuyền đang tròng trành đỗ đợi khách.

Chờ cáp treo mất ba giờ

Mặc dù ban quản lý lễ hội đã có quy định cấm thuyền,

đò chở khách vào ban đêm, nhưng vì sợ tắc nghẽn như năm trước nên nhiều du khách vẫn tìm cách bồi dưỡng chủ đò để thuyền xuất bến từ 2g sáng. Tình trạng thuyền chở số người quá quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.

Nhiều thuyền chỉ được phép chở sáu người nhưng vẫn “nhồi nhét” đến 15 khách, thậm chí nhiều thuyền lớn chỉ được phép chở nhiều nhất là 20 người nhưng “nhồi” đến 35-40 người. Nhiều du khách nhăn nhó: “Ngồi thuyền tham quan thắng cảnh chùa Hương mà bị lèn như đi xe dù, xe cóc. Chen nhau không thở được”.

Tại chùa Thiên Trù – nơi diễn ra lễ khai hội chính thức, hàng vạn người đội lễ chen nhau lên xuống. Ðể có thể vào được trong chùa đặt lễ cầu may, nhiều người phải “mở lối” bằng cách trèo qua những bức tường phân cách để đi lại. Dòng người ken cứng chen lấn dâng lễ khấn vái cả trong và ngoài khu vực chùa chính khiến tình trạng ùn tắc có lúc diễn ra gần nửa giờ.

Tình trạng nhét tiền vào tay Phật, rải tiền ở ga cáp treo đã giảm bớt so với năm ngoái nhưng tại giếng thần trong khu vực đền Trình, người dân vẫn thả tiền kín cả mặt nước.

Từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích, nhiều người muốn đi cáp treo phải xếp hàng mua vé mất gần 30 phút. Chen bở hơi tai mới mua được vé, thế nhưng để chờ đến lượt lên cáp thì du khách phải chen lấn trong dòng người ken cứng hàng giờ.

“Mất nửa tiếng mới vào được khu vực chờ, thế nhưng đứng chôn chân ở đây gần ba giờ rồi mà vẫn chưa được lên cáp” – anh Nguyễn Văn Phương (Vụ Bản, Nam Ðịnh) vừa bám tay vào hàng rào để chen lấn vừa than thở. Nhiều người dù đã mua vé nhưng vì chờ quá lâu nên đành quay ra đi bộ.

“Chặt chém” gia tăng

Theo ghi nhận trong ngày đầu khai hội, nạn bói toán mê tín, cờ bạc đỏ đen đã giảm rất nhiều so với mọi năm. Tình trạng móc túi cũng không còn phổ biến.

Ông Nguyễn Chí Thanh, phó ban tổ chức lễ hội chùa Hương, cho biết trong ngày khai hội chùa Hương đã đón hơn 5 vạn khách nhưng chưa xảy ra vụ mất trật tự an ninh nào và không có vụ mất trộm nào được trình báo. Công an TP Hà Nội phối hợp với công an huyện có nhiều phương án triển khai để đảm bảo an ninh trật tự lễ hội.

Tuy nhiên tình trạng “chặt chém” du khách vẫn diễn ra khá phổ biến. Một xe máy gửi có giá ít nhất 15.000 đồng, khách thuê chiếu nghỉ chân uống một lon bò húc phải trả 50.000 đồng. Chủ các hàng ăn uống cũng ra sức “chặt chém” du khách, hầu hết các loại đồ ăn ở đây đều có giá cắt cổ: bánh mì patê 20.000 đồng/ổ, xúc xích 20.000 đồng/chiếc…

Ngay tại đền Trình, dịch vụ lễ lạt cũng đua nhau “chặt chém” du khách: 35.000 đồng/lần viết sớ, 7.000 đồng/lá trầu, quả cau; xôi oản, gà cúng có giá 180.000-210.000 đồng/mâm…

Một du khách Hà Nam chỉ mâm lễ bà chuẩn bị mang vào động Hương Tích bảo: “Vẻn vẹn ba quả quýt, nắm vàng hương, quả cau, đĩa hoa nhưng tôi phải mua với giá tới 80.000 đồng đấy”.

Không những thế, hàng chục cửa hàng “thuốc gia truyền”, chuyên

đặc trị không rõ nguồn gốc, quảng cáo tràn lan vẫn bày bán công khai: từ cường dương, tráng thận đến trị hắc lào, nấm ngứa đều có… tất tần tật. Một cửa hàng bán vỏ cây mục linh luôn có vài cò mồi chờ sẵn để dẫn khách mua với giá 300.000 đồng/kg.

Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Chí Thanh cho rằng ở lễ hội có đặc thù riêng cùng một gian hàng người ta kinh doanh tổng hợp nên không thể treo bảng giá và không thể niêm yết cùng lúc vài chục giá trong một gian hàng.

“Thực chất chúng tôi cũng chưa mua hàng trong lễ hội nên không nắm bắt được tình trạng chặt chém như thế nào nhưng trên hệ thống loa đài, ban tổ chức thường xuyên thông báo du khách thỏa thuận hợp lý trước khi mua bán” – ông Thanh nói.

T.H.

—0Oo—

CẢNH BÁO MẤT AN TOÀN LỄ HỘI

Mỗi năm, cứ sau tết cổ truyền, khắp các địa phương trong cả nước lạ

i diễn ra nhiều lễ và hội lớn nhỏ, mỗi lễ hội đều thu hút hàng vạn người tham gia. Tuy nhiên, làm sao để đảm bảo an toàn, an ninh cho các lễ hội, đặc biệt về sinh mạng con người, là điều nhiều người lo lắng. Hàng loạt vụ giẫm đạp dẫn tới thương vong đã và đang xảy ra trên thế giới là điều cần cảnh báo.

Giật mình lễ hội

Vụ gần 500 người dân bị chết thảm thương vì giẫm đạp lên nhau trong “Lễ hội nước” kinh hoàng ở thủ đô Phnompenh (Campuchia) cuối năm 2010 vừa qua, và mới đây là vụ hơn 100 người dân khác thiệt mạng (cùng ít nhất 90

người bị thương) trong một vụ giẫm đạp xảy ra tại Tây Nam bang Kerala (Ấn Độ) vào tối 14-1 đã làm nhiều người không khỏi giật mình khi nghĩ tới các lễ hội ở Việt Nam hiện nay.

Ra tết, mặc dù ai cũng háo hức tham dự lễ hội, nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn là cảnh chen lấn, ùn tắc khắp nơi. Tại lễ hội chợ Viềng Phủ và Viềng Chùa (Nam Định) diễn ra vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 Tết, năm nào lượng khách kéo về cũng đông hơn năm trước.

Thậm chí, vào sáng mùng 8 Tết (chính hội), người đông tới mức như nêm chặt, ai lỡ đánh rơi tiền cũng khó mà cúi xuống nhặt. Hơn nữa, do không gian tổ chức quá chật hẹp, không có nhiều lối thoát, nên vừa dẫn tới ùn tắc giao thông trên diện rộng và còn xảy ra tình trạng xô lấn, chen đẩy rất nguy hiểm.

Theo Ban quản lý lễ hội Viềng Chùa, có năm nơi đây đón tới 20-30 vạn du khách cùng đổ dồn về, khiến cho khu vực chợ quê bé nhỏ phải hứng nhận cả biển người.

Còn ở lễ hội chùa Hương (Hà Nội), kéo dài tới 3 tháng mùa xuân, mỗi năm đón tới hàng triệu lượt khách, mặc dù không gian núi non thoáng đãng nhưng cũng không thoát khỏi cảnh ùn tắc, chen lấn đến nghẹt thở dọc dòng suối Yến, sân chùa Thiên Trù và đặc biệt khu vực ga cáp treo Hương Sơn. Ở đây, có hàng ngàn người phải đứng xếp hàng theo kiểu “úp thìa”, có khi chôn chân cả tiếng đồng hồ vẫn không tới lượt.

Mua được tấm vé đã may mắn, vậy mà có khi có tấm vé rồi vẫn không chen chân lên được cửa ga cáp treo. Ngày nào lực lượng an ninh cũng phải căng mình đảm bảo trật tự, nhưng cảnh hỗn độn, la ó, xô đẩy nhau của du khách vẫn xảy ra.

Cảnh tượng chen chúc đến nghẹt thở tại khu vực chùa Đồng (Yên Tử – Quảng Ninh) vào ngày khai hội hàng năm.

Ảnh: VĂN PHÚC

Thậm chí, nhiều du khách không thể kiên nhẫn để lên khu vực cáp treo nên phải leo bộ lên động Hương Tích nằm ở đỉnh núi, nơi lưng chừng trời. Nhưng lên tới cửa động, cũng không làm sao xuống được.

lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) khai mạc vào 15 tháng Giêng Âm lịch cũng không thua kém. Năm trước, để lên khu vực cáp treo, cả một rừng người cũng phải xếp hàng rồng rắn. Rợn tóc gáy hơn là cảnh người với người tranh nhau chen chúc trên đỉnh chùa Đồng nằm cheo leo ở một mỏm đá duy nhất thuộc Bạch Vân Sơn, phía sau chùa là bờ vực sâu hun hút.

Ở đây, thậm chí người ta còn giẫm cả lên lưng nhau, chân nhau để thắp nhang, đặt tiền công đức. Lực lượng bảo vệ có mặt nhưng cũng bất lực. Nhiều người bê được mâm lễ đặt lên bàn thờ mà không sao đứng khấn được. Sẩy tay một chút là tiền và lễ biến mất.

Tuy nhiên, khốc liệt nhất vẫn là lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng Âm lịch. Gọi lễ khai ấn, nhưng thực sự là cướp ấn, vì hàng vạn người phải lao vào cướp mới may có được tấm ấn của “nhà đền”. Ban đầu, ban tổ chức thường sử dụng hệ thống ba-ri-e sắt để ngăn người dân vào đền. Tới nửa đêm, sau khi khai ấn mới mở cổng để hàng vạn người đứng bên ngoài, như cảnh nước tràn thác vỡ, ùa vào bên trong.

Do đó, năm nào cũng xảy ra cảnh giẫm đạp lên nhau, gây thương tích, mặc dù năm nào tỉnh Nam Định cũng huy động tới 1.000-1.300 bảo vệ. Lễ hội năm 2010, đã có 16 người ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu. Lợi dụng cảnh tượng hỗn loạn, móc túi, cướp giật diễn ra như rươi.

Ở phía Nam, năm 2010, tại lễ hội chùa Bà – Bình Dương, bắt đầu vào rằm tháng Giêng Âm lịch, cũng đã có tới 20 du khách do không chịu nổi sức ép, sự ngột ngạt của đám đông, của khói hương nên bị ngất xỉu ngay trong khu vực điện thờ Bà và được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Thủ Dầu Một.

Không thể coi thường

Theo thống kê của Bộ Văn Hóa Thông Tin và Du Lịch, mỗi năm cả nước có tới 500 lễ hội lớn nhỏ. Trước đây, mặc dù đều là những lễ hội nổi tiếng, song quy mô, số lượng du khách tham gia khá ít, nên không xảy ra các cảnh tượng chen chúc, quá tải và hỗn độn như hiện nay.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, thời xưa, do dân số ít, điều kiện giao thông đi lại không được dễ dàng, nên các lễ hội thường chỉ quy tập vài ba làng xã. Còn nay đã khác, do điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, nhiều người lại có biểu hiện “phú quý sinh lễ nghĩa” nên nhu cầu tham gia lễ hội ngày càng đông hơn, các hoạt động quảng bá du lịch cũng mạnh mẽ hơn.

Do đó, đảm bảo an toàn, an ninh cho các lễ hội là điều bức thiết hiện nay. Trong công văn của Bộ Văn Hóa Thông Tin và Du Lịch gửi các địa phương về việc tổ chức các lễ hội xuân 2011 cũng có nội dung yêu cầu các địa phương phải đặc biệt chú trọng khâu đảm bảo an toàn cho lễ hội.

Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính bản thân người dân cũng cần ý thức rõ về các nguy cơ có thể xảy ra để tự điều chỉnh “nhu cầu” của mình khi tham gia các lễ hội, đặc biệt ở những lễ hội đông người, có các nghi thức tranh giành tài vật “thánh ban”, cho phép đả thương nhau vì quan niệm tín ngưỡng.

V.P.

Blog tại WordPress.com.