Pham Ton’s Blog

Tháng Mười 26, 2012

Thêm một vụ án đã sáng tỏ

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:41 sáng

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 1 tháng 11 năm 2012.

 

THÊM MỘT VỤ ÁN ĐÃ SÁNG TỎ

Nguyễn Hương

(Hà Nội)

Ở Hà Nội còn có trường hợp một vụ án nữa đã kết thúc, giống như trường hợp nhà báo Quang Đạm mà Blog Phạm Tôn đã đưa lên mạng.

Đó là trường hợp của luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Gia đình luật sư hiện đang ở số nhà 34 phố Tăng Bạt Hổ, một biệt thự cổ mà luật sư mua từ năm 1946, đúng vào ngày ký Hiệp định Sơ Bộ 6-3-1946 giữa ta và Pháp. Nhà hiện có bốn hộ ở chung, số điện thoại gia đình luật sư là 3972.5521. Tại đây, phu nhân luật sư là bà Tống Lệ Dung (con gái cụ Tống Nguyên Lễ, kỹ sư hóa chất du học ở Pháp về) cùng con gái là chị Dung Nghi – công tác ở Tổng cục Bưu điện và chồng là nhạc sĩ Hồ Quang Bình, chủ tịch hội âm nhạc Hà Nội. Bà Lệ Dung ngày ấy đã đỗ tú tài Tây, lẽ ra có thể có “công danh” nhưng bà tự nguyện làm “chỗ dựa” cho chồng, chia sẻ gian khổ với ông trong kháng chiến chống Pháp. Khi ông bị nạn, bà tận tình chăm sóc ông cho đến ngày cuối đời. Năm nay, với 95 tuổi Trời Phật ban cho, bà Lệ Dung vẫn không quên quá khứ ngọt ngào pha lẫn đắng cay của gia đình.

Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909, năm 23 tuổi đã đỗ hai bằng tiến sĩ Văn Khoa và Luật Khoa tại trường đại học Montpellier ở Pháp. Về nước, ông không “làm quan” mà đi dạy học ở trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An) ngôi trường đã “sinh ra” những Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Đạo Thúy…

Dù đã đi dạy, nhưng ông vẫn bị chính quyền Pháp “quấy rầy”. Ông bèn mở văn phòng luật sư riêng để “cãi cho người ngay, người tốt”, chống lại sự bất công, vu oan, giá họa… Luật sư Nguyễn Mạnh Tường có nhiều bạn thân cùng chí hướng. Khi chính phủ Hồ Chí Minh thành lập, một bạn thân của ông là giáo sư Nguyễn Văn Huyên được cử giữ chức Bộ trưởng – dù chưa phải Đảng viên.

Ông thì được mời nhận một số công tác tại Hà Nội. Năm 1946, luật sư Nguyễn Mạnh Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử tham gia đoàn ta dự Hội nghị Đà Lạt. Theo nhiều nguồn tin, Bác đã nói với luật sư đại ý rằng: “ Chú là nhà luật, thầy cãi, chú phải cãi cho đúng lẽ…”

Toàn quốc kháng chiến, ông lên Việt Bắc, đi theo Cụ Hồ “kháng chiến trường kỳ” cho đến ngày quân ta tiếp quản Hà Nội tháng 10 năm 1954. Ông được bổ nhiệm dạy học tại trường Đại học Văn Khoa và là ủy viên Trung ương của Mặt trận. Ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi Chính phủ và Đảng nhận thấy sai lầm trong cải cách ruộng đất và đã sửa sai, theo yêu cầu của Mặt trận, ông đọc một bài tham luận.

Là một trí thức – không thể im lặng, lại là một luật sư – ông không chấp nhận những gì, những ai làm trái pháp luật, công lý…Bài tham luận góp ý kiến của luật sư Nguyễn Mạnh Tường dài trên 20 trang đánh máy, đã nói rõ thêm những khuyết điểm trong cải cách ruộng đất lúc bấy giờ.

Trong bài tham luận này, ông hoan nghênh tiến hành cải cách ruộng đất, vận động nhân dân thực hiện, nhưng không đồng tình phương pháp “đấu tố”. Ông cho rằng ta có chính quyền, “nếu ta biết sử dụng chính quyền, khai thác nó một cách sáng suốt, nhất định ta vẫn thành công, ta tránh được bao tai họa làm ta đau khổ hiện thời”. (nguyên văn ý kiến của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường).

Ông không đồng ý “Thà 10 người chết oan còn hơn để sót một địch”, mà phải theo luật pháp: “Thà 10 địch bỏ sót còn hơn một người chết oan”. Và kết án người bị tội phải có nguyên tắc: không lấy tội xưa mà bắt tội nay, trách nhiệm bị can là của riêng bị can, gia đình họ hàng không chịu liên đới, phải có bằng chứng xác đáng, phải có tòa án xét xử qua điều tra, phải có luật sư bào chữa, bị can có quyền minh oan, kháng cáo, xin giảm tội…

Các nguyên tắc ấy đã không được tôn trọng mà “xử lý” một cách bất chấp luật pháp, bất chấp chuyên môn, lấy chính trị lấn át pháp lý để xảy ra “ta lại đánh ta”-“quân ta đánh quân mình” “đánh cả bạn, xử cả bạn”

Trớ trêu thay vì sự “hăng hái”, “chân thành”, “chí công vô tư” này của một trí thức, mà luật sư đã bị “đa số” tước bỏ mọi chức vụ, danh vị nghề nghiệp, sống cuộc đời thiếu thốn về vật chất, đau khổ về tinh thần, bế tắc không sao lí giải được, lao động như một người cùng khổ để mưu sinh…

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, Đảng ta, Chính phủ ta có điều kiện tổng kết lại nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa… Khi nhìn lại cuộc cải cách ruộng đất những năm 1953-1956, Bộ Chính trị nhận xét “vận dụng kinh nghiệm ngước ngoài một cách giáo điều”, “có thể hoàn toàn làm bằng một phương pháp khác”.

Ý kiến này trùng hợp với ý kiến của luật sư Nguyễn Mạnh Tường 20 năm trước

Là luật sư nhưng ông lại bị xử lý không có chứng cớ nào khác ngoài bài tham luận được đọc trước Trung ương Mặt trận – không được luật sư bào chữa, chính luật sư lại bị luật pháp “ngược đãi”.

Sau năm 1975, tuy cuộc sống có khá hơn, ông đã đôi ba lần xin đi chữa bệnh ở nước ngoài, nhưng không được phép. Bạn bè cũng ít ai dám đến thăm …

Năm 1991, Đảng và Nhà Nước cho phép ông sang Pháp chữa bệnh, “giối già”.

Cuối năm 1994, Tổng bí thư Đỗ Mười đã đến thăm ông ở nhà riêng.

Như một hành động vẫn giữ tấm lòng ngay thẳng, yêu nước, ông đã giao cho nhà xuất bản Quê Mẹ ở Pari in và phát hành cuốn sách tự thuật viết bằng tiếng Pháp L’excommunité (Người bị khai trừ) vào năm 1992; sau đó trở lại Hà Nội và mất vào năm 1997. Đám ma ông được nhiều nhà trí thức, khoa học, luật gia…đưa tiễn. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã gửi vòng hoa viếng.

Bằng cách cho ra nước ngoài, một việc rất khó trong những năm 90 thế kỷ trước, rồi Tổng bí thư Đỗ Mười đến thăm tại nhà riêng và khi ông mất, thỉ gửi vòng hoa viếng, bằng việc chấp nhận con cháu vào công tác trong cơ quan Nhà nước, đồng ý để con rể làm chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội (vị trí trước đó là của nhạc sĩ Phạm Tuyên), Đảng và Chính phủ như có ý nhắn nhủ rằng “vụ án của luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã được xóa”- một kết luận bằng hành động chứ không phải bằng văn bản hành chính, giấy tờ. Gia đình luật sư Nguyễn Mạnh Tường và công luận phải tự hiểu.

Đối chiếu với “vụ án” Phạm Quỳnh, trộm nghĩ rằng “cũng như thế”

Bằng việc cho tái bản các tác phẩm của Thượng Chi – Phạm Quỳnh tiên sinh, cho in sách viết về Phạm Quỳnh, cho phép tổ chức hội thảo…rồi đến ân tình của Chủ Tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Đảng đến nhà thăm hỏi dịp Tết Nhâm Thìn…đối với nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai nhà văn hóa lớn Phạm Quỳnh, nhân dân cả nước, bạn bè ở nước ngoài, Việt kiều, con cháu Phạm Quỳnh có thể tạm hiểu một cách có căn cứ rằng “vụ án của Phạm Quỳnh coi như đã được xóa”.

Thật là phúc đức, ơn Trời, ơn Phật…!

Tuy nhiên nếu có một cuộc toạ đàm lịch sử, khoa học, văn học về Phạm Quỳnh để có những kết luận cho sau này khi viết lại lịch sử Việt Nam, lịch sử văn học, lịch sử báo chí Việt Nam, đưa vào sử sách, vào trường học…thì vẫn nên và tốt hơn hết là có một cuộc hội thảo quốc gia nhân dịp 30/1/2013 kỷ niệm 120 năm ngày sinh cụ Phạm.

Hải Dương, Huế hoặc Hà Nội nên tổ chức cuộc trao đổi ấy và có thể mời những ai tán thành, phản đối…mời các quan chức ngành tuyên giáo, các hội khoa học lịch sử, hội nhà báo, hội nhà văn…tham dự, phân rõ cái được, cái chưa được của Phạm Quỳnh và những giá trị của cụ Phạm (cách xưng hô của Bác Hồ) đã để lại cho, đất nước, con cháu chúng ta sau này.

Một nén hương thơm

             Một tấm lòng ghi nhận , tri ân

N.H.

Tháng Mười 18, 2012

Thêm những góc nhìn về Phạm Quỳnh

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:57 sáng

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 4 tháng 10 năm 2012.

Cuộc toạ đàm về Phạm Quỳnh tại Huế (30/8/2012)

THÊM NHỮNG GÓC NHÌN VỀ PHẠM QUỲNH

Nguyễn Xuân Hoa

Nhà nghiên cứu văn hoá Huế

Lời dẫn của Phạm Hữu Thanh Tùng: Phạm Quỳnh – một góc nhìnlà công trình nghiên cứu, biên khảo nghiêm túc của Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan, một người con ưu tú của xứ Huế, đang sống và làm việc ở Hà Nội. Tác phẩm được nhà xuất bản Công an nhân dân cấp phép và ấn hành quý 3/2011. Cuốn sách khá dày dặn, gần 300 trang khổ 13×19, tư liệu phong phú, chân thực và khách quan, được đông đảo độc giả đón nhận, dư luận đánh giá cao. Đúng một năm sau, quý 3/2012, tác giả tiếp tục cho mắt tập 2, dày hơn 300 trang, cũng do nhà xuất bản Công an nhân dân cấp phép.

Như một sự chia xẻ, và có cả lòng tri ân với tác giả Nguyễn Văn Khoan, được sự đồng thuận của Thường trực Hội đồng toàn quốc Họ Phạm Việt Nam, được sự hỗ trợ nhiệt thành của Trung tâm Du lịch Trải nghiệm Huế xưa – Huế nay, Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh Thừa Thiên Huế và gia đình tác giả tổ chức ra mắt tác phẩm Phạm Quỳnh – một góc nhìn, tập 2.

Đến dự buổi ra mắt tác phẩm có ông Phạm Minh Thông, đại diện Thường trực Hội đồng họ Phạm Việt Nam. GS-TS Phạm Như Thế, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm tỉnh Thừa Thiên Huế và các vị trong Thường trực Hội đồng. Các vị đại diện Thường trực Hội đồng Nguyễn Phước tộc, Hội đồng họ Trần, họ Lê, họ Phan, họ Thân, họ Vũ – Võ… Ông Phạm Quốc Dũng, Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ. Bà Phạm Thị Bích Thuỷ, Thường trực Hội đồng Nhân đân tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, sở Thông tin-Truyền thông, sở Văn hoá Thể thao – Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. Các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá tiêu biểu của Huế. Ông Nguyễn Phúc Vĩnh Mẫn, đại diện cho tác giả Nguyễn Văn Khoan. Phóng viên  HVTV, TRT, VTV4 và các báo Tiền Phong, Thanh Niên, Đại Đoàn Kết, Văn Hoá. Đặc biệt có sự hiện diện của nhạc sĩ Phạm Tuyên, đại diện gia đình cụ Phạm Quỳnh, nhân vật của tác phẩm.

Do công việc bất khả kháng nên tác giả Nguyễn Văn Khoan và GS Đinh Xuân Lâm không vào được, hai ông đã uỷ nhiệm một người bạn là ông Vĩnh Mẫn đến dự và đọc bài giới thiệu tác phẩm của GS Đinh Xuân Lâm.

Phạm Quỳnh là một nhân vật rất đặc biệt. Nhiều “nhà” trong một “nhà”: Là nhà báo, nhà văn, học giả, dịch giả xuất sắc. Nhờ có kiến thức uyên thâm ông được mời tham chính với các chức vụ Thượng thư Bộ Học, Thượng thư Bộ Lại, Tổng lý Ngự tiền văn phòng. Ở đây cũng có một người từng làm báo, làm thơ, nghiên cứu văn hoá, và “tham chính” với các chức vụ Uỷ viên Thư ký Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế, Giám đốc Sở Văn Hoá Thông Tin, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chắc chắn sẽ có nhiều đồng cảm với nhân vật Phạm Quỳnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phát biểu đầu tiên.

—-o0o—-

(Tiếp theo)

Trần Khuyết Nghi với bài viết Thử nhận dạng lại chân dung nhân vật Phạm Quỳnh đã khẳng định: “Trong lịch sử văn học Việt Nam thời kỳ cận – hiện đại, Phạm Quỳnh có lẽ là một trong những nhân vật nổi bật nhưng lại có vẻ gây nên nhiều cuộc tranh luận với những ý kiến đánh giá khác nhau nhất”. Tác giả đã nhắc lại những nhận định của Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ…, của một số Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, Từ điển Văn học và quá trình nhận thức lại về Phạm Quỳnh những năm gần đây để đi đến nhận định “Như vậy, trong thực tiễn đổi mới của hoạt động văn học, vấn đề Phạm Quỳnh đã được xã hội nhận thức lại một cách sáng sủa, thỏa đáng và công bằng hơn nhiều so với trước đây, không cần phải thúc đẩy vận động gì thêm nữa”. Nhưng sở dĩ có những phân tích dài dòng về cuộc đời hoạt động và tư tưởng của ông “là để từ một trường hợp cụ thể Phạm Quỳnh, chúng ta còn có thể rút ra bài học kinh nghiệm chung khi cần phải xét lại những người khác có cảnh ngộ tương tự như Phạm Quỳnh. Đằng khác, nếu chịu khó đi xa hơn, chúng ta ngày nay sẽ phải thẳng thắn để nhìn nhận rằng, dường như cùng với câu chuyện Phạm Quỳnh, còn có rất nhiều vấn đề chung khác cũng phải bình tâm xét lại một thể, như về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, giữa văn hóa với cách mạng, hiểu theo nghĩa là chính trị cách mạng từ trong sâu xa vốn dĩ không phải là cứu cánh tối hậu của cuộc sống mà chỉ là phương tiện chẳng đặng đừng để thanh toán một tình trạng chính trị tệ hại nào đó đã có từ trước đó”.

Gắn bó với Phạm Quỳnh ròng rã 18 năm là tạp chí Nam Phong. Tập sách đã đưa ra nhiều bài viết đánh giá về đóng góp của Nam Phong trong lịch sử báo chí Việt Nam, đặc biệt là trong quá trình phát triển của nền văn học chữ Quốc ngữ trong buổi đầu thế kỷ XX, cung cấp được một cách ngắn gọn Thư mục tiêu biểu của Phạm Quỳnh trong Nam Phong, tập hợp được một số bài viết và trích đoạn bài viết từng nhận xét về tạp chí Nam Phong từ 1941 đến nay ở cả hai miền Nam Bắc. Có người như Vĩnh Hoàn trong bài viết Phẩm chất Phạm Quỳnh đã xem Nam Phong là “sào huyệt” của Phạm Quỳnh và đưa ra một nhận định cũng rất cực đoan “Nói một cách khác, Phạm Quỳnh là Nam Phong“. Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu xuất bản năm 1941 cũng từng nhận xét “Cả cái văn nghiệp của ông Phạm Quỳnh đều xuất hiện trên tạp chí Nam Phong, tạp chí ấy trong một thời kỳ, đã thành một cơ quan chung cho các học giả cùng theo đuổi một chủ đích của ông. Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên ra đời năm 1961 ở miền Nam cũng đã đánh giá cao đóng góp của Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong trong quá trình hình thành nghệ thuật tiểu thuyết mới của Việt Nam. Trong bài viết Bới tìm trong kho tư liệu của báo Nam Phong của Nhân Nghĩa viết năm 1941 đã từng thừa nhận “trong suốt 18 năm trời, từ 1917 đến 1934, với 210 tập báo dày dặn đã chứng minh điều Thiếu Sơn đã nói về báo Nam Phong “Có nhiều người không biết đọc văn Tây, văn Tàu, chỉ nhờ Nam Phong vun đúc cũng có được cái tri thức phổ thông tạm đủ sinh hoạt ở đời”.

Đáng chú ý là trong một bài viết tham gia cuộc hội thảo về Phạm Quỳnh của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đình Chú – người tự nhận “Tôi thuộc trong số những người đã công kích Thượng Chi không kém phần gay gắt… Nhưng rồi, trên đường học tập và nghiên cứu, trải hơn 30 năm qua, nhất là những năm có sự đổi mới trong tư duy nghiên cứu văn học gần đây, thú thực tôi không khỏi có sự băn khoăn, thậm chí là day dứt về những gì mình đã viết về Phạm Quỳnh hơn 30 năm trước đó” và “cũng xin được nói thật, không ít người trong chúng ta đã có tình trạng lấy quan điểm lập trường thay thế sự lao tâm khổ tứ trong khoa học”. Lần nầy Nguyễn Đình Chú đã có bài biết Thượng Chi bàn về tiểu thuyết và khẳng định “Trong lịch sử văn học Việt Nam, trước Phạm Quỳnh, chưa ai nói về thể loại tiểu thuyết một cách có hệ thống và phong phú như thế. Dù không phải là người làm lý luận văn học, lý luận tiểu thuyết, ông có nhiều ý kiến đúng và ông xứng đáng là nhà lý luận tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam”.

Nguyễn Thanh Sơn trong bài viết Tạp chí Nam Phong (1917 – 1934) và những bản dịch truyện ngắn nước ngoài đã cho biết việc giới thiệu truyện ngắn nước ngoài trên tạp chí Nam Phong được duy trì khá đều đặn, nhất là ở giai đoạn đầu. Trong hơn 17 năm, Nam Phong đã giới thiệu 49 truyện và chùm truyện ngắn dịch từ nước ngoài, trong đó có 25 truyện và chùm truyện ngắn Trung Hoa và 24 truyện ngắn phương Tây, trong đó có 22 truyện ngắn của Pháp. Riêng Phạm Quỳnh là người dịch nhiều nhất, chiếm hai phần ba (16/24 truyện) các tác phẩm dịch phương Tây. “Văn dịch của Phạm Quỳnh tự nhiên, lưu loát, càng về sau càng nhuần nhuyễn, thanh thoát”, “Truyện ngắn nước ngoài trên tạp chí Nam Phong có đóng góp nhất định trong việc giới thiệu văn học phương Tây, văn học Trung Quốc và rèn luyện câu văn Quốc ngữ ở buổi đầu hình thành nền văn học mới… góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền văn học nước nhà trên lĩnh vực văn xuôi… Nam Phong thực sự trở thành vườn ươm các truyện ngắn có giá trị đâm chồi nẩy lộc”.

Đặc biệt, trong một bài viết trước đây của nhà báo Thép Mới được Phạm Tôn trích lại đã cho biết trong lần làm việc ngày 27/8/1945 tại Hà Nội về xây dựng tờ báo Cờ Giải Phóng, Trường Chinh – người lãnh đạo báo chí của Đảng Cộng Sản Đông Dương đã nói một câu đầy hoài bão “1917, Nam Phong; 1932, Phong Hóa – Ngày Nay; 1945, Cờ Giải Phóng“. Câu nói như một khẩu hiệu phấn đấu của Trường Chinh đã mặc nhiên công bố về sự đánh giá trân trọng của ông đối với vị trí của báo Nam Phong, xem sự ra đời của Nam Phong như một cột mốc quan trọng trong diễn trình của báo chí Việt Nam.

Từ những bài viết đặt vấn đề, nhìn nhận Phạm Quỳnh trong vai trò của một tri thức vào thời điểm bước đầu tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam, đến những bài viết về thân thế và sự nghiệp của Phạm Quỳnh, về đóng góp của Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong trong lịch sử của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, Tập 2 cuốn Phạm Quỳnh – Một góc nhìn gần như đã không còn bị dằn vặt, ám ảnh quá nặng về số phận cá nhân bi đát của ông trong những ngày cuối đời; mà bên cạnh đó, chân dung Phạm Quỳnh ngày càng hiện ra như hình ảnh một trí thức giàu tâm huyết, một học giả uyên thâm, một nhà báo sắc sảo, một nhà văn hóa nhiệt tâm với quê hương đất nước, nhưng phải sống trong một điều kiện chính trị xã hội ngặt nghèo, éo le vào thời buổi đất nước bị lệ thuộc, lúc cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc vừa sang trang trong thời điểm cách mạng Tháng 8-1945.

Phần cuối tập sách đã có thêm bài viết xúc động của bà Phạm Thị Hoàn, người con thứ 10 trong 16 người con của học giả Phạm Quỳnh viết về Thầy tôi, người cha “chững chạc, mực thước, ôn hòa, ân cần, đôn hậu” với hình ảnh đầy tâm sự qua trang giấy viết dở bài Cô Kiều với tôi ngàn kiếp mãi mãi còn dang dỡ, như một vĩ thanh buồn day dứt cuối cuộc đời Phạm Quỳnh.

Khép lại cuốn Phạm Quỳnh – Một góc nhìn (Tập 2), đúng như nhận định của Giáo sư Đinh Xuân Lâm, chúng ta lại có dịp để suy nghĩ về thân phận một con người, một trí thức, một nhà văn hóa tham chính đầy éo le. Nhưng có lẽ chừng ấy vẫn chưa đủ. Nói đến Phạm Quỳnh là nói đến một hiện tượng cần phải tiếp tục được soi sáng. Đặc biệt là những năm tháng Phạm Quỳnh sống ở Huế từ 1932 đến 1945, về những điều Phạm Quỳnh đã viết về Huế (như đọc lại tập du ký Mười ngày ở Huế, tập Pháp du hành trình nhật ký), về những bài viết liên quan đến Phạm Quỳnh và Triều đình Huế (như hồi ký của Lê Thanh Cảnh, người đã tổ chức để Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh gặp gỡ Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Cao Văn Sến ở Paris…), về những di tích, di vật Phạm Quỳnh đã để lại tại Huế đang được gìn giữ tại chùa Vạn Phước, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế v.v…

Từ buổi ra mắt tác phẩm Phạm Quỳnh – Một góc nhìn (Tập 2) tại Huế hôm nay, chúng tôi nghĩ Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan có thể phối hợp với nhiều nhà nghiên cứu Huế để tiến tới chuẩn bị cho Phạm Quỳnh – Một góc nhìn (Tập 3), những góc nhìn riêng, nhìn từ Huế.

N.X.H.

Lịch sử đã được nhận thức lại

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:49 sáng

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 4 tháng 10 năm 2012.

 

LỊCH SỬ ĐÃ ĐƯỢC NHẬN THỨC LẠI

Thủy Trường

Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế do Luật sử Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu thành lập vào tháng 5. Ban đầu, có năm sinh viên là người của Việt Minh Trung ương và các địa phương giới thiệu về, đến tháng 7/1945 thì tất cả 43 sinh viên đều tự nguyện làm bất cứ việc gì mà Việt Minh yêu cầu, trong đó có việc đi bắt Phạm Quỳnh trưa 23/8/1945. Một sinh viên, sau này là Thiếu tướng Phan Hàm, ngày 8/11/1993 đã viết: “Mệnh lệnh rất ngắn mà chúng tôi mang theo  chỉ thấy nói “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc.” và “Khi xe của tôi vòng vào sân, thấy Nguyễn Tiến Lãng (con rể Phạm Quỳnh – PT chú) trong nhà chạy ra. Lúc bấy giờ trên áo tôi đã có cái băng cờ đỏ sao vàng nên Lãng biết, toan chạy. Tôi đưa súng lên bắn thì kẹt đạn, nên bắt lên xe luôn. Anh Hồ lên lầu, bước vào phòng, Quỳnh đang chuẩn bị nghỉ trưa. Đưa giấy “mời” ra, ông ta thản nhiên đứng dậy, mặc áo ra đi.”

Mới đây, theo tin từ Ban liên lạc Trường Thanh niên Tiền thuyến Huế (nơi đã đào tạo cho Tổ quốc ta nhiều cán bộ cao cấp, một ngôi trường đặc biệt “không do Đảng thành lập mà đi theo Đảng”), Giáo sư Tạ Quang Bửu và Luật sư Phan Anh đã được nhà nước ta công nhận là “lão thành cách mạng”.

Trong nhân dân ta, cứ nghe “lão thành cách mạng” là chỉ nghĩ đến các đảng viên cộng sản. Nhưng, như lời Bác dạy: “Hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước, họ yêu nước theo cách của mình. Yêu nước rồi làm cách mạng. Mà cách mạng, cũng theo Bác, là “đổi cũ ra mới, đổi xấu ra tốt”. Là trí thức họ nhận thức được sự cần thiết và tự gánh lấy trách nhiệm “đổi mới” – dù chưa / không là đảng viên.

Đó là một sự kiện lịch sử được đánh giá lại sau 60 năm.

Vì theo công văn số 133/LSĐ đề ngày 9/4/2002 của Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, do TS. Nguyễn Quý – Phó Viện trưởng ký, còn cho rằng “tổ chức Phan Anh có tên gọi chính thức là Đoàn Thanh niên Tiền phong (sai và nhầm lẫn), là tổ chức quần chúng vũ trang do  Bộ Thanh niên Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim lập ra (sai), với ý đồ xây dựng một lực lượng vũ trang làm hậu thuẫn cho chính phủ bù nhìn (sai nữa)”… (Còn nhiều ý sai khác).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói “Sự kiện lịch sử không lặp lại. Nhưng cái sai của lịch sử vẫn có thể tái diễn”.

Mong rằng, nhiều sự kiện, con người – ví dụ như Phạm Quỳnh… cũng mau chóng được nhận thức lại.

T.T.

 

 

Giới thiệu Toàn tập truyện ngắn Nam Phong

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:36 sáng

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 4 tháng 10 năm 2012.

Sách mới của Nhà xuất bản Văn Học:

Toàn tập truyện ngắn Nam Phong

Lời dẫn của Phạm Tôn: Cách đây hơn 20 năm, tại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ta đã xuất hiện một tập Truyện ngắn Nam Phong in một số truyện đã đăng trên 211 số báo Nam Phong. Nhưng lần này, mới là lần đầu tiên xuất bản toàn tập truyện ngắn đã đăng trên Nam Phong do Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo sưu tầm và biên soạn,  Nhà xuất bản Văn học xuất bản với 540 trang sách khổ 15x23cm, in xong và nộp lưu chiểu năm 2012.

Sau đây là Lời mở đầu tập sách của Phó giáo sư Lê Chí Dũng nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt, giới thiệu tập sách này.

—o0o—

Vào đầu thế kỷ XX, khi nước ta đã trở thành một bộ phận của thế giới hiện đại, khi thành thị Việt Nam đang tư sản hóa cùng với sự xuất hiện của tầng lớp thị dân, khi văn hóa nước ta giao lưu mạnh mẽ với văn hóa phương Tây, chủ yếu là với văn hóa Pháp, và một tầng lớp trí thức Tây học ra đời thay thế cho tầng lớp trí thức Nho học đang tàn tạ, thì vấn đề đổi mới văn học, đưa văn học vào quỹ đạo chung của văn học thế giới đã trở thành yêu cầu cấp bách. Văn học Việt Nam lúc đó đứng trước hai khả năng phát triển: hoặc cách tân dần dần văn học truyền thống để đi đến văn học hiện đại; hoặc học tập văn học phương Tây, theo hệ thống thể loại văn học ấy để nhanh chóng xây dựng văn học hiện đại nước nhà.

Trong hoàn cảnh như vậy, việc phát triển truyện ngắn, đương nhiên cũng đứng trước hai khả năng: đổi mới dần dần truyện ngắn truyền thống; hoặc nương theo thể loại truyện ngắn phương Tây, mau chóng tạo ra truyện ngắn hiện đại Việt Nam.

Các nhà nho, như Phan Bội Châu, Nguyễn Khắc Hiếu, đã chọn khả năng thứ nhất. Phan Bội Châu dùng văn học để tuyên truyền, cổ động cho sự nghiệp cứu nước. Nhà chí sĩ đã cách tân nhiều thể loại văn học truyền thống, trong đó có thể loại truyện kể ngắn; đó là những sáng tác bằng văn xuôi chữ Hán, như các truyện Nguyễn  Hàm, Trần Quý Cáp, Đặng Thái Thân, Nữ liệt sĩ Đinh phu nhân, Tái sinh sinh, Nhà sư ăn rau, Chân tướng quân, Phạm Hồng Thái truyện, và các truyện được viết bằng tiếng Việt, như Truyện ông Lý Hồ, Anh Khờ, Kểnh và Càng. Đọc những truyện này, độc giả cảm nhận rõ ảnh hưởng của liệt truyện – một thể loại được Tư Mã Thiên sử dụng để viết Sử ký, một thể loại rất thông dụng đối với nghệ sĩ ngôn từ ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam thời trung đại. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đến với văn học nước nhà giữa lúc các thể loại văn học truyền thống bị “xuống giá” so với hệ thống thể loại văn học phương Tây tràn vào Việt Nam, “xuống giá” tới mức không chỉ khiến Nguyễn Bá Học nói một cách cực đoan rằng thơ, phú, lục của nhà nho “tô điểm sai cả cảnh thực”, “dù cho quỷ khốc thần kinh cũng không đáng giá một đồng tiền kẽm”, mà còn làm Ngô Đức Kế buộc lòng thú nhận văn học cũ “chỉ tả được những cảnh kiều sương, điếm nguyệt, mục thụ, tiều phu, không lấy gì cho lạ tai mới mắt, thêm tri thức, thêm học vấn”. Sáng tác văn chương, “nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng”, trong đó có viết truyện, Tản Đà mong muốn thể hiện trên trang giấy “những điều ta nghe, mắt thấy”, “không kể điều hay nhẽ dở, sự nhỏ việc to trong xã hội”, “để nơi nọ biết được sự tình của người nơi kia, kẻ sinh sau được nghe câu chuyện về thuở trước”. Đọc truyện của Tản Đà, như Thề non nước, Thần tiên, độc giả thấy ông kế thừa lối viết truyện của tác giả Truyền kỳ mạn lục.

Các nghệ sĩ ngôn từ thuộc tầng lớp trí thức Tây học, như Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao, đã chọn khả năng thứ hai. Ở Nguyễn Công Hoan truyện ngắn đã đạt tới hiện đại ở giáp ranh những năm cuối 1920 – đầu những năm 1930 và trong truyện ngắn của ông lối kể chuyện dân gian rất rõ. Nếu nói rằng truyện ngắn hiện đại là cuộc phiêu lưu vô tận của nhà văn vào thế giới tâm lý của nhân vật, thì truyện ngắn của Thạch Lam và Nam Cao là truyện ngắn hiện đại loại đó.

Trong sự vận động và phát triển của văn xuôi tự sự nói chung và của truyện ngắn nói riêng, độc giả có thể thấy Đặng Thai Mai viết truyện ngắn bằng tiếng Pháp, in trên các báo ở Hà Nội; Cung Giũ Nguyên viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Đây là một hiện tượng nhất thời trong văn học hiện đại Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc trong những năm cuối 1910 và những năm 1920 viết văn chính luận, truyện ngắn, ký và tiểu phẩm báo chí, in trên báo ở Paris. Những văn phẩm này của Nguyễn Ái Quốc theo các chuyến tàu biển từ Pháp về Việt Nam, lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp, và đến các nước thuộc địa và phụ thuộc khác của chủ nghĩa thực dân. Những sáng tác văn chương ấy của Người đã đặt nền móng cho văn học cách mạng của giai cấp vô sản Việt Nam và chắc chắn đã góp phần xây dựng nền văn học cách mạng ở các nước từng là thuộc địa và phụ thuộc của chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Viết văn bằng tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc hướng sự tuyên truyền, vận động và tổ chức cách mạng vào quần chúng nhân dân, nhưng thông qua cái cầu nối là những người yêu nước, đồng thời thông thạo tiếng Pháp, thích văn học Pháp và tiếng Pháp trong sáng, tinh tế. Đó là chỗ khác biệt căn bản giữa Nguyễn Ái Quốc và những người kể trên khi dùng tiếng Pháp sáng tác văn chương. Chỗ khác biệt nữa giữa Nguyễn Ái Quốc và những người ấy là: viết truyện ngắn bằng tiếng Pháp, như Les lamentations de Trung Trac (Những lời than của bà Trưng Trắc), Incognito (Vi hành), Turlupinades ou Varenne et Phan Boi Chau (Những trò lố hay Varenne và Phan Bội Châu), La tortue (Con rùa), L’enfume’ (Con người biết mùi hun khói), D’un commun accord (Đồng tâm nhất trí), Nguyễn Ái Quốc kế thừa truyền thống giáo dục bằng lịch sử, bằng các nhân vật anh hùng trong lịch sử, bằng người thật, việc thật, sử dụng nghệ thuật ngụ ngôn…của văn học trung đại Việt Nam.

Như vậy, người Việt Nam viết văn bằng tiếng Pháp, dù với những mục đích khác nhau, chỉ là hiện tượng nhất thời, không tạo ra một dòng văn chương bằng tiếng Pháp bên cạnh dòng văn chương bằng tiếng Việt trong con sông văn học hiện đại Việt Nam.

Nhìn lại những điều đã được trình bày ở trên, có thể rút ra điều sau đây: những truyện ngắn của Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc, của Tản Đà, Thạch Lam và Nam Cao, tuy viết bằng chữ Hán, bằng tiếng Pháp hay bằng tiếng Việt, và theo đuổi những mục đích khác nhau, nhưng đều cho thấy thể loại đang sống trong hiện tại bao giờ cũng nhớ đến quá khứ của mình.

Các tác giả của những truyện ngắn in trên Nam Phong tạp chí đã chọn khả năng nào trong hai khả năng phát triển của truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỷ XX và những truyện ngắn đó có vị trí như thế nào trong tiến trình xây dựng và phát triển truyện ngắn hiện đại Việt Nam? Nhằm mục đích cung cấp tư liệu để các nhà nghiên cứu văn học và bạn đọc có thể trả lời một cách xác đáng, cụ thể câu hỏi đó, tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo đã sưu tập toàn bộ truyện ngắn – hơn 60 truyện đã được đăng tải trên tạp chí tồn tại từ 1917-1934 ấy. Đó là cống hiến tủa tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo.

Các tác giả của những truyện ngắn trên Nam Phong tạp chí  đã cố gắng kể lại cho hệt những điều tai nghe, mắt thấy hoặc nếm trải trong cuộc sống – xã hội đời thường, một cuộc sống – xã hội khiến cho nhiều người đương thời phải than thở:

Ngồi buồn nghĩ chuyện vẩn vơ,

Quái, con ngựa sắt bây giờ đi đâu?

Anh hùng vắng mặt từ lâu,

Trên đầu phành phạch chiếc tàu nó bay”;

một cuộc sống – xã hội đầy rẫy những thối nát, bất công, thù địch với con người… Thi thoảng thấy đôi đốm sáng về người tốt, việc tốt trong những truyện ngắn ấy, thì ở thuật giả cũng pha tạp cảm hứng ngợi ca với cảm hứng phê phán. Nghĩa là truyện ngắn trên Nam Phong tạp chí né tránh những vấn đề quốc sự (đọc hơn 60 truyện ngắn trên tạp chí này, chỉ gặp được một dòng có quan hệ đến quốc sự ở cuối truyện Câu chuyện ra ở đời của Tam Phủ: “ […] thuật giả nghe nói một người bị bắt, vì việc cộng sản, dây dưa thế nào, thuật giả lấy làm lạ; còn người kia được tin thời nghe nói ngồi khóc, […]” ).

Một điều đáng chú ý ở những truyện ngắn trên Nam Phong tạp chí là: những truyện ngắn này đã lọc qua chủ trương “điều hòa tân cựu”, “thổ nạp Á- Âu”. Có thể thấy rõ điều này nơi những tác giả các truyện ngắn: Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục là những người cựu học; những người cựu học chuyển sang tân học: Nguyễn Bá Học và Hoàng Ngọc Phách; những người tân học: Phạm Duy Tốn và Lê Đức Nhượng. Ở truyện của Đông Châu và Tùng Vân không có chút gì gọi là truyện ngắn. Ở truyện ngắn Nguyễn Bá Học là sự mô tả khách quan, nhưng không vượt thoát được quan niệm văn học cũ; vừa làm quen với lối kể chuyện, mô tả, đối thoại của truyện ngắn hiện đại, vừa sử dụng văn biền ngẫu và chưa ra khỏi cách xây dựng hình tượng của văn học trung đại. Lê Đức Nhượng, không chỉ viết được nhiều truyện ngắn hơn, mà còn viết khéo hơn so với Nguyễn Bá Học. Về Phạm Duy Tốn, có nhà nghiên cứu đánh giá rằng “[…] lấy một truyện của Phạm Duy Tốn đem đặt cạnh một truyện cổ điển, ta thấy có một sự ly dị, một sự gián cách đột ngột, bất ngờ cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật” (Thanh Lãng). Quả là truyện ngắn của Phạm Duy Tốn là một bước tiến về phía trước so với truyện ngắn của Nguyễn Bá Học, nhưng vẫn chưa thể nói đó là một “sự ly dị, một sự gián cách đột ngột, bất ngờ cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật” so với “truyện cổ điển” được. Truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, kể cả truyện ngắn nổi tiếng của ông Sống chết mặc bay, vẫn chưa đạt tới truyện ngắn hiện đại.

Nói đến sự vận động và phát triển của thể loại truyện ngắn của văn học hiện đại nước nhà, không thể quên vị trí đi đầu của truyện ngắn Nam Bộ, trong đó có truyện Thày Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản – tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu văn học coi là tác phẩm hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam – đã được xuất bản tại Sài Gòn năm 1887.

Truyện ngắn trên Nam Phong tạp chí xuất hiện chậm hơn truyện ngắn Nam Bộ hai thập niên;nhưng cả truyện ngắn trên Nam Phong, cả truyện ngắn Nam Bộ đều ở bước đi đầu tiên của truyện ngắn hiện đại Việt Nam và đều nằm trong quỹ đạo của sự lựa chọn khả năng thứ hai cho sự phát triển của truyện ngắn nước nhà.

Năm 1965, ở miền Bắc, sinh viên khoa Ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã soạn Mục lục tư liệu văn hóa, văn học trên Nam Phong tạp chí  theo sự hướng dẫn của giáo sư Nguyễn Lộc; năm 1968, ở miền Nam, Nguyễn Khắc Xuyên soạn và ấn hành Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong (công trình này được nhà xuất bản Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Đông Tây tái bản, Huế, 2002). Nhờ những công trình như thể, độc giả hôm nay vô cùng thuận lợi tìm “địa chỉ” của những truyện ngắn in trên Nam Phong tạp chí . Tuy nhiên để đọc được những sáng tác đó, độc giả phải vào thư viện, tiếp xúc với bụi và mọt, với microfilm dưới ánh đèn nhức mắt, ngày này qua ngày khác. Độc giả ở Hà Nội và ở thành phố Hồ Chí Minh có thể đọc những truyện ngắn trên Nam Phong tạp chí theo cách này. Độc giả ở những nơi khác thì đành…chào thua!

Sưu tập toàn bộ những truyện ngắn trên Nam Phong tạp chí để ấn hành, trao tận tay bạn đọc, tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo cũng tính đến những điều ấy…

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa Toàn tập truyện ngắn Nam Phong.

PGS.TS Lê Chí Dũng

Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn

Trường Đại học Đà Lạt

Tháng Mười 12, 2012

Hai tư liệu tham khảo dành cho nhà báo Đặng Minh Phương

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:42 sáng

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 3 tháng 10 năm 2012.

HAI TƯ LIỆU THAM KHẢO DÀNH CHO NHÀ BÁO ĐẶNG MINH PHƯƠNG

Lời dẫn của Phạm Tôn:  Tạp chí Hồn Việt số 61 (tháng 8/2012), số 62 (tháng 9/2012) và số 63 (tháng 10/2012) có đăng bài Người cùng thời với Phạm Quỳnh nói về Phạm Quỳnh của Đặng Minh Phương.

Năm 2006, tạp chí Công Giáo và Dân Tộc (Thành phố Hồ Chí Minh) đăng bài Phạm Quỳnh, người nặng lòng với nước và bài Phạm Quỳnh, người nặng lòng với tiếng ta, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Thừa Thiên Huế) đăng bài Phạm Quỳnh, nặng lòng với nhà và tạp chí Xưa và Nay (của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đăng bài Người nặng lòng với nước của chúng tôi. Sau đó hai năm, năm 2008 nhà báo lão thành Đặng Minh Phương đã mở đầu cuộc thảo luận về Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh do Hồn Việt tổ chức với bài Ông Phạm Quỳnh và báo Nam Phong nhằm phản bác “Một số người cứ muốn “đặt lại vấn đề” làm sai lệch những gì đã diễn ra trong lịch sử chưa xa.” (Nguyên văn câu kết luận của bài này). Vì thế, chúng tôi lại phải gởi Hồn Việt đến bốn bài, có hai bài mang nhan đề Ông quả thật là người nặng lòng với nước (1 và 2) mà Hồn Việt đã đăng. Suốt đợt “thảo luận”, chúng tôi là người duy nhất được đăng hai bài.

Sau bốn năm nghiền ngẫm sưu tầm, năm nay nhà báo lão thành lại đưa ra bài mới này. Nói là “bài”, chứ Đặng Minh Phương viết rất ít, tuy vậy những gì ông viết không khỏi khiến người đọc phải “thán phục”.

Ví như ngay phần đầu bài này (trong số 61) mang tiêu đề Thi sĩ Tản Đà: Không thương nước mà viết lời ái quốc thì không lừa gạt được ai, ông Đặng Minh Phương “mạnh dạn” viết: “Ông Phạm Quỳnh biện luận nhiều về yêu nước, quốc hồn, quốc tuý, nhưng ông đã cúc cung phục vụ bọn thống trị Pháp, nhân cách của ông bị người đời rất coi khinh. Năm 1927, thi sĩ Tản Đà viết trên Đông Pháp Thời Báo, số 641 bài Người làm văn, người đọc thấy rất tương đồng với con người ông Phạm Quỳnh”.

Thì ra Tản Đà không hề nói gì đến Phạm Quỳnh, là người chủ bút thi sĩ từng cộng tác từ khi Tạp chí Nam Phong mới ra đời, mà “người đọc Đặng Minh Phương”… 85 năm sau lại đọc thấy ngay là “rất tương đồng với con người ông Phạm Quỳnh”…. chọn ngay bài nhỏ này làm phần mở đầu cho bài đại luận phê phán Phạm Quỳnh của mình.

Đến kỳ thứ ba (số 63 tháng 10/2012) thì không thấy đề tên tác giả dưới tên bài, những tưởng có người “hưởng ứng” cùng tham gia, hoá ra cuối bài lại là Đặng Minh Phương, dưới đó là hai chữ sưu tầm. Lẽ ra cả hai bài trước cũng nên viết như vậy rồi.

Kỳ ba này có năm phần thì đến ba phần là trích từ cuốn sách của Nguyễn Văn Trung Trường hợp Phạm Quỳnh xuất bản ở Sài Gòn trước ngày giải phóng mà Blog PhamTon chúng tôi đã phê phán nhiều trong mấy năm sau.

Ông Đặng Minh Phương thuộc số rất ít người luôn một lòng “trung thành” với cái cũ, thành thật tin chắc là mỗi lời “trên” đã nói ra đều là đúng (theo kiểu nhất ngôn cửu đỉnh), mỗi việc “trên” đã cho in vào sách báo đều không thể sai, dù thời thế có thay đổi, dù ai có nói gì, viết gì, hội thảo gì, ông vẫn giữ một lòng “trung” với “trên”, “trung” với những nhận thức cũ, bất chấp đất nước ta đã đổi mới hơn một phần tư thế kỷ rồi…

Chúng tôi vốn trọng ông, suốt cuộc đời gian khổ phấn đấu, cần mẫn làm việc, sống liêm khiết, trong sạch, một lòng vì nước vì dân, vậy mà tiếc thay ông lại dành những năm tháng quí báu cuối đời để làm một việc như ông đang làm là tiếp tục xông vào bôi bác Phạm Quỳnh, những tưởng như vậy là làm “theo ý trên”, “trung với lý tưởng”, trong khi chưa chắc “trên” vẫn còn muốn như thế, mà lại muốn nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, nói đúng sự thật lịch sử, nói lên nguyện vọng, ý chí của nhân dân. Tiếc thay…

Chỉ còn biết mong ông luôn mạnh khoẻ (mặc dù biết ông bao giờ cũng như vậy), càng mong ông minh mẫn, sáng suốt để sống thanh thản những ngày cuối đời.

Bởi cứ sống tiếp đi, rồi sẽ thấy…

*

*    *

Nhân kỳ thứ hai bài đại luận của ông Đặng Minh Phương có các phần: Ngô Tất Tố: Không phải đánh bốc, đánh bài tây đấyPhạm Quỳnh bị sinh viên Hà Nội tát tai, chúng tôi xin cung cấp hai tư liệu đã đăng trên Blog PhamTon để nhà báo lão thành và quí bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo.

 KÉP TƯ BỀN

VỚI HẢI TRIỀU, HOÀI THANH VÀ NGUYỄN CÔNG HOAN

Nguyễn Trung

 Lời dẫn của Phạm Tôn: Kép Tư Bền tập tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan đã làm sôi nổi hẳn cuộc tranh luận nổi tiếng một thời giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh ở nước ta nửa sau những năm 1930. Hôm nay, chúng tôi đưa lên blog tư liệu sưu tầm của Nguyễn Trung trích  từ bài Cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935-1939 của Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện Văn học – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam số 4/2011 và sách Đời viết văn của tôi của Nguyễn Công Hoan, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, năm 1971.

*

*          *

I. Trích bài Cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật thời kỳ 1935-1939

của Nguyễn Đình Chú (từ trang 44 đến trang 48)

 (…) Nhân dịp tập truyện ngắn mang tên Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan được xuất bản (1935), trên Tiểu thuyết thứ bảy số 62 ra ngày 2/8/1935, Hải Triều viết bài Kép Tư Bền – một tác phẩm thuộc về trào lưu “Nghệ thuật vị nhân sinh” ở nước ta, trong đó, ông tỏ rõ khoái chí đã có Kép Tư Bền để chứng minh cho sự thành công của quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Hải Triều viết: “Ở xứ này muốn chủ trương một vấn đề gì mà đến khi tìm vài cái chứng giải thiết thực về xã hội, thật nhiều khi không biết vớ vào đâu. Tôi nhận thấy ở nước ta, trong văn học giới đã bắt đầu có cái triều lưu “nghệ thuật vị nhân sinh”; “tôi đã thừa nhiều cơ hội để đề khởi đến nó và đã có phen bút chiến với ông Thiếu Sơn về vấn đề ấy (Báo Đời mới số 1,3,4). Nhưng đến khi ai hỏi tôi cái tư triều văn nghệ vị dân sinh nước ta đâu nào? Thật tôi cũng thấy lúng túng không biết kiếm đâu cho ra một cái chứng cứ đích xác. Nhưng đến ngày nay, tôi đã có thể tự đắc nói rằng: “Có rồi, có rồi, ông cứ xem quyển Kép Tư Bền đi. Cái chủ trương “nghệ thuật vị nhân sinh” của tôi ngày nay đã biểu hiện bằng những bức tranh rất linh hoạt dưới ngòi bút tài tình của nhà văn sĩ Nguyễn Công Hoan mà người ta đã tặng cho cái tên hay là “nhà văn của hạng người khốn nạn”. “Cái mục đích của thuyết nghệ thuật vị nhân sinh đến đây có thể gọi là có chút thành quả vậy”; “Kép Tư Bền có thể nói rằng đã mở một kỷ nguyên mới cho cái tư triều văn nghệ tả thiệt và xã hội ở nước ta”…Và lần này thì không phải Hải Triều mà chính Hoài Thanh đã chủ động tấn công. Trên báo Tràng An số ra ngày 15/8/1935, Hoài Thanh cho in bài Văn chương là văn chương (đáp lại bài Phê bình văn nghệ của ông Hải Triều ở TTTB số 62). Trong đó, ông viết: “Ông Hải Triều có lẽ là một người đối với thời cuộc có tấm lòng nhiệt thành đáng trọng, một nhà xã hội học, một nhà triết học hay gì… học đi nữa tôi không biết. Nhưng rõ ràng ông không phải là một người hiểu văn chương. Người ta vẫn có thể đứng về phương diện xã hội phê bình một văn phẩm cũng như người ta phê bình về phương diện triết lý, tôn giáo, đạo đức… Nhưng có một điều không nên quên là bao nhiêu phương diện ấy đều là phương diện phụ. Văn chương muốn gì thì trước hết cũng phải là văn chương đã”; “Ông Hải Triều chán những tác phẩm ấy không phải vì nghệ thuật thấp kém mà ông thích quyển Kép Tư Bền cũng không phải vì nghệ thuật quyển này có cao hơn. Nghệ thuật là cái gì đó mà ông không biết đến. Ta hãy nghe ông nói: “Thời các ngài đọc các truyện như Người ngựa và ngựa người, Thằng ăn cắp, Kép Tư Bền… các ngài sẽ thấy trong xã hội một số đông người phải bán thân nuôi miệng, hoặc các ngài sẽ thấy những đứa bé cùng khốn quá, quyết ăn lường để chịu đấm, hoặc các ngài thấy một giai cấp đủ ăn, đủ mặc, chực mua cái cười vui bên cái sầu cái khổ của kẻ nghèo”. Nếu phải nhờ đến Kép Tư Bền ra đời mới biết trong xã hội này phải có người bán thân nuôi miệng, có người ăn lường chịu đấm… thì xin lỗi độc giả – công chúng nước Nam này rặt là người ngu. Có ngu mới không thấy những điều tầm thường như vậy, một đứa trẻ lên mười cũng thừa hiểu. Dẫu sao tôi cũng tin ở trí thông minh của công chúng hơn. Công chúng thích tập truyện ngắn Kép Tư Bền không phải thích xem những chuyện họ vốn thừa biết từ bao giờ mà thích những câu văn ngộ nghĩnh, có ý tứ mà Nguyễn Công Hoan đã khéo léo lắp vào trong những cốt truyện không có gì. Người ta xem một cuốn truyện chứ có phải xem một thiên phóng sự đâu?”.

(…) Sau bài viết của Hoài Thanh hai tuần lễ, Hải Triều đã có bài Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội (Đáp lại bài Văn chương là văn chương của ông Hoài Thanh ở báo Tràng An số 11/8/1935). Đến lượt mình, Hải Triều cũng lại cho Hoài Thanh là người không hiểu nghệ thuật và “vô ý đã mài gươm tự sát”. Hải Triều viết: “Ông Hoài Thanh bảo: “Khi thưởng thức một tác phẩm về nghệ thuật, lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên trên, lẽ cố nhiên phải chú ý tới cái đẹp, trước khi chú ý tới những tính cách phụ, những hình thức tạm thời của nó”. Căn cứ vào cái quan niệm ấy, ông bảo chúng ta rằng cái giá trị quyển Kép Tư Bền không phải ở chỗ Nguyễn Công Hoan tả những nỗi đau thương của hạng người nghèo khó hay những cái xấu xa hèn mạt của một chế độ xã hội hủ bại, mấy cái ấy đối với ông Hoài Thanh, ông đều liệt vào “cái tính cách phụ” hay những “hình thức tạm thời”. Chính giá trị quyển Kép Tư Bền theo ý ông là những câu văn ngộ nghĩnh, có ý cứ mà Nguyễn Công Hoan đã khéo lắp vào những cốt truyện không có gì”… Tôi thiết tưởng muốn đáp lại bài của ông Hoài Thanh, tôi chỉ khuyên ông ấy chịu khó đọc lại những bài mà tôi đã viết về vấn đề ấy. Nó sẽ là những tiếng đáp lại rất vững vàng chắc chắn cho ông rồi. Ông Hoài Thanh cho tôi nói câu này: Ông bàn về nghệ thuật mà thực ông chưa hiểu về nghệ thuật là cái gì. Nói đến cái đẹp trong nghệ thuật – nói gồm lại là trong văn nghệ – mà ông chỉ chú ý có một phương diện về hình thức câu văn cho ngộ nghĩnh, cho du dương, thì đã có gì là đẹp đâu, đã có gì là nghệ thuật đâu? Không, ông ạ, khi nói đến nghệ thuật, ông phải chú ý đến cả hai phần: hình thức (forme) và nội dung (fond). Hai cái phân tích ấy nó đắp nổi, nó bồi bổ cho nhau, không cái nào là thực thụ, cái nào là tạm thời, cái nào là chính thức, cái nào là phụ thuộc. Bên này ông Hoài Thanh không thế. Trong khi ông thưởng thức văn nghệ, ông chỉ chú trọng câu văn hay, chẳng khác nào con người ta có hai chân, ông cưa bớt đi một chân rồi bảo thế là đẹp, thì chẳng biết đẹp ở cái gì nhỉ?”…

(…) Hoài Thanh đã có bài viết tiếp cũng lấy nhan đề là Văn chương là văn chương(Đáp lại ông Hải Triều và ông Phan Văn Hùm trên Tin Văn) đăng ở báo Tràng An số 62 ngày 1/10/1935. Ở đây (…) Hoài Thanh cãi lại: “Tôi đọc bài của hai ông, đọc đi đọc lại rồi ngẫm nghĩ, tôi chỉ thấy hai ông trách tôi ở chỗ này: không cho nhà văn làm công việc xã hội. Sao các ông không thấy trong bài trước tôi đã có câu: “Nhà văn là một người sống giữa xã hội cố nhiên phải tùy sức mình, làm hết phận sự đối với xã hội. Tôi muốn nói nhà văn có lúc phải biết bênh vực kẻ yếu, chống lại sức mạnh của tiền tài, của súng đạn, nhưng trong lúc đó nhà văn không làm văn nữa mà chỉ làm cái phận sự của một người cầm bút mà thôi. Ta nên nhớ rằng càm bút chưa phải là viết văn. Văn chương là một vật quý có đâu được nhiều thế. Cũng trong bài trước, tôi nhận rằng một quyển sách có tính cách văn chương vẫn có thể đèo thêm nhiều tính cách khác nữa như chính trị, xã hội, đạo đức, tôn giáo, v.v… Tôi chỉ muốn người ta phân biệt các tính cách ấy ra và trong lúc xét quyển sách về phương diện nghệ thuật, phải để ý đến tính cách khác… tôi lại muốn người ta nhận rằng một quyển sách chuyển tải nỗi khổ của kẻ lao động chưa phải là sách hay, hay là ở chỗ biết cách tả. (Hoài Thanh – Bình luận văn chương. NXB Giáo Dục, 1992, tr.28-39) cũng cần nói thêm là trong quãng thời gian giữa hai bài viết cùng một nhan đề Văn chương là văn chương (Từ 15/8/1935 đến 1/10/1935), ngày 14/9/1935, trên Tiểu thuyết thứ bảy số 68, trong bài Phê bình văn, với tinh thần phê phán tình trạng viết văn phê bình nhàm chán đương thời, Hoài Thanh cũng lại có ý kiến về Kép Tư Bền và Hải Triều. Ông viết: “Còn như lặp đi lặp lại những điều trơ trơ ra trước mắt, thì viết làm gì mất công. Như gần đây trong bao nhiêu bài phê bình quyển Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, tôi chỉ thấy có bài của ông Hải Triều là còn có một hai chỗ đặc sắc, tuy ông Hải Triều không đứng về phương diện văn chương. Ngoài ra, người nào cũng khen Nguyễn Công Hoan có lối văn trào phúng và hay tả những cảnh khốn nạn. Thì hai cái đặc tính ấy của văn Nguyễn Công Hoan người ta đã nói đến những bao giờ. Nói lại làm gì nữa, nếu không có thể nói lại một cách hay hơn”. Cũng cần nói thêm rằng: trong khi Hoài Thanh và Hải Triều bút chiến với nhau chung quanh tác phẩm Kép Tư Bền thì tác giả Nguyễn Công Hoan có thể nói vẫn là người của cả hai bên, thậm chí là còn của Hoài Thanh nhiều hơn (Chúng tôi nhấn mạnh – N.T). Cụ thể: nhân dịp Kép Tư Bền ra mắt bạn đọc, Nguyễn Công Hoan vào Huế chơi, ở ngay trong nhà Hoài Thanh. Còn Hải Triều chủ nhiệm nhà sách Hương Giang thì chỉ mời ông đến cho độc giả chữ ký. Sau này, trong Đời viết văn của tôi, (nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1971), Nguyễn Công Hoan đã kẻ lại: “Khi tôi ở Huế, nhà sách Hương Giang tổ chức một buổi mời tôi đến ký tên vào những tác phẩm của tôi do độc giả đưa lại… Nhà Hương Giang còn mở một cuộc trưng cầu ý kiến các bạn hàng xem những cuốn nào được hoan nghênh. Kết quả là Kép Tư Bền được xếp lên hàng đầu. Cuốn Kép Tư Bền là đề tài cho một cuộc bút chiến giữa hai chủ trương về nghệ thuật. Phái nghệ thuật vị nhân sinh của Hải Triều đã viết nhiều bài đanh thép để công kích phái nghệ thuật vị nghệ thuật của Hoài Thanh. Tất cả những sự việc trên đã làm cho cuốn Kép Tư Bền của tôi được công chúng độc giả rộng rãi hơn trước chú ý đến. Riêng tôi việc cuốn Kép Tư Bền được hoan nghênh làm cho tôi càng tin rằng tôi viết nổi tiểu thuyết và tôi có thể theo đuổi được nghề viết văn. Còn như là tiểu thuyết xã hội, hay nhà văn tả chân, hay nhà văn trào phúng và hài hước hay nhà văn của dân nghèo, v.v… như các nhà phê bình đã nhận định về tôi, tôi cho là tùy người ta, muốn gọi gì thì gọi”.

II. Trích sách Đời viết văn của tôi của Nguyễn Công Hoan (trang 160-161)

       Trong Đời viết văn của tôi, do nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, xuất bản năm 1971, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã chân tình, ưu ái viết về Phạm Quỳnh như sau:

      “Tôi nhìn thấy cảnh bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm này thì sực nghĩ đến Phạm Quỳnh. Tôi cho rằng Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh là những người có chính kiến. Thấy ở nước ta, ba kỳ có ba chế độ chính trị khác nhau, Nguyễn Văn Vĩnh mới chủ trương thuyết trực trị. Người Pháp trực tiếp cai trị người Nam, như ở Nam Kỳ, không phải qua vua quan người Nam, thì dân được hưởng nhiều chế độ rộng rãi hơn. Phạm Quỳnh, trái lại, chủ trương thuyết lập hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884, chỉ đóng vai trò bảo hộ, còn công việc trong nước thì vua quan người Namtự đảm nhiệm lấy. Bây giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan, tôi cho không phải vì danh. Quốc dân biết Phạm Quỳnh hơn biết mấy Thượng thư Namtriều. Cũng không phải vì lợi. Làm báo Nam Phong Phạm Quỳnh cũng được phụ cấp 600 đồng một tháng, món này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan, chỉ là để rồi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam triều, đòi Pháp phải trở lại Hiệp ước 1884. Vậy một người yêu nước như Phạm Quỳnh, sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua chỉ là làm một việc miễn cưỡng, trái với ý muốn, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn, chứ thực lòng, là một người dân mất nước, ai không đau đớn, ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ được ra truyện Kép Tư Bền,tả một anh kép hát nổi tiếng về bông lơn, đã phải vì giữ tín nhiệm với khán giả mà ra sân khấu nhà hát làm trò cười, ngay cái tối cha anh đương hấp hối.”

(Trích ở Đời viết văn của tôi NXB Văn học Hà Nội 1971)

N.T.

Tháng Mười 11, 2012

Thêm những góc nhìn về Phạm Quỳnh (phần 1)

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 10:44 chiều

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 3 tháng 10 năm 2012.

Cuộc toạ đàm về Phạm Quỳnh tại Huế (30/8/2012)

THÊM NHỮNG GÓC NHÌN VỀ PHẠM QUỲNH

Nguyễn Xuân Hoa

Nhà nghiên cứu văn hoá Huế

Lời dẫn của Phạm Hữu Thanh Tùng: Phạm Quỳnh – một góc nhìnlà công trình nghiên cứu, biên khảo nghiêm túc của Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan, một người con ưu tú của xứ Huế, đang sống và làm việc ở Hà Nội. Tác phẩm được nhà xuất bản Công an nhân dân cấp phép và ấn hành quý 3/2011. Cuốn sách khá dày dặn, gần 300 trang khổ 13×19, tư liệu phong phú, chân thực và khách quan, được đông đảo độc giả đón nhận, dư luận đánh giá cao. Đúng một năm sau, quý 3/2012, tác giả tiếp tục cho mắt tập 2, dày hơn 300 trang, cũng do nhà xuất bản Công an nhân dân cấp phép.

Như một sự chia xẻ, và có cả lòng tri ân với tác giả Nguyễn Văn Khoan, được sự đồng thuận của Thường trực Hội đồng toàn quốc Họ Phạm Việt Nam, được sự hỗ trợ nhiệt thành của Trung tâm Du lịch Trải nghiệm Huế xưa – Huế nay, Thường trực Hội đồng họ Phạm tỉnh Thừa Thiên Huế và gia đình tác giả tổ chức ra mắt tác phẩm Phạm Quỳnh – một góc nhìn, tập 2.

Đến dự buổi ra mắt tác phẩm có ông Phạm Minh Thông, đại diện Thường trực Hội đồng họ Phạm Việt Nam. GS-TS Phạm Như Thế, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm tỉnh Thừa Thiên Huế và các vị trong Thường trực Hội đồng. Các vị đại diện Thường trực Hội đồng Nguyễn Phước tộc, Hội đồng họ Trần, họ Lê, họ Phan, họ Thân, họ Vũ – Võ… Ông Phạm Quốc Dũng, Uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ. Bà Phạm Thị Bích Thuỷ, Thường trực Hội đồng Nhân đân tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, sở Thông tin-Truyền thông, sở Văn hoá Thể thao – Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. Các nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá tiêu biểu của Huế. Ông Nguyễn Phúc Vĩnh Mẫn, đại diện cho tác giả Nguyễn Văn Khoan. Phóng viên  HVTV, TRT, VTV4 và các báo Tiền Phong, Thanh Niên, Đại Đoàn Kết, Văn Hoá. Đặc biệt có sự hiện diện của nhạc sĩ Phạm Tuyên, đại diện gia đình cụ Phạm Quỳnh, nhân vật của tác phẩm.

Do công việc bất khả kháng nên tác giả Nguyễn Văn Khoan và GS Đinh Xuân Lâm không vào được, hai ông đã uỷ nhiệm một người bạn là ông Vĩnh Mẫn đến dự và đọc bài giới thiệu tác phẩm của GS Đinh Xuân Lâm.

Phạm Quỳnh là một nhân vật rất đặc biệt. Nhiều “nhà” trong một “nhà”: Là nhà báo, nhà văn, học giả, dịch giả xuất sắc. Nhờ có kiến thức uyên thâm ông được mời tham chính với các chức vụ Thượng thư Bộ Học, Thượng thư Bộ Lại, Tổng lý Ngự tiền văn phòng. Ở đây cũng có một người từng làm báo, làm thơ, nghiên cứu văn hoá, và “tham chính” với các chức vụ Uỷ viên Thư ký Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế, Giám đốc Sở Văn Hoá Thông Tin, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chắc chắn sẽ có nhiều đồng cảm với nhân vật Phạm Quỳnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phát biểu đầu tiên.

—-o0o—-

Phạm Quỳnh – Một góc nhìn xuất bản năm 2011 do Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan thực hiện, tập hợp một số bài viết đề cập đến nhân vật lịch sử Phạm Quỳnh, tập trung khá đậm nét về số phận cá nhân bi đát của ông vào cuối đời và bước đầu đưa ra những nhận định đặt vấn đề cần phải nhìn lại Phạm Quỳnh dưới góc độ “quan điểm Hồ Chí Minh” và sự công minh của lịch sử. Cuốn sách được khép lại với bài Văn tế Nam Phong chủ bút Phạm Thượng Chi tiên sinh của Vĩnh Ba với lời xác quyết mạnh mẽ:

                        “Ý chí ấy, nhân cách ấy, đời trăm năm dễ có được ru!

                        Công lao nầy, sự nghiệp nầy, sách vạn chữ khó mà kể xiết”

và kết thúc bằng tiếng than đầy thống thiết:

            “Ôi thôi,

            Lắm đắng cay, những tưởng chỉ là mơ

            Nhiều nuối tiếc, hóa ra toàn có thật

            Ngậm ngùi nhớ bậc hùng tài

          Xót xa khóc người đã khuất”

Năm 2012, Nguyễn Văn Khoan lại tiếp tục công bố Phạm Quỳnh – Một góc nhìn (tập 2), như một nỗ lực tiếp nối, nhưng ở lần này, góc nhìn về Phạm Quỳnh đã rộng hơn và sâu hơn như chính tác giả đã bộc bạch. Trong bài viết ngắn Chúng tôi thực hiện sách Phạm Quỳnh – Một góc nhìn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan vẫn kiên trì ý định “Qua trường hợp của “nhà văn hóa lớn” Phạm Quỳnh, chúng tôi có nguyện vọng là làm rõ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng ông cũng nói một cách bóng gió rằng “lịch sử chỉ thực hiện được đầy đủ…, khi nhà nghiên cứu lịch sử, nhà viết sử được dùng ngòi bút một cách độc lập – tự trọng, không bị lệ thuộc vào kinh tế, chính trị, uy quyền…”

Giáo sư Đinh Xuân Lâm trong bài viết thay lời nói đầu Một góc nhìn đưa đến nhiều góc nhìn đã nhận xét “Các bài nghiên cứu, giới thiệu Phạm Quỳnh được chọn đưa vào sách này khá phong phú. Có bài của nhà nghiên cứu văn học, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn hóa học, nhà báo, nhà giáo dục. Tất cả đều tập trung nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Quỳnh với tư cách một nhà văn hóa”.

Có lẽ vì thế mà mở đầu góc nhìn về Phạm Quỳnh lần này, tập sách đã giới thiệu hai bài viết về quan hệ giao lưu Đông – Tây, về vai trò của trí thức Việt Nam trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây đầu thế kỷ XX như một cách phân tích bối cảnh văn hóa lịch sử cụ thể để lý giải về trường hợp cay đắng của Phạm Quỳnh.

Bài Nam – Bắc và Đông – Tây tuy không đề cập kỹ về Phạm Quỳnh, nhưng tác giả Dương Trung Quốc đã nhận định “Những vấn đề liên quan đến sự lựa chọn thái độ với văn minh phương Tây – sự cộng tác hay chống đối sự cai trị của chế độ thực dân luôn là vấn đề sát sườn với giới trí thức cận đại. Những Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký hay Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… luôn là những trường hợp có sự đánh giá trái chiều” và cuối cùng tác giả đã kết luận “Khỏi phải phân tích dài dòng, cùng với thời gian càng ngày chúng ta càng nhận ra, về căn bản những trí thức đều quy tụ về một mối là hướng tới dân tộc bằng cách tiếp cận với văn hóa phương Tây, vì với nền văn hóa ấy, chủ nghĩa thực dân chỉ là một hiện tượng lịch sử, còn những giá trị tiến bộ, giá trị căn bản của một nền văn minh luôn là nguồn lực cho sự phát triển, nhất là với văn minh phương Tây, những giá trị dân chủ là một ưu thế mang tính chất tiên phong”.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn với bài viết công phu Vai trò của trí thức trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, khi phân tích về nguyên nhân mất nước của Việt Nam và sự cản trở trong công cuộc cứu nước thời bấy giờ đã trích dẫn một bài viết của Phạm Quỳnh năm 1926 trên tạp chí Nam Phong, cho thấy cái nhìn sắc sảo của Phạm Quỳnh, bởi chính ông đã báo động “cái nông nỗi mất nước” cả về chính trị và văn hóa của đất nước mình. Chính Phạm Quỳnh đã công khai bày tỏ về thực trạng mất nước, về chủ nghĩa đế quốc, về dục vọng bá quyền và vấn đề văn hóa đi liền với vấn đề chính trị của đất nước. Ông viết “Cái nông nỗi mất nước của ta chính là một tấn kịch nhỏ trong tấn kịch Đông – Tây xung đột nhau. Tây phương đem lại cái chủ nghĩa đế quốc, cái dục vọng bá quyền, những tư tưởng phá hoại, những cơ khí tối tân mà tràn ngập sang Đông phương trong khoảng một thế kỷ này, làm cho các dân tộc Đông phương thất điên bát đảo bảy nổi ba chìm đến nay hãy còn tê mê chưa tỉnh sự đời. Thành ra cái nông nỗi ấy đối với ta không phải chỉ là một vấn đề chính trị mà thôi, lại kèm theo một vấn đề văn hóa nữa, khó khăn nguy hiểm vô cùng”. Từ nhận thức này, Phạm Quỳnh đã luôn canh cánh với vấn đề văn hóa dân tộc và ra sức vun đắp cho nền văn hóa Việt Nam trong buổi đầu tiếp nhận văn hóa phương Tây.

Từ những tìm hiểu về quan niệm văn hóa của Phạm Quỳnh, Vương Trí Nhàn đã đi đến kết luận “Phạm Quỳnh đáng được coi là một trong số nhân vật tiêu biểu của quá trình tiếp nhận văn hóa…, ít ra là ở giai đoạn đầu của sự tiếp nhận ấy. Người ta thường chỉ nghĩ đến ông như một trong những người có cơ sở Tây học vững chắc, song sự thực là trong cái môi trường Hán Việt rộng lớn lúc ấy, Hán học đã thấm vào ông, cả hai nền văn hóa Đông Tây kết hợp ở ông khá nhuần nhị. Tiếp nối sự nghiệp của những Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của… ông thuộc loại xây nền đắp móng cho nền văn hóa mới. Không hề có sự chuyển giao chính thức, song ông đã làm những việc cụ thể để biến ước mơ của các nhà nho đầu thế kỷ, như Phan Chu Trinh và các yếu nhân Đông Kinh Nghĩa Thục trở thành hiện thực. Khốn thay những điều tâm huyết ấy lại được Phạm Quỳnh thực hiện trong vòng tay của kẻ cướp nước”. Nhưng cuối cùng với những phân tích mà ông gọi là “công bình, khoa học, cận nhân tình”, Vương Trí Nhàn đã “ngần ngại” nói ra một thực tế “Phạm Quỳnh còn yêu nước, và đó là một kiểu yêu nước ở thời của ông, theo cách của riêng ông” rồi đi đến một “kết luận khái quát: khi một người có hoạt động thực sự trên lĩnh vực văn hóa, trở thành có đóng góp về văn hóa, người đó nhất thiết phải có tình cảm tốt đẹp và sâu sắc với dân tộc, với đất nước”.

Sau những bài đặt vấn đề có tính khái quát, tập sách đã tập hợp những bài viết xoay quanh hai chủ đề lớn về thân thế và sự nghiệp của Phạm Quỳnh, về đóng góp của tạp chí Nam Phong trong nền văn học Việt Nam trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ.

Nhóm các bài viết về thân thế và sự nghiệp của Phạm Quỳnh khá đa dạng, với những góc nhìn của các tác giả ở trong và ngoài nước, đề cập từ cuộc đời của Phạm Quỳnh đến Phạm Quỳnh làm báo, Phạm Quỳnh nhà văn hóa, Phạm Quỳnh nhà chính trị, Phạm Quỳnh tham chính, Phạm Quỳnh và sự dấn thân của nhà trí thức, phong cách Phạm Quỳnh… cho thấy một chân dung nhiều góc cạnh và đa chiều của Phạm Quỳnh, nhưng tất cả đều toát lên hình ảnh của một trí thức nặng lòng với văn hóa dân tộc, một học giả uyên thâm đầu thế kỷ XX, một nhà văn hóa tham chính có tinh thần yêu nước nhưng gặp phải nhiều bi kịch. Tiêu biểu là những bài viết của Vĩnh Ba, Trần Gia Phụng, Trần Khuyết Nghi.

Vĩnh Ba trong Nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã điểm lại khá hệ thống về thân thế Phạm Quỳnh, về Phạm Quỳnh làm báo, phong cách Phạm Quỳnh, Phạm Quỳnh tham chính và nơi an nghỉ cuối cùng của Phạm Quỳnh, để cuối cùng nói đến bi kịch của Phạm Quỳnh. Bi kịch của một nhà văn hóa tham chính “đã đem cái hồn nhiên của một người làm công tác văn học vào sân khấu chính trị, ôm cái ảo tưởng chân lý sẽ thắng cường quyền, tin vào đấu tranh bằng nghị trường, bằng bất bạo động sẽ giành được chủ quyền cho Tổ quốc Việt Nam mến yêu của ông”.

Bài viết Những câu chuyện Việt sử – Trường hợp Phạm Quỳnh của Trần Gia Phụng ở Canada dù đã được Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan mới trích đăng những phần chủ yếu nhưng đã có độ dày trên 40 trang, trình bày kỹ về Phạm Quỳnh nhà văn hóa, Phạm Quỳnh nhà chính trị và Phạm Quỳnh sự dấn thân của nhà tri thức. Về văn hóa, tác giả đã khẳng định: “Qua những bài viết rất nghiêm túc về văn chương, luân lý, triết học, tư tưởng Việt Nam và đông tây kim cổ. Phạm Quỳnh đã thực hiện đúng chủ trương văn hóa của ông. Chủ trương đó được Phạm Quỳnh trình bày trong Mấy nhời nói đầu, Nam Phong số 1, tháng 7-1917: “Cái mục đích của bản báo là muốn gây lấy một nền học mới để thay vào cái nho học cũ, cùng đề xướng lên một cái tư trào mới hợp với thời thế cùng trình độ dân ta. Cái tính cách của sự học vấn mới cùng cái trào mới ấy là tổ thuật cái học vấn tư tưởng của Thái Tây, nhất là của nước Đại Pháp, mà không quên cái quốc túy trong nước”. Nhắc lại cuộc tranh luận khá gay gắt giữa Phan Khôi và Phạm Quỳnh có liên hệ đến Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng, xung quanh vấn đề Truyện Kiều và học phiệt, Trần Gia Phụng cho rằng: “Thực tế ngày nay cho thấy những nhận định của Phạm Quỳnh về Truyện Kiều và văn chương Truyện Kiều về lâu về dài khá hữu lý”. Về chính trị, bài viết đã cung cập khá chi tiết cuộc đời hoạt động chính trị của Phạm Quỳnh bắt đầu khi ông đắc cử Nghị viện Hội đồng Thành phố Hà Nội năm 1920, về những hoạt động của Phạm Quỳnh trong chuyến tháp tùng phái đoàn vua Khải Định tham dự cuộc đấu xảo Marseille năm 1922, về cuộc gặp gỡ của Phạm Quỳnh với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc tại Pháp đến thời kỳ làm Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ năm 1926, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Đông Dương 1929 – 1931 và cuộc chuyển hướng quan trọng về Huế năm 1932 lần lượt giữ cương vị Tổng lý Ngự tiền Văn phòng kiêm Thượng thư bộ Học, rồi Thượng thư bộ Lại và từ chức ngày 19-3-1945 sau cuộc đảo chính của Nhật và cuối cùng là cái chết của Phạm Quỳnh ngày 6-9-1945 tại vùng ngoại ô Huế. Từ những tư liệu sử xác thực, Trần Gia Phụng đã kết luận “Trong hoạt động chính trị, Phạm Quỳnh không tạo ra những biến cố nổi bật ở dạng bùng nổ. Ông cố gắng thu mình thật mềm mỏng, âm thầm bền bỉ và cương quyết theo đuổi một chủ trương chính trị xem ra khiêm nhường và ngắn hạn đối với nhiều người nhưng thiết thực đem lại chủ quyền cho triều đình… Ngày nay, cục diện chính trị Việt Nam đã thay đổi hẳn, quan niệm quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh không còn phù hợp nhưng không vì thế mà phủ nhận tinh thần ái quốc, lòng can đảm và sự tận tình của ông trên con đường phụng sự quê hương của ông… Nhờ theo đuổi một lý tưởng chính trị trường kỳ và bất bạo động, nên ông luôn luôn cố gắng làm những gì có lợi cho đất nước và đồng bào, đồng thời tránh không làm bất cứ việc gì có hại cho quốc gia, dân tộc. Phạm Quỳnh sống lương thiện, không bao giờ tham ô nhũng lạm, và cũng không hề gây tội ác giết hại đồng bào. Thái độ này là điều mà rất ít nhà hoạt động chính trị của mọi khuynh hướng thực hiện được, và là một điểm son sáng chói phân biệt Phạm Quỳnh với những người ra hợp tác với Pháp để trục lợi cầu vinh”.

N.X.H.

(còn tiếp)

Xin hỏi nhà văn Tô Hoài

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 10:31 chiều

Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 3 tháng 10 năm 2012.

 

XIN HỎI NHÀ VĂN TÔ HOÀI

Đông Đô

Vậy là, Hồn Việt số tháng 9/2012 đã đăng tiếp bài “sưu tầm” của Đặng Minh Phương – một nhà báo kỳ cựu về Người cùng thời với Phạm Quỳnh nói về Phạm Quỳnh. Kỳ này, ông nêu ý kiến của Tô Hoài, Ngô Đức Kế, Bảo Đại, Ngô Tất Tố, Tú Mỡ, Đặng Thai Mai, Tố Hữu… về Phạm Quỳnh.

Thực ra, “nói về” Phạm Quỳnh thì còn có hàng trăm người, là nhà văn, trí thức, thầy giáo, cộng sản, Tân Việt… hiện nay còn “khối” người đang sống, khen có, chê có, thậm chí còn “gọi” Phạm Quỳnh là Việt gian (dù chưa có hồ sơ). Sao Đặng Minh Phương lại không nói đủ cả hai chiều mà chỉ nói, viết, có một chiều. Hay là Đặng Minh Phương còn định viết tiếp bài nữa “kê khai” những lời khen ngợi.

Cứ như một số người bình luận, chưa chắc đã đúng, rằng: Đặng Minh Phương … là (xin lỗi nhà báo Đặng Minh Phương) có tý nào đó “bảo thủ”, tý nào đó “cơ hội”. Và Hồn Việt có nhiễm “tý” nào đấy chăng?

Tự do ngôn luận là mục đích, đã có nhiều bước mới, đang tiến dần tới mục đích tuy không phải là gần, bằng phẳng.

Vậy, nói cho cùng “tự do ngôn luận” như Đặng Minh Phương cũng đáng hoan nghênh, thay mặt cho “tự do” của nhiều người, trong đó có cả nhà văn Tô Hoài.

Vậy, dám xin nhà văn lão thành Tô Hoài (đang còn sống ở Hà Nội) cho ý kiến hiện nay của mình về Phạm Quỳnh.

Đ.Đ.

Tháng Mười 5, 2012

Cuốn sách của một nhà báo tài năng trọn đời vì cách mạng

Filed under: Ý kiến — phamquynh @ 12:13 sáng

Blog PhamTon năm thứ 3, tuần 2 tháng 10 năm 2012.

 

Cuốn sách của một nhà báo tài năng

trọn đời vì cách mạng

Nguyễn Minh Ý.

 

Lời dẫn của Phạm Tôn: Đây là toàn văn bài đăng trên trang 5 Văn hóa – Văn nghệ – Thể thao báo Nhân Dân số ra ngày 18/6/2012.

—o0o—

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình Nho học truyền thống, với tư chất thông minh và sự kiên trì rèn luyện, học tập, nhà báo Quang Ðạm (1913 – 1999, tên thật là Tạ Quang Ðệ) đã tự trang bị cho mình vốn hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến văn hóa, xã hội, pháp luật.

Ông đến với công việc báo chí qua sự dìu dắt của đồng chí Trường Chinh, từ đó ông từng bước trưởng thành, được ghi nhận không chỉ là một nhà báo tài năng, mà còn là  học giả có uy tín.

Cuốn sách Một nghề đáng quý (NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011), tập hợp hơn 50 bài viết của nhà báo Quang Ðạm qua các giai đoạn cách mạng và một số bài viết, cảm tưởng của bạn bè, đồng nghiệp về cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, nhân cách của ông. Theo lời kể, thì ông đến với nghề báo rất ngẫu nhiên: “Anh Trường Chinh bảo: “Hôm nay là ngày thành lập Ðảng (3-2-1947) mỗi đồng chí viết một bài cho báo liếp”. Mọi người rất phấn khởi, hào hứng viết. Tôi cũng viết một bài. Ðiều này có ý nghĩa như một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Khi dán lên, anh Trường Chinh đi xem hết lượt, từng bài một, kỹ lắm. Ðến bài của tôi, anh đứng xem một chốc rồi bảo: “Bài này được. Thôi, anh phụ trách tờ báo liếp này”…” (tr.164). Sau đó, tại buổi họp Ban Thường vụ Trung ương Ðảng (có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Ðức Thọ), đồng chí Trường Chinh quyết định đưa Quang Ðạm vào Ban Biên tập báo Sự Thật, dù lúc đó ông chưa là đảng viên. Ông kể tiếp: “Từ đó, tôi trở thành người làm báo chính thức. Tôi nhớ khi đã làm báo Sự Thật rồi, một hôm Bác Hồ gọi vào cho ý kiến để viết bài. Bác hỏi: “Chú làm gì? Trước chú có viết báo không?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu chưa viết báo. Trước cháu làm hướng đạo, thời kỳ ở Cục Thông tin – Bộ Tổng Tham mưu, cháu chuyên làm mật mã”. Bác nói: “Trước chú làm mật mã tức là chú viết một cái gì mà ai không nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được, không sử dụng được. Bây giờ làm báo Sự Thật  thì chú phải làm ngược lại. Chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được”…” (tr.165). Ðây là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời làm báo của nhà báo Quang Ðạm. Từ một người ngoại đạo, được sự dìu dắt, giúp đỡ, tin cậy của đồng chí Trường Chinh, được sự chỉ bảo của Bác Hồ, nhà báo Quang Ðạm đã trưởng thành cùng với lịch sử phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Ông nhớ mãi lời Bác Hồ dặn: “Chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được”, và với ông “câu đầu tiên ấy Bác nói với tôi khi tôi bước chân vào nghề báo, tôi nhớ mãi và thường suy nghĩ để làm cho đúng như thế” (tr.165).

Những bài viết của nhà báo Quang Ðạm không đơn điệu, ông thường đi sâu phân tích, khái quát thành những vấn đề cụ thể. Những bài ở phần đầu cuốn sách như Báo chí Việt Nam trước Cách mạng Tháng TámHai mươi năm phấn đấu vẻ vang và những bài học kinh nghiệm quý báu là sự khẳng định sự nghiệp phát triển báo chí Việt Nam và chặng đường phấn đấu của báo Nhân Dân. Tiếp đó là những dòng tâm sự xúc động, chân tình của ông qua các bài Một cuộc đời làm báo, Con đường báo chí theo Trường Chinh. Ðặc biệt, bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với những người viết báo Việt Nam có thể xem là kinh nghiệm quý báu mà nhà báo Quang Ðạm đã rút đúc từ nghề làm báo. Trong bài này, nhà báo Quang Ðạm đi sâu phân tích, chứng minh những vấn đề có liên quan đến nghề báo, thậm chí đó là sự thành bại của người cầm bút nếu không biết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Phân tích các mối quan hệ cần nắm vững của người viết, ông nêu lên một số việc cần phải lưu ý là quan hệ giữa cái quen dùng và cái hợp lý; quan hệ giữa quy luật chung của ngôn ngữ loài người và đặc điểm của tiếng Việt; quan hệ giữa nhận xét lô-gích, khoa học và cảm xúc thẩm mỹ…

Trong Một nghề đáng quý, chúng ta còn được tiếp xúc một loạt bài viết của nhà báo Quang Ðạm về tư tưởng, triết học, về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam. Một số bài về tư tưởng – triết học ông đã đi sâu nghiên cứu, phân tích và giới thiệu sự ra đời và phát triển, ảnh hưởng của Nho giáo đến xã hội và lịch sử Việt Nam, đồng thời nêu lên một vấn đề quan trọng là tính Ðảng và tính khoa học trong vấn đề biên soạn lịch sử tư tưởng Việt Nam. Ðó là những bài thể hiện tính khoa học cao như: Từ Chiếu dời đô đến Tuyên ngôn độc lập; Nội dung tư tưởng và hình thức văn học của Ðại cáo bình Ngô; Tư tưởng Nguyễn Trãi và tinh hoa Việt Nam; Chủ nghĩa xã hội không tưởng của “Thánh hiền” Nho giáo và chủ nghĩa xã hội khoa học của người cộng sản Hồ Chí Minh; Bàn về hệ thống phạm trù đạo đức học; Tính đảng và tính khoa học trong vấn đề biên soạn lịch sử tư tưởng Việt Nam… Nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam, ông đã viết một số bài chuyên luận sâu sắc, thấm thía như Về văn trong văn hóa; Lịch sử, sử học, sử ký; Một số suy nghĩ về cuốn Từ điển tiếng Việt; Một vài suy nghĩ sau khi đọc cuốn Chuẩn mực hóa và công thức hóa cấu trúc câu văn… Qua những trang viết hấp dẫn và phong phú, Một nghề đáng quý có thể khẳng định đây là bản tổng kết của cuộc đời một nhà báo uyên bác, trung thực, với cái tâm trong sáng, tất cả đều bắt nguồn từ tấm lòng yêu nước, yêu quê hương và yêu nghề sâu sắc. Như nhà báo Quang Ðạm trăn trở: “Muốn làm tròn nhiệm vụ cách mạng vẻ vang của mình, trước hết anh chị em làm báo chúng ta phải cố gắng xác định lập trường cách mạng, thấu suốt đường lối cách mạng, nâng cao giác ngộ cách mạng và trau dồi lề lối làm việc cách mạng”. Những suy nghĩ chân tình này sẽ giúp cho những người làm báo có một lập trường chính trị vững vàng, sống và viết vì sự nghiệp đổi mới cách mạng của đất nước.

Phần cuối cuốn sách là bài viết của các đồng nghiệp, những người bạn nhiều năm đã cùng nhà báo Quang Ðạm chiến đấu trên mặt trận báo chí. Các tác giả viết về ông bằng những lời trân trọng, quý mến, như cố nhà báo Hoàng Tùng khẳng định: “Ðọc Quang Ðạm, ai cũng thấy phong cách một người viết nghiêm túc từ chiều sâu nội dung, kết cấu, ngôn ngữ, chính tả, chấm câu, xuống dòng… Phải là một người có trình độ học vấn cao, ý thức trách nhiệm đầy đủ trước người đọc mới có thể làm được như vậy. Ngày nay mặt bằng trí thức của xã hội ta đã khác ngày xưa rất nhiều, song phong cách, ý thức trách nhiệm của người viết báo vẫn phải như Quang Ðạm” (tr.809).

N.M.Y.

 

Blog tại WordPress.com.